Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không phải lo sợ chi cả, cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ.Kinh Lời dạy cuối cùng
Người có trí luôn thận trọng trong cả ý nghĩ, lời nói cũng như việc làm. Kinh Pháp cú
Hãy học cách vui thích với những gì bạn có trong khi theo đuổi tất cả những gì bạn muốn. (Learn how to be happy with what you have while you pursue all that you want. )Jim Rohn
Tôi không hóa giải các bất ổn mà hóa giải cách suy nghĩ của mình. Sau đó, các bất ổn sẽ tự chúng được hóa giải. (I do not fix problems. I fix my thinking. Then problems fix themselves.)Louise Hay
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Kẻ bi quan than phiền về hướng gió, người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều, còn người thực tế thì điều chỉnh cánh buồm. (The pessimist complains about the wind; the optimist expects it to change; the realist adjusts the sails.)William Arthur Ward
Ví như người mù sờ voi, tuy họ mô tả đúng thật như chỗ sờ biết, nhưng ta thật không thể nhờ đó mà biết rõ hình thể con voi.Kinh Đại Bát Niết-bàn
Cái hại của sự nóng giận là phá hoại các pháp lành, làm mất danh tiếng tốt, khiến cho đời này và đời sau chẳng ai muốn gặp gỡ mình.Kinh Lời dạy cuối cùng
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương

Trang chủ »» Danh mục »» Rộng Mở Tâm Hồn »» Giải thích Kinh Địa Tạng »» PHẨM THỨ SÁU »»

Giải thích Kinh Địa Tạng
»» PHẨM THỨ SÁU

Donate

(Lượt xem: 1.772)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Giải thích Kinh Địa Tạng - PHẨM THỨ SÁU

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Kinh văn

如來讚歎品第六

● Như Lai Tán Thán Phẩm Đệ Lục

Việt dịch

Phẩm thứ sáu: Đức Như Lai tán thán

Giảng giải

Đức Như Lai xưng tán, ngợi khen sức mạnh lớn lao của Bồ Tát Địa Tạng trong việc cứu giúp chúng sinh.

Thích nghĩa

Đức Như Lai là chỉ đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nhân vì Bồ Tát Địa Tạng đại từ đại bi cứu giúp chúng sinh, làm lợi ích cho những chúng sinh đời mạt pháp như chúng ta, công đức của ngài hết sức lớn lao, phàm phu như chúng ta không thể hiểu được hết. Cho nên lúc này đức Phật nói ra để chúng ta được nghe biết, hiểu rõ về những sự lợi ích, về lòng từ bi của ngài Bồ Tát Địa Tạng đối với chúng sinh đời mạt pháp.

Đức Phật còn chưa thuyết dạy điều gì, tự nhiên trước hết đưa ra lời ngợi khen tán thán. Chúng ta được nghe Phật nêu ra sự lợi ích cứu giúp và lòng từ bi của Bồ Tát Địa Tạng thì tự nhiên cũng muốn ngợi khen xưng tán ơn đức lớn lao của ngài.

Kinh văn

爾時,世尊舉身放大光明,遍照百千萬億恒河沙等諸佛世界。出大音聲,普告諸佛世界一切諸菩薩摩訶薩及天龍鬼神人非人等:聽吾今日稱揚讚歎地藏菩薩摩訶薩,於十方世界,現大不可思議威神慈悲之力,救護一切罪苦之事。

● Nhĩ thời, Thế Tôn cử thân phóng đại quang minh, biến chiếu bá thiên vạn ức hằng hà sa đẳng chư Phật thế giới, xuất đại âm thanh, phổ cáo chư Phật thế giới nhất thiết chư Bồ Tát Ma-ha-tát cập thiên long quỷ thần nhân phi nhân đẳng: Thính ngô kim nhật xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát, ư thập phương thế giới, hiện đại bất khả tư nghị uy thần từ bi chi lực, cứu hộ nhất thiết tội khổ chi sự.

Việt dịch

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn toàn thân phóng hào quang lớn, chiếu khắp các thế giới của chư Phật nhiều như số cát trong trăm ngàn muôn ức con sông Hằng, phát ra âm thanh lớn rộng báo với chư Phật, chư Đại Bồ Tát cùng với hàng trời, rồng, quỷ, thần, người và các loài chẳng phải người ở trong hết thảy các cõi Phật ấy rằng: “Hãy lắng nghe, hôm nay ta ngợi khen xưng tán Đại Bồ Tát Địa Tạng, hiển lộ sức từ bi oai thần lớn lao không thể nghĩ bàn, cứu giúp hết thảy mọi sự khổ não.”

Giảng giải

Vào lúc bấy giờ toàn thân đức Thế Tôn, từ thân hình cho đến tay, chân, các nơi... đều phóng chiếu hào quang sáng rực, chiếu ra khắp các thế giới của chư Phật nhiều như số cát của trăm ngàn muôn ức con sông Hằng. Từ trong hào quang đó lại phát ra âm thanh rất lớn, nói ra với hết thảy chư Đại Bồ Tát cùng hàng trời, rồng, quỷ, thần, người và loài không phải người như thế này: “Hãy lắng nghe! Hôm nay ta ngợi khen tán thán Đại Bồ Tát Địa Tạng, đã ở trong mười phương thế giới hiện sức oai thần từ bi lớn lao không thể nghĩ bàn, cứu giúp hết thảy chúng ta là những chúng sinh tội khổ.

Thích nghĩa

Nói toàn thân phóng hào quang tức là khắp từ dưới mười đầu ngón chân dần lên đến mắt cá chân, đầu gối, bắp vế, eo, bụng, lưng, rốn, tim, ngực, vai, cánh tay, ngón tay, cổ, miệng, răng, mũi, mắt, tai, chân lông, hình tướng, đến nhục tướng trên đảnh đầu, hết thảy đều phóng ra sáu trăm muôn ức đạo hào quang, chiếu sáng đến các thế giới của chư Phật trong mười phương nhiều như số cát sông Hằng. Trong hào quang ấy lại phát ra âm thanh lớn, những âm thanh này trong trẻo vang xa, khiến cho người nghe sinh tâm vui mừng an ổn, cung kính thương yêu. Nhân vì sức tác động từ bên ngoài đối với con người thì không gì hơn tác động qua mắt thấy tai nghe, nhưng mắt nhìn thấy cũng không bằng những điều thâm nhập qua tai được nghe. Cho nên đức Như Lai dạy chúng ta chuyển từ mắt nhìn sang tai nghe, hãy lắng nghe lời ngợi khen xưng tán của ngài phát ra từ trong ánh hào quang, nói rõ đến tận các thế giới của chư Phật trong khắp mười phương, cũng đến với tám bộ chúng trời, rồng, người và loài không phải người, hết thảy đều ngợi khen tán thán ủng hộ một bộ kinh này. Chúng sinh hiểu được nguyên nhân đó có thể cảm động đến Bồ Tát Địa Tạng. Bồ Tát do cơ duyên này mới có thể ứng hóa đến, cứu độ chúng sinh tội khổ chúng ta.

Kinh văn

吾滅度後,汝等諸菩薩大士及天龍鬼神等,廣作方便,衛護是經,令一切眾生證涅槃樂。

● Ngô diệt độ hậu, nhữ đẳng chư Bồ Tát Đại sĩ cập thiên long quỷ thần đẳng, quảng tác phương tiện, vệ hộ thị kinh, linh nhất thiết chúng sinh chứng Niết-bàn lạc.

Việt dịch

Sau khi ta diệt độ rồi, Bồ Tát Đại sĩ các ông cùng hàng trời, rồng, quỷ, thần... hãy rộng làm phương tiện, bảo vệ ủng hộ kinh này, giúp cho hết thảy chúng sinh đều chứng được niềm vui Niết-bàn.

Giảng giải

Đức Phật nói tiếp rằng: “Sau khi ta diệt độ rồi, các vị Bồ Tát, những bậc Đại sĩ, cùng với hàng trời, rồng, quỷ, thần v.v... hãy làm ra đủ mọi phương tiện rộng lớn để bảo vệ, hộ trì bộ kinh này, khiến cho hết thảy chúng sinh đều chứng đắc niềm vui Niết-bàn.

Thích nghĩa

Ý nghĩa của sự diệt độ là khi việc cứu độ chúng sinh đã có người gánh vác, ứng hóa thân của ắt sẽ diệt mất. Đức Phật gọi “các ông” là chỉ chung hết thảy mọi người trong chúng hội lúc đó, cùng với hết thảy chư Phật, Bồ Tát ở khắp các thế giới trong mười phương mà hào quang và âm thanh của Phật chiếu vọng đến.

Việc làm rộng lớn và phương tiện là hai công cụ hiệu quả của chư Bồ Tát trong việc cứu độ chúng sinh, không thể nào chia tách. Bộ kinh này là phương thuốc hay đối chứng trị bệnh cho chúng sinh. Nếu có thể nhân nơi kinh này mà ngộ đạo thì không ai là không được độ thoát. Do đó mà cần phải chú trọng việc bảo vệ giữ gìn.

Niềm vui Niết-bàn là niềm vui không sinh không diệt, chỉ thuần một sự tịch lặng an tĩnh.

Kinh văn

說是語已,會中有一菩薩,名曰普廣,合掌恭敬而白佛言:今見世尊讚歎地藏菩薩有如是不可思議大威神德,唯願世尊為未來世末法眾生,宣說地藏菩薩利益人天因果等事。使諸天龍八部及未來世眾生頂受佛語。

● Thuyết thị ngữ dĩ, hội trung hữu nhất Bồ Tát danh viết Phổ Quảng, hợp chưởng cung kính nhi bạch phật ngôn: Kim kiến Thế Tôn tán thán Địa Tạng Bồ Tát hữu như thị bất khả tư nghị đại uy thần đức, duy nguyện Thế Tôn vị vị lai thế mạt pháp chúng sinh, tuyên thuyết Địa Tạng Bồ Tát lợi ích nhân thiên nhân quả đẳng sự, sử chư thiên long bát bộ cập vị lai thế chúng sinh đỉnh thụ Phật ngữ.

Việt dịch

Đức Phật nói lời ấy xong, trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Phổ Quảng, liền cung kính chắp tay bạch Phật rằng: “Nay con được thấy Thế Tôn ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng có sức mạnh oai thần đức độ lớn lao không thể nghĩ bàn, nguyện đức Thế Tôn hãy vì chúng sinh trong thời mạt pháp tương lai mà tuyên thuyết những việc nhân quả lợi ích cho hàng trời người của Bồ Tát Địa Tạng, để giúp cho Tám bộ chúng trời rồng cùng hết thảy chúng sinh trong đời vị lai đều nhận lãnh được lời Phật dạy.”

Giảng giải

Đức Phật vừa nói xong lời ấy, trong pháp hội liền có một vị Bồ Tát danh hiệu là Phổ Quảng, chắp tay cung kính trước Phật bạch rằng: “Hôm nay con được thấy đức Thế Tôn ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng có những phước đức uy lực thần thông lớn lao không thể nghĩ bàn, không thể nói hết. Nay con xin nguyện đức Thế Tôn hãy vì chúng sinh trong thời mạt pháp tương lai mà tuyên dương, nói rộng những điều nhân quả, lợi ích hàng trời người của Bồ Tát Địa Tạng, giúp cho Tám bộ chúng trời rồng cùng hết thảy chúng sinh trong đời vị lai đều được cung kính lãnh nhận những lời Phật dạy.”

