Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Mạng sống quý giá này có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào, nhưng điều kỳ lạ là hầu hết chúng ta đều không thường xuyên nhớ đến điều đó!Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta không có khả năng giúp đỡ tất cả mọi người, nhưng mỗi người trong chúng ta đều có thể giúp đỡ một ai đó. (We can't help everyone, but everyone can help someone.)Ronald Reagan
Mỗi cơn giận luôn có một nguyên nhân, nhưng rất hiếm khi đó là nguyên nhân chính đáng. (Anger is never without a reason, but seldom with a good one.)Benjamin Franklin
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Để có đôi mắt đẹp, hãy chọn nhìn những điều tốt đẹp ở người khác; để có đôi môi đẹp, hãy nói ra toàn những lời tử tế, và để vững vàng trong cuộc sống, hãy bước đi với ý thức rằng bạn không bao giờ cô độc. (For beautiful eyes, look for the good in others; for beautiful lips, speak only words of kindness; and for poise, walk with the knowledge that you are never alone.)Audrey Hepburn
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Vào thiền »» Thiền lý »»

Vào thiền
»» Thiền lý

Donate

(Lượt xem: 4.348)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Vào thiền - Thiền lý

Font chữ:


Có vị tăng đến hỏi thiền sư Ngộ Ấn rằng:

- Thế nào là đạo lớn? (如何是大道 - Như hà thị đại đạo?)

Thiền sư trả lời:

- Con đường lớn. (大䟦 - Đại lộ.)

Vị tăng nói:

- Kẻ cầu học này hỏi về đạo lớn, lại đáp là con đường lớn, chưa biết đến ngày nào mới thấu hiểu được đạo lớn. (斈人問大道対以大䟦未審何日達大道 - Học nhân vấn đại đạo, đối dĩ đại lộ, vị thẩm hà nhật đạt đại đạo.)

Thiền sư nói:

- Mèo con chưa hiểu việc bắt chuột. (貓兒未解捉鼠 - Miêu nhi vị giải tróc thử.)

Vị tăng hỏi:

- Mèo con có tánh Phật không? (貓兒有仸性否 - Miêu nhi hữu Phật tánh phủ?)

Thiền sư đáp:

- Không. (無 - Vô.)

Vị tăng lại hỏi:

- Tất cả hàm linh đều có tánh Phật, vì sao chỉ riêng hòa thượng lại không? (一切含灵皆有仸性和尚如何獨旡 - Nhất thiết hàm linh giai hữu Phật tánh, hòa thượng như hà độc vô?)

Thiền sư đáp:

- Không, ta không phải hàm linh. (不, 我不是含霊 – Bất, ngã bất thị hàm linh.)

Vị tăng hỏi:

- Đã không phải hàm linh, tức là Phật chăng? (既非含灵即是仸否 - Ký phi hàm linh tức thị Phật phủ?)

Thiền sư đáp:

- Ta không phải Phật, cũng không phải hàm linh. (我不是仸不是含霊 - Ngã bất thị Phật, bất thị hàm linh.)

*

Qua mẩu đối thoại trên, ta thấy rõ những điều “phi lý” nếu xét theo ngôn ngữ thông thường. Trong khi giáo lý nhà Phật dạy rằng tất cả chúng sinh đều có tánh Phật, thì thiền sư thản nhiên tuyên bố là “mèo con không có tánh Phật”. Hơn thế nữa, người còn đẩy xa mức độ “phi lý” của đối thoại khi tiếp tục phủ nhận bản thân mình cũng “không phải hàm linh”!

*

Thiền sư Vô Ngôn Thông là sơ tổ của phái thiền mang tên ngài tại nước ta. Sau khi đắc pháp với tổ Bách Trượng Hoài Hải, về ở chùa Hòa An, có người đến hỏi ngài có phải thiền sư hay không. Ngài trả lời:

- Bần đạo chưa từng học thiền. (貧道不曾學禪 - Bần đạo bất tằng học thiền.)

*

Có vị tăng hỏi thiền sư Viên Chiếu:

- Thế nào là Bồ-đề ở ngay trước mắt? (如何是觸目菩提 - Như hà thị xúc mục Bồ-đề?)

Thiền sư trả lời:

Bao chim sợ cây cong,
Bờ nước thổi lạnh người.

