Khi bạn chưa đủ sức an trú trong năng lực của phút giây hiện tại, mỗi cảm xúc ưu phiền mà bạn đã phải trải qua là dư vị của khổ đau còn sót lại trong bạn. Nỗi khổ dai dẳng này nhập vào với nỗi đau tiềm ẩn của quá khứ làm cho nỗi khổ đau càng ngày càng tích lũy dày thêm trong thân tâm bạn. Nỗi khổ đau này gồm cả nỗi đau bạn đã từng chịu đựng thời thơ ấu do sự ảnh hưởng của môi trường nơi bạn đã lớn lên.
Khối khổ đau sâu dày này là một nguồn năng lượng tiêu cực xâm chiếm cả thân tâm bạn. Quả thực, ta có thể xem nó như một thực thể khổ đau sống động, tuy không có hình dáng rõ rệt. Khối khổ đau sâu dày này gồm hai sắc thái: đang ngủ yên hoặc đang hoạt động. Thông thường nỗi đau này thường ngủ yên, hoặc chỉ ngấm ngầm ở trong ta. Nhưng nơi một người có nhiều sầu khổ, nỗi khổ ấy thường hoạt động và biểu hiện ra một cách liên tục và rõ rệt. Một số người gần như sống hoàn toàn trong cảm giác khổ đau liên tục, trong khi những người khác thì chỉ kinh nghiệm nỗi khổ ấy trong một vài tình huống như: trong một quan hệ luyến ái, trong tình trạng mất mát về vật chất hay tinh thần, v.v.
Bất cứ chuyện gì xảy ra cũng có thể khơi dậy khối khổ đau sâu nặng của quá khứ này ở trong ta, nhất là khi kinh nghiệm ấy trùng hợp với những kinh nghiệm tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Khi nỗi khổ đau xưa cũ ấy có đủ điều kiện, nhân duyên để sống dậy từ trong ta, thì dù chỉ là một ý nghĩ hay một lời nói vô tình của một người thân, cũng làm cho nỗi đau cũ trỗi dậy.
Có những niềm đau ở trong ta rất khó chịu nhưng lại vô hại như một đứa bé luôn mồm than vãn, khóc la. Nhưng có những niềm đau gây tác hại và gây suy sụp trầm trọng ở trong ta. Một số nỗi đau có tính xâm hại về thể xác, trong khi những nỗi đau khác thì xâm hại về tình cảm. Có những niềm đau khiến ta có khuynh hướng hành hung những người chung quanh hoặc những người thân của ta. Có thứ lại uy hiếp ngay chính ta! Những lúc ta bị rơi vào nanh vuốt của những nỗi đau như thế, ý nghĩ và cảm nhận của ta về cuộc đời trở nên hoàn toàn tiêu cực, chán nản và có khi ta dễ tự làm hại chính mình và những người chung quanh. Bao nhiêu tai nạn và bệnh hoạn cũng do đấy mà ra. Có những cơn đau dằn vặt, bức bách đưa nạn nhân đến chỗ tự vẫn!
Có khi ta gặp một người quen, và khi tình cờ tiếp chạm với biểu hiện của những nỗi khổ rất kinh khủng nhưng ngấm ngầm ở trong người ấy, ta sẽ cảm thấy vô cùng bất ngờ. Nhưng tốt hơn hết là thực tập nhận diện và quan sát nỗi đau ấy trên chính mình. Hãy để ý theo dõi bất cứ dấu hiệu không vui gì ở trong ta, dù dưới hình thức nào, có thể đó là dấu hiệu của khối khổ đau sâu dày xưa cũ trong bạn đang vươn mình thức giấc. Trạng thái này có thể được biểu hiện như một cảm giác bực bội, nóng nảy, u sầu, ác ý, giận dữ, phẫn nộ, u uất... hoặc có khả năng đưa quan hệ cá nhân đến chỗ bi kịch… Cho nên bạn hãy sáng suốt nhận diện nỗi khổ đau cũ ngay giây phút chúng vừa trở mình thức dậy.
