Đôi lời tâm sự về văn hóa
và Phật giáo Việt nam hải ngoại
Lời tác giả: Nhân dịp đức Đạt Lai Lạt Ma công du tại Gia Nã Đại và cho hai buổi nói chuyện với công chúng tại Ottawa và Toronto, tác giả đại diện cho một tờ báo Phật giáo tại San José, California, đi đến tham dự và viết bài tường thuật đăng trên một diễn đàn của Nhóm Mật tông vùng Đông Hoa Kỳ. Khi một người bạn đạo trẻ đọc bài tường thuật này, nói về những tranh đấu của đức Đạt Lai Lạt Ma cho nhân quyền thế giới, anh bạn trẻ viết lá điện thư hỏi tác giả về từ ngữ tranh đấu và bất bạo động có gì trái ngược không.
Vì thấy tầm vóc của câu hỏi có liên quan nhiều đến vấn đề văn hóa và dịch thuật, nhất là dịch thuật Phật pháp, cũng như trước những phong trào bài bác các từ ngữ Hán Việt cũng như bài bác các thuật ngữ chư Tổ đã đề xướng ra trong truyền thống Phật giáo Việt nam đã có từ hàng ngàn năm nay, biện luận là các thuật ngữ Phật giáo gốc Hán Việt đó quá khó hiểu, tác giả bài viết này chỉ muốn thảo lá thư tâm sự, trình bày cái vốn văn hóa vô cùng quý báu đã có từ hơn 4000 năm của dân tộc Việt, kết hợp với văn hóa Phật giáo và làm thành một kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc Việt nam.
Với hoài vọng thật đơn sơ: Mong cho các thế hệ trẻ hơn mình biết rõ nguồn gốc văn hóa của dân tộc và yêu thương bảo tồn nền văn hóa vô giá đó.
Chú H. thân mến,
Kể từ khi chúng ta gặp nhau lần trước khoảng tháng 10 năm ngoái, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có dịp gặp nhau và hàn huyên cho thỏa chí như chuyến đi lần trước qua thăm các anh chị em bạn đạo trong nhóm và tham dự dịch thuật cho buổi nói chuyện với công chúng của thầy J.
Chú vẫn khoẻ chứ? Trong lòng của tôi vẫn luôn nhớ tới các bạn cũng như là nhớ nhiều đến chú, một người bạn đạo trẻ đầy sinh lực, năng động và đầy tấm lòng hoạt động cho cộng đồng. Tôi vẫn nhớ như in buổi tối hôm đó, trên đường chú lái xe chở tôi về nhà để ăn cơm và đàm đạo cùng với một số các bạn đạo, để trao đổi những kinh nghiệm tu tập. Con đường đi vòng quanh chân núi, ngang qua khu rừng thật đẹp. Cho dù màn đêm có che phủ phần nào vẻ thiên nhiên hùng vĩ, tôi vẫn cảm nhận sâu sắc và phải thốt lên là cảnh rừng thật là đẹp. Điều này đã làm cho chú ngạc nhiên, và hỏi tôi rằng có phải tâm hồn thi sĩ trong tôi đã làm cho tôi cảm thấy cảnh đẹp cho dù trong màn đêm khó thấy? Tôi nhớ là có hứa sẽ gửi cho chú cuốn thơ tôi đã xuất bản… mười năm về trước… Để rồi công việc lu bu, tôi đã quên đi và cho đến giờ vẫn chưa gửi cho chú cuốn thơ…
Như là lời tạ lỗi, tôi viết bài này gửi đến chú, chia sẻ niềm khắc khoải trong đạo. Ăn cơm có canh… tu hành có bạn phải không chú… Vậy, không chia sẻ cho chú được thì còn chia sẻ cho ai được, phải không? Cho chú cũng chính là cho tất cả các bạn mà thôi. Vì các khắc khoải, đâu phải chỉ riêng mình chúng ta có, phải không chú. Mình và người cũng như một mạch tim huyết mà thôi chú ạ…
Mãi đến gần đây, khi tôi tham dự buổi nói chuyện trước công chúng của vị đại đạo sư đương thời mà các phật tử Trung Hoa vẫn xưng tụng là vị
“Hoạt Phật” , hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đến từ cung điện Phổ Đà Lạc Giạ của xứ tuyết… Ngài đã nói lên những lời tâm huyết cho thế giới, vận động giải thể quân đội và chấm dứt chiến tranh… Ngài đã lên tiếng kêu gọi và tranh đấu cho hòa bình thế giới… Và Ngài đã nhấn mạnh “
Muốn Giải Thể Quân Đội và Chấm dứt chiến tranh trên thế giới thì chúng ta phải Giải Thể Lòng Sân Hận trong Nội Tâm của mỗi một chúng ta”. Tâm từ phải được gieo trồng mọc rễ sâu trong mỗi người thì Giải Thể Quân Đội mới thành công. Tôi thầm nghĩ, chắc hẳn chúng ta, ai cũng biết đến Ngài, vị Đạt Lai Lạt Ma tôn kính của chúng ta.
