Sự vắng mặt của yêu thương chính là điều kiện cần thiết cho sự hình thành của những tính xấu như giận hờn, ganh tỵ, tham lam, ích kỷ...Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hương hoa thơm chỉ bay theo chiều gió, tiếng thơm người hiền lan tỏa khắp nơi nơi. Kinh Pháp cú (Kệ số 54)
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Kẻ làm điều ác là tự chuốc lấy việc dữ cho mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Điều quan trọng nhất bạn cần biết trong cuộc đời này là bất cứ điều gì cũng có thể học hỏi được.Rộng Mở Tâm Hồn
Chúng ta có thể sống không có tôn giáo hoặc thiền định, nhưng không thể tồn tại nếu không có tình người.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Khi gặp chướng ngại ta có thể thay đổi phương cách để đạt mục tiêu nhưng đừng thay đổi quyết tâm đạt đến mục tiêu ấy. (When obstacles arise, you change your direction to reach your goal, you do not change your decision to get there. )Zig Ziglar
Các sinh vật đang sống trên địa cầu này, dù là người hay vật, là để cống hiến theo cách riêng của mình, cho cái đẹp và sự thịnh vượng của thế giới.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali »» VI. Tầm nhìn thâm sâu về thế giới »»

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali
»» VI. Tầm nhìn thâm sâu về thế giới

Donate

(Lượt xem: 5.171)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali - VI. Tầm nhìn thâm sâu về thế giới

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc
GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Trong lúc diễn giải kinh, chúng ta cần phải cứu xét đến hoàn cảnh trong đó bài kinh được thuyết giảng và thính chúng nào được nghe bài kinh đó. Trong suốt cuộc đời dài hoằng pháp, Đức Phật đã linh động điều chỉnh lời giảng dạy tùy theo khả năng và nhu cầu của thính chúng. Ngài dạy những kẻ hành xử liều lĩnh nên từ bỏ những đường lối tự làm mình thất bại và nên dấn thân làm những việc thiện lành để mang lại kết quả an vui. Ngài dạy những kẻ có khuynh hướng cam chịu đầu hàng số phận rằng nỗ lực của chúng ta trong hiện tại quyết định phẩm chất của đời sống hiện tại cũng như số phận chúng ta trong tương lai. Ngài dạy những người tin tưởng sự hiện hữu của con người sẽ chấm dứt khi chết, rằng chúng sanh vẫn còn tồn tại sau khi thân hoại mạng chung và sẽ tái sanh tùy theo nghiệp của họ. Ngài dạy những người chưa đủ thuần thục để đạt được những quả vị cao hơn nên có nguyện vọng tái sanh vào cõi thiên sống cùng chư Thiên, và hưởng niềm hoan lạc huy hoàng của các cõi Thiên.

Tuy nhiên, một cuộc tái sanh hoan hỷ vào cõi Thiên không phải là mục đích cuối cùng mà Đức Phật giảng dạy Giáo pháp. Tốt nhất thì đó cũng chỉ là trạm dừng chân ghé tạm. Mục tiêu cuối cùng là chấm dứt khổ đau, và những hỷ lạc của cõi Thiên, dù có hạnh phúc đến đâu cũng không giống hạnh phúc của sự chấm dứt khổ đau. Theo lời Đức Phật dạy, tất cả trạng thái hiện hữu trong vòng luân hồi, ngay cả ở cõi Thiên, cũng chỉ là tạm bợ, không đáng tin cậy, và vẫn bị khổ đau ràng buộc. Như vậy mục tiêu tối hậu của Giáo pháp không gì khác hơn là giải thoát, nghĩa là hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Những gì nằm bên ngoài vòng sinh tử luân hồi là một trạng thái vô vi gọi là Niết-bàn (Nibbāna). Niết-bàn siêu việt thế giới hữu vi, tuy nhiên, vẫn có thể đạt được trong thế giới hữu vi, ngay trong chính đời sống này, và được trải nghiệm như là sự đoạn diệt của mọi khổ đau. Đức Phật đã chứng đắc Niết-bàn qua sự giác ngộ của Ngài, và trong bốn mươi lăm năm sau đó Ngài đã nỗ lực giúp nhiều người khác được tự mình chứng đắc Niết-bàn. Việc chứng đắc Niết-bàn đến cùng với sự khai mở tuệ giác và mang lại sự an bình tuyệt đối, một hạnh phúc thuần khiết, và sự an tịnh mọi tâm hành. Niết-bàn là sự đoạn diệt mọi khao khát, sự khao khát ái dục. Đó cũng là hòn đảo bình an giữa những dòng chảy thịnh nộ của già, bệnh và chết.

Để hướng dẫn những đệ tử tu hành thuần thục của Ngài đạt được Niết-bàn, Đức Phật phải hướng dẫn họ vượt qua những phần thưởng hỷ lạc mà họ có thể gặt hái trong đời sống tương lai nhờ thực hành những hành động thiện lành. Ngài làm như vậy qua những phương diện ‘siêu việt’ của Giáo pháp, những phương diện được hoạch định để dẫn dắt đệ tử của Ngài vượt qua ‘Tam giới’ là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài kinh, Đức Phật đã phơi bày thật sắc bén và không khoan nhượng những nguy hiểm tiềm ẩn trong mọi trạng thái hiện hữu thuộc thế giới hữu vi. Ngài lên tiếng báo động rằng tất cả mọi trạng thái hiện hữu đều nguy hiểm và đầy dẫy khổ đau. Ngài nhấn mạnh, rất rõ ràng, rằng niềm hy vọng duy nhất về sự an ổn lâu dài nằm ở nỗ lực thanh tịnh và giải phóng tâm hoàn toàn. Ngài trình bày một con đường chọc thủng vô minh và khát ái trọn vẹn và làm tan biến mọi dính mắc ngay cả với những trạng thái thiền định thâm sâu vi tế nhất.

Trong những bài “từng bước thực hành Giáo pháp”, được thuyết giảng để giới thiệu Giáo pháp cho những người mới tiếp nhận, Đức Phật thường xuyên bắt đầu bằng cách thảo luận những pháp môn như bố thí và giữ giới. Ngài thường ca ngợi nét đẹp của những đức hạnh như là tâm bố thí, tâm vô hại, thật thà, biết tự chế ngự, và giải thích những hành động đức hạnh ấy dẫn đến niềm hoan hỷ của sự tái sanh vào Thiên giới. Ở điểm này, Ngài hé lộ ‘sự nguy hiểm, thấp hèn, và phiền não của những dục lạc giác quan và những phước lành của việc từ bỏ chúng.’ Như vậy, sau khi từng bước giúp cho tâm của thính chúng ‘chín muồi’, tiếp đến Ngài giảng giải giáo lý đặc thù của Giáo pháp, đó là Tứ diệu đế: Khổ, Nguồn gốc của khổ, Sự chấm dứt khổ, và Con đường diệt khổ. Khi chính Đức Phật giảng dạy Tứ diệu đế, mục đích của Ngài không phải là giới thiệu với thính chúng một khóa học về ‘Phật pháp căn bản’, nhưng là để thức tỉnh ‘Pháp nhãn’ trong tâm họ, đó là sự nhận thức trực tiếp đầu tiên về chân lý siêu việt sẽ đưa người đệ tử đến với con đường giải thoát không thể đảo ngược được.

