PHÁP MÔN GIẢI THOÁT
Trong các giáo lý của đạo Phật, có thể xem Tứ diệu đế, hay Tứ đế, là giáo lý căn bản nhất. Chính vì vậy, lần thuyết pháp đầu tiên của đức Phật chính là thuyết dạy về Tứ diệu đế cho nhóm năm người của ông Kiều-trần-như tại vườn Lộc Uyển, ở thành Ba-la-nại. Về sau, dù ngài tiếp tục giảng thuyết rất nhiều kinh điển khác, nhưng chưa từng xem nhẹ lý Tứ đế. Đức Phật thường dạy rằng, giáo lý Tứ đế chính là cội nguồn của mọi pháp môn giải thoát. Và cho dù người ta có chọn tu theo bất cứ pháp môn nào, cũng không thể đi ngược lại với lý Tứ đế.
Bởi vì theo đúng như tên gọi, Tứ diệu đế chính là bốn chân lý vi diệu, bốn sự thật mà không ai có thể chối bỏ hoặc hiểu khác đi được. Bốn chân lý hiển nhiên ấy, người đời ai ai cũng có thể nhìn thấy, cũng có thể biết được, nhưng do sự tham đắm, mê muội, họ chưa bao giờ nhận rõ được chúng để có thể tìm đến giải thoát. Chính đức Phật là người đầu tiên nhận rõ và truyền dạy lại bốn chân lý này cho chúng ta.
Bốn chân lý ấy là: sự khổ não, nguồn gốc của sự khổ não, sự diệt trừ được khổ não, và phương thức, con đường để diệt trừ khổ não, đạt được giải thoát. Hiểu rõ được Tứ diệu đế, con người có thể vượt qua được khổ não tiến đến giải thoát, lại còn có thể cứu độ cho vô số người khác nữa.
Khi đức Phật trải qua sáu năm khổ hạnh tu trì trong chốn rừng sâu mà không đạt được giải thoát, ấy là vì lúc đó ngài chưa hành trì theo Tứ diệu đế. Và dù cho ngài có tiếp tục tu như thế đến hết cuộc đời, chắc chắn cũng không thể đạt thành chánh quả. Chỉ đến khi ngài đến dưới cội cây bồ-đề ở rừng Già-đa xứ Ưu-lầu-tần-loa, nhập vào đại định và chứng đắc lý Tứ diệu đế. Từ đó ngài mới có thể quán chiếu cho đến khi giác ngộ hoàn toàn và thành Phật Thế Tôn.
Khi ngài quyết định truyền bá đạo đạo pháp mà mình đã chứng ngộ để cứu độ chúng sanh, ngài đã nghĩ đến việc chọn lựa những giáo lý nào thích hợp nhất với căn cơ của đa số chúng sanh lúc bấy giờ, và ngài đã chọn pháp Tứ đế để giảng dạy trước hết.
Trong khi giảng pháp Tứ đế, đức Phật đã chỉ rõ rằng, tất cả chúng sanh đều có thể đạt được giải thoát, chứng đắc Niết-bàn an lạc, nhưng họ vẫn cứ chìm đắm mãi trong việc tạo khổ và chịu khổ, là do nơi sự mê tối mà ra. Và sự mê tối ấy thể hiện ở chỗ là họ không biết, không hiểu lý Tứ đế. Thấu rõ được lý Tứ đế thì tâm trí sẽ được sáng suốt, và thực hành theo Tứ đế thì sẽ dứt tuyệt khổ não.
Bốn chân lý này có thể được trình bày vắn tắt như dưới đây:
1. Khổ đế: Cuộc đời vốn dĩ là khổ. Từ khi sanh ra, lớn lên cho đến chết đi, con người sống triền miên trong sự khổ. Nhưng họ không tự biết điều đó. Khi đói khát được ăn uống, họ lấy sự no đủ lúc ấy làm khoái lạc, làm sung sướng, mà quên mất rằng đó chẳng qua là sự thay đổi trong phút chốc mà thôi. Sanh ra là khổ, không tránh khỏi cái già là khổ, bệnh tật là khổ, không tránh được sự chết là khổ, mong muốn điều gì không được thỏa ý là khổ, phải gặp gỡ những người mình oán ghét là khổ, phải xa cách những người mình yêu thương là khổ... Cuộc đời là một chuỗi dài những nỗi khổ như thế, tả không thể hết. Vậy mà có ai dám dứt bỏ nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan để ra đi tu hành cầu đạo giải thoát, người đời lại không hiểu nổi chí khí cao cả ấy mà cho là chuyện lạ lùng. Họ có biết đâu, những gì mà người đời cho là khoái lạc, là sung sướng, thảy đều chỉ là tạm bợ, và là nguyên nhân của sự khổ đó mà thôi. Nhận rõ được bản chất khổ não của cuộc đời, chính là động lực căn bản giúp người ta phát khởi được tâm nhàm chán thế tục mà cầu đạo giải thoát.
2. Tập đế: Sự khổ vốn dĩ có nguyên nhân của nó. Con người do nơi tâm tham lam, ái luyến mà tạo nên nghiệp quả, lại để thần thức ngu mê bị dẫn dắt theo nghiệp lực mà luân chuyển thọ sanh trong chốn luân hồi. Có sanh tử tất phải có các sự khổ khác đeo bám theo, triền miên không dứt. Nên nói nguyên nhân của khổ não chính là sự mê tối, lại dẫn đến các tâm tham lam, sân hận và si mê. Ví dụ như, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra lòng tham muốn là nguyên nhân của sự khổ. Nếu người không tham muốn thì không có động lực để chạy theo biết bao nhiêu sự khó nhọc ở đời, lại cũng không phải buồn đau khổ sở khi ý muốn của mình không đạt được. Người càng tham đắm vào chỗ nhục dục, khoái lạc, lại càng phải khổ sở, đau đớn nhiều hơn những kẻ khác. Đó chính lf do lòng tham nó hại mình vậy.
3. Diệt đế: Chân lý này nói lên rằng, sự khổ vốn nó có nguyên nhân, cho nên hoàn toàn có thể trừ diệt được. Nguyên nhân đã là ở nơi sự mê tối, lòng tham muốn ái dục, vậy thì muốn diệt khổ chỉ cần tu tập sao cho phát huy được cái trí sáng suốt của mình, và dứt bỏ lòng tham ái là tự nhiên sẽ được thảnh thơi giải thoát. Khi trí tuệ sáng suốt rồi thì không bị chìm đắm trong sự mê tối mà tạo tác các nghiệp lành dữ nữa. Nghiệp quả đã không có, lòng tham ái cũng không, thì không do đâu mà phải tái sanh trong chốn luân hồi. Vì vậy có thể an trụ nơi chỗ giải thoát. Tuy nhiên, cũng nên biết rằng, nghiệp lực của mỗi chúng sanh đã hình thành từ vô thủy đến nay, dù đã dừng không tạo nghiệp, nhưng cái dư báo cũng còn nặng nề lắm, phải hết sức kiên trì mà vượt qua mới có thể đạt đến chỗ giải thoát hoàn toàn.
4. Đạo đế: Như trên là chỉ nói chung chung về sự khổ não có thể tu tập để trừ diệt được. Nhưng muốn tu tập như thế nào cho đúng phương thức, cho có hiệu quả, và chắc chắn không bị lầm đường lạc lối, thì cần phải học hỏi chân lý này. Đây là tám con đường mà chúng sanh có thể noi theo đó để đạt đến chỗ giải thoát. Ai vững tin và cố sức hành trì, chắc chắn sẽ đạt đến kết quả tốt đẹp, và không sợ lầm lạc vào chỗ mê tối nữa. Tám con đường, hay tám phương thức tu tập ấy gọi là Bát chánh đạo. Đó là:
1. Chánh kiến: Có một cách đúng đắn, thấu đáo về Tứ diệu đế và giáo lý vô ngã.
2. Chánh tư duy: Suy nghĩ có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm.
3. Chánh ngữ: Nói lời chân chánh, không nói dối, nói phù phiếm.
4. Chánh nghiệp: Theo các nghiệp lành, chân chánh, không phạm vào các ác nghiệp.
5. Chánh mạng: Tránh các nghề nghiệp có hại đến những chúng sanh khác, như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện... Chọn một nghề nghiệp chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình.
6. Chánh tinh tấn: Tinh cần phát triển những điều thiện, diệt trừ điều ác.
7. Chánh niệm: Tỉnh giác với cả ba nghiệp thân, miệng và ý, lúc nào cũng phòng hộ không để phạm vào các ác nghiệp.
8. Chánh định: Tập trung tâm ý, tu tập định lực. Người muốn tu chánh định thường phải nhờ tu tập thiền định, vì thiền định là pháp môn tốt nhất để giúp ta có được định lực.
° ° °
Tứ diệu đế có thể xem là giáo pháp căn bản nhất, thiết thực nhất mà đức Phật đã truyền dạy. Cho dù còn vô số những pháp môn, giáo lý khác nữa, nhưng ngài đã chọn pháp Tứ đế này là căn bản nhất để khuyến khích tất cả mọi người tu tập, hành trì theo.
Trong kinh có ghi lại rằng, một hôm Phật đang ở ven một một khu rừng tại xứ Câu-đàm-di, ngài cầm trong tay một ít lá cây và hỏi các vị đệ tử chung quanh rằng: “Lá ta cầm trong tay đây là nhiều, hay lá trong rừng kia là nhiều?”
Chư đệ tử thưa rằng: “Bạch Thế Tôn, số lá trong tay là ít, còn lá trong rừng là nhiều.”
