Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Những ai có được hạnh phúc cũng sẽ làm cho người khác được hạnh phúc. (Whoever is happy will make others happy too.)Anne Frank
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Mỗi ngày khi thức dậy, hãy nghĩ rằng hôm nay ta may mắn còn được sống. Ta có cuộc sống con người quý giá nên sẽ không phí phạm cuộc sống này.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Ta sẽ có được sức mạnh của sự cám dỗ mà ta cưỡng lại được. (We gain the strength of the temptation we resist.)Ralph Waldo Emerson
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Pháp giáo nhà Phật »» NHỮNG GIÁO THUYẾT CĂN BẢN »»

Pháp giáo nhà Phật
»» NHỮNG GIÁO THUYẾT CĂN BẢN

Donate

(Lượt xem: 3.935)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Pháp giáo nhà Phật - NHỮNG GIÁO THUYẾT CĂN BẢN

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

1. Linh hồn

Từ xưa đến nay, các dân tộc Á châu vẫn tin tưởng vào sự hiện hữu của linh hồn, dù là hàng trí thức hay những kẻ thường dân. Nhất là ở Ấn Độ và ở Trung Hoa, người ta rất quen thuộc với thuyết linh hồn, vì tất cả những tôn giáo, học thuyết xuất phát từ đây đều thừa nhận có linh hồn, hoặc ít ra là một thực thể tương tự như vậy.

Vào thời đức Phật Thích-ca ra đời giảng dạy về nghiệp quả cho chúng sanh để họ biết bỏ ác làm thiện, thì Lão tử ở Trung hoa giảng thuyết lẽ Đạo, khuyên người ta nên giữ sinh hoạt thanh bạch để gần đạo, để trở nên tinh khiết mà hòa hiệp làm một với Đạo. Cả hai bậc thánh nhân này đều dạy rằng con người không phải chết đi là hết, mà những gì chúng ta tạo tác trong cuộc sống đều sẽ ảnh hưởng đến một đời sống khác nối tiếp theo sau đó.

Một cách chính xác hơn, đạo Phật dạy rằng sự nối tiếp của một đời sống sau khi chết là do nơi thần thức của người chết nương theo nghiệp lực mà thọ sanh. Tuy nhiên, từ linh hồn được nhiều người, nhất là giới bình dân nhận hiểu, và dùng như vậy cũng không sai biệt gì mấy.

Trước thời đức Phật, ở Ấn Độ đã có những giáo thuyết nói về linh hồn rồi. Giáo lý của đạo Bà-la-môn nói rằng linh hồn vẫn tồn tại mãi mãi nơi mỗi chúng sanh, từ hạng cầm thú đến nhân loại và chư thiên, nó là một phần nhỏ trong cái đại linh hồn nguyên thủy, một phần nhỏ của linh quang vô cùng vô tận của đức Phạm-thiên. Lúc tạo thiên lập địa, linh hồn tách ra khỏi linh quang mà vào trong vật chất, làm cho vật chất có sự sống, nhưng về sau chịu ảnh hưởng của vật chất, đắm chìm trong vật chất, nó tự buộc chặt vào những dây dục tình, khiến cho không trở về với linh quang được, không trở lại với đức Phạm-thiên được.

Khi đức Phật thành đạo, ngài chỉ rõ những điểm đúng sai của các giáo thuyết trước đó, và đưa ra các thuyết nhân duyên, nhân quả, làm cho việc hiểu ý nghĩa của cuộc sống được trở nên rõ ràng hơn, không còn mang tính cách giáo điều thuần túy như trước nữa.

Theo đạo Phật, dù xác thân vật chất này hoại rửa, nhưng thần thức vẫn mãi mãi còn, nó theo sự lôi cuốn của nghiệp lực mà luân chuyển trong chốn luân hồi. Dù là nghiệp thiện hay nghiệp ác, cũng đều là nguyên nhân buộc chúng sanh phải tái sanh trong luân hồi. Vì thế, nếu không nhờ tu tập đạo giải thoát, chúng sanh không bao giờ có thể chấm dứt được sự luân chuyển ấy, hay nói khác đi là không bao giờ thoát được các nỗi khổ sanh, già, bệnh và chết.

