印 可 證 明; J: inka shōmei; cũng thường được gọi tắt là ấn chứng;
Thuật ngữ thường được dùng trong Thiền tông chỉ sự xác nhận của thầy rằng môn đệ của mình đã hoàn tất đầy đủ việc làm dưới sự hướng dẫn của mình, có thể nói là »thành đạo.«
Nếu những vị thầy sử dụng Công án (j: kōan) trong chương trình giảng dạy thì việc ấn khả có nghĩa là thiền sinh đã giải tất cả những công án và vị thầy đã hài lòng với các kết quả đạt được. Nếu vị thầy không sử dụng công án thì sự ấn khả đồng nghĩa với sự hài lòng của vị thầy về mức độ thông đạt chân lí của đệ tử. Chỉ sau khi được ấn khả và khi những yếu tố quan trọng khác – ví như khả năng am hiểu người để hướng dẫn họ – đã sẵn có hoặc đã tu luyện thành đạt thì người được ấn khả này mới được hướng dẫn môn đệ trên thiền đạo và tự gọi mình là Pháp tự (法 嗣) của vị thầy và mang danh hiệu Lão sư (j: rōshi). Nhưng ngay khi tất cả những điều kiện trên đã đạt và thiền sinh đã được ấn khả thì việc này không có nghĩa rằng, thiền sinh đã chấm dứt việc tu tập trên con đường thiền. Càng nhìn rõ xuyên suốt thiền sinh càng thấy rằng, việc tu tập thiền không bao giờ đến nơi cùng tận và kéo dài vô số kiếp. Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền bảo rằng, ngay cả đức Phật Thích-ca cũng còn đang trên đường tu tập.
Với sự ấn chứng, vị thầy xác định rằng, thiền sinh đã ít nhất đạt được cấp bậc Kiến tính (j: kenshō) như chính mình và từ nay có thể tự đứng vững một mình. Theo truyền thống của Thiền tông thì vị thầy lúc nào cũng phải cố gắng dạy học trò vượt hẳn chính mình (về mặt giác ngộ). Nếu trình độ của đệ tử chỉ bằng thầy thì nguy cơ suy tàn của tâm ấn trong những thế hệ sau đó rất lớn.