Thích nghĩa

Đức Phật đã ngợi khen xưng tán như vậy, Bồ Tát Phổ Quảng muốn thay chúng sinh thưa thỉnh Phật nhưng phải đợi đến sau khi đức Phật nói ra xong rồi, mới có thể giúp cho chúng sinh đều khởi sinh tâm kính ngưỡng tin nhận, y theo pháp Phật dạy mà tu tập hành trì, mới cảm ứng được Bồ Tát Địa Tạng, ứng hiện độ thoát cho hết thảy.

Từ nơi tâm phát ra trí tuệ, trí tuệ ấy đầy khắp pháp giới, nên gọi là “phổ”; ngập tràn khắp hư không, nên gọi là “quảng”.

Chắp tay là nghiệp của thân, cung kính là nghiệp của ý, bạch Phật là nghiệp của miệng. Ba nghiệp [thân, miệng, ý] đều thanh tịnh, tự nhiên đạt đến sự chí thành.

Kinh văn

爾時,世尊告普廣菩薩及四眾等:諦聽諦聽,吾當為汝略說地藏菩薩利益人天福德之事。

● Nhĩ thời, Thế Tôn cáo Phổ Quảng Bồ Tát cập tứ chúng đẳng: Đế thính đế thính, ngô đương vi nhữ lược thuyết Địa Tạng Bồ Tát lợi ích nhân thiên phúc đức chi sự.

Việt dịch

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Phổ Quảng cùng bốn chúng đệ tử: “Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy xét kỹ! Nay ta sẽ vì các ông mà nói sơ qua về những việc phúc đức của Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích cho hàng trời người.”

Giảng giải

Vào lúc đó, đức Thế Tôn nói với Bồ Tát Phổ Quảng và hàng trời, rồng, bốn chúng đệ tử: “Hãy chú tâm lắng nghe và suy xét, hãy chú tâm lắng nghe và suy xét! Nay ta sẽ vì tất cả các ông mà nói lược qua về Bồ Tát Địa Tạng với những sự phúc đức làm lợi ích cho cõi người, cõi trời.”

Thích nghĩa

Phật dặn dò chúng ta phải chú tâm lắng nghe và suy xét. Câu này được Phật lặp lại hai lần, đó là nói những việc oai thần từ bi [của Bồ Tát Địa Tạng] thật không thể nói hết, cho dù hết kiếp cũng không thể hiểu hết được, cho nên phải hết sức thận trọng [lắng nghe].

Phúc là nói người hiền lương được chư thiên bảo vệ, giúp đỡ. Đức là nói người có thiện hạnh lớn lao chân chánh. Cho nên mỗi tháng có sáu ngày chay, nếu có thể ăn chay, lắng lòng, niệm Bồ Tát Địa Tạng, thì có thể đạt được phúc đức không cùng tận.

Kinh văn

普廣白言:唯然,世尊!願樂欲聞。

● Phổ Quảng bạch ngôn: Duy nhiên, Thế Tôn! Nguyện nhạo dục văn.

Việt dịch

Bồ Tát Phổ Quảng bạch rằng: “Xin vâng, thưa Thế Tôn! Chúng con nguyện vui thích lắng nghe.”

Giảng giải

Bồ Tát Phổ Quảng thưa trước Phật rằng: “Xin vâng, thưa Thế Tôn! Chúng con rất vui thích được lắng nghe lời Phật dạy.”

Thích nghĩa

“Nguyện vui thích lắng nghe” là biểu đạt ý khao khát mong đợi, rất mong muốn được nghe.

Kinh văn

佛告普廣菩薩:未來世中,若有善男子善女人,聞是地藏菩薩摩訶薩名者,或合掌者、讚歎者、作禮者、戀慕者,是人超越三十劫罪。

● Phật cáo Phổ Quảng Bồ Tát: Vị lai thế trung, nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, văn thị Địa Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát danh giả, hoặc hợp chưởng giả, tán thán giả, tác lễ giả, luyến mộ giả, thị nhân siêu việt tam thập kiếp tội.

Việt dịch

Đức Phật dạy ngài Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong tương lai, nếu có những kẻ nam người nữ lòng lành, nghe được danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng này, hoặc chắp tay, ngợi khen xưng tán, kính lễ, khởi tâm ưa thích kính ngưỡng, người ấy sẽ vượt thoát được tội lỗi trong ba mươi kiếp.”

Giảng giải

Đức Phật nói với Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong đời vị lai, nếu như có những kẻ nam, người nữ làm việc lành, được nghe danh hiệu của Đại Bồ Tát Địa Tạng, hoặc chắp hai tay cung kính, ngợi khen xưng tán, lễ bái, ngưỡng mộ ưa thích, người như vậy sẽ có thể vượt qua được những nghiệp tội trong ba mươi kiếp.

Thích nghĩa

Những người hết lòng tu tập việc lành, không làm các việc ác, gọi chung là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”.

Được nghe danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng, chắp hai tay cung kính, nghĩ tưởng đến nhiều đời hiếu hạnh, đến đại nguyện từ bi cứu khổ của ngài, như vậy liền có thể vượt thoát được những tội lỗi lớn lao trong ba mươi kiếp. Nếu được nghe danh hiệu Bồ Tát, rồi ngợi khen xưng tán, dần dần truyền rộng ra, đó là công đức của miệng. Hoặc nghe danh hiệu Bồ Tát rồi lễ bái, làm theo lời dạy, đó là công đức của thân. Hoặc nghe danh hiệu Bồ Tát rồi sinh lòng ưa thích kính ngưỡng, thường nhớ nghĩ đến, đó là công đức của ý. Chỉ cần có một trong các loại công đức này, cũng đã có thể nhờ đó vượt qua được những tội lỗi lớn lao trong ba mươi kiếp. Nhất là sự truyền rộng là cần thiết nhất, vì không có sự truyền rộng thì người khác làm sao được biết đến?

Kinh văn

普廣,若有善男子善女人,或彩畫形像,或土石膠漆、金銀銅鐵,作此菩薩。一瞻一禮者,是人百返生於三十三天,永不墮於惡道。假如天福盡故,下生人間,猶為國王,不失大利。

● Phổ Quảng, nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc thể họa hình tượng, hoặc độ thạch giao tất, kim ngân đồng thiết, tác thử bồ tát, nhất chiêm nhất lễ giả, thị nhân bách phản sinh ư Tam thập tam thiên, vĩnh bất đọa ư ác đạo. Giả như thiên phúc tận cố, hạ sinh nhân gian, do vi quốc vương, bất thất đại lợi.

Việt dịch

“Này Phổ Quảng, nếu có kẻ nam người nữ lòng lành, tô vẽ hình ảnh hoặc tạo tượng Bồ Tát [Địa Tạng] bằng đất đá gắn kết chặt chẽ, hoặc bằng các loại vàng, bạc, đồng, sắt, rồi lễ bái một lần, người ấy sẽ được trăm lần sinh lên cõi trời Đao-lợi, mãi mãi không đọa vào các đường ác. Ví như phước cõi trời đã hết phải sinh cõi người cũng làm bậc quốc vương, không mất điều lợi lớn.”

Giảng giải

Đức Phật tiếp tục bảo ngài Phổ Quảng: “Ví như có những kẻ nam, người nữ lòng lành, hoặc dùng màu sắc vẽ thành hình tượng, hoặc dùng đất, đá gắn kết chặt chẽ, hoặc các loại vàng, bạc, đồng, sắt để tạo thành tượng Bồ Tát Địa Tạng, rồi một lần chiêm ngưỡng, một lần lễ bái, người ấy sẽ được trăm lần sinh rồi tái sinh lên cõi trời Đao-lợi, mãi mãi không còn đọa vào các đường ác. Ví như người ấy đã hưởng hết phước cõi trời, phải sinh vào cõi người, cũng được làm một vị quốc vương, không mất đi điều lợi ích lớn.

Thích nghĩa

Công đức lớn nhất là đúc tạo hình tượng toàn thân Bồ Tát, nhân vì sử dụng các loại quý báu như vàng, bạc, đồng, sắt để tạc thành tượng kiên cố không hư hoại, có thể lưu truyền được vĩnh viễn về sau, tạo sự trang nghiêm, giúp chúng sinh tạo phúc, được có chỗ nương dựa. Do vậy, vào lúc có người lâm chung, nếu phát nguyện tạo tượng, ắt được lợi ích hết sức lớn lao, lại cũng trừ dứt được nghiệp tội trong tám mươi ức kiếp sinh tử.

Hơn nữa còn được 11 loại công đức. Thứ nhất là sinh ra đời đời được mắt sáng trong lành. Thứ hai là luôn sinh vào những nơi không có thú dữ. Thứ ba là thường sinh vào nhà giàu sang phú quý. Thứ tư là thân thể sáng đẹp như màu vàng tử ma. Thứ năm là thường sở hữu nhiều món quý báu. Thứ sáu là được sinh vào các nhà hiền thiện. Thứ bảy là đời sau được làm bậc đế vương. Thứ tám là có thể được làm Kim luân Thánh vương. Thứ chín là sau khi chết sinh về cõi Phạm thiên. Thứ mười là không đọa vào cá đường ác. Thứ mười một là đời sau có thể kính trọng Tam bảo.

(Khi tạc tượng, nên tạo tượng toàn thân, không được tạo tượng bán thân. Đất dùng đắp tượng phải sạch sẽ tinh khiết. Keo da trâu là loại không tinh sạch, có thể nên dùng thạch cao hoặc các loại nhựa cây.)

Kinh văn

若有女人,厭女人身,盡心供養地藏菩薩畫像及土石膠漆銅鐵等像。如是日日不退,常以華香、飲食、衣服、繒綵、幢旛、錢寶物等供養。

● Nhược hữu nữ nhân yếm nữ nhân thân, tận tâm cúng dường Địa Tạng Bồ Tát họa tượng cập độ thạch giao tất đồng thiết đẳng tượng. Như thị nhật nhật bất thối, thường dĩ hoa hương, ẩm thực, y phục, tăng thể, tràng phan, tiền bảo vật đẳng cúng dường.

Việt dịch

“Nếu có phụ nữ nào chán ghét thân nữ, hết lòng cúng dường tranh vẽ hoặc tượng Bồ Tát Địa Tạng được tạo bằng đất đá gắn kết chặt chẽ, hoặc đồng, sắt v.v... Mỗi ngày đều như vậy, tâm không thối chuyển, thường dâng lên cúng dường các loại hương, hoa, thức ăn uống, y phục, gấm lụa, cờ phướn, tiền bạc, vật báu...”

Giảng giải

Ví như có người phụ nữ nào tự thấy chán ghét thân nữ của mình, liền hết lòng cúng dường tranh vẽ Bồ Tát Địa Tạng, cùng với những hình tượng đắp tạo bằng đất, đá, đồng, sắt... Mỗi ngày đều cúng dường như vậy không hề thối tâm, thường dùng các loại hoa tươi, hương tốt, thức ăn uống, y phục, gấm lụa, cờ phướn, tiền bạc, vật báu đủ loại để cúng dường.

