文 殊 師 利 ; S: mañjuśrī; tên dịch theo âm, thường được gọi tắt là Văn-thù, dịch nghĩa là Diệu Ðức (妙 德), Diệu Cát Tường (妙 吉 祥), cũng có lúc được gọi là Diệu Âm (妙 音 ; s: mañjughoṣa);
Một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo. Lần đầu tiên người ta nhắc đến Văn-thù trong tác phẩm Văn-thù Sư-lị căn bản nghi quĩ (s: ārya-mañjuśrī-mūlakalpa) ở thế kỉ thứ 4. Tranh tượng trình bày Văn-thù với lưỡi kiếm và kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa, được vẽ khoảng ngang đầu. Người ta xem đó là biểu tượng trí huệ phá đêm tối của Vô minh.
Trong Phật giáo Tây Tạng, các vị luận sư xuất sắc như Tông-khách-ba (t: tsong-khapa) thường được xem là hiện thân của Văn-thù (Chu-cô). Dưới tên Diệu Âm ( 妙 音; mañjughoṣa), »Người với tiếng nói êm dịu«, Văn-thù Bồ Tát thường được tán tụng trước khi hành giả nghiên cứu kinh điển, nhất là kinh điển thuộc hệ Bát-nhã ba-la-mật-đa và học thuyết của Trung quán tông. Ngài là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng Phương tiện tri thức.
Văn-thù cũng xuất hiện dưới dạng Hộ Thần (s: iṣṭadevatā, sādhita; t: yidam) phẫn nộ, có tên gọi là Diêm-mạn Ðức-ca – »Người chiến thắng tử thần« (s: yamāntaka), có dạng vị thần mang đầu bò. Dạng này là Hộ Thần quan trọng của phái Cách-lỗ (t: gelugpa) tại Tây Tạng.
Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn-thù được Phật đích thân Thích-ca giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Ðài sơn chính là nơi Ngài thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Ðài sơn cũng được xem là trụ xứ của Ngài (Tứ đại danh sơn). Một thuyết khác bảo rằng, Ngài đã từng xuất hiện tại Trung Quốc trong thế kỉ 1, đời Hán Minh Ðế.