Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]             [ Tác giả

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHẬT BẢN 

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân 

PHẦN I : TỪ THƯỢNG CỔ ĐẾN NAM BẮC TRIỀU

Chương II: Nhà nước luật lệnh thành hình và phát triển. 
Tiết 1: Chính trị triều Suiko và văn hóa Asuka
1.1  Tiến dần về thể chế trung ương tập quyền

Giai đoạn từ thế kỷ thứ 5 cho đến giữa thế kỷ thứ 6 là lúc chính quyền Yamato bước những bước dài về mặt chính trị. Từ khóa (key words) của thời kỳ này là chính sách "trung ương tập quyền". Ta hãy thử xem sự tập quyền hóa vào trung ương đã xảy ra như thế nào vào thời điểm đó? Khái niệm trung ương tập quyền cần được giải thích rõ ràng để hiểu lịch sử Nhật Bản bởi vì ta sẽ gặp nó một lần khác nữa vào Thời kỳ Meiji.

Trước hết, có một tổ chức, cụ thể trong trường hợp này là tổ chức chính trị của triều đình Yamato. Ở trung tâm của chính quyền đó và nơi cao hơn cả, có một đại vương (sau là thiên hoàng) đứng đầu và mọi quyền lực sẽ phải tập trung vào người đó. Cả một hệ thống quan liêu chủ yếu thuộc thành phần hào tộc sẽ được tổ chức thành cơ cấu nhất trí ở bên dưới và xoay chung quanh quyền lực trung ương này.

Cho đến lúc đó, chính trị ở vùng Đông Á, từ bán đảo Triều Tiên cho đến quần đảo Nhật Bản đều ở trong một tình trạng dao động kéo dài. Trên bán đảo Triều Tiên, ta đã biết thế lực Kôkuri (Cao Cú Li) đang từ miền bắc lan dần xuống phía nam (Bình Nhưỡng và Hán Thành đều thuộc vào lãnh thổ Kôkuri). Miền đông của bán đảo - tay mặt - là vị trí của quốc gia Shiragi (Tân La). Bên phía tay trái chúng ta (nhìn vào sách) tức miền tây bán đảo, đó là Kudara (Bách Tàn hay Bách Tế). Ở giữa và nằm ở cực nam bán đảo là một tập hợp gọi là các nước Kaya.Như thế, trên bán đảo Triều Tiên lúc ấy đang ở trong một tình trạng chia cắt với tất cả 4 thế lực chính trị.

Vào giữa thế kỷ thứ 5, thế lực Kôkuri bám chắc rễ và càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, bức bách Kudara và Shiragi. Thế nhưng qua đến thế kỷ thứ 6 thì hai nước bị áp bức dần dần chỉnh đốn thể chế hòng quật ngược lại Kôkuri và cùng lúc, tiến xuống vùng cực nam. Đến năm 562 thì hai nước Kudara và Shiragi đã chi phối được tập hợp các nước Kaya, giải đất mà Nihon shoki mệnh danh là Mimana (Nhiệm Na).

Cho đến lúc đó Nhật Bản cũng đã từng nới rộng ảnh hưởng của mình đến phía nam bán đảo nhưng mắc phải sai lầm là đem cắt nhường 4 huyện trong đất Mimana cho Kudara và vì lý do ấy mà buộc lòng phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên sau đó.

Liên quan đến việc mất 4 quận Mimana này, người ta cho rằng đó là trách nhiệm của Ôtomo no Kanamaru bởi vì đại thần này đã nhận của đút từ tay người Kudara. Có lẽ đó là đầu mối cho sự mất hết thế lực trên chốn quan trường của ông ta.

Sau đó, ở Nhật bắt đầu thời cai trị của Thiên Hoàng Keitai (Kế Thể). Vào thời chính quyền Yamato, khoảng đầu thế kỷ thứ 6, chức Yakko của vùng Chikushi no Kuni (đảo Kyuushuu) là Iwai đã cấu kết với những thế lực trên bán đảo Triều Tiên để mưu toan phản loạn. Mặt khác, chính quyền Yamato cũng đã thiết lập các vùng cai quản trực tiếp gọi là miyake (đồn thương) và củng cố việc phối trí các nông nô trực tiếp chịu lệnh của mình (những nashiro no be) ra khắp nơi gây ra những cuộc xung đột mãnh liệt giữa những tay hào tộc địa phương với nhau.

Như đã nói, họ Ôtomo từ sau hành động thất sách của Otomo no Kanamura trên bán đảo Triều Tiên đã mất thế đứng. Dưới thời Thiên hoàng Kinmei (Khâm Minh), thì họ Otomo bị họ Mononobe thay trong chức vụ Ômuraji vốn có thế lực to lớn trong hệ thống chính quyền Yamato. Họ Mononobe lại phải đương đầu với một thế lực mới lúc đó đang lớn  lên rất mạnh: đó là họ Soga vậy.

Họ Soga từ lâu đã biết liên kết với người nhập cư (độ lai nhân = toraijin). Hơn nữa, dòng họ này đảm nhiệm việc trông coi kho báu của hoàng gia. Ba kho ấy một là Imikura (Trai tàng) gồm các món đồ quí, hai là Uchitsukuru (Nội tàng) gồm tài vật của hoàng thất, và ba là Ôkura, (Đại tàng), tài sản của chính phủ. Ngoài việc trông coi Tam tàng (Mítu no kura), còn khiến cho họ dính líu cả đến việc kinh doanh các miyake.

Nhận lãnh phần việc về tài vụ, họ Soga phải là những người có tài năng , tầm cỡ tương xứng. Ngoài ra, phải kể đến họ Mononobe là những người phụ trách quân sự cho triều đình Yamato.

Hai gia đình quí tộc nói trên đã đối chọi với nhau chung quanh một vấn đề tưởng chừng khá đơn giản. Nó xoay chung quanh cuộc tranh luận về sự tiếp nhận Phật giáo hay không. Họ Soga, qua người trưởng tộc Soga no Iname, muốn đón tiếp Phật giáo. Trong khi đó họ Mononobe -với Mononobe no Okoshi - thì lại phản đối. Phái này cho rằng nếu thờ một ông thần đến từ nước ngoài như thế thì các vị thần sở tại sẽ nổi giận và gieo tai ách cho cả nước.

Tại sao họ Soga lại đề nghị tiếp thu đạo Phật? Người ta cho rằng chung quanh căn cứ Asuka nơi họ Soga sống, vốn có rất nhiều cứ điểm sinh hoạt của người nhập cư. Nhân sự giao lưu giữa cánh nhà Soga và các nhóm người nhập cư vốn rất gần gũi thân mật nên họ ủng hộ lập trường của người nhập cư. Họ Soga được cái lợi là lợi dụng vốn liếng kiến thức kỹ thuật của người nhập cư, rất quan trọng cho đời sống kinh tế của nhà nước. Mặt khác, tinh thần của tập đoàn Soga phóng khoáng hơn, nhìn xa thấy rộng hơn, hiếu kỳ trước những điều mới mẻ chứ không bảo thủ, co cụm như cánh Mononobe.

Diễn tiến của cuộc tranh phong giữa hai nhóm hào tộc này hãy còn được nhắc tới trong những trang sau nhưng kết luận cho thấy ngay là họ Soga đã chiến thắng. Tộc Soga trở thành hào tộc đầu bảng và một người trong Hoàng tộc có mang dòng máu của họ, Shôtoku Taishi (Thái tử Thánh Đức, tên hiệu sau khi mất của Hoàng tử Umayado) sẽ dẫn đầu nền chính trị của triều đình Nữ thiên hoàng Suiko (Thôi Cổ).
 

Năm thiên hoàng không rõ hành tung phỏng định đã trị vì vào thế kỷ thứ 6
Tên Thời kỳ trị vì Tên Thời kỳ trị vì
Ankan (An Nhàn 27) 531-36 Bidatsu (Mẫn Đạt, 30) 572-85
Senka (Tuyên Hóa, 28) 536-39 Yômei (Dụng Minh, 31) 585-87
Kinmei (Khâm Minh, 29) 570-71    

Điểm chung của các thiên hoàng này là họ không để lại sự tích gì. Tuy nhiên vì đều trị vì trong một thời gian ngắn ngủi, họ có vẻ là người thật, khác với người của thế giới thần thoại như các thiên hoàng từ Keitai (26) trở về trước.Thái thử Shôtoku là con trai của Thiên hoàng Yômei.

1.2 Văn hóa và chính trị chịu ảnh hưởng Phật giáo

Vào thế kỷ thứ 6, đại lục Trung Quốc được thống nhất trở lại vào năm 589 sau 400 năm chia cắt, nhờ vào công sức của nhà Tùy (kiến quốc năm 581). Cũng trong khoảng thời gian đó, vị nữ hoàng đế của Nhật Bản đã ra đời. Đó là nữ thiên hoàng Suiko. Thời bà trị vì, giao lưu chính trị giữa Nhật và nhà Tùy rất khởi sắc, nhất là kể từ năm 607, khi Nhật Bản gửi chính sứ Ôn no Imoko (Tiểu Dã, Muội Tử) làm chuyến kenzuishi (khiển Tùy sứ).

Lúc đó, bên trong chính quyền Yamato, họ Soga âm thầm chuẩn bị cho cuộc tranh đoạt quyền hành. Thế rồi, cao điểm của âm mưu này là việc loại trừ thành công sự đối lập của Mononobe Moriya (Thủ Ốc) bởi bàn tay của Soga no Umako (Mã Tử) vào năm 587.

Như đã nói, hai họ Soga và Mononobe vốn tranh cãi với nhau về việc có tiếp thu Phật giáo từ nước ngoài vào hay không? Từ lâu, họ Soga đã lập được mối quan hệ mật thiết với nhóm người nhập cư, tín đồ của tôn giáo này. Sau khi đã loại trừ được thế lực chống đối là Mononobe, cánh Soga cùng với Thái tử Shôtoku đã bắt đầu xây đắp trên mảnh đất Asuka (Phi Điểu) một nền văn hóa Phật giáo đầu tiên của Nhật Bản. Đó là sự khai hoa của văn hóa Asuka.


 Tượng bồ tát chùa Kôryuuji (Quảng Long Tự) 
nét mềm mại chịu ảnh hưởng điêu khắc Triều Tiên

Do đó, ngôi chùa được xem như biểu tượng cho thời kỳ này có tên là chùa Asuka (Phi Điểu Tự), còn có tên khác nữa là Hôkôji (Pháp Hưng Tự).Ngôi chùa này được xây lên sau khi có sự phát nguyện (tin theo đạo) của nhà Soga. Ngoài ra còn có chùa Shitennoji (Tứ Thiên Vương Tự) và chùa Ikarugadera (Ban Câu Tự, cũng có tên khác là Hỏryuuji (Pháp Long Tự), xây thêm sau khi Thái tử Shôtoku phát nguyện. Nó bắt đầu cho một trào lưu bởi vì từ đó về sau, lớp hào tộc sẽ đua nhau xây cất chùa riêng cho dòng họ mình (tục gọi là ujidera hay chùa họ).


Mùa xuân ở Hôryuuji (Pháp Long Tự)

Nhân nói về Hôryuuji thì theo lời ghi chép trong cuốn cổ sử Nihon shoki, nó đã bị thần hỏa thiêu rụi vào khoảng năm 670. Từ thời Meiji trở đi, một cuộc bàn cãi kịch liệt đã mở màn giữa các sử gia và các nhà kiến trúc xem Hôryuuji cũ vẫn còn y nguyên hay chỉ được xây lại sau này. Mãi đến năm 1939, người ta mới tìm được trong khu vực gọi là Saien dấu tích một già lam (samghârâma) gọi là dấu tích già lam Wakakusa (Wakakusagaran.ato), nơi các tăng lữ cư trú. Cuộc điều tra cho thấy thực sự đã có một trận hỏa tai rất lớn xảy ra vào hậu bán thế kỷ thứ 7 và những tòa kim đường (kondô) hay tháp năm tầng (gojuutô) hiện hữu là những gì đã được xây lại sau đó.

Thế nhưng cách phối trí các già lam (gồm kim đường, tháp, giảng đường, trung môn, bộ lang, nam đại môn) dưới thời văn hóa Hyakuhô cũng có khác thời Nara đến sau.. Điều đáng chú ý hơn cả là ở chùa Asuka (văn hóa Hyakuhô) người ta xem tháp chứa xá lợi ( di cốt của Phật Thích Ca) như là trung tâm của tập thể kiến trúc bao quanh bằng 3 kim đường trong khi ở (chùa) Tôdaiji hay Daianji thì nơi hành lễ tức kim đường mới được xem như là trung tâm và tháp lại bị đặt ra ngoài khuôn viên chính. Trung tâm dĩ nhiên là nơi quan trọng nhất, như vậy ta biết mỗi thời, nhà chùa xem cái gì là quan trọng nhất đối với họ.

Tượng Phật đặt trong chùa thường là tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân. Họ là những "Phật sư" (busshi) như Kuratsukurinotori (còn gọi là Tori-busshi). Ông ta rất nổi tiếng và tác phẩm Shaka Sanzonzoô (Thích Ca tam tôn tượng) đặt ở kim đường chùa Hôryuuji với cách diễn tả trên khuôn mặt có nhiều điểm tương đồng với các tượng Phật tạc theo phong cách thời Bắc Ngụy, được xem như là kiệt tác. Trong khi ấy, tượng gỗ các vị Phật hay bồ tát Hanka shuizô ngồi trầm tư (Bán già tư duy tượng) ở các chùa Chuuguuji (Trung Cung Tự) và Kô ryuuji (Quảng Long Tự) và Kudara Kannonzô (Bách Tế Quan Âm tượng) thì tròn trịa mềm mại hơn, theo một cung cách khác hẳn với Bắc Ngụy. Về mặt hội họa hay mỹ nghệ thì còn phải nói đến một đặc sắc của mỹ nghệ thời ấy: cái khám thờ (zushi) có tên là tamamushi no zushi, chuyên môn chứa đựng các tượng Phật cỡ nhỏ, đặt ở Hôryuuji. Từ mái che cho đến điện thờ nơi tượng Phật ngự tất cả chỉ có 230 cm.

Sau khi Soga đã dẹp được Mononobe rồi, vào năm 592, họ còn cả gan tổ chức thành công việc đâm chết Thiên hoàng Sujun (Sùng Thần, tại vị 588-592) ở Yamato no Aya no ataikoma, một thiên hoàng có thái độ phản đối việc làm của họ. Nhân đó mà Nữ thiên hoàng Suiko mới có dịp tức vị. Thành ra vị nữ hoàng đế đầu tiên của Nhật là người được thủ lĩnh họ Soga là Umako, đưa lên. Giúp Suiko trị nước là người cháu gọi bằng cô của bà, Shôtoku Taishi (Thánh Đức thái tử), một hoàng thân mà cha mẹ đều có dòng máu Soga và đã được Soga Umako nuôi dạy. Ông vừa có khả năng lên ngôi vua (vì là hoàng thái tử), vừa đóng vai phát ngôn viên của cô mình vừa giữ nhiệm vụ nhiếp chính. Cả 3 người nói trên đều mang chung tên bắt đầu bằng chữ S (Suiko, Soga, Shôtoku). Họ biết hiệp lực để gây dựng một trục 3 S hùng mạnh để ủng hộ thể chế trung ương tập quyền.
 

 
Kinmei (540-71)
 
 





|
|
|
 |
|
Bibatsu(572--85)
Sujun (588-92)
Yômei (585-87)
Suiko (593-628)
(mẹ là họ Soga)
21 người con khác
|
 
|
 
 
17 người con
 
Thái tử Shôtoku (572-622)
cha mẹ đều có dòng máu Soga.
 
 

1.3 Chính trị nội bộ thời Thiên hoàng Suiko

Xin bàn tiếp nơi đây về nội chính Nhật Bản dưới thời Nữ thiên hoàng Suiko, đặc biệt là quan chế đầu tiên được lập ra trên đất nước này vào năm 603. Hệ thống quan lại đó mang tên Kan.i juunikai (Chế độ quan lại mười hai cấp bậc).

Trong chế độ này quan lại trước tiên được chia theo 6 bậc dựa vào 6 đức tính: đức, nhân, lễ, tín, nghĩa, trí trong phạm trù luân lý Trung Quốc, sau đó 6 bậc này lại chia thành hai loại đại và tiểu để có tất cả 12 trật.Cùng lúc, mũ của các quan chia theo 6 sắc là tím, xanh, đỏ, vàng, trắng và đen. Tùy theo công trạng và tài đức cá nhân, các quan được cử vào những chức vụ ấy. Điều này ngược lại khuynh hướng trước đây là phong chức theo tập ấm, thế tập (chế độ thị tính). Từ đây, vì chỉ dựa vào năng lực cá nhân để tuyển dụng nên điều đó đã kích thích họ cho nên năng lực cá nhân cũng được phát triển mạnh mẽ.

Chính sách dùng người theo năng lực đã mở ra được cánh cửa mà chế độ thế tập đã khép lại cho đến lúc đó.
 


Nữ thiên hoàng Suiko

Những người phụ nữ đáng kể trong lịch sử cổ đại

Đầu tiên đã đem ánh mặt trời chiếu sáng nước Nhật là một người đàn bà: Thiên Chiếu đại thần (Amaterasu) trong thần thoại. Tiếp sau đó là nữ vương Himiko và Iyo, hai nhà lãnh đạo đầu tiên của nhà nước Nhật Bản. Họ mang tính chất cô đồng của một xã hội còn ở trong vòng ảnh hưởng của thần linh bùa chú. Người đàn bà cầm quyền vì được xem như một "linh môi" (môi thể linh thiêng tiếp xúc được với các thần).Những ngẫu tượng (doguu) bằng đất nung thời Jômon với cặp vú lớn và cái bụng nở cũng cho ta thấy rằng người thượng cổ bị ấn tượng mạnh trước khả năng sinh thực của phụ nữ, mà cuộc sống thái cổ chỉ có thể tồn tại nhờ ở khả năng sinh thực của đất đai hoa màu. Bước qua thời Yayoi , khi đàn ông vắng nhà đi săn bắn và cuộc sống còn dựa trên hái nhặt, phụ nữ vì có đóng góp lao động nên hãy còn có tiếng nói. Đến khi kinh tế nông canh phát triển, đàn ông hầu như nắm vai trò chủ đạo. Họ đã dồn phụ nữ váo một vai trò thấp hơn. Tương quan lực lượng giữa hai bên không còn như trước và thời đại mẫu hệ dần dần khép lại.

Chế độ mẫu hệ khác với chế độ mẫu quyền, các con được nuôi ở nhà mẹ và vai trò quan trọng trong gia đình không ở trong tay của chính người mẹ mà là nơi các anh em trai của mẹ. Những nữ thiên hoàng đầu tiên thường thường có sự trợ giúp của một người nam. Ví dụ các cặp sau đây:

          -Thiên hoàng Chuuai và Hoàng hậu Jinguu
          -Nữ thiên hoàng Suiko và Thái tử Shôtoku
          - Nữ thiên hoàng Saimei và Hoàng tử Naka no Ôe

Ngay Nữ vương Himiko có một người em trai theo giúp đỡ. Nữ thiên hoàng Kôken (Shôtoku) cũng phải dựa vào tăng Dôkyô. Tuy vậy cũng có những nữ thiên hoàng không lấy chồng mà vẫn trị được nước một mình.

Nhật Bản có 10 đời nữ thiên hoàng ( 8 người theo thứ tự thời gian) là 33 Suiko , 35 Kôgyoku ( cũng là 37 Saimei), 41 Jitô, 43 Genmei, 44 Genshô, 46 Kôken (cũng là 48 Shôtoku), 109 Meishô và 117 Go-Sakuramachi. Ngoài Meisho thuộc thế kỷ 17 và Go-Sakuramachi thế kỷ 18, các nữ thiên hoàng đều là người cổ đại tức trước thế kỷ thứ 9.

Các nữ thiên hoàng từ thế kỷ thứ 6 trở đi không phải là những nữ đế cô đồng của thế kỷ thứ 5 về trước. Họ đều có kinh nghiệm làm hoàng hậu, chỉ lên ngôi tạm thời sau khi chồng chết để tránh một cuộc nội loạn có thể xảy ra do khả năng tranh chấp ngai vàng giữa các hoàng tử được những nhóm quí tộc ủng hộ. Tuy nhiên, Suiko và Kyôgoku là hai nữ đế vẫn còn mang chút tính cách đồng cốt của thời đại Yamatai. Suiko được mệnh danh là người dọn đồ cúng cho các thần, còn Kyôgoku đã có lần lập đàn cầu mưa thành công. Đến thế kỷ thứ 8, lại xuất hiện thêm một loại hình nữ đế mới, đó là trường hợp Genshô. Bà chưa bao giờ đóng vai hoàng hậu và chỉ là một công chúa chưa chồng. Tuy nhiên điểm chung của các nữ thiên hoàng nói trên là đều lên ngôi tạm thời để giữ hoà bình trong khi chờ đợi một thiên hoàng nam giới.Chính trị thỏa hiệp kiểu này hãy còn dấu vết trong xã hội Nhật Bản hiện đại.

Ngoài các nữ thiên hoàng, phụ nữ thời cổ đại còn có những người đóng vai trò quan trọng trong hậu cung như bà Tachibana no Michiyo, vợ sau của quyền thần Fujiwara Fuhito. Lợi dụng vai trò nữ quan tín cẩn suốt ba đời nữ thiên hoàng, bà đã giúp chồng gài con gái (sau là Hoàng hậu Kômyô) vào cung để thành lập một chính quyền ngoại thích đầu tiên.Cũng cần nhắc thêm hai người phụ nữ quan trọng khác: Ôtomo no Sakanoue no Iratsume, nữ thi nhân số một thời Vạn Diệp, rất đa tình, có 3 đời chồng, và Fujiwara Kusuko, người cầm đầu một cuộc đảo chính, thất bại, phải tự sát.

Quan trọng thứ hai sau quan chế là bản Hiến pháp 17 điều (Kempô Juushichijô) ra đời vào năm 604. Nó là một loạt những chỉ thị để người được cử ra làm việc nước phải ghi nhớ trong lòng. Gọi là "hiến pháp" nhưng đối với người ngày nay nó chỉ là bộ luật qui tắc đạo đức luân lý mà tầng lớp công chức phải làm điểm tựa noi theo khi làm việc đó thôi. Nó không thể xem như các bản hiến pháp mà chúng ta nói đến bây giờ.

Đến đây, chúng ta hãy từ trong các sử liệu xem hiến pháp (hay một loạt chỉ thị) này có những điều gì người công chức ngày xưa cần phải ghi nhớ:

Trước hết, như trong điều 1 đã ghi: "Thực hiện chữ dĩ hòa vi quí" (Wa wo motte tattoshi to nashi), mọi người phải ăn ở với nhau một cách hòa thuận, không ai nghịch lại ai cả.Ngoài chữ Hòa, còn phải giữ được Lễ và Tín Nghĩa nữa.Trong 17 điều của hiến pháp, ta thấy đòi hỏi tôn trọng đạo đức được xem như một việc ưu tiên. Phần lớn đây là ảnh hưởng của Nho giáo.

