Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê.Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hèn.Kính Pháp Cú (Kệ số 29)
Như ngôi nhà khéo lợp, mưa không xâm nhập vào. Cũng vậy tâm khéo tu, tham dục không xâm nhập.Kinh Pháp cú (Kệ số 14)
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Quy luật của cuộc sống là luôn thay đổi. Những ai chỉ mãi nhìn về quá khứ hay bám víu vào hiện tại chắc chắn sẽ bỏ lỡ tương lai. (Change is the law of life. And those who look only to the past or present are certain to miss the future.)John F. Kennedy
Chúng ta phải thừa nhận rằng khổ đau của một người hoặc một quốc gia cũng là khổ đau chung của nhân loại; hạnh phúc của một người hay một quốc gia cũng là hạnh phúc của nhân loại.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp phải thảm họa trong đời sống, ta có thể phản ứng theo hai cách. Hoặc là thất vọng và rơi vào thói xấu tự hủy hoại mình, hoặc vận dụng thách thức đó để tìm ra sức mạnh nội tại của mình. Nhờ vào những lời Phật dạy, tôi đã có thể chọn theo cách thứ hai. (When we meet real tragedy in life, we can react in two ways - either by losing hope and falling into self-destructive habits, or by using the challenge to find our inner strength. Thanks to the teachings of Buddha, I have been able to take this second way.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Một người chưa từng mắc lỗi là chưa từng thử qua bất cứ điều gì mới mẻ. (A person who never made a mistake never tried anything new.)Albert Einstein

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Tôi đọc Đại Tạng Kinh »» CHƯƠNG II. NHỮNG BỘ ĐẠI TẠNG KINH »»

Tôi đọc Đại Tạng Kinh
»» CHƯƠNG II. NHỮNG BỘ ĐẠI TẠNG KINH

Donate

(Lượt xem: 2.256)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tôi đọc Đại Tạng Kinh - CHƯƠNG II. NHỮNG BỘ ĐẠI TẠNG KINH

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Suốt hơn 2.500 năm Phật giáo đã có mặt trên thế giới này. Xuất phát từ Ấn Độ, sau đó đầu tiên được truyền sang Tích Lan rồi các xứ khác ở phương nam. Một con đường khác của Đại Thừa và Kim Cang Thừa được truyền lên hướng bắc của Ấn Độ như Kasmir, Afghanistan, Pakistan rồi Mông Cổ, Tây Tạng, Bhutan. Việc truyền thừa Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa và Việt Nam có nhiều cứ điểm khác nhau. Ví dụ như các vị Sư Ấn Độ sang thẳng Trung Hoa truyền giáo như Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Pháp Lan. Hoặc từ Trung Hoa sang thẳng Ấn Độ để tu học và thâu thập Kinh điển bằng tiếng Sanskrit rồi đem về Trung Quốc dịch sang Hán văn như Ngài Nghĩa Tịnh, Ngài Huyền Trang v.v… Rồi từ đất Hán, Phật giáo đã truyền sang Đại Hàn, Nhật Bản và một phần của Việt Nam.

Riêng Phật giáo của Giao Châu theo các sử gia như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh hay Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát thì được du nhập từ Ấn Độ còn trước cả Trung Hoa nữa. Đó là căn cứ vào “Lục Độ Tập Kinh” mà Ngài Khương Tăng Hội là người sinh ra tại đất Giao Châu và thọ giới Tỳ-kheo năm 220 và chính Ngài đã mang Đạo Phật vào đất Nghiệp để giới thiệu cho Ngô Tôn Quyền. Trong khi đó Phật giáo Trung Quốc ở miền Bắc thuở ấy vẫn còn sơ khai lắm.

Đọc lịch sử để chúng ta biết rõ về cội nguồn và biết chắc chắn về sự truyền thừa của Phật giáo; do vậy sách vở rất cần thiết, cho nên một thư viện để chứa sách của một chùa, một Tăng viện, một trường học, một đại học v.v… rất là cần thiết. Do vậy, ngay từ ban đầu, khi còn đi học trung học, tuy tôi không mấy thích đọc sách vở, nhưng cũng đã sưu tầm và góp nhặt những bài thơ, bài văn hay để học thuộc lòng. Từ đó rất có cảm tình với văn hóa của Phật giáo cũng như văn hóa của dân tộc. Bởi lẽ chùa viện ngày xưa ở Việt Nam tương đối nghèo, nên để có một thư viện, nhằm chứa những sách quý, ít ai nghĩ đến. Điều này chỉ dành cho những chùa khá giả và những ai quan tâm về văn hóa Phật giáo và văn hóa nước nhà mà thôi.

Tôi xa quê từ năm 1972, mới đó mà cũng sắp đến 50 năm rồi. Thuở ấy tôi nghĩ rằng mình ra đi và có ngày sẽ trở lại để phụng sự cho Giáo hội và đất nước, chứ ở ngoại quốc làm gì mà cho đến 50 năm như vậy, chỉ một lần về lại thăm quê duy nhất vào năm 1974. Phật nói về pháp nhân duyên rõ ràng là chẳng sai một mảy may nào cả. Cái này sanh nên cái kia sanh, cái kia sanh nên cái khác sanh. Cái này diệt nên cái khác diệt. Cứ thế và cứ thế để tồn tại, hủy diệt, thay đổi, biến hóa v.v… không có một việc gì trong thế gian này đứng yên tại chỗ hết. Ngay cả quả đất vẫn đang xoay mà chúng ta hay nghĩ rằng quả đất đang đứng yên. Một cá nhân ở trong vũ trụ này thật ra quá nhỏ bé, nó chẳng là gì cả so với các vì sao lấp lánh trên bầu trời kia. Vì đó là sự hiện hữu, sự biến thiên của những thế giới khác đang sinh hoạt ở chung quanh ta, nhưng ta nào có biết. Do vậy, mong muốn là một việc, nhưng cũng phải hội đủ duyên nữa. Nếu nhân là thế, duyên là thế, thì quả phải kết thành là như vậy, chứ không thể nào khác được.

Từ Việt Nam sang Nhật Bản năm 1972 tôi chỉ mang theo mấy quyển tự điển như Hán Việt của Thiều Chửu, tự điển Pháp văn, Anh văn và đặc biệt là quyển Kinh Nhựt Tụng Tiểu Bản của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa soạn và do Nhà xuất bản Hương Đạo in năm 1965. Một quyển Kinh Di Đà, Hồng Danh bằng chữ Hán do cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh tặng. Những bảo vật này tôi vẫn còn giữ cho đến ngày nay.

Rồi từ Nhật sang Đức năm 1977, tôi cũng chỉ mang theo một va-ly áo quần cùng một ít sách vở. Bởi lẽ lúc ấy cứ nghĩ đi sang Đức chừng 3 tháng rồi trở về, nên chẳng chuẩn bị gì nhiều. Thế mà tôi đã ở đây cũng gần 45 năm rồi (2021 – 1977). Thế mới biết nhân duyên là gì, khó ai có thể tự mình sắp đặt trước được.

Mùa Phật Đản năm 1978, Niệm Phật Đường Viên Giác được thành lập đầu tiên tại đường Kestnerstr, Hannover. Đây là một phòng thuê, không hơn không kém, nhưng cũng đủ chỗ cho 10 đến 20 người tụ tập để làm lễ Phật, dùng cơm chung và nghe những câu chuyện về Phật Pháp.

Sau đó độ một năm, Phật tử tỵ nạn Việt Nam đến Đức khá đông, không chỉ còn dành riêng cho những sinh viên du học từ miền Nam Việt Nam như trước nữa, nên nơi chốn lại càng chật hẹp hơn, tôi và Ban Hộ trì Tam Bảo quyết định thuê thêm phòng đối diện để làm Niệm Phật Đường và mọi sinh hoạt khác đều tổ chức ở phòng ốc cũ. Hầu như tất cả mọi sinh hoạt đều ở dưới đất, vì không có đủ chỗ để sắp ghế ngồi cho nhiều người.

Từ đó tôi bắt đầu sưu tập sách vở để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy Phật Pháp cứ hai tuần một lần vào ngày Chủ nhật. Sinh hoạt nơi đây đến cuối năm 1980 thì chúng tôi chuẩn bị dời qua nơi mới. Đó là một hãng xưởng cũ tại đường Eichelkampstr, do ông Steinmann cho thuê, và trong 10 năm (1981-1990), tất cả tiền thuê hãng làm chùa và điện, gas, nước đều do Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Đức tài trợ. Nhờ đó chúng tôi có một ít tiền dư để mua sách từ Hoa Kỳ gởi sang và nhiều khi Chính phủ Đức cũng đã tài trợ một phần trong lãnh vực văn hóa này nữa.

Rồi từ năm 1991 đến nay, khi dời qua đường Karlsruherstr. Chúng tôi tổ chức thành một Thư viện có ký hiệu như Đại học Vạn Hạnh thuở nào. Việc này do Phật tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn thực hiện. Thị Chơn Ngô Ngọc Diệp lo Trung Tâm Văn Hóa và tờ báo Viên Giác. Phần anh Tusito và chị Diệu Hoa, thì giúp tôi dịch thuật ra tiếng Đức những sách vở tôi viết hằng năm, với tiền trợ cấp của chính quyền Liên Bang Đức để xuất bản.

Thuở ban đầu nào cũng vậy, chẳng ai bắt đầu bằng một sự nghiệp lớn, mà phải từ từ từng chặng đường, từng bước đi dò dẫm mới trở thành những công trình, những đóng góp thực sự về sau này. Ngôi Chùa Viên Giác do tôi sáng lập từ dạo ấy đến năm 2003, trải qua 25 năm (2003–1978) cũng không phải ngoại lệ. Nhân đây tôi xin có lời niệm ân tất cả quý ân nhân, từ chính quyền và nhân dân Đức, đến những người Phật tử Việt Nam thuần thành với Đạo, đã lo cho Phật Pháp và đóng góp phần mình vào sự phát triển của ngôi nhà chung này.

Mái chùa từ quê hương ra đến hải ngoại, vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của mọi người, trong mọi hoàn cảnh khi vui lúc buồn, như quan, hôn, tang, tế... Quan chính là kỷ niệm niềm vui khi được dự lễ đội mũ. Nghĩa là người học trò, sinh viên khi thi đậu có lễ đội mũ cũng ăn mừng tại chùa. Việc kết hôn, trở thành đôi bạn trăm năm cũng được làm lễ dưới chân Đức Phật cùng sự chứng giám của chư Tăng, Ni và cha mẹ hai bên cũng như họ hàng quen biết. Rồi mất mát, chết chóc là những nỗi buồn, niềm lo toan trong cuộc sống, ngôi chùa vẫn là chứng nhân của lịch sử, mở rộng đôi cánh cửa từ bi và trí tuệ để cùng tụ hội với nhau dưới mái chùa, để cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi. Đến những ngày giỗ, ngày kỵ, ngày tổ chức chúc thọ của ông bà cha mẹ v.v… tất cả cũng đều được cử hành tại chùa. Do vậy chùa viện thường đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Phật tử Việt Nam dầu ở trong hay ngoài nước.

Hiện tại trong thư viện của Tổ đình Viên Giác tại Hannover có 4 bộ Đại Tạng kinh như sau:

Bộ thứ nhất là bộ Nam Truyền Đại Tạng Kinh do cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh dịch thẳng từ tiếng Pali sang Việt ngữ. Được xuất bản nhiều lần ở Việt Nam lúc chưa hoàn thành một Đại Tạng Nam Truyền. Ví dụ như khi Hòa Thượng dịch xong bộ Trường Bộ Kinh 1 tập thì cho xuất bản và thuở ấy có cho in cả chữ Pali đối chiếu với Việt ngữ nữa. Rồi Trung Bộ Kinh gồm 2 tập, Tương Ưng Bộ Kinh gồm 2 tập và Tăng Chi Bộ Kinh cũng gồm 2 tập. Như vậy cả 7 tập đầu này đều do chính Hòa Thượng Thích Minh Châu trực dịch từ tiếng Pali sang Việt ngữ.

Sau này với nhiệm vụ của một Viện trưởng Viện đại học quá nặng nhọc, nên Giáo sư Trần Phương Lan, Pháp danh Nguyên Tâm, người rành rẽ tiếng Anh đã tiếp tục dịch 6 tập của Tiểu Bộ Kinh từ tiếng Anh sang Việt ngữ, và Đại Tạng này do hội Maha Bodhi Society ở Anh ấn hành.

Sau khi Hòa Thượng Thích Minh Châu viên tịch thì quý Phật tử kêu gọi ấn tống tất cả 13 tập này, để gởi đến những chùa hữu duyên muốn thỉnh về để nghiên cứu.

Ba Tạng Kinh, Luật, Luận Nam Truyền của Chùa Viên Giác do Phật tử Như Lộc Biện Thị Mai ở Hamburg cúng dường. Đây cũng là Đại Tạng (Tripitaka) đầu tiên của Phật giáo Nam Truyền và ngôn ngữ Pali được chính thức kết tập thành chữ kể từ năm 85 trước Tây lịch. Dĩ nhiên sau khi Phật nhập diệt trên dưới 500 năm như vậy, mặc dầu những lời khẩu truyền từ vị Tổ này đến vị Tổ khác không sai biệt nhiều, bởi lẽ quý Ngài đều là những Thánh Tăng đã chứng quả A La Hán, nên chẳng có gì để chúng ta nghi ngờ về trí tuệ của các Ngài, khi thuật lại những lời kinh hay giới luật của Phật chế do Thầy mình truyền lại. Nhưng ở đây tinh thần bộ phái ngay cả trong Tăng đoàn Nam Tông không phải là không có. Vị thích về Luật tạng thì cho rằng giới luật quan trọng hơn. Vị thích xiển dương về Kinh tạng thì cho rằng Kinh điển quan trọng hơn, và vị thích về Luận nghị thì cho rằng các luận thuyết quan trọng hơn. Do vậy với sự truyền thừa này, độ tin tưởng của chúng ta nhiều hơn là những Tạng về sau này được hình thành, nhưng cũng chưa hẳn đã là 100% lời Phật dạy.