Thích nghĩa

Phải làm thân nữ là điều rất không may, vì không thể làm vua, không thể thành Phật, dù được cha mẹ hết sức thương yêu lo lắng cho, nhưng khi lớn lên lại phải giã biệt cha mẹ để theo chồng, chấp nhận những sự trói buộc, hạn chế ở nhà chồng, lại thêm thai nghén sinh nở vô cùng khó khăn, nguy hiểm, cho nên chẳng ai ưa thích làm thân nữ cả.

Nếu như người ấy có thể hết lòng đối với hình tượng Bồ Tát, thí xả các thứ tiền tài vật báu để cúng dường, tâm nguyện kiên định ắt mỗi ngày đều thực hiện, không hề thối thất.

Gấm lụa là để trang sức, làm đẹp [hình tượng]. Cờ phướn treo cao là để thể hiện sự trang nghiêm.

Kinh văn

是善女人,盡此一報女身,百千萬劫,更不生有女人世界,何況復受。除非慈願力故,要受女身,度脫眾生。承斯供養地藏力故及功德力,百千萬劫不受女身。

● Thị thiện nữ nhân, tận thử nhất báo nữ thân, bá thiên vạn kiếp, cánh bất sinh hữu nữ nhân thế giới, hà huống phục thụ. Trừ phi từ nguyện lực cố, yếu thụ nữ thân, độ thoát chúng sinh. Thừa tư cúng dường Địa Tạng lực cố cập công đức lực, bá thiên vạn kiếp bất thụ nữ thân.

Việt dịch

“Người phụ nữ hiền thiện ấy, sau khi hết kiếp làm thân nữ này rồi thì trăm ngàn muôn kiếp sau nữa không còn phải sinh vào những thế giới có phụ nữ, nói gì đến việc tự mình phải chịu thân nữ. Trừ phi có sự phát nguyện vì lòng từ phải sinh làm thân nữ để độ thoát chúng sinh. Nhờ vào phước lực và công đức cúng dường Bồ Tát Địa Tạng nên trong trăm nghìn muôn kiếp không phải sinh làm thân nữ.”

Giảng giải

Người phụ nữ [cúng dường] hiền thiện như thế, sau khi đã qua hết một kiếp làm thân nữ này rồi thì trong trăm ngàn muôn kiếp sau đó, không còn phải sinh vào những thế giới có nữ nhân, huống chi chính mình lại phải sinh làm thân nữ hay sao? Trừ phi có nhân duyên do chính tự thân người ấy phát khởi tâm từ bi, muốn sinh trở lại làm thân nữ để độ thoát chúng sinh.

Do nhân duyên thọ hưởng phước lực và công đức cúng dường Bồ Tát Địa Tạng nên trải qua trăm ngàn muôn kiếp sau cũng không còn phải sinh làm thân nữ.

Thích nghĩa

Người phụ nữ này, nhân vì khởi tâm chán ghét thân nữ của mình, lại có thể hết lòng cúng dường [Bồ Tát Địa Tạng], nên sau khi trải qua hết một kiếp làm thân nữ trong hiện tại rồi thì không còn phải sinh trở lại làm thân nữ. Không sinh vào những thế giới có người nữ, đó là nói được sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Khởi lòng từ phát nguyện làm thân nữ để độ thoát chúng sinh, giống như trường hợp phu nhân Ma-da, từng làm mẹ của ngàn vị Phật, đó là dùng pháp môn thuận ái. Lại như kỹ nữ Tu-mật-đa, trước tiên dùng ái dục để mê hoặc dẫn dắt người ta, nhưng sau đều giúp cho những người ấy được vào biển trí tuệ Phật, đó gọi là pháp môn nghịch ái.

Nhờ chuyên tâm cúng dường, dùng công đức tinh tấn tu tập, huân tập thân và tâm nên tự nhiên được vĩnh viễn không còn phải sinh làm thân nữ.

Kinh văn

復次普廣,若有女人,厭是醜陋,多疾病者。但於地藏像前,志心瞻禮,食頃之間,是人千萬劫中所受生身,相貌圓滿。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược hữu nữ nhân, yếm thị xú lậu, đa tật bệnh giả, đãn ư Địa Tạng tượng tiền chí tâm chiêm lễ thực khoảnh chi gian, thị nhân thiên vạn kiếp trung sở thụ sinh thân, tướng mạo viên mãn.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có người phụ nữ nào chán ghét thân hiện tại thô xấu nhiều bệnh tật, chỉ cần đối trước hình tượng Bồ Tát Địa Tạng hết lòng chiêm ngưỡng lễ bái, trong thời gian chỉ bằng một bữa ăn, người ấy về sau trong muôn kiếp sinh ra đều được thân hình xinh đẹp trọn vẹn đầy đủ.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với Bồ Tát Phổ Quảng rằng: “Nếu như có người phụ nữ nào, chán ghét thân hiện tại của mình xấu xí, hoặc nhiều bệnh tật, chỉ cần đối trước hình tượng Bồ Tát Địa Tạng một lần chuyên tâm chiêm ngưỡng lễ bái, trong khoảng thời gian vừa bằng ăn một bữa cơm, thì người ấy trong ngàn muôn kiếp sinh ra sau đó tự nhiên luôn được hình thể tướng mạo xinh đẹp đầy đủ, khiến người khác trông thấy đều thương yêu kính trọng.

Thích nghĩa

Hình dung tướng mạo sinh ra xấu xí khiến cho người khác vừa trông thấy liền sinh lòng chán ghét, không hoan hỷ chào đón, đặc biệt là đối với phụ nữ, nếu sinh ra thân hình xấu xí ắt phải khiến cho người chồng không ưa thích, ghét bỏ, lại khiến cho người ngoài chê cười, nếu lại còn thêm nhiều tật bệnh, thân mang tàn tật, thì không chỉ tự mình đau buồn mà còn khiến cho người thân trong nhà khinh chê ghét bỏ. Nếu như chịu phát tâm chiêm ngưỡng lễ bái Bồ Tát Địa Tạng, trong khoảng thời gian ngắn chỉ vừa bằng xong một bữa ăn, thì những đời sau sẽ luôn được hình dung tướng mạo xinh đẹp đầy đủ, hoàn toàn không có những sự bệnh tật, tàn phế, mãi mãi được hài lòng thỏa ý.

Kinh văn

是醜陋女人,如不厭女身,即百千萬億生中常為王女,乃及王妃,宰輔大姓、大長者女,端正受生,諸相圓滿。

● Thị xú lậu nữ nhân, như bất yếm nữ thân, tức bá thiên vạn ức sinh trung thường vi vương nữ, nãi cập vương phi, tể phụ đại tính, đại trưởng giả nữ, đoan chính thụ sinh, chư tướng viên mãn.

Việt dịch

“Người phụ nữ xấu xí ấy, nếu như không chê chán thân nữ thì trong ngàn muôn ức đời sau thường sinh làm công chúa con vua, hoặc làm vương phi, hoặc làm con gái các vị đại thần tể tướng, đại trưởng giả, bao giờ cũng được hình tướng đoan trang xinh đẹp, đầy đủ trọn vẹn.”

Giảng giải

Người phụ nữ xấu xí nói trên, nếu như không chê chán thân nữ, thì trong trăm ngàn muôn ức kiếp sau đó thường được sinh làm công chúa con vua, hoặc làm vương phi, hoặc làm con gái các bậc đại thần, tể tướng, đại trưởng giả, sinh ra luôn được thân hình đoan chính xinh đẹp, hình tướng trọn vẹn đầy đủ.

Thích nghĩa

Quý vị nghĩ xem, chỉ chiêm ngưỡng lễ bái trong thời gian bằng một bữa ăn, không những giúp quý vị được hình tướng dung mạo xinh đẹp trọn vẹn, mà còn thường được sinh là công chúa con vua, làm vương phi, làm con gái các bậc tể tướng, những người giàu sang phú quý. Một việc lành nhỏ nhoi đến thế mà được phúc đức nhiều như vậy, liệu còn có việc gì khác có thể đem ra so sánh được chăng? Ví như mọi người đều nhận hiểu được việc này, thì liệu còn có ai không làm việc chiêm ngưỡng lễ bái?

Kinh văn

由志心故,瞻禮地藏菩薩,獲福如是。

● Do chí tâm cố, chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát, hoạch phúc như thị.

Việt dịch

“Do sự chí thành chuyên tâm chiêm ngưỡng lễ bái Bồ Tát Địa Tạng mà được phước báo như vậy.”

Giảng giải

Do nhân duyên chí thành chuyên tâm chiêm ngưỡng lễ bái Bồ Tát Địa Tạng mà đạt được phước phần như vậy.

Thích nghĩa

Bất kể là chiêm ngưỡng lễ bái một vị Phật, Bồ Tát nào, nếu chuyên tâm chí thành, hết lòng cung kính, thì đều được phước báo. Ví như chỉ tùy tiện làm ra vẻ hình thức, hoàn toàn không có tâm cung kính thì chẳng những không được phước báo mà sợ là còn đắc tội.

Kinh văn

復次普廣,若有善男子善女人,能對菩薩像前,作諸伎樂及歌詠讚歎,香華供養,乃至勸於一人多人,如是等輩,現在世中及未來世,常得百千鬼神日夜衛護,不令惡事輒聞其耳,何況親受諸橫。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược hữu thiện nam tử thiện nữ nhân, năng đối Bồ Tát tượng tiền, tác chư kỹ nhạc cập ca vịnh tán thán, hương hoa cúng dường, nãi chí khuyến ư nhất nhân, đa nhân, như thị đẳng bối, hiện tại thế trung cập vị lai thế thường đắc bá thiên quỷ thần nhật dạ vệ hộ, bất linh ác sự triếp văn kỳ nhĩ, hà huống thân thụ chư hoạnh.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu có kẻ nam người nữ lòng lành, thường đối trước hình tượng Bồ Tát dùng các loại âm nhạc ca từ để ngợi khen tán thán, dâng hương hoa cúng dường, thậm chí khuyến khích một hoặc nhiều người khác [cùng làm], những người như vậy ngay trong đời này cũng như đời sau thường được trăm ngàn quỷ thần ngày đêm theo bảo vệ giúp đỡ, không để cho phải nghe thấy những việc chẳng lành, huống chi là tự thân phải chịu các tai nạn.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với Bồ Tát Phổ Quảng: “Ví như có kẻ nam người nữ lòng lành, thường đối trước hình tượng Bồ Tát, trình diễn các loại ca múa âm nhạc, cùng những lời ngợi ca xưng tụng, tán thán, lại dùng các loại hương hoa dâng lên cúng dường, cho đến khuyên bảo một người hay nhiều người cùng đến cúng dường, người như vậy thì trong suốt một đời này cho đến nhiều đời trong tương lai, thường được trăm ngàn vị quỷ thần ngày đêm theo bảo vệ, giúp đỡ, khiến cho những chuyện chẳng lành không lọt được vào tai người ấy, huống chi tự thân người ấy có lẽ nào lại để cho phải chịu những tai nạn không may?”

Thích nghĩa

“Kỹ” là nói việc các diễn viên diễn trò, “nhạc” là âm nhạc, “ca vịnh” là dùng lời ca tiếng hát, ngâm vịnh. Dùng những phương cách ấy để xưng tụng tán thán. Nhưng công đức của việc ấy cũng không bằng việc truyền rộng, khuyến khích người khác tin nhận chiêm ngưỡng, công đức còn lớn hơn, như có thể khuyến khích thức tỉnh đến 50 người, công đức ấy thật lớn lao không thể nghĩ bàn.

