Chấm dứt sự giết hại chúng sinh chính là chấm dứt chuỗi khổ đau trong tương lai cho chính mình.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu cứ mãi đi tìm những yếu tố cấu thành hạnh phúc. (You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. )Albert Camus
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Có những người không nói ra phù hợp với những gì họ nghĩ và không làm theo như những gì họ nói. Vì thế, họ khiến cho người khác phải nói những lời không nên nói và phải làm những điều không nên làm với họ. (There are people who don't say according to what they thought and don't do according to what they say. Beccause of that, they make others have to say what should not be said and do what should not be done to them.)Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Chắp tay lạy người »» Thế giới quanh ta... »»

Chắp tay lạy người
»» Thế giới quanh ta...

Donate

(Lượt xem: 7.855)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Chắp tay lạy người - Thế giới quanh ta...

Font chữ:


Thời thơ ấu, chúng ta luôn háo hức mỗi khi được tiếp xúc với một sự vật mới. Thế giới quanh ta đầy dẫy những điều mà ta chưa từng biết đến tên gọi, và sự tiếp xúc với mỗi một sự vật mới mẻ đều khiến ta say mê, thích thú. Thế giới mở rộng quanh ta như một nguồn cảm hứng bất tận, với vô số những điều chưa biết luôn chờ đợi ta khám phá và tìm hiểu... Ta có cảm tưởng như sẽ không bao giờ có thể hiểu hết về thế giới quanh ta! Trong giai đoạn này của cuộc đời, hầu hết chúng ta thường liên tục đưa ra những câu hỏi làm điên đầu người lớn, không phải vì tính chất phức tạp hay khó khăn của những câu hỏi, mà chính là vì mức độ dồn dập dường như chẳng bao giờ có thể thỏa mãn được hết.

Rồi thời gian trôi qua và trí óc non nớt của ta dần dần lấp đầy với những tên gọi và khái niệm. Danh sách liệt kê những gì “đã biết” dần dần được kéo dài ra và tưởng chừng như vượt xa những điều “chưa biết”. Hơn thế nữa, song song với quá trình nhận biết và định danh sự vật, chúng ta cũng đồng thời thực hiện sự phân loại, sắp xếp. Thông qua đó, sự vật được đưa vào nhận thức của ta theo những kiểu loại, hệ thống nhất định... và ta có cảm giác như mình đã am hiểu rất nhiều về thế giới quanh ta, khiến cho nó như ngày càng trở nên nhỏ hẹp hơn đối với ta. Trong giai đoạn này của cuộc đời, phần lớn chúng ta thường trở nên tự mãn - hay tự tin quá độ - và ít khi chịu lắng nghe những lời giải thích hay chỉ dạy của người lớn tuổi. Ta luôn muốn tự mình đưa ra những giải thích về sự việc và có khuynh hướng tin chắc rằng những nhận thức của ta là chính xác. Ta ít khi chịu lắng nghe người khác, trừ phi họ có thể chỉ ra một cách hết sức rõ ràng và cụ thể những sai lầm của ta.

Nhưng rồi cuộc sống không dừng lại ở đó. Thời gian tiếp tục trôi qua và kinh nghiệm sống cũng như sự va chạm, tiếp xúc với đời sống của chúng ta ngày càng nhiều hơn. Ta bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với những sự việc mà ta không thể giải thích hay nhận hiểu bằng phần tri thức đã có. Từ phạm vi thế giới vật chất, chúng ta dần mở rộng nhận thức sang thế giới tinh thần, bao gồm cả những cảm xúc, tình cảm cũng như những hiện tượng tâm linh. Và chúng ta bắt đầu nhận ra rằng vẫn còn có rất nhiều điều mà ta chưa hiểu biết hết hay thậm chí là hoàn toàn không hiểu gì cả! Thế giới quanh ta dường như ngày càng trở nên bí ẩn và khó hiểu hơn, và những tri thức đã có của ta có vẻ như ngày càng trở nên hạn hẹp, ít ỏi...

