和 尚 ; S: upādhyāya; P: upajjhāya; J: ōshō; dịch âm Hán Việt là Ưu-ba-đà-la;
Là bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa-di hoặc Tỉ-kheo, vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực Sinh. Trong thời gian đầu của Phật giáo tại Ấn Ðộ, người ta phân biệt hai vị thầy của một người mới nhập Tăng-già, đó là Hòa thượng và A-xà-lê (hoặc Giáo thụ; s: ācārya; p: ārcāriya). Hòa thượng là người dạy các đệ tử biết trì Giới, thực hành nghi lễ, và vị Giáo thụ là người giảng Pháp, ý nghĩa của kinh sách. Vì thế mà danh từ Hòa thượng đồng nghĩa với từ Luật sư hoặc Giới sư trong thời này.
Tại Ðông và Nam Á, danh hiệu Hòa thượng là chức vị cao nhất mà một người tu hành có thể đạt được, cao hơn cả vị A-xà-lê. Muốn mang danh hiệu này một vị tăng phải đạt được những tiêu chuẩn đạo đức, thời gian tu tập (tuổi hạ).... và danh hiệu này được ban trong một buỗi lễ long trọng. Danh từ này sau cũng được dùng chỉ những vị tăng cao tuổi, trụ trì một ngôi chùa và có đức hạnh, tư cách cao cả mặc dù chưa được chính thức phong hiệu.
Danh hiệu »Ðại Hòa thượng« cũng thường được sử dụng trong Thiền tông để chỉ những vị Thiền sư. Theo những nghi thức tụng niệm trong một Thiền viện tại Nhật Bản, thiền sinh phải tưởng niệm đến hệ thống truyền thừa từ Phật Thích-ca Mâu-ni đến vị Lão sư (j: rōshi) đang trụ trì và tụng danh hiệu của chư vị. Tên của chư vị thường được gài thêm danh hiệu »Ðại Hòa thượng« phía sau để tăng thêm vẻ uy nghiêm.