Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Khi tự tin vào chính mình, chúng ta có được bí quyết đầu tiên của sự thành công. (When we believe in ourselves we have the first secret of success. )Norman Vincent Peale
Hạnh phúc không phải là điều có sẵn. Hạnh phúc đến từ chính những hành vi của bạn. (Happiness is not something ready made. It comes from your own actions.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Lời nói được thận trọng, tâm tư khéo hộ phòng, thân chớ làm điều ác, hãy giữ ba nghiệp tịnh, chứng đạo thánh nhân dạyKinh Pháp Cú (Kệ số 281)
Nên biết rằng tâm nóng giận còn hơn cả lửa dữ, phải thường phòng hộ không để cho nhập vào. Giặc cướp công đức không gì hơn tâm nóng giận.Kinh Lời dạy cuối cùng
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Nay vui, đời sau vui, làm phước, hai đời vui.Kinh Pháp Cú (Kệ số 16)
Chúng ta nhất thiết phải làm cho thế giới này trở nên trung thực trước khi có thể dạy dỗ con cháu ta rằng trung thực là đức tính tốt nhất. (We must make the world honest before we can honestly say to our children that honesty is the best policy. )Walter Besant

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Sức mạnh của hiện tại »» Chương 9: Có một niềm an bình nội tại vượt lên »»

Sức mạnh của hiện tại
»» Chương 9: Có một niềm an bình nội tại vượt lên

Donate

(Lượt xem: 12.299)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sức mạnh của hiện tại - Chương 9: Có một niềm an bình nội tại vượt lên

Font chữ:



SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trên hạnh phúc và những bất hạnh

Có gì khác nhau giữa hạnh phúc và niềm an bình nội tại không?

Khác chứ. Vì hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào rất nhiều những điều kiện bên ngoài mà ta cho là tích cực; ngược lại, niềm an bình ở nội tâm thì không phụ thuộc điều kiện nào cả.

Chúng ta có thể nào thu hút những điều kiện tích cực vào trong đời sống của chúng ta? Nếu suy nghĩ và thái độ của chúng ta luôn luôn tích cực thì ta sẽ chỉ thể hiện những sự kiện và tình huống tích cực, đúng không?

Bạn có thực sự biết cái gì là tích cực, và cái gì là tiêu cực không? Bạn có hình dung ra được bức tranh tổng thể không? Đối với nhiều người thì những hạn chế, thất bại, mất mát, ốm đau hay khổ sở hóa ra lại là người thầy vĩ đại nhất của họ. Những khổ đau đó dạy cho họ buông bỏ những cái nhìn sai lầm về bản thân, bỏ đi những mục tiêu và ham muốn phù phiếm do bản ngã thêu dệt nên. Nỗi khổ đó cho họ một chiều sâu, đức tính khiêm nhường và lòng trắc ẩn. Những khó khăn đó làm cho họ sống “thực” hơn.

Khi nào một chuyện gì tiêu cực xảy ra cho bạn, thì trong đó luôn ẩn giấu một bài học sâu xa, dù rằng lúc đó bạn có thể vẫn chưa nhận ra. Ngay cả một cơn đau ngắn ngủi hay một tai nạn cũng có thể cho bạn biết những gì là thật và không thật trong đời mình, những gì rốt cuộc là có giá trị, và những gì là không.

Nhìn ở một góc độ cao hơn, những hoàn cảnh sống của bạn luôn luôn “là” tích cực. Nhưng nói một cách chính xác hơn: chúng không tiêu cực cũng không tích cực. Những hoàn cảnh sống chỉ là những gì được thể hiện ra. Và khi bạn sống trong trạng thái hoàn toàn chấp nhận những gì đang hiện hữu, một lối sống sáng suốt duy nhất, thì đời sống của bạn sẽ không còn “tốt” hay “xấu” nữa. Chỉ có một mục đích cao cả, tức là bao gồm luôn cả cái “xấu”. Tuy nhiên, khi bạn nhìn từ góc độ của lý trí thì vẫn còn có tốt/xấu, thích/không thích, yêu/ghét. Vì lẽ đó, trong cuốn “Book of Genesis” (Sáng Thế Ký) của đạo Ki-tô(1) đã nói rằng Adam và Eva không còn được phép được sống ở “thiên đàng” nữa sau khi họ “ăn phải cây tri thức, phân biệt về những điều tốt và xấu.”(2)

Tôi cảm thấy điều này có vẻ như chúng ta đang muốn phủ nhận và tự dối mình. Vì khi có một chuyện gì kinh khiếp xảy ra cho tôi hoặc cho những người thân của tôi như tai nạn, bệnh tật, đau đớn hay chết chóc, tôi có thể giả vờ cho là nó không xấu, nhưng sự thật là nó xấu; tại sao tôi phải phủ nhận điều đó?

Bạn không giả vờ gì cả. Bạn cứ cho phép cho chuyện ấy được như tự nó vốn là vậy, thế thôi. Thực tập “cho để cho mọi chuyện được tự nhiên như nó đang là” đưa bạn ra khỏi lý trí cùng những mô thức chống đối của nó – nguyên nhân tạo ra những đối cực: tốt/xấu,... Đây là khía cạnh căn bản của lòng khoan dung. Lòng khoan dung với những gì đang xảy ra ở phút giây hiện tại còn quan trọng hơn là lòng khoan dung cho những gì đã xảy ra trong quá khứ. Nếu bạn có lòng khoan dung trong mỗi phút giây – tức là cho phép mọi chuyện được diễn ra như nó cần được diễn ra, thì bạn sẽ không có sự tích tụ của niềm oán hờn mà sau này phải cần được buông bỏ.

Ví dụ như khi bạn có một người thân vừa mới mất, hay cái chết sắp đến với bạn, bạn đâu có cảm thấy vui gì. Không bao giờ. Nhưng bạn vẫn “có thể” có được niềm an bình. Có thể có nước mắt và nỗi buồn, nhưng miễn là bạn từ bỏ sự chống đối ở bên trong, thì bên dưới nỗi buồn, bạn sẽ cảm thấy một niềm trầm lắng sâu sắc, tĩnh lặng, một sự có mặt thiêng liêng. Đây là sự chói sáng của an nhiên tự tại, đây là niềm an bình ở nội tâm, cái tốt không có sự đối nghịch.

Vậy nếu đó là một tình huống mà tôi có thể làm một điều gì đó? Làm thế nào mà tôi vừa cho phép để tự tình huống đó xảy ra và cùng lúc thay đổi nó?

Bạn làm hết những gì cần phải làm. Nhưng đồng thời chấp nhận những gì đang hiện diện. Vì lý trí và sự chống đối cũng là một thứ, nên khi trong bạn đã có sự chấp nhận, điều này ngay lập tức sẽ đưa bạn ra khỏi sự chi phối của lý trí và giúp bạn tiếp xúc được với Hiện Hữu. Kết quả là những động cơ để “làm” một cái gì đó của bản ngã ở trong bạn như là sự sợ hãi, tham lam, kiểm soát, chống chế hay nuôi nấng cảm nhận sai lầm về bản ngã sẽ bị mất tác dụng. Một sự sáng suốt cao hơn cả lý trí bây giờ đang điều hành mọi thứ ở trong bạn và vì vậy một nhận thức có chất lượng khác luân chuyển vào trong tất cả những việc bạn làm.

Hai ngàn năm trước, Marcus Aurelius, một trong những con người có được sự thông thái và từng trải việc đời hiếm có đã viết: “Hãy chấp nhận những gì đang xảy đến cho bạn, hãy để cho thực tập này đan quyện vào tất cả những mục tiêu của đời bạn, vì còn gì thích ứng hơn chuyện này nữa?”.

Dường như hầu hết mọi người cần phải trải qua nhiều khổ đau trước khi họ thôi chống đối và bắt đầu chấp nhận, tức là trước khi họ mở lòng bao dung. Khi họ làm được như vậy, thì một trong những điều kỳ diệu nhất sẽ xảy ra: sự tỉnh thức của nhận thức về Hiện Hữu được phát sinh từ những gì được xem là điều ác, sự chuyển hóa khổ đau thành niềm an bình nội tại. Tác động cuối cùng của tất cả ác nghiệp và đau khổ trên thế giới này là ở chỗ nó buộc con người phải nhận thức ra họ đích thực là ai, vượt lên trên Tên Gọi và Hình Tướng (3). Như thế, những gì ta cảm nhận là xấu xa từ một góc độ giới hạn của mình, thực ra là một phần của sự thánh thiện cao cả hơn, một điều không có sự đối nghịch. Tuy vậy, điều này không thể biến thành hiện thực cho bạn được, ngoại trừ qua lòng khoan dung của bạn. Cho đến lúc nào điều đó xảy ra, ác nghiệp vẫn chưa được phục hồi và do đó vẫn còn là ác nghiệp.

Qua lòng khoan dung, mà căn bản là nhìn nhận tính chất không xác thực của quá khứ và chấp nhận những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại, thì sự chuyển hóa kỳ diệu ấy sẽ xảy ra, không những ở bên trong mà còn ở bên ngoài. Một không gian tĩnh lặng của sự có mặt sâu sắc xuất hiện ở trong bạn và chung quanh bạn. Bất kỳ một ai hay một cái gì đi vào trong trường nhận thức sâu lắng đó đều phải chịu ảnh hưởng, nhiều khi ngay lập tức và rất dễ nhận ra, nhiều khi sự ảnh hưởng xảy ra ở một tầng sâu hơn và những thay đổi có thể nhìn thấy được sẽ xảy ra sau đó. Bạn sẽ chuyển hóa những bất hòa, chữa lành khổ đau, xua đi mê mờ mà chẳng cần phải “làm” gì cả, bạn chỉ cần đơn giản có mặt và duy trì tần số của sự có mặt mạnh mẽ đó của bạn.

Chấm dứt những bi kịch của đời bạn

Trong trạng thái chấp nhận và an bình ở nội tâm, dù chúng ta không xem đó là một cái gì “xấu”, có điều gì tạm gọi là “xấu” có thể đi vào cuộc sống của chúng ta nhìn từ góc độ nhận thức bình thường?

Hầu hết những cái mà ta gọi là xấu thường xảy ra trong đời sống là khi người ta đánh mất nhận thức. Những bất hạnh đó do ta tự tạo ra hay nói đúng hơn là do bản ngã của chúng ta tạo ra. Tôi thỉnh thoảng gọi những bất hạnh đó là “bi kịch”. Khi bạn đã hoàn toàn tỉnh thức, bi kịch không còn diễn ra trong đời sống của bạn nữa. Tôi sẽ nhắc lại vắn tắt cách vận hành của bản ngã ở trong bạn và cách bản ngã tạo ra những tấn tuồng ấy như thế nào.