Nỗi khổ đau cũ trong ta cũng muốn tiếp tục sinh tồn như mọi sinh vật khác, và nó chỉ có thể sống còn khi ta vô tình đồng hóa mình với nỗi khổ ấy một cách mê muội. Cơn đau khi đó sẽ sống dậy, chiếm hữu ta, “trở thành ta”, và sống ở trong ta. Khối khổ đau này cần ta nuôi dưỡng và tiếp tế “thức ăn”! Nỗi đau sẽ được nuôi dưỡng bằng những kinh nghiệm quá khứ trùng hợp với khổ đau cũ ở trong ta. Đó là bất kỳ những gì có thể tạo thêm khổ đau: giận dữ, hủy diệt, căm thù, sầu khổ, sự cố tình gây ra những bi kịch tình cảm, bạo hành... ngay cả bệnh tật cũng vậy. Do đó khi ta bị nỗi đau khổ cũ ở trong ta khống chế, hoành hành, nó sẽ tạo ra cho ta một tình trạng ngày càng khốn đốn, để từ đó cơn đau được tiếp tế và nuôi dưỡng bằng những thức ăn ấy. Nỗi đau quá khứ ở trong bạn chỉ muốn được bạn nuôi chúng lớn thêm bằng những nỗi đau khổ mới mà bạn vô tình tạo ra. Nỗi khổ sâu dày ấy không thể sinh sống bằng niềm hạnh phúc đang có mặt ở trong bạn. Vì nó không thể tiêu hóa được năng lượng hạnh phúc này.
Khi niềm đau khổ này đã xâm chiếm và làm chủ cuộc đời bạn, thì bạn càng có tư tưởng “muốn” khổ đau thêm. Bạn sẽ trở thành nạn nhân hay thủ phạm. Bạn thích gây đau khổ cho người khác hay bị người khác gây đau khổ, hoặc cả hai thứ. Dĩ nhiên bạn sẽ không ý thức được điều này nên khi có ai muốn chỉ ra cho bạn tình trạng này, bạn sẽ khăng khăng chối cãi rằng bạn không muốn chịu khổ đau. Nhưng khi thực sự nhìn sâu vào vấn đề, bạn sẽ thấy rằng tất cả tư tưởng và hành động của bạn đều cùng một mục đích: làm cho những đau khổ ở trong bạn được kéo dài, cho chính bạn và cho người khác. Nếu bạn ý thức một cách sáng suốt về điều này thì niềm đau dĩ vãng tự dưng sẽ được hóa giải, chấm dứt vì không ai điên dại mà lại muốn chịu khổ đau.
Thật ra, nỗi đau chỉ là bóng tối của cái bản ngã của bạn. Nó rất sợ ánh sáng của ý thức; nó sợ bị bạn khám phá ra chân tướng. Sự sống còn của nó tùy thuộc vào sự đồng hóa mê muội của chính bạn với nỗi khổ đau ấy. Cũng như vì sợ hãi, ta không dám giáp mặt với niềm đau ấy ở trong ta. Nhưng nếu ta không đương đầu với nó, không sáng suốt nhận ra nó, ta buộc phải chìm đắm trong đau khổ ấy triền miên. Khi đó nỗi đau tựa như một con quái vật hung hiểm mà ta sợ không dám đối diện, nhưng tôi đoan chắc với bạn rằng, nó chỉ là một bóng ma yếu đuối, không có thực, nên không thể lấn lướt bạn khi bạn thực sự có mặt.
Các giáo thuyết về tâm linh đã xác nhận đau khổ của con người thực ra chỉ là những ảo tưởng trí năng(4). Và đây là một sự thật. Bạn có muốn nói: “Điều này không đúng!” với tôi không? Nếu chỉ tin suông thôi cũng chưa đủ. Bạn có muốn cưu mang nỗi đau khổ này suốt quãng đời còn lại và miệng thì cứ nói rằng đó chỉ là ảo tưởng? Làm như vậy có làm cho ta khỏi khổ đau chăng? Điều quan trọng ở đây là làm sao cho ta thấu suốt được sự thật này và áp dụng điều ấy vào chính bản thân ta.
