Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Bằng bạo lực, bạn có thể giải quyết được một vấn đề, nhưng đồng thời bạn đang gieo các hạt giống bạo lực khác.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cuộc đời là một tiến trình học hỏi từ lúc ta sinh ra cho đến chết đi. (The whole of life, from the moment you are born to the moment you die, is a process of learning. )Jiddu Krishnamurti
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Người ta vì ái dục sinh ra lo nghĩ; vì lo nghĩ sinh ra sợ sệt. Nếu lìa khỏi ái dục thì còn chi phải lo, còn chi phải sợ?Kinh Bốn mươi hai chương
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Để sống hạnh phúc bạn cần rất ít, và tất cả đều sẵn có trong chính bạn, trong phương cách suy nghĩ của bạn. (Very little is needed to make a happy life; it is all within yourself, in your way of thinking.)Marcus Aurelius
Chỉ có một hạnh phúc duy nhất trong cuộc đời này là yêu thương và được yêu thương. (There is only one happiness in this life, to love and be loved.)George Sand
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội »» X. Thiết lập một xã hội công bằng »»

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội
»» X. Thiết lập một xã hội công bằng

Donate

(Lượt xem: 4.438)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội - X. Thiết lập một xã hội công bằng

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
GIỚI THIỆU

Trong phần cuối của hợp tuyển này, chúng ta chuyển từ cộng đồng thành lập có chủ đích đến cộng đồng tự nhiên, đi từ gia đình đến xã hội rộng lớn hơn và rồi đến quốc gia. Các kinh văn được đưa vào đây hé lộ cho thấy trí tuệ thực tiễn và nhạy bén của Đức Phật, khả năng đáp ứng với tuệ giác kỳ lạ và trực tiếp rõ ràng của Ngài đối với những vấn đề thực tiễn. Mặc dù Ngài chấp nhận cuộc sống của một du tăng khổ hạnh (samaṇa), một người xuất gia đứng bên ngoài mọi tổ chức xã hội, từ đằng xa, Ngài nhìn về các tổ chức xã hội trong thời đại của Ngài và đề nghị những lý tưởng và cách sắp xếp để hỗ trợ cho sự an vui về mặt thể chất, tinh thần, tâm lý của những người vẫn còn đắm chìm trong những giới hạn của cuộc đời. Rõ ràng là Ngài đã thấy lời giải đáp cho một xã hội lành mạnh nằm trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình đối với người khác. Ngài xem trật tự xã hội như một bức tranh thêu về những mối quan hệ đan quyện và chồng chéo lên nhau, mỗi mối quan hệ đặt lên con người nhiều bổn phận đối với người đối tác ở phía bên kia trong mối tương quan mà họ có dự phần.

Điểm này được thấy rõ nhất trong Kinh Văn X, 1, một trích đoạn từ bài Pháp thoại Đức Phật giảng cho một thanh niên tên là Sigalaka (Thi-ca-la-việt). Ở đây, Đức Phật xem xã hội như được xây dựng bằng sáu mối quan hệ song đôi: cha mẹ và con cái, vợ chồng, bạn bè đối với nhau, chủ nhân và công nhân, thầy trò, nhà lãnh đạo tôn giáo và tín đồ. Đối với mỗi mối quan hệ, Đức Phật đề nghị năm bổn phận (hoặc là sáu trong một trường hợp) mà mỗi bên phải hoàn thành đối với người đối tác ở phía bên kia. Ngài thấy cá nhân - mỗi cá nhân - như đang đứng ở một điểm, nơi mà ‘sáu phương hướng’ hội tụ lại, do đó có bổn phận phải tôn trọng những phương hướng này bằng cách thi hành những bổn phận bao hàm trong mối quan hệ đó.

Đức Phật xem gia đình như là đơn vị nền tảng của việc hội nhập xã hội và hòa đồng văn hóa. Chính là mối quan hệ thương yêu gần gũi giữa cha mẹ và con cái đã nuôi dưỡng đức hạnh và ý thức trách nhiệm nhân đạo cần thiết cho một trật tự xã hội đoàn kết gắn bó. Bên trong gia đình, các giá trị ấy được truyền lại cho nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, và như vậy, một xã hội hài hòa tùy thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ đáng tôn trọng và nồng ấm giữa cha mẹ và con cái. Trong Kinh Văn X, 2 (1), Ngài giải thích bằng cách nào cha mẹ là nguồn phúc lợi tuyệt vời đối với con cái, và trong Kinh Văn X, 2 (2), Ngài nói rằng con cái không thể nào đền đáp công ơn cha mẹ tương xứng bằng cách đem lại nhiều phúc lợi vật chất cho cha mẹ, nhưng chỉ bằng cách xây dựng cho cha mẹ có lòng tin, cách hành xử đạo đức, tâm bố thí và trí tuệ, mới có thể đền đáp được công ơn cha mẹ. Quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái tùy thuộc vào tình thương yêu và kính trọng lẫn nhau giữa vợ chồng. Bài kinh được tuyển chọn cho Kinh Văn X, 3 cung cấp đường lối hướng dẫn đối với mối quan hệ giữa các đôi vợ chồng, nêu rõ rằng hôn nhân lý tưởng là cuộc hôn nhân trong đó cả vợ và chồng đều cùng chia sẻ cam kết về cách hành xử đức hạnh, tâm bố thí và các giá trị tâm linh.

Trong phần kế tiếp, tôi đã tập hợp những kinh văn bàn về thái độ xã hội của người gia chủ. Hai bài đầu tiên, Kinh Văn X, 4 (1)-(2) khẳng định rằng người gia chủ tận tụy sẽ vì lợi lạc của nhiều người mà khởi xướng và dẫn dắt các thành viên gia đình mình trong việc phát triển lòng tin, đức hạnh, học tập (Giáo pháp), bố thí và trí tuệ. Kinh Văn X, 4 (3) thảo luận những phương cách đúng đắn để tạo ra tài sản, đó là phải thực hành trong phạm vi giới hạn của nghề nghiệp chơn chánh (chánh mạng). Chiều hướng tâm linh thể hiện bằng cách khẳng định rằng gia chủ sử dụng tài sản ‘mà không bị trói buộc, say đắm, và không bị cuốn hút mù quáng vào tài sản.’ Kinh Văn X, 4 (4) nói về năm ngành nghề bị cấm đối với người cư sĩ thuần thành, bị cấm vì chúng liên hệ đến sự tổn hại cho các chúng sinh khác, dù là gây tổn hại thật sự hay có tiềm năng gây tổn hại. Kinh văn X, 4 (5) sau đó giải thích năm phương cách đúng đắn để sử dụng tài sản. Lời giải thích cho thấy rằng tài sản kiếm được một cách chơn chánh sẽ phải được sử dụng vì lợi lạc của bản thân và lợi lạc cho người khác; sau khi người gia chủ đã bảo đảm được lợi lạc cho bản thân và gia đình, người ấy cần sử dụng tài sản trước tiên là để thực hành những hành động phước đức để phục vụ cho người khác.

Phần kế tiếp đưa chúng ta trở lại với vấn đề giai cấp xã hội, được đề cập từ góc độ của người xuất gia trong Phần VII. Trái với niềm tin thông thường, Đức Phật không cổ động công khai cho việc xóa bỏ hệ thống giai cấp, mà trong thời đại của Ngài chưa đạt đến mức độ phức tạp và gắt gao như trong các thế kỷ sau, chủ yếu như đã được hoạch định trong các sách luật của Ấn giáo. Có lẽ Ngài thấy rằng sự phân hóa xã hội và những trách nhiệm liên hệ khác nhau là không thể tránh được. Nhưng Ngài đã bác bỏ những tuyên bố cho rằng hệ thống giai cấp là thiêng liêng dựa trên nhiều lý do, về thần học, đạo đức và tâm linh. Về thần học, Ngài đã bác bỏ tuyên bố của Bà-la-môn cho rằng hệ thống giai cấp là do Phạm thiên, là vị trời sáng tạo vạn vật, tạo ra; thay vào đó, Ngài xem hệ thống giai cấp chỉ là một tổ chức xã hội có nguồn gốc thuần túy từ con người. Về mặt đạo đức, Ngài bác bỏ niềm tin cho rằng vị trí giai cấp là dấu chỉ của giá trị đạo đức, những người thuộc giai cấp cao hơn đương nhiên có vị trí đạo đức cao thượng hơn; thay vào đó, Ngài cho rằng chính hành động của một người xác định giá trị đạo đức của người ấy, và bất cứ ai trong bất cứ giai cấp nào thực hiện những hành động xấu ác sẽ hạ thấp giá trị đạo đức của người ấy và bất cứ ai thực hiện những hành động thiện lành sẽ nâng cao vị trí đạo đức của người ấy. Và về mặt tâm linh, như chúng ta đã thấy trước đây, Ngài cho rằng bất cứ ai từ bất cứ giai cấp nào đều có thể tu tập Giáo pháp và đạt đến mục tiêu tối thượng.

Những lập luận này được trình bày ở đây trong Kinh Văn X, 5, (1)-(4). Các cuộc đàm thoại được ghi lại trong các bài kinh này - trong đó hệ thống giai cấp được xem như là một khuôn mẫu mà người Bà-la-môn tìm cách áp đặt lên xã hội - gợi ý rằng ở miền đông bắc Ấn Độ, nơi xuất phát Phật giáo, sự phân biệt giai cấp chưa đạt đến mức độ gắt gao và đầy uy quyền như đã có thể đạt được ở miền trung và tây Ấn Độ. Cũng thú vị để ghi nhận rằng khi liệt kê các giai cấp theo thứ tự, người Bà-la-môn đặt họ lên vị trí hàng đầu và người Sát-đế-lỵ thuộc hạng hai, thì Đức Phật lại sắp xếp người Sát-đế-lỵ lên hàng đầu và Bà-la-môn thuộc hàng hai. Về phương diện này, có lẽ Ngài đã theo chiều hướng nổi bật ở các tiểu bang miền đông bắc của tiểu lục địa thời bấy giờ.