Bản ngã chính là lý trí của bạn khi không được bạn quan sát. Lý trí này chi phối cuộc đời của bạn khi bạn không có mặt với tư cách như là một nhận thức đang chứng kiến mọi việc đang xảy ra, như là một chứng nhân đang quan sát tâm tư của mình(4). Bản ngã của bạn tự cảm nhận rằng nó là một mảnh rời rạc trong một vũ trụ đầy thù nghịch, và thường bị vây bủa bởi những bản ngã khác mà nó xem như là một mối đe dọa tiềm tàng, hoặc nó sẽ gắng thu phục để phục vụ cho mình. Những mô thức vận hành căn bản của bản ngã đều nhằm để khắc chế nỗi sợ hãi và cảm giác thiếu thốn luôn sẵn có ở trong ta. Đó là những mô thức như chống đối, lũng đoạn, nắm quyền hành, lòng tham, chống chế hay công kích. Một số chiến thuật của bản ngã rất thông minh, nhưng chúng không thực sự giải quyết được vấn đề gì cho bạn, đơn giản chỉ vì tự thân bản ngã chính là vấn đề của bạn.

Khi bản ngã của mọi người đến với nhau, cho dù đó là một quan hệ cá nhân hay trong một tổ chức nào đó thì điều “xấu” sớm muộn gì rồi cũng sẽ xảy ra: đó là một bi kịch dưới dạng một xung đột, rắc rối, tranh giành quyền lực, bạo hành thể xác hoặc tình cảm, v.v. Kể cả những điều xấu có tính tập thể như chiến tranh, sự diệt chủng, bóc lột – và tất cả đều do sự thiếu sáng suốt của tập thể. Hơn nữa, nhiều loại bệnh tật là do sự chống đối không ngừng nghỉ của bản ngã, tạo ra sự trì trệ và tắt nghẽn dòng năng lượng khiến nó không được luân lưu khắp cơ thể. Khi bạn tiếp xúc lại với Hiện Hữu và không còn bị chi phối bởi lý trí nữa thì bạn sẽ chấm dứt việc tạo ra những bế tắc này. Bạn sẽ không còn tạo ra hoặc tham gia vào những bi kịch đó nữa.

Khi nào hai hay nhiều bản ngã gặp nhau, thì sẽ có một tuồng kịch nào đó đi kèm. Nhưng cả khi bạn hoàn toàn sống một mình, bạn vẫn tạo ra những tấn tuồng. Khi bạn cảm thấy hối tiếc cho chính mình, đó là một vở tuồng. Khi bạn cảm thấy có lỗi hay lo lắng, đó cũng là một vở tuồng. Khi bạn để cho quá khứ hay tương lai che mờ phút giây hiện tại, tức là bạn đang tạo ra thời gian tâm lý – đó chính là chất liệu dựng lên các bi kịch. Bất kỳ khi nào bạn không trân trọng giây phút hiện tại, bằng cách không để cho nó tự diễn ra thì bạn đang tạo ra bi kịch.

Đa số mọi người đều yêu thích những bi kịch riêng của đời mình. Cốt truyện là nhân cách, là những khuôn mặt giả tạo của họ. Bản ngã của họ chi phối cuộc đời họ, vì họ để cho toàn bộ cảm nhận về chính mình đầu tư vào trong những bi kịch đó. Thậm chí việc mong tìm một câu trả lời (thường thì không thành công), một giải pháp hay một sự chữa trị đều là một phần của bi kịch của bản ngã. Nhưng điều mà họ sợ nhất chính là sự kết thúc của những tấn tuồng đó. Chừng nào mà họ còn đồng hóa họ với lý trí của họ thì những gì mà họ sợ nhất và chống đối nhất là sự giác ngộ của chính họ(5).

Khi bạn sống trong trạng thái chấp nhận hiện hữu một cách hoàn toàn, thì đó là lúc bạn chấm dứt mọi bi kịch trong đời sống của bạn. Ngay cả khi có ai muốn tranh cãi với bạn, họ cũng không thể làm được dù cho họ có cố gắng đến cách mấy. Bạn không thể tranh cãi với một người luôn có nhận thức sáng tỏ. Tranh cãi ngụ ý đồng nhất với lý trí và một vị thế trí năng(6) nào đó, cũng như cưỡng lại hoặc phản ứng lại một vị thế trí năng của người khác. Kết quả là các cực đối lập– đúng/sai, hơn/thua, v.v. – cùng được bổ sung năng lượng. Đây là cơ chế của sự mất nhận thức. Tất nhiên là bạn vẫn có thể đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng và dứt khoát, nhưng đằng sau nó không ẩn chứa một tiềm lực của sự phản ứng, cũng không có sự thủ thế hay công kích. Do đó quan điểm đó không trở thành một bi kịch. Khi bạn đã hoàn toàn có nhận thức, bạn sẽ chấm dứt mọi xung đột. Đây là điều đã được nêu ra trong cuốn “A Course in Miracles”: “Một người không thể nghĩ ra được một điều gì mâu thuẫn nữa, nếu người đó đã có sự hòa điệu trong bản thân của chính họ”. Điều này không những đúng với người khác mà căn bản hơn là rất đúng với chính mình. Nhất là những người đang có xung đột ở bên trong mình. Những xung đột này chỉ dừng lại khi trong bạn không còn sự xung đột giữa những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe của lý trí bạn với những gì đang hiện hữu.

Tính vô thường và chu kỳ sinh diệt của đời sống

Tuy nhiên, khi nào bạn vẫn còn ở trong cõi thế gian vật chất này và còn dính với tâm thức tập thể của loài người thì những đớn đau về thể xác – dù hiếm hoi – vẫn còn dễ xảy ra. Nhưng đừng lẫn lộn những đớn đau về thể xác với khổ đau về mặt tinh thần. Tất cả mọi khổ đau về mặt tinh thần đều do bản ngã ở trong bạn tạo ra khi bạn chống đối với những gì đang hiện hữu. Khi bạn còn ở trong cõi này, bạn phải tuân theo chu kỳ tự nhiên của nó và theo quy luật Vô Thường của mọi sự, mọi vật, nhưng bạn sẽ không còn cho điều này là “xấu”– đó chỉ là một điều hiển nhiên.

Khi thuận theo “tính tự nhiên” của mọi thứ thì một chiều không gian sâu sắc hơn nằm sau vở kịch của hai đối cực sẽ hiển lộ ra cho bạn, đó là một sự có mặt trường cửu, một sự tĩnh lặng sâu lắng, và một niềm an vui không có nguyên cớ, vượt ra ngoài hai đối cực tốt/xấu. Đây là niềm vui của Hiện Hữu, sự yên bình của Thượng Đế.

Trên bề mặt hình tướng, ta thấy có sống, có chết, tạo dựng và hủy diệt, phát triển và tan rã,… của các hình tướng có vẻ tách biệt với nhau. Điều này được phản ảnh khắp mọi nơi: chu kỳ sinh diệt của một vì sao, một hành tinh, một thân thể vật lý, một thân cây, một cành hoa, sự thăng trầm của các quốc gia, những thể chế chính trị, của các nền văn minh, hay trong chu kỳ sinh diệt không tránh khỏi được của một đời người.

Có chu kỳ thành công, khi việc xảy ra và phát triển thuận lợi cho bạn. Có chu kỳ thất bại, khi chúng tàn úa hay phân rã và ta phải buông bỏ chúng để tạo không gian cho cái mới được phát sinh, hay cho sự chuyển hóa được xảy ra. Nếu lúc đó bạn còn bám víu và chống đối, tức là bạn khước từ, không muốn xuôi theo dòng chảy của đời sống, bạn sẽ phải gánh chịu khổ đau.

Không phải chu kỳ đi lên là tốt và chu kỳ đi xuống là xấu, vì đó chỉ là sự phân biệt, và kết luận của trí năng. Phát triển thường được chúng ta cho là tích cực nhưng chẳng có cái gì có thể phát triển mãi mãi. Nếu phát triển, dù dưới bất cứ hình thức gì, mà cứ tiếp tục và tiếp tục mãi thì cuối cùng sự phát triển đó sẽ trở nên một thứ quái vật và sẽ đi đến sự tận diệt. Sự tan rã là điều rất cần thiết để cho sự phát triển mới được xảy ra. Cái này không thể tồn tại mà không có cái kia.

Chu kỳ đi xuống là một cần thiết rất tuyệt đối cho nhận thức tâm linh ở trong bạn. Vì bạn phải trải qua nhiều thất bại sâu sắc hay kinh nghiệm sự mất mát to lớn thì mới giúp bạn đi đến với con đường tâm linh. Có thể là sự thành công của bạn bây giờ bỗng trở nên vô nghĩa, trống rỗng và biến thành một thất bại. Đằng sau mỗi thành công luôn ẩn giấu một thất bại và sau mỗi thất bại đều ẩn giấu sự thành công. Trong thế giới này, tức là về mặt hình tướng, thì mọi người không chóng thì chầy sẽ “thất bại” và mọi thành công cuối cùng cũng trở về số không. Mọi hình tướng đều chỉ là sự tạm bợ.

Tuy nhiên, bạn vẫn cứ năng nổ hoạt động và vui thú với những biểu hiện mới cũng như tạo dựng ra những hình tướng mới và tình huống mới nhưng bạn sẽ không đồng nhất bạn với những thứ đó và bạn sẽ không dùng chúng để tạo ra một cảm nhận về bản thân mình. Vì chúng không phải là ý nghĩa của đời bạn. Chúng chỉ là những tình huống sống của bạn.

Năng lượng cơ thể của bạn cũng có tính chu kỳ. Nó không thể luôn luôn ở đỉnh cao. Sẽ có lúc có năng lượng thấp cũng như có lúc sẽ lên cao. Sẽ có lúc bạn rất năng nổ và sáng tạo nhưng rồi cũng có lúc mọi thứ giống như trì trệ, lúc đó dường như bạn không thể đến được một nơi nào, hoặc thành đạt được một điều gì. Một chu kỳ có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài năm. Có chu kỳ lớn và những chu kỳ nhỏ nằm trong đó. Nhiều chứng bệnh là do đấu tranh với chu kỳ năng lượng thấp mà chu kỳ này là rất thiết yếu để có sự tái tạo. Khi còn đồng nhất với lý trí thì sự thôi thúc làm một việc gì và xu hướng dùng những thứ bên ngoài - sự thành công chẳng hạn - để mà có được cảm giác về giá trị của chính mình và cảm nhận về nhân cách, con người của mình, là một ảo tưởng không thể tránh được. Điều này làm bạn thấy rất khó hay không thể chấp nhận được một chu kỳ năng lượng thấp. Lúc này, sự thông minh của cơ thể, để thực hiện biện pháp tự bảo vệ nó, sẽ tạo ra tật bệnh ở trong cơ thể bạn để buộc bạn phải dừng lại, hầu tạo điều kiện cho sự tái sinh có thể xảy ra.