Mặc dù đôi lúc chúng ta đọc trong các bài kinh kể rằng có những vị đệ tử đạt được trải nghiệm đầu tiên về giác ngộ chỉ bằng cách nghe Đức Phật thuyết giảng, điều này không có nghĩa là Giáo pháp dễ hiểu. Những vị đệ tử ấy có thể thâm nhập chân lý dễ dàng như vậy bởi vì các căn của họ đã thuần thục, cũng có lẽ là vì họ đã tích lũy được đầy đủ những điều kiện thuận lợi từ kiếp trước. Nhưng trong chính bản chất, Giáo pháp siêu việt này đi ngược lại với tâm lý đời thường. Đức Phật mô tả Giáo pháp như là ‘tế nhị, thâm sâu, khó hiểu’ và một trong những điểm khiến cho Giáo pháp khó hiểu là luận đề cho rằng hạnh phúc tối thượng không thể đạt được bằng cách chiều theo những khát vọng của con tim, mà chỉ bằng cách dập tắt những khát vọng đó. Luận đề này hoàn toàn đi ngược lại với ý tưởng, thái độ, và hành động của những người hoàn toàn đắm mình trong cuộc sống thế gian. Bao lâu mà chúng ta còn bị mê đắm trong những cám dỗ của dục lạc thế gian, bao lâu chúng ta còn ham thích trở thành người như thế này hay như thế kia, chúng ta sẽ thấy Giáo pháp siêu việt như một điều gì bí ẩn và khó hiểu. Vì vậy, Đức Phật nhận thức rằng thách thức đầu tiên lớn nhất mà Ngài phải đối mặt trong việc thiết lập Giáo pháp siêu xuất thế gian là phải phá vỡ gọng kiềm của dục lạc giác quan và những dính mắc thuộc thế gian trong tâm con người. Ngài phải đánh bật tâm ra khỏi sự trì trệ của những tập quán quen thuộc và khởi động tâm trở lại theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Ngài phải lèo lái đệ tử của Ngài tránh xa sức cám dỗ của các dục lạc và những dính mắc thuộc thế gian và dẫn dắt họ hướng về sự nhàm chán, ly tham và giác ngộ.

Đức Phật phải dùng tất cả kỹ năng của một bậc Đạo sư để hoàn thành những yêu cầu của nhiệm vụ này. Điều này đòi hỏi Đức Phật sử dụng khả năng của Ngài rất nhiều lần để điều chỉnh thật chính xác lời giảng dạy của Ngài cho phù hợp với khuynh hướng tinh thần của những người tìm đến Ngài để xin được chỉ dạy. Nhiệm vụ này đòi hỏi Ngài phải nói thẳng nói thật, ngay cả khi sự thẳng thắn tạo nên tức giận ở người nghe. Đôi lúc Ngài phải nhập cuộc để tranh luận, mặc dù Ngài vẫn ưa chuộng nếp sống độc cư an tịnh. Nhiều lần Ngài sử dụng những ví dụ, các hình ảnh ẩn dụ, những chuyện ngụ ngôn, bất cứ lúc nào những lời giải thích cụ thể có thể giúp cho lập luận của Ngài có sức thu hút mạnh hơn. Nhiệm vụ này đòi hỏi Ngài mạnh mẽ giữ vững nguyên tắc cho dù những kẻ chống đối Ngài là những nhà tu khổ hạnh thù nghịch hay một Tỷ-kheo phạm giới trong hàng ngũ giáo đoàn của Ngài. (xem phần mở đầu của Trung BK bài 22 và 38, không được đưa vào hợp tuyển này). Sự thành công của Đức Phật trong việc hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này đã được tính vào những thành tựu tuyệt vời và kỳ diệu của Ngài. Đây là một điểm trong đó Kinh Văn VI, 1 đã minh chứng một cách hùng hồn.

Vào giai đoạn này, nhiệm vụ của Đức Phật trong việc giới thiệu giáo lý của Ngài là truyền đạt cho chúng ta một đường lối giáo dục mới lạ cấp tiến trong nghệ thuật nhận thức sự vật. Để đi theo đường hướng Đức Phật muốn dẫn dắt chúng ta, chúng ta phải học cách nhìn bên dưới bề ngoài hào nhoáng của lạc thú, địa vị, và quyền lực thường lôi cuốn chúng ta, và cùng lúc chúng ta phải học để nhìn xuyên suốt những lệch lạc sai lầm của tri giác, ý niệm, và quan điểm vẫn thường che mờ tầm nhìn của chúng ta. Thông thường, chúng ta nhìn sự vật qua lăng kính chủ quan thiên vị của chúng ta. Những thiên vị ấy do khát ái và dính mắc của chúng ta tạo ra và làm vững mạnh thêm. Chúng ta nhìn những sự vật mà ta muốn nhìn, và loại bỏ những gì có vẻ đe dọa hay gây phiền toái cho chúng ta, hay làm lung lay niềm lạc quan của chúng ta, hay đặt lại vấn đề về những nhận định dễ dãi về bản thân và đời sống của chúng ta. Để giải tỏa tiến trình này liên hệ đến một sự dấn thân tìm sự thật mà vẫn thường gây bất ổn, nhưng về lâu dài chứng tỏ là rất an vui và giải thoát.

Đường lối giáo dục mà Đức Phật truyền đạt mang lại cho chúng ta một tầm nhìn thâm sâu về thế giới. Để giúp chúng ta chuyển hóa sự hiểu biết và đạt được tầm nhìn thâm sâu về thế giới, Ngài trình bày cho chúng ta ba quan điểm, từ đó chúng ta có thể thẩm định những giá trị mà chúng ta đã sắp đặt cho cuộc sống của mình. Ba quan điểm này cũng tượng trưng cho ba ‘thời điểm’ hay ba giai đoạn trong một tiến trình khai mở nhận thức, bắt đầu từ những thái độ ý thức thông thường và theo chiến lược tiến lên hướng đến những tri kiến cao siêu hơn, rồi đến giác ngộ và giải thoát. Ba thời điểm là: vị ngọt (assāda), sự nguy hiểm (ādivana), và sự vượt thoát (nissarana). Trong Kinh Văn VI, 2 (1)-(3), kế hoạch này áp dụng cho cả vạn pháp nói chung. Đâu đó trong bộ kinh Nikāya, kế hoạch này áp dụng đặc biệt hơn cho tứ đại (Tương Ưng BK 14:31-33), ngũ uẩn (Tương Ưng BK 22:26-28), và sáu nội căn và ngoại căn (Tương Ưng BK 35:13-18). Đức Phật nhấn mạnh sự quan trọng của kế hoạch này với lời tuyên bố mạnh dạn rằng cho đến khi nào Ngài có thể thẩm định vạn pháp đầy đủ theo cách này, (hoặc, như trong các kinh văn được đề cập trên đây, các đại, các uẩn, các căn), Ngài sẽ không tuyên bố rằng Ngài đã đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác.

