Bạn đã từng cố gắng và đã từng thất bại. Điều đó không quan trọng. Hãy tiếp tục cố gắng, tiếp tục thất bại, nhưng hãy thất bại theo cách tốt hơn. (Ever tried. Ever failed. No matter. Try Again. Fail again. Fail better.)Samuel Beckett
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Chúng ta không học đi bằng những quy tắc mà bằng cách bước đi và vấp ngã. (You don't learn to walk by following rules. You learn by doing, and by falling over. )Richard Branson
Nếu bạn không thích một sự việc, hãy thay đổi nó; nếu không thể thay đổi sự việc, hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về nó. (If you don’t like something change it; if you can’t change it, change the way you think about it. )Mary Engelbreit
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Không trên trời, giữa biển, không lánh vào động núi, không chỗ nào trên đời, trốn được quả ác nghiệp.Kinh Pháp cú (Kệ số 127)
Kẻ ngu dầu trọn đời được thân cận bậc hiền trí cũng không hiểu lý pháp, như muỗng với vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 64
Chúng ta sống bằng những gì kiếm được nhưng tạo ra cuộc đời bằng những gì cho đi. (We make a living by what we get, we make a life by what we give. )Winston Churchill

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tôi đọc Đại Tạng Kinh »» CHƯƠNG I. ĐƯỜNG VÀO ĐẠI TẠNG »»

Tôi đọc Đại Tạng Kinh
»» CHƯƠNG I. ĐƯỜNG VÀO ĐẠI TẠNG

Donate

(Lượt xem: 1.641)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tôi đọc Đại Tạng Kinh - CHƯƠNG I. ĐƯỜNG VÀO ĐẠI TẠNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Trước khi đi du học Nhật Bản vào năm 1972, ở Việt Nam tôi chưa hề có nhân duyên nhìn được bộ Ðại Tạng Kinh nào bằng chữ Hán cả. Lúc ấy chỉ có những bộ kinh mà ở chùa thường hay trì tụng như Di Ðà, Hồng Danh, Mông Sơn Thí Thực, Thủy Sám, Ðịa Tạng, Kinh Vu Lan Bồn theo âm Hán Việt hoặc đã được Quý Hòa Thượng đi trước cho dịch ra Việt ngữ hay thơ lục bát, và mãi về sau này mới dịch ra âm Việt ngữ hoàn toàn hay thơ lục bát.

Chính thức chúng ta có thể nói là vào cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 mới có những bản kinh hoàn toàn xuất bản bằng Việt ngữ như Kinh Pháp Hoa, Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Kinh Ðại Bảo Tích, Kinh Ðại Bát Nhã, Kinh Lương Hoàng Sám v.v… Như vậy, việc hình thành Ðại Tạng Kinh Việt Nam bắt nguồn từ những Kinh được dịch trước, sau đó là Luật rồi mới đến những bộ A-hàm và Luận tạng về sau này.

Khi đến Nhật vào ngày 22 tháng 2 năm 1972, chúng tôi có nhiều cơ hội đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh chùa viện của Nhật Bản, từ Tokyo đến Kyoto, Nara, Kagoshima v.v… nhất là sau khi đã đậu vào Phân khoa Giáo dục của Ðại Học Teikyo tại Hachioji vào cuối năm 1972, đầu năm 1973 bắt đầu nhập học thì tôi lại không có khả năng tài chánh để tiếp tục ở bên ngoài các cư xá sinh viên nữa. Do vậy tôi mới thưa với cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm (lúc ấy Ngài làm Chi Bộ Trưởng của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất thuộc Chi Bộ tại Nhật), là muốn vào chùa Nhật ở để luyện nói tiếng Nhật cho rành và lý do khác quan trọng hơn, là đỡ tốn tiền đóng tiền nhà cũng như tiền ăn hàng tháng. Thế là Hòa Thượng đã tìm cách để giúp đỡ tôi.

Một hôm tôi nghe được điện thoại của Hòa Thượng gọi, cho biết là đã tìm được một chùa Nhật cho tôi ở trong lúc đi học tại Ðại Học ở Hachioji. Tôi mừng vô cùng, vì dẫu sao đi nữa thì Thầy Như Tạng, Thầy Chơn Thành và Thầy Minh Tâm cũng là những người Tăng sĩ đầu tiên, đã giúp đỡ tôi trong lúc còn bỡ ngỡ khi mới đến xứ Hoa Anh Ðào. Thầy Minh Tâm bảo rằng:

- Chùa này tên gọi là Honryuji (Bổn Lập tự) thuộc Nhật Liên Tông (Nichirenshyu), họ tụng Kinh Pháp Hoa và vị Thầy Trụ trì tên là Oikawa Shinkai, đã từng du học tại Tích Lan, nên rất thông cảm với hoàn cảnh của những du học sinh ở tại Nhật, nhất là những vị Tăng như chúng ta. Ông ta là người có học, ở ngoại quốc lâu năm và là trưởng nam của Ngài Oikawa Shingaku, Trụ trì Chùa Joenji (Thường Viên tự) ở Shinjuku. Vị này là Giáo thọ và cũng là Giám học Ðại Học Risso (Lập Chánh) tại Shinagawa (Phẩm Xuyên).

- Bạch Thầy như vậy phải còn có điều kiện gì nữa không?

Thầy Minh Tâm trả lời:

- Ở chùa, dĩ nhiên là mỗi ngày phải công phu kinh kệ, dọn dẹp chùa viện, phòng ốc quét dọn cho thật sạch sẽ v.v… Ðây là địa chỉ của chùa: Honryuji 7 Uenomachi = 198 Hachioji. Gần Takahatahatsudo, đi tàu Chyuosen (Trung ương tuyến). Ngày ấy Thầy Lâm Như Tạng sẽ dẫn Thầy đi đến trình diện Thầy Trụ trì và nhớ hãy mang tất cả đồ tùy thân theo. Khi đến đó họ sẽ sắp đặt phòng ốc và phân chia công việc hằng ngày để làm, ngoại trừ giờ đi học ở trường.

Tôi cảm ơn Thầy Minh Tâm và chuẩn bị hành trang di chuyển từ Shinagawa ra Hachioji. Tôi đến chùa Honryuji lúc ấy là vào tháng 3 năm 1973, vì đây cũng là thời điểm nhập học của Ðại Học Teikyo.

Chùa nằm cách nhà ga xe Chyuosen không xa mấy, đi bộ chừng 10 phút. Hôm đó Thầy Lâm Như Tạng và tôi phải đi xe taxi từ nhà ga xe lửa, vì đồ đạc mang theo khá nhiều, sau một năm ở Nhật và đã tốt nghiệp 3 khóa Nhật Ngữ tại trường Nhật Ngữ ở Yotsuya. Bây giờ, đường đường là một sinh viên tăng nghèo nên phải đi ăn nhờ ở đậu. Thuở ấy tôi không thấy xấu hổ, mà rất vui. Vì đây là cơ hội để mình thực tập tiếng Nhật hằng ngày, cũng như làm quen với Phật giáo Nhật Bản.

Sau khi Thầy Lâm Như Tạng giới thiệu và gởi gắm xong, thì Thầy ấy về lại chỗ ở để lo viết luận án Tiến sĩ ra trường của Ðại Học Meiji (Minh Trị). Hiện nay thì Hòa Thượng Minh Tâm đã viên tịch (2013), Thầy Lâm Như Tạng cùng gia đình đang sinh sống tại Sydney, nước Úc và Hòa Thượng Thích Chơn Thành đang Trụ trì Chùa Liên Hoa tại Westminster, California, Hoa Kỳ.

Sau này thì tôi có biết thêm nhiều Thầy nữa như: Hòa Thượng Nguyên Ðạt, Hòa Thượng Trí Ðức, Hòa Thượng Chơn Minh. Quý vị này nay đang hành đạo ở Mỹ. Hòa Thượng Trí Hiền đã quá vãng, Hòa Thượng An Thiên đến Nhật sau tôi, nhưng cũng đã ra đi định cư và viên tịch tại Úc. Hiện giờ chỉ còn lại Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, năm nay Ngài cũng đã 80 tuổi rồi, là bào huynh của tôi và Thầy là sinh viên Tăng đến Nhật vào thời điểm cuối năm 1974. Thầy Minh Tuấn cũng vậy, bây giờ hình như đang ở Việt Nam.

Khi tôi đã ở yên ổn tại Chùa Honryuji rồi thì tôi giới thiệu Thầy An Thiên với Thầy Trụ Trì Oikawa, để Thầy An Thiên được vào ở chung.

Sau đó Thầy Minh Tuấn sang Nhật, tôi đã giới thiệu cho Thầy Yamada, Trụ trì Chùa Kongoin (Kim Cang Viện) cũng nằm trên đường Uenomachi tại Hachioji, để Thầy Minh Tuấn tá túc trong thời gian đầu và sau này Thầy lên Kozasan để học Ðại Học về Chân Ngôn Tông tại đó. Sau năm 1980 Thầy ấy sang Mỹ, rồi qua Pháp thọ học với Thiền Sư Nhất Hạnh và cuối cùng hình như đã về lại Việt Nam.

Còn Hòa Thượng Bảo Lạc cuối năm 1974 sang Nhật, tôi đã nhờ Thầy Trụ trì Chùa Shinshoin (Tín Tùng Viện), cũng nằm gần chùa Honryuji cho Thầy ở đó, đi học Nhật Ngữ tại Yotsuya một năm. Cuối cùng Thầy Bảo Lạc đã đậu vào Ðại Học Komazawa. Học ở đó 4 năm ra trường, đến năm 1981 Thầy sang Úc định cư và hành đạo cho đến ngày nay.

Phần tôi an phận thủ thường, mỗi ngày thường dậy thật sớm lên Hondo (Bổn Ðường, tức là Chánh điện) để lau chùi quét dọn trong ngoài sạch sẽ, đoạn về lại nhà Tăng, thư phòng, văn phòng để lau chùi tiếp. Chính nhờ làm việc này mà tôi đã phát hiện ra hai bộ Ðại Tạng Kinh bằng tiếng Nhật, đặt rất trang trọng trong thư phòng của Thầy Trụ trì Oikawa. Ðó là Bắc Truyền Ðại Tạng Kinh và Nam Truyền Ðại Tạng Kinh. Thuở ấy cách đây gần 50 năm (2021–1973) tôi chỉ đứng nhìn và trầm trồ chứ không thốt nên lời. Thỉnh thoảng tôi có rút ra một tập để xem, chữ thôi là chữ. Vừa chữ Hán lẫn chữ Nhật. Thật là những bộ Ðại Tạng tuyệt vời. Ðây là lần đầu tiên tôi trông thấy và tiếp xúc với Ðại Tạng Kinh, chứ chưa dám xem kỹ và đọc như sau này. Vì thuở ấy chữ nghĩa đâu đủ mà đọc. Vả lại thời gian không có nhiều để dừng lại xem những quyển giống như Ðại Tự Ðiển không khác bao nhiêu, mà những kinh sách này được kê mấy dãy dài trong thư phòng của Thầy Trụ trì. Chính Thầy ấy cũng trân quý những pháp bảo này, nên chúng tôi những học Tăng thuở ấy ở đây như Nakatomi, Matsunaga, Simizu v.v… chỉ đứng nhìn thôi, chứ không dám mượn về phòng để đọc.

Thầy Trụ trì đi du học ở Tích Lan và chắc rằng Ngài đã học xong Cao học, nên sau khi về lại Nhật đã đi dạy tiếng Pali cho sinh viên Phật khoa tại Ðại học Risso (Lập Chánh) ở Shinagawa. Trong thời gian này, ngoài mấy tăng sinh đã kể trên ra, có thêm tôi và gia đình 6 người của Thầy nữa. Ðó là hai ông bà Trụ trì, con trai đầu tên Gen, con gái tiếp tên Nobuko, con trai thứ ba tên Shin và con gái út tên là Yoko. Bây giờ tất cả những người này đã có cháu nội ngoại và hai người con trai kế thế Trụ trì Chùa Joenji ở Shinjuku cũng như Chùa Honryuji ở Hachioji.

Công việc của tôi mỗi ngày sau khi lau dọn chùa viện xong là dùng cơm sáng với cả chùa, giống như một đại gia đình. Nhờ vậy mà tiếng Nhật của tôi khá lên thấy rõ. Ngay cả bây giờ sau hơn 44 năm xa Nhật (2021–1977) tôi vẫn có thể tự tin viết thư bằng tiếng Nhật để trả lời thư từ Nhật Bản gởi qua. Ðôi khi đi diễn thuyết bằng tiếng Nhật ở Ðại Học Nhật Bản, cho các sinh viên Nhật nghe về tình hình Việt Nam “Tại sao người Việt Nam lại bỏ nước ra đi” nhiều như vậy? (Ðại Học Teikyo Heisei năm 2019). Hoặc giả đọc sách tiếng Nhật, rồi từ Nhật ngữ tôi dịch sang Việt ngữ không mấy khó khăn. Chẳng bù với tiếng Ðức từ năm 1977 đến nay 2021 là 44 năm mà khi viết văn, dịch sách tiếng Ðức tôi phải tra tự điển rất nhiều lần mới có thể dịch xong một tác phẩm.

