Để đạt được thành công, trước hết chúng ta phải tin chắc là mình làm được. (In order to succeed, we must first believe that we can.)Nikos Kazantzakis
Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường.
(Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Phán đoán chính xác có được từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm thường có được từ phán đoán sai lầm.
(Good judgment comes from experience, and often experience comes from bad judgment. )Rita Mae Brown
Chỉ có hai thời điểm mà ta không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Đó là lúc ta sinh ra đời và lúc ta nhắm mắt xuôi tay.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Hạnh phúc đích thực không quá đắt, nhưng chúng ta phải trả giá quá nhiều cho những thứ ta lầm tưởng là hạnh phúc.
(Real happiness is cheap enough, yet how dearly we pay for its counterfeit.)Hosea Ballou
Hãy cống hiến cho cuộc đời những gì tốt nhất bạn có và điều tốt nhất sẽ đến với bạn.
(Give the world the best you have, and the best will come to you. )Madeline Bridge
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may.
(If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Càng giúp người khác thì mình càng có nhiều hơn; càng cho người khác thì mình càng được nhiều hơn.Lão tử (Đạo đức kinh)
Tôi hy vọng là độc giả sẽ rút ra được từ tập sách nhỏ này một sự hiểu biết căn bản về đạo Phật cũng như một số trong những phương pháp quan trọng mà các hành giả Phật giáo đã vận dụng để nuôi dưỡng lòng từ bi và trí tuệ trong cuộc sống. Các phương pháp được đề cập trong những chương sau được rút ra từ ba tập thánh điển của đạo Phật: 1. “Các giai đoạn Thiền định” (bản văn trung bình), chứa đựng những điểm tinh yếu của mọi tông phái Phật giáo, tác giả là Đại sư Liên Hoa Giới (Kamalashila), một bậc thầy Ấn Độ đã giúp phát triển và làm sáng tỏ việc thực hành Phật pháp ở Tây Tạng; 2. “Ba mươi bảy Pháp hành Bồ Tát đạo” do ngài Togmay Sangpo biên soạn; 3. “Tám bài kệ điều tâm”, của ngài Langri Tangpa.
Tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu rằng, không nhất thiết phải là Phật tử mới vận dụng được những kỹ năng thiền định này. Trong thực tế, những kỹ năng này tự nó không đưa đến sự giác ngộ hay một trái tim từ bi và rộng mở. Điều đó tùy thuộc vào bạn, tùy thuộc vào sự nỗ lực và động cơ bạn sẽ vận dụng vào sự thực hành tâm linh của mình.
Mục đích của sự thực hành tâm linh là để thỏa mãn niềm khát khao hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều bình đẳng trong sự mong cầu hạnh phúc và vượt qua đau khổ, và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có quyền được thỏa mãn khát vọng này.
Khi nhìn vào những hạnh phúc mà ta tìm cầu cũng như những đau khổ mà ta tránh né, thì nổi bật nhất chính là những cảm thọ thích thú (lạc thọ) và khó chịu (khổ thọ) mà ta có được như là kết quả của những kinh nghiệm giác quan đối với mùi vị, âm thanh, sự xúc chạm và những hình sắc được tiếp xúc quanh ta. Tuy nhiên, còn có một mức độ kinh nghiệm khác. Hạnh phúc chân thật phải đạt được ở cả mức độ tinh thần nữa.
Nếu so sánh những mức độ hạnh phúc tinh thần và thể chất, ta sẽ thấy các trải nghiệm khổ đau và vui thích thuộc phạm trù tinh thần thật sự mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn, dù ta có thể đang sống trong một môi trường rất thích ý, nhưng nếu tinh thần ta buồn chán hay có điều gì đó đang làm ta quan tâm sâu sắc, thì hầu như ta sẽ không nhận biết gì về môi trường xung quanh. Ngược lại, nếu có được hạnh phúc nội tâm thì ta sẽ thấy dễ dàng hơn khi đối mặt với những thử thách hay nghịch cảnh. Điều này nói lên rằng, những kinh nghiệm khổ đau và vui thích của ta ở mức độ tư tưởng và cảm xúc là mạnh mẽ hơn so với ở mức độ thể chất.