Nói theo một cách khác, cái chết chẳng qua chỉ là một phần trong chuỗi dài đời sống trong luân hồi, như ngọn đèn đã cạn dầu. Ngọn lửa dù có tạm thời mất đi, nhưng cây đèn không mất, và chỉ cần châm thêm dầu vào đèn, ngọn lửa sẽ tiếp tục cháy sáng trở lại. Ái dục, lòng tham muốn, sự luyến tiếc bám víu vào cuộc sống và nghiệp lực chính là những yếu tố giống như lượng dầu được châm thêm vào đèn, tạo nên một đời sống mới. Vì vậy, bậc tu hành chứng ngộ trước hết phải chấm dứt tất cả những yếu tố ấy. Khi không còn tham muốn, không còn tạo nghiệp, tâm thức sẽ trở nên sáng suốt, thoát khỏi mọi sự ràng buộc, và không còn bị lôi kéo thọ sanh trong cõi luân hồi nữa, cũng như đèn không được thêm dầu, phải vĩnh viễn tắt đi.

Thảnh thơi thay những tâm hồn đã giải thoát, những tâm hồn tinh khiết, thanh bai. Một phen đã qua biển khổ, trông lại thì nước đục lờ; một phen đã lướt tới đỉnh cao, xem lại thấy thế sự đầy dơ nhớp. Nhưng muốn được vậy, phải trải qua biết bao công trình tu tập, đức hạnh đắp bồi, biết bao kiếp luân chuyển trong lục đạo! Vì vậy, người tu tập không lúc nào được mềm lòng nản chí, mà phải luôn thấu rõ chân lý mình đang noi theo, nhất quyết có một ngày phải đạt được. Bởi vì, xét cho cùng, chư Phật và Bồ-tát trước khi chứng đắc đạo quả, có ai lại không đã từng lăn lộn trong chốn luân hồi?


2. Luân hồi

Trong đạo Phật, thuyết luân hồi có thể xem là một điều cơ bản, và gắn bó không thể tách rời với thuyết nhân quả, hay nghiệp báo.

Ở Đông phương, người ta rất quen thuộc với thuyết luân hồi, nhưng cách hiểu phổ biến không phải bao giờ cũng hoàn toàn đúng với giáo lý nhà Phật.

Theo cách hiểu đơn giản và thông thường nhất, người ta cho rằng con người chết đi rồi thì linh hồn không bị chết theo thể xác, mà sẽ đi đầu thai trở lại để bắt đầu một đời sống mới. Nhưng thường thì người ta không hiểu được một cách rõ ràng và đúng đắn những nguyên nhân chi phối sự tái sanh của một chúng sanh.

Theo Phật giáo, chính ái dục là nguyên nhân kéo dài đời sống trong chốn luân hồi. Khi một chúng sanh chết đi, chỉ là sự hoại rửa của xác thân vật chất. Tâm thức của chúng sanh ấy vẫn còn chất chứa tất cả những gì mà đời sống trước đây đã trải qua. Và sự tham muốn một đời sống mới thúc đẩy quá trình tái sanh trong luân hồi. Việc một chúng sanh tái sanh về cảnh giới nào hoặc sẽ thọ nhận một đời sống như thế nào là tùy thuộc vào nghiệp lực lành hay dữ đã tạo ra từ trước, vốn được ghi nhận đầy đủ trong tâm thức của mỗi chúng sanh.