Chu kỳ tự nhiên của vũ trụ có liên quan mật thiết với tính Vô Thường của mọi sự vật và mọi tình huống. Do đó Đức Phật coi đây là trọng tâm của những lời răn dạy của mình. Mọi điều kiện đang biểu hiện đều rất bất ổn và thay đổi thường xuyên, hay, theo Ngài thì tính chất Vô Thường là đặc điểm của mọi tình huống mọi hoàn cảnh bạn sẽ gặp trong đời sống. Nó sẽ thay đổi, biến mất, hay không còn đáp ứng được nhu cầu của bạn nữa. Tính Vô Thường cũng là trọng tâm răn dạy của Chúa Jesus: “Đừng để dành của cải trên trái đất này, vì ở đó mối mọt, rỉ sét sẽ làm chúng tan rã hoặc kẻ trộm sẽ lẻn vào mang đi mất...”.

Chừng nào mà lý trí bạn còn xem một điều kiện nào là “tốt”, cho dù đó là một quan hệ, một vật sở hữu, một vai trò xã hội, một nơi chốn hay thân thể của mình thì lý trí bạn sẽ bám víu vào đó và đồng nhất với chính nó. Nó làm cho bạn vui, cảm thấy tự hào về chính mình và điều này có thể trở thành một phần nhân cách, con người của bạn hoặc cách bạn nghĩ về bản thân mình. Nhưng ở trong cõi tạm này thì “mối mọt và rỉ sét” sẽ tiêu hóa hết. Hoặc là nó chấm dứt hay thay đổi, hoặc là sẽ có sự phân cực: Cùng một điều kiện mà ngày hôm qua, hay năm trước thì tốt, nhưng dần dần hoặc bất ngờ lại hóa ra xấu. Cũng cùng một điều kiện mà trước đây khiến cho bạn vui, nay lại làm cho bạn không thấy vui nữa. Hôm nay là sự thịnh vượng thì ngày mai chỉ là chủ nghĩa tiêu thụ trống không. Đám cưới và tuần trăng mật đầy vui thú nay trở thành sự chia ly buồn bã hay sự sống chung đầy chịu đựng và bất hạnh. Cũng có thể một điều kiện tự nhiên biến mất, và sự biến mất đó làm cho bạn cảm thấy bất hạnh. Khi một hoàn cảnh hay một tình huống mà lý trí bạn đã bám víu vào và đồng nhất với nó nay đã thay đổi, hay mất đi, thì lý trí bạn không thể chấp nhận được. Lý trí bạn sẽ bám vào điều kiện mất mát đó và chống lại sự thay đổi, như thể có một phần tứ chi của bạn đang bị tách lìa khỏi cơ thể.

Thỉnh thoảng bạn nghe nói đến những người vừa bị mất sạch hết tiền bạc, hoặc thanh danh vừa bị chôn vùi và họ đi đến chỗ tự hủy mình. Đó là những trường hợp quá đáng. Còn những người khác khi có những mất mát lớn thì cảm thấy đau đớn, khổ sở và tự làm cho mình sinh bệnh. Những người này không có khả năng nhận ra sự khác biệt giữa cuộc đời của họ và những tình huống sống của họ. Gần đây tôi có nghe một câu chuyện về một diễn viên điện ảnh nổi tiếng vừa qua đời ở độ tuổi tám mươi. Khi sắc đẹp của bà tàn phai và héo mòn vì tuổi tác, bà đâm ra tuyệt vọng và đi vào lối sống ẩn dật, không muốn gặp ai cả. Vì bà đã đồng nhất mình với hình dáng bên ngoài của mình. Thoạt đầu thì sắc đẹp đó cho bà một cảm giác rất hạnh phúc về mình, nhưng cũng chính vẻ đẹp bên ngoài đó khi đã tàn phai, làm cho bà cảm thấy rất khổ sở. Nếu bà tiếp xúc được với sự sống không-hình-tướng và không-thời-gian ở bên trong bà thì bà đã có thể lặng nhìn và để cho vẻ đẹp bên ngoài của mình bị tàn phai từ một chỗ rất tĩnh lặng và an bình ở bên trong. Nếu bà đã làm được như thế, thì vẻ đẹp bên ngoài ấy sẽ càng ngày càng trong suốt, để cho ánh sáng của bản chất chân thật, không tuổi tác của mình chiếu xuyên qua; và vẻ đẹp của bà thực sự sẽ không tàn phai mà sẽ được chuyển hóa thành một vẻ đẹp tâm linh. Tuy nhiên, chẳng ai chỉ cho bà biết điều này. Quả thật đây là hiểu biết cơ bản nhất mà đa số chúng ta vẫn chưa nắm được.

Đức Phật dạy rằng ngay cả hạnh phúc của ta cũng là dukkha – tiếng Pali(7) có nghĩa là “khổ đau”. Hạnh phúc không thể tách rời khỏi đối cực của nó. Điều này có nghĩa là hạnh phúc và khổ đau thực ra không phải là hai thứ khác nhau. Chỉ có ảo tưởng thời gian chia cắt chúng ra mà thôi.

Đây không phải là cách nhìn cuộc đời một cách tiêu cực, mà chỉ là nhận ra bản chất chân thật của cuộc đời để bạn không phí công đeo đuổi theo một ảo tưởng từ đây cho đến hết cuộc đời mình.

Tôi cũng không nói rằng bạn không nên biết ơn cái đẹp, hay những điều kiện của hạnh phúc. Nhưng nếu qua những thứ đó mà bạn tìm kiếm cái mà chúng không thể cho bạn được: đó là nhân cách, cá tính của bạn(8), một cảm giác thỏa mãn và vững bền, thì đây quả là một điều sẽ tạo nên bực bội và khổ đau. Toàn bộ ngành quảng cáo và xã hội tiêu dùng ngày nay sẽ đổ sụp nếu con người trở nên tỉnh thức, không còn đi tìm một nhân cách, một diện mạo(9) cho chính mình qua vật chất nữa. Khi bạn càng đi tìm hạnh phúc theo kiểu này thì hạnh phúc sẽ càng lẩn tránh bạn. Không có một thứ gì ở ngoài kia có thể làm cho bạn thỏa mãn cả, giỏi lắm là chỉ được một lúc, và rất phù phiếm. Để nhận ra điều này thì bạn phải qua nhiều lần vỡ mộng. Vật chất và những hoàn cảnh sống của bạn có thể cho bạn chút niềm vui nhưng đồng thời nó cũng làm cho bạn khổ đau. Vật chất và những hoàn cảnh sống của bạn có thể cho bạn cảm thấy hài lòng, nhưng những thứ đó không cho bạn an lạc ở nội tâm. Thực ra không một thứ gì có thể “cho” bạn niềm an lạc cả. Vì an lạc chẳng do một cái gì tạo ra, mà chỉ xuất phát từ nội tâm như niềm an lạc của an nhiên tự tại. Đây là phần căn bản của trạng thái nội tâm an lành, thường được gọi là “sự bình an của Thượng Đế”. Đây là một trạng thái rất tự nhiên, không phải là một cái gì mà bạn phải đấu tranh hay cố gắng mới đạt được.

Nhiều người vẫn không biết rằng sẽ không có sự cứu rỗi nào đến từ những gì họ làm, sở hữu, hay đạt được. Nên khi nhận ra được điều này thì họ bỗng trở nên rất chán đời hoặc xuống tinh thần: “Nếu đời sống không mang lại sự thỏa mãn gì cho tôi thì tôi phấn đấu nữa để làm gì? Còn điều gì quan trọng nữa đâu?” Vị tông đồ ghi lại kinh Cựu Ước chắc đã nhận ra sự thật đó khi ông viết: “Tôi đã thấy người ta làm tất cả mọi thứ dưới ánh mặt trời, và nhìn kia, tất cả chỉ là phù phiếm như trò đuổi bắt gió mà thôi”. Khi đạt đến chỗ này thì bạn chỉ cách sự tuyệt vọng có một bước chân, và cũng chỉ cách sự giác ngộ một bước chân(10).

Một tu sĩ Phật giáo có lần bảo tôi: “Sau 20 năm tu hành, những gì tôi học được có thể gói trọn trong một câu: Những gì đến rồi cũng sẽ đi. Đây là điều duy nhất mà tôi hiểu được”. Dĩ nhiên, điều mà vị thầy này muốn nói là: Tôi đã học cách không còn chống đối những gì đang xảy ra trong giây phút này; tôi học cách chấp nhận bản chất Vô Thường của mọi sự, mọi vật và mọi hoàn cảnh. Vì thế tôi đã tìm ra được sự an bình.

Không chống đối lại với sự sống tức là bạn sống trong một trạng thái ân sủng, giải thoát và nhẹ nhàng; là không còn phụ thuộc vào mọi chuyện phải như thế này, hay như thế kia, tốt hay xấu. Điều này khi bạn mới thoạt nghe thì sẽ cảm thấy có điều gì rất nghịch lý, tuy nhiên khi sự phụ thuộc nội tại vào hình tướng của bạn không còn nữa thì những điều kiện chung của cuộc sống của bạn ở bên ngoài lại tự nhiên có xu hướng cải thiện rõ rệt. Giờ đây bạn không cần phải đấu tranh hay gắng sức để có được những gì mình nghĩ là mình cần để cảm thấy hạnh phúc. Và khi có được những thứ đó, bạn có thể vui vẻ thưởng thức chúng mà không cần phải lo nghĩ gì. Dĩ nhiên tất cả những thứ đó rồi cũng sẽ qua đi, có điều ta không còn phụ thuộc, không còn sợ mất mát. Đời sống trôi chảy với sự nhẹ nhàng.

Hạnh phúc đến từ những nguồn thứ cấp không bao giờ sâu sắc. Nó chỉ như một phản ảnh nhạt nhẽo của niềm vui an nhiên tự tại - tức là nỗi an bình tỏa sáng ở nội tâm khi bạn đi vào trạng thái bất phản kháng. An nhiên tự tại giải phóng bạn ra khỏi hai đối cực của lý trí và giải phóng bạn khỏi sự phụ thuộc vào hình tướng. Dầu cho mọi thứ xung quanh sụp đổ tan tành, bạn vẫn cảm thấy nội tâm bạn có một sự an bình sâu lắng. Có thể bạn vẫn không cảm thấy vui vẻ, nhưng bạn sẽ có được sự an bình.