Khi phân tích những kinh nghiệm tinh thần, ta nhận ra rằng những cảm xúc mạnh mẽ trong ta (như sự tham muốn, căm ghét và giận dữ...) có khuynh hướng không mang đến cho ta niềm hạnh phúc thật sâu xa hay lâu bền. Những tham muốn được thỏa mãn có thể cho ta một cảm giác hài lòng tạm bợ; tuy nhiên, sự thích thú mà ta trải nghiệm khi có được chiếc xe hơi mới hay ngôi nhà mới chẳng hạn, thường rất ngắn ngủi. Khi ta buông thả những tham muốn, chúng có khuynh hướng gia tăng cường độ và nhân thêm số lượng. Ta trở nên đòi hỏi nhiều hơn và ít hài lòng hơn, và càng khó khăn hơn trong việc thỏa mãn những nhu cầu của mình. Theo cách nhìn của đạo Phật, sự căm ghét, sân hận và tham ái là những cảm xúc phiền não, với ý nghĩa đơn giản là chúng có khuynh hướng làm cho ta phiền muộn. Sự phiền muộn khởi sinh từ những bất an tinh thần theo sau sự hiện hành của những cảm xúc phiền não này. Một trạng thái bất an tinh thần kéo dài thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe của chúng ta.
Những cảm xúc phiền não này từ đâu sinh ra? Theo quan điểm của đạo Phật, chúng có nguồn gốc từ những tập khí được nuôi dưỡng trong quá khứ. Trước khi hiện hữu cùng ta trong kiếp sống này, những cảm xúc phiền não được cho là đã bám theo ta từ những kiếp sống quá khứ, khi ta từng trải nghiệm và buông thả bản thân trong những cảm xúc tương tự. Nếu ta tiếp tục dung dưỡng, chúng sẽ trở nên lớn mạnh hơn nữa và ngày càng chi phối ta nhiều hơn. Vì thế, sự tu tập tâm linh là tiến trình điều phục những cảm xúc phiền não và làm giảm nhẹ cường độ của chúng. Để đạt được hạnh phúc rốt ráo, những cảm xúc phiền não nhất thiết phải được loại bỏ hoàn toàn.
Trong ta cũng sẵn có hàng loạt những khuôn mẫu ứng xử tinh thần được nuôi dưỡng một cách có ý thức, thiết lập trên cơ sở lý lẽ hoặc như là kết quả của môi trường văn hóa. Luân lý, luật pháp và tín ngưỡng tôn giáo đều là những ví dụ cho thấy cung cách ứng xử của chúng ta có thể được định hướng như thế nào bởi những sự giới hạn từ bên ngoài. Ban sơ, những cảm xúc tích cực có được từ việc nuôi duỡng các phẩm chất tự nhiên tốt đẹp hơn của chúng ta có thể là yếu ớt, nhưng ta có thể làm cho chúng mạnh mẽ hơn lên thông qua việc không ngừng tu tập, nhờ đó giúp cho sự trải nghiệm hạnh phúc và mãn nguyện nội tâm của ta trở nên mạnh mẽ hơn so với một cuộc sống buông thả theo các cảm xúc hoàn toàn được thôi thúc [bởi ngoại cảnh].
GIỚI HẠNH VÀ SỰ HIỂU BIẾT VỀ BẢN CHẤT SỰ VẬT
Khi khảo sát sâu hơn và nhiều hơn những tư tưởng, cảm xúc [sinh khởi] do sự thôi thúc [từ ngoại cảnh], ta thấy rằng ngoài việc làm cho ta bất an, chúng còn có khuynh hướng tạo ra “những phóng tưởng tinh thần”. Điều này có ý nghĩa chính xác là gì? Các phóng tưởng tạo ra sự tương tác xúc cảm mạnh mẽ giữa bản thân chúng ta và các đối tượng bên ngoài: những người hay vật mà ta tham muốn. Chẳng hạn, khi ta bị cuốn hút bởi một điều gì, ta thường có khuynh hướng khuếch đại phẩm chất, xem đó như là hoàn toàn tốt đẹp hay hoàn toàn đáng mong muốn, và trong ta tràn ngập một sự khao khát phải có được đối tượng đó. Chẳng hạn, một phóng tưởng khuếch đại có thể làm ta có cảm giác rằng cái máy vi tính mới hơn, hiện đại hơn sẽ có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu và giải quyết được mọi vấn đề bất ổn của ta.