Nhưng mà điều tôi muốn viết chia sẻ cho chú thực ra lại là một khắc khoải khá riêng tư với chúng ta, với cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Chú nhớ không, vì trong bài viết tường trình cho các đạo hữu, tôi đã dùng một từ ngữ tương đối cũ xưa, khi trong bài tường thuật, tôi đã viết là ”
Ngài tranh đấu và vận động cho hòa bình và cho lý tưởng bất bạo động, tranh đấu cho nhân quyền không bị chà đạp…”
Dĩ nhiên khi tôi viết, tôi không thể tránh khỏi những thói quen và từ ngữ tôi thường dùng trong khoảng thời gian mà tôi còn được theo học trong trường lúc còn ở Việt Nam, thời gian khá xa xưa của nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa trước khi tôi rời khỏi Việt Nam đi du học. Còn chú dĩ nhiên là chú trưởng thành sau thời gian đó và qua ngoại quốc lúc còn rất trẻ sau 1975, cho nên mặc dù chú rất tinh thông tiếng Việt, nhưng không ít nhiều gi chú vẫn cảm thấy bỡ ngỡ trước những từ ngữ cũ xưa đó…
Chú viết thư sau hỏi thăm tôi khi đọc bài tường thuật của tôi trên mạng:
“Hello anh L.,
Tại vì H. qua Mỹ sau 75 nên thấy chữ “tranh đấu”
dùng để nói đến Ngài hơi ngộ nghĩnh. Nhân đây hỏi anh L. là trong tinh thần Phật Giáo về đề tài non-violence, thì “tranh đấu”
như thế nào mới đạt được non-violence. Theo H. nghĩ, thầy Thích Quảng Đức tự thiêu vì đạo pháp, cũng là tranh đấu, nhưng cái violence này xảy ra chính trên bản thân Ngài. Những người có đạo khác cho rằng đây là tội phản đạo vì tự tử. Như vậy có phải mọi sự “tranh đấu” đều mang một màu sắc violence không, ít hoặc nhiều.”
Chú còn viết thêm:
“À quên, sau 1975, hầu như trong mọi literature của thế hệ mới, lúc nào mình cũng thấy dùng những từ “tranh đấu” và “cách mạng”, cho nên H. đã bị PT disorder"
Đọc thư chú, tôi không khỏi mỉm cười. Đây là một điểm khá “tiêu biểu” về cách hành văn của chú. Đó là chú hay thêm những từ ngữ chuyên môn bằng tiếng Anh vào câu để diễn tả cho chính xác một vấn đề gì khi mà chú không rõ từ ngữ Việt phải dùng ra sao. Tôi để ý sau này, những bạn văn trẻ của chúng ta cũng hay đăng những bài viết chêm thêm Anh ngữ, làm thành một phong trào mới, một sắc thái mới trong nền văn hóa hải ngoại. Tôi phải công nhận là đọc những bài đó cũng thấy ngộ nghĩnh, có chút duyên ngầm, tựa như một cô gái lai hai dòng máu. Thế nhưng bản thân tôi vẫn không quen viết như vậy. Có khi tôi bắt buộc phải chú thêm tiếng Anh trong các bài viết của tôi. Phải nói là tôi
chú thêm chứ không
chêm vào. Sự khác biệt là tôi luôn luôn viết đầy đủ từ ngữ Việt rồi mở ngoặc để chú thêm bằng Anh ngữ cho dễ hiểu, vì tôi cũng biết là các từ ngữ của tôi dùng hơi cổ xưa cho nên phải làm như thế.
Nhân vì câu hỏi của chú là một câu hỏi có tính cách rộng lớn và tiêu biểu, liên quan đến những vấn đề khá tế nhị của các thế hệ già, trẻ của chúng ta tại hải ngoại. Xa hơn nữa, liên quan đến những vấn đề Phật pháp và kinh điển cũng như là vấn đề dịch thuật của nền Phật giáo hải ngoại. Tôi cũng biết là ở hải ngoại, chúng ta có đầy đủ những điều kiện thuận tiện và dễ dàng cho bất cứ sự học hỏi nào, ngay cả học hỏi về Phật pháp. Vì ở đây, mọi tài liệu và máy móc tân tiến giúp chúng ta khi thích thì có thể học hỏi, đào sâu và phát huy nền học hỏi của mình đến mức tối đa.
Nói theo Phật pháp, tại hải ngoại, chúng ta có nhiều thuận duyên, có Thầy, có chùa, có sách vở và mạng lưới tin học cực kỳ nhanh chóng và dễ dàng cho trí tò mò học hỏi phát triển. Cho nên hiện giờ ít nhất là tại Bắc Mỹ (nếu không nói là cả Âu Châu và thế giới nữa), cộng đồng người Việt của chúng ta có một hiện tượng chưa từng thấy: Đó là hiện tượng tạm gọi là “lạm phát về văn hóa”, tôi muốn nói đến số lượng báo chí, sách vở, văn thơ, dịch thuật, trong đó có cả các sách dịch về Phật giáo được in ra mỗi năm.