Sử dụng và buông bỏ tiêu cực

Mọi chống đối ở bên trong đều là sự biểu hiện của thái độ tiêu cực dưới dạng này hay dạng khác. Tất cả mọi tiêu cực đều là sự chống đối. Trong bối cảnh này thì hai từ này hầu như là đồng nghĩa. Thái độ tiêu cực thay đổi tùy theo mức độ, từ cáu kỉnh hay mất kiên nhẫn cho đến giận dữ, từ trạng thái ủ dột cho đến oán hận hay tự tử vì tuyệt vọng. Thỉnh thoảng thái độ chống đối kích thích khối khổ đau sâu dày ở trong bạn và trong trường hợp này ngay cả một tình huống nhỏ cũng có thể tạo ra sự tiêu cực rất mạnh như giận dữ, trầm cảm hoặc đau buồn sâu sắc.

Bản ngã của bạn tin rằng chỉ qua sự tiêu cực, nó mới có thể thao túng được thực tại và đạt được những gì bản ngã của bạn mong muốn. Bản ngã của bạn tin rằng chỉ qua tiêu cực, nó mới có thể thu hút được những điều kiện nó mong muốn hoặc hóa giải đi những gì bất như ý. Cuốn “A Course in Miracles” có lý khi cho rằng khi bạn gặp những hoàn cảnh bất hạnh, ở trong một trạng thái thiếu hiểu biết, bạn tin rằng nỗi bất hạnh đó sẽ “mang lại” cho bạn những gì bạn cần. Nếu “bạn” – tức là lý trí – thực sự không tin là bất hạnh có tác dụng đó, thì tại sao nó lại tạo ra bất hạnh? Sự thật là tiêu cực không có tác dụng gì cả. Thay vì tạo ra một tình huống đúng như bạn mong muốn, nó lại ngăn cản, không cho điều đó xảy ra. Thay vì hóa giải một tình huống bất như ý cho bạn, tiêu cực lại làm cho tình trạng đó kéo dài. Chức năng “có ích” duy nhất của sự tiêu cực là củng cố bản ngã ở trong bạn và đây là lý do tại sao bản ngã bạn rất thích sử dụng tiêu cực.

Một khi bạn đã đồng nhất với mình một vài biểu hiện của tiêu cực, bạn sẽ không muốn buông bỏ những tiêu cực đó đi, và khi bạn đang ơ trong một mức độ mất nhận thức sâu sắc, bạn sẽ không còn muốn có sự thay đổi tích cực nào cả. Vì những thay đổi đó đe dọa những nhân cách, những cá tính mà bạn vì thiếu hiểu biết, bám víu vào: Tôi là “một người có nhiều phiền muộn”, “một người hay giận dữ”, hay “một người luôn bị cuộc đời ngược đãi”... Do đó, bạn sẽ chối từ, hay phá hoại những điều tích cực trong đời sống của bạn. Đây là một hiện tượng rất phổ biến. Nhưng đó cũng là một sự điên rồ.

Thái độ tiêu cực là một điều hoàn toàn trái với tự nhiên. Đó là một sự ô nhiễm tâm linh. Có một liên hệ sâu sắc giữa chuyện đầu độc và tàn phá thiên nhiên với sự tiêu cực trầm trọng được tích lũy trong tâm linh tập thể của con người. Không có một sinh vật nào trên hành tinh này biết đến sự tiêu cực ngoài con người, cũng như không có sinh vật nào lại xâm phạm và đầu độc trái đất đang nuôi dưỡng chúng như loài người. Bạn có bao giờ nhìn thấy một bông hoa không tươi mát, một cây sồi biết buồn, con cá heo u sầu, một con ếch có vấn đề với tự tin, một con mèo không biết nghỉ ngơi, hay một con chim có dáng vẻ thù hằn... chưa? Những con vật duy nhất mà đôi khi có biểu lộ những kinh nghiệm tương tự như tiêu cực hay có dấu hiệu bị kích thích thần kinh thường là những sinh vật sống gần với con người, và vì thế mà lây phải chứng điên loạn của con người.

Hãy xem cây cối, động vật và để cho chúng dạy ta cách chấp nhận hiện hữu, chấp nhận vô điều kiện phút giây hiện tại. Để cho chúng dạy ta về an nhiên tự tại. Để cho chúng dạy ta về sự liêm chính – nghĩa là trước sau như một, là được sống đúng con người của mình, là được sống chân thật. Để chúng dạy ta về sống, chết, và để ta “không” biến sự sống, và cái chết thành một vấn đề.

Tôi từng sống với vài vị “thiền sư”, đó là những chú mèo, những chú vịt; chúng dạy tôi những bài học quan trọng về tâm linh. Chỉ cần nhìn chúng sinh hoạt với nhau thôi cũng là một thực tập Thiền cho tôi. Xem cách chúng bập bềnh trôi bình an rất thoải mái với chính mình ở trong hồ, hoàn toàn có mặt với phút giây hiện tại; sự chững chạc và toàn hảo của những sinh vật đang không bị sai sử bởi lý trí. Đôi lúc chúng cũng đánh nhau, chẳng vì một lý do gì rõ rệt, hoặc có lẽ vì một chú đã xâm phạm lãnh thổ của chú kia. Nhưng thường thì cuộc chiến chỉ kéo dài có vài giây, rồi chúng lại tách riêng ra, mỗi chú đi mỗi đường, sau vài cái vỗ cánh mạnh mẽ. Chúng bình thản bơi lội ở trong hồ, như chưa hề có chuyện ẩu đả gì vừa xảy ra. Lần đầu quan sát chúng, bất ngờ tôi nhận ra là khi vỗ cánh như thế, những năng lượng dư thừa trong chúng được phóng thích, khỏi bị dồn nén lại trong cơ thể và trở thành những năng lượng tiêu cực. Điều này là một sự thông thái rất tự nhiên, và rất dễ dàng đối với thú vật vì những chú vịt này không có lý trí như chúng ta, nên chúng không có vấn đề với chuyện quá khứ sống lại một cách không cần thiết và từ đó mà đi vun đắp nên một nhân cách, một khuôn mặt cho chính mình.

Lẽ nào một xúc cảm tiêu cực không ẩn chứa một điều gì đó quan trọng? Ví dụ như khi tôi đang cảm thấy buồn chán, thì đó có thể là dấu hiệu có một cái gì đó trục trặc trong đời sống của tôi. Điều này buộc tôi phải nhìn lại và thay đổi lối sống. Cho nên tôi cần phải lắng nghe xem những xúc cảm của tôi đang muốn nói gì với tôi, chứ không thể bác bỏ ngay, hoặc cho chúng là tiêu cực.

Vâng, cũng như tật bệnh, những cảm xúc tiêu cực lặp đi lặp lại thỉnh thoảng có ẩn chứa một điều gì đó. Nhưng nếu bạn có làm một thay đổi gì, cho dầu là trong công việc, trong quan hệ luyến ái, hay những gì chung quanh bạn, thì chung qui đó cũng chỉ là những trang điểm trên bề mặt mà thôi, nếu những thay đổi đó không xuất phát từ sự chuyển hóa trong tầm nhận thức của bạn. Và điều này tựu trung chỉ xoay quanh một vấn đề: đó là bạn có thực tập để có mặt nhiều hơn với phút giây hiện tại hay không. Khi đạt đến một mức độ có mặt nào đó, bạn sẽ không cần đến tiêu cực để nhắc cho bạn biết về những gì bạn cần phải chuyển hóa. Nhưng chừng nào mà bạn còn tiêu cực, hãy sử dụng nó làm một dấu hiệu nhắc bạn có mặt nhiều hơn.

Làm sao tôi có thể ngăn, không cho tiêu cực nảy sinh và làm sao buông bỏ chúng khi tôi đang có năng lượng tiêu cực ở trong người?

Như tôi đã nói, bạn ngăn nó bằng cách không cho nó nảy sinh, bằng cách bạn hãy có mặt hoàn toàn. Đừng nản chí, vì trên thế giới này vẫn còn rất ít người có thể duy trì sự có mặt của mình một cách bền bỉ, tuy nhiên có nhiều người sắp đạt đến trạng thái có định lực đó. Tôi tin rằng sẽ chóng có thêm rất nhiều người có khả năng có mặt bền bỉ hơn.

Khi nào bạn để ý thấy có một năng lượng tiêu cực nào đó đang trỗi dậy ở trong bạn, đừng xem đó là một thất bại, mà hãy xem đó là một dấu hiệu tốt để bạn tự nhắc nhở mình: “Tỉnh dậy đi, ta hãy vượt ra khỏi lý trí. Hãy trở nn có mặt”.

Aldous Huxley viết tiểu thuyết “Island” (Hòn đảo) vào những năm sau khi ông bắt đầu quan tâm đến việc truyền dạy tâm linh. Sách kể về câu chuyện một người đắm tàu trôi dạt vào một hoang đảo, cách biệt khỏi thế giới của con người. Trên hòn đảo này, có một nền văn minh rất độc đáo. Điều kỳ lạ là những cư dân ở trên đó, không giống như đa số nhân loại trong thế giới ngoài kia, đó là họ rất tỉnh táo. Điều đầu tiên người đàn ông bị đắm tàu này để ý là những chú vẹt sặc sỡ đậu trên những cành cây, chúng dường như chỉ lặp đi lặp lại một câu: “Xin mọi người hãy chú ý. Bây giờ và ở đây. Hãy chú ý nhé. Bây giờ và ở đây”. Sau này chúng tôi mới vỡ lẽ rằng những cư dân ở trên hoang đảo này đã dạy cho những chú vẹt đó câu nói ấy, để họ luôn được nhắc nhở mà thực tập có mặt ở hiện tại.

Vì vậy khi nào tiêu cực ở trong bạn nảy sinh, cho dù do một yếu tố ở bên ngoài, do một ý nghĩ, hay chẳng do một cái gì rõ rệt cả, bạn hãy xem như những tiêu cực đó đang muốn nói: “Bạn hãy chú tâm. Bây giờ và ở đây. Thức dậy đi”. Ngay cả khi bạn có một chút cáu kỉnh nhẹ nhàng nhất, điều đó cũng có một ý nghĩa cần được bạn nhìn nhận và xem xét; nếu không thì trong bạn sẽ có sự tích tụ của những phản ứng tiêu cực mà bạn có thể không ý thức được. Như tôi đã nói, bạn có thể buông bỏ những tiêu cực này một khi bạn nhận ra là mình không còn muốn lưu trữ một trường năng lượng tiêu cực ở trong mình, vì nó chẳng có mục đích gì cả. Lúc đó, chắc chắn là bạn sẽ buông bỏ hoàn toàn. Nếu bạn không thể buông bỏ được năng lượng đó, thì hãy chấp nhận rằng bạn đang có một năng lượng tiêu cực, và đặt sự chú tâm của bạn vào những cảm xúc đó như tôi đã trình bày ở trên.

