Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về   ] 

GỬI THƯƠNG VỀ HUẾ

Tập IV : Huế một thời xưa 

Võ Quang Yến

***

29- MỘT BỨC CHIẾU CẦN VƯƠNG

Nhân một bài phổ biến trong Tập san AFAO
Hội Người Pháp bạn Viễn Đông AFAO trong một tập san vừa qua (1) có cho phổ biến một bức chiếu Cần Vương thật - giả , một sử liệu chưa mấy ai biết, đóng góp thêm tài liệu cho một thời lịch sử của nước ta vào buổi ban đầu cuộc đô hộ Pháp.

Xin tóm tắt lại những biến cố quanh ông vua ái quốc triều Nguyễn nầy. Hoàng thân Bửu Lịch lên ngôi lấy niên hiệu Hàm Nghi ngày 2.8.1884 tức là ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân, lúc 14 tuổi, không đầy hai tháng sau Hòa ước Giáp Thân đặt nền đô hộ Pháp lên đất Việt Nam. Trước thái độ bất hợp tác của hai vị nhiếp chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, chính phủ Pháp bổ nhậm tướng Roussel de Courcy Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh kiêm Khâm sứ (2) muốn thôn tính cả Bắc kỳ lẫn Trung kỳ mà việc làm trước nhất là kiếm cách loại trừ hai vị nhiếp chính cùng các phần tử kháng chiến trong triều đình (3). Tướng de Courcy cầm quân từ Hải Phòng vô Huế, đòi gặp toàn thể Viện Cơ mật. Cả Tường lẫn Thuyết kiếm cớ thoái thác. Trước tình thế gay go, Thuyết ra lệnh tấn công quân Pháp ở Trấn Bình Đài (Mang Cá) và Toà sứ lúc đầu canh tư (1 giờ sáng) ngày 5.7.1885, tức là ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu. Suốt đêm quân ta đánh phá gan dạ nhưng vũ khí kém cỏi, đại bác ít công phá, cuộc phối hợp giữa các toán quân cũng hỗn độn nên đến sáng quân Pháp chỉnh đốn lại được hàng ngũ, phản công mảnh liệt, đốt phá doanh trại, giết hại thường dân. Có lẽ vào dịp nầy mà chiếc kiếm Thái A của vua Gia Long bị đánh cắp và đưa về trưng bày ở viện Bảo tàng Quân đội Invalides ở Paris. Bài vè Thất thủ Kinh đô kể lại sự kiện rất bi ai thống thiết.

Tránh thân cho khỏi súng Tây,
Mẹ con dắt chạy trời rày còn khuya.
Lao xao như cá trong đìa,
Tránh thân cho khỏi súng kia vào mình.
Thất bại trong cuộc đánh phá quân Pháp, Tường ra đầu hàng (2), Thuyết vào nội rước vua cùng Tam cung dời kinh thành ra Quảng Trị. Ngang đây, một số hoàng thân quan lại già yếu, phụ nữ có gia đình xin trở về lại Huế, còn lại các quan văn võ theo Thuyết phò vua lên Tân Sở, chuẩn bị một cuộc kháng chiến lâu dài. Chiếu Cần Vương hiệu triệu toàn dân hợp lực với đức vua được truyền ra ngày 13.7.1885 (2) dấy lên một phong trào chống Pháp khắp đất nước Việt Nam. Trong lúc quân Pháp càn quét, tìm diệt quân kháng chiến, vua Hàm Nghi từ Tân Sở lần lượt dời đi Bảng Sơn, qua Lào, về Ấn Sơn, Hà Tĩnh trước khi đi ẩn náu ở miền thượng du Quảng Bình. Nhưng đến ngày 1.11.1888 (3), vì Hiệp quản Trương Quang Ngọc và Suất đội Nguyễn Đình Trinh phản bội, một toán người Mường bắt vua nộp cho quân Pháp. Để bảo vệ vua, Thống chế Nguyễn Thúy và con trai út Thuyết là Tôn Thất Tiệp bị đâm chết. Vua Hàm Nghi lúc bấy giờ mới có 17 tuổi. Sau nầy, một đức vua khác, cũng vào tuổi ấy, đứng lên chống lại chính quyền Pháp và bị đày qua đảo La Réunion : vua Duy Tân. Phần vua Hàm Nghi thì bị đày qua Algérie, lấy vợ ở bên ấy, có một con trai và hai con gái, cho đến lúc băng hà ngày 4.1.1943 tức là ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ, ông rất mê văn chương và nghệ thuật Pháp.