Chúng ta thấy là các tác giả về sách thơ Việt, cũng như là kinh sách sáng tác hay dịch thuật của Phật giáo phát huy thật vô số kể. Còn báo phát không tại chợ thì quá nhiều, đếm không kể xiết. Đây là một điều đáng mừng, vì tự do phát triển văn hóa thì sẽ phát huy nhiều tài năng mới. Nhưng phải nói thêm là đôi khi cũng thấy đáng lo. Lo là vì khi tôi nhặt một tờ báo lên và đọc hàng chữ lớn của một tựa nào đó viết để than phiền một cái gì… rồi kèm theo câu…
hết thuốc chửa… Vị tác giả nào đó đã muốn than rằng:
Hết thuốc chữa mà thành ra
hết thuốc (ngừa) đẻ… hay hết thuốc (làm) cho đẻ!!! Rồi lớp thiếu nhi lớn lên và ảnh hưởng đến lối hành văn đầy sai lạc trong những tờ báo đó… Tôi không lo sao được hả chú…
Có thể những chuyện đó chỉ làm cho anh em mình cười vui vì dùng những từ sai lệch một cách hóm hỉnh ấy. Nhưng có những chuyện nghiêm chỉnh hơn. Như là khi bài viết lẫn lộn, không phân biệt được từ ngữ “
tìnhdục” và “
tính dục” khác nhau thế nào. Rồi họ viết lung tung… khi thì xâm phạm “
tínhdục” khi thì họ viết “
đồng tình luyến ái”.
Than ôi, cái thiên chức thiêng liêng của nhà báo là nâng cao, phát triển dân trí chẳng còn thấy đâu.
Nhưng đó cũng vẫn còn là chuyện nhỏ chú ạ. Có những điều to lớn hơn. Vì tuy việc phát triển dịch thuật và trước tác rộng rãi kinh sách Phật là điều đáng mừng cho Cộng Đồng Phật giáo Việt Nam hải ngoại. Nhưng cũng có điều làm cho mình phải suy nghĩ lắm. Vì quá nhiều sách được in, và do đó, những người sơ cơ đứng ngoài không biết đâu mà tìm đọc, không biết đâu là gốc, đâu là ngọn... như đi lạc vào một rừng cây… không tìm thấy lối ra… chưa kể đến các bản dịch và các sách… vàng thau lẫn lộn, và dịch giả thời mới bây giờ thường không chịu bỏ công tìm đọc những tác phẩm và kinh sách của chư tổ, chư tôn đức đi trước mình để học hỏi và rút tỉa kinh nghiệm dịch thuật. Mạnh ai nấy tự ý dịch theo các cách hành văn của mình, tự ý phát minh ra những từ ngữ lạ hoắc lạ huơ, đôi khi lại rất tối nghĩa vì nó không nói lên được ý nghĩa thực sự của bản kinh qua những từ quá sức mới mẻ ấy, hơn thế nữa, khi đọc lên không còn thấy được gốc gác Phật giáo Việt Nam của mình ở đâu, và nhất là không liên hệ gì được đến nền Phật giáo Việt Nam đã có truyền thống từ hàng ngàn năm nay, truyền thống do chư Tổ Sư đã dày công ghi chép lại thành những hệ kinh điển của Việt Nam.
Đúng ra trước khi làm công tác dịch thuật, chúng ta nên bỏ vài ba năm (có lẽ là còn chưa đủ) để trì tụng những bộ kinh có tầm vóc, ít nhất là những kinh ngắn như là Bát Nhã tâm kinh hay lớn hơn như là kinh Pháp Hoa. Như thế để mình thấm nhuần cách hành văn, cách đặt câu cú trong kinh điển cũng như là cách chuyển thành lối thi kệ bốn chữ hay năm chữ thuờng sử dụng trong hệ kinh điển Việt Nam và nhất là thanh tịnh hóa thân tâm mình và được linh cảm hộ trì từ dòng chư Tổ sư. Và cũng vì lối hành văn và đặt thi kệ (gọi là chuyển cú) đặc biệt của Phật giáo dân tộc mình rất là dễ thấm vào lòng hành giả trì tụng. Vài ba năm trì tụng còn chưa biết đủ thiếu ra sao, thế mà có một số vị lại viết và giải nghĩa những loại pháp môn chuyên biệt (như của Mật Tông) mà có lẽ chính mình chưa hề tu tập hành trì pháp môn ấy.
Một số dịch giả sau này còn cổ võ một phong trào bài trừ tiếng Hán Việt khi dịch thuật, thay thế bằng những từ ngữ mới mà không theo quy luật văn phạm cú ngữ Việt Nam. Thí dụ như là chế ra một từ kép mới gồm hai âm, một âm thuần Việt, còn âm kia thì lại là gốc Hán Việt, và thành ra một từ kép pha tạp lai căng, vì không hiểu rõ luật về cú ngữ là các từ kép không cho phép dùng trộn lộn một âm Hán và một âm Việt.