Trong giai đoạn này của cuộc đời, nhiều người trong chúng ta bắt đầu chọn cho mình một lý tưởng sống, một hướng đi tinh thần, tìm kiếm một ý nghĩa cho đời sống hay một chỗ nương tựa về mặt tâm linh. Khuynh hướng này thường giúp ta bớt đi sự hụt hẫng khi phải đối mặt với những hiện tượng tâm linh bí ẩn hay những cơn sóng gió biến động trong đời sống mà rất ít người trong chúng ta tránh khỏi.

Tất nhiên, mỗi chúng ta có thể trải qua một tiến trình tiếp xúc khác nhau với thế giới quanh ta, nhưng diễn tiến thay đổi cơ bản như trên dường như có thể xem là một mô thức chung chung nhất, phổ biến nhất ở hầu hết mọi người.


Dù là duy tâm hay duy vật, điểm chung mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở đây là cả hai phía đều xây dựng lập luận dựa trên căn bản khởi đầu có một chủ thể nhận thức và một đối tượng được nhận thức. Và nếu xét theo tiến trình tiếp xúc ban đầu của mỗi cá nhân với thế giới chung quanh thì rõ ràng là chưa hề có sự phân chia về mặt quan điểm là duy tâm hay duy vật. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, một mặt thì bản thân thế giới quanh ta luôn chuyển biến, thay đổi, nhưng mặt khác thì nhận thức của ta về thế giới cũng thay đổi qua từng giai đoạn khác nhau. Mỗi một sự vật là mới mẻ hay khó hiểu đối với bản thân ta lại không có gì là mới mẻ hay khó hiểu đối với nhiều người khác, và có những sự việc quen thuộc đối với ta lại có thể là chưa hề được biết đến bởi một số người. Nói cách khác, sự thay đổi mà ta nhận thức được nơi thế giới quanh ta bao giờ cũng nằm trong mối tương quan chặt chẽ giữa bản thân ta - chủ thể nhận thức - và những sự vật quanh ta - đối tượng nhận thức. Chúng ta hầu như không thể hình dung được một thế giới nào khác hơn là cái thế giới xuất hiện trong mối tương quan như thế.

Và cũng chính từ mối tương quan giữa chủ thể và đối tượng nhận thức mà nhân loại đã nảy sinh ít nhất là hai phương cách nhận thức khác nhau về thế giới, hình thành hai quan điểm hoàn toàn khác biệt nhau.

Một số người lấy chủ thể làm trọng tâm trong mối tương quan với thế giới bên ngoài. Theo quan điểm này, thế giới vật chất bên ngoài chỉ là sự phóng chiếu của ý thức, được nhận biết bởi ý thức chúng ta. Sở dĩ thế giới vật chất có thể tồn tại được là vì có một chủ thể đang nhận thức về nó. Chúng ta không thể hình dung một dạng tồn tại nào đó của thế giới vật chất nếu như không có bất kỳ chủ thể nào nhận biết về nó. Lập luận đơn giản ở đây là, nếu không có chủ thể nhận biết thì làm sao để biết được về sự tồn tại đó?

Quan điểm này được mở rộng hơn khi cho rằng sự thay đổi của tâm thức có thể tác động lên thế giới vật chất, hay nói khác đi là thế giới vật chất có thể thay đổi theo một cách nào đó tùy thuộc vào tâm thức ta. Một ví dụ đơn giản của điều này là khi một người đang vui, môi trường chung quanh sẽ thấm đẫm niềm vui đó; ngược lại, tâm trạng thất vọng hoặc u sầu sẽ làm cho mọi thứ quanh ta đều trở nên u ám.

Nhưng những người không chấp nhận quan điểm này có thể bác bỏ điều đó khi cho rằng những thay đổi theo cách như thế chẳng qua chỉ là sự thay đổi chủ quan trong tâm thức của chúng ta mà thôi, hoàn toàn không phải là sự thay đổi khách quan của thế giới vật chất bên ngoài.

