Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Khó thay được làm người, khó thay được sống còn. Khó thay nghe diệu pháp, khó thay Phật ra đời!Kinh Pháp Cú (Kệ số 182)
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Chớ khinh tội nhỏ, cho rằng không hại; giọt nước tuy nhỏ, dần đầy hồ to! (Do not belittle any small evil and say that no ill comes about therefrom. Small is a drop of water, yet it fills a big vessel.)Kinh Đại Bát Niết-bàn
Điểm yếu nhất của chúng ta nằm ở sự bỏ cuộc. Phương cách chắc chắn nhất để đạt đến thành công là luôn cố gắng thêm một lần nữa [trước khi bỏ cuộc]. (Our greatest weakness lies in giving up. The most certain way to succeed is always to try just one more time. )Thomas A. Edison
Cơ hội thành công thực sự nằm ở con người chứ không ở công việc. (The real opportunity for success lies within the person and not in the job. )Zig Ziglar
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật »» PHẦN II. PHÁP - CHƯƠNG 3. CÁC PHẨM TÍNH CỦA PHÁP »»

Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật
»» PHẦN II. PHÁP - CHƯƠNG 3. CÁC PHẨM TÍNH CỦA PHÁP

Donate

(Lượt xem: 5.183)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Phật Điển Phổ Thông - Dẫn vào tuệ giác Phật - PHẦN II. PHÁP - CHƯƠNG 3. CÁC PHẨM TÍNH CỦA PHÁP

Font chữ:


Diễn đọc: Thế Giới Phật Giáo

Hoặc nghe giọng đọc Tàng Thư Phật Học dưới đây:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

THƯỢNG TỌA BỘ

Đặc tính tổng thể của Pháp

‘Pháp’ (Pāli. Dhamma, Skt. Dharma) là một từ có nhiều tầng ý nghĩa. Là trân bảo thứ hai trong ba đối tượng quy kỉnh của Phật tử (‘Tam quy’: xem *Th.93), trong đó Pháp được dùng ở dạng số ít, hàm nghĩa lời dạy của đức Phật: giáo pháp; thực tại và nguyên lý mà các pháp này nói đến là Mô thức Thực tại: lý pháp; đạo lộ giải thoát khỏi khổ đau là trọng tâm chính của giáo pháp, và nó phù hợp với bản chất của thực tại; và đỉnh cao tối hậu của đạo lộ này, tức Niết-bàn: chứng pháp.

Pháp cũng có thể có nghĩa là một cái gì đó như ‘đức hạnh’, ‘công lý’, ‘công chính, đạo lý’, như khi một vị vua được cho là cai trị theo Pháp, tức là một cách công chính, hợp đạo lý. Khi được dùng theo số nhiều, dhamma / dharma có thể chỉ cho một yếu tố tâm lý hay một hiện tượng, theo nghĩa rộng nhất (pháp hữu vi); hoặc chỉ cho một sự vật có thật hay tưởng tượng, đối tượng của ý thức (pháp xứ hay pháp giới); hoặc chỉ cho một nguyên lý, chân lý hoặc mô thức thực tại (ví dụ: bốn Thánh đế (xem *L.27 và gần cuối *Th.138)).

Th.12 Các phẩm tánh của Pháp

Phần đầu tiên của đoạn này trích từ một đoạn văn thường được tụng bằng tiếng Pāli trong các lễ sám, cũng như được chiêm niệm trong tu tập tùy niệm.

‘Thưa Tôn giả Gotama,…được nói là pháp hiện kiến, pháp hiện kiến (dhamma/pháp: chân lý / thực tại; sandiṭṭhiko: hiện kiến hiện chứng, được thấy / chứng ngộ ngay trong hiện tại), phi thời (ākaliko: không lệ thuộc thời gian, kết quả tức thì, không trì hoãn), cận quán (ehipassiko: hãy đến để thấy), dẫn đạo (opanayiko: hướng dẫn thực hành tiến đến cứu cánh), trí giả nội chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi: chỉ được chứng nghiệm nội tại bởi kẻ trí), nói thế có nghĩa là gì?

‘Này bà-la-môn, người bị tham ái chế ngự, tâm bị nắm chặt… dẫn đến hại mình, hại người, hại cả hai, cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Nhưng khi tham ái được đoạn trừ, người ấy bị dẫn đến tự hại, hại người, hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ, tâm ưu. Đó được nói là, pháp hiện kiến [Lặp lại như trên về bị sân hận, ngu si chế ngự... đoạn trừ... Kinh khác có nội dung tương đương, chỉ khác ở chỗ thay từ ‘pháp’ (dhamma) bằng từ ‘Niết-bàn’ nibbāna).]

Aññatara Brāhmana and Nibbāna Suttas: Aṅguttara-nikāya I.156– 157, dịch Anh P.H.

Th.13 Pháp thâm sâu

Trong đoạn này, đức Phật nói về Pháp thâm sâu mà Ngài đã kinh nghiệm khi giác ngộ. Sau đó Ngài giải thích điều này theo hai phương diện: một mặt, chuỗi quan hệ duyên khởi (xem đoạn *Th.156-168), tức là chuỗi tiếp nối của các điều kiện dẫn đến tái sinh và dòng tương tục của khổ, và ngược lại, là Niết-bàn, chấm dứt tất cả những điều kiện tiếp nối như vậy. Không như Niết-bàn, lý duyên khởi không phải là pháp để quy y, nương tựa, nhưng được hiểu là một phần thuộc về pháp, tức là đạo.

Pháp mà Ta đã chứng ngộ này thật là sâu xa, khó thấy và khó hiểu, tịch tĩnh, vi diệu, vượt ngoài khả năng suy luận, chỉ được chứng nghiệm bởi kẻ trí. Nhưng quần chúng này thì ái lạc chấp tàng (ālayarāma: lạc a-lại-da), khoái lạc chấp tàng (ālayata: hân a-lại-da), hỷ lạc chấp tàng (ālayasammudita: hỉ a-lại-da). Thật khó cho quần chúng như vậy có thể thấy được pháp này, tức là, y duyên tánh duyên khởi (idappaccayatā paṭiccasamupādo). Và thật khó thấy pháp này, tức là, sự tịnh chỉ tất cả hành, xả ly tất cả sanh y (upadhi), ái tận, ly tham, tịch diệt, Niết-bàn.

Ariya-pariyesanā Sutta: Majjhima-nikāya I.167, dịch Anh P.H.

Mục đích tu Phật

Th.14 Mục đích của đời sống phạm hạnh

Này các tỳ-kheo, phạm hạnh này không sống để lừa dối mọi người, không vì để phù phiếm với mọi người, không vì lợi ích của lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, không vì mục đích bảo vệ chủ kiến của mình, không với ý nghĩ ‘Mong sao mọi người biết ta’. Này các tỳ-kheo, phạm hạnh ấy được sống với mục đích chế ngự, đoạn trừ, ly tham, diệt tận (khổ đau).

Uruvela-vagga Brahmacariya Sutta: Aṅguttara-nikāya II.26, dịch Anh P.D.P.

Thái độ đối với các đạo giáo khác

Th.15 Pháp không nhắm cải đạo người khác mà để giúp mọi người sống tốt hơn

Trong đoạn văn này, đức Phật nói chuyện với một du sĩ ngoại đạo, khẳng định Ngài muốn giúp mọi người tu đạo tiến bộ chứ không vì mục đích thu phục đệ tử.185

Này Nigrodha, có thể ông nghĩ rằng: ‘Sa-môn Gotama nói vậy là muốn thu đệ tử.’ Chớ nghĩ như vậy. Tôn sư các ông là ai, vẫn là tôn sư của các ông. Có thể ông nghĩ rằng: ‘Sa-môn Gotama nói vậy là muốn chúng ta từ bỏ giáo thuyết của mình’.… ‘Ông ấy muốn đặt chúng ta vào những pháp bất thiện mà các tôn sư tiền bối của chúng ta xem là bất thiện.’… ‘Ông ấy muốn chúng ta xa lánh những thiện pháp mà các tôn sư tiền bối của chúng ta xem là thiện’. Chớ có nghĩ như vậy. Những gì là pháp thiện mà các tôn sư của các ông xem là thiện, hãy cứ xem là thiện. Này Nigrodha, Ta thuyết không phải vì những mục đích ấy.

Này Nigrodha, có những pháp bất thiện mà không được từ bỏ, làm cho ô nhiễm, dẫn đến tái sanh, mang lại khổ não, kết quả của khổ, già, bệnh, chết trong tương lai. Những pháp ấy, Ta thuyết pháp để diệt trừ các pháp ấy. Nếu các ông thực hành đúng theo lời giảng dạy, các pháp ô nhiễm của các ông được trừ diệt, các pháp thanh tịnh được tăng trưởng, và các ông sẽ bằng thắng trí tự mình giác chứng và an trụ, ngay trong hiện tại, trí tuệ viên mãn, quảng đại.’

Udumbarika-sīhanāda Sutta: Dīgha-nikāya III.56–57, dịch Anh P.D.P.

Tranh luận và khoan dung

Th.16 Phật khuyên bảo đệ tử đáp ứng những chỉ trích và cáo buộc như thế nào

Đoạn này Phật khuyến cáo các đệ tử nên đánh giá bình tĩnh về bất kỳ lời chỉ trích hay lời khen ngợi nào đối với Phật, Pháp hay Tăng (hội chúng Phật giáo).

‘Này các tỳ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ông chớ nên vì vậy mà sanh phẫn nộ, không xứng ý. Nếu các ông do vậy phẫn nộ, không xứng ý, như vậy sẽ có hại cho các ông. Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, mà các ông phẫn nộ, không xứng ý, thế thì các ông có thể biết được những lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai chăng?’ ‘Bạch Thế Tôn, không thể được.’

‘Nhưng khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ông nên nêu rõ những gì không đúng sự thật là không đúng sự thật, chỉ rỏ “điều này như thế là không đúng sự thật; như thế là không chính xác; điều (xấu) này không có giữa chúng tôi…”.

‘Này các tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, tán thán Tăng, các ông không nên vì vậy hoan hỷ, vui mừng, hớn hở… sẽ có hại cho các ông. Khi có người tán thán Ta, tán thán Pháp, tán thán Tăng, các ông hãy thừa nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật, nói rằng “điểm này như thế này là đúng sự thật, điểm này như thế này là chính xác, điều (tốt) này có giữa chúng tôi,…”.’

Brahma-jāla Sutta: Dīgha-nikāya I.2–3, dịch Anh P.D.P.

Th.17 Nguyên nhân của tranh luận

Trong đoạn này, đức Phật nói rằng Ngài không tranh luận với ai (xem *M.19), và những tranh luận phát sanh do các định kiến xuất phát từ chỗ bắt nắm và nhào nặn những gì được nhận thức.

Daṇḍapāṇī dòng họ Thích… đi đến… chỗ Thế Tôn đang ngồi, nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu, rồi đứng một bên, tựa trên cây gậy, và nói: ‘Sa-môn chủ trương thuyết gì, luận giải điều gì?’

‘Ta thuyết như vầy: là một bà-la-môn 186 (như Ta), sống không bị các dục trói buộc, không còn hoài nghi do dự, không có gì phải truy hối, không khát ái nơi hữu và phi hữu, không có các tưởng187 tùy miên, vị ấy sống không tranh luận với bất kìkỳ ai trong thế gian này bao gồm chư thiên, Ma, Phạm, sa-môn, bà-la-môn, trời, người. Này Hiền giả, Ta thuyết như vậy, luận giải như vậy.’