Tôi thí dụ cho dễ hiểu nhé, như dùng chữ Bụt để tả đức Phật thì được, nhưng không thể dùng chữ Bụt pháp để chỉ đến giáo lý thay cho chữ Phật pháp. Còn những vị khác thì cổ vũ dùng thuần chữ Việt cho dễ hiểu, từ đó cố ép và sản xuất ra những từ ngữ kỳ quái như là
ban lành để chỉ đến việc Phật tử xin ban chú nguyện hộ trì hay là xin cầu an. Ngay cả từ ngữ ban phép lành (blessings) cũng có màu sắc đặc biệt của công giáo vì người Âu Mỹ chỉ dịch theo sự hiểu biết công giáo của họ, từ ngữ
ban phép lành chỉ mang ý nghĩa ơn trên ban xuống cho người xin mà thôi, chứ không như sự chú nguyện hộ trì mang ý nghĩa
cảm ứng đạo giao nan tư nghì của Phật giáo. (Thôi chết tôi lại dùng từ Hán Việt gây rắc rối cho chú nữa rồi). Không biết chú có thấy lo không, chứ tôi mỗi lần nhìn thấy những chuyện như vậy, trong tâm lại có cái gì buồn buồn.
Dài dòng lan man quá chú nhỉ, hay là chú lại cười tôi là lo… con bò trắng răng rồi. Thôi để tôi quay về với cụm từ “tranh đấu” nhé.
Xét về mặt ngôn ngữ học, chúng ta cũng biết là dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa đúc kết từ tinh hoa của 4000 năm. Cái hay của dân tộc Việt là ngoài những đặc điểm riêng của dân tộc mình, chúng ta còn biết thâu nhận cái hay của người làm của mình,
biết thâu nhận những từ ngữ rất là tinh hoa của Trung Quốc để chuyển hóa nó, tiêu hóa các từ ngữ đó trở thành một nguồn từ ngữ rất là độc đáo và hấp thụ tinh hoa của người làm trở thành tinh hoa của dân tộc. Do đó kho tàng ngôn ngữ Việt bao gồm những từ ngữ vô cùng phong phú và đa dạng, trong đó phải kể đến tinh hoa phong phú và đa dạng nhất là nguồn từ ngữ Hán Việt.
Do đó cụm từ “tranh đấu” có một nguồn gốc Hán Việt. Tại sao phải nói dài dòng như thế: Đó là vì khi chúng ta tìm hiểu một sự kiện gì, chúng ta phải
tra cứu về gốc (chứ không phải chỉ xét về ngọn). Vì gốc từ “tranh đấu” bắt nguồn từ Hán Việt, chúng ta phải tra lại xem ý nghĩa của nó như thế nào. Khi tra từ điển chữ Hán thì chữ
tranh (爭) nghĩa là dùng lời nói để luận đúng sai. Còn chữ
đấu (鬬) nghĩa là dùng sức để định hơn thua.
Như thế về mặt ngôn ngữ thì cụm từ “tranh đấu” bao gồm nghĩa đen là luận hơn thua qua các lời nói phân giải, luận bày hoặc sức yếu mạnh. Nghĩa rộng thì cụm từ “tranh đấu” có ý nghĩa là cố gắng phát huy sức lực (tâm lý hay vật lý) để truyền bá một điều gì mình muốn cổ võ.
Vì thế, chúng ta nói:
Tranh đấu cho tù nhân chính trị, nghĩa là vận động (campaign) để mang lại tự do cho tù nhân chính trị.
Tranh đấu cho hòa bình. Tranh đấu cho lý tưởng của nhân loại bao gồm tự do, công bình và bác ái (Liberté, Egalité, Fraternité: ba điều đề xướng ra bởi Maximilien de Robespierre trong thời kỳ phát triển nền Cộng Hòa Pháp quốc).
Tranh đấu chống kỳ thị… hoặc là tranh đấu bất bạo động của thánh Gandhi v.v…
Thế thì tranh đấu nghĩa rộng rãi là vận động cho một lý tưởng gì đó (working for a noble cause). Cụm từ “tranh đấu” không có ý nghĩa là phải bạo động, nếu là tranh đấu có bạo động thì chúng ta nói:
Cuộc tranh đấu trở thành bạo động… hoặc, ngay từ đầu đã là
tranh đấu bạo động đánh đuổi thực dân Pháp dành quyền tự do cho dân tộc Việt Nam v.v…
Có khi chúng ta nói là phải “phấn đấu tu tập” có nghĩa là tranh đấu với chính bản thân mình để tu tập, vượt lên cao hơn, như là trường hợp của thiền Nhật bản – Zen – mà Anh ngữ dịch là “transcendental meditation”.
Trở lại về cái điểm hay độc đáo của kho tàng từ ngữ Hán Việt là các từ ngữ đó rất súc tích, cô đọng (concise). Khi đọc cụm từ “tranh đấu”, người Việt Nam chúng ta liên tưởng ngay đến sự cực khổ, hết lòng hết sức làm một cuộc vận động cho lý tưởng nào đó. Chúng ta không nói:
tranh đấu cho sự ngu dân, hoặc tranh đấu cho thực dân Pháp. Vì chữ tranh đấu rất là cao cả, bao hàm ý nghĩa cao thượng và lý tưởng.
Xét về mặt văn học, chắc chú cũng biết là như khi chúng ta đọc một bài thơ: chỉ cần có một từ ngữ súc tích cô đọng và bao hàm một điều gì thật đẹp, hay là một phong cảnh thật hữu tình, là lòng mình lại khởi lên tất cả những cảm xúc dâng trào. Thí dụ như câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du mà ai đọc cũng đều cảm động:
Rừng phong thu đã nhuốm
màu quan san.