Điều thứ 2 là "Hãy đốc kính tam bảo!" (Atsuku sanpô wo uyamae). Điều này có nghĩa phải tưởng lệ Phật giáo. Tam bảo là Phật, pháp và tăng vậy. Ngoài ra, phải vâng phục chiếu chỉ của Thiên Hoàng cũng như không được phép lược đoạt tài sản của nhân dân.

Việc tưởng lệ Phật giáo ở Nhật khá dễ hiểu vì Nhật là một quốc gia đã từng ra chiếu chỉ "hưng long Phật pháp" vào năm 594. Trên thực tế, Shôtoku Taishi còn viết sách chú thích 3 kinh quan trọng như Hokekyô (kinh Pháp Hoa), Yuimakyô (kinh Duy Ma), Shômankyô (kinh Thắng Mạn) trong bộ sách có nhan đề là Tam Kinh Nghĩa Sớ (Sangyogisho). Điều ấy cũng chứng tỏ vào thời gian này, việc nghiên cứu đạo Phật ở Nhật rất phổ biến.

Ta cần phải nhắc đến việc Thái tử Shôtoku và đại thần Soga Umako đã ra chỉ thị soạn cho những cuốn sử như Tennoki (Thiên hoàng kỷ) và Kokki (Quốc ký). Điều đó cho thấy đã có một ý thức về quốc gia thành hình trong quá trình xây dựng một đất nước mà trung tâm là thiên hoàng và ước vọng muốn lưu truyền ý thức đó lại cho hậu thế.


Thái tử nhiếp chính Shôtoku

Sở dĩ người Nhật có thể làm công việc ghi chép những sự kiện đã xảy ra trong dòng thời gian theo năm tháng là vì từ năm 602 đã có nhà sư người Kudara (Bách Tế) tên Kanroku (Kwalleuk, Quán Lặc) đã đem sách nói về thiên văn, lịch pháp và địa lý truyền vào, cũng như đã có tăng người Kokuri (Cao Cú Li) tên Danchô (Đàm Trưng) du nhập giấy mực. Ngày nay chúng ta coi những chuyện ghi chép các sự kiện và biên soạn sách sử thế như một điều dễ dàng và hiển nhiên nhưng đới với người xưa, đó là một sự việc có tầm quan trọng lớn lao và không thể nào bỏ qua cho được.
 

Những nhà truyền bá thời Phật giáo vừa đến Nhật

Nói về đời sống tinh thần của giai đoạn lịch sử các đại vương nước Yamato mà không nói đến Phật giáo là một điều thiếu sót. Tuy lúc đó có nhiều vị cao đức nhưng bốn nhân vật sau đây được người đời sau nhớ đến nhiều nhất vì họ là những nhà truyền bá đã đem đến cho Phật giáo Nhật Bản những nét đặc trưng.

Người thứ nhất phải nói đến là Thái tử nhiếp chính Shôtoku (574-622). Về hành trạng của ông như một nhà chính trị thì rất nhiều và đã nhắc đến bên trên. Những điều khác đáng nhớ nơi ông là việc ông đã xây dựng hai ngôi chùa quan trọng là Shitennôji (Tứ thiên vương tự) và Hôryuuji (Pháp long tự), ngoài ra, lúc vãn niên, sống trong cô độc và hầu như bị loại khỏi chính trường, ông lại dành thời giờ chú thích ba bộ kinh văn. Trong khi Phật giáo Trung Quốc đặt trọng tâm vào Niết Bàn Kinh thì ông lại sớm nhìn thấy một chiều hướng mới, xem (như Thiên Thai đệ tam tổ Trí Khải đời Tùy) Pháp Hoa Kinh (Diệu pháp liên hoa kinh) mới xứng đáng là kinh điển hàng đầu. Lối khai triển đặc sắc này sẽ được Nichiren (Nhật Liên), Shinran (Thân Loan), những cây đại thụ của Phật giáo Nhật Bản tiếp thu. Shinran đã gọi ông là Wakoku no Kyôshu (Giáo chủ của nước Wa). Tên gọi Shôtoku (Thánh Đức) có màu sắc đạo Lão này chỉ có từ năm 751, sau khi ông mất đã lâu.

Người thứ hai là một tăng nhân quan trọng của thời Asuka-Nara và sống sau Thái tử Shôtoku: En no Ozunu (En no Gyôja, cuối thế kỷ thứ 7, đầu thứ 8). Ông tu trên núi Kasuragi no yama (Cát thành sơn), sau khai sơn ở Kinbusen (Kim phong sơn) trong xứ Yamato. Ông là tổ của những nhà sư vân du (gyôja = hành giả) có cái tên đặc biệt là shugenja (tu nghiệm giả), đội nón như bát úp, để tóc dài, cầm tích trượng, đeo ốc loa, mang gùi trên lưng, du hành trong núi (sơn nhạc tăng). Bị sàm báng, ông mang tội lưu đày đến xứ Izu. Đời thường ca tụng ông là người biết chữa bệnh, cầu mưa, có pháp thuật thần thông đi mây về gió. Giai thoại linh dị về ông đếm không xiết. Tuy nhiên điểm đặc sắc của ông là việc kết hợp Phật giáo với Thần đạo. Nước Nhật vốn nhiều núi, người Nhật lại tin rằng trong núi có thần, cho nên một khi Phật vào trong núi thì sẽ gặp thần và cuộc gặp gỡ đó phải nẩy sinh ra một sự kết hợp nào đó. Ảnh hưởng của ông (tư tưởng sơn nhạc và du hành) đã được truyền bá rộng rãi đến những người đi sau như Taichuu (Thái Trừng), Ryôben (Lương Biện),Gyôki (Hành Cơ) cũng như người hoàn thành việc kết hợp thần Phật là Kuukai (Không Hải).

Người thứ ba là tăng Gyôki (Hành Cơ, 668-749). Ông sinh trong một gia đình dân nhập cư xứ Kawachi. Tuy cha mẹ còn để lại tên tuổi nhưng ông là con tư sinh, cảnh nhà nghèo túng, thuở nhỏ phải theo mẹ đi cấy thuê. Năm 15tuổi (682) đã xuất gia, 24 tuổi vào chùa Takamiyashi (Cao Cung Tự) thụ giới tăng Tokukô (Đức Quang).Sau đó lại theo học tăng Dôshô (Đạo Chiêu) chùa Yakushiji (Dược Sư Tự). Ông có tài hùng biện, mỗi lần thuyết pháp, dân chúng đến nghe rất đông nên bị triều đình xem như là kẻ rao giảng tà thuyết, mê hoặc lòng người. Thế nhưng người ta nhắc đến ông nhiều vì tinh thần phụng sự xã hội: làm đường, xây cầu, đào mương ao, mở cơ sở gọi là fuseya (bố thí ốc) cho người vô gia cư hay lữ khách trú ngụ qua đêm mà không lấy tiền.Vì đã từng sống cuộc đời một tăng lữ vân du nên ông có thể huy động một lực lượng nhân công lớn cho những công tác thổ mộc ấy. Ông cũng cho tu tạo nhiều tượng Phật, thường bằng gỗ, rất đơn sơ và có dị tướng như thể vừa là dùng như tượng Phật lại có thể dùng như tượng thần. Việc làm tượng bằng gỗ rất có ý nghĩa vì người Nhật cho rằng thần linh có mặt trong cây cối.

Sau đó, đứng trước uy tín của ông, nhà nước vì muốn đoàn kết dân tộc sau khi chịu một chuỗi tai họa, đã đổi giận làm lành, ca ngợi công đức "giáo hóa chúng sinh" và phong cho ông cả chức Daisôjô (Đại tăng chính) là địa vị tối cao trong hàng giáo phẩm. Có người trách Gyôki để bị mua chuộc nhưng học giả Umehara Takeshi[1] lại cho rằng Gyôki không hề thay đổi, chỉ có nhà nước thay đổi mà thôi.

Người thứ tư là tăng Ganjin (Giám Chân, 688-763). Nói về ông, người ta nghĩ ngay đến giới luật và hình ảnh một nhà tu hành nghiêm cẩn, khắc khổ. Ngoài ra cũng biết về ông như một người ý chí sắt đá và có lòng cứu nhân độ thế. Lúc đã lớn tuổi mới từ bỏ quê hương Trung Quốc để đến Nhật. Năm lần lên thuyền, năm lần thất bại, chịu bao nhiêu khổ cảnh từ bị mật báo, bắt giam, bỏ ngục, truyền trôi dạt, thuyền đắm đến mù lòa. Cuối cùng ông đã vượt qua tất cả, khi đến Nara thì đã 66 tuổi. Ông được Thiên hoàng Shômu và hoàng thất trọng vọng, phong hiệu Truyền Đăng đại sư và đã cất cả ngôi chùa riêng là Tôshôdaiji (Đường chiêu đề tự) với kiến trúc mô phỏng Trung Quốc cho ông tu hành.

Khi Phật giáo tiểu thừa với tư tưởng cấm dục của nó đã nhường bước cho tư tưởng khẳng định sinh mệnh của Phật giáo đại thừa thì cái nguy cơ buông thả và trụy lạc của người tu hành hiện ra rõ rệt. Để tránh sự tục hoá của tăng ni, giới luật rất cần thiết. Nhà nước Nhật Bản hiểu rõ điều đó nên đã mời Ganjin sang dạy họ. Truyện ký của ông cho biết ông người Dương châu, trước khi đi tu là họ Thuần vu (con cháu nhà hùng biện Thuần vu Khôn nước Tề). Sau khi xuất gia đã thụ giáo giới luật với sư Kôkei (Hoằng Cảnh) và trở thành nhà chuyên môn trong địa hạt này. Nghe lời mời khẩn thiết của các sứ giả, ông đã đến Nhật, lập ra chế độ "tam sư thất chứng" buộc người đi tu phải được tha nhân kiểm chứng kỹ lưỡng về mặt đạo đức. Trên từ thiên hoàng, hoàng hậu, dưới đến chúng tăng đều phải chấp hành chế độ đó.Làm như thế là để tránh cái cảnh "trốn việc quan đi ở chùa" của người nước đã dẫn đến việc triều đình thất thu về thuế khoá và việc đạo đức sư sải xuống cấp. Tuy nhiên, Ganjin đã từ chức sau hai năm giữ chức Daisôzu (Đại tăng đô). Ông chỉ thành công có một phần vì trong giáo hội thời đó đã xảy ra những vụ hủ bại đạo đức ngay từ bên trên. Trước khi ông đến đã có vụ Genbô (Huyền Phưởng), sau khi ông đến lại có vụ Dôkyô (Đạo Kính) cả hai đều là những tăng lữ cao cấp vì được thái hậu, hoàng hậu, nữ thiên hoàng sủng ái làm thương luân bại lý, tạo nên sự cố suýt xiêu đổ chính quyền.

Nhân đây cũng nên nhắc đến hai tăng lữ ngoại quốc từng đặt chân lên đất Nhật vào thời Nara. Đó là Bodai Senna (Bồ Đề Tiên Na, 704-760), một cao tăng Ấn Độ đã dự lễ khai nhãn Đại Phật năm 751 cùng với tăng người Lâm Ấp (nay là miền Trung Việt Nam) là Buttetsu (Phật Triết, năm sinh và mất không rõ). Hai ông được mời từ nhà Đường sang. Gyôki đã đón hai ông về chùa Daianji năm 736. Bodai Senna được phong đến chức tăng chính, còn Buttetsu đã truyền bá ca vũ và âm nhạc Lâm Ấp. Ông cũng mang sang Nhật nhiều kinh điển Mật tông.

1.4 Gửi sứ giả sang nhà Tùy

Chúng ta đã bàn đến văn hóa (văn hóa Asuka) và chính trị đối nội của Nhật Bản, cũng thấy rằng trong hai lãnh vực nói trên, ảnh hưởng của đại lục thật lớn lao. Bây giờ hãy trở lại để kết thúc câu chuyện Nhật Bản đã gửi sứ giả sang nhà Tùy như thế nào.

Ta đã biết thế kỷ thứ 6 là thời điểm Nhật Bản có những biến chuyển đáng lưu ý về mặt đối ngoại. Chính sách đối ngoại ấy, vì những thất sách của đại thần Ôtomo no Kanemura mà Nhật đã mất đi ảnh hưởng ở vùng nam Triều Tiên (trên các tiểu quốc Kaya) mà họ đã giữ được cho đến năm 562 và bắt buộc phải triệt thoái khỏi bán đảo.

Đến khi triều đại Suiko bắt đầu, chính sách đối ngoại của Nhật Bản đã có một sự thay đổi rõ rệt. Chủ trương lớn của nhà nước là quốc giao với Tùy. Mục đích không gì khác hơn là hấp thu văn hóa xán lạn của Trung Quốc hòng tăng thêm uy thế cho triều đình của mình.

Do đó, Nhật Bản phái sứ giả Ono no Imoko sang bên đó và sự kiện này được ghi trong sử Nhật Bản là kenzuishi (khiển Tùy sứ). Thế nhưng nội dung cái quốc thư mà Ono no Imoko trình lên hoàng đế nhà Tùy đã tạo nên một sự cố ngoại giao.

Sách Tùy Thư phần Nụy Nhân Truyện có chép về lời chào hỏi mào đầu trong quốc thư đó như sau: "Thiên tử nước mặt trời mọc gửi cho thiên tử nước mặt trời lặn để thăm hỏi ngài có mạnh khỏe không?". Chỗ mặt trời mọc (nhật xuất xứ) dĩ nhiên dùng để chỉ Nhật Bản và thiên tử có nghĩa là thiên hoàng. Trong khi đó, nước mặt trời lặn (nhật một xứ) ám chỉ nhà Tùy và thiên tử của họ không ai khác hơn là Dượng Đế.

Đọc thư xong, Dượng Đế nổi giận phán "Bọn man di thật vô lễ!". Dĩ nhiên là như thế bởi vì trong quan hệ quốc tế với các nước ở Á Châu, Trung Quốc lúc nào cũng coi mình là thượng đỉnh, là trung tâm. Nhật Bản qua lá thư đó, muốn tạo cho mình một quan hệ bình đẳng thì việc hoàng đế Trung Quốc có giận dữ cũng là chuyện dễ hiểu.

Thế nhưng Tùy Dượng Đế không phải là ông vua tầm thường. Tuy khó chịu về lời lẽ trong quốc thư, chỉ một năm sau khi Ono no Imoko về nước, ông đã gửi viên sứ thần Bùi Thế Thanh sang đáp lễ. Lại nữa khi Ono no Imoko đến Tùy lần thứ hai, ông đã cho phép Takamuko no Genri (còn đọc là Kuromaro), Minabuchi no Shôan và tăng Min được giao lưu với người nước. Cuộc gửi sứ sang nhà Tùy về sau vẫn còn được tiếp diễn cho đến lúc Tùy bị diệt vong. Những điều các du học sinh Nhật Bản thu lượm lúc đó tại Trung Quốc sẽ là những tư tưởng chỉ nam cho cuộc cải cách xảy ra vào năm Taika (Taika no kaishin, 645).

Tiết 2: Chế độ trung ương tập quyền thành hình. Cải cách năm Taika.
2.1 Công cuộc phát triển của nhà Đường

Năm 618, khi nhà Tùy đã bị diệt vong sau hai đời vua và khoảng non 40 năm chấp chính, nhà Đường lên thay là một triều đại mới mẻ, thống nhất được toàn quốc. Nhà Đường qui định luật lệ, hoàn thành một thể chế trung ương tập quyền chặt chẽ có tính pháp trị. Nhờ đó, thời gian trong niên hiệu Trinh Quán, xã hội thịnh trị và sức mạnh của quốc gia đạt đến chỗ sung mãn.

Sự phát triển của nhà Đường là liều thuốc kích thích mạnh mẽ đến các quốc gia trên bán đảo Triều Tiên. Ba nước Kôkuri, Kudara và Shiragi đều trở thành sân khấu của nhiều cuộc chính biến. Cả ba đều rắp tâm tập trung quyền lực vào trung ương và tranh giành ảnh hưởng với nhau, mong trở nên chủ nhân duy nhất của vùng đất này.

Giữa lúc đó, vào năm 645, Đường xua quân qua đánh Kôkuri vì họ không chịu phục tùng mình, gây căng thẳng cho khắp vùng Đông Á. Thành ra lúc ấy, ở nước Nhật cũng có nhiều biến đổi về mặt chính trị mà biến chuyển to lớn nhất chính là cuộc cải cách năm Taika.

2.2 Vụ đảo chánh đưa đến cuộc cải cách năm Taika

Sau khi Thái tử Shôtoku và đại thần Soga Umako chết rồi, con của Umako là Emishi lên cầm quyền ở Nhật. Đến đời Thiên hoàng Kôgyoku (Hoàng Cực), Emishi và con là Iruka cùng nhau nấm giữ trọn quyền lực trong triều. Họ tha hồ lộng hành theo ý muốn.Để quyền lực đó mãi mãi nằm trong tay mình một cách không suy suyển, hai cha con đã cho người tấn công một kẻ có hy vọng nối ngôi là hoàng tử Yamashiro no Ôe, con trai của chính Thái tử Shôtoku, buộc hoàng tử phải tự sát. (Trong cách hiểu của người Nhật dưới chế độ luật lệnh thì hoàng tử nào mang tên Ôe (đại huynh) là kẻ có khả năng được nối ngôi).

Lý do hai cha con Soga Emishi và Iruka mưu trừ Hoàng tử Yamashiro no Ôe là bởi vì ông là một trong hai người có nhiều xác suất lên làm vua. Người thứ hai có thể dính vào cuộc tranh chấp địa vị đó không ai khác hơn là Hoàng tử Furuhito no Ôe, vốn có dòng máu của họ Soga gần hơn nữa vì là con sinh ra giữa Thiên hoàng Jomei và một công nương con gái của Soga Umako. Trước đó, họ Soga đã kết tội mưu phản cho hoàng tử Yamashiro no Ôe, đuổi ông ra khỏi triều đình để cho người có liên hệ huyết thống gần gủi là Furuhito có thể tức vị.

Với tình trạng chính trị ở quốc nội như thế, các du học sinh và du học tăng từ bên nhà Đường đã đưa về rất nhiều thông tin. Một thế lực phản-Soga đã được thành hình qui tụ cả những người mang kiến thức mới mẻ từ ngoại quốc về nước ấy. Thế lực này mưu đồ một cuộc đảo chánh để lật đổ họ Soga và sau đó đã đi đến hành động. Người đóng vai trò trung tâm của nhóm chống đối họ Soga chẳng ai khác hơn là Nakatomi no Kamatari.

Cho đến lúc ấy, trong triều đình, vai trò của dòng họ Nakatomi hãy còn kém thua họ Soga những một bậc. Họ chỉ là những muraji giữ chức năng tế lễ cho nhà nước. Nhờ đảo chánh thành công mà một trăm năm sau, những người này đã kết hợp thành đại gia tộc Fujiwara đầy thế lực, nắm toàn quyền chỉ đạo vũ đài chính trị Nhật Bản.

Kamatari lắng nghe những điều các người đã xuất ngoại trở về thuật lại và cảm thấy cần thiết phải thành lập một chế độ chính trị pháp trị chủ nghĩa với thiên hoàng là trung tâm trong một quốc gia theo thể chế trung ương tập quyền. Năm 645, sau khi bàn luận cùng với người vốn chia sẻ quan điểm với mình là Hoàng tử Naka no Ôe, cả hai thực hiện cuộc đảo chính lật đổ và tiêu diệt cha con Soga Emishi và Iruka. Cần nhắc thêm rằng Hoàng tử Naka no Ôe là em cùng cha khác mẹ với Hoàng tử Furuhito no Ôe, người mang dòng máu Soga. Furuhito đối với Naka thì như thấy được qua cái tên, Furuhito đứng vào hàng anh.

Hôm đảo chính, Nakatomi no Kamatari vờ báo cáo rằng sẽ tổ chức nghi thức triều cống cho sứ giả 3 nước Triều Tiên đến yết kiến Thiên Hoàng ở Thái Cực Điện và mời Iruka tham dự. Ở đó, cánh đảo chính trước hết ám sát Iruka. Theo sách sử, chính Hoàng tử Naka đã chủ động cầm thương đâm chết ông này khi thấy các kẻ cộng mưu với mình quá khiếp sợ không dám ra tay. Nghe được tin con chết, Emishi thấy mình có sống cũng bằng thừa nên ngày hôm sau đã cho phóng hỏa phủ đệ và tự sát.

Cuộc đảo chính là một điểm chuyển hướng quan trọng trong lịch sử Nhật Bản vì nó sẽ được tiếp nối bằng những cuộc cải cách chính trị lớn.

2.3 Những tiến triển của cuộc cải cách chính trị

Hai hôm sau khi đảo chính thành công, người em trai của nữ Thiên hoàng Kôgyoku (Hoàng Cực) là Thiên hoàng Kôtoku (Hiếu Đức) lên kế vị bà vì và lâm vào cảnh khó xử trước biến cố vừa xảy ra nếu tiếp tục giữ chính quyền. Chắc là hãy còn quá sớm để đưa  con trai là Hoàng tử Naka no Ôe lên ngôi vì ông vừa mới nhúng tay vào máu, không thể tránh khỏi tiếng đời dị nghị. Dù sao Naka cũng được tấn phong Hoàng thái tử và nắm vai trò lãnh đạo nhà nước.

Chính phủ mới của Naka trước tiên họp tất cả quần thần dưới một cây tsuki (zelkova)[2] ở chùa Asuka (Asukadera), bắt họ phải thề trung thành tuyệt đói với người lãnh đạo.Các chức daijin (đại thần) và ômuraji (đại liên) trong chế độ trước bị bãi bỏ, thay vào đó bằng sadaijin (tả đại thần) và udaijin (hữu đại thần), hai chức quan đứng đầu triều.Các người có thế lực trong nhóm hào tộc trung ương muốn tham dự vào chính quyền mới được bổ nhiệm vào chức này. Lúc đầu, người được chọn làm sadaijin là Abe no Uchimaro và udaijin là Soga no Kurayama no Ishikawamaro. Người thứ hai tuy con cháu nhà Soga nhưng là địch thủ của cánh Soga no Emishi và Iruka. Thực vậy, Soga no Ishikawamaro cũng gọi Soga no Umako bằng ông nội và vai anh em họ với Iruka. Vì một số mâu thuẫn, ông tách ra khỏi dòng chính của Soga và thành lập một chi nhánh riêng, hợp tác đắc lực với Hoàng tử Naka trong cuộc đảo chính. Một người con gái ông cũng là vợ của Naka[3]. Nhờ mối quan hệ này mà ông trở thành một người duy nhất thuộc họ Soga có tên trong danh sách chính phủ mới.