Từ đó chúng ta thấy được, mặc dầu Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện họ vẫn đọc tụng tiếng Pali giống nhau, nhưng Tam tạng Pali này vẫn được dịch ra tiếng địa phương cũng như thêm vào phần Luận tạng để người đời sau biết thêm về những thành quả Phật sự của mỗi nước trong việc tu học cũng như hành trì.

Tại Việt Nam, Phật giáo Nguyên Thủy chính thức có mặt do hai thành phần chính. Đó là Phật giáo Nam Tông Khờ Me, do người Phù Nam còn sót lại trên miền đất Thủy Chân Lạp của miền Nam như Trà Vinh và các tỉnh phụ cận. Một nhánh Phật giáo Nam Tông chính thức khác du nhập từ Cam Bốt vào miền Nam Việt Nam năm 1939, do Phái đoàn truyền giáo của Hòa Thượng Hộ Tông.

Những vị trong phái đoàn này gồm có: Hòa Thượng Thiện Luật, Hòa Thượng Huệ Nghiêm và Hòa Thượng Hộ Tông. Như vậy đứng về phương diện lịch sử, Phật giáo Nam Tông tại Việt Nam từ khi truyền vào cho đến nay (2021) chưa được 100 năm.

Khoảng 10 năm trở lại đây, một số quý Phật tử hữu tâm, đã phát nguyện đọc hết 13 tập Đại Tạng kinh Nam Truyền này vào máy và gởi tặng đến các chùa cũng như những Phật tử muốn thỉnh về để nghe. Vì để đọc hết Tam Tạng kinh này cần phải có nhiều thời gian và tai mắt còn nghe hay nhìn thấy mặt chữ rõ ràng. Bây giờ đọc vào băng hay đĩa hoặc MP3 thì tiện lợi vô cùng, nhất là đối với những người lớn tuổi, không bị chi phối mấy, nghĩa là lúc nào muốn nghe thì bật máy lên nghe, lúc nào không muốn nghe nữa thì tắt máy và cũng không cần phải dùng kính để đọc kinh và ngay cả lúc lớn tuổi có thể nằm để nghe cũng rất tiện lợi.

Riêng tôi cũng được nhiều phước báu là có quý Phật tử gởi tặng cho cuộn băng này và tôi đã nghe suốt trong 3 tháng cả ngày lẫn đêm thì xong, độ trên dưới 25.000 trang kinh. Có nhiều bài kinh hay, tôi dừng lại để học thuộc lòng, trong đó có bài kinh Nhứt Dạ hiền giả là tôi tâm đắc nhất. Đó là:

Quá khứ không truy tìm,
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai thì chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ giác chính là đây.
Không động, không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập,

Hôm nay nhiệt tâm làm,
Ai biết chết ngày mai?
Không ai điều đình được,
Với đại quân thần chết.

Trú như vậy nhiệt tâm,
Đêm ngày không mệt mỏi,
Xứng gọi Nhứt Dạ hiền,
Bậc yên tịnh trầm lặng.

Trung Bộ Kinh – Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch từ tiếng Pali sang Việt ngữ.

Bộ Đại Tạng Kinh thứ hai mà thư viện của Tổ đình Viên Giác tại Hannover hiện có là bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán, bìa màu nâu sậm, được phát hành tại Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) vào tháng 6 năm thứ 62, tức nhằm năm 1973 Tây lịch (1911 + 62). Người chịu trách nhiệm việc xuất bản là Đại Tạng Kinh khan hành hội; người phát hành là Lưu Tư Kiều; nơi phát hành cùng in ấn do Tân Văn Song xuất bản (phục vụ hữu hạn) công ty, nơi phát hành tại số 96 thuộc Đường Song Viên, thành phố Đài Bắc. Tổng số 85 cuốn, cộng thêm 9 cuốn khắc lên bản gỗ thành 94 cuốn tất cả.

Năm 1973 cũng là năm quý Ngài trong Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã ngồi lại với nhau phân công phân nhiệm để dịch Kinh, Luật và Luận trong Đại Tạng Kinh. Và bộ Đại Tạng Kinh mà tôi có được là do nhân duyên như sau:

Đúng ra từ khi còn ở Nhật Bản từ năm 1972 đến 1977 tôi vẫn thường hay liên lạc với cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm và cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, là những vị đang du học và làm luận án Tiến sĩ tại đó. Cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm sau khi xong học trình Tiến sĩ thì Ngài được cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Viện trưởng Viện Đại học Đông Phương và Chùa Việt Nam tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, bảo lãnh sang tỵ nạn và định cư luôn tại đó.

Sau một thời gian ở Chùa Việt Nam tại Los Angeles, Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã ra vùng North Hill cũng thuộc vùng Los Angeles, để kiến tạo một Phật Học Viện Quốc Tế nhằm đào tạo Tăng tài và xuất bản những kinh sách mà trước đây trong nước đã ấn hành. Đặc biệt tại Phật Học Viện này, vào năm 1983 cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm đã khai mở một Đại Giới Đàn lấy tên là Thiện Hòa, có 5 vị Đại Đức được tấn phong lên ngôi vị Thượng Tọa. Đó là: Thượng Tọa Thích Minh Tâm (Pháp), Thượng Tọa Thích Bảo Lạc (Úc), Thượng Tọa Thích Nguyên Đạt, Thượng Tọa Thích Thiện Trì và Thượng Tọa Thích Tín Nghĩa (Hoa Kỳ). Trong 5 vị ấy bây giờ chỉ còn lại 3 vị ở ngôi vị Hòa Thượng gồm 1 ở Úc, 2 ở Hoa Kỳ; còn 2 vị khác đã về với Phật Tổ từ nhiều năm nay, ngay cả vị kiến tạo Đại Giới Đàn này cũng không còn tại thế nữa. Thời gian trôi qua, mọi vật sẽ trôi vào dĩ vãng và lãng quên, nhưng những chứng tích của lịch sử qua sự phế hưng của nhiều triều đại khác nhau thì vẫn còn đó.

Đến năm 1977 khi sang Âu Châu, có dịp viếng thăm chùa Khánh Anh tại Bagneux, nơi cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm khai sáng và Trụ trì, tôi đã nhìn thấy bộ Đại Tạng kinh này, hỏi ra lai lịch thì biết được rằng do Hòa Thượng Thích Đức Niệm ở Đài Loan đã thỉnh giùm cho Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Hai Hòa Thượng là anh em cô cậu ruột: người họ Lê và người họ Hồ đã làm vang danh lịch sử Phật giáo Việt Nam một thời tại hải ngoại; nhất là giai đoạn đầu tiên, khi Phật giáo Việt Nam mới bắt đầu du nhập vào Âu Mỹ.

Từ đó tôi cũng muốn làm sao thỉnh được một bộ Đại Tạng này. Thuở ấy thỉnh 94 tập, kể cả tiền chuyên chở tổng cộng chừng 2.000 USD, nhưng thỉnh liền về Đức thì không có chỗ để, đến khi dời về đường Eichelkampstr, Hannover, chúng tôi đã được Bộ Nội Vụ Cộng Hòa Liên Bang Tây Đức giúp cho tài chánh để thỉnh bộ Đại Tạng này về Đức. Khi thỉnh về xong, Thầy trò cũng chỉ để chiêm ngưỡng; chứ chưa dám đọc vào nội dung, vì thấy bộ Đại Tạng này quá đồ sộ. Đây là nhân duyên của bộ Đại Tạng chữ Hán có mặt tại thư viện Chùa Viên Giác Hannover.

Bộ Đại Tạng thứ ba đang có mặt tại thư viện của Tổ Đình Viên Giác ở Hannover, Đức Quốc là bộ Càn Long Đại Tạng bằng chữ Hán, khắc chạm theo lối xưa. Đọc theo lối phát âm Trung Hoa là Chien-Lung Tripitaka. Bởi lẽ bộ Đại Tạng này được hình thành dưới Triều Vua Càn Long tại Trung Quốc.

Ông sinh vào ngày 25 tháng 9 năm 1711 và đến ngày 7 tháng 12 năm 1799 thì băng hà, thọ 88 tuổi. Ông lên ngôi Hoàng Đế vào ngày 11 tháng 10 năm 1736 lúc 25 tuổi và đến ngày 1 tháng 9 năm 1795 thì thoái vị. Ông trị vì ngôi vua đến 60 năm. Đây là vị Hoàng Đế có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc (theo Wikipedia tiếng Việt).

Bộ Đại Tạng kinh này gồm có 168 tập và gồm 1669 bản kinh khắc trên gỗ và in chữ lớn dễ đọc. Bộ này do “Phật Đà giáo dục cơ kim hội” in để tặng. Hội này do đệ tử của Pháp sư Tịnh Không thành lập tại Đài Loan và Pháp sư làm Chứng minh Đạo sư, vì Pháp Sư Tịnh Không thường ở tại Úc và Singapore nhiều hơn Đài Loan. Nơi in ấn do công ty “Biên tập bộ Bảo ấn Phật kinh lưu thông xứ” đảm trách và nơi xuất bản là “Truyền Chánh hữu hạn công ty”. Địa chỉ tại số 102 ngõ số 1 đường Hớn Thành, phố Tân Trang, huyện Đài Bắc. Đại Tạng in xong vào ngày Nguyên Đán năm 1999. Tất cả 168 tập này được in ấn cẩn thận, đóng gói kỹ lưỡng, gởi tặng trực tiếp đến các chùa người Việt và chùa người Hoa đang có mặt trên thế giới. Đây là một công đức không nhỏ mà trong các bộ kinh lớn như Bát Nhã, Pháp Hoa, Bảo Tích, Niết Bàn đều có đề cập đến công đức của người trì kinh hay biên chép, đọc tụng lời Phật dạy, nhằm làm cho giáo pháp của Đức Phật luôn được tiếp nối trên thế gian này, là những việc làm đáng tán thán ngợi khen.

Ngày xưa Đức Phật dạy chư Thánh đệ tử bằng lời nói truyền miệng từ người này qua người khác, từ thời này qua thời khác. Bởi vì thuở bấy giờ văn tự chưa chính thức hình thành. Mãi sau khi Đức Phật nhập diệt trên dưới 500 năm, kinh văn mới được viết trên những lá bối và từ từ khi chữ viết đã có rồi, người ta cho khắc chữ của kinh lên những phiến đá. Ví dụ như “Phân kinh thạch đài” mà Thái tử Lương Chiêu Minh, con Vua Lương Võ Đế đã cho khắc chữ vào đá ở thế kỷ thứ 7 để đời sau người ta vẫn thường hay nhắc nhớ đến.

Rồi từ đó việc chép tay cứ mãi lưu truyền, và người đời sau lại nghĩ ra cách làm sao chỉ viết một lần mà in ra được nhiều bản kinh, cho nên mới rập chữ viết lên gỗ và cho thợ khắc những bản gỗ ấy trong nhiều năm tháng mới xong một Đại Tạng kinh như vậy. Bộ Đại Tạng kinh khắc trên mộc bản còn tồn tại trọn vẹn cho đến ngày nay tiêu biểu là những bản khắc gỗ tại Chùa Haeinsa (Hải Ấn Tự) ở Nam Hàn. Bộ chạm khắc Đại Tạng này trên 81.258 tấm gỗ và được lưu giữ từ năm 1398 đến nay, nghĩa là đã hơn 600 năm rồi, nhưng bộ Đại Tạng kinh này vẫn còn tồn tại.

Tại Nam Hàn, những chùa được xây dựng trên các dãy núi cao như Chùa Bulguksa hay Phật Quốc tự (佛國寺; chữ Hàn: 불국사), hay Chùa Tongdosa hay Thông Độ Tự (通度寺; chữ Hàn: 통도사), Chùa Haeinsa hay Hải Ấn tự (海印寺, chữ Hàn: 해인사) v.v… đều được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Bản thân chúng tôi đã nhiều lần được đảnh lễ Phật, tham quan và đặc biệt là chiêm ngưỡng cũng như đảnh lễ Đại Tạng kinh bằng gỗ này, được trang trọng giữ gìn tại chùa Hải Ấn. Nhìn chung quanh tường chẳng có một lò sưởi nào cả, mà những mộc bản này được bảo vệ rất tốt, hầu như không bị mối ăn hay gỗ bị nứt nẻ v.v… quả thật là một điều bất khả tư nghì, ít ai có thể suy nghĩ và so lường được là làm thế nào để bảo quản giữ gìn những mộc bản này, còn tồn tại với thời gian lâu như vậy mà chẳng bị hề hấn gì cả.

Khi khoa học kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ hơn, người ta đã nghĩ đến việc chế tạo những con chữ Hán ấy lên trên những miếng thép nhỏ, mỏng, nhẹ để khi in một quyển sách hay một quyển kinh, người thợ in chỉ cần lắp chữ vào từng ô và dàn thành trang để in thành sách. Tất cả đều thao tác bằng tay và máy chạy chỉ là phần phụ.