Nhiều người không hiểu đúng như trên, nhưng vẫn tin vào thuyết luân hồi một cách đơn giản. Và họ có thể nhờ nơi lòng tin ấy mà lánh dữ làm lành. Họ tin rằng số mạng hiện thời là do ở việc làm đời trước, và số mạng đời sau sẽ do nơi việc làm đời này. Tin như vậy, họ không dám ở ác, vì sợ đời sau sẽ phải nghèo khổ, thấp hèn, hoặc bệnh hoạn, xấu xí, ngu dại, chết yểu... Và họ cố sức làm lành để đời sau sẽ được giàu có, cao sang, được mạnh khỏe, tốt lành, khôn ngoan, trường thọ... Trong khi cư xử hiền hậu, từ trí tưởng, lời nói cho đến việc làm, họ đều giữ theo nhân đức, công bình. Họ được sự thoải mái trong tâm, yên ổn trong trí, vì nghĩ rằng thế nào đời sau mình cũng vui hưởng sự phúc hậu nhờ công quả đã gom góp, vun trồng. Và chỉ cần nghĩ như vậy, làm như vậy, cho dù rất đơn giản, họ cũng đã gần gũi với đạo biết bao nhiêu! Ngược lại, có biết bao nhiêu người có thể luận thuyết thao thao bất tuyệt, biện luận chia chẻ đến từng sự việc chi ly để tranh cãi về thuyết luân hồi, nhưng thực sự chẳng bắt tay làm được điều lành nào cả. Than ôi, những kẻ ấy vẫn tưởng mình là người hiểu đạo, thường khinh chê những người quê mùa không hiểu đúng lý lẽ, nhưng rốt cùng khi nghiệp quả đến, họ mới biết rằng việc nói suông chẳng bao giờ mang lại cho họ những điều tốt đẹp mai sau.

Thuyết luân hồi vốn có từ rất xa xưa, trước cả khi đức Phật ra đời, chỉ có điều là trước đó người ta không hiểu được đầy đủ về việc tái sanh qua một đời sống khác. Như đạo Bà-la-môn vẫn dạy rằng linh hồn con người đã từng đầu thai cả ngàn cả muôn lần khác nhau, thấp hoặc cao, khổ hay sướng, trong chốn nhân loại, chư thiên, hoặc có khi là giữa loài súc sanh hay sa vào địa ngục.

Trước thời đức Phật đản sanh, xã hội Ấn Độ cổ xưa chia ra làm bốn giai cấp chính là Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ, Phệ-xá và Thủ-đà-la. Những người biết tu theo đạo giáo, chuyên lo việc giảng truyền đạo lý cho mọi người và bản thân tu trì Phạm hạnh, được xếp vào giai cấp Bà-la-môn và được xem là cao quý nhất. Kế đến là giai cấp Sát-đế-lỵ, bao gồm các hàng vua quan, những kẻ đang nắm quyền điều hành xã hội. Thấp hơn nữa, và cũng đông đảo hơn, là giai cấp Phệ-xá, bao gồm hết thảy các thành phần trung lưu, trưởng giả, giới thương nhân... trong xã hội. Và cuối cùng là giai cấp Thủ-đà-la, bao gồm những người làm nghề công nghiệp, nông nghiệp... cho đến những người nghèo khổ. Ngoài bốn giai cấp ấy ra, còn có một hạng thấp hèn hơn nữa, gồm những người làm những nghề hạ tiện như hốt phân, quét rác, hoặc tôi tớ... Những người này được xem như không thuộc về giai cấp nào cả, nên bị khinh miệt, và không được quyền tiếp xúc, giao du với những người thuộc bốn giai cấp nói trên.

Ngay trong bốn giai cấp, người ta cũng phân biệt đối xử. Người thuộc giai cấp thấp hơn phải biết kính trọng và không được giao tiếp ngang hàng với người ở giai cấp trên mình.

Từ khi Phật thành đạo và truyền bá đạo Phật ra toàn cõi Ấn Độ, ngài dạy lấy lòng đại từ đại bi mà cứu độ muôn loài, không phân biệt giai cấp, chủng tộc. Ngài dạy rằng, con người hơn kém nhau là do nơi những việc tốt hay xấu mà họ làm, chứ không phải do nơi giai cấp, chủng tộc mà họ sanh ra trong đó. Phật đã thu nhận vào hàng môn đệ của ngài cả những người hạ tiện, thấp hèn nhất, miễn là họ chân thành phát tâm tu tập. Và thực tế là những người này có khi được chứng đắc thánh quả ngay trong một thời gian rất ngắn, nhờ vào lòng chân thành và ý chí quyết tâm tu tập của họ.