Bức chiếu Cần Vương vừa phổ biến là một trong nhiều bức đã được phát đi khắp nơi. Theo Giáo sư Léon Vandermeersch, người đã dịch ra tiếng Pháp và phân tích chiếu chỉ nầy thì đây là một văn bản xác thực, viết trên một mảnh lụa rộng 57cm, dài 70cm, gồm có 266 chữ Hán sắp thành 10 cột. Về mặt trang trí, hai bên có hai con rồng bốn móng lẫn lộn với mây, ở giữa phía trên vờn lên một mặt trời ; dưới là một đường viền trong ấy thấy có một cái quạt, một tập sách, một cái bầu của người hành hương. Nhiều ấn son xác thực văn bản : một ấn vuông Nghi Minh / Bảo Ân, 11 x 11,5cm, chín ấn vuông đôi Hoàng / Đế nhỏ hơn 1,8 x 1,8cm ; ngoài ra còn có chín ấn tròn Phúc Minh / Chi Ân đường kính 4,3cm.

Đại cương bức chiếu là một bản hiệu triệu kêu gọi kháng chiến chống Pháp. Lời lẽ khó hiểu đáng được phân tích. Chương trình dự định là lên đường đánh chiếm thành Gia định, nhưng vì Văn Tường phản trắc nên vua phải rút lui về đây. Bất chấp nhọc nhằn, vua gian nan liều chết qua Đức cầu viện (!). Trước mối thù đất nước, đau xót trước thời cuộc, vua kêu gọi dân quân quan lại đóng góp tiền của giúp nước, vua sẽ không quên ơn. Chiếu đề ngày 2 tháng 4 năm Hàm Nghi thứ 5, tức là ngày 6.6.1889. Vào lúc nầy, vua Hàm Nghi đã bị bắt và đày biệt xứ từ tám tháng nay. Theo Giáo sư Léon Vandermeersh thì rất có thể, như từ trước, Thuyết thừa mệnh vua thảo tờ chiếu nầy (1). Nhưng Thuyết đã qua Vân Nam cầu viện Trung Quốc vào khoảng tháng 8.1888. Vậy hoặc Thuyết cho phát chiếu chỉ từ bên Trung Quốc hoặc một vị đại thần nào khác trong Phong trào Cần Vương đã thảo trong lúc vắng mặt Thuyết.

Bức chiếu nầy thuộc tư liệu của gia đình Thierry d'Argenlieu (*). Gia đình nầy dính líu gì đến Việt Nam ? Georges Thierry d'Argenlieu vừa là một đô đốc thủy quân vừa là một tu sĩ Công giáo. Rất bảo thủ về chính trị lại muốn theo gương các đô đốc chinh phục thuộc địa ngày xưa (4), từ 16.8.1945 đến 5.3.1947, ông rời chủng viện nhậm chức Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Chính trong thời gian nhiệm kỳ của ông, nhiều sự kiện đáng tiếc đã xảy ra ở Việt Nam, khởi xướng một cuộc chiến tranh dài tám năm. Hiệp định Sơ bộ, ký ngày 6.3.1946 giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Hội đồng bộ trưởng Vũ Hồng Khanh và đại diện Cao ủy Pháp Jean Sainteny, nhắm mục đích tạo cơ sở " gây nên bầu không khí thuận lợi, cần thiết cho sự mở lập những cuộc đàm phán thân thiện và chân thành ". Vậy mà đúng một tuần sau, trong một buổi họp của Hội đồng Tư vấn Nam kỳ, một cơ quan tối cao mà thực dân đã thành lập ở Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh đề nghị và được chấp thuận lập xứ Nam Kỳ tự trị ! Với tinh thần phá hoại Hiệp định Sơ bộ, Cao ủy Thierry d'Argenlieu đã làm khó khăn Hội nghị Trù bị Đà Lạt (từ 19.4 đến 11.5.1946). Sau đó Hội nghị Fontainebleau (từ 6.7 đến 12.9.1946) cũng không đạt được kết quả gì. Rút cuộc chỉ có một tạm ước được ký giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ngày 14.9. Trong thời gian ấy, ngày 1.6, chính phủ lâm thời Nam Kỳ ra đời, ngày 2.8 gia nhập Liên bang Đông Dương. Ngày 20.11, Pháp đánh chiếm Hải Phòng. Theo nhà sử học Philippe Devillers, Cao ủy Thierry d'Argenlieu thấy phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất thiết không chịu nhượng bộ trước vấn đề thống nhất ba kỳ cũng như sự thành lập Liên bang Đông Dương thì dùng võ lực muốn loại trừ chính phủ Hồ Chí Minh (5). Dựa theo tài liệu lưu trữ của Pháp, ông xác định cuộc khủng hoảng năm 1946 ở Hải Phòng là do chính Cao ủy đã cố ý khiêu khích nhưng thất bại trong cuộc đảo chính ngày 19.12 tại Hà Nội. Từ đây bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, chỉ chấm dứt sau trận Điện Biên Phủ và hội nghị Genève năm1954.

