Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc. (Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Kinh nghiệm quá khứ và hy vọng tương lai là những phương tiện giúp ta sống tốt hơn, nhưng bản thân cuộc sống lại chính là hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hầu hết mọi người đều cho rằng sự thông minh tạo nên một nhà khoa học lớn. Nhưng họ đã lầm, chính nhân cách mới làm nên điều đó. (Most people say that it is the intellect which makes a great scientist. They are wrong: it is character.)Albert Einstein
Để chế ngự bản thân, ta sử dụng khối óc; để chế ngự người khác, hãy sử dụng trái tim. (To handle yourself, use your head; to handle others, use your heart. )Donald A. Laird
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai sống một trăm năm, lười nhác không tinh tấn, tốt hơn sống một ngày, tinh tấn tận sức mình.Kinh Pháp cú (Kệ số 112)
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin

Trang chủ »» Danh mục »» KINH ĐIỂN »» Kinh Đại Bát Niết-bàn »» QUYỂN 5 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần hai »»

Kinh Đại Bát Niết-bàn
»» QUYỂN 5 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần hai

Donate

(Lượt xem: 13.626)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Kinh Đại Bát Niết-bàn - QUYỂN 5 - Phẩm TÁNH NHƯ LAI - Phẩm thứ tư – Phần hai

Font chữ:


Diễn đọc: Diệu Pháp Âm
Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Như Phật có dạy rằng: Chư Phật Thế Tôn có tạng bí mật. Nghĩa ấy chẳng đúng. Tại sao vậy? Chư Phật Thế Tôn chỉ có mật ngữ mà thôi chứ không có mật tạng. Ví như một hình nhân điều khiển bằng máy móc, tuy người ta thấy được hình nhân ấy co lại, duỗi ra, cúi xuống, ngẩng lên... nhưng chẳng ai biết được bên trong có những gì làm ra như vậy. Phật pháp không phải như thế, hết thảy chúng sanh đều được thấy biết. Như vậy, sao lại nói rằng chư Phật Thế Tôn có tạng bí mật?”

Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Đúng như lời ông nói, Như Lai thật chẳng có tạng bí mật. Tại sao vậy? Ví như vầng trăng thu tròn sáng, hiện rõ giữa không trung, trong trẻo không bị che lấp, ai nấy đều trông thấy. Lời dạy của đức Như Lai cũng vậy, hiển nhiên rõ rệt, trong sáng không che lấp. Kẻ ngu si không hiểu cho rằng đó là bí mật, che giấu. Người trí thông suốt không gọi đó là che giấu.

“Thiện nam tử! Ví như có người kia, chứa trữ vàng bạc, nhiều đến vô số. Người ấy có lòng keo lận, không chịu bố thí và giúp đỡ kẻ bần cùng. Của cải tích tụ như vậy mới gọi là bí mật, che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, trong vô số kiếp đã tích tụ vô số trân bảo là diệu pháp, nhưng lòng không hề keo lận, thường bố thí cho tất cả chúng sanh. Sao có thể gọi là tạng bí mật của Như Lai?

“Thiện nam tử! Ví như có người kia, thân thể và các giác quan chẳng đầy đủ, hoặc thiếu một mắt, một tay, một chân... Vì xấu hổ, người ấy không để cho người khác thấy được chỗ thiếu sót của mình. Vì không để người khác thấy nên gọi là che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, Chánh pháp của ngài vốn đầy đủ không thiếu sót, đều khiến cho mọi người thấy được. Sao có thể gọi là tạng bí mật của Như Lai?

“Thiện nam tử! Ví như kẻ nghèo kia, thiếu nợ người ta rất nhiều. Người ấy sợ chủ nợ, trốn lánh không muốn lộ hình, cho nên gọi là che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, chẳng hề thiếu nợ pháp thế gian của hết thảy chúng sanh. Dù có nợ pháp xuất thế của chúng sanh, nhưng không hề giấu giếm. Tại sao vậy? Đối với chúng sanh, ngài thường bình đẳng thương yêu như con một của ngài, nên vì chúng sanh mà giảng thuyết pháp vô thượng.

“Thiện nam tử! Ví như một trưởng giả, có nhiều của cải và trân bảo nhưng chỉ có một đứa con. Ông ta rất thương con, chẳng muốn xa rời, bao nhiêu trân bảo đều chỉ cho con biết hết. Như Lai cũng thế, xem chúng sanh đều như con một của ngài, [nên không có sự che giấu].

“Thiện nam tử! Ví như người đời cho rằng nam căn và nữ căn là đáng xấu hổ, là thô tục, dùng y phục mà phủ kín nên gọi là che giấu. Như Lai chẳng phải như thế, đã dứt hẳn những căn ấy. Vì không có những căn ấy nên không có gì phải che giấu.

“Thiện nam tử! Ví như hàng bà-la-môn, trong khi nói năng, đàm luận, chẳng hề muốn cho hàng sát-lỵ, tỳ-xá, thủ-đà được nghe. Vì sao vậy? Vì trong việc đàm luận của họ có chỗ tội lỗi, xấu xa. Chánh pháp của Như Lai chẳng phải như vậy, từ đầu đến cuối chỉ toàn là những điều lành. Vì vậy nên không thể gọi là tạng bí mật.

“Thiện nam tử! Ví như người trưởng giả chỉ có một đứa con, lòng thường nghĩ nhớ đến và rất thương yêu, ông mang con đến trường, nhờ thầy dạy học. Rồi ông sợ con chậm thành tài, liền mang trở về nhà. Vì lòng thương con, ngày đêm ông ân cần dạy cho những điều sơ học, nhưng không dạy luận Tỳ-già-la. Tại sao vậy? Vì nó còn non nớt, chưa đủ sức học luận ấy.

“Thiện nam tử! Như khi vị trưởng giả dạy con những điều sơ học rồi, đứa con ấy liền có thể hiểu rành luận Tỳ-già-la hay chăng?”

Bồ Tát Ca-diếp thưa: “Bạch Thế Tôn, không hiểu!”

Phật hỏi: “Như vậy, vị trưởng giả ấy có chỗ che giấu với con chăng?”

Bồ Tát Ca-diếp đáp: “Bạch Thế Tôn, không có! Vì sao vậy? Vì đứa con còn nhỏ tuổi, cho nên ông ấy không thuyết dạy, chứ không phải vì muốn che giấu, tiếc giữ mà chẳng dạy. Như có lòng ganh ghét, keo lận, mới gọi là che giấu. Như Lai không phải như thế, sao có thể gọi là tạng bí mật của Như Lai?”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử, đúng như lời ông nói, nếu có lòng giận hờn, ganh ghét, keo lận mới gọi là giấu giếm. Như Lai không có lòng giận hờn, ganh ghét, sao có thể gọi là che giấu?

“Thiện nam tử! Vị trưởng giả ấy ví với Như Lai. Đứa con một ấy ví như tất cả chúng sanh. Như Lai xem tất cả chúng sanh đồng như con một của ngài. Dạy dỗ đứa con một ấy, tức là Như Lai khuyên dạy hàng đệ tử Thanh văn. Những điều sơ học ví như chín bộ kinh điển. Tỳ-già-la luận ví như kinh điển Phương đẳng Đại thừa. Vì hàng Thanh văn chưa đủ trí tuệ nên Như Lai chỉ dạy những điều sơ học, tức là chín bộ kinh điển, nhưng không thuyết dạy luận Tỳ-già-la, là những kinh phương đẳng Đại thừa.

