Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập IV : Huế một thời xưa Võ Quang Yến *** |
Học
xong trường tỉnh Quảng Nam ở Vĩnh Điện, lần lượt được
ông Đốc Kim, rồi thầy Trợ Sóc, thầy Trợ Hoằng khen thưởng,
đậu bằng tiểu học khá cao, tôi tưởng chỉ ghi tên thi tuyển
vào trường Trung học Khải Định (Quốc Học) là đậu ngay.
Tôi không dè sĩ tử miền Trung khá giỏi, lại chỉ có ba mươi
chỗ vào đệ nhất niên nên trong keo nầy tôi trượt vỏ chuối.
Đây là bài học đầu tiên có ý nghĩa trong đời tôi : học
giỏi, cố gắng, làm việc nhiều chưa đủ, còn phải học
giỏi hơn, cố gắng, làm việc nhiều hơn mới mong thực hiện
được chút ít tham vọng dù nhỏ mọn của mình. Bài học
quý báu nầy theo dõi tôi suốt đời sau nầy, dù trong một
cuộc chơi thể thao, chẳng hạn đấu bóng bàn cho đội tuyển
làng Bures, hay trong ngành nghề, khi thi lên ngạch giám đốc
ở Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp.
Để chuẩn bị một cuộc thi tuyển thứ nhì vì dù sao Khải Định là một trường công, phải thi vào cho bằng được, các anh tôi ghi tên cho tôi đi học trường dòng tư thục Pellerin (niên khóa 1942-43), cạnh nhà ga Huế. Sau nầy, so sánh với trường Khải Định tôi mới ý thức cách dạy dỗ ở trường dòng thật là công hiệu : học sinh ngữ thì phải nói (chẳng hạn giờ ra chơi cũng phải sử dụng tiếng Pháp, học sinh nào nói tiếng Việt bị chuyển tay một cái bảng, hết giờ còn cầm là bị phạt), học toán thì phải thực tập toán nhiều (sau mỗi định lý thầy dạy là cả một lô bài toán cần phải làm thêm ở nhà),... Đằng khác, ngoài sách vở, trường rất chú trọng về mặt thể thao. Chính ở đây mà tôi đã học chơi đủ môn, bóng tròn, bóng rổ, bóng chuyền. Năm ấy, "frère" Colomban vừa là thầy chính, dạy môn Pháp văn, cũng vừa là huấn luyện viên thể thao. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh, trưa thứ năm, trời nắng chang chang, một tay vén chiếc áo dòng đen dài, tay kia giữ gọng kính, đầm đìa mồ hôi, thầy chạy theo trái bóng, tranh thủ cho kỳ được với bọn trẻ. Nhưng danh tiếng của trường Khải Định quá lớn nên mặc dầu những lời khuyên răn của "frère" Colomban, mặc dầu nhiều tình cảm gắn bó với trường dòng, cuối năm ấy tôi lại nộp đơn thi vào lớp đệ nhất trường nhà nước. Hồi ấy, song song với ngành sẵn có ( học bốn năm thi bằng Thành chung, rồi tiếp hai, ba năm thi hai bằng Tú tài bán phần và toàn phần), trường còn mở hai ban Tây phương (học nhiều các tiếng La Tinh, Hy Lạp) và Đông phương (chuyên về chữ Hán) : học sinh bắt đầu từ lớp đệ lục học lên đến lớp đệ nhất thì thi bằng Tú tài bán phần, rồi năm sau thi bằng Tú tài toàn phần. Rất tiếc là tình hình đã sớm chấm dứt tổ chức nầy, nhất là ban Đông phương, có lẽ ngày nay nước ta hiếm chuyên viên Hán Nôm một phần nào cũng vì thiếu đào tạo từ trung học. Năm này (1943-44), giáo sư chính của lớp tôi là bà Chambon, dạy Pháp văn. Bà là vợ ông giám đốc nha bưu điện Huế và nghe nói bà ta đẵ có đậu bằng Brevet Elémentaire. Điểm tích cực là giọng nói của bà ta