Thay vì phải buông bỏ một phản ứng tiêu cực, bạn có thể làm cho phản ứng biến ấy biến mất bằng cách tưởng tượng rằng những nguyên nhân gây ra phản ứng từ bên ngoài đó sẽ không gây ra khó khăn gì cho bạn cả. Tôi khuyên bạn nên thực tập phương pháp này với những việc nhỏ nhặt, không đáng kể trước. Chẳng hạn, bạn đang tĩnh lặng ngồi ở nhà, bất ngờ có tiếng còi inh ỏi của một chiếc xe đang chạy ngang qua phố. Tức thì trong bạn sẽ phát sinh một cảm giác rất khó chịu. Sự khó chịu này có mục đích gì không? Không? Vậy tại sao bạn lại tạo ra nó? Không. Bạn đã không tạo ra sự khó chịu đó. Chính lý trí bạn đã tạo ra. Sự bực dọc này đã được tạo ra hoàn toàn tự động, hoàn toàn khi bạn ở trong trạng thái thiếu hiểu biết. Tại sao lý trí bạn tạo ra nó? Vì lý trí tin rằng sự chống đối của nó, mà bạn cảm nhận như một cảm xúc tiêu cực hay thái độ không vui, dưới một hình thức nào đó, sẽ hóa giải được những điều bất như ý ở trong bạn. Dĩ nhiên đây chỉ là một ảo tưởng. Sự chống đối mà nó tạo nên, trong trường hợp này là sự bực bội hay giận dữ, đã gây ra rắc rối nhiều hơn cái nguyên nhân ban đầu mà nó muốn hóa giải rất nhiều.

Bài tập 9.a: Hãy Để Cho Mọi Thứ Đi Xuyên Qua Bạn

Bạn có thể sử dụng tất cả những điều này để giúp bạn thực tập tâm linh. Hãy tự thấy mình trong suốt như không còn phần cơ thể vật chất ở bên trong. Rồi hãy để cho tiếng ồn đó, hay bất cứ một cái gì đã gây ra những phản ứng tiêu cực, đi thẳng xuyên qua bạn. Lúc đó nó không còn đụng phải một “bức tường” chắc chắn ở bên trong bạn. Như tôi đã nói, bạn hãy thực tập với những việc nhỏ trước, như tiếng còi xe, con chó sủa, tiếng trẻ la hét, một tai nạn kẹt xe. Thay vì dựng nên ở bên trong bạn một bức tường chống đối, bức tường thường bị đập phá liên tục và chịu nhiều đớn đau bởi những thứ mà lẽ ra “không nên xảy ra”, bạn hãy để cho những chuyện như thế đi xuyên qua bạn.

Khi có ai đó nói lời thô lỗ với bạn hay cố ý làm tổn thương bạn, thay vì có thái độ tiêu cực hay phản ứng lại một cách thiếu hiểu biết như là công kích, thủ thế hay thu mình lại, bạn hãy để cho nó đi qua bạn. Không để có một sự chống đối nào phát sinh ở bên trong bạn, như thể không còn ai ở đó nữa để mà bị tổn thương. Đó chính là lòng khoan dung. Đây là cách bạn cũng trở nên một người khó-có-thể-bị-tổn-thương được. Nếu muốn thì bạn vẫn có thể bảo với người kia là hành vi của họ là không thể chấp nhận được. Lúc này, người khác không còn khả năng điều khiển trạng thái tâm thức ở bên trong của bạn nữa. Bạn có năng lực và chủ quyền của mình, không phụ thuộc vào ai, cũng không còn bị điều khiển bởi lý trí. Cơ cấu chống đối ở trong bạn tựu trung là giống nhau, cho dù đó là chống lại một tiếng còi xe, một kẻ thô lỗ, một trận bão, một cơn động đất, hay chống lại chuyện bạn vừa bị mất hết của cải, tiền bạc.

Tôi đang thực tập Thiền, tôi có tham dự các khóa tĩnh tâm, cũng có đọc nhiều sách về tâm linh và đang cố gắng để đạt được trạng thái bất phản kháng. Nhưng nếu ông hỏi tôi là đã tìm ra được sự an bình đích thực và lâu dài ở nội tâm chưa, thì thật lòng tôi phải trả lời là “chưa”. Tôi không hiểu tại sao tôi vẫn chưa tìm ra được sự an bình ở nội tâm? Tôi cần phải làm gì đây?

Bạn vẫn còn đang tìm kiếm ở bên ngoài và bạn vẫn chưa thoát ra khỏi tâm thức tìm kiếm đó. Bạn kỳ vọng rằng có thể là khóa học sắp đến đây hay một kỹ thuật Thiền tập nào đó sẽ cho bạn câu trả lời. Nhưng tôi muốn nói với bạn điều này: Đừng đi tìm sự bình an. Đừng đi tìm trạng thái tâm thức gì khác hơn là trạng thái tâm thức mà bạn đang có trong lúc này, nếu không thì bạn sẽ tạo ra xung đột và sự chống đối ở nội tâm mà bạn không ý thức được. Hãy có lòng khoan dung với chính mình vì bạn đang không có được sự bình an. Phút giây bạn chấp nhận “hoàn toàn” sự không an bình của mình, thì nỗi bất an đó sẽ trở thành sự bình an. Bất kỳ một thứ gì mà bạn đã chấp nhận vô điều kiện thì điều đó sẽ đưa bạn đến với bình an. Đây là phép lạ của sự thực tập chấp nhận mọi chuyện một cách hoàn toàn.

Chắc bạn có nghe câu nói: “Hãy chìa má bên kia ra”(11) mà một bậc thầy giác ngộ lớn đã thực tập cách đây hơn 2000 năm. Ngài muốn chuyển tải, một cách hình tượng, bí quyết của thái độ bất phản kháng và bất phản ứng. Trong lời phát biểu này, và cả ở trong những phát biểu khác của Chúa Jesus, Ngài chỉ để tâm đến một điều: bản chất chân thực, thing ling ở bên trong của bạn, mà không phải là những cư xử thiếu sót ở bên ngoài của bạn(12).

Trước khi trở thành một bậc thầy về Thiền, Banzan(13) cũng có nhiều năm đeo đuổi giác ngộ nhưng giác ngộ vẫn trốn tránh ông. Ngày nọ, khi đang đi giữa chợ, vô tình ông nghe được câu chuyện giữa người bán thịt và một khách hàng: “Cho tôi một miếng thịt ngon nhất”, người khách nói. Người bán thịt trả lời: “Miếng thịt nào của tôi cũng đều là miếng thịt ngon nhất. Ở đây không có miếng nào không ngon nhất cả”. Khi nghe được điều này, Banzan bỗng nhin giác ngộ. Tôi có thể thấy là bạn đang chờ một lời giải thích. Khi bạn đã chấp nhận hiện hữu, tức là chấp nhận mọi miếng thịt – mọi phút giây - thì mọi thứ đều là thứ tốt nhất, thì đó chính là giác ngộ.

Bản chất của lòng từ bi

Vượt qua khỏi các đối cực do lý trí tạo ra, lòng bạn giống như một hồ nước sâu. Những hoàn cảnh sống bên ngoài và những gì xảy đến cho bạn cũng chỉ như trên bề mặt của hồ nước. Mặt hồ có lúc yên, có lúc sóng gió và xao động, theo chu kỳ và theo mùa. Nhưng ở dưới sâu, đáy hồ luôn yên tĩnh. Bạn là toàn bộ cái hồ, chứ không chỉ là mặt hồ, và bạn tiếp xúc được với chiều sâu của mình. Chiều sâu này tuyệt đối yên tĩnh. Bạn không phản kháng với những thay đổi bằng cách cố bám vào một tình huống nào đó. Sự an bình nội tại không phụ thuộc vào một tình huống nào cả. Bạn an trú trong Hiện Hữu – bất biến, phi thời gian, bất tử – và bạn không còn phụ thuộc vào thế giới hình tướng hay thay đổi ở bên ngoài để mưu cầu cho mình có hạnh phúc hay một sự thỏa mãn nào nữa. Bạn có thể thưởng thức, vui chơi, tạo ra những hình sắc mới, hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mọi thứ. Có điều là bạn bây giờ không còn cần phải bám vào bất kỳ một cái gì.

Khi bạn trở nên tách biệt như thế này, điều đó có nghĩa là bạn sẽ trở nên xa cách với những người khác, đúng không?

Không, nhưng trái lại nữa là khác. Khi nào bạn còn chưa ý thức được an nhiên tự tại, bạn sẽ không hiểu được bản chất của người khác, vì bạn vẫn chưa tìm ra được bản chất của chính mình. Lý trí của bạn sẽ thích hay không thích hình tướng bên ngoài của họ, tức là ngoài chuyện bạn không thích hình hài, mà còn cả lý trí của họ nữa. Quan hệ đích thực chỉ có thể xảy ra khi ta nhận thức được an nhiên tự tại. Xuất phát từ Hiện Hữu, bạn sẽ cảm nhận được thể xác và lý trí của người khác như là một tấm màn, đằng sau đó mới chính là bản chất chân thật của họ, cũng giống như khi bạn cảm nhận về bản chất chân thật của chính mình. Do đó, khi đối mặt với đau khổ và những hành vi thiếu hiểu biết của người khác, bạn vẫn luôn có mặt và tiếp xúc với Bản Chất Chân Thật, do đó bạn có thể nhìn vượt lên trên những hình tướng giả tạm và cảm nhận được Bản Chất thuần khiết và chói sáng của người khác qua Bản Chất thuần khiết và chói sáng của chính mình. Nhìn từ Bản Chất chân thực của mỗi người, tất cả khổ đau của ta được xem như là những ảo tưởng. Ta đau khổ vì ta tự đồng nhất ta với những biểu hiện tạm bợ của hình tướng(14). Những phép lạ trong vấn đề trị liệu thường xảy ra là nhờ nhận thức này, bằng sự tỉnh thức của bản chất chân thật ở trong chính bạn – nếu bạn đã sẵn sàng.

Đó có phải là lòng trắc ẩn không?

Vâng, lòng trắc ẩn là khả năng nhận thức được mối quan hệ sâu sắc giữa mình với những sinh vật khác. Nhưng lòng trắc ẩn cũng như mối liên hệ ràng buộc này có hai mặt. Một mặt, vì bạn đang hiện diện ở thế giới này trong một hình hài, bạn có chung tính chất dễ bị tổn thương và sự hữu hạn của hình hài vật chất với những người khác và mọi thể sống. Nếu sau này bạn nói “Tôi chẳng có gì giống người này cả” thì hãy nhớ rằng bạn rất giống họ. Một vài năm nữa từ hôm nay – hai năm hay bảy mươi năm cũng chẳng có gì khác nhau – cả hai người rồi sẽ là hai hình hài mục nát, biến thành tro bụi, rồi sẽ tan biến đi. Đây là một nhận thức có tác dụng thức tỉnh và giúp bạn cảm thấy khiêm tốn và lấy đi bớt cảm giác tự hào về chính mình. Bạn có thể hỏi: “Đây có phải là một lối suy nghĩ quá tiêu cực?” Không, vì đó là một sự thực. Sao ta lại muốn nhắm mắt làm ngơ trước một sự thực rất hiển nhiên? Trong ý nghĩa này, bạn và các sinh vật khác là hoàn toàn bình đẳng.