Không biết theo con đường nào và cách thức nào bức chiếu Cần vương nầy rơi vào tay Cao ủy Thierry d'Argenlieu. Dù sao, không có lý do gì để nó trở thành tư liệu của một gia đình. Vị trí của nó là trong một viện bảo tàng lịch sử, đặc biệt trong viện Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế. Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu quý báu thì các cơ quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại quê quán của nó. Biết đâu nhân cuộc họp thượng đỉnh Pháp ngữ tổ chức nay mai ở thủ đô Việt Nam, gia đình d'Argenlieu lại không có một cử chỉ hào phóng mà ta không khi nào quên. Tôi đã có dịp trình bày với một ông giáo sư cháu Cao ủy là nhân dịp lễ biếu tặng bức chiếu chỉ, gia đình d'Argenlieu có thể thanh minh với dân chúng Việt Nam lời trách là Cao ủy không hề muốn Việt Nam được độc lập : con cháu Cao ủy thường nhắc là chính tướng De Gaulle không cho phép Cao uỷ sử dụng danh từ độc lập đó ! Còn nhiều đồ vật khác đang rải rác khắp nơi. Đầu năm nay, trong một cuộc triển lãm tại nhà hàng Bon Marché ở Paris, khán giả được ngắm cả ấn kiếm triều Nguyễn. Vị trí của chúng phải chăng cũng là ở viện Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế ? Trong khi chờ đợi một giải pháp hợp lý có thể thực hiện, các đồ vật lịch sử có thể tạm thời trưng bày ở viện Bảo tàng Á Đông Guimet lớn nhất nước Pháp, sắp được tổ chức lại và nghe nói phòng Việt Nam sẽ rất là quan trọng.

Câu hỏi từng được đặt ra và cần được thảo luận là những đồ vật lịch sử thuộc quyền sở hữu của ai ? Năm ngoái, nhân đi qua Château Chinon, tôi có ghé xem nhà triển lãm của toà đốc lý trưng bày những quà biếu Tổng thống François Mitterrand trong hai nhiệm kỳ của ông. Nếu lý luận rằng quà biếu là cho vị tổng thống chứ không phải là cho cá nhân ông Mitterrand thì việc ông tổng thống trao lại các quà biếu ấy cho toà đốc lý là đúng lý. Nhưng đến nay chỉ có Tổng thống Mitterrand là người độc nhất làm việc ấy. Vừa rồi cũng có tin phu nhân cố tổng thống là bà Danielle Mitterrand đem bán đấu giá những đồ nữ trang đã nhận được để lấy tiền bỏ vào quỹ Hội Pháp - Tự do mà bà là chủ tịch. Cử chỉ nầy nằm trong cùng lý luận.

Ai cũng còn nhớ cuối Đệ nhị Thế chiến, Pháp đã đòi Đức trả lại những tấm tranh mà các tướng Đức không ngần ngại cướp lấy trong thời gian chiếm đóng nước Pháp. Gần đây, viện Vạn vật học Venetia bên Ý đạt được một con thằn lằn hóa thạch của Đức. Cuộc mua lậu bất hợp pháp nầy đã gây tai tiếng trong giới cổ sinh vật học và rồi đây phải trả lại con vật hóa thạch kia (6). Những nước như Ai Cập, Hy Lạp, Trung Quốc từng mất mát nhiều các cổ vật của nước mình cũng đã lên tiếng muốn thu hồi một phần nào các cổ vật ấy. Có lẽ còn nên do dự nếu các cổ vật lịch sử kia được khách thập phương ngắm nghía, chiêm ngưỡng trong những viện bảo tàng có tiếng như Musée du Louvre hay British Museum, nhưng nếu chúng chỉ được trưng diện trong tủ kính gia đình hay, tệ hơn, tích trữ trong tủ sắt nhà băng thì thật là một sự vô nghĩa, hoang phí và lẽ phải buộc phải hoàn chúng về lại quê cũ.