Nakatomi no Kamatari được cử vào chức uchitsuomi (nội thần) đóng vai phụ tá cho thiên hoàng, còn hai người du học sinh từ bên nhà Đường trở về, nhà sư Min và Takamuko no Genji thì được phong kuni no hakase (quốc bác sĩ). Hai ông trở thành "bộ não" cố vấn cho chính quyền trong việc soạn thảo chính sách. Các yếu nhân cần thiết để làm cuộc cải cách chính trị như vậy đã tụ họp được đông đủ.

Cũng vào năm đó, Nhật Bản bắt đầu đặt niên hiệu là Taika (Đại Hóa, 645-650) theo cách thức Trung Quốc, thiên đô về Naniwa (Ôsaka bây giờ) và như thế, cắt đứt mối liên lạc với vùng đất Asuka, kinh đô cũ từ nhiều đời.

Tháng giêng năm Taika thứ 2 (646), tờ chiếu mang tên Kaishin no Mikotonori (Chiếu chỉ đổi mới) gồm 4 điều được công bố. Đây là một văn kiện nổi tiếng và có tầm quan trọng rất lớn về mặt sử liệu. Nội dung viết như sau:

Điều 1: Bãi bỏ chế độ chia tư hữu dân (nông nô) và tư hữu địa (nông địa) của hoàng tộc và hào tộc. Nếu trước đây, hoàng tộc làm chủ các tầng lớp dân chúng gọi là nashiro và koshiro, các kho đụn gọi là miyake; hào tộc làm chủ các tầng lớp dân chúng gọi là kakibe và các điền trang gọi là tadokoro, thì bây giờ tất cả chỉ còn là những vật sở hữu của nhà nước theo chế độ gọi là kôchi (công địa) và kômin (công dân). Thay vào đó, hào tộc cấp cao sẽ được cấp thực phong (jikifu hay hehito tức một khoản lương tính theo số nóc gia) và các hào tộc cấp dưới sẽ được cấp fuhaku (bố bạch = vải lụa).

Điều 2: Qui hoạch lại các khu vực hành chánh để thực thi trung ương tập quyền.

Điều 3: Lập sổ bộ hộ tịch và kế toán, tổ chức việc thu hồi và phân phát ruộng ban (hanten)[4].

Điều 4: Áp dụng một chế độ tô thuế thống nhất.

Bốn điều nói trên phản ánh việc thực thi chế độ trung ương tập quyền vào nhà nước.

Tuy vậy, cần nhắc đến ở đây một nghi vấn quan trọng: Sự hiện hữu của tờ chiếu nói đến việc đổi mới kia tuy về sau được khẳng định trong Nihon shoki thế nhưng, không nhất thiết là vào thời đó phép ban điền (handen) đã thực sự được áp dụng. Lại nữa, tuy việc qui hoạch khu vực hành chính và các chức tước như kokushi, gunji cũng thấy trong sử sách nhưng "gun " (quận) lúc đó không được viết bằng chữ Hán "quận" mà lại được viết là "bình" (bộ ngôn+bình) , đọc là Hyô hay Kôri [5] nếu ta dựa vào những chứng cứ hiện vật như thẻ gỗ đào lên được từ di tích cung Fujiwara.

Dù thế nào đi nữa, sau đó chính phủ cũng đã bãi bỏ chế độ shinabe (còn đọc là tomobe) vốn có tính cách thế tập và xúc tiến việc cải cách bằng cách lập ra một chế độ quan vị với chức danh. Việc tập quyền vào trung ương này đã được thực thi dưới thời Thiên Hoàng Kôtoku (Hiếu Đức, tại vị 645-654) bằng một loạt sắc lệnh. Như thế, cải cách không thông qua bằng những cuộc binh biến nữa mà là một loạt cải cách được gọi với cái tên chung là Taika no kaishin (Đại Hóa cải tân). Dần dần đến cuối thế kỷ thứ 7 thì ở Nhật, thể chế trung ương tập quyền mô phỏng theo khuôn mẫu của nhà Đường đã hình thành.

Từ khi thời Taika bắt đầu cho đến 5 năm sau đó (Taika 5, 649), cuộc cải cách Taika đã tiến những bước dài.Sở dĩ được như vậy là vì những người như Soga no Kurayama no Ishikawamaro, dù có công trong vụ đảo chính diệt họ Soga và từng nắm chức Hữu đại thần nhưng ở trong nội bộ mà hay phê phán chính quyền nên bị thanh trừng thẳng tay.

Đến khi đổi niên hiệu thành Hakuchi (650, Bạch Trĩ nguyên niên) khí thế của cuộc cải cách bỗng bị nhụt đi. Trong những năm cuối cùng đời trị vì của Thiên Hoàng Kôtoku, Hoàng tử Naka no Ôe cũng như vây cánh của ông là mẹ và anh chị em[6] dẫn dắt quần thần bỏ kinh đô Naniwa mà sang ở vùng Asuka. Có thể hiểu là giữa ông và cậu mình, Thiên Hoàng đương nhiệm Kôtoku, có một mối bất hòa sâu sắc.

Lúc đó, trên bán đảo Triều Tiên, Tân La (Shiragi) mưu đồ thống nhất bán đảo. Năm 660, Tân La liên quân với nhà Đường, tiêu diệt Bách Tế (Kudara, đồng minh truyền thống  của Nhật Bản). Hào tộc Bách Tế chỉnh đốn hàng ngũ để chống cự lại. Bọn họ gửi di thần Kishitsu Fukushin làm sứ giả sang Nhật cầu cứu và đón hoàng tử Hôshô (Phong Chương) của họ đang lưu vong bên đó về lãnh đạo. Người phải giải quyết vấn đề ngoại giao trọng yếu này là Nữ Thiên Hoàng Saimei, vừa mới lên ngôi thêm một lần nữa. Trước đó bà là Nữ Thiên Hoàng Kôgyoku, đã nhường ngôi cho em (Kôtoku) để tránh tiếng trong vụ sát hại nhà Soga của con mình (Naka no Ôe).

Nữ Thiên Hoàng Saimei chấp thuận lời yêu cầu của Bách Tế, năm 661, tự mình dẫn quân đi tiếp ứng. Đoàn chiến thuyền trước tiên ghé lại cung Asakura trên đảo Kyuushuu.Thế nhưng Nữ Thiên Hoàng vì đã mang bệnh nên băng ở đây. Suốt từ đó về sau trong bảy năm trời, Hoàng Tử Naka no Ôe tuy xưng chế[7] chứ chưa tức vị vội nhưng trên thực tế là người điều khiển guồng máy chính trị.

Thế rồi, quân đội Nhật gồm khoảng 27.000 người dưới sự chỉ huy của Abe no Hirafu đã đổ bộ lên bán đảo Triều Tiên và giao tranh với liên quân Đường - Tân La. Trong trận đánh nổi tiếng năm 663 ở cửa sông Hakusonkô (Bạch Thôn Giang, Nhật gọi là Hakusuki no E). Abe no Hirafu, thực là là một tên tuổi lớn vì đã từng được cử đi dẹp giặc Emishi (Hà Di) trên miền Bắc.

Kết quả là quân Nhật bị liên quân Đường-Tân La đánh thua liểng xiểng đến nổi họ phải rút binh về nước. Từ đó, Nhật Bản hoàn toàn triệt thoái khỏi bán đảo, không lo việc cai trị bên Triều Tiên nữa mà phải co cụm lại để giải quyết vấn đề quốc nội. Còn như Tân La thì sau khi liên kết với Đường, cũng đã đánh bại láng giềng của mình là Kokuryô (Cao Cú Li). Năm 676, họ thành công trong việc đẩy được quân nhà Đường về nước và thực hiện công cuộc thống nhất bán đảo.

Việc xuất quân sang Triều Tiên là một thất bại ngoại giao nhưng nói cho cùng, không phải là hoàn toàn không đem đến những hậu quả tốt đẹp.

Sau trận bại chiến ở Hakusonkô, Nhật Bản đã có dịp đón nhận vào nước mình nhiều nhân tài lưu vong trong đám vương hầu, quí tộc có văn hóa Trung Quốc xuất thân từ Bách Tế. Nhờ đó mà kể từ triều Thiên Hoàng Tenji (Hoàng tử Naka no Ôe) trở đi, việc sáng tác thi ca bằng chữ Hán trong cung đình trở thành một hiện tượng đáng chú ý. Những người như Hoàng Tử Ôtsu (một trong những con trai của Tenji) đã để lại nhiều vần thơ có giá trị. Không những thế, thơ quốc âm Waka (Hòa ca), phát xuất từ ca dao cổ đại, cũng nhờ nhận ảnh hưởng của Hán thi mà định hình được thể năm bảy chữ (ngũ âm thất âm) qua hai hình thức cơ sở của nó là chôka (trường ca) và tanka (đoản ca).Đó là thời kỳ hoạt động của các nhà thơ nam nữ tên tuổi như Kakinomoto no Hitomaro và Nakata no Ôkimi. Hai tác phẩm được đời truyền tụng của giai đoạn này là Kaifuusô (Hoài Phong Tảo, Hán thi) và Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập, thơ Waka).

Lấy kinh nghiệm Hakusonkô, Hoàng tử Naka no Ôe lên thay mẹ là Nữ Thiên Hoàng Saimei lo củng cố việc quốc phòng để đối đầu được với Đường và Tân La.Đồng thời ông cũng dồn tâm lực vào nội chính.Ông đặt lính thú sakimori (phòng nhân), lập hệ thống đài phong hỏa (tobuhi) ở Kyuushuu, tổ chức phủ Dazai (Đại tể phủ) trên đảo ấy, xây thành bên bờ biển (mizuki = thủy thành) vào năm 664 ở phía bắc đảo để phòng thủ nó. Ông lại lợi dụng kỹ thuật của người Bách Tế để xây một loạt thành quách trên núi (yamajiro = sơn thành) từ đảo Tsushima ngoài khơi cho đến vùng Yamato trong nội địa.Hai thành trì nổi tiếng trong loại này là thành Ônojô ở phía bắc phủ Dazai và thành Kiijô phía nam phủ, đều được xây trên núi để ngăn giặc đến tấn công.

Thế rồi năm 667, Hoàng tử Naka no Ôe thiên đô về cung Ôtsu vùng Ômi bên hồ Biwa. Năm sau (668), ông chính thức lên ngôi thiên hoàng lấy hiệu là Tenji. Đó là điểm kết thúc của một cuộc hành trình khá dài (23 năm) kể từ khi ông nhúng tay vào chính trị (diệt Soga no Iruka vào năm 645). Chính trị của triều ông bắt đầu bằng cái lệnh (ryô) gọi là lệnh Ômi (Ômiryô), qua nó, ông tuyên bố việc thiên đô về Ômi. Năm 670, ông lại cho lập sổ hộ tịch đầu tiên trên toàn quốc. Đó là Bộ hộ tịch năm Canh Ngọ (Kôgonennjaku = Canh Ngọ niên tịch) mà ông xem như cơ sở cho cuộc cải cách chính trị của mình. Trong bộ hộ tịch này, ông đặt trọng tâm vào việc xác nhận tên họ (shisei = thị tính) của mỗi người. Theo luật lệnh của nhà nước, những gì thuộc về đơn vị "hộ" (ko) đều được qui định rõ ràng. Lệnh ấy gọi là hộ lệnh (koryô) Các bộ hộ tịch thường thường đều có thể vứt bỏ sau thời gian là 30 năm nhưng lần này, nhà nước qui định là bộ hộ tịch toàn quốc sẽ được gìn giữ lâu dài.

2.4 Cuộc biến loạn năm Nhâm Thân

Khi Thiên Hoàng Tenji băng, triều đình Ômi trở thành sân khấu một cuộc huynh đệ tương tàn vì vấn đề thừa kế ngôi báu. Đó là nguồn gốc của chính biến gọi là Jinshin no ran (Cuộc biến loạn năm Nhâm Thân). Năm 672, em Thiên Hoàng Tenji là hoàng đệ Ôama từ Yoshino đã khởi binh để tranh đoạt quyền bính với con của Tenji (cũng là cháu trai và rễ mình), Hoàng tử Ôtomo. Căn cứ Yoshino của Ôama là một nơi có địa thế rất quan trọng. Ở đây có một trong 3 cửa quan quan trọng là Suzukanoseki (hai cửa ải kia là Fuwa và Arachi). Ôama đã vượt được ải đó để vào vùng Mino và Owari, chiêu mộ binh sĩ cũng như thành lập giao ước đồng minh với các tay hào tộc đất Yamato. Từ đó ông mới vượt ải Fuwa đến Ômi tranh chiến và tiêu diệt cánh Hoàng tử Ôtomo. Theo bộ sử Nihon shoki, Hoàng tử Ôtomo sau khi thất bại đã treo cổ tự sát ở Yamazaki (nay thuộc Kyôto)

Tiết 3: Chính trị thời các Thiên hoàng Tenmu và Jitô. Văn hóa Hakuhô.
3-1 Chính trị của Thiên hoàng Tenmu

Người nắm phần thắng lợi trong cuộc tranh đoạt ngôi báu năm Nhâm Thân, một sự kiện lịch sử có tầm quan trọng nhất thời cổ đại, chính là Hoàng tử Ôama, em trai Thiên Hoàng Tenji.Từ kết quả đó, ông đã làm một cuộc thay đổi lớn là bỏ Ômi để về kinh đô cũ ở Asuka, xây dựng cung Asuka Kiyomihara và lên ngôi, lấy hiệu là Tenmu (Thiên Vũ).

Để chiến thắng trong cuộc tranh ngôi, Thiên Hoàng Tenmu đã phải kết hợp được binh lực của các địa phương. Qua việc ấy, ông chứng tỏ mình là người có khả năng thống nhất các quyền lực địa phương. Đặc điểm của chính trị thời Tenmu là ông dựa vào sức mạnh tuyệt đại của hoàng tộc để thực thi chính sách trung ương tập quyền theo thiên hoàng chế. Các nhà viết sử Nhật bản gọi nó là kôshin seiji (hoàng thân chính trị) nghĩa là thay vì đặt quan lại vào các chức đại thần, ông cho 3 hoàng tử đáng tín nhiệm vì là con ruột của mình như Kusakabe, Ôtsu và Takechi đảm nhiệm những công việc quan trọng đó.

Để thi hành chính sách trung ương tập quyền với mục đích kiến thiết quốc gia, Thiên Hoàng Tenmu đã làm những gì cụ thể để củng cố quyền lực? Trước tiên, ông ra lệnh bãi bỏ các kakibe (khúc bộ, dân bộ) [8] tức là lớp thường dân bị xem như vật sở hữu của tầng lớp hào tộc. Khuynh hướng lập lại các kakibe đã xuất hiện trở lại phần nào dưới thời Tenji. Ông cũng bãi bỏ luôn cả những khoản lương gợi là thực phong (jikifu) một thời đã cấp cho giới hào tộc nữa. Như thế, ông đã gìn giữ được tính trung thực của tờ Chiếu tuyên bố đổi mới (Kaishin no mikotonori), thực hiện triệt để chế độ "công địa công dân" (đất cát và con người phải là của công), thắt chặt sự kiểm soát của nhà nước đối với nông địa và nông dân.

Từ đó, kể từ năm 681, Thiên Hoàng cho sửa soạn sắc lệnh (ryô) có tên là Lệnh Asuka Kiyomihara. Đáng lẽ có cả luật lẫn lệnh[9] nhưng phần nói về luật chưa hoàn tất, chỉ có 22 quyển nói về lệnh. Cho nên thay vì nói Luật lệnh, ta đành gọi nó là Lệnh Asuka Kiyomihara mà thôi. Phải đợi đến thời Nữ Thiên hoàng Jitô (Trì Thống), vợ và người nối ngôi ông) thì mới hoàn thành và đem ra ứng dụng.

Ngoài lệnh ấy, Tenmu còn đặt ra một hệ thống quan tước để áp dụng vào việc thăng tiến các quan lại. Ông bắt các những người xưa nay là hào tộc phải vào làm quan trong triều hòng đóng khung họ trong một tổ chức. Do đó, năm 684, ông mới đặt ra yakusa no kabane (bát sắc tính) tức là một qui định sắp xếp các giai tầng nằm bên trong thể chế trung ương tập quyền mà thiên hoàng là trung tâm. Như ta có thể hình dung được, yakusa là 8 thành phần với cách xưng hô riêng: mahito, asomi, sukune, imiki, michinoshi, omi, muraji và inagi vậy.

3.2 Chính trị Nữ thiên hoàng Jitô

Sau khi Thiên Hoàng Tenmu băng hà, Hoàng hậu Uno (tên con gái là Uno no Sarara) và Hoàng thái tử Kusakabe đúng ra tiếp tục sự nghiệp ông để lại. Chẳng ngờ năm 689 Hoàng thái tử lại mang bệnh và mất ở giữa tuổi trai tráng.Tháng giêng năm sau, Hoàng hậu chính thức tức vị. Đó là Nữ Thiên Hoàng Jitô (Trì Thống, một thụy hiệu có nghĩa là người gìn giữ giềng mối).

Đối với nữ hoàng đế mới lên ngôi, việc quan trọng phải làm trước tiên là tổ chức đô thành theo kiểu Trung Quốc qua hình ảnh kinh đô mới Fujiwara-kyô nằm ở phiá bắc vùng Asuka. Kinh đô này sẽ là trung tâm hành chánh của Nhật Bản suốt 16 năm (690-715) qua ba đời Thiên Hoàng Jitô (Trì Thống), Monmu (Văn Vũ) và Genmei (Nguyên Minh). Monmu là cháu nội còn Genmei là con dâu của Jitô và là mẹ Monmu.

Như ý nghĩa của tên bà, Jitô kế tục các chính sách của chồng, ra sức hoàn chỉnh chế độ luật pháp (ritsuryô) đã có. Năm 690 (Canh Dần) bà hoàn thành Bộ hộ tịch Canh Dần (Kôinnenseki).Từ khi có nó cứ mỗi 6 năm nhà nước lại cho cập nhật hoá. Đó là nền tảng để thiết lập chế độ cấp phát ruộng đất handensei (ban điền chế). Như vậy, Bộ hộ tịch năm Canh Ngọ (670) tưởng là giữ được lâu dài đã phải nhường chỗ cho bộ hộ tịch mới này. Hiện nay người ta chỉ giữ lại được Bộ hộ tịch xưa nhất xuất phát từ bộ năm Canh Dần được cập nhật vào năm Taihô thứ 2 (702).

3.3 Văn hóa Hakuhô

Trãi qua hai triều Tenmu và Jitô, chế độ trung ương tập quyền để kiến thiết quốc gia manh nha từ cuộc đổi mới năm Taika (Taika no kaishin, 645) hầu như đi đến chỗ hoàn thành. Chế độ này phản ánh xu thế của thời đại nghĩa là ý hướng tiếp nhận văn hóa Sơ Đường bắt đầu vào đời hai vị này, từ từ kéo dài đến mãi đến buổi đầu thế kỷ thứ 8. Nó sẽ triển khai thành văn hóa Hakuhô (Bạch Phượng) mà đặc điểm là sự tươi mới. Hakuhô không có gì khác hơn là "chim phượng trắng" (trước đó đã có Hakuchi hay "chim trĩ trắng" đều tượng trưng cho điềm lành) niên hiệu của hai triều Tenmu và Jitô, bao trùm giai đoạn hậu bán thế kỷ thứ 7 (672-702).

Giữa lòng văn hóa Hakuhô, sự kiện nổi bật hơn cả là việc thiên hoàng Tenmu coi trọng việc cúng tế tổ thần của dòng họ mình ở các đền thần nhất là ngôi đền gốc: Thần cung Ise (Ise Jinguu). Thế nhưng Phật giáo cũng được sùng kính và bảo vệ. Chính quyền đã cho kiến thiết các "quan tự" (chùa nhà nước) như các ngôi chùa lớn Daikandaiji (Đại quan đại tự) và Yakushiji (Dược sư tự).

Yakushiji khởi thủy được xây (để cầu phúc cho hoàng hậu đang lâm bệnh) trên đất kinh đô Fujiwara, sau được chuyển về kinh đô Heian. Ngày nay, nó nằm ở phía tây thành phố Nara. Tháp phía đông (Tôtô) của nó là một tòa tháp 3 tầng, có kiến trúc rất đẹp và cân đối. Có thể suy đoán rằng nó đã xây lại,  phỏng theo kiến trúc buổi đầu ở kinh đô cũ Fujiwara.


Quốc bảo Yakushiji sanzonzô

Về mặt điêu khắc, Yakushiji sanzonzô tức tượng 3 vị Phật tôn quí[10] đặt trong tòa kim đường (kondô =gian chính thờ Phật) của chùa Yakushi là một tác phẩm nổi tiếng. Nó là những pho tượng bằng đồng dát vàng (kondôzô = kim đồng tượng) thuộc loại cao cấp nhất được thấy trên thế giới. Tuy nhiên, việc người ta đã mang nó từ kinh đô cũ Fujiwara đến hay mới làm ra ở kinh đô Heian vẫn còn trong vòng bàn cãi. Ngoài ra, các pho tượng như tượng Quan Âm ở Đông Viện Đường ở chùa Yakushi này và tượng đầu Phật (Buttô) ở chùa Hưng Phúc (Kôfukuji) [11]cũng ở Nara đều là những tác phẩm điêu khắc tiêu biểu. Một bằng chứng khác của sự trong vọng đạo Phật là việc nhà nước đã đánh giá kim Kim Quang Minh ( Konkômyô-kyô) như một "kinh điển hộ quốc".

Vì triều đình kính trọng Phật giáo như thế nên các địa phương cũng bắt chước theo. Nhờ các chức quan gunji đốc thúc, các địa phương cũng có khuynh hướng xây dựng chùa chiền. Như thế tư tưởng "Phật giáo hộ quốc" (Phật giáo trấn hộ quốc gia) đã thành hình. Thế nhưng mặt khác, xin lưu ý rằng, đồng thời với sự kiện này, người ta bắt đầu kiểm soát chặt chẽ giới tăng lữ.

Danh xưng thiên hoàng cũng được bắt đầu biết đến vào thời gian này. Nói chính xác hơn là dưới triều Tenmu.Trước đó chỉ có danh xưng Ôkimi (đại vương) mà thôi.Trong thi tập Man.yôshuu, người ta thấy có bài thơ của Kakinomoto no Hitomaro nói về bậc "đại quân" mà vị trí thiêng liêng của người đó còn "ở trên cả mây mưa sấm chớp". Như thế, ta thấy rằng đối với người dân trong xã hội thời đó, hai thiên hoàng Tenmu và Jitô đã có một quyền uy hầu như là tuyệt đối, đối tượng của mọi sự sùng bái rồi. Nói cách khác, nhân vật gọi là thiên hoàng đã được quốc dân thần thánh hóa.