“Thiện nam tử! Như vị trưởng giả ấy, đến khi người con đã lớn khôn đủ sức đọc hiểu, nếu chẳng thuyết dạy luận Tỳ-già-la mới gọi là che giấu. Cũng vậy, nếu hàng Thanh văn đủ sức nhận lãnh kinh điển Đại thừa mà Như Lai tiếc giấu không thuyết dạy, như vậy mới có thể nói rằng Như Lai có tạng bí mật.

“Như Lai chẳng phải vậy, cho nên chẳng có tạng bí mật. Như Trưởng giả ấy đã dạy cho con những điều sơ học rồi, kế đó mới vì con mà giảng giải luận Tỳ-già-la. Nay ta cũng thế, ta dạy cho các đệ tử những điều sơ học rồi, tức là chín bộ kinh điển, kế đó mới vì các đệ tử mà diễn thuyết luận Tỳ-già-la, tức là nghĩa Như Lai thường tồn, không biến đổi.

“Lại nữa, Thiện nam tử! Ví như trong những tháng mùa hạ, trời kéo mây đen và sấm sét, rồi đổ mưa lớn, khiến người làm ruộng gieo giống gặt hái được nhiều. Như người không gieo giống thì không có gì để gặt hái. Họ không có gì để gặt hái, đó chẳng phải lỗi ở thời tiết, mà thời tiết không có gì gọi là che giấu. Nay Như Lai cũng vậy, đổ cơn mưa pháp lớn là kinh Đại Niết-bàn. Những chúng sanh nào gieo giống lành sẽ gặt hái được mầm trí tuệ, quả trí tuệ. Những ai không gieo giống lành, ắt không thu hoạch được gì cả! Họ không thâu hoạch được gì, đó không phải lỗi của Như Lai. Như vậy, Như Lai thật không có gì gọi là che giấu.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch: “Nay con biết chắc rằng Như Lai Thế Tôn không có gì là bí mật, che giấu. Nhưng như Phật vừa dạy, luận Tỳ-già-la đó là ví với nghĩa Phật Như Lai thường tồn, không biến đổi, thì nghĩa ấy không đúng! Vì sao vậy? Vì trước kia Phật có thuyết kệ rằng:

Chư Phật và Duyên giác,
Với hết thảy đệ tử,
Còn bỏ thân vô thường,
Huống chi kẻ phàm phu?

“Nay Phật lại dạy là thường tồn, không biến đổi, nghĩa ấy là thế nào?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ta vì tất cả đệ tử Thanh văn mà dạy những điều sơ học, nên mới thuyết kệ ấy.

“Thiện nam tử! Khi mẹ vua Ba-tư-nặc mạng chung, vua khóc kể luyến mến, không tự kiềm chế được, tìm đến chỗ ta. Ta hỏi vua rằng: ‘Đại vương! Tại sao lại buồn khổ áo não đến thế?’

“Vua đáp: ‘Thế Tôn! Hôm nay mẹ tôi vừa mất. Giá như có ai làm cho mẹ tôi sống lại được, tôi sẽ đem cả đất nước này, cùng với voi, ngựa, bảy món báu và cả thân mạng tôi mà đền đáp.’

“Ta liền bảo vua rằng: ‘Đại vương! Chớ nên sầu não, buồn đau khóc kể. Tất cả chúng sanh, khi thọ mạng đã hết thì gọi là chết. Chư Phật, Duyên giác và hàng đệ tử Thanh văn còn bỏ thân này, huống chi kẻ phàm phu?’

“Thiện nam tử! Vì ta dạy những điều sơ học cho vua Ba-tư-nặc nên mới thuyết bài kệ ấy. Nay ta lại vì hàng đệ tử Thanh văn mà thuyết dạy [nghĩa chân thật như] luận Tỳ-già-la, tức là nghĩa Như Lai thường còn, không biến đổi. Nếu ai nói rằng Như Lai là vô thường, làm sao người ấy lại chẳng bị thụt lưỡi?”

Ca-diếp lại thưa: “Như Phật có thuyết kệ rằng :

Không chứa giữ chi cả,
Biết đủ trong ăn uống,
Như chim giữa không trung,
Dấu chân chẳng thể tìm.

“Nghĩa ấy là thế nào? Bạch Thế Tôn! Ở trong chúng này, ai có thể gọi là người không chứa giữ chi cả? Ai có thể gọi là người biết đủ trong việc ăn uống? Ai có thể đi giữa không trung chẳng để lại dấu vết? Và đi như thế sẽ đến nơi nào?”

Phật dạy: “Ca-diếp! Nói chứa giữ đó, là nói vật quí báu. Thiện nam tử! Có hai loại chứa giữ: một là hữu vi, hai là vô vi. Chứa giữ hữu vi, tức là hạnh Thanh văn. Chứa giữ vô vi, tức là hạnh Như Lai.

“Thiện nam tử! Tăng cũng có hai hạng: hữu vi và vô vi. Tăng hữu vi tức là hàng Thanh văn. Tăng Thanh văn không chứa giữ nô tỳ, những vật phi pháp, kho lẫm, lúa thóc, muối, tương, mè, đậu... Nếu ai nói rằng Như Lai cho phép hàng Thanh văn nuôi chứa tôi trai, tớ gái, những kẻ hầu hạ, những vật như vậy, người ấy ắt phải bị thụt lưỡi. Những đệ tử Thanh văn của ta đều là người không chứa giữ chi cả, và cũng là người biết đủ trong việc ăn uống. Nếu ai tham ăn thì gọi là chẳng biết đủ. Ai không tham ăn mới được gọi là biết đủ. Người khó tìm thấy dấu chân, ắt là đã đến gần đạo Bồ-đề Vô thượng. Ta nói rằng người ấy dù có đi mà chẳng có đến.”

Ca-diếp lại thưa rằng: “Như hạng tăng hữu vi còn chẳng có chứa giữ, huống chi là hạng tăng vô vi? Tăng vô vi tức là Như Lai. Làm sao Như Lai lại có chỗ chứa giữ? Nếu là chứa giữ, gọi là che giấu. Cho nên sự thuyết giảng của Như Lai không hề có sự keo lận, sao lại gọi là che giấu? Dấu chân không thể tìm thấy, đó là Niết-bàn. Ở trong Niết-bàn chẳng có mặt trời, mặt trăng, các tinh tú, nóng, lạnh, gió, mưa, sanh, già, bệnh, chết, 25 cảnh giới hiện hữu, lìa các ưu khổ và phiền não. Niết-bàn như vậy, chỗ trụ của Như Lai là thường tồn, chẳng biến đổi. Vì nhân duyên ấy, đức Như Lai đến nơi rừng cây sa-la, do nơi Đại Niết-bàn mà nhập Niết-bàn.”

Phật bảo Ca-diếp: “Dùng chữ đại đó là nói tánh rộng khắp. Ví như có người sống lâu vô cùng, gọi là đại trượng phu. Nếu người ấy trụ yên nơi Chánh pháp thì gọi là Bậc cao trổi nhất trong nhân loại. Như ta có thuyết về tám điều giác ngộ của bậc đại nhân, một người có đủ, hoặc nhiều người có đủ. Nếu một người có đủ tám điều ấy là cao trổi hơn hết.

“Nói Niết-bàn nghĩa là không có những đau đớn, thương tổn. Thiện nam tử! Ví như người kia bị trúng tên độc, chịu nhiều đau đớn khổ sở. May gặp vị lương y lấy mũi tên độc ra, cho uống vị thuốc hay, giúp người ấy dứt khổ, được sự an vui. Sau đó, vị lương y ấy lại đi đến các thành ấp, xóm làng. Nơi nào có người bị đau đớn, thương tổn, ông liền đến đó để điều trị cho mọi người dứt sự đau đớn khổ sở.