Khi nghe nói vậy, Daṇḍapāṇi họ Thích lắc đầu, liếm lưỡi, trán nổi lên ba đường nhăn, rồi chống gậy bỏ đi.…

… [Sau đó đức Phật thuật lại đối thoại này cho một số tỳ- kheo.] Rồi một tỳ-kheo bạch Thế Tôn: ‘Thế Tôn thuyết những gì mà sống không tranh luận với bất kìkỳ ai trong thế gian này bao gồm chư thiên, Ma, Phạm, sa-môn, bà-la-môn, trời, người… bạch Đại Đức, thế nào là các tưởng không tùy miên trong Thế Tôn, vị sống mà không bị các dục trói buộc…?’

‘Này tỳ-kheo, do bởi nhân duyên gì mà các hành suy niệm vọng tưởng188 hiện hành cho một người, mà nếu (với người ấy) ở đây không có gì đáng hoan hỷ, đáng tán thán, đáng chấp thủ, do vậy mà tham tùy miên đoạn tận, sân tùy miên, kiến tùy miên, nghi tùy miên, mạn tùy miên, hữu tham tùy miên, vô minh tùy miên đoạn tận; do vậy mà dao gậy, tranh chấp, tranh luận, đấu tranh bị loại bỏ, ly gián ngữ, vọng ngữ được dứt trừ. Chính ở đây, tất cả những pháp ác, bất thiện này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.’

Thế Tôn thuyết như vậy, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy bước vào tinh xá. Sau khi Thế Tôn đi vào tinh xá không lâu, các tỳ- kheo ấy suy nghĩ, ‘Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy tóm tắt này cho chúng ta, không giải thích rộng rãi ý nghĩa… Tôn giả Mahā-kaccāna có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này cho chúng ta.’ Rồi chư tỳ-kheo đi đến chỗ tôn giả Mahā- kaccāna và thưa rằng: ‘Tôn giả Mahā-kaccāna, xin hãy giải thích ý nghĩa này.’

Tôn giả Mahā-kaccāna giải thích như sau: ‘Chư Hiền, do duyên đến mắt và các sắc, nhãn thức phát sinh. Tổ hợp của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, cảm thọ phát sinh. Cái gì được cảm thọ cái đó được tưởng, cái gì được tưởng cái đó được tầm tư, cái gì được tầm tư cái đó là vọng tưởng. Do nhân duyên vọng tưởng, mà các hành suy niệm vọng tưởng hiện hành nơi một người trong các sắc nhận thức bởi mắt, sắc quá khứ, sắc vị lai, sắc hiện tại. [Lặp lại tương tự như vậy trong các căn khác và sở duyên tương ứng của chúng; bao gồm cả ý và pháp.]

Madhupiṇḍika Sutta: Majjhima-nikāya I.108–112, dịch Anh P.D.P.

Th.18 Tranh luận phát sanh như thế nào

Đoạn này nhấn mạnh do bám chấp sở hữu mà dẫn đến tranh cãi.

Rồi thì, này Ānanda, ở đây do duyên thọ mà khát ái, do duyên khát ái mà tầm cầu, do duyên tầm cầu mà thủ đắc, do duyên thủ đắc mà quyết định (quyết định làm gì với thủ đắc), do duyên quyết định mà dục tham, do duyên dục tham mà đắm trước, do duyên đắm trước mà chấp thủ, do duyên chấp thủ mà keo kiệt, do duyên keo kiệt mà thủ hộ, do duyên thủ hộ mà phát sinh các pháp ác, bất thiện pháp, cầm dao, cầm gậy, tranh chấp, tranh luận, đấu tranh, ác khẩu, vọng ngữ.

Mahā-nidāna Sutta: Dīgha-nikāya II.59, dịch Anh P.D.P.

Th.19 Giáo điều, nguồn gốc tranh chấp

Những bài kệ sau đây trích từ bốn bài kinh của một phần trong Kinh Tập (Sutta-nipāta) gọi là Phẩm Tám (Aṭṭhaka- vagga). Phần này là một bản kinh có rất sớm, vì được trích dẫn trong một số kinh điển sơ kỳ khác; đặc biệt nhấn mạnh việc không bám chấp vào các quan điểm và ý kiến.

Nhiều người nói lên với ác ý, những người khác nói ý chân thật. Mâu-ni không dự phần tranh cãi, do vậy Mâu-ni không chướng ngại.

Làm sao tự mình vượt tà kiến,189 bị dục lôi kéo bám sở thích, tự mình tư duy thành định kiến, tuyên thuyết giáo điều như tư duy.

Những ai do vọng tưởng phân biệt, tôn sùng hành bất tịnh hữu vi, thấy đó có lợi cho tự thân, bám chặt những gì không ổn định.

Tỳ-kheo tu tối thắng tịch diệt, không khoe ta có giới như vậy, không đề cao những gì trong thế gian, những điều thiện nhân chê phi thánh.

Những ai bám chặt vào các pháp, không dễ siêu việt các kiến chấp, cho nên kẻ nào trụ trong đó, người ấy xả chánh, thủ tà pháp.

Họ nói duy chỉ đây thanh tịnh, trong các pháp khác không thanh tịnh, y chỉ điều này nói đây tịnh, mỗi mỗi tự nói thuyết ta tịnh.190

Vào giữa đại chúng muốn thuyết lý, chúng đối địch nhau, gọi nhau ngu; y chỉ tự tông mà tranh luận, tự khen tự nói ta thiện xảo.

Ta bằng, ta hơn, hoặc ta kém: ai nghĩ như vậy khởi đấu tranh; ai không dao động ba thứ này, không nghĩ ta bằng, hay hơn, kém.

Bà-la-môn nói gì đều đúng? Hay sai? Vì vậy gây đấu tranh. Với ai không nghĩ bằng, không bằng, người ấy do đâu gây tranh luận?

Những ai lìa tưởng, không hệ phược, những ai tuệ giải thoát không si.
Những kẻ chấp tưởng và chấp kiến, đi khắp thế gian để tranh cãi.

Mỗi mỗi chấp riêng kiến giải mình, kẻ khéo tranh cãi, quyết nhiều lý: “Ai nói như vầy là biết pháp. Ai chê, người ấy không rốt ráo.”

Như vậy chấp riêng rồi tranh cãi, chê người khác ngu, không thiện xảo.

Tất cả đều nói ta thiện xảo, vậy ai trong đó thuyết như thật? Không khứng nhận pháp của người khác, chê ngu, thấp kém, tuệ hạ liệt

Tất cả đều ngu, tuệ hạ liệt. Tất cả chấp riêng kiến giải mình.

Nếu theo kiến riêng mà thanh tịnh, trí giả thiện xảo tuệ cực tịnh; thế thì không ai tuệ hạ liệt, vì mọi kiến giải đều rốt ráo.

Ta không nói điều này như thật, hỗ tương đối địch gọi nhau ngu. Mỗi chấp kiến riêng là sự thật, nên nói kẻ khác là ngu si.

Điều mà người này nói như thực, người khác cho là hư ngụy, dối. Như vậy chúng tranh chấp tranh luận; sao các sa-môn không nhất trí?

Sự thật chỉ một không có hai, trong đó biết rõ, không tranh cãi. Tự khen chân lý thành lắm loại; vì vậy sa-môn không nhất trí.191

Tự xưng thiện xảo các luận thuyết, sao nói sự thật có lắm loại? Phải chăng sự thật nhiều sai biệt, hay chỉ tùy niệm theo suy lý?

Trong đời, sự thực vốn thường hằng, không nhiều sai biệt, trừ do tưởng192. Suy lý vọng tưởng trong các kiến, phân biệt thành hai: đúng, hoặc sai.

The Duṭṭhaṭṭhaka, Pasūra, Māgandhiya and Cūḷa-viyūha Suttas: Sutta-nipāta 780–787, 824–825, 842–847, 878–886, dịch Anh P.D.P.

Th.20 Ngụ ngôn người mù sờ con voi. Những vấn đề vô ký.

Đoạn này giới thiệu một tập hợp mười quan điểm về những điều được gọi là các vấn đề không xác định hoặc không thể giải đáp (avyākata: vô ký) (xem *Th.10 và phần giới thiệu trước phía trước). Nói thế, do bởi Phật gạt chúng sang một bên mà không trả lời, vì trả lời chúng không liên hệ gì đến giải thoát khỏi đau khổ mà còn dẫn đến tranh cãi không cơ sở. Những người chủ trương quan điểm như vậy được mô tả là chỉ cố chấp một khía cạnh hạn định của thực tại do mình kinh nghiệm một phần rồi khái quát hóa lên. Trong một đoạn khác (Majjhima–nikāya I.428–431), trong đó một tỳ-kheo nói rằng ông sẽ hoàn tục trừ phi đức Phật đưa ra những giải đáp cho mười vấn đề được xem không có câu trả lời. Đức Phật nói Ngài chưa bao giờ hứa hẹn trả lời những câu hỏi này, và so sánh người hỏi với người bị bắn bởi mũi tên độc mà từ chối điều trị cho đến khi biết mọi thứ về người bắn và chất liệu mũi tên.

‘Bạch Đại Đức, ở Sāvatthī này có nhiều sa-môn, bà-la-môn, các du sĩ dị đạo đang sống, có nhiều kiến giải dị biệt, nhận thức dị biệt, sở thích sở thích dị biệt, y cứ trên kiến giải sở y dị biệt. Một số sa-môn, bà-la-môn chủ trương như sau:

Thế giới là thường trú: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Thế giới không thường trú: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Thế giới là hữu biên: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Thế giới là vô biên: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Mạng và thân đồng nhất: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Mạng và thân không đồng nhất: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai193 tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai không tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Sau khi chết, Như Lai không phải vừa tồn tại vừa không tồn tại: chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng.

Những vị ấy công kích nhau bằng ngôn ngữ sắc bén như dao kiếm, cạnh tranh, tranh cãi rằng, “Sự thực là như vầy, sự thực không phải như vậy”.’…

‘Này các tỳ-kheo, các du sĩ dị đạo chủ trương nhiều kiến giải khác nhau ấy như những người mù, không có mắt. Họ không biết cái gì có lợi, cái gì không có lợi. Họ không biết cái gì là thực, cái gì không thực. Do vì không biết… cái gì là thực, cái gì không thực, công kích nhau bằng ngôn ngữ sắc bén như dao kiếm…

Trong quá khứ, này các tỳ-kheo, có một ông vua tại thành Sāvatthī này. Nhà vua ấy gọi một người đến và bảo: “Này khanh, lại đây. Hãy tụ họp tất cả những người mù bẩm sinh ở Sāvatthī lại một chỗ.” Người ấy vâng đáp, “Vâng lệnh, Ðại vương” và dẫn tất cả những người mù bẩm sinh ở Sāvatthī đi đến chỗ vua, tâu rằng: “Ðại vương, tôi đã tụ họp tất cả những người mù bẩm sinh ở Sāvatthī.”

“Thế thì, này khanh, hãy dẫn một con voi đến cho những người mù bẩm sinh.” - “Tâu vâng, Ðại vương” và người ấy dẫn một con voi đến cho những người mù bẩm sinh. Nói rằng “con voi là như thế này”, ông đưa đầu voi cho một số người… tai voi cho một số người… ngà voi cho một số người… vòi voi cho một số người… thân voi cho một số người… chân voi cho một số người… đùi voi cho một số người… đuôi voi cho một số người… và chỏm đuôi voi cho một số người…

Người ấy đi đến chỗ vua và tâu “Tâu Ðại vương, con voi đã được các người bẩm sinh mù quan sát. Nay đến lượt Ðại vương.”