Tuy nhiên, ở mức độ tiến xa hơn nữa, những người nhấn mạnh vào vai trò của chủ thể nhận thức thường dựa vào trực quan, nghĩa là sự cảm nhận trực tiếp của họ, để cho rằng có những mối quan hệ nhất định mà qua đó tâm thức có thể chi phối các hiện tượng trong thế giới vật chất. Những mối quan hệ hay sự chi phối này không phải là những quy luật thuần túy vật chất, nên chúng hoàn toàn không thể được nhận biết hay kiểm chứng thông qua các nguyên tắc vật lý thông thường. Nhưng cho dù không thể nhận biết hay kiểm chứng bằng cách thông thường thì con người vẫn có thể trực nhận được sự hiện hữu của chúng trong tự nhiên thông qua những kinh nghiệm trực tiếp.

Trong một ý nghĩa phổ biến hơn, những người theo quan điểm này tin rằng ngoài thế giới vật chất được nhận biết bằng các giác quan, còn có một thế giới khác - hay một phần khác của thế giới - thuộc phạm trù siêu nhiên, vô hình, không thể nhận biết bằng các giác quan thông thường. Tuy nhiên, con người có thể nhận biết, giao tiếp được với phần thế giới vô hình này nhờ vào những năng lực nhất định của tâm thức, được phát triển thông qua những phương thức tu tập, rèn luyện nào đó.

Những người không tán đồng với quan điểm trên thì đưa ra một quan điểm ngược lại, lấy đối tượng nhận thức làm trọng tâm trong mối tương quan với thế giới bên ngoài. Đối với họ, thế giới luôn tồn tại một cách khách quan và vận hành theo những quy luật cụ thể của nó, không hề chịu sự tác động bởi ý chí con người. Và vì thế, cách duy nhất để chúng ta có thể cải thiện hoàn cảnh chung quanh là nghiên cứu tìm ra những quy luật vận hành khách quan của thế giới vật chất và dựa vào đó để tác động, làm thay đổi môi trường quanh mình.

Quan điểm thứ hai này dường như có thể được chứng minh cụ thể qua những sự việc thường xuyên diễn ra trong đời sống. Chẳng hạn, khi một người nông dân trồng lúa và mong muốn được mùa, thì cách duy nhất để ông ta có thể tác động và biến mơ ước của mình thành hiện thực là phải nắm rõ quy luật sinh trưởng của cây lúa, sau đó tác động thích hợp vào chu kỳ sinh trưởng của nó bằng những biện pháp cụ thể như bón phân, dẫn nước tưới... Nếu sự hiểu biết của ông ta là đúng đắn và những biện pháp tác động đã được thực hiện tốt, kết quả chắc chắn sẽ là một vụ mùa bội thu như mong muốn. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh dẫn đến mất mùa, thì điều đó vẫn có thể được giải thích bằng những quy luật khách quan, dù là vượt ngoài khả năng tác động của người nông dân ấy nhưng vẫn không đi ngược với các quy luật vận hành của thế giới vật chất.

Lấy một ví dụ khác, khi một học sinh mong muốn vượt qua kỳ thi với điểm số cao, thì cách duy nhất để thực hiện mong muốn đó là phải học tập chuyên cần, đáp ứng được những yêu cầu mà kỳ thi đề ra. Mọi sự nỗ lực theo những hướng khác hơn đều bị xem là không đúng quy luật khách quan, và do đó sẽ không thể mang lại kết quả như mong muốn.

Khi đi sâu tìm hiểu thì thật ra mỗi quan điểm nêu trên đều có cả một hệ thống cơ sở lý luận chi ly và phức tạp để bảo vệ cho quan điểm của mình, đồng thời bác bỏ quan điểm của phía bên kia mà họ cho là bất hợp lý. Những người theo quan điểm nhấn mạnh vào chủ thể nhận thức như trên được xem là duy tâm, và đối nghịch hoàn toàn trên cơ sở lý luận với những người theo quan điểm duy vật, tức là quan điểm nhấn mạnh vào đối tượng nhận thức, hay thế giới vật chất khách quan.