Bây giờ tôi ở tuổi 73 rồi và hai ông bà Trụ trì Chùa Honryuji chắc cũng đã hơn 80 tuổi. Những năm trước đây khi về thăm Nhật, tôi có thăm lại chùa xưa, nhưng vài ba năm nay thì không còn liên lạc đều như trước nữa. Phải thành thật cảm ơn phu nhân của Hòa Thượng Trụ trì chùa này không ít. Vì nếu không có bà chỉ vẽ và giải thích cho tôi hàng lô con chữ khó, chữ mới, tiếng địa phương v.v… thì chắc Nhật ngữ của tôi không thể được như ngày hôm nay.

Thuở ấy anh em sinh viên tăng chúng tôi cư ngụ tại chùa này ai cũng thương kính Hòa Thượng Trụ trì, còn bà phu nhân này thì ai cũng ngán. Vì lẽ bà rất chu đáo và chi li từng chút một từ nhà bếp lên đến Chánh điện, ra đến những ngôi mộ trong vườn chùa. Chỗ nào và việc gì bà cũng đảm đang hết, nên chúng tôi không thể vắng mặt khi bà muốn nhờ việc này hay việc kia.

Sau khi dùng sáng xong, tôi đưa cậu Shin và cô Yoko đi học lớp mẫu giáo mà tiếng Nhật gọi là Yochien (Ấu Trĩ viên), thỉnh thoảng họ vẫn gọi là Kindergarten như cách phát âm tiếng Ðức vậy. Chỉ đi bộ thôi, từ chùa đến trường học phải băng qua một đường rầy xe lửa, nên trong chùa ai cũng lo cho hai cô cậu này, do đó phải nhờ các tăng sinh đang ở trong chùa giúp giùm khi phu nhân Trụ trì bận việc không đưa hai con đi học được. Sau này khi lên bậc tiểu học thì các cô cậu tự đi đến trường, không cần ai đưa đón nữa. Thời gian cứ thế mà trôi. Việc đến và đi như cơm bữa hằng ngày. Việc ai nấy làm, chuyện ai nấy biết.

Từ 9 giờ sáng mỗi ngày tôi bắt đầu đi học. Trước khi đi phải chào bằng tiếng Nhật là: Itte ikimasu (Xin phép được đi) và người còn ở trong chùa đáp vọng ra cửa là: Itte irasai (Xin vui lòng đi). Khi về lại chùa cũng vậy. Người đi về thưa: Tadai imasu (Đã về rồi); người trong chùa vọng ra bảo: Hai! Okarerinasai (Vâng! Chào đã trở về). Ðó là cách chào hỏi thông thường lúc đi cũng như lúc về của người Nhật. Nếu là những sinh viên ngoại quốc đến Nhật chỉ ở trong các cư xá, thì sẽ không có được những cảm giác như gia đình thế này.

Người Nhật khi chào phải khum người xuống và người đối diện cũng phải thủ lễ như vậy trong nhiều lần cúi đầu xuống, sau đó mới ngẩng đầu lên. Nếu buổi sáng thì chào người đối diện là: Ohaiyo gozaimasu; buổi trưa là Konichiwa; buổi tối chào Konbanwa và trước khi đi ngủ chào là Oyasuminasai!

Từ chùa đi bộ ra nhà ga Hachioji độ 10 phút, lên tàu Keiosen đi hướng Shinjuku đến trạm Takahata Hatsudo thì xuống xe và đi xe buýt đến phía sau Ðại Học Teikyo.

Ðại Học ấy vào năm 1973 có đến mấy ngàn sinh viên người Nhật, nhưng chỉ có 4 sinh viên Việt Nam. Ðó là các cô Dung, cô Cúc, anh Phúc đen và tôi. Sau năm 1975, mỗi người mỗi ngả, tôi chỉ gặp lại cô Cúc vài lần ở Chùa Tịnh Luật tại Houston, Texas, Hoa Kỳ; còn cô Dung và Phúc thì chưa bao giờ gặp lại cả.

Dọc đường đi đến Ðại Học Teikyo thuở ấy chỉ toàn là ruộng lúa và rau đậu, nhưng sau này có lần về lại Nhật, tôi ghé thăm lại trường xưa không còn định hướng được nữa, vì nhà cửa, lầu gác đã được xây dựng lên quá nhiều, xa xa chỉ còn nhìn thấy giảng đường lớn và cao nhất của Ðại Học ngự trị trên đồi là không có gì thay đổi, nên tôi đã nhận ra trường cũ của mình. Ôi! Một thời vang bóng của sinh viên Phân khoa Giáo dục từ đầu năm 1973 đến đầu năm 1977. Trong 4 năm ấy tôi đã quen được nhiều bạn sinh viên người Nhật và bây giờ tuy đang ở Ðức, nhưng chúng tôi vẫn còn thường xuyên liên lạc với nhau như Yoda và Yamada. Vì cả hai người này đều học cùng phân khoa, nên tình bạn đã giữ được lâu bền như vậy. Cả hai bây giờ cũng đã về hưu, một người sống ở Fuchu và người kia thì sống tại Nigata.

Buổi trưa tôi hay vào Shokudo (thực đường), giống như Mensa bán đồ rẻ cho sinh viên tại các Ðại Học ở Ðức, mua những món đơn giản để dùng, đoạn lên thư viện để vừa đọc sách và vừa nghỉ trưa luôn thể, vì thư viện là nơi yên tĩnh nhất của trường. Ngơi nghỉ chừng vài tiếng đồng hồ lại đọc sách. Nếu những giờ sau trong ngày có lớp thì phải vào học và độ 5 giờ chiều lại đi xe buýt và xe điện Keiosen để về lại chùa.

Ở Nhật Bản đi học cũng như đi làm đều rất vất vả và phải hết lòng với công việc của mình thì mới thành công được. Ngay cả ngày thứ Bảy cũng phải đi học từ sáng đến chiều thì mới mong lấy hết các tín chỉ trong 4 năm ở Ðại Học được. Riêng ngày Chủ nhật thì phải lo việc chùa từ sáng đến tối.

Sau khi về lại chùa, bỏ sách vở đó là tôi phải đi làm nhiệm vụ rửa dọn Ofuro, đổ nước cũ ra, cho nước mới vào và đun sôi. Ngày xưa chùa chưa dùng gas hay điện như bây giờ để nấu nước tắm, mà dùng theo lối cổ xưa là nước phải được đun sôi bằng than hay củi. Ðun độ chừng một tiếng đồng hồ cho đến khi nào nước trong hồ bốc khói mới thôi, và mỗi tối sau khi cả chùa dùng cơm xong là mọi người lần lượt thay nhau vào Ofuro để tắm. Ðầu tiên là lấy nước trong hồ ra hòa với nước lạnh cho âm ấm, đoạn xối lên mình cho sạch lớp bụi dơ và vào hồ ngâm. Sau đó bước ra khỏi hồ nước và chà xà phòng vào người, lấy khăn lông lau người cho kỹ, tiếp theo vào ngâm lần cuối và lau sạch, mặc áo quần vào để chuẩn bị đi ngủ.

Một năm 365 ngày, người Nhật hầu như ngày nào cũng phải đi tắm trước khi đi ngủ. Vì chùa nào ở Nhật cũng có đất đai rộng, nên trong chùa đều có đầy đủ phương tiện công cộng như thế. Nếu là tư gia thì họ chỉ có xây cầu tiêu chứ không có nhà tắm, vì lẽ đất đai ở Nhật rất hiếm, cho nên trong mỗi khu phố họ thường hay xây những Ofuro công cộng (Phong cung) lớn để cho cả làng có thể vào đó tắm chung được. Nam tắm chung với nam và nữ tắm chung với nữ. Những người Việt Nam hay ngoại quốc chưa đến Nhật Bản ở lâu hay chỉ ở khách sạn thì không thể hiểu được phong tục này. Do vậy ở xa, chưa biết mà phán đoán một vấn đề gì thì không nên. Ðây chỉ là đời sống cộng đồng và phong tục của người Nhật là như vậy. Khi chúng ta vào đây sống rồi thì phải theo tục lệ ấy, cho nên tục ngữ Nhật cũng nói rằng: “Go ni ireba, go ni shitagae”, có nghĩa là: “Khi vào làng thì phải theo (phong tục) của làng ấy”. Tục ngữ tiếng Anh cũng có nói rằng: “When you are in Rome, you have to do as Romans do”, nghĩa là: “Khi anh vào thành La Mã, anh phải làm như người La Mã.” Người Hoa nói: “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”, còn người Việt nói “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, đều cũng nằm trong ý nghĩa này. Ðó là “Khi đến nơi nào thì phải tùy theo phong tục nơi đó.” Nếu khúc sông cong quẹo mà chúng ta muốn đi thẳng cũng không được, phải tùy thuận theo dòng đời trôi chảy là vậy. Ðôi khi phong tục của xứ này cho rằng tốt, nhưng xứ khác lại cho là xấu, hoặc ngược lại. Do đó chúng ta phải hiểu rằng: việc tốt xấu trong cuộc đời này chỉ có tính cách tương đối thôi, không có gì tuyệt đối cả.

Gần một năm ở chùa trôi qua và cuối năm 1973, Yamada rủ tôi và Yoda đi về thăm nhà cậu ta cho biết và đi trượt tuyết, vì Nigata là một tỉnh nằm về phía tây Nhật Bản, có nhiều tuyết rơi vào mùa đông. Mùa này chúng tôi đã thi xong học kỳ thứ 2 của năm thứ nhất, nên tôi xin phép Thầy Trụ trì Chùa Honryuji để đi cùng các bạn học, tham quan Nigata một chuyến trong 2 tuần lễ và Thầy ấy đã gật đầu.

Nigata là một tỉnh miền núi, người dân nơi đây đa phần sống bằng nghề nông, ít thấy hãng xưởng được thành lập tại xứ này. Có lẽ do vấn đề giao thông cách trở chăng? Nigata viết chữ Hán là Tân Tích (新潟) và đọc ra âm có nghĩa là thành phố (huyện) nước mặn mới. Tỉnh này nằm sát biển và có núi cao nên tuyết rơi dày đặc vào mùa đông.

Khi đến nhà thăm, thấy một bà cụ già, mẹ của Yamada và cô em gái đang học trung học đệ nhị cấp. Mỗi ngày chúng tôi gồm Yoda, Yamada và tôi được bà cụ và cô em gái của Yamada cho ăn cơm một ngày 3 bữa gồm sáng, trưa, tối. Xế chiều còn có “tea times” nữa, thật là phước báu vô cùng. Sau khi dùng sáng và dùng trưa xong, ba chúng tôi đi trượt tuyết. Ðây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, vì từ đó đến giờ tôi chưa bao giờ trượt tuyết lần thứ 2 nữa. Bởi lẽ lần đầu không có kinh nghiệm, khi bị ngã thay vì ngã ra phía sau, tôi lại chồm về phía trước, nên hai mắt cá chân bị đè vào 2 gọng trượt tuyết, khiến cho chân đau buốt vô cùng.

Sau mấy ngày ở nhà tịnh dưỡng, trước khi về lại Tokyo để chuẩn bị cho học kỳ thứ nhất của năm thứ 2 ở Ðại Học Teikyo, chúng tôi được Yamada dẫn đi thăm một vài cảnh chùa ở nơi thôn dã này. Ðến đây để nhớ về Việt Nam trong muôn thuở, vì khi xa quê rồi, mới biết tình quê hương là gì. Cũng lũy tre làng, bờ giậu hoa dâm bụt, những ruộng lúa, liếp cải, giàn bầu v.v… tuy nó không biết nói với người đối diện hay than vãn khi nắng hạ mưa dầm, nhưng tự nơi sâu thẳm của sự vật, chúng đã toát lên một tình tự dân tộc, một nguồn cảm hứng, một năng lượng vô biên để nuôi sống con người trên quả đất của chúng ta.

Ngôi chùa ở làng quê Nigata lợp tranh, vách đất và được xây dựng bằng cột kèo vốn là những gỗ quý từ xưa còn lại. Vị Thầy Trụ Trì còn trẻ, hình như là bạn của Yamada khi còn ấu thơ, và ở đây theo phái Thiền Tào Ðộng. Chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều thể tài khác nhau bằng Nhật ngữ, vì thời gian đó tôi đã khá rành tiếng Nhật trong giao tiếp và hầu như không cần phải thông dịch hay hỏi đi hỏi lại nhiều lần, bởi mình hay người đối diện nữa.