“Thiện nam tử! Như Lai cũng thế, ngài thành bậc Đẳng chánh giác, làm vị Đại y vương, thấy chúng sanh khổ não ở Diêm-phù-đề, trong vô lượng kiếp bị trúng tên độc là phiền não, tham dâm, sân hận, si mê; chịu sự khổ não cấp thiết. Ngài vì những chúng sanh ấy, diễn thuyết kinh Đại thừa là vị thuốc pháp cam lộ. Trị bệnh xong rồi, ngài lại đi đến phương khác. Nơi nào có chúng sanh bị tên độc phiền não, ngài liền thị hiện làm Phật để liệu trị cho họ. Vì vậy nên gọi là Đại Bát Niết-bàn.

“Đại Bát Niết-bàn gọi là chỗ giải thoát. Nơi nào có chúng sanh cần điều phục, Như Lai liền thị hịên ở đó. Vì nghĩa chân thật rất sâu xa như vậy, nên gọi là Đại Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Một vị thầy thuốc thế gian có thể trị lành hết thảy những đau đớn, thương tổn của chúng sanh hay chăng?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Đau đớn, thương tổn ở thế gian có hai loại: một là có thể trị, hai là không thể trị. Với loại có thể trị thì thầy thuốc có thể trị lành, với loại không thể trị thì thầy thuốc không thể trị lành.”

Ca-diếp lại thưa hỏi: “Như Phật nói rằng: Như Lai đã trị dứt bệnh cho chúng sanh ở cõi Diêm-phù-đề. Nếu nói đã trị dứt, sao trong chúng sanh ấy vẫn còn những kẻ chưa được Niết-bàn? Nếu họ chưa được Niết-bàn, sao Như Lai nói rằng ngài đã trị dứt bệnh của họ nên muốn đến phương khác?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Trong cõi Diêm-phù-đề có hai hạng chúng sanh: một là hạng có đức tin, hai là hạng không có đức tin. Hạng có đức tin là có thể trị. Vì sao vậy? Vì những người ấy chắc chắn sẽ được Niết-bàn, không còn đau đớn, thương tổn. Cho nên ta nói là đã trị dứt cho chúng sanh ở cõi Diêm-phù-đề. Còn hạng người không có đức tin, gọi là nhất-xiển-đề. Như kẻ nhất-xiển-đề là không thể trị. Trừ hạng nhất-xiển-đề, còn ngoài ra ta đã trị dứt bệnh cho hết thảy chúng sanh. Vì vậy, Niết-bàn gọi là không có đau đớn, thương tổn.”

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là Niết-bàn?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Giải thoát gọi là Niết-bàn.”

Ca-diếp lại thưa hỏi: “Giải thoát mà Phật nói đó là hình sắc hay không thuộc về hình sắc?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! [Giải thoát] cũng là hình sắc, cũng không phải hình sắc. Nói không phải hình sắc, đó là giải thoát của hàng Thanh văn, Duyên giác; nói phải là hình sắc, đó là giải thoát của chư Phật Như Lai.

“Thiện nam tử! Vì vậy cho nên giải thoát cũng là hình sắc, mà cũng không phải hình sắc. Như Lai vì hàng đệ tử Thanh văn mà dạy là không phải hình sắc.”

“Bạch Thế Tôn! Hàng Thanh văn, Duyên giác, nếu không phải hình sắc thì làm sao có thể trụ?”

“Thiện nam tử! Như cảnh trời Phi tưởng phi phi tưởng là sắc mà cũng không phải sắc, nhưng ta nói là không phải sắc. Như có người vặn hỏi rằng: ‘Nếu cảnh trời Phi tưởng phi phi tưởng không phải sắc, vậy chư thiên ở cảnh ấy làm sao đứng vững, làm sao đi lại, tới lui?’ Ý nghĩa như vậy là thuộc cảnh giới của chư Phật, không phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.

“Giải thoát cũng như thế, là sắc mà cũng không phải sắc, nhưng ta nói là không phải sắc; là tưởng mà cũng không phải tưởng, nhưng ta nói là không phải tưởng. Ý nghĩa như vậy là thuộc cảnh giới của chư Phật, chẳng phải hàng Thanh văn, Duyên giác có thể biết được.”

Lúc ấy, Bồ Tát Ca-diếp lại bạch Phật: “Thế Tôn! Xin thương xót mà giảng rộng một lần nữa về ý nghĩa giải thoát của hạnh Đại Bát Niết-bàn.”

Phật ngợi khen Bồ Tát Ca-diếp: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Giải thoát chân thật là lìa xa hết thảy mọi sự trói buộc. Lìa hết thảy trói buộc, tức là không có sanh ra, cũng không có sự hòa hợp. Ví như cha mẹ có sự hòa hợp mới sanh ra con. Giải thoát chân thật không phải như vậy, cho nên giải thoát gọi là không sanh ra.

“Ca-diếp! Ví như đề-hồ tự có bản tính thanh tịnh. Như Lai cũng thế, không do cha mẹ hòa hợp sanh ra nên bản tính thanh tịnh. Sở dĩ thị hiện có cha mẹ là vì muốn hóa độ chúng sanh. Giải thoát chân thật chính là Như Lai. Như Lai và giải thoát chẳng phải là hai, chẳng phải là khác.

“Ví như trong mùa xuân gieo các loại giống, nhờ khí trời ấm áp mà dần dần mọc lên. Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy!

“Lại nữa, giải thoát gọi là rỗng không; rỗng không tức là giải thoát. Giải thoát tức là Như Lai; Như Lai là rỗng không, vốn không tạo tác, không có chỗ được tạo tác. Nếu là tạo tác thì cũng giống như những cảnh thành quách, lầu đài... Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy, cho nên giải thoát tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát tức là pháp vô vi. Ví như người thợ lò gốm làm ra các món đồ, [về sau ắt] phải vỡ nát, hư hoại. Giải thoát không phải như thế. Giải thoát chân thật là không sanh, không diệt. Cho nên giải thoát tức là Như Lai. Như Lai cũng vậy, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng già, chẳng chết, chẳng bị phá hoại, chẳng phải pháp hữu vi. Vì nghĩa ấy cho nên nói là Như Lai nhập Đại Niết-bàn.

“Chẳng già, chẳng chết có những ý nghĩa gì? Già tức là thay đổi, tóc bạc, da nhăn... Chết tức là thân thể hư hoại, mạng sống chấm dứt. Giải thoát không có những việc như vậy. Vì không có những việc ấy nên mới gọi là giải thoát. Như Lai cũng không có tóc bạc, da nhăn, không có những pháp hữu vi, cho nên Như Lai không có già; vì không có già nên không có chết.

“Lại nữa, giải thoát là không có bệnh. Nói về bệnh, có bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh cùng mọi việc từ ngoài xâm nhập làm tổn hại thân thể. Đại Niết-bàn không có như vậy nên gọi là giải thoát. Không có tật bệnh, tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Vì Như Lai không bệnh, cho nên pháp thân cũng không bệnh. Không bệnh như vậy tức là Như Lai.

“Chết tức là thân thể hư hoại, mạng sống dứt. Đại Niết-bàn không có sự chết, tức là thuốc cam lộ trường sanh. Cam lộ ấy là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Như Lai thành tựu công đức như vậy, sao có thể nói Như Lai là vô thường? Nếu nói là vô thường, thật không có lý! Thân kim cang này sao lại là vô thường? Vậy nên Như Lai không thể nói là mạng chung. Như Lai là thanh tịnh, không có nhơ nhớp. Thân của Như Lai chẳng bị thai bào làm cho nhơ nhớp, như hoa [sen trắng] phân-đà-lỵ vốn tánh thanh tịnh. Như Lai, giải thoát lại cũng như vậy. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Cho nên Như Lai vốn là thanh tịnh, không có sự nhơ nhớp.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không còn các lậu hoặc, những sự đau đớn, thương tổn đều dứt sạch chẳng còn dấu vết. Như Lai cũng thế, không có tất cả các lậu hoặc, đau đớn, thương tổn.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không tranh giành. Ví như người đói, thấy kẻ khác ăn uống thì có ý muốn giành giật lấy; giải thoát chẳng phải như thế!

