Trong những cảm giác thông thường của chúng ta, sự sợ hãi là một cảm
giác không mong muốn và chẳng mang lại lợi ích gì. Có thể nó giúp ngăn
cản chúng ta không làm một điều gì đó nguy hiểm, nhưng trí phán đoán
cũng hoàn toàn có thể làm được việc này.
Chúng ta lo sợ vì rất nhiều nguyên nhân, nhưng thường thì ta lo sợ nhiều
nhất khi ta chẳng hiểu gì về những nguyên nhân ấy. Khi ta hiểu rõ, nắm
rõ được nguyên nhân, ta có thể làm giảm nhẹ đi hoặc triệt tiêu nỗi lo
sợ. Nhưng khi ta không hiểu rõ được những nguyên nhân, ta sẽ sống rất
lâu trong sự sợ hãi.
Một em bé lo sợ thường là không hiểu được nguyên nhân. Vì thế, ta rất
khó làm cho em hết sợ. Nếu ta hiểu được em lo sợ vì phải ở một mình, vì
bóng tối hay vì một điều gì khác... ta có thể giúp em cắt đứt cơn sợ
hãi.
Nỗi lo sợ của một người lớn thì có khác. Ta cần phải tự mình hiểu ra
được nguyên nhân. Ta không thể mong đợi một người khác hiểu được và giúp
ta hết sợ. Chỉ khi ta hiểu rõ được nguyên nhân nỗi lo sợ của mình, ta
mới có thể chấm dứt không còn sợ hãi.
Cách đối phó trước tiên với nỗi sợ hãi là ta phải biết nhận ra nó ngay
khi nào nó vừa sinh khởi. Khi ta bắt đầu có cảm giác sợ hãi, ta nhận
biết và tự nói: “Tôi bắt đầu sợ hãi, tôi đang sợ hãi...” Và vì ta nhận
biết nỗi sợ hãi ngay khi nó vừa sinh khởi, nên đồng thời ta cũng nhận
biết được nguyên nhân gây ra nó.
Như khi lần đầu tiên bạn từ miền quê lên thành phố. Sự xa lạ, cảnh phố
phường tấp nập và nhiều thứ khác nữa có thể làm cho bạn sợ. Khi cảm giác
lo sợ bắt đầu, bạn cần tỉnh táo nhận biết và tự nói: “Tôi vừa đến thành
phố lần đầu tiên. Tôi bắt đầu sợ hãi, tôi đang sợ hãi...” Ngay khi ấy,
vì bạn biết mình bắt đầu sợ hãi, bạn liền nhận biết được những nguyên
nhân gây ra nỗi sợ hãi đó.
Thay vì chối bỏ nỗi sợ hãi, bạn đã nhận biết và thừa nhận nó. Và ngay
khi bạn nhận biết nỗi sợ hãi và nguyên nhân đã gây ra nó, bạn liền làm
chủ được nỗi sợ hãi ấy. Mặc dù bạn vẫn còn sợ hãi, nhưng bạn đã có đủ sự
tỉnh thức để biết chắc là nỗi sợ hãi của mình đã sinh khởi từ đâu và
phát triển như thế nào. Bạn nhận biết được dù sao thì nỗi sợ hãi cũng
chỉ là một phần cảm xúc của chính mình, và không cần phải lo lắng thái
quá về nó. Để duy trì sự tỉnh thức này, bạn có thể chọn cách theo dõi
hơi thở của mình trong sự tỉnh thức.
Trong ví dụ trên, khi bạn biết được những nguyên nhân gây ra sự sợ hãi
cho mình là sự đông đúc, xa lạ của môi trường thành phố, bạn bắt đầu làm
chủ được nỗi sợ hãi. Bạn suy xét rằng không có gì phải sợ hãi khi có bao
nhiêu người khác vẫn sinh hoạt bình thường trong môi trường này, và bạn
hoàn toàn có thể làm quen với nó để không còn thấy xa lạ nữa. Bạn duy
trì sự hiểu biết tỉnh táo ấy bằng cách theo dõi hơi thở của mình trong
sự tỉnh thức. Mặc dù cảm giác sợ hãi có thể là vẫn còn, nhưng bạn đã
kiểm soát được và biết chắc là nó sẽ không thể tiếp tục tăng trưởng
nhiều hơn trước.