Phật dạy rằng: “Cũng như vậy đó, chư đệ tử! Những gì ta đã biết là rất nhiều, như lá trong rừng kia, nhưng ta không đem ra giảng dạy hết cho các ngươi, vì ta biết có những điều không có ích lợi cho sự giải thoát, không giúp cho các ngươi sớm dứt bỏ sự ham muốn, sự giả dối mà cầu đến sự sáng suốt, cảnh Niết-bàn. Ta chỉ dạy các ngươi những điều ít như lá trong tay ta đây thôi, nhưng là những điều có ích cho sự tu tập đạo giải thoát, những điều có thể giúp các ngươi sớm dứt bỏ sự ham muốn, sự giả dối mà cầu đến sự sáng suốt, cảnh Niết-bàn. Ta đã dạy cho các ngươi những gì? Đó chính là pháp Tứ đế: là sự khổ, nguồn gốc sự khổ, sự diệt khổ và tám chánh đạo để diệt khổ.”
Rõ ràng đức Phật không muốn giảng giải nhiều về những điều vô ích, chẳng hạn như biến giáo pháp của ngài thành một khoa triết lý khảo sát tường tận về vũ trụ với không gian và các điều bí ẩn. Ngài chỉ muốn dạy cho đệ tử những điều thật thiết thực, hữu ích, có thể giúp đưa đến sự giải thoát.
Một lần khác, Phật nói rõ hơn rằng: “Này chư đệ tử! Giống như nước trong biển cả chỉ có thuần một vị là vị mặn, giáo pháp của ta cũng chỉ có thuần một vị là vị giải thoát.”
Như vậy, muốn học được giáo pháp của Phật mà không chú tâm đến chỗ giải thoát, khác nào mong nếm nước biển mà không có vị mặn, thật vô lý thay. Mà trong các pháp môn giải thoát của Phật truyền dạy, tưởng chỉ có pháp Tứ đế là thiết thực nhất, căn bản nhất. Nếu dụng tâm học tập, hành trì theo pháp này, chắc chắn sẽ được giải thoát vậy.
I. KHỔ ĐẾ
Nhận rõ sự khổ trong cuộc đời là điểm xuất phát căn bản của người tu tập. Người phương Tây có câu rằng: “Cái mà ta gọi là hạnh phúc đó, chẳng qua chỉ là sự vắng mặt tạm thời của đau khổ mà thôi.” Nói như vậy, tuy chưa hoàn toàn đúng, nhưng cũng đã đi gần đến chỗ thừa nhận đau khổ như là một tính chất chủ yếu của cuộc đời.
Nếu chịu để tâm suy xét kỹ một chút, trong chúng ta không ai là không nhận ra được điều này. Cuộc đời chúng ta, từ khi sanh ra, lớn lên rồi già chết, là một chuỗi dài những nỗi đau khổ nối tiếp nhau, và chúng ta chỉ có thể chấp nhận chứ không thể tránh né đi đâu được.
Đôi khi, chúng ta nghe một người quen báo tin rằng: “Thật không ngờ ông A thế mà chết rồi!” Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy tội nghiệp thay cho lời nói mê muội ấy! Vì sao lại không ngờ? Người ta ai ai cũng vậy, vừa sanh ra vốn dĩ đã nhận sẵn một bản án tử hình rồi, nghĩa là đã phải chờ đợi một ngày chết sẽ đến, không sao tránh được. Nhưng còn tệ hại hơn cả những bản án tử hình của thế gian, vốn bao giờ cũng quy định một ngày giờ cụ thể, và người sắp chết sẽ được hưởng những ân huệ tối thiểu cuối cùng; bản án tử hình mà cuộc đời dành cho chúng ta không hề có một ngày giờ nhất định, và có khi nó được thi hành thật thảm khốc, không có chút ân huệ lưu tình. Nếu người có trí, rõ ràng không thể đắm say trong dục lạc được khi biết chắc rằng mình đang sống những giây phút đợi chờ một cái chết chắc chắn sẽ đến, mà lại phải luôn thấp thỏm vì không biết nó đến lúc nào.
Phật hỏi một vị tỳ-kheo rằng: “Mạng người được bao lâu?” Vị ấy đáp: “Được vài ngày.” Phật nói: “Nhà ngươi chưa hiểu đạo. Phật lại hỏi một vị tỳ-kheo khác: “Mạng sống người ta là bao lâu?” Thưa rằng: “Chỉ trong một bữa cơm.” Phật nói: “Nhà ngươi vẫn chưa hiểu đạo.” Phật lại hỏi một vị tỳ-kheo khác: “Mạng sống người ta là bao lâu?” Thưa rằng: “Chỉ trong hơi thở vào ra mà thôi.” Phật dạy: “Hay thay! Ngươi thật đã hiểu đạo.”
Sự chết nó đã đe dọa con người ta như thế, thì cuộc đời làm sao lại không khổ não? Đã vậy, như có may mắn mà hưởng trọn tuổi đời, không phải chết yểu lúc xuân thời, thì tuổi già không bao lâu đã ập đến. Dù trong lòng còn tham muốn biết bao điều, sự hưởng thụ chưa lấy gì làm thỏa thích, mà tuổi xuân chẳng mấy chốc đã không còn. Lưng khòm, gối mỏi, chân tay run rẩy, đi lại khó khăn... dù lòng không muốn mà cũng không biết làm sao tránh khỏi.
Chỉ mới nói qua hai cái khổ lớn là già và chết, đến như cái khổ bệnh tật lại cũng chẳng mấy ai tránh khỏi. Khi mắc phải thì thân thể có khi phải đớn đau, tâm ý phải mỏi mệt, có nhiều lúc không chịu đựng được chỉ muốn chết cho thoát khổ.
Nếu kể cho hết những nỗi khổ của cuộc đời, e rằng chẳng thể nào nói hết.
Ngay cả giáo lý của đạo Bà-la-môn cũng nhận rằng sự đau khổ chiếm phần rất lớn trong cuộc đời, lớn cho đến nỗi, đối với những nỗi khổ ấy thì cái vui chẳng có đáng gì, và lớn đến nỗi không ai tránh khỏi nó. Cho dù không tìm ra được con đường thoát khổ, nhưng giáo lý này cũng đã đúng được một phần khi nhận ra nỗi khổ thực có trong cuộc đời.
Đức Phật cũng có dạy rằng, ngay cả đến những cảnh giới tốt đẹp như chư thiên cõi trời cũng chưa phải là thoát hết sự khổ. Bởi vì ở đó cũng vẫn chưa thoát được sự sống chết, vẫn còn tùy thuộc nơi nghiệp lực mà sanh ra và chết đi, thọ sanh nơi những cảnh giới khác.
Ông Adhémer Leclère sau khi tìm hiểu tư tưởng của các nhà sư Cao Miên có ghi lại về sự khổ như thế này:
“Cái khổ có khắp nơi chung quanh ta, nó gần với mọi vật. Người với thú ăn lẫn nhau, tranh nhau, giết nhau. Và người với người cũng tranh nhau giết nhau nữa. Người với người giành giật nhau dường như thú khác loại. Những khi ăn uống, đi đứng, cử động, ta khó mà tránh sự giết thác và làm khổ. Để sống còn, nhiều loài phải làm hại những loài khác, theo quy luật khắc nghiệt: mạnh được yếu thua. Biết bao mạng chết, biết bao mạng khổ tạo thành một mạng sống. Thú dữ rình người, hại người, giết người; muỗi mòng chích người với thú, rồi bị chim chóc bắt và ăn, kế chim lớn hại chim nhỏ.
“Ngay khi còn nằm trong bào thai, người đã phải chịu khổ và làm khổ cha mẹ rồi. Lớn lên cũng không thoát khổ, lại vừa làm nhọc mệt mẹ cho cha nuôi nấng ẵm bồng. Khi lớn lên thành người, phải làm lụng nuôi thân và nuôi vợ, nuôi con; tức là phải đeo lấy cái khổ. Vả lại, mọi sự đều phải khổ. Cái khổ kèm theo cái sướng luôn luôn, nhưng nó có mãi, còn cái sướng chỉ thoáng qua mà thôi. Không ai được sung sướng trọn vẹn. Lại không ai trong những lúc sung sướng, lại chẳng có những cái khổ xen vào. Bao giờ cái khổ cũng chờ sẵn, và nó cắn rứt mình, nó thiêu đốt con người như ngọn lửa độc.
“Cái khổ ở khắp nơi; trong mọi vật và theo vạn vật, không ai là thoát khỏi nó. Những kẻ tỏ ra hân hoan, sung sướng, thật sự chẳng phải là thoát khổ. Chỉ là đôi khi con người ta đã quá khổ sở rồi, khi được vơi bớt đi một đôi phần, liền cho đó là sự sung sướng mà thôi. Nhưng thực chất là họ vẫn khổ.”
Chẳng những ta thấy được là nỗi khổ trong một đời này, mà trong vô số đời sống trước đây, ta đã khổ rồi. Và nếu không tu tập để cầu được giải thoát, thì trong vô số đời sau nữa, ta sẽ còn phải chịu khổ mãi. Mỗi một kiếp sống là mỗi lần phải chịu những nỗi buồn rầu, đau đớn, lo sợ; phải khóc than sầu khổ vì cha chết, mẹ chết, anh chết, chị chết, con chết, vợ chết... Và trong chốn luân hồi, dù cao thấp, sang hèn, cũng đều phải nối tiếp nhau mà chịu khổ mãi mãi.
Trong đời, không ai tránh khỏi được bốn nỗi khổ lớn là sanh, già, bệnh, chết. Đức Phật Thích-ca khi còn làm một vị Thái tử, cũng đã sớm tỉnh ngộ từ khi nhận ra những nỗi khổ này. Ngài mới quyết định ra đi tìm cách diệt khổ. Khi vua cha không muốn để ngài ra đi, một trong những lý lẽ của ngài đưa ra là: “Nếu phụ vương không muốn cho con ra đi tìm đạo giải thoát, vậy phụ vương hãy làm sao cho con sống hoài không chết, mạnh hoài không đau, trẻ hoài không già.” Nhưng bậc vua chúa nào có thể ban cho ngài những điều ấy? Ngày nào còn chưa thật sự giải thoát, con người chẳng có cách gì mà thoát khỏi được những sự khổ ấy.
