Toàn bộ kinh này có 13 phẩm kinh văn giảng giải giáo pháp và thêm
vào 4 phẩm mang đậm tính chất tự sự thuộc về Hậu phần. Chúng tôi tán
thành với cấu trúc nguyên thủy mà ngài Đàm-vô-sấm đã chọn cho 13
phẩm kinh đầu – có lẽ đã giữ nguyên theo Phạn bản – sau khi đã xem
xét kỹ sự phân chia về sau của Nam bản – chủ yếu đã dựa vào bản dịch
kinh Đại Bát Nê-hoàn của ngài Pháp Hiển. Cách phân chia các phẩm
theo Nam bản dường như để phù hợp hơn với cấu trúc truyền thống
trong các tác phẩm của Trung Hoa – điều này cũng dễ hiểu, vì ngài
Pháp Hiển là người Trung Hoa, còn ngài Đàm-vô-sấm là người Ấn Độ –
trong khi cách phân chia nguyên thủy trong Bắc bản có vẻ phù hợp hơn
với nội dung được chuyển tải trong mỗi phẩm. Chẳng hạn, trong phẩm
Thọ mạng thứ nhất thì nội dung chính là nói về “thọ mạng của Như
Lai”, nhưng theo Nam bản lại được phân ra thành các phẩm Tựa khởi
đầu, phẩm Thuần-đà với sự xuất hiện của ông Thuần-đà, phẩm Ai thán
với sự than khóc của đại chúng, phẩm Trường thọ nêu lên thọ mạng
chân thật của Như Lai.v.v... (Nhưng theo chính sự giảng giải trong
kinh này thì cách dùng “trường thọ” thay cho “thọ mạng” là không
chính xác, vì thọ mạng của Như Lai không nằm trong phạm trù dài hay
ngắn (trường, đoản). Như vậy, Nam bản tỏ ra chú ý đến các sự kiện cụ
thể nhiều hơn là nội dung giáo pháp, chẳng hạn như ta thấy có phẩm
Điểu dụ với ví dụ về loài chim; trong khi Bắc bản lại gọi tên các
phẩm theo nội dung chính, như Thân Kim cang, Tánh Như Lai...
Mặt khác, vì bản Việt dịch này đã sử dụng toàn bộ Nam bản như một
nguồn so sánh đối chiếu nên chúng tôi thiết nghĩ cũng cần nêu ra đôi
điều nhận xét để có sự công bằng hơn đối với những công trình của
người đi trước.
Từ điển Phật Quang, tại mục từ về Nam bản Niết-bàn kinh (
南本涅槃經)
ở trang 3738 có ghi ngắn gọn như sau:
北涼曇無讖所譯之涅槃經四十卷,因其文粗樸,品目過略,後由南朝劉宋沙門慧嚴、慧觀與謝靈運等,依法顯之六卷泥洹經將之加以刪訂修治,文辭精練,共成二十五品,三十六卷。...
〔梁高僧傳卷七慧嚴傳〕
(Bắc Lương Đàm-vô-sấm sở dịch chi Niết-bàn kinh tứ thập quyển, nhân
kỳ văn thô phác, phẩm mục quá lược, hậu do Nam triều Lưu Tống sa-môn
Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán dữ Tạ Linh Vận đẳng, y Pháp Hiển chi lục quyển
Nê-hoàn kinh tương chi gia dĩ san đính tu trì, văn từ tinh luyện,
cộng thành nhị thập ngũ phẩm, tam thập lục quyển.... (Lương Cao tăng
truyện, quyển thất, Tuệ Nghiêm truyện) – Bản dịch kinh Niết-bàn 40
quyển vào đời Bắc Lương của Đàm-vô-sấm, vì văn chương thô thiển mộc
mạc, phẩm mục quá sơ sài, [nên] về sau đến đời Lưu Tống Nam triều
mới được nhóm các sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán, [cư sĩ] Tạ Linh
Vận... cùng dựa theo [bản dịch] kinh Nê-hoàn 6 quyển của Pháp Hiển
để thêm vào, san định sửa chữa, văn chương câu cú thành tinh luyện,
cả thảy là 25 phẩm, 36 quyển. [Dẫn theo] Lương Cao tăng truyện,
quyển 7, truyện Tuệ Nghiêm.)
Cứ theo nhận xét này của từ điển Phật Quang thì người đời sau nhất
định phải chọn dịch Nam bản thay vì Bắc bản, vì là bản đã được tu
chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức. Và sự thật là có nhiều vị đi
trước chúng tôi đã làm như thế. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những
dòng trên đây dường như đã được viết ra bởi một người chưa từng đọc
qua hết cả 2 bản dịch này, mà có lẽ chỉ căn cứ vào tư liệu sẵn có.
Điều này thật không công bằng đối với công trình của ngài
Đàm-vô-sấm! Sau đây là một vài nhận xét thô thiển của chúng tôi được
rút ra sau khi đã đọc kỹ cả Bắc bản và Nam bản:
Về mặt văn chương, thật ra Nam bản không có gì khác biệt nhiều so
với Bắc bản, trừ ra một số rất ít từ ngữ được thay đổi mà hầu hết
chúng tôi đều có chú giải trong bản Việt dịch này. Những thay đổi
này có khi cũng hợp lý, nhưng cũng nhiều khi không có tác dụng tích
cực gì, và thỉnh thoảng lại có những chỗ không hợp lý. Những người
san đính chỉ dựa vào văn chương là chính, không có sự đối chiếu Phạn
bản nên những sai lầm như thế cũng là chuyện tất nhiên.