Thuyết luân hồi và nghiệp quả được đức Phật chú trọng giảng giải rất nhiều cho hàng môn đệ. Vì những thuyết này giúp cho người ta biết lánh dữ làm lành, ăn ở từ bi và bố thí chẳng tiếc thân mạng. Đức Phật thường thuật lại những chuyện tiền thân của chính ngài trong những đời trước, dù có khi làm chim, làm thú, làm người, có khi làm dân, có khi làm quan, làm vua... Nhưng ở hoàn cảnh nào ngài cũng theo sự công chánh, hiền lương, bố thí cho chúng sanh bằng tiền của, bằng lời lành, bằng vật chất, bằng tinh thần, thậm chí bằng chính thân mạng của mình nữa.

Đức Phật không những nhớ biết tiền thân của ngài mà thôi, ngài lại cũng thấu rõ các đời trước của chúng sanh nữa. Có lần, một vị tăng nhỏ nhập đạo chỉ trong bảy ngày thì chứng quả A-la-hán, Phật liền kể cho đại chúng biết rằng thuở xưa vị tăng ấy là một kẻ chăn bò, nhờ cúng sữa cho một vị tăng, nên các đời sau đều được hưởng phước báu, và có một đời người làm vua. Phật cũng thuật lại nhiều chuyện tích nhắc đến đức hạnh của ngài A-nan, ngài Xá-lỵ-phất và ngài Mục-kiền-liên. Ngài cũng thuật lại những tội ngỗ nghịch trước đây của Đề-bà-đạt-đa. Những hiểu biết cặn kẽ của ngài về các đời quá khứ đã giúp cho mọi người được hiểu rõ và tin nhận thuyết nhân quả, nghiệp báo.

Thuyết luân hồi cũng là một động lực có sức thuyết phục người ta vui sống trong những cảnh khó khăn khổ nhọc, vì họ vững tin ở ngày sau sẽ được hưởng những phước báu đã tạo ra ở đời này. Và họ cũng không đem lòng oán hận ai, vì tự biết những quả xấu ngày nay đang lãnh chịu chính là do việc làm của mình từ đời trước, không phải do ai áp đặt trừng phạt mình cả.

Những ai đã hiểu rõ thuyết luân hồi, có thể hiểu được ý nghĩa chân thật của cuộc sống. Một nhà sư Cao Miên có giải thích như thế này: “Khi thân người ta chết đi rồi, tất cả đều tan rã, dầu cho đức lành, tánh xấu, nghiệp quả về sau cũng không ở lại trong đó được. Những món về vật chất thì dần dần tan rã ra mà trở về với thế giới vật chất. Những phần thuộc về thần thức, trí tuệ thì tiếp tục đi tìm một hình thể khác để thọ sanh đời sống mới.”


3. Nghiệp quả

Ai chưa hiểu luật này, thật khó mà yên tâm với những cuộc thành bại trong vạn vật, với những sự nên hư, may rủi, họa phúc xảy đến cho mình.

Nghiệp, tiếng phạn là Karma, là một quy luật tự nhiên buộc mọi điều chúng sanh làm ra đều phải dẫn đến một kết quả nhất định về sau. Theo Phật giáo, những kết quả này được dẫn đến sớm hay muộn, lành hay dữ đều do nơi tính chất việc làm của chúng sanh. Vì mỗi việc làm của chúng sanh đều được ghi nhận trong tâm thức, nên nghiệp lành hay dữ cũng tùy thuộc vào tâm địa khi hành động nữa. Có người làm việc tưởng như tốt, nhưng với tâm địa xấu xa che giấu bên trong, dù không ai biết nhưng rồi cũng sẽ phải chịu ác nghiệp. Lại có những việc làm tưởng như chẳng giúp ích gì được nhiều cho ai, nhưng nhờ nơi tâm địa tốt đẹp, chân thành, nên sẽ được phước báu rất lớn. Như vào thời đức Phật, có bà già nghèo khổ, chỉ cúng Phật một đèn dầu, mà tâm chân thành của bà khiến cho ngọn đèn cháy mãi, đến các vị đại đệ tử của Phật dùng đến thần thông cũng không sao thổi tắt được. Đức Phật thấu rõ tâm chân thành của bà, nhân đó đã thọ ký cho bà về sau sẽ thành Phật. Như vậy, việc làm tuy nhỏ mà tâm địa lớn cũng có thể dẫn đến phước báo khôn lường.

