Thước đo giá trị con người chúng ta là những gì ta làm được bằng vào chính những gì ta sẵn có. (The measure of who we are is what we do with what we have.)Vince Lombardi
Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng mà là ở hướng ta đang đi.Sưu tầm
Hãy tin rằng bạn có thể làm được, đó là bạn đã đi được một nửa chặng đường. (Believe you can and you're halfway there.)Theodore Roosevelt
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
"Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi." Ai ôm hiềm hận ấy, hận thù không thể nguôi.Kinh Pháp cú (Kệ số 3)
Kẻ yếu ớt không bao giờ có thể tha thứ. Tha thứ là phẩm chất của người mạnh mẽ. (The weak can never forgive. Forgiveness is the attribute of the strong.)Mahatma Gandhi
Thành công là tìm được sự hài lòng trong việc cho đi nhiều hơn những gì bạn nhận được. (Success is finding satisfaction in giving a little more than you take.)Christopher Reeve

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Vô ngã vô ưu »» Chương 4: Tứ Vô Lượng Tâm »»

Vô ngã vô ưu
»» Chương 4: Tứ Vô Lượng Tâm

Donate

(Lượt xem: 12.432)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Vô ngã vô ưu - Chương 4: Tứ Vô Lượng Tâm

Font chữ:


Trong mỗi chúng ta có bốn người bạn tốt (tứ vô lượng tâm), sẵn sàng giúp đỡ ta. Tuy nhiên cạnh đó ta cũng có năm kẻ thù chực chờ nhảy ra tấn công bất cứ lúc nào. Chúng không bao giờ để ta yên. Nhưng vấn đề là có mấy ai trong chúng ta đủ sức mạnh để đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ cho những người bạn tốt của mình. Lại có người còn không biết rằng đó là việc tốt, nên làm.

Bốn người bạn đó là bốn tánh tốt của ta: Từ, Bi, Hỷ và xả. Ta phải tìm kiếm chúng trong tim mình. Nếu không thể tìm ra, và tự biết đó là một thiếu sót của mình, ta phải bắt đầu lo tạo ra chúng, phát triển chúng.

1. Từ

Ngôn từ thật nguy hiểm. Chúng tạo cho chúng ta một cảm giác của sự trường tồn, bất biến. Chúng ta bị phủ lấp bởi ngôn từ, nhưng chúng chẳng khác gì hơn là những khái niệm. Chúng không có thật. Hãy tưởng tượng ra một dòng sông: danh từ ‘dòng sông’ không phải là thực thể của một dòng nước chảy. Từ ‘dòng sông’ cố định: nhưng bản thể của dòng sông thì lưu chuyển.

Từ tâm chỉ có thể xuất phát từ trái tim. Tâm Từ sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa, nếu nó chỉ nằm trong ngôn từ. Tự nó không có nghĩa gì, giống như từ ‘dòng sông’ sẽ gợi cho ta một cái gì đó, khi ta đã kinh nghiệm qua. Nếu ta bảo với một đứa trẻ thơ về ‘dòng sông’, nó không biết ta nói gì. Nhưng nếu bạn bỏ tay em xuống nước, để em cảm nhận dòng nước chảy, thì em sẽ thật sự biết dòng sông là như thế nào, không kể em có biết đến danh từ ‘dòng sông’ hay không.

Đối với Tâm Từ cũng thế. Danh từ ấy không có nghĩa gì. Chỉ khi nào bạn cảm được nó từ trong tim mình, thì bạn mới hiểu những điều Phật đã nói về tâm Từ trong các bài thuyết pháp của Ngài. Cuộc đời sẽ thiếu sót biết bao khi không chứa đựng cả lý trí và tấm lòng. Nếu chỉ sống bằng trái tim, con người dễ trớ thành tình cảm, một bản tính thường được đồng hóa với người phụ nữ. Tình cảm có nghĩa là ta phản ứng với mọi thứ, điều đó không tốt.

Lý trí cũng có chỗ đứng của nó. Con người cũng cần hiểu những gì xảy ra quanh họ. Nhưng nếu chỉ hiểu với cái đầu, nó có thể vượt bực về kiến thức, nhưng con tim sẽ thiếu đồng cảm. Tình và lý phải luôn đi đôi với nhau. Ta phải hiểu bằng lý trí và phải dùng tình cảm một cách khôn ngoan. Tràn đầy tình cảm, mang đến sự an lạc và hoà đồng cho trái tim.

Lòng Từ hay tình thương, không phải là tình cảm tạo nên bởi sự có mặt của một người dễ thương, hay vì ta đang sống bên cạnh những người thân của mình, hay một người đáng yêu. Uy quyền hay những phản ứng bản năng cũng không liên quan gì đến loại tình cảm này. Yêu thương con cháu của mình, yêu thương cha mẹ mình không khó khăn gì. Phần đông chúng ta đều làm được, trừ một số ít. Nhưng tình thương đó không phải là tâm Từ (Metta).

Khi Phật nói về tâm Từ, Ngài muốn nói đến thứ tình cảm không có sự phân biệt trong trái tim. Tình cảm cao thượng đó đòi hỏi chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người như thể người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình. Tất cả những ai có con sẽ biết được sự khác biệt khi họ yêu thương con mình và con người khác. Nhưng đó chính là điều ta phải sửa đổi. Nếu không, ta khó thể hiểu về lòng Từ và sự quan trọng của nó.

Nếu bạn thấy một em bé bị té xe, ngồi khóc. tự nhiên là ta sẽ đỡ em dậy, dỗ em. Lòng Từ đó cũng không khó thực hiện. Khó là sự thể hiện lòng Từ trong tâm ta với tất cả mọi người, kể cả những kẻ đáng ghét nhất. Không phải tất cả chúng ta đều dễ thương, trừ các bậc A-la-hán. Ngay chính ta cũng không hoàn toàn dễ thương, thì sao lại mong mỏi điều đó ở người khác. Tại sao ta phải phân biệt giữa những người ta có cảm tình và người ta không ưa. Chúng ta tự cho mình có lý khi không ưa những người mà theo sự đánh giá của chúng ta, họ đã hành động sai quấy. Nhưng ngay chính ta, đâu phải lúc nào ta cũng hành động đúng. Suy cho cùng trong chúng ta có ai không từng làm những chuyện đáng hối tiếc. Tôi không biết về bạn, nhưng chỉ cần soi lại chính mình, tôi cũng hiểu bạn thế nào. Ai cũng lầm lỗi, thì tại sao lại đòi hỏi người khác phải hoàn toàn, muốn người khác làm chuyện ta không thể làm được.