Đa số các tôn giáo - trừ Phật giáo - đều gắn liền với quan điểm duy tâm và phát triển trên nhận thức cho rằng trong phạm trù vô hình đã nói trên có sự hiện hữu của một đấng siêu nhiên toàn năng nào đó, có thể chi phối cả thế giới tâm linh lẫn thế giới vật chất.

Trong khi đó, những người theo quan điểm duy vật thì cho rằng tất cả mọi hiện tượng đang tồn tại đều được hình thành từ các dạng vật chất. Và như vậy, cả chủ thể lẫn đối tượng nhận thức đều chỉ là kết quả của những quá trình tương tác vật chất theo những quy luật khách quan nhất định. Chính vì vậy, ý chí con người không thể tác động vào sự thay đổi của thế giới vật chất. Nếu muốn làm thay đổi thế giới thì cách duy nhất là con người phải hành động dựa vào những quy luật vận hành khách quan của nó.

Dù là duy tâm hay duy vật, điểm chung mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ở đây là cả hai phía đều xây dựng lập luận dựa trên căn bản khởi đầu có một chủ thể nhận thức và một đối tượng được nhận thức. Và nếu xét theo tiến trình tiếp xúc ban đầu của mỗi cá nhân với thế giới chung quanh thì rõ ràng là chưa hề có sự phân chia về mặt quan điểm là duy tâm hay duy vật. Khi một đứa trẻ lớn lên, sự tiếp xúc và tìm hiểu về thế giới chung quanh là một tiến trình phát triển và thu thập kinh nghiệm hoàn toàn tự nhiên với sự phân biệt giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức nhưng không hề, và cũng không cần thiết phải xác định đó là theo quan điểm duy tâm hay duy vật.

Sự chọn lựa giữa một trong hai quan điểm duy tâm hay duy vật dường như chỉ xuất hiện khi ý thức chúng ta bắt đầu tiến trình nhận thức về chính nó, và đây là dấu hiệu của sự phát triển tư duy khi cá nhân không chỉ đơn thuần học hỏi nhận biết về thế giới quanh mình mà bắt đầu có sự phán xét, suy nghiệm về những gì đã được nhận biết. Như vậy, điều rõ ràng ở đây là những quan điểm duy tâm hay duy vật chỉ được đưa ra như một nỗ lực trong tư duy của con người nhằm giải thích về những gì nhận biết được từ thế giới bên ngoài, trong khi sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng nhận thức là điều đã xuất hiện từ trước đó.

Vấn đề duy tâm hay duy vật đã từng là đề tài tranh cãi khá dai dẳng giữa nhiều triết gia cũng như các nhà tư tưởng lớn trên thế giới. Và như đã nói, đa số tôn giáo đều được xem là duy tâm. Tuy nhiên, trong thực tế thì đạo Phật có thể xem là tôn giáo duy nhất không hề lưu tâm đến vấn đề duy tâm hay duy vật, mà chỉ đặt trọng tâm chú ý vào sự phân tích thiết thực tính chất hiện hữu của cả chủ thể lẫn đối tượng nhận thức trong mối quan hệ tiếp xúc giữa bản thân ta và thế giới quanh ta.

Khi phân tích về đối tượng nhận thức, nghĩa là toàn bộ thế giới được nhận biết bởi các giác quan của chúng ta, đạo Phật không nhằm đi sâu mở rộng sự hiểu biết nhằm bao trùm tất cả. Thay vì vậy, đạo Phật nhấn mạnh đến hai vấn đề căn bản:

Tìm ra nguyên nhân phổ quát đã hình thành tất cả các hiện tượng, sự vật.

Nhận thức rõ bản chất thực sự của mọi hiện tượng, sự vật.