Lễ nhạc là những lễ tiết của thánh nhân để đồng cảm với trời đất, tương thông với quỷ thần, có công đức giúp cho dân chúng trừ bỏ điều nhơ nhớp, chống lại điều tà ác. Nay không phải tự mình hưởng thụ niềm vui ấy mà chỉ muốn cung kính dâng lên cúng dường Bồ Tát, như vậy thì công đức tự nhiên còn lớn lao hơn.

Kinh văn

復次普廣,未來世中,若有惡人及惡神惡鬼,見有善男子善女人歸敬供養讚歎瞻禮地藏菩薩形像,或妄生譏毀,謗無功德及利益事,或露齒笑,或背面非,或勸人共非,或一人非,或多人非,乃至一念生譏毀者。

● Phục thứ Phổ Quảng, vị lai thế trung nhược hữu ác nhân cập ác thần ác quỷ, kiến hữu thiện nam tử thiện nữ nhân quy kính cúng dường tán thán chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát hình tượng, hoặc vọng sinh ki huỷ, báng vô công đức cập lợi ích sự, hoặc lộ xỉ tiếu, hoặc bội diện phi, hoặc khuyến nhân cộng phi, hoặc nhất nhân phi, hoặc đa nhân phi, nãi chí nhất niệm sinh ki hủy giả.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu những kẻ xấu ác cùng những thần hung ác, quỷ hung ác, thấy có kẻ nam người nữ lòng lành quy ngưỡng cung kính cúng dường tán thán, chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, lại sai lầm khởi tâm chê bai hủy báng, nói rằng không có công đức, không lợi ích gì, hoặc nhe răng cười trước mặt, hoặc chê bai sau lưng, hoặc khuyến khích người khác cùng chê bai, hoặc một người chê bai, hoặc nhiều người chê bai, cho đến chỉ khởi lên một ý niệm chê bai hủy báng.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với ngài Phổ Quảng: “Trong đời sau này, ví như có những kẻ xấu ác, cùng bọn ác thần ác quỷ, nhìn thấy những kẻ nam người nữ lòng lành quy y cung kính, cúng dường ngợi khen tán thán, chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, hoặc sai lầm khởi tâm chê bai cười cợt, chế nhạo rằng ‘làm vậy chẳng được công đức gì’, hoặc nói rằng ‘làm như vậy chẳng có lợi ích gì’, hoặc nhe răng cười nhạo, hoặc nói những lời chê bai hủy báng sau lưng, hoặc rủ rê khuyến khích người khác cùng chê bai như mình, hoặc chỉ một người, hoặc rủ rê nhiều người, cho đến chỉ khởi sinh một ý niệm chê bai hủy báng.”

Thích nghĩa

Nhân quả thiện với ác luôn trái ngược hoàn toàn với nhau. Người hiền thiện chí tâm quy y cung kính, kẻ xấu ác nhìn thấy liền nói: “Chẳng được công đức gì.”

Người hiền thiện chí thành cúng dường, kẻ xấu ác nhìn thấy liền nói: “Toàn làm chuyện vô ích.”

Người hiền thiện ngợi khen tán thán, kẻ xấu ác nhe răng cười nhạo. Người hiền thiện lễ bái, kẻ xấu ác thấy vậy thì ở sau lưng nói lời hủy báng.

Người hiền thiện vẽ tranh tạo tượng, kẻ xấu ác liền tìm cách hủy hoại. Người hiền thiện lúc nào cũng khuyên bảo người khác làm lành, kẻ xấu ác luôn khuyến khích mọi người làm điều xấu ác.

Con người đã là như vậy, trong cảnh giới quỷ thần thì việc thiện ác cũng là như vậy.

Tai họa lớn bằng trời cũng chỉ từ một ý niệm nhỏ nhoi mà khởi sinh, cho nên vừa khởi lên một niệm xấu ác là đã đắc tội rồi.

Kinh văn

如是之人,賢劫千佛滅度,譏毀之報,尚在阿鼻地獄受極重罪。過是劫已,方受餓鬼。又經千劫,復受畜生。

● Như thị chi nhân, Hiền kiếp thiên Phật diệt độ, ki hủy chi báo thượng tại A-tỳ địa ngục thụ cực trùng tội. Quá thị kiếp dĩ, phương thụ ngạ quỷ, hựu kinh thiên kiếp, phục thụ súc sinh.

Việt dịch

“Những người như vậy, cho đến khi một ngàn vị Phật trong Hiền kiếp đều đã nhập Niết-bàn, do quả báo hủy báng nên vẫn còn ở trong địa ngục A-tỳ chịu tội nặng nhất. Qua hết kiếp này rồi mới phải sinh làm ngạ quỷ, lại trải qua ngàn kiếp nữa rồi sinh vào loài súc sinh.”

Giảng giải

Những người chê bai hủy báng như vậy thì trong Hiền kiếp này, sau khi một ngàn vị Phật đều đã diệt độ hết, vì báo ứng của sự chê bai hủy báng đó mà vẫn còn phải ở trong địa ngục A-tỳ, chịu tội khổ hết sức nặng nề, trải qua hết kiếp số ấy rồi mới sinh làm thân ngạ quỷ. Lại trải qua ngàn kiếp nữa, rồi mới sinh làm thân súc sinh.

Thích nghĩa

Tiếng Phạn gọi là kiếp-ba, Hán dịch là “thời phân” (時分). Trong khoảng thời gian đó có rất nhiều bậc hiền nhân ra đời nên gọi là Hiền kiếp. Trong Hiền kiếp, có một ngàn vị Phật ra đời, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là vị Phật thứ tư, vẫn còn 996 vị Phật nữa sẽ lần lượt xuất thế. Cho đến khi hết thảy những vị Phật ấy đều đã diệt độ là một quãng thời gian rất dài, dâu có thể dùng năm tháng mà tính toán được? Nhưng trải qua thời gian dài như vậậy mà kẻ phạm tội hủy báng vẫn còn phải ở trong địa ngục chịu tội khổ hết sức nặng nề. Lại trải qua một kiếp nữa rồi mới sinh làm thân ngạ quỷ. Tội khinh chê Phật pháp, xúi giục người làm điều xấu ác thật nặng nề đến thế, liệu có thể lấy gì đem ra so sánh được sao?

Kinh văn

又經千劫,方得人身。縱受人身,貧窮下賤,諸根不具,多被惡業來結其心。不久之間,復墮惡道。

● Hựu kinh thiên kiếp phương đắc nhân thân. Túng thụ nhân thân, bần cùng hạ tiện, chư căn bất cụ, đa bị ác nghiệp lai kết kỳ tâm, bất cửu chi gian, phục đọa ác đạo.

Việt dịch

“Lại qua ngàn kiếp nữa rồi mới được thân người. Tuy được thân người nhưng phải làm người nghèo khổ khốn cùng, hạ tiện, khiếm khuyết các giác quan, thường bị các nghiệp ác tích tụ trong tâm, nên không bao lâu lại đọa vào đường ác.”

Giảng giải

Phải sinh làm thân súc sinh trải qua ngàn kiếp rồi mới được sinh làm người. Tuy vậy, lại phải làm người nghèo khổ khốn cùng, hạ tiện, các giác quan không đầy đủ, làm một người tàn phế, thường bị những nghiệp ác kéo đến vây hãm trong tâm, nên trải qua thời gian không lâu lại phải đọa lạc vào các đường ác.

Thích nghĩa

Người tạo phước lành còn hưởng được phước báo thừa lại, cho nên nói rằng không mất điều lợi ích lớn. Làm điều xấu ác cũng phải chịu báo ứng còn thừa lại, cho nên khi đã được thân người rồi còn phải chịu nghèo khốn, hạ tiện, lại phải chịu những tật nguyền như mù lòa, câm điếc, què quặt chân tay... Người ấy còn phải lãnh chịu nhiều tai họa, những sự hung ác đủ loại như thế, cho nên trong lòng đương nhiên thường chất chứa những lo buồn, phiền não vây hãm.

Kinh văn

是故普廣,譏毀他人供養,尚獲此報。何況別生惡見毀滅。

● Thị cố Phổ Quảng, ki hủy tha nhân cúng dường thượng hoạch thử báo, hà huống biệt sinh ác kiến hủy diệt.

Việt dịch

“Do vậy, này Phổ Quảng, chê bai hủy báng người khác cúng dường còn phải chịu quả báo như thế, huống chi là tự mình khởi sinh ý xấu ác hủy báng diệt phá.”

Giảng giải

“Do nhân duyên này, Phổ Quảng, chê bai sự cúng dường của người khác mà còn phải nhận chịu quả báo như vậy, huống chi là chính mình khởi sinh ác kiến, làm việc hủy diệt Phật pháp.”

Thích nghĩa

Chỉ riêng phạm vào khẩu nghiệp là chê bai người cúng dường lễ bái, mà đã phải đọa vào địa ngục A-tỳ, rồi phải chịu đủ các loại tội khổ trong ba đường ác. Ví như tự thân mình làm, ý mĩnh nghĩ đến, ba nghiệp cùng phạm vào tà kiến ác nghiệp như vậy, thì quả báo khổ não còn lớn lao nặng nề hơn biết bao!

Kinh văn

復次普廣,若未來世,有男子女人,久處床枕,求生求死,了不可得。或夜夢惡鬼乃及家親,或遊險道,或多魘寐共鬼神遊,日月歲深,轉復尪瘵,眠中叫苦,慘悽不樂者,此皆是業道論對,未定輕重,或難捨壽,或不得愈。男女俗眼,不辨是事。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế, hữu nam tử nữ nhân, cửu xứ sàng chẩm, cầu sinh cầu tử, liễu bất khả đắc. Hoặc dạ mộng ác quỷ nãi cập gia thân, hoặc du hiểm đạo, hoặc đa yểm mị cộng quỷ thần du, nhật nguyệt tuế thâm, chuyển phục uông sái, miên trung khiếu khổ, thảm thê bất lạc giả, thử giai thị nghiệp đạo luận đối, vị định khinh trọng, hoặc nan xả thọ, hoặc bất đắc dũ. Nam nữ tục nhãn bất biện thị sự.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có những kẻ nam người nữ, đau bệnh liệt giường đã lâu ngày, cầu sống không được, muốn chết cũng không xong, hoặc đêm nằm mộng thấy quỷ ác cùng với những người thân đã chết, hoặc cùng đi trên đường nguy hiểm, hoặc thường bị bóng đè, cùng đi đây đó với quỷ thần, trải qua nhiều tháng năm như vậy, thân hình gầy gò lao nhọc, trong giấc ngủ cũng kêu khóc thảm thiết, chẳng lúc nào vui. Những hiện tượng như vậy đều là do nghiệp lực đang khi luận đối, còn chưa quyết định nặng nhẹ, nên hoặc là khó dứt mạng sống, hoặc không thể lành bệnh. Dưới con mắt phàm tục của kẻ nam người nữ đều không phân biệt được những điều đó.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với ngài Phổ Quảng: “Nếu trong đời vị lai có những kẻ nam người nữ, do bệnh tật nằm liệt mãi trên giường, mong cầu được sống hay muốn chết đi cũng đều không được, hoặc là trong đêm nằm mộng thấy loài quỷ ác, cùng những thân nhân đã chết trước đây, hoặc đi qua những đoạn đường nguy hiểm, hoặc thường bị bóng đè không tỉnh táo, cùng đi với quỷ thần. Cứ như vậy ngày qua tháng lại, suốt tháng trọn năm, lâu ngày chầy tháng hóa thành ốm gầy, lao nhược, trong giấc ngủ cũng thường kêu khóc đau đớn thống khổ. Những chuyện như vậy đều là do nghiệp lực của ấy đang trong thời gian phân định, chưa định rõ là nặng hay nhẹ, cho nên hoặc là khó dứt hẳn mạng sống mà chết đi, hoặc bệnh tật cứ kéo dài nhiều năm không khỏi được. Hết thảy những kẻ nam người nữ trong thế gian đều không thể hiểu rõ, phân biệt được những việc như vậy.