Có ba loại tâm Từ. Thứ nhất là lòng tốt (good-will). Chúng ta phải có lòng tốt đối với nhau. Đó là điều kiện tiên quyết để sống với nhau. Nếu chúng ta không tốt với nhau, ta không thể cùng ngồi thiền với nhau. Ta sẽ đứng dậy, đi lung tung. Sẽ làm ồn ào khi mọi người quanh ta cần yên tĩnh. Sẽ không có xứ sở nào tồn tại, nếu người ta không có lòng tốt với nhau. Bạn có nhận thấy chúng ta lệ thuộc vào nhau rất nhiều không? Chúng ta cậy vào người phát thư để có thông tin, nhờ người bán rau cải, nhờ nhà nông để có lương thực. Chúng ta lệ thuộc vào lòng tử tế của các nhà hàng xóm. Vì lòng tử tế là điều kiện tối cần cho cuộc sống, chúng ta không thể thiếu nó, không có nó cuộc sống sẽ đảo lộn.

Thứ hai là tình thân hữu. Ta cảm thấy gần gũi, thân thiện với một số người như bạn bè, hàng xóm, người quen biết, người giúp đỡ chúng ta. Sự thân thiện là một bước đến gần hơn với lòng Từ, nhưng chưa phải là lòng Từ thật sự. Nó làm chúng ta thấy gần gũi với người khác, cũng như đem người khác lại gần chúng ta, nhưng nó cũng có khía cạnh nguy hiểm của nó. Đó là lòng ưa thích. Thường ta nghĩ chẳng có gì xấu trong đó, nhưng trong sự ưa thích, đã có sự bám víu. Bám víu vào bạn bè ta, người quen, kẻ ban ơn cho ta, người thân chung quanh ta. Sự bám víu đó sẽ khiến ta đau khổ, sân hận, không phải đối với người thân của ta, nhưng đối với cái ý tưởng là ta sẽ phải mất họ. Sẽ sinh ra lòng sợ hãi, vì ta chỉ có thể sợ hãi những gì ta không ưa thích. Do đó tình thương thuần khiết không còn nữa. Vì chính sự bám víu đã làm hoen ố nó, làm cho nó không còn vẹn toàn. Không bao giờ ta có thể tìm được an vui với thứ tình cảm đó. Điều đó thường xảy ra trong các gia đình. Đó là lý do tại sao con người không thể tìm được hạnh phúc trong loại tình thương đó.

Tuy nhiên tình thương chúng ta dành cho người thân trong gia đình mình có thể dùng làm hạt giống để vun trồng lòng Từ. Rồi từ đó ta phát triển, nhân rộng nó lên. Chỉ có như thế tình cảm gia đình mới có ý nghĩa. Nếu không, nó trở thành nơi ươm mầm của tình cảm sân hận - như vẫn thường thấy trong các gia đình - như nước sôi trong chiếc ấm đậy nắp. Tình cảm gia đình cần được vun trồng trong tim ta vô điều kiện, không cứ phải là chồng tôi, vợ tôi, con gái tôi, con trai tôi, cậu tôi, mợ tôi. Đầy tính cách sở hữu của cái tôi. Nếu như chúng ta không có thể vượt lên và chuyển đổi những tình cảm đó thành vô điều kiện, thì tình cảm gia đình đã không được sử dụng đúng chức năng của nó. Trong trường hợp đó, nó được dùng để củng cố cái tôi, để đảm bảo cho sự sinh tồn. Nhưng sinh tồn không phải là một vấn đề, ta không nên phí thì giờ lo chuyện đó. Dù có bom nguyên tử hay không, chúng ta cũng không thể tồn tại mãi được, có phải không? Chỉ có một nơi chốn cho tất cả chúng ta, nơi mọi người cuối cùng rồi sẽ hội ngộ.

Tình bằng hữu cũng đưa đến sự bám víu, dính mắc. Ta bám víu vào bạn bè. Sợ mất họ. Ta tốt với bạn bè vì muốn họ mãi là bạn mình. Nhưng nếu họ đối xử trả lại không được tốt, ta lập tức nghĩ xem có nên tiếp tục làm bạn với họ không. Ta đòi hỏi ở họ một sự thân thiết, lo lắng, quan tâm trả lại. Giống như kinh doanh thương mại. Một sự trao đổi sòng phẳng. Đó là điều hầu như tất cả chúng ta đều làm, đến nỗi ta chẳng bao giờ để ý đến. Đối với bạn bè thì thế, đối với gia đình, chúng ta còn đòi hỏi hơn thế nữa. Nếu người thân ta không thương trả lại, ta hờn tủi, thất vọng, trầm uất. Nếu họ bỏ rơi ta, tình thương trong ta cạn kiệt. Thật là kỳ lạ, khi tình thương chỉ giới hạn trong một nhóm người.

Tình thương không thể ẩn tiềm trong con người. Con người chỉ là một đãy xương bọc da. Làm sao có thể tìm thấy tình thương trong đó. Nhưng đó là bi kịch của bao người. Romeo và Juliet, Cuốn Theo Chiều Gió... là những bi kịch sân khấu về người này ra đi vì người kia không yêu mình, hay chia tay nhau bằng cái chết. Con người trước sau gì cũng phải xa nhau, qua cái chết hay qua sự thay đổi tình cảm, tư tưởng. Họ cần chi phải hành động như thế. Làm sao tình yêu có thể ẩn tiềm trong những người như thế?

Tình thương tiềm ẩn trong các cảm xúc. Nếu ta không sử dụng tình cảm gia đình để làm nẩy nở thêm cảm xúc này, ta sẽ bị mất thăng bằng khi người ta thương yêu, bám víu vào biến mất đi vì lý do nào đó. Mục đích chính của tình cảm gia đình là để giúp ta biết thể nào là cảm xúc thương yêu, và từ đó nhân rộng ra.

Phát triển tâm Từ không phải bằng cách dự một lớp 10 ngày về thiền hay nghe thuyết pháp về lòng Từ là đủ. Chúng ta không thể mở tắt tình cảm, lý trí của mình như tắt mở một bóng đèn. Ta cần tập luyện có phương pháp một cách kiên nhẫn và với lòng quyết tâm.

Trái tim ta cần được rèn luyện để yêu thương vì nó không phải được tạo ra để lúc nào cũng tràn đầy lòng thương yêu. Nó có thể yêu mà cũng có thể ghét. Nó chứa đầy ý xấu, sân si, sợ hãi cũng như tình thương. Nhưng nếu như ta không làm giảm bớt sự hận thù và phát triển thêm tình thương bằng cách thay đổi cách cư xử của ta trong đời sống hằng ngày, tâm ta sẽ không thể an lạc, sự an lạc mà Từ tâm có thể mang đến cho ta.

