乘; S: yāna; cũng đọc »Thặng«;
Là cỗ xe; danh từ này đã có từ thời Tiểu thừa, quan niệm giáo pháp là »xe« đưa người tới Giác ngộ. Các cỗ xe khác nhau vì mỗi chặng đường đi có những quan niệm khác nhau, chủ tâm của hành giả và phương tiện đến mục đích cũng khác nhau. Theo Phật giáo Tây tạng thì sự lựa chọn cỗ xe nào là tùy căn cơ của hành giả và tùy trình độ của đạo sư. Người ta phân biệt ba thừa: Tiểu thừa, Ðại thừa và Kim cương thừa. Theo Kim cương thừa, thì cả ba thừa đều có thể được thực hành đồng thời, quan diểm này được gọi là Nhất thừa (s: ekayāna).
Trong giai đoạn đầu của sự phát triển Phật giáo tại Tây Tạng, người ta phân chia các Thừa theo nhiều cách, trong đó quan điểm »chín thừa« được trường phái Ninh-mã (t: nyingmapa) đại diện và được nhóm Ri-mê chấp nhận trong thế kỉ thứ 19. Theo quan điểm này thì Hiển giáo gồm có 3 thừa như sau: 1. Thanh văn thừa, 2. Ðộc giác thừa, 3. Bồ Tát thừa. Ðó là cách chia theo Tiểu thừa và Ðại thừa. Còn trong Mật giáo lại chia làm hai: Ngoại Tan-tra và Nội tan-tra. Ngoại tan-tra là ba loại Tan-tra được mọi trường phái Mật tông chấp nhận, đó là: 4. Tác tan-tra, 5. Hành tan-tra và 6. Du-già tan-tra. Theo phái Ninh-mã lại có thêm ba phép Nội tan-tra nữa, là ba phép Tan-tra cao nhất, đó là: 7. Ma-ha du-già (mahā-yoga), 8. A-nậu du-già (s: anu-yoga) và 9. A-tì du-già (atiyoga đồng nghĩa với dzogchen, Ðại cứu kính). Theo quan điểm của phái Ninh-mã thì ba thừa đầu tiên (Thanh văn, Ðộc giác, Bồ Tát) do đức Thích-ca truyền lại, đó là Ứng thân (s: nirmāṇakāya, xem Ba thân) của Pháp giới. Ba Ngoại tan-tra là do Báo thân chân truyền (xem Kim cương Tát-đóa). Ba Nội tan-tra là do Phổ Hiền (s: samantabhadra) chân truyền và Phổ Hiền là hiện thân của Pháp thân. Vì thế, theo quan điểm của Ninh-mã thì Bồ Tát không phải qua Thập địa mà phải qua 16 cấp bậc tu học, vì thật sự không phải ba thừa mà chín thừa.