Thích nghĩa

Tay chân không còn sức chống đỡ, phải nằm liệt trên giường chiếu, muốn sống không được, cầu chết không xong, đó gọi là sống dở chết dở. Trong giấc ngủ bị quỷ đè chặt, tỉnh lại rồi vẫn không cử động được, đó gọi là hiện tượng bóng đè. Gầy yếu là do bệnh lâu ngày, lao nhược là chỉ chung năm chứng lao nhược, bảy chứng thương tổn.

Nghiệp lực đã tạo là nhân, quả báo phải nhận là quả. Như có nghiệp đã tạo lẽ ra phải chịu quả báo khổ não, nhưng lại bị những nghiệp khác lôi kéo, chưa thể thọ báo được, hoặc bên nặng bên nhẹ chưa xác định, cũng giống như trong lúc quan tòa luận tội chưa đưa ra phán quyết, đó gọi là luận đối (論對).

Kinh văn

但當對諸佛菩薩像前,高聲轉讀此經一遍,或取病人可愛之物,或衣服寶貝、莊園舍宅,對病人前,高聲唱言:我某甲等,為是病人對經像前,捨諸等物。或供養經像,或造佛菩薩形像,或造塔寺,或燃油燈,或施常住。

● Đãn đương đối chư Phật Bồ Tát tượng tiền, cao thanh chuyển độc thử kinh nhất biến, hoặc thủ bệnh nhân khả ái chi vật, hoặc y phục bảo bối, trang viên xá trạch, đối bệnh nhân tiền, cao thanh xướng ngôn: Ngã mỗ giáp đẳng, vi thị bệnh nhân đối kinh tượng tiền, xả chư đẳng vật, hoặc cúng dường kinh tượng, hoặc tạo Phật Bồ Tát hình tượng, hoặc tạo tháp tự, hoặc nhiên du đăng, hoặc thí thường trụ.

Việt dịch

“Chỉ cần đối trước hình tượng chư Phật, Bồ Tát, lớn tiếng đọc kinh này qua trọn một lần, hoặc lấy những đồ vật nào mà người bệnh yêu thích, hoặc y phục, đồ quý giá cho đến ruộng vườn nhà cửa, đến trước chỗ người bệnh nằm mà lớn tiếng nói: ‘Nay tôi tên là... ...vì người bệnh này mà đối trước kinh điển, hình tượng [Phật Bồ Tát], thí xả những đồ vật này, hoặc để cúng dường kinh tượng, hoặc để tạo hình tượng Phật, Bồ Tát, hoặc để xây chùa, tháp, hoặc để mua dầu đèn cúng dường, hoặc dâng cúng vào làm của thường trụ.’”

Giảng giải

Ví như người những triệu chứng bệnh như trên, [thân nhân] chỉ cần đối trước chư Phật, Bồ Tát mà lớn tiếng tụng đọc kinh này qua một lượt, hoặc chọn lấy những đồ vật nào mà người bệnh trước đây yêu thích như y phục, các món đồ quý báu, cho đến ruộng vườn nhà cửa [thuộc sở hữu của người bệnh], rồi đứng trước chỗ người bệnh mà lớn tiếng nói rằng: “Tôi tên là... ...nay xin vì người bệnh này mà đến trước điện thờ kinh tượng, nguyện thí xả những đồ vật này, hoặc dùng để cúng dường kinh tượng, hoặc dùng để tạo hình tượng Phật Bồ Tát, hoặc góp phần xây dựng chùa, tháp, tự viện, hoặc dùng để mua dầu đèn cúng dường, hoặc mang những đồ vật này cúng dường làm của thường trụ.

Thích nghĩa

Thông thường người mắc các chứng bệnh cảm mạo, nóng lạnh... đều có thể dùng thuốc thang chữa trị. Nhưng những loại bệnh do nghiệp lực như thế này, chỉ nên nương theo Phật pháp để chữa trị, bởi vì Phật là đấng Y vương đại từ bi, có thể trị liệu được hết thảy mọi căn nguyên bệnh chứng.

Tụng đọc kinh điển là những lời dạy chí lý, công đức lớn lao có thể chuyển phàm thành thánh.

Thí xả những đồ vật của người bệnh, đó là giúp dứt trừ đi tâm tham ái của người bệnh, cũng là một phương pháp trị liệu cơ bản. Hoặc mang những vật ưa thích của người bệnh mà cúng dường trước hình tượng Bồ Tát, hoặc cúng vào chùa chiền, tự viện, hoặc mang bán hết đi lấy tiền, dùng góp vào việc xây dựng chùa, tháp, tự viện, tạo hình tượng chư Phật, Bồ Tát, hoặc mua dầu đèn thắp lên cúng dường.

Người bệnh vì đã nằm liệt không thể ngồi dậy trên giường, nên chỉ có thể nhờ người khác thay mặt người bệnh mà làm. Người thay mặt đó cũng phải đứng trước chỗ người bệnh mà lớn tiếng nói rằng: “Tôi tên là... ...nay thay mặt cho người bệnh tên là... ..., nguyện nương nhờ sức từ bi của Phật, khiến cho nghiệp báo của người bệnh được tiêu trừ, bệnh tật được sớm khỏi, tôi nguyện dùng những đồ vật này của người bệnh, hoặc ruộng đất, vườn, nhà... ở tại... ... mang ra bố thí, hoặc bán lấy tiền để làm những việc.... ... tạo công đức cho người bệnh.”

Kinh văn

如是三白病人,遣令聞知。假令諸識分散至氣盡者,乃至一日二日三日四日至七日已來,但高聲白,高聲讀經,是人命終之後宿殃重罪,至於五無間罪,永得解脫。所受生處,常知宿命。

● Như thị tam bạch bệnh nhân, khiển linh văn tri. Giả linh chư thức phân tán chí khí tận giả, nãi chí nhất nhật nhị nhật tam nhật tứ nhật chí thất nhật dĩ lai, đãn cao thanh bạch, cao thanh độc kinh, thị nhân mệnh chung chi hậu túc ương trọng tội, chí ư ngũ vô gián tội, vĩnh đắc giải thoát, sở thụ sinh xứ, thường tri túc mệnh.

Việt dịch

“Nói rõ với người bệnh ba lần như vậy, để cho người bệnh rõ biết. Nếu như người bệnh thần thức đã phân tán cho đến hơi thở đã dứt, sau một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày cho đến bảy ngày, vẫn cứ lớn tiếng nói với người bệnh như vậy, vẫn cứ lớn tiếng tụng đọc kinh này, thì người ấy sau khi mạng chung, bao nhiêu tội nặng trước đây, cho đến năm tội vô gián, đều vĩnh viễn được giải thoát, dù tái sinh về nơi nào rồi cũng thường nhớ biết được đời trước.”

Giảng giải

Nói rõ với người bệnh đủ ba lần như vậy, là để cho người bệnh hoàn toàn hiểu rõ việc này. Ví như lúc đó thần thức bệnh nhân đã phân tán, hoặc kinh mạch, hơi thở đã dứt, thậm chí cho đến sau khi chết trong vòng một ngày cho đến bảy ngày, vẫn phải lớn tiếng lặp lại những điều này, lớn tiếng tụng đọc kinh này. [Được như vậy thì] người bệnh đó sau khi chết, bao nhiêu tai ương họa hại cũng như tội nặng đời trước đều được tiêu trừ, cho đến cả những tội phải đọa vào địa ngục Vô gián, được vĩnh viễn giải thoát. Người ấy khi tái sinh về đâu cũng thường nhớ biết được những sự việc đời trước.

Thích nghĩa

Điều cần thiết là phải làm cho người bệnh nghe hiểu được rõ ràng, đó là khiến cho trong lòng người ấy được rõ biết mình có được công đức như vậy. Nhờ phúc phần nương tựa vào Phật pháp, bệnh ấy nhất định sẽ được thuyên giảm.

Con người có tám thức, khi mạng sống dứt, bảy thức đã phân tán nhưng thức thứ tám lúc ấy vẫn còn chưa phân tán. Cho nên lúc ấy lớn tiếng nói với người vừa chết, lớn tiếng tụng đọc kinh điển, thì người ấy vẫn còn nghe được rõ ràng, trong tâm vẫn còn nhận hiểu, biết được rằng mình có được công đức [bố thí cúng dường] như vậy, được nương vào sự bảo vệ che chở của Phật pháp, nhất định có thể tái sinh về chốn tốt lành, không phải đọa vào địa ngục.

Kinh văn

何況善男子善女人,自書此經,或教人書,或自塑畫菩薩形像,乃至教人塑畫,所受果報,必獲大利。

● Hà huống thiện nam tử, thiện nữ nhân, tự thư thử kinh, hoặc giáo nhân thư, hoặc tự tố họa Bồ Tát hình tượng, nãi chí giáo nhân tố họa, sở thụ quả báo, tất hoạch đại lợi.

Việt dịch

“Huống chi nếu có kẻ nam người nữ lòng lành tự mình sao chép kinh này, hoặc khuyên bảo người khác sao chép, hoặc tự mình tô vẽ tranh tượng, tạo hình tượng Bồ Tát [Địa Tạng], cho đến khuyên bảo người khác làm như vậy, thì được quả báo là lợi ích rất lớn lao.”

Giảng giải

Huống chi là những kẻ nam người nữ lòng lành tự tay sao chép bộ kinh này, hoặc khuyên bảo người khác sao chép, hoặc tự mình tô vẽ tranh tượng, tự mình tạo đắp hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, cho đến khuyên bảo người khác làm như vậy, những người ấy chắc chắn được quả báo lợi ích rất lớn.

Thích nghĩa

Phần trước vừa nói đến những người do nghiệp báo mà chịu bệnh tật, chỉ cần có con hiếu thảo hoặc thân quyến là người hiền thiện, thay mặt người bệnh mà thí xả tài vật để cầu nguyện, như vậy mà [người bệnh] còn nhận được công đức lớn lao, huống chi đối với người không mang nghiệp ác mà tự mình sao chép kinh điển này, tự mình tô vẽ tranh tượng, tạo đắp hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, đều khiến cho lưu truyền mãi về sau, hoặc khuyên bảo người khác cùng làm như vậy, công đức ấy theo như trong kinh nói thì nếu đem so với sông hồ biển cả trong bốn cõi thiên hạ vẫn còn lớn lao hơn gấp nhiều lần.