Bằng sự phân tích và quán chiếu theo hướng như thế, đức Phật đã chỉ ra rằng toàn bộ thế giới hiện tượng này đều được hình thành từ một nguyên lý chung. Dưới đây là bài kệ của ngài A-thuyết-thị (Aśvajit), một trong 5 vị đệ tử đầu tiên của đức Phật, nhắc lại lời dạy của đức Phật cho ngài Xá-lợi-phất nghe:

Nhược pháp nhân duyên sinh,
Pháp diệc nhân duyên diệt.
Thị sinh diệt nhân duyên,
Phật Đại Sa-môn thuyết.


(Các pháp nhân duyên sinh,
Cũng theo nhân duyên diệt.
Nhân duyên sinh diệt này,
Do Đức Phật thuyết dạy.)

Vào lúc được nghe bài kệ này, ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra) vẫn còn là một luận sư ngoại đạo. Nhưng khi vừa được nghe qua bài kệ, ngài đã nhận ra ngay người thuyết dạy bài kệ này chính là bậc đạo sư chân chính mà mình đang tìm kiếm. Vì thế, ngài quyết định đưa tất cả đệ tử của mình đến quy y Phật. Sau đó, ngài trở thành một trong số Thập đại đệ tử của đức Phật, được ngợi khen là người có trí tuệ đệ nhất.

Bài kệ trên nêu tóm tắt nguyên lý nhân duyên, cũng được gọi là nhân duyên sinh hay duyên sinh, là một phần giáo lý căn bản của đạo Phật, được đề cập rất nhiều lần trong hầu hết các kinh điển. Giáo lý này giải thích sự hình thành và tồn tại của toàn bộ thế giới hiện tượng chỉ như là sự kết hợp của các nhân và duyên khác nhau.

Nhân ở đây chỉ đến những yếu tố tham gia vào sự hình thành sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn như những yếu tố bột, đường, nước, hương liệu... là các nhân trực tiếp làm nên cái bánh.

Duyên chỉ đến các điều kiện tác động cần thiết để hình thành sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn như khả năng của người làm bánh, sự ủng hộ hay cản trở của những người chung quanh...

Trong trường hợp ví dụ nhỏ này, nếu thiếu các nhân cần thiết như bột, đường... thì không thể hình thành cái bánh. Nhưng nếu có đủ các yếu tố rồi mà không đủ các điều kiện tác động làm duyên thì cũng không hình thành cái bánh. Chẳng hạn như người làm bánh không biết cách làm, tuy bắt tay làm nhưng có thể làm hỏng, hoặc có những người khác không tán thành, ngăn cản việc làm bánh, thì người làm bánh có thể thay đổi ý định... Và như vậy cũng không có cái bánh.

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản nhằm tiếp cận vấn đề từ góc độ dễ hiểu nhất. Khi phân tích sâu hơn, mỗi một yếu tố tham gia hình thành sự vật, hiện tượng có thể vừa là nhân, vừa là duyên; cũng có thể là nhân trong giai đoạn này và là duyên trong giai đoạn khác của sự vật, hoặc cũng có thể là nhân cho một sự vật này nhưng là duyên cho một sự vật khác...

Khi mở rộng nguyên lý nhân duyên từ ví dụ đơn giản vừa nêu ra toàn bộ thế giới hiện tượng, chúng ta vẫn thấy được sự phù hợp và đúng đắn. Các hiện tượng phức tạp sẽ được hình thành từ những nhân và duyên phức tạp và tất nhiên cần phải trải qua tiến trình thời gian, nhưng về nguyên lý chung thì vẫn không thay đổi. Hơn thế nữa, hệ quả của nguyên lý này là: Khi nhân duyên thay đổi thì sự vật, hiện tượng chắc chắn cũng sẽ thay đổi. Vì thế, thay vì bực tức với những sự việc không như ý, ta nên biết rằng điều tốt hơn là phải thay đổi ngay từ những nhân duyên tạo thành chúng.