Khi trong ta đầy tình thương - loại tình thương không có điều kiện đối với tha nhân - thì ta tràn đầy an lạc. Khi ta có thể làm chủ được các hành động của mình. Ta trở nên tự tin. Không sợ hãi điều gì. Ta tự biết mình đã được rèn luyện đến độ sẽ không thể có một phản ứng giận dữ, ghen ghét, dù nhỏ đến đâu có thể xảy ra để làm ta mất đi sự bình yên. Đó là kết quả đầu tiên và hoàn thiện nhất mà ta có thể có được do đã ươm trồng lòng Từ trong tim ta.

Quan trọng hơn cả là tình thương đó đã được vun trồng dành cho những kẻ không ‘đáng thương’ chút nào. Đó chính là cơ hội để chúng ta thực tập hầu thay đổi con tim và lý trí của mình. Chúng ta ai không từng biết một đôi người ‘khó thương’, nhưng hãy coi họ là người giúp ta tự rèn luyện tâm. Sau khi chuyện đã rồi, nhìn lại cũng là dễ chấp nhận, nhưng ngay lúc ta phải đối mặt với người đó thì tất cả những tình cảm tiêu cực dấy lên trong ta: ghét, giận, biện hộ cho thái độ giận ghét của mình, v..v... Đó đúng là lúc ta cần phải sử dụng tình thương của mình. Đúng khi ta đang sân si.

Đừng bỏ lỡ những cơ hội đó. Hãy mang tình thương đến với mọi người, dù là người ta ghét hay ta thương. Mỗi người ta tiếp xúc đều đem lại cho ta những cơ hội để học tập, thực hành lòng Từ, bất kể người đó là ai. Không kể họ nói gì, không cần họ có quan tâm đến bạn hay không, hay chính họ có lòng từ hay không. Không có gì đáng kể. Cái đáng kể là những gì đang xảy ra trong lòng bạn, và đó là điều duy nhất bạn cần nhớ tới. "Nếu trong lòng tôi chỉ có tình thương, lòng thương xót, chấp nhận; nếu tôi có thể dẹp bỏ sân si trong lòng, thì tôi đã đi được những bước đến gần hơn với đạo Pháp”. Giáo lý Đức Phật dạy cần phải được hiểu thấu đáo, rồi đem áp dụng, thể hiện chúng trong cuộc sống của chúng ta.

Ai cũng có cơ hội để sửa đổi các cách ứng xử của mình với người khác. Chúng ta luôn tiếp xúc, trao đổi với người khác, và lúc nào cũng sẽ có người không đồng ý với chúng ta. Khi đó nếu chúng ta làm thinh, không thèm trả lời, thì đó không phải là phản ứng của lòng Từ. Trái lại nó chỉ đem lại sân hận, bất mãn, lo âu, rồi dẫn đến bất cần, lạnh nhạt. Tất cả những thứ đó không ích lợi gì và cũng chẳng giúp chúng ta thanh tịnh được. Chỉ khi nào ta có thể hành xử với trái tim đầy tình thương, ta mới tìm thấy được sự an lạc, bình an với chính mình.

Phật đã nói về 11 điều lợi ích của lòng Từ. Ba điều đầu tiên là: "Ngủ ngon, không ác mộng và tỉnh giấc sảng khoái". Nếu ai bị mất ngủ, bạn có thể đoán là ít nhiều họ đã thiếu lòng từ, và thuốc ngủ khó thể chữa được bệnh cho họ. Nhưng lòng Từ có thể giúp họ dễ ngủ. Và vì tiềm thức không có gì bứt rứt nên không có ác mộng, không ác mộng thì thức dậy cũng sảng khoái như khi họ lên giường ngủ, đó chính là nhờ họ có lòng từ, lòng nhân ái đối với tất cả mọi người.

Một cách ứng dụng là trước khi đi ngủ, chúng ta thử làm một bảng cân đối (balance sheet) - bằng ý nghĩ hay viết xuống trên giấy. Chia tờ giấy làm hai cột: Hôm nay tôi đối xử tử tế với người khác được bao nhiêu lần? Cột bên kia ghi: Bao nhiêu lần tôi cảm thấy giận dữ, đau đớn, sợ hãi, bứt rức khi đối đầu với người khác? Rồi cộng lại hai cột. Nếu cột tiêu cực nhiều hơn tích cực, thì ta cần phải tu sửa. Giống như người bán hàng kiểm tra hàng hoá của mình, những món hàng không ai mua, tất nhiên phải đem trả lại.

Đó là phương cách tập luyện. Không có gì là bẩm sinh, dù tánh xấu, hay tánh tốt. Ta phải luôn luôn huân tập sửa đổi bản thân cho đến khi tất cả những ô uế ở thân tâm đều được tẩy sạch. Nhưng không phải vì nhờ ai cũng tốt. Không. Nếu ai cũng tốt, mọi người đều đang ở cõi Trời hết cả rồi. Đâu phải có mặt ở đây làm gì. Đây là cõi thứ năm tính từ dưới lên trong 31 cõi. Thử nghĩ xem, chúng ta đang ở cõi thứ năm trong ba mươi mốt cõi, cũng khó thể mong đợi gì hơn ở con người trong cõi ấy?

Chúng ta có rất nhiều điều phải học trong cõi này, và có lẽ mục đích của cõi này chính là thế, để con người có cơ hội rèn luyện mình thêm. Không phải để chúng ta tìm kiếm sự thoải mái, tiền bạc, của cải, sở hữu. Cuộc đời chính là một trường học, đây là bài học quan trọng nhất, bài học để giúp trái tim ta thêm bao la. Không thể có bài học nào quan trọng hơn. Giống như trong một khu vườn, khi cỏ dại mọc quanh một khóm hoa hồng. Thì bao nhiêu phân bón cho hoa hồng đều vô ích, hồng sẽ không thể ra hoa, con người sẽ chẳng được ngửi mùi hương của hoa. Dần dần cỏ dại sẽ phủ trùm lên hoa. Trái tim ta cũng thế. Khóm hoa hồng là lòng Từ đang được ươm trồng. Nếu chúng ta không nhổ cỏ dại để cây được ra hoa, tỏa hương thì dần dần cây hoa Từ cũng tàn lụi. Cỏ dại chính là lòng sân si của chúng ta.

Phần đông chúng ta đều đi tìm người yêu thương mình. Cũng có người tìm được một đôi kẻ yêu thương họ và họ có thể thương trả lại. Nhưng có biết bao kẻ xấu số khác không thể tìm được ai. Họ trở nên cay đắng, hờn tủi. Trong khi mọi việc đáng lý phải là ngược lại. Vì nếu chúng ta là người đầy lòng thương đối với mọi người thì sẽ có bao nhiêu người đến với chúng ta, vì có ai mà không muốn được yêu thương. Được người khác thương yêu không có nghĩa là ta cũng đầy tình thương. Chính kẻ yêu ta mới có tình cảm thương yêu. Trong khi có thể ta chẳng có cảm giác gì cả, ngoài lòng thỏa mãn là đã có người thấy ta dễ thương. Điều đó chỉ làm cái Tôi của chúng ta thêm lớn. Trong khi yêu thương người khác thì cái Tôi của ta nhỏ bé lại.