Kinh văn

是故普廣,若見有人讀誦是經,乃至一念讚歎是經,或恭敬者,汝須百千方便勸是等人,勤心莫退,能得未來現在千萬億不可思議功德。

● Thị cố Phổ Quảng, nhược kiến hữu nhân độc tụng thị kinh, nãi chí nhất niệm tán thán thị kinh, hoặc cung kính giả, nhữ tu bá thiên phương tiện khuyến thị đẳng nhân, cần tâm mạc thối, năng đắc vị lai hiện tại thiên vạn ức bất khả tư nghị công đức.

Việt dịch

“Do vậy, này Phổ Quảng! Nếu thấy có ai tụng đọc kinh này, cho đến chỉ khởi sinh một ý niệm ngợi khen xưng tán kinh này, hoặc tỏ lòng cung kính, ông nên dùng trăm ngàn phương tiện để khuyến khích những người ấy giữ tâm chuyên cần không thối thất, như vậy trong hiện tại cũng như tương lai đều được ngàn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn.”

Giảng giải

Do nhân duyên ấy, này Phổ Quảng! Nếu như nhìn thấy có người tụng đọc kinh này, cho đến chỉ một niệm ngợi khen tán thán, hoặc cung kính kinh này, ông nên dùng trăm ngàn phương tiện để khuyến khích người ấy, phải siêng năng chuyên cần tụng đọc, đừng để người ấy thối tâm, như vậy có thể đạt được ngàn muôn ức công đức không thể nghĩ bàn trong hiện tại cũng như tương lai.

Thích nghĩa

“Đọc” nghĩa là mở quyển kinh ra đọc. “Tụng” nghĩa là đã đọc thuộc lòng rồi tụng, không cần phải nhìn vào quyển kinh. “Kinh này” tức là nói toàn quyển kinh Bổn Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng này.

Những người không biết chữ, chỉ nghe người khác nói qua về công đức của kinh này, liền ngợi khen xưng tán, tỏ lòng cung kính, hoặc kể từ đó thường luôn niệm “Nam-mô Địa Tạng Bồ Tát”. Chỉ cần niệm một cách chuyên tâm cung kính thì công đức cũng lớn lao không kém so với người đọc kinh.

Kinh văn

復次普廣,若未來世諸眾生等,或夢或寐,見諸鬼神乃及諸形,或悲、或啼、或愁、或歎、或恐、或怖,此皆是一生十生百生千生過去父母、男女弟妹、夫妻眷屬,在於惡趣,未得出離,無處希望福力救拔,當告宿世骨肉,使作方便,願離惡道。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế chư chúng sinh đẳng, hoặc mộng hoặc mị, kiến chư quỷ thần nãi cập chư hình, hoặc bi, hoặc đề, hoặc sầu, hoặc thán, hoặc khủng, hoặc bố, thử giai thị nhất sinh thập sinh bá sinh thiên sinh quá khứ phụ mẫu, nam nữ đệ muội, phu thê quyến thuộc, tại ư ác thú, vị đắc xuất ly, vô xứ hy vọng phúc lực cứu bạt, đương cáo túc thế cốt nhục, sử tác phương tiện, nguyện ly ác đạo.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có những chúng sinh trong lúc nằm mộng hoặc ngủ say nhìn thấy các loại quỷ thần với đủ hình dạng, hoặc buồn hoặc khóc, hoặc sầu thảm, than thở, hoặc sợ sệt, kinh hãi, đó đều là những người trước đây một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời đã từng là cha mẹ, anh chị em, hay vợ chồng, quyến thuộc với họ, nay đang bị đọa trong các đường ác, chưa được thoát ra, không còn hy vọng phước lực nào cứu vớt, nên cố tìm cách báo cho những ai đã từng có tình cốt nhục, mong được tạo phương tiện giúp cho thoát ra khỏi các đường ác.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với ngài Phổ Quảng: “Ví như trong đời vị lai có những chúng sinh, hoặc khi nằm mộng, hoặc trong lúc ngủ say, nhìn thấy các loại quỷ thần với đủ các hình trạng, hoặc đau thương, hoặc khóc lóc, hoặc buồn khổ, hoặc than thở, hoặc sợ sệt, hoặc kinh hãi, đó đều là những người trong quá khứ một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời trước đã từng là cha mẹ, là anh chị em, là vợ chồng, là quyến thuộc với mình, nay đang chịu khổ trong các đường ác, không thoát ra được, lại không hy vọng có phước lực chỗ nào cứu vớt, nên muốn báo cho những người có tình cốt nhục trong đời trước biết, mong được tạo phương tiện cứu giúp để thoát ra khỏi các đường ác.

Thích nghĩa

Việc nằm mộng ở đây không giống với việc nằm mộng được nói trong đoạn trước. Đoạn trước nói là tự mình đi, cùng đi với quỷ thần. Đoạn này nói mình không đi mà là quỷ thần tìm đến, hiển lộ cho mình nhìn thấy đủ các hình trạng đáng thương tâm, để mong được mình cứu giúp. Những người ấy đều là thân tộc trong quá khứ đời trước của mình, nay đọa vào trong ba đường ác, mong được mình siêu độ cho họ. Việc nằm mộng như vậy không phải do tự mình mà có.

Kinh văn

普廣,汝以神力,遣是眷屬,令對諸佛菩薩像前,志心自讀此經。或請人讀,其數三遍,或七遍。如是惡道眷屬,經聲畢是遍數,當得解脫。乃至夢寐之中永不復見。

● Phổ Quảng, nhữ dĩ thần lực, khiển thị quyến thuộc, linh đối chư Phật Bồ Tát tượng tiền, chí tâm tự độc thử kinh, hoặc thỉnh nhân độc, kỳ số tam biến, hoặc thất biến. Như thị ác đạo quyến thuộc, kinh thanh tất thị biến số, đương đắc giải thoát, nãi chí mộng mị chi trung vĩnh bất phục kiến.

Việt dịch

“Này Phổ Quảng! [Đối với những chúng sinh ấy,] ông hãy dùng thần lực tác động đến quyến thuộc của họ, khiến cho đến trước hình tượng của chư Phật, Bồ Tát mà tự mình chí tâm tụng đọc kinh này, hoặc thỉnh cầu người khác tụng đọc đủ số ba lần hoặc bảy lần. Như vậy thì ngay khi tiếng tụng kinh vừa đủ số chấm dứt, những quyến thuộc của họ đang ở trong đường ác cũng tức thời được giải thoát, cho đến trong lúc nằm mộng hoặc ngủ say cũng không bao giờ còn thấy lại nữa.”

Giảng giải

Đức Phật nói với ngài Phổ Quảng: “Này Phổ Quảng! Ông hãy dùng thần lực của mình, tác động đến những người quyến thuộc còn ở dương gian kia, khiến cho họ tìm đến trước hình tượng chư Phật, Bồ Tát mà chí tâm tự mình tụng đọc kinh này, hoặc thỉnh cầu người khác tụng đọc, hoặc ba lần, hoặc bảy lần. Như vậy thì khi việc tụng kinh vừa trọn đủ số, ngay lúc âm thanh tụng kinh vừa chấm dứt thì quyến thuộc của họ đang ở trong đường ác kia liền được giải thoát, cho đến trong giấc mộng cũng không bao giờ nhìn thấy lại nữa.

Thích nghĩa

Người thế gian tình nghĩa hết sức bạc bẽo, thân bằng quyến thuộc đang còn sống đây mà họ chẳng quan tâm, huống chi lại quan tâm đến những người đã chết? Nếu đức Phật không dạy ngài Phổ Quảng dùng thần lực tác động đến họ, ắt là họ không chịu tụng kinh.

Nếu tự mình không biết chữ, hoặc không có nơi thờ Phật trang nghiêm, có thể thỉnh cầu người khác tụng thay cũng được.

Ba lần hoặc bảy lần đều là số dương, thuộc về tái sinh thiên giới, tụng đủ số lần ấy thì người chết có thể được siêu độ.

Một khi tiếng tụng kinh vừa đủ số chấm dứt, quyến thuộc của người tụng kinh liền được sinh về cõi trời, hoặc tái sinh nơi khác, cho nên [trong mộng] không còn thấy nữa.

Kinh văn

復次普廣,若末來世,有諸下賤等人,或奴或婢,乃至諸不自由之人,覺知宿業,要懺悔者。志心瞻禮地藏菩薩形像,乃至一七日中,念菩薩名,可滿萬遍。如是等人,盡此報後,千萬生中,常生尊貴。更不經三惡道苦。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược mạt lai thế, hữu chư hạ tiện đẳng nhân, hoặc nô hoặc tì, nãi chí chư bất tự do chi nhân, giác tri túc nghiệp, yếu sám hối giả, chí tâm chiêm lễ Địa Tạng Bồ Tát hình tượng, nãi chí nhất thất nhật trung, niệm Bồ Tát danh, khả mãn vạn biến. Như thị đẳng nhân, tận thử báo hậu, thiên vạn sinh trung, thường sinh tôn quý, cánh bất kinh tam ác đạo khổ.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Trong đời vị lai, nếu có những người hèn hạ thấp kém, hoặc phải làm nô bộc, cho đến làm người mất quyền tự do, biết được nghiệp xấu đời trước của mình, phát tâm sám hối, nên chí tâm chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, cho đến trong quãng thời gian bảy ngày niệm danh hiệu Bồ Tát đủ mười ngàn lượt. Người ấy sau khi chấm dứt đời này, trong ngàn muôn kiếp sinh ra về sau thường được làm người tôn quý, không phải chịu khổ trong ba đường ác.”

Giảng giải

Đức Phật lại bảo ngài Phổ Quảng: “Ví như trong tương lai có những người hèn hạ thấp kém, hoặc làm tôi tớ, cho đến những người mất quyền tự do. Người ấy tự biết được: Đây là do nghiệp xấu đời trước của mình đã tạo, liền muốn sám hối, nên chí tâm chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ Tát, cho đến trong thời gian bảy ngày luôn niệm danh hiệu Bồ Tát đủ mười ngàn lượt. Người như vậy sau khi sống hết đời này, ngàn muôn đời sau luôn được sinh ra trong gia đình tôn quý, không phải trải qua những khổ báo trong ba đường ác.

Thích nghĩa

Những người hèn hạ thấp kém, không hẳn chỉ là những người phải làm tôi tớ, mà cho đến những kẻ bất hiếu, bất kính, không tin Tam bảo, hoặc trộm cướp lường gạt đều thuộc loại này. Người mất quyền tự do là người lúc nào cũng phải nghe theo người khác, bị người khác làm chủ.

Nếu tự mình nhận hiểu được, liền đến trước hình tượng Bồ Tát thành tâm sám hối. Một khi trong tâm tự biết xấu hổ thì sức mạnh ấy khác nào như núi lở, không tội lỗi nào mà không dứt trừ, huống chi còn thêm công đức của việc tụng đọc kinh điển, niệm danh hiệu Bồ Tát.

Tôi tớ là những người phục dịch trong nhà, cũng nên thương cảnh nghèo khổ của họ, có bệnh phải giúp họ trị liệu, có lỗi cũng nên khoan thứ, không được tùy ý đánh đập hành hạ, còn phải thường dạy dỗ họ những điều tốt đẹp.