Bằng cách quán sát thế giới hiện tượng qua nguyên lý nhân duyên sinh, đạo Phật giúp chúng ta buông bỏ được những sự thắc mắc, truy tìm không cần thiết. Thế giới hiện tượng là vô cùng mà khả năng tri giác của chúng ta là giới hạn, thế nên mong muốn mở rộng sự hiểu biết của ta bao trùm hết thế giới hiện tượng chỉ là điều không tưởng. Thay vì vậy, chúng ta nên quán xét để thấy rõ được nguyên lý chung đang hiện hành trong tất cả các sự vật, hiện tượng. Và cái nguyên lý chung đó chính là nguyên lý nhân duyên sinh.

Vào thời đức Phật còn tại thế, ngài cũng nhiều lần từ chối trả lời những câu hỏi về thế giới hiện tượng, vì cho rằng điều đó hoàn toàn không có ích lợi gì cho sự tu tập cải thiện đời sống. Những thắc mắc đại loại như: vũ trụ là hữu hạn hay vô hạn, vũ trụ đã có từ lúc nào... rõ ràng là không liên quan gì đến việc giúp ta có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giải pháp mà đức Phật đề ra có vẻ như hoàn toàn đi ngược lại với khuynh hướng tìm hiểu của đại đa số chúng ta. Như đã nói, ngay từ thuở ấu thơ, chúng ta đã háo hức tìm hiểu về thế giới quanh ta, luôn mong muốn mở rộng sự hiểu biết đến bất kỳ sự việc nào mà ta có cơ hội tiếp xúc. Khuynh hướng khát khao hiểu biết này theo đuổi chúng ta cho đến lúc trưởng thành, và ta liên tục chạy theo nó cho đến khi chạm phải bức tường giới hạn. Nhưng ngay cả khi đã nhận ra sự bất lực của mình trước cái vô hạn của thế giới hiện tượng, nhiều người trong chúng ta vẫn không từ bỏ được khuynh hướng khát khao tìm hiểu. Ta bị cuốn hút bởi sự tò mò, thắc mắc như một quán tính đã ăn sâu trong tâm thức và không dễ gì từ bỏ. Điều đó khiến ta đôi khi hoang phí rất nhiều thời gian và công sức chỉ để chạy theo những điều hoàn toàn vô ích.

Vì thế, nỗ lực trước tiên của chúng ta khi mới bước vào đạo Phật chính là sự buông bỏ. Đạo Phật dạy ta phải biết buông bỏ những tri kiến, khái niệm không cần thiết cho mục đích hoàn thiện đời sống. Những gì sẵn có còn phải buông bỏ đi, huống gì lại chạy theo tìm kiếm những gì chưa có? Vì vậy, một khi nhận hiểu và chấp nhận giải pháp tiếp cận của đạo Phật với thế giới chung quanh, ta sẽ ngay lập tức buông bỏ được cái gánh nặng khát khao tri thức đã đeo đuổi ta ngay từ khi mới bước vào đời.

Tuy nhiên, việc buông bỏ khuynh hướng truy tìm các khái niệm mới về sự vật, hiện tượng hoàn toàn không có nghĩa là ta không tiếp xúc với thế giới hiện tượng này hay phản bác sự học hỏi, mở rộng tri thức. Vấn đề ở đây là trước hết cần phải nhận thức được bản chất thật sự của mọi sự vật, hiện tượng, và việc học hỏi mở rộng tri thức phải được xem như một phương tiện để phục vụ đời sống chứ không phải là mục đích theo đuổi.

Thật ra, bản chất thực sự của mọi sự vật, hiện tượng vốn đã hàm chứa trong nguyên lý hình thành chúng. Vì tất cả đều do các nhân duyên kết hợp mà thành nên tự thân chúng không hề có một bản thể độc lập, tự tồn tại. Như được mô tả trong bài kệ trên, chẳng những chúng được hình thành do nhân duyên, mà chúng cũng tan rã, hoại diệt tùy thuộc vào nhân duyên. Thế nhưng, tất cả các nhân duyên đều có một tính chất chung là liên tục chuyển biến, không bền vững. Do đó, mọi sự vật, hiện tượng cũng chịu ảnh hưởng của các nhân duyên đã tạo thành chúng, phải liên tục chuyển biến và không có gì bền vững. Quan sát bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào quanh ta, ta cũng dễ dàng nhận ra được tính chất thay đổi liên tục và không bền vững của chúng.