Trong Kinh Văn X, 5 (1), Đức Phật lập luận bác bỏ tuyên bố của người Bà-la-môn, do người Bà-la-môn Esukārī nêu lên, cho rằng trật tự xã hội phải được thiết lập dựa trên một hệ thống phục vụ theo đẳng cấp cố định, như là mọi người thuộc các giai cấp thấp hơn phải phục vụ người Bà-la-môn, trong lúc người Thủ-đà là tầng lớp ở dưới cùng của bậc thang giai cấp, phải phục vụ tất cả mọi người khác. Trái lại, Đức Phật chủ trương rằng sự phục vụ phải dựa trên các cơ hội dành cho người có thăng tiến về đạo đức. Người Bà-la-môn Esukārī còn cho rằng những người trong mỗi giai cấp có các bổn phận cố định của chính họ theo vị trí giai cấp của họ; điều này có vẻ như là bước mở đầu cho lý thuyết svadharma (= nhiệm vụ của bản thân trong xã hội) đã trở nên nổi bật trong các sách luật Ấn giáo, ý tưởng cho rằng mỗi giai cấp có những bổn phận của chính họ mà họ phải hoàn thành nếu họ muốn gặt hái một sự tái sanh tốt đẹp hơn và tiến đến giải thoát tối hậu. Một lần nữa, Đức Phật bác bỏ quan điểm này, Ngài chủ trương rằng: “Giáo Pháp siêu xuất thế gian” là tài sản chung của mọi người. Bất cứ ai tuân theo các nguyên tắc hành xử đức hạnh, bất kể thuộc giai cấp nào, đều là người đang tu tập “thiện Pháp.”

Trong Kinh Văn X, 5 (2), Tôn giả Mahākaccāna (Đại-ca- chiên-diên), tự thân là một Bà-la-môn, lập luận chống lại tuyên bố của người Bà-la-môn cho rằng hệ thống giai cấp có nguồn gốc siêu phàm và chỉ có người Bà-la-môn là “con trai của Phạm thiên, thuộc dòng giống Phạm thiên.” Tôn giả giữ vững quan điểm rằng đây “chỉ là lời nói trong thiên hạ.” Hệ thống giai cấp chỉ thuần túy là ước lệ xã hội, và những người thuộc bất cứ giai cấp nào đều có thể tự mình tỏ ra xứng đáng hay khiếm khuyết về mặt đạo đức. Trong Kinh văn X, 5 (3)-(4), Đức Phật một lần nữa bác bỏ ý tưởng cho rằng vị trí giai cấp được xác định từ nguồn gốc họ sinh ra, và đề nghị định nghĩa lại về khái niệm Bà-la-môn và kẻ bần cùng, theo đó, những người này được xác định giá trị bằng phẩm chất đạo đức của chính họ chứ không phải bằng nguồn gốc họ sinh ra.

Phần tiếp theo xem xét khái quát về pháp nhãn chính trị của Đức Phật. Vào thời đại của Ngài, tiểu lục địa Ấn Độ được chia thành mười sáu tiểu bang, thuộc hai kiểu thể chế: các nước cộng hòa bộ tộc, và các nước theo chế độ quân chủ. Chúng ta đã thấy ví dụ về lời khuyên của Đức Phật đối với các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa trong Kinh Văn X, 3, (4) về sáu điều kiện để không bị suy tàn mà Ngài đã dạy cho người Vajjī. Tuy nhiên, miền bắc Ấn Độ đang nhanh chóng trải qua một sự chuyển biến về đất đai lãnh thổ làm đảo ngược khuynh hướng trật tự chính trị hiện hành. Các vương quốc của nhiều tiểu bang đang mở rộng lãnh thổ và nuốt trọn các vương quốc yếu thế hơn, và các nước cộng hòa nhỏ bé vào thời kỳ đó cũng đang ở trong tình trạng chờ ngày bị sáp nhập. Cạnh tranh nhau trong các tuyên bố về lãnh thổ và tài sản đưa đến việc gia tăng các hoạt động quân sự và xung đột bằng bạo lực. Miền đất này đang nhanh chóng hướng đến một thời kỳ của những cuộc đấu tranh giành quyền lực tàn nhẫn và các cuộc chiến xâm lược ác liệt, được mô tả một cách xúc động trong các câu kệ sau (Tương Ưng BK 1:28):

Những người có vô số của cải và tài sản,
Ngay cả người Sát-đế-lỵ đang cai trị đất nước,
Vẫn nhìn nhau bằng đôi mắt tham lam,
Với tham dục không bao giờ thỏa mãn.

Vì sự chiến thắng của chế độ quân chủ có vẻ không thể nào tránh được, Đức Phật tìm cách bảo vệ chống lại sự lạm quyền bằng cách đề nghị một khuôn mẫu vương quốc trong đó nhà vua sẽ phục tùng một quyền lực cao hơn, một tiêu chuẩn tốt đẹp khách quan có thể chế ngự việc thực thi quyền hành độc đoán. Ngài nhận thức rằng trong một thể chế quân chủ, toàn thể xã hội noi theo gương của vị vua cai trị họ, dù tốt hay xấu. Vì vậy, trong Kinh Văn X, 6, (1), Ngài mô tả vai trò của nhà vua, cách hành xử của nhà vua có một năng lực huyền bí tạo ảnh hưởng trong vương quốc của mình. Trong thời đại của những cuộc đấu tranh quân sự để chiếm đoạt lãnh thổ, Ngài đã lên án việc sử dụng chiến tranh như một phương tiện để giải quyết các xung đột. Kinh văn X, 6, (2) khẳng định rằng chiến thắng chỉ nuôi dưỡng thù hận và duy trì vòng chiến đấu để trả đũa lại. Trong Jātaka, là những câu chuyện về tiền thân Đức Phật, nói rõ hơn khi tóm tắt những phẩm chất cần có của một vị vua anh minh với hệ thống gồm mười đức tính của nhà vua: biết bố thí, hành xử đức hạnh, biết từ bỏ, chân thật, dịu hiền, nghiêm khắc với bản thân, không sân hận, không gây tổn hại, kiên nhẫn, và không chống lại nguyện vọng của dân chúng. (1) Thí dụ, chuyện tiền thân Kukka, mô tả vị vua đức hạnh như là người “theo đúng mười phẩm chất này của nhà vua, cai trị theo Giáo pháp, mang lại thịnh vượng và thăng tiến cho chính nhà vua và những người khác, và không gây phiền muộn cho bất cứ ai.” (Jātaka III, 320)

Để bảo đảm rằng nhà vua có một tiêu chuẩn cai trị mẫu mực để noi theo, Đức Phật đã thiết lập lý tưởng về “vị Chuyển luân Thánh vương” (rājā cakkavattī), một vị vua chơn chánh cai trị theo đúng Giáo pháp, là quy luật khách quan về sự chơn chánh. Chuyển luân Thánh vương là vị đối tác thế gian của Đức Phật; đối với cả hai, bánh xe là biểu tượng của quyền lực. Như Kinh Văn X, 6, (3) chỉ rõ, Giáo pháp mà vị Chuyển luân Thánh vương tuân theo là nguyên lý đạo đức cho việc cai trị của nhà vua. Nhà vua trải rộng sự bảo vệ cho tất cả mọi loài trong vương quốc của mình, cho mọi người trong các giai tầng xã hội và thậm chí cho cả chim muông và cầm thú. Được biểu tượng hóa bằng hình ảnh bánh xe báu thiêng liêng, là quy luật của sự chơn chánh giúp nhà vua có thể chinh phục thế giới bằng các biện pháp hòa bình và thiết lập một nền cai trị an bình mang tính phổ quát, dựa trên sự tuân thủ năm giới và mười thiện nghiệp, như được mô tả trong Kinh Văn X, 6, (4).

Một trong những nhiệm vụ của nhà vua là ngăn cản tội phạm xâm nhập vào vương quốc của mình, và để giữ cho vương quốc được an toàn không có tội phạm, ngài phải ban tặng của cải cho những người thiếu thốn. Trong Phật giáo Nguyên thủy, nghèo đói được xem là mảnh đất nuôi dưỡng tội phạm và vì thế việc xóa bỏ nghèo đói trở thành một trong những nhiệm vụ của hoàng gia. Nhiệm vụ này được đề cập trong số những nhiệm vụ của vị Chuyển luân Thánh vương trong Kinh Văn X, 6, (6), trong đó cho thấy, từ chỗ thất bại trong việc xóa bỏ nghèo đói, bằng cách nào mà tất cả tội phạm phát sinh như: trộm cắp, giết người, nói láo, và những tội phạm khác. Nhiệm vụ của nhà vua trong việc xóa bỏ nghèo đói được kết hợp trong Kinh Văn X, 6, (6). Ở đây, trong một câu chuyện được cho là đề cập dến một quá khứ xa xăm, một vị quốc sư trí tuệ - không ai khác hơn là Đức Phật trong một tiền kiếp của Ngài - khuyên nhà vua phương cách đúng đắn để chấm dứt nạn trộm cắp và băng đảng tội phạm đang gieo tai họa cho vương quốc của nhà vua, đó không phải là áp đặt các hình phạt nặng nề và áp dụng luật pháp nghiêm khắc hơn, nhưng là bằng cách ban phát cho dân chúng những phương tiện cần thiết để họ có thể kiếm sống một cách tử tế. Một khi dân chúng được hưởng một tiêu chuẩn sống đầy đủ, thì họ sẽ không còn quan tâm đến việc xâm hại kẻ khác và đất nước sẽ vui hưởng thái bình an lạc.

I. THIẾT LẬP MỘT XÃ HỘI CÔNG BẰNG

I. TRÁCH NHIỆM HỖ TƯƠNG

[Đức Phật nói với một thanh niên tên là Sigalaka (Thi-ca-la- việt)]:

– Này con trai của gia chủ, các bậc Thánh đệ tử hộ trì sáu phương như thế nào? Sáu điểm này được xem như là sáu phương. Phương đông chỉ cha mẹ. Phương nam chỉ các bậc thầy. Phương tây chỉ vợ con. Phương bắc chỉ bạn bè. Phương dưới chỉ gia nhân, thợ thuyền, người giúp việc. Phương trên chỉ Sa môn, Bà-la-môn.