Học ngoại ngữ có nhiều cái hay lắm. Vì khi đối diện với một người nói ngôn ngữ khác, mình có thể giao tế trực tiếp với họ và sẽ hiểu về tình cảm, độ nhạy bén, sự tư duy của người đối diện một cách dễ dàng. Khi học ngoại ngữ ban đầu phải học nghe, học nói, học viết, học đọc. Rồi ngày tháng qua đi chính ta sẽ nói cho người đối diện nghe trước và khi họ nói hay hỏi mình thì mình còn ngẩn ngơ, vì chưa hiểu hết ý. Ðến khi nào mà người nói và người nghe cả khi cười, lẫn khi buồn, vui đều hiểu nhau, thì lúc ấy mới gọi là giỏi ngoại ngữ.

Tiếng Nhật là một ngôn ngữ đa âm kết hợp nhiều mẫu âm và tử âm, nên khi nói chuyện không cần phải nhấn mạnh hay lên giọng như tiếng Anh, tiếng Pháp, mà chỉ cần viết sao nói vậy là đúng. Ngôn ngữ này tương đối khá phức tạp đối với người Âu, Mỹ, Úc, Phi, nhưng đối với Á Châu, nhất là người Hoa, người Việt, người Ðại Hàn thì không khó mấy. Bởi lẽ trong một câu nói của tiếng Nhật đã có 50% là kết hợp với chữ Hán.

Chỉ cần học thuộc những âm đơn và âm kép là có thể lắp chữ vào để nói được rồi. Ví dụ như danh từ xã hội, gia đình, học hiệu, đại học, lịch sử khi đọc theo âm tiếng Nhật thì chữ đầu của chữ xã phát âm là sha và chữ hội đọc là kai. Nhưng nếu 2 chữ đứng riêng ra để làm động từ thì đọc khác. Ví dụ như động từ “au” có nghĩa là gặp nhau. Nửa chữ đầu viết bằng chữ Hán và nửa chữ sau viết bằng tiếng Hiragana. Ðó là động từ chưa chia. Nếu động từ chia ở thể hiện tại thì gọi là aimasu. Chỉ một điều hơi ngược là ở nơi tiếng Nhật, người ta phải nghe cho hết câu rồi mới biết là người đối diện muốn nói gì. Có thể câu ấy ở thể khẳng định, mà cũng có thể ở thể phủ định và chính động từ ở cuối câu tiếng Nhật sẽ quyết định cho việc của quá khứ, hiện tại hay vị lai.

Ví dụ chữ gia đình nếu đứng riêng lẻ thì chữ gia không còn đọc là chatin mà đọc chữ gia là ie hay uchi theo âm của Hiragana. Chữ Ðại Học nếu đứng chung thì đọc là daigakku; nhưng nếu đứng riêng thì đọc là okii; chữ đại này đã trở thành tính từ, có nghĩa là lớn và chữ học trở thành động từ nếu ghép với chữ miễn; có nghĩa là cố gắng học hành.

Tiếng Nhật dành cho người ngoại quốc, lúc mới làm quen thầy cô giáo thường hay viết chữ Romaji (La Mã tự); nhưng nếu không có chữ Kanji (Hán tự) hay Hiragana (Bình giả danh) đi kèm thì người nghe và đọc dễ lầm. Ví dụ như Hashi là chiếc cầu mà Hashi cũng là đôi đũa; nếu chỉ viết chữ theo cách của người phương Tây thì sẽ không phân biệt được ý nghĩa; mặc dầu cách phát âm đều giống nhau. Hoặc chữ hana là lỗ mũi, mà hana cũng có nghĩa là cành hoa. Nếu không viết ra chữ Hán để phát âm theo người Nhật thì không tài nào hiểu đúng được. Do vậy người Nhật hầu như rất ít dùng chữ Romaji để giao dịch, mà chỉ để cho người ngoại quốc học làm quen với tiếng Nhật lúc ban đầu mà thôi.

Chữ Katakana là một loại chữ đặc biệt của tiếng Nhật dùng để đọc được tên người ngoại quốc hay các địa danh, hoặc những danh từ thông dụng đã bị Anh hóa. Ví dụ như Tổng Thống Nixon, Coca Cola, Times v.v… Trên đây là 4 loại chữ mà người ngoại quốc muốn rành tiếng Nhật phải trải qua một thời gian dài 5 hay 10 năm mới có thể tự tin mình nói tiếng Nhật giỏi.

Còn người Nhật thì sao? Kể từ năm 1868, khi Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị) duy tân sửa đổi về học thuật, kỹ nghệ, ngoại giao, giáo dục v.v… nhà vua đã ra điều kiện cho tất cả những thần dân của mình phải học xong tiểu học. Tiếng Nhật gọi là Gimukyoiku (Nghĩa vụ giáo dục). Nhờ tinh thần duy tân cải cách của Minh Trị Thiên Hoàng mà nước Nhật mới tiến bộ như ngày hôm nay.

Ðến năm 1972, khi tôi sang Nhật du học thì trình độ học vấn của người Nhật rất cao; nghĩa là hầu như không có ai mù chữ và mọi người đều tốt nghiệp trung học đệ nhị cấp. Còn bây giờ ở đầu thế kỷ 21 thì hầu như mọi người dân Nhật đều tốt nghiệp Ðại Học.

Tôi không nắm rõ số thống kê của Liên Hiệp Quốc nhiều về việc này, nhưng tôi tin rằng Nhật Bản là một trong những nước trên thế giới không có nạn mù chữ nhiều. Nhờ vậy mà dân tộc họ tiến bộ rất nhanh và đều, nhất là tinh thần ý thức trách nhiệm cá nhân đối với tổ chức, cũng như quốc gia và xã hội. Ai đến Nhật cũng khen nhiều chê ít, là nhờ ở những điểm đặc biệt này làm căn bản cho sự phát triển của quốc gia họ.

Năm 2020 và cả năm 2021, dịch bệnh Covid 19 lan tràn khắp nơi trên thế giới, người nhiễm bệnh quá nhiều, người chết cũng không ít. Cách đây 200 năm lịch sử vào thời điểm năm 1820, Vua Gia Long và ngay cả Ðại Thi Hào Nguyễn Du cũng đã mất trong năm này. Thuở ấy cũng do dịch từ Ấn Ðộ lây sang Việt Nam và năm nay thì nguồn gốc dường như xuất phát từ Trung Quốc.

Cả năm 2020 và 2021, chỉ riêng nước Ðức có đến gần 100.000 người chết vì dịch bệnh Covid 19 và gần 2 triệu người nhiễm bệnh. Do vậy ngày 18.04.2021 vừa qua Tổng Thống Ðức Steinmeier đã lấy ngày này làm lễ tưởng niệm những người quá cố không may vì đã gặp phải dịch bệnh này.

Trong thời gian suốt gần 2 năm này, Tăng Ni chúng chùa Viên Giác tại Hannover Ðức Quốc vẫn An Cư Kiết Hạ trong mỗi mùa hè và trì tụng những bộ kinh quan trọng Ðại Thừa như Ðại Bát Nhã Ba La Mật Ða do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch sang Việt ngữ. Ngoài thời gian tu niệm ra mỗi người có công việc riêng cho mình. Riêng tôi thì đọc Ðại Tạng Kinh và nhiều sách văn học khác nhau.

Ngoài ra tôi dùng thời gian rảnh rỗi để xem 55 tập phim về cuộc đời của Ðức Phật, do những diễn viên người Ấn Ðộ đóng. Phải nói rằng xưa nay chưa có một bộ phim nào hay và gồm nhiều tập như vậy và mỗi tập dài cả tiếng đồng hồ, nhưng khi xem không hề chán nản. Ðây là sự thành công của những người nghệ sĩ khi đóng phim và kịch bản do tác giả viết quá hay và quá thành công. Thật là xuất sắc.

Trong thời dịch bệnh này có một người Phật tử biết rằng trước đây tôi đã ở Nhật, nên đã gởi cho một phim nhan đề là Oshin. Từ đó tôi đã bắt đầu xem mỗi ngày thường là một hay hai tập. Mỗi tập chiếu độ 15 phút và có tất cả 297 tập như thế. Sau khi xem vài tập đầu tôi đã chuyển tiếp cho nhiều người xem và ai cũng khen hay, chưa có người nào chê dở cả. Bây giờ vào Wikipedia xem mới biết là phim này đã được đài truyền hình Nhật Bản NHK (Nippon Hosokyoku) trình chiếu từ ngày 4 tháng 4 năm 1983 đến ngày 31 tháng 3 năm 1984 thì xong 297 tập này, nghĩa là gần đúng một năm.

Tác giả kịch bản phim là Sugako Hashida (Kiều Ðiền Thọ Hạ Tử). Bà sinh ngày 25 tháng 5 năm 1925, là một nhà viết kịch người Nhật. Ðầu tiên thì phim này không được trình chiếu tại Nhật. Bởi lẽ nội dung của phim có thể làm bất lợi cho chế độ của thời Minh Trị; nhưng sau đó thì được một quan chức phê chuẩn cho trình chiếu trên đài truyền hình NHK, tên là bà Mikio Kawaguchi (Xuyên khẩu cán phu) và sau đây là nội dung của câu chuyện được trích ra từ Wikipedia bằng tiếng Việt.

Oshin

Oshin là một bộ phim truyền hình nhiều tập của Nhật Bản. Bộ phim kể về cuộc đời của Tanokura Shin, sinh vào cuối thời kỳ Meiji (Minh Trị) cho đến đầu thập niên 1980. Shin được gọi là “Oshin” để thể hiện sự tôn kính. Tại Việt Nam, phim được TVM Corp. mua bản quyền và phát sóng trên kênh HTV3.

Khái quát: Tổng cộng phim có 297 tập, mỗi tập dài 15 phút với tỷ lệ khán giả 52,6% và cao điểm là 62,9% tại Nhật Bản xem. Cho đến nay, phim này đã được chiếu ở 59 quốc gia với phụ đề tiếng Anh, tiếng Ả Rập. Năm 1984, đoạn nói về cuộc đời Oshin thời trẻ đã được Sanrio làm thành phim Anime.

Năm 1984, phim được chiếu tại Việt Nam và đã tạo nên một cơn sốt (xem một góc nhìn giao lưu văn hóa Việt-Hàn). Từ đó oshin trở thành từ tiếng Việt có nghĩa là “Người giúp việc trong gia đình”.

Cốt truyện phim: Bộ phim được bắt đầu thời hiện tại (năm 1983), thay vì tham dự buổi lễ khai trương cửa hàng thứ 17 của gia đình mình, bà Tanokura Shin (Oshin) lại quyết định thực hiện một chuyến du lịch bằng tàu hỏa mà không cho gia đình mình biết. Mọi người trong gia đình bà rất lo lắng, tìm kiếm bà khắp nơi nhưng vô ích. Chỉ có Kei – cháu nội của bà Shin chợt nhớ ra câu chuyện về con búp bê Koseshi mà bà đã từng kể cho anh nghe. Dựa vào những tình tiết của câu chuyện và linh cảm của mình, Kei đã tìm ra được chỗ ở của bà Shin. Tại nơi bà cháu gặp nhau, hai người đã cùng ôn lại những kỷ niệm trong suốt cuộc đời bà và cũng là những giai đoạn thăng trầm nhất của đất nước Nhật Bản trong thế kỷ 20.

Năm 1907, Oshin khi đó mới 7 tuổi đã bị cha mẹ mình cho đi ở - giữ trẻ cho một nhà ở khá xa để gia đình bớt khó khăn. Mặc dù bị nhà chủ đánh đập, hành hạ cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng Oshin vẫn ráng sức chịu đựng, tất cả em đều nghĩ về gia đình mình, mong muốn cha mẹ và các em đỡ khổ. Thế nhưng đến một ngày em bị nhà chủ vu cho là ăn cắp tiền của họ, thì Oshin không chịu đựng được nữa, em trốn về với mẹ. Giữa đường, em gặp phải một trận bão tuyết lớn và bị lạnh cóng đến suýt chết. Em được một người đàn ông cứu sống, chính ông cũng là một người đang bị truy đuổi, phải bỏ trốn, nên hai người đồng cảnh ngộ đã ở lại cùng nhau chờ cho đến khi tuyết tan.

Ðến khi về được nhà thì Oshin một lần nữa lại bị cho đi ở. Lần này đến vùng Kaga-Ya ở Sakaya cũng với nghề trông trẻ. Ở đây em kết bạn với người con gái của nhà chủ và sống ở Kaga-Ya cho đến khi em 16 tuổi. Thế nhưng, đến khi được trở về nhà, cha của Oshin lại muốn cô ra ngoài đi làm. Lần này làm việc cho một quán bar. Biết rằng, quán bar chỉ là vỏ bọc cho một động mại dâm, Oshin đã bỏ lên Tokyo theo chị gái mình làm nghề làm đầu tóc.