Sau này khi đến bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, thì phần in ấn đã tiến bộ khá nhiều rồi, người ta không tốn công sắp từng chữ như bộ Đại Tạng kinh xuất bản năm 1973 hay bộ Càn Long Đại Tạng nữa, mà ngay cả chữ Hán cũng như tiếng Nhật hay tiếng Đại Hàn đã được đưa vào máy chữ. Thư ký chỉ cần gõ vào bàn phím là những con chữ sẽ hiện ra và dàn trang thành sách, đem chụp phim, làm bản kẽm, và từ đó chế tạo thành nhiều thành phẩm tùy theo số lượng muốn in nhiều hay ít.

Nếu so với gần 2.000 năm trước thì bây giờ nghề ấn loát đã phát triển quá sức tưởng tượng của con người rồi, và dĩ nhiên khi khoa học kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, thì mọi khâu in ấn ngày càng nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn.

Ví dụ như in báo Viên Giác vào thời điểm năm 1979 đến nay 2021, trải qua 42 năm như vậy có rất nhiều thay đổi như sau.

Ban đầu chúng tôi đánh máy chữ không phải loại tự động, không có dấu. Tất cả đều sử dụng theo động tác của hai bàn tay, hay nói đúng hơn là 10 ngón tay. Đôi khi chỉ sử dụng có hai ngón trỏ, vì lẽ đa phần người giúp việc chùa đều thuộc loại nghiệp dư, chưa qua khóa học đánh máy chữ in lần nào.

Nhớ lại trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam đã có máy đánh chữ bằng tiếng Việt, được chế tạo tại Hamburg, Tây Đức. Do vậy khi mới đến Đức vào năm 1977 tôi cũng có ý tìm loại máy chữ này để mua và khỏi phải viết tay, lại phải tốn công đánh máy nữa. Nhưng sau thời gian 1978, 1979 tại nước Đức đã có máy đánh chữ bằng điện, sử dụng rất tiện lợi. Tuy không có dấu; nhưng có nhiều kiểu chữ khác nhau, nếu chúng ta muốn thay đổi mẫu mã của chữ, chỉ cần thay vòng cầu tròn sắt có đúc chữ cái a, b, c trên đó, ngay lập tức chúng ta sẽ có một mẫu chữ như ý. Nếu muốn có chữ lớn hơn thì nhấn nút thành chữ in.

Tuy nhiên những loại chữ lớn như ngoài bìa báo Viên Giác thì phải mua ngoài tiệm bán bút chỉ văn phòng mới có, sau đó đem về cà chữ lên giấy và dán vào trang mình muốn trình bày. Các dấu sắc, huyền, hỏi, nặng, ngã cũng phải kẻ dấu bằng tay; giống như những bài báo đã được đánh ra từng trang vậy.

Ngày ấy cách đây hơn 40 năm về trước, nếu lỡ đánh sai một chữ thì phải dùng một loại giấy thấm màu trắng cho ngay vào chỗ chữ sai, đánh chồng lên đó mẫu chữ đúng thì sẽ có một chữ tương đối hoàn hảo đã sửa xong. Tuy là đẹp hơn sửa bằng tay, nhưng vết sửa lại vẫn còn đó.

Làm báo Viên Giác tuy không phải sắp chữ như những nhà in thuở xưa, nhưng nhiêu khê cũng không phải là ít. Sau khi kiểm soát lại lần cuối lỗi chính tả đã đánh dấu trên tờ bản chính, đoạn mang đi chụp phim, và từ tờ phim đó chụp chung với bản kẽm. Khi nào chữ hiện lên trên bản kẽm, mới bắt đầu cho máy chạy và quay từng 10, 100, 1000 hay nhiều ngàn tờ nữa. Kế đến lấy bản kẽm ra và bôi mỡ lên để sau này cần sử dụng lại thì chỉ cần rửa sạch loại mỡ bôi lên trên bản kẽm bằng một loại thuốc đặc biệt, là chúng ta có thể bắt đầu in thêm số lượng mình cần, cũng như cho mực in ít nhiều theo số lượng tờ mà mình muốn in thêm.

Giai đoạn kế tiếp là sắp tay thành quyển báo, rồi đóng đinh hay dán keo vào gáy báo, sách nếu quyển ấy dày hơn bình thường. Công đoạn cuối cùng là đem cắt xén 3 mặt, cho vào bao thư, sau khi dán tem, dán địa chỉ người nhận, mang ra bưu điện để gởi đi. Như thế là xong một số báo.

Cách đây chừng 30 năm về trước thì đã có máy chữ tiếng Việt ở dạng Unicode hay nhiều dạng khác nữa, được các kỹ sư Việt Nam chế tạo ra, nên việc xuất bản báo chí, sách vở tiện lợi, nhanh chóng vô cùng. Dĩ nhiên là cũng phải đánh máy, nhưng Computer hay Laptop bây giờ có thể sửa giùm chữ sai cho mình, ngay cả viết sai lỗi chính tả, bất cứ ngôn ngữ nào. Từ đó chỉ cần đem in, là chúng ta sẽ có một thành phẩm như ý.

Ngày xưa còn phải in ra 500 hay 1.000 cuốn, khiến không có đủ kho để lưu trữ. Bây giờ thì đơn giản tiện lợi hơn rất nhiều, nghĩa là sau khi đã layout một quyển kinh, sách hay báo xong, chỉ cần đưa lên Amazon và lưu trữ sách báo tại đó, giống như một thư viện lớn, sau đó có thể in bất cứ lúc nào và in bao nhiêu cuốn cũng được, số lượng sẽ được đáp ứng theo nhu cầu người đặt.

Do vậy một quyển sách, một quyển tự điển và ngay như một bộ Đại Tạng Kinh, bây giờ người ta chỉ cần một đĩa cứng (hard disk) hay một thẻ nhớ (memory card) là có thể dung chứa hết Tam Tạng Kinh điển, để mang theo đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới này cũng được.

Bây giờ người ta ít học thuộc lòng như xưa nữa, những gì không biết, chỉ cần mở máy ra, hỏi thắc mắc ấy với hệ thống Google, chỉ cần vài giây sau là có đáp án rất chính xác. Ví dụ như một người học về nền Đệ nhất Cộng Hòa của Pháp mà quên ngày tháng năm, thì Google sẽ giúp ta biết được rằng: Cuộc cách mạng của Pháp do Napoléon chủ trương đúng vào ngày 14 tháng 7 năm 1789. Cứ như vậy chúng ta có thể tìm bất cứ từ gì không biết hay lịch sử của nước nào không nhớ, không rõ thì chúng ta sẽ có đáp ứng ngay.

Không biết trong tương lai khi khoa học tiến bộ nhiều hơn bây giờ, lúc ấy con người sẽ ra sao? Thì câu trả lời chưa có gì chắc chắn, nhưng điều chắc chắn xảy ra trong tương lai là con người sẽ lệ thuộc vào máy móc quá nhiều và ta sẽ không còn là ta nữa. Hãy nhìn các loại robot trong hiện tại thì đủ rõ.

Tôi vốn sinh ra từ chốn ruộng đồng, lũy tre, bờ ruộng, mới chỉ 73 năm thôi, khi nhìn lại cuộc sống trong quá khứ phải giật mình nhiều lần, thầm nghĩ: “Nhờ đâu mà mình có được bước đi ngàn dặm ấy, nếu không phải nhờ vào sự trợ duyên của khoa học, kỹ thuật?”

Bộ Đại Tạng Kinh thứ tư mà thư viện Tổ đình Viên Giác tại Hannover có được là bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taishō Shinshū Daizōkyō). Tại sao gọi là Đại Chánh? Đây là tên của một vị Thiên Hoàng Nhật Bản, trị vì nước Nhật từ năm 1912 đến 1926. Bắt đầu Đại Chánh năm thứ 11, tức từ năm 1922 đến Thiên Hoàng Chiêu Hòa năm thứ 9, nhằm năm 1934 thì bộ Đại Tạng Kinh này được hoàn thành. Trong vòng trên dưới 13 năm ấy (1922-1934) chúng ta ngày nay đã có một bộ Đại Tạng Kinh được giới học giả Phật giáo quan tâm nhiều nhất và được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, để người học Phật có cơ sở tham khảo, học hỏi.

Từ ngày được xuất bản lần đầu, trong nhiều năm in ấn khác nhau tại Nhật cũng như Đài Loan và mãi cho đến năm 1990, bộ Đại Tạng Kinh này mới hoàn tất 100 tập tất cả. Từ tập 1 đến tập thứ 54 là những Kinh, Luật, Luận như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Bộ Bản Sanh, Bộ Bát Nhã, Bảo Tích, Niết Bàn, Pháp Hoa v.v… rồi luật, sớ giải, luận v.v… Từ tập 55 đến tập thứ 85 là những sớ giải Kinh điển của Trung Quốc và Nhật Bản. Từ tập 86 đến tập 100 gồm mục lục, họa đồ hình Phật, Bồ Tát v.v…

Theo lời dẫn trong phần Duyên Khởi của Mục Lục thì được biết rằng, để kỷ niệm 30 năm hoằng pháp của Pháp Sư Tịnh Không ở ngoại quốc, nên Tài Đoàn Pháp Nhân, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội muốn in 300 bộ (mỗi bộ 100 quyển) để ấn tống và lời Duyên Khởi này được viết năm 1989. Đến phần Lời Tựa tái bản thì được viết vào tháng 12 năm Dân Quốc năm thứ 63; tức năm 1974 (1911 + 63) đã được chuẩn bị rồi và mãi đến năm 1990 mới hoàn tất.

Người đề xướng việc ấn loát này là Pháp Sư Tịnh Không. In ấn Đại Chánh Đại Tạng Kinh để tặng đến các nơi là: Tài Đoàn Pháp Nhân, Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội, xuất bản bộ. Nơi in ấn Đại Tạng Kinh này ở từng lầu thứ 11, số 55/1, đường Hàng Châu nam, thành phố Taipei. Tel. 02 3914 188 – 3914 689. Fax: 02 39134 15. Cơ quan được thừa nhận việc in ấn này là: Thế Hoa ấn loát xí nghiệp hữu hạn công ty. Nơi làm ra bản in: Hoa Thái Thải sắc chế bản hữu hạn công ty. Nơi hoàn chỉnh: Hoa Hinh chế bản sở. Phía trên cùng in bánh xe Pháp Luân, hai bên để 4 chữ: Pháp Luân Thường Chuyển và cuối trang này có những chữ in đậm như sau: (Tặng tống, phi mãi phẩm).

Công đức thật là vô lượng của những người Phật tử Đài Loan và Hồng Kông đã đóng góp vào để 300 chùa viện trên thế giới được làm chủ bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 100 quyển này.

Thuở ấy sau năm 1990 thì Hòa Thượng Thích Đức Niệm không còn ở Đài Loan nữa, chỉ còn lại Hòa Thượng Thích Chánh Lạc và Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh vẫn cư ngụ tại đó. Trong đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, mỗi lần tôi sang thăm Đài Loan thường hay ghé Linh Sơn giảng đường ở Đài Bắc, nơi cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh Trụ trì và được biết Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội đang ấn tống bộ Đại Tạng kinh này, nên tôi đã nhờ Hòa Thượng thỉnh giùm và dĩ nhiên là kể cả tiền gởi nữa, Hội này cũng đài thọ luôn.

Nếu chúng ta tự thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh như vậy vào thời điểm ấy chắc cũng không dưới 5.000 USD. Trước đó tôi cũng có nhiều lần nhờ Hòa Thượng Tịnh Hạnh thỉnh giùm Đại Hồng Chung và trống Bát Nhã, vì trước năm 1986 ở Việt Nam chưa có giao thương với các nước phương Tây, nên đa số những pháp khí, pháp cụ thiền môn thường hay được đặt tại Đài Bắc, giá cả phải chăng hơn ở Nhật. Còn pháp khí của Đại Hàn không hợp mắt lắm với Phật giáo Việt Nam, ngoại trừ tiếng kêu của chiếc mõ thật là ấm áp khi đánh để tụng kinh.

Riêng Hòa Thượng Thích Chánh Lạc chúng tôi không có duyên, nên kể từ khi Ngài ở Đài Loan cho đến khi Ngài sang định cư tại Hoa Kỳ và mãi cho đến nay tôi cũng không liên hệ nhiều như cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm và Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh.

Bộ Đại Tạng Kinh này gồm 100 quyển, rất là đồ sộ, chúng tôi cho an trí vào thư viện và để đó tôn thờ cho đến năm 2003 mới chính thức mở kinh văn ra để đọc (xin xem phần chi tiết ở Chương 3).

Bây giờ tôi xin tạm dịch 6 điểm trọng yếu của Pháp Sư Tịnh Không, đã đề bút ở trang đầu của quyển Mục Lục này, và ngay như chữ Đại Tạng Kinh cũng do Pháp Sư Tịnh Không chấp bút, nét bút rất cứng cáp và mạnh mẽ.

- Phật giáo (lời dạy của Phật) là Đức Phật đối với chín pháp giới chúng sanh, làm cho đến được viên mãn thiện lương, là mục đích của sự giáo dục.

- Đức Thích Ca trong 49 năm thuyết pháp của tất cả các Kinh điển, nội dung đều là nói rõ về chơn tướng của vũ trụ nhơn sinh. Nhơn sinh ấy tựu trung là tự kỷ và vũ trụ ấy chính là hoàn cảnh của sự sinh hoạt của chúng ta.

- Rõ biết thì gọi là Phật và Bồ Tát; còn chẳng rõ biết thì gọi là phàm phu.

- Tu hành có nghĩa là chúng ta cùng với vũ trụ nhân sinh thấy rõ biết được pháp, nhớ đến pháp, nói pháp, làm như pháp; thế là tu đúng.