– Có năm cách người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương đông. [Người con phải suy nghĩ rằng]: “Tôi đã được cha mẹ nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ. Tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ. Tôi sẽ gìn giữ truyền thống gia đình. Tôi sẽ sống xứng đáng là người thừa kế. Sau khi cha mẹ tôi qua đời, tôi sẽ cúng dường phẩm vật để hồi hướng công đức cho cha mẹ.” Và cha mẹ được con phụng dưỡng như phương đông, sẽ có năm cách để đáp trả lại: cha mẹ sẽ ngăn cản con làm điều ác, ủng hộ con làm điều thiện, dạy con có tay nghề, cưới vợ thích hợp cho con, và vào đúng thời điểm sẽ trao quyền thừa kế cho con. Bằng cách này, phương đông được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi tai họa nguy hiểm.

– Có năm cách người đệ tử phải phụng dưỡng các bậc thầy như phương nam: bằng cách đứng lên chào thầy, hầu hạ thầy, lắng nghe thầy, phục vụ thầy, nắm vững các kỹ năng thầy đã dạy. Và các bậc thầy được đệ tử phụng dưỡng như phương nam, sẽ có năm cách đáp trả lại: các thầy sẽ huấn luyện tận tình, bảo đảm các đệ tử nắm vững được những gì họ cần phải nắm vững, dạy cho đệ tử thông suốt vững vàng các nghề nghiệp, giới thiệu đệ tử với các bạn bè đồng nghiệp, cung cấp sự an toàn cho đệ tử về mọi mặt. Bằng cách này, phương nam được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi tai họa nguy hiểm.

– Có năm cách người chồng phải đối xử với vợ như phương tây: tôn trọng vợ bằng cách không xem thường vợ, chung thủy với vợ, trao quyền hành cho vợ, tặng vợ những món đồ trang sức. Và người vợ được chồng đối xử như vậy sẽ có năm cách để đáp lại: bằng cách tổ chức tốt đẹp công việc nội trợ, đối xử tử tế với gia nhân, trung thành với chồng, giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và cần mẫn trong mọi việc cần phải làm. Bằng cách này, phương tây được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi tai họa nguy hiểm.

– Có năm cách một người nam phải đối xử với bạn bè và người đồng sự như phương bắc: bằng cách tặng quà cho bạn, nói lời ái ngữ, quan tâm đến an sinh của bạn, đối xử với bạn như với chính mình và giữ lời hứa. Người bạn và người đồng sự được đối xử như vậy sẽ có năm cách đáp trả lại: chăm sóc bạn khi bạn lơ đãng, chăm sóc tài sản của bạn khi bạn lơ đãng, là nơi nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi, không bỏ rơi bạn khi bạn gặp khó khăn, quan tâm đến con cái của bạn. Bằng cách này, phương bắc được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi tai họa nguy hiểm.

– Có năm cách một chủ nhân phải đối xử với nô bộc và công nhân của mình như phương dưới: bằng cách sắp xếp công việc theo khả năng của họ, lo cung cấp thực phẩm và lương tiền cho họ, chăm sóc khi họ ốm đau, chia sẻ thức ăn ngon với họ và cho họ nghỉ phép đúng lúc. Những nô bộc và công nhân được chủ nhân đối xử như vậy, sẽ có năm cách đáp trả lại: họ phải thức dậy sớm hơn chủ, đi ngủ muộn hơn chủ, chỉ nhận những gì chủ cho, làm thật tốt công việc của mình, là những người mang lại danh thơm tiếng tốt cho chủ nhân. Bằng cách này, phương dưới được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi tai họa nguy hiểm.

– Có năm cách một gia chủ phải đối xử với Sa-môn và Bà- la-môn như phương trên: bằng cách bày tỏ lòng kính yêu về thân, khẩu, ý; mở rộng cửa đón các vị ấy, cúng dường các vị ấy những phẩm vật cần thiết. Các Sa-môn, Bà-la-môn được gia chủ đối xử như phương trên sẽ có năm cách để đáp trả lại: ngăn cản không để gia chủ làm điều ác, khuyến khích gia chủ làm điều thiện, có lòng từ bi đối với gia chủ, giảng dạy cho gia chủ những gì người ấy chưa được nghe, làm sáng tỏ những gì gia chủ đã được nghe và chỉ bày cho gia chủ con đường đưa đến cõi Thiên. Bằng cách này, phương trên được che chở, trở nên an bình và thoát khỏi tai họa nguy hiểm.

(Trường BK II, Kinh số 31: Kinh giáo thọ Thi-Ca-La-Việt, tr. 529-545)

2. CHA MẸ VÀ CON CÁI

(1) Công ơn cha mẹ thật vĩ đại

– Này các Tỷ-kheo, những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với Phạm thiên. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc đạo sư thời xưa cổ. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với chư Thiên thời cổ xưa. Những gia đình nào trong nhà cha mẹ được con cái kính trọng, thì những gia đình ấy được xem như là cư trú với các bậc Thánh.

– Này các Tỷ-kheo, ‘Phạm thiên’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Các bậc đạo sư xưa cổ’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Chư Thiên thời xưa cổ’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. ‘Các bậc Thánh’ là từ dùng để chỉ cha mẹ. Vì sao? Vì công ơn cha mẹ thật vĩ đại; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn và dạy cho con biết về cuộc đời.

(Tăng Chi BK I, Ch. IV (III):63, tr. 684-685)

(2) Đền đáp công ơn cha mẹ

– Này các Tỷ-kheo, ta tuyên bố rằng có hai vị mà con người không thể nào đền đáp được công ơn. Hai vị ấy là ai? Đó là cha và mẹ.

Thậm chí nếu một người trên một vai cõng mẹ, và vai kia cõng cha, làm như vậy nếu sống được một trăm năm, cho đến khi tuổi tròn một trăm; và nếu người ấy chăm sóc cha mẹ bằng cách bôi dầu, xoa bóp, tắm rửa, đấm bóp tay chân, và ngay cả phải dọn phân của cha mẹ - như vậy người ấy vẫn chưa làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ, cũng chưa đền đáp được công ơn cha mẹ. Ngay cả nếu người ấy thiết lập, bố trí cha mẹ như những vị vua chúa tối cao trên quả đất này với bảy báu vật thật sang trọng, người ấy vẫn chưa làm đủ bổn phận đối với cha mẹ, cũng chưa đền đáp được công ơn cha mẹ. Vì sao? Vì công ơn cha mẹ thật vĩ đại; cha mẹ nuôi con khôn lớn, cho con ăn, và dạy cho con biết về cuộc đời.

Nhưng, người mà cha mẹ không có lòng tin, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ có lòng tin; người có cha mẹ thiếu đạo đức, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ sống có đạo đức; người có cha mẹ keo kiệt, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ biết bố thí; người có cha mẹ còn mê muội, biết khuyến khích, sắp xếp và bố trí cho cha mẹ có trí tuệ - này các Tỷ-kheo, một người như vậy là đã làm đầy đủ bổn phận đối với cha mẹ: người ấy đã đền đáp công ơn cha mẹ, và đã đền đáp nhiều hơn những gì mà cha mẹ đã làm cho người ấy.

(Tăng Chi BK I, Ch. II (VI):2, tr. 119-120)

3. VỢ CHỒNG

Một thời, Thế Tôn đang du hành trên con đường giữa Madhurā và Veranjā, nhiều gia chủ và vợ của họ cùng đi trên con đường đó. Rồi Thế Tôn rời khỏi con đường và ngồi xuống trên một chỗ ngồi đã soạn sẵn dưới một gốc cây. Các gia chủ và vợ của họ thấy Thế Tôn ngồi đấy liền đi đến Thế Tôn. Sau khi đảnh lễ Thế Tôn, họ ngồi xuống một bên và Thế Tôn nói với họ:

– Này các gia chủ, có bốn kiểu hôn nhân. Thế nào là bốn? Một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện, một kẻ đê tiện sống chung với một thiên nữ, một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện, một thiên nam sống chung với một thiên nữ.

– Và thế nào là một kẻ đê tiện sống chung với một kẻ đê tiện? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ sát sanh; lấy của không cho; dấn thân vào tà dâm; nói láo; say sưa uống các loại rượu men, rượu mạnh và các chất gây nghiện, là nền móng của ác hạnh. Ông ta vô đạo đức, tánh tình xấu ác, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế keo kiệt chi phối. Ông ta xúc phạm chửi mắng các Sa-môn và Bà-la-môn. Và vợ của ông ta cũng giống y hệt ông ta về mọi mặt. Như vậy chính là kiểu người đê tiện sống chung với người đê tiện.

– Và thế nào là một kẻ đê tiện sống chung với một thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ sát sanh… ông ta xúc phạm chửi mắng các Sa-môn và Bà-la-môn. Nhưng vợ ông ta là người từ bỏ sát sanh… không uống các loại rượu men, rượu mạnh và các chất gây nghiện. Bà ấy là người có đạo đức, tánh tình tốt; sống trong gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối. Bà ấy không xúc phạm chửi mắng các Sa-môn và Bà-la-môn. Như vậy chính là kiểu người đê tiện sống chung với thiên nữ.

– Và thế nào là một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ từ bỏ sát sanh... không xúc phạm chửi mắng các Sa-môn và Bà-la-môn. Nhưng vợ của ông ta là kẻ sát sanh… xúc phạm chửi mắng các Sa-môn và Bà-la-môn. Như vậy chính là kiểu một thiên nam sống chung với một kẻ đê tiện.

– Và thế nào là một thiên nam sống chung với một thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng là một kẻ từ bỏ sát sanh... từ bỏ uống các loại rượu men, rượu mạnh và các chất gây nghiện. Ông ta là người có đạo đức, tánh tình tốt; sống trong gia đình với tâm không bị cấu uế keo kiệt chi phối. Ông ấy không xúc phạm chửi mắng các Sa-môn và Bà-la-môn. Và vợ của ông ta cũng giống y hệt ông ta về mọi mặt. Đấy chính là kiểu một thiên nam sống chung với một thiên nữ.