Nếu xét thêm đến những nỗi khổ nhỏ hơn, lúc nào cũng đầy dẫy quanh ta, thì cuộc đời thật không có một khoảng trống nào là không có sự khổ lấp đầy. Và trong chốn khổ não ấy, có gì thật sự đáng để cho ta mê đắm không nhàm chán?
Tuy nhiên, đạo Phật nhìn nhận sự khổ của cuộc đời không phải để đi đến chỗ bi quan, chán nản. Đây chỉ là vấn đề chấp nhận một thực tế để sớm tích cực tìm ra cách giải quyết. Chính trên tinh thần đó mà đức Phật đã tìm ra chân lý thoát khổ và truyền dạy lại cho nhân loại.
II. TẬP ĐẾ
Theo quyển La Lumière de l’Asie, đức Phật có thuyết giảng về nguyên nhân của sự khổ như sau:
“Có cái khổ nào tự nó đến mà không phải do nơi sự tham muốn hay chăng? Chính là khi giác quan với sự vật tiếp xúc nhau, liền sanh khởi lòng tham muốn, rồi tình dục và lòng khao khát mới cháy bừng lên.
“Con người chỉ biết đeo đuổi theo những bóng dáng, những mộng ảo và cho đó là thật, con người nhận lấy một cái bản ngã giả trá, rồi chung quanh đó mới xây dựng thành một mảnh đất tượng ảnh.
“Con người mù quáng nên không trông ánh sáng chói lòa của chân lý, điếc nên không nghe được tiếng gió mát ở cõi cao hơn cảnh Đế-thích, câm nên không tương ứng được với Bậc cao quý đã bỏ cuộc đời giả mà qua cuộc đời thật. Bởi thế, cho nên những sự tranh giành và tình dục kéo đến và làm hỗn loạn trên mặt đất này; bởi thế cho nên tâm hồn lầm lạc, khổ sở, những giọt nước mắt cay đắng phải trào ra; bởi thế cho nên lòng mê muội, tham lam, ganh ghét mới nảy sanh ra! Bởi thế cho nên ở đâu mà hột giống có thể mọc thì cỏ hại lại choán đầy với rễ sâu và bông độc, khiến cho giống lành rất khó mà tìm được chỗ phì nhiêu để rơi xuống và mọc lên. Rồi thần thức phải luân chuyển, theo nghiệp lực mà tái sanh với một tấm lòng khao khát mới. Cái bản ngã đã cuồng nhiệt, lại thêm các giác quan giục tới, liền gây thêm ác nghiệp nữa và tiếp tục chịu quả báo bi thảm mãi mãi.”
Nguồn gốc của sự khổ bắt nguồn từ lòng tham muốn, sự khao khát sống ở đời, những sức mạnh ấy làm cho mình luân hồi mãi mãi, hết đời này sang đời kia. Nguồn gốc sự khổ tức là khao khát, tham muốn với sự vui, khao khát với sự sống, khao khát với ái dục.
Kinh Pháp Cú có nói:
Ái luyến sanh sầu bi,
Ái luyến sanh sợ hãi.
Ái thoát khỏi ái luyến,
Không sầu, đâu sợ hãi.
Con người lấy làm vui thích được sống lâu, và cố sức để đạt được danh vọng, sự giàu sang. Họ luyến mến, tham đắm vào những thứ ấy, không nghĩ đến việc tìm cách thoát ra bao giờ. Mọi người đều muốn đời này được mọi điều thỏa thích và mong đời tới được sung sướng hơn. Cái lòng mong muốn ấy, cái lòng khao khát ấy, nó lừa phỉnh, nó nhận chìm, nó dày xéo con người trong vòng khổ sở và đọa lạc vào các nẻo luân hồi!
Nhưng lòng khao khát tình dục, sự tham đắm đã tích lũy qua nhiều đời nên nó mạnh mẽ lắm, con người khó mà chiến thắng và vượt qua được nó. Nhìn theo góc độ này, có những người mà thế gian cho là tài trí, thông minh, nhưng thực sự vẫn là người mê tối, vì không thoát ra được những cám dỗ, thúc giục của lòng tham dục. Điều đáng buồn hơn nữa, là sự tham muốn tự nó chẳng bao giờ có một giới hạn cuối cùng. Càng được thỏa mãn tham muốn, lại càng tham muốn nhiều hơn nữa. Vì vậy, nên khổ lại chồng chất khổ, con người mãi mãi không tìm được lối thoát ra.
Nói tóm lại, nguyên nhân của khổ não chính là từ nơi sự mê tối, lòng tham muốn không cùng. Chỉ cần chúng ta nhất thời dừng được mọi sự tham muốn, đam mê, nhận ra chân lý cuộc đời, chúng ta sẽ thấy lòng nhẹ nhõm, hướng thẳng về bến bờ giải thoát.
III. DIỆT ĐẾ
Chân lý thứ ba nói lên rằng: Sự đau khổ trong cuộc đời không phải là không trừ diệt được. Chỉ cần chúng ta nhận rõ được nó và nguyên nhân gây ra nó, chúng ta có thể trừ diệt được. Mà trừ diệt được hết khổ não, chẳng phải đã đồng nghĩa với an vui, tự tại rồi đó sao?
Sự tham luyến, khao khát làm cho người ta phải khổ não, luân hồi. Vậy muốn hết khổ, diệt khổ, tất nhiên phải diệt sự tham luyến, lòng khao khát ái dục.
Thường thì chúng ta bị trói buộc vào sự tham sống sợ chết. Chúng ta không thể hình dung được một sự giải thoát không còn sống chết. Nhưng ta có biết đâu, hết thảy những sự sống chết luân chuyển trong luan hồi, đều do nơi tự tâm ta mê muội mà sanh khởi nên. Khi tâm ý trở nên sáng suốt, dứt sạch được các sự tham ái, luyến mến, thì không còn động lực để tái sanh trong luân hồi nữa. Khi ấy là cảnh giới tịch tĩnh thường hằng, an vui tự tại, không còn các sự khổ não đeo bám nữa.
Người đời có thể nhận ra được sự khổ, bởi trong cuộc sống xét cho cùng hết thảy đều là khổ. Chỉ cần có người nhắc nhở, chỉ ra là có thể dễ dàng nhận biết được ngay. Nhưng sự diệt khổ thì không phải ai ai cũng có thể nhận ra hoặc tin nhận vào được. Bởi cái cảnh giới đã diệt khổ hoàn toàn là cảnh giới riêng của các bậc chứng ngộ. Các vị đã vì chúng ta mà truyền dạy lại. Nhưng người đời khi chưa chứng ngộ thì chưa thể thật sự hiểu hết cảnh giới ấy. Tin nhận một điều mà mình chưa hoàn toàn hiểu rõ, là một điều cũng rất khó khăn.
Tuy vậy, kẻ có trí có thể đặt được niềm tin vào chân lý diệt khổ này. Bởi vì nếu đã thừa nhận nguyên nhân của sự khổ, thì việc dứt bỏ nguyên nhân ấy sẽ đi đến thoát khổ là điều có thể tin chắc. Hơn thế nữa, chỉ cần ngay trong lúc chúng ta vừa dứt bỏ một phần các sự tham luyến, thì đã có thể cảm nhận ngay tức thì sự thanh thản, nhẹ nhàng hơn trước trong tâm mình. Chính vì vậy mà sau khi Phật truyền dạy giáo lý Tứ đế, hàng thức giả đương thời tin nhận và hành trì đạt đạo số đông không thể kể hết.
Nhưng chân lý thứ ba này tuy nói rằng muốn diệt khổ thì phải đoạn dục, mà đoạn dục như thế nào lại là một vấn đề khác. Sự tham ái vốn dĩ đã đeo bám chúng sanh từ vô số kiếp đến nay, không phải dễ dàng muốn dứt là dứt được ngay. Phải có ý chí kiên cường, dũng mãnh và hành trì theo những phương thức thích hợp, đúng đắn, thì mới có thể chắc chắn đạt được kết quả mong muốn. Vấn đề này được trình bày trong chân lý thứ tư là Đạo đế.
IV. ĐẠO ĐẾ
Phật dạy con đường dẫn đến giải thoát, gọi là Bát chánh đạo. Vì đây cũng được xem là đạo của bậc thánh xuất thế, nên còn được gọi là Bát thánh đạo.
Nói một cách chính xác hơn, đây là tám phương thức tu tập, hành trì giúp người tu học đạt đến sự giải thoát. Vì thế, người tu cần phải áp dụng song song, cùng lúc, chứ không phải chỉ chọn theo một trong tám phương thức này. Và do tính chất ấy, nên những phương thức này luôn có sự tương quan hỗ trợ cho nhau. Người tu tập thành công trên một phương diện này, thì cũng sẽ tiến bộ nhất định trên những phương diện khác.
Bát chánh đạo là con đường đưa đến cảnh an lạc và hết khổ. Từ xưa đến nay, đã có biết bao dấu chân bước theo con đường ấy, tiến lên đỉnh núi sừng sững kia tượng trưng cho giải thoát. Núi cao ấy có tuyết phủ quanh năm, chung quanh có mây vàng cuốn tròn. Người ta có thể tiến lên theo triền núi, những chỗ dốc đứng, hoặc chọn những đường dễ dàng hơn, để tới được đỉnh cao, nơi ấy hiện ra những cảnh giới khác. Những ai đủ ý chí và sức mạnh, có thể chọn theo đường hiểm mà tiến thẳng lên để mau đến đích. Những kẻ yếu sức phải biết đi vòng, xa hơn và ngừng nghỉ nhiều chỗ, nên cũng sẽ lâu đến hơn. Bát chánh đạo là như vậy; nó dẫn đến nơi an lạc. Dù chọn theo cách nào, thì kết quả cuối cùng vẫn là đạt đến đỉnh cao nơi có thể nhìn thấy chân trời giải thoát rộng mở.