- Cương lĩnh tu hành của Phật dạy là giác ngộ thanh tịnh chơn chánh. Giác ấy tức là không mê, chánh ấy là chẳng tà, tịnh đó là không nhiễm, đều ứng vào tam học giới, định, huệ, để mong cầu đạt đến mục tiêu này.

- Sự tu học căn bản là làm cho 3 loại phước, tiếp người nương vào lục hòa, xử thế tu Lục độ, tôn kính hạnh Phổ Hiền, quy tâm Tịnh Độ, thì việc giáo hóa của Phật mới có thể thành tựu được.

Phần sau của Mục Lục này từ trang số 1 cho đến trang 171, nhà xuất bản cho xếp thứ tự kinh văn không theo số như chữ Hán ở phía trước từ bản kinh số 1 đến kinh thứ 2920, mà là sắp thứ tự theo âm vận Nhật Bản như: a, i, ư, ê, ô; ka, ki, ku, ke, ko; sa, shi, su, se, so; ta, ti, tsu, te, to; na, ni, nu, ne, no; ha, hi, hu, he, ho; ma, mi, mu, me, mo; ya, yu, yo; ra, ri, ru, re, ro và wa. Nếu là người Nhật thì tra theo kiểu này nhanh hơn. Riêng người Việt chúng ta, nếu quý vị muốn tra Kinh điển trong 2.920 kinh ấy theo thứ tự a, b, c thì nên xem cách chia cũng giống như chữ Nhật; nhưng theo 24 chữ cái của Việt Nam giống như anh Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến đã cho dịch ra tiếng Việt và đăng tải trên trang nhà: rongmotamhon.net rất là tiện lợi khi chúng ta muốn tìm một loại kinh văn nào, khi chúng ta đã biết đề tên của kinh.

Kinh, Luật, Luận của Phật giáo là một rừng trầm hương, cả lá, hoa, rễ, gốc đều thơm phức; nếu chúng ta không vào đó để tận hưởng những hương thơm của giới đức, của giới định tuệ này thì uổng lắm quý vị ơi!

Cả một đời của người xuất gia mà không bước được vào rừng trí tuệ này thì quả là uổng phí vô cùng. Bây giờ có đủ loại ngôn ngữ để cho chúng ta tham cứu, học hỏi, không nên biện bạch vì lý do này hay lý do khác mà không tiếp cận để thời giờ lo cho những việc bao đồng của một kiếp nhân sinh thì quá uổng phí quý vị ơi! Hãy tinh tấn dũng mãnh lên để lặn hụp vào biển pháp trí tuệ này.

Do vậy Đức Phật mới dạy rằng: Ai hiểu được pháp, người ấy sẽ hiểu được Phật và ai hiểu được Phật, người ấy sẽ hiểu được pháp. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài đã chẳng để lại cho người xuất gia hay tại gia những lâu đài, cung điện nào nguy nga đồ sộ, mà Ngài đã chỉ để lại Pháp và chỉ truyền thừa Pháp. Nếu chúng ta biết nương theo Pháp để tu, có nghĩa là chúng ta tuân thủ theo lời giáo huấn của Ngài giống như 6 điểm mà Pháp Sư Tịnh Không đã nêu ra bên trên. Nếu chúng ta làm ngược lại lời Phật dạy, có nghĩa là chúng ta không phụng hành sự dạy dỗ của Ngài trong suốt 45 năm (hoặc 49 năm theo Đại Thừa) ấy.

Điều cần nhất của mỗi người trong chúng ta hiện tại là hãy can đảm ngồi lại hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm để đọc và suy gẫm. Chỗ nào đọc chưa thông, chưa rõ thì đọc lại lần thứ hai, lần thứ ba trở đi chúng ta sẽ thấu nghĩa lý của lời Phật dạy. Hãy đừng nản chí khi đọc một câu văn hay câu kệ, nghĩa lý chưa thông đã vội gấp kinh sách lại. Làm như thế chỉ chính mình là bị thiệt thòi thôi, còn kinh sách vốn chỉ là những con chữ bày biện ra trước mặt của chúng ta, hình thức có lớn có nhỏ khác nhau, nhưng nội dung thì vẫn vậy.

Mục đích chính của những lời dạy này là giúp cho chúng ta làm sao có thể thoát ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi, xa rời biển mê, trở về bờ giác. Đó là lời dạy của Đức Phật vậy.

Để hình dung ra hình thức cũng như nội dung của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh như thế nào, bắt buộc tôi phải vào Google truy tìm để tốn ít thời gian hơn. Vì lẽ đã có người đi trước tìm hiểu rồi, mình có thể an tâm sao chép lại và ghi chú xuất xứ rõ ràng. Đó là lương tâm của người cầm bút, không thể chép nguyên câu văn và ý tứ của người khác và đề tên mình vào đó, là một sự ăn cắp văn rất đáng trách và không xứng đáng với đạo đức của người cầm bút.

Đối với những vị không biết chữ Hán thì phải nói là một sự mất mát đáng tiếc. Bởi lẽ nếu chữ Hán rành rẽ khi đọc vào sẽ hiểu ngay, nếu chỉ đọc chữ Hán Việt thì chưa chắc gì đã hiểu liền, phải cần có thời gian tra tự điển nữa. Tuy nhiên những tài liệu trích dẫn sau đây chưa chắc đã hoàn toàn đúng 100%, cho nên ở đây chúng tôi chỉ gọi là tham khảo mà thôi, còn đúng sai việc này cần thời gian và năm tháng để thẩm định lại.

Dưới đây là phần tham cứu tổng quát của 85 tập kể từ Kinh văn số 1 đến Kinh văn thứ 2920 được chia ra như sau:

KINH TẠNG

Bộ A Hàm (0001-0151)

Bộ Bản Duyên (0152-0219)

Bộ Bát Nhã (0220-0261)

Bộ Pháp Hoa (0262-0277)

Bộ Hoa Nghiêm (0278-0309)

Bộ Bảo Tích (0310-0373)

Bộ Niết Bàn (0374-0396)

Bộ Đại Tập (0397-0424)

Bộ Kinh Giáo (0425-0847)

Bộ Mật Giáo (0848-1420)

LUẬT TẠNG

Bộ Luật (1421-1504)

LUẬN TẠNG

Bộ Thích Kinh Luận (1505-1535)

Bộ Tỳ Đàm (1536-1563)

Bộ Trung Quán (1564-1578)

Bộ Du Già (1579-1627)

Bộ Luận Tập (1628-1692)

Bộ Kinh Sớ (1693-1803)

Bộ Luật Sớ (1804-1850)

TẠP TẠNG

Bộ Chư Tông (1851-2025)

Bộ Sử Truyện (2026-2120)

Bộ Sự Vựng (2121-2136)

Bộ Ngoại Giáo (2137-2144)

Bộ Mục Lục (2145-2184)

Bộ Cổ Dật (2732-2864)

Bộ Nghi Tợ (2865-2920)

Chúng tôi cũng đã tra cứu thêm phần nội dung của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshyu Daizokyo) trên mạng thì thấy trang nhà của Ni Giới Khất Sĩ thuộc Giáo Hội Liên Hoa do Sư Cô Tuệ Liên “Giới thiệu sơ lược về Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” từ ngày 12 tháng 3 năm 2017, có trên 7.302 người vào tham cứu và sau đây chúng tôi cũng xin đăng lại phần nghiên cứu này của Sư Cô để mọi người khi đọc đến Đại Tạng Đại Chánh có một cái nhìn tổng quát hơn.

Giới thiệu sơ lược về Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh

CẤU TRÚC ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, gọi tắt là Đại Chánh Tạng, là bộ Đại Tạng Kinh hiện nay được giới học thuật nghiên cứu hoan nghênh ưa thích nhất.

Đại Chánh Tạng được bắt đầu biên tập trong thời gian niên hiệu Đại Chánh (1912-1926) (Nhật Bổn) năm thứ 11 cho đến niên hiệu Chiêu Hòa năm thứ 9 (1922 đến 1934) vì thế còn có tên là Đại Nhật Bổn Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, do vị học giả Cao Nam Thuận Thứ Lang (Takakusu Junjiroo, 1866-1945), Độ Biên Hải Húc (Watanabe Kaikyoku, 1872-1933) chủ biên, Thiếu Dã Huyền Diệu (1883-1939) chủ nhiệm biên tập hiệu đính, cùng với sự đóng góp tích cực của rất nhiều nhà học giả Phật giáo.

Bộ Đại Tạng Kinh này từ khi ra đời cho đến nay đã hơn 80 năm, đã trở thành một loại thông hành nhất trong giới học thuật Phật giáo. Sự ảnh hưởng của nó rất lớn, tỷ suất sử dụng rất cao, có thể nói những bộ Đại Tạng Kinh đời trước đều không thể sánh bằng.

Nhưng mà, đối với sự ưu khuyết điểm vẫn còn có nhiều cách nhìn khác nhau, đánh giá bộ Đại Tạng Kinh này như thế nào vẫn là vấn đề giới học thuật vô cùng quan tâm chú ý.

1) Duyên khởi và tôn chỉ biên tập

1.1 Duyên khởi

Thời cận đại, một số học giả Phật giáo Nhật Bổn như Nam Điều Văn Hùng (1849-1927), Cao Nam Thuận Thứ Lang (1866-1945), Độ Biên Hải Húc (1872-1933), Hoạch Nguyên Vân Lai (1869-1937) lần lượt du học các nước Tây phương như Anh, Đức. Dưới sự chỉ đạo của các vị học giả Tây phương, các vị này nghiên cứu học tập Phạm văn, Pali, Tạng văn, đồng thời triển khai việc chỉnh lý và nghiên cứu văn hiến Hán văn Phật giáo.

Nam Điều Văn Hùng ở Đại học Oxford nước Anh theo học với Mạch Khắc Tư Mâu Lặc (麥克斯繆勒, Friedrich Max Muller, 1823-1900) học tập Phạm văn và nghiên cứu nguyên điển Phạm văn cùng các Kinh điển Hán văn của Phật giáo. Luận văn tiến sĩ của ông là “Nhật Bổn Chân Tông Nam Điều Vân Hùng dịch bổ Đại Minh Tam Tạng Thánh Giáo mục lục”, là một tác phẩm có tánh đại biểu.

Cao Nam Thuận Thứ Lang theo học với Tiến sĩ Mục Lặc (穆勒, Muller) ở trường Đại học Oxford, nghiên cứu Phạm văn và so sánh tôn giáo học, trong thời gian du học đã dịch những Kinh sách Hán văn như “Quán Vô Lượng Thọ Kinh”, “Nam Hải Ký Quy Nội Pháp truyện” thành tiếng Anh. Sau khi về nước, đã từng đảm nhiệm giảng sư, giáo sư trường Đại học Đông Kinh, Hiệu trưởng trường Đại học Đông Dương, bồi dưỡng một số học giả Phật giáo nổi tiếng như Thiếu Dã Huyền Diệu, Mộc Tôn Thái Hiền….

Độ Biên Hải Húc, Hoạch Nguyên Vân Lai… du học nước Đức, sau khi trở về nước giảng dạy Phật học tại các trường tôn giáo. Dưới sự cổ động thúc đẩy của nhóm học giả Phật giáo này, cùng với sự ảnh hưởng tư tưởng học thuật Tây phương do họ đem về, đầu thế kỷ 20, sự nghiên cứu Phật giáo ở Nhật Bổn, đặc biệt là sự chỉnh lý và nghiên cứu văn hiến Phật giáo xuất hiện một thời kỳ phồn vinh chưa bao giờ có.

Sự biên tập, hiệu đính bộ Đại Chánh Tạng được triển khai trong hoàn cảnh lịch sử như thế. Nhật Bổn thời đó tuy bảo tồn rất nhiều “bảo tạng” Đại Tạng Kinh, nhưng phần nhiều được tôn thờ ở trên những lầu gác cao trong những ngôi chùa danh tiếng, là đối tượng sùng bái lễ lạy của tín đồ. Những bảo tạng này tuy cũng có thể nhìn thấy chiêm ngưỡng, nhưng vì số lượng nó quá lớn, muốn lợi dụng nó để triển khai việc nghiên cứu thật không phải là việc dễ dàng; mà thời Minh Trị (1865-1919) thường thấy là bộ “Súc khắc tạng” “Vạn tự tạng” do người Nhật Bổn biên soạn, ấn hành, nhưng ấn bản này vô cùng khó kiếm, ngàn vàng không dễ mua được, mà phương pháp biên soạn cũ kỹ, khó mà thỏa mãn nhu cầu nghiên cứu của giới học thuật hiện đại. Vì tình huống hiện thực như thế, khiến cho giới học giả Phật giáo sanh ra nguyện vọng tha thiết là biên tập, ấn hành một bộ Đại Tạng Kinh mới, đầy đủ. Vì thế, Cao Nam Thuận Thứ Lang, Độ Biên Hải Húc là những người khai sáng, hướng dẫn học trò tổ chức thành “Đại Chánh Nhất Thiết Kinh San Hành Hội” vào tháng 7, tháng 8 niên hiệu Đại Chánh thứ 11 (năm 1922) bắt đầu triển khai công tác biên soạn Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

1.2 Tôn chỉ biên tập

Về tôn chỉ biên tập của Đại Chánh Tạng, Ban Biên Tập đã đưa ra 5 tiêu chí trong lời “San hành thú chí”.

a) Nghiêm mật bác thiệp hiệu đính: tức là hiệu đính một cách chặt chẽ, rộng rãi, sưu tập tất cả những bản viết tay cổ xưa từ Lục Triều vừa phát hiện, bao gồm các bản Kinh viết tay được bảo tồn ở các nước Anh, Pháp, Đức, và bản viết tay Thiên Bình Cổ tả kinh ở Chánh Thương viện và các bản viết tay trong các tự viện ở Nhật Bổn, tiến hành đối chiếu hiệu đính một cách chặt chẽ tỉ mỉ để sửa chữa những sự sai sót, lầm lẫn trong các bản Kinh.

b) Biên soạn thanh tân châu mật: tức trên cơ sở nghiên cứu học thuật hiện đại, bỏ đi sự phân loại và phương pháp sắp xếp không khoa học của các bộ Đại Tạng Kinh đời trước, sắp xếp lại mục lục, khiến cho hệ thống tổ chức bộ Đại Tạng Kinh tân biên này càng thêm rõ ràng trong sáng, đồng thời tăng gia thêm những quyển kinh sách thất truyền, quý hiếm vừa mới phát hiện, khiến cho nội dung bộ Đại Tạng Kinh nay như gấm thêm hoa.

c) Phạm Hán đối chiếu: tức phàm là Phạm ngữ, Pali cùng với các nguyên bổn, đều phải đối chiếu cho chính xác rõ ràng, bất luận là tên kinh, tên phẩm, hoặc tên người, tên địa phương trong Kinh điển, v.v… đều phụ chú nguyên ngữ, để làm rõ nguồn gốc của từ ngữ, tiện việc nghiên cứu duyệt đọc.

d) Chế định sách dẫn (hướng dẫn tra cứu) nội dung của Kinh điển cùng với bản đối chiếu các bộ Đại Tạng Kinh và phụ lục thêm mục lục các bản viết tay cùng với bản Phạm văn hiện tồn, để dễ dàng nghiên cứu.

e) Tiện lợi: Bộ Đại Tạng Kinh mới này tiện lợi đem đi, giá cả thấp, giúp ích cho sự lưu truyền rộng rãi Thánh điển.