Trong kinh Kim Cang, đức Phật dạy rất rõ ràng về ý nghĩa này:

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, ảo, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điển,
Ưng tác như thị quán.

(Hết thảy pháp hữu vi,
Như mộng ảo, bọt nước...
Như sương sa, điện chớp,
Nên quán sát như vậy.)

Pháp hữu vi ở đây chỉ đến toàn bộ thế giới hiện tượng được nhận biết qua các giác quan của chúng ta. Và vì chúng được nhận biết qua các giác quan, nên ta luôn có cảm giác như chúng là có thật, là bền chắc và có khả năng tự tồn độc lập. Tuy nhiên, nhận thức như thế là hoàn toàn không đúng thật, và vì thế nó luôn dẫn đến những tư tưởng, lời nói và cách hành xử sai lầm, mang lại khổ đau. Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn trong một phần sau.

“Nên quán sát như vậy”, bởi đây không phải một kiểu luận thuyết được đưa ra nhằm tranh biện hơn thua hay để chứng minh điều này điều nọ... Đây là một phương pháp quán chiếu thiết thực và hữu hiệu nhằm giúp ta cởi bỏ hoặc ít ra cũng làm vơi nhẹ đi gánh nặng phiền não đè nặng trên cuộc sống của ta từ lâu. Và phương pháp đó là một thực tế nhận biết được ngay từ trong cuộc sống, nên chúng ta hoàn toàn có thể chiêm nghiệm và tự mình khẳng định tính chính xác của nó.

Bằng cách nhận thức thế giới hiện tượng đúng thật như bản chất của chúng là vô thường và liên tục thay đổi, ta sẽ gạt bỏ được vô số những cảm xúc buồn đau thất vọng ngay trong cuộc sống thường ngày, từ những mối bận tâm vụn vặt nhất cho đến những vấn đề trọng đại nhất của đời người, như chuyện sống chết của bản thân ta và người thân quanh ta chẳng hạn.

Lấy ví dụ, khi một món đồ quý giá mà ta yêu thích bị trầy xước, hư hỏng, ta thường khó kiềm được sự bực tức, phiền muộn. Nhưng nếu ta nhìn thấu được bản chất của nó là luôn biến đổi và không thể tồn tại mãi mãi, ta sẽ chấp nhận điều đó một cách dễ dàng hơn và nhận ra ngay sự bực tức, phiền muộn của mình là vô lý. Sự hư hỏng của một món đồ vật là điều tất nhiên, chỉ là vấn đề thời gian khác nhau mà thôi. Dù ta có cố gắng giữ gìn cẩn thận đến đâu đi chăng nữa thì rồi cũng phải đến lúc nó hư hỏng. Đó là sự thật. Ta không thể buồn phiền, bực tức vì một sự việc diễn ra theo tự nhiên, đúng như bản chất của nó, bởi vì nếu biết “quán sát như vậy” thì ta đã hoàn toàn có thể hình dung được sự việc ngay từ khi nó chưa xảy ra.

Khi một người thân của ta qua đời, ta không thể tránh được sự đau buồn thương tiếc. Nhưng nỗi đau đó chắc chắn sẽ có thể vượt qua dễ dàng hơn nếu ta thấu hiểu và chấp nhận bản chất thật sự của vấn đề. Mọi người ai cũng phải chết, kể cả bản thân ta. Thay vì quá đau thương về cái chết của một người thân - vì điều đó là không thể tránh được, ta hãy xem đó là lời nhắc nhở ta hãy cố gắng sống tốt hơn với những người thân còn lại.