Theo đúng như tên gọi, Bát chánh đạo bao gồm tám phương thức tu tập chân chánh được trình bày như sau:
1. Chánh kiến
Tức là chỗ thấy biết chân chánh. Người tu tập chánh kiến nhìn và hiểu mọi sự việc theo đúng như bản chất của chúng, không bị sự mê tối làm che lấp, không bị sự tham dục làm sai lệch. Chỗ thấy chân chánh quan trọng nhất là thấy biết rõ ràng, đúng đắn về lý Tứ đế. Thấy biết đời là khổ, biết rõ nguyên nhân sự khổ, biết rằng sự khổ ấy có thể dứt trừ được bằng cách tu tập, và biết được phương thức tu tập chân chánh để đạt được giải thoát.
Người tu tập chánh kiến thấy rõ các ác nghiệp của chúng sanh như giết hại, trộm cướp, tà dâm là ba nghiệp của thân; nói dối, nói thô tục, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, là bốn nghiệp của miệng; tham lam, sân hận, si mê là ba nghiệp của ý. Lại thấy rõ cả mười loại ác nghiệp ấy đều phát khởi do nơi tâm ý còn mê tối, bị vô minh che lấp. Vì thế, chỉ cần phát khởi trí tuệ sáng suốt, dứt bỏ mười ác nghiệp, liền trở về với đường lành, làm được mười điều thiện.
Bậc chánh kiến cũng thấy rằng hết thảy vạn vật đều sẽ phải tan rã, và thân người chẳng qua chỉ là do vật chất giả hiệp mà thành, chẳng thể trường tồn, phải chịu luật đau khổ. Thấy biết như vậy nên có thể dứt bỏ được sự luyến ái, tham tiếc đối với thân mạng.
2. Chánh tư duy
Tức là suy nghĩ chân chánh. Người tu tập muốn được chánh kiến thì phải có chánh tư duy. Cũng vậy, phải có chánh tư duy mới có thể có được chánh kiến, vì hai pháp tu tập này quan hệ mật thiết, không tách rời nhau. Trong lòng chỉ dụng tâm suy ngẫm những điều chân chánh, rèn đúc những pháp lành, thì tự nhiên tâm ý được trong sạch, sáng suốt và có được cách nhìn chân chánh, thấu đáo về vạn pháp.
Cái thấy của người được chánh kiến không phải là cái thấy của mắt thường, đó chính là nhờ có được chánh tư duy. Người Nhật trong phái Thần giáo thường có câu này: “Mắt có thể nhìn thấy điều dơ bẩn, nhưng tâm ý vẫn trong sạch.” Chính khi thấy điều dơ bẩn, mà nhờ tâm ý trong sạch, nên vẫn giữ được chánh kiến. Nếu trong lòng suy nghĩ những điều tà vạy, thì ngược lại, dù đang ở giữa nơi thanh tịnh cũng chỉ nhìn thấy toàn những điều nhơ nhớp. Mối quan hệ giữa chánh kiến và chánh tư duy là như vậy.
Người muốn rèn luyện, tu tập theo pháp chánh tư duy cần có sự kiên trì, quyết tâm. Mỗi mỗi việc làm trong ngày, đều phải hướng tâm ý đến chỗ trong sạch, tốt lành. Như khi ăn uống, không buông thả tâm ý chạy theo việc phê phán món ăn ngon hay dở, rồi sanh tâm chê bai hoặc thèm muốn; chỉ một lòng suy nghĩ rằng, vì cần phải sống để tu tập cho nên mới ăn, vậy chỉ cầu món ăn có thể nuôi sống là quý rồi. Còn những thứ mùi vị thơm ngon, khoái lạc trong sự ăn uống, thảy đều chỉ là giả tạo, tự thân chúng không thể tồn tại lâu dài, nhưng lại có thể níu kéo con người đắm chìm trong bể dục lạc mãi mãi.
Trong việc đối nhân tiếp vật hàng ngày, cũng phải luôn giữ cho tâm ý mình được chân chánh. Việc không hợp với đạo thì không để tâm chìm đắm vào. Tu tập lâu ngày, chỗ suy nghĩ của mình sẽ trở nên chân chánh, theo đúng nếp lành. Khi ấy thì thấy của quý chẳng khởi lòng tham, thấy sắc đẹp chẳng khởi lòng dục. Hơn thế nữa, dù gặp cảnh người khác mắng nhiếc, xúc phạm, cũng có thể an nhiên nhẫn nhục mà không hề sanh tâm oán hận, giận ghét.
Người tu tập được chánh tư duy, trong giấc ngủ cũng được hưởng sự an lạc, thanh thản. Điều đó rất tự nhiên. Khi ta suốt ngày chạy theo vật dục, suy nghĩ những điều tà vạy, mưu thần chước quỷ, rắp tâm đoạt vật hại người... thì trong giấc ngủ những thứ ấy sẽ lãng vãng đến mà làm cho ta chẳng thể nào yên giấc. Dù có ngủ say, mà tâm trí vẫn thấy mỏi mệt, vì chẳng hề được thư giãn, nghỉ ngơi. Mặt khác, chính những điều ta lo lắng, sợ sệt nhất đều sẽ hiện ra trong giấc ngủ. Kẻ trộm mơ thấy mình bị bắt, kẻ giết người mơ thấy bị hành hình... Nói chung, mọi việc ám muội đều dẫn đến những cơn ác mộng. Người tu tập chánh tư duy thì không mắc vào những việc ấy. Vì tâm ý lúc nào cũng giữ gín, xa lánh các ác nghiệp, nên thân và miệng cũng được trong sạch, chẳng hề phạm vào. Lại nhờ suy nghĩ toàn những việc lành, nên trong giấc ngủ thần trí cũng luôn luôn được thanh thản, an ổn. Chỉ riêng một điều này, cũng có thể dùng để đo lường kết quả tu tập của mỗi người rồi.
Một nhà hiền triết Hy Lạp có nói: “Nghĩ điều lành thì sống một cách an lành” Nghĩa là suy nghĩ thế nào, cuộc sống thế ấy. Tâm ý càng hiền lành thì cuộc đời càng nhàn hạ, khoái lạc. Vì vậy, người tu phải biết cố công vun bồi chánh tư duy, trụ cột thứ hai trong cảnh nhà phước huệ đang gây dựng.
3. Chánh ngữ
Lời nói chân chánh. Lời nói tuy có vẻ như không gây hại gì trước mắt, nhưng thật sự rất nguy hiểm đối với người tu tập. Nếu không tu tập chánh ngữ, thì không thể nào giữ gìn được chánh kiến và chánh tư duy.
Người tu tập chánh ngữ phải giữ gìn thận trọng lời nói của mình. Không phạm vào các ác nghiệp như nói dối, nói thô tục, nói lời đâm thọc, súc xiểm, nói lời độc ác. Lại cũng không được phóng túng nói chơi những lời vô ích. Dù ta vẫn tưởng là những lời ấy vô hại, nhưng thật ra chúng làm ảnh hưởng rất nhiều đến sự thanh tịnh của tâm ý.
Người mới xuất gia thường phải có những thời gian tu tập bằng cách tịnh khẩu, nghĩa là ngậm miệng không nói trong một thời gian nhất định, như một tuần, một tháng... Nhờ giữ miệng được yên tịnh, nên tâm ý mới được thanh tịnh.
Ác nghiệp do lời nói gây ra, tuy khó nhận biết nhưng lại rất nặng nề. Dù một lời nói, đôi khi có thể hại người đến táng gia bại sản. Lại nữa, lời nói ác bao giờ cũng đi kèm với tâm địa ác, lại nuôi dưỡng lớn mãi tâm ác độc ấy. Lâu ngày thành ra thói quen, dù nhất thời muốn bỏ cũng không thể nào bỏ được.
Người tu tập nếu có thể tự chế được lời nói của mình, thì nó trở nên quý giá biết bao! Nó không còn là một món độc hại, một lưỡi gươm giết người nữa, mà trở thành một phương tiện giúp thêm vào sự tu tập rất có hiệu quả.
Người phương Tây có câu nói rằng: “Trước khi nói, nên uốn lưỡi bảy lần.” Ấy là nói sự cân nhắc, đắn đo cẩn thận trước khi thốt ra lời nói. Xem thế thì biết, từ Đông sang Tây người ta cũng đều nhận ra sự lợi hại của lời nói.
Nói tóm lại, người tu tập chánh ngữ phải luôn luôn giữ gìn lời nói của mình. Đã tránh xa các nghiệp ác của lời nói, mà thậm chí mỗi khi mở miệng muốn nói, nếu xét thấy không phải lời có ích thì cũng không nên nói ra. Tu tập được như vậy, thì mới có thể hòa hợp được từ lời nói đến ý nghĩ, việc làm, không có gì là không chân chánh.
Việc tu tập để dứt trừ bốn nghiệp ác của lời nói, tựu trung có thể kể ra như dưới đây:
1. Không nói dối: Chỉ nói lời chân thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không dối gạt bất cứ ai, dù là việc công hay việc riêng tư, dù là với người lạ hay với kẻ quen biết. Nếu biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, có thì nói có, không thì nói không. Không vì lợi mình hay vì lợi người, hay vì bất cứ một động lực nào khác mà sanh tâm phạm vào việc nói dối.
2. Không nói lời thô tục, khêu gợi lòng dục của người khác. Bao giờ cũng thốt ra lời chân chánh, khiến người nghe phát khởi tâm chánh trực, xa lìa những ý tưởng tà vạy.