“Lại nữa, giải thoát gọi là yên tĩnh. Kẻ phàm phu nói rằng: ‘Yên tĩnh tức là cảnh trời Đại tự tại thiên.’ Nói như vậy tức là sai trái, không thật. Sự yên tĩnh chân thật là giải thoát rốt ráo. Giải thoát rốt ráo, tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là an ổn. Như trong vùng có nhiều giặc cướp không thể gọi là an ổn. Chốn thanh bình, vui vẻ mới gọi là an ổn. Trong sự giải thoát không có sợ sệt nên gọi là an ổn. Cho nên an ổn tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là Pháp vậy.

“Lại nữa, giải thoát nghĩa là không có kẻ ngang hàng. Có kẻ ngang hàng là ví như một vị vua có những vua ngang hàng ở các nước láng giềng. Giải thoát thì không phải như thế. Không có kẻ ngang hàng, ví như vị Chuyển luân thánh vương không ai có thể sánh bằng. Giải thoát cũng vậy, không có ngang hàng. Không có ngang hàng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai Chuyển pháp luân vương. Cho nên Như Lai là không ai sánh bằng. Nếu nói có người sánh bằng Như Lai thì thật là vô lý.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không lo buồn. Sự lo buồn đó, ví như một vị quốc vương vì sợ nạn xâm lăng của những nước mạnh ở gần bèn sanh ra lo buồn. Giải thoát thì không có như vậy. Ví như những kẻ oán thù bị phá tan rồi thì không còn lo nghĩ. Giải thoát cũng thế, chẳng có lo sợ; không lo sợ tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không buồn vui. Ví như bà mẹ chỉ có một đứa con phải tòng quân chiến đấu nơi xa. Bỗng có tin dữ về, bà nghe được lấy làm buồn khổ. Sau đó, lại nghe rằng con bà vẫn còn sống, bà lấy làm vui mừng. Giải thoát thì không có những việc như thế. Không buồn, không vui tức là giải thoát chân thật; giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có bụi nhơ. Ví như vào mùa xuân, sau khi mặt trời lặn thì gió thổi tung bụi mù mịt. Trong giải thoát không có việc như vậy. Không có bụi mù là ví với giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Ví như hạt minh châu trong búi tóc của vị thánh vương, không có bợn nhơ. Tánh của giải thoát cũng như vậy, không có bợn nhơ. Không có bợn nhơ là ví như giải thoát chân thật; giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Ví như tánh chất của vàng thật là không thể hòa chung với cát đá, nên mới thật là vật quý. Người có được vàng liền nghĩ rằng mình có được vật quý. Tánh của giải thoát cũng vậy, như vàng thật quý ấy. Vàng quý là ví như giải thoát chân thật; giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Ví như cái bình sành, khi vỡ phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Bình kim cang thì không [bể vỡ] như thế. Giải thoát không có bể vỡ. Bình quý kim cang là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Vì thế nên thân Như Lai không thể hư hoại.

“Phát ra tiếng kêu loảng xoảng, ấy cũng như hạt tỳ-ma đang khi trời nóng mà để ngoài nắng thì phát ra tiếng nổ. Giải thoát không có những chuyện như vậy. Như bình kim cang quý báu kia chẳng thể bể vỡ mà phát ra tiếng kêu loảng xoảng. Dẫu cho có vô số trăm ngàn người cùng đập phá cũng không thể làm cho bể vỡ được. Không phát ra tiếng vỡ loảng xoảng là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Như người bần cùng, thiếu nợ những kẻ khác cho nên bị họ buộc trói, gông cùm, đánh đập, chịu nhiều khổ não. Giải thoát thì không có chuyện như vậy. Không có nợ nần, ví như vị trưởng giả có nhiều của báu, số nhiều vô lượng, thế lực tự tại, không hề thiếu nợ người khác. Giải thoát cũng như thế, có vô lượng của báu là pháp, thế lực tự tại, không thiếu nợ ai cả. Không thiếu nợ ai là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không bị bức thiết. Như mùa xuân gặp nóng, mùa hạ ăn món ngọt, mùa đông chịu lạnh. Trong giải thoát chân thật không có những việc trái ý như vậy. Không bị bức thiết là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, không bị bức thiết đó, ví như có người ăn cá đến no bụng rồi lại uống sữa vào, ắt không bao lâu sẽ chết. Trong giải thoát chân thật không có việc như thế. Như người ấy được món thuốc cam lộ thần diệu mới có thể thoát cơn nguy ngập. Giải thoát chân thật lại cũng như vậy. Món thuốc cam lộ là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Thế nào là bị bức thiết và không bị bức thiết? Ví như có kẻ phàm phu cao ngạo, tự nghĩ rằng: “Hết thảy mọi loài đều chẳng thể hại được ta.” Liền gần gũi tiếp xúc với những loài rắn, cọp, trùng độc... Nên biết rằng người như vậy, dù mạng số chưa hết cũng phải chết đột ngột. Giải thoát chân thật không có việc như vậy. Không bị bức thiết là ví như vị Chuyển luân vương có một hạt châu thần diệu. Hạt châu ấy có thể hàng phục loài bọ hung và chín mươi sáu thứ trùng độc. Nếu ai nghe được mùi thơm của hạt thần châu ấy thì các chất độc đều tiêu diệt. Giải thoát chân thật cũng như thế, lìa xa tất cả 25 cảnh giới hiện hữu. Các chất độc đều tiêu diệt là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, không bị bức thiết là ví như hư không. Giải thoát cũng thế. Hư không ấy là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, chịu sự bức thiết là ví như ở gần cỏ khô mà đốt đèn lửa, tất phải cháy bùng. Trong giải thoát chân thật chẳng có việc như vậy.

“Lại nữa, không bị bức thiết là ví như mặt trời và mặt trăng chẳng bức bách chúng sanh. Giải thoát cũng thế, đối với chúng sanh không có bức thiết. Không có bức thiết là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp không xao động. Ví như có [sự phân biệt] kẻ oán và người thân. Trong sự giải thoát chân thật không có việc như vậy.

“Lại nữa, không xao động là ví như vị Chuyển luân vương, không có Thánh vương nào để làm bạn hữu. Nếu vị ấy có bạn hữu, đó là chuyện vô lý. Giải thoát cũng thế, không có chỗ thân cận. Nếu giải thoát lại có chỗ thân cận, cũng là chuyện vô lý. Vị vua kia không có bạn hữu là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật, tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp vậy.

“Lại nữa, không xao động đó, ví như cái áo trắng tinh thì dễ nhuộm các màu khác. Giải thoát chẳng phải như thế.

“Lại nữa, không xao động đó, ví như hoa bà-sư, nếu muốn cho có mùi hôi và màu xanh, thật là chuyện vô lý. Giải thoát cũng như thế, nếu muốn cho có mùi hôi và các màu sắc thì thật vô lý. Vì vậy nên giải thoát tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là ít có. Ví như ở trong nước sanh ra hoa sen, đó là việc bình thường. Như ở trong lửa sanh ra [hoa sen] mới thật là ít có, ai thấy được việc ấy đều lấy làm vui sướng. Giải thoát chân thật cũng như thế, như có người thấy được ắt lấy làm vui sướng. Việc ít có là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là Pháp thân.