Này các gia chủ, đấy là bốn kiểu hôn nhân.

(Tăng Chi BK I, Ch. IV (III):53, tr. 661-663)

4. ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

(1) Vì lợi lạc của nhiều người

– “Này các Tỷ-kheo, khi một người có đức hạnh được sinh ra trong gia đình, đó là điều lợi lạc, an vui và hạnh phúc cho nhiều người. Người ấy đem lại lợi lạc, an vui và hạnh phúc cho: (1) cha mẹ, (2) vợ con, (3) gia nhân, người làm công và người giúp việc, (4) bạn bè và thân hữu, (5) Sa-môn và Bà-la-môn.”

Cũng giống như một trận mưa lớn, nuôi dưỡng các vụ mùa, đem lại lợi lạc, an vui và hạnh phúc cho nhiều người. Cũng vậy, khi một người có đức hạnh được sinh ra trong gia đình, đó là điều lợi lạc, an vui và hạnh phúc cho nhiều người. Người ấy đem lại lợi lạc, an vui và hạnh phúc cho … Sa-môn và Bà-la-môn.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V (V):42, tr. 377-378)

(2) Giống như núi Hy-mã-lạp-sơn

– “Này các Tỷ-kheo, dựa trên núi Hy-mã-lạp-sơn, là vua của mọi ngọn núi, các cây sala lớn lên trong năm phương diện. Thế nào là năm? (1) Chúng lớn lên từ cành, lá và toàn bộ lá cây; (2) chúng lớn từ vỏ cây; (3) chúng lớn lên từ đọt cây; (4) chúng lớn lên từ vỏ ngoài; (5) chúng lớn lên từ lõi cây. Dựa trên núi Hy-mã- lạp-sơn, là vua của mọi ngọn núi, các cây sala lớn lên trong năm phương diện. Cũng vậy, khi người chủ gia đình có lòng tin, những người trong gia đình còn lệ thuộc vào ông ấy cũng tăng trưởng về năm phương diện. Thế nào là năm? (1) Họ tăng trưởng lòng tin; (2) họ tăng trưởng đức hạnh; (3) họ tăng trưởng về học tập (Giáo pháp); (4) họ tăng trưởng tâm bố thí; (5) họ tăng trưởng trí tuệ. Khi người chủ gia đình có lòng tin, những người trong gia đình còn lệ thuộc vào ông ấy cũng tăng trưởng về năm phương diện.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V (IV):40, tr. 372-373)

(3) Những phương cách tìm kiếm tài sản

– “Người gia chủ tìm kiếm tài sản một cách chơn chánh, không dùng bạo lực và làm cho mình được hạnh phúc an vui; biết chia sẻ tài sản với người khác, biết làm những việc công đức; và sử dụng tài sản mà không bị nó trói buộc, không mê đắm, không bị cuốn hút mù quáng vào tài sản, thấy được sự nguy hiểm trong đó và hiểu biết cách thoát ly nó - người ấy có thể được khen ngợi dựa trên bốn lý do. Lý do thứ nhất mà người ấy có thể được khen ngợi là vì người ấy đã tìm kiếm tài sản một cách chơn chánh, không dùng bạo lực. Lý do thứ hai mà người ấy có thể được khen ngợi là vì người ấy làm cho mình được hạnh phúc và an vui. Lý do thứ ba mà người ấy có thể được khen ngợi là vì người ấy biết chia sẻ tài sản với người khác, và biết làm những việc công đức. Lý do thứ tư mà người ấy có thể được khen ngợi là vì người ấy sử dụng tài sản mà không bị nó trói buộc, không mê đắm, không bị cuốn hút mù quáng vào tài sản, thấy được sự nguy hiểm trong đó, và hiểu biết cách thoát ly nó. Người gia chủ ấy có thể được khen ngợi dựa trên bốn lý do này.

– “Cũng giống như từ con bò ta có sữa, từ sữa có sữa đông, từ sữa đông có bơ, từ bơ có bơ trắng, từ bơ trắng có kem bơ trắng (đề- hồ), được xem là ngon nhất trong tất cả các loại trên. Cũng vậy, trong tất cả các gia chủ, người đứng đầu, người tốt nhất, người nổi bật, người tối cao và người tối ưu là người tìm kiếm tài sản một cách chơn chánh, không dùng bạo lực, và làm cho mình được hạnh phúc an vui; biết chia sẻ tài sản với người khác, biết làm những việc công đức; và sử dụng tài sản mà không bị nó trói buộc, không mê đắm, không bị cuốn hút mù quáng vào tài sản, thấy được sự nguy hiểm trong đó, và hiểu biết cách thoát ly nó.”

(Tăng Chi BK IV, Ch. X, (X):91, tr. 485-487)

(4) Tránh làm các nghề bất chánh

“Này các Tỷ-kheo, một người Phật tử không nên dấn thân làm năm nghề này. Thế nào là năm? Buôn bán vũ khí, buôn bán động vật sống, buôn bán thịt, buôn bán rượu và chất gây nghiện, buôn bán thuốc độc. Một người Phật tử không nên dấn thân làm năm nghề này.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V, (XVIII):177, tr. 646-647)

(5) Sử dụng tài sản đúng đắn

Thế Tôn nói với trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika): “Này gia chủ, có năm cách sử dụng tài sản đúng đắn. Thế nào là năm?

(1) Ở đây, này gia chủ, với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp, vị Thánh đệ tử tạo được hạnh phúc an vui cho chính mình và giữ gìn sự an vui cho mình một cách đúng đắn; người ấy giúp cha mẹ được hạnh phúc an vui và giữ gìn sự an vui cho cha mẹ một cách đúng đắn; người ấy làm cho vợ con, người hầu, nhân công và người giúp việc được an vui hạnh phúc và giữ gìn sự an vui cho họ một cách đúng đắn. Đây là cách sử dụng tài sản đúng đắn thứ nhất.

(2) Lại nữa, với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động… đạt được một cách chơn chánh như thế, vị Thánh đệ tử làm cho bạn bè và những người đồng hành an vui hạnh phúc và duy trì sự an vui hạnh phúc của họ một cách đúng đắn. Đây là cách sử dụng tài sản đúng đắn thứ hai.

(3) Lại nữa, với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động… đạt được một cách chơn chánh như thế, vị Thánh đệ tử có những chuẩn bị để đối phó với những mất mát có thể xảy ra do hỏa hoạn hay lụt lội, do nhà vua, các băng cướp hay những kẻ thừa kế thù nghịch; vị ấy biết bảo vệ an toàn cho mình để đối phó với những kẻ ấy. Đây là cách sử dụng tài sản đúng đắn thứ ba.

(4) Hơn nữa, với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động… đạt được một cách chơn chánh như thế, vị Thánh đệ tử thực hiện năm sự hiến tặng: hiến tặng bà con, quan khách, dâng cúng vong linh tổ tiên, hiến tặng nhà vua, và cúng dường chư Thiên. Đây là cách sử dụng tài sản đúng đắn thứ tư.

(5) Hơn nữa, này gia chủ, với tài sản thâu hoạch do nỗ lực năng động… đạt được một cách chơn chánh như thế, vị Thánh đệ tử thiết lập sự cúng dường cao thượng - một sự cúng dường thuộc về Thiên giới, kết quả đem lại hạnh phúc dẫn đến cõi Thiên - đó là cúng dường cho các vị Sa-môn, Bà-la-môn, những vị từ bỏ kiêu mạn và phóng dật, những vị an trú trong nhẫn nhục và nhu hòa, hết lòng tự nhiếp phục mình, tự an tịnh mình, và tu tập hướng đến chứng đắc Niết-bàn. Đây là cách sử dụng tài sản đúng đắn thứ năm.”

(Tăng Chi BK II, Ch. V (V):41, tr. 374-376)

5. ĐỊA VỊ XÃ HỘI

(1) Không có đặc quyền theo đẳng cấp cố định

Rồi người Bà-la-môn Esukārī đi đến Thế Tôn và bạch với Ngài rằng:

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn quy định bốn cấp bậc phục vụ. Họ quy định cấp bậc phục vụ cho Bà-la-môn, cấp bậc phục vụ cho Sát-đế-lỵ (Khattiya), cấp bậc phục vụ cho Phệ-xá (Vessa), cấp bậc phục vụ cho Thủ-đà (Sudda). Các Bà-la-môn quy định cấp bậc phục vụ như thế này là cấp bậc phục vụ đối với Bà-la- môn: một Bà-la-môn có thể phục vụ một Bà-la-môn, một Sát-đế-lỵ có thể phục vụ một Bà-la-môn, một Phệ-xá có thể phục vụ một Bà- la-môn, một Thủ-đà có thể phục vụ một Bà-la-môn. Họ quy định cấp bậc phục vụ như thế này là cấp bậc phục vụ đối với Sát-đế-lỵ: một Sát-đế-lỵ có thể phục vụ một Sát-đế-lỵ, một Phệ-xá có thể phục vụ một Sát-đế-lỵ, một Thủ-đà có thể phục vụ một Sát-đế-lỵ. Họ quy định cấp bậc phục vụ như thế này là cấp bậc phục vụ đối với một Phệ-xá: một Phệ-xá có thể phục vụ một Phệ-xá, một Thủ- đà có thể phục vụ một Phệ-xá. Họ quy định cấp bậc phục vụ như thế này là cấp bậc phục vụ đối với một Thủ-đà: chỉ có một Thủ-đà có thể phục vụ một Thủ-đà; vì còn ai khác nữa có thể phục vụ một Thủ-đà? Tôn giả Gotama nói gì về vấn đề này?

– Này Bà-la-môn, có phải tất cả thế giới ủy quyền cho các Bà-la-môn quy định bốn cấp bậc phục vụ này?
– Thưa Tôn giả Gotama, không phải như vậy.
– Này Bà-la-môn, giả sử có một người nghèo túng, không có một xu dính túi, khốn khổ, bị họ ép buộc phải ăn một miếng thịt và nói rằng: “Này ông bạn, ông phải ăn miếng thịt này và phải trả tiền”; cũng vậy, dù không được sự đồng ý của các Sa-môn và Bà- la-môn khác, các Bà-la-môn này vẫn quy định bốn cấp bậc phục vụ.

– Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng tất cả cần phải được phục vụ, Ta cũng không nói rằng không có người nào cần được phục vụ. Bởi vì, nếu trong khi phục vụ một người nào, do sự phục vụ đó, người ấy trở nên xấu hơn và không tốt hơn, thì Ta nói rằng người ấy không nên được phục vụ. Và nếu trong khi phục vụ một người nào, do sự phục vụ đó, người ấy trở nên tốt hơn chứ không phải trở nên xấu hơn thì Ta nói rằng người ấy cần được phục vụ.

– Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng một người nào đó là tốt hơn vì người ấy xuất thân từ một gia đình quyền quý, Ta cũng không nói rằng một người nào đó là xấu hơn bởi vì người đó xuất thân từ một gia đình quyền quý. Ta không nói rằng một người nào đó tốt hơn vì người ấy có nhan sắc xinh đẹp, Ta cũng không nói rằng một người nào đó xấu hơn vì người ấy có nhan sắc xinh đẹp. Ta không nói rằng một người nào đó là tốt hơn vì người ấy có nhiều tài sản, Ta cũng không nói rằng một người nào đó là xấu hơn vì người ấy có nhiều tài sản. Vì một người xuất thân từ gia đình quyền quý có thể phạm tội sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời thô bạo, nói lời phù phiếm, tham lam, có tâm sân hận, và nắm giữ tà kiến. Vì vậy, Ta không nói rằng một người nào đó là tốt hơn vì người ấy xuất thân từ một gia đình quyền quý. Nhưng một người xuất thân từ gia đình quyền quý cũng có thể từ bỏ sát sanh; từ bỏ lấy của không cho; từ bỏ tà hạnh trong các dục; từ bỏ nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời thô bạo, nói lời phù phiếm; và người ấy không tham lam, có tâm bao dung, và có chánh kiến. Vì vậy Ta không nói rằng một người nào đó là xấu hơn bởi vì người đó xuất thân từ một gia đình quyền quý.

– Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng tất cả cần phải được phục vụ, Ta cũng không nói rằng không có người nào cần được phục vụ. Bởi vì, nếu trong khi phục vụ người nào đó, do sự phục vụ này người ấy tăng trưởng lòng tin, tăng trưởng đức hạnh, học hỏi, bố thí, và trí tuệ, thì Ta nói rằng người ấy cần được phục vụ.

Sau khi nghe như vậy, người Bà-la-môn Esukārī bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, các Bà-la-môn quy định bốn loại tài sản: tài sản của người Bà-la-môn, tài sản của người Sát-đế-lỵ, tài sản của người Phệ-xá, tài sản của người Thủ-đà. Các Bà-la-môn quy định khất thực là tài sản của Bà-la-môn; khi một Bà-la-môn khinh thường việc khất thực thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Các Bà-la-môn quy định cung và tên là tài sản của người Sát-đế-lỵ; khi một người Sát-đế-lỵ khinh thường cung và tên thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Các Bà-la-môn quy định nghề nông và chăn nuôi là tài sản của người Phệ-xá; khi một người Phệ-xá khinh thường nghề nông và chăn nuôi thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Các Bà-la-môn quy định lưỡi liềm và đòn gánh là tài sản của người Thủ-đà; khi một người Thủ-đà khinh thường lưỡi liềm và đòn gánh thì người ấy đã vi phạm bổn phận của mình, giống như một người canh gác đã lấy của không cho. Tôn giả Gotama nói gì về việc này?
– Này Bà-la-môn, có phải tất cả thế giới ủy quyền cho các Bà-la-môn quy định bốn loại tài sản như vậy?

– Thưa Tôn giả Gotama, không phải như vậy.
– Này Bà-la-môn, giả sử có một người nghèo túng, không có một xu dính túi, khốn khổ, bị họ ép buộc phải ăn một miếng thịt và nói rằng: “Này ông bạn, ông phải ăn miếng thịt này và phải trả tiền”; cũng vậy, dù không được sự đồng ý của các Sa-môn và Bà-la-môn khác, các Bà-la-môn này vẫn quy định bốn loại tài sản như vậy.

– Này Bà-la-môn, Ta tuyên bố rằng Giáo pháp cao thượng siêu phàm là tài sản riêng của mỗi người. Nhưng khi truy tìm về dòng giống gia tộc bên mẹ và bên cha từ thời xa xưa, con người được công nhận như thế nào là tùy theo nơi người ấy sinh ra. Nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Sát-đế-lỵ, thì người ấy được xem như là một Sát-đế-lỵ; nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Bà-la-môn, thì người ấy được xem như là một Bà-la-môn; nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Phệ-xá, thì người ấy được xem như là một Phệ-xá; nếu người ấy sinh ra trong bộ tộc Thủ-đà, thì người ấy được xem như là một Thủ-đà. Cũng như lửa được gọi tên như thế nào là tùy thuộc vào điều kiện nào nó được đốt cháy - khi lửa được đốt cháy nhờ củi, thì nó được gọi là lửa củi; khi lửa được đốt cháy nhờ cọng que, thì nó được gọi là lửa cọng que; khi lửa được đốt cháy nhờ cỏ, thì nó được gọi là lửa cỏ; khi lửa được đốt cháy nhờ phân bò, thì nó được gọi là lửa phân bò - cũng vậy, này Bà-la-môn, ta tuyên bố rằng Giáo pháp cao thượng siêu phàm là tài sản riêng của mỗi người. Nhưng khi truy tìm về dòng giống gia tộc bên mẹ và bên cha từ thời xa xưa, con người được công nhận như thế nào là tùy theo nơi người ấy sinh ra.

(Trung BK II, Kinh số 96, tr. 739-747)

(2) Giai cấp chỉ là ước lệ xã hội

Vua Avantiputta của xứ Maddhurā hỏi Tôn giả Mahā-kaccāna (Đại Ca-chiên-diên):

– Thưa Tôn giả Kaccāna, người Bà-la-môn nói như thế này: “Bà-la-môn là giai cấp cao nhất, các giai cấp khác đều thấp kém hơn; Bà-la-môn là giai cấp có màu da sáng sủa, các giai cấp khác đều có màu da đen tối; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các giai cấp khác đều không thanh tịnh; chỉ có Bà-la-môn là con trai của Phạm thiên, là dòng giống của Phạm thiên, sinh ra từ miệng của Phạm thiên, sinh ra từ Phạm thiên, do Phạm thiên tạo tác, là những người thừa tự của Phạm thiên.” Tôn giả Kaccāna nói gì về vấn đề này?

– Thưa Đại vương, đây chỉ là một lời nói trong thiên hạ. Và có một cách để hiểu câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ. Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Sát-đế-lỵ giàu sang với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Sát-đế-lỵ khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy; và phải chăng cũng sẽ có người Bà-la-môn, người Phệ-xá, người Thủ-đà cũng làm như vậy?
– Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Bà- la-môn giàu sang với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Bà-la- môn khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy; và phải chăng cũng sẽ có người Phệ-xá, người Thủ-đà và người Sát-đế-lỵ cũng làm như vậy?
– Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Phệ-xá thịnh vượng với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Phệ-xá khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy; và phải chăng cũng sẽ có người Thủ-đà, người Sát-đế-lỵ và người Bà-la-môn cũng làm như vậy?
– Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Thủ- đà thịnh vượng với nhiều tài sản, phải chăng sẽ có người Thủ-đà khác dậy sớm thức khuya, sẵn sàng phục vụ ông ấy, làm vui lòng ông ấy, nói năng ngọt ngào với ông ấy; và phải chăng cũng sẽ có người Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn và người Phệ-xá cũng làm như vậy?
– Thưa Tôn giả Kaccāna, đúng như vậy.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này cả.

– Thưa Đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Sát- đế-lỵ phạm tội sát sanh; lấy của không cho; có tà hạnh trong các dục; nói láo, nói lời chia rẽ, nói lời thô bạo, nói lời phù phiếm; tham lam, có tâm sân hận và nắm giữ tà kiến. Phải chăng vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ bị tái sinh vào cảnh giới khốn khổ, bất hạnh, đọa xứ, địa ngục, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, người ấy sẽ phải bị tái sanh vào cõi bất hạnh. Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương! Thưa Đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Bà-la-môn… một người Phệ-xá… một người Thủ- đà cũng làm như vậy?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu một người Bà-la-môn… một người Phệ-xá… một người Thủ-đà cũng làm như vậy, thì người ấy sẽ bị tái sinh vào cảnh giới khốn khổ, bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương! Thưa Đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này cả.

– Thưa Đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Sát- đế-lỵ từ bỏ sát sanh; từ bỏ lấy của không cho; từ bỏ tà hạnh trong các dục; từ bỏ nói láo, từ bỏ nói lời chia rẽ, từ bỏ nói lời thô bạo, từ bỏ nói lời phù phiếm; từ bỏ tham lam, có tâm bao dung, và giữ vững chánh kiến. Phải chăng vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cảnh giới thiện lành, vào Thiên giới, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, người ấy sẽ được tái sanh vào cõi thiện lành. Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương! Thưa Đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay! Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Bà-la-môn… một người Phệ-xá… một người Thủ- đà cũng từ bỏ sát sanh… và giữ vững chánh kiến. Phải chăng vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cảnh giới thiện lành, vào Thiên giới, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, người ấy sẽ được tái sanh vào cõi thiện lành. Tôi nghĩ như vậy trong trường hợp này, và cũng là điều tôi đã nghe các bậc A-la-hán nói.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương! Thưa Đại vương, những gì ngài nghĩ thật lành thay, và những gì ngài đã nghe từ các bậc A-la-hán thật lành thay. Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này cả.