Tình thương của ta càng bao la, ta càng có thể yêu thương nhiều người, cũng như được nhiều người yêu thương lại. Càng cho bao nhiêu, thì ta lại càng được bấy nhiêu. Đó là phép tính cân đối đơn giản nhưng ít có ai thấy ra điều đó. Ai cũng đi kiếm thêm người yêu mình, nhưng không muốn ban phát tình thương cho ai cả. Điều đó thật không tưởng. Thật nghịch lý, nhưng trong đời sống của ta có biết bao điều nghịch lý.

Đây cũng là điều Đức Phật đã nói trong 11 điều lợi ích "Ta được con người và muôn loài yêu thương". Nếu ta ban phát tình thương đến cho người khác thì tự họ sẽ tìm đến với ta. Không thiếu người yêu thương ta. Ta ban phát cho người khác tình thương không phải vì ta muốn cho, không phải vì họ cần, không phải vì họ đáng để cho, nhưng vì trái tim ta đã được rèn luyện để làm như thế. Giống như người ta được rèn luyện về toán. Khi những con số được đưa cho họ, họ sẽ tổng cộng chúng lại nếu họ muốn biết tổng số. Không có cách gì khác hơn. Cũng thế, nếu trái tim ta đã được rèn luyện để yêu thương thì nó sẽ yêu thương vô điều kiện.

Chắc sẽ có người lên tiếng phản đối rằng: "Nếu người khác cộc cằn, thô lỗ với mình, mà mình đối xử với họ đầy tình thương, họ sẽ lợi dụng ta sao?" Nếu người khác có làm như thế -điều đó có thể xảy ra lắm, vì bản tính người đời là thế - nhưng đó là nghiệp ác của họ có phải không? Trong khi người tử tế không có gì để mất cả. Làm sao bạn có thể mất được tình thương vẫn đầy ấp trong tim mình? Nếu có bị lợi dụng, thì đó cũng là cơ hội để ta thử kiểm chứng lại trái tim mình xem nó đã được tôi luyện đến bực nào, xem chính mình có trở nên hờn giận hay vẫn có thể tiếp tục đối xử tốt với kẻ xấu đó. Là dịp để ta xét soi mình có hành động đúng không? Trong tình thương có cả sự quan tâm đến người khác. Do đó một kẻ lợi dụng không thể có tình thương. Không nên sợ tình thương làm mình có vẻ yếu đuối, vì tình thương yêu thật sự chỉ làm con người trở nên mạnh mẽ hơn, không phải yếu đuối. Một người không có gì ngoài tình cảm thương yêu sẽ luôn cảm thấy an ổn, hoàn toàn tự tin vì người đó biết rằng không có gì có thể lay chuyển được tình cảm của họ. Tình thương vô điều kiện tăng thêm sức mạnh cho con người, không phải sự yếu đuối. Nhưng nếu tình thương đi đôi với đam mê như người ta vẫn thường mê lầm, thì tình thương lúc đó sẽ làm con người yếu đuối, vì họ trở nên bám víu, ích kỷ. Trong khi nếu tình thương đến từ trái tim thì tình cảm đó vũng bền hơn đá.

Một điều lợi ích khác của lòng Từ là nó giúp ta dễ nhiếp tâm. Đó là lý do tại sao ta nên bắt đầu một buổi ngồi thiền với những ý tưởng tốt đẹp về chính mình. Tâm không thể trụ nếu không có ba điều căn bản: sự rộng lượng, đạo đức và lòng từ. Đó là ba cột trụ của thiền, giúp ta thực tập thiền. Lòng Từ, phát xuất từ trái tim, không thể thiếu khi ta ngồi thiền vì tình cảm ấy đem lại cho ta sự bình an, tĩnh lặng trong tâm. Nếu thiếu điều đó, ta cần thực tập chú tâm vào Từ tâm trước mỗi buổi ngồi thiền để phát triển lòng Từ trong ta.

Ta không thể thương yêu người khác nếu trước tiên ta không biết yêu thương chính mình. Nhưng không phải bằng cách phụng sự nó. Tìm đủ cách để cho nó được êm ấm, thoải mái, không được có một con muỗi ở bên cạnh, đầy đủ thức ăn mà ta ưa thích. Đó không phải là thương yêu mà là phục dịch. Giống như tình thương của người mẹ dành cho con của mình phải sáng suốt. Nếu người mẹ chỉ biết cưng chiều đứa trẻ, thì nó và cả mẹ nó sẽ phải trả giá cho sự cưng chiều đó. Nhưng nếu người mẹ yêu thương con thật sự, bà sẽ không nuông chiều nó thái quá. Bà sẽ dạy con với lòng thương và trí sáng suốt, uốn nắn tánh tính nó. Đó chính là điều ta phải làm đối với bản thân ta. Vì thương chính mình, ta phải bắt mình tuân theo một số điều lệ hành động. Thực hành thiền là một cách thương yêu mình.

Mức độ định tĩnh mà ta có thể đạt được trong lúc tọa thiền tùy thuộc vào lòng Từ trong ta. Đồng thời cũng tùy thuộc vào sự thực tập. Nếu thiếu thực tập, lòng Từ khó thể giúp cho chúng ta đạt được định.

"Da dẻ hồng hào". Có nghĩa là trên gương mặt ta biểu lộ sự an bình. Không có thứ thuốc sửa sắc đẹp nào có thể sánh kịp. Đó là nét đẹp từ bên trong. Người trẻ tuổi có thể chỉ có cái đẹp bề ngoài, nhưng trống rỗng bên trong. Nếu quan sát, người ta cũng dễ dàng nhận được vẻ đẹp toát ra bên trong. Phật thường được tả như thế. Có người chỉ cần nhìn thấy Phật một lần, đi trên đường là đã phát sinh lòng kính yêu Ngài, muốn được theo Ngài để trở thành đệ tử của Ngài. Có lần Rahula, con trai của Ngài, tỏ ra hãnh diện vì được giống Ngài. Phật liền quở dạy: "Phải coi tất cả hình tướng bề ngoài như thế này: Đây không phải là của tôi, không phải là tôi, tất cả chỉ là giả tướng".