Khi đã biết rõ và thừa nhận nỗi sợ hãi, bạn bắt đầu đối diện với nó. Nhờ
có sự tỉnh thức về nỗi sợ hãi, về sự hiện hữu của mình trong hiện tại,
bạn sẽ thấy mình không còn lý do nào để phải tiếp tục sợ hãi hơn nữa. Vì
thế, bạn dần dần thấy êm dịu hơn và chú tâm nhiều hơn đến hơi thở của
mình, thay vì là đến nỗi sợ hãi. Mỗi hơi thở ra hoặc vào, bạn tỉnh táo
nhận biết rằng nỗi sợ hãi của bạn đang dần dần lắng dịu đi.
Đối diện với nỗi sợ hãi và làm êm dịu được nó, bạn biết chắc rằng nỗi sợ
hãi không còn có thể tăng trưởng được nữa và cũng chẳng thể làm cho bạn
trở nên hốt hoảng. Bạn đã chứng tỏ mình có đủ sự điềm tĩnh để ngay trong
cơn sợ hãi cũng vẫn cảm thấy dễ chịu hơn và khống chế được nỗi sợ hãi.
Bằng vào sự tỉnh thức nhận biết, bạn đã làm dịu nỗi sợ hãi đến mức tối
thiểu của nó. Vào lúc này, bạn hoàn toàn có thể mỉm cười và buông bỏ nó.
Nhưng vấn đề không nên chỉ dừng lại ở đây. Vì nỗi sợ hãi có những nguyên
nhân nhất định của nó như bạn đã nhận biết ngay từ đầu, nên vấn đề vào
lúc này là bạn cần giải quyết tận gốc rễ những nguyên nhân ấy. Như vậy,
một nỗi sợ hãi tương tự sẽ không thể diễn ra thêm lần nữa. Như nỗi lo sợ
của bạn khi lần đầu tiên lên thành phố là sự bỡ ngỡ trước một môi trường
mới. Bạn sẽ phân tích để hiểu ra rằng sự sợ hãi như vậy là khá thông
thường nhưng hoàn toàn không chính đáng, vì chúng ta có thể cố gắng để
làm quen với một môi trường mới, trong khi sự sợ hãi thì chẳng giúp ích
được gì.
Bạn có thể cũng đã nhận thấy trong tiến trình vừa qua, chúng ta nhận
biết nguyên nhân của nỗi sợ hãi ngay từ đầu nhưng chỉ giải quyết chúng
vào bước cuối cùng. Điều này có sự hợp lý của nó. Như khi một trận hỏa
hoạn bốc lên, bạn cần nhận biết ngay nguyên nhân ban đầu và nơi đã phát
khởi đám cháy. Nhưng bạn sẽ chưa đá động gì đến những nguyên nhân gây
cháy ấy, chừng nào mà bạn còn chưa dập tắt hoặc khống chế được ngọn lửa.
Giải quyết các nguyên nhân là ngăn ngừa một trận cháy tương tự về sau,
nhưng chúng không có ý nghĩa gì khi ngọn lửa đã bốc lên. Cũng vậy, khi
nỗi sợ hãi của bạn đã sinh khởi, điều trước hết là bạn phải quan tâm dập
tắt, khống chế nó. Và những nguyên nhân sẽ được giải quyết như một biện
pháp ngăn ngừa cho những lần về sau.
Mỗi khi có điều lo sợ, bạn cần kiên nhẫn thực hiện phương thức này. Nếu
bạn thật sự thành công, dần dần bạn sẽ nhận ra được là chúng ta không
cần thiết phải nuôi dưỡng sự sợ hãi, rằng sự sợ hãi tồn tại được là vì
chúng ta đã dung dưỡng nó theo một thói quen từ rất lâu. Ngay cả trong
những hoàn cảnh nguy hiểm nhất, rồi bạn sẽ giữ được sự bình tĩnh để giải
quyết vấn đề mà không còn sợ hãi nữa.