– Thưa Đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Sát- đế-lỵ đột nhập vào nhà người khác, cướp đoạt tài sản, trộm cắp của cải, phục kích ở các xa lộ, hay quyến rũ vợ người khác, và nếu quân lính của ngài bắt được người ấy và dẫn đến trước Đại Vương, thưa rằng: “Tâu Đại vương, đây là kẻ trộm cướp, xin ngài hãy ra lệnh trừng phạt nó như ngài muốn,” Đại vương sẽ đối xử như thế nào với kẻ ấy?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ cho xử tử kẻ ấy, hoặc trừng phạt kẻ ấy, hoặc trục xuất kẻ ấy, hoặc sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng của kẻ ấy. Vì sao vậy? Bởi vì kẻ ấy đã đánh mất địa vị của một người Sát-đế-lỵ trước kia, và bây giờ chỉ được nhận diện như một kẻ trộm cướp.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Bà-la- môn… một người Phệ-xá… một người Thủ-đà… cũng làm như vậy và nếu quân lính của ngài bắt được người ấy và dẫn đến trước Đại vương, thưa rằng: “Tâu Đại vương, đây là kẻ trộm cướp, xin ngài hãy ra lệnh trừng phạt nó như ngài muốn,” Đại vương sẽ đối xử như thế nào với kẻ ấy?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ cho xử tử kẻ ấy, hoặc trừng phạt kẻ ấy, hoặc trục xuất kẻ ấy, hoặc sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng của kẻ ấy. Vì sao vậy? Bởi vì kẻ ấy đã đánh mất địa vị của một người Bà-la-môn… một người Phệ-xá… một người Thủ-đà… và bây giờ chỉ được nhận diện như một kẻ trộm cướp.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này.

– Thưa Đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu có một người Sát-đế-lỵ, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo; không ăn vào buổi tối, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, và sống độc thân, có đạo đức, tánh tình hiền thiện. Ngài sẽ đối xử với người ấy như thế nào?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ đảnh lễ vị ấy, hoặc tôi sẽ đứng dậy khi thấy vị ấy, hoặc tôi sẽ mời vị ấy ngồi; hoặc tôi sẽ mời vị ấy nhận các phẩm vật cúng dường như đồ ăn khất thực, nơi cư trú, thuốc men cần dùng; hoặc tôi sẽ sắp đặt sự canh gác, che chở, bảo vệ vị ấy đúng luật pháp. Vì sao vậy? Bởi vì vị ấy đã mất địa vị của một người Sát-đế-lỵ trước đây, và chỉ được nhận diện như là một Sa-môn.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu một người Bà-la- môn… một người Phệ-xá… một người Thủ-đà… cũng làm như vậy… Ngài sẽ đối xử với người ấy như thế nào?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ đảnh lễ vị ấy, hoặc tôi sẽ đứng dậy khi thấy vị ấy, hoặc tôi sẽ mời vị ấy ngồi; hoặc tôi sẽ mời vị ấy nhận các phẩm vật cúng dường như đồ ăn khất thực, nơi cư trú, thuốc men cần dùng; hoặc tôi sẽ sắp đặt sự canh gác, che chở, bảo vệ vị ấy đúng luật pháp. Vì sao vậy? Bởi vì vị ấy đã mất địa vị của một người Bà-la-môn… một người Phệ-xá… một người Thủ-đà… trước đây, và chỉ được nhận diện như là một Sa-môn.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, hay không giống nhau, hay là ngài có ý kiến gì trong trường hợp này?

– Thưa Tôn giả Kaccāna, quả thật nếu sự tình là như vậy thì cả bốn giai cấp này đều giống nhau, tôi thấy không có gì khác nhau giữa những người này.

– Thưa Đại vương, đó cũng là một cách để hiểu rằng câu khẳng định của các Bà-la-môn chỉ là một lời nói trong thiên hạ.

(Trung BK II, Kinh số 84, tr. 550-562)

(3) Địa vị được xác định bằng hành động

[Đức Phật nói với thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha:]

Trong nhiều loài hữu tình,
Tướng phân biệt xác định,
Do nguồn gốc sinh ra,
Trong thế giới loài người,
Không có tướng phân biệt,
Do nguồn gốc thọ sanh.

Không do tóc hay đầu,
Không bởi tai hay mắt,
Không do miệng hay mũi,
Không ở môi hay lông mày.

Không ở cổ hay vai,
Không bởi bụng hay lưng,
Không do mông hay ngực,
Cũng không ở hậu môn,
Hay cơ quan sinh dục.

Không do tay hay chân,
Không ở ngón hay móng,
Không ở đầu gối hay chân,
Cũng không do màu sắc, tiếng nói,
Nguồn thọ sinh không phải
Là tướng để phân biệt,
Như các loài hữu tình khác.

Trong loài người với thân,
Không thấy sự khác nhau,
Phân biệt giữa loài Người,
Được gọi bằng danh xưng.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nghề nông, chăn nuôi,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một nông dân,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nhiều nghề thủ công,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một nghệ nhân,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nghề mua bán buôn,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một thương nhân,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nghề hầu hạ người,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một nô bộc,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nghề chuyên trộm cắp,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một kẻ trộm,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nghề bắn cung tên,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một chiến binh,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, kẻ sống
Bằng nghề làm tế lễ,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một thầy tu,
Không phải Bà-la-môn.

Giữa loài người, cai trị
Nhiều thôn làng, quốc độ,
Thì Vāseṭṭha nên biết,
Đó là một vị vua,
Không phải Bà-la-môn.

Ta không gọi Bà-la-môn,
Theo gia tộc, mẫu hệ.
Nếu người vẫn dính mắc sở hữu,
Thì chỉ là kẻ phô trương.

Người không còn sở hữu,
Không chấp thủ vật gì:
Đó chính là người,
Ta gọi Bà-la-môn.

Người đoạn tận kiết sử,
Quả thật không dao động,
Vượt qua mọi buộc ràng,
Không còn gì dính mắc,
Đó chính là người,
Ta gọi Bà-la-môn.

Người biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa xứ,
Đã đạt đến vô sanh:
Đó chính là người,
Ta gọi Bà-la-môn.

Tên, bộ tộc một người,
Do thế giới định danh,
Xuất phát từ ước lệ,
Được ấn định đó đây.

Ai không biết điều này,
Do khuynh hướng tà kiến,
Vì không biết nên nói:
Bà-la-môn do thọ sanh.

Không phải do thọ sanh,
Thành người Bà-la-môn;
Không phải Bà-la-môn,
Cũng không do thọ sanh.

Chính là do hành động,
Được gọi Bà-la-môn;
Không phải Bà-la-môn,
Cũng chính do hành động.

Một người là nông phu,
Do hành động của họ.
Một người là nghệ nhân,
Do hành động của họ.

Một người là thương nhân,
Do hành động của họ.
Một người là nô bộc,
Do hành động của họ.

Một người là kẻ trộm,
Do hành động của họ.
Một người là chiến binh,
Do hành động của họ.

Một người là thầy tu,
Do hành động của họ.
Một người là quốc vương,
Do hành động của họ.

Người trí nhìn thấy rõ,
Hành động đúng như thật.
Người thấy lý duyên khởi,
Thiện xảo trong hành động.

Do nghiệp, đời luân chuyển,
Do nghiệp, người luân hồi.
Nghiệp trói buộc chúng sanh,
Như trục bánh xe quay.

Sống khổ hạnh, phạm hạnh,
Biết tự chế, điều phục,
Chính danh Bà-la-môn,
Bà-la-môn tối thượng.

(Trung BK II, Kinh số 98, tr. 775-791)

(4) Hành động tạo ra kẻ bần cùng

Thế Tôn nói với người Bà-la-môn Aggibhāradvāja:

– Này Bà-la-môn, ông có biết thế nào là kẻ bần cùng và tính cách nào tạo ra người bần cùng?

– Thưa Tôn giả Gotama, con không biết thế nào là kẻ bần cùng và tính cách nào tạo ra kẻ bần cùng. Xin Tôn giả Gotama vui lòng dạy Giáo pháp để cho con có thể biết thế nào là kẻ bần cùng và tính cách nào tạo ra người bần cùng.

– Này Bà-la-môn, vậy thì hãy chú tâm lắng nghe. Ta sẽ giảng.

– Dạ vâng, thưa Tôn giả.
Bà-la-môn Aggibhāradvāja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Người sân hận, thù nghịch,
Kẻ phỉ báng độc ác,
Nhiều tà kiến, giả dối,
Ông phải biết đó là
Kẻ bần cùng hạ liệt.

Người tổn hại chúng sinh,
Dù sanh một lần, hai lần,
Không có chút bi mẫn,
Đối với mọi chúng sanh,
Ông phải biết đó là
Kẻ bần cùng hạ liệt.

Kẻ tâng bốc chính mình,
Chê người khác hèn kém,
Do bởi lòng ngã mạn,
Ông phải biết đó là
Kẻ bần cùng hạ liệt.

Kẻ lạnh lùng, hà tiện,
Đầy tham dục, keo kiệt,
Và là kẻ lừa dối,
Không hề biết hổ thẹn,
Không biết sợ lỗi lầm,
Ông phải biết đó là
Kẻ bần cùng hạ liệt.

Kẻ chê bai Đức Phật,
Hoặc đệ tử của Ngài,
Là du Tăng, cư sĩ,
Ông phải biết đó là
Kẻ bần cùng hạ liệt.

Người bần cùng hạ liệt,
Không phải do thọ sanh,
Bà-la-môn cao quý,
Cũng không do thọ sanh,
Mà chính do hành động,
Làm thành kẻ bần cùng,
Cũng chính do hành động,
Tạo nên Bà-la-môn.

