龍 樹 ; S: nāgārjuna; »Triết gia và nhà giả kim«; Long Thụ của hệ thống 84 vị Ma-ha Tất-đạt Ấn Ðộ;
Là thầy của Thánh Thiên (s: āryadeva) và Sa-va-ri-pa (s: śavaripa). Long Thụ thuộc dòng Bà-la-môn, nhưng Sư đến Na-lan-đà để thụ giới trở thành một Tỉ-kheo. Sau đó Sư đến Vương xá (s: rājagṛha) tu luyện tại đó mười hai năm và đạt thánh quả Ðại thủ ấn tất-địa (s: mahāmudrāsiddhi). Trên đường du phương, Sư gặp một đứa trẻ chăn cừu giúp ông qua sông và vì đền ơn, Sư thi triển thần thông giúp đứa trẻ làm vua. Về sau khi Phạm Thiên xin đầu, Sư dùng ngọn cỏ cắt đầu hiến dâng. Người ta nói rằng thân của Long Thụ còn nằm tại chỗ mất đầu, đợi Phật Di-lặc hạ sinh sẽ sống lại giúp Ngài.
Như Long Thụ của thế kỉ thứ 2, tranh tượng của vị Long Thụ này cũng có hình rắn phủ quanh đầu. Chứng đạo kệ của Long Thụ có những dòng sau:
Ví như kẻ mê muội,
tự xưng là Tất-đạt,
thì như tên giặc cỏ,
đòi cướp giật ngôi vua.
Ví một bậc hiền nhân,
còn kẹt sự dại khờ,
thì như một thớt voi
còn bị đắm trong bùn.
Lịch sử của Tan-tra, nhất là Tan-tra tại Tây Tạng cho rằng Long Thụ này chính là Long Thụ của thế kỉ thứ hai, Luận sư nổi tiếng của Trung quán tông (s: mādhyamika) mặc dù giáo pháp của Mật tông được thành lập và phát triển sau này. Các Lạt-ma Tây Tạng cho rằng cả hai Long Thụ (và đương nhiên cùng với môn đệ là Thánh Thiên) đều là biểu hiện của một Tuyệt đối duy nhất, được nối tiếp bằng một sợi chỉ vô hình siêu thời gian và không gian, hoặc được nối tiếp qua các dòng tái sinh Chu-cô (t: tulku).