HomeIndex

Long-chen-pa

T: kloṅ-chen-pa; 1308-1364;

Ðại sư Tây Tạng phái Ninh-mã (t: nyingmapa), được tặng danh hiệu »Nhất thiết trí giả.« Sư đóng một vai trò quan trọng trong giáo pháp Ðại cứu kính (t: dzogchen) vì đã phối hợp được nhánh của Liên Hoa Sinh (padmasambhava) với nhánh Tì-ma-la Mật-đa (vimalamitra), đưa vào một hệ thống chung. Trong một cuộc đời tương đối ngắn, Sư đã viết 270 tác phẩm mà những tác phẩm quan trọng nhất được gọi là »bảy món quí«. Ðặc điểm của các tác phẩm của Sư là chiều sâu của tư tưởng và tính chất rõ rệt, chính xác. Những tác phẩm này vẫn còn tác động trong dòng Ninh-mã.

Lên 11 tuổi, Sư đã được gia nhập giáo hội và sau đó chú tâm học tập. Ngoài trường phái mình, Sư còn học thêm giáo pháp của các phái Tát-ca (t: sakyapa) và là đệ tử của Cát-mã-ba (t: karmapa) thứ ba (1284-1339). Sau đó hai biến cố lớn xảy ra cho Sư: sau khi chứng được linh ảnh của Liên Hoa Sinh và đệ tử là Ye-she Tsog-yel, Sư có quan hệ trực tiếp các Không hành nữ (s: ḍākinī), được truyền thụ giáo pháp Ðại cứu kính và có trách nhiệm ghi lại thành văn bản chôn dấu (Ter-ma). Sau đó Sư lại gặp Tì-ma-la Mật-đa (s: vimalamitra), được chân truyền phép Ðại cứu kính và tổng hợp hai dòng Ðại cứu kính nói trên thành một hệ thống duy nhất.

Long-chen-pa là vị trụ trì chùa Tang-duyên (t: samye) tại Trung Tây Tạng. Tuy thế phần lớn thì giờ, Sư vẫn hay đi vân du và sống viễn li. Sư cũng là người sửa chữa lại nhiều chùa, nhất là những chùa tại Bhutan trong thời gian Sư phải biệt xứ tại đó hàng chục năm. Ðời sau, có Jig-me Ling-pa (1730-1798) nghiên cứu rõ về Sư và đưa Sư lên hàng Ðại sư của dòng Ri-mê (rime)