(Sutta Nipāta, I, 7)

6. ĐẤT NƯỚC

(1) Khi các quốc vương không chơn chánh

– Này các Tỷ-kheo, khi các quốc vương cai trị không chơn chánh, thì các đại thần trong triều đình cũng trở nên không chơn chánh. Khi các đại thần trong triều đình không chơn chánh, thì các Bà-la-môn và các gia chủ cũng sẽ không chơn chánh. Khi các Bà-la-môn và các gia chủ không chơn chánh, thì dân chúng từ thành thị đến thôn quê cũng trở nên không chơn chánh. Khi dân chúng từ thành thị đến thôn quê không chơn chánh, thì mặt trời và mặt trăng đi lệch quỹ đạo. Khi mặt trời và mặt trăng đi lệch quỹ đạo, thì các chòm sao và các tinh tú cũng đi lệch quỹ đạo. Khi các chòm sao và các tinh tú đi lệch quỹ đạo, thì ngày và đêm cũng đi lệch quỹ đạo… tháng và nửa tháng cũng đi lệch quỹ đạo… mùa và năm cũng đi lệch quỹ đạo. Khi mùa và năm đi lệch quỹ đạo, thì gió sẽ thổi trái mùa và bất thường. Khi gió thổi trái mùa và bất thường, chư Thiên sẽ bực mình. Khi chư Thiên bực mình, sẽ không có mưa thuận gió hòa. Khi không có mưa thuận gió hòa, mùa lúa sẽ chín bất thường. Khi dân chúng ăn lúa gạo chín bất thường ấy, mạng sống của họ sẽ ngắn, xấu xí, yếu ốm và bệnh hoạn.

– Này các Tỷ-kheo, nhưng khi các quốc vương cai trị chơn chánh, thì các đại thần trong triều đình cũng chơn chánh. Khi các đại thần trong triều đình chơn chánh, thì các Bà-la-môn và các gia chủ cũng sẽ trở nên chơn chánh. Khi các Bà-la-môn và các gia chủ chơn chánh, thì dân chúng từ thành thị đến thôn quê cũng trở nên chơn chánh. Khi dân chúng từ thành thị đến thôn quê chơn chánh, thì mặt trời và mặt trăng đi đúng quỹ đạo. Khi mặt trời và mặt trăng đi đúng quỹ đạo, thì các chòm sao và các tinh tú cũng đi đúng quỹ đạo. Khi các chòm sao và các tinh tú đi đúng quỹ đạo, thì ngày và đêm cũng đi đúng quỹ đạo… tháng và nửa tháng cũng đi đúng quỹ đạo… mùa và năm cũng đi đúng quỹ đạo. Khi mùa và năm đi đúng quỹ đạo, thì gió sẽ thổi đúng mùa và đáng tin cậy. Khi gió thổi đúng mùa và đáng tin cậy, chư Thiên sẽ hoan hỷ. Khi chư Thiên hoan hỷ, sẽ có mưa thuận gió hòa. Khi có mưa thuận gió hòa, lúa sẽ chín đúng mùa. Khi dân chúng ăn lúa gạo chín đúng mùa ấy, mạng sống của họ sẽ lâu dài, xinh đẹp, và khỏe mạnh.

Khi đàn bò lội qua sông,
Nếu con đầu đàn đi lạc hướng,
Cả đàn sẽ cũng đi lạc hướng,
Vì con dẫn đầu đã sai lạc.

Cũng vậy, trong loài Người,
Khi người được xem là thủ lãnh,
Hành xử không chơn chánh,
Người khác cũng làm như vậy.
Cả nước sẽ bị khổ đau,
Nếu nhà vua không chơn chánh.

Khi đàn bò lội qua sông,
Nếu con đầu đàn đi đúng hướng,
Cả đàn sẽ cũng đi đúng hướng,
Vì con dẫn đầu đã đi đúng hướng.

Cũng vậy, trong loài Người,
Khi người được xem là thủ lãnh,
Nếu hành xử chơn chánh,
Người khác cũng làm như vậy.
Cả nước sẽ được an vui,
Nếu nhà vua chơn chánh.

(Tăng Chi BK I, Ch. IV (VII):70, tr. 695-697)

(2) Chiến tranh nuôi dưỡng hận thù

Vua Ajātasattu (A-xà-thế) của nước Magadha (Ma-kiệt-đà) huy động bốn binh chủng hành quân tiến đánh Kāsi để gây chiến với vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala. Vua Pasenadi nghe tin này liền huy động bốn binh chủng hành quân tiến về Kāsi để chống trả vua Ajātasattu. Rồi vua Ajātasattu và vua Pasenadi giao chiến với nhau, trong cuộc chiến này, vua Ajātasattu đã chiến thắng vua Pasenadi. Vua Pasenadi bị chiến bại, rút lui về kinh đô của mình là Sāvatthī (Xá-vệ).

Rồi vào buổi sáng, một số Tỷ-kheo đắp y, cầm bát, đi vào thành Sāvatthī để khất thực. Sau khi đã khất thực ở Sāvatthī xong, các Tỷ-kheo trở về, sau bữa ăn, họ đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và tường thuật lại những gì đã xảy ra. [Thế Tôn nói rằng]:

– Này các Tỷ-kheo, Vua Ajātasattu của nước Magadha có nhiều bạn xấu ác, vua Pasenadi có nhiều bạn hiền thiện. Tuy nhiên, hôm nay vua Pasenadi đã bị bại trận, tối nay vua sẽ trải qua một đêm khổ sở mất ngủ.

Thắng trận sinh thù hận,
Bại trận thêm mất ngủ.
Người từ bỏ thắng, bại,
An vui ngủ ngon giấc.

[Vào một dịp khác sau đó, khi vua Pasenadi đánh bại vua Ajātasattu, Thế Tôn nói bài kệ rằng:]

Người ngu nghĩ may mắn,
Đi cùng phe với mình,
Bao lâu quả xấu ác,
Chưa đến lúc chín muồi.
Nhưng khi quả ác chín,
Kẻ ngu chịu khổ đau.

Giết người, bị người giết,
Thắng người, bị người thắng,
Hại người, bị người hại,
Mắng người, bị người mắng,

Vậy do nghiệp tiến hành,
Cướp đoạt của người khác,
Sẽ bị người cướp đoạt.

(Tương Ưng BK I, Ch. III (IV-V):1-16, tr. 188-193)

(3) Chuyển luân Thánh vương

Thế Tôn dạy rằng: “Này các Tỷ-kheo, ngay cả một vị Chuyển luân Thánh vương, một đấng pháp vương chơn chánh, cũng không cai trị vương quốc mình mà không có quốc sư phụ tá.”

Khi nghe Ngài nói như vậy, một Tỷ-kheo đã bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, nhưng ai là vị quốc sư phụ tá cho vị Chuyển luân Thánh vương, một đấng pháp vương chơn chánh?”

Thế Tôn đáp:"Này các Tỷ-kheo, đó là Chánh pháp, là quy luật của mọi hành xử chân chính. Vị Chuyển luân Thánh vương, một đấng pháp vương chơn chánh, căn cứ vào Chánh pháp, vinh danh Chánh pháp, tôn kính Chánh pháp; xem Chánh pháp là tiêu chuẩn hành động, là biểu ngữ, là chủ quyền, cung cấp sự an toàn, sự che chở, sự bảo vệ hợp pháp cho những người nương tựa vào ngài. Ngài cung cấp sự an toàn, sự che chở, sự bảo vệ hợp pháp cho những người Sát-đế-lỵ nương tựa vào ngài; cho quân đội của ngài; cho các người Bà-la-môn và gia chủ; cho dân chúng trong thành phố và vùng quê; cho các Sa-môn và Bà-la-môn; cho cầm thú và chim muông. Một vị Chuyển luân Thánh vương, một vị pháp vương chơn chánh như vậy là người cung cấp sự an toàn, sự che chở và sự bảo vệ hợp pháp cho tất cả mọi người, là vị vua chỉ cai trị bằng Chánh pháp mà thôi. Và sự cai trị đó không thể bị lật đổ bởi bất cứ kẻ thù nghịch nào.

(Tăng Chi BK II, Ch. XIII (III):133, tr. 551-553)

(4) Vị Chuyển Luân Thánh Vương chinh phục như thế nào

“Ở đây, khi nhà vua đã làm lễ quán đảnh, vào ngày rằm Bố- tát (Uposatha) (2), sau khi đã gội đầu, ngài đi lên sân thượng của tòa lâu đài để thực hành lễ Bố-tát; ở đó, bánh xe báu cõi Trời hiện ra trước mặt vua, với đầy đủ ngàn cọng tăm, đủ vành xe, trục xe và các bộ phận. Thấy vậy, nhà vua nghĩ rằng: “Ta được nghe nói là khi một vị vua Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, vào ngày rằm Bố- tát, sau khi đã gội đầu, đi lên sân thượng của tòa lâu đài để thực hành lễ Bố tát; ở đó, bánh xe báu cõi Trời hiện ra trước mặt vua, với đầy đủ ngàn cọng tăm, đủ vành xe, trục xe và các bộ phận; rồi vị vua ấy sẽ trở thành bậc Chuyển luân Thánh vương. Ta có được phép làm Chuyển luân Thánh vương không?”

“Rồi nhà vua đã làm lễ quán đảnh, từ chỗ ngồi đứng dậy, tay trái cầm bình nước, tay phải tưới nước lên bánh xe báu và nói: “Xin bánh xe báu hãy lăn, xin bánh xe báu hãy chinh phục!” Rồi bánh xe báu lăn về phương đông, và vị Chuyển luân Thánh vương theo sau với bốn loại binh chủng. Và bất cứ ở nước nào bánh xe báu dừng lại, vị Chuyển luân Thánh vương an trú với bốn binh chủng của mình. Và những vị vua chống đối ở phương đông đều đến trước vị Chuyển luân Thánh vương và nói: “Xin Đại vương hãy đến đây; xin chào mừng Đại vương; xin Đại vương hãy ra lệnh; xin Đại vương hãy dạy bảo.” Và vị Chuyển luân Thánh vương nói rằng: “Quý vị không được sát sanh; không được lấy của không cho; không được nói láo; không được tà dâm; không được uống những chất gây say nghiện. Quý vị hãy vui hưởng những gì quý vị đã từng được hưởng trước đây.” Và những vị vua chống đối ở phương đông trở thành chư hầu của Chuyển luân Thánh vương.

“Rồi bánh xe báu chìm vào biển đông và xuất hiện trở lại. Sau đó nó lăn về phương nam… Và những vị vua chống đối ở vùng phương nam đều trở thành chư hầu của vị Chuyển luân Thánh vương. Rồi bánh xe báu chìm vào biển đông và xuất hiện trở lại. Sau đó nó lăn về phương tây… Và những vị vua chống đối ở phương tây đều trở thành chư hầu của vị Chuyển luân Thánh vương. Rồi bánh xe báu chìm vào biển đông và xuất hiện trở lại. Sau đó nó lăn về phương bắc… Và những vị vua chống đối ở phương bắc đều trở thành chư hầu của vị Chuyển luân Thánh vương.