Trong khi ổn định với công việc làm đầu tóc, Oshin gặp và kết hôn với chồng mình sau này. Năm 1923, một trận động đất lớn ở Tokyo đã phá hủy toàn bộ nhà và cửa hàng của hai vợ chồng Oshin. Mặc dầu sống sót sau thảm họa, nhưng do trắng tay, nên hai người quay về ở bên nhà chồng. Do cuộc sống hôn nhân của hai người không được mẹ chồng chấp nhận, nên khi về sống với nhà chồng, Oshin phải chịu rất nhiều gian nan, khổ cực. Cô thậm chí đã bị gãy tay và mất đứa con sắp chào đời vì phải làm việc đồng áng nặng nhọc dài ngày. Cuối cùng Oshin quyết định rời bỏ nhà chồng để xây dựng lại cuộc đời mình. Cô mang theo đứa con mới sinh, nhưng không để cho chồng biết. Cô nhận ra rằng với cánh tay bị gãy của mình, cô không thể theo nghề làm tóc được nữa. Cô tìm những nghề khác như: làm chủ một quán ăn nhỏ, làm bánh, hay bán cá… Sự nghiệp của cô dần trở nên phát đạt và với sự giúp đỡ của chồng, cô đã gầy dựng được một cửa hàng bán hải sản, tuy nhỏ nhưng rất đông khách.

Cuộc đời Oshin tiếp tục trải qua nhiều thăng trầm, một mình gây dựng sự nghiệp, nuôi dạy con cái trưởng thành, làm ăn phát đạt cho đến khi câu chuyện kết thúc vào năm 1983.

Phía sau màn ảnh: Câu chuyện của Oshin xây dựng trên tiểu sử thật của một phụ nữ Nhật Bản. Dựa theo hình ảnh người mẹ của Kazuo Wada, một nhà kinh doanh Nhật. Bà là người đã sáng lập ra tập đoàn Yaohan, lãnh đạo một loạt các siêu thị tại Nhật Bản. Cấu trúc câu chuyện xoay quanh những bức thư nặc danh được thu thập bởi Sugako Hashida (Kiều Ðiền Thọ Hạ Tử), bà sinh ngày 10 tháng 5 năm 1925, là một nhà viết kịch người Nhật. Hashida từng nói: “Câu chuyện được kể về quá khứ của một người phụ nữ trước khi chết”. Hashida cũng nói: “Tôi cảm giác được sự thống khổ của sự phục vụ như một người học việc tại một nhà chứa, mà bà ta đã trải qua và nó đã là một nghĩa vụ của một thế hệ phụ nữ như là niềm vinh dự”. Tuy nhiên, khung cảnh câu chuyện trong bộ phim đã quá thô ráp và đen tối, làm cho các đài truyền hình của Nhật không chịu trình chiếu bộ phim. Kể cả bộ phận NHK tại Nhật cũng phản đối bộ phim. Hashida cũng đã nói: “Chúng ta không thể gây bất lợi cho chế độ thời Meiji”, nhưng sau đó bộ phim đã được trình chiếu dưới sự phê chuẩn của một quan chức tên là Mikio Kawaguchi (Xuyên Khẩu Cán Phu).

Sự yêu thích danh từ Oshin: Oshin, một người phụ nữ huyền thoại, cô đã thể hiện như là một biểu tượng của sự kiên nhẫn và không bao giờ chịu khuất phục của một người phụ nữ, kể cả trong những tình huống khó khăn nhất. Oshin đã được yêu mến, không chỉ riêng những người Nhật Bản, mà còn ở mọi người trên nhiều nước khắp thế giới. Tại Nhật Bản, nhiều trường hợp được nói tới như là Oshin khi liên quan đến tính kiên nhẫn. Ví dụ như Võ sĩ môn đấu vật Sumo là Takano Sato được gọi là Oshin Yokozuna như là một sự thể hiện lòng dũng cảm vượt qua khó khăn của bệnh tiểu đường để đạt được trình độ cao trong môn đô vật Sumo.

Những hoạt động khác cũng liên quan đến Oshin trong năm 1980 như từ “Oshin Diet” khi người dân tại Nhật Bản cố gắng vượt qua nền kinh tế bong bóng và ăn uống khổ cực với củ cải và gạo. Sau đó một con tàu nổi tiếng xuôi dòng sông Mogami đã được đặt tên là “Oshin Line”.

Oshin đã được phổ biến trong xã hội, khi các đài truyền hình Châu Á trình chiếu bộ phim. Cho đến bây giờ, Ayako Kobayashi (Tiểu Lâm Lăng Tử), một diễn viên vai Oshin từ lúc 6 đến 10 tuổi vẫn được chào đón nồng nhiệt khi cô đến các nước mà bộ phim đã được trình chiếu. Tại Việt Nam, sau khi đài truyền hình Việt Nam trình chiếu bộ phim vào năm 1994, từ Ô-sin đã trở thành một danh từ dùng cho người giúp việc trong nhà. Từ Oshin cũng được thể hiện vắn tắt trong cuốn tiểu thuyết Persepolis của Marjane Strapi người Iran.

Các vai: Oshin là nhân vật chính.

- Tanimura Shin, là tên lúc thiếu nữ, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở tỉnh Yamagata. Shin xinh xắn, chăm chỉ và tử tế. Vai này do Kobayashi Ayako diễn giai đoạn Shin còn bé và do Tanaka Yùko diễn giai đoạn Shin là thiếu nữ và phấn đấu để trở thành thợ làm tóc giỏi.

- Tanokura Shin là tên lúc cô có gia đình, rồi trở thành một nhà kinh doanh thành đạt trong lĩnh vực siêu thị. Vai này do Tanaka Yùko diễn giai đoạn Shin còn trẻ và chồng Shin chưa mất, phải vượt qua nhiều khó khăn do tình hình kinh tế của đất nước và chiến tranh.

- Giai đoạn tiếp theo là do Otowa Nobuko diễn, thể hiện một nhân vật vừa tốt bụng, vừa đầy nghị lực và quyết đoán tiến vào một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ. (hết trích).

Dĩ nhiên là trong 297 tập chỉ có một ít việc quan trọng mà Wikipedia tiếng Việt đã lược thuật lại. Ví dụ như chuyện người yêu cũ của bà Oshin, tên là Yashida cũng là một nhân tố rất quan trọng khi bà thành công cũng như khi thất bại. Hình ảnh ông Yashida là người tình của người bạn gái, con nhà phú hộ ở Sayaka; nhưng Yashida hình như đã không yêu người này, mà chỉ thầm yêu trộm nhớ Oshin và ở bất cứ hoàn cảnh nào Oshin vẫn nghĩ đến Yashida. Mặc dù không thổ lộ ra ở những cử chỉ yêu đương, có lẽ Oshin dành loại tình cảm đặc biệt ấy cho người bạn gái của mình thể hiện, và ở giai đoạn đầu Oshin bỏ nhà đi không nêu lý do để cho mọi người trong gia đình ngờ vực là không muốn người con trai của mình mua lại cửa hàng nơi con của Yashida làm chủ. Bởi lẽ, làm như thế chẳng khác nào dành khách hàng của người ân mà mình đã thọ nhận lâu nay. Những tình cảm sâu kín ấy giữa Oshin và Yashida, con cái của họ cả hai bên đều không biết. Và giờ phút lâm nguy của cuộc đời do con trai bà Oshin gây ra, cũng đã được ông Yashida cứu tinh bằng cách mua lại nhiều siêu thị bị vỡ nợ của con bà, trong đó có siêu thị thứ 17 là quan trọng hơn cả. Nhờ vậy con trai bà Oshin mới có khả năng đền bù lỗ lã cho những siêu thị khác, và kể từ đó tình bạn thâm giao giữa bà Oshin cùng Yashida có những ngày thật là ý nghĩa khi tuổi đã về già.

***

Tôi xem phim này không thấy chán và hình ảnh của Nhật Bản đã hiện về trong tôi qua ký ức của gần 50 năm về trước, khi lần đầu tiên tôi đặt chân đến đất nước này. Hồi đó (1972, 1973) nước Nhật đã tiến bộ khá nhiều rồi, nhưng khi nhớ lại Ofuro ở Chùa Honryuji, nơi mà tôi đã ở và nhờ cậy cho đến năm 1977, cũng như lần đi Nigata với Yamada và Yoda đã khiến cho bộ óc của tôi, cũng muốn viết lại một ít kỷ niệm thân thương của những ngày xa xưa ấy, để cảm ân Nhật Bản, cảm ân những tấm lòng tốt của ông bà Trụ trì chùa Honryuji và những bạn bè gần xa, người Nhật cũng như người Việt thuở ấy. Nếu không có họ giúp đỡ. Nếu không có cơm gạo, nước uống của Nhật Bản nuôi tôi trong những ngày còn là sinh viên tăng thuở ấy thì tôi đã không có ngày hôm nay. Xin tạ ân tất cả và tạ ân nước Nhật trong muôn ngàn lần.

Năm 1983 phim Oshin này được trình chiếu tại Nhật Bản cho đến đầu năm 1984 mới xong. Trong thời gian này tôi đang ở Ðức và cuộc sống đã bắt đầu an ổn nơi đây. Thuở ấy tôi cũng chưa nghe ai nhắc đến bộ phim này. Ðến năm 1994 thì Việt Nam đã cho lồng tiếng xong và nhiều người Việt Nam đã xem; nhưng tôi thì mãi đến năm 2020, 2021 mới được xem phim này bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Như vậy cũng quá may mắn để có cơ hội tìm về dĩ vãng một thời son trẻ đã du học tại Nhật.

Thời gian trú ngụ tại Chùa Honryuji ở Hachioji, mỗi ngày Chủ nhật của những năm 1973, 1974 tôi phải lo phục vụ trà nước cho những đám tiệc người Nhật được tổ chức tại chùa, và mỗi tháng vào tối ngày 8 dương lịch, cả Thầy Trụ trì cũng như Tăng chúng đều lên Chánh điện để tụng Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 2, đọc theo tiếng Nhật là Hobembon (Phương tiện phẩm), đôi khi tụng phẩm thứ 16, Như Lai Thọ Lượng phẩm (Nyorai Juryobon). Người Nhật ít tụng phẩm thứ 25 về Quán Thế Âm Bồ Tát - Phổ Môn phẩm như người Việt Nam mình. Nhờ vậy mà tiếng Nhật của tôi khá hẳn ra và Thầy Trụ trì bắt đầu phân chia cho tôi mỗi năm đi đến nhà Phật tử là những đàn-na, tín đồ của chùa này để tụng kinh trong các mùa Tết, Ohigan mùa xuân, lễ Vu Lan và Ohigan mùa thu. Nhờ vậy mà tôi có tiền để đóng học phí mỗi năm, khỏi phải đi làm phu khuân vác tại Takadanobaba như một số quý thầy cũng như những sinh viên Việt Nam khác đã làm.

Khi đến nhà Phật tử thì chỉ cần gõ cửa trực tiếp, chứ không cần báo trước. Vì đa phần đàn-na, tín đồ của mỗi chùa đều biết rằng mỗi năm từ ngày 23 đến 30 tháng 12 dương lịch, trong vòng một tuần lễ đó sẽ có chư Tăng thuộc tông phái của mình, đến nhà mình để tụng kinh cầu nguyện cho Tiên Tổ cũng như cho gia đình. Từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 3 và từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 9 mỗi năm có hai lần lễ Ohigan (lễ bỉ ngạn); lễ này cũng giống như lễ Thanh Minh ở Việt Nam hay Trung Quốc và từ ngày 7 đến 14 tháng 7 chư Tăng đến nhà Phật tử để tụng kinh nhân dịp đại lễ Vu Lan.