㡬驚曲木鳥
瀕吹冷虀人

Kỷ kinh khúc mộc điểu,
Tần xuy lãnh tê nhân.

Vị tăng lại nói:

- Kẻ cầu học này không hiểu, lại xin nói rõ hơn. (學人不會更請別喻 - Học nhân bất hội, cánh thỉnh biệt dụ.)

Thiền sư nói:

Người điếc lắng nghe tiếng đàn,
Kẻ mù nhìn lên cung trăng.

聾人聽琴響
盲者望蟾蜍

Lung nhân thính cầm hưởng,
Manh giả vọng thiềm thừ.

*

Còn có rất nhiều trường hợp tương tự, khi mà chúng ta không thể vận dụng logic ngôn ngữ thông thường theo bất cứ hướng nào để có thể hiểu được các thiền ngữ. Trong những trường hợp này, phải chăng các thiền sư đã nói ra toàn những điều phi lý? Hay phải chăng đó là một cách lý luận đặc thù trong ngôn ngữ nhà thiền?

Quả thật, trong phạm vi lý luận thông thường, không còn gì có thể vô lý hơn là những điều vừa dẫn trên. Nếu chúng ta có thể hình dung được một thiền sư chưa từng học thiền, một người điếc lắng nghe tiếng đàn, một người mù nhìn lên cung trăng... thì có lẽ trong ngôn ngữ đời thường sẽ chẳng còn gì có thể xem là “hợp lý” được nữa!

Tuy nhiên, chính ngay từ điểm xuất phát này, thiền học xác quyết rằng cách nhìn nhận thông thường gọi là “hợp lý” của chúng ta về sự vật thật ra chưa phải là chân lý rốt ráo, và nguyên nhân cản trở chúng ta không đạt đến nhận thức toàn diện và chính xác về thực tại chính là sự trói buộc vào những gì chúng ta cho là sự nhận biết “hợp lý” đó. Nếu chúng ta thực sự muốn đạt đến sự trực nhận ý nghĩa rốt ráo của đời sống, chúng ta nhất thiết phải có được một cách nhìn mới, vượt thoát ra khỏi tầm khống chế của những lập luận thông thường vốn chỉ là phiến diện và hẹp hòi. Trong cách nhìn đó, thiền đưa ra những phát biểu hoàn toàn đi ngược lại với mọi lý luận thông thường. Những cách nói hình tượng như ngựa gỗ hí vang, người đá nhảy múa, sóng dậy đất liền... đều rất thường gặp trong thiền ngữ. Một trong những phát biểu được nhiều người biết đến nhất là “tiếng vỗ của một bàn tay”, và chúng ta còn có thể kể ra vô số những điều “phi lý” như thế nữa...

Nhưng thiền không phải mảnh đất đầu tiên nảy sinh những điều “phi lý” như trên. Khi trước mắt chúng ta là núi cao biển sâu, chúng ta phải hiểu thế nào khi trong kinh nói rằng tất cả các pháp đều bình đẳng, không cao, không thấp? Một người mang bộ óc lý luận thông thường khi đọc tâm kinh Bát-nhã sẽ không thấy được gì khác hơn ngoài một sự tập hợp của những điều “phi lý”!

Thật ra, việc nêu lên những vấn đề “phi lý” như trên là một phương thức mà thiền sử dụng để đạt đến một cách nhìn mới về sự vật, có thể giúp chúng ta nhìn sâu vào bản chất thực sự của đời sống. Để đạt đến cách nhìn mới này, chúng ta buộc phải phá vỡ những định kiến sẵn có từ lâu đời rằng chỉ những điều “hợp lý” mới có thể được thừa nhận. Như trên đã nói, thiền nhận ra được rằng những phạm trù “hợp lý” trong ngôn ngữ thông thường quen thuộc là hoàn toàn bất lực trong việc đáp ứng những nhu cầu tâm linh sâu xa nhất của chúng ta, sự trực nhận bản chất thực sự của đời sống.