Ngoài những kiến trúc và điêu khắc, bức bích họa (tranh vẽ trên vách) ở tòa kim đường chùa Hôryuuji (Pháp Long Tự) bị tổn hại vì hỏa hoạn năm 1949 cũng như bức bích họa khám phá được trong ngôi mộ cổ trên gò Takamatsu (Takamatsuzuka no kofun) năm 1972 đều là sản phẩm của thời này. Đặc biệt bức họa trên tường ở chùa Hôryuuji, có qui mô rộng lớn do ảnh hưởng đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Như thế, qua những trang nói trên, ta đã hiểu qua về chính trị và văn hoá dưới hai triều Tenmu và Jitô.

Tiết 4: Nhà nước luật lệnh thành lập
4.1 Luật lệnh là gì ?

Đến đây, nhà nước luật lệnh (ritsuryô kokka) - xin hiểu là nhà nước pháp trị, vận hành theo pháp qui chứ không theo cảm tính và liên hệ huyết thống - đã thành hình. Trong xã hội cổ đại, sự ra đời của nó là một bước tiến vô cùng quan trọng. Đó cũng là lúc Nhật Bản bước vào thời trị vì của Thiên hoàng Monmu (Văn Vũ), cháu nội hai ông bà Tenmu và Jitô.

Năm Taihô nguyên niên (701), thế kỷ thứ 8 bắt đầu, là năm đáng ghi nhớ của lịch sử Nhật Bản vì nó đang mở ra cho người dân một kỷ nguyên mới. Một sự kiện quan trọng xảy ra trong năm ấy là việc ban hành bộ luật Taihô (Taihô Ritsuryô, Đại Bảo luật lệnh), công trình hợp soạn giữa thân vương Osakabe (một người con trai của Tenmu) và Fujiwara Fuhito, con thứ 2 của công thần thời Taika là Nakatomi (Fujiwara) no Kamatari. Chính trị luật lệnh của chính quyền Yamato bắt đầu có một văn bản pháp lý khá đầy đủ để thi hành.

Cơ sở luật lệnh của Nhật Bản là luật pháp nhà Đường dựa trên thông tin các sứ giả trong những chuyến Kentôshi (Khiển Đường sứ) mang về. Đặc biệt, phần luật (ritsu = hình pháp) hầu như hoàn toàn mô phỏng luật nhà Đường (Đường luật). Riêng phần lệnh (ryô  = tổ chức hành chính, tô thuế, lao dịch, qui định phục vụ của giới quan lại, các điều khoản tất yếu về qui định chính trị của nhà nước...) thì mới thấy dấu hiệu có sự châm chước để chúng được hợp với tình cảnh thực tế trong nước.

Ngày nay người ta dễ đánh gộp luật với lệnh nhưng chính ra cần phân biệt hai thứ. Nói một cách đơn giản thì luật là hình pháp, còn lệnh là các pháp lệnh bao gồm cả các thủ tục hành chính. Chúng ta vừa nói về Bộ luật Taihô (701) như một cái gì có thực và chắc chắn như khốn nỗi, ngày nay chẳng thấy nó nằm ở đâu cả. Muốn tìm dấu vết, phải giở lại những tác phẩm cổ xưa như Ryô no shuukai (Lệnh Tập Giải, hậu bán thế kỷ thứ 9), Shoku Nihongi (Tục Nhật Bản Kỷ, 797) tức tác phẩm thứ hai trong Lục quốc sử sau Nihon shoki (Nhật Bản Thư Kỷ). Dù vậy, cũng chỉ thu lượm được từng phần thôi chứ đâu phải là tất cả. Thế nhưng ít lâu sau khi Bộ luật Taihô ra đời, đã có thêm một bộ luật mới là Bộ luật Yôrô (Dưỡng Lão luật lệnh, năm Yôrô 3 tức 718 ) và lần này, công việc biên soạn được Fujiwara Fuhito đứng ra chủ trì. Nếu đem so sánh Bộ luật Yôrô với những phần tìm thấy lại được của Bộ luật Taihô trước đây thì nội dung không mấy khác. Luật Yôrô được đem ra thay thế Luật Taihô trên thực tế là vào năm 757 (Tenpyô Hôji nguyên niên). Bộ luật Yôrô này đến thế kỷ thứ 9 đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà giải thích luật. Kiyohara no Natsuno trong Ryô no Gige (Lệnh Nghĩa Giải) chú thích nó từ cách nhìn của người ở cửa công, còn Koremune no Naomoto trong Ryô no Shuuge (Lệnh Tập Giải) đã giải thích từ cái nhìn cá nhân. Nhờ họ mà chúng ta có thể hiểu biết thêm luật lệnh thời xưa nhất là khi tổng hợp được hai lối nhìn khác biệt ấy.

4.2 Cấu tạo của xã hội luật lệnh

Tổ chức chính trị của chế độ luật lệnh có thể tạm hiểu như sau:

Về cơ cấu trung ương, có thể tóm gọn trong mấy chữ: nhị quan, bát tỉnh, nhất đài, ngũ vệ phủ.

Nhị quan (Nikan): Nằm ở vị trí trung tâm có hai người (nhị quan), một chủ trì việc tế tự là Jingikan (Thần kỳ quan), một trông coi chính trị nói chung là Daijôkan (Thái chính quan, còn đọc là Dajôkan).

Jinjikan lo việc cúng tế chư thần và trông coi các thần xã trong nước. Vai trò ông ta rất quan trọng vì lúc đó người ta xem thiên hoàng như một vị thần sống nên việc tế tự là đầu mối của quốc gia. Nhiệm vụ của ông (lo việc thần trời thần đất) chẳng kém phần quan trọng so với Daijokan (lo việc con người).

Dưới tay Daijokan là các ông Daijôdaijin (Thái chính đại thần, còn đọc là Dajôdaijin), Sadaijin (Tả đại thần), Udaijin (Hữu đại thần) và Dainagon (Đại nạp ngôn). Những chức vụ này thường do các hào tộc lớn đảm nhiệm và trên nguyên tắc, họ phải bàn luận với nhau trước khi quyết định điều gì quan trọng. Người ta thường gọi họ là kugyô (công khanh) hay kandachime (thượng đạt bộ). Thực ra Daijôdaijin, Sadaijin và Udaijin mới đáng gọi là ku (kô = công), còn Dainagon, Chuunagon (Trung Nạp Ngôn), Sangi (Tham Nghị) ba chức thì chỉ được gọi là gyô (khanh). Hợp cả hai mới thành kugyô hay công khanh. Nên nhớ là ban đầu không có chức Chuunagon. Nó là một chức đứng ngoài pháp lệnh (lệnh ngoại quan = ryôge no kan) và chỉ mới được thêm vào sau này. Lúc trước, nó là chức Shônagon (Thiếu nạp ngôn).

Bát tỉnh (Hasshô): Đứng dưới nhị quan là bát tỉnh tương đương với 8 bộ (ministry ngày nay), chúng được sắp đặt theo nhóm tùy ở việc chúng thuộc vào các quyền quản hạt của  biện quan tả hay hữu) (Sabenkan và Ubenkan). Các biện quan là cấp thấp chịu sự chỉ đạo của nhị quan nhưng cao hơn bát tỉnh.

Tùy thuộc vào Sabenkan có 4 "tỉnh": Nakatsukasa (Trung vụ tỉnh lo việc soạn thảo sắc chiếu), Shikibushô (Thức vụ tỉnh lo việc giáo dục), Jibushô (Trị vụ tỉnh lo Phật sự, ngoại giao), Minbushô (Dân vụ tỉnh lo hành chính, tô thuế).

Tùy thuộc vào Ubenkan có 4 "tỉnh": Hyôbushô (Binh bộ tỉnh lo quân sự), Gyôbushô (Hình bộ tỉnh lo việc hình án, trừng phạt), Ôkurashô (Đại tàng tỉnh lo việc tài chánh), Kunaishô (Cung nội tỉnh đảm nhiệm các việc lớn nhỏ trong cung).

Có thể cách sắp xếp này đến từ cách phân công theo lục bộ (rikubu) của Trung Quốc: lại, lễ, hộ, công, hình, binh...hình thành dưới hai triều Tùy Đường nhưng đã có nguồn gốc xa xôi từ hệ thống lục quan (rikukan) đời nhà Chu. Nakatsukasa (trung vụ tỉnh) lại tựa như Trung thư tỉnh của nhà Đường.

Nhất đài (Ichidai): chức vụ lo việc kiểm soát xem việc thực hành chính sự của các quan có đúng đắn không. Nhiệm vụ có họ là đàn hặc nên có tên Danjôdai (Đàn chính đài). Đến đầu thế kỷ thứ 9, nhân vì nhà nước đặt ra chức Kebiishi (Kiểm phi vi sứ, phi vi là hành vi phi pháp) như tổng quản cảnh sát công an thì trên thực tế, chức Danjôdai không còn ý nghĩa gì để tồn tại nữa.

Ngũ vệ phủ (Goefu): Bộ phận canh giữ kinh thành gọi là Emonfu (Vệ môn phủ) kèm theo hai phủ tả hữu vệ sĩ phủ (Sauejifu) nơi các vệ sĩ (eji) tùng sự. Ngoài ra còn hai tả hữu binh vệ phủ tập trung các binh vệ (hyôe) vốn là tử đệ của các gunji (quận ty) các nơi.

Đó là tổ chức nhị quan, bát tỉnh, nhất đài, ngũ vệ phủ ở trung ương. Quan chế địa phương lại khác. Vào thời đó, khu vực hành chính toàn quốc được chia làm ngũ kỳ[12], thất đạo (goki, shichidô). Bên dưới chúng thì có các kuni (quốc) và trong mỗi kuni lại có các quận (gun), trong các quận lại có nhiều làng tức lý (ri, sau đổi thành hương hay gô). Tất cả có 66 kuni. Ở mỗi kuni (quốc), nhà nước đặt chức kokushi (quốc ti). Chỗ kokushi làm việc hành chánh thì gọi là quốc nha (kokuga). Quận có quận ty (gunji). Đơn vị hành chánh nhỏ nhất là làng hay lý (ri) thường gồm khoảng 50 nóc gia (hộ hay ko). Đứng đầu ri (lý) là một lý trưởng, âm Nhật đọc là satoosa.

Kokushi là quan do trung ương điều động đến nhưng gunji là những viên chức được các tay hào tộc địa phương như kunitsuko (kuni no miyakko) bổ nhiệm để trợ lực các kokushi thi hành chính trị địa phương.

Lại có những chức vụ dành cho các địa khu đặc biệt. Ở kinh đô thì có hai Kyoshiki (Kinh chức) tả và hữu, ở vùng Naniwa trong xứ Settsu thì có Settsushiki (chức quản hạt xứ Settsu). Nhân vì có cung điện và bến cảng ở Naniwa nên nơi này được đánh giá là địa thế trọng yếu trong việc ngoại giao, cần bổ nhiệm một nhân vật đặc biệt coi sóc. Riêng Kyuushuu từ xưa vẫn được xem là cứ điểm quan trong về mặt quốc phòng và ngoại giao nên ở đây có đặt Dazaifu (Đại tể phủ, vẫn hay bị viết nhầm là Thái) giống một phủ thủ hiến, chính quyền Yamato xem nó là "triều đình ở phương xa" (tô no mikado).

Hành chính địa phương thời luật lệnh

Nơi hiểm yếu: Dazaifu ở Kyuushuu (dưới có ty Sakamori = phòng nhân ty, trông coi lính thú), Settsushiki, Sakyôshiki và Ukyôshiki ở kinh đô (dưới có hai Ichi no tsukasa coi hai khu chợ Đông và Tây, ngoài ra ở các phường (bô) trong thành phố thì có chức bôryô hay phường lệnh, giống như phường trưởng).

4.3 Đặc quyền của giới quí tộc và quan lại

Những người làm việc ở các công sở cấp trung ương và địa phương, ngày nay gọi là công chức hay công nhân viên, như thế, theo ước tính của nhà nghiên cứu Naoki Kojirô, có vào khoảng 8.117 người trong các nha sảnh trung ương. Bậc cao hơn ngũ phẩm (goi) chỉ khoảng 125 người, còn cỡ họp bàn nội các thì chỉ ngoài 10 người. Trong hàng quan lại cấp cao thì có 4 đẳng cấp: kami (trưởng quan), suke (thứ quan), jô (phán quan) và sakan (chủ điển)

Trong chế độ luật lệnh, người cai quản công việc các Bộ (tỉnh = shô) thì được gọi là kami (trưởng quan). Phụ tá cho người ấy là suke (thứ quan). Người chấp hành công vụ gọi là jô (phán quan),bên dưới có sakan (chủ điển) như thư ký giúp việc. Nhìn cách việc chữ Hán các thứ bậc ấy, không khỏi liên tưởng đến các ông tham, ông phán, chủ sự  bên ta vào thời trước.
 

Bốn đẳng cấp trong quan trường:
Quan chức Bộ (tức tỉnh, trung ương) Phủ Dazai (địa phương Kyuushuu) Kuni (quốc, các địa phương khác) Gun (quận, địa phương)
Kami (Trưởng quan) Kyô (Khanh) Sui (Súy) Kami (Thủ) Tairyô (Đại lĩnh)
Suke (Thứ quan) Daisuke, Shôsuke (Đại, Thiếu phụ) Daini, Shôni
(Đại, Thiếu nhị)
Suke (Giới) Shôryô (Thiếu lĩnh)
Jô (Phán quan) Daijô, Shôjô (Đại, Thiếu thừa) Daikan, Shôkan (Đại, Thiếu giám) Daijô, Shôjô
(Đại, Thiếu duyện)
Shusei (Chủ chính)
Sakan (Chủ điển) Dairoku, Shôroku (Đại, Thiếu lộc) Daiten, Shôten
(Đại , Thiếu điển)
Daimoku, Shômoku (Đại, Thiếu mục) Shuchô
(Chủ trướng)
Tuy nhiên, khác với cách trình bày ở trên, Aida Yasunori cho rằng trong các nha sở[13], tuy các chức vụ có thể viết theo những tự dạng chữ Hán khác nhau nhưng cách đọc tên và vai trò quản lý công việc hầu như giống nhau cả.

Trong bọn họ từ địa vị cao nhất (chính nhất phẩm) xuống đến địa vị thấp nhất (thiếu sơ hạ vị) có tất cả 30 nấc. Nhà nước lại đặt ra một chế độ so sánh các chức tương đương để sắp xếp các quan vào chức vụ tùy theo ngạch trật gọi là Kan.i sôtô no sei (Quan vị tương đương chế). Tương ứng với chức vụ và ngạch trật của mình, bọn họ được ấn định sẽ có bổng lộc (phong hộ =fuko và lộc = roku), ruộng đất như thế nào.Họ cũng được miễn đóng các thứ thuế dung, thuế điệu và khỏi đi phải làm tạp dịch (tạp dao). Nếu nắm chức vụ cao thì họ còn nhiều đặc quyền về kinh tế và giai cấp (danh vọng) hơn nữa. Con nhà quí tộc từ ngũ phẩm trở lên (hay cháu các nhà từ tam phẩm trở kên) có thể được bổ nhiệm vào một chức tước tương đương nào đó của cha hay cụ nội mình. Đó là chế độ bổ nhậm quan chức tương đương, nói cách khác đi là có địa vị nhờ tập ấm (tiếng Nhật gọi là "chế độ ấm vị" hay on.isei ). Nó cho phép con cháu thừa hưởng âm đức hay vinh quang của ông cha.

Chính là những gia đình đại hào tộc có trước thời đổi mới năm Taika là thành phần độc chiếm những vị trí quan trọng. Như thế, dưới chế độ luật lệnh, nhờ chế độ tập ấm mà cuộc sống của giới này an định hơn , địa vị và tài lực của họ vững vàng hơn.

Về chế độ tư pháp thời luật lệnh thì hình phạt được chia làm năm loại chính: si (chi), trượng (jô), đồ (zu), lưu (ru), tử (shi). Nói chung là ngũ hình (gokei). Xin trình bày cụ thể hơn như sau:

Si (chi): Đánh vào mông bằng roi làm từ thân cây trúc (si) từ 10, 20, 30, 40 đến 50 lần.

Trượng (jô): Đánh bằng trượng, một loại gậy chắc chắn và to hơn roi. Hình phạt có thể từ 60 đến 100 trượng.

Đồ (zu): trừng dịch (khổ sai) từ 1 đến 3 năm.

Lưu (ru): cưỡng bách phối lưu, còn gọi là đày đi xa. Đi gần khoảng Echizen hay Aki thì gọi là konru (cận lưu). Đi vừa vừa (đối với kinh đô) cỡ Shinano, Iyo thì gọi là chyuuru (trung lưu).Bị đày đi xa như đến các vùng Izu, Awa, Hitachi, Sado, Oki, Tosa... thì gọi là enru (viễn lưu).

Tử (shi) có hai loại: thắt cổ (kôshu) hoặc xử trãm (zanshu).

Ngoài ra, để duy trì trật tự của xã hội và quốc gia, những hình phạt liên quan đến các tội phạm với nhà nước, với thiên hoàng và tôn thất đặc biệt bị nghiêm trị. Những hành vi như thế xếp vào hạng hachigyaku (bát nghịch) hay tám tội nặng: mưu phản (bôhen, muhen, nổi loạn phá rối trị an), mưu đại nghịch, mưu bạn (muhon, nhằm lật đổ chính quyền), ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất nghĩa. Ngay cả quí tộc và quan lại, hễ phạm vào "bát nghịch" cũng khó lòng được dung thứ, giảm miễn. Tuy vậy, khi không mang trọng tội thì quí tộc và quan lại có cái đặc quyền là chỉ bị bãi chức hay phạt tiền mà thôi.
 

Vài nét về tính chất của pháp luật Nhật Bản cổ đại

Thời thượng cổ, luật pháp và tôn giáo chưa được phân biệt. Đó là quan điểm "tế chính nhất trí". Tội lỗi (tsumi, guilt) cũng chỉ sự xúc phạm tới thần thánh nữa vì nó còn bao hàm ý niệm kiêng kỵ (imi, taboo). Tội lỗi gồm cả tội đối với trời (amatsuzumi) và tội với đất nước (kunitsuzumi) nhưng cả hai đều mang tính tôn giáo và có ghi chép lại trong quyển thứ 8 của bộ luật đầu tiên, Engishiki (Diên Hỷ thức, 50 quyển, 905). Trong số những tội đối với trời có ghi tội phá hoại hoa màu, tội ngăn hay tháo nước ruộng, tội lóc da súc vật, tội bôi trét phân hay đồ ô uế. Tội với nước có tội thông dâm giữa cha mẹ và con cái làm loạn tôn ti trực hệ, gian dâm với súc vật (thú gian)... Tuy nhiên, kẻ mắc bệnh bạch điến (shirahito, người có nước da trắng dị thường) hay mang u bướu (kokumi) hoặc bị sét đánh... đều coi như bị trời phạt, cần trị tội để nguôi cơn giận của chư thần, nếu không tập đoàn sẽ bị vạ lây.

Trong lúc xử kiện, nếu có sự hồ nghi thì quan án hỏi ý kiến của thần mà quyết định (thần phán). Họ đốt cháy xương vai của hươu hay giải mộng (mộng chiêm) để biết thực hư. Hoặc cho người bị tình nghi nhúng tay vào nước sôi (nhiệt thang thẩm), lòn tay vào lồng có rắn (xà thẩm). Hai cách thức sau dĩ nhiên là không khoa học và mang tính khảo tra, dằn mặt kẻ gian để phòng ngừa mà thôi.Phải nói thêm là thời cổ, ở phương Tây cũng áp dụng nhưng phương pháp tương tự.

Về hình phạt thì theo Kojiki và Nihon shoki, ngoài những hình thức si, trượng, đồ, lưu, tử kể đến bên trên, còn có các cách thức khác từ nhẹ đến nặng. Nhẹ như kình (khắc mực vào mặt), biếm (tước đoạt tên tuổi, địa vị), phối tiện (bắt làm nô tỳ), Nặng thì có giết cả vợ con, môn hộ, tông tộc (tru sát).[14]  .

Tiết 5: Chế độ ruộng đất và thuế má của nhà nước luật lệnh
5.1 Chế độ cấp phát ruộng (Handen)

Trong một thời gian dài, các hào tộc đã được quyền có đất riêng và nông dân phục vụ riêng cho mình. Đến khi nhà nước luật lệnh thành lập, chính phủ ngăn cấm họ không có quyền ở hữu đất đai và dân chúng nữa. Ngược lại, nhà nước đổi nguyên tắc, xem những thứ đó là công địa công lãnh, đặt tất cả dưới sự kiểm soát của mình để dễ bề thu thuế. Như thế, cả đất đai và con người đều trở thành của công, cấm buôn đi bán lại. Đây là một hệ thống tài vật mới dưới quyền quản lý của nhà nước. Nói cách khác, đó là chế độ  "công điền công lãnh" xử lý công điền công thổ mà bộ luật cấp phát ruộng đất cho dân làm ăn gọi là Handen shuujuuhô (Ban Điền Thu Thụ Pháp[15]) đã dựa lên trên.

Để có thể thực hiện một cách triệt để phương sách này, trước tiên chính phủ phải soạn sẳn một bộ hộ tịch (koseki) và sổ sách để ghi chép những con tính (keichô) trong đó mỗi người dân đều được đăng ký. Chính phủ tổ chức những đơn vị làng xã (gọi là ri hay lý, mỗi ri gồm 50 hộ nóc gia), như vậy chính trị luật lệnh sẽ được áp dụng đến hang cùng ngõ hẻm vì họ biết cả nơi cư trú của từng mỗi một người dân. Hộ tịch thì cứ 6 năm được làm lại một lần. Nam nữ khi đã trên 6 tuổi đều phải được mỗi chủ hộ (koshu) khai báo để được hưởng một phần ruộng gọi là "ruộng khẩu phần" (kubunden = khẩu phần điền). Người nào chết nhà nước sẽ thu lại phần ruộng khẩu phần của người ấy.

Ruộng khẩu khần là ruộng được cấp phát cho, chia cho, nên mới có tên là handen (ban điền). Như vậy hộ tịch được lập thành là để ghi chép cách chia ruộng đất cho dân.

Tuy rằng mỗi một người "lương dân" bất luận nam nữ, cứ trên 6 tuổi sẽ được cấp ruộng khẩu phần nhưng việc ấy đã xảy ra cụ thể như sau: con trai thường dân mỗi người được 2 "dan", con gái được 2/3 "dan". "Dan" được tính ra là 360 bộ tương đương với 11,7 sào tây (are). Như thế, đàn ông con trai mỗi người được 720 bộ và đàn bà con gái 480 bộ vậy.