Bài tập 9.b: Chiêm Nghiệm Cái Chết

Một trong những bài thực hành tâm linh cho bạn có tác dụng rất mạnh mẽ là chiêm nghiệm thật sâu sắc về sự diệt vong của các hình thể vật lý, kể cả thân thể của chính bạn. Điều này được gọi là thực tập: “Hãy chết, trước khi bạn thực sự đối diện với cái chết”(15). Bạn hãy đi vào cái Chết một cách sâu sắc. Hãy quán chiếu lúc hình hài của bạn đang sình thối lên, tan rã đi, rồi đến một lúc xác thân bạn sẽ tiêu tan hết, lúc những tâm hành(16) cùng những ý tưởng ở trong bạn cũng chết luôn. Tuy nhiên “bạn” thì vẫn còn đó – sự hiện hữu thiêng liêng của bạn vẫn còn đó, sáng ngời và hoàn toàn tỉnh thức. Những gì chân thực sẽ không bao giờ chết đi cả, chỉ có Tên Gọi, Hình Tướng(17) và ảo tưởng của bạn sẽ chết mà thôi.

Nhận thức chiều không gian bất tử này, bản chất thực của bạn, chính là mặt bên kia của lòng trắc ẩn. Ở một mức độ cảm nhận sâu xa, bạn đã nhận ra không những tính bất diệt của chính mình, mà qua đó, bạn còn nhận ra tính bất diệt của các tạo vật khác. Trên bình diện hình tướng, sinh mệnh của bạn rất hữu hạn và không vững bền. Trên bình diện bản chất, bạn là sự sống vĩnh cửu, và sáng ngời. Đây là hai khía cạnh của lòng trắc ẩn. Trong lòng trắc ẩn, những tình cảm buồn, vui dường như đối lập, đã hòa lại làm một và chuyển hóa thành một trạng thái an bình sâu lắng ở nội tâm. Đây là sự an bình của Thượng Đế. Đó là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất mà con người có thể có được và có năng lực chuyển hóa, và chữa lành rất lên lao. Nhưng lòng trắc ẩn chân thật như thế vẫn còn rất hiếm. Sự cảm thông sâu sắc với khổ đau của người khác chắc chắn sẽ đòi hỏi một mức độ nhận thức cao hơn, nhưng đây chỉ là một khía cạnh của lòng trắc ẩn. Nó vẫn chưa hoàn thiện. Lòng từ bi chân chính vượt lên trên sự cảm thông hay đồng cảm. Chỉ khi nào nỗi buồn của bạn hòa lẫn với niềm vui của bạn để trở thành niềm vui của an nhiên tự tại, vượt lên trên hình tướng; đó mới là niềm vui của sự sống bất diệt.

Hướng đến một trật tự mới ở một thực tại khác

Tôi không đồng ý rằng cơ thể ta cần phải chết đi. Tôi tin chắc rằng ta có thể đạt được sự bất tử về mặt vật chất. Vì chúng ta tin vào sự chết nên cơ thể ta mới bị chết.

Cơ thể bạn không chết đi chỉ vì bạn tin vào sự chết. Cơ thể bạn có mặt, hay có vẻ như thế, thật ra là vì bạn tin vào sống/chết. Cái chết và cơ thể của bạn là một phần của ảo tưởng do cách nhận thức có tính chất bản ngã của bạn tạo ra. Cách nhận thức này không nhận thức được Cội Nguồn của sự sống và sai lầm xem mình như là một cá thể bị tách biệt với thế giới chung quanh và thường xuyên bị đe dọa. Do đó bản ngã bạn tạo ra một ảo tưởng rằng bạn chỉ là một cơ thể, một cỗ máy vật lý, và thường xuyên bị đe dọa.

Cảm nhận về mình là một cơ thể dễ bị tổn thương được sinh ra và ít lâu sau thì chết – đó chính là một ảo tưởng. Cơ thể và sự chết là một ảo tưởng. Bạn không thể có cái này (cơ thể) mà không có cái kia (sự chết). Nếu bạn chỉ muốn giữ lại một phần của ảo tưởng (cơ thể) và loại trừ phần bên kia (sự chết) thì đó quả là một điều bất khả, không bao giờ có thể xảy ra được. Hoặc là bạn có cả hai, hoặc là bạn vứt bỏ cả hai.

Tuy nhiên, bạn không thể trốn thoát khỏi thân thể mình, và bạn cũng không cần phải làm như thế. Cơ thể của bạn tạo ra một cảm nhận vô cùng sai lầm về bản chất chân thực của bạn. Nhưng bản chất chân thực của bạn lại ẩn giấu ngay trong chính trong ảo tưởng đó, không phải ở ngoài, vì thế nên cơ thể bạn vẫn là điểm tiếp cận duy nhất với bản chất của mình.

Nếu bạn gặp một thiên thần và nhầm tưởng đó chỉ là một bức tượng bằng đá, điều bạn cần làm là điều chỉnh lại tầm nhìn của mình và nhìn kỹ lại bức “tượng đá” hơn, đừng nhìn đi đâu khác. Lúc ấy bạn sẽ thấy là chưa bao giờ có bức tượng đá ở đó cả(18).

Nếu niềm tin vào cái chết tạo ra cơ thể, thì tại sao súc vật lại có cơ thể? Súc vật không có bản ngã, và nó cũng không tin vào cái chết... Nhưng nó vẫn cứ chết, hay có vẻ như thế.

Hãy nhớ rằng khái niệm của bạn về đời sống chỉ là một sự phản ảnh của tình trạng tâm thức của bạn mà thôi. Bạn không thể tách rời khỏi những khái niệm đó và cũng không có một thế giới khách quan ở ngoài kia. Trong mỗi phút giây, nhận thức của bạn đều tạo ra một thế giới mà bạn đang sinh sống. Một trong những hiểu biết vĩ đại nhất của khoa vật lý hiện đại là tính thống nhất của người quan sát và đối tượng bị quan sát: người tiến hành thí nghiệm – tức là nhận thức đang chú ý quan sát – không thể tách rời khỏi hiện tượng, hay đối tượng đang bị quan sát, và khi ta thay đổi một cách nhìn khác, thì ta sẽ làm cho hiện tượng đó cư xử khác đi. Nếu trong chiều sâu của tâm thức, bạn tin rằng mình chỉ là một cá thể bị tách biệt với đời sống và luôn đấu tranh để sống còn, thì bạn sẽ thấy rằng niềm tin sai lạc đó được phản ảnh khắp tất cả mọi khía cạnh của đời sống của bạn, và cảm nhận của bạn bị chi phối bởi một nỗi sợ hãi thường trực. Bạn sống trong một thế giới của chết chóc và các cá thể đấu đá với nhau, giết chóc nhau, ăn tươi nuốt sống nhau…

Cái vẻ bề ngoài của mọi thứ mà bạn thấy chẳng nói lên được điều gì. Thế giới và lăng kính mà bạn tạo ra bởi lý trí đầy chấp ngã của mình dường như là một nơi rất thiếu hoàn thiện, có thể nói là một bể khổ. Nhưng những gì bạn cảm nhận chỉ là một biểu tượng, giống như những hình ảnh ở trong mơ. Đó là cách mà tâm thức của bạn diễn dịch và tương tác với vũ khúc năng lượng dưới dạng phân tử của vũ trụ. Năng lượng này là nguyên liệu cho cái ta gọi là thực tại vật lý. Bạn chỉ nhìn đời sống như là những cá thể tách biệt, có sống và chết, hay như là một cuộc đấu tranh để sinh tồn. Chỉ vì cách bạn nhìn và diễn dịch đời sống rất sai lạc, mà bạn đã và đang tạo ra vô số cõi, vô số cảnh giới rất khác nhau, ngay trong giây phút này. Mỗi thực thể hữu tình đều là một tâm điểm của nhận thức và mỗi tâm điểm như thế có khả năng tạo ra một thế giới của riêng nó, tuy vẫn liên quan với nhau. Có thế giới của loài người, thế giới của loài kiến, của loài cá heo,v.v. Có vô số thực thể mà tần số nhận thức rất khác với bạn đến nỗi bạn không thể nhận biết được sự hiện hữu của họ, và ngược lại. Có những thực thể có nhận thức rất cao, mà chính họ tự nhận thức được sự nối kết của họ với Cội Nguồn và với những thực thể khác, họ sẽ sống trong một thế giới mà đối với bạn có vẻ như là một cõi trời, tuy nhiên, rốt cuộc mọi thế giới đều chỉ là một.

Thế giới cộng nghiệp của loài người phần lớn được tạo ra bởi tầng nhận thức được gọi là nhận thức thuộc về lý trí. Ngay cả trong thế giới tập thể của loài người đó có vô số sự khác biệt, nhiều “tiểu thế giới” tùy thuộc vào người cảm nhận hay những người đã tạo ra những thế giới riêng đó. Vì tất cả các thế giới đều có sự liên quan mật thiết với nhau, nên khi nhận thức tập thể của loài người được chuyển hóa, thì thiên nhiên và thế giới của các loài động vật sẽ phản ảnh sự chuyển hóa đó. Vì lẽ đó Kinh Thánh có câu là trong kỷ nguyên sắp tới: “Sư tử sẽ cùng nằm chung với những con cừu”. Điều này đề cập đến khả năng hiện hữu của một trật tự hoàn toàn mới ở một thực tại khác.