Rồi, này các tỳ-kheo, ông vua đi đến chỗ các người mù ấy và hỏi: “Này các người mù bẩm sinh, các ông đã quan sát con voi chưa?” “Tâu Ðại vương, chúng tôi đã quan sát con voi.” “Nếu vậy, này các người mù bẩm sinh, hãy nói con voi là như thế nào.”

Những người… sờ đầu voi nói: “Con voi giống như cái hũ.” Những ai… sờ tai voi nói: “Con voi là như cái rá sàng gạo.” Những người… sờ ngà con voi nói: “Con voi giống như lưỡi cày.” Những người... sờ thân voi nói: “Con voi giống như nhà kho.” Những người… sờ chân con voi nói: “Con voi như cột trụ.” Những ai… sờ đùi con voi nói: “Con voi giống như cái cối.” Những ai… sờ đuôi con voi nói: “Con voi giống như cái chày.” Những ai… sờ chỏm đuôi con voi nói: “Con voi giống như cái chổi.” Họ nói con voi giống như thế này và không phải như thế kia… rồi đả kích nhau bằng những nắm tay. Vua thấy nực cười chuyện ấy.

Cũng vậy, này các tỳ-kheo, các du sĩ dị đạo như những người mù, không có mắt... Họ công kích nhau bằng ngôn ngữ sắc bén như dao kiếm… cạnh tranh, tranh cãi lẫn nhau… .’

Paṭhama-nānātitthiya Sutta: Udāna 67–69, dịch Anh P.D.P.

Giáo pháp chú trọng thực hành

Th.21 Đức Phật dạy những gì được chứng nghiệm và thiết thực

Khi giáo huấn một người nào đó, đức Phật chọn lựa từ những gì Ngài đã thực chứng, thấy là thiết thực tu hành cho người nghe, dù người thấy điều ấy dễ chịu hay không.

Cũng vậy, này vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, hư ngụy, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, không hư ngụy, nhưng không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai không nói lời ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, không hư ngụy, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, ở đây Như Lai biết đúng thời để nói lời nói ấy.…

[Ba mẫu văn trên được lặp lại với ‘khiến những người khác ưa thích’ thay cho ‘khiến những người khác không ưa thích’.] Vì sao vậy? Bởi vì Như Lai thương tưởng các hữu tình.

Abhaya-rājakumāra Sutta: Majjhima-nikāya I.395, dịch Anh P.H.

Th.22 Hiểu pháp đúng và sai

Trong đoạn này, đức Phật đáp lời một tỳ-kheo tuyên bố rằng hành dục lạc không gây chướng ngại đạo. Ngài xem ông ấy như một người tìm lỗi chỉ có ý định khoa trương kiến giải riêng của mình, chứ không vận dụng giáo pháp một cách thích hợp.

Này các tỳ-kheo, ở đây, một số người ngu si học pháp… Học các pháp này, nhưng không quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Do không quán sát ý nghĩa, không suy ngẫm mà nhẫn thọ. Những người ấy học pháp chỉ vì có lợi để chỉ trích người khác hay chỉ để khoa trương kiến giải. Dù học pháp với mục đích gì, họ cũng không đạt được. Những pháp được nắm giữ sai lầm ấy dẫn họ đến bất hạnh, đau khổ lâu dài.… Ví như một người cần có rắn, tìm kiếm rắn, đi khắp nơi để tìm, rồi thấy một con rắn lớn, và bắt nó ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay lại cắn tay người đó, hay cắn chi phần nào khác. Do nhân này, người đó có thể bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì nắm bắt con rắn một cách sai lầm.

Alagaddūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.133–134, dịch Anh P.D.P.

Th.23 Pháp để thoát khổ chứ không phải để chấp chặt Đoạn này giải thích rằng Pháp – giáo pháp, hành trì và kết quả chứng đắc – là để vượt qua ‘bờ-bên kia’, tức Niết-bàn, vượt thoát khổ, chứ không phải để bám chặt theo hay chấp trước giáo điều. Pháp cần có để tu tập chứ không phải để bám chặt.

Này chư tỳ-kheo, Pháp mà Ta chỉ cho các ông ví như chiếc bè để vượt qua sông chứ không phải để giữ chặt lấy. Hãy nghe và khéo tác ý… Như một người đang đi trên con đường cái, gặp một con sông lớn, bờ bên này nguy hiểm và đáng sợ, bờ bên kia an ổn và không đáng sợ. Nhưng không có thuyền hay cầu để vượt bờ này sang đến bờ kia. Người đó suy nghĩ: ‘Hay là ta thu lượm cỏ, cây, nhánh, lá…?’ Rồi người ấy kết buộc cỏ, cây, nhánh, lá thu lượm được lại thành một chiếc bè,

nương chiếc bè này, nỗ lực bằng cả tay chân, an toàn vượt sang bờ bên kia. Sang đến bờ bên kia rồi, người đó suy nghĩ: ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích cho ta. Ta đã an toàn vượt qua bờ bên kia là nhờ nó, với nỗ lực bằng cả tay chân. Vậy ta nên đội chiếc bè này trên đầu, hoặc vác nó trên vai, và đi đến chỗ nào ta muốn?’ Này các tỳ-kheo, nếu người đó làm như vậy, có làm đúng với sở dụng của chiếc bè chăng? ... Và người đó phải làm thế nào cho đúng sở dụng của chiếc bè?

Này các tỳ-kheo, người đó sau khi vượt qua bờ bên kia, có thể suy nghĩ: ‘Chiếc bè này có nhiều lợi ích cho ta. Ta đã an toàn vượt qua bờ bên kia là nhờ nó, với nỗ lực bằng cả tay chân. Giờ ta có thể kéo chiếc bè này lên bờ đất khô, hoặc nhận chìm xuống nước, rồi đi đến nơi nào ta muốn?’ Người đó làm như vậy là làm đúng sở dụng của chiếc bè ấy. Cũng vậy, này các tỳ-kheo, Pháp mà Ta chỉ cho các ông ví như chiếc bè để vượt qua sông chứ không phải để giữ chặt lấy..… Chánh pháp còn phải xả với những ai đã biết. Huống nữa là phi pháp?

Alagaddūpama Sutta: Majjhima-nikāya I.134–135, dịch Anh P.D.P.

Th.24 Pháp học nhiều mà không hành thì vô ích Tụng đọc nhiều kinh điển, buông lung không hành trì, như đếm bò người khác, không dự phần sa-môn.

Dù đọc ngàn câu kệ, nhưng chẳng ý nghĩa gì, không bằng chỉ một kệ, nghe xong tâm an tĩnh.

Dhammapada 19 and 101, dịch Anh P.H.

Con đường dẫn đến trí giải thoát

Th.25 Y chỉ thể nghiệm thực chứng, không y chỉ tông truyền hay lý luận

Phần đầu đoạn trích ở đây phê phán các cơ sở khác nhau làm y cứ cho đời sống tu tập. Cơ sở thứ nhất là y chỉ một vị thầy tự cho là có nhất thiết trí không gián đoạn, nhưng gặp phải những điều không hay không lường trước, rồi sau đó lại biện hộ ‘Sự việc đó nhất định phải như vậy’. Phần trích dẫn của đoạn này phê bình việc y chỉ vào một giáo nghĩa tông

truyền hoặc y chỉ lý luận tư biện. Trong phần thứ hai, đức Phật nêu rõ tri kiến của Ngài do thể nghiệm thực chứng.

Này Sandaka, ở đây có những tôn sư là những vị y chỉ sư truyền, cho rằng những gì được nghe từ sư truyền là chân thật. Y chỉ sư truyền, những vị ấy thuyết pháp dựa vào kinh giáo được truyền qua các thế hệ rằng ‘điều này được nói như vầy’, ‘điều này được nói như vầy’ phù hợp với thánh tạng của giáo pháp truyền thừa. Nhưng với ai y chỉ sư truyền… vị ấy có thể ghi nhớ rõ hoặc không ghi nhớ rõ. Lại nữa, nó có thể là như thực, có thể không như thực… Này Sandaka, đây là phạm hạnh không an ổn thứ hai, được Thế Tôn, vị Tri Giả, Kiến Giả… tuyên bố. Và ở đây người có trí không thể tự mình trụ phạm hạnh ấy, và nếu trụ, thì không thể thành đạt chánh lý, thiện pháp.

Lại nữa, này Sandaka, ở đây có vị đạo sư là nhà lý luận, là nhà thẩm sát. Vị này thuyết pháp dựa trên những gì tự mình rõ, đả phá bằng lý luận, tùy hành theo thẩm sát. Trong trường hợp nhà lý luận, nhà thẩm sát, vị ấy có phần khéo lý luận, có phần không khéo lý luận. Cũng có thể là như thực, có thể không như thực.… (Như đã nói) điều này, này Sandaka, đây là phạm hạnh không an ổn thứ ba, được Thế Tôn, vị Tri Giả, Kiến Giả… tuyên bố.…

Sandaka Sutta: Majjhima-nikāya I.520, dịch Anh P.D.P.

Có, này Bhāradvāja, một số sa-môn và bà-la-môn… là những vị y chỉ sư truyền; do y chỉ những điều được từ kinh giáo sư truyền, tuyên bố… đã thông đạt thắng trí viên mãn cứu cánh, như, chẳng hạn, các bà-la-môn tam minh.194 Có một số sa- môn và bà-la-môn… là các nhà suy lý và thẩm sát. (Cũng) có những vị… đã bằng thắng trí tự thân chứng nghiệm pháp trước đây chưa từng nghe và tuyên bố… đã thông đạt thắng



194 Thông hiểu ba tập Vedā, Thánh điển của Bà-la-môn giáo, hình thức đầu của Hindu giáo, được xem là có những giáo lý vĩnh hằng được các vị thần khai thị.

trí viên mãn cứu cánh trí. Này Bhāradvāja, Ta là một trong số những vị ấy.

Saṅgārava Sutta: Majjhima-nikāya II.211, dịch Anh P.D.P.

Th.26 Các cơ sở không khả y cho tri và hành

Đoạn này nêu rõ một giáo thuyết cần được trắc nghiệm bằng kinh nghiệm bản thân, thay vì được chấp nhận chỉ dựa trên truyền thống, lý luận, hoặc bị ấn tượng, hay do trung thành với một vị thầy. Cần phải tự thân thẩm định những kết quả tu tập của các giáo pháp cụ thể. Điểm chú trọng ở đây không phải là nội dung của giáo pháp có thể được đề nghị, nhưng chú trọng đến tâm trạng mà giáo thuyết ấy khuyến khích, và các kết quả tu tập đạt được– dù cho đó là những trạng thái mê lầm và đối lập của nó liên hệ đến nội dung đề xuất.

Những người Kālāma ở Kesaputta bạch Thế Tôn như vầy: ‘Bạch Đại Đức, có một số sa-môn và bà-la-môn đi đến Kesaputta, giải thích và làm sáng tỏ giáo thuyết của mình. Họ bài xích, khinh miệt, biếm nhẽ, và triệt hạ giáo thuyết người khác. Lại có một số sa-môn và bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta cũng làm như vậy. Bạch Đại Đức, chúng con thật sự hoài nghi, thực sự phân vân không rõ ai trong số những tôn giả sa-môn và bà-la-môn này nói sự thật và ai nói hư dối.’ [Đức Phật:] ‘Thật đáng để cho ngươi hoài nghi, phân vân. Vì có điều phân vân khi có điều đáng hoài nghi. Vậy thì, này những người Kālāma, chớ có vội tin do nghe từ sư truyền, nghe từ truyền thừa tiếp nối, nghe từ truyền tụng, từ kinh điển thánh tạng, từ suy lý, từ lý luận diễn dịch, từ suy xét theo tướng trạng, từ quan điểm được chấp nhận do thẩm sát, từ ai đó được xét có khả năng hay không khả năng, hay từ (ý nghĩ rằng) “Sa-môn này là thầy của mình”.