Hai chữ lương dân (ryômin) ám chỉ người thường dân nói chung. Theo nhà nước luật lệnh thì đó là những dân thường, không thuộc vào hạng người có một kỹ năng gì đặc biệt để có thể trực thuộc vào một shinabe (phẩm bộ) hay zakko (tạp hộ) tức người giúp việc cho nha sở nào đó triều đình và cũng không thuộc vào hạng tiện dân (senmin), đối tượng của sự kỳ thị .Tuy bị đặt bên dưới những người thường dân khác, tiện dân cũng được cấp đất canh tác kiếm sống nhưng chỉ là 1/3 đất dành cho lương dân mà thôi. Như vậy, ruộng khẩu phần của một nam tiện dân là 720 bộ /3 hay 240 bộ. Người nữ chỉ vỏn vẹn có 160 bộ.

Tiện dân lại chia ra làm 5 hạng, gọi là năm loại tiện dân (goshiki no sen) Không phải tất cả bọn họ đều được cấp 1/3 số ruộng so với lương dân. Cùng là tiện dân với nhau nhưng lại phân chia theo thứ hạng. Ba hạng đầu gồm những kẻ lo canh gác, trông coi lăng mộ cho hoàng tộc (ryôko =lăng hộ), những kẻ phục dịch cho nhà quan và gia đình có đủ số người để thành một hộ (quan hộ = kanko), nô tì nhà quan nhưng không đủ số người để thành hộ ( kunihi =công nô tì). Vì là nô bộc ở cửa công nên ba hạng này tuy là tiện dân nhưng được đối xử không khác lương dân. Chỉ riêng 3 hạng sau gọi là kenin (gia nhân) và shinuhi (tư nô tỳ) làm việc cho tư nhân thì mới bị giảm số ruộng khẩu phần chỉ còn 1/3 của lương dân. Với cách phân phối chặt chẽ như thế, nhà nước thời đó có thể nắm được con số thống kê về các hộ, số ruộng đất chia và nguồn thuế của từng địa phương một. Nó cũng giúp người nghiên cứu ngày nay tạo lập lại hình ảnh của xã hội lúc ấy và tìm thấy những dữ kiện khá chính xác để hiểu cuộc sống của nông dân Nhật Bản thời cổ.

Dĩ nhiên, khi một người chết đi thì đến lần lập hộ tịch sau (cứ 6 năm là đến hannen hay "ban niên" hay năm ban phát), đất sẽ bị nhà nước sung công (thu hồi mà Nhật gọi ngược là kaishuu hay hồi thu) và đưa cho người khác. Đó là nguyên tắc cơ bản của luật handen (ban điền) cung cấp và thu hồi ruộng đất này Bên cạnh khẩu phần điền dành cho mọi người còn có các qui chế iden (vị điền) và shikiden (chức điền) ban phát cho quan lại theo địa vị và chức tước của họ.

5.2  Qui chế xử lý

Khi thực hiện luật handen, nhà nước còn cần phải có một qui chế giúp họ xử lý ( và điều hành) luật ấy một cách tốt đẹp. Qui chế nói ở đây là jôrisei (điều lý chế), dùng vào việc qui hoạch đất đai và được tổ chức với hình thức như sau:

Trước hết, đất đai được chia thành nhiều khu vực hình vuông mỗi bề dài là 6 chô (đinh). Vì 1 chô là 60 bu (bộ) tương đương với 108m, cho nên bề dài 6 chô có nghĩa là 468m . Một bề của miếng đất được gọi là jô (điều), bề kia được gọi là ri (lý). Miếng đóng khung giữa hai được vây bọc bởi jô và ri cũng được gọi là ri. Diện tích của ri (lý) khi phân chia thành từng ô một với chiều dài mỗi bên 1 chô được gọi là tsubo (quốc tự viết với chữ thổ+bình). Mỗi tsubo còn được chia thành 10 phần bằng nhau gọi là dan (đoạn). Như thế, đơn vị cơ sở của đất đai là dan. Cách chia tsubo thành dan có thể thực hiện theo 2 phương pháp: Hoặc chia theo hình thù một vạt đất dài (chôchigata): 60 bu x 6 bu = 360 bu ( = 1 dan); hoặc chia theo hình thù một vạt đất ngắn (han.origata): 30 bu x 12 bu = 360 bu (= 1 dan). Như thế, người ta sẽ biết một cách rõ ràng diện tích miếng đất  rộng bao nhiêu jô, bao nhiêu ri, bao nhiêu tsubo.

Cách tính toán, phân chia như thế hãy còn ảnh hưởng đến ngày nay. Người Nhật bây giờ khi hỏi chuyện về nhà cửa đát cát với nhau vẫn tính toán diện tích theo tsubo.

5.3 Các thứ tô thuế phụ đảm bởi nông dân

Nhờ có chế độ handen (ban điền) cấp ruộng để làm ăn như thế mà người nông dân Nhật Bản thời xưa được bảo đảm mức sống tối thiểu. Ít nhất đó là chủ ý của nhà làm luật buổi đầu. Trên nguyên tắc, đã có ruộng nhà nước cấp không bồi hoàn như thế thì chỉ cần chịu khó đổ mồ hôi ra lao động thì khả dĩ sẽ có miếng ăn.

Thế nhưng xã hội luật lệnh không chỉ nhắm mỗi mục đích vô vụ lợi đó. Nó cho tay này nhưng cũng lấy lại tay kia (give and take). Chúng ta nên hiểu rằng nhà nước có thu thuế cũng là chuyện đương nhiên.

Trước tiên, kẻ được hưởng ruộng khẩu phần phải trả tô (so).Theo qui định thì cứ một dan (đoạn) hay công đất, nông dân phải nộp 2 bó (soku) và 2 nắm (wa) lúa. Tính ra thì cứ 10 wa thì thành một soku.Nó tương đương với 3% số lúa thu hoạch được.

Do đó, một người đàn ông thuộc tầng lớp lương dân (ryômin) và được cấp 2 dan ruộng khẩu phần thì sẽ phải đóng cho nhà nước 4 soku 4 wa. Số địa tô này nhà nước giao phó cho địa phương giữ lại để mai sau chi dùng cho những kinh phí của nhà nước.

Một tài nguyên khác của chính quyền trung ương là hai thứ thuế điệu (chô) và dung (yô). Để có thể thu thuế điệu và dung, nhà nước mỗi năm phải lập đinh bạ để kiểm kê dân số (keichô) rồi cứ theo đầu người mà đánh thuế. Thuế điệu thu bằng vải, tơ hay lụa...tùy theo sản vật của địa phương còn thuế dung là thuế sưu dịch (gọi là tuế dịch hay saieki), người dân phải lên làm việc ở kinh đô 10 ngày một năm.

Tuy nhiên thời đó, giao thông còn khó khăn, không phải cứ muốn đi đâu thì đi. Từ địa phương ra đến kinh đô, hành trình đã dài lại cực khổ. Do đó có lệnh cứ nạp 2 jô 6 shaku (8m) vải là coi như đóng đủ thuế dung ( yô).Chỉ còn đặt ra vấn đề là làm thế nào chuyển vận sản phẩm lấy từ thuế điệu và thuế dung lên đến kinh đô.Người ta phải cậy vào tay nông dân và loại lao động phụ trách chuyên chở này gọi là unkyaku (vận cước). Ngoài ra, còn phải nhắc đến một hình thức lao động khác gọi tạp dao (zôyô) là một loại lao động cưỡng bách theo mệnh lệnh của quan cai trị (như các gunji) trong một khoảng thời gian có giới hạn để đi làm các việc liên quan đến thủy lợi và kiến thiết hoặc lao dịch tạp nhạp ở các nha sở.
 

Bốn hình thức phụ đảm thuế của công dân (dựa trên Luật Yôrô)
Phân loại Chính đinh (Nam 21-60 tuổi) Thứ đinh (lão đinh)
(Nam 61-65 tuổi)
Trung nam (thiếu đinh) (Nam 17-20) Bị khảo
Tô (So) Một dan nộp 2 soku 2 wa  Cũng vậy Cũng vậy Thuế điền, 3% số thu hoạch
Điệu (Chô) Một lượng nhất định sản vật của địa phương đương sự: tơ, lụa, vải vóc, thừng vv... Cũng vậy nhưng 1/2 chính đinh Cũng vậy nhưng 1/4 chính đinh Chính đinh còn phải nộp thêm màu để nhuộm
Dung (Yô) Lao dịch 10 ngày 1 năm ở kinh đô hay nộp 2 jô 6 shaku ( 2 trượng 6 thước = 8m ) vải Cũng vập nhưng 1/2 chính đinh Chưa phải là đối tượng Người kinh đô và lân cận được miễn
Tạp dao (Zôyô) Tạp dịch ở địa phương 60 ngày cho mục đích công ích Cũng vậy nhưng 1/2 chính đinh Cũng vậy nhưng 1/4 chính đinh Sau giảm còn một phân nửa
Có một loại thu nạp tuy không gọi là thuế nhưng trên thực tế không khác gì mấy, đó là hình thức suiko (xuất cử). Theo định nghĩa, mùa xuân nhà nước đem thóc lúa cho nông dân vay, mùa thu nhà nước lấy lại cả vốn lẫn lời (thu nhập của nhà nước gọi là ritô = lợi đạo hay gạo thóc sinh lãi). Thực ra đây là một chế độ giúp nhà nông có thóc lúa ăn trước vụ mùa và do các tư nhân như hào tộc địa phương đảm nhận (gọi là shisuiko (tư xuất cử). Nhưng khi chính nhà nước đảm nhận thì việc này có tên là kusuiko (công xuất cử). Lợi tức này là một nguồn thu nhập thật không nhỏ chút nào đối với công khố. Nó đáng được coi như là một thứ thuế phụ thu. Nhà nước ấn định khi nhà nước cho vay thì lãi suất phải dưới 5% và nếu tư nhân cho vay thì lãi suất phải dưới 10%. Thêm vào đó, nông dân còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho các kho liên đới (gisô = nghĩa thương) dự trữ kê (awa) dùng vào việc phát chẩn những khi mất mùa. Nhìn chung mới thấy trong xã hội luật lệnh, cuộc sống của người nông dân không dễ chịu chút nào.

Về binh dịch thì cứ 3 đến 4 người đàn ông thành nhân thì 1 người bị trưng binh.Các lãnh đạo địa phương tổ chức lính thành gundan (quân đoàn) và chịu trách nhiệm huấn luyện họ.Một bộ phận được đưa lên kinh đô để bảo vệ cung điện và kinh thành. Họ được gọi là các eshi (vệ sĩ). Ngoài ra, người bị trưng binh cũng có thể gửi đi làm lính thú tức sakimori (phòng nhân) để giữ các đảo Iki, Tsushima và vùng duyên hải phía bắc Kyuushuu.

Lính thú sakimori thường xuất thân ở miền Đông vì vùng đất này vốn sinh ra những chiến sĩ dũng cảm. Tuyển tập thơ Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập) còn chép lại trên 100 bài thơ liên quan đến cuộc sống của họ.Đó là những vần thơ ai oán nói lên tình cảm gắn bó với gia tộc và làng nước và tả lại cuộc sống gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nên nhớ rằng những gia đình phải gửi con ra lính cũng phải nhận một phần phụ đảm quan trọng. Tuy người lính được miễn những hình thức sưu dịch nhưng vũ khí, trang phục và lương thực thì họ phải tự túc lo. Nhà có người đi lính dĩ nhiên mất đi một nguồn lao động quan trọng. Còn có những thảm cảnh như người cha đi lính bỏ lại lũ con thơ không người chăm sóc vì mẹ chúng vừa mới chết:

Lũ con nắm chặt áo cha,
Ta bỏ chúng lại để ra cõi ngoài,
Mẹ đâu còn nữa, bay ơi!
                   (bài Karagoromo, Suso ni toritsuki...)
Tiết 6: Kinh đô Heijô và chính trị thời Nara sơ kỳ
6.1 Việc gửi sứ sang nhà Đường (Kentôshi) và sự kiến tạo kinh đô Heijô

Sau khi bộ luật và sắc lệnh hành chánh Taihô được áp dụng kể từ năm Taihô nguyên niên (701), nhà nước chuẩn bị việc thiên đô từ Fujiwarakyô (Đằng Nguyên Kinh) về Heijôkyô (Bình Thành Kinh) vào năm 710 (Wadô thứ 3). Giai đoạn từ đó cho đến 80 năm về sau được gọi là thời Nara. Trong thời đại Nara, có một chính sách được các sử gia đánh giá là vô cùng quan trọng: việc gửi các sứ giả qua nhà Đường hay Khiển Đường Sứ (Kentôshi). Chính sách này sẽ ảnh hưởng lớn lao đến việc tổ chức nhà nước Nhật Bản.

Thời đại Nara lúc kinh đô mới Heijôkyô được xây dựng theo mô hình kiến trúc Trường An, quốc đô của nhà Đường là một thời kỳ chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa nhà Đường. Lúc ấy nghĩa là giai đoạn thế kỷ thứ 7 và thứ 8 ở Trung Quốc nhà Đường phát triển vô cùng mạnh mẽ trên một bình diện rộng lớn.Người Trung Quốc lúc ấy đã giao lưu rộng rãi với các quốc gia vùng Tây Á và tạo được cho mình một nền văn hóa phong phú màu sắc quốc tế.

Nhà Đường kiến quốc năm 618 sau khi nhà Tùy bị diệt vong nhưng mãi đến năm 630 thì mới có sứ thần Nhật Bản được phái đến. Từ đó không còn những đợt Kenzuishi (Khiển Tùy Sứ, 600-614) mà thay vào đó là những phái bộ Kentôshi (Khiển Đường Sứ, 630-894). Vị sứ thần Nhật Bản đầu tiên sang nhà Đường là Inukami no Mitasuki. Từ đó trở đi, tính có đến 20 lần, người Nhật có kế hoạch gửi sứ thần qua bên đó. Tính ra cứ khoảng mỗi 20 năm thì có một chuyến đi sứ như thế, chẳng những Nhật Bản học hỏi được những tiến bộ của nhà Đường mà còn khỏi bị bỏ quên trong mối quan hệ quốc tế ở Châu Á. Nhờ đó Nhật Bản đã trở thành một thành viên trong khu vực rộng lớn có văn hóa chung của vùng Đông Á mà Đường đóng vai trò chủ đạo.


Thuyền đi sứ sang nhà Đường 
trong tập tranh hoạ về Hòa thượng Ganjin (thế kỷ 13)

 Tuy có lệnh tổ chức 20 chuyến Kentôshi nhưng trên thực tế, chỉ có 16 chuyến được thực hiện. Bốn lần kia bắt buộc phải đình chỉ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.Chuyến đi cuối cùng được lên kế hoạch vào năm 894 (Kanpyô thứ 6). Sugawara no Michizane (Quản Dã Đạo Chân, 845-903, đại thần và nhà văn hóa lớn) đã được bổ nhiệm làm chánh sứ nhưng lúc đó ông nhận thấy nhà Đường không còn đủ hấp dẫn so với những hiểm nghèo của cuộc hành trình sứ bộ sẽ gặp phải, ông đã dâng kiến nghị xin hũy bỏ nó. Lời tâu của ông được triều đình chấp nhận và các cuộc đi sứ sang nhà Đường bị cắt đứt từ đó sau khi đã có một lịch sử kéo dài hơn hai thế kỹ rưỡi (630-894).

Nói đến văn hóa thời Nara thì phải nói đến văn hóa giai đoạn niên hiệu Tenpyô (Thiên Bình, có cách đọc khác là Tenpei) dưới triều Thiên Hoàng Shômu (Thánh Vũ). Đó là "văn hóa Tenpyô", một nền văn hóa giàu tính quốc tế vì nó đã thu nhận ảnh hưởng của giai đoạn văn hóa thời toàn thịnh của nhà Đường.


Shôsôin (Chính thương viện), bảo tàng viện tối cổ Nhật Bản

Cụ thể mà nói, về mặt văn nghệ, ta thấy văn thơ chữ Hán được các nhà quí tộc thời Nara sáng tác rộng rãi và nó đóng vai trò không nhỏ trong việc tu dưỡng tri thức của lớp người này. Thi tập thơ chữ Hán tối cổ của Nhật Bản, Kaifuusô (Hoài Phong Tảo = Những áng thơ hay, 751?, 120 bài) tiếp nhận rất nhiều ảnh hưởng của thi ca Lục Triều và Sơ Đường đến từ Trung Quốc. Về hội họa mà nói, những bức tranh Phật (Butsuga) như tranh vẽ tượng tiên nữ Kichijô (Cát Tường Thiên)[16] ở chùa Yakushi hay những bức tranh thế tục (sezokuga) kiểu bức Chômôryuujo- byoubu tức tranh trên bình phong vẽ mỹ nhân đứng bên gốc cây, đều thấy chịu ảnh hưởng của tranh nhà Đường. Lại nữa, cây đàn tì bà (biwa) năm giây làm bằng gỗ tử đàn cẩn xa cừ (raden shitan gogen no biwa) và chiếc bình hình bầu thếp sơn (shikkohei, bình kiểu Ba Tư để đựng nước) còn tàng trữ như bảo vật trong bảo tàng viện tối cổ của Nhật là Shôsôin (Chính Thương Viện) cho ta thấy trình độ sản phẩm công nghệ thời ấy. Những món đồ quí giá đó (và có khi là vật duy nhất còn lưu lại được như cây đàn tì bà vừa kể) tương truyền là do Hoàng thái hậu Kômyô (Quang Minh), vợ của Thiên hoàng Shômu đã hiến nạp như di phẩm chồng mình để lại. Nhìn chúng, ta thấy được nghệ thuật thiết kế của các nghệ sĩ bậc thầy của vùng Đông La Mã, Tây Á và Ấn Độ đã đi xuyên qua Trung Quốc thời nhà Đường để đến Nhật Bản như thế nào.


Đàn tỳ bà năm dây cẩn xa cừ nguồn gốc Tây Vực duy nhất còn được bảo tàng

Sang bên nhà Đường thời ấy để tiếp nhận văn hóa của họ là cả một thử thách gian nan đối với người Nhật. Kỹ thuật hàng hải cũng như kỹ thuật đóng thuyền chưa cao, nhất là trong những chuyến về sau, các sứ bộ không men theo bờ mà chọn con đường phía nam phải vượt biển khơi nên rất hiểm nghèo.

Người đi sứ thường tổ chức thành đoàn từ 100 đến 250 người. Đoàn đông nhất lên đến 500. Đoàn thuyền của sứ bộ gồm 4 chiếc cho nên về sau khi nói về sứ bộ, người ta thường dùng chữ yotsu no fune hay "đoàn thuyền bốn chiếc" . Về hành trình trên biển, họ theo hai con đường, hoặc bắc, hoặc nam. Lúc đầu, họ chọn đường phía bắc[17] nhưng vào thế kỷ thứ 8 và thứ 9, khi mối liên hệ giữa Nhật Bản và Shiragi (Tân La, Shilla) xấu đi (Shilla trước đó đã dựa vào thế lực nhà Đường để thống nhất bán đảo Hàn), họ đành phải chọn con đường phía nam[18] nhiều sóng gió hơn. Cho đến lúc đó, hai nước Nhật và Shiragi vẫn giữ một quan hệ bình đẳng. Chỉ đến khi Shiragi muốn coi Nhật Bản như một thuộc quốc thì quan hệ đó mới trở nên căng thẳng.

Trong những điều kiện như thế, có những người đi sứ không có cơ hội trở về trông thấy quê hương như Abe no Nakamaro[19] và Fujiwara no Kiyokawa. Họ phải tiếp tục ở lại và phụng sự triều đình nhà Đường cho đến ngày cuối cùng. Quả là những người đã hy sinh cả cuộc đời mình cho việc đi sứ.

Mặt khác, vào cuối thế kỷ thứ 7, ở vùng đông bắc Trung Quốc xuất hiện một quốc gia tên là Bokkai (Bột Hải). Họ có những liên hệ đối nghịch với Đường và Shiragi nên thường gửi sứ giả sang Nhật Bản giao hiếu. Sứ bộ ấy có tên là Bokkaishi ( Bột Hải sứ) Sứ thần Bột Hải thường ghé lại quán xá Kôrokan (Hồng Lô quán) ở kinh đô hay nhà khách Matsubara (Matsubara kyakuin) ở vùng Echizen (tỉnh Fukui bây giờ) hay nhà khách Noto ở Noto (tỉnh Ishikawa bây giờ) và được đãi ngộ hậu hĩ. Fukui và Ishigawa đều nằm ở miền trung nước Nhật, về phía biển Nhật Bản.

Thế nhưng, kể từ hậu bán thế kỷ thứ 8 trở đi, quan hệ giữa Nhật Bản với Shiragi và Bokkai dần dần chuyển qua lãnh vực mậu dịch và các sứ bộ khi đến Nhật thường mang theo những phẩm vật hiếm có đến từ lục địa và gây được sự chú ý của tầng lớp quí tộc.

Trãi qua bao nhiêu gian khổ, các sứ bộ (gồm cả du học sinh và du học tăng) đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi đem văn vật nhà Đường về nước Nhật. Trong bọn họ có hai nhân vật có năng lực là Kibi no Makibi và tăng Genbô. Chúng ta rồi sẽ thấy ai ông ấy đã giữ những vai trò trọng yếu thế nào trong chính quyền Tachibana no Moroe dưới triều Thiên Hoàng Shômu.

6.2 Việc thiên đô về kinh đô mới Heijôkyô

Như đã nhắc đến ở đầu chương, năm 710 (Wadô thứ 3) dưới triều Nữ thiên hoàng Genmei, kinh đô đã được dời từ cung Fujiwara về Heijô ở Nara. Lý do của việc thiên đô là vì Fujiwara nằm ở phía đông nam thung lũng Nara là một địa điểm hơi khuất và bí. Nó nằm giữa ba ngọn núi nhỏ Ama no Kaguyama, Unebiyama và Miminashiyama, giống như bị chung bao vây. Chỉ có phía bắc thung lũng Nara là thông thoáng, thuận tiện cho việc kiến tạo một kinh đô có diện tích rộng rãi xứng đáng với cuộc cải cách chính trị có tầm vóc và cần được bố cáo cho trong biết ngoài hay. Đó là sự thành lập một chế độ trung ương tập quyền dưới sự chỉ đạo của thiên hoàng.


Phác họa qui mô kinh đô Heijôkyô

Công cuộc khai quật di tích hoàng thành Heijôkyô hiện đang được nhà nước xúc tiến. Lần lượt người ta tìm thấy vô số dấu tích các khu vực cung điện, quan sảnh và cả những mộc giản. Những thẻ gỗ (mộc giản, mokkan) này gần đây đã trở thành bằng chứng khảo cổ học giá trị. Ngày xưa khi giấy còn là sản phẩm quí, người ta đã dùng nó làm vật ghi chép. Trong khi di tích vật chất được đào bới lên nhiều mà văn kiện có chữ viết không được bao nhiêu thì những mokkan chính là những tài liệu vô cùng quí giá. Ta có thể phân các mokkan ra làm 4 loại:

1) Mokkan dùng để ghi chép công việc hoặc thông tin giữa các quan.
2) Mokkan dùng để ghi chép vật dụng trong nhà tiện cho việc quản lý chúng.
3) Mokkan dùng để ghi chép vật cống nạp hoặc thu thuế.
4) Mokkan dùng để tập viết lách (tenarai) và viết đùa nghịch (rakugaki)[20].