3. Không nói hai lưỡi: Bao giờ cũng tránh nói ác, nói đâm thọc làm cho người ta cãi nhau, giận nhau, gây gổ nhau. Khi hai bên có chuyện xích mích, chẳng bao giờ đến với mỗi bên lại nói một cách khác nhau khiến cho họ đem lòng giận dỗi nhau, oán ghét nhau hơn trước. Chỉ nói những lời làm cho hòa hiệp nhau, tạo ra sự vui vẻ, êm ái.
4. Không nói lời độc ác, lời vô nghĩa. Ác nghiệp của chúng ta từ lâu xa trong quá khứ tích tụ cho đến nay, nên mỗi khi nói lời ác độc thì thấy lòng hả hê, dễ chịu, dù rằng lời nói ấy là đúng hay không đúng với sự thật. Nhất là khi có sự oán giận ai, thì càng muốn chọn những lời hết sức thâm độc, cay cú mà nói mới hả giận. Phải biết chống lại mà diệt trừ cái thói quen xấu xa ấy. Chỉ nói những điều đáng nói, hoặc thà là lặng thinh chẳng nói. Nếu có dịp, phải biết đem lời đạo nghĩa ra mà giảng giải, truyền dạy cho người.
Giữ được bốn nghiệp lành về lời nói, đối với người tại gia thì phước lạc rất nhiều, được người khác yêu kính, được thành tựu trong sự nghiệp, và được hạnh phúc trong cuộc sống gia đình.
Còn đối với những người xuất gia thì được phước lạc vô biên, nhờ đó mà dễ tiến tới trên đường tu tập để đạt đến chỗ giải thoát mà hưởng sự an lạc đời đời.
4. Chánh nghiệp
Tức là việc làm chân chánh. Mỗi một việc làm của chúng ta đều tạo ra nghiệp quả. Lành hay dữ là do nơi tính chất của việc làm. Người tu tập chánh nghiệp luôn cân nhắc thận trọng trong việc làm, chỉ làm những việc thực sự có ích cho mình, cho người một cách chân chánh. Từ vô thủy đến nay, chúng ta phải trôi lăn trong sanh tử luân hồi, chung quy cũng là do nghiệp lực dắt dẫn. Nay nếu không khéo biết uốn nắn cho việc làm của mình trở về nương theo nẻo chánh, thì dựa vào đâu mà mong được giải thoát khỏi chốn khổ não?
Người tu tập chánh nghiệp, trước hết phải giữ cho việc làm của mình không phạm vào ba việc sau đây:
1. Không giết hại sanh mạng của muôn loài. Cho dù là con sâu, con kiến, cũng không được vô cớ khởi ác tâm mà giết hại. Người tu hành đến việc hái một ngọn rau mà ăn, cũng phải nghĩ đến việc bảo dưỡng gốc rau để duy trì sự sống, chẳng nỡ nhổ hẳn lên. Đối với loài vô tình mà còn thương đến, huống hồ là đối với những loài vật hữu tình. Vì vậy, người tu chánh nghiệp quyết trọn đời không dùng gươm đao, cây gậy mà đâm chém, đánh đập ai, cũng không bày mưu sâu kế độc mà làm cho người khác phải bị tổn hại. Đối với hết thảy chúng sanh, cũng đều khởi lòng từ bi mà thương mến, mà bảo vệ sự sống. Cho đến sanh mạng của chính mình, cũng không bao giờ vì gặp lúc cùng quẫn khó khăn mà tự ý dứt bỏ, vì như vậy cũng là phạm vào ác nghiệp. Có người cho rằng chỉ cần không giết hại mạng sống kẻ khác, còn như mình tự giết mình là không có tội, điều đó thật hoàn toàn không đúng. Thân mạng là do cha mẹ sanh ra, khó khăn lắm mới nuôi dưỡng cho khôn lớn thành người. Cho dù có sống đến suốt đời mà phụng sự cha mẹ cũng chưa trả hết ơn sâu, huống hồ là mười việc ta làm, chưa chắc đã có một việc dành riêng cho cha mẹ? Nay lại tự ý dứt bỏ mạng sống của mình, ấy chẳng phải là kẻ trốn tránh nợ nần đã vay đó hay sao? Lại gây thêm nỗi khổ tâm cho bao nhiêu người khác nữa, phải vì mình mà liên lụy, thương tiếc. Xét như vậy thì biết việc tự vận cũng là gây ra ác nghiệp rất nặng nề.
2. Không trộm cắp hoặc cướp giật bất cứ vật gì của ai. Từ vật nhỏ nhoi cho đến những món to tát, nếu không thuộc về sở hữu của mình, mà người chủ của vật ấy không tự ý mang cho, thì không được tìm cách chiếm lấy. Xét cho rõ lý này, thì không chỉ những kẻ công khai trộm cướp của người khác, mà cho đến những kẻ buôn gian bán lận, hoặc tham ô nhũng lạm nơi cửa quyền, thảy đều phạm vào nghiệp này. Bởi vì người mất của không phải là tự nguyện đưa cho, mà đều bị dồn ép, bị lừa phỉnh nên mới phải chịu thiệt thòi. Còn như người thật sự khổ sở, có kẻ vì lòng thương xót mang cho chén cơm, lọn rau, thì có thể nhận lấy mà không phạm tội. Tuy rằng những món ấy về sau rồi cũng phải hoàn trả cho người, nhưng sự vay trả như vậy không thuộc về ác nghiệp.
3. Không tà dâm, nghĩa là không phạm sự dâm dục với bất cứ ai không phải là vợ hoặc chồng mình, cho đến việc mua dâm cũng là phạm vào ác nghiệp. Như vậy, người tại gia chỉ ngăn cấm sự tà dâm, còn người xuất gia thì phải dứt hẳn sự dâm dục.
Việc dâm dục tự nó đã làm cho tâm ý người ta mê đắm mà mất đi sự sáng suốt, nó lại còn dẫn đến rất nhiều ác nghiệp khác nữa. Đến các bậc vua chúa vì đam mê nữ sắc mà mất nước, hại dân, kể ra cũng không ít. Chưa nói đến biết bao kẻ táng gia bại sản, gia đình ly tán cũng đều do nơi sự đam mê sắc dục không chính đáng.
Người tu chánh nghiệp, giữ cho thân không phạm vào các ác nghiệp như trên, tức là đi dần đến chỗ thanh tịnh giải thoát. Lại phải biết nuôi dưỡng tâm đạo bằng cách làm những việc lành, giúp ích cho người khác và luôn rèn luyện bản thân ngày càng hoàn thiện hơn.
5. Chánh mạng
Tức là nuôi sống thân mạng một cách chân chánh. Việc làm của của chúng ta có được chân chánh hay không, xét cho cùng cũng có quan hệ rất mật thiết với nghề nghiệp mưu sinh của ta. Bởi vì cần phải tự nuôi sống mình và gia đình, nên mỗi người chúng ta khi bước vào đời đều phải chọn lấy cho mình một nghề nghiệp. Chính nghề nghiệp ấy quyết định một phần rất lớn về những việc làm của chúng ta. Dân gian có câu rằng: “Nghề nào nghiệp nấy.” Xét ra cũng rất chí lý theo nghĩa này. Vì nghề nghiệp là công việc để mưu sinh, nên nó là loại công việc mà chúng ta phải dành nhiều thời gian nhất. Nghề tốt lành giúp chúng ta tạo nghiệp tốt lành, nghề bất chính khiến ta phải mắc vào những nghiệp bất chính.
Đó là xét theo nghĩa nghề là công việc để nuôi sống con người. Hiểu như vậy, nên những kẻ suốt đời chuyên trộm cắp, lừa đảo, cũng gọi là một nghề, một nghề bất chính.
Nhưng nếu hiểu theo nghĩa những nghề chân chính giúp người sinh sống, thì tục ngữ Pháp lại có câu rằng: “Chỉ có người hèn kém chứ không có nghề hèn kém.” Nói như vậy có nghĩa là không nên căn cứ vào nghề nghiệp mà đánh giá sự hơn kém của con người. Nói cụ thể hơn, một người phu quét đường chưa hẳn đã có nhân cách thua kém một thầy giáo. Ngược lại, một vị bác sĩ chưa hẳn đã có nhân cách tốt đẹp hơn người bán hàng rong trên phố.
Tuy nhiên, dù rằng nghề nghiệp chưa hẳn quyết định được sự cao thượng hay thấp hèn của con người, nhưng vẫn phải thừa nhận một điều là nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của người ấy. Mỗi một nghề nghiệp, trước hết đều phải giúp cho người ta có đủ thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng kèm theo đó, nó có những đóng góp nhất định vào cho toàn xã hội. Người nông dân làm ra lương thực để mọi người khác có thể mua lấy mà ăn. Người bác sĩ giúp xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bao nhiêu người khác. Người thầy giáo giúp đào tạo nên những bậc nhân tài trí đức để ngày sau có thể giúp đời. Xét như vậy thì, tuy cũng đều là nghề nghiệp kiếm sống, mà sự lợi ích mang lại cho người khác đều có phần sai biệt chẳng hoàn toàn giống nhau.
Bởi vậy, người tu tập chánh mạng phải biết chọn cho mình một nghề nghiệp chân chánh. Những nghề gây hại đến kẻ khác như buôn bán vũ khí, thuốc độc, rượu bia... đều không thể xem là nghề chân chánh. Thậm chí những nghề như chăn nuôi heo gà để giết thịt, hoặc mổ xẻ thịt để buôn bán... cũng đều là những nghề không tốt, dễ khiến người đi sâu vào ác nghiệp. Dù không chọn được những nghề cao quý như dạy học, chữa bệnh... cũng nên chọn lấy những nghề không làm hại đến chúng sanh khác. Nếu chọn được một nghề chân chánh thích hợp, tức là một cách rất quan trọng để tu tập chánh mạng vậy.