Nguyên cả câu này, khi ta đọc năm chữ đầu
Rừng phong thu đã nhuốm (che ba chữ
màu quan san đi), thì ta chưa có cảm xúc gì cả, nhưng khi đọc thêm ba chữ cuối thì mới thấy mở ra cả một trời thu xuất hiện. Từ ngữ “
quan san” làm ta thấy ngay lập tức cả bầu trời thu đó, rồi lại thấy theo bầu trời thu nguyên cả sự sầu muộn của nơi chốn địa đầu núi non “quan san” xa xôi cách trở, ly biệt, buồn bã, se sắt, hiu quạnh…, thấy nguyên cả màu sắc của rừng thu rực rỡ màu lá đỏ, lá vàng thắm… Và câu thơ nổi bật ở chỗ
màu quan san. Cái hay, cái đẹp của từ Hán Việt là sự súc tích, cô đọng, lôi cuốn theo cả một trời tình cảm đi theo sau. Và người đọc suýt xoa khen câu thơ trên là câu thơ tuyệt tác.
Làm sao mà chúng ta có thể diễn tả cảm xúc của màu quan san mà không dùng từ Hán Việt? Nếu chúng ta bỏ qua kho tàng văn hóa từ ngữ này mà viết theo kiểu thuần Việt thì chẳng lẽ chúng ta làm câu thơ thành ra:
Rừng phong thu đã nhuốm màu ly biệt của miền núi non xa xôi cách trở và màu của sự buồn bã chia ly mùa thu…
Câu thơ sẽ chẳng còn ra sao và mất cả vần điệu. Người đọc cũng thấy gượng ép, nhạt nhẽo, chẳng còn thấy hứng thú gì khi tác giả phải nói toạc ra mọi ý nghĩ cùa mình…
Chính là nhờ lòng cảm xúc khi đọc những từ ngữ truyền cảm đó mà chúng ta thưởng thức thơ văn, thấy hay và đẹp… Để cho niềm cảm xúc dâng trào…
Cũng thế, khi ta đọc bài kinh, bài kệ, nhờ những từ ngữ súc tích của Phật giáo Hán Việt mà bài kinh mang lại cho chúng ta bao nhiêu niềm cảm xúc dâng trào,
cảm ứng đạo giao với chư Tổ trong dòng truyền thừa đã dày công tâm huyết viết ra những bài đó. Chúng ta không quên công ơn của chư vị.
Lấy thí dụ, khi nói đến bài học đầu tiên của đức Phật Thích Ca giảng cho năm anh em nhà Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế. Nếu chúng ta mắc kẹt và từ chối không dùng tiếng Hán Việt thì làm sao mà chúng ta có thể nghe giảng và hiểu nghĩa ngắn gọn của bài học? Chỉ nói đến tựa của bài giáo lý này, nếu muốn viết sang thuần Việt sẽ phải viết dài dòng: Bốn chân lý cao siêu mầu nhiệm, mà dù vậy vẫn phải dùng từ Hán Việt như chân lý v.v… Mà khi đọc thì ý nghĩa không thể thấm bằng ba từ ngữ thật hay và cô đọng: Tứ Diệu Đế, đọc lên là tất cả đều thấy rõ ràng.
Cho nên mình cũng thấy là chẳng thể nào viết tiếng Việt mà không dùng từ Hán Việt, vì nếu cố làm như thế thì chẳng những mình bỏ quên nguồn gốc văn hóa của mình mà các câu văn sẽ rất tối nghĩa khó hiểu và què quặt khôi hài.
Đó là cái hay của kho tàng từ ngữ Hán Việt. Kho tàng này chính là văn hóa Việt Nam, chính là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Qua các kho tàng kinh điển Phật giáo, chúng ta muốn hiểu được, cảm nhận được, phát huy cảm ứng đạo giao thì chúng ta phải phát tâm cố gắng tìm hiểu học hỏi không ngừng kho tàng văn hóa Việt Nam và cũng là kho tàng Phật giáo Việt nam. Chúng ta không nên tìm đến sự dễ dãi quá, đơn giản quá vì không muốn học hỏi khó khăn, và đòi hỏi tất cả phải viết ra dài dòng thành thuần Việt. Vả lại sự học hỏi càng dễ dãi thì càng mau quên và không sâu.
Về điều này, đức Phật và chư Tổ cũng thường sử dụng, chư vị đôi khi không nói thẳng tuột điểm tâm huyết của giáo lý ra mà dùng các ẩn dụ muốn chúng ta phải tự mình bỏ công tìm tòi học hỏi ra. Vì có như vậy, sự học hỏi mới sâu sắc và thấm thía.
Sự cảm xúc khi xảy ra trên bình diện tu tập hành trì đạo thì chúng ta gọi là
cảm ứng đạo giao. Cảm ứng đạo giao rất là quan trọng và cần thiết trên con đường tu vì nó ban cho chúng ta sức mạnh hành trì tinh tấn. Chú có nhớ những bài tụng rất là cảm động mà khi chúng ta đốt ngọn hương trầm lên, ngước lên chiêm ngưỡng dung nhan Phật và quán tưởng đến 32 tướng tốt, đức Từ phụ nhìn xuống từ bi… Lòng chúng ta rộn rã niềm vui sướng và xướng câu kệ
Quán tưởng:
Năng lễ sở lễ tánh không tịch,
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì…
Khi cảm ứng mạnh quá và liên tục, thì một ngày nào đó, chúng ta sẽ chứng quả Bất thối chuyển.