Có thể nói Ban Biên Tập của bộ Đại Chánh Tạng đã theo những tiêu chuẩn này triển khai công tác biên soạn của họ. Khoảng từ tháng tư Đại Chánh năm thứ 12 bắt đầu duyệt kinh, hiệu đính Kinh điển ở Duyệt Kinh đình chùa Ma Tân Thượng, tháng 4 năm sau xuất bản tập thứ nhất A Hàm bộ, cho đến tháng 11 Chiêu Hòa năm thứ 9 hoàn thành “Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục” tập thứ ba mới ngừng. Công tác biên tập Đại Chánh Tạng đã trải qua 13 năm, cuối cùng đã thực hiện nguyện vọng và mục tiêu mong muốn đạt đến của Ban Biên Tập.

1.3 Đặc điểm

Đại Tạng Kinh có những đặc điểm quan trọng sau:

- Về phương diện sắp xếp bộ quyển: Sáng tạo phương pháp phân loại, sắp xếp thứ tự trước sau y cứ theo lịch sử phát triển Kinh điển. Phương pháp phân loại mới này rất phù hợp quan điểm của các nhà học giả thời nay đối với lịch sử phát triển Kinh điển.

- Về phương diện khảo đính: Y cứ bản “Cao Ly tạng”, tham khảo và so sánh các bản Đại Tạng Kinh Nhật Bổn, các bản Đại Tạng Kinh Trung Quốc (các bản khắc đời Tống, Minh, Nguyên), cùng với các bản kinh được sưu tập cất giữ trong Thư viện Đại Học và liệt kê bản khảo đính ở dưới mỗi trang sách.

- Ngoài việc nghiêm mật khảo đính còn đối chiếu với bản Pali, Phạn ngữ. Dòng khảo đính dưới mỗi trang còn chú thêm các danh từ Pali, Phạn ngữ. Ngoài ra còn có dấu chấm câu, đây cũng là một trong những đặc sắc của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh không giống với các bản khác.

Đại Chánh Tạng do vì thu thập Kinh điển đầy đủ, khảo đính rõ ràng cẩn thận, cách sắp xếp bộ quyển cũng phù hợp với yêu cầu của giới học thuật, vì thế trở thành bộ Đại Tạng Kinh thông dụng nhất của các nhà học giả nghiên cứu Phật giáo. Các tác phẩm học thuật dẫn dụng Kinh điển Phật giáo, đều dùng Đại Chánh Tạng làm y cứ, và ghi rõ số quyển, số trang. Do đó có thể thấy được tính chất quan trọng của bộ Đại Tạng Kinh này.

2) Sự phân loại đặc sắc và nội dung phong phú

Toàn bộ Đại Tạng chia làm 3 phần. Chánh tạng 55 tập, Tục tạng 30 tập, Biệt quyển 15 tập (đồ họa 12 tập, tổng mục lục 3 tập), tổng cộng 100 tập. Thu thập Kinh Luật Luận và các trước tác soạn thuật của Trung Quốc, Nhật Bổn nhiều hơn các loại Đại Tạng Kinh từ trước đến nay, gồm có 3.493 bộ, 13.520 quyển.

Toàn tạng có tất cả 100 tập, thu thập tất cả Kinh điển Hán văn Phật giáo, bao gồm đồ tượng (tranh, hình ảnh), tổng mục lục, tổng cộng gồm có 3.493 bộ, 13.520 quyển, trong đó thu thập Đại Tạng Kinh Phật giáo Hán văn lịch đại Trung Quốc gồm có 55 tập (từ tập 1 đến tập 55), đó là phần chánh tạng của Đại Chánh Tạng; Phật giáo Nhật Bổn trước thuật 29 tập (tập 56 đến tập 84), những bản Kinh viết tay Đôn Hoàng và những Kinh điển cổ xưa đã thất truyền (cổ dật) mới phát hiện gồm một tập (gọi là Cổ Dật Bộ, Nghi Tợ Bộ, tập 85) đó là phần tục tạng của Đại Chánh Tạng; phần đồ tượng có 12 tập, “Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục” 3 tập. Đại Chánh Tạng thật là một bộ Đại Tạng Kinh Hán văn hoàn toàn mới, bất luận là sự sắp đặt mục lục, thu thập nội dung, hiệu đính cho đến sắp xếp sách dẫn đều có nhiều thành tựu sáng tạo.

2.1 Sự phân loại và sắp xếp thứ tự của Đại Chánh Tạng

Chánh tạng 55 tập, chia làm 2 phần: Phần Kinh điển phiên dịch gồm có 32 tập (từ tập 1 đến tập 32) chia thành 16 bộ:

1. A Hàm bộ

2. Bổn Duyên bộ

3. Bát Nhã bộ

4. Pháp Hoa bộ

5. Hoa Nghiêm bộ

6. Bảo Tích bộ

7. Niết Bàn bộ

8. Đại Tập bộ

9. Kinh Tập bộ

10. Mật Giáo bộ

11. Luật bộ

12. Thích Kinh Luận bộ

13. Tỳ Đàm bộ

14. Trung Quán bộ

15. Du Già bộ

16. Luận Tập bộ

Phần trước tác soạn thuật của các bậc Cao Tăng cổ đức Trung Quốc còn gọi là Tạp tạng, gồm 23 tập (từ tập 33 đến tập 55) chia thành 8 bộ:

1. Kinh Sớ bộ

2. Luật Sớ bộ

3. Luận Sớ bộ

4. Chư Tông bộ

5. Sử Truyện bộ

6. Sự Vựng bộ

7. Ngoại Giáo bộ

8. Mục Lục bộ

Cộng 2276 bộ, 9042 quyển.

Chánh tạng nếu phân chia theo Kinh Luật Luận thì A Hàm bộ, Bổn Duyên bộ, Bát Nhã bộ, Pháp Hoa bộ, Hoa Nghiêm bộ, Bảo Tích bộ, Niết Bàn bộ, Đại Tập bộ, Tập Kinh bộ, Mật Giáo bộ thuộc về Kinh tạng. Luật bộ như Sa-di-tắc bộ, Ma-ha-tăng-kỳ bộ, Đàm-vô-đức bộ, Tát-bà-đa bộ, Giải thuyết giới kinh (Ca-diếp-di bộ), Bồ-tát giới v.v… thuộc Luật tạng. Thích kinh luận bộ, Tỳ đàm bộ, Trung quán bộ, Du già bộ, Luận tập bộ thuộc Luận tạng. Kinh sớ bộ, Luật sớ bộ, Luận sớ bộ, Chư tông bộ, Sử truyện bộ, Sự Vựng bộ, Ngoại giáo bộ và Mục Lục bộ thuộc Tạp tạng.

Tục tạng gồm 30 tập (từ tập 56 đến tập 85), chia thành 7 bộ:

1. Tục Kinh sớ bộ

2. Tục luật sớ bộ

3. Tục luận sớ bộ

4. Tục chư tông bộ

5. Tất-đàm bộ

6. Cổ dật bộ

7. Nghi tợ bộ

Trong đó ngoài 2 bộ Cổ dật bộ, Nghi tợ bộ thu thập Kinh điển Đôn Hoàng ra, các phần còn lại đều là các trước tác của Nhật Bổn.

Đồ tượng bộ gồm 12 tập, thu thập các loại hình tượng Phật nổi tiếng lưu truyền qua các triều đại ở Nhật Bổn, và tượng Kim Cang, tượng Minh Vương Mật tông, cùng với các loại họa đồ Mạn-đà-la. Tổng cộng có 367 bộ, 1.345 quyển.

Ở trên tổng cộng tất cả là 31 bộ.

Tổng mục lục 3 tập thu thập mục lục các bản Đại Tạng Kinh các triều đại Trung Quốc và mục lục Tạng kinh các bản khác, bản viết tay ở các tự viện Nhật Bổn, cùng với tổng mục lục, bản chỉ dẫn Đại Chánh Tạng, mục lục người dịch, v.v… tất cả 77 loại.

Cách phân chia của Đại Chánh Tạng, đã làm thay đổi truyền thống lịch sử sắp xếp phân loại Đại Tạng Kinh Hán văn Phật giáo, cách sắp xếp này không chia thành Kinh điển Đại Thừa, Kinh điển Nguyên Thủy, mà theo sự ra đời và lưu truyền thời gian trước sau mà sắp xếp thứ tự, sắp A Hàm bộ đứng đầu, thứ đến là Bổn Duyên bộ, nội dung chủ yếu là những câu chuyện bổn sanh, bổn sự của Đức Phật; sau đó là Kinh Luật Luận và các trước tác của Phật giáo Trung Quốc, các trước tác của Phật giáo Nhật Bổn, Đại Chánh Tạng theo thứ tự đó mà hội tập các loại Kinh điển Phật giáo.

Cách phân loại này trong tất cả mục lục Đại Tạng Kinh và mục lục Kinh điển Phật giáo lịch đại không thấy bất cứ y cứ nào để tham chiếu, đây là cách phân loại hoàn toàn mới, sáng tạo độc đáo của Đại Chánh Tạng.

2.2 Nội dung sưu tập

Đại Chánh Tạng về mặt nội dung sưu tập Kinh điển Phật giáo đối với các bộ Đại Tạng Kinh trước cũng có sự đột phá. Đại Chánh Tạng không những về trình độ tương đương thâu tóm tất cả nội dung Kinh điển mà các bộ Đại Tạng Kinh trước đã thu thập, còn thu thập một cách rộng rãi những quyển Kinh đã thất truyền từ đời Đường, Tống trở về đây, là các tác phẩm quan trọng của chư Tổ Tịnh Độ Tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông, Pháp Tướng tông, Thiên Thai tông, Tam Luận tông… lần lượt được phát hiện tại các nước Triều Tiên, Nhật Bổn; còn thu thập các địa phương khác. Thống kê sơ lược, các bộ Kinh điển được phiên dịch và các trước thuật Phật giáo Trung Quốc mà các bộ Đại Tạng Kinh trước đời Thanh không có ghi chép, mà được sưu tập trong bộ Đại Chánh Tạng (không bao hàm các bộ Kinh chép tay Đôn Hoàng) khoảng hơn 400 loại, trong đó các Kinh điển phiên dịch khoảng 215 loại (bao hàm biệt bổn) trước thuật Phật giáo Trung Quốc khoảng 220 loại (bao hàm biệt bổn). Đặc biệt là các trước thuật Trung Quốc đã từng phát sanh ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Tác giả của những tác phẩm này phần đông là những bậc nhất đại Tôn Sư khai sáng tông phái thành Tổ. Trong đó có 22 loại trước thuật của Ngài Kiết Tạng là người khai sáng Tam Luận tông: Đại Phẩm Du Ý, Pháp Hoa Huyền luận, Pháp Hoa Nghĩa sớ, Nhân Vương Bát Nhã Kinh sớ, Thắng Man Bảo Khố, Trung Quán Luận sớ, Thập Nhị Môn Luận sớ, Bách Luận sớ, Tam Luận Huyền Nghĩa, Đại Thừa Huyền luận, Nhị Đế Nghĩa…

Ngài Khuy Cơ, đệ tử của Ngài Huyền Trang, người khai sáng Pháp Tướng tông Trung Quốc, có 8 loại: Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Bát Nhã Lý Thú Phân Thuật Tán, Kim Cang Bát Nhã Kinh Tán Thuật, A Di Đà Kinh Sớ, Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Sớ, Kim Cang Bát Nhã Luận Hội Thích, Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật Ký, Biên Trung Biên Luận Thuật Ký, Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy.