Người tu tập chánh mạng phải biết bảo tồn mạng sống một cách trong sạch và bồi dưỡng sức khỏe một cách chính đáng. Phải biết chọn lấy món ăn, dùng những thức ăn nhẹ nhàng thanh đạm, như rau cỏ, trái cây, chỉ nhằm nuôi sống khỏe mạnh là được rồi, không vì cho được ngon miệng mà tham cầu đến những món ăn như thịt, cá, khiến phải làm hại đến sanh mạng của muôn loài. Về thức uống, cũng chọn những món tinh khiết từ thảo mộc, không mê đắm những thứ rượu bia hay các chất có kích thích. Cho đến cách điều hòa hơi thở, rèn luyện thân thể, ngủ nghỉ có điều độ... cũng đều là những việc phải học tập, tu dưỡng. Bởi vì có nuôi dưỡng thân mạng mình một cách chân chánh, thì mới có đủ điều kiện mà tu tập, hành trì những pháp môn giải thoát khác.
6. Chánh tinh tấn
Tức là chuyên cần, nỗ lực một cách chân chánh. Nghĩa là với những việc nên làm thì phải cố hết sức mà làm. Đã làm được rồi, lại phải cố hết sức mà duy trì, giữ lấy, chẳng để cho lùi sụt.
Người tu tập chánh tinh tấn, biết chọn lựa lấy những pháp chân chánh để mà nỗ lực tu trì, không rơi vào những cách nghĩ, cách làm tà vạy, vô ích.
Vì là nỗ lực một cách chân chánh trong việc tu tập, nên khi tu tập pháp chánh tinh tấn này cũng là tu tập tất cả những pháp chân chánh khác. Người tu tập chánh tinh tấn, không biết mỏi mệt chán ngán trong việc làm điều thiện, rèn luyện thân tâm. Bởi vậy, cho đến việc thiện rất nhỏ cũng chẳng bỏ qua không làm.
Có bốn phép tinh tấn mà người tu thường phải rèn luyện nhất, gọi là Tứ chánh cần, được kể ra như sau:
1. Tinh tấn xa rời các điều ác. (Sanskrit: Anutpanna¬ppakkuśaladharma) Người tu tập rèn luyện cho tâm ý tránh xa các ác nghiệp ngay từ khi chúng còn chưa sanh khởi. Nhờ ra sức tinh tấn, kiểm thúc tâm ý, nên đối với sự vật, khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị ngon, thân thể xúc chạm, ý thức nhận biết, người tu đều không để tâm mê đắm vào sự vật. Người tu luôn luôn dè dặt, tự thủ hộ các căn, không để cho các tư tưởng xấu thống trị, chi phối, nên những tâm tham cầu, buồn khổ không thể sanh khởi lên. Nhờ khéo kềm chế các giác quan, không phạm các điều ác, nên người tu có được sự an lạc trong tâm.
2. Tinh tấn vượt qua những ác nghiệp đã sanh khởi. (Sanskrit: Utpanna-ppakkuśala-dharma) Người tu tập rèn luyện cho tâm ý vượt qua những điều ác đã sanh khởi. Nhờ ra sức tinh tấn, cố công mà kiểm soát tâm ý, nên những điều ác đã phạm vào không còn để cho tái phạm nữa. Như vậy, có thể vượt qua mà diệt mất đi những ác nghiệp ấy.
Có năm cách để vượt khỏi những tư tưởng xấu khi chúng sanh khởi lên:
a. Suy tưởng đến một vấn đề khác thanh cao hơn.
b. Hoặc quán xét sự thấp hèn, xấu xa của những tư tưởng đang sanh khởi ấy. Người tu nghĩ rằng: “Những tư tưởng này thật nhơ nhớp thấp hèn, rất đáng trách và chúng sẽ gây ra quả báo đau khổ.”
c. Hoặc là dứt bỏ, không quan tâm đến những tư tưởng ấy.
d. Hoặc là suy nghĩ, phân tích rõ sự giả hợp của những tư tưởng ấy.
e. Hoặc là dùng ý chí và trí tuệ mà dứt bỏ những tư tưởng xấu ấy đi.
Nhờ vào một trong năm phương cách ấy, người tu có thể tinh tấn vượt qua phiền não, diệt những tư tưởng xấu ác thuộc về tham, sân, si. Nhờ vậy mà tìm được sự an lạc trong tâm ý.
3. Tinh tấn thực hiện các điều lành (Sanskrit: Utpannakuśala-dharma). Người tu dùng sức tinh tấn của mình mà rèn luyện cho phát hiện nơi bản thân mình những đức lành, làm cho những đức tánh ấy nảy nở thêm ra. Người ra sức tinh tấn học tập và tu trì các pháp chân chánh của đạo giải thoát, dần dần đạt được trạng thái an lạc của sự tu tập.
4. Tinh tấn phát triển những điều lành đã có (Sanskrit: Anutpannakuśala-dharma). Người tu dùng sức tinh tấn mà duy trì và phát triển những đức lành đã có nơi mình, không để cho suy giảm mất đi, lại bồi bổ cho đầy đủ và hoàn thiện.
Người tu tập chánh tinh tấn dùng sức tinh tấn để thúc đẩy đạo hạnh và trí tuệ của mình, vững bước tiến ngày một cao xa hơn trên đường đạo.
Người có được đức chánh tinh tấn, nhờ diệt trừ phiền não và tu tập những điều lành, nên sống một cách an lạc, không luyến ái, không đố kỵ, thuận theo tự nhiên, không bị sự vật ràng buộc, lôi cuốn. Chánh tinh tấn chính là động lực để thúc đẩy sự tăng trưởng của các pháp chân chánh khác.
7. Chánh niệm
Tức là ý niệm, sự nhớ nghĩ chân chánh. Người tu tập giữ liên tục trong lòng mình sự nhớ nghĩ chân chánh, không để cho các vọng niệm, tà kiến có chỗ xen vào được. Muốn tu tập chánh niệm, người tu phải hành trì đủ bốn phép: Chánh niệm về thân, Chánh niệm về thọ cảm, Chánh niệm về ý và Chánh niệm về pháp.
a. Chánh niệm về thân
Người tu tập pháp này phải chọn nơi yên vắng, ngồi tĩnh lặng một mình và duy trì chánh niệm:
1. Chánh niệm trong khi hô hấp. Ngồi theo tư thế kiết già, chăm chú theo dõi hơi thở vào ra đều đặn. Hơi thở phải hoàn toàn tự nhiên, không gấp, không chậm. Khi hơi thở đi vào, người tu biết rằng hơi thở đang đi vào. Khi hơi thở được đưa ra, người tu biết rằng hơi thở đang được đưa ra. Khi hơi thở đi vào, sanh niệm tưởng rằng: “Trong khi tôi đang thở vào, tôi lắng nghe và biết rõ hơi thở đang đi vào thân tôi.” Khi thở ra, sanh niệm tưởng rằng: “Trong khi tôi đang thở hơi ra, tôi lắng nghe và biết rõ hơi thở đang từ trong thân tôi đi ra.”
Khi đã nhuần nhuyễn, người tu vừa thở vào vừa niệm tưởng rằng: “Trong khi tôi thở hơi vào, tôi muốn cho hơi thở của tôi trở nên yên tịnh.” Rồi khi thở ra, liền niệm tưởng rằng: “Trong khi tôi thở hơi ra, tôi muốn cho hơi thở của tôi trở nên yên tịnh.”
Sau đó, người tu niệm tưởng về thân thể của mình và thân thể của người khác, nhận ra sự giả hiệp của thân theo cách nào và sẽ tan rã theo cách nào... thân thể của mình cũng thế, và thân thể người khác cũng thế. Cuối cùng, người tu hiểu ra được rằng, đó chỉ là những thân thể giả hợp mà thôi. Hiểu như vậy rồi, người tu liền niệm tưởng rằng: “Đây chỉ là một thân thể giả hợp, không phải là mạng sống, không phải là đàn ông, đàn bà, cũng không phải là tôi, không phải là người khác.”
Với cái niệm tưởng bền vững ấy, người tu hiểu rõ và chứng nhập một cách sâu xa về sự giả hiệp của thân người, nên tuy vẫn sống trong cõi trần mà thoát được mọi sự ràng buộc, luyến mến, an trụ trong phép chánh niệm về thân.
2. Chánh niệm trong khi đi, đứng, ngồi, nằm. Nhờ duy trì chánh niệm, nên trong khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, người tu đều tỉnh giác, tự biết rõ rằng mình đang đi, đang đứng, đang ngồi, hoặc đang nằm. Quán xét cả thân mình và thân người, người tu niệm tưởng và thấu hiểu được rằng: “Ấy là cái thân giả hợp đang đi, đứng, ngồi, nằm; thật không phải là tôi, hoặc là ai khác. Nếu hiểu rằng tôi đi, tôi đứng, tôi ngồi, tôi nằm, ấy là không nhìn thấu được bản chất thật sự.”
3. Chánh niệm trong mọi hành động. Người tu tập pháp này, trong khi đi lại, làm việc, hoặc cúi xuống hay đứng lên... đều tỉnh giác với những sự cử động của mình. Cho đến như khi ăn uống, trò chuyện, hoặc đại tiện, tiểu tiện, cũng đều tỉnh giác, biết rõ việc mình đang làm.
Nhờ sự tỉnh giác như vậy, nên bất kỳ khi làm việc chi, người tu cũng niệm tưởng đến chỗ lợi ích, đến phận sự của mình và sự thiết thực của việc ấy. Tức là người luôn giữ chánh niệm, tỉnh giác trong mọi hành động của mình.