“Lại nữa, việc ít có đó, ví như đứa trẻ sơ sanh răng còn chưa mọc, dần dần lớn lên rồi răng mới mọc. Giải thoát chẳng phải như thế, không có việc sanh cùng chẳng sanh.

“Lại nữa, giải thoát gọi là rỗng không vắng lặng, không có gì là không xác định. Không xác định là như [nói rằng] hạng nhất-xiển-đề rốt cùng không thay đổi, kẻ phạm trọng cấm không thể thành Phật là vô lý. Vì sao vậy? Nếu những người này ở trong Chánh pháp của Phật có được lòng tin trong sạch, lập tức sẽ không còn là nhất-xiển-đề. Nếu được làm người cư sĩ nam, cũng sẽ không còn là nhất-xiển-đề. Như kẻ phạm trọng cấm, nếu trừ xong tội ấy ắt được thành Phật. Cho nên, nếu nói chắc chắn là không thay đổi, không thành Phật đạo thì thật là vô lý. Trong sự giải thoát chân thật không có những chuyện diệt mất như vậy.

“Lại nữa, rỗng không vắng lặng là dự vào pháp giới. Như tánh của pháp giới tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, nếu nhất-xiển-đề là dứt mất thì không thể gọi là nhất-xiển-đề. Sao gọi là nhất-xiển-đề? Nhất-xiển-đề là kẻ dứt tuyệt gốc rễ của mọi điều lành, lòng không nương theo bất cứ pháp lành nào, thậm chí chẳng sanh được một niệm lành. Trong giải thoát chân thật không có việc như vậy. Không có việc như vậy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng thể đo lường. Ví như một đống lúa, có thể biết được số lượng. Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy. Ví như biển cả không thể đo lường. Giải thoát cũng thế, không thể đo lường. Không thể đo lường tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp vô lượng. Như mỗi chúng sanh có nhiều nghiệp báo. Giải thoát cũng thế, có vô lượng báo. Vô lượng báo tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là rộng lớn. Ví như biển cả rộng lớn không gì sánh bằng. Giải thoát cũng thế, rộng lớn không gì sánh bằng. Không gì sánh bằng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là cao trổi hơn hết. Ví như hư không là cao nhất không gì sánh bằng. Giải thoát cũng thế, cao trổi hơn hết, không gì sánh bằng. Cao trổi hơn hết, không gì sánh bằng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể vượt qua. Ví như nơi ở của sư tử thì hết thảy các loài thú không con nào có thể vượt qua. Giải thoát cũng thế, không ai có thể vượt qua. Không thể vượt qua tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không còn gì trên nữa. Ví như trong các phương, phương bắc là trên hết. Giải thoát cũng thế, không còn gì trên nữa. Không còn gì trên nữa tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là trên cả bậc cao nhất. Ví như phương bắc đối với phương đông là trên cả bậc cao nhất. Giải thoát cũng thế, không còn có bậc nào trên nữa. Không còn có bậc nào cao hơn nữa tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp thường còn. Ví như loài người và chư thiên, khi thân thể đã hư hoại và mạng sống dứt rồi thì gọi là thường còn, chẳng phải không thường còn. Giải thoát cũng thế, chẳng phải không thường còn. Chẳng phải không thường còn tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chắc thật. Ví như những cây khư-đà-la, chiên-đàn trầm thủy, tánh vốn chắc thật. Giải thoát cũng thế, tánh vốn chắc thật. Tánh chắc thật tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng trống không. Ví như các loài tre, sậy, trong ruột trống rỗng. Giải thoát chẳng phải như thế. Vậy nên biết rằng giải thoát tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể bám víu. Ví như vách tường chưa quét vôi thì muỗi mòng bu đậu, bám vào trên đó. Nếu quét vôi và sơn vẽ lên rồi, chúng nghe mùi vôi và sơn thì không thể bám vào. Không thể bám víu là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có giới hạn. Ví như làng xóm mỗi nơi đều có ranh giới bao quanh. Giải thoát chẳng phải như thế. Ví như hư không chẳng có ranh giới. Giải thoát cũng thế, không có giới hạn. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể thấy. Ví như giữa hư không, dấu chân chim khó thấy. Việc khó thấy như vậy ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là rất sâu xa. Vì sao vậy? Đó là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể vào được. Không thể vào được tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, rất sâu xa tức là chỗ mà chư Phật Bồ Tát đều cung kính. Ví như một người con hiếu, nhờ cung kính phụng dưỡng cha mẹ nên được công đức rất sâu xa. Công đức rất sâu xa là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể thấy. Ví như người ta không thể thấy đỉnh đầu của mình. Giải thoát cũng thế, đó là chỗ mà hàng Thanh văn, Duyên giác không thể thấy được. Không thể thấy được tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có nhà cửa. Ví như giữa hư không chẳng có nhà cửa. Giải thoát cũng thế. Nói nhà cửa là ví như 25 cảnh giới hiện hữu. Không có nhà cửa là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể nắm bắt. Ví như trái a-ma-lặc, người ta có thể nắm lấy được. Giải thoát không như thế, không ai nắm bắt được. Không thể nắm bắt tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không thể cầm giữ. Ví như vật ảo hóa không thể cầm giữ được. Giải thoát cũng thế, không thể cầm giữ được. Không thể cầm giữ tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có thân thể. Ví như có người, từ nơi thân thể sanh ra các thứ ghẻ chốc, phung cùi, ung thư, điên cuồng, khô héo. Trong giải thoát chân thật không có những bệnh như vậy. Không có những bệnh như vậy là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chỉ có một vị. Ví như sữa chỉ có một vị. Giải thoát cũng thế, chỉ có một vị. Chỉ có một vị tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là trong sạch. Ví như nước không có bùn dơ, lắng yên trong sạch. Giải thoát cũng thế, lắng yên trong sạch. Lắng yên trong sạch tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chỉ có một vị. Ví như mưa giữa không trung, chỉ có một vị trong sạch. Một vị trong sạch là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là trừ bỏ hết. Ví như đêm trăng tròn không có mây che khuất. Giải thoát cũng thế, không có mây che khuất. Không có mây che khuất tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng yên tĩnh. Ví như có người trừ dứt bệnh nóng, thân thể được vắng lặng yên tĩnh. Giải thoát cũng thế, thân được vắng lặng yên tĩnh. Thân được vắng lặng yên tĩnh tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát tức là bình đẳng. Ví như ở nơi đồng hoang, những loài rắn độc, chuột, chó sói đều có tâm giết hại. Giải thoát chẳng phải như thế, không hề có tâm giết hại. Không có tâm giết hại tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, bình đẳng là ví như cha mẹ lòng luôn bình đẳng đối với các con. Giải thoát cũng thế, lòng luôn bình đẳng. Lòng bình đẳng tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có nơi nào khác. Ví như có người chỉ ở nơi nhà cửa cao đẹp, sạch sẽ, không còn có nơi nào khác. Giải thoát cũng thế, không có nơi nào khác. Không có nơi nào khác tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là biết đủ. Ví như người đói gặp bữa cơm ngon thì ăn chẳng muốn thôi. Giải thoát chẳng phải thế, như ăn cháo sữa rồi thì chẳng cần ăn thêm gì nữa. Chẳng cần thêm gì nữa là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là dứt hẳn. Ví như người bị trói, cắt đứt dây trói thì được thoát ra. Giải thoát cũng thế, dứt hẳn tất cả sự trói buộc của lòng nghi ngờ. Dứt hẳn lòng nghi như vậy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là đến bờ bên kia. Ví như một con sông lớn có bờ bên này và bờ bên kia. Giải thoát chẳng phải như thế, tuy không có bờ bên này nhưng có bờ bên kia. Có bờ bên kia tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng tự nhiên. Ví như biển cả, nước lớn mênh mông có nhiều loại tiếng ồn. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là vị ngon lạ. Ví như trong các món thuốc, có lẫn vị ha-lê-lặc thì phải bị đắng. Giải thoát chẳng phải như thế, có vị như chất cam lộ. Vị như cam lộ là ví như giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát là dứt trừ phiền não. Ví như một vị lương y pha trộn các vị thuốc, khéo trị các chứng bệnh. Giải thoát cũng thế, có thể dứt trừ phiền não. Dứt trừ phiền não tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không chật hẹp. Ví như nhà nhỏ không chứa được nhiều người. Giải thoát chẳng phải như thế, dung chứa được rất nhiều. Dung chứa rất nhiều tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là dứt trừ ái luyến, không còn lẫn sự dâm dục. Ví như người nữ có nhiều ái dục. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai chẳng hề có những sự trói buộc bởi tham dục, sân khuể, ngu si, kiêu mạn.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có lòng ái luyến. Ái luyến có hai loại: một là lòng ái luyến của loài ngạ quỷ, hai là lòng ái luyến đối với pháp. Bậc giải thoát chân thật lìa xa lòng ái luyến của loài ngạ quỷ, vì thương xót chúng sanh nên có lòng ái luyến đối với pháp. Có lòng ái luyến đối với pháp tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát là lìa bỏ cái ta và vật của ta. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.