Tam Tổ Pháp Tạng, người khai sáng Tông Hoa Nghiêm Trung Quốc, có 14 loại: Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký, Hoa Nghiêm Kinh Văn Nghĩa Cương Mục, Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký, Hoa Nghiêm Sách Lâm, Hoa Nghiêm Kinh Vấn Đáp, Hoa Nghiêm Kinh Nghĩa Hải Bách Môn, Hoa Nghiêm Kinh Quan Mạch Nghĩa Ký, Hoa Nghiêm Phát Bồ Đề Chương…

Ngài Đạo Tuyên, người khai sáng Nam Sơn Luật tông có rất nhiều trước tác luật học, mà không được đưa vào trong các bộ Đại Tạng Kinh xưa mà được thu thập vào bộ Đại Chánh Tạng tám loại: Quan Trung Sáng Lập Giới Đàn Đồ Kinh, Tịnh Tâm Giới Quán Pháp, Thích Môn Chương Phục Nghi, Lượng Xứ Khinh Trọng Nghi, Thích Môn Quy Kính Nghi, Giáo Giới Tân Học Tỳ Kheo Hành Hộ Luật Nghi, Luật Tướng Cảm Thông Truyện, Trung Thiên Trúc Xá Vệ Quốc Kỳ Hoàn Tự Đồ Kinh.

Các trước tác của Tổ Sư Tịnh Độ Tông Trung Quốc có một số không được đưa vào các bộ Đại Tạng Kinh đời trước mà được đưa vào bộ Đại Chánh Tạng như: Lược Luận An Lạc Tịnh Độ Nghĩa của Ngài Đàm Loan đời Bắc Ngụy, An Lạc Tập của Ngài Đạo Xuyết đời Đường, Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn, Chuyển Kinh Hành Đạo Nguyện Vãng Sanh Tịnh Độ Pháp Sự Tán, Y Quán Kinh Đẳng Minh Bát Châu Tam Muội Hành Đạo Vãng Sanh Tán, Vãng Sanh Lễ Tán Kệ của Ngài Thiện Đạo đời Đường…

Trên đây là những trước tác của các vị Tổ Sư các tông phái Phật giáo Trung Quốc, là những văn hiến quan trọng để nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc, các tác phẩm này vì được đưa vào bộ Đại Chánh Tạng mà lưu truyền cho người đời sau, ý nghĩa của việc này thật vô cùng sâu sắc. Đồng thời trong các Kinh điển còn lại ở Đôn Hoàng đã bảo tồn một số Kinh điển quan trọng của Thiền tông trong thời kỳ đầu, những văn hiến Thiền tông này được đưa vào Đại Chánh Tạng, khi bộ Đại Chánh Tạng ra đời, đã làm dấy lên phong trào nghiên cứu Thiền tông của giới học giả Phật giáo 2 nước Trung Hoa - Nhật Bổn, khiến cho sự nghiên cứu Thiền tông trở thành một vấn đề nghiên cứu nóng bỏng của Phật giáo Trung Quốc từ cận đại đến đương đại. Đại Chánh Tạng đã đưa vào một số Kinh sách quan trọng của Thiền tông được tìm thấy ở Đôn Hoàng, chủ yếu gồm có: Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Thừa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Ư Thiệu Châu Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh, Lịch Đại Pháp Bảo Ký, Quán Tâm Luận, Đại Thừa Vô Sanh Phương Tiện Môn, Đại Thừa Bắc Tông Luận, Lăng Già Sư Tư Ký, Truyền Pháp Bảo Ký, Nam Thiên Trúc Quốc Bồ Đề Đạt Ma Thiền Sư Quán Môn.

Ngoài ra trong các trước tác của Phật giáo Trung Quốc, Đại Chánh Tạng còn thu thập hơn 30 loại thuộc Sử Truyện bộ, các loại này cũng không được đưa vào các bộ Đại Tạng Kinh đời trước: Đại Đường Cố Tam Tạng Huyền Trang Pháp Sư Hành Trạng, Hoằng Tán Pháp Hoa Truyện, Pháp Hoa Truyện Ký, Thiên Thai Cửu Tổ Truyện, Vãng Sanh Tịnh Độ Truyện, Hoa Nghiêm Kinh Truyện Ký, Lạc Dương Già Lam Ký…

2.3 Hiệu đính Đại Chánh Tạng

Bộ phận chủ thể chánh tạng của Đại Chánh Tạng lấy bộ Đại Tạng kinh Cao Ly làm gốc, những Kinh sách mà Tạng Cao Ly không đưa vào thì lấy các bộ Đại Tạng Kinh khác do Nhật Bổn thu thập làm gốc, tỷ suất sử dụng tương đối cao là bộ Đại Tạng Kinh đời Minh tức Gia Hưng Tạng và Tục Tạng, tức bộ Đại Nhật Bổn Tục Tạng Kinh, ngoài ra còn dùng các bộ Đại Tạng Kinh khác của trường tôn giáo và các tự viện Nhật Bổn thu thập bảo tồn làm gốc, thường dùng là bổn của Đại học tôn giáo, bổn của Đại học Đại Cốc, bổn của Đại học Long Cốc, bổn Báo Ân Tạng Chùa Tăng Thượng, bổn Đông Đại Tự, bổn Dược Sư Tự…

Các bộ Đại Tạng Kinh cơ bản mà bộ Đại Chánh Tạng hiệu đính là ba loại Tống, Nguyên, Minh. Tống tức là bổn Tư Phúc Tạng được khắc ở đời Tống; Nguyên tức là bổn Phổ Ninh Tạng được khắc ở thời Nguyên; Minh tức là bổn Gia Hưng Tạng được in ở đời Minh. Ngoài ra, Đại Chánh Tạng còn sưu tập những bổn được in ấn và viết tay có giá trị hiệu đính được thu tàng ở các miền trên đất nước Nhật Bổn làm bổn gốc hiệu đính. Ngoài các bổn đã nói ở trên còn có Chánh Thương Viện Thánh Ngữ Tạng (Thiên Bình Tả Kinh), Cung Nội Tỉnh Đồ Thư Liêu bổn (bổn của đời Tống), Đại Đức Tự bổn, Vạn Đức Tự bổn, Thạch Sơn Tự bổn, Đề Hồ Tự bổn, Nhân Hòa Tự Tạng bổn, Chung Thông Bắc Chiếc Thị Tạng bổn, Cửu Nguyên Văn Khố bổn, Sâm Điền Thanh Thái Lang Thị Tạng, Đông Kinh Đế Thất Bác Vật Quán bổn, Tây Phúc Tự bổn, Kim Cang Tạng, Cao Dã Bản bổn, Đôn Hoàng bổn, … cùng với các bản gốc Pali, Phạm văn, Đại Chánh Tạng sử dụng phương pháp hiệu đính là lấy bản gốc và bản hiệu đính từng chữ đối chiếu so sánh, chỉ khảo đính chỗ khác nhau mà không phán đoán, dùng hình thức chú chân để phụ lục phía dưới mỗi trang Kinh.

Trước bộ Đại Chánh Tạng, các bộ Đại Tạng Kinh đời trước trong quá trình biên tập sửa chữa đều có trình tự khảo đính, nhưng không lưu lại kết quả hiệu đính.

Đại Chánh Tạng lần đầu tiên lấy tư tưởng học thuật hiện đại làm chỉ đạo, áp dụng phương pháp căn bản hiện đại khảo đính học, trên cơ sở thu thập tất cả các bộ Đại Tạng Kinh xưa nay, đối chiếu cùng một loại Kinh mà nhiều văn bản, lưu lại kết quả hiệu đính, đó là sự cống hiến rất lớn của Đại Chánh Tạng, cung cấp tài liệu trân quý để nghiên cứu Phật giáo.

2.4 Mục lục và sách dẫn

Sự biên soạn tinh tế của Đại Chánh Tạng còn biểu hiện ở mục lục và sách dẫn, đó là Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục, một phần của Đại Chánh Tạng.

Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục gồm có 3 tập.

Tập thứ nhất ghi chép mục lục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh tổng mục lục, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Nhất Lãm, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Kham Đồng mục lục, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Trước Dịch mục lục (phụ lục Ấn Độ chư luận sư trước tác mục lục) Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh sách dẫn mục lục, và mục lục 15 bộ Đại Tạng Kinh do các tự viện và thư viện Nhật Bổn thâu tàng như: Cung Nội Tỉnh Đồ Thư Liêu Nhất Thiết mục lục, Đông Tự Kinh Tạng Nhất Thiết Kinh mục lục, Nam Thiền Tự Kinh Tạng Nhất Thiết Kinh mục lục, Chánh Thương Viện Ngự Vật Thánh Ngữ Tạng Nhất Thiết Kinh mục lục… trong đó đáng được xem trọng là mục lục của Tư Phúc Tạng, mục lục của Tích Sa Tạng, mục lục của Đôn Hoàng Bổn Cổ Dật Kinh Luận Chương Sớ và Cổ Tả Kinh …

Tập thứ 2: Thu thập 18 loại mục lục, bao gồm Cao Ly Tạng Mục Lục, Chí Nguyên Lục, Cổ Ninh Tạng mục lục, Minh Bắc Tạng mục lục, Long Tạng mục lục, Minh Nam Tạng mục lục, Tạng Bản Kinh Trực Hoa Nhất mục lục (Gia Hưng Tạng mục lục), Thiên Hải Tạng (do Nhật Bổn biên soạn), Súc Khắc Đại Tạng Kinh, Hoàng Bích Tạng, Vạn Tự Tạng, Đại Nhật Bổn Tục Tạng Kinh, bộ Đại Chánh Đại Tạng Kinh Cương Mục Chỉ Yếu Lục…

Tập thứ 3: Thu thập 39 bộ mục lục sách dẫn, trong đó có 5 loại mục lục sách dẫn Tục Tạng Đại Chánh Tạng là Tục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Tổng mục lục, Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Toàn Lãm, Tục Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh Kham Đồng mục lục…; và các mục lục do các tự viện lớn ở Nhật Bổn thâu tàng như Đại Nhật Bổn Phật giáo Toàn Thư Tổng mục lục, Hồ Châu Tư Khê Viên Giác Thiền Viện Tân Điêu Đại Tạng Kinh mục lục, Phúc Châu Đồng Thiền Đại Tạng Kinh mục lục (Sùng Ninh Tạng mục lục), Thiền Lâm Tự Nhập Tạng mục lục,… cùng với Duyệt Tạng Tri Tân, Đại Tạng Nhất Lãm Tập, Đại Tạng Chiết Bổn Khảo, Ngự Chế Đại Tạng Kinh Tự Bạt Tập.

Nhìn chung nội dung ba tập Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục, có thể nói đây chính là thành quả rộng lớn trong quá trình biên soạn hiệu đính Đại Chánh Tạng. Nó là thành quả kết tinh tâm huyết hơn mười năm của Ban Biên Tập hiệu đính. Tất cả thành tựu quan trọng của bộ Đại Chánh Tạng đều thể hiện tập trung ở trong 3 tập mục lục này. Trong đó, quan trọng nhất là “Kham Đồng mục lục”. Bộ mục lục này y theo thứ tự sưu tập Kinh điển của Đại Chánh Tạng, trước lục tên của mỗi loại Kinh điển, quyển số, dịch âm của Nhật văn, Phạm văn, Pali văn, Tạng văn, tên riêng hoặc là tên gọi tắt của Kinh, tên người dịch, người trước tác, và niên đại người dịch, người trước tác, hàm hiệu, bản gốc, bản hiệu đính, tên phẩm, hoặc nội dung cương mục, các bản dịch khác, các bản chú sớ trong các bản Đại Tạng Kinh. Từ quyển “Kham Đồng mục lục”, chúng ta có thể nhìn thấy sự dụng công rất lớn của Ban Biên Tập khi thu thập, chỉnh lý và nghiên cứu Phật điển, cũng phản ảnh toàn quá trình biên tập của Đại Chánh Tạng. Kham Đồng mục lục là một loại sách công cụ dùng để tra cứu Phật điển Hán văn có trình độ học thuật rất cao, cũng là bộ ký lục lịch sử bất hủ biên tập hiệu đính Đại Chánh Tạng. Nội dung khác của tổng mục lục ở đây chúng ta không giới thiệu nhiều, nhưng có thể nói rằng, mỗi loại mục lục sách dẫn này đều là tài liệu quý báu để nghiên cứu Phật giáo.

2.5 Mười hai tập đồ tượng (hình ảnh, tranh)

Với số lượng 12 tập, Đại Chánh Tạng đã sưu tập các loại đồ tượng Phật giáo gồm có 367 bộ 1.345 quyển. Những đồ tượng này đều là những tác phẩm thâu tàn trân quý của các tự viện lớn ở Nhật Bổn, nội dung không những bao gồm tượng Phật, tượng Bồ Tát, tượng Thiên Vương, các loại họa đồ Mạn Đà La, còn bao gồm dụng cụ của Tăng sĩ, đạo cụ nghi quỹ, thủ ấn, hương dược và các hình tượng Tổ Sư… như hình Phật A Di Đà và Dược Sư 8 vị đại Bồ Tát, ngũ phương Chư Tôn, Di Lặc Bồ Tát, Bát Đại Minh Vương, Tứ Thiên Vương, Nhị thập bát bộ và Thập nhị thần tướng, hình các đàn tràng, khiết ấn (hay kiết ấn?), nghi quỹ, ấn đồ, Đại Đường Cà Sa, Tam Bảo vật cụ, Tam Quốc Tổ Sư, Lục Tổ, Cao Tổ, hương dược, chân Phật. Trong lịch sử biên tập Đại Tạng Kinh Phật giáo việc đem đồ tượng Phật giáo đưa vào Đại Tạng Kinh đây là lần đầu tiên. Đây lại là một cống hiến mang tính đột phá của Đại Chánh Tạng. Những tập đồ tượng này không những là kho tàng tài liệu quý báu để nghiên cứu mỹ thuật Phật giáo, mà còn đối với việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, nhất là nghiên cứu nghi quỹ Phật giáo có giá trị rất quý.

