寂 滅; J: jakumetsu;
Một cách dịch nghĩa khác của danh từ Niết-bàn (s: nirvāṇa; p: nibbāna); »Tịch diệt« mô tả một tâm trạng tịch tĩnh tuyệt đối, vượt khỏi sinh tử, thành hoại, không gian và thời gian, vượt qua tất cả mọi sự lệ thuộc, mô tả trạng thái tâm thức của một Bậc Giác ngộ, một vị Phật. Trạng thái này không thể được trình bày bởi vì nó nằm ngoài tư duy (Bất khả tư nghị) và ngôn ngữ (Bất khả thuyết). Những lời xác định tâm trạng này chính là sự cố gắng nhọc nhằn vô ích, ví như nhét vào khuôn khổ cái »Vô biên.« Những lời duy nhất có thể sử dụng được là những câu phủ định (Tứ cú bách phi) như »Không phải cái này, không phải cái kia« (s: neti, neti!) hoặc »Vượt qua« tất cả những khái niệm, suy tư.
Theo giáo lí tuyệt đỉnh của đạo Phật – như Kim cương thừa (s: vajrayāna) và Thiền tông – thì Tịch diệt hoàn toàn không khác biệt với Luân hồi (saṃsāra). Cái »Vô biên«, »Vô vi«, »Vô tướng« chính là cái »Hữu biên«, Hữu vi«, là thế giới hiện hữu. Nếu Niết-bàn đã vượt qua mọi khái niệm thì sự đồng nhất của Niết-bàn và Luân hồi cũng không thoát khỏi sự »Bất khả tư nghị«, »bất khả thuyết« và chỉ có thể trực nhận được khi đã giác ngộ. Vô thượng chính đẳng chính giác (anuttara samyaksaṃbodhi) có nghĩa là, một vị Phật sống ngay trong thế giới hiện hữu với một tâm trạng tịch tịnh, không phải chỉ nhập Niết-bàn, bước qua một cách tồn tại khác sau khi thoát khỏi thân do Tứ đại hợp thành.