hoàn toàn Pháp. Có lẽ trí óc bà cũng giới hạn trong không gian Pháp nên bà ít chú ý tìm biết cách sống của người bản xứ quanh bà. Một hôm bà đưa ra đầu đề bài luận văn : Một cuộc đi săn. Tôi mừng thầm vì rất sành bắn chim thì chắc chắn bài tôi sẽ rất độc đáo. Tôi tỉ mỉ kể cách tìm nhánh cây hình chữ Y cân đối, chọn cao su dai mềm cột vào làm ná, lục lọi sạn tròn làm đạn. Sau đấy, với nhiều chi tiết thực tế về kỹ thuật bắn ná, tôi kể lại buổi đi săn chim. Ví dụ phải nhắm vào đầu chim : nếu chim nhỏ như se sẻ, chào mào thì cơ thể chúng mới khỏi bị xé tan : nếu là chim lớn như cu xanh, chim cốc thì nếu không bắn vào đầu, chúng chỉ bị thương, rơi xuống đất, xuống nước, có thể lủi vào bụi rậm hay lặn xuống đáy sâu trốn mất. Rất hiện thực - điều mà các thầy gíáo ngày nay thường đòi hỏi ở các học sinh - tôi kể lại cuộc lùng bắt những con cu xanh ruột lòi khỏi bụng, máu chảy lai láng mà vẫn cố lẫn lút chạy thoát, mặc thây gai góc, rắn rết. Sau đó là nhóm lửa, nướng chim để ăn tại chỗ vì chúng tôi không quên đem theo một hộp diêm và tiêu muối. Hôm trả bài, tôi vô cùng thất vọng vì điểm rất xấu ! Bà Chambon chờ đợi một cuộc săn dùng súng, cỡi ngựa, có chó săn chạy đuổi chim hay tha mồi về, một cuộc săn mà một đứa bé Việt Nam không thể thấy được. Đằng khác, bà ta trách móc bài luận đã diễn tả quá rùng rợn, chim chóc mất đầu, lòi ruột, máu me tràn trề,... Cuối năm học, những lớp soạn thi cần giọng nói tiếng Pháp của bà để cho quen viết chính tả, bà được đổi lên dạy các lớp trên và thầy Nguyễn Lân xuống thế. Đó là dịp độc nhất để tôi được học với thầy mấy tháng. Một thầy khác cũng có tiếng nhưng tôi không từng được học là thầy Nguyễn Huy Bảo, giáo sư triết lý. Một hôm, nhân bà giáo sư Hamel bị dẹp bánh xe, thầy Đoàn Nồng, lịch sự với phụ nữ, liền lại bơm giùm. Thầy Bảo đi ngang, ngắm nhìn cảnh tượng rồi hài hước thả câu tả cảnh : "Monsieur Đoàn Nồng pompe Madame Hamel" (dịch sát nghĩa : "Ông Đoàn Nồng bơm bà Hamel") trước một đám học sinh cười rũ rượi. Gặp thầy Bảo ở Paris, tôi nhắc lại chuyện ấy, thầy mỉm cười như sống lại quá khứ xa xăm. Chính thấy là tác giả câu nhận định chơi chữ : "Học philo (triết lý) thật là folie (điên cuồng)". Qua năm đệ nhị niên (1944-45), thầy Tăng Dục dạy Pháp văn, có phương pháp dạy khác hẳn với "frère" Colomban, thấy Lân hay bà Chambon. Thầy chú trọng nhiều về danh từ nên cứ mỗi buổi thầy cho một đầu đề như nhà cửa, bếp núc, trò chơi,...rồi lần lượt các học sinh giơ tay đề nghị những danh từ mình biết. Cái khổ là lần sau, khi trả bài, mỗi học sinh chỉ định phải đọc thuộc lòng danh sách các danh từ ấy theo thứ tự đã đề nghị trong buổi trước ! Tôi không biết trước và sau chúng tôi thì thế nào chứ ở thế hệ chúng tôi không thấy có mấy ai giỏi học thuộc lòng. Nhưng dù sao, bài luận Pháp văn tôi được nhiều điểm nhất lại rơi vào năm ấy, đúng ngay trước cuộc đảo chính Nhật ngày 9.3.1945, nghĩa là từ nay hết còn làm luận Pháp văn ở trường