4. Chánh niệm về thân ô trược. Người tu tập pháp này, quán xét thân thể của mình từ chân đến đầu, rồi từ đầu đến chân, thấy rõ ra chỉ là một lớp da bao phủ bên ngoài, và chứa đựng bên trong ấy là các món ô trược, dơ nhớp bất tịnh. Người tu niệm tưởng rằng: “Thân này là sự giả hiệp bởi các món tóc, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, bụng, lá lách, phổi, bao tử, ruột, phân, các thứ đàm đạnh, mủ, máu, mồ hôi, chất nước trong mạch máu, nước mắt, chất nước trong máu, nước bọt, chất nước trong sọ, nước tiểu...”
Cũng như một người kia mở cái bao đựng ra, nhìn vào bên trong và thấy biết rõ các thứ chứa đựng trong đó, liền nói rằng: “Đây là lúa, đây là đậu, đây là mè...” Người tu pháp này cũng như thế, quán xét trong thân mình và thấy rõ các món ô trược, bèn hiểu rằng thân thể giả hợp này cũng như bao chứa kia thôi.
5. Chánh niệm về tứ đại. Người tu tập pháp này quán xét thân thể và hiểu rõ rằng ấy là do sự hiệp lại của bốn chất: đất, nước, gió và lửa.
a. Thuộc về chất đất, có những món: tóc, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, bụng, lá lách, phổi, bao tử, ruột non, ruột già, phân và bao nhiêu món khác có chất rắn ở trong thân và ngoài thân.
b. Thuộc về chất nước, có những món: đàm, mủ, máu, mồ hôi, chất nước trong mạch máu, nước mắt, chất nước trong máu, mũi dãi, chất nước trong sọ, nước bọt, nước tiểu và bao nhiêu món khác có chất lỏng ở trong thân và ngoài thân.
c. Thuộc về chất lửa, có những món tạo thành hơi nóng để làm ấm áp trong thân và làm tiêu hóa những vật mà ta ăn uống vào.
d. Thuộc về chất khí, có những món thường chuyển dịch, những luồng khí luân chuyển trong cơ thể, sức co duỗi của các cơ bắp, mạch máu...
Như một người bán thịt, đứng nơi ngã tư đường mà cắt xẻ một con vật ra nhiều miếng để bán. Người tu pháp này cũng như vậy, nhìn vào cái thân và quán xét, phân tích thấy đó chỉ là bốn chất giả hiệp lại mà thôi.
6. Chánh niệm về sự tan rã của xác thân sau khi chết. Người tu pháp này tưởng tượng ra và quán xét những xác thân sau khi chết đã mang ra nơi nghĩa địa.
a. Quán xét thấy một cái xác chết bỏ nơi nghĩa địa từ một ngày, hai ngày cho đến bốn ngày. Xác chết ấy thối rửa, sình chướng lên. Và rồi người tu tự nghĩ đến xác thân mình, niệm tưởng rằng: “Cái thân tôi đây cũng không khác gì xác chết ấy, một ngày nào đó cũng sẽ phải thối rửa, sình chướng lên, không sao thoát được.” Nhờ niệm tưởng như vậy, người tu sanh khởi tâm nhàm chán, không còn tham luyến cái thân thể giả tạm này, mà dốc lòng tu tập cầu đạo giải thoát.
b. Người tu pháp này quán xét thấy một cái xác chết nơi nghĩa địa, bị quạ, diều, ó, chó nhà, chó sói cắn xé, hoặc bị lằn bu, giòi đục... Quán xét như vậy rồi, người tu tự nghĩ đến xác thân mình, niệm tưởng rằng: “Cái thân tôi đây cũng không khác gì xác chết ấy, một ngày nào đó cũng sẽ phải bị quạ, diều, ó, chó nhà, chó sói cắn xé, hoặc bị lằn bu, giòi đục... không sao thoát được.” Nhờ niệm tưởng như vậy, người tu sanh khởi tâm nhàm chán, không còn tham luyến cái thân thể giả tạm này, mà dốc lòng tu tập cầu đạo giải thoát.
Sau khi quán xét thấy rõ sự giả hợp và không bền của xác thân, người tu niệm tưởng đến thân xác của mình, thân xác của người và thân của vạn vật, thấy rõ cái thân mình sanh ra như thế nào và sẽ hoại mất như thế nào, thân xác của mọi người, của vạn vật cũng đều như thế, liền phát sanh niệm tưởng rằng: “Ấy chẳng qua là cái thân giả tạm mà thôi, không phải là tôi, không phải là ai khác.”
Nhờ niệm tưởng như vậy, người tu thấy được chân lý này: “Vạn vật đều tan rã và chẳng có cái ta.” Nhờ hiểu được như vậy, người tu trở nên an nhiên tự tại trước tất cả những cảnh thay đổi, vinh nhục, buồn vui của cuộc sống, không còn bị chìm đắm trong các mối lo sợ, buồn rầu hoặc nóng giận, căm ghét... Người sống một cách tự tại, thoát ra khỏi mọi ràng buộc. Đối với những cảnh khổ nhọc của người đời như đói khát, nóng lạnh, đều có thể nhẫn nại chịu đựng, không còn cảm thấy khó chịu nữa.
b. Chánh niệm về thọ cảm
Người tu tập pháp này, mỗi khi có một sự cảm xúc do nơi sự tiếp xúc với ngoại cảnh, liền nhận biết rõ mà phân biệt, khởi lên niệm tưởng rằng: “Tôi nhận biết có một mối cảm xúc vui sướng (hay buồn khổ) đang nảy sanh ra nơi tôi.” Ngay khi ấy, người tu liền giữ tâm chánh niệm đối với mối cảm xúc ấy, quán xét thấy nó sanh khởi như thế nào và diệt mất đi như thế nào. Nhờ khéo phân biệt và chánh niệm như vậy, người tu hiểu thấu rằng: “Đó chẳng qua là sự thọ cảm mà thôi, nó do nơi ngoại cảnh được tiếp xúc mà sanh khởi và diệt đi chứ không có gì bền chắc, cũng không phải bản thân tôi hay ai khác.” Thấu hiểu như vậy, người tu sống một cách tự tại, thoát ra khỏi sự ràng buộc bởi các ý nghĩ vui buồn, sướng khổ.
c. Chánh niệm về ý
Người tu tập pháp này, khi có một ý tưởng khởi lên trong trí mình, liền nhận biết và nghĩ rằng: “Đây là một ý tưởng, nó thuộc về tham (hoặc sân, hoặc si), hoặc đây là một ý tưởng không tham (hoặc không sân, hoặc không si). Hoặc nhận biết và nghĩ rằng: “Đây là một ý tưởng gồm thâu hay một ý tưởng tản lạc.” Hoặc nhận biết và nghĩ rằng: “Đây là một ý tưởng thanh cao hay một ý tưởng hèn hạ.” Hoặc nhận biết và nghĩ rằng: “Đây là một ý tưởng bền vững hay là một cái ý tưởng thoáng qua.” Hoặc nhận biết và nghĩ rằng: “Đây là ý tưởng tự mình phát khởi, hay là ý tưởng nhận lấy từ người khác.”
Nhận biết rõ như vậy rồi, người tu liền quán xét, giữ mối chánh niệm đối với ý tưởng vừa sanh khởi, thấy biết sự sanh khởi của nó là như thế nào, và sự diệt mất của nó như thế nào. Nhờ sự phân biệt và giữ chánh niệm như thế, người tu hiểu ra được rằng: “Ấy chẳng qua là một ý tưởng được sanh khởi lên trong trí vào lúc này mà thôi. Nó không bền và cũng không thể nhận đó làm bản ngã.” Hiểu được như vậy, người tu chánh niệm không bị trói buộc, cũng không bị dẫn dắt bởi các ý tưởng khi chúng sanh khởi lên.
d. Chánh niệm về pháp
Người tu tập chánh niệm về pháp có năm cách:
° Chánh niệm về năm triền cái
Khi thấy một ý tưởng tham muốn ái dục sanh khởi lên nơi mình, người tu tự biết và nghĩ rằng: “Sự tham muốn về ái dục đang sanh khởi.”
Khi thấy một ý tưởng sân hận sanh khởi lên nơi mình, người tu tự biết và nghĩ rằng: “Sự sân hận đang sanh khởi.”
Khi thấy một ý tưởng giải đãi sanh khởi lên nơi mình, người tu tự biết và nghĩ rằng: “Sự giải đãi đang sanh khởi.”
Khi thấy một ý tưởng lo sợ sanh khởi lên nơi mình, người tu tự biết và nghĩ rằng: “Sự lo sợ đang sanh khởi.”
Khi thấy một ý tưởng nghi não sanh khởi lên nơi mình, người tu tự biết và nghĩ rằng: “Sự nghi não đang sanh khởi.”
Khi không có những triền cái ấy che lấp trong tâm, người tu cũng tự biết và nghĩ rằng: “Hiện không có các triền cái che lấp trong tâm tôi.” Và do quán xét một cách tỉnh giác như vậy, người tu nhận biết các triền cái đã sanh khởi như thế nào và biết cách làm thế nào để trừ diệt chúng, khiến cho không còn sanh khởi lên được nữa. Nhờ vậy, người tu tập sẽ được tự tại, trừ bỏ được những sự che lấp trong tâm mình.
Để diệt trừ năm triền cái, người tu tập có thể dùng sáu phương pháp sau đây: 1. Quán xét một tư tưởng có thể làm nảy sanh sự chán ngán. 2. Quán xét sự ô trược của thân xác. 3. Kiềm chế lục căn không buông thả theo tham dục. 4. Tiết chế việc ăn uống. 5. Gần gủi các bậc thiện tri thức. 6. Đọc tụng kinh điển.
° Chánh niệm về Năm uẩn
Người tu tập phép chánh niệm này quán xét và giữ chánh niệm về Năm uẩn hợp lại làm nên con người.
Người tu biết rằng sắc là các giác quan và đối tượng nhận biết của giác quan; biết rõ sắc phát sanh như thế nào và tiêu diệt như thế nào.