Tương tự, nếu ta thấy điều gì đó không hài lòng, ta thường có khuynh hướng bóp méo các phẩm chất của nó theo hướng khác đi. Một khi ta khởi tâm hướng đến một máy vi tính mới, cái máy cũ vốn đã phục vụ ta rất tốt trong nhiều năm bỗng nhiên bắt đầu có những phẩm chất đáng chê bai và rồi ngày càng tỏ ra nhiều khiếm khuyết hơn. Tương quan cảm nhận của ta với chiếc máy vi tính cũ ngày càng xấu hơn bởi những phóng tưởng này. Và rồi điều này cũng đúng cả với [đối tượng là] con người cũng như các vật sở hữu. Một ông chủ rắc rối hay người cộng sự khó tính được xem như sẵn có bản chất xấu. Ta cũng đưa ra những xét đoán thẩm mỹ theo cách như thế với các đối tượng không hợp sở thích của ta, cho dù chúng được chấp nhận một cách hoàn hảo đối với những người khác.
Khi suy ngẫm về cách thức chúng ta hình thành những xét đoán của mình về người khác cũng như về các đối tượng vật thể, tình huống, dù là theo hướng tiêu cực hay tích cực, ta có thể bắt đầu nhận hiểu được rằng, những cảm xúc và ý tưởng càng hợp lý thì càng phải dựa trên nền tảng thực tế. Sở dĩ như vậy là vì tiến trình suy nghĩ càng hợp lý thì càng ít có khả năng chịu ảnh hưởng bởi các phóng tưởng. Một trạng thái tinh thần hợp lý như vậy sẽ phản ánh xác thực hơn về cách thức mà sự vật thật sự hiện hữu, hay thực chất của tình huống. Vì thế tôi tin rằng, việc nuôi dưỡng một nhận thức chính xác về cách thức hiện hữu thực sự của sự vật là thiết yếu để đạt đến hạnh phúc.
Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem điều này có thể được vận dụng vào sự rèn luyện tinh thần của ta như thế nào. Chẳng hạn, khi ta nỗ lực phát triển phạm trù đạo đức, thì trước hết ta phải hiểu được giá trị của việc khép mình vào khuôn khổ ứng xử đạo đức. Đối với người Phật tử, cung cách ứng xử đạo đức có nghĩa là tránh không làm mười điều bất thiện. Có ba loại hành vi bất thiện: hành vi được thực hiện bởi thân (hành động), hành vi được thực hiện bởi khẩu (lời nói), và những tư tưởng bất thiện của ý. Ta phải kiềm chế không thực hiện ba hành vi bất thiện của thân là: giết hại, trộm cắp và tà dâm (quan hệ tình dục bất chính); bốn hành vi bất thiện của khẩu là: nói dối, nói lời gây chia rẽ, nói lời gây tổn hại và nói lời vô nghĩa; ba hành vi bất thiện của ý là: tham lam, ác độc và tà kiến.
Ta có thể hiểu được rằng việc phát triển những giới hạnh như trên chỉ có thể thực hiện được khi ta đã nhận biết được hậu quả của những hành vi bất thiện này. Chẳng hạn như, nói lời vô nghĩa thì có gì sai trái? Nếu ta buông thả trong việc nói lời vô nghĩa thì sẽ có những hậu quả gì? Trước hết ta phải suy ngẫm lại về cách thức mà việc ngồi lê đôi mách hướng ta đến việc nói xấu người khác, lãng phí nhiều thời gian và khiến ta không hoàn thành trách vụ. Tiếp đến, ta xem xét đến thái độ của mình đối với những người hay ngồi lê đôi mách, ta thật sự không tin tưởng vào họ như thế nào, và sẽ không thấy tin cậy để xin họ lời khuyên hay đặt niềm tin để nói gì với họ. Có lẽ bạn còn có thể nghĩ đến những khía cạnh không tốt khác nữa của việc nói lời vô nghĩa. Sự suy ngẫm như thế giúp ta tự kiềm chế mỗi khi sắp nói ra những lời vô nghĩa. Tôi tin rằng, chính những thực hành quán chiếu tưởng chừng như sơ đẳng nhất này là phương pháp hiệu quả nhất để mang lại những thay đổi cơ bản cần thiết cho việc tìm cầu hạnh phúc của chúng ta.