‘Khi nào, này những người Kālāma, các ông tự mình biết rõ: “Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị chỉ trích bởi người trí, khi các pháp này được chấp nhận và thực hành chúng sẽ dẫn đến tổn hại và gây khổ”, thì các ông hãy từ bỏ chúng.’

‘Này những người Kālāma, tham phát sinh trong một người, nó tăng ích cho người ấy chăng?’

‘Bạch Đại Đức, đó chẳng phải là tăng ích người ấy.’ - ‘Này những người Kālāma, một người tham, với tâm bị tham chế ngự, mà sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, và khuyến khích kẻ khác cũng làm như vậy, người ấy sẽ chịu tổn hại và cảm khổ lâu dài.’

‘Đúng vậy, bạch Đại Đức.’ [Tương tự nói về sân và si.]

‘Này những người Kālāma, các pháp này là thiện hay bất thiện?’ ‘Bạch Đại Đức, chúng là bất thiện.’ ‘Chúng là đáng trách hay không đáng trách?’ ‘Đáng trách, bạch Đại Đức.’ ‘Chúng bị chỉ trích hay ca ngợi bởi người trí?’ ‘Bị chỉ trích, bạch Đại Đức.’ ‘Được chấp nhận và thực hành, các pháp này có dẫn đến tổn hại và cảm khổ hay không, hoặc thế nào? Được chấp nhận và không thực hành, cũng vậy với chúng ta, trong trường hợp này.’… [Đoạn này tiếp tục nói về vô tham (tức trái với tham, xả thí), vô sân (từ ái) và vô si (minh tâm, trí tuệ) là các pháp mà tự mình có thể biết là thiện và dẫn đến tăng ích và an lạc.]

Kesaputta (or Kālāma) Sutta: Aṅguttara-nikāya I.188–189, dịch Anh P.D.P. và P.H.

Th.27 Niềm tin không đồng với kiến thức

Đoạn này, như đoạn trên, phê bình việc y chỉ duy nhất vào niềm tin vô căn cứ, y chỉ trên sự tán thành (tùy hỷ), khẩu truyền (tùy văn), thẩm sát hành tướng, hoặc chấp nhận quan điểm được trầm tư, mà tất cả điều này không có căn cứ. Thay vào đó, nhấn mạnh việc tìm kiếm một vị thầy với các đặc tính đạo đức và tinh thần đáng tin cậy, vị ấy sẽ đưa ra những giáo lý phù hợp với suy lý, có thể thực hành, và làm cho thay đổi bản thân.

‘Có năm pháp này có hai quả báo ngay trong hiện tại. Năm pháp ấy là gì? Tín, tùy hỷ (tán thành), tùy văn (nghe theo giáo nghĩa sư truyền hay khẩu truyền), thẩm sát hành tướng (suy xét theo các dấu hiệu luận lý) và chấp nhận quan điểm được trầm tư.

Tuy vậy, này Bhāradvāja, có điều được khéo tin tưởng, nhưng có thể là trống không, trống rỗng, hư dối; trái lại, có điều không được khéo tin tưởng, có thể là chân thật, không trống rỗng, không hư dối.… [Tương tự cho bốn pháp còn lại] Một người có trí hộ trì chân lý không nên đi đến kết luận một chiều rằng, “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm.”…’ ‘Nhưng thưa Tôn giả Gotama, cho đến mức độ nào là sự hộ trì chân lý; cho đến mức độ nào người ấy hộ trì chân lý? Chúng con hỏi Tôn giả Gotama về hộ trì chân lý.’ ‘Này Bhāradvāja, nếu có người có tín và người ấy nói, “đây là niềm tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều, ‘chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai lầm’… Chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý cho đến như vậy, nhưng ở đây chưa phải là giác ngộ chân lý.’…

‘Cho đến mức độ nào là có sự giác ngộ chân lý? Cho đến mức độ nào một người giác ngộ chân lý?’ ‘Ở đây, này Bhāradvāja, một tỳ-kheo sống gần làng xóm hay thị trấn. Một gia chủ hay con trai một gia chủ đi đến vị ấy và tìm hiểu vị ấy trong ba pháp – tức là xu hướng tham, xu hướng sân, xu hướng si: “Có chăng những pháp dẫn đến tham như vậy khiến cho tâm của tôn giả ấy bị pháp dẫn đến tham như vậy chế ngự cho đến mức ấy dù không biết mà vẫn nói ‘tôi biết’, dù không thấy vẫn nói ‘tôi thấy’, và thậm chí khuyến khích người khác cũng như vậy để dẫn đến tổn hại, cảm khổ lâu dài?” Trong khi quan sát như vậy, người này biết như sau: “Tôn giả ấy không có xu hướng tham… Thân hành và ngữ hành của tôn giả ấy là như vậy, là của một người không có tham. Pháp mà vị ấy thuyết thâm sâu, khó thấy, khó chứng, tịch tĩnh, thù thắng, vượt ngoài luận lý suông, tế nhị, được người trí chấp nhận. Pháp ấy không thể do một người có tham khéo giảng.”…

Sau khi quan sát thấy vị ấy thanh tịnh đối với pháp dẫn đến tham; người này lại quan sát thấy vị ấy thanh tịnh đối với pháp dẫn đến sân,… và pháp dẫn đến si. Sau khi quan sát thấy vị ấy thanh tịnh đối với pháp dẫn đến tham, sân, và si, người này phát sanh tín tâm đối với vị ấy. Với tâm tịnh tín,

người này đi đến gần; rồi ngồi gần vị ấy, và lóng tai nghe pháp; sau khi nghe, người này ghi nhớ pháp. Rồi tìm hiểu ý nghĩa, hoan hỷ chấp nhận các pháp; khi người này hoan hỷ tin nhận các pháp, ước muốn phát sanh; với ước muốn phát sanh, liền nỗ lực; sau khi nỗ lực, liền trù lượng; trù lượng rồi, tinh cần; do tinh cần, người này tự thân chứng ngộ chân lý tối thượng, rồi bằng trí tuệ mà thấy và thông đạt. Cho đến mức độ này, này Bhāradvāja, là sự giác ngộ chân lý. Cho đến mức độ này, một người giác ngộ chân lý. Chúng tôi chủ trương cho đến mức độ này là sự giác ngộ chân lý, nhưng như vậy chưa phải là chứng đạt chân lý.’

‘Cho đến mức độ nào, thưa tôn giả Gotama, là sự chứng đạt chân lý?...’ ‘Chính nhờ luyện tập, tu tập và liên tục tu tập về những pháp ấy, như vậy là có sự chứng đạt chân lý.’

Caṅkī Sutta: Majjhima-nikāya II.170–174, dịch Anh P.D.P and P.H.

Th.28 Thuận thứ thuyết pháp

Đoạn này cho thấy đức Phật bằng phương tiện chuẩn bị cho một người nghe và trực tiếp hiểu tâm yếu của pháp, nói về khổ và con đương thoát khổ: trước hết nói về tu giới và nghiệp quả của tu giới, và rồi xuất ly các dục dẫn đến tâm định. Với tâm định tĩnh, dễ hướng dẫn và dễ tiếp nhận, bấy giờ mới nói pháp yếu, từ đó người nghe pháp có thể thấy khổ, nguồn gốc của khổ, và khổ có thể được vượt qua và chấm dứt. Một đoạn tương tự là *L.34.

Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upāli, thuyết bố thí, trì giới, sinh thiên; rồi nêu rõ các dục là tai hại, hạ liệt, là ô nhiễm, và những lợi ích của xuất ly các dục. Khi biết tâm của gia chủ Upāli đã kham nhẫn, nhu thuận, không triền cái, phấn khởi và tự tín, thì Thế Tôn mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.195

Cũng như tấm vải thuần bạch được gột rửa các dấu vết bẩn thì rất dễ nhuộm màu, cũng vậy, gia chủ Upāli ngay tại chỗ



195 Một cách ngắn gọn đề cập đến bốn Thánh Đế (xem *L.27).

ngồi ấy, có được pháp nhãn thanh tịnh và ly cấu: ‘Phàm pháp gì có sinh đều có diệt.’

Upāli Sutta: Majjhima-nikāya I.379–380, dịch Anh P.H.

ĐẠI THỪA

Những phẩm tính của Pháp

M.14 Tôn Kính Pháp

Trong chương này, Pháp chủ yếu là những giáo thuyết uyên áo của Phật.

‘Bạch Thế Tôn, con nghe nói, trong tất cả cúng dường, cúng dường pháp là tối thượng. Vậy, bạch Thế Tôn, thế nào là cúng dường pháp?

Thế Tôn dạy, ‘Thiện nam tử! Cúng dường Pháp là cúng dường những gì được Như Lai (Tathāgata) thuyết giảng. Đó là cúng dường các Kinh điển thậm thâm vi diệu và tương tợ thậm thâm vi diệu, đối trị tất cả thế gian, khó tín thọ, khó dò, khó thấy, khó hiểu, cực kỳ vi tế, cực kỳ vi diệu, khó lý giải. Pháp ấy bao gồm cả Bồ-tát tạng, được ấn trì bởi dấu ấn của các tổng trì và các kinh, khai thị Pháp luân không thối chuyển, là nguồn cội phát xuất sáu ba-la-mật, 196 nhiếp trì những ai cần được nhiếp trì, tùy hành cùng ba mươi bảy đạo phẩm197 dẫn đến giác ngộ198 và dẫn đạo bảy giác chi, hướng chúng sinh vào đại bi và thuyết giáo đại từ, dẫn tránh xa Ma thuyết (Māra) 199 và diễn giải pháp duyên khởi 200 , tuyên thuyết vô ngã, vô chúng sinh, vô mạng giả và vô nhân xưng, tuyên thuyết không, vô tướng, vô nguyện, vô tác hành201, dẫn đến bồ-đề đạo tràng và chuyển Pháp luân, được chư thiên,



196 Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ (xem *M.100- 106).

197 Xem chú thích *M.10.

198 Giải thích ở phần cước chú *M.158.

199 Xem *LI.7.

200 Xem *Th.156ff.

201 Tức là tác ý vô tự tính và định tâm trên các tướng trạng của những gì

được tri nhận, và được ước nguyện.

long, dạ-xoa, càn-thát-bà202 lễ bái tán dương, duy trì mạng mạch chánh pháp không đứt đoạn, nhiếp trì kho báu của chánh pháp, dẫn chúng sanh thú nhập tối thượng cúng dường pháp, được tất cả Hiền Thánh nhiếp thọ, khai phát tất cả sở hành của Bồ-tát, dẫn vào chỗ quy thú của thật tướng các pháp, xuất sanh tổng yếu các pháp vô thường, khổ, vô ngã, tịch tĩnh, chỉ ra uy lực tác hại của ác giới, cứu hộ tất cả thoát khỏi kinh sợ bởi chấp trước tà kiến, ác luận của ngoại đạo, được nhất thiết chư Phật tán dương, là đối trị phần của luân hồi, khai thị Niết-bàn an lạc. Tuyên thuyết, khai thị, thọ trì, quán sát những kinh giáo với các hình thức như vậy, nhiếp thọ chánh pháp, đây gọi là cúng dường pháp.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch. 12, sections 10–11, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.15 Hưởng thọ Pháp lạc Đoạn này giảng luận sở hành của đạo giác ngộ. ‘Thế nào là hoan hỷ pháp lạc nghĩa?’