Hắc Ký Ni Sơnmùa tuyết 1995
Huế Xưa và Nay 15 1995


(*) Chú thích (đăng sau bài Cuộc đương đầu Đề Thám - Galliéni) Huế Xưa và Nay 93 / 2009

Một bức chiếu Cần vương đã được giới thiệu trong Huế Xưa và Nay số 15, tháng hai 1996, gần đây lại được "phát hiện" trên báo chí Việt Nam. Trong một bài phỏng vấn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, anh bạn của tôi ở Huế, có nhắc lại lời tôi viết : "Nếu các sử gia đánh giá nó là một tài liệu qúy báu thì các cơ quan phụ trách phải thương lượng cho nó trở về lại" rồi đặt câu hỏi : "Song gần 13 năm trôi qua, tôi vẫn không nghe nhà chức trách hay nhà chuyên môn đề cập đến vấn đề nầy". Xin thưa : Sau khi gởi bài về Huế, tôi có hỏi ý kiến ông Jean Rouget (nay đã mất), vị công sứ Pháp cuối cùng ở Đà Lạt năm 1954, Phó Hội trưởng hội Những Người Bạn Viễn Đông AFAO, có lẽ người đã khởi xướng chuyện dịch và in tờ chiếu nầy trong tờ báo của hội, về chuyện "hồi hương" của bức chiếu, ông cho biết là khó vì gia đình Đô đốc Thierry d'Argenlieu hiện chưa sẵn sàng biếu tặng. Tuy vậy, tôi cũng viết thư cho gia đình Đô đốc và được gặp một người cháu của ông, Antoine L.R. Thierry d'Argenlieu, giáo sư sử học. Ông nầy cũng nói như ông Rouget, viện cớ là người Việt không thích Đô đốc vì bảo Đô đốc không chịu cho Việt Nam độc lập, thật ra theo ông, không phải thế, chính Tướng De Gaulle không cho phép Đô đốc dùng danh từ độc lập. Tôi vội nói ông cứ về Huế rồi nhân buổi tiếp tân, trong bài diễn văn, bày tỏ hư thật cho nhân dân Việt Nam. Muốn đề nghị của tôi thêm phần thuyết phục, tôi viết thư về Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế. Lập tức, anh Thái Công Nguyên, lúc ấy là Giám đốc Trung tâm, nhờ tôi chuyển lại thư mời chính thức đại diện gia đình Thierry d'Arrgenlieu về Huế mang theo bức chiếu tặng cho Trung tâm. Sau một thời gian suy nghĩ, ngày mồng 2 tháng giêng 1998, ông Antoine Thierry d'Argenlieu nhờ tôi chuyển về anh Thái Công Nguyên một lá thư trả lời gia đình ông ta không tặng bức chiếu được vì muốn tập trung mọi kỷ niệm của Đô đốc lại một nơi. Tôi chỉ mong sau nầy sẽ có ai thành thạo ngoại giao thành công hơn tôi.

Hiện có phong trào các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp,... đòi các nước Tây phương trả lại những di vật đã cướp lấy ở nước họ trước đây. Điển hình là vừa rồi ở Paris có bán đấu giá hai hiện vật hình dung hai con thú do hai quân đội Pháp và Anh đã tự tiện đánh cắp đem về từ Băc Kinh năm 1860. Một người Tàu đã mua nhưng không chịu trả tiền và hiện Trung Quốc đang đòi chủ nhân hoàn lại.

Tham khảo

(1) Bulletin de l'Association Française des Amis de l'Orient AFAO, Paris 40 (1995), tr.1,4

(2) Nguyễn Thế Anh, Monarchie et fait colonial au Vietnam, L'Harmattan, Paris (1992), tr. 112,113

(3) Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Indochine, la colonisation ambigüe, La Découverte, Paris (1995), tr.55,57

(4) Hoàng Xuân Hãn, Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt, Tập san Sử Địa, Sài Gòn 23-24, (1971), AVAC in lại, Paris (1987), tr. 8

(5) Philippe Devillers, a) Paris, Saigon, Hanoi, Collection archives, Paris (1988), tr.285

b) L'angle indochinois ou les leçons de l'histoire, trong Approches Asie, Economica phát hành, Paris 12 (1994), tr.50

(6) Sciences et Avenir, 586 (12.1995), tr.101
 


  [ trang trước ]  /  [ trang sau ]