QUY Y TAM BẢO
Ngay từ bước đầu đến với đạo Phật, mối quan hệ giữa sự nhận hiểu về cách thức hiện hữu thực sự của sự vật với thái độ tinh thần của chúng ta là rất quan trọng. Chính qua mối quan hệ này mà ta xác lập rằng mình là người tin theo đức Phật. Một người Phật tử được định nghĩa là người đi tìm sự nương tựa tuyệt đối nơi đức Phật, nơi giáo lý của Ngài, được gọi là Pháp, và nơi Tăng đoàn, tức là cộng đồng tâm linh tu tập theo giáo pháp ấy. Những sự nương tựa này được gọi là Quy y Tam bảo.
Để có thể phát khởi tâm nguyện nương tựa hoàn toàn nơi Tam bảo, trước hết ta phải thừa nhận sự không hài lòng với thực trạng bất toàn hiện tại trong đời sống, và ta nhất thiết phải nhận ra bản chất khổ đau của đời sống. Dựa trên một nhận thức sâu sắc, chân thật như thế, ta sẽ tự nhiên mong muốn thay đổi thực trạng và chấm dứt khổ đau của mình. Và rồi ta có sự thôi thúc phải đi tìm một phương cách để đạt được điều đó. Khi tìm được một phương pháp như thế, ta sẽ xem đó như là một chỗ nương tựa hoặc nơi chở che, trú ẩn để thoát khỏi sự khổ đau mà ta mong muốn dứt bỏ. Phật, Pháp và Tăng được xem là đã ban cho ta một nơi trú ẩn như thế và do đó có thể là nơi nương tựa để ta tránh khỏi mọi khổ đau. Chính trong tinh thần này mà người Phật tử quay về nương theo nơi Tam bảo.
Trước khi tìm nơi nương tựa để thoát khỏi khổ đau, ta nhất thiết phải nhận thức sâu sắc hơn về bản chất của đau khổ và những nguyên nhân của nó. Điều này làm tăng thêm mong muốn tìm kiếm một sự bảo vệ cho ta trước mọi khổ đau. Một tiến trình tinh thần như thế, kết hợp giữa nghiên cứu và suy ngẫm, nhất thiết cũng phải được vận dụng để phát triển nhận thức của ta về những phẩm tính của đức Phật. Điều này giúp ta hiểu được giá trị của phương pháp mà Ngài đã sử dụng để thành tựu những phẩm tính này: tức là giáo lý của Ngài, hay Giáo pháp. Từ đó ta sẽ nảy sinh sự tôn kính đối với Tăng đoàn, những hành giả tâm linh dành trọn đời mình để thực hành Giáo pháp. Sự suy ngẫm như thế giúp ta củng cố hơn nữa ý thức tôn kính đối với sự quy y, cũng như quyết tâm thực hành tu tập hằng ngày.
Là Phật tử, khi ta quy y Giáo pháp, ngôi thứ hai trong Tam bảo, ta thật sự nương theo triển vọng rốt ráo sẽ giải thoát khỏi mọi khổ đau cũng như tiến trình hay phương thức để đạt đến trạng thái giải thoát đó. Con đường tu tập, hay tiến trình vận dụng giáo lý thông qua sự tu tập tâm linh tỉnh thức, được gọi là Pháp. Trạng thái giải thoát khỏi mọi khổ đau cũng có thể được gọi là Pháp, vì đó là kết quả của việc áp dụng Giáo pháp.
Khi ta phát triển sự hiểu biết và niềm tin vào Chánh pháp, ta càng tăng thêm sự trân quý đối với Tăng-già, những người từng đạt được trạng thái giải thoát khỏi khổ đau, trong quá khứ cũng như hiện tại. Khi đó ta sẽ có thể hình dung được khả năng thật có của một con người đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khía cạnh xấu ác của tâm thức: một vị Phật. Và khi nhận thức về bản chất khổ đau của đời sống phát triển, thì ta càng trân quý hơn nữa đối với Phật, Pháp và Tăng-già, Ba ngôi báu mà ta quay về nương tựa. Điều này củng cố hơn nữa tâm nguyện của ta đặt trọn niềm tin vào sự che chở, hộ trì của Tam bảo.
Khi mới bước chân vào con đường tu tập Phật pháp, ta có thể nhận hiểu về sự cần thiết phải nương tựa nơi Tam Bảo hoàn toàn bằng lý trí. Điều này đặc biệt xảy ra với những ai không được lớn lên trong một môi trường tín ngưỡng. Vì Tam bảo luôn có những khái niệm tương đương trong các truyền thống tôn giáo khác, nên [so với những người không có tín ngưỡng thì] những ai được lớn lên trong những môi trường tín ngưỡng như thế thường dễ dàng hơn trong việc thừa nhận giá trị của Tam bảo.