Những nghiệp lành dữ của mỗi chúng sanh cũng có sự tương tác với nhau. Lẽ tự nhiên là chẳng mấy ai lại chỉ làm toàn những việc ác, hoặc chỉ thuần những việc lành. Người ác đến đâu, cũng có lúc động tâm làm việc thiện. Lại người hiền hậu đến đâu, cũng có lúc ngã lòng theo sự tham dục hay lòng sân hận mà làm việc xấu. Vì vậy, nghiệp báo của mỗi chúng sanh là một sự kết hợp phức tạp nhiều nhân tố, nhưng có thể nói chắc chắn một điều là quy luật ấy hoàn toàn khách quan, công bằng, không chịu sự tác động, chi phối của bất cứ một quyền lực siêu nhiên nào. Và cách tốt nhất để tác động vào nghiệp báo là cố gắng làm những việc lành để chắc chắn sẽ được hưởng quả tốt về sau.

Ngoài ra, nghiệp báo cũng còn có thể chia ra thành những nghiệp riêng của mỗi cá thể và nghiệp chung của cả cộng đồng, gọi là cộng nghiệp. Khi hạn hán gây đói khổ, chết chóc ở cả một vùng, thì đó là cộng nghiệp cho dân cư cả vùng đó, và nếu có cá nhân nào may mắn được thoát ra, hoặc có thể tồn tại được qua cơn nguy khổ, thì đó là nhờ nơi những nhân lành đã tạo ra từ đời trước vậy.

Vì tính chất phức tạp cũng như sự chi phối bởi thời gian, nên đôi khi người ta khó lòng hiểu thấu được về nghiệp quả. Có những kẻ chỉ thấy làm toàn việc ác, tánh tình lại thâm độc, hiểm ác, nhưng làm việc gì cũng được thuận lợi, dễ dàng, và vui hưởng cảnh giàu sang phú quý. Ngược lại, có những người suốt đời làm việc thiện, tánh tình hiền hậu nhu hòa, ai gặp qua một lần cũng đem lòng quý mến, nhưng lại phải chịu cảnh khổ sở dai dẳng cho đến cuối đời, có khi cơm chẳng đủ no, áo không đủ mặc. Khi tận mắt nhìn thấy những điều tưởng như nghịch lý này, những ai không tin vào thuyết luân hồi sẽ lấy làm khó hiểu và rất dễ mất niềm tin vào thuyết nhân quả. Bởi vậy, hai thuyết này, cũng như một niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn sau khi chết, là những lý thuyết gắn bó nhau không thể tách rời. Nhờ sự hiểu biết toàn diện về những thuyết ấy, chúng ta mới có thể hiểu và lý giải được những bất hợp lý như trên. Kẻ làm ác mà được hưởng lạc trong dời này, là nhờ những nhân lành từ đời trước. Nhưng hãy đợi đấy, những việc ác của hôm nay chắc chắn sẽ phải trả giá vào ngày mai đó thôi. Ngược lại, người làm việc thiện mà phải khổ nhọc, khó khăn, ấy là do những việc không tốt đã làm từ trước. Đã biết vậy thì nay lại cáng phải gắng sức làm thiện nhiều hơn, chắc chắn đời sau sẽ được đền đáp vậy.