“Lại nữa, giải thoát tức là dứt hết, lìa bỏ sự tham lam. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.

“Lại nữa, giải thoát tức là che chở cứu giúp, có thể cứu giúp tất cả những kẻ sợ sệt. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.

“Lại nữa, giải thoát tức là chỗ quay về. Như đã quay về nương tựa bậc giải thoát như vậy thì chẳng cần nương tựa nơi nào khác nữa. Ví như có người nương tựa với vua thì chẳng cần nương tựa ai khác. Tuy vậy, nương tựa với vua còn có sự biến động thay đổi, còn nương tựa bậc giải thoát thì không có sự biến động thay đổi. Không có sự biến động thay đổi tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.

“Lại nữa, giải thoát gọi là nhà cửa. Ví như có người đi vào chốn đồng hoang ắt gặp nạn hiểm. Giải thoát chẳng phải như thế, không có nạn hiểm. Không có nạn hiểm tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát là không có sự sợ sệt. Ví như chúa sư tử đối với cả trăm loài thú cũng không hề sợ sệt. Giải thoát cũng thế, đối với chúng ma không hề sợ sệt. Không sợ sệt tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát tức là không chật hẹp. Ví như có con đường nhỏ hẹp, thậm chí không đủ chỗ để hai người cùng đi ngang nhau. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nói không chật hẹp, ví như có người vì sợ cọp lại rơi xuống giếng. Giải thoát chẳng như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, không chật hẹp là ví như giữa biển cả mà bỏ thuyền nhỏ, được thuyền lớn vững chắc, dùng để vượt biển đến xứ an ổn, lòng được vui thích. Giải thoát cũng thế, trong lòng được vui thích. Được vui thích tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát nghĩa là dẹp bỏ các nhân duyên. Ví như có người nhờ có sữa mà làm được kem sữa, nhờ có kem sữa mà làm được bơ, nhờ có bơ lại làm được món đề-hồ. Trong sự giải thoát không có những nhân tiếp nối như vậy. Không có nhân như vậy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát có thể khuất phục được sự kiêu căng ngạo mạn. Ví như vị vua lớn kiêu căng ngạo mạn với các vua nhỏ. Giải thoát không phải như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là pháp.

“Lại nữa, giải thoát là khuất phục sự buông thả, lười nhác. Buông thả, lười nhác ắt có nhiều ham muốn. Trong giải thoát chân thật chẳng có những tên gọi ấy. Chẳng có những tên gọi ấy tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát có thể trừ dứt vô minh. Ví như dùng loại bơ sữa tốt nhất loại bỏ hết những cặn cáu mới được đề-hồ. Giải thoát cũng thế, trừ được cặn cáu là vô minh, hiện ra sự sáng suốt chân thật. Sự sáng suốt chân thật đó tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là vắng lặng yên tĩnh, thuần nhất chẳng phân chia. Ví như con voi giữa đồng hoang, chỉ sống một mình không có bạn. Giải thoát cũng thế, duy nhất chẳng phân chia. Duy nhất chẳng phân chia tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chắc thật. Ví như thân cây tre, sậy, tỳ-ma đều rỗng ruột, nhưng măng non lại chắc đặc, không rỗng. Trừ ra Phật Như Lai, các hàng trời, người đều không chắc thật. Giải thoát chân thật lìa xa tất cả những cảnh hiện hữu lưu chuyển không bền. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là có thể hiểu rõ, thêm phần lợi ích cho mình. Giải thoát chân thật là như vậy. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là buông bỏ những cảnh giới hiện hữu. Ví như có người ăn xong rồi nôn ra. Giải thoát cũng như thế, buông bỏ những cảnh giới hiện hữu. Buông bỏ những cảnh giới hiện hữu tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là quyết định. Ví như hương hoa bà-sư [nhất định là] không có trong hoa thất diệp. Giải thoát cũng như thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chất nước. Ví như chất nước hơn hẳn trong bốn đại, có thể làm tươi nhuận hạt giống hết thảy các loại cây cỏ. Giải thoát cũng thế, có thể làm tươi nhuận hết thảy những loài có mạng sống. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là nhập vào. Ví như nhà có cửa ngõ, ắt thông với đường đi. Lại như xứ có vàng, ắt có thể lấy được vàng. Giải thoát cũng thế. Cũng như cửa ngõ kia, người tu pháp vô ngã ắt là vào được lẽ ấy. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là tốt lành. Ví như người đệ tử theo thầy hầu hạ, khéo vâng theo lời dạy, đó gọi là tốt lành. Giải thoát cũng thế. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là pháp xuất thế. Đối với tất cả pháp, pháp ấy là cao trổi hơn hết. Như trong các mùi vị, mùi vị của bơ sữa là hơn hết. Giải thoát cũng thế. Giải thoát như vậy tức là Như lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng lay động. Ví như ở cửa buồng trong không có gió lay động. Giải thoát chân thật cũng thế. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không có sóng nước. Ví như nơi biển cả nước dậy thành sóng. Giải thoát chẳng phải như thế. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát ví như cung điện. Giải thoát cũng như thế. Nên biết rằng giải thoát tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chỗ dùng. Ví như vàng Diêm-phù-đàn có thể dùng vào nhiều việc, không ai có thể nói được chỗ xấu dở của loại vàng này. Giải thoát cũng thế, không có chỗ xấu ác. Không có chỗ xấu ác tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát là buông bỏ hết những hành vi trẻ con. Ví như người trưởng thành thì bỏ hết những nết trẻ con. Giải thoát cũng thế, trừ bỏ năm ấm. Trừ bỏ năm ấm tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chỗ rốt ráo sau cùng. Ví như người bị trói, khi được mở trói liền tắm rửa sạch sẽ rồi mới về nhà. Giải thoát cũng thế, rốt ráo trở nên thanh tịnh. Rốt ráo thanh tịnh tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là niềm vui không tạo tác. Vui không tạo tác, là vì đã nôn ra hết những tham dục, sân khuể, ngu si. Ví như có người uống phải nọc độc của rắn. Muốn trừ chất độc ấy, phải dùng thuốc gây nôn. Khi nôn rồi, nọc đã ra hết thì thân thể được an vui. Giải thoát cũng thế, nôn ra nọc độc là các phiền não trói buộc, thân được an vui, đó gọi là niềm vui không tạo tác. Vui không tạo tác tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là trừ dứt bốn loại rắn độc phiền não. Dứt trừ phiền não tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là lìa bỏ các cảnh giới hiện hữu, diệt hết thảy sự khổ, được hết thảy sự vui, dứt trừ vĩnh viễn những tham dục, sân khuể, ngu si, nhổ bỏ hết thảy mọi gốc rễ của phiền não. Nhổ bỏ gốc rễ đó tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là dứt trừ hết thảy các pháp hữu vi, sanh ra hết thảy các pháp lành vô lậu, dứt hẳn các khuynh hướng như chấp ngã, vô ngã, chẳng phải ngã chẳng phải vô ngã. Chỉ dứt bỏ sự vướng chấp mà thôi, không dứt bỏ sự thấy biết về cái ngã. Sự thấy biết về cái ngã đó gọi là tánh Phật. Tánh Phật tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là chẳng phải không không. Không không đó gọi là không có gì hết. Không có gì hết, tức là cách hiểu giải thoát của bọn ngoại đạo Ni-kiền. Nhưng bọn Ni-kiền ấy thật chẳng có giải thoát, nên gọi là không không. Giải thoát chân thật chẳng phải như vậy, cho nên chẳng phải không không. Chẳng phải không không, tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là không chẳng phải không. Ví như những cái bình đựng nước, rượu, kem sữa, bơ sữa, đường. Mặc dầu trong những bình ấy không có nước, rượu, kem sữa, bơ sữa, đường, nhưng vẫn gọi là bình nước, bình rượu.v.v... Những cái bình như vậy, không thể nói là không, cũng không thể nói là chẳng phải không. Nếu nói là không thì chẳng thể có những hình sắc, mùi vị, xúc chạm... Nếu nói là chẳng phải không thì những cái bình ấy thật là không có nước, rượu.v.v... Giải thoát cũng thế, không thể nói là hình sắc hay chẳng phải hình sắc, không thể nói là không hay chẳng phải không. Nếu nói là không thì chẳng thể có thường, lạc, ngã, tịnh. Nếu nói là chẳng phải không thì ai thọ nhận những thường, lạc, ngã, tịnh ấy?