Khi ấy, lòng chúng ta an vui biết là bao…
Chú H. thân mến, chú thấy không? Cái cảm xúc từ một từ ngữ súc tích đó có thể nâng cao, hướng thượng và chuyển hóa thành cảm ứng đạo giao.
Cho nên mình đừng ngại tiếng Hán Việt. Một âm súc tích, cô đọng, chính xác và chuẩn đích sẽ khơi cho chúng ta nguồn cảm xúc, xa hơn nữa, nguồn đạo cảm ứng không thể nghĩ bàn…
Vậy mình đừng ngại các từ ngữ đó, nó là phương tiện giúp chúng ta tu đạo. Và nếu có khó khăn chút đỉnh, chúng ta hãy nghĩ đến công ơn chư Tổ trong truyền thừa Việt Nam mình mà bỏ chút công học hỏi. Không khó đâu, chỉ cần chút thời gian, tiếng Việt mình đã quá quen thuộc với các từ Hán Việt rồi. Nhất là thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ vô cùng lanh lẹ và thông minh, học thành tài bao nhiêu thứ khó khăn huống hồ học những từ ngữ Hán Việt quá quen thuộc trong tiếng mẹ đẻ phải không chú. Bây giờ chú thử tưởng tượng, nếu hoàn toàn không dùng từ Hán Việt, mình có thể nói và viết tiếng Việt được không? Chẳng hạn như câu mình rất thường nói là:
Mùa đông năm nay lạnh quá, nhiệt độ thường xuống thấp dưới mười độ âm…
Xét trong một câu ấy, chúng ta đã tìm ra khoảng 5 từ Hán Việt (đông, nhiệt độ, thường, âm v.v…). Nếu chúng ta bài bác từ Hán Việt, không dùng các chữ đó, thì chú thấy sẽ khó khăn đến thế nào để diễn tả câu đơn giản ấy.
Huống chi, Phật pháp vốn dĩ cao siêu, mầu nhiệm, ngôn từ đầy đủ cũng còn chưa diễn tả nổi. Nếu chúng ta cứ ngại học thêm những từ ấy mà tránh né thì chẳng biết chúng ta sẽ đi về đâu?
Cảm xúc văn hóa, hay cảm ứng đạo giao không cách xa nhau lắm đâu. Chỉ cần nhắm mắt lại, vỗ tay đốp một cái như khi chư tăng Mật tông Tây tạng vẫn làm khi tụng bài Tâm Kinh, thì cảm ứng tánh không hiện tiền… Như khi một hành giả trì câu chú (bắt đầu với chủng tự Om) liên tu, lâu ngày, chày tháng, câu chú nhập tâm, ăn ngủ đều âm thầm tụng câu chú. Rồi trình độ trì chú đã cao và thuần thục, khi đó hành giả chỉ cần khởi trong tâm chủng tự
Om..m..m..m âm vang trong tâm thức là toàn bộ câu chú hiện tiền, chiếm trọn tâm thức chẳng còn mảy may vọng tưởng. Sự súc tích cô đọng đã đến trình độ cao tột. Và tương đương với trình độ đó là sự cảm ứng đạo giao…
Nhưng tôi cũng đồng ý với chú là dĩ nhiên, mình đừng lạm dụng quá đáng các từ ngữ Hán Việt làm cho những bài viết trở thành nặng nề. Chúng ta nên khéo léo phối hợp các cách dùng từ ngữ của chư Tổ Việt Nam để bài viết của chúng ta tương đối dễ hiểu và súc tích. Nhưng dù vậy, sự kiện đó cũng đòi hỏi người đọc có một trình độ tối thiểu và nhất là lòng hăng say tìm học để mang lại những chiều sâu về sự hiểu biết.
Xét về mặt giáo lý thì tâm của chúng ta thường hay mắc vào các sự chấp trước. Đức Phật Thích Ca đã thuyết giảng là tất cả những gì của thế gian đều thuộc về tục đế. Tục đế là những quy ước (frame, convention) của thế gian đặt ra để giúp chúng ta hiểu một điều gì cho dễ dàng. Nhưng bù lại, chúng ta không nên chấp chặt vào đó để làm cho những quy ước ấy trở thành ông chủ của chúng ta, hay nói cách khác, chúng ta trở thành nô lệ của những quy ước ấy mà không phân biệt được những trường hợp cá biệt đặc thù.
Tóm lại, chúng ta không nên chấp chặt vào thế gian đế hay là tục đế. Mà ngôn ngữ thì thuộc về thế gian, tức tục đế, ngôn ngữ có tính cách giới hạn và tương đối. Do đó đức Phật luôn từ bi khuyên bảo chúng ta đứng chấp vào ngôn từ, hình danh, sắc tướng. Ngôn từ chỉ là phương tiện. Như ngón tay chỉ mặt trăng.