Ở Nhật Bản tất cả đều dùng theo dương lịch kể từ khi Minh Trị duy tân từ năm 1868; ít có nơi nào ngày nay còn tính theo âm lịch, ngay cả những tỉnh xa Tokyo như Nigata hay Yamaguchi, Sendai v.v…

Phật giáo Nhật Bản cử hành lễ Phật Đản nhằm ngày mùng 8 tháng 4 khi hoa Anh Đào nở rộ, và Rằm tháng Bảy-Vu Lan mỗi năm, nhưng tất cả cũng đều tính theo lịch của Tây phương; nhưng có điều là họ ít dùng năm của Tây phương như năm 2020, 2021, mà họ dùng niên đại của vị Thiên Hoàng đang trị vì. Ví dụ như năm 2020 là năm Reiwa (Lệnh Hòa) thứ 2; năm 2021 là năm Reiwa thứ 3. Nếu tính lùi lại các niên đại về trước thì Heisei (Bình Thành) năm thứ nhất vào năm 1989 và Heisei năm thứ 30 khi Thiên Hoàng băng hà vào năm 2019. Thiên Hoàng Showa (Chiêu Hòa) năm thứ nhất, nhằm năm 1926 và năm thứ 63 là năm 1989 (1926+63). Đây là một vị vua, trị vì lâu nhất nhì trong lịch sử các Thiên Hoàng tại Nhật Bản. Thân phụ của ông là Vua Taisho (Đại Chánh), năm thứ nhất của Thiên Hoàng Đại Chánh nhằm năm 1912, nghĩa là năm ông lên chấp chánh thay thế phụ thân của mình là Thiên Hoàng Meiji (Minh Trị), và năm 1926 nhằm Taisho năm thứ 14 thì Thiên Hoàng này không còn tại vị nữa, mà nhường ngôi cho con mình là Showa lên làm vua, kể từ năm 1926. Còn ngày và tháng thì tính theo Tây lịch.

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh được hình thành dưới triều đại hai Thiên Hoàng Đại Chánh và Chiêu Hòa, nên Đại Tạng Kinh này gọi là Đại Chánh. Đó là từ năm Đại Chánh thứ 11 (1922) đến năm Chiêu Hòa thứ 9 (1934) thì hoàn thành. Trong 13 năm ấy là những năm thanh bình sau Đệ nhất thế chiến (1914 – 1918) và trước Đệ nhị thế chiến (1939 – 1945). Do vậy đây là thời điểm quan trọng để hình thành Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) tại Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 (xem chương sau sẽ đi vào chi tiết cũng như nội dung của Đại Tạng Kinh).

Ở Nhật Bản không hình thành Giáo hội, mà mỗi Tông phái đều có Tổng Bổn Sơn, Bổn Sơn rồi đến các tự viện. Họ đa phần sinh hoạt rất chặt chẽ. Số tín đồ của từng chùa, từng khu, từng quận, từng tỉnh và cho đến cả nước, đều có hệ thống quản lý rất rõ ràng minh bạch. Ví dụ như Nhật Liên Tông thì có Đại học Risso (Lập Chánh), Chơn Ngôn Tông thì có Đại học Kozasan, Tào Động Tông có Đại học Kowazawa, Lâm Tế Tông thì có Đại học Hanazono v.v… Dưới các đại học lại có các trường trung học, tiểu học và vườn trẻ do Phật giáo điều hành. Hệ thống giáo dục này cũng giống như hệ thống giáo dục của miền Nam Việt Nam dành cho Phật giáo từ năm 1954 đến 1975.

Mỗi ngôi chùa đều có khuôn viên rất lớn và đa phần chùa nào cũng có nghĩa địa. Trong nghĩa địa ấy họ xây một ngôi mộ cho gia đình, dưới đó để được rất nhiều hũ tro. Thông thường khi một người tín đồ mất thì gia đình sẽ báo cho Tông phái của chùa mà họ hay đi lễ bái, cũng như có mộ chôn cất tại chùa này. Vị Trụ trì và Tăng chúng sẽ đến làm lễ Otsuya (đêm trước ngày đi thiêu - tiếng Nhật gọi là Thông dạ), và ngày hôm sau chư Tăng cũng như gia đình ra lò thiêu làm lễ. Độ chừng một tiếng đồng hồ sau là gia đình sẽ tự tay mỗi người lấy đũa gắp phần cốt sau khi thiêu còn lại cho vào bình, đậy nắp lại và tang chủ mang về chùa.

Lò thiêu ở Nhật lớn lắm, vì dân đông; có thể thiêu từ 20 đến 30 xác cùng một lúc. Họ xây nhà thiêu theo lối hình tròn và chừng vài thước là có một ngăn để quan tài. Sau khi mang cốt về chùa, họ làm lễ an linh và để trên bàn thờ vong độ 49 ngày thì mang ra an táng ngoài huyệt mộ của gia đình. Ngày đi thiêu cũng là ngày bà con thân thuộc tập trung đông đủ tại nhà thiêu cũng như ở chùa, sau đó họ kéo nhau ra nhà hàng để dùng tiệc tẩy trần, có nghĩa là xả bỏ cái xấu đi.

Nhờ chế độ đàn-na và tín đồ này mà các Tông phái Phật giáo Nhật Bản kiểm soát số tín đồ rất chặt chẽ và gần gũi giữa chùa với vị Trụ trì cũng như giữa tín đồ với tín đồ trong Tông phái đó. Từ đó mỗi năm 4 kỳ lễ như đã trình bày trên, chư Tăng của chùa đó cứ đi thẳng đến nhà Phật tử thuộc Tông đó cai quản để tụng kinh, vốn là chuyện bình thường lâu đời ở Nhật Bản rồi. Trong khi đó Việt Nam mình ở gần Nhật mà không biết về việc này, ngay cả giới Tăng sĩ Nhật đã được phép lập gia đình từ thế kỷ 13 (thời Ngài Shinran - Thân Loan), nhưng Phật tử hay chư Tăng Việt Nam mình vẫn gọi họ là phái Tân Tăng. Thật ra đã 800 năm trôi qua rồi, đâu có gì mới nữa, mà Đạo Phật ở Nhật đã bị thế tục hóa từ lâu rồi.

Nếu đến tụng kinh cho nhà của đàn-na và tín đồ trong những ngày lễ trên mà gia chủ không có ở nhà thì mình đi nhà khác và lần sau trở lại trong vòng một tuần lễ có pháp sự như vậy. Thông thường sau khi tụng xong một phẩm kinh độ 15 hay 20 phút, tín chủ cúng dường chừng 500 đến 1.000 yen, thuở ấy tương đương với 5 hay 10 USD. Một ngày đi được 20 đến 30 căn hộ như vậy để tụng kinh thì số tiền sẽ không nhỏ. Thông thường một vị tăng được phân công đi chừng 100 căn hộ như vậy và cũng tùy theo chùa ấy có bao nhiêu tăng đang tu học và có bao nhiêu tín đồ, thì vị Sư Trụ trì sẽ khoanh vùng và chia đều ra để đạp xe đạp đi đến từng nhà cho tiện.

Thuở ấy tôi mặc chiếc áo kimono màu đen và khi tới nhà gia chủ rồi thì đắp thêm y màu tía để tụng kinh. Bên trong chiếc kimono mặc thêm một áo tràng màu trắng và nịt thắt lưng bằng một vòng đai nơi bụng để giữ kỹ áo bên trong. Bên dưới mang một đôi tất trắng có xẻ giữa ngón chân cái và ngón chân thứ 2 để dễ xỏ vào dép Nhật. Khi đi tụng đám, chỉ cần thêm một quyển kinh chữ Nhật và một cái mõ nữa là đủ. Bắt đầu tụng câu: Namyo Horenge Kyo (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) Hobembon (Phương tiện phẩm), rồi cứ thế vừa tụng kinh vừa gõ mõ, giống như tiếng Hoa và tiếng Việt của mình. Cuối cùng đọc bài kệ hồi hướng cũng như đọc tên gia chủ. Đi đến từng nhà như vậy cũng có cái hay là mình biết được gia cảnh và điều kiện sinh sống của họ. Có nơi đãi trà, bánh, rồi cúng dường; có nơi phải vội, vì trời mưa hay gia chủ cần làm gì đó. Nghĩa là mình phải tùy duyên thôi.

Đây cũng là một sự nhắc nhở để tín đồ nhớ đến những ngày lễ mà đi chùa. Khi đến chùa, họ thường ghé văn phòng để chào hỏi hay gặp phu nhân của Trụ trì đặt tiền cúng dường để viết Otoba (Tháp Bà). Tháp là một miếng cây, trên đỉnh khắc như các tháp chồng lên nhau và ở giữa phần trên, quý thầy học tăng sau khi đi cúng về lại ngồi vào bàn viết những chữ lớn bằng Hán văn là: Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và bên dưới để tên người viết vào; hai bên viết ngày sanh ngày tử và cuối cùng viết tên của gia chủ. Otoba này cũng giống như việc viết sớ giấy trong các chùa tại Việt Nam mỗi khi có pháp sự cầu an hay cầu siêu vậy.

Nhiều khi ngồi nói chuyện với tín đồ người Nhật sau khi tụng một thời kinh xong, họ hỏi tôi rằng:

- Thầy từ đâu đến?

- Xa lắm bà ơi! Đi máy bay đến 7 hay 8 tiếng đồng hồ cơ!

- Nước Nhật có một tí tẹo, làm gì mà phải tốn nhiều thời gian như vậy?

- Thế bà đoán thử là tôi đến từ nước nào?

- Vậy Thầy không phải là người Nhật Bản, nhưng đang ở tại Honryuji?

- Vâng! Đúng vậy. Tôi là người Việt Nam.

- Ồ! Betonamu! Toii desu ne! (Việt Nam! Xa quá nhỉ!) nhưng tại sao anh em cùng một nhà với nhau mà đánh nhau mấy chục năm chưa xong vậy?

- Chính trị, như bà biết đó! Ai cũng muốn phần thắng về mình mà, dầu cho đó là Quốc gia hay Cộng sản.

- Thầy đến từ Sài Gòn?

- Từ Đà Nẵng.

- Ồ! Đà Nẵng gần Hội An phải không? Nơi đó có Chùa Cầu do người Nhật xây từ thế kỷ 17.

- Bà cũng biết rành về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam đã liên hệ với Nhật từ thuở xa xưa rồi đó.

- Nhưng tại sao là huynh đệ mà lại đi chém giết với nhau như thế?

- Tôi nghĩ là mỗi chủ nghĩa đều có cái lý do riêng của họ để tồn tại và chiến đấu, nhưng riêng tôi thì rất ghét chiến tranh. Bởi vì chiến tranh chỉ làm giàu cho người chế ra bom đạn, chứ người cả hai bên trong cuộc chiến đều bị chết, chiến tranh có ý nghĩa gì đâu?

- Đúng là vậy! Và cũng may là Nhật Bản đã thoát ra khỏi chiến tranh, và nhờ bại trận năm 1945 mà Nhật Bản mới được như ngày hôm nay. Nếu không thì….

Bà bỏ dở câu chuyện và tôi xin cáo từ để đi đến nhà khác. Đọc tụng kinh tiếng Nhật, mà người Nhật lầm rằng tôi người nhà quê từ Shikokku (Tứ quốc) hay Kyushu (Cửu Châu) đến thì rõ là mừng. Vì tiếng Nhật của mình đã có thể tự tin lắm rồi.

Nhờ đi cúng mỗi năm 4 kỳ như vậy mà tôi có tiền để đóng học phí cho trường, và năm 1974, tôi có ý định về thăm quê một chuyến. Bởi lẽ chiến tranh thì không biết bao giờ kết thúc, mà xem truyền hình Nhật hằng ngày, thấy bom đạn nổ khắp nơi trên quê mẹ Việt Nam nên cũng rất đau lòng.

Lúc ấy ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng Thống. Ông Hoàng Đức Nhã mới du học từ Mỹ về, nên đề ra chính sách trợ giúp cho sinh viên Việt Nam du học ở ngoại quốc, về thăm quê bằng nhiều hình thức khuyến khích khác nhau như: Chỗ nào có Air Việt Nam bay đến và đi thì các Sinh viên sẽ được giảm 50% giá vé, khi về nước bất cứ đi đâu tham quan trong thời gian nghỉ hè, cũng được giảm 50% vé máy bay quốc nội. Đó là chưa kể việc chính quyền trải thảm đỏ để đón chào những thành phần sinh viên du học về thăm quê. Dĩ nhiên trong đó họ cũng có ngụ ý là sau khi du học xong phải về nước phục vụ. Nhưng từ đó đến nay sau 50 năm ở ngoại quốc, tôi ít thấy ai học xong rồi lại trở về nơi quê hương mình cả. Trong đó có rất nhiều lý do: có thể do lương bổng, sự tự do và cách sống ở Việt Nam khác xa với ngoại quốc.

Đó là thời điểm của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975, chứ còn bây giờ ở thời điểm năm 2020, 2021 này, khi đi ra khỏi được nước mẹ của mình, chẳng ai muốn quay về nữa. Vì ở ngoại quốc sống với chế độ tự do dân chủ quen rồi, muốn phát ngôn gì thì cứ thoải mái; còn về nước, đi đâu và làm gì cũng bị theo dõi, so bì v.v… Đó là chưa nói đến lương bổng. Do vậy đa phần sinh viên không về.