Trưởng giả Duy-ma-cật (Licchavi Vimalakīrti) đáp: ‘Đó là hoan hỷ với tín bất hoại đối với Phật; hoan hỷ nghe Pháp; hoan hỷ thân cận Tăng-già; hoan hỷ thờ kính tôn sư; hoan hỷ xuất ly tam giới203; hoan hỷ thoát ly các cảnh giới dục lạc; hoan hỷ quán sát các uẩn204 như kẻ giết người205; hoan hỷ quán sát các giới206 như rắn độc, quán sát các nội xứ như là xóm hoang; hoan hỷ hộ trì tâm bồ-đề; hoan hỷ làm ích lợi cho chúng sinh; hoan hỷ chia phần khi bố thí; hoan hỷ không giải đãi nghiêm trì tịnh giới; hoan hỷ nhu hòa nhẫn nhục;



202 nāga, yakṣka, gandharva, các hạng chư thiên và quỷ thần.

203 Tức là toàn bộ pháp hữu vi, xem ‘ba cõi’ ở phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

204 Chuỗi tương tục danh sắc tạo thành một chúng sinh: sắc, thọ, tưởng, hành và thức (xem *Th.151).

205 Chúng có mặt trong khi tái sinh và chấm dứt khi chết.

206 Mười tám giới là sáu căn (năm sắc căn cộng với ý căn), các đối tượng của chúng, và các thức tương ứng. Chúng được ví dụ như ‘nọc độc của rắn’, hư dối, là ‘các trường nhận thức’ (các căn và cảnh); tất cả đều trống rỗng, không có một cái ngã cố định và thường hằng.

hoan hỷ tinh tấn tu tập thiện căn; hoan hỷ thành biện các thiền; hoan hỷ tu hành bát-nhã diệt trừ phiền não; hoan hỷ phát huy quảng đại tâm bồ-đề; hoan hỷ chiến thắng Ác Ma; hoan hỷ đoạn trừ phiền não; hoan hỷ thanh tịnh Phật quốc; hoan hỷ tích lũy thiện căn để viên mãn các tướng hảo và tùy hình; hoan hỷ vô úy nghe pháp thâm diệu; hoan hỷ tu tập ba giải thoát môn207; hoan hỷ vươn đến Niết-bàn; hoan hỷ trang nghiêm bồ-đề đạo tràng, và không chứng bồ-đề phi thời; hoan hỷ phụng sự đồng học đồng phần; hoan hỷ không sân hận thù nghịch với phi đồng phần đồng học; hoan hỷ phụng sự thiện tri thức; hoan hỷ rời xa ác hữu. Đó là hoan hỷ trong pháp hỷ và pháp lạc; hoan hỷ nhiếp thọ phương tiện thiện xảo; hoan hỷ tu tập không buông lung các pháp bồ-đề phần208. Đấy là hoan hỷ pháp lạc của Bồ-tát.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch. 3, section 64, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.16 Pháp siêu việt ngôn ngữ

Đoạn này chủ yếu đồng nhất Pháp với Niết-bàn và thực tại cứu cánh vượt ngoài ngôn ngữ.

[Ch.5] Pháp không hý luận, không văn tự. Ở đây ai lập thành hý luận rằng, ‘Tôi sẽ biến tri khổ, đoạn trừ khổ, tác chứng diệt và tu tập đạo’209, người ấy không phải cầu pháp, mà là cầu hý luận.

[Ch.3] Pháp sung mãn tất cả mọi nơi, như hư không. Pháp không hình tướng, viễn ly tất cả hiện hành. Nó không có ‘ngã’, viễn ly ‘ngã sở’. Pháp không liễu biệt, viễn ly tâm-ý- thức. Pháp không tương tợ, vì không có đối phần. Pháp không lệ thuộc nhân vì không ở trong duyên. Pháp đồng pháp giới, vì nhập hết thảy pháp. Pháp tùy hành Như, vì không có gì tương ứng tùy hành. Pháp trụ thất tế, vì tuyệt đối bất động.



207 Không, vô tướng, vô nguyện. Xem chú thích cuối *M.14.

208 Theo giải thích *M.10.

209 Bài Pháp đầu tiên của đức Phật (xem tiểu đoạn *L.27).

Pháp không dao động, vì không y chỉ sáu xứ210. Pháp không đến, không đi, vì không sở trụ. Pháp thuận hợp Không, tùy hiện Vô tướng, ứng hợp Vô nguyện, vì viễn ly tăng giảm. Pháp không thủ xả vì viễn ly sanh diệt. Pháp không chấp tàng, vì vượt ngoài đạo lộ của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Pháp không cao thấp, vì thường trụ, bất động, viễn ly hết thảy phân biệt sở hành.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.5, section 3, and ch.3, section 6, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Lý do quyết định tu Phật

M.17 Đức Phật vị Đạo Sư xử lý tính bạc nhược của con người

Đoạn này phác họa tình cảnh chúng sinh vô minh và thỉnh Phật cứu hộ.

2. Bị tham dục bao quanh, bị tường thành của ngã mạn kiên cố vây hãm, cấu thành tam hữu, pháo đài to lớn này chính là ba cõi.211

3. Chính vì bị ném vào trong vọng tưởng và vô minh, bị tam độc thiêu đốt, cho nên (ở đây) luôn bị quyền lực của Ma vương sai sử. Đây là nơi cư ngụ của những trẻ dại ngu si.

4. Họ bị xích xiềng tham dục trói buộc, gian dối diệt chánh hành. Họ bị lưu chuyển trong ác đạo, nghi hoặc và do dự làm mắt mù lòa.

5. Do tật đố và keo kiệt trói buộc, họ bị dẫn vào những cõi bất hạnh, như ngạ quỷ, súc sinh hoặc địa ngục. Vì bị sanh, già, bệnh, chết bức bách, nên họ bị nghiệp kéo lôi vào chốn luân hồi mông muội.

6. Đại bi vô thượng như ánh trăng rằm, tuệ quang như mặt trời rực rỡ hiện ra diệt đại dương phiền não nhiễm ô, chiếu xuống con.212



210 Trong Phật giáo, tâm thức được kể như là một giác quan, cùng với các giác quan khác như thấy, nghe, nếm, ngửi và xúc chạm.

211 Đây là toàn bộ các cõi hữu vi: xem ‘tam giới’ ở Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

7. Ánh trăng rằm đại từ, tuệ quang an chúng sinh, bình đẳng chiếu khắp nơi. Con nguyện được nguyệt vương chiếu soi.

8. Là vua của tất cả Pháp giới, binh đoàn là tịnh Pháp, thường chuyển chánh pháp luân. Con nguyện được diệu Pháp này chuyển hóa.

9. Con nguyện đắc bồ-đề. Con tích tập thiện nghiệp hạnh, và làm lợi ích mọi chúng sinh. Nguyện đấng Đại Đạo Sư che chở cho con.

10. (Được) trang nghiêm thân bằng áo giáp nhẫn nhục, nắm chặt thanh kiếm trí, và nhờ thế, trong ác đạo Ma vương, nguyện giúp con được cứu thoát.

Gaṇḍavyūha Sūtra, Taishō vol.9, text 278, p.688b14–c02, dịch Anh

T.T.S. and D.S.

Tranh chấp và bao dung

M.18 Bồ-tát không dự phần tranh chấp

Đoạn này xem Bồ-tát như là người cảm động nhân tâm bằng tính bao dung dù khi những tranh chấp ác liệt bao vây.

Bồ-tát Vô Biên Trang Nghiêm (Anantavyūha) hướng Phật bạch rằng, ‘Bạch Thế Tôn, vào thời vị lai, khi mà những tranh luận khởi lên, bấy giờ con người đầy bám chấp sẽ đấu tranh khốc liệt lẫn nhau, ba độc hưng phát và chánh pháp bị rối loạn. Lúc bấy giờ, chư Bồ-tát, dốc hết đại bi, hiện thân nhẫn nại ở giữa những thảm cảnh này, để lưu bố pháp này mà không tranh luận. Vì không tham gia tranh luận, nên họ nhiếp thụ đại từ đại bi và tích tập tất cả sức mạnh của thiện căn.’ Ananta-mukha-pariśodhana-nirdeśa, section 2 of the Mahā- ratnakūṭa Sūtra, Taishō vol.11, text 310, p.21a11–15, dịch Anh

T.T.S. & D.S.

M.19 Chân như vô tránh

Đoạn này xem ‘sự vật nó như là nó’ – bản tính như thực của thực tại, thường được dịch là ‘như’ hay ‘chân như’– vì vượt



212 Kệ này và những thi kệ tiếp theo, Thiện Tài (Sudhana) xưng dương đức Phật.

trên ngôn từ và tranh luận, cho nên những ai tùy thuận chân như sẽ không tranh luận với chúng sinh (cf. *Th.17).

Này Xá-lợi-phất (Śāriputra), chân như tức là thật tánh, là như tính, là tự tính của những gì không phải là không như, là tự tính của những gì không bất viễn ly tính, không phát động, không loạn động tính, là tự tính của những gì không trái nghịch, tự tính của những gì không tranh chấp chống trái.

Lại nữa, này Xá-lợi-phất, chân như là không tranh luận đối nghịch bất cứ sự gì. Vì không đối nghịch tranh luận, nên nó được gọi là chân như, nhưng chư Như Lai gọi nó là đối nghịch tranh luận. Này Xá-lợi-phất, chân như được nói là tùy thuận nhiếp thụ, vậy, nhân duyên gì mà Như Lai nói nó như là đối nghịch tranh luận? Này Xá-lợi-phất, vì Như Lai đối nghịch mọi tranh luận. Vì nhân duyên đó, Bồ-tát thường hiện đối nghịch tranh luận. Lại nữa, Như Lai không bao giờ đối nghịch tranh luận, và cũng chưa từng phát khởi đối nghịch tranh luận. Tại sao vậy? Vì Như Lai không đối nghịch cũng không tranh luận, nhưng thường hiện các sắc tướng tương tợ đối nghịch tranh luận.

Bodhisattva-piṭaka, section 12 of the Mahā-ratnakūṭa Sūtra, Taishō

vol.11, text 310, p.283a13–21, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Pháp là phương tiện đưa tới cứu cánh

M.20 Pháp không phải là để bám chấp

Đoạn này lặp lại từ đoạn *Th.23, ví dụ pháp như chiếc bè đưa hành giả vượt sông mê sang bờ giác (Niết-bàn); Pháp dụ cho phương tiện, một khi tới đích thì nên buông bỏ.

Này Tu-bồ-đề (Subhūti), Bồ-tát ma-ha-tát, không bám chấp pháp, cũng không bám chấp những gì là phi pháp. Đây là điều mà Như Lai có ý nói, ‘Ông nên biết rằng, pháp được tuyên thuyết, như chiếc bè. Chánh pháp còn phải buông xả, hà huống phi pháp.’

Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra, section 6, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.21 Con đường dẫn đến trí tuệ

Bồ-tát cần phải tu tập các công đức dẫn đến giác ngộ, mà không xem các công này là có thực tính để có thể bám nắm. Bấy giờ, trưởng lão Tu-bồ-đề (Subhūti) bạch Phật: “Thế Tôn, như vậy thì, bát-nhã ba-la-mật-đa này quả thật tối uyên thâm. Không có người tu, không có pháp được tu, không có chỗ để tu xứ, và cũng không do đây mà được tu tập. Tại sao vậy? Đó là vì trong nghĩa thậm thâm của bát-nhã ba-la-mật-đa này, chí thiểu không có phần nào pháp có thực để có thể gọi là người tu, pháp được tu, chỗ để tu, hoặc do đây mà tu.

Bạch Thế Tôn, nếu tu hư không, đó là tu bát-nhã ba-la-mật- đa. Tu chứng tất cả pháp là tu bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu pháp không có thực là tu bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu cái không có gì là tu bát-nhã ba-la-mật-đa. Tu cái không nhiếp thọ là tu bát- nhã ba-la-mật-đa. Tu trừ diệt pháp là tu bát-nhã ba-la-mật-đa. Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol. 7, text 220, pp.617c03– c12, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Giáo pháp phân định tùy căn cơ, thu nhiếp tất cả

M.22 Đức Phật thuyết pháp tùy thuận căn cơ của thính chúng

Đoạn này trích dịch từ Kinh Pháp Hoa, trong đó đức Phật chỉ rõ rằng, Ngài đã dùng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chúng sinh, vì biết rằng có nhiều ý hướng khác nhau. Với những người hạ căn, thì Phật dạy, cứu cánh là Niết-bàn, hàm nghĩa giải thoát cá nhân khỏi sinh tử luân hồi. Giáo pháp này chỉ là một trong ba thừa (yāna: cỗ xe) mà thôi (xem

*M.64-7). Thừa (cỗ xe) thứ hai là thừa dẫn đến chứng quả Độc Giác – tuy trí tuệ kiên cố, nhưng vẫn không đủ tâm bi để giáo hóa thuần thục chúng sinh. Thứ ba là thừa (cỗ xe) dẫn đến chứng đắc Phật quả viên mãn, đức Phật viên mãn đại trí và đại bi. Thực tế, tất cả chúng sanh đều có thể đạt được cứu cánh này, là mục đích mà Phật chỉ rõ trong Kinh Pháp Hoa. Hai thừa đầu tiên chỉ là hai thừa phương tiện, mà mục đích chưa phải là cứu cánh đích thực tối thượng.

42. Hãy lắng nghe, này Xá-lợi-phất! Chư Phật, Đại Đạo Sư, bằng vô số trăm nghìn phương tiện thiện xảo mà tuyên thuyết Phật Pháp, các Vô thượng Đại trượng phu.

43. Ta vốn biết những ý hướng, phẩm hạnh, những xu hướng sai biệt và những nghiệp thù thắng của vô lượng chúng sinh, cũng như các thiện nghiệp trong quá khứ được tạo tác thành tựu.

44. Và Ta đã dẫn những chúng sinh này đến với Pháp bằng vô số sai biệt ngôn từ, diễn giải; bằng vô số nhân duyên, thí dụ khiến cho vô lượng chúng sinh hoan hỷ.

45. Ta đã tuyên thuyết các khế kinh (sūtra) và kệ tụng (gāthā), bản sanh (jātaka)213, bản sự (itivṛttaka), vị tằng hữu (adbhuta), nhân duyên (nidāna), và trăm nghìn thí dụ (aupamya). Ta đã thuyết bằng vi diệu ứng tụng (geya), và luận nghị (upadeśa).

46. Có những hạng xu hướng thấp kém, thiếu trí tuệ, những hạng không tu tập theo vô lượng chư Phật, những hạng bị chìm ngập trong sanh tử và những hạng thọ lãnh kỳ cùng khổ. Ta khai thị Niết-bàn cho những hạng ấy.

47. Đấng Tự Hữu (svayaṃbhū) bằng vô số phương tiện thiện xảo thức tỉnh chúng thấu hiểu Phật trí, thế nhưng (Ta) chưa bao giờ tuyên bố, ‘Ngươi sẽ thành Phật trong thế giới này.’…

62. Này Xá-lợi-phất, nếu như Ta nói với những chúng sinh là hãy phát tâm cầu giác ngộ214, thì những chúng sinh vô tri này sẽ mê hoặc lạc lối và không bao giờ hiểu được ý nghĩa những lời vi diệu Ta đã nói.

63. Ta vốn biết chúng sở thích những gì, những chúng sinh ấy chưa từng tu tập lâu dài trong những đời quá khứ. Chúng bị dính mắc trong các dục lạc bởi khát ái, tâm bị co rút bởi si mê.

64. Do tham ái các dục, chúng đọa trong các ác đạo, tâm bị quẫn bức trong sáu nẻo. Những bãi tha ma chôn thây càng lúc càng rộng lớn. Chúng bị bức khổ và quá ít phước.



213 Những chuyện về tiền thân của Phật.

214 Tức là sự giác ngộ (bồ-đề) của Phật.

65. Chúng bị vây khổn trong rừng tà kiến, tư duy, ‘nó tồn tại, nó không tồn tại; nó tồn tại như vậy, nó không tồn tại như vậy’, như thế y chỉ sáu mươi hai kiến chấp215, rồi chấp chặt pháp hư vọng, chúng kiên trì trong đó.

66. Chúng rất khó tịnh trị, kiêu mạn, lừa dối, gian trá, không trung thực, ngu si, kém học hỏi. Thậm chí, qua vô lượng kiếp đời, chúng chưa bao giờ nghe được âm thanh vi diệu của Phật.

67. Này Xá-lợi-phất, Ta dùng phương tiện thiện xảo chỉ dạy chúng, ‘Hãy diệt tận khổ.’ Ta thấy chúng sinh bị khổ bức bách, do vậy, Ta khai thị Niết-bàn.

68. Ta nói như vầy, rằng, các pháp từ khởi thủy vốn tịch tĩnh, thường trụ tịch diệt, Phật tử hành đạo đã tròn đầy, đời sau sẽ thành Phật.

69. Bằng phương tiện thiện xảo, Ta khai thị ba thừa, nhưng duy nhất chỉ một thừa. Chư vị Đại Đạo Sư duy nhất chỉ một thuyết.

Saddharma-puṇḍarīka Sūtra, ch.2 vv.42–47, vv.62–69, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

KIM CANG THỪA

Phẩm tính của Pháp

V.7 Thử nghiệm pháp

Đoạn này cho rằng Phật Pháp nên được tiếp nhận một cách có phê phán, hơn là chỉ tin tưởng mù quáng; được trích dịch từ tác phẩm của một luận sư Trung luận (Mādhyamika) Ấn- độ là Tịch Hộ (Śāntarakṣita) (khoảng 680–740), người đầu tiên hỗ trợ thiết lập Phật giáo tại Tây Tạng.

Này các tỳ-kheo, những ai đa văn chỉ nên tiếp nhận những gì Ta nói sau khi đã thẩm sát, chứ không phải chỉ vì tôn kính – cũng như người thử vàng, bằng cách nung, cắt, và mài giũa.



215 Số 62 (dvāṣaṣti), được chọn ở đây vì có lẽ đơn giản là cụm từ này có âm vị tương tợ câu ‘tathāsti nāsti – nó tồn tại như vậy, nó không tồn tại như vậy) đứng ngay trước. Cũng có thể nó chỉ đến 62 tà kiến liệt kê trong bản Kinh Phạm Võng (Brahmajala) thuộc Trường Bộ Pāli (Dīgha-nikāya).

Tattvasaṅgraha v. 3588, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

V.8 Chân hạnh phúc chỉ có thể đạt được bằng thực chứng Pháp

Milarepa (Mi la ras pa, c. 1052–c.1135) là một trong những du-già sư và thi nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ngài là đệ tử của đại dịch sư Marpa (1012-1097), và một nhân vật chính trong lịch sử phái Kagyupa của Phật giáo Tây Tạng. Ngài được mọi người biết đến nhiều nhất qua các bài thơ tự sáng tác của mình, được sưu tập vài thế kỷ sau khi Ngài qua đời ở Mila Gurbum, gọi là “Một trăm ngàn bài ca của Milarepa”.216 Đoạn dưới đây, so sánh an lạc của hành giả du-già mật tục chân chánh với sự không an lạc của ‘những kẻ hành Pháp’ giả dối và tự phụ, là một trong những bài ca nổi tiếng nhất của Ngài. Chủ điểm của bài ca là an lạc chân thật chỉ có thể đạt được do thực chứng Pháp.

Thấy rõ tự tánh của chính mình, thấu rõ các pháp bản lai như thật, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Tâm đuổi theo vọng tưởng, tự khốn tự bức khổ, như vậy người học pháp, mọi thời đều khổ não.

Trụ tự tâm an nhiên, bản tánh tịnh bất động,217 như vậy du- già sĩ, mọi thời đều an lạc. Tâm đuổi theo vọng cảnh, chế ngự bởi tham sân, như vậy người học pháp, mọi thời hằng ưu khổ. Tỏ ngộ tất cả pháp, thảy đều là Pháp thân218 không sợ, mong, nghi hoặc, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Ba hoa nói vô nghĩa, bị tám gió219 xoay vần, như vậy người học pháp, mọi thời đều khổ não.



216 Với bản dịch tiếng Anh, xem The Hundred Thousand Songs of Milarepa, trans. Garma C.C. Chang/Trương Trừng Cơ (HSM). Xem pp.459–61 cho đoạn này.

217 ‘Bản tánh tịnh bất động’ là trạng thái tự nhiên của tâm (xem *V.70).

218 Xem phần giới thiệu trên *M.9.

219 Tám ngọn gió đời là bốn cặp: được và mất, lạc và khổ, khen và chê, vinh và nhục.

Hiểu nhất thiết duy tâm, gặp ai cũng là bạn, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Sống sa đà uổng phí, ôm hối hận xuống mồ, như vậy người học pháp, mọi thời đều ưu khổ.

Thực chứng ngộ nội tâm, trụ bản địa như nhiên,220 như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Bị tham dục chế ngự, khát khao và ham muốn, như vậy người học pháp, mọi thời đều ưu khổ.

Tự giải thoát các tướng, luôn rõ cảm thọ khởi, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Chấp chặt theo văn tự, không tỏ tự tánh tâm, như vậy người học pháp, mọi thời luôn sầu khổ.

Xả bỏ pháp thế gian, thong dong không quái ngại, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Cân đong tích tụ của, yêu thân thuộc, vợ con, như vậy người học pháp, mọi thời đều khổ não.

Cắt đứt mọi hệ lụy, thấy tất cả như huyễn, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Tâm loạn theo buông lung, thân tâm nô lệ dục, như vậy người học pháp, mọi thời luôn sầu khổ.

Cầm cương ngựa tinh tấn, du hành Bồ-tát địa, như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Gông cùm bởi lười biếng, neo chìm biển sanh tử, như vậy người học pháp, mọi thời luôn sầu khổ. Dứt phân biệt nghe, nghĩ, vui quán chiếu tự tâm,221 như vậy du-già sĩ, mọi thời đều an lạc. Miệng nói tu chánh pháp, thân làm các ác hành, như vậy người học pháp, mọi thời luôn sầu khổ.

Dứt mong, sợ, nghi hoặc, hằng an trụ bản giác, như vậy du- già sĩ, mọi thời đều an lạc. Bị xỏ mũi lôi đi, ngoan ngoãn theo thói đời, như vậy người học pháp, mọi thời luôn sầu khổ.