VƯỢT THOÁT LUÂN HỒI
Cuối cùng, một khi ta nhận ra được thực trạng khổ đau của mình, một thực trạng khổ đau bao trùm khắp thảy, do chính những cảm xúc phiền não như tham luyến và sân hận đã gây ra cho ta. Khi ấy, ta sẽ phát triển một cảm giác chán nản và ghê sợ thực trạng khổ đau trước mắt. Và rồi chính điều này lại nuôi dưỡng lòng khao khát tự mình giải thoát khỏi trạng thái tâm thức hiện tại, những vòng xoay bất tận của những khổ đau và bất toại nguyện. Khi sự quan tâm của ta hướng về người khác với mong muốn giúp họ thoát khỏi khổ đau - đó chính là lòng bi mẫn. Tuy nhiên, chỉ khi nào ta thừa nhận thực trạng khổ đau của chính mình và phát triển tâm nguyện tự mình giải thoát khỏi mọi khổ đau, thì mong muốn cứu giúp người khác thoát khỏi đau khổ mới thực sự là có ý nghĩa. Chúng ta cần phải phát khởi thệ nguyện tự mình giải thoát khỏi vũng lầy luân hồi sinh tử này rồi sau đó mới có thể khởi lên lòng bi mẫn chân thật.
Để có thể khởi tâm chán lìa luân hồi, trước hết, ta nhất thiết phải nhận ra rằng tất cả chúng ta đều không tránh khỏi cái chết. Ta sinh ra cùng với mầm mống sẽ dẫn đến cái chết của chính mình. Ngay từ lúc sinh ra, ta đã bắt đầu tiến dần đến với cái chết không tránh khỏi này. Ta cũng nhất thiết phải suy ngẫm về việc ta không thể biết trước mình sẽ chết vào thời điểm nào. Cái chết không đợi cho ta sắp xếp ổn thỏa cuộc đời mình. Nó đến bất chợt không hề báo trước. Vào lúc ta chết đi, bạn bè, gia đình, những vật sở hữu quí giá mà ta đã tỉ mỉ tích cóp trong suốt cả cuộc đời, đều trở thành vô giá trị. Ngay cả thân thể quí báu, cái phương tiện để ta có được đời sống này, cũng trở thành vô dụng. Những suy ngẫm như vậy giúp ta giảm bớt các mối bận tâm lo lắng trong cuộc sống hiện tại. Điều này cũng bắt đầu tạo ra nền tảng giúp ta khởi sinh một trí tuệ bi mẫn nhận hiểu được việc người khác thấy khó khăn như thế nào trong sự buông bỏ những mối lo toan do chấp ngã.
Tuy nhiên, điều cốt yếu là ta phải nhận ra được giá trị lớn lao của việc được sinh làm người, với cơ hội và tiềm năng mà cuộc sống ngắn ngủi này mang lại cho ta. Chỉ khi được làm người, chúng ta mới có được khả năng thực hiện những thay đổi trong đời sống của mình. Thú vật có thể được dạy cho những trò diễn phức tạp và có những đóng góp không thể phủ nhận cho xã hội. Nhưng năng lực tinh thần hạn chế không cho phép chúng bước vào phạm trù đạo đức một cách có ý thức để trải nghiệm sự thay đổi tinh thần thật sự trong đời sống. Những suy nghĩ như vậy sẽ thôi thúc ta phải làm sao cho kiếp người của mình trở nên có mục đích và ý nghĩa.
THIỆN TRI THỨC VÀ SỰ DẪN DẮT TÂM LINH
Ngoài việc tu tập thiền định thì một cuộc sống có trách nhiệm cũng là điều quan trọng. Ta phải tránh xa ảnh hưởng của những người bạn xấu, những kẻ vô đạo đức có thể dẫn ta đi lầm đường lạc lối.
Đánh giá người khác không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng ta có thể thấy được những lối sống nhất định nào đó sẽ đưa ta vào con đường thiếu chân chính. Một người tử tế và hiền hậu có thể dễ dàng chịu ảnh hưởng của những bạn bè không đáng tin cậy để rồi đi theo con đường thiếu đạo đức. Ta phải thận trọng tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực như thế và phải vun đắp những tình bạn chân thành, với những người bạn có thể giúp cho kiếp người của ta trở nên có ý nghĩa và mục đích về mặt tâm linh.