Có nhiều mokkan có thể cho ta những thông tin quan trọng. Ví dụ trước năm 701, theo những gì ghi trên mokkan đào được ở kinh đô Fujiwara thì khi bộ luật Taiho (Đại Bảo) chưa được đem ra áp dụng thì chữ đơn vị hành chánh gọi là Kôri không viết bằng chữ Hán "quận" mà viết là "bình" với bộ "ngôn". Điều thích thú khác là mokkan đào ở di tích nhà cũ của Hoàng thân Nagaya[21] cho thấy có chép tên họ một người đàn ông với kakushi (hoạch chỉ, dấu tay của đầu ngón và các lóng ngón tay trỏ) thay cho chữ ký của người ấy, chứng tỏ các mokkan có khi dùng như giấy chứng minh căn cước.

Trong kinh đô Heijôkyô, ở khu vực kinh thành, người ta đã tìm thấy các khu vực cung điện, dinh thự của hoàng tộc và quí tộc cũng như di tích nhà cửa của người bình dân. Nhờ vào những di tích đó mà càng ngày, người ta càng hiểu biết thêm ra về sinh hoạt của mọi từng lớp dân chúng.

Vì xây theo kiểu kinh đô Trường An của nhà Đường nên kinh đô Heijô được qui hoạch theo một bàn cờ thật lớn ngay hàng thẳng lối theo 4 hướng đông tây nam bắc. Đô thành xây dựng theo chế độ điều (jô = đường lớn) và phường (bô = xóm lớn) (điều phường chế = jôbôsei). Nam bắc có tất cả 4 phường (bô) và đông tây có tất cả 9 điều (jô)

Phần trung tâm của kinh đô thì phía bắc của nó có cung thành (kyuujô) hay nội lý (dairi). Từ đó trãi dài xuống phía nam là đại lộ Chu Tước (Suzaku Ôji). Cánh cổng thành cuối đại lộ là La Thành Môn (Rashômon)[22]. Đó là cánh cổng chính vào kinh đô. Giữa kinh đô, cách bởi đại lộ Suzaku có hai khu vực. Nhìn từ phía bắc xuống, một bên là Tả kinh (Sakyô), một bên là Hữu kinh (Ukyô) theo đúng nguyên tắc "Thiên tử nam diện (Đức vua ngoảnh mặt về hướng nam) từng thấy trong sách vở Trung Quốc. Phần trung ương của khu vực phía bắc hoàng thành được gọi là dairi (nội lý) nơi thiên hoàng sinh hoạt hằng ngày, còn có khu vực triều đường và các quan sảnh nghĩa là trung tâm của sinh hoạt chính trị Nara.

Trong kinh đô còn có khu vực dành cho nhà cửa quí tộc và quan lại cũng như các chùa chiền. Các chùa như Daianji (trước có tên Daikandaiji), Yakushiji, Gangôji (trước có tên Asukadera) phần nhiều đã được nhà nước cho dời từ kinh đô cũ Asuka đến. Tất cả tạo cho kinh đô mới một vẻ đẹp và trang nghiêm theo phong cách đại lục, hoành tráng chưa từng có. Trong tuyển tập Man.yôshuu ghi lại hình ảnh đương thời cũng đã có thơ nói đến "nét đan thanh" (aoniyoshi...) của kinh đô Nara thấy qua màu ngói xanh, màu cột sơn son và những khung tường trắng.

Sở dĩ nhà nước đã ra sức xây dựng đô thành một cách đại qui mô như vậy có lẽ vì muốn biểu dương sức mạnh và của cải của một nền chính trị trung ương tập quyền đã được chỉnh đốn dưới sự lãnh đạo của các thiên hoàng và quí tộc, cho bên trong bên ngoài đều biết. Về mặt địa lý thì khu vực phía bắc thung lũng Nara, nơi tọa lạc kinh đô mới Heijôkyô, diện tích khá rộng rãi, có khả năng phô trương được hết uy thế quốc gia. Nó lại có cái tiện lợi vô cùng vì là địa điểm kết nối được hai trục giao thông Đông Tây.

Dưới triều nữ Thiên Hoàng Genmei, quyển Kojiki (Cổ Sự Ký) đã được cho biên soạn vào năm 712 (Wadô thứ 5), tiếp theo đó là các Fudoki (Phong thổ ký) vào năm 713. Về Kojiki, thiên hoàng đã ra lệnh cho bầy tôi là Ono no Yasumaro sao chép những chi tiết lịch sử mà (một nhân vật có lẽ là cô đồng có tên) Hieda no Are đã thuộc làu và đọc lại cho nghe. Riêng về Fudoki, nó là sách ghi chép địa danh, sản vật, phong thổ, truyền thuyết...của từng địa phương trong nước. Fudoki vùng Izumo (ven biển Nhật Bản, tỉnh Shimane bây giờ) còn được giữ hầu như là nguyên vẹn. Ngoài ra, cũng còn lưu lại được Fudoki các vùng Hitachi, Harima, Bungo, Hizen nữa. Ý chí muốn biên soạn địa chí vùng miền, qua đó nguyên lai của sự thành lập quốc gia được sáng tỏ hơn, hẳn không phải là không liên quan gì đến việc phát triển thể chế nhà nước trung ương tập quyền.

6.3 Bắt đầu việc đúc tiền

Cả nước lúc ấy được chia thành 5 kỳ và 7 đạo nhưng giữa kinh đô Heijôkyô và các địa phương đã hoàn tất một hệ thống gồm những trục giao thông chính.Hơn nữa, trên những đoạn đường chủ yếu, cứ cách 30 ri (lý), ước độ 16 km, thì có đặt một trạm thay ngựa (umaya = dịch gia). Chúng được dùng để các nha lại chạy công việc cho thông suốt và nhanh chóng.
 

Hệ thống dịch trạm

Nhà nước luật lệnh rất cần thông tin ra và nhận thông tin từ địa phương để triệt để thi hành chính sách trung ương tập quyền. Sắc chiếu năm Taika 1 (646) đã nói đến việc thiết lập chế độ giao thông gọi là ekiba (dịch mã) và denba (truyền mã). Ekiba có nhiệm vụ chính là đưa công văn khẩn cấp, denba được dùng cho quan lại đi công vụ hoặc lên đường phó nhậm.

Nhật Bản đã bắt chước cách thức của nhà Đường đặt ra các dịch trạm gọi là shukueki (túc dịch). Những nhà trạm này dùng làm chỗ nghĩ ngơi, sửa soạn lương thực cơm nước cho người và vật, nơi đây cũng là nơi người dịch trưởng cư trú và có đặt tào (tàu) ngựa (umaya). Thời Heian, hệ thống dịch trạm đã có trên toàn quốc từ vùng Tôhoku (Đông bắc đạo) như Akita, Iwaki (Fukushima) đến mút nam đảo Kyuushuu (Tây hải đạo) như Dazaifu, Kumamoto, Kagoshima. Những tuyến đường lớn thì gọi là kansen (cán tuyến), những tuyến đường nhỏ thì gọi là shisen (chi tuyến). Theo Engishiki ghi lại, tổng số nhà trạm lúc đó đã lên đến 402 với 3.499 ngựa trạm ekiba, 697 denba và 12 chiếc thuyền để bảo đảm việc đưa tin đến các vùng đảo như Iki, Tsushima và Sado.

Ở kinh đô có hai khu chợ (ichi) do nhà nước quản lý.Chợ họp từ giữa trưa cho đến xế chiều. Nơi đây dân chúng đem sản vật địa phương, các quan lại đem vải lụa, bổng lộc của họ đến trao đổi. Tất cả hoạt động đó đặt dưới sự giám sát của một viên chức gọi là quan coi chợ (ichi no tsukasa).

Dưới thời Nara, người Nhật đã bắt dầu biết sử dụng hóa tệ. Đó là những đồng tiền đúc gọi là Càn Nguyên Thông Bảo được đem nhập vào từ nhà Đường. Năm 708 (Wadô nguyên niên), nhà nước dựa lên khuôn mẫu của Càn Nguyên Thông Bảo để đúc tiền sử dụng trong nước, gọi là tiền Wadô (Wadô kaichin = Hòa Đồng Khai Trân). Việc xảy ra vào tháng 2 sau khi nữ Thiên Hoàng Genmei tức vị được một năm.Số là vào tháng giêng năm bà lên ngôi, vùng Musashi no kuni Chichibu (tỉnh Saitama, gần Tôkyô bay giờ) đem tiến cống triều đình đồng loại tốt nên tháng 2 năm sau người ta đem đúc hai loại tiền Wadô kaichin bằng bạc và bằng đồng.


Đồng tiền Wadô kaichin

Đồng bằng bạc hay ginsen (ngân tiền) được đúc trước tiên. Lý do là vì cho đến lúc đó, bạc vẫn được dùng với vải và lúa gạo như vật đổi chác. Thế nhưng chính sách của nhà nước lúc đó là dùng dôsen (đồng tiền) theo mẫu nhà Đường làm đơn vị hóa tệ duy nhất, nên đồng bằng bạc chẳng mấy chốc bị cấm sử dụng..Sở dĩ người ta xác nhận được sự tồn tại của đồng ginsen niên hiệu Wadô là vì nó đã được thấy lại sau đó ở Trung Quốc.

Để kỹ niệm việc đúc tiền đồng này, nhà nước đã đổi niên hiệu thành Wadô (Hòa Đồng) Chữ đồng trên niên hiệu có cài bộ kim, chữ khác với chữ ghi trên đồng tiền.Thời đại ấy, khi có gì tốt hay xấu, nhà nước đều lấy làm cớ để thay đổi niên hiệu.

Chứng cứ xưa nhất của lịch sử tiền đúc ở Nhật Bản có lẽ là đồng tiền tên Fuonsen (Phú bản tiền) khai quật được ở một di tích gọi là ao Asuka nằm phía đông nam ngôi chùa cổ nhất của Nhật, Asukadera. Thực ra, Fuhonsen đã được tìm thấy ở nhiều nơi trước đó ở các di tích thuộc hai kinh đô Fujiwara và Heijô, thế nhưng niên đại chưa hề được xác định xem nó thuộc đời nào nên bị coi là tiền dùng như bùa chú trừ tà (majinaisen).Thế nhưng khi người ta đào lên rất nhiều đồng tiền như thế cũng như các vật dụng bằng thủy tinh, bằng kim thuộc và dấu vết các lò đúc, cùng với các đồng Fuhonsen và mảnh vỡ của nó cũng như các mãnh vỡ của các khung đổ kim loại để đúc tiền (igata) ở địa tằng thuộc thế kỷ thứ 7 thì nó mới được thực sự chú ý đến. Điều này phù hợp với điều thấy chép trong Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) vào năm 683 dưới thời Thiên Hoàng Tenji " Từ nay về sau, nhất định phải dùng tiền đồng". Như vậy ta có thể phỏng đoán Fuhonsen là đồng tiền nói đến trong sắc lệnh ấy, được đúc dưới triều Tenji và nó là hóa tệ tối cổ trong lịch sử Nhật Bản.

Cơ quan phụ trách đúc tiền gọi là Chuusenshi hay Ty đúc tiền (Chú tiền ty), từ ấy, đảm nhận đúc 12 loại tiền khác nhau.Chúng được gọi chung là Kôchô (hay Honchô) Juunisen nghĩa là Hoàng triều (Bản triều) thập nhị tiền. Sau đó, vào năm 958 (niên hiệu Tentoku 2), dưới triều Thiên hoàng Murakami thì đồng tiền được đúc cuối cùng là đồng Kengen Taihô (Càn Nguyên đại bảo).

Ý muốn của nhà nước khi cho đúc tiền và dùng đồng tiền duy nhất là để thống nhất và thúc đẩy sự lưu hành tiền tệ nhưng rốt cuộc, chuyện đã không dễ dàng như thế.Lý do là cho đến lúc đó, người Nhật vẫn dùng vải, lúa gạo hay bạc làm công cụ trao đổi.Nói cách khác đó là hình thức lưu hành hàng hóa thay cho tiền tệ đã bắt rễ sâu trong dân chúng. Đùng một cái bắt chỉ dùng tiền Wadô để trao đổi thì khó lòng được họ nghe theo nhất là khi người dùng tiền không nhận thức được giá trị tương xứng với món hàng của đồng tiền trong khi trao đổi. Do đó, lúc đầu, ngay cả đồng tiền Wadô kaichin do nhà nước đúc cũng chưa được chấp nhận rộng rãi.

Năm 711 (Wadô 4), để tiền đúc Wadô được lưu hành mọi nơi, chính phủ đã ban lệnh Chikusenjoirei tức "lệnh tích trữ tiền thăng trật" (cấp bậc) thì mới có phong trào chuộng tiền đồng hơn là bạc. Theo lệnh đó, quan lại tích trữ tiền (và cung cấp nó cho nhà nước) nhiều bao nhiêu thì sẽ theo lượng tiền đó mà ban tước vị. Từ tùng ngũ phẩm trở xuống, nếu để dành được 10 quan thì sẽ được thăng một cấp. Mười quan ở đây tương đương với 10.000 đồng tiền. Thế nhưng chế độ này cũng không đưa đến kết quả bao nhiêu và khi sự lưu hành hóa tệ đã phổ cập thì nó trở thành vô nghĩa.

6.4 Mở mang lãnh thổ và bình định bộ tộc Emishi

Thời đại này, chúng ta thấy có thêm một bằng cớ nữa về sức mạnh của nhà nước Nhật Bản, đó sự mở mang lãnh thổ và, như một điều kiện tất yếu, việc bình định các bộ tộc ở biên giới địa dư sẵn có.

Bước vào thời đại Nara, sự sử dụng các nông cụ bằng sắt đã được phổ cập, thêm vào đó, kỹ thuật tưới tiêu cũng tiến bộ hơn. Diện tích trồng trọt (nông địa) của nhà nước luật lệnh nhờ thế cũng gia tăng. Như ta đã biết, ruộng đất thời ấy là ruộng công được cấp phát cho nông dân làm ruộng khẩu phần như phép handen (ban điền) đã qui định. Xã hội từ từ phát triển, dân số cũng nhiều hơn xưa nên số ruộng không còn đủ để cấp phát.Bắt buộc người ta phải tìm cách khai khẩn thêm.

Vì cớ ấy, thời Nara là một thời kỳ mà công việc mở mang lãnh thổ hoạt động rất mạnh mẽ. Thêm vào đấy, cũng vì có tin rằng vùng Suô (còn gọi là Phòng châu, phía Đông tỉnh Yamaguchi) có mỏ đồng, vùng Mutsu (đông bắc đảo Honshuu, nay là tỉnh Aomori và Iwate) lại có mỏ vàng nữa. Ngoài ra, nhân vì nhà nước gửi người chuyên việc nuôi tầm và dệt sợi về địa phương cho nên hai hoạt động này, trước kia chỉ giới hạn trong khuôn khổ cung đình, nay đã trải rộng ra mọi nơi. Địa phương bắt đầu sản xuất các mặt hàng đặc biệt của vùng mình và tiến cống lên kinh đô.

Nói cách khác, vào thời Nara, sức mạnh của Nhật Bản rất là sung mãn, cùng lúc, nhà nước luật lệnh cũng muốn dựa vào sức mạnh đó để mà mở rộng khu vực chi phối của mình.

Điều ấy có nghĩa là thời ấy nhà nước luật lệnh vẫn chưa có một phạm vi ảnh hưởng như ngày nay. Chẳng hạn, miền Tôhoku (tức đông bắc đảo Honshuu) một phần vẫn nằm trong tay tộc Emishi (Hà Di), còn được biết như môjin hay kebito (mao nhân, người lông lá).Về sau chữ Hà Di được phiên âm ra là Ezo và người ta thường đặt một quan hệ chủng tộc giữa người Ezo và người thiểu số Ainu bây giờ. Người Emishi không chịu vào khuôn khổ của nhà nước luật lệnh cho nên đã trở thành đối tượng của những cuộc chinh phạt vào thế kỷ thứ 7.


Người Ainu ngày nay có phải là con cháu Emishi?

Vùng Tôhoku là một địa phương được thiên nhiên ưu đãi, nhất là về săn bắn, đánh cá và hái nhặt.Vào cuối giai đoạn văn hóa đồ gốm với hoa văn kết thừng (văn thừng, Jômon), Tôhoku đã có một văn hóa khởi sắc, đó là văn hóa Kamegaoka (tên một địa phương trên đó). Đến thời Yayoi tiền kỳ đã có chứng cớ là ở khu vực Aomori và Tsugaru, có một nền văn minh lúa nước đã vượt qua biển Nhật Bản để vào đến tận đó.

Thế nhưng,chính quyền Yamato thành lập ở vùng Kinki mới là thế lực đã thu gồm tất cả các địa phương thành một quốc gia. Với thời gian, những người sinh sống ở vùng Tôhoku đã trở thành những dân tộc khác lạ và có một nền văn hóa khác lạ.Theo cách nghĩ của Trung Quốc lấy mình làm trung tâm (trung hoa) và kẻ khác là di địch (tứ di), những người cư dân miền Đông Bắc đã được chính quyền trung ương gọi bằng một cái tên kỳ dị, đầy khinh thị: Emishi (Hà Di, mà Hà có nghĩa là con tôm).

Sau cuộc cải cách năm Taika năm 645, vì muốn có cứ điểm để cai trị các bộ tộc Emishi, chính quyền Yamato đã thiết lập các đơn vị hành chánh ở vùng Hokuriku (Bắc Lục, (tương đương với 4 tỉnh bên biển Nhật Bản là Fukui, Ishikawa, Toyasma và Niigata) mang tên Nutari no saku, Iwafune no saku (saku: sách, đơn vị hành chánh ở miền núi, có thể hiểu như trại)[23]. Đến đời Nữ Thiên Hoàng Saimei thì chính quyền Yamato kể từ năm 658 đã nhiều lần cho tướng Abe no Hirafu dẫn quân viễn chinh để bắt người Emishi ở vùng Akita và Tsugaru phải thần phục.

Bước vào thế kỷ thứ 8, chính quyền Yamato tiến thêm một bước nữa trong việc khống chế người Emishi. Năm 712 (Wadô thứ 5), nhà nước thiết lập Dewa no kuni, một vùng lãnh thổ (kuni) ở phía biển Nhật Bản (nay là Akita, Yamagata). Năm 724 (Shinki nguyên niên), lại cho xây thành Taga (Tagajô, nay thuộc tỉnh Miyagi) phía bờ biển Thái Bình Dương, ở đó nhà nước lập phủ trấn thủ (võ) và quốc phủ (văn) để kiểm soát phần lãnh thổ gọi là Mutsu no kuni (Michinoku) tức vùng cực bắc đảo Honshuu.

Đồng thời nhà nước Yamato tiến hành việc kiểm soát sắc dân bản địa vùng Kyuushuu vốn có tên là những người Hayato. Ở phía nam đảo ấy, chính quyền thiết lập phần lãnh thổ gọi là Ôsumi no kuni. Từ khi ấy, các vùng từ đảo Tanenoshima cho đến quần đảo Satsunan (phía nam Satsuma) dần dần qui thuận triều đình. Nhờ thế, phạm vi mà nhà nước muốn áp đặt chế độ luật lệnh đã được bành trướng thêm nhiều.

Tiết 7: Thời thịnh trị dưới triều Shômu. Văn hóa Tenpyô
7.1 Biên soạn sử thư và địa chí nhằm nâng cao uy tín quốc gia

Vào đầu thế kỷ thứ 8, lúc thời đại Nara vừa mới có chưa được bao lâu thì giữa hoàng tộc và các tay hào tộc trung ương, thế quân bình về quyền lực giữa họ vẫn còn được giữ một cách tốt đẹp. Một thể chế cho phép hai bên hợp tác với nhau đã được xây dựng lên giúp cho sự vận hành nhà nước luật lệnh được thông suốt trơn tru. Vừa khi thể chế quốc gia đã ổn định và sức mạnh của nhà nước đến hồi sung mãn thì những người trong cuộc bỗng cảm thấy có nhu cầu ghi chép ký sự về sự hình thành và phát triển của quốc gia để  truyền lại cho những thế hệ mai sau. Đó chính là lý do mà nhà nước đã cho soạn những sử thư và địa lý chí rất độc đáo theo cách thức Nhật Bản.

Như đã nói đến bên trên, về các sử thư ra đời thời đó phải kể đến việc biên soạn các cuốn Kojiki (Cổ Sự Ký, 712, Wadô 5) và Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ, 720, Yôrô 4) là những hành động cụ thể. Kojiki dựa trước hết trên những Teiki (Đế kỷ) hay truyền thuyết kể lại từ xưa trong cung đình về sự nghiệp các thiên hoàng và sự kế thừa trong hoàng tộc. Nó còn dựa lên những Kyuuji (Cựu từ) tức là những thần thoại lập quốc và các bài ca dao cổ đại. Hai sáng tác này hình như đã được truyền lại dưới triều Thiên Hoàng Kinmei. Một người xá nhân (kẻ theo hầu vua hay bậc tôn quí) trong đám người chuyên nghề kể chuyện gọi là Kataribe có trí nhớ thật tốt tên là Hieda no Are đã thuộc lòng chúng. Nữ Thiên hoàng Genmei mới nghĩ rằng phải cố nhớ những điều đó cho thật kỹ để có thể lưu truyền cho hậu thế, và theo đó, đến năm 711 (Wadô 4) thì bà hạ lệnh Hieda no Are đọc lại tất cả để chức quan là Ono no yasumaro lấy bút ghi.Kojiki nhân đó mới hoàn thành. Về Nihon shoki thì nó được biết như công trình biên soạn của nhóm người chung quanh hoàng thân Toneri. Họ đã viết bộ sử ấy theo lối phân chia đề tài và cách thức biên niên như ở Trung Quốc. Hai cuốn Kojiki và Nhon shoki được gọi với một tên chung là Kiki (Ký kỷ).
 

Kí và Kỷ chủ yếu khác nhau thế nào?
Kojiki (Ký) (712) Nihon shoki (Kỷ) (720)
Hình thức truyện kể
Chủ yếu dùng cho người trong nước
Nặng tính cách tác phẩm lịch sử
Có mục đích phô trương với nước ngoài
Viết theo quốc âm, sử dụng khả năng cách đọc âm (on) huấn (kun) của Hán ngữ Văn thể thuần túy chữ Hán
Đặt trọng tâm vào thần thoại và ca dao Biên niên:ghi chép sự kiện theo năm tháng
Việc biên soạn sử thư được đi kèm với việc biên soạn các địa chí. Năm 713, chính phủ trung ương ra lệnh cho các địa phương phải báo cáo về địa thế đất đai, sản vật , các loại điểu thú côn trùng và sự tích trong vùng. Những tập ghi chép đó có tên là Fudoki (Phong thổ ký). Fudoki hiện còn được bảo tồn là của 5 vùng Hitachi, Izumo, Harima, Bungo, Hizen.