Bỏ lại sau “này, nọ”, thường hành trì tịnh pháp, như vậy du- già sĩ, mọi thời đều an lạc.



220 ‘Bản địa như nhiên’ chỉ cho bản tánh tự nhiên của tâm và pháp trong tự tánh của tâm.

221 Nhìn vào mọi thứ xuất hiện trong tâm như trò huyễn thuật.

‘One Hundred Thousand Songs of Milarepa’, pp.224–25, dịch Anh T.A.

V.9 Nghịch cảnh ẩn tàng phước duyên hướng Chánh Pháp Đoạn này là một thi kệ nổi tiếng, trích từ ‘Đại viên mãn tiền hành dẫn đạo văn’ (The Words of My Perfect Teacher) của Longchenpa (1308–1364), vị đạo sư và tác gia lỗi lạc nhất của phái Nyingmapa,

Áp bức bởi thù địch, ta qui hướng chánh pháp, tìm thấy lối giải thoát; xin tri ân kẻ hại.

Khổ bức bởi khốn cùng, ta qui hướng chánh pháp, tìm thấy lạc thường hằng; xin tri ân khổ đau.

Tác hại bởi phi nhân, ta qui hướng chánh pháp, tìm thấy vô sở úy; xin tri ân quỷ thần.

Sân hận bởi tha nhân, ta qui hướng chánh pháp, tìm thấy chân khoái lạc; xin tri ân kẻ thù.

Buồn khổ bởi ác duyên, ta qui hướng chánh pháp, tìm thấy lối bất biến; xin tri ân tai họa.

Khiêu khích bởi tha nhân, ta qui hướng chánh pháp, tìm thấy nghĩa tinh hoa; tri ân kẻ khiêu khích.

Để đền đáp thiện ân, xin hồi hướng tất cả.

The Words of My Perfect Teacher, pp.289–90, dịch Anh T.A.

Lược giải về Pháp

V.10 Đèn soi Nẻo Giác

‘Bồ-đề đạo đăng luận’ (Skt. Bodhi-patha-pradīpa) là một tác phẩm có tầm quan trọng cực kỳ trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng. Nó được viết bởi Đại đạo sư Atiśa (982-1054), hay còn gọi là Dīpaṃkara Śrījñāna (Nhiên Đăng Cát Tường Trí), vị tiền phong phục hưng Phật giáo ở Tây Tạng, được gọi là ‘hậu truyền’ của Chánh Pháp. Vốn là một vị tôn trưởng và tu sĩ học giả được tôn kính ở đại học tu viện Siêu Giới (Vikramaśīla), Ngài được thỉnh đến Tây Tạng vào những năm cuối đời. Các hoạt động hoằng pháp của Ngài đã dẫn đến sự hình thành một trật tự tôn giáo mới, của phái Kadampa. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ngài, được dịch toàn bộ, là một bản tóm tắt ngắn gọn về quan niệm hậu kỳ Đại

thừa và Kim cang thừa về đạo lộ Phật giáo khi nó được truyền sang Tây Tạng vào thời đó.222

[Dẫn nhập] Kính lễ Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử223

1. Kính lễ tam thế Tối Thắng Tôn, cùng với giáo pháp và Tăng-già. Do đệ tử Bồ-đề Quang,224 con thắp ngọn đèn soi nẻo giác.

2. Do căn có ba hạng: hạ, trung và thượng sĩ. Tôi kể từng hạng một, và giải thích sai biệt.

3. Hạng sĩ phu hạ căn, luôn tìm mọi phương tiện, chỉ lợi ích mình, chỉ theo vui sanh tử.

4. Quay lưng lạc ba hữu, tránh xa các nghiệp ác, chỉ mong ta tịch tĩnh, đây là hạng trung sĩ.

5. Chỉ muốn diệt tận khổ, cho tất cả chúng sanh, như chính khổ của mình, ấy là thượng sĩ phu.

[Phát bồ-đề tâm]

6. Xin thuyết chánh phương tiện, do các sư trưởng dạy, cho các thắng hữu tình, tìm cầu đại bồ-đề.225

7. Trước họa tượng của Phật, trước linh tháp226, kinh điển, cúng dường bằng hương hoa, hay bất kìkỳ phẩm vật.

8. Với bảy chi cúng dường, thuyết trong ‘Phổ Hiền Hành’,227 cho đến bồ-đề tạng, tâm không hề thoái chuyển.



222 Những bài kệ gốc của bản văn này được đi kèm với một phần tự chú giải mở rộng.

223 Bồ-tát của trí tuệ.

224 Quốc vương xuất gia, cai trị vương quốc Guge phía tây Tây Tạng, thỉnh Atiśa sang Tây Tạng.

225 Tức là những hạng thượng nhân tầm cầu giác ngộ để cứu giúp mọi chúng sanh.

226 Stupa, tháp thờ xá-lợi thân: xem *Th.94. Chúng cũng xem các kinh văn Phật giáo như ‘xá-lợi Pháp’.

227 Chương ‘Samantabhadra-caryā’(Phổ Hiền hạnh nguyện phẩm) trong Hoa Nghiêm Kinh (Gaṇḍavyūha Sūtra) là nguồn tài liệu chính về hành trì cơ hản của Đại thừa với ‘bảy chi cúng dường’ – gồm lễ kính chư Phật, rộng tu cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh chuyển Pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, và hồi hướng bồ-đề.

9. Chí tín Tam bảo tôn, hai gối quỳ trên đất, cung kính chắp hai tay, nói quy y228 ba lần!

10. Rồi, trước vận tâm từ, rải khắp mọi hữu tình trước nhất, quán chúng khổ sanh tử, đọa trong ba ác đạo.229

11. Rồi, muốn độ chúng sanh, thoát khổ cùng khổ tập, nên phát tâm bồ-đề,230 thệ quyết không thoái chuyển.

12. Những công đức có được, do phát tịnh tâm nguyện, như Di-lặc giảng rõ, ở trong kinh Hoa Nghiêm.

13. Đọc kinh, nghe thầy giảng, nghĩ vô lượng công đức, chánh đẳng bồ-đề tâm, thường xuyên phát tâm ấy.

14. Phước ấy được giảng rõ, trong kinh Dũng Thí Vấn, tóm lược thành ba tụng, tôi sẽ dẫn ra đây:

15. ‘Bồ-đề tâm phước đức, giả sử có sắc tướng, sẽ tràn đầy không giới, và còn dư hơn nữa.

16. Nếu ai đem trân bảo, chất đầy khắp cõi Phật thế giới, nhiều như cát sông Hằng, cúng dường Cứu Thế Tôn,

17. Thì cũng không sánh bằng, người chỉ có chắp tay, hướng tâm đến bồ-đề, phước ấy vô biên tế.

[Thọ Bồ-tát giới, hành bồ-đề nguyện]

18. Đã phát tịnh tâm bồ-đề nguyện, hãy nên nỗ lực luôn tăng trưởng, hộ trì học xứ đã thọ, ghi nhớ điều này suốt nhiều đời.

19. Tâm nguyện bồ-đề không luật nghi, không thể tăng trưởng tâm chánh nguyện. Do vậy, muốn trưởng bồ-đề nguyện, phải quyết nỗ lực trì luật nghi.

20. Ai hằng giữ phần nào, bảy biệt giải luật nghi,231 mới thọ Bồ-tát giới, nếu không, không thể thọ.

21. Bảy biệt giải luật nghi, Như Lai đã thi thiết, trì phạm hạnh tối thắng, là luật nghi bí-sô.



228 Xem *Th.93 và *M.49–50.

229 Cõi bàng sanh, ngạ quỷ và địa ngục.

230 Bodhicitta, theo nghĩa khuyến khích chứng đắc viên mãn Phật quả, vì lợi lạc quần sanh. Xem *V.33.

231 Biệt giải thoát luật nghi (pratimokṣa-saṃvara, phòng hộ tâm bằng giới biệt giải thoát), có bảy phần: năm cho xuất gia – sa-di, sa-di-ni, thức-xoa- ma-na, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni – và hai chi tại gia: cận sự nam, cận sự nữ. Xem

*V.48.

22. Nghi quỹ y Du-già, Bồ-tát địa Giới phẩm, thọ luật nghi Bồ-tát, từ giới sư đủ đức.

23. Thông suốt nghi quỹ thọ, tự thân trụ luật nghi, giới sư đủ đức ấy, tâm bi truyền luật nghi.

24. Nếu nỗ lực tầm cầu, không giới sư như vậy; nghi quỹ thọ giới khác tôi nay sẽ chỉ rõ.

25. Như vậy, tôi thuật lại, quá khứ Diệu Cát Tường (Mañjuśrī: Văn-thù-sư-lợi), khi là Hư Không Vương (Abharāja), khởi phát bồ-đề tâm, như được thuyết trong Kinh ‘Văn-thù nghiêm Phật độ’.

26. ‘Trước các đấng Cứu Thế, con phát bồ-đề tâm, mời gọi thảy chúng sanh, nguyện cứu thoát sanh tử.

27. Từ nay đến thành Phật, con trọn không phát khởi, tâm gây hại, phẫn nộ, xan lẫn và tật đố.

28. Con sẽ tu phạm hạnh, ly dục, ác bất thiện, thường theo Phật tu học, yêu chuộng giới luật nghi.

29. Chóng đắc đại bồ-đề, trụ thế cùng vị lai, không vì tự lợi lạc, mà vì thảy chúng sanh.

30. Con sẽ tịnh vô lượng, bất tư nghì cõi Phật,232 trụ khắp mười phương giới, cứu người gọi đến con.

31. Thân, ngữ nghiệp của con, tất cả khiến thanh tịnh, ý nghiệp cũng thanh tịnh, không tạo nghiệp bất thiện.’

32. Trụ luật nghi với tâm bồ-đề, nhân thanh tịnh tự thân, ngữ, ý, học tập thiện xảo ba tụ giới,233 ái kỉnh ba học càng tăng trưởng.

33. Như vậy siêng tịnh tu, các luật nghi Bồ-tát, hành trang đại bồ-đề, do vậy được viên tịnh.

[Tu chỉ (śamatha) và đắc thần thông]

34. Hết thảy Phật đều nói, hành trang phước và trí,234 sẽ không thể tròn đầy, nếu không tu thắng trí.235



232 Tức là thanh tịnh hóa các thế giới của chúng sanh thành cõi Phật.

233 Ba tụ tịnh giới: nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, và nhiêu ích hữu tình giới (xem LP pp.96–7). Xem *V.46–8.

234 Hai tư lương được tích lũy cần thiết để chứng đắc Phật quả viên mãn.

235 Thắng trí (abhijña) thường hiểu là thần thông Xem *Th.141.

35. Như chim chưa đủ cánh, không thể bay trong không, nếu thiếu lực thần thông, chẳng thể lợi hữu tình.

36. Phước đức tu một ngày, của người có thần thông, mà người thiếu thần thông, tu trăm kiếp không bằng.

37. Nếu muốn chóng tròn đủ, hành trang đại bồ-đề, phải siêng tu thần thông; giải đãi không thể thành.

38. Nếu chưa thành tựu chỉ,236 không thể khởi thần thông. Vậy phải luôn nỗ lực, để tu thành thiền chỉ.

39. Nếu xao lãng thiền chỉ, dù tinh cần tu tập, trải qua một ngàn năm, cũng không thể đắc định.

40. Giữ các chi được nói, trong phẩm Định Tư Lương,237 đặt ý trụ vững thiện, trên đề mục được chọn.

[Trí tuệ ba-la-mật]

41. Hành giả tu chỉ thành, thần thông cũng sẽ thành. Nhưng không hành trí độ, không thể diệt chướng ngại.

42. Để tận trừ các chướng, phiền não và sở tri,238 cần có đủ

phương tiện, hành giả tu trí độ.

