HomeIndex

Huệ Khả

慧 可 ; C: huìkě; J: eka; 487-593;

Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Quốc, được Bồ-đề Ðạt-ma Ấn khả. Kế thừa Sư là Tam tổ Tăng Xán. Theo truyền thuyết thì Sư đến Thiếu Lâm tự năm 40 tuổi tham vấn Bồ-đề Ðạt-ma. Ban đầu Bồ-đề Ðạt-ma chẳng để ý đến sự hiện diện của Sư, để Sư đứng trong tuyết băng nhiều ngày. Ðể chứng minh Bồ-đề tâm của mình, Sư tự chặt cánh tay trái dâng Bồ-đề Ðạt-ma và từ đây Sư được nhận là môn đệ. Tắc thứ 41 trong Vô môn quan có ghi lại cuộc đàm thoại đầu tiên giữa Bồ-đề Ðạt-ma và Huệ Khả.

Bồ-đề Ðạt-ma ngồi nhìn vách tường. Sư dầm tuyết, rút dao tự chặt cánh tay, nói: »Con không an được tâm, xin thầy an tâm cho con.« Ðạt-ma bảo: »Ðưa tâm cho ta, ta sẽ an cho.« Sư đáp: »Con không thấy tâm đâu cả.« Ðạt-ma đáp: »Ta đã an tâm cho con.«

Sau sáu năm tu tập dưới sự hướng dẫn của Bồ-đề Ðạt-ma, Sư được ấn chứng, nhận y bát và từ đây Sư trở thành Nhị tổ của Thiền tông Trung Quốc. Dịp truyền pháp được ghi lại trong Truyền quang lục.

Một hôm Sư nói: »Con đã dứt hết chư duyên rồi« Tổ hỏi: »Ngươi không biến thành đoạn diệt chứ?« Sư đáp: »Chẳng thành đoạn diệt.« Tổ hỏi lại: »Lấy gì chứng minh?« Sư đáp: »Rõ ràng thường biết, nói không thể được.« Tổ hài lòng, đáp: »Ðó là chỗ bí quyết tâm truyền của tất cả chư Phật, ngươi chớ nghi ngờ gì.«

Trước khi đến Bồ-đề Ðạt-ma thụ pháp, Sư tên là Thần Quang, chuyên học Nho, Lão Trang (Lão Tử, Trang Tử) và kinh sách Phật pháp. Cái hiểu biết từ sách vở này không thỏa mãn lòng quyết đạt chính giác. Vì vậy Sư chú tâm đến việc tu tập Thiền định, quyết chứng nhận trực tiếp chân lí được tả trong kinh luận. Sau khi được truyền tâm ấn, Sư sống ẩn dật đây đó vì chưa muốn thâu nhận môn đệ và tập trung tâm sức nghiên cứu kinh Nhập Lăng-già theo lời khuyên của Bồ-đề Ðạt-ma. Sư lang thang đây đó, uống rượu ăn thịt, có những hành động như phàm phu. Có người hỏi vì sao thầy tu mà làm những việc này, Sư thản nhiên trả lời: »Ta tu tâm mặc ta, có liên can gì đến ngươi.«

Dầu vậy, Sư vẫn tùy duyên hoằng hóa và tương truyền rằng Sư có biệt tài thuyết pháp, dân chúng thường đến rất đông để nghe. Có một ông sư có thái độ chống báng, sai chú tiểu đến dọ chân tướng Sư, nhưng chú này vừa được nghe giảng cái gọi là tà đạo thì bỗng chốc chấn động tinh thần, xin lưu lại học. Vị sư lại sai chú tiểu khác đi gọi chú trước về, nhưng chú sau cũng biến luôn và cứ như thế thêm mấy chú nữa. Sau này, vị sư tình cờ gặp lại chú tiểu đầu tiên, quở: »Sao chú để ta kêu gọi nhiều lần? Ta chẳng tốn công mở mắt cho chú sao?« Chú tiểu đáp: »Mắt của tôi từ bao giờ vẫn thẳng, chỉ vì ông nên nó đâm ra lé!«

Những thành tích trong việc giáo hóa này gây sự bất bình ganh tị của những vị sư khác. Họ phong tin rằng Sư truyền bá tà giáo và thưa việc này cho quan trên. Sư bị bắt và sau đó bị xử trảm. Sư thản nhiên thuận theo, cho rằng đúng với luật nhân quả Sư có một món nợ phải trả. Việc này xảy ra năm 593, Sư thọ 106 tuổi.