Để tiến tới một cách có hệ thống qua kế hoạch này, người ta bắt đầu bằng cách công nhận một sự kiện không còn gì để nghi ngờ rằng những pháp thế gian như là đối tượng của giác quan, sắc, thọ cung cấp cho chúng ta một mức độ thỏa mãn nào đó. Sự thỏa mãn này bao gồm lạc thú và vui thích (sukha-somanassa) chúng ta cảm nhận khi chúng ta thành công trong việc thỏa mãn những dục vọng của mình. Một khi chúng ta công nhận sự kiện này, chúng ta có thể đào sâu hơn bằng cách hỏi rằng những lạc thú và vui thích ấy có hoàn thỏa mãn hay không. Nếu chúng ta giải đáp câu hỏi này hết sức thành thật, với tâm vô tư bình thản, chúng ta sẽ nhận ra rằng những lạc thú và vui thích ấy chưa hề đạt tới mức độ thỏa mãn. Trái lại, chúng chất chứa nhiều điểm bất lợi và khuyết điểm, từ những điều nhỏ nhặt đến những khuyết điểm đáng kinh sợ mà chúng ta luôn luôn che đậy với chính mình để chúng ta có thể tiếp tục con đường tìm kiếm sự thỏa mãn mà không bị trở ngại. Đây là sự nguy hiểm của các dục, thời điểm hay là bước quan sát thứ hai. Sự nguy hiểm bao trùm đằng sau bề mặt của những dục lạc thế gian chính là bản chất vô thường (anicca) của chúng, bị ràng buộc bởi khổ đau và bất toại nguyện (dukkha), và là đối tượng của thay đổi và hủy diệt không thể tránh khỏi (viparināmadhamma).

Thời điểm thứ ba, thời điểm vượt thoát, theo sau thời điểm thứ hai. “Vượt thoát’’ đây không có nghĩa là chủ trương trốn chạy, một từ ngụ ý chỉ một nỗ lực để tránh khỏi phải đối mặt với những vấn đề của con người bằng cách giả vờ xem như chúng không tồn tại và tìm cách tự lãng quên bằng các thú tiêu khiển. Sự vượt thoát đích thực hoàn toàn ngược lại: đó là chuỗi hành động thận trọng nhất, hợp lý nhất, lành mạnh nhất mà chúng ta có thể thực hiện khi chúng ta nhận diện chính xác sự nguy hiểm đích thực. Đó là sự tìm kiếm lối thoát để ra khỏi một tòa nhà đang bốc cháy, là việc tìm đến bác sĩ khi chúng ta đang bị hành hạ bởi một cơn sốt dai dẳng, là quyết định bỏ hút thuốc lá khi chúng ta hiểu rằng nó đang hủy hoại sức khỏe của chúng ta. Một khi chúng ta đã thấy những đối tượng tham ái của chúng ta là sai lầm, với những nguy hiểm tiềm ẩn đang tác hại, thì chúng ta nhận ra rằng con đường vượt thoát nằm ở chỗ chấm dứt sự tham ái đối với chúng. Đây là “sự từ bỏ khát ái và dục vọng” (chandarāga- vinaya, chandarāga-pahāna) được đề cập trong các kinh văn.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà bình luận kinh tạng Pāli đã liên kết ba thời điểm ấy với Tứ diệu đế. “Sự thỏa mãn” bao hàm Chân lý thứ hai, vì lạc thú và vui thích làm khởi sinh ái dục, là nguồn gốc của Khổ. “Sự nguy hiểm” tự nó là Chân lý về Khổ. Và “Sự vượt thoát” là Chân lý về sự chấm dứt Khổ, cũng bao hàm Bát Thánh đạo, Chân lý thứ tư, là con đường đưa đến chấm dứt khổ.

Trong Kinh Văn VI, 3, Đức Phật dùng kế hoạch ba giai đoạn này để đánh giá chi tiết ba đối tượng chính của dính mắc: dục lạc giác quan, sắc thân và cảm thọ. Phần lớn bài kinh được dùng để quan sát những nguy hiểm của dục lạc giác quan. Kinh bắt đầu bằng một cái nhìn cận cảnh về những khổ đau mà một ‘tộc trưởng’– nghĩa là một thanh niên gia chủ đang theo đuổi một ngành nghề chuyên môn của Ấn Độ thời cổ đại - có thể trải qua trong việc tìm cầu sự thỏa mãn dục lạc giác quan. Như bài kinh lần lượt trình bày, phạm vi quan sát mở rộng từ cá nhân đến tập thể, bao gồm cả những hậu quả chính trị xã hội của cuộc tìm cầu này. Bài kinh đạt đến cao điểm bằng những hình ảnh dữ dội của chiến tranh và sự tàn phá con người theo sau hàng loạt động lực điên cuồng để thỏa mãn dục lạc. ‘Sắc’ là thân thể. Đức Phật bắt đầu bài học về sắc bằng cách hỏi các Tỷ-kheo hãy quan sát một cô gái đẹp. Rồi Ngài mô tả những giai đoạn tiệm tiến về sự tàn tạ cơ thể của cô ta, qua tuổi già, bệnh tật và cái chết, và cuối cùng là sự phân hủy của tử thi cho đến khi nó trở thành bột xương. Để chỉ sự nguy hiểm của ‘cảm thọ’, Đức Phật chọn những cảm thọ của một Tỷ-kheo đang ở trong những trạng thái nhập định (jhāna), nghĩa là thiền định thâm sâu, những trải nghiệm về hỷ lạc và an tịnh vi tế nhất thuộc thế gian. Ngài chỉ rõ rằng ngay cả những trạng thái cảm thọ cao thượng như vậy cũng vô thường, bất toại nguyện và là đối tượng của thay đổi.

Mặc dù những bài kinh tiếp theo không áp dụng kế hoạch ba giai đoạn một cách lộ liễu, sự hiện diện bao hàm bên dưới vẫn rõ ràng. Trạng thái nguy hiểm được nhấn mạnh. Hai bài kinh được trình bày trong phần 4 một lần nữa nhấn mạnh đến những cạm bẫy của dục lạc giác quan, nhưng cũng không khác lắm với bài kinh trong phần trước. Trong Kinh Văn VI, 4 (1), Đức Phật xuất hiện trong một cuộc đàm thoại với một gia chủ hống hách khoe rằng ông ta đã “cắt đứt được tất cả chuyện thế tục.” Để xóa tan sự tự mãn của ông ta, Đức Phật sử dụng một loạt các ví dụ phơi bày tính cách dối trá của dục lạc giác quan để chỉ cho người gia chủ thấy nhóm từ “cắt đứt chuyện thế tục” có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống tu tập của Ngài. Việc sử dụng ví dụ cũng nổi bật trong Kinh Văn VI, 4 (2), trong đó đã thử thách trí tuệ của Đức Phật trước một kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc tên là Māgandiya. Ở đây, Đức Phật vẫn giữ lập luận rằng dục lạc giác quan có vẻ như chỉ mang lại khoái cảm thông qua một tri giác lệch lạc, nhưng khi nhìn cho đúng đắn thì chúng giống như ngọn lửa trong một lò than rực cháy - “sờ vào sẽ đau đớn, nóng, và cháy bỏng.” Những đoạn kinh này bao gồm một số ví dụ mạnh mẽ nhất trong các bộ kinh Nikāya, và chắc chắn Đức Phật đã không sử dụng chúng một cách nhẹ nhàng.