Khải Định. Cuối năm ấy, chương trình học chuyển qua Việt ngữ, Pháp văn trở thành sinh ngữ, sụt xuống ngang hàng với Anh văn, nhưng học sinh học thêm môn Nhật văn với một ông thông ngôn luôn bệ vệ với khăn đen áo dài. Thật ra, từ toán học qua Việt văn, từ vật lý qua sinh ngữ, buổi nào cũng học qua loa. Các giáo sư thích bàn luận thời sự hơn còn học sinh thì biết làm khó mấy thầy quanh chuyện nguyên tử, năng lượng. Tuy nhiên, kỳ nghỉ hè năm ấy đã đến trong nỗi hân hoan với những danh từ tự do, độc lập từ nay mặc sức bàn cãi. Các học sinh tản mác về quê trở thành những nhân viên thông tin, truyền bá quốc ngữ đắc lực. Nhưng đâu có bàn cãi suông đưọc vì chính vào hè năm ấy, cách mạng bùng nổ và nền độc lập thật sự đang bị đe dọa ở miền Nam. Một quân đội Việt Nam đang được xây dựng để gởi vào Nam giúp sức kháng chiến. Vào kỳ khai giảng năm đệ tam niên (45-46), nhà ga Huế cũng cũng như suốt đường Lê Lợi chật đầy bộ đội ngoài Bắc vào tụ tập với quân binh địa phương chờ đợi chuyến tàu thẳng đường Nam tiến. Trường Khải Đinh dành cho Giải Phóng Quân, học sinh phải dời qua học bên Đại Nội. Từ trước tôi đã có dịp đi viếng thành quách triều Nguyễn, nhưng đây là lần đầu tiên được vào tận cung cấm, nơi mà truớc kia mấy ai có thể tưởng tượng có ngày dậm chân. Chen chúc với các học sinh khác, tôi cũng đã từng chễm chệ lên ngồi trên ngai vàng trong điện Thái Hoà, một vài giây đóng vai nhà vua nhìn ra Bái Đình, tưởng tượng chín hàng quan lại đang phủ phuc qùy lạy. Một thời vàng son đã qua và sẽ không bao giờ trở lại nữa. Trong năm học nầy, chỉ có lớp buổi sáng, phần lớn buổi chiều dành cho huấn luyện quân sự. Danh từ to tát, thật ra chỉ là thể dục, học đi, học chạy, học nhảy, học ném lựu đạn,... Sáng học ở Đại Nội mà chiều phải qua tận bên Nam Giao để học những lớp nầy, nhà anh chị tôi lại ở gần An Cựu, trái đường, tôi kiếm cách ăn trưa ở một chỗ nào thuận tiện. Thường sống trong gia đình, tôi không quen đi tìm ăn ở ngoài. Sau cùng, tôi kiếm được một nơi lý tưởng, vừa ngon miệng, vừa mát mẻ, nhất là vừa rẻ tiền lại không bị người hầu bàn hỏi han phiền phức. Không phải là một khách sạn năm sao mà là nơi các phu xe lại ăn trước chợ Đông Ba. Những người nầy không bỏ được xe để đi mua phần ăn nên bà bán cơm dọn ngay quán trên lề đường. Bà chỉ có một món độc nhất là cơm với cá nục, đơm cho mỗi khách hàng một đọi rồi mỗi anh phu xe ngồi ăn trên chính xe của mình. Riêng phần tôi, học sinh độc nhất lạc lối trong đám phu xe, thì tìm một gốc cây phượng, lá hoa phủ mát, ăn xong còn có thể đem sách vở ra xem. Ngày nay, thói quen ăn quán cơm bình dân tôi vẫn luôn còn giữ mặc dầu sau mười lăm năm quán cơm sinh viên ở Âu Châu ăn toàn khoai tây luộc chán ngắt ! Năm tôi lên học lớp đệ tứ niên (1946-47), trường Khải Định lại dời về trường tư thục Việt Anh. Chuyện học hành dạo nầy lại còn trở nên ít quan trọng vì tình hình chính trị và quân sự rất trầm trọng. Trong thành phố, Giải Phóng