“Vì nghĩa ấy nên chẳng thể nói là không hay là chẳng phải không. Không, đó là không 25 cảnh giới hiện hữu cùng với các phiền não, tất cả các khổ, tất cả các tướng, tất cả hạnh hữu vi. Ví như cái bình không có đựng sữa thì gọi là không. Còn chẳng phải không là nói đến những hình sắc chân thật tốt đẹp như thường, lạc, ngã, tịnh, bất động, bất biến. Như cái bình kia, có hình sắc, hương vị, xúc chạm, nên gọi là chẳng phải không. Vì vậy nên giải thoát ví như cái bình kia. Nhưng cái bình ấy nếu gặp duyên xấu thì hư nát. Giải thoát chẳng phải như vậy, không thể hư nát. Không thể hư nát tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.

“Lại nữa, giải thoát gọi là lìa bỏ luyến ái. Ví như người có lòng luyến ái, mong cầu được cảnh Đế-thích, cảnh Đại Phạm thiên vương, cảnh Tự tại thiên vương. Giải thoát chẳng như thế. Nếu thành A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề rồi thì không có luyến ái, không có nghi ngại. Không luyến ái, không nghi ngại tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Nếu nói rằng giải thoát có luyến ái, có nghi ngại thì thật là vô lý.

“Lại nữa, giải thoát là dứt hết các mối tham, dứt hết tất cả tướng, hết thảy mọi sự trói buộc, hết thảy phiền não, hết thảy sanh tử, hết thảy nhân duyên, hết thảy quả báo. Giải thoát như vậy tức là Như Lai. Như Lai tức là Niết-bàn.

“Tất cả chúng sanh vì sợ sanh tử và các phiền não nên mới quy y nơi Tam bảo. Ví như bầy nai, vì sợ người thợ săn mà được thoát ly. Như thoát được một lần là ví như một sự quy y, thoát được ba lần là ví như quy y Tam bảo. Thoát được ba lần nên được yên vui.

“Chúng sanh cũng thế, vì sợ thợ săn dữ là bốn loại ma nên mới quy y Tam bảo. Nhờ quy y Tam bảo nên được yên vui. Được yên vui tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai. Như Lai tức là Niết-bàn. Niết-bàn tức là không cùng tận. Không cùng tận tức là tánh Phật. Tánh Phật tức là quyết định. Quyết định tức là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu Niết-bàn, tánh Phật, sự quyết định và Như Lai là cùng một nghĩa, vì sao nói rằng có Ba quy y?”

Phật dạy Ca-diếp: “Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh vì sợ sanh tử nên cầu quy y Tam bảo. Nhờ quy y Tam bảo nên biết được tánh Phật, quyết định, Niết-bàn.

“Thiện nam tử! Có những pháp cùng tên mà khác nghĩa. Lại có những pháp tên và nghĩa đều khác nhau. Cùng tên mà khác nghĩa là như Phật thường, Pháp thường, Tỳ-kheo tăng thường; Niết-bàn, hư không cũng là thường. Đó là cùng một tên mà khác nghĩa.

“Tên và nghĩa đều khác nhau, như Phật gọi là giác, Pháp gọi là bất giác, Tăng gọi là hòa hiệp, Niết-bàn gọi là giải thoát, hư không gọi là chẳng lành, cũng gọi là không ngăn ngại. Đó là tên và nghĩa đều khác nhau.

“Thiện nam tử! Ba quy y cũng vậy, tên và nghĩa đều khác nhau, sao lại gọi là một? Cho nên ta có dạy bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di rằng: ‘Đừng cúng dường ta, nên cúng dường chư tăng. Như cúng dường chư tăng tức là cúng dường đủ cả ba chỗ quy y.’ Bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề liền hỏi lại rằng: ‘Trong chúng tăng không có Phật, không có Pháp, sao nói rằng cúng dường chúng tăng là cúng dường đủ cả ba chỗ quy y?’ Ta lại dạy rằng: ‘Nếu bà vâng theo lời ta, đó là cúng dường Phật; vì cầu sự giải thoát, đó là cúng dường Pháp; chúng tăng thọ dụng, đó là cúng dường Tăng.’

“Thiện nam tử! Vậy nên Ba quy y không thể là một.

“Thiện nam tử! Ba quy y đó, có khi Như Lai nói một là ba, có khi nói ba là một. Những nghĩa như vậy thuộc về cảnh giới của chư Phật, chẳng phải chỗ hàng Thanh văn, Duyên giác có thể rõ biết được.”

Bồ Tát Ca-diếp lại thưa rằng: “Như Phật có dạy: ‘Rốt ráo được yên vui gọi là Niết-bàn.’ Nghĩa ấy là thế nào? Niết-bàn tức là xả thân, bỏ trí. Như đã xả thân bỏ trí thì còn ai là người thọ nhận cái vui ấy?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như có người vừa ăn xong thấy trong bụng khó chịu, muốn ra ngoài nôn. Nôn xong, người ấy trở vào. Các bạn hỏi rằng: ‘Anh đã hết khó chịu chưa mà vào đây?’ Người ấy đáp: “Đã hết khó chịu rồi, bây giờ thân được yên vui.’

