Kinh nghiệm đơn sơ nhất trong đời sống kể từ khi bắt đầu hiện hữu có thể là sự phân chia giữa đối tượng và chủ thể. Không bao lâu sau khi chào đời, một em bé đã có thể bắt đầu có được những nhận thức đơn giản nhất về “thế giới bên ngoài” trong mối tương quan với bản thân. Rồi kể từ đó, sự phân chia và mối tương quan giữa chủ thể với đối tượng sẽ theo đuổi em cho đến tuổi trưởng thành, trở thành phần cốt lõi nhất trong sự hiện hữu.
Tất nhiên, những gì trải qua trong đời sống sẽ có ý nghĩa làm cho vấn đề trở nên ngày càng phức tạp hơn. Và chính từ đó nảy sinh sự phân biệt giữa tinh thần và vật chất. Sự hiện hữu của mỗi cá nhân giờ đây được nhận biết như sự cấu thành của 2 yếu tố là thân và tâm. Thân tiếp xúc với thế giới vật chất bên ngoài, trong khi tâm nhận biết và đồng thời tiếp xúc với thế giới tinh thần trừu tượng, những gì mà ta không thể nhìn thấy hay sờ mó được. Sự nhận biết cũng giúp tâm giữ vai trò làm chủ mọi hoạt động của thân, và vì thế được xem như chủ thể cao nhất trong tương quan với đối tượng khách thể bên ngoài.
Tất nhiên, chúng ta đang cố gắng trình bày vấn đề theo hướng đơn giản nhất. Nhưng từ những nét cơ bản này, triết học và tôn giáo của nhân loại từ xưa đến nay đã không ngừng mở rộng những cách nhìn khác nhau về thân và tâm, cũng như đối với mối quan hệ giữa thân và tâm, giữa chủ thể với đối tượng bên ngoài...
Nhưng dù là đơn giản hay phức tạp, vấn đề mà hầu hết mọi người đều có thể đồng ý với nhau là có một mối tương quan nhất định giữa tâm thức và ngoại cảnh. Chính từ đây, người ta nỗ lực đi tìm một giải pháp cho tình thế bế tắc của tri thức lý luận trước những khổ đau trong cuộc sống.
Chúng ta đều biết là với những tâm trạng khác nhau chúng ta sẽ cảm nhận về những gì xảy ra trong cuộc sống theo những cách khác nhau. Nói một cách văn vẻ như các nhà thơ là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Xuất phát từ nhận thức này, người ta thấy được rằng cho dù trong một số trường hợp ngoại cảnh hầu như không thể thay đổi, nhưng tâm trạng của chúng ta lại hoàn toàn có thể. Với những phương thức tác động thích hợp, hoặc rèn luyện, tu dưỡng, chúng ta có thể chủ động tạo ra những tâm trạng tích cực có lợi trong việc tiếp cận với đời sống. Nói một cách cụ thể hơn, với tâm trạng tích cực chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được những hoàn cảnh bất lợi hay khó khăn.
Để tạo ra những tâm trạng tích cực, hầu hết các tôn giáo đều dựa vào đức tin và các phương thức tu dưỡng. Sự tu dưỡng giúp cho tâm thức đạt đến những trạng thái tích cực như sự thanh thản, điềm tĩnh, lạc quan, sáng suốt... trong khi đức tin tạo ra một sức mạnh tinh thần.
Vì thế, sự hình thành các tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình tồn tại của nhân loại. Nhân loại có thể đã bớt đi phần nào gánh nặng khổ đau trong cuộc sống, cũng như có thêm sức mạnh để vươn lên chính là nhờ một phần lớn ở tôn giáo. Triết học và tâm lý học cũng đóng góp không ít vào việc giải quyết vấn đề, nhưng những giải pháp đưa ra thường là không phổ cập cho tất cả mọi người, trong khi tôn giáo có thể mở rộng vòng tay đến bất cứ tầng lớp nào trong xã hội, không phụ thuộc vào vốn liếng tri thức của mỗi cá nhân. Tất cả những gì tôn giáo đòi hỏi chỉ là đức tin, mà điều đó thì hầu như có thể có được ở bất cứ ai.
Tất nhiên, trên đây chỉ đề cập đến những vấn đề mà tri thức đã đi đến chỗ bế tắc. Trong phạm vi thế giới vật chất, tri thức nhân loại đã vượt qua những chặng đường dài để giúp hoàn thiện cuộc sống. Chẳng hạn như khoa học, công nghệ, y học, kỹ thuật, chính trị... đều góp phần thay đổi tích cực đời sống nhân loại. Nói cách khác, những nỗ lực này đã giúp chúng ta làm thay đổi ngoại cảnh. Nhưng, như đã nói trên, sự thay đổi này có những giới hạn nhất định. Chẳng hạn, y học có thể tiến xa và rất xa, nhưng hầu như không bao giờ chúng ta có thể đẩy lùi tất cả bệnh tật. Chúng ta cũng không thể loại bỏ được sự già yếu và cái chết sẽ đến với mỗi con người. Và hơn thế nữa, những tiến bộ khoa học không bao giờ là món quà tặng miễn phí có thể đến với tất cả mọi người.
Như vậy, giải pháp khả thi đối với hết thảy mọi người trong mối quan hệ giữa tâm thức và ngoại cảnh vẫn là nỗ lực tu dưỡng để hoàn thiện tự thân, tạo ra được những tâm trạng tích cực trong đời sống. Một khi tâm thức đã thay đổi, ngoại cảnh cho dù không thay đổi nhưng cảm nhận của chúng ta tất yếu sẽ thay đổi.
Mặt khác, khi nhìn từ góc độ kinh nghiệm cá nhân, tâm thức chính là yếu tố quyết định cảm nhận của ta đối với hoàn cảnh. Bởi vì ngoại cảnh chỉ có thể được xem là hiện hữu trong mối tương quan với chủ thể, và những trạng thái tâm thức khác nhau sẽ quyết định việc ngoại cảnh được chủ thể cảm nhận như thế nào. Từ cách nhìn này, tâm thức không chỉ góp phần, mà thực sự là yếu tố giữ vai trò quyết định những nỗi khổ đau hay hạnh phúc của mỗi cá nhân.