Nỗi đau khổ cũ ấy không muốn ta giáp mặt với nó; vì khi ta trực tiếp quan sát nỗi đau với bản chất thực của nó, cảm nhận năng lực của nó ở trong ta, ta sẽ không còn tự đồng hóa mình với nỗi đau ấy. Khi đó ta sẽ cảm nhận được có một sự hiểu biết, sáng suốt hơn đang hiện diện. Tôi gọi đó là Hiện Hữu. Lúc bấy giờ, bạn đang là chứng nhân hay là người mục kích nỗi đau, chứ bạn không phải là cơn đau ấy. Điều này có nghĩa là nỗi đau không còn sử dụng ta để đánh lừa làm ta nữa, và nó cũng không thể nào tự phục hồi, sống trở lại trong ta. Bạn đã khám phá ra sức mạnh sẵn có bên trong của chính mình. Bạn đang nắm được sức mạnh của phút giây hiện tại.
Khi ta đủ sáng suốt để không còn bị đồng hóa với cơn đau, khi đó cơn đau sẽ như thế nào?
Chính sự vô minh, ngu muội ở trong ta tạo ra nỗi khổ đau nên sự sáng suốt của ta về nó sẽ chuyển hóa nó. Thánh Paul đã diễn tả nguyên tắc phổ thông này một cách tuyệt vời: “Mọi sự vật sẽ lộ nguyên hình khi được phơi bày ra ánh sáng, và bất cứ vật gì khi đưa ra ánh sáng sẽ tự nó trở thành ánh sáng”.
Cũng giống như ta không thể chống lại bóng tối, ta không thể chống lại cơn đau. Cố gắng chống lại chỉ gây thêm mâu thuẫn ở bên trong và càng làm nỗi đau thêm dai dẳng. Chỉ cần quan sát nó là đủ, quan sát cũng có nghĩa là chấp nhận nó như là một phần của những gì đang diễn ra trong phút giây đó.
Nỗi khổ đau giống như một phần sinh lực của bạn bị giam hãm, phân cách với tổng thể năng lượng của bạn và tạm thời trở thành một thực thể tự trị qua một quá trình trái với tự nhiên là đồng hóa mình với trí năng. Niềm đau tự phát này đang quay ngược lại đối đầu với chính nó và với đời sống, tựa như một con thú muốn nuốt cái đuôi của nó! Bạn nghĩ tại sao nền văn minh của chúng ta có khuynh hướng muốn hủy diệt sự sống? Nhưng ngay như cả sức mạnh của sự hủy diệt đó cũng vẫn là sinh lực của đời sống.
Khi ta bắt đầu thoát khỏi sự đồng hóa với trí năng và trở thành người mục kích thì nỗi đau, vì quán tính sẽ còn tiếp tục hoành hành thêm một thời gian nữa và có khi còn cố đánh lừa ta để ta trở lại bị đồng hóa với nó. Dù bạn đã không còn tạo thêm năng lượng cho chúng bằng sự đồng hóa với chúng, cơn đau vẫn còn quán tính giống như một bánh xe đang quay, nó sẽ chạy thêm một đoạn đường nữa cho đến khi hết trớn. Trong giai đoạn này, cơ thể bạn có thể vẫn còn cảm thấy đau đớn ở phần này, phần khác nhưng cơn đau sẽ không kéo dài lâu. Hãy giữ sự tỉnh táo, sáng suốt. Hãy làm một người lính canh, chăm chú và cẩn thận cho chính nội tâm mình. Bạn cần có đủ ý thức mới có thể theo dõi cơn đau trực tiếp và cảm nhận năng lực của cơn đau. Sau đó, nó không thể còn kiểm soát được tư tưởng của bạn. Chớ để dòng suy tưởng miên man của mình hòa nhập với cơn đau, lúc đó ta sẽ bị nó đồng hóa trở lại, rồi ta lại cung cấp “thức ăn” cho nỗi đau bằng những suy tưởng miên man, không chủ đích ở trong ta.
