Có thể nói nội dung thuyết giảng về tánh Phật là một nội dung quan trọng
và được thuyết giảng nhiều nhất trong suốt bộ kinh này. Không chỉ được
thuyết giảng ở một số phần chuyên biệt, đức Phật còn nhắc lại và thuyết
giảng về tánh Phật ở rất nhiều nơi trong những phần ứng đáp với các vị
Bồ Tát. Nội dung này đã được trình bày xuyên suốt và liên quan chặt chẽ
đến tất cả các nội dung khác trong kinh. Đó là vì tất cả những nội dung
thuyết giảng của đức Thế Tôn xét cho cùng đều là nhắm đến sự chỉ bày để
chúng sanh tự thấy được tánh Phật của mình, nhân đó mới có thể đạt được
sự giải thoát rốt ráo.
Nói đến tánh Phật cũng tức là tánh Như Lai, nhưng trong kinh này thường
dùng “tánh Phật” để chỉ đến tánh chân thật sẵn có nơi tất cả chúng sanh,
còn “tánh Như Lai” chỉ thỉnh thoảng được dùng đến để chỉ thể tánh hay
cảnh giới của bậc giác ngộ.
Vậy tánh Phật là gì?
Khi nhắc lại lần thọ nhận cúng dường cuối cùng trước khi thành đạo, đức
Phật nói đến tánh Phật như sau:
“Người chưa thấy tánh Phật nên thân ấy gọi là thân phiền não, là thân
sống nhờ ăn uống, là thân phải trở lại cõi này. Bấy giờ, khi Bồ Tát [sắp
thành đạo], ăn uống xong bèn nhập Tam-muội Kim cang. Thức ăn ấy tiêu hóa
rồi, Bồ Tát liền thấy tánh Phật, chứng quả A-nậu-đa-la tam-miệu
tam-bồ-đề.”
(trang 216, tập I)
Trong phẩm Tánh Như Lai, đức Phật nhiều lần nhắc lại rằng “tất cả chúng
sanh đều có tánh Phật”. Và theo nội dung đoạn kinh văn trên thì chúng ta
có thể hiểu là tuy sẵn có tánh Phật nhưng tất cả chúng sanh đều không
thấy được tánh Phật. Vì thế, khi thấy được tánh Phật cũng là lúc chứng
đắc quả Phật.
Ở một đoạn kinh văn khác, đức Phật giảng rõ hơn ý này:
“Tuy tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, nhưng nhất thiết phải nhờ sự
trì giới mới thấy được tánh Phật. Nhờ thấy tánh Phật mới thành tựu
A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.”
(trang 79, tập II)
Như vậy, có thể hiểu tánh Phật như là một năng lực giác ngộ tiềm tàng
nơi tất cả chúng sanh, nhưng muốn hiển lộ năng lực giác ngộ đó thì nhất
thiết phải nhờ có sự tu tập, mà trước hết và trên hết là sự trì giới.
Công năng của sự trì giới là ngăn dừng mọi điều ác, phát triển mọi tâm
lành, vì thế có thể giúp người tu tập ngày càng trở nên hiền thiện, sáng
suốt hơn, do đó dứt trừ được phiền não mới có thể thấy được tánh Phật.
Về ý nghĩa này, đức Phật dạy:
“Tánh Phật cũng vậy, do phiền não che lấp nên chúng sanh chẳng thấy
được... ...Nếu người dù thuộc hàng sát-lỵ, bà-la-môn, tỳ-xá hay thủ-đà,
có thể dứt trừ những phiền não ấy thì đều thấy được tánh Phật, thành đạo
Vô thượng.”
(trang 191, tập II)
Sự tin nhận ý nghĩa “tất cả chúng sanh đều có tánh Phật” là một tiền đề
quan trọng cho sự phát tâm Bồ-đề của tất cả những người tu tập theo
Chánh pháp, vì nếu không thể tin chắc tự thân mình sẵn có tánh Phật thì
dựa vào đâu để phát tâm tu tập cầu đạo giải thoát? Mặc dù vậy, đức Phật
cũng nhiều lần nhắc nhở rằng “sẵn có tánh Phật” không có nghĩa là có thể
tự nhiên thành Phật. Đức Phật dạy:
“Nếu chúng sanh chẳng nghiêm giữ giới cấm, làm sao thấy được tánh Phật?”
