Tâm kinh Bát-nhã là món quà tâm linh vô giá được truyền trao đến người Phật tử của thế kỷ 21 này trải qua vô số những biến động thăng trầm của Phật giáo. Không ít Kinh điển đạo Phật đã thất truyền qua dòng thời gian, nhưng thật may mắn cho chúng ta là bản dịch Tâm kinh của ngài Huyền Trang không nằm trong số đó. Hơn nữa, sự tương đồng về ý nghĩa giữa các bản dịch còn lưu lại đến nay khẳng định thêm tính chính xác về ngữ nghĩa trong bản dịch của ngài Huyền Trang.
Kết quả chọn lựa của đa số Phật tử trải qua hơn 14 thế kỷ đã đi đến một sự đồng thuận tuyệt đối khi bản dịch Tâm kinh của ngài Huyền Trang được sử dụng hầu như ở tất cả mọi nơi mà Tâm kinh được truyền dạy đến. Các bản dịch khác như bản T250 của ngài Cưu-ma-la-thập (鳩摩羅什), bản T253 của các ngài Bát-nhã và Lợi Ngôn (般若-利言), bản T254 của ngài Trí Huệ Luân (智慧輪), bản T255 của ngài Pháp Thành (法成) v.v... và một số bản khác nữa tuy vẫn còn được lưu giữ đầy đủ trong Đại Chánh Tạng, nhưng chỉ duy nhất bản dịch của ngài Huyền Trang là được chọn để giảng giải, tụng đọc và hành trì mỗi ngày.
Việc nghiên cứu, học hỏi và phân tích Kinh điển nói chung, từ nhiều góc độ khác nhau là cần thiết, nhằm giúp người Phật tử luôn có thể chắc chắn rằng mình đang hiểu đúng và làm đúng theo lời Phật dạy. Trong ý nghĩa này, những phân tích khảo sát, cho dù đưa đến kết quả khác biệt hay trái ngược với người đi trước, vẫn cần phải được xem xét tiếp nhận ở một góc độ khách quan và khoa học, kết hợp với những trải nghiệm trong sự tu tập của người Phật tử. Có như vậy mới có thể đưa ra được những kết luận cần thiết và điều chỉnh kịp thời những sai sót nếu có của tiền nhân. Bản thân tôi khi chuyển dịch kinh Đại Bát Niết-bàn cũng đã chỉ ra một số điểm mà các vị tiền bối đã hiểu chưa hoàn toàn chính xác Kinh văn, dẫn đến sự sai lệch khi chuyển dịch.
Tuy nhiên, mỗi phạm vi công việc đều có những giới hạn riêng của nó mà người thực hiện không thể vượt qua. Người chuyển dịch Kinh điển có thể nhận hiểu và dịch khác đi so với với người đi trước, nếu có đủ luận cứ chính xác, chắc chắn và thuyết phục. Mặc dù vậy, sự khác biệt này vẫn phải luôn nằm trong giới hạn của công việc chuyển dịch, đó là phải tuyệt đối trung thành với nguyên tác Kinh văn, trừ trường hợp có đủ lý do để xác định chắc chắn là có sai lầm trong văn bản gốc và có đủ cứ liệu cho việc khảo đính chính xác. Trong mọi trường hợp khác, việc trung thành với nguyên bản là điều bắt buộc, và người dịch chỉ nên đưa các nhận xét hoặc nghi ngờ của mình vào phần chú giải, không được phép tự ý thay đổi nguyên bản.
Thầy Nhất Hạnh đã làm một việc hoàn toàn khác với thông lệ nêu trên khi công bố việc dịch mới Tâm kinh vào tháng 8 năm 2014. Khách quan mà nói, việc thầy đưa ra một bản dịch mới của Tâm kinh chắc chắn không thể là nguyên nhân phát sinh vấn đề, bởi trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều bản dịch Tâm kinh mới được đưa ra bởi nhiều dịch giả khác nhau.
Vậy nguyên nhân nào đã làm cho sự kiện “dịch lại Tâm kinh” của thầy Nhất Hạnh lôi cuốn sự quan tâm của rất nhiều Phật tử cũng như làm nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều? Trong thực tế, không khó để nhìn ra các nguyên nhân khác thường ấy.
Thứ nhất, tuyên bố “phải dịch lại Tâm kinh” của thầy là không chính danh, bởi cũng ngay trong tuyên bố đó, thầy thừa nhận “đã đổi luôn cách dùng chữ trong nguyên văn tiếng Phạn và bản dịch chữ Hán của thầy Huyền Trang”. Và như vậy thì công việc của thầy là soạn ra một bản “Tâm kinh mới” chứ không thể xem là chuyển dịch.