Chẳng hạn cơn giận là năng lượng chính của nỗi khổ ở trong bạn, và bạn suy nghĩ đến những cảm xúc tức giận, cứ quay cuồng với những ý nghĩ về những gì người khác đã gây tổn thương cho bạn, hay là nghĩ về những gì bạn muốn gây tổn thương cho người khác… đó là lúc bạn bị đắm chìm trong mê mờ và trong những lúc đó “ta” trở thành nỗi khổ đau của mình. Ở đâu có giận dữ là ở đó có đau khổ đi kèm. Tương tự như thế, khi tinh thần xuống dốc, ta mê mờ chìm vào thói quen cũ, nghĩ rằng đời sống thật đáng chán, lúc đó những tư tưởng tiêu cực liền kết hợp với cơn đau cũ, và bạn dễ dàng bị nỗi đau cũ tấn công. Từ ngữ “mê mờ” tôi dùng ở đây có nghĩa là bị đồng hóa mình với những tâm tư, hay cảm xúc rập khuôn ở trong mình. Đó là lúc người mục kích, chứng nhân yên lặng ở trong bạn đã bị che lấp hoàn toàn!
Cố gắng duy trì ý thức tức là ngăn chặn sự cấu kết giữa cơn đau và thói quen suy tưởng, đem lại sự chuyển hóa những năng lượng tiêu cực ở trong bạn, như thể khổ đau là nhiên liệu thắp sáng ý thức trong bạn, càng ngày càng tỏa sáng hơn. Cũng như nghệ thuật luyện kim bí truyền thời Trung cổ, người ta có thể chuyển đổi những kim loại thường thành ra vàng. Ta có khả năng chuyển hóa khổ đau trong ta thành một nhận thức sáng suốt. Khi đó sự chia cắt nội tại sẽ không còn nữa và bạn trở thành một thực thể hợp nhất. Từ đó chúng ta có trách nhiệm sẽ không tạo tác thêm khổ đau cho mình và cho kẻ khác.
Bài tập 2: Đối Diện Với Niềm Đau Ở Trong Mình
Tôi xin tóm tắt lại tiến trình: Khi nào có một nỗi khổ ở trong bạn phát sinh, hãy yên lặng chú tâm vào những cảm xúc đang có mặt đó ở trong bạn. Chỉ cần ý thức rằng: Có một cảm xúc đau đớn đang hiện diện, hãy cho phép và chấp nhận nó như nó đang là. Đừng suy diễn gì thêm. Cũng đừng để cho cảm xúc đau đớn kia biến thành những ý tưởng tiêu cực; cũng đừng nên phán đoán hay phân tích gì cả. Bạn hãy bền bỉ an trú trong phút giây hiện tại và kiên trì làm một chứng nhân yên lặng, mục kích tất cả những gì đang xảy ra ở bên trong bạn. Không những bạn cần chú tâm vào cảm xúc đau đớn kia mà bạn cũng nên chú ý đến chính bạn – chứng nhân đang trầm tĩnh quan sát mọi chuyện trong yên lặng. Đó là sức mạnh của phút giây hiện tại, sức mạnh của sự tỉnh thức ở bên trong bạn. Rồi bạn sẽ từ tốn xem chuyện gì đang xảy ra.
§
Đối với nhiều phụ nữ, có một nỗi đau đặc biệt thường xảy ra vào thời kỳ trước khi có kinh nguyệt. Tôi sẽ đề cập và nêu lý do chi tiết sau. Trong lúc này, tôi chỉ muốn nói rằng nếu bạn có thể giữ được sự tỉnh táo và theo dõi bất cứ cảm xúc nào xảy đến bên trong bạn, thay vì bị những cảm xúc tiêu cực ấy xâm chiếm lấy bạn, đây sẽ là một cơ hội hiếm có cho bạn thực tập về sức mạnh của tâm linh và bạn sẽ nhận thức được rằng bạn đã sẵn có khả năng chuyển hóa nhanh chóng tất cả những nỗi đau cũ của quá khứ ở trong bạn.