Kinh văn

復次普廣,若未來世中閻浮提內,剎利、婆羅門、長者、居士,一切人等及異姓種族有新產者,或男或女,七日之中,早與讀誦此不思議經典,更為念菩薩名,可滿萬遍。是新生子,或男或女,宿有殃報,便得解脫,安樂易養,壽命增長。若是承福生者,轉增安樂及與壽命。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế trung Diêm-phù-đề nội, sát-lợi, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, nhất thiết nhân đẳng cập dị tính chủng tộc hữu tân sản giả, hoặc nam hoặc nữ, thất nhật chi trung, tảo dữ độc tụng thử bất tư nghị kinh điển, cánh vi niệm Bồ Tát danh, khả mãn vạn biến. Thị tân sinh tử, hoặc nam hoặc nữ, túc hữu ương báo tiện đắc giải thoát, an lạc dị dưỡng, thọ mệnh tăng trưởng. Nhược thị thừa phúc sinh giả, chuyển tăng an lạc cập dữ thọ mệnh.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu trong đời vị lai ở cõi Diêm-phù-đề có người thuộc hàng sát-lợi, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, hoặc người thuộc các dòng họ, chủng tộc khác nhau, vừa mới sinh con trai hoặc con gái trong vòng bảy ngày, nên sớm vì đứa bé mà tụng đọc kinh điển không thể nghĩ bàn này, cùng niệm danh hiệu Bồ Tát có thể đủ mười ngàn lượt. Như vậy thì đứa bé mới sinh đó, dù là trai hay gái, nếu có tai ương họa hại từ đời trước đều được giải trừ, an vui nuôi dưỡng dễ dàng, tuổi thọ tăng thêm. Nếu đứa bé ấy sinh ra từ phước báo đời trước thì lại càng thêm phần an vui, cũng tăng thêm tuổi thọ.”

Giảng giải

Đức Phật lại bảo ngài Phổ Quảng: “Nếu trong tương lai ở cõi Diêm-phù-đề có người thuộc dòng Sát-lợi, bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ hoặc bất kỳ dòng họ, chủng tộc nào, có con mới sinh, hoặc trai hoặc gái, trong vòng bảy ngày nên sớm vì đứa trẻ mà tụng đọc kinh điển không thể nghĩ bàn này, cùng niệm danh hiệu Bồ Tát [Địa Tạng] đủ mười ngàn lượt, thì đứa trẻ mới sinh kia, bất kể là trai hay gái, nếu đời trước tạo nghiệp phải chịu quả báo tai ương họa hại liền được giải thoát, an vui, dễ nuôi, tuổi thọ cũng tăng thêm. Nếu đứa trẻ ấy sinh ra từ phước đức đời trước thì cũng được tăng thêm phần an vui, tăng thêm tuổi thọ.

Thích nghĩa

Bất kể là người nước nào, là phụ nữ trong cõi Diêm-phù-đề này thì khi sinh nở đều phải hết sức đau đớn khổ sở, hết sức nguy hiểm. Gặp phải những trường hợp khó sinh thì có khi cả mẹ lẫn con đều chết thảm. Đó đều là do oan nghiệp đời trước, hoặc do quỷ ác gây ra. Trong vòng một tháng trước khi sinh nên mỗi ngày tụng đọc kinh này một lượt, đặt kỳ hạn liên tục bảy ngày, tộng cộng tụng đọc qua bảy lượt. Mỗi ngày ngoài việc tụng kinh cũng niệm “Nam-mô Địa Tạng Bồ Tát”, trong bảy ngày đó niệm đủ mười ngàn câu. Được như vậy sẽ được sự che chở bảo vệ của Bồ Tát, chẳng những được sinh nở bình an, giảm bớt sự đau đớn khổ sở, mà còn khiến cho đứa bé khi sinh ra được an lành, vui vẻ, dễ nuôi, tăng thêm phúc đức và tuổi thọ. Nếu như tự mình không có điều kiện thuận tiện để làm, có thể thỉnh cầu người khác thay mình tụng kinh, niệm danh hiệiệu Bồ Tát, cũng được công đức như vậy.

Kinh văn

復次普廣,若未來世眾生,於月一日、八日、十四日、十五日、十八日、二十三、二十四、二十八、二十九日乃至三十日,是諸日等,諸罪結集,定其輕重。

● Phục thứ Phổ Quảng, nhược vị lai thế chúng sinh, ư nguyệt nhất nhật, bát nhật, thập tứ nhật, thập ngũ nhật, thập bát nhật, nhị thập tam, nhị thập tứ, nhị thập bát, nhị thập cửu nhật nãi chí tam thập nhật, thị chư nhật đẳng, chư tội kết tập, định kỳ khinh trọng.

Việt dịch

“Lại nữa, này Phổ Quảng! Nếu chúng sinh trong đời vị lai, mỗi tháng vào các ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín cho đến ba mươi, những ngày này là thời gian các tội đã tạo được thu thập để phán định xem là tội nặng hay tội nhẹ.”

Giảng giải

Đức Phật lại nói với ngài Phổ Quảng: “Nếu những chúng sinh trong tương lai, cứ mỗi tháng vào các ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29 cho đến hết ngày 30, trong các ngày này là thời gian hết thảy các tội nghiệp đều được thu thập để phán xét xem đó là tội nặng hay tội nhẹ.

Thích nghĩa

Trong mười ngày này, các vị thiên thần xuống nhân gian để giám sát những việc làm thiện hay ác của người đời, kết toán phân định rõ ràng. Nếu việc thiện nhiều thì tăng thêm phúc đức, tuổi thọ, tương lai được sinh về cõi trời. Nếu việc ác nhiều thì cắt giảm phúc đức, tuổi thọ, đọa vào địa ngục. Cho nên trong mười ngày này phải tránh việc giết hại, làm việc phóng sinh và ăn chay, gọi là Thập trai.

Ngày mồng một có Bát-xà-để xuống trần, gọi là ngày Kiến danh.

Hai ngày mồng 8 và 23 có Sa-bà Thiện nhân xuống trần, gọi là ngày Lực chiến, làm việc gì cũng phải giữ sự công bằng.

Hai ngày 14 và 29 có thần Dược-sô xuống trần, gọi là ngày Dũng mãnh, nên làm việc hiếu kính, phóng sinh.

Ngày 24 có thần Lỗ-đạt-la-ni xuống trần, gọi là ngày Hung mãnh.

Ngày 28 có thần Bát-chiết-để xuống trần, gọi là ngày Tối thắng, cần phải giữ giới.

Hai ngày 15 và 30 có thần Tất-đa-lô xuống trần, gọi là ngày Cát tướng, nên cúng tế người đã mất cùng làm những việc bố thí, cúng dường chư Phật, Bồ Tát, được lợi ích lớn nhất.

Những ngày Thập trai, nếu tính theo âm lịch thì vào tháng thiếu đổi 3 ngày cuối cùng là 27, 28 và 29.

Người thọ Tam trường trai tức ăn chay 3 tháng thì là tháng giêng, tháng 5 và tháng 9.

Người thọ Lục trai tức ăn chay mỗi tháng 6 ngày thì là các ngày 8, 14, 15, 23, 29 và 30. (Tháng thiếu đổi 2 ngày cuối thành 28 và 29.)

Kinh văn

南閻浮提眾生,舉止動念,無不是業,無不是罪。何況恣情殺害、竊盜、邪婬、妄語,百千罪狀。能於是十齋日,對佛菩薩諸賢聖像前,讀是經一遍。東西南北,百由旬內,無諸災難。當此居家,若長若幼,現在未來,百千歲中,永離惡趣。

● Nam Diêm-phù-đề chúng sinh, cử chỉ động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội, hà huống tứ tình sát hại, thiết đạo, tà dâm, vọng ngữ, bá thiên tội trạng. Năng ư thị thập trai nhật, đối Phật Bồ Tát chư Hiền Thánh tượng tiền, độc thị kinh nhất biến, đông tây nam bắc, bá do-tuần nội, vô chư tai nạn. Đương thử cư gia, nhược trưởng nhược ấu, hiện tại vị lai, bá thiên tuế trung, vĩnh ly ác thú.

Việt dịch

“Chúng sinh trong cõi Nam Diêm-phù-đề, khởi tâm suy nghĩ hay hành động, không có gì là không tạo nghiệp, không gây tội, huống chi lại buông thả làm việc giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối, trăm ngàn loại tội lỗi. Nếu có thể trong mười ngày trai này, đối trước hình tượng chư Phật, Bồ Tát, Hiền Thánh, tụng đọc kinh [Địa Tạng] này qua một lượt, thì trong phạm vi 100 do-tuần về bốn hướng đông, tây, nam, bắc đều được an lành không tai nạn. Kẻ lớn người nhỏ sống trong nhà ấy, hiện tại cũng như tương lai, đều được xa lìa các đường ác đến trăm ngàn năm.”

Giảng giải

Chúng sinh trong cõi Nam Diêm-phù-đề của chúng ta, mỗi một suy nghĩ, cử chỉ, không có gì là không tạo nghiệp, không có gì không phải là tội lỗi, huống chi lại còn buông thả tùy tiện giết hại sinh mạng, trộm cướp, tà dâm, nói dối, cho đến trăm ngàn loại tội lỗi! Nếu có thể trong mười ngày trai này, đối trước hình tượng của chư Phật, Bồ Tát, các vị Hiền Thánh, tụng đọc kinh này một lượt, thì trong phạm vi 100 do-tuần về các hướng đông, tây, nam, bắc đều được bình an không có mọi tai nạn. Những người sống trong căn nhà đó, dù lớn hay nhỏ, trong hiện tại hay tương lai, đều được thoát khỏi các đường ác trong trăm ngàn năm.

Thích nghĩa

Người sống trong cõi Diêm-phù-đề này, bất kể một cử động nào, một ý niệm nào, cũng đều là gieo nhân tạo nghiệp. Huống chi còn tùy ý giết hại sinh mạng, phạm vào mười nghiệp ác? Mỗi một ý niệm của chúng ta khởi lên có đến 90 sát-na. Mỗi một sát-na có 900 lần sinh diệt. Mỗi một lần sinh diệt đó, nếu dùng thiên nhãn xem xét đều thấy có hình tướng rõ rệt. (Từ chỗ này chúng ta có thể hình dung được công đức của việc niệm một câu Phật hiệu.) Những hình tướng đó, không có gì không phải là nghiệp, không phải là tội. Cho nên chúng ta khởi tâm suy nghĩ, động niệm, bất kỳ lúc nào cũng luôn phải tự kiểm tự xét.

Vào các ngày Thập trai như nói trên, nếu tụng đọc kinh Địa Tạng này một lần, chỉ một lần thôi liền có thể khiến cho bốn phương chung quanh trong phạm vi 100 do-tuần đều được an lành, tiêu trừ mọi tai họa, kẻ già người trẻ đều được xa lìa các đường ác.

Do vậy chúng ta có thể biết được công đức và lợi ích lớn lao của bộ kinh này, quả thật là không thể nghĩ bàn.

Ví như có trường hợp không thấy linh nghiệm, cũng không thể trách nơi kinh này, đó là do người tụng đọc không có lòng cung kính, không có sự chí thành. Hoặc cũng có thể do người làm quá nhiều việc ác, phước lực không cứu được tội nghiệp quá nặng nề của họ.

