Thanh Biện (1)
清 辯; S: bhāvaviveka, bhavya;
Một Luận sư quan trọng của tông Trung quán (s: mādhyamika), sống khoảng giữa 490 và 570. Sư sinh tại Nam Ấn Ðộ, theo học giáo lí của Long Thụ (nāgārjuna) tại Ma-kiệt-đà (magadha). Sau đó Sư trở về quê hương và trở thành một luận sư danh tiếng. Trong các tác phẩm được dịch ra chữ Hán và chữ Tây Tạng (phần lớn của nguyên bản Phạn ngữ đã thất truyền), Duy thức tông (s: vijñānavāda, yogācāra) là đối tượng bị Sư chỉ trích. Là người sáng lập hệ phái Trung quán-Y tự khởi (中 觀 依 自 起; mādhyamika-svātantrika), một trong hai trường phái của Trung quán, Sư cũng đả kích Phật Hộ (s: buddhapālita), người sáng lập hệ phái Trung quán-Cụ duyên (中 觀 具 緣; prāsaṅgika-mādhyamika) bằng một phương pháp suy luận biện chứng trên cơ sở nhân minh học (s: hetuvidyā), Nhận thức học (s: pramāṇavāda). Vào thế kỉ thứ 8, trường phái của Sư được Tịch Hộ (s: śāntarakṣita) biến thành phái Trung quán-Duy thức (mādhyamika-yogācāra).
Các trứ tác của Sư (trích): 1. Ðại thừa chưởng trân luận (mahāyānatālaratnaśāstra), Huyền Trang dịch; 2. Bát-nhã đăng luận thích (prajñāpradīpa, cũng có tên prajñāpradīpa-mūlamadhyamaka-vṛtti), Ba-la-phả Mật-đa dịch; 3. Trung quán tâm luận tụng (madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; 4. Trung quán tâm quang minh biện luận (madhyamaka-hṛdaya-vṛttitarkajvālā), chú giải Trung quán tâm luận tụng (madhyamakahṛdayakārikā), Tạng ngữ; 5. Trung quán nhân duyên luận (madhyamikapratītyasamutpāda-śāstra), Tạng ngữ; 6. Nhập trung quán đăng luận (madhyamakāvatārapradīpa), Tạng ngữ; 7. Nhiếp trung quán nghĩa luận (madhyamārtha-saṃgraha), còn bản Tạng ngữ và Phạn ngữ; 8. Dị bộ tông tinh thích (nikāyabheda-vibhaṅgavyākhyāna), chỉ còn lưu lại trong Tạng ngữ, nói về các tông phái phật giáo sau khi Phật diệt độ đến thời Thanh Biện, rất giống Dị bộ tông luân luận (samayabhedavyūhacakraśāstra) của Thế Hữu (vasumitra).
Thanh Biện (2)
清 辯; ?-686
Thiền sư Việt Nam thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ tư, nối pháp Thiền sư Huệ Nghiêm.
Sư họ Ðỗ, quê ở Cổ Giao, xuất gia năm 12 tuổi với Thiền sư Pháp Ðăng. Khi Pháp Ðăng thị tịch, Sư chuyên trì tụng kinh Kim cương và lấy đó làm sự nghiệp. Một hôm, một vị thiền khách ghé chùa, hỏi Sư: »Kinh này là mẹ của Phật tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai), thầy hiểu ›mẹ Phật‹ thế nào?« Sư đáp: »Tôi từ trước trì tụng kinh này nhưng cũng chư hiểu ý ấy.« Khách hỏi: »Trì tụng đã bao lâu?« Sư thưa: »Tám năm.« Khách bảo: »Tám năm chỉ trì tụng một kinh mà chưa hiểu ý nghĩa thì dù trì tụng cả trăm năm cũng chẳng có công dụng gì.«
Nghe lời khuyên của thiền khách, Sư đến tham vấn Thiền sư Huệ Nghiêm tại chùa Sùng Nghiệp. Thấy Sư, Huệ Nghiêm hỏi: »Ngươi đến có việc chi?« Sư thưa: »Ðệ tử trong tâm chưa yên ổn.« Huệ Nghiêm hỏi: »Chưa ổn cái gì?« Sư thuật lại cuộc đàm thoại với thiền khách. Huệ Nghiêm bảo: »Ngươi quên hết rồi! Sao ngươi không nhớ câu kinh ›Các Phật tam thế cùng lối pháp Vô thượng chính đẳng chính giác đều xuất xứ ở kinh Kim cương‹, thế chẳng là ›Mẹ của Phật‹ hay sao?« Sư thưa: »Quả thật đệ tử còn mê muội.« Huệ Nghiêm lại hỏi: »Thế kinh ấy ai thuyết.« Sư hỏi: »Chẳng phải là lời thuyết pháp của Như Lai hay sao?« Huệ Nghiêm nói: »Trong kinh nói ›Nếu nói Như Lai có thuyết pháp gì thì phỉ báng Như Lai.‹ Câu ấy người ta không giải được. Cái nghĩa ta vừa nói, ngươi cứ thử nghĩ xem, nếu nói kinh ấy không phải là lời thuyết pháp của Phật thì thế là phỉ báng kinh; nếu lại nói đúng là những lời thuyết pháp của Phật lại là phỉ báng Phật. Sao ngươi lại cứ muốn ta trả lời ngay?« Sư suy nghĩ, muốn hỏi thêm, Huệ Nghiêm bèn cầm Phất tử đánh vào miệng. Sư ngay đây tỉnh ngộ, bèn sụp lạy.
Sau, Sư đến trụ trì chùa Kiến Dương giáo hóa tông đồ. Năm Bính Tuất, niên hiệu Ðường Thùy Cung thứ hai (686), Sư qui tịch.