Về mặt phẩm mục, chúng tôi chỉ thấy là khác biệt như đã nêu trên,
chứ hoàn toàn không đồng ý rằng sự phân chia các phẩm trong Bắc bản
trước đó là “quá sơ sài”. Hơn nữa, điều này trong thực tế đã không
có ảnh hưởng gì đến nội dung văn kinh.
Về sự “thêm vào”, ngay ở đầu Nam bản cũng thấy ghi rõ là “y Nê-hoàn
kinh gia chi”, nhưng suốt quá trình so sánh cả 2 bản Hán văn này
trong khi dịch, chúng tôi không thấy Nam bản có gì “thêm vào” quan
trọng cả, trừ một vài chỉnh sửa nhỏ như đã đề cập trên. Hơn thế nữa,
trong khi sử dụng bản dịch kinh Đại Bát Nê-hoàn của ngài Pháp Hiển
để tham khảo, chúng tôi còn nhận thấy có nhiều điểm khác biệt có thể
giúp làm rõ hơn cho Bắc bản, và chúng tôi cũng có ghi chú rõ những
điểm này trong bản Việt dịch, nhưng những người thực hiện Nam bản
dường như đã không nhận ra những khác biệt này, lại chính là những
chỗ rất đáng để “thêm vào”!
Ngoài ra, để làm rõ vấn đề hơn chúng tôi cũng đã tìm đến tận nguồn
tư liệu dẫn chú của tự điển Phật Quang là Cao tăng truyện, quyển 7
và tìm thấy một đoạn văn ghi rằng:
嚴迺共慧觀謝靈運等。依泥洹本加之品目。文有過質頗亦治改。
(
Nghiêm
nãi cộng Tuệ Quán, Tạ Linh Vận đẳng, y Nê-hoàn bản gia chi phẩm
mục, văn hữu quá chất phả diệc trị cải. - [Tuệ] Nghiêm mới cùng
với các vị Tuệ Quán, Tạ Linh Vận... y theo kinh Nê-hoàn mà thêm vào
phẩm mục, văn chương có chỗ nào lệch lạc cũng chỉnh sửa lại.) Như
vậy là quá rõ, công việc của ngài Tuệ Nghiêm và các vị đồng sự chỉ
là “
thêm vào phẩm mục”, là
điều chúng tôi đã chỉ rõ; còn chuyện văn chương “có chỗ nào lệch lạc
cũng chỉnh sửa lại” chính là những chỗ mà chúng tôi đã nhận ra sự
chỉnh sửa từ ngữ và có ghi chú trong bản Việt dịch này. Như vậy, vấn
đề chính là ở chỗ từ điển Phật Quang tuy lấy tư liệu từ đây nhưng đã
ghi lại không được chính xác dẫn tới sự đánh giá sai lệch về Bắc
bản. Tuy vậy, có một điều rất lạ là các bản khắc gỗ của Nam bản cũng
đều ghi ở đầu kinh là “
y
Niết-bàn kinh gia chi” mà không ghi rõ là “gia chi phẩm mục”.
Theo những gì chúng tôi đã nhận thấy qua đối chiếu tất cả các bản
liên quan thì lẽ ra phải ghi là “
gia
chi phẩm mục” như trong
Cao tăng truyện mới thật sự chính xác.
Từ những nhận xét như trên, chúng tôi cho rằng trong hai bản dịch
Hán văn này thì Bắc bản là bản nên chọn hơn, và chúng tôi chỉ sử
dụng Nam bản để tham khảo mà thôi. Ngoài ra, sau khi đã Việt dịch
Bắc bản rồi thì việc chuyển dịch Nam bản không còn cần thiết nữa, vì
ngoài những khác biệt nhỏ như đã nêu trên thì thật ra hai bản chỉ là
một mà thôi.
Trở lại với sự phân chia các phẩm trong kinh, chúng ta sẽ thử nhìn
lại cấu trúc tổng thể của tất cả các phẩm kinh để có được một cái
nhìn khái quát về toàn bộ kinh. Vì lần xuất bản này được trình bày
xen lẫn các phần Hán ngữ, Chú âm và Việt dịch, nên chúng tôi đã thực
hiện một bảng tra tổng quát cho phần Việt dịch của tất cả các phẩm,
nhờ đó người đọc sẽ có thể tra tìm số trang của mỗi tập và dễ dàng
quay lại tham khảo các phần khác nhau mỗi khi cần thiết. Vì thế, để
thuận tiện trong việc trình bày, trong các phần phân tích tiếp theo
chúng tôi sẽ không nêu số trang ở từng phần tham chiếu, quý độc giả
chỉ cần căn cứ vào tên phẩm kinh được đề cập đến để tìm số trang
tương ứng trong Bảng tra các phẩm Việt dịch được đặt ở cuối phần này
mỗi khi muốn quay lại tham khảo các phần chính văn trong kinh.