2.6 Xếp in và chấm câu

Để thực hiện tôn chỉ của Ban Biên Tập là “làm cho Thánh điển được lưu truyền rộng rãi”, bộ Đại Chánh Tạng này đã sử dụng phương pháp dùng bản chì chữ nhỏ, khiến cho dung lượng của mỗi quyển sách tăng thêm rất lớn; đồng thời Ban Biên Tập cũng bỏ ra rất nhiều công phu để chấm câu Kinh văn. Đây là một phương diện đặc sắc quan trọng của Đại Chánh Tạng. Cũng vì như thế, tuy Đại Chánh Tạng chỉ có 100 tập nhưng nội dung vô cùng phong phú. Ý nghĩa chấm câu trong Kinh không thể xem thường, đã cung cấp sự tiện lợi cho đại đa số người duyệt đọc Kinh sách, cũng chính vì thế khiến cho Đại Chánh Tạng trở thành một bộ Đại Tạng Kinh có tỷ suất sử dụng cao nhất.

Tóm lại, Đại Chánh Tạng là một bộ Đại Tạng Kinh có sự biên soạn tinh tế, nội dung phong phú, là thành quả trọng đại nhất của giới học thuật nghiên cứu Phật giáo Nhật Bổn thời cận đại, có địa vị cao trong lịch sử biên soạn Đại Tạng Kinh.

3) Khuyết điểm của Đại Chánh Tạng

Các bản Đại Tạng Kinh xưa kia đều có khuyết điểm hoặc thiếu sót, Đại Chánh Tạng cũng không phải là một bộ Đại Tạng Kinh thập toàn thập mỹ. Đó là do nhiều nguyên nhân tạo thành.

Một là hơn 2000 năm đã dần dần hình thành số lượng Kinh điển Phật giáo Hán văn rộng lớn, nội dung vô cùng phức tạp. Như điển tịch Tam Tạng Hán dịch, phán đoán thời đại ra đời và thuộc tánh, đã từng khiến cho các nhà mục lục học Phật giáo nhiều đời bỏ hết tâm trí vào, và cũng vì thế đã nảy sanh rất nhiều quan điểm khác nhau, hình thành những lý luận phán giáo khác nhau. Cũng vì thế xuất hiện sự phân loại và sắp xếp Kinh điển Phật giáo không giống nhau.

Hai là mỗi bộ Đại Tạng Kinh được biên tập vào một thời đại riêng biệt nào đó, do vì bối cảnh lịch sử khách quan, khiến cho nội dung thu thập của mỗi bộ Đại Tạng Kinh đều phản ảnh đặc sắc của thời đại, biểu hiện tánh cục hạn tương đối.

Ba là các bộ Đại Tạng Kinh Hán văn Phật giáo được biên tập ở nhiều quốc gia và địa phương khác nhau, sự sai biệt của quốc gia và địa phương cũng ảnh hưởng một trình độ nào đó về chất lượng biên tập.

Bộ Đại Chánh Tạng được biên tập ở niên đại 20 đến niên đại 30 của thế kỷ 20 ở Nhật Bổn, dù giới Phật giáo Nhật Bổn đã vận dụng hết tất cả nỗ lực lớn nhất của họ, điều động giới Phật giáo Nhật Bổn, dường như toàn bộ năng lượng (nghe nói nhân viên tham dự việc này 450.000 người, kinh phí 2.800.000 đồng tiền Nhật). Do các nguyên nhân ở trên, khiến cho bộ Đại Chánh Tạng không thể hoàn mỹ. Sự thành tựu của Đại Chánh Tạng không ai có thể phủ nhận nhưng sự thiếu sót của nó cũng không thể nào che đậy.

3.1 Sự bỏ sót các trước tác Phật giáo Trung Quốc

Sự bỏ sót đối với các trước tác Phật giáo Trung Quốc là một khuyết điểm rõ ràng. Như học giả Đài Loan Lam Cát Phú đã nói trong tác phẩm “Phật giáo Sử Khoa Học” của mình: “Trong 100 tập, chỉ thu thập trước tác Trung Quốc (không gồm các Kinh điển phiên dịch) khoảng 24 tập, mà thu thập tác phẩm Nhật Bổn khoảng 42 tập (từ tập 56 đến tập 84 là 29 tập), với 12 tập đồ tượng cùng với tác phẩm Nhật Bổn trong Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục). Tuy người Nhật Bổn có ý tuyên dương văn hóa Phật giáo nước họ, chúng ta có thể lý giải. Nhưng nhìn từ sự thật khách quan, số lượng tác phẩm Trung Quốc chỉ có hơn một nửa tác phẩm Nhật Bổn. Dù thế nào đi nữa, đương nhiên đó không phải là phương hướng biên tập cân bằng”.

Đương nhiên tạo thành tình huống như thế ắt sẽ có nguyên nhân về những phương diện khác, như có rất nhiều bổn Đại Tạng Kinh Hán văn quan trọng mà khi biên tập Đại Chánh Tạng, Ban Biên Tập không cách nào có được, như Phòng Sơn Thạch Kinh, Triệu Thành Kim Tạng, Tích Sa Tạng, và Long Tạng đời Thanh, vì thế rất nhiều tác phẩm Phật giáo Trung Quốc có đưa vào trong những bộ Đại Tạng Kinh này nhưng lại không thể đưa vào bộ Đại Chánh Tạng.

Đại Chánh Tạng thu thập tác phẩm Phật giáo Trung Quốc (từ tập 33 đến tập 55, không bao gồm tập 85 và các mục lục trước tác của Tăng sĩ Trung Quốc trong Chiêu Hòa Pháp Bảo tổng mục lục) gồm có 512 loại mà Đại Chánh Tạng không đưa các tác phẩm Phật giáo Trung Quốc vào hơn 150 loại, số lượng gần một phần 3 tác phẩm Trung Quốc đưa ra vào trong Đại Chánh Tạng, trong đó có những tác phẩm có giá trị như sau:

Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (Ngài Huyền Ứng - đời Đường soạn), Thiên Ánh Quang Đăng Luật, Tứ Phần Luật, Hàm Chú giới Bổn Sớ, Truyền Đăng Bảo Ân Tập, Cổ Tôn Túc Ngữ Lục, Đại Minh Tam Tạng Pháp Số, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, Đại Phương Quảng Viên Giác Kinh Đại Sớ, Ngũ Đăng Hội Nguyên…

Mà phần Tục Tạng của các bộ Đại Tạng Kinh các đời chủ yếu là chỉ tục tạng của Gia Hưng Tạng, đã thu thập tác phẩm Trung Quốc mà Đại Chánh Tạng không thu thập hơn 400 loại, những tác phẩm này phần đông là chương sớ và ngữ lục của Thiền tông, nhưng không ít tác phẩm nổi tiếng như Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện, Hàn Sơn Thi, Giáo Ngoại Biệt Truyền, Hộ Pháp Lục, Chánh Pháp Nhãn Tạng, Lâm Giang Lục, Thạch Môn Văn Tự Thiền, La Hồ Dã Lục, Chỉ Nguyệt Lục, Trúc Song Tùy Bút…

Đại Chánh Tạng tại sao không thu thập, các bộ sách trước tác này? Các bộ sách này không quan trọng sao? Không phải như vậy, trong đó nhất định có nguyên nhân mà ông Lam Cát Phú đã nói, và cũng như phần này đã nói là tánh cục hạn thời đại và tánh sai biệt của đất nước tạo thành. Điểm này có thể nói là khuyết điểm chủ yếu của Đại Chánh Tạng.

3.2 Sự phân loại không hợp lý

Như trên đã nói, Đại Chánh Tạng đã khai sáng một hệ thống phân loại toàn mới, tức là đem những Kinh điển Hán văn chia ra làm 31 bộ. Phương pháp phân loại này đã phá bỏ phương pháp phân loại truyền thống. Nhưng sự phân loại của Đại Chánh Tạng không phải hoàn toàn hợp lý, vẫn có những chỗ cần phải bàn bạc lại. Như ông Châu Thúc Ca là nhà học giả Phật giáo nổi tiếng ở Trung Quốc, trong tác phẩm của mình “Bàn về phương pháp phân loại Kinh điển Đại Thừa trong Hán văn Đại Tạng Kinh” đã nói: “Kinh và Luận có sai khác, kinh Đại Thừa và Tiểu Thừa có phân biệt, không thể lẫn lộn, nhưng Bổn Duyên bộ trong Đại Chánh Tạng đã làm lẫn lộn Kinh và Luận, Kinh điển Đại Thừa và Kinh điển Tiểu Thừa. Bộ này cần phải chỉnh lý chia lại cho rõ ràng. Trong Kinh Tập Bộ thì Kinh điển Đại Thừa và Kinh điển Tiểu Thừa cũng lẫn lộn với nhau”.

Trong Kinh Tập Bộ sưu tập 433 loại Kinh điển, nội dung vô cùng phức tạp, có một số Kinh điển Đại Thừa đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với tư tưởng Phật giáo Trung Quốc như Kinh Duy Ma, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Kim Quang Minh, Kinh Vu Lan Bồn; lại có các Kinh điển của Tịnh Độ như Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên Kinh; lại có những kinh thuộc về Thiền Số như Phật Thuyết Đại An Ban Thủ Yết Kinh, lại có những kinh nói về tư tưởng Như Lai Tạng như Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh, cùng với những Kinh điển mà xưa nay các bộ Đại Tạng Kinh khác xếp vào kinh Tiểu Thừa như Chánh Pháp Niệm Xứ Kinh, Tứ Thập Nhị Chương Kinh. Trong số Kinh điển nhiều như vậy lẫn lộn kinh Đại Thừa và kinh Tiểu Thừa, không có một giới định rõ ràng, chính xác, đây cũng là một khuyết điểm của Đại Chánh Tạng.

3.3 Hiệu đính và chấm câu

Một trong những tôn chỉ của Đại Chánh Tạng là nghiêm mật bác thiệp hiệu đính. Đại Chánh Tạng về phương diện hiệu đính đích xác đã bỏ ra rất nhiều công phu, dùng 3 bộ Đại Tạng Kinh Tống, Nguyên, Minh làm bản hiệu đính căn bản, và sưu tập một số bản in, bản viết tay, Phạm văn, Pali văn để làm bản tham khảo hiệu đính. Nhưng mà các bản Pali, Phạm văn số lượng có hạn, khởi tác dụng cho việc hiệu đính không phải rõ ràng lắm. Vấn đề ở đây là rất nhiều bộ Đại Tạng Kinh Hán văn mà Đại Chánh Tạng có điều kiện lợi dụng, nhưng không lợi dụng như Phúc Châu Sùng Ninh Tạng được bảo tồn ở Nhật Bổn, Vĩnh Lạc Nam Tạng, Vĩnh Lạc Bắc Tạng đời Minh được bảo tồn tương đối nhiều, Long Tạng đời Thanh, Triệu Thành Kim Tạng, Phòng Sơn Thạch Kinh. Nhiều bộ Đại Tạng Kinh quan trọng không thành bổn gốc hiệu đính của Đại Chánh Tạng khiến cho thành quả của hiệu đính giảm đi phần đặc sắc.

Căn cứ danh sách nhân viên biên tập được phụ lục ở mỗi quyển Đại Chánh Tạng, người tham gia biên tập hiệu đính tuy có các nhà học giả Phật giáo nổi tiếng, nhưng đại đa số là thầy giáo và học sinh trong các trường Phật giáo ở Nhật Bổn. Do vì họ không giỏi Hán ngữ và tri thức Phật giáo còn khiếm khuyết, khiến cho việc chấm câu Kinh văn không đúng và sự sai sót khi xếp in rất nhiều.

Tóm lại Đại Chánh Tạng đã có rất nhiều thành tựu khiến cho giới học thuật thán phục, nhưng do vì sự cục hạn của thời đại và sự khác biệt của đất nước khiến cho sự sai sót, khuyết điểm không thể tránh khỏi”. (hết trích)

***

Ngoài ra trên mạng điện tử tôi cũng tìm ra thêm được một số trang nhà khác có đề cập đến việc truy tìm chi tiết Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh; trong đó phải nói đến trang nhà: chuaadida.com của Hòa Thượng Thích Nguyên Trực. Hòa Thượng đã cất công gom lại gần như đầy đủ tất cả thứ tự Kinh văn số 1 đến Kinh văn thứ 2909. Điều đặc biệt là Hòa Thượng đã cho ghi thêm rõ ràng dịch giả là ai, để sau này người đọc có thể so sánh với những dịch giả khác nữa. Những bản kinh chưa được dịch thì Hòa Thượng để trống và cho nhảy số thứ tự. Ví dụ như Kinh văn số T0698; T0699; T0700 và tiếp theo là T0705 rồi T0706 v.v… Điều này có nghĩa là những Kinh văn mang số T0701 – T0704 chưa có người dịch. Trong trường hợp này quý vị cũng có thể tra cứu bên Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh để giải quyết nhu cầu cần tham khảo gấp trước.

Dĩ nhiên từ đây về sau sẽ còn nhiều bản dịch ra Việt văn nữa, do vậy chúng ta cũng khoan vội phán đoán là bản nào đúng, bản nào sai cả. Điều này Phật tử Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến, chủ trương trang nhà rongmotamhon đã cho đăng cả bản chữ Hán và nhiều bản dịch của nhiều vị khác nhau để so sánh. Dĩ nhiên bản nào dịch hoàn chỉnh nhất sẽ được người đọc đánh giá và chấp nhận.