Riêng với tôi, phải thành thật cảm ơn miền Nam Việt Nam. Vì nếu không có nền Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam, thì tôi đã không được đi du học với Passport của Chính phủ tự do này cấp và cũng nhờ sổ thông hành này mà ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả sinh viên Việt Nam đang cư ngụ tại Nhật đều đến Sứ quán Việt Nam ở Yoyogi, để đóng dấu gia hạn thêm 10 năm nữa. Nghĩa là Passport của Việt Nam Cộng Hòa có giá trị cho đến 30.4.1985, mặc dù miền Nam đã bị thất thủ vào tay người Cộng Sản miền Bắc. Và chính nhờ việc gia hạn này mà năm 1977 tôi mới được Sứ Quán Đức ở Nhật cho Visa vào Đức du lịch 3 tháng. Nếu không có cái này thì không có cái kia. Đúng là pháp nhân duyên “trùng trùng duyên khởi, trùng trùng biến hiện” như trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật đã dạy như vậy.

Xin cảm ơn miền Nam Việt Nam cũng như tôi đã cảm ơn cơm gạo của Nhật Bản, nuôi lớn tôi thành người. Và bây giờ lại cũng phải cảm ơn xứ Đức này nữa, nên tôi đã viết một tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Đức để cảm tạ Chính phủ Đức cũng như nhân dân xứ này đã cưu mang tôi nói riêng và gần 200.000 người Việt Nam hiện đang sinh sống tại xứ sở tự do phát triển này.

Về Sài Gòn, cùng đi với tôi thuở đó có hai tăng sinh đang sống chung ở chùa Honryuji là Nakatomi và Matsunaga cùng với hai ông bà Takao. Họ chỉ thăm Việt Nam trong vòng 1 tuần lễ, còn tôi ở đó 1 tháng, đã thăm Huế, Quảng Nam, Đà Lạt, Cần Thơ v.v… Nơi nào cũng còn ghi lại nhiều kỷ niệm trong tiềm thức tôi. Mặc dầu ngày ấy đã xa rồi. Về đây để gặp Thông, gặp Trâm và những người bạn cũ, đặc biệt là lên Lưu Học Xá Huyền Trang để thăm Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, cũng như Hòa Thượng Thích Như Tín và những vị Tăng đang tu học tại đó. Thầy Bảo Lạc thấy và nghe tôi nói tiếng Nhật quá lưu loát với những người Nhật đi cùng, mặc dầu mới sang Nhật từ đầu năm 1972 mà được như vậy, nên Thầy ấy cũng có ý muốn đi du học Nhật Bản. Đây cũng là cái nhân, cái duyên để khi tôi về lại Nhật làm giấy tờ hồ sơ cho Thầy ấy và nhờ Thầy Trụ trì Chùa Shinshoin ở Hachioji làm người bảo đảm về tài chánh cũng như việc học hành.

Thuở ấy ở Việt Nam chỉ có một Đại học Phật giáo. Đó là Đại Học Vạn Hạnh, còn Thiên Chúa giáo có những ba trường. Đó là Giáo Hoàng Học Viện ở Đà Lạt, Đại Học Minh Đức ở Sài Gòn và Đại Học Thiên Chúa ở Huế. Bên chính quyền thì có nhiều Đại học hơn, nhưng Đà Nẵng thuở ấy vẫn chưa mở nổi một Đại học, còn những tỉnh khác như Quảng Ngãi, Bình Định thì cũng phải ra Huế hay vào Sài Gòn mới có thể thi vào Đại học được. Chẳng bù với ngày nay vào thời điểm năm 2020, 2021 này cả thế giới có đến trên dưới 5.000 trường Đại học. Riêng nước Đức có hơn 400 trường Đại học và Nhật Bản có đến 700 trường Đại học lớn nhỏ để lo cho trên 100 triệu dân của họ. Tại Đức có nhiều Đại học Thiên Chúa và Tin Lành. Tại Nhật có gần 30 Đại học Phật giáo, mỗi Tông phái có từ 1 đến 3 Đại học và việc học tập cũng như nghiên cứu của chư Tăng Ni tiện lợi vô cùng. Nếu sắp thứ hạng thì chỉ có Hoa Kỳ, Anh Quốc, Singapore và Thụy Sĩ là những nước có nhiều Đại học danh tiếng sắp theo thứ tự từ 1 đến 10; còn đa phần phải sắp theo môn học, cách dạy, thành quả của sự giáo dục v.v… nên có rất nhiều sự khác biệt về phẩm cũng như về lượng.

Nhân việc xem phim Oshin trong thời gian Covid-19 mà tôi lại có cơ hội để hồi tưởng lại những ngày ở Nhật Bản cách đây 50 năm về trước. Trên thực tế thì tôi cũng đã có viết những tác phẩm như sau để tạ ơn những nơi tôi đã ở, đã đi và đã đến rồi. Đó là: Nhật Bản trong lòng tôi, Nước Úc trong tâm tôi, Nước Mỹ bao lần đi và bao lần đến, Phật giáo Việt Nam tại Âu Châu, Cảm tạ xứ Đức. Thiết nghĩ đọc những tác phẩm này, quý độc giả sẽ rõ tâm tư và tình cảm của tôi đối với những xứ sở này.

Tôi phải viết lại thật nhiều vì biết rằng một ngày nào đó khi mình không thể viết được nữa, khi mắt đã kém, ý tưởng không còn nhớ kỹ như xưa, lưng đau, đầu óc chậm chạp v.v… Do vậy đây là cơ hội để tôi thổ lộ tâm tư của mình bằng giấy trắng mực đen vậy.

Cuối năm 1974, nhân lần nghỉ Đông năm ấy, tôi đã lấy xe lửa chạy chậm cho rẻ tiền, đi từ Hachioji lên Tokyo rồi nằm suốt đêm trên tàu hỏa để đến Hagi thăm chùa của Matsunaga và đi Shikokku thăm Chùa Pháp Hoa của Nakatomi. Mỗi nơi đi và đến như thế tôi đã ghi lại thật rõ trong những bài tường thuật của mình để sau này có ai tìm đến thì dễ dàng hơn. Đi Kyoto để thăm Thầy Trí Đức, đi Osaka để thăm Phan Đức Lợi, đi Kagoshima để thăm Tôn Thất Hoàng, đi Saitama để thăm Nguyễn Tiến Quang, đi Fukushima hay Sendai để thăm Hồ Thy Kiều, đi Hokkaido để thăm những suối nước nóng và dân tộc thiểu số Ainu tại đó. Nhờ xem phim Oshin mà tôi đã liên tưởng lại những nơi này và tôi sẽ lần lượt kể lại từng chuyến đi như phía dưới sẽ đề cập đến.

“Nước Nhật có 5 đảo chính từ bắc xuống nam gồm Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Honshyu (Bổn Châu), Sikokku (Tứ Quốc), Kuyshyu (Cửu Châu) và Okinawa; nhưng trên thực tế nước Nhật có đến 6.852 đảo khác nữa, bao bọc chung quanh 5 đảo lớn này. Diện tích tổng cộng của nước Nhật độ 377.972,75 km2 và dân số vào năm 2019 được biết là 127.094.745 người. Riêng thành phố Tokyo có đến 20 triệu người cư ngụ. Nước Nhật theo chế độ Quân chủ lập hiến và kết hợp với dân chủ đại nghị.” (trích Wikipedia tiếng Việt).

Đảo Hokkaido tuyết phủ quanh năm, bởi lẽ đảo này phía bắc giáp ranh với Nga và nơi đây cũng là nơi du lịch rất lý tưởng, bởi vì nó có rất nhiều suối nước nóng và có nhiều món ăn hay cây trái ngon như: khoai lang, bí rợ, lúa, táo v.v… Ở đây họ sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt, kỹ nghệ ở đảo này không được phát triển nhiều như đảo chính Honshyu. Đặc biệt tại đảo Hokkaido có người thiểu số, gọi là Ainu, họ dùng ngôn ngữ riêng của họ và vẫn nói tiếng Nhật. Số người này còn rất ít tại miền Bắc Nhật Bản và hầu như không thấy họ xuất hiện ở Trung hay Nam Nhật Bản. Họ sống như dân du mục Mông Cổ. Đầu đội mũ lông thú săn bắn được và phục sức rất khác với người Nhật. Họ có nền văn minh, văn hóa riêng. Khách du lịch đến Hokkaido thường đi tham quan những ngôi nhà truyền thống của họ. Mái lợp rạ và dày. Sườn nhà làm bằng gỗ, cửa ngõ đóng kín để chống lạnh. Họ cũng làm nghề gốm sứ và đồ thủ công nghệ để bán cho khách du lịch đến tham quan. Tuy họ sống trên đất nước Nhật Bản, nhưng hình như họ không quan tâm gì nhiều về sự phát triển khoa học, kỹ thuật bên ngoài chỗ cư trú của họ.

Trước năm 1975 những sinh viên Việt Nam sang Nhật Bản du học có rất ít người chọn Đại học Sapporo. Vì lẽ ở thủ phủ của đảo Hokkaido này rất lạnh về mùa đông, mà đa phần chọn những Đại học từ Sendai đến Kagoshima, là những miền ấm áp, thích nghi với người Việt hơn.

Sendai viết chữ Hán là Tiên Đài (仙台), có nghĩa là chỗ của Tiên. Ngày xưa có lẽ tiên nữ hiện hữu nơi đây, nên người địa phương đặt tên cho địa danh này như vậy. Vùng đất này là địa đầu giới tuyến của đảo Honshyu. Có khí hậu giống như Âu châu, nghĩa là một năm có 4 mùa rõ rệt: mùa đông có tuyết phủ cao ngất đến một hay hai mét chiều dày, mùa xuân hoa anh đào nở rộ, mùa hè khí hậu ám áp dễ chịu và mùa thu thì lá vàng bay phất phới đó đây. Hình ảnh vào thu ở Sendai rất đẹp và lãng mạn.

Trong phim Oshin có chiếu trận động đất lịch sử tại Nhật xảy ra vào năm 1923, nhưng so với trận động đất và sóng thần (Tsunami) vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 phải nói là quá sức kinh hoàng. Có tất cả 15.893 người chết, 6.152 người bị thương, 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản, và có hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Từ Sendai trải dài xuống Fukushima và Chiba gần Tokyo, nơi nào cũng chỉ là tang thương và đổ nát.

Khi còn ở Nhật, tôi đã xuống Fukushima để thăm chùa, nơi cô Hồ Thy Kiều làm con nuôi người Nhật ở đó; và đến năm 2011, tôi đến Fukushima để cứu trợ cho người Nhật, do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu chủ xướng. Quý Thầy đến từ Úc, Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu, Việt Nam, và tôi đã đến Nhật lúc ấy với tư cách là Trưởng phái đoàn. Vì ở Nhật, tôi rành về địa lý cũng như ngôn ngữ hơn quý Thầy khác, nên dễ liên lạc với người địa phương hơn. Tuy nhiên, tại Nhật phái đoàn chúng tôi đã được Thầy Triệt Học và Anh Đỗ Thông Minh giúp đỡ rất tận tình, nên công việc cứu trợ, chẩn tế cô hồn, thăm viếng mồ mả, chùa viện, người tỵ nạn v.v… được thực hiện một cách rất chu đáo. Trên xe Shinkansen từ Fukushima đến phi trường Narita, tôi đã thổn thức rất nhiều về nỗi khổ đau của người Nhật phải chịu đựng như vậy.

Mặc dầu ở Nhật Bản việc động đất xảy ra hằng ngày, nhưng lần năm 2011 thì quá thảm khốc. Nếu độ rung của chấn động chừng 1 đến 5 Richter thì ít nguy hiểm, nhưng nếu động đất từ trên 5 độ đến 9 độ Richter thì không thể thiếu sự chết chóc và sóng thần. Sóng thần cao nhất đo được 40 mét chiều cao. Có lẽ đây là sóng thần trong lịch sử Nhật Bản. Còn sóng thần theo lời Phật dạy khi quả đất này đến thời kỳ hoại diệt thì nước có thể dâng cao lên hết cõi Dục giới, nghĩa là tất cả các loài chúng sanh trong cõi này như: trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Nam Thiệm-bộ châu, Bắc Cu-lô châu, Đông Thắng thần châu, Tây Ngưu hóa châu; Tứ Thiên Vương, cõi Dạ Ma, Đâu-suất, Đao Lợi, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại Thiên, nghĩa là trong 15 cõi ấy đều nằm trong cõi Dục, không có nơi nào là không có nước. Chỉ có cõi Sắc và Vô sắc là không bị cuốn trôi, vì 2 cõi này phước báu nhiều hơn cõi Dục.