Người tu biết rằng thọ là sự thọ cảm vui sướng hay buồn khổ; biết rõ thọ phát sanh như thế nào và tiêu diệt như thế nào.
Người tu biết rằng tưởng là sự nhận biết phân biệt đen trắng, nhỏ to, dài vắn, đàn ông, đàn bà v.v…; biết rõ tưởng phát sanh như thế nào và tiêu diệt như thế nào.
Người tu biết rằng hành là sự kết hợp trong tâm trí chưa khởi ra ngoài; biết rõ hành phát sanh như thế nào và tiêu diệt như thế nào.
Người tu biết rằng thức là sự biết của trí; biết rõ thức phát sanh như thế nào và tiêu diệt như thế nào.
° Chánh niệm về sáu căn và sáu trần
Người tu tập phép chánh niệm này nhận biết về sáu căn và sáu trần.
Biết rõ và giữ chánh niệm về mắt với các hình thể.
Biết rõ và giữ chánh niệm về tai với các âm thanh.
Biết rõ và giữ chánh niệm về mũi với các thứ mùi.
Biết rõ và giữ chánh niệm về lưỡi với các thứ vị.
Biết rõ và giữ chánh niệm về thân với các sự xúc chạm.
Biết rõ và giữ chánh niệm về ý với các ý tưởng.
Người tu biết rõ về sáu căn và sáu trần, và biết rằng do nơi sự mê đắm của sáu căn với sáu trần nên mới sanh khởi các sự lo âu, phiền não; biết rõ sự lo âu, phiền não sanh khởi như thế nào và biết cách tiêu diệt chúng đi như thế nào. Nhờ có chánh niệm, nên khi đã diệt đi rồi thì không còn sanh khởi trở lại nữa.
° Chánh niệm về bảy phần Bồ-đề
Người tu tập chánh niệm về bảy phần Bồ-đề, tức là những đức lành hợp lại thành sự giác ngộ.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có niệm lực.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có sự phân biệt.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có sự tinh tấn.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có hỷ lạc.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có sự khinh an.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có sự an định.
Người tu giữ chánh niệm, biết lúc nào có đức xả.
Người tu giữ chánh niệm, biết rằng trong bảy phần đức ấy, mình có những phần nào và thiếu những phần nào, và biết rằng chúng nó sanh nảy như thế nào.
° Chánh niệm về Tứ diệu đế
Người tu giữ chánh niệm về Tứ diệu đế. Do theo chân lý, nên hiểu sự khổ là gì. Do theo chân lý, người hiểu nguyên nhân và nguồn gốc sự khổ là gì. Do theo chân lý, người hiểu sự diệt khổ như thế nào. Do theo chân lý, người hiểu đạo để diệt khổ như thế nào.
Nhờ giữ chánh niệm về Tứ diệu đế, người biết xét mình, xét người. Người thấu hiểu những pháp ấy sanh khởi như thế nào và diệt đi như thế nào.
° ° °
Người tu tập thực hành đủ bốn phép chánh niệm về thân, về thọ cảm, về ý và về pháp sẽ mau đạt đến sự giải thoát.
8. Chánh định
Định là năng lực tập trung sự chú ý vào một vấn đề, không để cho bất cứ vấn đề nào khác xen vào tâm trí được. Thiền định hay Nhất tâm, chính là pháp tu giúp người ta có thể đạt được các quả vị giải thoát.
Người tu tập chánh định tùy theo trình độ tu tập có thể chứng đắc từ sơ thiền cho đến tứ thiền.
a. Sơ thiền
Người tu thoát khỏi các sự ràng buộc từ ngoại duyên, thoát khỏi lục căn lục trần, dứt hết các ác nghiệp, các ý tưởng sai lầm, và chứng đắc cảnh sơ thiền, tự thấy mình có đủ trí phân biệt và trong tâm đầy hỷ lạc.
Chứng đắc được sơ thiền, người tu dứt trừ được năm sự che lấp trong tâm là: tham dục, ghét giận, giải đãi, lo lắng bối rối, và sự nghi ngờ đối với giáo pháp. Và phát khởi trong tâm năm đức lành là: phân tách, suy biện, hỷ, lạc và nhất tâm.
b. Nhị thiền
Là mức chứng đắc cao hơn, kế tiếp sau sơ thiền. Người tu lúc này dứt bỏ được sự phân tách và suy biện, dùng trí huệ tịch tính với sự bình tâm mà nhập vào cảnh thiền thứ hai. Ở đây, trong tâm còn giữ lại ba đức lành là: hỷ, lạc và nhất tâm.
c. Tam thiền
Là cảnh giới thiền định kế tiếp sau khi chứng đắc Nhị thiền. Người tu trừ bỏ trong tâm trạng thái hỷ, chỉ còn giữ lạc và nhất tâm. Trong cảnh trí lặng lẽ, tịch tĩnh và trang nghiêm, người tu tự tỉnh giác và niệm tưởng rằng: “Vui thay cảnh lặng lẽ trang nghiêm này và ta đang tỉnh giác có đủ ý niệm!” Người tu chứng đắc được cảnh thiền thứ ba.
d. Tứ thiền
Là cảnh giới thiền định cao nhất của hàng Tiểu thừa. Người tu chứng nhập vào cảnh giới thiền định này, dứt bỏ tất cả sự vui, khổ; diệt tận gốc sự vui, khổ, và an trụ trong cảnh giới ấy thì sự vui, khổ chẳng thể đến được.
° ° °
Khi tu tập thiền định, người tu cần khởi đầu bằng cách quán xét sự ô trược của thân mạng, thấy rõ đó là sự tập hợp của các món bất tịnh, uế trược; thấy đó là sự hợp thành từ bốn chất lớn: đất, nước, lửa, gió. Nhờ quán xét như vậy, người tu dứt được sự ái luyến, tham tiếc đối với thân mạng mà biết rằng đó chỉ là món giả tạm, không bền vững. Được như vậy rồi, người tu mới chuyên tâm mà niệm tưởng đến Phật, Pháp, Tăng và Giới hạnh, vững bước tiến lên đường huệ.
Khi tu tập các môn thiền định để chứng đắc từ sơ thiền cho đến tứ thiền, người tu trước hết nên quán xét, niệm tưởng đến sự tan rã của thân xác sau khi chết, như quán xét xác chết nơi nghĩa địa chẳng hạn. Nhận rõ được sự giả tạm, không bền của thân mạng, người tu dứt trừ được sự tham luyến trong tâm và dễ chứng nhập cảnh sơ thiền. Người tu niệm tưởng đến lòng đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả. Khi phát khởi bốn tâm vô lượng ấy, tâm thể được mở rộng bao trùm khắp cả vũ trụ, nhờ vậy có thể chứng nhập vào các cảnh giới nhị thiền và tam thiền. Người tu sau đó lại niệm tưởng đến sự lặng lẽ trang nghiêm hoàn toàn ở khắp các cảnh giới vô cùng vô tận, nhờ vậy mà chứng nhập được cảnh giới tứ thiền.
Người tu nhập định và sanh khởi bốn tâm vô lượng là vì lòng thương đối với chúng sanh. Nhờ chánh định, bốn tâm vô lượng ấy hòa nhập hoàn toàn trong tâm mình, trở thành một tâm duy nhất của mình, người tu mới vận dụng tâm ấy mà cứu độ chúng sanh. Đối với trần thế đầy tham dục, sân hận, si mê, người tu nhập vào thiền định mở lòng đại từ bao trùm khắp trần thế và làm cho chúng sanh quay về nẻo chánh, đường lành. Người lại mở ra tấm lòng đại bi, làm cho êm dịu những tâm hồn sầu khổ, cứu độ cho những kẻ suy sụp, cô độc trở nên được vững lòng. Người tu còn mở ra những tâm đại hỷ, đại xả để giúp thêm sự an lạc cho những chúng sanh được phước lạc, và nuôi thêm hy vọng cho những chúng sanh đang thiếu sự an vui. Sau cùng, người tu mở ra sự lặng lẽ nghiêm chỉnh vô hạn của mình để cứu độ cho những tâm hồn lo lắng, sợ sệt, bối rối, bất an.
Người tu nhập định và vận dụng được các tâm vô lượng là đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, cùng với sự lặng lẽ, tịch tĩnh, nghiêm trang, nhờ đó có thể chứng nhập cảnh giới thiền định thứ tư, tiến gần đến quả vị giải thoát hoàn toàn.
Khi chứng đắc các cảnh giới thiền định, dứt được sự mê lầm, đạt được thánh quả A-la-hán, người tu phát khởi được sáu phép thần thông là:
1. Thần túc thông, có thể tùy tâm nguyện mà hóa hiện ở bất cứ đâu.
2. Thiên nhĩ thông, có thể nghe các âm thanh ở khắp nơi, dù xa hay gần.
3. Tha tâm thông, có thể biết trong lòng của chúng sanh suy xét điều gì, biết rõ tư tưởng và sở ý của họ.
4. Túc mạng thông, có thể biết rõ những đời trước của mình và chúng sanh.
5. Thiên nhãn thông, có thể thấy rõ các hạng chúng sanh hèn hạ hoặc cao thượng, tốt lành hoặc xấu xí, hạnh phúc hoặc khổ nguy, mỗi chúng sanh đều tùy theo duyên nghiệp của mình mà thọ nhận những đời sống khác nhau.
6. Lậu tận thông, nhờ diệt hết phiền não, nên có thể tự mình hoàn toàn trong sạch, không còn các lậu hoặc.
° ° °
Như trên đã trình bày là tiến trình tu tập thông qua việc thấu hiểu và hành trì Tứ diệu đế. Ngoài giáo pháp này, Phật còn truyền dạy pháp Thập nhị nhân duyên, tức là giáo lý căn bản giúp chứng đắc đến quả vị Duyên giác, hay còn gọi là Bích-chi Phật, Độc giác Phật.