Việc sử dụng các hình ảnh ẩn dụ cũng là một nét nổi bật trong Kinh Văn VI, 5, mà chủ đề là tính chất phù du của kiếp người. Kinh văn Phật giáo thường khuyên chúng ta suy ngẫm về cái chết như một điều chắc chắn và thời điểm cái chết đến là điều không thể tiên đoán được. Lời khuyên này không phải được đưa ra để tạo một thái độ bị ám ảnh kinh niên về cái chết nhưng là để giúp chúng ta phá vỡ sự tham đắm cuộc đời và phát triển tâm xả ly. Vì lý do đó, quán tưởng về cái chết đã trở thành một trong những đề mục quan trọng nhất của thiền định Phật giáo. Đức Phật đã nói trong các bài kinh khác rằng quán tưởng về cái chết “khi được phát triển và tu tập, sẽ đi vào trạng thái bất tử và đạt đến đỉnh cao trong trạng thái bất tử.” (Tăng Chi BK 7:46; IV 47-48). Ở đây, tính cách phù du của đời sống được nhấn mạnh bằng cách đếm số ngày, mùa, và thậm chí các bữa ăn trong một đời người.

Kinh Văn VI, 6 là một phần trích từ Kinh Raṭṭhapāla, kể lại cuộc đời của một đệ tử Đức Phật được gọi là “người đứng hạng nhất trong những người xuất gia vì lòng tin.” Raṭṭhapāla là một thanh niên con nhà giàu đã phát tín tâm sâu xa khi nghe Đức Phật giảng Pháp đến nỗi ngay tức khắc anh quyết định chấp nhận cuộc sống không gia đình của một Sa-môn. Đức Phật bảo anh xin phép cha mẹ, nhưng cha mẹ của anh quá thương yêu gắn bó với đứa con trai duy nhất của mình nên đã không chấp thuận. Raṭṭhapāla nằm xuống đất và không chịu ăn uống, quyết định hoặc là chết tại chỗ, hoặc được phép xuất gia. Cha mẹ anh cuối cùng phải nhượng bộ và cho phép anh ta trở thành một tu sĩ với điều kiện là anh phải trở về thăm họ sau này. Nhiều năm sau, khi Tôn giả trở về thăm cha mẹ, họ tìm cách lôi kéo Tôn giả trở về đời sống gia đình, nhưng vì Tôn giả đã đắc quả A-la-hán, bấy giờ, Tôn giả đã vượt lên trên mọi khả năng hoàn tục. Sau khi rời nhà cha mẹ, Tôn giả đi đến khu vườn ngự uyển, nơi đó Tôn giả thuyết giảng một bài pháp cho vua Koravya về “bốn yếu chỉ của Giáo pháp.” Bài pháp này truyền đạt tuệ giác thâm sâu của Tôn giả về chiều sâu và tính phổ quát của khổ, và giải thích bằng lời lẽ giản dị rõ ràng tại sao Tôn giả, cũng như vô số thiện nam tín nữ trong độ tuổi thanh xuân, đã chọn từ bỏ những tiện nghi của đời sống gia đình để bước vào con đường bất định của đời sống không gia đình.

Khao khát dục lạc là một cái bẫy ràng buộc chúng sanh vào vòng luân hồi. Một cạm bẫy lớn khác là kiến chấp. Như vậy, để dọn sạch con đường đi đến Niết-bàn, Đức Phật không những phải dạy chúng sanh xóa bỏ mọi tham đắm dục lạc mà còn phơi bày sự nguy hiểm của kiến chấp. Đây là chủ đề của phần 7.

Tà kiến nguy hiểm nhất là những tà kiến phủ nhận hoặc phá hoại những nền tảng của đạo đức. Kinh văn VI, 7 (1) gom lại một số nguy hiểm do loại tà kiến này gây ra; nổi bật nhất trong số này là tái sanh vào những cõi thấp kém. Tà kiến còn dẫn đến những diễn giải một chiều, thiên vị về thực tại mà chúng ta vẫn chấp chặt và cho rằng chúng chính xác và đầy đủ. Những người bám chặt vào quan điểm của mình về một tình huống nào đó thường xung đột với những người có ý kiến khác trong cùng một tình huống. Như vậy, quan điểm khác nhau đưa đến xung đột và tranh chấp. Có lẽ không có văn bản nào trong các tài liệu trên thế giới mô tả sự nguy hiểm trong việc chấp chặt giáo điều có thể súc tích hơn câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về người mù sờ voi, được đưa vào trong Kinh Văn VI, 7 (2).

Kinh văn VI, 7 (3) phác họa sự tương phản của một cặp quan điểm lệch lạc là chủ thuyết bất diệt (sassatavāda: thường kiến) và chủ thuyết hư vô (ucchedavāda: đoạn kiến), cũng còn được gọi là quan điểm về tồn tại (bhavadiṭṭhi) và quan điểm về không tồn tại (vibhavadiṭṭhi). Chủ thuyết bất diệt khẳng định một thành tố bất diệt trong mỗi cá nhân, một cái ngã không thể bị hủy diệt, và một nền tảng bất diệt của thế giới, như là một đấng Thượng Đế sáng tạo toàn năng. Chủ thuyết hư vô phủ nhận rằng không có gì còn lại sau khi chết, tuyên bố rằng một cá nhân sẽ chấm dứt hoàn toàn khi thân hoại mạng chung. Theo Đức Phật, chủ thuyết bất diệt dẫn đến sự tham đắm hiện hữu và trói buộc con người vào vòng luân hồi. Chủ nghĩa hư vô thường đi kèm với sự ghê sợ hiện hữu, và nghịch lý thay, lại trói buộc những tín đồ của nó vào sự hiện hữu mà họ ghê sợ. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, giáo pháp của Đức Phật về lý Duyên khởi sẽ tránh được cả hai kết thúc vô vọng đó (xem IX, tr. 356-57).

Kinh Văn VI, 8 làm nổi bật một vấn đề đặc biệt do thường kiến tạo nên. Những quan điểm đó có thể khơi nguồn cảm hứng cho thiền giả đạt đến những trạng thái hỷ lạc thâm sâu của định, mà họ diễn tả như là sự đồng nhất với một thực tại siêu nhiên hay sự chứng đạt một cái ngã thường hằng. Tuy nhiên, theo quan điểm giáo lý của Đức Phật, những chứng đắc ấy chỉ tạo ra tiềm năng của nghiệp để tái sanh vào một cảnh giới trong đó các trải nghiệm thiền định ấy trở thành điều kiện cơ bản của tâm thức. Nói cách khác, những chứng đắc của các trạng thái thiền định trong cảnh giới loài người sẽ là động lực phát khởi sự tái sanh vào những cảnh giới tương ứng trong Sắc giới hoặc Vô sắc giới. Trong lúc nhiều tôn giáo nhắm đến một cảnh giới siêu phàm như là câu trả lởi cuối cùng cho số phận con người, giáo pháp Đức Phật tuyên bố rằng những cảnh giới đó không đem lại một lối thoát cuối cùng cho tình trạng vô thường và khổ đau của cõi luân hồi.