“Như Lai cũng thế, rốt ráo xa lìa 25 cảnh giới hiện hữu, mãi mãi được Niết-bàn, cảnh yên vui, không thể lay động, chuyển đổi, không có sự diệt mất, dứt hết mọi cảm thọ, gọi là chỗ vui không cảm thọ. Chỗ không cảm thọ như vậy gọi là thường lạc. Nếu nói rằng Như Lai có thọ nhận cái vui, thật là vô lý. Cho nên cái vui rốt ráo tức là Niết-bàn. Niết-bàn tức là giải thoát chân thật. Giải thoát chân thật tức là Như Lai.”

Ca-diếp lại hỏi: “Có phải chẳng sanh chẳng diệt là giải thoát chăng?”

Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! Thiện nam tử! Chẳng sanh chẳng diệt tức là giải thoát. Giải thoát như vậy, tức là Như Lai.”

Ca-diếp lại nói: “Nếu chẳng sanh chẳng diệt là giải thoát, thì tánh của hư không vốn không sanh diệt, ắt cũng là Như Lai. Như tánh Như Lai, tức là giải thoát.”

Phật bảo Ca-diếp: “Thiện nam tử! Chẳng phải như vậy!”

“Bạch Thế Tôn! Tại sao chẳng phải như vậy?”

“Thiện nam tử! Như chim ca-lan-già và chim mạng-mạng, tiếng kêu trong trẻo rất hay, có giống với tiếng quạ kêu chăng?”

“Bạch Thế Tôn, không giống! Như tiếng chim ca-lan-già và chim mạng-mạng mà so với tiếng quạ kêu thì vượt trội hơn đến trăm ngàn vạn lần, không thể so sánh được!”

Bồ Tát Ca-diếp lại nói: “Những loài chim như ca-lan-già tiếng kêu rất hay, thân hình lại chẳng giống quạ, vì sao Như Lai lại so sánh với chim quạ? Như vậy chẳng khác nào đem hạt đình lịch mà so với núi Tu-di. Phật so với hư không lại cũng như thế. Tiếng chim ca-lan-già có thể so sánh với âm thanh của Phật, chứ không thể so với tiếng kêu của quạ.”

Lúc ấy, Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Nay ông đã hiểu rõ việc rất khó hiểu. Có khi vì nhân duyên nên Như Lai lấy hư không mà ví như giải thoát. Giải thoát như vậy tức là Như Lai.

“Giải thoát chân thật đó, hết thảy loài người và chư thiên không ai có thể sánh được. Như hư không kia thật ra cũng chẳng thể dùng làm thí dụ so sánh được. Nhưng Phật vì hóa độ chúng sanh nên lấy hư không mà tạm so sánh với giải thoát. Vậy nên biết rằng giải thoát tức là Như Lai. Tánh của Như Lai tức là giải thoát. Giải thoát và Như Lai vốn chẳng phân chia, chẳng khác biệt nhau.

“Thiện nam tử! Không tỷ dụ được, là ví như có một vật không chi sánh được, thì không thể lấy vật gì khác mà làm thí dụ so sánh. Nhưng vì nhân duyên nên có thể [tạm] dẫn làm thí dụ so sánh. Như trong kinh nói ‘vẻ mặt đoan chánh dường như trăng tròn, voi trắng tinh sạch dường như núi tuyết.’ Thật ra, mặt trăng tròn không thể đồng với khuôn mặt, núi tuyết cũng chẳng thể là voi trắng.

“Thiện nam tử! Không tỷ dụ được, là ví như giải thoát chân thật. Ta vì hóa độ chúng sanh nên đặt ra các thí dụ. Nhờ có các thí dụ mà biết được tánh của các pháp, thảy đều là như vậy.”

Bồ Tát Ca-diếp lại hỏi: “Vì sao Như Lai thuyết dạy hai nghĩa khác nhau?”

Phật dạy: “Thiện nam tử! Ví như có người tay cầm đao kiếm, vì giận tức nên muốn làm hại Như Lai. Nhưng đức Như Lai vẫn hiền hòa vui vẻ, không có vẻ giận. Vậy người ấy có phá hoại được thân Như Lai mà thành tội nghịch hay chăng?”

“Bạch Thế Tôn! Không thể được. Vì sao vậy? Thân Như Lai không ai có thể phá hoại được. Vì sao vậy? Vì không có cái thân kết tụ, chỉ có pháp tánh. Tánh của pháp tánh, tất nhiên là không thể phá hoại. Vậy người ấy làm sao có thể phá hoại thân Phật? Chỉ vì người ấy đem lòng ác muốn làm hại Phật, cho nên thành tội vô gián. Vì nhân duyên ấy, các thí dụ đưa ra có thể giúp người ta hiểu được pháp chân thật.”

Lúc ấy, Phật khen Bồ Tát Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Việc ta muốn nói, nay ông đã nói.

“Lại nữa, thiện nam tử! Ví như có kẻ ác muốn hại mẹ mình, bèn núp dưới đống rơm ngoài đồng ruộng. Bà mẹ đem cơm ra đồng cho con. Thấy mẹ từ xa, người ấy sanh lòng muốn hại mẹ, liền lấy dao ra mài. Bà mẹ đã biết, bèn trốn vào trong đống rơm. Người ấy cầm dao, vừa đi quanh đống rơm vừa chém. Chém xong, lấy làm thỏa dạ, tưởng rằng đã giết được mẹ rồi. Sau đó, bà mẹ từ trong đống rơm bước ra, trở về nhà. Ý ông thế nào? Người ấy có tạo thành tội vô gián chăng?”

“Thế Tôn! Không thể nói chắc được. Vì sao vậy? Nếu nói rằng người ấy có tội, thì thân thể bà mẹ phải bị chém. Nhưng thân thể của bà không bị tổn hại, sao có thể nói rằng người ấy có tội? Nhưng nếu nói là không có tội, thì lúc tưởng là đã giết mẹ rồi, lấy làm thỏa dạ, sao có thể nói là không tội? Tuy người ấy chưa tạo ra đầy đủ tội nghịch, nhưng cũng là nghịch. Vì nhân duyên ấy, các thí dụ đưa ra có thể giúp người ta hiểu được pháp chân thật.”

Phật khen Ca-diếp rằng: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Vì nhân duyên ấy, ta nói ra rất nhiều thí dụ phương tiện để so sánh với giải thoát. Tuy dùng vô số thí dụ, nhưng thật ra chẳng thể lấy thí dụ mà so sánh được. Tùy theo nhân duyên, có khi ta có thể nói ra thí dụ, cũng có khi không thể nói ra bằng thí dụ.

“Cho nên giải thoát thành tựu vô lượng công đức như vậy, hướng về Niết-bàn. Niết-bàn và Như Lai cũng có vô lượng công đức như vậy. Vì có đầy đủ vô lượng công đức như vậy nên gọi là Đại Niết-bàn.”

Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con mới biết chỗ đến của Như Lai là không cùng tận. Nếu chỗ ấy là không cùng tận, thì nên biết rằng thọ mạng của Như Lai cũng là không cùng tận.”

Phật dạy: “Lành thay, lành thay! Thiện nam tử! Nay ông có thể khéo hộ trì Chánh pháp. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn dứt hết các phiền não trói buộc thì nên hộ trì Chánh pháp giống như vậy.”

    « Xem chương trước «      « Sách này có 44 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Các bài tiểu luận về Phật giáo của Trần Trọng Kim


Hai Gốc Cây


An Sĩ toàn thư - Khuyên người tin sâu nhân quả - Quyển Thượng


Dưới bóng đa chùa Viên Giác

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.192.110 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (260 lượt xem) - Hoa Kỳ (14 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Anh quốc (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...