Một điều lợi ích nữa của Từ tâm là "Lửa, thuốc độc, làn tên không thể hại tới ta". Ngày nay người ta không dùng tên nữa mà dùng súng đạn, dùi cui; còn lữa và thuốc độc muôn thưở vẫn là những thứ dùng để tấn công. Nói thế không có nghĩa là ta trở nên bất khả xâm phạm, nhưng những người đầy từ tâm hiếm khi rơi vào những hoàn cảnh đó. Và dù có lâm vào những hoàn cảnh như thế, lòng họ cũng không hề bị xao xuyến. Của cải họ có thể bị hao hụt, nhưng trái tim của họ thì không. Trái tim không thể bị khuất phục khi trái tim chỉ có tình thương, không còn lòng hờn ghét.

"Ta sẽ được chết bình an". Tất cả chúng ta ai rồi cũng chết. Giờ phút lìa khỏi đời rất quan trọng, vì đó chính là giây phút của tái sinh, đúng ra đó là ngày sinh nhật. Nhưng ta thường nói về cái chết với sự đau buồn, mất mát. Thực ra nếu ta có thể đón chờ cái chết với tỉnh giác, với từ tâm thì đó chính là ngày sinh tốt đẹp của ta. Tất cả đều không khác, trừ khi bạn là một A-la-hán. Thói quen suy tưởng, xúc cảm hằng ngày sẽ theo ta đến tận cuối đời, giây phút lâm chung. Các thói quen đó không thể thay đổi đột ngột. Vì thế nếu các thói quen đó xuất phát từ lòng Từ, thì ta sẽ rất tỉnh thức, không thấy sợ hãi, lòng đầy bình an và vững niềm tin. Giây phút lìa đời phải là giây phút tốt đẹp vì đó là bước khởi đầu của sự tái sinh.

Lòng Từ nuôi dưỡng trong tâm sẽ đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Ai đó đã nói rất đúng. Từ tâm chính là lòng thương yêu chính mình. Đúng thế. Nhưng tình thương này không phải là tình thương tầm thường ích kỷ, mà nó là bàn đạp để đưa chúng ta đến cái đích cuối cùng: Vô Ngã. Thật thế khi trái tim ta càng có nhiều lòng từ, ta càng như thể không còn nghĩ đến chính bản thân mình, đến cái Tôi của mình. Và khi cái Tôi trở nên nhỏ bé hơn, thì tình thương yêu càng dễ phát triển hơn. Khi ta nghĩ đến người khác nhiều hơn, thì Ngã phải nhường chỗ cho họ trong trái tim. Dĩ nhiên họ là người được lợi nhưng đó chỉ là thứ yếu. Chỉ có ta mới có thể tự giải thoát cho chính mình. Ai cũng phải ra đi một mình. Nhưng nếu có những người bạn đồng hành cùng muốn đi theo con đường của ta, thì ta cũng mở rộng vòng tay đón mời họ, vì con đường, chuyến xe này hãy còn vắng vẻ làm sao.

2. Bi

Người bạn thứ hai là Bi. Đối nghịch với Bi là sự ác độc. Đừng lầm Bi với lòng thương hại. Lòng thương hại dấy khởi khi ta cảm thấy tội nghiệp cho ai đó. Bi là khi chúng ta chia sẻ lòng xót thương với họ. Bi là cùng cảm thông với một người khác.

Bi phát sinh khi ta cảm nhận được sự đau khổ, không như ý của người khác trong chính bản thân ta. Chỉ có như thế ta mới thực sự cảm thông được với người khác. Nếu không, ta sẽ tiếp tục sống với ảo tưởng là đối với ta, mọi việc đều bình thường, chỉ có người khác là có vấn đề, là đau khổ. Nếu ta có thể nhận diện được tất cả những trạng thái bất như ý dồn dập xảy ra trong ta - sự không ưa thích và chán ghét, hối hận và hờn trách, sợ hãi và lo lắng, căng thẳng - thì ta hiểu rằng tất cả chúng ta đều cùng một số phận. Để khi người khác gặp chuyện khó khăn, ta có thể thông cảm với họ, vì ta biết rằng chính mình cũng có khổ đau.

Sự cảm thông (Bi) là bước đầu dẫn đến tình thương. Nếu ta có thể thực sự dấy lên trong lòng một cảm xúc chân thành cho ai đó, cảm thông sâu sắc nỗi khó khăn của họ, những gì họ phải hứng chịu, thì sự thương cảm đối với họ cũng tự nhiên đến trong lòng ta.

Tuy nhiên, ta không nên có sự phân biệt giữa người này, kẻ kia theo thói thường tình. Thường chúng ta dễ cảm thông với những người có liên hệ gì đó với ta. Như người đồng tôn giáo, cùng nhóm bạn, đồng quê hương, láng giềng hay gì gì đó mà ta cũng quan tâm đến. Một cái gì đó để ta có thể nói ‘của tôi’, thì ta chọn lựa cái đó. Sự lựa chọn này đẩy con người ra xa nhau, và dầu họ đi đến đâu trên thế giới này, tinh thần chia rẽ cũng đi theo đến đó, khiến con người xâu xé nhau.

Sự chia rẽ này do quan niệm chấp ‘Ngã’ mà ra. Đây là cái Tôi, tôi phải bảo vệ cái Tôi của mình. Cái Tôi bị đe doạ. Cái Tôi thường xuyên cảm thấy bị đe dọa, đến nỗi ‘Tôi’ cũng không biết rõ về mình. Không thật sự biết ‘cái Tôi’ này là gì. Tất cả cái ta biết là sự đe dọa đến cái Tôi, làm tôi sợ hãi. Nơi nào có sự sợ hãi, nơi đó không có cảm thông (bi) vì sợ hãi xuất phát từ sân hận. Chúng ta chỉ sợ những gì ta ghét. Những gì ta ưa thích, ta không sợ. Trái tim nào càng có nhiều sự sợ hãi, trái tim đó càng ít có sự đồng cảm (bi). Sợ hãi luôn núp dưới bóng của ‘Ngã’. Một vị A-la-hán hoàn toàn không có sự sợ hãi. Không có sự sợ hãi ở người đã giác ngộ. Không có sự sợ hãi, vì không có gì để được hay mất. Tất cả đều trở thành tầm thường, không đáng kể. Càng nhiều Ngã chấp, sự sợ hãi càng tăng. Sợ bóng tối, sợ trộm cướp, sợ thời tiết xấu, sợ tương lai, đủ thứ sợ. Sự sợ hãi xuất phát từ lòng muốn bảo vệ ‘cái Tôi’ giả tạo. Và càng muốn bảo vệ cái Tôi bao nhiêu, lòng cảm thông (bi) càng bị giới hạn.