Như đã nói, thế giới như chúng ta đang thấy bây giờ phần lớn là một sự phản ảnh của tâm thức bản ngã. Sợ hãi là một hậu quả không tránh khỏi của sự sai lầm của bản ngã nên nó là một thế giới bị chi phối bởi sợ hãi. Cũng như những hình ảnh trong mơ là biểu tượng của trạng thái tâm thức và tình cảm ở bên trong, do đó thế giới cộng nghiệp của ta, phần lớn là sự biểu hiện có tính tượng trưng của sự sợ hãi và của những tầng lớp tiêu cực nặng nề, tích lũy trong tâm thức tập thể của loài người. Ta không thể tách biệt với thế giới chung quanh ta, vì thế khi đa số loài người thoát ra khỏi sự lầm lạc của bản ngã thì sự thay đổi bên trong này sẽ ảnh hưởng đến mọi quá trình sáng tạo. Chắc chắn bạn sẽ sống trong một thế giới mới. Đó là một sự chuyển hóa trong tầm nhận thức mang tầm mức hành tinh. Phật giáo có câu nói lạ lùng là mỗi thân cây, mỗi ngọn cỏ rồi sẽ đạt được giác ngộ cũng đề cập đến cùng chân lý này. Theo Thánh Paul, cả vũ trụ đang chờ đợi loài người thức tỉnh. Vì thế tôi diễn dịch câu nói của ngài là: “Vũ trụ chúng ta đang trông chờ con cái của Thượng Đế bắt đầu lộ diện”. Thánh Paul tiếp tục nói thêm rằng vũ trụ sẽ được đền bù lại qua quá trình chuyển hóa lớn lao này: “Cho đến bây giờ, khắp nơi trong vũ trụ đã được tạo dựng đều đang rên siết như đang thời kỳ đau đớn của một cuộc sinh nở”.

Những gì đang được sinh ra chính là một nhận thức mới và sự phản ánh tất nhiên của nó là một thế giới mới. Đây cũng là điều báo trước trong Kinh Tân Ước “Sách Khải Huyền”: “Rồi tôi nhìn thấy một thiên đàng mới và một quả đất mới vì thiên đàng và đất đai trước đây đã biến mất rồi”.

Nhưng đừng lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả, mục đích chính của bạn không phải là tìm kiếm sự cứu rỗi qua việc tạo dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn, mà chính là tỉnh giấc khỏi thói quen tự đồng nhất mình với những hình tướng(19). Lúc đó bạn không còn bị trói buộc bởi thế giới này, với thực tại ở cấp độ này. Bạn có thể cảm nhận được gốc rễ của mình ở cõi Vô Tướng, và vì thế thoát ra khỏi sự vướng mắc với thế giới của hình tướng. Bạn vẫn còn thích thú những thú vui chóng tàn của thế giới này, mà không còn hãi sợ vì bị mất mát nữa nên bạn cũng không cần phải bám víu vào chúng. Mặc dầu bạn vẫn có thể thưởng thức những thú vui của cảm xúc, nhưng sự thèm khát về những kinh nghiệm của cảm xúc sẽ không còn, cũng như sự mải mê tìm kiếm cảm giác thỏa mãn qua việc nuôi lớn bản ngã và tâm lý cũng không còn. Bạn tiếp xúc được với một cái gì lớn hơn bất cứ niềm vui nào, bất cứ điều gì.

Nói một cách khác, bạn sẽ không cần đến đời sống nữa. Bạn cũng không cần đời sống phải khác hơn cách đời sống đang hiển hiện.

Chỉ ở mức độ này của tâm thức thì bạn mới có thể bắt đầu có những đóng góp thực sự trong việc mang lại một thế giới tốt đẹp hơn, trong việc tạo ra một trật tự mới ở một thực tại khác. Chỉ ở mức độ này của tâm thức thì bạn mới cảm nhận được Lòng Từ Bi đích thực(20) và giúp người khác hóa giải được nghiệp căn của họ(21). Chỉ có những người đã vượt lên trên thế giới của hình tướng trong chính họ mới mong có thể mang lại một thế giới tốt đẹp hơn.

Có thể bạn còn nhớ là chúng ta đã nói về bản chất hai mặt của Tâm Đại Bi đích thực, tức là nhận thức được mối liên hệ giữa việc chúng ta có cùng một đặc tính hữu hạn của sinh mệnh của đời người và sự bất tử, khi nhìn từ bản chất của chúng ta. Ở tầng mức sâu xa này, Tâm Đại Bi có tác dụng chữa lành theo ý nghĩa rộng rãi nhất. Trong trạng thái đó, tác dụng chữa lành của bạn cơ bản không còn căn cứ trên những việc bạn làm, mà chỉ căn cứ vào cách bạn sống an nhiên tự tại. Những người mà bạn quan hệ sẽ cảm được sự hiện diện của bạn và chịu tác động bởi niềm an bình toát ra từ con người bạn, dù họ có nhận thức được điều đó hay không. Khi bạn thực sự hoàn toàn có mặt và những người xung quanh bạn biểu lộ hành vi thiếu hiểu biết, bạn sẽ không có nhu yếu phản ứng lại vì thế bạn không tạo cho nó cơ hội trở thành một điều gì xác thực. Sự an bình của bạn quá bao la và sâu lắng đến nỗi những gì không phải là sự an bình đều bị tan biến vào trong niềm an bình đó, như thể sự bất an đó chưa bao giờ hiện diện. Điều này phá vỡ chu kỳ tác động và phản ứng có tính chất nghiệp báo. Thú vật, cây cối, hoa quả đều cảm nhận được sự an bình của bạn và phản ứng lại. Bạn dạy người khác bằng cách bạn sống, cách bạn cư xử,… qua việc hiển minh được sự bình an của Thượng Đế. Bạn trở thành “Ngọn hải đăng của thế giới”, tức là một sự hiển lộ của nhận thức thuần khiết, qua đó bạn xua tan khổ đau do nghiệp căn gây ra. Bạn loại bỏ mê mờ khỏi thế giới này.

Nói như thế không có nghĩa là bạn sẽ không thể giáo huấn người khác qua những việc bạn làm – chẳng hạn như là chỉ cho người khác cách thoát ly khỏi sự kềm hãm của lý trí, nhận thức được những kiểu mê mờ khác nhau trong bản thân họ,v.v. Nhưng chính sự sống của bản thân bạn luôn luôn là lời răn dạy quan trọng hơn và là một nhân tố chuyển hóa thế giới mạnh mẽ hơn những gì bạn nói, thậm chí còn thiết yếu hơn là những gì bạn làm.

Vả lại, khi nhận ra sự quan trọng của thái độ sống an nhiên tự tại, bạn sẽ xử lý được mọi việc trên bình diện gốc rễ. Nhưng không loại trừ khả năng là Lòng Từ Bi của bạn có thể đồng thời được biểu hiện trên bình diện của những việc bạn làm và hiệu quả của nó bằng cách làm giảm bớt khổ đau ở người khác, khi bạn có cơ duyên. Khi bạn đang có bánh mì và gặp một người đang bị đói, bạn sẽ trao tặng. Nhưng khi bạn trao bánh, dù đó chỉ là một trao đổi rất ngắn ngủi, điều quan trọng là giây phút đó là lúc bạn và người đó chia sẻ trạng thái an nhiên tự tại của nhau, trong đó mẩu bánh mì chỉ là một biểu tượng. Một sự chữa lành sâu sắc xảy ra trong hành động này. Trong giây phút đó, không có người cho, cũng không có người nhận.

Nhưng tôi nghĩ, điều trước tiên là cuộc đời không nên có những cảnh đói nghèo. Làm sao chúng ta tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn mà không phải đối phó với những điều xấu như đói nghèo hay bạo động trước?

Tất cả mọi điều xấu đều là “hậu quả” của sự thiếu nhận thức ở trong ta. Bạn có thể làm giảm hậu quả của sự thiếu nhận thức nhưng bạn không thể loại bỏ hẳn được vô thức, trừ phi bạn loại bỏ được nguyên nhân gây ra những hành động vô thức đó. Nhưng những thay đổi thực sự chỉ có thể xảy ra từ bên trong bạn, mà không phải bên ngoài.

Nếu bạn tự cảm thấy mình có sứ mệnh phải làm giảm bớt những khổ đau trên thế giới này thì đó là một việc làm cao cả, nhưng bạn hãy nhớ là đừng quá tập trung vào những thay đổi ở bên ngoài, nếu không bạn sẽ gặp phải bực tức và tuyệt vọng. Nếu không có những thay đổi sâu sắc trong tầm nhận thức của nhân loại thì khổ đau trên thế gian này là một cái hố sâu không đáy. Do đó đừng để cho lòng trắc ẩn ở trong bạn trở thành một phía. Cảm thông với niềm đau hay sự thiếu thốn của ai đó và lòng mong muốn giúp đỡ tha nhân của bạn còn phải được quân bình với một nhận thức sâu sắc hơn về bản chất vĩnh hằng của tất cả sự sống và rằng mọi khổ đau chung quy cũng chỉ là ảo tưởng. Rồi để cho cảm giác an bình ở trong bạn lan vào tất cả những gì bạn làm và bạn sẽ làm việc trên cả hai bình diện: nguyên nhân và kết quả cùng một lúc.

Điều này cũng đúng nếu bạn muốn ngăn chặn sự mất nhận thức một cách sâu sắc. Hãy nhớ rằng: Bạn không thể loại bỏ bóng tối, thì bạn cũng không thể loại bỏ sự thiếu nhận thức. Nếu bạn cố gắng làm vậy, các cực đối nghịch đúng/sai,… sẽ được làm mạnh thêm và bám rễ sâu hơn. Bạn sẽ có khuynh hướng đồng nhất mình với một trong hai đối cực, và bạn sẽ tạo ra một “đối thủ”, và do đó sẽ bị cuốn vào vòng tự mình đánh mất nhận thức của mình. Bạn nâng tầm nhận thức của người khác lên bằng sự thực tập của chính mình. Luôn nhớ là trong bạn không có chút hận thù, không có sự chống đối, và không có tiêu cực. Chúa Jesus từng nói: “Hãy yêu kẻ thù của mình”(22), tức là “bạn không còn kẻ thù nào nữa”.

Khi bạn chỉ chú tâm vào hậu quả của những hành động xấu – nghiệp quả(23) – của mọi việc thì bạn sẽ rất dễ tự đánh mất mình. Hãy giữ cho mình được tỉnh táo và luôn luôn có mặt. Chỉ nên chú tâm vào nguyên nhân của những hnh động xấu – nghiệp căn - của mọi việc để giúp người khác giác ngộ là mục đích chính của đời mình. Sự an bình sâu xa của bạn là một món quà quý giá nhất bạn trao tặng cho thế giới này.


Chú thích Chương 9:

1) Đạo Ki-tô: Một tôn giáo tin vào Jesus Christ, tức là Chúa Giê-su, một người sinh ra ở Do Thái cách đây hơn 2000 năm, dưới thời La-Mã còn chiếm đóng đất Do Thái. Ngài là một bậc thầy đã giác ngộ. Khi bị gia hình trên cây thập tự giá, Ngài vẫn không thù ghét những người đã phỉ báng, dèm pha và sát hại Ngài. Ngài đã nói trước khi chịu chết: “Xin Cha tha tội cho những người này, vì họ không biết họ đang làm điều gì!”