Cần nương ngón tay để thấy mặt trăng chứ nếu chỉ chăm chăm nhìn vào ngón tay thì mặt trăng sẽ không bao giờ hiển hiện được.
Ngày xưa có câu
“ý tại ngôn ngoại” nói rằng ý nghĩa nằm ngoài ngôn từ cũng không khác cái nghĩa đó. Để giúp chúng ta đừng chấp, đức Phật đã tuyên bố hùng hồn trong kinh Kim Cang:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai”
Nghĩa là:
Nếu do sắc thấy ta, do âm thanh mà tìm ta, kẻ đó hành tà đạo, chẳng thể thấy Như Lai…
Đức Phật đã đả phá tất cả những gì thuộc về tâm chấp trước, kẹt vào hình danh sắc tướng, vì những thứ đó chẳng phải là rốt ráo. Ngay cả đức Phật cũng phải bát Niết-bàn và từ bỏ thân bao gồm 32 tướng quý của mình khi duyên đã hết. Do đó chấp vào hình danh sắc tướng thì chẳng phải là đường tu hành chân chính.
Chấp hình sắc hay chấp vào ngôn tự cũng như nhau. Khi ta chấp vào ngôn tự thì cái ý thật nghĩa ở đằng sau chẳng thể nào hiển hiện.
Do đó khi đọc cụm từ “tranh đấu” viết về đức Đạt Lai Lạt Ma, chẳng nên dính vào cái nghĩa đen đằng sau, mà chúng ta chỉ nên thấy được một vị đại đạo sư đã từ bi đi khắp muôn phương hành hóa phát triển những lợi lạc cho nhân quyền thế giới. Thế cho nên người người đều đến nghe đức Đạt Lai Lạt Ma dạy dỗ khuyên bảo, chẳng phân biệt gốc gác từ đạo nào, chẳng phân biệt màu da chủng tộc. Tất cả đều hoan hỷ đón nhận những lời khuyên bảo chân tình của Ngài trong những buổi nói chuyện với công chúng.
Ngay cả trên đường tu đạo, chúng ta cũng chẳng nên kẹt trong ngôn từ huống hồ là ngoài đời khi đọc một bài viết hay một từ ngữ như tranh đấu. Thế nào là chấp trong ngôn từ.
Chúng ta hãy nhớ lại lời chư Tổ dạy:
“Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan,
Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”
Nghĩa là, nếu chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa, thì oan cho ba đời chư Phật, mà rời bỏ kinh điển thì lại lạc vào những tà thuyết của ma.
Vì lời nói của chư Phật chỉ là phương tiện tạm thời, tất cả đều tùy theo trường hợp, nghĩa là tùy bệnh cho thuốc. Thuốc trị bệnh của Phật là thuốc phá chấp, nếu chiếu theo văn tự để giải nghĩa, khi Phật nói Có thì mình chấp cái Có đó là thật, khi Phật nói Không thì lại chấp cái Không đó là thật, ấy là oan cho chư Phật. Đó là do cái tâm của mình thấy mọi pháp qua cái lăng kính của kinh nghiệm nội tâm riêng biệt, như từ
tranh đấu nó vốn tự nó không có nghĩa bạo động mà vì tâm hành của mình, nhìn sự việc qua kinh nghiệm cá nhân (cũng là nghiệp của mình) và liên kết ý nghĩa của từ tranh đấu với bạo động (
duy thức học gọi là tâm biến kế).
Còn nếu
“Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”: lìa kinh thì chẳng thể giác ngộ được, vì kinh chính là lời Phật dạy để tu hành đạt giác ngộ cho nên không theo kinh điển là tà ma, không thể giải thoát được.
Do đó khi đọc tụng kinh, chúng ta chẳng lìa văn tự cũng chẳng chấp văn tự, nương theo ý kinh mà thấy thật nghĩa y như vậy, cũng như đọc một bài viết, ngắm một bông hoa, chẳng khởi tâm biến kế, chẳng động đến Mạt-na.
Cho dù Mạt-na sinh khởi, mình sẽ mỉm cười và nói: À há!!! Ta đã thấy mặt mũi của ngươi rồi.
Để khi đọc từ ngữ
tranh đấu, ta cũng chỉ nhớ đến công ơn của đức Đạt Lai Lạt Ma, một đời làm việc cho hòa bình bất bạo động, cho nhân quyền và cho hạnh phúc nhân lọai. Chúng ta không còn chấp vào cái tâm thức giới hạn của mình, trải rộng cái nhìn lên trên tâm thức, đọc cái nghĩa đằng sau cả câu viết và thấy được hành trạng của Ngài qua những cố gắng không ngừng nghỉ để hoàn thành tâm nguyện cao cả của Ngài.
Và sau cùng, xét thêm sâu hơn về mặt duy thức học thì Mạt-na thức (là thức thứ bảy trong Bát thức) chính là nguyên nhân của sự chấp trước này. Như đã nói, khi ta có một kinh nghiệm quá khứ nào về chuyện gì đó, thì chúng ta có khuynh hướng chấp chặt vào cái đó.