Quân đóng ngay trong nhà thường dân. Nhà anh tôi ở cạnh trường Thiên Hựu, cạnh khu người Pháp, không khí còn căn thẳng hơn và qua đầu tháng 12, cuộc kháng chiến bùng nổ, cả trường lẫn học sinh đều phải tản cư về quê hay lên khu. Khi tôi vô lại Huế vào cuối xuân 47 thì quân Pháp đã chiếm đóng thành phố, ít nhất cũng ở trung tâm. Trường Khải Định lần nầy được mở ra ở trường tiểu học Thượng Tứ, nhỏ hơn trường xưa nhiều nhưng cũng còn lại rất ít học sinh. Bổn phận của bọn trẻ chúng tôi sau nhiều tháng tản cư là phải tự học ôn lại bài vở để cho kịp chương trình. Vì nguyên do chiến tranh, năm ấy không có tổ chức thi bằng trung học phổ thông. Tuy vậy, để cho có một mức học đứng đắn, trường cho biết sẽ tổ chức một cuộc thi tuyển vào hai ban đệ nhất khoa học A và B tương đương với lớp Seconde thời trước, một bên chuyên về toán, bên kia nặng phần vạn vật học. Hai môn có hệ số lớn là Việt văn và toán, vì vậy mặc dầu học sinh có thể tự học, mọc ra nhiều lớp dạy tư để luyện thêm hai môn nầy. Phần tôi không có tiền thì chẳng ghi học tư ở đâu được. Tạm dẹp Việt văn một bên, tôi cùng nhiều bạn rủ nhau tổ chức tự học toán theo kiểu trường dòng hồi trước, nghĩa là phải thực tập nhiều, không cần thầy. Chúng tôi họp nhau vài giờ mỗi buổi chiều, đã có ưng thuận với nhau trước tự học chương nào của cuốn sách toán Brachet-Dumarqué, khi gặp nhau chỉ đua nhau làm toán. Chúng tôi thấy tấn bộ rõ ràng, khi dự thi không chút mặc cảm. Riêng phần tôi đậu đầu vô ban khoa học B : mộng của tôi hồi ấy là học làm kỹ sư canh nông. Sau nầy tôi lại được học hóa học nhưng trong những bài báo khoa học gởi đăng trong nước tôi vẫn luôn còn hướng về cây cỏ với nhãn quan hóa học ! Qua kỳ khai giảng niên học 1947-48 thì trường Khải Định lại dọn về trường tiểu học Chaigneau cũ. Trường nầy đối với tôi là nơi quen thuộc quen thuộc vì hồi nhỏ đã có học ở đây hai năm dự bị và sơ đẳng. Năm học này, mặc dầu phải đi ở nhà người ta để dạy kèm hai đứa trẻ mà con nhà giàu thì phần đông là khó tánh, tôi thấy đầy thú vị vì học những môn mới lạ, nhất là về vạn vật học khi thầy Ngữ đi sâu vào tổ chức con người với ít nhiều khái niệm sinh lý học, mở ra cho trí óc một chân trời mà tôi chưa từng tưởng tượng đến. Sau nầy, khi bàn đến những hoạt chất trong cây thuốc, tôi luôn nghĩ đến những tính chất dược liệu của chúng và tác dụng của chúng lên các bộ phận của cơ thể. Trong năm học nầy, học sinh may mắn có được những giáo sư trẻ tuổi, có lẽ không uyên bác bằng những thầy cũ xưa, nhưng chắc chắn họ đầy nhiệt huyết của thanh niên thời mới. Chúng tôi còn chứng kiến được một mối tình chớm nở giữa hai vị giáo sư trẻ tuổi và hồi ấy tôi dành cho họ rất nhiều cảm tình. Họ vừa mới đậu bằng tú tài và đi dạy trong khi chờ đợi được đi học thêm xa. Thấy họ vui tươi đùa nghịch, thân ái ghẹo nhau, tôi cảm thụ tất cả hạnh phúc của một cuộc đời. Sau nầy khi anh chị qua Paris, anh đi học khoa học, chị theo trường thương mãi, tôi