Khi tiếp cận với thế giới bên ngoài, nỗ lực đầu tiên của chúng ta là đặt tên cho sự vật. Phương thức duy nhất để nắm bắt sự vật là đặt tên, và tên gọi đó đi kèm theo với một khuôn khổ khái niệm đồng thời được hình thành. Đó là tất cả những gì chúng ta nắm được về sự vật. Quá trình diễn ra tiếp theo sau đó là một sự áp đặt ngược lại của tên gọi và khái niệm vào sự vật. Khi một vật mang tên A, nó phải là A. Chúng ta không chấp nhận được và cho là vô lý khi có ai đó nói rằng “A không phải là A” hoặc “A là B”. Nhận thức của chúng ta bị trói buộc, chúng ta cần đến những điều kiện - và thường là rất nhiều điều kiện - để có thể hiểu được sự vật, và chúng ta không thể phá vỡ được sự trói buộc này chỉ đơn giản là vì ta hầu như không nhận ra được nó.

Thiền giúp ta nhận ra điều này, và thấy được rằng tên gọi nói riêng, hay ngôn ngữ nói chung, chỉ là những từ ngữ không hơn không kém! Chúng được tạo ra và sử dụng để mô tả thực tại, nhưng bất cứ khi nào chúng không làm được chức năng ấy, điều sáng suốt tất yếu là ta phải biết quay về với thực tại thay vì là bám chặt vào ngôn ngữ. Vì thế, khi logic ngôn ngữ đáp ứng được nhu cầu giao tiếp của chúng ta, rõ ràng là nó mang một giá trị thiết yếu và chúng ta có thể hài lòng với chức năng của nó. Nhưng một khi ngôn ngữ không thực hiện được chức năng của nó trong một phạm trù nào đó, hoặc khi nó cố áp đặt phạm vi tác dụng vượt qua khỏi những giới hạn của chính nó, chúng ta cần phải biết dừng lại.

Kể từ khi bắt đầu có ý thức, chúng ta luôn nỗ lực không ngừng để khám phá những ý nghĩa sâu xa của đời sống. Nhưng những nỗ lực của chúng ta luôn quy về một hướng duy nhất, quay quắt trong phạm trù đối đãi giữa “đúng” và “không đúng”. Điều đó có nghĩa là khi ta gọi tên một sự vật, ta không chấp nhận được việc sự vật ấy thoát ly khỏi tên gọi của nó. Núi là núi, sông là sông, những trật tự đã được sắp xếp như thế phải được bảo vệ, và chúng ta không hình dung được sự tồn tại của đời sống nếu như những thứ ấy bị đảo lộn!

Nhưng chúng ta hoàn toàn thất vọng khi cuộc truy tìm chân lý theo hướng này trải qua bao đời vẫn không thể đạt được kết quả. Chúng ta không sao đạt đến trạng thái bình thản trong tâm thức, sự an lạc tuyệt đối và nhận thức toàn diện về đời sống. Đi đến tận cùng những nỗ lực của mình, chúng ta cũng không sao vượt thoát được ra khỏi phạm trù đối đãi trong lý luận. Và chúng ta rơi vào thế bế tắc vì không sao mở rộng được nhận thức về thực tại. Chúng ta nhận ra một điều là những diễn biến nội tâm sâu thẳm của ta không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, và ta chưa từng, cũng như không bao giờ có thể có những khái niệm tương ứng để nắm bắt, diễn đạt chúng. Ngay khi nhận ra được điều này, tia sáng đầu tiên của thiền bắt đầu bừng lên và soi rọi sự hiện hữu của ta như một thực thể toàn vẹn không chia cắt. Chúng ta nhận ra rằng những logic lý luận trong ngôn ngữ chỉ là phiến diện và giới hạn, và cái gọi là “vô lý” trong ngôn ngữ thông thường lại không hẳn là vô lý khi được soi rọi dưới một chiều sâu mới. Hay nói cách khác, những gì có vẻ ngoài dường như là “vô lý” thực ra lại “có lý” theo cách riêng của nó và tương ứng với bản chất thực sự của sự vật. Từ đây, chúng ta cũng nhận ra rằng cái gọi là “đúng” chỉ có thể được nhận ra bởi cái “không đúng” - sự hiện hữu của mỗi sự vật không còn là chính nó. Và chính nơi đây ta nhận ra cái gọi là “lý luận của thiền”.