Bản kinh đề cập ở đây cho thấy một số thiền giả chứng đắc bốn “trú xứ siêu phàm” (Tứ thiền) và tái sanh vào những cảnh giới tương ứng của thế giới Phạm Thiên, ở đó họ có thể cư trú lâu đến năm trăm đại kiếp. Tuy nhiên, cuối cùng, họ không thể tránh khỏi cái chết và có thể phải rơi xuống tái sanh vào những cảnh giới bất hạnh. Bài kinh tương tự không được đem vào đây (Tăng Chi BK 3:114, 4: 124) cũng nói giống như vậy về các cảnh giới tái sanh tương ứng với các tầng thiền và các tầng vô sắc định.

Hai bài kinh tạo nên phần cuối của chương này một lần nữa nói đến những bất toại nguyện và bất an của sự tồn tại trong thế giới hữu vi, củng cố thông điệp này bằng những hình ảnh đầy kịch tính. Trong Kinh Văn VI, 9 (1), Đức Phật tuyên bố rằng số lượng nước mắt mà chúng ta đã nhỏ xuống trong lúc lang thang trong vòng luân hồi sinh tử còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Trong Kinh Văn VI, 9 (2), Ngài nói với một nhóm ba mươi Tỷ-kheo rằng số lượng máu đã chảy ra khi họ bị giết và tàn sát trong vòng luân hồi sinh tử còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Theo những nhà kết tập kinh điển, tác dụng của bài thuyết giảng này đối với ba mươi Tỷ-kheo mạnh mẽ đến nỗi tất cả các vị ấy đã đạt được giải thoát hoàn toàn ngay tại chỗ.

1. BỐN PHÁP VI DIỆU

– Này các Tỷ-kheo, khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có xuất hiện. Thế nào là bốn?

Phần lớn quần chúng ưa thích chấp thủ, thích thú khi chấp thủ, hoan hỷ khi chấp thủ. Nhưng khi Như Lai giảng pháp không chấp thủ, quần chúng mong ước được nghe, lắng tai nghe, và cố gắng hiểu. Đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ nhất xuất hiện khi có sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Phần lớn quần chúng ưa thích kiêu mạn, thích thú khi kiêu mạn, hoan hỷ khi tỏ ra kiêu mạn. Nhưng khi Như Lai giảng pháp diệt trừ kiêu mạn, quần chúng mong ước được nghe, lắng tai nghe, và cố gắng hiểu. Đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ hai xuất hiện khi có sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Phần lớn quần chúng ưa thích lăng xăng, vui thích khi lăng xăng, hoan hỷ khi lăng xăng. Nhưng khi Như Lai giảng pháp an tịnh, quần chúng mong ước được nghe, lắng tai nghe, và cố gắng hiểu. Đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba xuất hiện khi có sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Phần lớn quần chúng sống trong vô minh, bị vô minh che mờ, bị vô minh trói buộc. Nhưng khi Như Lai giảng pháp diệt trừ vô minh, quần chúng mong ước được nghe, lắng tai nghe, và cố gắng hiểu. Đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư xuất hiện khi có sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.

Khi Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xuất hiện, có bốn pháp vi diệu chưa từng có này xuất hiện.

(Tăng Chi BK II, tr. 64-65)

2. VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM, SỰ VƯỢT THOÁT

(1) Trước khi Ta giác ngộ

– Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi Ta còn là một Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Cái gì là vị ngọt của thế gian, cái gì là sự nguy hại, và cái gì là sự vượt thoát thế gian?” Rồi ý tưởng này khởi lên trong Ta: “Bất cứ những gì mang lại vui thích, khoái lạc ở thế gian là vị ngọt của thế gian; thế gian là vô thường, bị ràng buộc với khổ đau, và phải chịu biến hoại, đó là sự nguy hại của thế gian; và đoạn trừ, từ bỏ mọi ham muốn dục vọng của thế gian chính là sự vượt thoát thế gian.”

Này các Tỷ-kheo, bao lâu Ta chưa trực tiếp biết được như thật vị ngọt của thế gian là vị ngọt, sự nguy hại của thế gian là nguy hại, và sự vượt thoát thế gian là vượt thoát, cho đến lúc ấy, Ta chưa tuyên bố là đã giác tri được Vô thượng Chánh Đẳng Giác trong thế giới với chư Thiên, Ác ma, và Phạm Thiên, trong quần chúng này với Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người.

Nhưng khi Ta đã trực tiếp biết được như thật tất cả các pháp này, Ta mới tuyên bố là đã giác tri được Vô thượng Chánh Đẳng Giác trong thế giới với chư Thiên, Ác ma và Phạm Thiên, trong quần chúng này với Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Tri kiến này đã khởi lên trong Ta: “Tâm giải thoát của Ta là bất động; đây là đời sống cuối cùng; nay sẽ không còn tái sanh nữa.”

(Tăng Chi BK I, XI. Phẩm Chánh Giác, tr. 468-469)

(2) Ta lên đường tìm cầu

– Này các Tỷ-kheo, ta lên đường tìm cầu vị ngọt của thế gian. Ta đã tìm thấy bất cứ vị ngọt nào có mặt ở thế gian. Ta đã thấy rõ ràng với trí tuệ vị ngọt trải rộng đến mức độ nào trong thế gian này.

Ta lên đường tìm cầu sự nguy hại của thế gian. Ta đã tìm thấy bất cứ sự nguy hiểm nào có mặt ở thế gian. Ta đã thấy rõ ràng với trí tuệ sự nguy hại trải rộng đến mức độ nào trong thế gian này.

Ta lên đường tìm cầu sự vượt thoát thế gian. Ta đã tìm thấy bất cứ sự vượt thoát nào có mặt ở thế gian. Ta đã thấy rõ ràng với trí tuệ sự vượt thoát trải rộng đến mức độ nào trong thế gian này.

(Tăng Chi BK I, tr. 469, XI. Phẩm Chánh Giác)

(3) Nếu không có vị ngọt

– Này các Tỷ-kheo, nếu không có vị ngọt ở thế gian, thì chúng sanh đã không tham đắm thế gian này. Nhưng bởi vì có vị ngọt ở thế gian, nên chúng sanh tham đắm thế gian này.

Nếu không có sự nguy hại ở thế gian, thì chúng sanh đã không nhàm chán thế gian này. Nhưng bởi vì có sự nguy hại ở thế gian, nên chúng sanh nhàm chán thế gian này.

Nếu không có sự vượt thoát thế gian, thì chúng sanh đã không thể vượt thoát thế gian này. Nhưng bởi vì có sự vượt thoát thế gian, nên chúng sanh có thể vượt thoát thế gian này.

(Tăng Chi BK I, XI. Phẩm Chánh Giác, tr. 470-471)

3. ĐÁNH GIÁ ĐÚNG ĐẮN ĐỐI TƯỢNG CỦA DÍNH MẮC

1. Tôi nghe như vầy. Một thời, Thế Tôn đang cư ngụ tại thành Xá-vệ (Sāvatthī) ở rừng Kỳ-đà (Jeta) thuộc vườn Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika).