Giữa khi văn hóa phát triển như thế thì xã hội cũng trải qua nhiều cuộc biến động, trong đó có sự bành trướng thế lực của dòng họ Fujiwara và sự đề kháng đến từ thế lực đối lập mà hoàng tộc là trung tâm. Dần dần chính trường không còn được ổn định và cuối cùng, nó trở thành sân khấu cho một cuộc tranh giành quyền bính xấu xa. Đặc biệt những gì đã xảy ra dưới thời Thiên Hoàng Shômu trị vì kể từ khi ông tức vị vào đầu niên hiệu Jinki (724-729)[24] mà chúng ta sẽ khai triển sau đây. Lúc ấy, mức độ hỗn loạn trên chính trường đã lên tới cực điểm. Những cuộc tranh chấp nhiều vô kể, không thể trình bày hết. Chỉ đưa ra vài sự kiện quan trọng nhất để hiểu vấn đề.

7.2  Hỗn loạn trên chính trường

Năm 647 (Taika 3), người có công hàng đầu trong chính biến mở đầu cuộc cải cách niên hiệu Taika là Nakatomi no Kamatari được triều đình ban họ Fujiwara cùng với chức Taishokkan (có nơi đọc Taishokukan, Đại Chức Quan), một danh hiệu đứng trùm lên hết 16 bậc quan và chỉ dùng để cấp cho mỗi một mình Kamatari. Cho nên Taishokkan đã trở thành cái tên người ta dùng để nói về ông.

Từ đó, con trai Kamatari là Fuhito (659-720) cũng như cháu chắt ông đều mang họ Fujiwara. Dòng họ này đã ra sức củng cố và phát triển nhà nước luật lệnh, đồng thời tìm cách tiếp cận hoàng gia để bành trướng thế lực cho vây cánh. Cụ thể là Fuhito đã đưa con gái mình là Miyako (Cung tử) vào làm vương phi cho Thiên hoàng Monmu và hạ sinh người nối ngôi ông tức Thiên hoàng Shômu.

Sau khi Fuhito chết rồi, bốn người con trai ông thừa kế sự nghiệp và trở thành thế lực khuynh đão chính trường. Được mệnh danh "Fujiwara tứ tử" là bốn người lãnh đạo 4 bunke (phân gia, chi nhánh) sau đây: Muchimaro (cầm đầu Nanke tức Nam gia), Fusasaki (Hokke tức Bắc gia), Umakai (Shikike tức Thức gia) và Maro (Kyôke tức Kinh gia)[25].

Lại nữa, vợ Fuhito là bà Agata Inukai no Michiyo từng giữ chức nữ quan trong hậu cung và rất có thế lực. Con gái của hai người là Kômyôshi (Quang Minh tử) lại trở thành hoàng hậu của Thiên hoàng Shômu. Đây là một biến cố vượt khỏi khuôn phép hoàng tộc. Vì việc này mà trong hoàng tộc xảy ra nhiều vấn đề.

Việc lập bà Kômyôshi, một người xuất thân từ gia đình thần dân làm hoàng hậu, phá vỡ tập quán cho rằng hoàng hậu phải là người trong hoàng tộc. Thế nhưng xưa kia sao lại có tập quán đó? Bởi vì hoàng hậu là người trên nguyên tắc sẽ tạm thời chấp chính khi thiên hoàng vừa mới thăng hà, có khi lại lên nối ngôi luôn.Đó là sự khác nhau giữa hoàng hậu (kôgô, chính thất) và hậu (kisaki, trắc thất). Thế nhưng tập quán lâu đời của triều đình cũng không ngăn chặn nổi thế lực nhà Fujiwara. Hoàng tộc phản đối kịch liệt, Chức Tả Đại Thần là Hoàng thân Nagaya vì có ý định lật đổ cánh Fujiwara nên đã bị Muchimaro đem quân bao vây nhà và dồn đến bước đường cùng, phải tự sát.Sự kiện nói trên theo sử chép là cuộc biến loạn của Hoàng thân Nagaya (Nagayaô no hen, 729, năm Tenpyô nguyên niên). Kết quả là bà Kômyôshi, con của nhân thần (jinshin) tức là bầy tôi mà lại được leo lên tới địa vị tối cao là hoàng hậu. Bà là người có lòng tin sâu sắc vào Phật giáo nên chỉ một năm sau khi trở thành Kômyô Kôgô (Quang Minh Hoàng Hậu), bà đã lập viện Hiden-in (730) làm nơi cứu trợ người bần cùng và cô nhi trong xã hội cũng như mở Seyaku-in, cơ sở cấp thuốc men và chữa trị cho họ.

Thật ra, lúc đó nơi hang cùng ngỏ hẻm, dịch đậu mùa đang hoành hành. Người trong vòng thân tộc của hoàng hậu cũng không thoát cảnh khổ đó. Bốn ông con trai nhà Fujiwara đều vì bệnh ấy mà nối tiếp nhau qua đời. Thế lực của tập đoàn Fujiwara nhân vậy thành ra suy yếu. Cánh thiên hoàng nhờ đó vùng lên trấn áp được họ. Điều đó đã được chứng tỏ qua việc nhà quí tộc Tachibana no Moroe được thăng Tả đại thần vào nâm 738 (Tenpyô 10) và gom lại hết quyền lực nhà nước trong tay mình.

Tại sao lại gọi cánh Tachibana là hoàng tộc? Nhất là khi hoàng tộc không hề có tên họ. Thực ra, Tachibana là cái họ mà gia đình bà Agata Inukai no Michiko (vợ Fuhito) được triều đình ban cho.Bà trước đã kết hôn với một người trong hoàng tộc là Hoàng tử Mino và sinh được một con trai cũng là hoàng tử, Katsuragi. Đến năm 736 (Tenpyô 8) thì Hoàng tử Katsuragi được lệnh trở thành dân (chế độ gọi là shinseki kôka, thần tịch giáng hạ) nghĩa là không còn là người thuộc hoàng tộc nữa (có thể vì mẹ ông tục huyền với Fuhito). Ông lấy họ Tachibana của mẹ và đổi tên thành Tachibana no Moroe (như vậy ông là anh cùng mẹ khác cha với Hoàng hậu Kômyô).

Trong thời gian này, cố vấn chính trị cho đại thần Moroe là hai cựu du học sinh từng qua bên nhà Đường: tăng Genbô ( ? - 746)[26] và nhà quí tộc Kibi no Mabiki (695-775).[27] Hai ông cũng được sự tín nhiệm của Thiên Hoàng Shômu và đã truyền đạt lại cho những người trong nước những kinh nghiệm học hỏi được trong thời gian theo phái bộ Kentôshi của mình. Một sự kiện khác đáng chú ý lúc đó là nhân nạn đói và dịch lệ làm cho xã hội mất yên ổn, ở Kyuushuu có những người cho rằng thời cơ đã đến nên nổi lên chống phá chính quyền Moroe.

Đó là việc xảy ra vào năm 740 (Tenpyô 12) khi con trai Fujiwara no Umakai thuộc chi Shikike đang làm chức phó tướng ở phủ Dazai tên là Fujiwara no Hỉrotsugu (Đằng Nguyên Quảng Tự) mưu việc lật đổ Moroe, đuổi cặp bài trùng Genbô-Kibi no Makibi và phục hồi quyền lực cho gia đình Fujiwara.Ông ta họp được hơn một vạn người gồm hào tộc và nông dân trên đảo và nổi dậy nhưng liền bị tướng của triều đình gửi ra là Ono no Azumahito dẹp được. Tuy loạn bên ngoài đã yên nhưng trong triều đình, tranh chấp vẫn kéo dài và Thiên hoàng Shômu chưa hết được mối lo.

Đứng trước hoàn cảnh đó, Thiên hoàng Shômu không biết cách gì hơn là mỗi lần có biến lại thiên đô. Chỉ trong vòng có vài năm mà ông đã chuyển kinh đô từ cung Kuni sang cung Naniwa rồi cung Shigaraki, cuối cùng trở về kinh đô cũ Heijô...nhưng việc đó  chỉ gây ra sự hao tốn sức lực và tiền của mà không giải quyết được gì.

Cũng vì tình thế xấu đi như vậy mà con người sùng đạo như Thiên hoàng Shômu đã phải bắt đầu tìm cách dựa vào triết lý Phật giáo hộ quốc để trấn an mọi người, từ giới chính trị đến thường dân. Do đó, năm 741 (Tenpyô 13), ông hạ chiếu lập những ngôi chùa ở mỗi địa phương gọi là Kokubunji (chiếu ấy tên là Kokubunji Konryuu no Mikotonori). Lúc ấy, kinh đô Nhật Bản đang nằm ở cung Kuni.

Theo chiếu chỉ, khắp nước Nhật người ta cho xây dựng những chùa địa phương (kokubunji) và chùa sư nữ địa phương (kokubun niji). Tên chính thức của nó rắc rối hơn nhiều: Konkômyô shitennô gokoku no tera (Kim quang minh tứ thiên vương hộ quốc tự) và Hokke mezzai no tera (Pháp hoa diệt tội tự). Chú ý hai chữ "hộ quốc" và "diệt tội". Nhà sư hoạt động mạnh mẽ dưới thời ấy là tăng Gyôki (Hành Cơ)[28]. Ông đã góp công lớn trong việc huy động nhân lực và tài vật để dựng pho tượng Phật khổng lồ gọi là Đại Phật (Daibutsu).


Đại Phật ở Nara

Năm 743 (Tenpyô15), từ cung Shigaraki ở Ômi, Thiên hoàng Shômu đã giáng chiếu dựng tượng Phật khổng lồ (Daibutsu Zôryuu no Mikotonori) bằng hợp kim đồng (đồng dát vàng) tục gọi là tượng Rushanabutsu (Lô Xá Na Phật)[29]. Thế rồi, khi thiên hoàng trở về kinh đô cũ Heijô thì công sự dựng tượng cũng dời về chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự) ở Nara.Năm 752 (Tenpyô shôhô 4), vào thời người 4 năm trước đó đã lên kế vị Shômu là nữ Thiên Hoàng Kôken (Hiếu Khiêm), lễ khánh thành (khai nhãn cúng dường) của tượng đã được cữ hành trọng thể (với sự có mặt của các danh tăng Trung Quốc và Phật Triết[30], một nhà sư đến từ Việt Nam (lúc đó là phần đất Chiêm Thành).

Một năm trước đó tức năm 751, đã xuất hiện tập thơ chữ Hán nhan đề Kaifuusô (Hoài phong tảo) đại ý có nghĩa là "Những áng thơ đẹp", tập thơ tối cổ còn giữ được, thu thập những vần Hán thi đẹp nhất do người Nhật viết sau khi nhận ảnh hưởng của thơ Trung Quốc từ đời Lục Triều cho đến đời Đường. Những người biên tập nó đều là thi nhân xuất sắc thời đó như Ômi no Mifune, Isonokami no Yakatsugu. Chính Isonokami là người đã dùng nhà cũ của mình để dựng nên Untei (Vân đình), cơ sở được xem như thư viện đầu tiên của Nhật Bản. Thiên hoàng Shômu cũng đã cho mời từ Trung Quốc những danh tăng sang dạy giới luật. Sau khi trải qua muôn ngàn cực khổ, có một nhà sư mù đã đặt chân đến Nhật Bản. Người đó là Ganjin (Giám Chân).[31]


Hòa thượng luật tông Giám Chân (Ganjin)

Chùa Tô Shôdaiji[32], nơi người Nhật dựng lên cho ông tu là tổng bản sơn của Luật Tông (Rishuu). Nôi đây có đặt môn pho tượng của Ganjin làm bằng lõi gỗ đắp đất, phủ lên một lớp bố bằng tơ gai và thếp son theo kỹ thuật kanshitsuzô (can tất tượng hay tượng sơn khô) của Trung Quốc. Về kiến trúc chùa này thì tiêu biểu nhất là tòa kim đường (nơi đặt các pho tượng Phật) và giảng đường (nơi giảng kinh) của nó.

7.3 Nhân vật đương thời: Từ Nakamaro đến tăng Dôkyô

Sau khi Thiên hoàng Shômu thoái vị, ngôi báu về tay Nữ thiên hoàng Kôken (Hiếu Khiêm, 718-770) con gái thứ hai của ông. Tuy công chúa lên nối ngôi như nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay mẹ là Hoàng thái hậu Kômyô (tức bà Fujiwara Kômyôko) và người cháu trai của bà ta là Fujiwara no Nakamaro (con trai Muchimaro thuộc Nanke). Đà thăng tiến của Nakamaro dẫn đến sự suy thoái của cánh nhà Tachibana no Moroe. Phải nói là người cháu trai này được Hoàng thái hậu hết sức tín cẩn vì bà đã bổ nhiệm ông vào chức trưởng quan của Shibi chuudai (Tử vi trung đài) một nha sở mới được hai bác cháu đặt ra để lo về những việc kề cận thiết thân của Hoàng thái hậu

Thấy Nakamaro nắm được quyền cao, con trai Tachibana no Moroe là Naramaro sinh ra bất mãn. Sau khi Moroe lui về ẩn dật (năm 756) rồi qua đồi vào năm sau đó thì Naramaro mới tụ tập tất cả các thành phần hào tộc chống đối như họ Otomo, họ Saeki, họ Tajii làm một cuộc đảo chánh mưu trừ cánh Nakamaro. Thế nhưng âm mưu bị kẻ khác mật báo nên bất thành. Naramaro bị bắt giam rồi chết trong ngục.

Sau khi trừ khử xong Naramaro, Nakamaro được Thiên hoàng Junna (con trai thứ 7 hoàng thân Toneri và do Nakamaro lập lên sau khi Kôken nhượng vị) ban cho tên mới là Emi no Oshikatsu. Ông mặc tình thao túng chính trường. Thế nhưng từ khi có một tăng sĩ tên Dôkyô (Đạo Kính) - người được Thái thượng hoàng Kôken tín nhiệm - xuất hiện thì giữa Emi và Dôkyô có một quan hệ đối lập. Năm 764 (Tenpyô Hôji 8), Emi Oshikatsu bèn cử binh mưu phản nhưng bị đánh dẹp và chết. Sử chép đó là cuộc loạn Emi Oshikatsu.

Sau đó, Thái thượng hoàng Kôken lại "trùng tộ" nghĩa là lên ngôi thêm một lần nữa. Đó là Nữ thiên hoàng Shôtoku (Xứng Đức). Dôkyô được đặt vào một chức vụ đặc biệt tên là Daijôdaijin Zenshi (Thái chính đại thần thiền sư), có quyền lực của một vị tể tướng kiêm giáo chủ (Hôô = pháp vương). Lúc đó, Nữ thiên hoàng lấy cớ là có lời của thần ở đền Usa Hachiman Jinguu thác lời mà mưu tính đưa cả Dôkyô lên ngôi Thiên hoàng.Đó là một việc hi hữu, trong ngoài đều khó chấp nhận. Sau may nhờ có nhóm các đại thần như Wake no Kiyomaro hiệp lực ngăn cản cho nên ước vọng phi lý đó mới không thành. Dù sao, từ trước cho đến lúc đó và từ đó trở về sau, không có tăng nhân nào có thể đạt được tối địa vị của Dôkyô.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, cuộc tranh chấp chung quanh chiếc ngai vàng vẫn tiếp tục xảy ra trong vòng hoàng tộc và quí tộc.Thêm vào đó những công trình xây dựng tu tạo cung điện và tự viện đã làm cho công quỉ thâm thụt gây nên tình trạng bất ổn. Vì lý do đó, nhóm quí tộc có thế lực là họ Fujiwara - sau khi Nữ thiên hoàng Shôtoku chết đi và tăng Dôkyô bị đuổi về chùa Yakushiji ở Shimotsuke no kuni (tức vùng Tochigi gần Tôkyô bây giờ) - mới lập người cháu (gọi bằng ông nội) [33]của Thiên hoàng Tenji lên ngôi nhằm lập lại thể chế nhà nước luật lệnh. Tân thiên hoàng hiệu là Kônin (Quang Nhân). Sự thay bậc đổi ngôi này là một dịp may vì nó đưa đến sự ổn định chính trị để cho một nền văn hóa mới mang tên là văn hóa (niên hiệu) Tenpyô , có thể ra đời.

Nhìn chung, ảnh hưởng của Phật giáo rất quan trọng đối với xã hội Nhật Bản thời cổ.  Hầu như mỗi nền văn hóa trong giai đoạn này đều đi song đôi với việc xây dựng một ngôi chùa nổi tiếng. Trong trường hợp này, ngôi chùa ấy là Tôdaiji (Đông Đại Tự) vậy.


Tứ thiên vương hộ quốc chùa Tôdaiji tượng trưng cho phong cách điêu khắc Tenpyô
1 Trì Quốc Vương, 2 Tăng Trưởng Vương 3 Quảng Mục Vương 4 Đa Văn Vương

Nếu nói đến Tôdaiji của văn hóa Tenpyô tức là nói đến sự tồn tại của nó như trung tâm Phật giáo (tổng bản sơn) tông Kegon (Hoa Nghiêm). Nó còn có vai trò sôkokubunji (tổng quốc phân tự) tức ngôi chùa vai vế cao nhất trong hệ thống kokubunji (chùa nhà nước ở địa phương) trên toàn quốc. Ngoài ra, vào thời điểm này, ngoài tông Kegon ra, còn có các tông phái khác như Sanron (Tam Luận), Jôjitsu (Thành Thực), Hossô (Pháp Tướng), Kusha (Câu Xá), Ritsu (Luật) nữa. Sáu tông phái này (gọi là Nam đô lục tông) là những học phái đã ra đời qua quá trình nghiên cứu giáo lý.
 

Nam đô lục tông là gì?

Nam đô nghĩa là đô thành ở phiá nam, ám chỉ Heijoukyô tức Nara.Lục tông nghĩa là 6 học phái Phật giáo. Tam luận tông khai triển giáo lý từ trong ba bộ kinh luận (trung luận, bách luận và thập nhị môn luận). Họ chủ trương thế giới này chỉ nằm trong một chữ "không" mà thôi. Thành thực tông thuyết rằng phải ngộ rằng tất cả mọi sự ở đời chỉ là hư không. Họ là một chi phái của Tam luận và truyền vào đất Nhật cùng một thời. Pháp tướng tông phát triển lý luận cho biết tất cả môi việc trên đời đều đến tự cái tâm của con người, trong khi đó, Câu xá tông bảo con người phải sống sao để được thoát khỏi mọi chấp trước như danh lợi, tiền bạc. Hoa nghiêm tông dựa trên kinh Hoa nghiêm ca tụng sự vĩ đại của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, người chiếu sáng vũ trụ, vạn vật (giống như Đại Nhật Như Lai của Mật giáo). Cuối cùng, Luật tông thì như tên gọi của nó, đặt trọng tâm vào giới luật (không được giết người, cướp của, rượu chè, nói dối, đam mê sắc dục vv...)..

Trái với điều ta có thể nghĩ là mỗi cảnh chùa ủng hộ một tông phái, Tôdaiji (Đông đại tự) là nơi nghiên cứu một lượt cả 6 tông. Nam đô lục tông (địa bàn Nara) tượng trưng cho tinh thần bảo thủ nếu đem so với Phật giáo tân hưng của Kamakura.

Về mặt văn học, ngoài thơ chữ Hán (Kanshi) vốn là công cụ nằm trong khuôn khổ giáo dục kiến thức cho giới quí tộc, thơ waka cũng được lưu hành rộng rãi. Bằng cớ là thi tuyển Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập) thu thập ước chừng 4.500 bài thơ từ trước đó cho đến thời Nara đã ra đời.Tập thơ được ghi lại dưới dạng văn tự đặc biệt Nhật Bản là man.yôgana (dùng chữ Hán để biểu âm) đã giữ lại dấu vết đời hoạt động và cá tính của các nhà thơ lớn như Yamanoue no Okura, Yamabe no Akahito, Ôtomo no Tabito và Otomo no Yakamochi.

Nói đến giáo dục thì vào thời ấy, nhà nước đã thành lập các cơ sở như Daigaku (Đại học) ở trung ương và Kokugaku (Quốc học) ở các địa phương (koku). Chủ yếu, giáo trình là kinh điển Nho giáo nhưng cũng dạy cả pháp luật, Hán văn, toán số, thư đạo vv...nữa. Để được theo học nơi đây, phải là con em của quí tộc hoặc quan lại địa phương (các gunji). Con nhà thường dân không có quyền tham dự.
 