Kinh văn

能於十齋日,每轉一遍,現世令此居家無諸橫病,衣食豐溢。

● Năng ư thập trai nhật, mỗi chuyển nhất biến, hiện thế linh thử cư gia vô chư hoạnh bệnh, y thực phong dật.

Việt dịch

“Nếu có thể trong mười ngày trai, mỗi ngày đều tụng kinh này một lượt, thì ngay đời này những người sống trong nhà đó sẽ không bị lây nhiễm dịch bệnh, y phục và thực phẩm đều được dồi dào dư dả.”

Giảng giải

Nếu có thể trong những ngày Thập trai, mỗi ngày đều tụng kinh này một lượt, thì hiện tại những người sống trong nhà sẽ không mắc phải dịch bệnh, y phục và thực phẩm cũng đều được đầy đủ, dư thừa.

Thích nghĩa

Hoạnh bệnh, tức các loại dịch bệnh thời khí lây lan rộng. Việc tụng kinh giúp cho không phải bất ngờ lây nhiễm dịch bệnh, đó là được thoát khổ. Giúp cho người nghèo khó cũng được đầy đủ dư thừa thức ăn, quần áo mặc, đó là được phước. Hết thảy những điều đó đều nhờ vào bộ kinh này, công đức lớn lao thật là nói không thể hết, nghĩ không tới được.

Kinh văn

是故普廣,當知地藏菩薩有如是等不可說百千萬億大威神力利益之事。閻浮眾生,於此大士有大因緣。是諸眾生聞菩薩名,見菩薩像,乃至聞是經三字五字,或一偈一句者,現在殊妙安樂,未來之世,百千萬生,常得端正,生尊貴家。

● Thị cố Phổ Quảng, đương tri Địa Tạng Bồ Tát hữu như thị đẳng bất khả thuyết bá thiên vạn ức đại uy thần lực lợi ích chi sự. Diêm-phù chúng sinh, ư thử Đại sĩ hữu đại nhân duyên. Thị chư chúng sinh văn Bồ Tát danh, kiến Bồ Tát tượng, nãi chí văn thị kinh tam tự ngũ tự, hoặc nhất kệ nhất cú giả, hiện tại thù diệu an lạc, vị lai chi thế bá thiên vạn sinh thường đắc đoan chính, sinh tôn quý gia.

Việt dịch

“Do vậy, này Phổ Quảng! Nên biết rằng Bồ Tát Địa Tạng có những sự lợi ích với oai thần sức mạnh lớn lao không thể nói hết như vậy. Chúng sinh cõi Diêm-phù-đề đối với vị Đại sĩ này có nhân duyên lớn, cho nên nghe được danh hiệu Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng Bồ Tát, cho đến nghe được chỉ năm ba chữ, hoặc một câu kinh, một bài kệ trong kinh này, thì hiện tại được sự an vui tốt đẹp nhiệm mầu, trong tương lai trăm ngàn muôn kiếp tái sinh thường được đoan chánh, được sinh vào nhà tôn quý.”

Giảng giải

Do nhân duyên như vậy, này Phổ Quảng, ông nên biết rằng, Bồ Tát Địa Tạng có trăm ngàn muôn ức oai thần sức lực lớn lao không thể nói hết, làm lợi ích cho chúng sinh như vậy. Đó là vì chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề đối với vị Đại sĩ này có nhân duyên rất lớn, nên có rất nhiều chúng sinh khi nghe được danh hiệu Bồ Tát, nhìn thấy hình tượng Bồ Tát, cho đến nghe được năm ba chữ hoặc một bài kệ, một câu trong kinh này, thì hiện tại được sự an vui tốt đẹp đặc biệt, và trong tương lai trăm ngàn muôn kiếp sinh ra thường được đoan chính, sinh trong gia đình tôn quý.

Thích nghĩa

Phần trước, từ đoạn bắt đầu Bồ Tát Phổ Quảng thưa hỏi Phật, cho đến hết đoạn này, đức Phật nói ra đủ mọi điều, nếu không phải oai thần sức mạnh lớn lao của Bồ Tát Địa Tạng làm lợi ích chúng sinh thì còn biết nói thế nào? Thế nhưng oai thần của Bồ Tát như vậy không chỉ để làm lợi ích cho riêng một thế giới nào, mà nay làm lợi ích rất nhiều cho chúng sinh trong thế giới chúng ta, chẳng phải là Bồ Tát Địa Tạng đối với chúng sinh trong thế giới này có nhân duyên lớn đó sao? Quý vị thử nghĩ xem, chỉ cần được nghe danh hiệu, nhìn thấy hình tượng, hoặc nghe được trong kinh này năm ba chữ, hoặc một bài kệ, một câu kinh, mà đã được công đức rất lớn lao, đó chẳng phải là Bồ Tát Địa Tạng đối với chúng sinh cõi này đặc biệt có lòng từ bi thương xót hay sao? Cho nên chúng ta không khỏi nhỏ lệ thương xót đối với những chúng sinh nào không được nhìn thấy kinh này, không tin vào kinh này, không biết đến lòng từ bi thương xót của Bồ Tát Địa Tạng đối với chúng ta, không biết cảm kích ân đức từ bi của Bồ Tát.

Kinh văn

爾時,普廣菩薩,聞佛如來稱揚讚歎地藏菩薩已,胡跪合掌,復白佛言:世尊!我久知是大士有如此不可思議神力及大誓願力。為未來眾生,遣知利益,故問如來,唯然頂受。世尊!當何名此經,使我云何流布?

● Nhĩ thời, Phổ Quảng Bồ Tát, văn Phật Như Lai xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ Tát dĩ, hồ quỵ hợp chưởng, phục bạch Phật ngôn: Thế Tôn! Ngã cửu tri thị Đại sĩ hữu như thử bất khả tư nghị thần lực cập đại thệ nguyện lực, vi vị lai chúng sinh, khiển tri lợi ích, cố vấn Như Lai, duy nhiên đỉnh thụ. Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, sử ngã vân hà lưu bố?

Việt dịch

Lúc bấy giờ, Bồ Tát Phổ Quảng sau khi nghe đức Phật ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng, liền quỳ xuống chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Từ lâu con đã biết vị Đại sĩ này có sức thần không thể nghĩ bàn như vậy cùng với sức thệ nguyện lớn lao, nhưng vì muốn cho chúng sinh trong tương lai biết được sự lợi ích này nên con mới thưa hỏi đức Như Lai, nay xin cúi đầu tin nhận. Bạch Thế Tôn! Nên gọi tên kinh này là gì và chúng con nên lưu hành quảng bá như thế nào?”

Giảng giải

Lúc ấy, Bồ Tát Phổ Quảng sau khi lắng nghe đức Phật Như Lai ngợi khen xưng tán Bồ Tát Địa Tạng xong, liền quỳ xuống chắp tay, thưa cùng đức Phật: “Bạch Thế Tôn! Từ lâu con đã biết về vị Đại sĩ này, có sức thần không thể nghĩ bàn như vậy, cùng với việc phát khởi nguyện lực rộng lớn, nhưng con vì chúng sinh tương lai, muốn cho họ đều được biết đến những lợi ích này, cho nên mới thưa hỏi Như Lai. Nay con xin cung kính lãnh nhận lời Phật dạy. Bạch Thế Tôn! Kinh này nên đặt tên là gì? Nên lưu hành như thế nào?”

Thích nghĩa

Kinh nói “hồ quỵ” là nghi lễ của người Ấn Độ, chỉ có đầu gối bên phải chạm đất, khác với cách quỳ của người Trung Hoa là hai đầu gối đều chạm đất.

Bồ Tát Phổ Quảng thưa thỉnh Phật là muốn được nghe từ kim khẩu Phật giảng giải nói rõ về oai thần sức mạnh lớn lao của Bồ Tát Địa Tạng, khiến cho đại chúng trong Pháp hội cùng với chúng sinh trong các cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng đều nhận biết rõ ràng và tin nhận, cũng có thể theo đây mà truyền ra rộng khắp. Thế nhưng việc lưu hành hay truyền bá cũng đều cần phải có một tên gọi, cho nên lại phải thưa hỏi Phật việc này.

Kinh văn

佛告普廣:此經有三名:一名地藏本願,亦名地藏本行,亦名地藏本誓力經。緣此菩薩,久遠劫來,發大重願,利益眾生。是故汝等,依願流布。普廣聞已,合掌恭敬,作禮而退。

● Phật cáo Phổ Quảng: “Thử kinh hữu tam danh. Nhất danh Địa Tạng Bản Nguyện, diệc danh Địa Tạng Bản Hạnh, diệc danh Địa Tạng Bản Thệ Lực kinh. Duyên thử Bồ Tát, cửu viễn kiếp lai, phát đại trọng nguyện, lợi ích chúng sinh, thị cố nhữ đẳng, y nguyện lưu bố.” Phổ Quảng văn dĩ, hợp chưởng cung kính, tác lễ nhi thối.

Việt dịch

Đức Phật bảo ngài Phổ Quảng: “Kinh này có ba tên gọi. Một tên là Địa Tạng Bản Nguyện, một tên là Địa Tạng Bản Hạnh, một tên nữa là Địa Tạng Bản Thệ Lực. Do vị Bồ Tát này từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã phát nguyện lớn lao, làm lợi ích chúng sinh, nên các ông hãy y theo lời nguyện đó mà lưu hành quảng bá.” Bồ Tát Phổ Quảng nghe xong lời dạy, chắp tay cung kính lễ Phật rồi lui xuống.

Giảng giải

Đức Phật dạy Bồ Tát Phổ Quảng: “Bộ kinh này có ba tên gọi. Thứ nhất gọi là kinh Bản Nguyện Địa Tạng, thứ hai gọi là kinh Bản Hạnh Địa Tạng, thứ ba, cũng có thể gọi là kinh Bản Thệ Lực Địa Tạng. Nhân vì Bồ Tát Địa Tạng từ nhiều kiếp lâu xa đến nay đã phát nguyện rộng lớn, làm lợi ích cho chúng sinh, nên các ông hãy y theo lời nguyện của Bồ Tát mà lưu hành, truyền rộng.”

Ngài Phổ Quảng nghe xong, chắp hai tay cung kính lễ Phật rồi lui về chỗ ngồi.

Thích nghĩa

“Bản nguyện” là nói tâm nguyện phát khởi lúc ban sơ. “Bản hạnh” là sự thực hành trải qua nhiều kiếp cứu độ chúng sinh. “Bản thệ lực” là nói tác dụng của sự vận dụng cả nguyện và hạnh.

Tuy đức Phật nói ra ba tên gọi, nhưng nếu có nguyện mà không có hạnh thì nguyện ấy thành rỗng không vô ích, không thể thành tựu mục đích. Còn như có hạnh mà không có nguyện thì hạnh ấy là mù quáng, không định hướng, cũng không có kết quả. Cho nên nói nguyện ắt phải gồm cả hạnh, nói hạnh ắt phải gồm cả nguyện. Nói thệ lực tức là gồm cả nguyện và hạnh. Cho nên, ba tên gọi cũng tức là một tên. Trong hiện tại phổ biến dùng tên kinh Bản Nguyện Địa Tạng là do ý nghĩa này.


HẾT QUYỂN THƯỢNG


    « Xem chương trước «      « Sách này có 8 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Cảm tạ xứ Đức


Chớ quên mình là nước


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Bhutan có gì lạ

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.129.194.30 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...