比 丘; S: bhikṣu; P: bhikkhu; có nghĩa là một Khất sĩ;
Danh từ chỉ một nam giới xuất gia, sống cuộc đời không nhà. Theo quan điểm nguyên thủy, chỉ có những người sống viễn li mới có thể đạt được Niết-bàn. Hoạt động chính của những vị này là thiền định và giảng dạy giáo pháp, không được thụ hưởng cuộc đời và chịu sống lang thang không nhà. Giới luật của tỉ-kheo là đời sống nghèo khổ, không vợ con và thực hành từ bi, được đề ra trong Luật tạng.
Cuộc sống cơ hàn của tỉ-kheo được thể hiện trong chiếc Tam y của các vị đó, gồm có ba phần (s: tricīvara) và do vải vụn kết lại. Vật dụng hàng ngày chỉ gồm bát khất thực, dao cạo, kim chỉ, đồ lọc nước và gậy kinh hành. Tỉ-kheo không được nhận tiền bạc hay các vật dụng khác. Thức ăn là do cúng dường, thuốc men chủ yếu là nước tiểu thú vật.
Ðầu tiên, tỉ-kheo thường sống một cuộc đời lang thang. Trong mùa mưa, các vị đó thường buộc phải an trú trong một tinh xá (精 舍; s, p: vihāra). Lí do là vì nếu đi lại trong mùa mưa, các vị có thể gây tai hại cho động vật và cây cối. Vì vậy, các vị chỉ được rời tu viện vì lí do đặc biệt trong mùa này. Mùa An cư này được chấm dứt bằng buổi lễ Tự tứ (自 恣; p: pravāraṇā), trong đó các vị cùng sống chung trong thời gian qua kiểm điểm lại lỗi lầm hay thiếu sót với nhau. Qua năm tháng, tỉ-kheo ít đi vân du, các vị sống nhiều trong các tu viện, tuy nhiên, tục đi hành hương chiêm bái vẫn còn được giữ đến ngày nay. Ngày nay, các tỉ-kheo phần lớn vẫn còn giữ tập tục như hồi đức Phật còn tại thế, nhưng mặt khác, họ phải thích nghi với đời sống xã hội và điều kiện địa lí. Ví dụ như các tỉ-kheo Trung Quốc thường hay làm công việc đồng áng, đó là điều mà tỉ-kheo ngày xưa không được làm vì sợ giết hại sinh mệnh côn trùng. Trong một vài trường phái của Tây Tạng và Nhật Bản, tỉ-kheo có thể lập gia đình, có vợ con. Các qui định về khất thực cũng thay đổi nhiều qua thời gian.