Ở Tokyo tôi có hai người Nhật rất quan trọng mà ngay cả cho đến bây giờ tôi vẫn không quên ơn họ, nên vẫn liên lạc thường xuyên. Đó là ông Akiyama, người đứng ra bảo lãnh tài chánh cho tôi, trước khi đi đến xứ Nhật này. Trước đây ông là một ký giả của báo Asahi trụ sở tại Sài Gòn và Jakarta. Khi về lại Nhật thì ông làm Giáo sư Đại Học. Nay đã nghỉ hưu và ở độ tuổi gần 90 rồi, nhưng cả hai ông bà đều còn khỏe mạnh. Bất cứ một sinh viên nào khi đến Nhật du học cũng đều cần phải có những người Nhật đứng ra bảo lãnh như vậy. Nếu không thì khó bề đến Nhật được.

Người thứ hai là Giáo sư Takeda Hideo. Ông luyện tiếng Nhật cho tôi vào năm thứ 3 và năm thứ 4 của Phân khoa Giáo dục tại Đại Học Teikyo ở Hachiogi thuở nào. Nếu không có vị giáo sư này hướng dẫn thì tôi đã không có được mấy quyển truyện cổ của Nguyễn Đổng Chi được dịch sang Nhật ngữ và xuất bản cho người Nhật đọc, để biết thêm về phong tục, tập quán và tôn giáo của người Việt Nam mình. Năm nay (2021) Thầy đã ở tuổi 86 nhưng vẫn còn khỏe mạnh và đặc biệt mới đây vào ngày 10.4.2021 Thầy đã gởi tặng tôi tập thơ mang đề tựa là: “Khởi đi từ Palestine”.

Tập thơ này dày 222 trang, được xuất bản tại Nhật vào ngày 3 tháng 12 năm 2020. Từ trang 160 đến trang 179 Thầy Takeda đã dùng 4 khổ thơ hiện đại để viết về tôi và những lần gặp gỡ Thầy ở Đại học, ở nhà Thầy cũng như ở Hannover rất là cảm động. Nay mai tôi sẽ dịch những vần thơ mới này ra Việt ngữ, để ghi lại chút tình Thầy trò Nhật-Việt đã trải qua 50 năm nhưng vẫn không phai nhạt. Trên đời này có rất nhiều loại tình cảm, nhưng tình Thầy trò giữ được lâu như vậy cũng là một điều rất hiếm quý, mà lâu nay ai ai cũng đánh giá cao về loại tình cảm này.

Ngày xưa ấy, ở vùng Tokyo và Saitamaken có rất nhiều sinh viên Việt Nam, nên chúng tôi vẫn thường gặp gỡ nhau thường xuyên, như Nguyễn Chánh Khê, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Tiến Quang, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Quang Dục v.v… Nhưng đa phần ai cũng lo học hành, làm việc và thi cử nên bận rộn suốt năm, họa hoằn lắm mới có vài ngày rảnh rỗi thăm viếng và lên Sứ quán Việt Nam Cộng Hòa hay tụ tập ở Chùa Joenji tại Shinjuku để làm lễ Phật Đản hay Vu Lan, thì mới có cơ hội hàn huyên tâm sự mà thôi.

Từ năm 1974 đến năm 1977 tôi lại có nhiều cơ hội để đi Osaka thăm Phan Đức Lợi, đi Kyoto để thăm chùa viện, Đại học Hanazono và Hòa Thượng Thích Trí Đức v.v…

Hòa Thượng Omori Sogen làm Học trưởng Đại học Hanazono tại Kyoto đã có lần làm người bảo chứng cho tôi tu học tại Nhật, do cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm lo giấy tờ giùm. Đây là Đại học thuộc Tông Lâm Tế, nhưng Ngài đa phần ở tại Tokyo. Khi nào cần giấy tờ gì thì tôi lên Shibuya, nơi Ngài cư ngụ và dạy Thiền để thưa thỉnh. Đúng là ân nghĩa nghìn trùng, chẳng biết sao diễn tả cho hết được.

Nếu nhìn lại quá khứ, tôi đã thọ ân của quá nhiều người. Trong đó có gia đình, cha mẹ, anh chị em rồi đến chùa viện, tư nhân Phật tử v.v… và sau đây là thời gian trong 73 năm mà tôi đã cư ngụ:

- Từ năm 1949 đến năm 1964, trong 15 năm ấy ở với cha mẹ tại Mỹ Hạc, Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, Quảng Nam để đi học.

- Từ năm 1964 đến năm 1966 xuất gia tu học tại Tổ Đình Phước Lâm, Hội An, Quảng Nam dưới thời cố Hòa Thượng Thích Như Vạn Trụ trì.

- Từ năm 1966 đến năm 1969 về lại Viên Giác Hội An, ở với cố Hòa Thượng Bổn Sư Thích Long Trí để đi học trường Trung học Diên Hồng, Trường Bồ Đề và trường Trần Quý Cáp. Vào những mùa An cư kiết hạ thì tu tập ba tháng tại chùa Tỉnh Hội, Hội An, khi còn cố Hòa Thượng Thích Trí Minh Trụ trì và Hòa Thượng Thích Như Huệ làm giảng sư. Nhiều năm tôi an cư tại Tổ đình Long Tuyền do Hòa Thượng Thích Chơn Phát Trụ Trì.

- Từ năm 1969 đến đầu năm 1972 tôi vào Sài Gòn tá túc tại chùa Hưng Long do Hòa Thượng Thích Pháp Ý Trụ trì, đi học Trung học Đệ nhị cấp tại trường Cộng Hòa và trường Văn Học.

- Đầu năm 1972 sang Nhật Bản du học, trong mấy tháng đầu trú ngụ tạm trong phòng trọ với Hòa Thượng Thích Chơn Thành, gần Đại Học Risso tại Shinagawa để đi học tiếng Nhật, sau độ chừng 1 tháng dọn ra ở riêng khác phòng, nhưng cùng nhà. Lúc ấy tiền bạc sắp cạn, nên dọn về ở chung với Tôn Thất Hoàng và Diệp Vân Sơn tại Meguro. Trong thời gian này có một Việt Kiều sống lâu năm tại Nhật tên là Nguyễn Thị Định, vốn đang làm chủ một nhà hàng Việt Nam ở Okubo; nơi đó có cư xá quốc tế cho sinh viên mới đến Nhật du học ở. Bà thấy quý Thầy ở ngoài cực khổ quá cho nên sang một cửa tiệm ở vùng Ikebukuro để bán nước đá; tiệm nằm gần nhà tắm công cộng; mỗi khi họ tắm rửa xong ra tiệm này nghỉ xả hơi và dùng nước ngọt. Tôi và Hòa Thượng Nguyên Đạt về đây ở được 4 tháng thì tiệm không có khách, vì chúng tôi không biết cách buôn bán cũng như chiều khách hàng. Cuối cùng thì trả lại tiệm cho bà Định, nhưng dẫu sao đi nữa thì đây cũng là những hình ảnh đẹp của một bà Việt Kiều lấy chồng Nhật, đã giúp đỡ cho quý Thầy đỡ lo tiền nhà được mấy tháng lúc bấy giờ.

- Từ tháng 3 năm 1973 đến tháng 7 năm 1977 tôi cậy nhờ Chùa Honryugi tại Hachiogi do cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm giới thiệu và đi học tại Đại học Teikyo cũng như Đại học Risso.

- Ngày 22 tháng 4 năm 1977 tôi sang Đức, lúc đầu ở tạm trong Cư xá sinh viên với Bác sĩ Thị Minh Văn Công Trâm, sau đó dọn về đường Holtenau ở thành phố Kiel, để đi học tiếng Đức tại trường Volkhochschule và Đại học Kiel. Đến tháng 2 năm 1978 tôi có giấy nhập học tại Đại học Hannover nên đã về Hannover từ dạo ấy. Mấy ngày đầu ở nhờ nhà anh Lâm Đăng Châu và sau đó thuê được phòng ở đường Kestnerstr, nên tôi đã dọn về đây ở từ tháng 5 năm 1978 đến tháng 12 năm 1980, để đi học tại Đại học Hannover.

- Từ năm 1981 đến 1991 được sự giúp đỡ tài chánh của Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức, tôi chính thức dọn về số 35A đường Eichelkampstr. Và từ đầu năm 1984 chúng tôi đã mua được lô đất 4.000m2 đối diện ở đường Karlsruherstr. số 6. Năm 1986 đặt viên đá đầu tiên; năm 1989 khởi công xây cất chính thức; đến năm 1991 thì hoàn thành giai đoạn một và làm lễ khánh thành; đến năm 1993 làm lễ hoàn nguyện. Năm 1991 chúng tôi trả lại căn nhà thuê của ông Steinmann ở đường Eichelkampstr, và chính thức dọn qua ở chùa mới tại đường Karlsruherstr. số 6 từ năm 1991, đến nay (2021) cũng đã trên 30 năm rồi. Trong thời gian này chúng tôi có tạo mãi thêm một cơ sở thứ hai ở Ravensburg vào năm 2007, lấy tên là Tu Viện Viên Đức, thỉnh thoảng tôi hay về đây để nghỉ ngơi, đọc sách cũng như đọc Đại Tạng Kinh.

Như vậy, trong 73 năm sống với cuộc đời này, tôi ở Chùa Viên Giác tại đường Karlsruherstr.6 Hannover là lâu nhất, trên dưới 30 năm và chưa biết là còn sống được bao lâu nữa, nhưng có lẽ cho đến cuối đời này, tôi sẽ chẳng thay đổi chỗ ở nữa để được yên thân lúc tuổi về già. Chỗ lâu thứ hai trong cuộc đời kéo dài trong vòng 15 năm là nơi được sinh ra tại Mỹ Hạc, Xuyên Mỹ, Duy Xuyên, Quảng Nam. Và chỗ ở lâu thứ ba trong vòng 10 năm là ở đường Eichelkampstr.35A Hannover.

Tôi viết lại cặn kẽ như vậy để sau này nếu có ai đó đi tìm dấu vết Chim Di của đàn Chim Việt thì có nơi chốn để tìm về một cách dễ dàng hơn. Người xưa thường nói: “Ruộng dâu biến thành bãi bể”, do vậy 10, 20 hay 50 năm sau nữa, cái tồn tại của ngày hôm nay, đến hôm sau đã thay đổi rồi. Do vậy viết và nói ở đây là chỉ cho hiện tại; còn đời sau ra sao, ai mà biết được?

Tôi đến Hagi để thăm Chùa Pháp Hoa của Matsunaga, nơi đây cảnh trí thiên nhiên thật đẹp và tôi đã có dịp du ngoạn quanh thành phố cổ này bằng xe ngựa. Cảnh ở đây vào thu không khác gì rừng Gatineau ở Ottawa của Canada. Cảnh vật đẹp tuyệt vời, không bút mực nào tả xiết. Ở đây người dân chuyên về nghề làm đồ gốm sứ, có lẽ vùng này đất sét tốt và dẻo hơn những nơi khác, nên đồ gốm ở đây rất nổi tiếng.

Sau khi thăm Matsunaga thì tôi lên tàu lửa đi đến cuối trạm của Hiroshima và từ đó lên tàu thủy đi thăm đảo Sikokku. Đảo này là đảo lớn thứ 4 nằm gần cuối bên cạnh đảo Honshyu (Bổn Châu). Ở đây có 4 tỉnh hợp lại, gồm Ehime, Kagawa, Kochi và Tokushiwa, nên chữ Tứ Quốc được hình thành từ đó.

Điều đặc biệt ở đảo này là có nhiều cảnh chùa để cho khách hành hương có thể đi lễ bái. Người Phật tử Nhật hay đi 36 cảnh chùa trên đảo này, giống như Phật tử Việt Nam chúng ta đi hành hương thập tự vậy. Nhưng ở đây họ đi bộ và hay gõ trống để niệm Namumyo Horenge Kyo (Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh), nếu người Phật tử ấy theo Nhật Liên Tông. Cũng có những đoàn tuần du đi niệm Phật A Di Đà (Namu Amida Butsu). Tôi đến đây để thăm chùa của Nakatomi, người tăng sĩ đã một thời ở chung với tôi tại Chùa Honryuji ở Hachioji để học Cao học tại Đại Học Risso (Lập Chánh).

Từ đây tôi lên tàu thủy trở về đất liền và lên xe Shinkansen, chạy nhanh nhất nhì trên thế giới thuở ấy, độ 300km/giờ. Nhưng bây giờ thì khác nhiều lắm rồi, từ Tokyo đi Kyoto ngang qua Shizuoka, Okazaki rồi Kyoto với 457 km đường dài chỉ cần một tiếng đồng hồ mà thôi. Ngày xưa đi bằng xe lửa hay xe hơi cũng mất đến 6 hay 7 tiếng đồng hồ. Tuy xa lộ ở Nhật Bản có nhiều, nhưng đường hẹp và xe không ít, nên tuy trên xa lộ mà xe cộ chạy rất chậm so với Âu Châu cũng như Đức Quốc.