Trong các mối quan hệ thì vị thầy tâm linh của ta là cực kỳ quan trọng. Điều cốt yếu là vị thầy mà ta theo học phải có đủ phẩm tính. Thông thường thì ta luôn tìm cầu một người thầy có đủ khả năng để dạy cho ta về một bộ môn nào đó mà ta muốn học. Một người cho dù có thể là thầy dạy vật lý rất giỏi, nhưng lại không đủ phẩm chất cần thiết để dạy ta triết học. Một vị thầy tâm linh nhất thiết phải có đủ các phẩm chất để truyền dạy những gì ta cầu học. Danh tiếng, sự giàu có và quyền lực không phải là những phẩm chất của một vị thầy tâm linh! Ta phải chắc chắn rằng vị thầy của ta có kiến thức tâm linh, kiến thức về giáo lý mà vị ấy truyền dạy cũng như kiến thức trải nghiệm thực chứng từ sự tu tập và nếp sống của ngài.
Tôi muốn nhấn mạnh, chính chúng ta phải có trách nhiệm chọn lựa để chắc chắn rằng vị thầy mà ta theo học phải thật sự có phẩm chất thích hợp. Ta không thể dựa vào những lời nói của người khác hoặc vào những gì ai đó có thể nói về chính bản thân họ. Để tìm hiểu một cách đúng đắn về những phẩm chất nơi một vị thầy tương lai, ta phải có một số kiến thức về các giáo lý trọng tâm của đạo Phật và phải biết được những phẩm chất nào là cần thiết để vị ấy có thể làm thầy ta. Ta nên lắng nghe một cách khách quan những lời dạy của vị ấy và quan sát cung cách ứng xử của vị ấy qua một thời gian. Thông qua những phương thức đó, ta sẽ có thể xác định được một vị thầy có đủ phẩm chất để dẫn dắt ta trên con đường tu tập tâm linh hay không.
Có người nói rằng, ta nên sẵn lòng dành ra một thời gian thẩm xét có thể lâu đến 12 năm để chắc chắn rằng vị thầy ta chọn là có đủ phẩm chất. Tôi không nghĩ điều này là hoang phí thời gian. Ngược lại, khi ta càng nhận thấy một cách rõ ràng hơn những phẩm chất của một vị thầy, thì vị thầy ấy lại càng có giá trị nhiều hơn đối với ta. Nếu ta vội vàng và dấn thân đi theo một vị thầy không có phẩm chất, kết quả thường sẽ rất nguy hại. Vì vậy, hãy dành thời gian để thẩm xét trước những vị thầy mà bạn muốn theo học, cho dù đó là những người theo Phật giáo hay thuộc một tín ngưỡng nào khác.
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.
Quý vị đang truy cập từ IP 3.137.164.229 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này. Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.
Ghi danh hoặc đăng nhập
Thành viên đang online: Viên Hiếu Thành Huệ Lộc 1959 Bữu Phước Chúc Huy Minh Pháp Tự minh hung thich Diệu Âm Phúc Thành Phan Huy Triều Phạm Thiên Trương Quang Quý Johny Dinhvinh1964 Pascal Bui Vạn Phúc Giác Quý Trần Thị Huyền Chanhniem Forever NGUYỄN TRỌNG TÀI KỲ Dương Ngọc Cường Mr. Device Tri Huynh Thích Nguyên Mạnh Thích Quảng Ba T TH Tam Thien Tam Nguyễn Sĩ Long caokiem hoangquycong Lãn Tử Ton That Nguyen ngtieudao Lê Quốc Việt Du Miên Quang-Tu Vu phamthanh210 An Khang 63 zeus7777 Trương Ngọc Trân Diệu Tiến ... ...
Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...
Thành viên đăng nhập / Ghi danh thành viên mới
Gửi thông tin về Ban Điều Hành
Đăng xuất khỏi trang web Liên Phật Hội
Chú ý: Việc đăng nhập thường chỉ thực hiện một lần và hệ thống sẽ ghi nhớ thiết bị này, nhưng nếu đã đăng xuất thì lần truy cập tới quý vị phải đăng nhập trở lại. Quý vị vẫn có thể tiếp tục sử dụng trang này, nhưng hệ thống sẽ nhận biết quý vị như khách vãng lai.