2) “Ăn phải cây tri thức, biết phân biệt về những điều tốt/xấu”: Câu kinh này ngụ ý rằng từ khi loài người có óc phân biệt tốt/xấu, thiện/ác, đúng/sai thì càng ngày càng bị tự ngã và lý trí chi phối nên càng ngày càng trở nên sai lầm, xa rời Cội Nguồn, gốc rễ của mình.

3) Tên Gọi và Hình Tướng: hay Danh và Sắc - Danh từ Phật Giáo. Về Tên gọi, vì con người có nhu yếu sáng tạo ra ngôn ngữ để truyền thông với nhau, từ đó họ đặt tên cho tất cả mọi sự, mọi vật để khái niệm, xác định và phân biệt vật này với vật kia. Hình tướng tức là vẻ bên ngoài của mọi sự vật. Ý nói ta phải vượt lên trên những khái niệm, sự phân biệt nhị nguyên và sự bám víu vào những hình thể bên ngoài của mọi sự, mọi vật thì ta mới tiếp xúc được với Tự tánh của vạn vật.

4) Một nhận thức đang chứng kiến những gì đang xảy ra, một chứng nhân đang quan sát tâm tư của mình: Tức là thực tập nhận diện và gọi tn tất cả những suy tư, cảm xc gì đang xảy ra trong tâm mình. Ví dụ, khi quan sát tâm tư mình, bạn nhận ra có một cảm xúc giận dữ đang biểu hiện ở trong lòng thì bạn chỉ cần nhận diện cảm xúc đó và tự nhủ “Ồ có một cảm xúc giận dữ đang có mặt ở trong lòng tôi”. Nhận diện và gọi tên như thế mà vẫn giữ được sự có mặt của mình, vẫn duy trì hơi thở nhẹ nhàng và không tránh né, hay phán xét những gì đang có mặt trong lòng bạn dù trong bất kỳ tình huống nào. Điều này sẽ giúp cho bạn chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực đó rất nhanh chóng. Đây cũng chính là cốt lõi của Thiền tập giúp cho ta có niệm lực, định lực để nhìn ra bản chất của sự vật để có tuệ giác, giác ngộ.

5) Chừng nào bạn còn đồng hóa mình với những bi kịch của đời mình thì giác ngộ là một điều đáng sợ: Trong con đường thực tập tâm linh, khi nhìn cho rõ và thành thật với chính mình, không phải ai cũng mong muốn đi đến giác ngộ viên mãn. Vì ở trong ta luôn có những khổ đau, thói quen của sự thèm khát, những mê đắm,… mà trong vô thức, chúng ta cho đó là mình, cho nên chúng ta rất sợ giác ngộ, vì biết rõ rằng khi đã giác ngộ, chúng ta sẽ đương nhiên từ bỏ những thói hư, những tiêu cực đó, nên chúng ta chỉ thực tập cầm hơi, như một thí sinh, một người đi thi bằng tiến sĩ mà sợ đỗ đạt, sợ thành công.

6) Vị thế trí năng: tức là bảo vệ một quan điểm, một chỗ đứng nhất định, có tính không nhượng bộ, không mềm dẻo trong cách suy nghĩ, trong suy tư của mình.

7) Tiếng Pa-li: Một loại ngôn ngữ cổ được dùng để viết lại những bài giảng, những kinh tạng của Đức Phật.

8) Qua đó mà bạn tìm một nhân cách hay cá tính của mình: Vì không biết bản chất chân thực của mình là ai, nên chúng ta thường có khuynh hướng tự đồng nhất mình, cho mình chính là những vai trò mà mình đóng trong gia đình: là một người cha, người mẹ, người vợ, hay chồng,… Hoặc nghề nghiệp của mình ngoài xã hội: một người bác sĩ, một kỹ sư,… thậm chí cả những bất hạnh, khổ đau,… mà chúng ta trải qua trong cuộc đời cũng trở thành những nhân cách, cá tính của mình: ‘tôi là một người đàn ông thất bại”, “một người đàn bà bệnh hoạn”, “một kẻ không ai thương”,… Quên rằng, tất cả những thứ này chỉ là những vai trò mà chúng ta “đóng” trong những tình huống khác nhau, hoặc là những niềm tin sai lạc, mà không phải là bản chất chân thực của mình.

9) Tìm nhân cách, diện mạo của mình qua những sản phẩm mà mình sở hữu, tiêu thụ,…: Chúng ta đi tìm một nhân cách cho chính mình qua sự thành công trong nghề nghiệp, qua chuyện sở hữu một chiếc xe hơi lộng lẫy,v.v.

10) Khi đạt đến chỗ này, bạn chỉ cách tuyệt vọng có một bước chân, cũng chỉ cách giác ngộ một bước chân: Khi đến tận đáy của sự tuyệt vọng, của sự vô minh, bạn cũng đến gần với cánh cửa của giác ngộ, vì vô minh và giác ngộ là hai mặt của cùng một đồng tiền. Do đó, khi nhận ra cuộc đời của mình từ trước đến nay chỉ toàn là chạy đuổi theo những phù phiếm ở bên ngoài, chúng ta sẽ đi đến đoạn cuối của con đường cũ, con đường hướng về bên ngoài này, để bắt đầu quay đầu lại để đi về một hướng đi mới, đó là con đường tâm linh, đó là hành trình hướng vào bên trong, hướng vào nội tâm.

11) “Hãy chìa má bên kia ra”: Là một thực tập chấp nhận vô điều kiện đến mức tột đỉnh. Chúa Jesus khuyên rằng khi có ai vừa đánh vào má của mình thì thay vì phản ứng, điều mà chúng ta nên làm là chấp nhận sự kiện đó mà không phản ứng, trả đũa, hay nổi giận,… nói một cách khác: “Hãy chìa má bên kia ra!”

12) “Ngài chỉ quan tâm đến bản chất bên trong của bạn, chứ không phải những hành vi thiếu sót ở bên ngoài của bạn”: Vì Chúa Jesus đã tiếp xúc được với bản chất chân thực của Ngài nên không còn thấy có sự phân biệt giữa Chúa và chúng ta. Do đó, ngay cả đối với những người đã dèm pha, ám hại Ngài, ngài vẫn không đem lòng oán trách, mà chỉ có thương yêu và lòng tha thứ.

13) Banzan: Bàn Sơn Bảo Tích, sinh năm 720, mất năm 814. Là một vị thiền sư người Trung Hoa, môn đệ nối pháp của thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Ngài thấy được tự tánh của ngài, hoát ngộ ngay khi đang ở giữa chợ, khi đang đi ngang qua một hàng thịt, nghe mẩu chuyện trao đổi giữa khách mua và ông hàng thịt.

14) Ta khổ đau vì ta đồng nhất ta với những biểu hiện tạm bợ của hình tướng: Vì không hiểu được lẽ Vô Thường và bản chất chân thật của ta nên ta cho mình chỉ là thân thể này, với quan hệ luyến ái này… nhưng đến khi thân thể tạm bợ của ta bị bệnh, già nua hay hư hoại, ta cảm thấy tiếc thương, đau khổ. Hay đến khi quan hệ vợ, chồng, nam nữ đổ vỡ, ta cảm thấy hụt hẫng khổ đau vì đánh mất vai trò là người vợ, người chồng, người yêu,… mà ta tưởng đó là con người chân thật của ta.

15) “Hãy chết trước khi ta thực sự đối diện với cái chết!”: Đây là một thực tập trong đó hành giả quán tưởng thân thể của mình đi qua từng giai đoạn trương phình, mục rã,… sau khi chết. Để cuối cùng những xương cốt kia cũng hóa thành tro bụi. Quán chiếu này giúp ta nhận thức được cái chết của thân thể ta, và sự tàn hoại tất yếu của hình hài này. Nhưng cũng từ quá trình thực tập này mà ta nhận thức được bản chất bất tử của mình, vượt lên trên những biểu hiện tạm bợ, mong manh.

16) Tâm hành: Là tất cả những biểu hiện tình cảm ở trong tâm thức mình như: buồn, vui, lo sợ, khổ đau, hạnh phúc,…

17) Tên Gọi và Hình Tướng: Tức là “Danh và Sắc”, xin xem mục số 3) đã giải thích ở trên. Ý nói những gì không thực, chỉ là những khái niệm quy ước ở trong ta mới thực chết mà thôi.

18) Chưa bao giờ có “bức tượng đá” ở đó cả: Nghĩa là vì ảo tưởng thị giác nên ta nhìn sai thiên thần thành “bức tượng đá”. Do đó khi đã điều chỉnh lại thị giác thì ta chỉ nhìn thấy vị thiên thần, do đó mới nói là “chưa bao giờ có bức tượng đá ở đó cả!”.

19) Tỉnh giấc khỏi thói quen tự đồng nhất mình với những hình tướng: Nhận thức được ta không phải là những giận dữ, ganh tị, tuyệt vọng, … hoặc những tình cảm tiêu cực khác ở trong mình.

20) Lòng Từ Bi đích thực: Là tình thương yêu rộng lớn cùng khắp mọi người, mọi vật, không phân biệt bạn, thù, thân sơ. Tình thương đó đến từ sự hiểu biết rằng mình và vạn hữu là một, không còn phân biệt ta và người, ta và thế giới chung quanh ta.

21) Giúp người khác hóa giải nghiệp căn: Giúp họ hóa giải tận gốc nguyên nhân của những vô minh nguyên thủy từ đó tạo ra nghiệp quả. Cảm giác mình là một cá thể tách biệt với Cội Nguồn và với thế giới chung quanh chính là một sai lầm, một nghiệp căn rất căn bản, từ đó chúng ta gây ra vô số những tham đắm, sai lầm khác sau đó mà ta gọi là nghiệp quả. Do đó, chuyển hóa phải được chú trọng đến nguyên nhân sai lầm từ ban đầu, đến nghiệp căn thì mới mong tác động được gốc rễ của vấn đề.

22) “Hãy yêu kẻ thù của mình!”: Tức yêu những người đã gây ra khổ đau cho mình. Khi bạn cảm nhận được sự liên hệ mật thiết giữa mình và mọi người chung quanh mình thì bạn nhận ra bạn trong chính họ. Sở dĩ họ còn hành xử thiếu hiểu biết vì nhận thức của họ bị kềm hãm bởi vô minh và mê mờ, nên bạn không thù ghét, oán hận họ. Vì trong chiều sâu, họ chính là bạn nên làm gì có một kẻ thù để mà ghét bỏ.

23) Nghiệp quả: Hậu quả của những hành động chúng ta làm trong trạng thái vô minh, thiếu hiểu biết.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 31 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Di giáo


Mục lục Đại Tạng Kinh Tiếng Việt


Dưới bóng đa chùa Viên Giác


San sẻ yêu thương

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.15.34.244 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (261 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...