Khi còn trói buộc trong khuôn khổ chật hẹp của ngôn ngữ văn tự, chúng ta không thể có được sự tự do trong tâm thức, và thực tại ngay trước mắt ta vẫn hoàn toàn mất dạng không sao nhận ra được. Một khi vượt qua được giới hạn này, chúng ta trở thành vị chủ nhân thực sự, thoát khỏi sự thống trị của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trở lại đúng với chức năng thực sự của nó là một công cụ do chúng ta sáng tạo ra. Vì thế, ta có thể sử dụng nó hoàn toàn theo ý thích mà không phải tuân theo bất kỳ một điều kiện trói buộc nào. Núi có thể được gọi là núi, sông được gọi là sông, nếu những điều ấy không gây trở ngại gì cho nhận thức của chúng ta. Nhưng núi vẫn có thể không phải là núi, sông có thể không phải là sông, nếu như điều này giúp ta đến gần hơn và trực nhận được thực tại đời sống như vốn có, một thực tại hoàn toàn vượt khỏi phạm trù ngôn ngữ và khái niệm.

Sự vượt thoát khỏi những trói buộc của ngôn ngữ và lý luận đồng thời cũng dẫn đến một sự giải phóng tâm thức. Những mâu thuẫn nội tại không còn nữa vì tâm thức không còn chia tách với đối tượng nhận thức như trong cách nhận hiểu thông thường. Sự giải phóng này giúp cho tâm thức đạt đến trạng thái hoàn toàn tự chủ và tự do, vượt thoát ra khỏi sự dằn vặt của những ý niệm về sống chết, bởi vì những phạm trù đối đãi tương tự như thế giờ đây không còn nữa. Sự hiện hữu vượt qua cả giới hạn của cái chết. Từ trước đến nay chúng ta luôn nhận thức sự vật bằng vào sự tương phản và khác biệt của chúng, và do đó chúng ta cũng tiếp cận với sự vật theo cung cách đối kháng, mâu thuẫn tương ứng với nhận thức như thế. Trong cách nhìn mới, thực tại được nhận thức đúng như nó vốn có, bằng một cái nhìn xuất phát từ nội tâm và không bị chi phối bởi những định kiến sẵn có từ bên ngoài. Tâm thức hiển lộ như một thực thể toàn vẹn, hoàn hảo và đầy an lạc.

Tóm lại, mục tiêu nhắm đến của thiền là nhận thức và tiếp cận với đời sống một cách trực tiếp, không thông qua bất cứ sự chi phối nào của ngôn ngữ, lý luận, định kiến hay những biểu tượng méo mó, què quặt của sự vật. Sự đơn giản trực tiếp là linh hồn của thiền, nhờ đó mà thiền luôn có được tính chất sinh động, tự do và độc đáo. Thiền không chấp nhận bị lôi cuốn vào những biện luận của tri thức, những lý lẽ của triết học vì tất cả những thứ ấy đều đẩy chúng ta đi theo hướng xa rời thực tại. Thiền nhận thức thực tại như nó vốn có và không phủ nhận ngôn ngữ văn tự nhưng đặt nó trở lại đúng với vị trí thích hợp. Với thiền, ngôn ngữ thực sự chỉ là ngôn ngữ không hơn không kém, và thực tại cần phải được trực nhận vượt ngoài phạm vi chi phối của ngôn ngữ.

Chính từ ý nghĩa đơn giản trực tiếp này mà thiền so sánh tâm thức như một tấm gương sáng được lau sạch tất cả bụi bặm. Một tấm gương như thế sẽ có công năng phản chiếu tức thời bất kỳ sự vật nào hiện ra trước nó. Và sự phản chiếu ấy là hoàn toàn trung thực, không kèm theo bất cứ luận giải nào có thể làm sai lệch, méo mó đi những hình ảnh thực có. Bài kệ dưới đây của đại sư Thần Tú đã nói lên rất rõ ý nghĩa này và do đó được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ngợi khen, bảo môn đồ nên thắp hương lễ lạy:

Thân là cây Bồ-đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thường siêng lau siêng rửa,
Chớ để bám bụi nhơ.