Lại nữa, cũng nên biết rằng mọi việc làm của chúng sanh lại cũng đều dẫn đến một kết quả tức thì nhất định. Như kẻ làm việc ám muội, trong lòng lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ, đến miếng ăn giấc ngũ cũng không thể yên ổn. Hoặc kẻ nóng nảy sân hận, khi giận người thì trong lòng nóng nảy, tức tối, chẳng còn thiết gì đến những thú vui chung quanh. Đó cũng chính là những sự chiêu cảm tức thì mà họ phải chịu. Chúng ta ta chưa từng thấy ai trong lúc tức giận mà có thể vui cười thoải mái... Và tâm trạng vui vẻ thoải mái thì bao giờ cũng là một tâm trạng dễ chịu chỉ dành cho những kẻ làm lành. Người làm được một việc thiện, dù có bị tổn hại về vật chất, mà trong tâm tự nhiên thấy an ổn, vui vẻ. Sự an ổn, vui vẻ chính là quả lành mà họ được gặt hái ngay khi ấy. Và tâm trạng thanh thản này, mỗi người chỉ có thể tự cảm nhận khi bắt tay vào làm một việc thiện nào đó, như giúp đỡ người khác, bố thí cho kẻ nghèo... Nếu kẻ chưa từng biết làm việc thiện, dù có nghe người khác mô tả như thế nào cũng không sao hiểu hết được.

Lý thuyết nghiệp quả của đạo Phật rất vững vàng, rất khoa học. Nó lý giải được một cách bao quát mọi sự việc tốt xấu mà mỗi chúng sanh phải gánh chịu. Và nó cũng là một lý thuyết thể hiện sự công bằng tuyệt đối, không thể có sự thiên vị, vì cũng chẳng có một bậc quyền thế cầm cân nảy mực nào để có thể tác động vào nghiệp quả cả. Bởi vậy, mỗi người đều có được cái quyền tối cao là tự phán xét lấy chính mình. Mà luận việc tốt xấu, thì ai có thể hiểu rõ mình hơn chính bản thân mình kia chứ? Có nhiều trường hợp người làm việc xấu, dù khéo che giấu chẳng ai biết được, nhưng rồi trong giấc ngủ mê, hoặc khi say rượu lại tự mình nói ra. Ấy là vì tuy che giấu được tất cả mọi người, nhưng không thể che giấu chính mình vậy.

Khi tự mình đã hiểu về luật nhân quả, thì chúng ta không còn muốn cầu khẩn nơi các đấng thần linh hay bất cứ ai khác để cho cuộc đời của mình được tốt đẹp hơn. Ngược lại, chúng ta phải tự phấn đấu xây dựng cho chính mình, bỏ điều ác, làm điều lành, vì đó là cách tốt nhất và chắc chắn nhất để chúng ta có thể có được một cuộc sống tốt hơn về sau.

Hiểu luật nhân quả, chúng ta thấy tự tin vào chính mình nhiều hơn, và có thể dẹp bỏ được tính ỷ lại vào người khác. Vì chúng ta hiểu được rằng, nhận sự giúp đở của người khác cũng là một hình thức vay nợ, nhất thiết rồi cũng phải trả trong tương lai. Và nếu chúng ta không muốn làm một nn vay nợ quá nhiều, thì chúng ta phải tự lực xây dựng hoàn thiện cuộc sống của chính mình mà thôi.

Trong kinh Pháp cú, đức Phật dạy rằng: “Dù rằng ngươi chạy lên trời cao, ẩn dưới biển sâu, trốn trong núi thẳm, không có nơi nào mà ngươi tránh khỏi được cái quả báo ghê gớm do tội ác của ngươi.”

Như vậy, dù người có khôn ngoan tài trí đến đâu mà dùng sự khôn ngoan tài trí của mình để làm việc xấu, người ấy cũng có thể gọi là ngu muội, vì không thấy trước được những quả báo ghê gớm mà mình sẽ phải gánh chịu. Và người ngu si đến đâu mà biết tỉnh ngộ làm được một việc lành, dù nhỏ nhặt đến đâu, cũng có thể xem là khôn ngoan, bởi vì đã biết chọn đúng cách để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn về sau.

Nghiệp lành nghiệp dữ của mỗi chúng sanh, tuy là thiên hình vạn trạng, nhưng sự phát khởi không ra ngoài ba việc là thân, miệng và ý.