Tuy nhiên sự cảm thông dễ trở thành những lời nói ở đầu môi. Có thể ta không thật lòng. Phần lớn chúng ta đều rất giỏi ‘đóng kịch’. Một lần Pessa, con của người dạy voi, đến gặp Phật và nói với Ngài: "Con chẳng gặp khó khăn gì với lũ voi. Hình như chúng ‘nghĩ sao, làm vậy. Khi chúng có một ý định gì đó, con hiểu ngay, và chúng làm đúng theo ý định đó. Nhưng sao con người khó hiểu quá. Họ nói một đường và làm một nẻo". Phật nói: "Đúng vậy. Voi sống trong rừng cây, còn con người thì sống trong ‘rừng’ tâm tưởng". Con người nói một điều, nhưng ý nghĩ, hành động lại khác. Tệ hại hơn nữa, là ta không hề ý thức chuyện đó là không tốt. Ta tưởng đó là việc phải làm. Là luật ứng xử, phong tục, truyền thống, nên chúng ta không xét lại kỹ lưỡng ý tứ, lời nói và hành động của mình.

Chỉ khi nào ta soi lại mình một cách thấu đáo, với lòng thiết tha, thành khẩn, ta mới có thể thật sự hiểu được những điều Phật dạy. Phật đã giảng nghĩa rõ ràng về bản tánh của chúng ta. Ngoài mặt, tất cả chúng ta đều như khác nhau, nhưng bên trong tất cả đều giống nhau. Chúng ta giống như từ một khuôn ra, chạy đuổi theo cùng thứ, đi theo cùng con đường. Sự khác nhau chúng ta thấy chỉ là giả tạo, tùy thuộc vào cái nhìn của bản Ngã.

Tất cả những người có ý thức đều than phiền về chiến tranh giữa các quốc gia. Ai cũng muốn nhìn thấy thế giới được hòa bình. Dĩ nhiên là điều đó không thể có. Ở thế kỷ này hình như lúc nào cũng có chiến tranh ở nơi này, nơi khác. Các xứ sở đua nhau thành lập những hàng phòng thủ kiên cố, đổ vào đó bao nhiêu là năng lực, tiền bạc và con người. Chính các hệ thống phòng thủ này biến thành hệ thống tấn công ngay lập tức nếu như có ai tuyên bố lời nào không thân thiện hay hơi có vẻ đụng chạm đến không phận hay hải phận của họ. Hành động này được giải thích, biện hộ bằng “Chúng ta phải bảo vệ biên giới của mình, để bảo vệ dân cư ở đó”. Việc bãi bỏ vũ khí chỉ là ước vọng, một lời cầu nguyện, không phải là thực tế. Tại vì sao? Vì việc bãi bỏ vũ khí phải bắt đầu từ trái tim của mọi người, nếu không việc bãi bỏ vũ khí đại trà sẽ không thể nào xảy ra.

Việc phòng thủ và tấn công nói rộng ra luôn xảy ra trong chính mỗi chúng ta. Chúng ta không ngừng bảo vệ cái Tôi của mình. Nếu ai đó nhìn chúng ta một cách không thân thiện, hoặc tỏ ra không biết ơn, không thương yêu ta giống như ta mong muốn, hay trách cứ chúng ta điều gì, thì sự phòng thủ đó biến thành sự tấn công. Lý luận rằng ta phải bảo vệ người này, "xứ sở" nọ, là bảo vệ ‘cái Tôi’, để bảo vệ dân cư, là bảo vệ cái Ngã của mình. Vì hầu hết mọi người đều hành động như thế, nên các quốc gia cũng làm như thế. Không thể hy vọng có sự thay đổi xảy ra trừ khi mỗi cá nhân biết tự sửa đổi. Do đó, mỗi người chúng ta phải tự phấn đấu để tìm hòa bình cho chính nội tâm mình. Điều đó có thể xảy ra nếu mỗi ‘cái Tôi’ có thể thu nhỏ lại bớt, và vấn đề Ngã chấp chỉ có thể giảm thiểu khi chúng ta có thể thật lòng soi rọi lại mình.

Một cách để làm việc đó là đặt tên cho các tư tưởng của mình (labelling). Có thế ta mới khám phá ra các tư tưởng xấu của mình, từ đó bớt quan trọng hóa mình, hay tư tưởng của mình. Đó là hành Thiền.

Một cách khác để soi mình cặn kẻ là biết chấp nhận sự thật khi trong ta dấy lên những tư tưởng xấu và không thể đè nén chúng. Phải nhận ra rằng con người luôn khao khát thỏa mãn các ngũ dục. Sự thành thật cặn kẽ này giúp cho cái Tôi của chúng ta bớt trương phồng lên. Khi ta làm được như thế, lòng cảm thông (bi) trở nên là một hiện thực -lòng cảm thông chân thật, không chỉ là lời nói đầu môi. Nói thì dễ thôi, ai cũng làm được điều đó. Từ 6 tuổi trở lên là đã có thể học thuộc lòng bài thiền quán về lòng Từ. Những lời này rất hay, nhưng thực sự chúng giúp được gì cho ta? Sự lặp đi lặp lại những lời này khiến ta đánh mất xúc cảm ban đầu, trong khi ta sống tùy thuộc vào xúc cảm của mình. Đừng hiểu lầm rằng ta sống theo lý trí. Sự thật là mọi việc bắt đầu bằng xúc cảm, rồi phát sinh ra hành động. Sau cùng tiến trình tư tưởng mới xuất hiện để lý giải cho hành động của mình.

Hiểu được cảm xúc của mình là một điều tối quan trọng. Đó là điều cơ bản. Làm sao chúng ta ‘tri thức’, biết thế nào là tình thương, lòng cảm thông nếu chúng ta không có những xúc cảm đó? Chúng ta có thể biết về chúng, nhưng làm sao thể hiện chúng, nếu ta không có xúc cảm đó? Giải thoát không phải là một ‘tri thức’, nó là một cảm xúc.

Lòng cảm thông (bi) là một tình cảm xuất phát từ trái tim, không cần có lý do hay điều kiện gì đặc biệt. Ta không cần phải đợi một dịp nào để cảm nhận được rằng ai đó đang phải đối mặt với một bi kịch trong đời hay cơ thể họ đang làm họ đau đớn. Nếu lòng cảm thông của ta phải được kích thích, gọi mời, thì lòng cảm thông không phải luôn luôn có mặt trong tim ta, mà lúc có lúc không, nhưng phần nhiều là không. Đó không phải là một trái tim đầy cảm xúc. Một trái tim đầy cảm xúc - cũng giống như một trái tim đầy tình thương - luôn đầy thương cảm vì biết rằng ai cũng có nỗi khổ. Sự đau khổ đã được nhắc đến trong đế đầu tiên của tứ đế (khổ đế) của Phật pháp. Không có ai thoát khỏi sự đau khổ vì cuộc đời - sự hiện hữu của ta - chính là sự khổ đau. Nhưng nó không phải là bi kịch. Nó chỉ có nghĩa là vạn pháp trên đời đều ẩn chứa trong đó sự xung đột, bất như ý, bực dọc, lòng mong muốn được có nhiều hơn, muốn không bị mất mát, thay đổi hay hoại diệt. Trừ các vị A-la-hán, bản tánh con người không phải dễ dàng buông xả. Vì thế lòng cảm thông (bi) cần luôn có mặt, không đợi đến khi người khác bị cảnh long đong.

Nếu quá chấp Ngã, người ta khó thể cảm thông với người khác. Chấp Ngã là nguồn gốc của bao vấn đề giữa con người với nhau. Vì nếu ai cũng bận rộn lo cho cái Tôi của mình, thì làm sao còn cảm xúc cho người khác. Thường người quan tâm đến kẻ khác bị coi là cá biệt, không giống ai. Thật đáng tiếc vì chính người có lòng thương, và cảm thông đối với người khác mới thật là người hạnh phúc. Tuy nhiên phần lớn chúng ta thiếu lòng từ bi. Hạnh phúc thực sự khó tìm thấy ở mọi nơi. Trong khi chính hai tình cảm này (từ và bi) đem lại cho ta niềm vui, vì chúng giúp ta bớt nghĩ đến cái Tôi của mình, bớt chấp Ngã. Người mà quá chấp Ngã, không thể có niềm vui vì họ không bao giờ mãn nguyện trong việc thỏa mãn cái Tôi của mình. Không bao giờ ta có thể giải quyết hết những vấn đề của mình. Vì hết điều này thì đã có điều khác dấy lên. Nhưng khi ta buông bỏ nó, mà hướng tất cả chú tâm vào sự không toại nguyện, đau khổ mà mọi chúng sinh đều phải đối mặt, ta sẽ nhận ra được cái khổ của tất cả nhân loại, lúc đó những nỗi niềm riêng của chúng ta trở thành quá nhỏ mọn, không đáng kể. Nỗi đau của ta chỉ là một phần của sự hiện hữu chung. Lúc đó lòng cảm thương cho chính mình và cho tha nhân sẽ phát sinh. Và quyết tâm để tận diệt mọi khổ đau sẽ được thêm sức mạnh cần thiết để làm điều đó.

3. Hỷ

Người bạn kế tiếp trong bốn người bạn của ta là sự biết chia sẻ niềm vui với người khác hay là hỷ. Đối nghịch với hỷ là lòng ganh tỵ. Chớ lầm hỷ với sự đãi bôi, giả đạo đức, nói một điều mà nghĩ một điều. Thí dụ, nếu có ai được may mắn gì đó, ta phải chúc mừng, nhưng trong lòng không có tình cảm đó, hay tệ hại hơn nói một điều mà nghĩ một điều khác. Giống như là "Sao tôi không là người may mắn đó? Sao lúc nào cũng là người khác?".

Chia sẻ niềm vui với người khác là liều thuốc nhiệm mầu chữa bệnh trầm cảm. Ai đang vướng chứng bệnh này là vì họ không biết chia sẻ niềm vui với kẻ khác, họ thiếu hỷ tính. Trong cuộc đời ta không có nhiều dịp để mãn nguyện, vui mừng, nhưng nếu ta biết chia sẻ niềm vui của kẻ khác thì chắc chắn là ta sẽ có nhiều cơ hội để hạnh phúc hơn.

Ta có thể chia sẻ niềm vui với những người có khả năng. Nhiều người khó chấp nhận sự tài giỏi của người khác. Họ sẽ miễn cưỡng nói rằng: "Ừ, cho là người đó có thể làm được như vậy đi, nhưng mà..." và lập tức chê bai thay vì chia sẻ niềm vui với người tài giỏi hơn mình. Người khác có thể làm bao nhiêu việc giỏi hơn ta. Người biết hát, người biết vẽ, biết nhảy, biết phiên dịch, người có thể làm ra tiền, người có thể sống không cần đến nó. Mọi người đều có một khả năng gì đó. Ta sẽ có biết bao niềm vui nếu biết chia sẻ với họ.

Chia sẻ niềm vui với người khác cũng là một cách tạo nghiệp lành. Tôi đã ở một làng nhỏ nơi có phong tục là khi có chuyện gì vui trong làng, người ta lại ra chùa đánh chuông báo với mọi người. Được mùa, gả vợ gả chồng cho con, xuất viện, làm ăn tốt, sửa được nhà... bất cứ điều gì có thể làm cho người ta vui mừng. Khi tiếng chuông vang lên, mọi người đều nhìn ra hướng đó mà nói lời chúc mừng. Người đánh chuông đã tạo nghiệp lành bằng cách làm cho mọi người có thể chia sẻ niềm vui với mình. Những người kia cũng tạo được nghiệp lành vì đã chia sẻ niềm vui với người khác.

Nhiều nơi khác không có phong tục đó. Ta phải tự rung tiếng chuông hoan hỷ trong lòng mình. Đó là một điều rất quan trọng để nhớ, phải nhớ những điều Phật dạy trong mọi hoàn cảnh, để thực hành chúng. Không phải chỉ nhớ trong một hoàn cảnh nào đó, hay khi có tai biến, nhưng phải luôn luôn nhớ đến chúng vì đó là bí quyết để sống một cuộc đời hạnh phúc và bình an.

Phật đã nói: "Ta chỉ dạy một điều, là đau khổ, và đoạn diệt khổ”. Phật đã đại nguyện thệ như thế và đã thực hiện được những điều đó. Đó là Phật pháp - đoạn diệt khổ. Ta phải luôn nhớ chấp Ngã là nguồn gốc của mọi vấn đề và cố gắng sửa đổi, nếu không là ta đã quên lời Phật dạy. Những lời đó phải thường trú trong tâm trí chúng ta vì lợi ích của chúng không chỉ là lợi ích nhất thời.

4. Xả

Người bạn cuối cùng của chúng ta là lòng an nhiên tự tại (xả), một trong những tình cảm cao thượng nhất. Đối nghịch với nó là sự lo lắng, bồn chồn. Nhưng chớ lầm xả với sự thờ ơ, lãnh đạm. Thờ ơ là trạng thái tâm hồn nói rằng "Tôi chẳng quan tâm khi việc đó chẳng xảy ra cho tôi hay gia đình tôi. Tôi không muốn biết chuyện đó. Tôi không muốn phải bận tâm vì nó". Sự thờ ơ là thái độ lạnh nhạt, xa lánh. Thái độ đó không dung chứa tình thương, lòng từ. Ta chỉ muốn bảo vệ riêng cho mình, vì thế, ta trở nên thờ ơ, lãnh đạm.