Kyushu là đảo quốc lớn thứ 3 của Nhật. Muốn đến đảo này phải đi xe lửa qua một đường hầm nằm sâu dưới mặt biển và không cần phải đổi tàu. Ngày xưa giữa hai đảo Honshu và Kyushu phải di chuyển bằng tàu thủy. Đây cũng là nơi mà Kanrin Osho (Giám Chân Hòa Thượng), người Trung Quốc từ thế kỷ thứ 7 đời Nhà Đường đã đi thuyền cập bến vào đây và Luật tạng bắt đầu có mặt chính thức tại Nhật Bản từ dạo ấy.

Lúc đi xuống Kagoshima để thăm Tôn Thất Hoàng học tại Đại Học ở đây, tôi đi xe lửa từ Fukuoka đến Kumamoto rồi Kagoshima. Khí hậu ở đây ấm áp giống như khí hậu của Việt Nam. Ở đây lại có núi lửa và nhiều suối nước nóng, nên du khách đến đây tham quan rất đông. Đặc biệt ở vùng Kagoshima có một loại củ cải rất lớn, gọi là Kagoshima Daikon. Có lẽ nhờ núi lửa đã ngưng hoạt động lâu đời, nên đất ở đây màu mỡ, do đó mới thu hoạch được những hoa màu, rau trái đặc biệt như thế.

Những ngày ở lại với Tôn Thất Hoàng, ban ngày chúng tôi đi thăm thú đó đây, trưa vào quán cơm dành cho sinh viên đại học dùng và tối lại thì tự nấu ăn ở nhà. Đời sống sinh viên ở đâu cũng vậy. Như thế mà vui. Những kỷ niệm một thời ở học đường từ tiểu học lên trung học và đại học là những thời gian của tuổi thơ, thanh niên rất là tuyệt vời.

Khi người ta lớn lên rồi, ra làm việc Đời việc Đạo, muốn tìm lại những hình ảnh xa xưa của hoa phượng nở vào hè, tiếng ve sầu inh ỏi báo hiệu giờ nghỉ học đã đến. Hoặc những câu chuyện bên lề ở sân trường trung học hay đại học, về sau này sẽ không bao giờ trở lại với những người tuổi đã trên 70 nữa. Nếu có chăng, chỉ là những kỷ niệm hiện về, chợt đến chợt đi mà thôi. Đúng là một thời vang bóng, nhưng cũng nhờ những lúc rảnh rỗi có nhiều thời gian như vậy, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều từ người địa phương, cũng như những bạn bè cùng trang lứa tăng cũng như tục.

Thời gian trôi qua rồi sẽ không bao giờ trở lại cả và chính ở những phút giây quý hiếm ấy, chúng ta nên ghi nhớ kỹ vào lòng, để rồi có một ngày nào đó chúng ta sẽ nhớ lại những hình ảnh năm xưa đã hằn sâu vào tâm thức, và bây giờ chính là lúc hồi tưởng lại những trang nhật ký của tuổi thơ, như bà Oshin đã ghi lại những kỷ niệm suốt cả một cuộc đời mình qua cuộn phim có tất cả 297 tập, mà đài truyền hình NHK của Nhật Bản đã chiếu cho công chúng xem từ năm 1983 đến năm 1984 và tại Việt Nam kể từ năm 1994 đã được công chiếu bằng tiếng Việt.

So ra tôi có cơ hội đi khắp nước Nhật, đi nhiều hơn cả bà Oshin và với tôi những năm tháng ở Nhật học hành và tu niệm, tuy vất vả so với đời sống của một thanh niên tăng sĩ Việt Nam, nhưng là thời gian ý nghĩa vô cùng.

Từ Kagoshima lần này tôi lên xe lửa đi về hướng đông ngang qua Miyazaki, Aso, Oita, Beppu và trở lại Đảo chánh để trở về Tokyo lo chuyện học hành tu niệm. Sở dĩ tôi đi nhiều như vậy, vì có mục đích để phải đi và phải đến. Nếu không đi thì không thể biết được những phong cảnh tại các địa phương mà viết được. Cũng giống như việc đọc sách vậy. Nếu người nào không chịu đọc sách thì không có gì trong đầu óc cả, làm sao có thể viết lên những con chữ trên giấy trắng, mực đen. Cho nên ai muốn viết nhiều thì phải đọc nhiều và ai muốn biết nhiều thì phải đi nhiều. Đó là một sự bắt buộc vậy.

Đường vào Đại Tạng xa thật xa và rộng thật rộng, như Đường Không Biên Giới, mà một thuở nào tôi đã ghi lại nhiều chuyến hành trình trong cuộc đời tăng sĩ của mình để gởi đến các độc giả khắp nơi, dù không đi đến, nhưng cũng có thể hình dung ra được nơi mình chuẩn bị trải nghiệm qua. Thiền Sư Nhất Hạnh, người nổi tiếng ở phương Tây cũng như phương Đông hay nói đúng hơn là khắp nơi trên thế giới về Thiền học và Phật học. Năm 1975 khi miền Nam thất thủ vào tay người cộng sản đến từ phương Bắc, chính Thầy và cô Cao Ngọc Phượng lúc bấy giờ và nay là Sư Bà Chân Không ở Làng Mai, đã giúp đỡ cho những sinh viên tăng ni của chúng tôi đang du học tại Nhật, qua sự hỗ trợ của một tổ chức Tin Lành ở Stuttgart, với một nguồn tài chánh mỗi năm độ 1.200 USD, cho đến ngày 22 tháng 4 năm 1977 khi tôi sang Đức tỵ nạn thì không còn tiếp tục nhận nữa. Và ân nghĩa nghìn trùng ấy tôi đã có dịp cảm ân Thầy cùng Sư Bà Chân Không nhân lần viếng thăm Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu, nơi Thầy Chân Pháp Ấn và Sư Cô Song Nghiêm đang trông coi cách đây mấy năm về trước.

Đi cùng tôi lúc ấy có Thầy Pháp Trú, Thầy Hạnh Thức cùng một số Phật tử, và Thiền Sư Nhất Hạnh đã nói bằng tiếng Anh rằng:

“Đây là Thầy Như Điển, người đầu tiên mang Phật giáo Việt Nam vào xứ Đức này và ngôi chùa Viên Giác là ngôi chùa Tổ của tất cả chùa Việt Nam hiện có mặt tại Đức, ngay cả Chùa Sùng Nghiêm đang có mặt tại Viện Phật Học Ứng Dụng này của chúng ta cũng vậy.”

Năm ấy Thiền Sư Nhất Hạnh đã yếu nhiều rồi. Nếu tôi nhớ không lầm là vào khóa tu mùa thu của năm 2017.

Sau khi về lại Chùa Viên Giác tôi được một người Phật tử gởi tặng cho tôi tác phẩm thứ 150 của Thiền Sư Nhất Hạnh, và vị ấy nói có thể đây là tác phẩm cuối cùng, nhan đề là Tri Kỷ của Bụt. Tôi đã đọc say sưa quyển sách này trong mấy ngày đã xong gần 600 trang sách và viết một bài điểm sách về quyển này để gởi đến quý độc giả khắp nơi và nay bài ấy vẫn còn trên nhiều trang mạng.

Thầy Nhất Hạnh nói rằng: “There is no way to peace, peace is the way.” Có nghĩa là: “Không có con đường nào dẫn đến hòa bình, hòa bình chính là con đường.”

“There is no way to happiness. Happiness is the way.” Nghĩa là: Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.

“There is no way to Nirvana, Nirvana is the way.” Nghĩa là: Không có con đường nào dẫn đến Niết Bàn, mà Niết Bàn chính là con đường.

Đây là chủ trương của Thiền. Bây giờ và ở đây. Tư tưởng này rất quan trọng đối với những Thiền Sư. Vì họ nghĩ rằng: Tịnh Độ là đây, đây là Tịnh Độ. Thầy Nhất Hạnh đã chứng minh việc này trong quyển “Tri kỷ của Bụt” như sau: Ví dụ một người muốn đi xe TGV (xe lửa chạy nhanh của Pháp) từ Bordeaux đến Paris. Tuy người ấy chưa đến Paris, nhưng đã ngồi trên xe TGV ấy, khi xe khởi động, sẽ mang người ấy đến Paris. Việc này Thầy ấy cũng có lý khi nghĩ rằng: Đang đi có nghĩa là sẽ đến, nhưng cũng có người giữa đường lại xuống xe vì một lý do nào đó thì làm sao mà đến được? Tuy nhiên từ tư tưởng này tôi có thể chứng minh cho hành trình của người tu Tịnh Độ cũng giống như vậy. Ví dụ như chúng ta đang niệm Phật, có nghĩa là chúng ta đang gởi một tín hiệu để mong được vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Tuy Đức Phật A Di Đà đang giáo hóa tại đó, nhưng chưa rõ được là ta đang ở Đông Phương hay Bắc Phương, hoặc Nam Phương, nhưng những gì chúng ta nhớ nghĩ niệm đến danh hiệu của Ngài, tư tưởng này vẫn nằm đó chờ đợi, giống như chúng ta gởi một email vào một laptop của người bạn ở xa; người bạn ấy nếu không mở máy laptop thì sẽ không đọc được tin nhắn của ta, nhưng không có nghĩa là tin nhắn ấy mất. Ở đây câu Phật hiệu và lời nguyện vãng sanh về thế giới Tây phương của Đức Từ Phụ A Di Đà cũng vậy. Bây giờ chúng ta có thể nói rằng: Trong câu Phật hiệu ấy có sự hiện hữu của Đức Phật A Di Đà và Đức Phật A Di Đà đang hiện hữu trong mỗi niệm của chúng ta.

Từ đây tôi muốn quý vị theo dõi tiếp về “Đường vào Đại Tạng”, sao mà xa thăm thẳm vậy? Đọc hết cả chương mấy chục trang mà chưa thấy Đại Tạng gì cả. Đúng vậy! Từng bước, từng bước. Nếu không có cái khởi đầu thì sẽ không có cái cuối cùng, như người Đức vẫn thường nói là: “Ohne Anfang; Ohne Ende” hay “Ende gut, alles Gut” là vậy. Cái gì ở cuối cùng tốt thì tất cả cái ấy đều tốt. Ví như Ngài Huyền Trang ở thế kỷ 7 đời nhà Đường có tâm niệm muốn đi chiêm bái Ấn Độ, đâu phải trong một ngày, một tháng hay một năm mà được. Ngài phải vất vả đi về trong 17 năm trời đằng đẳng, mới mang được mấy trăm pho kinh chữ Phạn về và dịch ra chữ Hán. Nhờ vậy mà ngày nay Phật giáo Đại Thừa mới có được một Tam Tạng Thánh Giáo rất đồ sộ như vậy.

Vào cuối năm 1973, Chư tôn Hòa Thượng trong Hội Đồng Tăng Thống của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã họp nhiều buổi họp quan trọng tại Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn để phân công phân nhiệm cho vị nào chịu trách nhiệm phần nào. Nhờ vậy mà đến năm 1975 và về sau này chúng ta tạm có được một phần Kinh Luật Luận đã được dịch ra Việt ngữ. Tuy chưa đầy đủ hết ở mọi lãnh vực, nhưng từ đây về sau những vị thầy còn lại sẽ từ từ tiếp nối con đường cao cả ấy của Tổ đức ngày xưa. (Xem thêm tài liệu phụ đính ở cuối sách về “Hội nghị toàn thể Hội Đồng phiên dịch Tam Tạng.”) Từ đó chúng ta sẽ có được một niệm tri ân chân thành đối với những Ngài đã đi trước và những vị kế tiếp sau này.

Cuối năm 1973 tôi đang học năm thứ nhất tại Đại Học Teikyo, Nhật Bản, Phân khoa Giáo dục học và bây giờ sau gần 50 năm (2021) tôi mới có cơ duyên để đọc được biên bản họp quý hiếm này.

Nếu chúng ta luôn nghĩ đến Đại Tạng thì Đại Tạng sẽ ở trong ta và trong ta bao giờ cũng luôn hiện hữu của Kinh, Luật và Luận là những lời Phật dạy cũng như chư Tổ Sư đã dày công dịch giải, chú thích từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác để chúng ta có cơ hội đọc tụng và thọ trì. Đây chính là phước báu của những người đến sau, đến muộn. Như vậy cũng chưa lỡ chuyến đò của một kiếp nhân sinh.

Từ đây trở đi tôi sẽ cố gắng đưa quý vị đến gần hơn nữa với Đại Tạng Kinh của Đại Thừa bằng nhiều con đường khác nhau, để chúng ta có được một sự hiểu biết khi nghiên cứu, đọc tụng hay luận giải về kho báu vô giá của Phật giáo và đa phần được ca tụng là kho tàng giáo pháp của Đức Như Lai.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật pháp ứng dụng


Những tâm tình cô đơn


Nguyên lý duyên khởi


Yếu lược các giai đoạn trên đường tu giác ngộ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.21.105.175 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...