(trang 79, tập II)
Và ở một nơi khác, đức Phật huấn thị rõ ràng hơn:
“Như có người nói rằng: Tôi đã thành tựu A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.
Vì sao vậy? Vì tôi có tánh Phật. Có tánh Phật, ắt phải thành A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề. Bởi nhân duyên ấy, nay tôi đã thành tựu Bồ-đề. Nên
biết rằng người nói như vậy là phạm tội ba-la-di. Vì sao vậy? Tuy có
tánh Phật, nhưng vì chưa tu tập các phương tiện thiện pháp nên chưa thấy
tánh Phật. Vì chưa thấy tánh Phật nên chưa được thành tựu A-nậu-đa-la
tam-miệu tam-bồ-đề.”
(trang 81, tập II)
Vì thế, cách nhận hiểu đúng đắn nhất đối với lời Phật dạy về tánh Phật
là tin chắc rằng mình sẵn có khả năng giác ngộ nhưng cần phải quyết tâm
tu tập mới có thể đạt đến sự giác ngộ đó, tức là thấy được tánh Phật và
thành tựu quả Bồ-đề. Vì thế, vị tỳ-kheo chân chánh phải thể hiện được sự
tin tưởng quyết định vào tánh Phật sẵn có của mình. Dưới đây là lời Phật
dạy về vị tỳ-kheo như thế:
“Lại có tỳ-kheo giảng thuyết theo kinh điển trong kho tàng giáo pháp rất
sâu xa của Phật rằng: Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật; nhờ tánh Phật
ấy có thể dứt trừ được các dây trói buộc của vô lượng phiền não, đắc
thành quả A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, chỉ trừ hạng nhất-xiển-đề mà
thôi. Nếu có đức vua hoặc đại thần thưa hỏi rằng: Tỳ-kheo! Ông sẽ thành
Phật hay chẳng thành Phật? Ông có tánh Phật hay chăng? Tỳ-kheo ấy đáp
rằng: Hiện nay trong thân tôi quyết định có tánh Phật; còn việc thành
Phật hay không chưa thể biết rõ. Vua nói: Đại đức! Nếu không phải kẻ
nhất-xiển-đề thì chắc chắn sẽ thành Phật. Tỳ-kheo ấy đáp rằng: Đúng vậy,
quả thật như lời đại vương! Dù vị ấy nói chắc rằng mình có tánh Phật,
cũng chẳng phạm tội ba-la-di.”
(trang 75, tập II)
Cũng ý nghĩa này, ở một nơi khác Phật dạy:
“...Người nói ra lẽ [tánh Phật] theo cách như vậy không hề phạm vào lỗi
vọng xưng chứng thánh. Đó gọi là Bồ Tát.”
(trang 83, tập II)
Sự tin chắc rằng tự thân mình sẵn có tánh Phật, sẵn có khả năng đạt đến
giác ngộ chính là yếu tố cần thiết trước nhất trên con đường tu tập. Tuy
vậy, người tu tập cần phải luôn tỉnh táo nhận thức đúng vấn đề như lời
Phật dạy dưới đây:
“... khi Như Lai chưa thuyết dạy, vô lượng Bồ Tát tuy đã thực hành đủ
các hạnh ba-la-mật, cho đến hàng Thập trụ vẫn còn chưa thấy được tánh
Phật sẵn có. Đến khi Như Lai thuyết dạy rồi, họ liền thấy được đôi chút.
Các vị Đại Bồ Tát ấy được thấy [tánh Phật] rồi, thảy đều nói rằng: Lạ
thay, Thế Tôn! Chúng con lưu chuyển biết bao lần trong sanh tử, thường
bị lẽ vô ngã làm cho lầm lạc, mê loạn.
“Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát như vậy, chứng đắc Thập địa còn chưa thấy
rõ được tánh Phật, huống chi hàng Thanh văn, Duyên giác lại có thể thấy
được hay sao?”
(trang 193-194, tập II)
Như vậy, việc thấy được tánh Phật rõ ràng không phải việc dễ dàng, và
điều đó cũng là tất nhiên vì hoàn toàn phù hợp với lời Phật đã dạy trước
đó rằng thấy được tánh Phật cũng đồng nghĩa với sự thành tựu quả vị Vô
thượng Bồ-đề. Với một ý nghĩa sâu xa uyên áo như vậy, lần đầu tiên được
nghe Phật thuyết giảng tất nhiên không thể không gợi lên những nghi vấn
nhất định trong lòng người nghe. Vì thế, Bồ Tát Ca-diếp đã thay mặt
thính chúng nêu lên sự thắc mắc này. Sau đây là đoạn thưa hỏi và lời
giải đáp của đức Phật:
“Bồ Tát Ca-diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tánh Phật như vậy thật vi tế,
khó thấy. Làm sao mắt phàm có thể thấy được?
“Phật bảo Ca-diếp: Thiện nam tử! Như cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng
kia, người trong Hai thừa cũng không biết nổi, nhưng nhờ có lòng tin
theo [những điều thuyết dạy trong] Khế kinh mà có thể biết được.
“Thiện nam tử! Hàng Thanh văn, Duyên giác nhờ tin theo kinh Đại Niết-bàn
này mà tự biết trong thân mình có tánh Như Lai, việc này cũng vậy. Thiện
nam tử! Vậy nên phải tinh cần tu tập kinh Đại Niết-bàn. Thiện nam tử!
Tánh Phật như vậy chỉ có Phật mới biết được, chẳng phải hàng Thanh văn,
Duyên giác có thể đạt tới.”
(trang 196-197, tập II)
Đến đây chúng ta có thể thấy được ý nghĩa khởi tín trong kinh này là
quan trọng như thế nào. Nếu không sanh khởi đức tin, điều tất nhiên là
người đọc sẽ không thể tiếp nhận được những nội dung ý nghĩa như thế
này. Như chúng tôi đã trình bày trong phần Đại thừa khởi tín thì đây
chính là trường hợp mà chúng ta chỉ có thể tin nhận hoặc không tin nhận
chứ hoàn toàn không có khả năng kiểm chứng, vì vấn đề là vượt ngoài năng
lực thấy biết, cảm nhận của chúng ta.
Qua những đoạn kinh văn trích dẫn trên đây – và còn rất nhiều phần giảng
giải chi tiết khác trong kinh này – chúng ta có thể thấy rằng ý nghĩa
“thành Phật ngay khi thấy tánh Phật” vốn đã xuất phát từ đây và được đức
Phật giảng giải rất rõ ràng. Và sự thấy được tánh Phật là kết quả đạt
được nhờ trải qua tu tập tất cả các pháp môn như Ba mươi bảy phẩm trợ
đạo, Sáu pháp ba-la-mật, Bốn tâm vô lượng... Nói cách khác, đức Phật đã
dạy rất nhiều pháp môn tu tập để thấy được tánh Phật, nhưng không dạy
rằng bản thân việc thấy tánh Phật là một pháp môn. Trong tất cả các phần
giảng nói về tánh Phật, chúng ta không thấy có nơi nào đề cập đến việc
thấy tánh Phật như một pháp môn tu tập. Nếu y cứ những lời Phật dạy
trong kinh này thì cách duy nhất để thấy được tánh Phật là phải dấn thân
vào con đường tu tập, hành trì theo đúng những pháp môn mà Phật đã chỉ
dạy. Có những người không nhận hiểu đúng ý nghĩa này thường nói rằng
“chẳng cần nhọc công tu tập, chỉ cần thấy được tánh Phật là xong”. Nhưng
họ không biết rằng nếu không hết lòng cố sức tu tập các pháp môn do Phật
dạy thì không thể dựa vào đâu để thấy được tánh Phật. Những cách hiểu
như thế chẳng những không mang lại ích lợi gì cho sự tu tập mà ngược lại
còn khiến người ta trở nên tự cao, ngã mạn, xem thường các pháp môn tu
tập, thật tai hại vô cùng.
Sự tin nhận ý nghĩa “tất cả chúng sanh đều có tánh Phật” là một niềm tin
tạo ra động lực rất lớn trên con đường tu tập. Chúng ta có thể hình dung
như một khách bộ hành trên con đường thiên lý, dù dấn bước đã lâu mà
đích đến vẫn còn mịt mù xa tắp, người ấy sẽ không tránh khỏi sự nản lòng
thối chí, hoang mang nghi ngại vì không thể biết chắc được mình có đi
đúng hướng hay không. Nếu người ấy có thể biết chắc được mình đang đi
đúng hướng và tin chắc rằng mình có đủ khả năng đi đến đích thì sự chán
nản sẽ được xua tan và quyết tâm dấn bước sẽ càng thêm mạnh mẽ. Người tu
tập theo con đường giải thoát cũng vậy, mặc dù biết rằng sự đạt đến quả
vị Bồ-đề là một con đường gian nan khó nhọc và xa xôi diệu vợi, nhưng
nếu có thể tin chắc rằng mình sẵn có tánh Phật, sẵn có khả năng giác ngộ
cũng giống như Phật thì quyết tâm tu tập sẽ mạnh mẽ kiên cố và không thể
thối chuyển.
Do đó, việc thuyết giảng chỉ bày về tánh Phật sẵn có của mỗi chúng sanh
chính là để giúp cho tất cả chúng sanh đều có thể phát khởi tâm niệm
mạnh mẽ hướng đến sự tu tập và cầu đạo Bồ-đề. Khi nhận hiểu được nội
dung này, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận những ý nghĩa
khác liên quan đến tánh Phật trong kinh này.
[1] Câu này nằm trong kinh văn Tây Tạng, được
trích từ bản sớ giải Vimalaprabhā về Kālacakra. Chúng tôi dẫn theo tiến
sĩ B. Alan Wallace trong Consciousness at the Crossroads (Snow Lion
Publications, Ithaca, New York, 1999), phần dịch sang Anh ngữ của câu
này như sau: “Monks, just as the wise accept gold after testing it by
heating, cutting, and rubbing it, so are my words to be accepted after
examining them, but not out of respect [for me].”
[2] Nguyên văn: “Tùy kỳ phát hành tắc đắc thâm
tâm.” (隨其發行則得深心。) Duy-ma-cật sở thuyết kinh, phẩm thứ nhất, Cõi Phật,
bản Việt dịch và chú giải của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Minh Tiến, NXB
Tôn giáo, 2004, trang 52.
[3] Chúng tôi rất ngạc nhiên khi đọc thấy câu
chuyện đức Phật hóa độ ông Ca-diếp (Kassapa) được kể lại hoàn toàn khác
biệt và thêm vào rất nhiều tình tiết “thú vị, lôi cuốn và hợp lý” hơn
dưới mắt những người không tin kinh điển Đại thừa, nhưng không biết là
tác giả đã dựa vào đâu. (Xem tại
http://www.thuvienhoasen.org/duongxuamaytrang-06.htm) Sau đó chúng tôi
đọc thấy những lời tự trần của tác giả như sau:
“Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ ba anh em ông Ca
Diếp. Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài
nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt
sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy.”
(Xem tại http://www.thuvienhoasen.org/duongxuamaytrang-00.htm)
Trong lời tự trần này có mấy điểm chúng tôi không tán đồng. Thứ nhất, là
người Phật tử nên chúng tôi không xem kinh điển của Phật là một dạng
“tài liệu”. Cách dùng từ này có thể hoàn toàn chính xác đối với các nhà
nghiên cứu, các học giả, nhưng đối với tất cả Phật tử thì không ai tu
tập theo “tài liệu”, mà chỉ tu tập theo kinh điển, là những văn bản ghi
chép lời Phật dạy. Câu chuyện này được chính thức ghi lại trong kinh
điển như trên nên không thể nói là theo “tài liệu”. Thứ hai, tác giả
“không để cho Bụt dùng thần thông” là một sự lạm quyền của người cầm
bút. Tác giả có thể sáng tạo một nhân vật XYZ nào đó và tha hồ “để cho”
hoặc “không để cho” nhân vật ấy thực hiện một sự việc; nhưng đức Phật là
một nhân vật lịch sử, hơn thế nữa là một bậc thầy được tất cả Phật tử
tôn kính noi theo trong sự tu tập thì không ai có quyền hư cấu những sự
việc liên quan đến ngài. Ngay khi viết về những nhân vật lịch sử thế tục
như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ.v.v... cũng chưa thấy ai dám tùy tiện hư
cấu hành vi của các nhân vật này theo ý riêng của mình, huống chi là
viết về đức Phật?
[4] Xem thêm bài viết: Uy lực
của quy giới (Nguyên Minh) tại:
http://www.thuvienhoasen.org/uyluccuagioi-nguyenminh.htm).