Trong khi xả, hay sự bình an tự tại dựa trên trí tuệ, dựa trên sự hiểu biết rằng mọi sự vật đều thay đổi, đều hoàn toàn vô thường. Dầu chuyện gì xảy ra, rồi nó cũng qua đi. Cái gì sẽ xảy đến cũng chẳng quan trọng gì. Cánh cửa đưa đến bất tử qua vô thường là cánh cửa không tên, có nghĩa là không có gì quan trọng cả. Trong cả vũ trụ này, không có gì quan trọng cả trừ sự giải thoát. Vì vậy, sự thanh thản, an nhiên (xả) phải xuất phát từ ý thức nội tâm rằng tất cả mọi vật đều thay đổi, dù cho chuyện gì đã xảy ra, tốt hay xấu, cũng không làm ta vui mừng hay buồn bã. Nó chỉ xảy ra. Chúng ta chỉ có mặt ở nơi này trong 60, 70 hay 80 năm. Vậy tất cả những lo lắng, chộn rộn là cho cái gì? Có gì để nắm giữ? Có gì để mong cầu? Sự việc chỉ xảy ra.

Vì muốn bảo vệ cái Tôi mà ta không có tâm xả, hoàn toàn an nhiên tự tại. Chúng ta sợ rằng "Tôi có thể bị nguy hiểm, việc này việc nọ sắp ảnh hưởng tới ‘tôi’, nên cuộc sống ta không yên ổn". Sự yên ổn mà mọi người theo đuổi chỉ là viển vông. Ảo tưởng. Không có sự yên ổn thật sự. Ai cũng phải đối mặt với cái chết. Tất cả những gì chúng ta sở hữu đều sẽ bị hủy diệt. Tất cả những người thương của ta đều sẽ chết, hoại diệt, bệnh hoạn, bỏ rơi ta, thay đổi tình cảm... .

Không có gì có thể yên ổn trong những điều kiện như thế. Sự xáo trộn, không an ổn phát sinh khi những việc không như ý xảy ra, là do ta ảo tưởng rằng ta đã đánh mất cái gì đó rất quan trọng cho sự sống còn của mình. Hành động như thế là để bảo vệ cái Tôi của mình. Nhưng ngay chính sự sống còn của chúng ta cũng là ảo tưởng vì có gì để bảo đảm rằng chúng ta sẽ luôn khỏe mạnh, luôn an toàn, bảo đảm.

Để có được tâm xả không chỉ có quyết tâm muốn an nhiên tự tại là đủ. Quyết tâm là cần thiết, nhưng nó dễ đưa đến sự dồn nén. Chúng ta thường đè nén những tình cảm mãnh liệt của mình. Làm vậy cũng chẳng có ích lợi gì, vì lần lần những dồn nén cũng bị nổ tung. Ta dồn nén thứ này thì nó cũng phát ra thứ khác. Dồn nén có thể dẫn đến bệnh hoạn, trầm uất. Nếu ta không bị xáo trộn vì việc này thì cũng sẽ bị xáo trộn về việc khác.

Sự an nhiên, hay tâm xả cần xuất phát từ bên trong. Khi được ươm trồng tốt, tâm xả là một trong những bảy yếu tố dẫn đến giác ngộ. Chỉ có các đấng Giác Ngộ mới có được tâm buông xả vô lượng. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu thực hành tâm buông xả ngay từ bây giờ, thì đến lúc nào ta mới tiến hơn, trưởng thành hơn?

Qua thiền định, ta có thể bắt đầu thấy được sự chộn rộn, thay đổi luôn luôn của tâm. Có ai nhớ được mình nghĩ gì trong 10 phút trước đây không? Trong kỳ ngồi thiền trước? Hay lần trước đó nữa? Tuyệt nhiên không. Ta không nhớ gì cả. Không giữ lại được ý nghĩ gì. Tất cả là thoáng chốc. Không phải vì ta đã có căn nhà hay người thân nào đó bên cạnh mình suốt ba mươi mấy năm nay mà ta nghĩ rằng ta có thể giữ họ mãi bên mình. Chỉ vì những thứ ấy đã ở bên ta một thời gian dài, ta tưởng như các thứ ấy là vĩnh cữu. Nhưng những khi ngồi thiền ta có thể thấy là các tư tưởng của ta đến rồi đi, không bao giờ ở lại với ta. Do đó có gì đâu để lo phiền nếu như mọi vật đều thay đổi. Luôn đến, rồi đi.

Lúc nào còn những chộn rộn đó là còn có một con người đằng sau đó. Trái tim còn nhịp thở, máu còn luân, tư tưởng, tình cảm còn thay đổi, các tế bào còn sinh diệt, thì ta còn sống. Khi tất cả ngưng lại, ta chỉ còn là một cái xác. Tất cả những thay đổi, bất ổn định chính là sự sống, vậy mà ta cứ cố làm cho mọi thứ vĩnh viễn, không thay đổi. Ta muốn chúng bất di dịch. Đây là Tôi, và tôi muốn tất cả đều biết như thế. Tôi có một cái tên và có một số người, một số của cải thuộc về tôi Tôi có những quan điểm và tôi muốn tất cả mọi người đều biết nha”thế”. Đó là sự gán ghép tính cách vĩnh viễn vào một con người. Tuy nhiên khi còn là con người, còn có những thay đổi, để cuối cùng nó sẽ biến đổi thành một xác chết. Lúc đó thì ta có thể bắt đầu lại tất cả.

Để có được tâm xả, lòng thanh thản ta còn phải có những tánh tốt cơ bản khác. Như sự chấp nhận, chịu đựng. Nếu không biết chấp nhận, ta sẽ sinh ra khổ đau chính vì sự phản kháng của mình. Đối nghịch vời chấp nhận là phản kháng, chống đối, và làm như thế chỉ mang lại đau khổ. Như khi ta đẩy ngược lại với một lực gì tay ta sẽ đau. Nhưng nếu xuôi theo nó thì sẽ không đau. Chấp nhận sự việc như nó xảy ra sẽ đem lại thanh thản, an nhiên tự tại cho ta, và sự thanh thản đem an lạc lại cho ta.

Tứ vô lượng tâm hay bốn trạng thái tình cảm vừa nêu trên (Từ, Bi, Hỷ, Xả) đem lại niềm vui trong lòng ta. Nếu ta biết vun trồng các tình cảm này đến một mức độ nào đó, ta sẽ cảm thấy tự tại, an bình, thoải mái vì ta nhận ra rằng cho dù thế giới có đảo điên, nghiêng ngả, ta không hề bị lay chuyển. Như Phật nói "Tôi không tranh chấp với thế gian. Chính thế gian tranh chấp với tôi".

Thật là bình an, thanh thản!



    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cẩm nang phóng sinh


Giải thích Kinh Địa Tạng


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Lục tổ Đại sư - Con người và huyền thoại

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.78.203 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...