Tất nhiên, không phải mọi hiểu biết về thế giới vật chất đều là vô ích và phải tức thời buông bỏ hết. Vấn đề ở đây là hãy buông bỏ khuynh hướng truy tìm kiến thức một cách không cần thiết, nhất là khi lãnh vực kiến thức đó không liên quan gì đến sự cải thiện cuộc sống của ta. Trong kinh điển, đức Phật có đưa ra ví dụ về một người trúng tên độc nhưng không chịu để cho người khác nhổ tên ra ngay, bởi trước tiên ông ta muốn biết ai là người bắn tên, mũi tên làm bằng loại gỗ gì, cây cung làm bằng gỗ gì v.v... Tất nhiên, người đàn ông tội nghiệp đó đã chết trước khi biết được tất cả những gì muốn biết!

Nếu nhìn thẳng vào bản chất đời sống, mỗi chúng ta đều là người đang trúng tên độc. Chúng ta sinh ra trong cuộc đời đầy dẫy khổ đau với những điều bất như ý. Hạnh phúc và niềm vui đến với ta một cách bất chợt và không dài lâu, trong khi những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần thường xuyên vây phủ quanh ta. Chúng ta đối mặt với các dạng khác nhau của khổ đau hầu như ngay từ khi ta bắt đầu hiện hữu trong cuộc đời này. Cho dù có là những người may mắn nhất, ta cũng không thoát khỏi những nỗi khổ như bệnh tật hay chia lìa với người yêu thương... và biết bao nỗi khổ đau khác nữa trước khi trở nên già yếu rồi nhắm mắt xuôi tay theo một quy luật chung không ai tránh khỏi...

Nếu có ai đó là người hoàn toàn mãn nguyện trong cuộc sống, thì chí ít người ấy cũng không thể hài lòng với sự bệnh tật, già yếu và cái chết, trừ phi đó là người đã nhận hiểu và hành trì Phật pháp, bởi Phật pháp chính là phương thuốc “giải độc” mà tất cả chúng ta đang cần đến.

Vì thế, chúng ta nên dành thời gian quý giá của cuộc sống cho mục đích trước tiên là “giải độc”. Mọi nỗ lực của ta nên hướng đến việc làm giảm nhẹ khổ đau và cải thiện đời sống, sao cho ta ngày càng có được nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn. Trong ý nghĩa đó thì sự truy tìm những kiến thức không thiết thực sẽ là một thái độ kém khôn ngoan và hoang phí thời gian.

Trong cuộc sống, điều tất nhiên là ta vẫn luôn cần đến những phần kiến thức nhất định để có thể mang lại lợi ích chính đáng cho bản thân, gia đình cũng như tất cả mọi người quanh ta. Chỉ riêng những kiến thức như thế cũng đã quá đủ để ta phải thường xuyên trau giồi, học hỏi. Nếu ta không tự nhận biết mình, vẫn duy trì khuynh hướng chạy theo những kiến thức không cần thiết thì điều tất yếu là ta sẽ không có đủ thời gian để có được tất cả những gì ta muốn, chẳng khác gì người đàn ông dại dột trong ví dụ vừa nêu trên.

Khi tiếp cận với thế giới quanh ta bằng sự hiểu biết về nhân duyên và nhận biết được bản chất vô thường của mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ như người nắm được trong tay chiếc chìa khóa và ngọn đèn soi để bước vào căn nhà kho hỗn tạp. Cho dù quanh ta ngổn ngang nhiều vật dụng khác nhau, ta vẫn luôn có thể nhìn rõ được giá trị và bản chất của từng món đồ. Vì thế, ta sẽ dễ dàng chọn đúng được những thứ ta cần mà không thấy hoang mang, lạc lối. Nhờ đó, thay vì chịu sự chi phối hoàn toàn của thế giới vật chất, ta sẽ được tự do nhiều hơn trong việc quyết định cuộc đời mình, giảm thiểu đến mức tối đa mọi sự phụ thuộc vào ngoại cảnh.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 9 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Bhutan có gì lạ


Nguyên lý duyên khởi


Giảng giải Cảm ứng thiên - Tập 2


Quy nguyên trực chỉ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.71.166 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...