Thí dụ như khi chú có kinh nghiệm không tốt các cuộc chiến tranh tàn bạo, và nghe những tuyên truyền về tranh đấu vũ trang thì cũng dễ hiểu là khi nghe lại từ tranh đấu, chú cảm thấy có vẻ sắt máu và không có mấy cảm giác tốt đẹp. Như vậy, chúng ta hay bị cái quá khứ làm chúng ta mất chính niệm và lan man liên tưởng đến tranh đấu là sẽ có bạo động, đến sự tàn ác giết người v.v…
Mà thực sự thì cụm từ tranh đấu chỉ có nghĩa là làm việc khó nhọc cho một lý tưởng cao cả nào đó của mình.
Người tu theo đạo Phật thường cố gắng giữ chính niệm không để cho Mạt-na thức dẫn dắt tâm mình chuyển thành tâm biến kế sở chấp và gán ghép một cái nhãn hiệu gì đó trên sự vật, làm cho méo mó sự vật đó để mình không còn thấy được
bản thể thực của sự vật (real nature of phenomena). Do đó mới có câu nhìn bông hoa đẹp mà thấy là bông hoa đẹp (chứ không thấy là hoa đẹp, xong rồi muốn khởi tâm ngắt bông hoa mang về chưng trong nhà mình).
Cũng như khi đọc cụm từ “tranh đấu” không để cho Mạt-na thức của mình khởi lên (vì do các nghiệp quá khứ của mình hiện hành) và cho rằng “tranh đấu” là phải có bạo động (violence). Như thế thì
“tranh đấu”
với lòng từ bi như là đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn thường thuyết và làm chính là bất bạo động “non-violence”
. Và nói thế có nghĩa là mọi tranh đấu phải được đặt trên nền tảng của nguyện từ bi (altruistic motivation) mang lại an lành cho mọi chúng sinh.
Với những chúng sinh bình thường như chúng ta thì mọi cái nhìn đều nhuốm ảnh hưởng của Mạt-na thức và bản ngã của mình. Có một câu thơ rất hay để diễn tả cái sự bao trùm của chủng tử trong Mạt-na thức hiện hành trên mọi nhận thức của mình, tôi cũng chỉ nhớ mài mại thôi và tạm viết ra đây để chúng ta cùng chiêm nghiệm nhé:
Bởi vì mắt thấy trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh mầu trời
Bởi vì mắt thấy biển khơi
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương…
Trụ Vũ
Còn về chuyện ngài Quảng Đức, tôi nghĩ là câu chú hỏi vậy thôi chứ chắc chú cũng dư hiểu là tự thiêu vì đạo pháp, cũng là tranh đấu, nhưng đúng hơn tranh đấu với lòng đại bi của chư Phật. Cho nên tôi cũng muốn bắt chước như nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp viết trong bài Đi Chùa Hương “
Bài thơ này em nhớ, nên chả chép vào đây…”, chú có thấy tôi mỉm cười không…
Nhưng thôi, tôi cũng chỉ muốn cùng chú nhắc lại truyện của đức Thích Ca về sự tích có một hôm, một con chim bù cắt đuổi bắt con chim sẻ định ăn thịt. Chim sẻ bay đến trốn sau lưng Ngài. Đức Phật bèn giấu chim sẻ sau lưng để cứu mạng nó. Chim bù cắt bay đến nơi và thưa với đức Phật, Ngài che chở cho chim sẻ thì e rằng con phải chết đói, vì sự sống của con trong thiên nhiên là phải săn bắt chim sẻ ăn thôi. Đức Phật liền cắt bắp vế mình ra để ban cho chim bù cắt ăn… thế có phải là bạo động không chú nhỉ…
Hẹn chú ngày gặp lại sớm, anh em mình tha hồ hàn huyên cho thoả…
Không Quán tùy bút ký
Hồi hướng
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Đệ tử và chúng sinh,
Đều trọn thành Phật đạo.
Nam mô Bổn Sư
Thích-ca Mâu-ni Phật
CHÚ THÍCH
Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn được người Trung Hoa xưng tụng là vị Hoạt Phật nghĩa là vị Phật sống (Living Buddha).
Ngày 11 tháng 6 năm 1963, Thượng tọa Thích Quảng Đức đã tự thiêu giữa đường phố Sài Gòn trước sự chứng kiến của quần chúng và Phật tử để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền.
Nghĩa là bạo động, sát sinh, ngược lại với bất bạo động hay là bất sát.
Post-traumatic disorder: rối loạn hậu chấn thương.
Tính dục nghĩa là phái tính (nam hay nữ). Còn tình dục mới là chuyện liên hệ trai gái. Do đó viết đúng phải là đồng tính luyến ái.
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì (trích từ bài kệ tụng Quán tưởng khi lễ lạy) dịch nghĩa là sự linh cảm với đạo không thể nghĩ bàn.
Quan (關) = cửa ải; san, sơn (山) = núi.
Quả Bất thối chuyển là quả vị Bồ tát an vui tinh tấn trên con đường đạo và không lùi bước.
Biến kế sở chấp là khi mình chấp vào cái nhìn sai lầm trên sự vật (pháp) và gán trên sự vật cái nhãn sai lầm đó, như đi trong đêm, nhìn cuộn dây mà tưởng là con rắn.