43. Trí tuệ không phương tiện, phương tiện không trí tuệ, cả hai đều hệ phược (trói buộc trong sanh tử), nên đủ hai, không thiếu.

44. Để trừ chư nghi hoặc: tuệ gì? phương tiện gì? Tôi sẽ chỉ sai biệt, giữa phương tiện và tuệ.

45. Ngoại trừ trí tuệ độ, hết thảy tư lương thiện, như thí độ

vân vân, chư Phật giả gọi phương tiện.

46. Ai tu trí tuệ độ, trợ lực bởi phương tiện, nhanh chóng chứng bồ-đề, phi tu riêng vô ngã.239



236 Tu chỉ (samatha) tăng trưởng định, xem *Th.132 và 140.

237 Samādhi-saṃbhāra-parivarta, một tác phẩm của Bodhibhadra (Giác Hiền, vị thầy chính của Atiśa) tóm tắt các chi phần là: (1) xuất ly ma nghiệp, (2) gia hành văn huệ, (3) trừ khử hý luận, (4) không ham nói nhiều,

(5) tác ý nơi tướng, (6) niệm công đức định, (7) cần hành đối trị, (8) hòa hiệp chỉ–quán (vipaśyanā), (9) trú thực am tri phương tiện (LPp.215).

238 Phiền não chướng trở ngại giải thoát, và sở tri chướng trở ngại nhất thiết trí.

239 Tu tập trí tuệ là quán chiếu nhân vô ngã và pháp vô ngã (xem *V.75-6).

47. Thông đạt uẩn240 xứ, giới,241 hết thảy đều vô sanh, liễu tri tự tánh không, ấy là trí tuệ độ.

48. Cái có (hữu / tồn tại) thì không sanh; không (phi hữu / không tồn tại), thì như hoa đốm, có-lẫn-không: sai lầm; nên vừa-hai: không sanh.242

49. Pháp không sanh từ nó, cũng không từ cái khác, không hai cộng, vô nhân, nên tự tánh vô thể.

50. Lại quán sát các pháp, theo lý ‘một hay khác’243, tự tánh bất khả đắc, biết chắc không tự tánh.

51. Tự tánh của chư pháp, chứng minh là không tánh, trong Thất thập không tánh, và Căn bản Trung Luận.

52. Tôi không diễn rộng thêm, bởi ngại văn quá dài, mà chỉ nêu yếu lý, vì chỉ thuyết để tu.

53. Nên tự tánh các pháp, hoàn tòa bất khả đắc, cho nên tu vô ngã, cũng là tu trí tuệ.

[Đoạn phân biệt]

54. Như tuệ quán các pháp, không thấy có tự tánh, cũng rõ tánh tuệ ấy, tu tuệ vô phân biệt.

55. Luân hồi phát sanh từ phân biệt, tự thể luân hồi: tưởng phân biệt. Vậy nên đoạn trừ mọi phân biệt, đó chính là tối thắng Niết-bàn.244

56. Như Thế Tôn đã từng tuyên thuyết, ‘Phân biệt chính là đại vô minh, khiến đọa biển luân hồi sanh tử. Khi an trụ định vô phân biệt, vô phân biệt sáng như hư không.’245



240 Chuỗi tương tục của danh và sắc tạo thành tự ngã.

241 Các cơ sở tri giác (căn và cảnh) cùng với các thức tương ứng.

242 Xem *V.75, ‘Quán chiếu nhân vô ngã’, hay không tự tánh, của Gampopa, cùng lý luận đồng dạng (căn cứ trên hỗ tương phụ thuộc của hai khái niệm ‘nhân’ và ‘quả’) được dùng để chứng minh về nhân vô ngã.

243 Thí dụ kinh điển là khái niệm về một ‘vi trần’ được thấy chẳng phải là ‘một’ hay ‘nhiều’: vi trần là ‘một’ không có bởi vì bất cứ cái gì có trương độ trong không gian (hay thời gian) thì cũng có thể chia chẻ đến vô hạn, và nếu không có những cái ‘một’, thì cũng chẳng thể có ‘nhiều’ (xem *V.76). 244 Cf. MMK XVIII.5: ‘Khi nghiệp và phiền não bị tiêu diệt, thì có sự giải thoát. (Quán chiếu vào) tánh không chặn đứng sự tăng trưởng của nghiệp và phiền não, thứ sẽ dẫn tới sự tăng trưởng niệm tưởng phân biệt.’

245 Không rõ nguồn.

57. Kinh ‘Nhập Vô phân biệt đà-la-ni’ cũng nói, ‘Bồ-tát với pháp ấy, nếu tu vô phân biệt, vượt phân biệt hiểm trở, dần được vô phân biệt.’

58. Thánh giáo và chánh lý, chứng rõ hết thảy pháp, không sanh, không tự tánh, nên tu vô phân biệt.

[Những sắc thái mật tục của đạo]

59. Tu chân tánh (vô phân biệt) như vậy, rồi đạt noãn vân vân,246 sẽ nhập địa Cực hỷ247, Chánh đẳng giác không xa.

60. Nếu mong dễ viên mãn, tư lương đại bồ-đề, tu tám lực tất-địa, tu bảo bình các thứ,248

61. Tĩnh, tăng, các sự nghiệp, thành tựu do chú lực;249 nếu muốn tu mật chú, thuyết trong sự, hành mật.250

62. Để được Thầy quán đảnh,251 hãy làm Thầy hài lòng, bằng phụng sự cúng dường, tuân lời sư trưởng dạy.



246 Bốn gia hành thiện căn: noãn (ūṣmagata, hơi nóng), đảnh (mūrdhan: đỉnh đầu), nhẫn (kṣānti: nhẫn thọ), và thế đệ nhất (agradharma: đỉnh cao nhất) là bốn giai đoạn liên tục trong gia hành đạo (prayogamārga, giai đoạn chuẩn bị hiện quán Thánh đế), từ đây bồ-tát chuẩn bị tiến vào Sơ địa, bước đầu trong mười địa của bồ-tát đang trên đường thẳng đến Phật quả. 247 Cực hỷ, Hoan hỷ (pramuditā), tên của Sơ địa, địa đầu tiên trong mười địa (bhūmi, giai vị) của bồ-tát địa.

248 Tám đại tất-địa (mahāsiddhi): 8 đại thành tựu. Trong số rất nhiều ‘đại thành tựu’ được nêu trong kinh điển Kim cang thừa, bộ tám này ở đây chỉ cho: (1) bảo bình, (2) phi hành (chạy nhanh), (3) bảo kiếm, (4) khiển sứ,

(5) độn thổ, (6) ẩn thân, (7) cây như ý, và (8) quốc chánh (xem LP pp.167. và 184. n.7). Một số tương tự như các thần thông được nêu trong kinh văn Thượng tọa bộ (xem *L.35 và *Th.48 và 141).

249 Bốn loại bồ-đề sự nghiệp được tu tập trong đạo lộ của Mật Tục (Tantra) hay Chân Ngôn (Tantra) (cả hai thuật ngữ được dùng tương đương cho Kim cang thừa) gồm tĩnh (tức tai, trừ tai họa), tăng ích (diên mạng, trường thọ), hoài ái (hoài nhu, nhiếp phục, câu triệu, lôi cuốn thân thích) và hàng phục (trấn áp, tiêu diệt kẻ địch).

250 Bốn bậc mật tục được biết trong các tân phái Phật giáo Tây Tạng gồm sự mật bộ (kriyā-tantra), hành mật bộ (caryā-tantra), du-già mật bộ (yoga- tantra), và vô thượng mật bộ (anuttara-tantra). Chúng đại diện cho các mức độ hiểu biết uyên áo tăng dần để một người có bồ-đề tâm, với từng cấp có các pháp hành khác nhau của mình. Hai cấp đầu tiên được đề cập ở đây.

63. Khi Thầy đã hài lòng, sẽ truyền đủ quán đảnh, tịnh trị quá khứ tội, sẵn sàng tu tất-địa.

64. Quán đảnh mật và tuệ,252 không truyền cho xuất gia, bởi

điều ấy bị cấm, trong (bản) Sơ Phật Đại Tục.

65. Nếu trì quán đảnh ấy, người an trụ phạm hạnh, sẽ vi phạm cấm giới, luật nghi tất bị hủy.

66. Vi phạm cấm giới này, tất phạm tha thắng tội,253 nhất

định đọa ác thú, chẳng thành tựu được gì.

67. Nếu nghe học các tục, và tế tự hộ-ma, 254 được Thầy quán

đảnh, rõ tội tánh vốn không (không mất giới).

[Bạt]

68. Do Bồ-đề Quang thỉnh, Nhiên Đăng Trí Thượng tọa, y theo kinh pháp thuyết, tóm tắt bồ-đề đạo,.

‘The Lamp for the Path to Awakening’, dịch Anh T.A.

V.11 Milarepa khai thị

Milarepa (c.1052-c.1135) nhà thơ du-già sĩ nổi tiếng của Tây Tạng (xem * V.8), để giải thoát một trong những đệ tử chính của mình khỏi một mối quan hệ nặng nề, ông biến mình thành một người ăn xin khờ khạo và khăng khăng cầu xin vị ấy một viên đá quý giá mà ông sẽ tặng cho một cô nương. Khi vị ấy nhận ra ai là người ăn xin, Milarepa đã hát bài ca sau để mừng dịp này.255

Từ bi cứu giúp người yếu đuối, tức cúng dường chư Phật ba đời. Thí cho hành khất viên lục ngọc, như cho ta, Mi-la-re- pa.



251 Nghi lễ nhập môn cho phép một người có thể hành một pháp Kim cang thừa nào đó.

252 Hai cấp độ nhập môn mật tục cao hơn, liên quan đến những hoạt động có bản chất tính dục và do đó không phù hợp với hàng xuất gia. Trong hành trì hiện tại, hàng xuất gia chỉ được truyền quán đảnh (nhập môn) một cách tượng trưng.

253 Tha thắng tội: pārajika (ba-la-di), xuất gia hành dâm dục, phạm trọng cấm ba-la-di, mất thể tánh tỳ-kheo, phải bị tẫn xuất khỏi Tăng. Xem *V.84. 254 Hộ-ma (homa), hay hỏa đàn, một trong nhiều loại lễ nghi Kim cang thừa (xem LP p.186.n.31 để biết danh sách).

255 Xem chuyện 57 (Rechungpa's Departure) trong HSM p. 677-48.

Hết thảy chúng sanh là cha mẹ,256 nếu ôm lòng phân biệt kỳ thị, như uống thuốc độc của ngu si, của ngu xuẩn vô minh.

Tăng đồ có học cùng hòa thuận, chấp riêng tông môn, chê tông khác, sở học vô ích cuốn theo nước.

Phật Pháp há có đen hay trắng; đấu tranh, đấu khẩu vì giáo nghĩa, là cắt mối dây lên giải thoát.

Lợi ích cho người là lợi mình, giúp người là suối nguồn tự lợi, tổn hại kẻ khác chính tự hại.

‘One Hundred Thousand Songs of Milarepa’, p.311, dịch Anh T.A.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 13 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Kinh Di giáo


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Học Phật Đúng Pháp


Phật giáo và Con người

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.238.202.29 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (270 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (4 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...