Thân là thân mạng vật chất này của chúng sanh, dùng chính nó mà làm các việc tốt xấu, tạo các nghiệp lành dữ. Bởi vì thân chúng sanh vừa là phương tiện tạo nghiệp, lại cũng là chỗ thọ nghiệp, nên thật là quan trọng lắm. Những sướng khổ ở đời, phần lớn cũng do thân cảm nhận. Thân có mê đắm, có thích thú, thì mới dẫn đến làm những điều sằng bậy để mong được hưởng lấy những điều khoái lạc. Ngược lại, nếu muốn làm việc lành thì thân ta lại là một phương tiện rất tốt. Giả sử như ta có ý muốn làm việc lành, mà không có được một thân thể trọn vẹn, khỏe mạnh, thì cũng khó lòng mà thực hiện ý nguyện. Bởi vậy, người tu tập nhiều khi phải biết chú ý chăm sóc cho sức khỏe của bản thân mình để có đủ sức mà chuyên cần tu tập, như vậy mới thật sự là khôn ngoan chứ không phải là vị kỷ như nhiều người lầm tưởng. Ngược lại, những kẻ tự hành khổ lấy thân, không phải là cách tốt để đạt đến chỗ giải thoát, mà chung quy chỉ là chuyện vô ích, có hại cho việc tu tập mà thôi.

Nghiệp do thân gây ra có ba nghiệp là: giết hại, trộm cướp và tà dâm. Giữ được ba việc ấy không phạm vào tức là đã giữ thân nghiệp được trong sạch vậy.

Nghiệp do miệng gây ra có bốn nghiệp là: nói dối, nói lời khiêu dâm, nói đâm thọc, và nói lời độc ác. Những nghiệp ác này đều làm tổn hại đến người khác, nên phải cẩn thận chớ nên phạm vào. Lại nữa, miệng người như con dao bén hai lưỡi, nếu không khéo giữ, chỉ một lời nói cũng có thể giết chết người khác, nhưng ngược lại cũng có thể hại mất mạng mình. Điều tốt nhất là phải nói lời thành thật, lời ôn hòa, lời có ích cho người khác. Người biết giữ gìn khẩu nghiệp, là đã hạn chế được rất nhiều ác báo cho đời sau rồi vậy.

Trong cuốn Quy nguyên trực chỉ có dạy rằng: “Nghiệp do thân gây ra tuy đáng sợ, nhưng không bằng nghiệp do miệng gây ra. Vì sao vậy? Thân muốn làm điều ác đều có khó khăn, không gặp lúc thuận tiện, hoặc bị người khác cản trở, đều không thể làm được. Nhưng miệng muốn nói lời ác, không ai có thể ngăn kịp. Hơn thế nữa, một lời khen người khác, có thể làm người ấy được tiếng thơm trọn đời, còn để lại cho con cháu. Một lời phỉ báng người khác, có thể làm cho người ta thân bại danh liệt, còn di hại đến cháu con. Xét như vậy thì biết nghiệp của miệng gây ra tai hại biết dường nào?”

Cẩn thận về lời nói là một đức tính tốt. Những ai muốn làm nên sự nghiệp, muốn được mọi người kính phục, đều phải giữ lấy cái đức ấy trước hết. Đức Khổng Tử có dạy rằng “Phải lúc nói mà không nói, có khi hại mất một người. Chẳng phải lúc nói mà nói, thì lời nói mất đi vô ích. Kẻ trí không để mất một người, cũng không để mất một lời nói”.

Nghiệp ở thân cũng đi theo với nghiệp ở miệng. Nhiều khi lời nói trở thành nguyên nhân của việc tạo nghiệp bằng thân. Khi người ta nói chơi những chuyện khêu gợi về tình dục, vẫn tưởng chỉ nói cho vui, cho có chuyện nói mà nói. Ngờ đâu lời nói ấy lại có thể có ảnh hưởng đến tâm trí, lại có sức xúi giục kẻ ấy làm điều xằng bậy. Vậy nên phải hết sức thận trọng lời nói, phải thốt ra những lời nhân hậu, êm ái, phải đạo, và thường khuyên dạy những kẻ ăn nói vụng về. Những bậc trí giả, khôn ngoan, hiền đức phần đông đều nhờ hấp thụ được sự giáo dục ở gia đình qua những lời dạy dỗ của cha mẹ, ông bà.