Thử tóm tắt và so sánh nét đặc trưng của ba nền văn hóa cổ đại trong vùng Nara
Tiết mục Asuka (Phi Điểu) Hakuhô (Bạch Phượng) Tenpyô (Thiên Bình)
Thời kỳ Tiền bán thế kỷ thứ 7 Hậu bán thế kỷ thứ 7 cho
đến tiền bán thế kỷ thứ 8
Buổi đầu thế kỷ thứ 8 cho đến cuối thế kỷ thứ 8
Khu vực chính Asuka, Ikaruga (Ban Câu) Vùng Asuka (kinh đô Fujiwara) Kinh đô Heijô (Heijôkyô)
Người chủ trì Hoàng tộc, Thái tử Shôtoku, hào tộc Soga, người nhập cư Hai thiên hoàng Tenmu, Jitô và hào tộc. Thiên hoàng Shômu, hoàng hậu Kômyô và quí tộc Fujiwara.
Đặc trưng 1) Văn hóa đầu tiên có màu sắc Phật giáo.
2)  Ảnh hưởng của Kudara, Kôkuri Trung Quốc thời Nam Bắc Triều.
3)  Có điểm chung với Tây Á, Ấn Độ và Hy Lạp
1) Văn hoá trẻ trung tràn đầy sinh khí của nước luật lệnh.
2) Ảnh hưởng nhà Đường qua trung gian Kudara.
3) Văn hóa Phật giáo là nền tảng.
1) Văn hóa quí tộc cao cấp của vùng Heijôkyô.
2) Văn hoá in đậm màu sắc Thịnh Đường và tính quốc tế.
3) Văn hóa Phật giáo với tư tưởng trấn hộ quốc gia (Nam đô lục tông = 6 giáo phái vùng kinh đô)
Kiến trúc Kim đường chùa Hôryuuji, tháp năm tầng, trung môn, hành lang vòng (hồi lang) Chùa Yakushiji (hoàn thành 698)
Đông tháp Yakushiji (730)
Daianji (745)
Yumedono của Hôryuuji, Tô Shôdaiji (Đường chiêu đề tự), Pháp hoa đường của Tôdaiji, kho tàng Shôsôin (Chính thương viện)
Điêu khắc Tượng kim đồng Thích Ca tam tôn, tượng gỗ Quan Thế Âm kiểu Kudara, tượng gỗ Quan Tế Âm ở điện Yumedono, tất cả thuộc Hôryuuji. Tượng gỗ bán già tư duy ở Chuuguji và Kôryuuji Tượng kim đồng A Di Đà tam tôn, tượng Quan Âm ở điện Yumedono chùa Hôryuuji, đầu Phật chùa Kfukuji. Tượng kim đồng Dược sư tam tôn chùa Yakushiji. Tượnh kim đồng Thánh Quan Âm của Đông viện đường Yakushiji. Các tượng sơn khô (kiểu kanshitsu) chùa Kôfukuji, Pháp hoa đường chùa Todaiji, tượng tăng Giám Chân chùa Tô Shôtaiji.
Các tượng Tứ thiên vương (kiểu sôzô = tượng đất đắp lên lõi gỗ) chùa Tôdaiji và chùa Yakushiji mới.
Hội họa Tranh trên khám thờ ở Hôryuuji Bích họa kim đường Hôryuuji
Bích họa cổ mộ Takamatsuzuka
Tượng tiên nữ Kichijô ở chùa Yakushiji.
Bình phong vẽ hình phụ nữ áo lông chim ở Shôsôin.
Kinh Nhân Quả có tranh các vị Phật quá khứ, hiện tại.
Công nghệ Gấm hoa văn sư tử ở Hôryuuji và màn thêu ở Chuuguuji   Đàn tì bà cẩn xa cừ, bình và lò hương ở Shôsôin.
Đèn lồng bát giác ở Tôdaiji.
Sử sách, đia lý chí, văn học     Sử: Kojiki (Cổ Sự Ký), , Nihonshoki (Nhật Bản thư kỷ). Địa : Fudoki (Phong thở ký các vùng). Văn: Kaifusô (Hoài phong tảo) Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập)
Tiết 8: Chế độ trang viên trong buổi đầu.
8.1 Sinh hoạt nông dân dưới chế độ luật lệnh

Dưới chế độ luật lệnh, người Nhật bắt đầu sử dụng đất đai theo một kiểu cách mới và từ đó nẩy sinh ra một chế độ gọi là chế độ shôen (trang viên). Shôen là đất đai thuộc về sở hữu cá nhân và do chính họ quản lý, khác hẳn với cách thức quản lý do nhà nước đối với công điền công thổ (kôchi) được ban phát cho dân như ruộng khẩu phần (kubunden). Sau đây chúng ta thử xem xét quá trình thành hình của các shôen.

Khi nhắc đến chế độ ruộng đất trong xã hội luật lệnh, chúng ta đã đồng ý với nhau rằng nó là chế độ "công địa công lãnh" dựa trên đạo luật Handen shuujuuhô (Ban điền thu thụ pháp) tức luật cấp phát và thu hồi đất cát canh tác đối với dân chúng. Thế nhưng đạo luật này không áp dụng một cách rộng rãi. Vỏn vẹn 20 năm sau khi được ban hành, nó đã đi vào thế kẹt.

Để giải thích hiện tượng này, phải nhìn lại bối cảnh xã hội nông nghiệp thời ấy.Vào thế kỷ thứ 8, sau khi chính trị luật lệnh vừa mới triển khai thì nông nghiệp cũng đã phát triển theo chân nó, các nông cụ chế bằng thép và thiết bị tưới tiêu cũng đã được phổ cập trong giới nông dân đối tượng của chế độ handen. Phương pháp trồng lúa từ việc khoanh ruộng nuôi mạ (nawashiro), gieo mạ cấy lúa (taue) cho đến việc gặt hái (negari)..lúc ấy đều đã thành bài bản.

Khi cuộc sống của nhà nông đã đi đến chỗ yên ổn thì lại thấy nẩy sinh ra những sự  biến dạng có nguồn gốc trực tiếp và gián tiếp từ cuộc sống hàng ngày. Về nơi chốn cư trú chẳng hạn. Kể từ thời buổi đó trở đi, ta thấy kiểu nhà gọi là nhà hố (tateana juukyo, pit dwelling) đã biến mất. Thay vào đó kiểu nhà ở trên đất bằng (heichishiki, ground level dwelling) với trụ cột dựng đứng và trang bị thêm bếp lò (kamado) bắt đầu lan rộng từ miền Tây Nhật Bản. So sánh với cuộc sống mà người nông dân đã biết cho đến thời đó thì phương tiện đa dạng hơn nhiều.

Dù nói thế, ngoài việc canh tác phần ruộng khẩu phần được nhà nước ban phát, người nông dân thời ấy còn đi làm thêm trên phần ruộng ngoài ruộng khẩu phần gọi là ruộng mà nhà nước đem cho họ vay ( jôden =thừa điền = ruộng ghép thêm).Họ phải nộp cho nhà nước một món tiền thuê ruộng (địa tử = chíhi hay jishi) nhưng về phần họ, nhờ đó cũng tăng thêm thu nhập. Mặt khác, cũng phải thấy rằng tuy làm lụng bận rộn đến thế rồi mà còn phải gánh vác bao nhiêu thứ tạp dao và làm phận sự chuyển sản vật đóng góp cho thuế dung và thuế điệu về kinh đô, cuộc sống của người nông dân khó lòng gọi là thoải mái. Không kể đến việc nhà nông thường bị lệ thuộc vào điều kiện khí hậu và côn trùng khi sản xuất. Con số những người nông dân có thể đắp đổi qua ngày vì thế cũng không nhiều.

Đứng trước sự thể như vậy, những người nông dân một khi không chịu nổi cực khổ nữa, chỉ còn cách là từ bỏ cuộc sống hiện tại để ra đi. Không thiết gì đến ruộng khẩu phần, họ rời khỏi nơi mình đã đăng ký hộ tịch và sống cuộc đời lưu lạc (furô = trôi nổi) ở những vùng khác. Có người đang bị bắt làm lao dịch như xây cung điện ở kinh đô đã đào vong về địa phương. Họ tìm cách trốn tránh vòng vây bủa của nhà nước luật lệnh bằng cách nương thân ở cửa các thổ hào địa phương.

Trong đám nông dân, một số người có khả năng thì hoặc trở thành nhà sư, hoặc đi theo hộ vệ những nhà quí tộc để mong thoát khỏi thuế má. Vào cuối thế kỷ thứ 8, có hai hiện tượng là các món phẩm vật đem nộp vào chỗ thuế yô (dung) va thuế chô (điệu) càng ngày càng kém về mặt chất lượng và đám quan binh cũng yếu ớt đi nhiều. Những sự kiện này đã đem đến những ảnh hưởng xấu về mặt tài chính và quân sự cho nhà nước.

Để trốn tránh tô thuế, lao dịch, nông dân không chỉ biết chọn con đường đào tẩu mà thôi. Họ còn khai man, giả mạo giấy tờ hộ tịch (giseki = ngụy tịch). Điều này cũng từng đã thấy ở Trung Quốc, nghĩa là con số đàn ông ở lứa tuổi phải đóng thuế nặng nhất (những người gọi là chính đinh (seitei), ở giữa khoảng 21 đến 60 tuổi thì sụt xuống rất nhiều trong khi con số phụ nữ (trên nguyên tắc không phải đóng thuế yô và chô) thì lại (khai gian và) tăng lên nhiều.

Điều này chứng tỏ rằng nông dân đã moi óc tìm đủ mọi phương kế để chống đối nhà nước. Nhưng đứng trên lập trường của nhà nước thì quả thật là một đại họa. Lý do là sinh hoạt của nông dân không còn được ổn định được nữa và sẵn sàng làm những hành động chống lại chính quyền. Nhà nước không còn giữ được tài nguyên của đất nước trong tay. Do đó, chính phủ phải chấn chỉnh, thực thi những điều sao cho có thể hòa giải với những người ấy.

8.2 Cách đối phó với việc thiếu đất đai để cấp ruộng khẩu phần

Vào thời này, mức độ gia tăng dân số đã đi kèm với sự thiếu hụt diện tích ruộng khẩu phần (kubunden) dùng cho việc canh tác. Trước vấn đề này, để đi tìm một phương án giải quyết, chính phủ đã quyết định phải tăng diện tích đó lên. Năm 722 tức Yôrô 6, họ đã đưa ra nên Hyakuman chôbu no kaikon keikaku (Kế hoạch khai khẩn một triệu chôbu[34]). Đây chỉ là một kế hoạch và chưa chắc từng được đem ra thực hành.Có thuyết cho là nó được đề xuất ra để giải quyết vấn đề của vùng Đông Bắc Nhật Bản nhưng con số đưa ra lại thiếu tính hiện thực thành ra khó lòng xác nhận.

Đến năm 723 (Yôrô 7), chính phủ lại đưa ra luật mới là Sansei isshin no hô (Tam thế nhất thân pháp), mục đích nhằm khuyến khích nông dân khẩn hoang. Nội dung như sau:

"Gần đây, số miệng ăn ngày càng thêm lên, đồng ruộng ao chuôm trở thành ít ỏi. Thấy rằng đến lúc phải khuyến khích người trong nước tăng gia khai khẩn đất đai. Những kẻ nào sắm sanh thiết bị tưới tiêu mới để khai khẩn thì dù miếng đất ấy nhỏ hay to mặc lòng, nay cho phép người ấy sử dụng nó trong vòng 3 đời để canh tác.Còn nếu kẻ nào dùng những thiết bị đã có sẵn để khai khẩn thì chỉ cho phép đương sự được sử dụng đất ấy trong kỳ hạn một đời mình mà thôi"

Như vậy luật Sansei isshin cho phép người đầu tư lần đầu vào thiết bị tưới tiêu có quyền sở hữu đất ấy trong vòng 3 thế hệ, còn như dùng dụng cụ đã có sẵn tức đầu tư ít vốn hơn thì chỉ có quyền ấy trong vòng một thế hệ thôi.Luật này nhằm bằng một hình thức nào đó muốn nâng hứng thú lao động của nông dân lên. Liên quan đến việc này, đạo luật Sansei Isshin đã được nhắc đến bởi bộ sử Nihon shoki trong thiên ký sự nói về pháp lệnh khai khẩn đất hoang mang tên Konden Einen Shizai no Hô (Khẩn điền vĩnh niên tư tài pháp = Luật cho người khẩn ruộng hoang được giữ đất làm của riêng mãi mãi). Nó đã được mang tên Yôrô 7 nen no kyaku (Cách thức lập ra vào năm Yôrô thứ 7). Năm Yôrô 7 không có gì khác hơn là năm 723, còn kyaku (cách) hay kyakushiki (cách thức) là từ ngữ chuyên môn về luật pháp trong xã hội luật lệnh, ý nói một sự sửa đổi hay tu chính có tính cách bộ phận và nhất thời.

Tiếc cho đạo luật Sansei isshin đã không đem lại kết quả như người ta nghĩ.Lý do là nó chỉ cho phép giữ đất hoang mà mình khai khẩn được trong vòng 3 đời, sau đó lại phải sung công.Vì thấy nhà nước khi đến kỳ hạn sẽ thu hồi miếng đất mà mình đã bỏ công ra khai khẩn nên nhiều người đi khai hoang không còn cảm thấy thú vị gì nếu không nói là xem việc mình làm như vô nghĩa.

Đến đây, chính phủ thấy là lúc họ phải tung ra một vũ khí bí mật, Đó là việc ban hành đạo luật Konden einen shizai no hô (Khẩn điền vĩnh niên tư tài, 743, Tenpyô 15) mà ta đã nhắc đến bên trên, Nó cho phép người khai hoang giữ được mãi mãi miếng đất họ đã ra công khai phá. Từ đó, việc giữ lấy vĩnh viễn một miếng đất nào đó làm của riêng (nhưng diện tích phải được giới hạn) đã được nhìn nhận. Sau đây là lời giải thích (của chính phủ cho những công bộc phụ trách vấn đề điền thổ) thấy trong sử liệu:

"Theo điều khoản sửa đổi vào năm Yorô thứ 7 về việc khai khẩn điền địa thì đến kỳ hạn, đất đai sẽ được công hữu hóa và trở thành của cải của nhà nước. Điều đó hình như đã làm cho nông dân đâm ra chểnh mảng trong việc canh tác, bỏ bê ruộng vườn hoang vu. Vì thế, từ nay đất đai nào đã được khai khẩn thì sẽ để cho người khai khẩn được giữ nguyên làm tư vật. Chớ câu nệ gì nguyên tắc "tam thế nhất thân", các ngươi (=quan lại) hãy bãi bỏ vĩnh viễn việc thu đoạt và sung công đi"

Người ra chỉ thị này cho bầy tôi là Thiên Hoàng Shômu. Từ đó, tuy diện tích đất canh tác có được nới rộng ra nhưng chính sách điền địa mà chính phủ tự đề xướng cho đến bấy giờ đã hoàn toàn bị băng hoại.

8.3 Hình ảnh trang viên thời mới được thành lập

Sự đổi chiều quan trọng trong chính sách ruộng đất của nhà nước thực sự có thúc đẩy người ta khẩn hoang. Thế nhưng có cách nhìn khác cho rằng điều đó chỉ làm lợi cho chính phủ vì họ nhờ đó đã tăng cường quyền kiểm soát trên phần đất đai được đăng ký và như thế thu được thêm các thứ thuế (đó là loại ruộng đóng thuế hay yusoden = du tô điền). Ngược lại, trên thực tế, những người có năng lực khai hoang không phải là thường dân mà là hào tộc địa phương và chùa chiền. Luật mới ra của chính phủ giúp cho họ nới rộng vùng ảnh hưởng và tư hữu hóa ruộng đất vừa mới khai khẩn thêm. Đặc biệt thế lực mạnh nhất thời đó là các chùa lớn như Tôdaiji đã độc chiếm những cánh đồng rộng. Sau khi nhận được sự thỏa thuận của quan lại địa phương là các kokuji và gunji, họ đã tụ tập được nông dân và bọn lưu dân tứ tán để mở những cuộc khai hoang đại qui mô. Những cuộc đất như thế đã là nền móng đầu tiên của hệ thống các shôen (trang viên) về sau.

Thế nhưng tại sao phân biệt những trang viên buổi đầu với các trang viên về sau? Lý do là vào lúc đầu, các trang viên vẫn nằm trong cái khung của xã hội luật lệnh, và phần lớn chúng đã được thành lập bằng cách lợi dụng thế lực của chế độ này. Vì vậy, từ thế kỷ thứ 9 trở về sau, khi nhà nước luật lệnh yếu thế đi thì phần lớn các trang viên cũng suy thoái theo. Cái tên "trang viên buổi đầu" (shoki shôen) là để phân biệt nó với loại với "trang viên trên đất tiến cúng" (kishinchikei shôen). Hơn nữa, vì loại "trang viên buổi đầu" là đất khai khẩn từ đồng hoang (nguyên dã) nên bên trong trang viên (cổ đại) đó chưa thấy hình thành những thôn làng như trường hợp các trang viên thời trung đại.

--------------------------------------------------------------------------------


[1] Umehara Takeshi, Nihon Bukkyô wo yuku, tr.41.

[2] Một loại cây cao đến 20m, tán rộng cỡ 3m, mọc trong núi, thuộc họ sồi, còn gọi là keyaki.

[3] Có tác giả cho rằng đây là một kế của Nakatomi no Kamatari để bảo đảm quan hệ đồng minh giữa hai người (xem Monogatari: Umi no Nihonshi, Lịch sử biển của người Nhật)

[4] Ban điền (hanten) hay ruộng khẩu phần (khâ3u phần điền = kubunden) là ruộng được đem chia cho người dân các hộ tùy theo số miệng ăn và số người lao động để họ canh tác để sinh sống và nộp thuế cho nhà nước.

[5] Thành phố Kôriyama nằm trong tỉnh Fukushima ngày nay co tên Hán là Quận Sơn.

[6] Mẹ ông là Nữ Thiên Hoàng Kôgyoku, trùng tộ (lên ngôi thêm lần nữa) để thành Nữ Thiên Hoàng Saimei sau cái chết của Thiên Hoàng Kôtoku.Còn Naka no Ôe sẽ trở thành Thiên Hoàng Tenji khi mẹ mất.

[7] Xưng chế là việc đảm nhận chức vụ trong buổi giao thời sau cái chết của hoàng đế, thường thấy ở Trung Quốc cũng như Nhật Bản.

[8] Người thuộc hạ của họ Soga hay Ôtomo mang họ Sogabe hay Ôtomobe.

[9] Thông thường, luật là từ để chỉ hình luật và lệnh chỉ luật hành chánh. Chế độ luật lệnh bắt đầu từ thời Tùy Đường bên Trung Quốc và đến Nhật khá sớm.

[10] Dược Sư Tam tôn tức ba 3 vị Phật Dược Sư: trung ương có Dược Sư Như Lai, hai bên tả hữu là Nhật Quang và Nguyệt Quang Bồ Tát. Dược Sư Như Lai, theo kinh Dược Sư, là giáo chủ thế giới phương đông.

[11] Tượng đầu đức Phật ở Kôfukuji nguyên là vật sở hữu của chùa Yamada, một ngôi chùa do đại thần Soga no Kurayama no Ishikawamaro phát nguyện lập ra cho dòng họ mình. Tượng đó là Yakushisanzon của chùa ấy. Sau bị đoạt lấy đem về an vị tại Kôfukuji. Năm 1411, tòa kim đường nơi đặt nó bị sét đánh phát hỏa. Tượng bị thất lạc, đến năm 1937 mới tìm thấy lại một phần như hiện có bên dưới nền tòa kim đường.

[12] Kỳ : khu vực gần nơi vua ở (hoàng cư), chỉ những kuni nằm cạnh kinh đô.

[13]Aida Yasunori, Hướng dẫn đọc lịch sử Nhật Bản, sđd, quyển I.

[14] Ôkubo Haruo, Shigeno, Takaharu, 1989, Nihon Hôseishi (Nhật Bản pháp chế sử), tr.34-42.

[15] Thụ tức là cấp phát (ban cho) để được thụ hưởng. Thu là rút lại nếu đối tượng của sự cấp phát không còn nữa.

[16] Cát Tường Thiên tức Sri-Mahâdevi trong thần thoại Ấn Độ, sau đi vào trong văn hóa Phật giáo thế tục. Tượng trưng cho sắc đẹp diễm lệ và đức hạnh, đem hạnh phúc cho con người.

[17] Gọi là bắc lộ. Từ Hakata trên đảo Kyuushuu men theo phía tây bán đảo Triều Tiên để đến Đăng Châu, Thanh Châu hay vượt Hoàng Hải để đến Sở Châu.

[18] Gọi là nam lộ. Cũng đi từ Hakata nhưng vượt biển Đông để đến Tô Châu, Hàng Châu hay Minh Châu. Cũng có thể ghé các đảo Tanejima, Yakushima, Amamijima ở phía Nam Kyuushuu trước khi vượt biển Đông.

[19] Nhân vật này đi sứ chuyến 717, trên đường về nước năm 753 bị đắm thuyền và phiêu bạt tới Giao Châu. Nhưng ông không phải là người Nhật đầu tiên đến nước ta. Người ấy là Heguri no Hironari (Bình Quần Quảng Thành) đã trôi giạt trước đó (734) tới Lâm Ấp nay thuộc Việt Nam.

[20] Thơ Man.yôshuu cũng được chép trên mokkan. Đó là một công dụng khác của mokkan.

[21] Cháu nội Thiên Hoàng Tenmu và con trai của Hoàng tử Takechi. Có văn tài, từng làm quan nhị phẩm, tả đại thần. Vì tranh chấp với dòng họ Fujiwara mà phải đi đến chỗ tự sát . Sử chép là cuộc biến loạn của Hoàng tử Nagaya (684-729).

[22] Cũng có thể viết là La Sinh Môn như trường hợp đoản thiên của Akutagawa Ryuunosuke.

[23] Trong lịch sử Việt Nam cũng dùng các từ sách, động khi nói về các vùng miền núi.

[24] Năm Thần Qui, đổi niên hiệu từ Yôrô sang sau khi bắt được một con rùa trắng (bạch qui) và cho đó là điềm lành.

[25] Về lý do tên của các chi nhánh thì Nam gia của trưởng nam Muchimaro có dinh thự nằm ở phía nam đối diện Bắc gia của em trai ông là Fusasaki. Còn Shikikei là vì người cầm đầu làm quan cao bộ Lễ (Shikibu) và Kyôke vì người cầm đầu làm quan khanh trông coi Tả Kinh (Sakyô, khu vực phía tả của kinh đô).

[26] Tăng lữ tông Pháp Tướng, sang nhà Đường từ năm 717 đến năm 735. Có tài chửa bệnh và trừ tai cầu phúc nên được trọng dụng. Là lý do đưa đến cuộc nổi loạn của Hỉrotsugu. Sau loạn đó, bị tá thiên xuống chùa Quan Âm ở Tsukushi trên đảo Kyuushuu.

[27] Văn quan và văn nhân. Qua nhà Đường từ 717 đến 735.Đem về nhiều sach vở. Sau cũng bị tá thiên xuống Kyuushuu. Để lại nhiều sách về luật lệ.

[28] Gyôki (Hành Cơ, 668-749) người vùng Kawachi, là nhà sư hay vân du để giáo hóa dân chúng, xây dựng cầu đường và thiết bị thủy lợi. Lúc đầu bị bắt bớ vì vi phạm qui luật tăng ni do tự tiện  nhúng tay làm công tác xã hội nhưng sau được triều đình hiểu cho và tôn vinh.

[29] Còn gọi là Biruhanabutsu (Tì Lô Già Na Phật), phiên âm chữ Phạn trong kinh Hoa Nghiêm.

[30] Tương truyền ông đã dạy những vũ khúc Chiêm Thành mà ngày nay người ta vẫn còn diễn trong các buổi lễ.

[31] Tăng Ganjin (688-763), người Dương Châu (tỉnh Giang Tô), đã được mời sang dạy cho người Nhật giới luật Phật giáo.Chịu đựng sóng gió và cảnh mù lòa, ông cất công đến được nước Nhật. Thiên hoàng Shômu rất kính trọng nên qui y với ông và lập chùa Tô Shôdaiji để ông tu. Còn được gọi là Quá hải đại sư, Đường đại hòa thượng.

[32] Shôdai (chiêu đề) dịch từ âm tiếng Phạn caturdisa có nghĩa là "tăng vân du bốn phương" những cũng để chỉ "tu viện".

[33] Ông vốn tên là Hoàng tử Shirakabe (Bạch Bích), con trai thứ 6 của Hoàng tử Shiki thuộc dòng Tenji. Cho đến lúc đó, cánh nhà em là Tenmu đã giữ ngôi báu từ sau cuộc loạn năm Nhâm Thân (672) khi loại bỏ được Thiên hoàng Kôbun , con trai Tenji..

[34] Đơn vị đo đất rừng núi. Một chôbu tương đương với 2, 45 sào tây (acre).