lại có dịp đi đón cháu bé đầu lòng ở trường mỗi khi bãi học sớm. Một gia đình đầm ấm như vậy tưởng sẽ tồn tại suốt đời, nhưng ông Trời đã dành cho họ một định mệnh khác... Hồi ấy tôi chưa lớn nhưng cũng đã hết nhỏ. Mặt tình ái của tôi nằm vào mức người trai đang lớn lên như chàng Đẩu trong truyện Hoa vông vang của Đỗ Tốn. Trong ban đệ nhất khoa học (có nhiều lớp hai ban khoa học A và B học chung) có năm cô nữ sinh, điều lạ là ít thấy họ trò chuyện với các bạn trai. Cả năm cô chiếm trọn một bàn trước, không khi nào có một cô lùi lại bàn sau. Rút cuộc, ngồi sau chúng tôi chỉ thấy lưng mấy cô, riêng phần tôi thấy được lưng cô ngồi đầu bàn bên trái. Thôi thì có gì được nấy. Lắm lúc, khi thấy Ngô Văn Hân thao thao giảng giải văn thơ truyện Kiều, tôi trầm ngâm ngắm nhìn mái tóc thề của cô đổ xuống vai, uyển chuyển trên chiếc áo dài trắng rồi mặc sức mơ mộng. Một cái may cho tôi là hè năm ấy nàng đi học lớp Pháp văn của thầy Bùi Xuân Bào dạy thêm ở trường Thiên Hựu. Tình cờ vào lúc ấy tôi lại đi dạy kèm hai đứa trẻ ở Trạm thiên văn trước cửa trường. Thế là " ngẫu nhiên " tôi gặp nàng mỗi khi bãi lớp và có dịp đưa nàng về đến nhà ở tận trên Nguyệt Biều. Vắng bóng bạn bè, chúng tôi chuyện trò rất thân mật tự nhiên, từ học hành, thi cử đến thời sự, chiến tranh, về tương lai của một thế hệ thanh niên trong thời chinh chiến, nhưng không có một lời tình ái, một lần nắm tay. Hè năm ấy sao hồn nhiên tưng bừng đẹp quá mà cũng thật quá mau qua. Hết hè, biết tôi đậu vào học trường Vô Tuyến điện và sẽ rời Huế đi Sài gòn, nàng ân cần biếu tặng tôi cuốn Tuyết năm xưa do một Việt kiều viết về kỷ niệm ở nước Pháp, không dè cuốn sách ấy mở đầu cho cuộc Tây du của chàng trai sau nầy. Mười năm sau, tôi tình cờ gặp lại nàng trong một trại hè sinh viên bên Tây Ban Nha, vào lúc đó tôi vừa mới cưới vợ còn nàng thì đã tay ẵm tay bồng. Mái tóc đen còn đó, thấp thoáng đằng sau nét mặt dịu hiền một thiếu phụ vừa có con thơ, nhưng từ nay hết còn lắc lư trên vai áo dài trắng xóa năm xưa. Cuối năm học ấy, không biết tương lai sẽ ngã về đâu, tôi tranh thủ học ôn chương trình đệ tứ niên để soạn thi bằng trung học phổ thông, một mảnh bằng không có bao lăm giá trị nhưng lỡ phải đi làm sinh sống thì cũng là một mảnh giấy cần thiết. Năm ấy, viện Đại học Sài Gòn mở trường Vô tuyến điện, không cần có bằng Tú tài cũng có thể dự thi. Trên đà thi cử, nhiều bạn đồng lớp soạn thi và một số đậu được thi viết. Vào vấn đáp chỉ có một môn toán, giám khảo lại là ông Harter, giáo sư toán học của chúng tôi trước kia ở năm đệ nhị niên. Rút cuộc năm anh em từ giã mái trường thân yêu cùng nhau lên đường du học Sài Gòn. Ngày nay, trường đã lấy lại tên cũ là Quốc Học từ thuở ban đầu, nhưng đối với những học sinh lứa tuổi chúng tôi, trường vẫn luôn là trường Khải Định, nơi chúng tôi đã sống những ngày tưng bừng, rạo rực đầy kỷ niệm khó quên của một thời trẻ.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|