Nghiệp do ý gây ra lại còn quan trọng, đáng sợ hơn cả nghiệp của thân và miệng. Có ba cái nghiệp của ý bao trùm tất cả các ác nghiệp mà người ta phạm vào. Đó là tham lam, sân hận và si mê. Nếu như không phạm vào ba nghiệp này, chúng sanh không do đâu mà tạo thành ác nghiệp được.

Những ác nghiệp mà chúng sanh phạm vào, xét cho cùng không ra ngoài các nghiệp của ý. Như thân làm điều ác, miệng nói lời ác, thảy đều phải xuất phát từ ý suy nghĩ điều ác. Như tâm ý trong sạch không vướng vào điều ác, thì thân và miệng không thể do đâu mà tạo thành ác nghiệp.

Mặt khác, khi thân làm điều ác hoặc miệng nói lời ác, người khác đều có thể nhìn hoặc nghe biết, do đó mà người tạo nghiệp ít nhiều đều phải có sự e dè, hổ thẹn. Nhưng khi ý suy nghĩ điều ác, dù là người ngồi kế bên cũng khó lòng biết được. Bởi vậy, có câu rằng:

Dò sông dò biển dễ dò,

Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

Tâm ý suy nghĩ điều ác, người khác đã khó lòng biết được để can ngăn, mà tự thân người ấy cũng rất khó lòng từ bỏ. Bởi nó ăn sâu trong suy nghĩ lâu ngày sẽ trở thành tập quán, thành thói quen, dù có muốn từ bỏ mà không đủ ý chí, nghị lực thì cũng không bỏ được.

Ba nghiệp ác của thân (sát sanh, trộm cướp, tà dâm), bốn nghiệp ác của miệng (nói dối, nói lời khiêu dâm, nói đâm thọc, và nói lời độc ác), cùng với ba nghiệp ác của ý (tham, sân, si), hợp lại gọi chung là Thập ác. Tránh được mười điều ấy mà làm ngược lại, thì trở thành mười điều lành gọi là Thập Thiện.

Trong khi dùng thân, miệng và ý để tạo tác các nghiệp lành dữ, thì tâm ý vẫn đóng vai trò quyết định hơn hết. Kinh Pháp Cú dạy rằng:

Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ, ý tạo.

Bởi vậy, có lắm khi sự lành dữ, tốt xấu không thể do nơi thân và miệng mà phán đoán được. Như một doanh nghiệp kia làm việc từ thiện, mang tiền của ủng hộ, giúp đỡ trong xã hội, nhưng tâm ý thực ra chỉ nhắm đến việc cổ động, quảng cáo cho sự kinh doanh của mình, để rồi nhờ đó mà thu lợi lại gấp năm gấp bảy số tiền đã bỏ ra. Việc làm như vậy, tuy không phải là ác nghiệp, nhưng về mặt phước báu thì kém xa những ai làm việc thiện, dù nhỏ nhặt nhưng với ý chân thành.

Trong các kinh điển Phật giáo, lý thuyết về nghiệp quả chiếm một phần quan trọng. Không dựa trên nền tảng ấy, thật khó mà có thể khuyên người ta bỏ ác làm lành. Ở phương Đông, đa phần người ta tin theo luật nhân quả, dù là những người bình dân không học hiểu được nhiều, cũng chỉ dốc một lòng tin tưởng rất đơn giản là “Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão.” Mà chung quy, có luận thuyết cho nhiều đến đâu, cũng không ra ngoài cái lẽ đơn giản ấy vậy.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cho là nhận


Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Hạnh phúc khắp quanh ta


Gọi nắng xuân về

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.17.75 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - Hoa Kỳ (4 lượt xem) - ... ...