“Giờ đây, sau khi bánh xe báu đã chinh phục quả đất cho đến tận biên giới đại dương, nó quay trở về kinh đô và dừng lại trước cổng của nội cung vị Chuyển luân Thánh vương, như một bảo vật trang hoàng cho nội cung nhà vua. Đó là cách bánh xe báu xuất hiện trước một vị Chuyển luân Thánh vương.”

(Trung BK III, Kinh số 129, tr. 413-415)

(5) Nhiệm vụ của nhà vua

[Đức Phật kể lại một câu chuyện trong quá khứ xa xôi]: “Lúc ấy, vua Daḷhanemi cho mời thái tử đến và nói: ‘Này con trai của ta, bánh xe báu cõi Trời đã trượt khỏi vị trí của nó. Và ta nghe rằng khi sự kiện này xảy ra cho một vị Chuyển luân Thánh vương, thì vua sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Ta đã thọ hưởng đầy đủ mọi dục lạc của thế gian, nay đã đến lúc tìm cầu những lạc thú của chư Thiên. Con là con trai của ta, hãy cai trị vương quốc này. Ta sẽ cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.’ Và sau khi đã sắp xếp cho thái tử nối ngôi vua, vua Daḷhanemi đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và sau khi vị Thánh vương đã xuất gia bảy ngày, bánh xe báu cõi Trời biến mất.

“Rồi có một người khác đi đến vị vua mới được tấn phong và nói: ‘Tâu Đại vương, ngài phải biết rằng bánh xe báu cõi Trời đã biến mất.’ Khi nghe tin này, nhà vua thấy buồn khổ và sầu muộn. Vua đi đến chỗ vị Thánh vương và báo cho ngài biết tin này. Và vị Thánh vương nói với nhà vua: ‘Này con trai của ta, con không nên buồn khổ và sầu muộn khi thấy bánh xe báu cõi Trời biến mất. Bánh xe báu cõi Trời không phải là gia bảo của tổ tiên ta để lại. Mà bây giờ, con trai của ta, con hãy tự mình trở thành vị Chuyển luân Thánh vương. Và khi sự việc này xảy ra, nếu con hành trì những nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương, vào ngày rằm Bố-tát, khi con đã gội đầu và đi lên sân thượng của tòa lâu đài để thực hành ngày Bố-tát, bánh xe báu cõi Trời sẽ hiện ra trước mặt con, với đầy đủ ngàn cọng tăm, đủ vành xe, trục và các bộ phận.’”

– “Tâu phụ vương, nhưng thế nào là nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương?”

– “Như thế này, con trai của ta: nương tựa vào Chánh pháp, vinh danh Chánh pháp, tôn kính và trân quý Chánh pháp, đảnh lễ Chánh pháp, lấy Chánh pháp làm tiêu chuẩn, làm ngọn cờ và chủ quyền. Con phải thiết lập các biện pháp bảo vệ, cung cấp nơi cư trú, sự an toàn đúng pháp cho những người thuộc hạ của con. Con phải thiết lập các biện pháp bảo vệ, cung cấp nơi cư trú, sự an toàn đúng pháp cho những Sát-đế-lỵ đang ủng hộ con; cho quân đội; cho các Bà-la-môn và các gia chủ; cho dân chúng ở thành thị và nông thôn; cho Sa-môn và Bà-la-môn; cho cầm thú và chim muông. Đừng để cho điều phi pháp có mặt trong vương quốc của con, và hãy bố thí cho những người nghèo khổ. Và bất cứ Sa-môn, Bà-la-môn nào trong vương quốc của con đã từ bỏ đời sống theo dục lạc giác quan và thực hành hạnh nhẫn nhục và nhu hòa, mỗi người tự mình điều phục, tự mình an tịnh, và mỗi người tự mình nỗ lực chấm dứt mọi khát ái, thì thỉnh thoảng con hãy đến với họ và hỏi: ‘Này Tôn giả, thế nào là thiện và thế nào là bất thiện, thế nào là đáng chê trách và thế nào là không đáng chê trách, cái gì nên theo và cái gì không nên theo? Hành động như thế nào đem lại tổn hại và khổ đau lâu dài, hành động nào đem lại an vui và hạnh phúc lâu dài?’ Sau khi đã lắng nghe các vị ấy, con phải tránh những việc bất thiện và làm những việc thiện. Này, con trai của ta, như thế là nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương.”

– “Thưa vâng, tâu phụ vương.”
“Nhà vua trả lời và thực hành nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Và cứ như vậy trong sáu vị vua kế tiếp nhau đã trở thành các vị Chuyển luân Thánh vương. Rồi vị vua thứ bảy lên ngôi trong vương triều này đã không đi đến yết kiến Thánh vương (vua cha, vị vua tiền nhiệm) và tham vấn ngài về nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Thay vào đó, nhà vua cai trị vương triều theo ý riêng của mình, và dân chúng khi được cai trị như thế, đã không phát triển thịnh vượng như các đời vua trước đó đã thực hành nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương.

“Nhà vua sau đó ra lệnh triệu tập tất cả quan đại thần và quốc sư cố vấn để hỏi ý kiến. Và các vị này đã giải thích cho nhà vua về nhiệm vụ của một vị Chuyển luân Thánh vương. Sau khi lắng nghe ý kiến của họ, nhà vua đã thiết lập các biện pháp canh phòng và bảo vệ cho quần chúng, nhưng nhà vua không ban phát tiền của cho người nghèo khó, kết quả là nạn đói nghèo lan rộng. Như vậy, từ việc không ban phát tiền của cho người nghèo khó, nạn nghèo đói lan rộng. Từ chỗ nạn nghèo đói lan rộng, trộm cướp gia tăng. Từ chỗ trộm cướp gia tăng, việc sử dụng vũ khí gia tăng. Từ việc sử dụng vũ khí gia tăng, các vụ giết người gia tăng, nói láo gia tăng, nói lời chia rẽ gia tăng, nạn tà dâm gia tăng - và vì những chuyện này mà thọ mạng của người dân bị suy giảm và dung sắc cũng bị suy giảm.”

(Trường BK II, Kinh số 26, tr. 356-378 (có giản lược)

(6) Giúp cho dân chúng được an cư lạc nghiệp

Thế Tôn nói với người Bà-la-môn Kūtadanta:

– Này Bà-la-môn, thuở xưa có một vị vua tên là Mahāvijita. Vị vua này giàu có, nhiều tài sản của cải, vàng bạc sung mãn, nhiều sở hữu vật chất, tiền bạc và tài vật giá trị, với kho tàng thóc lúa đầy ắp. Và khi vua Mahāvijita ngồi suy nghĩ ở chỗ riêng tư, ý tưởng này khởi lên: “Ta đã đạt được vô số tài sản nhân gian, ta đã chinh phục được đất đai rộng lớn. Giờ đây, ta hãy tổ chức đại lễ tế đàn, để đem lại cho ta nhiều lợi lạc và hạnh phúc lâu dài.” Và nhà vua cho mời vị chủ tế và nói với ông ta ý nghĩ này: “Này khanh, ta muốn tổ chức đại lễ tế đàn. Khanh hãy khuyên ta làm thế nào để việc này đem lại phước lộc và an lạc lâu dài cho ta.”

Vị chủ tế tâu rằng: “Tâu Đại vương, đất nước của Đại vương đang bị bọn trộm cướp quấy nhiễu. Đất nước đang bị tàn phá, làng xóm phố xá đang bị tiêu hủy, thôn quê đang bị bọn cướp hoành hành. Nếu Đại vương thâu thuế vùng này, việc ấy sẽ là một điều sai lầm. Giả sử Đại vương nghĩ rằng: ‘Ta sẽ diệt trừ tai họa giặc cướp này bằng án tử hình hay giam cầm tù tội, hay tịch thu của cải, đe dọa, hay trục xuất’, tai họa này sẽ không chấm dứt được một cách đúng đắn. Những kẻ sống sót sẽ gây tổn thất cho vương quốc của ngài. Tuy nhiên, với kế hoạch sau đây, ngài có thể loại bỏ hoàn toàn tai họa này. Đối với những người sống trong đất nước này đang tham gia cày cấy và chăn nuôi gia súc, Đại vương hãy phân phối thóc giống và vật dụng; những người nào đang buôn bán, hãy cho họ vốn để làm ăn; những người đang phục vụ trong triều đình, ngài hãy cấp lương bổng đầy đủ để họ sinh sống. Rồi những người này sẽ chuyên chú vào nghề nghiệp của mình, và sẽ không gây tổn hại cho vương quốc của ngài. Lợi nhuận của vương triều sẽ dồi dào; đất nước sẽ thanh bình và sẽ không bị bọn trộm cướp quấy phá; và dân chúng an cư lạc nghiệp, chơi đùa với con cái, sẽ sống trong nhà với cửa mở rộng (không sợ bị trộm cắp).

Và vua nói: “Vậy thì cứ làm như thế.” Ngài chấp thuận lời khuyên của vị chủ tế và phân phát hạt giống và vật dụng cho những người tham gia cày cấy và chăn nuôi gia súc, cấp vốn cho những người buôn bán, trả lương bổng đầy đủ để sinh sống cho những người đang làm việc trong triều đình. Rồi những người đó chuyên chú vào nghề nghiệp của họ, không làm tổn hại cho vương triều. Lợi nhuận của nhà vua trở nên dồi dào; đất nước được thanh bình yên ổn và không bị trộm cướp quấy nhiễu; và dân chúng được an cư lạc nghiệp, chơi đùa vui vẻ với con cái, sống trong nhà với cửa mở rộng (không sợ bị trộm cắp).

(Trường Bộ Kinh I, Kinh số 5: Kinh Kūtadanta, tr. 240-243)


    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Truyện tích Vu Lan Phật Giáo


Hạnh phúc là điều có thật


Sống đẹp giữa dòng đời


Mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.135.200.121 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...