Thứ hai, thay vì chỉ đơn giản đưa ra “bản dịch mới” Tâm kinh thì kèm theo đó thầy lại cùng lúc phê phán cả 3 vị Tổ sư vốn là biểu tượng niềm tin của rất nhiều Phật tử. Vị thứ nhất là Tuệ Trung Thượng Sĩ, một bậc long tượng trong Phật giáo Việt Nam và cũng có thể xem là người gián tiếp hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, bởi ngài là thầy dạy của đức vua Trần Nhân Tông, người đã sáng lập Thiền phái này. Vị thứ hai là Lục tổ Huệ Năng, người được xem là đã khơi nguồn cho dòng thiền Đốn ngộ ở Trung Hoa, về sau cũng đã truyền sang Việt Nam qua dòng Liễu Quán. Và cuối cùng, vị thứ ba là ngài Huyền Trang, một vị Đại Dịch Giả giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán, không chỉ qua việc chuyển dịch một khối lượng Kinh văn khổng lồ, mà còn là người đã thực hiện chuyến đi lịch sử có một không hai từ Trung quốc sang Ấn Độ để thỉnh về nguyên bản kinh văn Phạn ngữ.
Chính vì hai nguyên nhân nói trên nên đã có hàng loạt ý kiến chính thức và không chính thức được nêu lên xoay quanh việc làm “khác thường” của thầy Nhất Hạnh. Những ý kiến được thu thập trong Khảo luận này chỉ là những ý kiến được nhiều người biết đến nhất, vì đã chính thức công bố rộng rãi trên các trang mạng Phật giáo. Nhiều ý kiến khác chỉ được trao đổi giữa các nhóm Phật tử với nhau nên không thể ghi nhận đầy đủ, nhưng chúng vẫn góp phần tạo ra những đợt sóng ngầm trong tư tưởng, nhận thức và niềm tin của người Phật tử.
Qua tập Khảo luận này, chúng tôi hy vọng một lần nữa khẳng định lại giá trị của Tâm kinh và bản Hán dịch Tâm kinh đang lưu hành, để xóa tan đi sự mọi sự hoang mang ngờ vực. Sự tu tập và hành trì Tâm kinh qua nhiều thế hệ đã khẳng định tính chính xác và đầy đủ cũng như công năng bất khả tư nghì của nó. Không ai có quyền tự ý thay đổi một bản Kinh văn đã được cộng đồng thừa nhận và sử dụng, trao truyền qua nhiều thế hệ, trừ phi người ấy có thể đưa ra được những lý do hợp lý và thuyết phục. Và tất nhiên, quyết định cuối cùng vẫn phải thuộc về sự cân nhắc và chấp nhận của toàn thể cộng đồng.
Trong dòng thời gian đã trải qua hơn 25 thế kỷ trao truyền và sẽ còn tiếp tục của đạo Phật, một biến động nhỏ nhoi như sự kiện “dịch mới Tâm kinh” này chắc chắn rồi cũng sẽ chẳng để lại dấu vết gì đáng kể. Chỉ những tinh túy thực sự trong lời Phật dạy mới có thể tồn tại vượt thời gian và không gian như tất cả chúng ta đều biết. Vì vậy, điều đáng lưu tâm ở đây không phải là những điểm bất hợp lý trong sự kiện này, mà quan trọng hơn chính là nhận thức và niềm tin của người Phật tử. Những điều đó luôn phụ thuộc vào sự dẫn dắt của các bậc thầy, mà thầy Nhất Hạnh là một bậc thầy lớn trong số đó. Chính vì vậy, những trao đổi, thảo luận và thông tin đa chiều mà chúng tôi thu thập trong Khảo luận này trong thực tế không nhằm tranh biện đúng sai, mà chủ yếu nhắm đến việc cung cấp đủ những thông tin và lập luận khách quan để giúp người Phật tử có thể tự mình xem xét, cân nhắc và giữ vững niềm tin vào Chánh pháp nói chung, vào Tâm kinh Bát-nhã nói riêng.
Điều tất nhiên là mục tiêu đề ra như thế có thể đạt được đến mức độ nào còn tùy thuộc vào sự tiếp nhận và đánh giá từ độc giả, nhưng hy vọng rằng những cố gắng của chúng tôi sẽ không đến nỗi hoàn toàn vô ích.
Ngày đầu năm 2018
Nguyễn Minh Tiến