Thật ra với tôi, viết văn dễ hơn dịch văn từ tiếng này sang tiếng khác. Đôi khi ý của tác giả là vậy, nhưng người dịch không hiểu hết ý, hoặc ngôn ngữ bị giới hạn, thì chúng ta sẽ dịch sai cũng là chuyện bình thường. Cho nên người xưa nói rằng: “Tam sao thất bổn” là vậy. Cứ sao chép ra ba lần khác nhau, sẽ không còn bản gốc nữa. Người dịch bao giờ cũng phải trân trọng và chú ý từ ý tới lời, cách dùng, văn phạm v.v… nhưng không làm sao có thể lột tả hết được ý chính của tác giả, ngoại trừ chính tác giả ấy tự mình dịch và giải thích ra ngôn ngữ địa phương, thì độ chính xác sẽ nhiều hơn là người khác dịch tác phẩm của mình. Ở đây văn, chữ, cách cấu tạo câu văn v.v… của mỗi ngôn ngữ đều khác nhau, nhất là chữ Hán, chữ gọn mà nghĩa nhiều, lại còn điển tích nữa. Do đó người dịch phải hết sức cẩn thận, mới có thể tránh được những sơ sót đáng tiếc khi dịch kinh, luật, luận hay sớ giải của chư vị Tổ Sư.

Xưa nay tôi đọc rất nhiều sách, kinh, kể cả sách viết hay dịch, đa phần tác giả hay dịch giả luôn khiêm nhường về việc làm tích cực của mình và cuối lời nói đầu thường hay viết những câu khiêm hạ để mong những bậc cao minh chỉ giáo, nếu có điều gì sai sót. Đây là nét đẹp của người cầm bút vậy.

Bây giờ tôi sẽ lần luợt giới thiệu thật kỹ về bộ Đại Tạng thứ năm, mà Thư viện Tổ Đình Viên Giác đang có và tôi đang đọc. Đó là bộ “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh”. Bộ này được in ấn tại Đài Loan, do cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương và Kinh văn hoàn toàn bằng Việt ngữ.

Bộ Đại Tạng Kinh này được in làm 3 lần và lần đầu tiên do Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viết “Phàm Lệ” trong mùa An Cư Kiết Hạ năm 2543 (1999) tại Quảng Hương Già Lam, nhưng phần lời nói đầu của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh viết thì nhằm ngày 16.12.1998 và Phật lịch 2644, nhằm năm 2000 (Canh Thìn) bắt đầu cho in. Từ đó đến nay, nhất là trước khi Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh viên tịch vào năm 2015, thì đã cho xuất bản 500 bộ và in từ quyển 1 A Hàm cho đến quyển thứ 187 thuộc Sử Truyện bộ thứ 9, và đã dịch Kinh văn số 2066-2976. Từ Kinh văn số 2077 đến cuối quyển 202 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh là Kinh văn số 2131 gồm 15 quyển, sẽ được xuất bản tiếp tục vào năm 2022.

Ví dụ quyển 1 A Hàm dày 1.008 trang và cứ một trang Kinh văn chữ Hán bên Đại Chánh Tạng khi dịch ra tiếng Việt phải thành hơn 4 hay 5 trang tiếng Việt. Bởi lẽ bên Đại Chánh Tạng chia làm 3 cột A, B, C hay Thượng, Trung, Hạ và chữ nhỏ li ti, nên mới dịch hoàn thành 54 quyển chữ Hán mà đã có đến 202 tập chữ Việt rồi. Đó là chưa kể bộ Mật Tông từ số 18-21 (gồm 4 quyển) Hòa Thượng không cho dịch ra Việt ngữ. Nếu bộ này dịch ra Việt ngữ chắc phải thêm 16 đến 18 tập nữa.

Tổng cộng số Kinh văn của 85 tập là 2.920 Kinh văn tất cả. Như vậy Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh nếu trừ đi 4 quyển của bộ Mật Tông bên trên ra thì còn tất cả những Kinh văn chưa dịch ra Việt ngữ là: 789 Kinh văn nữa (2920-2131=789). Tuy nhiên như phần trên tôi đã có đề cập đến, là những Kinh văn ở phần sau này của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh đa phần giới thiệu về Phật giáo Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên. Do vậy Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã không cho dịch ra Việt ngữ, và tôi cũng đã đề nghị là kể từ tập 204 trở đi (sau tập Mục Lục 203), nên cho đăng tải tất cả những gì thuộc về Phật giáo Việt Nam, mà chư Tổ Sư truyền thừa từ xưa đến cận hiện đại về những biên khảo dịch thuật, truyện ký v.v… tạo thành một Tạp Tạng của Phật giáo Việt Nam. Ví dụ như những bản kinh hay dịch và chú giải của Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền, Ngài Toàn Nhật Quang Đài, Ngài Khánh Anh, Hòa Thượng Thiện Hoa, Hòa Thượng Thanh Từ, Hòa Thượng Thiền Tâm, Hòa Thượng Nhất Hạnh, Hòa Thượng Huyền Vi, Hòa Thượng Đỗng Minh, Hòa Thượng Hành Trụ, Hòa Thượng Thiện Hòa, Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Thiều Chửu, Đoàn Trung Còn, Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Trí Quang, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Ni Trưởng Như Thanh, Ni Trưởng Diệu Không, Ni Trưởng Trí Hải v.v… Ngoài ra những luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sỹ của chư Tăng Ni hay Cư sĩ có liên quan về Phật giáo Việt Nam hay Phật giáo thế giới bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cũng nên cho dịch ra Việt ngữ và kết tập vào Tạp Tạng này, để chúng ta có một Đại Tạng Kinh Việt Nam thuần túy như Trung Hoa, Đại Hàn và Nhật Bản đã làm. Có như vậy đời sau những thế hệ tiếp nối, sẽ không bỡ ngỡ với việc sưu tầm nghiên cứu của mình về nguồn gốc của Phật giáo Việt Nam.

Từ tập số 1 đến tập thứ 17 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh được dịch ra Việt ngữ, và Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh đóng thành 69 tập, mỗi tập dày độ 600 đến 1.000 trang. Đóng bìa cứng mạ vàng, có dây chặn ở giữa sách, rất tiện lợi khi đọc đến đâu chỉ cần làm dấu bởi dây chặn sách, không cần gấp ở góc sách làm mất đi vẻ đẹp của sách, nếu có người sau đọc đến họ sẽ không vui, vì lẽ người đọc trước đã không quý kinh sách. Lối thiết kế bìa trước và bìa sau do họa sĩ Nguyễn Đồng và họa sĩ Nguyễn Thị Hợp trình bày. Bên trên gáy sách trang trí hình Bảo cái; ở giữa là tên kinh và xếp số thứ tự kinh văn cũng như số thứ tự của từng bộ một. Bên dưới cùng là dấu hiệu bánh xe Pháp Luân nằm trên hoa sen nhiều cánh đang độ mãn khai. Rất ấn tượng và đầy đủ ý nghĩa, khi người đọc kinh sách mong được lãnh hội ý chỉ từ những kinh văn chứa đựng ở bên trong.

Từ tập thứ 18 đến tập thứ 21; gồm 4 tập bằng chữ Hán thuộc Bộ Mật Giáo, cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã không cho dịch ra Việt ngữ. Bởi Ngài quan niệm rằng có nhiều loại ấn, chú không chính thức của Phật dạy, ma thuật, không chánh giáo. Tuy nhiên ngày nay nếu quý vị nào muốn đọc 4 Bộ này cũng có thể lên Google để tra tìm, do Huyền Thanh và Cố Hòa Thượng Thích Viên Đức đã dịch hầu hết ra Việt ngữ để tham cứu, cũng là điều nên làm.

Từ tập 22 đến tập 54 chữ Hán, Linh Sơn Pháp Bảo đã tạo thành 133 tập. Như vậy tổng cộng có 202 tập tiếng Việt, đó là chưa kể tập 203 là tập Mục Lục. Tuy nhiên từ tập thứ 188 đến tập 202 gồm 15 tập, là những tập cuối chưa được in ấn; dự định năm 2022 sẽ hoàn tất phần cuối này của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

Tôi đã bắt đầu đọc Bộ A Hàm 1 gồm có 977 trang và 306.658 chữ, từ mùa thu năm 2013 tại Tu Viện Viên Đức. Bộ Bản Duyên thứ VIII dày 932 trang gồm 276.515 chữ. Từ Bộ A Hàm thứ 1 đến Bộ A Hàm thứ 9 gồm có: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm. Tất cả là 8.596 trang và có 2.603.189 chữ. Từ tập 10 cho đến tập thứ 17 gồm Bộ Bản Duyên (hay Bản Sanh) gồm 8 quyển. Tổng cộng 7.867 trang và có 2.499.621 chữ. Đây là phần kinh căn bản giữa Nam Truyền và Bắc Truyền gần giống nhau. Bên Nam Truyền có: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh. Nếu cộng tất cả 17 tập đầu này của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh thì chúng ta có 16.463 trang và 5.103.828 chữ.

Thông thường có ngày tôi đọc 200 trang hoặc 100 trang, tùy theo thời gian cho phép. Nếu chia số trang tổng cộng của phần này, với số trang trung bình đọc mỗi ngày là 150 trang trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ, thì 17 tập ấy tôi phải đọc trong vòng 1.097 ngày, nhưng trên thực tế thì tôi không đọc liên tục trong 1.097 ngày ấy, mà phải đọc trong nhiều năm và nhiều tháng mới được như vậy.

Tôi đọc xong quyển thứ 17 bộ Bản Duyên thứ VIII tại Tổ Đình Viên Giác vào ngày 26/3/2020, và tiếp theo đó thì đọc những tập sau cùng về Sử Truyện Bộ cũng như Sự Vựng Bộ để sửa lỗi chính tả và đây cũng là cơ duyên để tôi đọc phần đầu và phần cuối của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh gồm 32 tập (17 + 15 = 32).

Sau đây là phần khái niệm về những Bộ Kinh, Luật, Luận đã được dịch ra tiếng Việt, kể cả số trang của mỗi tập và số chữ. Trong đây chưa có 4 tập chữ Hán về Mật Giáo từ quyển thứ 18 đến quyển thứ 21. Nếu xem bên Bộ Kinh tập thứ 18 đến Kinh văn số 847 thì chuyển qua tập thứ 18 và bắt đầu tập này là Bộ Mật Giáo bộ 1; với Kinh văn số 848; mãi cho đến hết tập thứ 21, Kinh văn thứ 1420 thì không dịch. Điều này có nghĩa là có tất cả 573 kinh (1420 – 847 kinh) chưa được dịch và chưa được xuất bản bên Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, ngoại trừ tập thứ 70 là Bộ Thủ Lăng Nghiêm 1 của Bác Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám dịch và chú giải, được đưa vào phần Mật Giáo.

Từ quyển thứ 22 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, thuộc Luật bộ 1 và bắt đầu từ Kinh văn thứ 1421 đến Kinh văn thứ 2131, là chấm dứt phần dịch ra tiếng Việt của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.

Nếu hỏi rằng chúng tôi đã đọc thêm được bao nhiêu Bộ Kinh và Bộ Luật cũng như Luận trong Đại Tạng Kinh thì xin thưa rằng: Chính bản thân tôi và Đại chúng Chùa Viên Giác đã đọc tụng các Bộ Hoa Nghiêm, Bảo Tích, Bát Nhã rồi; còn Bộ Pháp Hoa và Bộ Niết Bàn thì chúng tôi đã lạy mỗi chữ mỗi lạy như thế gần 35 mùa An Cư Kiết Hạ từ năm 1984 đến năm 2019, mỗi năm 3 tháng như vậy.

Nếu làm một con số thống kê tạm thời của 202 tập trong Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, chúng ta sẽ thấy được có tất cả là 123.265 trang và 62.781.330 chữ (chỉ riêng phần Luận tạng). Đó là chưa kể quyển thứ 203 Mục Lục có 256 trang và 67.600 chữ nữa. Như vậy tính tổng thể của Kinh, Luật và Luận là 318.917 trang và 144.254.654 chữ.


Trên đây đã giới thiệu tổng thể của 5 Bộ Đại Tạng Kinh mà thư viện của Tổ Đình Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc đang có. Vấn đề còn lại của chúng ta là nên đọc, trì tụng, nghiên cứu, phiên dịch, chứng nghĩa v.v… như thế nào để việc tu học của mỗi người trong chúng ta được lợi lạc mà thôi. Dĩ nhiên là mỗi người trong chúng ta sẽ có một phương pháp khác nhau để đi vào Đại Tạng Kinh, nhưng cách hay nhất là không thể bơi lội một mình trong biển chữ và triết lý cao siêu ấy được. Chúng ta phải cần có những thiện hữu tri thức đi kèm để hướng dẫn, giúp đỡ cho chúng ta phương pháp làm sao thẩm thấu được lời dạy của Đức Phật và chư Tổ Sư truyền thừa một cách có hiệu quả nhất. Đó mới chính là mấu chốt của vấn đề. Vì mỗi một bài kinh, một lời dạy, một thí dụ, một phương pháp chữa trị cho thân bịnh và tâm bịnh khác nhau, chúng ta không thể rõ biết hết ý, hết lời; ngoại trừ Thánh Giả A Nan là bậc Thầy đa văn đệ nhất mới có thể lãnh hội lời dạy của Đức Phật một cách trọn vẹn được.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 10 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Tự lực và tha lực trong Phật giáo


Những Đêm Mưa


Cảm tạ xứ Đức


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.138.101.51 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...