2. Lúc ấy, vào buổi sáng, một số Tỷ-kheo đắp y, cầm bát, đi vào thành Xá-vệ để khất thực. Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: “Vẫn còn quá sớm để đi khất thực tại thành Xá-vệ. Có lẽ chúng ta hãy đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo.” Thế rồi các Tỷ-kheo đi đến khu vườn của các du sĩ ngoại đạo và trao đổi những lời thăm hỏi với các du sĩ. Khi cuộc nói chuyện xã giao đã xong, các Tỷ-kheo ngồi xuống một bên. Các du sĩ nói với họ rằng:

3. – Này các hiền hữu, Sa-môn Gotama mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các dục lạc giác quan và chúng tôi cũng vậy; Sa-môn Gotama mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các sắc pháp và chúng tôi cũng vậy; Sa-môn Gotama mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các cảm thọ và chúng tôi cũng vậy. Này các hiền hữu, vậy ở đây có sự khác biệt nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Giáo pháp và những lời giáo huấn của Sa-môn Gotama và chúng tôi? (1)

4. Các Tỷ-kheo ấy không chấp thuận cũng như không phản đối những lời hỏi của các du sĩ. Các Tỷ-kheo không nói gì cả, chỉ đứng dậy và ra đi, nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ đến trình bày với Thế Tôn để hiểu ý nghĩa những lời nói này.”

5. Khi các Tỷ-kheo đi khất thực ở thành Xá-vệ và đã trở về, sau khi ăn xong, các vị ấy đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên, và bạch Thế Tôn về những gì đã xảy ra. [Thế Tôn nói:]

– Này các Tỷ-kheo, những người du sĩ ngoại đạo nói như vậy cần phải được hỏi lại như thế này: “Này các hiền hữu, nhưng thế nào là vị ngọt, thế nào là sự nguy hại, thế nào là sự vượt thoát các dục lạc giác quan? Thế nào là vị ngọt, thế nào là sự nguy hại, thế nào là sự vượt thoát các sắc pháp? Thế nào là vị ngọt, thế nào là sự nguy hại, thế nào là sự vượt thoát các cảm thọ?” Nếu các du sĩ ngoại đạo được hỏi như vậy, họ sẽ không trả lời được, và hơn thế nữa, họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì sao vậy? Bởi vì đó không phải là lãnh vực của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy ai trong thế giới này với chư Thiên, Ác ma, và Phạm Thiên, trong quần chúng này với các Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, mà có thể cho câu trả lời thỏa đáng ngoại trừ Như Lai hay các đệ tử của Như Lai hoặc những ai đã từng được học hỏi các vị ấy.

[Các dục lạc giác quan]

7. (i)– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt thuộc các dục lạc giác quan? Này các Tỷ-kheo, có năm pháp làm tăng trưởng các dục lạc giác quan. Thế nào là năm? Các sắc pháp do mắt nhận biết đáng được mong ước, được khao khát, dễ chịu, đáng yêu thích, liên kết với sự ham muốn thuộc giác quan, khêu gợi sự thèm khát. Âm thanh do tai nhận biết... Mùi thơm do mũi nhận biết... Hương vị do lưỡi nhận biết... Các đối tượng của xúc chạm do thân nhận biết, đáng được mong ước, được khao khát, dễ chịu, đáng yêu thích, liên kết với sự ham muốn thuộc giác quan, khêu gợi sự thèm khát. Đó là năm pháp làm tăng trưởng các dục lạc giác quan. Như vậy, khoái lạc và niềm vui phát sinh tùy thuộc vào năm pháp làm tăng trưởng các dục này là vị ngọt thuộc các dục lạc giác quan.

8. (ii) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan? Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các kỹ năng mà một người trong bộ tộc làm nghề sinh sống - dù là kiểm tra, kế toán, tính toán, làm nông trại, buôn bán, chăn nuôi, bắn cung, phục vụ hoàng gia, hay bất cứ ngành nghề nào có thể được - người ấy phải đương đầu với nóng, lạnh, bị thương tổn do tiếp xúc với ruồi, muỗi, gió, nắng, và những loài bò sát; người ấy có nguy cơ bị chết đói hay chết khát. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

9. Trong lúc người bộ tộc này làm việc, cố gắng nỗ lực cần cù như vậy, nếu tài sản không đến với người ấy, người ấy sẽ buồn rầu, đau khổ, than van, khóc lóc đấm ngực, ngây dại kêu gào: “Nỗ lực của ta thật vô ích, công lao động của ta không có kết quả!” Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

10. Nếu người bộ tộc trong lúc cố gắng nỗ lực làm việc cần cù như vậy, tài sản đến với người ấy, người ấy trải nghiệm đau đớn và buồn khổ khi bảo vệ tài sản này: “Làm sao các vua chúa hay kẻ trộm không chiếm đoạt tài sản của ta, lửa không làm cháy, nước không cuốn trôi, hay các kẻ thừa kế đáng ghét không cướp đoạt?” Và trong khi người ấy bảo vệ và canh giữ tài sản của mình, vua và kẻ trộm vẫn tìm cách chiếm đoạt chúng, hay lửa thiêu cháy, hay nước cuốn trôi, hay những kẻ thừa kế đáng ghét vẫn chiếm đoạt chúng. Và người ấy sẽ buồn rầu, đau khổ, than van, khóc lóc đấm ngực, ngây dại kêu gào: “Ta đã mất hết tài sản rồi!” Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

11. Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân... vua chúa tranh chấp với vua chúa, Sát-đế lỵ tranh chấp với Sát-đế lỵ, Bà-la-môn tranh chấp với Bà-la-môn, gia chủ tranh chấp với gia chủ; mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ, cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; anh em tranh chấp với anh em, anh em tranh chấp với chị em, chị em tranh chấp với anh em, bạn bè tranh chấp với bạn bè. Và ở đây, trong các cuộc tranh chấp, xung đột, tranh cãi, họ tấn công nhau bằng tay đấm, đá, gậy, hay dao, do đó đã gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

12. Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân... đàn ông dùng kiếm và lá chắn và đeo cung tên, họ dàn trận hai bên, với tên bay và kiếm vung lên lóe sáng nhắm vào nhau, và họ bị cung tên gây thương tích, rồi họ chặt đầu nhau bằng kiếm, từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

13. Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân... đàn ông dùng kiếm và lá chắn và đeo cung tên, họ công phá những thành lũy trơn tuột, với tên bay và kiếm vung lên lóe sáng nhắm vào nhau, họ bị cung tên gây thương tích và bị đổ nước sôi tung tóe và bị chà đạp bằng đá tảng, rồi họ chặt đầu nhau bằng kiếm, từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

14. Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân... đàn ông đột nhập nhà cửa, cướp đoạt tài sản, phạm tội trộm cắp, phục kích các xa lộ, dụ dỗ vợ người khác, và khi họ bị bắt, các vua chúa có nhiều loại nhục hình để trừng phạt họ... từ đó gây nên chết chóc hay đau đớn gần như chết. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong hiện tại, do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

15. Lại nữa, do dục lạc giác quan làm nguyên nhân... con người buông lung trong các hành động sai trái về thân, khẩu và ý. Do đã làm những hành động sai trái ấy, vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, họ sẽ bị tái sanh vào những cõi dữ, đọa xứ, cõi thấp kém, địa ngục. Như vậy, đây là sự nguy hại thuộc các dục lạc giác quan, là một biển khổ thấy rõ ràng ngay trong đời tương lai (2), do dục lạc giác quan là nguyên nhân, là nguồn gốc, là nền tảng, tất cả là do dục lạc giác quan gây ra.

16. (iii) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự vượt thoát đối với các dục lạc giác quan? Đó chính là sự diệt trừ khao khát thèm muốn, từ bỏ khao khát thèm muốn thuộc về dục lạc giác quan. Đây là sự vượt thoát đối với các dục lạc giác quan.

17. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các dục lạc giác quan, thì những vị này tự thân không thể hiểu được đầy đủ các dục lạc ấy và cũng không thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng có thể hiểu biết về các dục lạc giác quan - điều đó không thể xảy ra. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các dục lạc giác quan, thì những vị này tự thân có thể hiểu được đầy đủ các dục lạc ấy và cũng có thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng được hiểu biết về các dục lạc giác quan - điều đó có thể xảy ra.

[Sắc]

18. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt thuộc sắc pháp? Giả sử có một thiếu nữ thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ hay Bà-la-môn hay gia chủ, vào độ tuổi mười lăm mười sáu, không quá cao hay quá thấp, không quá gầy hay quá mập, da không đen quá hay trắng quá. Có phải nhan sắc và nét yêu kiều của nàng đang vào giai đoạn tột đỉnh? “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” “– Vậy thì, niềm thích thú và hoan hỷ phát sinh từ nhan sắc và nét yêu kiều ấy là vị ngọt thuộc sắc pháp.”

19. (ii) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hại thuộc sắc pháp? Một thời gian sau, người ta có thể thấy người phụ nữ ấy bây giờ đã tám mươi, chín mươi hay một trăm tuổi, già lão, cong như nóc nhà, lưng gập xuống, phải chống gậy, run rẩy, yếu ớt, tuổi trẻ không còn nữa, răng rụng, tóc bạc, tóc lưa thưa, đầu sói, da nhăn nheo, tay chân đầy vết nám. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng? “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” “– Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

20. Lại nữa, người ta có thể thấy người phụ nữ ấy bị đau đớn, bệnh nặng, hôi hám, nằm ngay trên nước tiểu và phân của bà, phải nhờ người này nâng lên, người kia đỡ xuống. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng? “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” “– Này các Tỷ-kheo, đây cũng là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

21. Lại nữa, người ta có thể thấy thi thể người phụ nữ ấy bị quăng vào nghĩa địa, đã chết một, hai hay ba ngày, thi thể trương phồng lên, xanh xám và thối rữa. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng? “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” “– Này các Tỷ-kheo, đây cũng là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

22-29. Lại nữa, người ta có thể thấy thi thể người phụ nữ ấy bị quăng vào nghĩa địa, bị xâu xé bởi các loài quạ, diều hâu, kên kên, chó, dã can, hay đủ loại côn trùng... một bộ xương dính thịt và máu, với các đường gân kết nối... một bộ xương không còn thịt và dính máu, với các đường gân kết nối... một bộ xương không còn thịt và máu, với các đường gân kết nối... các khúc xương rời rạc rải rác khắp nơi - đây là xương tay, kìa là xương chân, đây là xương bắp đùi, đây là xương sườn, đây là xương hông, đây là xương lưng, đây là chiếc sọ... các khúc xương trắng hếu màu vỏ sò... các khúc xương chồng chất lên nhau... những khúc xương cũ hơn một năm bắt đầu mục và nát ra thành bụi. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào? Có phải nhan sắc và nét yêu kiều ngày xưa nay đã biến mất và sự nguy hại đã trở nên rõ ràng? “– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.” “– Này các Tỷ-kheo, đây cũng là sự nguy hại thuộc về sắc pháp.”

30. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự vượt thoát thuộc sắc pháp? Đó chính là sự diệt trừ khao khát thèm muốn, từ bỏ khao khát thèm muốn thuộc về sắc pháp. Đây là sự vượt thoát đối với các dục lạc giác quan.

31. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các sắc pháp, thì những vị này tự thân không thể hiểu được đầy đủ các sắc pháp và cũng không thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng có thể hiểu biết về các sắc pháp - điều đó không thể xảy ra. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các sắc pháp, thì những vị này tự thân có thể hiểu được đầy đủ các sắc pháp ấy và cũng có thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng được hiểu biết về các sắc pháp - điều đó có thể xảy ra.

[Cảm thọ]

32. (i) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là vị ngọt thuộc cảm thọ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo hoàn toàn xa lánh các dục lạc giác quan, xa lánh các pháp bất thiện, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc khởi sinh do xa lánh các dục, vẫn còn tầm và tứ. Trong lúc ấy, vị Tỷ-kheo không nghĩ đến việc làm hại mình, hại người hay hại cả hai. Trong lúc ấy, vị này chỉ có cảm thọ vô hại. Ta nói rằng vị ngọt tối thượng thuộc về cảm thọ chính là cảm thọ vô hại.

33-35. Lại nữa, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền... Với sự tàn lụi của hỷ, vị ấy chứng và trú Tam thiền... Với sự xả bỏ lạc và khổ, vị ấy chứng và trú Tứ thiền... Trong lúc ấy, vị Tỷ-kheo không nghĩ đến việc làm hại mình, hại người hay hại cả hai. Trong lúc ấy, vị này chỉ có cảm thọ vô hại. Ta nói rằng vị ngọt tối thượng thuộc về cảm thọ chính là cảm thọ vô hại.

36. (ii) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự nguy hại thuộc cảm thọ? Cảm thọ là vô thường, khổ, phải chịu sự biến hoại. Đây là sự nguy hại thuộc về cảm thọ.

37. (iii) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự vượt thoát thuộc cảm thọ? Đó chính là sự diệt trừ khao khát thèm muốn, từ bỏ khao khát thèm muốn thuộc về cảm thọ. Đây là sự vượt thoát đối với các cảm thọ.

38. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào không hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các cảm thọ, thì những vị này tự thân không thể hiểu được đầy đủ các cảm thọ và cũng không thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng có thể hiểu biết về các cảm thọ - điều đó không thể xảy ra. Các Sa-môn, Bà-la-môn nào hiểu biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, sự nguy hại là nguy hại, sự vượt thoát là vượt thoát đối với các cảm thọ, thì những vị này tự thân có thể hiểu được đầy đủ các cảm thọ ấy và cũng có thể chỉ dẫn cho người khác để cho họ cũng được hiểu biết về các cảm thọ - điều đó có thể xảy ra.

Đây là những gì Thế Tôn đã dạy. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn.

(Trung BK I, Đại Kinh Khổ Uẩn - Kinh số 13, tr. 193-208)

4. NHỮNG CẠM BẪY CỦA DỤC LẠC

(1) Cắt đứt mọi chuyện thế tục

[Gia chủ Potaliya bạch Thế Tôn]:

– Bạch Thế Tôn, thế nào là cắt đứt mọi chuyện thế tục (3) trong giới luật của bậc Thánh một cách toàn bộ và toàn diện? Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn giảng cho con nghe thế nào là cắt đứt mọi chuyện thế tục trong giới luật của bậc Thánh một cách toàn bộ và toàn diện!

– Này gia chủ, vậy thì hãy chú tâm lắng nghe những gì Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Gia chủ Potaliya vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

15. – Này gia chủ, giả sử một con chó đói lả, suy yếu đang chờ trước một tiệm bán thịt. Rồi một người bán thịt khéo tay hay thợ học việc của ông ta quăng cho con chó một khúc xương khéo lóc, lóc sạch không còn chút thịt nào, chỉ còn dính máu. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Con chó ấy có qua khỏi cơn đói lả và suy nhược bằng cách gặm khúc xương khéo lóc, lóc sạch không còn chút thịt nào, chỉ còn dính máu?

– Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bởi vì đó là một khúc xương khéo lóc, lóc sạch không còn chút thịt nào, chỉ còn dính máu. Cuối cùng con chó sẽ chỉ chuốc lấy sự mệt mỏi và thất vọng.

– Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một khúc xương, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí, vị ấy từ bỏ loại xả đa dạng, dựa trên sự đa dạng, và phát triển loại xả hợp nhất, dựa trên sự hợp nhất (4), ở đó, mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

16. – Này gia chủ, giả sử có một con chim kên kên, một con diều hâu, hay một con chim ưng chụp được một miếng thịt và bay bổng đi; và rồi những con chim kên kên, diều hâu, và chim ưng khác bay đuổi theo nó và chụp giựt và mổ nát miếng thịt. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Nếu con chim kên kên, diều hâu, chim ưng ấy không nhanh chóng bỏ miếng thịt ra, thì nó có thể chết hoặc đau đớn gần như chết, phải không?

– Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một miếng thịt, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí... mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

17. – Này gia chủ, giả sử có một người cầm một bó đuốc cỏ đang rực cháy đi ngược chiều gió. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Nếu người ấy không nhanh chóng vứt bỏ bó đuốc, thì bó đuốc cỏ đang rực cháy ấy sẽ đốt cháy bàn tay hay cánh tay hay vài phần khác của cơ thể anh ta, do đó anh ta có thể chết hay đau đớn gần như chết, phải không?

– Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một bó đuốc đang rực cháy, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí... mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

18. – Này gia chủ, giả sử có một hố than sâu hơn thân người, đầy cả than đang hừng cháy, không có ngọn lửa hay khói. Rồi có một người đi đến, người này muốn sống, không muốn chết, muốn hưởng lạc thú và tránh né đau khổ, và có hai lực sĩ đến nắm hai cánh tay của anh này và kéo anh ta về phía hố than đang hừng cháy. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Người đàn ông ấy có vùng vẫy thân hình qua phía này phía kia để tránh né không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bởi vì người ấy biết rằng nếu anh ta rơi vào hố than hừng cháy ấy, anh ta sẽ chết hay đau đớn gần như chết.

– Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một hố than đang hừng cháy, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí... mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

19. – Này gia chủ, giả sử có một người nằm mộng thấy những công viên xinh đẹp, khu rừng xinh đẹp, đồng cỏ xinh đẹp, hồ nước xinh đẹp; đến khi tỉnh dậy, người ấy không thấy gì cả. Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như một giấc mộng, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí... mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

20. – Này gia chủ, giả sử có một người vay mượn tài vật - một chiếc xe sang trọng và các bông tai trang sức đẹp đẽ –và người này đi vào chợ, thân hình mang đầy những đồ vật vay mượn ấy. Rồi nhiều người thấy ông ta sẽ nói: “Các ông bà hãy xem kìa, đó là một người giàu sang! Người giàu sang hưởng thụ như thế đấy!” Rồi những người chủ nợ, khi gặp anh ta, sẽ đòi lại của cải tài vật của họ. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Như vậy có đủ làm cho người đàn ông ấy cảm thấy bị đau buồn thất vọng không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bởi vì những chủ nợ đã đòi lại tài vật của họ.

– Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như tài vật vay mượn, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí... mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

21. – Này gia chủ, giả sử tại một khu rừng rậm cách thôn làng không xa có một cây nặng trĩu quả, không có quả nào rơi xuống đất. Rồi có một người cần trái cây, đang đi tìm trái cây, lang thang tìm kiếm trái cây, người ấy đi vào khu rừng và trông thấy cây nặng trĩu quả. Người ấy nghĩ: “Cây này nặng trĩu quả nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Ta biết leo, vậy ta hãy leo lên cây này, ăn thỏa thích rồi hái đầy túi mang về.” Và người ấy làm đúng như vậy. Rồi có một người thứ hai cần trái cây, đang đi tìm trái cây, lang thang tìm kiếm trái cây, và đem theo một cái búa sắc bén, người này cũng đi vào khu rừng và trông thấy cây nặng trĩu quả. Người này nghĩ: “Cây này nặng trĩu quả nhưng không có trái nào rơi xuống đất. Ta không biết leo, vậy thì ta hãy đốn ngã cây này tận gốc, hái ăn cho thỏa thích, và chất đầy túi mang về.” Và người này làm đúng như vậy. Này gia chủ, ông nghĩ thế nào? Người thứ nhất đã leo lên cây, nếu không nhanh chóng leo xuống, thì khi cây bị đốn ngã, ông ta sẽ bị gãy tay hay chân hay những phần khác của cơ thể, do đó ông ta có thể chết hoặc đau đớn gần như chết, có phải không?

– Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn.

– Cũng vậy, này gia chủ, một vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Thế Tôn đã dạy rằng các dục lạc giác quan được ví như trái trên cây, chúng mang lại nhiều khổ đau, nhiều thất vọng, trong lúc sự nguy hiểm của chúng lại càng nhiều hơn nữa.” Sau khi đã thấy đúng như thật với chánh trí, vị ấy từ bỏ loại xả đa dạng, dựa trên sự đa dạng, và phát triển loại xả hợp nhất, dựa trên sự hợp nhất (4), ở đó, mọi sự bám chấp với thế gian đều được loại trừ hoàn toàn không còn dấu vết.

(Trung BK II, Kinh 54: Kinh Potaliya, tr. 60-66)

(2) Cơn sốt dục lạc

10. – Này Māgandiya, thuở xưa, khi Ta còn sống đời tại gia, Ta được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục: với sắc do mắt nhận biết... với thanh do tai nhận biết... với hương do mũi nhận biết... với vị do lưỡi nhận biết... với các đối tượng xúc chạm do thân nhận biết, là đáng mong cầu, đáng ao ước, dễ chịu, đáng yêu, liên hệ đến dục lạc giác quan và khêu gợi sự thèm khát (5). Ta có ba lâu đài, một cho mùa mưa, một cho mùa đông, và một cho mùa hè. Ta sống trong lâu đài mùa mưa trong bốn tháng mùa mưa, vui thú thọ hưởng âm nhạc với các nữ nhạc công, và Ta không bước xuống lâu đài phía dưới. (6)

Một thời gian sau, Ta đã hiểu được như thật nguồn gốc sinh khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự vượt thoát các dục lạc giác quan, Ta từ bỏ lòng khao khát các dục lạc, