Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
]
|
|
Tập IV : Huế một thời xưa Võ Quang Yến *** |
Mùa
khai giảng năm ấy sao buồn lạ. Không khí không nhộn nhịp,
náo động như hai năm trước. Thật vậy, hai năm vừa qua,
Huế cũng như toàn quốc đã sống những ngày lịch sử thì
kỳ tựu trường hai năm ấy cũng không thể là tầm thường.
1945. Cách mạng vừa bùng nổ, kháng chiến chống Pháp anh dũng khởi sự ở miền Nam. Những ngày khai giảng năm ấy sôi nổi, náo nhiệt vô cùng, có thể nói là những ngày chưa từng thấy từ trước đến nay ở thành phố Huế. Tôi còn nhớ rõ hôm rời quê vô Huế, thong dong lại trường Khải Định (Quốc Học) thì trước cửa trường đã thấy mấy anh Giải Phóng Quân nghiêm chỉnh đứng canh. Trên con đường Lê Lợi chạy dọc sông Hương ngang trước cổng trường thì từ nhà ga đến cầu Trường Tiền một dãy dài bộ đội đang ngồi đợi tàu lên đường " Nam tiến ". Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu...bài hát của Lưu Hữu Phước chưa khi nào được vang dội đậm đà thấm thía như lúc nầy. Những thanh niên ấy lên đường đầy nhiệt khí, nhưng biết bao người sẽ trở về lại làng xóm quê xưa. Ngắm nhìn mấy anh Giải phóng quân trẻ măng, không lớn hơn mình bao lăm, tôi tuởng tượng đến cảnh chia ly khi họ từ giã gia đình, làng xóm mấy hôm trước, lìa bỏ tổ ấm tình quê để đi bảo vệ non sông. Tôi chạnh nghĩ đến bản thân mình, ngay hôm qua đã sống những phút gần tương tự, gần thôi vì tôi không nhập ngũ. Hồi ấy, tôi phụ trách một đội thiếu niên, thiếu nữ ở hai làng Mỹ Cang, Mỹ Xuyên, huyện Phong Điền. Hôm qua tôi phải từ giã bọn nhỏ lên tàu vô Huế học. Chúng nó tự động lên ga Mỹ Chánh tiễn đưa tôi. Với một tình thương vô tư trẻ dại nhưng thành thật biết bao, bọn nó sụt sùi nước mắt khi tàu chuyển bánh làm tôi cũng không cầm được giọt lệ. Những khách đồng hành ngạc nhiên hỏi : " Em còn nhỏ mà đã tình nguyện nhập Giải Phóng Quân rồi à ? " Và văng vẳng mãi bên tai tôi câu hát Đoàn giải phóng quân một lần ra đi ... Bây giờ họ ngồi cả đó, nghe nói từ tối hôm qua, người gục đầu ngủ trên bao, kẻ ăn nắm cơm nguội có lẽ do bà mẹ bới gói, có anh trầm ngâm nghĩ ngợi, chắc đang hồi tưởng đến thân thích gia đình hay đang tưởng tượng trận địa sắp giáp chiến nay mai. Ngày nay, hơn bốn mươi năm sau, hình ảnh những người chiến sĩ mang quân phục của thời đại mới vẫn còn in rõ trong trí óc tôi. Năm ấy, trường dọn vô trong Đại Nội : học sinh sáng học chữ, chiều đi tập quân sự, khai trương một kỷ nguyên mới. 1946. Sau Hiệp định Sơ bộ, vào kỳ khai giảng thứ nhì thì quân đội Pháp đã trở lại Huế. Khắp nơi, trước đồn lính, bên góc chợ, đằng đầu cầu, ở đâu cũng có hai quân binh Việt và Pháp đứng canh cạnh nhau. Bên phía Việt Nam thường là Dân quân Tự vệ. Thường ta đã cố ý chọn những anh đừng quá thấp cho đứng đối diện với tên lính Tây. Ở đầu cầu Trường Tiền, trước nhà hàng Morin Frères, nơi đông người qua lại, chiều nào cũng có một anh Tự vệ cao to lực lưỡng, mang súng đi lại rất là oai vệ. Hồi ấy một quân nhân Việt Nam ăn mặc chỉnh tề, nai nịt gọn ghẽ, súng trường trên vai, súng lục giắt lưng, là cả một mối hãnh diện cho dân chúng, nhất là cho giới học sinh trẻ tuổi như bọn tôi. Thỉnh thoảng một chiếc xe Jeep chở hai sĩ quan Việt và Pháp đi tuần tiểu, dàn xếp những bất bình xảy ra hằng ngày khắp thành phố vì ai cũng biết lúc ấy tình hình rất căng thẳng. Dạo ấy tôi ở nhà anh tôi cạnh cung An Định, nghĩa là rất gần trường Thiên Hựu, nơi tập trung người Pháp. Tối nào cũng có một toán Giải Phóng Quân lại ngủ trong nhà, sẵn sàng chiến đấu. Tối nào các anh cũng mở súng chùi đi chùi lại thành thử tôi cũng chẳng học hành gì được. Năm ấy trường Khải Định vẫn chưa mở cửa lại và học sinh phải qua học bên trường tiểu học Thượng Tứ. Nói là đi học chứ suốt mùa thu, đầu não đâu còn vấn vương chữ nghĩa . Các hội Hướng đạo tuy không còn nữa, các anh em vẫn tiếp tục gặp nhau học võ, truyền tin và nhiều bạn đã bắt đầu hoạt động trong các ban trinh sát hay liên lạc. Tình hình càng ngày càng trầm trọng cho đến đầu tháng 12, dân chúng được yêu cầu tản cư, ngay trước ngày khởi chiến... Năm 1947, cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn. Đến ngày tựu trường thì quân đội viễn chinh Pháp đã chiếm đóng thành phố Huế, mặt trận lùi về miền đồng quê hay ven rừng núi. Trường Khải Định vẫn còn bị quân đội trưng dụng, học sinh phải lại học trường Lê Lợi tức là trường Chaigneau cũ. Đối với tôi, trường nầy chẳng xa lạ vì hồi nhỏ đã lết ghế đây mấy năm. Bây giờ đi ngang trước trường, cảnh vật thấy không thay đổi gì lắm. Thiếu chăng là mùi bánh mì nóng hổi thơm phức từ nhà hàng Chaffanjon bay ra, mùi cà phê đen có vẻ ngọt ngào mà ông giáo viên môn Hán tự cứ đầu chiều là sai đem vô lớp một tách lớn. Năm ấy, ông giáo già đã nhường chỗ cho nhiều vị giáo sư trẻ tuổi. Tuy vậy, quang cảnh nhộn nhịp những năm qua không còn nữa. Thành phố im lìm, rầu rĩ. Hồi ấy nhà anh tôi dọn về trên bờ sông An Cựu, cạnh cầu Lò Rèn. Thường người ta bảo sông An Cựu nắng đục mưa trong, nhưng thật ra mưa càng nhiều, nước càng lên, đục ngầu cuồn cuộn sẵn sàng trào lên đường gây lụt lội. Nhưng trời không lạnh, học sinh thường mặc quần ngắn và đi chân không nên mặc sức lội nước. Cạnh nhà tôi có hai anh bạn, Phan Huy Tùng và Nguyễn Khắc Nhẫn, đều rất giỏi toán. Cả hai đều thi vào học đệ nhị khoa học A chuyên ngành toán, tôi thì đậu vào ban khoa học B nặng về vạn vật học. Chúng tôi là những học sinh mẫu mực, nghiêm túc nên hay đi lại với nhau khá thân thích. Chúng tôi thường gặp nhau để cùng học toán hay để đi dạo. Kỳ khai giảng năm ấy, đặc biệt có thêm hàng cô gái bán giấy, bút cạnh nhà. Từ cầu Lò Rèn đi dọc xuống theo bờ sông thì có một cái đường kiệt đối diện với Dòng Chúa Cứu Thế. Ở góc đường kiệt ấy và đường Bờ sông An Cựu (nay là đường Phan Châu Trinh) hết hè có dựng lên một cái chòi không vách, không phên, bên trong có một cô gái bán hàng. Cả ba chúng tôi thường lại đấy mua dụng cụ mấy ngày đầu tựu trường. Lúc đầu thì mua thật, dần dần hết còn mua mà cô gái lại xinh nên chúng tôi cứ rủ nhau lại đó chuyện trò tán tỉnh. Cô gái trạc tuổi chúng tôi, hiền lành như cô gái Huế, thấy bọn trai mãi khen thì chỉ đỏ mặt, cúi đầu, có khi quá thẹn thì giả vờ sắp lại mấy tập giấy và cúi mặt xuống dưới quầy. Bên phần bọn tôi thì đứa nào cũng quá trẻ để nói lên một lời tỏ rõ cảm tình của riêng mình. Và cứ thế cho đến lúc khai giảng xa dần, chúng tôi ngày càng bận học, trời lại mưa lạnh nhiều hơn, chúng tôi ít còn lảng vảng lại nữa. Có lẽ khách hàng cũng thưa dần nên không biết vào lúc nào quán hết dọn ra. Sau nầy mỗi lần đi ngang qua đó tôi chỉ thấy cái chòi vắng tanh. Năm 1986, nghĩa là 38 năm sau, nhân lần đầu tiên về thăm quê cũ và là cũng là năm về dự Hội trường Quốc Học 90 năm, tôi không quên kiếm cách trở lại bờ sông An Cựu, viếng mái nhà xưa và thử tìm dấu vết cái chòi nhỏ thuở nào. Tôi đã từng viết tôi hơi tủi khi ngắm dòng sông vì chẳng có ai quen biết mình để nhận ra mình. Lẽ tất nhiên cũng chẳng có tin gì về cô gái bán hàng. Nhưng cô ấy, nếu còn sống, chắc cũng là bà nội, bà ngoại , con cháu đầy đàn. Tôi tự hỏi bây giờ nếu may mắn gặp lại cô ta, liệu tôi còn nhận ra nét mặt xinh xắn, đôi mắt trong sáng của thời trước không ? Năm 1947 là năm cuối cùng tôi sống cảnh tựu trường ở Huế vì qua năm sau tôi đi học trường Vô tuyến điện thuộc viện Đại học Sài Gòn và đi thẳng qua Pháp. Ở Paris có sông Seine, nước cũng dâng lên khi trời mưa nhưng không hẳn vào kỳ khai giảng như sông An Cựu. Trên bờ sông Seine có vô số quầy nhỏ bán sách, hình, tem,... nhưng không có quầy nào bán giấy, bút và nhất là không có quầy nào có cô bán hàng xinh xắn như cô gái Huế độ nào. Mấy chục năm sau, tôi còn đuổi tìm đôi mắt cô ấy như một chàng trai si tình.
|
|
|
[
trang trước ] / [
trang
sau ]
|