Có người dựa vào việc Ngũ Tổ không truyền y bát cho đại sư Thần Tú để cho rằng bài kệ này không nói lên được tinh thần của Thiền tông. Điều đó không đúng. Bởi vì như vừa nói trên, bài kệ đã nói lên rất rõ mục đích nhắm đến của người tu thiền. Và điều này cũng không có gì khó hiểu, vì đại sư Thần Tú là vị giáo thọ đứng đầu trong đồ chúng của Ngũ Tổ, chịu trách nhiệm thay Ngũ Tổ giảng dạy môn đồ. Nếu người không hiểu được tinh thần của thiền, làm sao dắt dẫn cho những môn đồ khác của Ngũ Tổ? Theo những gì được ghi nhận trong kinh Pháp Bảo Đàn, đại sư Thần Tú có thể là chưa đạt đến chỗ tinh yếu tột cùng của thiền như Lục Tổ, nhưng với những người mới bước chân vào thiền thì chỗ nhắm đến vẫn chính là những điều ngài đã nêu ra trong bài kệ trên.

Khi nhận thức rằng núi là núi, sông là sông, chúng ta sử dụng phạm vi kiến giải thông thường của đời sống, và điều này không có gì sai trái. Nhưng ở đây hoàn toàn không có sự hiện hữu của thiền. Sự hiện hữu của thiền không phủ nhận cách nhìn nhận trên, nghĩa là núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, nhưng đồng thời cũng mở rộng phạm trù nhận thức để có thể thấy rằng núi cũng có thể không phải là núi, sông không phải là sông khi tiếp cận và soi rọi vào bản chất thực sự của sự vật. Chính sự mở rộng nhận thức mới này là nguồn sáng tạo của tâm thức, và do đó mà khi thiền tiếp cận với bất cứ sự vật nào, nó mang lại một sự sinh động và sáng tạo độc đáo mà không gì khác có thể thay thế được. Những sự việc nhỏ nhặt tầm thường trong đời sống đều sẽ trở nên sinh động và độc đáo khi được tiếp cận trong tinh thần của thiền.

Từ chỗ buông bỏ mọi khái niệm và tên gọi, chúng ta trở nên hoàn toàn tự do và có thể tiến sâu vào thế giới tâm thức để tiếp cận và khám phá trực tiếp những gì thực sự hiện hữu ngay trong quá trình sáng tạo thực tại. Không có sự hiện diện của lý luận, triết học; không có sự bóp méo thực tại để thích hợp với những khuôn mẫu đã được lý trí tạo ra; cũng không có sự đầu hàng của bản tánh tự nhiên trước những phân tích chia chẻ của lý trí. Ở đây, tâm thức đối diện với thực tại và trực nhận như sự phản chiếu của một tấm gương - không có gì ngăn cản hay làm sai lệch đi quá trình phản chiếu đó.

Trong ý nghĩa này, thiền hoàn toàn thực tiễn. Thiền không chấp nhận bất cứ sự trừu tượng hay suy diễn lý luận nào. Thiền trực nhận đời sống như nó đang hiện hữu, và chỉ có thế, không cần gì thêm nữa. Khi một đóa hoa dại nhỏ nhoi trong góc vườn được nhận hiểu, cả vũ trụ này được nhận hiểu. Và thiền xem đó chính là chìa khóa cho hết thảy những gì chúng ta vẫn gọi là “bí ẩn”.

Đoạn trích sau đây trong Vô Môn Quan, bài thứ 43, có thể sẽ làm rõ hơn những gì chúng ta vừa trao đổi.

Hòa thượng Thủ Sơn Tỉnh Niệm (首山省念) một hôm cầm gậy trúc đưa lên trước đồ chúng nói rằng:

“Mọi người nghe đây, nếu gọi là gậy trúc thì xúc phạm, không gọi là gậy trúc thì trái ngược. Mọi người nói xem, gọi là cái gì? (汝等諸人若喚作竹篦則觸。不喚作竹篦則背。汝諸人且道。喚作甚麼。 - Nhữ đẳng chư nhân, nhược hoán tác trúc bề tắc xúc, bất hoán tác trúc bề tắc bội. Nhữ chư nhân thả đạo, hoán tác thậm ma?)

Không thể nói, không thể không nói! Nỗ lực của thiền sư nhằm chỉ thẳng đến chỗ vượt thoát ngôn ngữ có thể được thấy rõ trong lời dạy này.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 20 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Hoa nhẫn nhục


Kinh Duy-ma-cật (Hán-Việt)


Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng


Thiếu Thất lục môn

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.254.18 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (273 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...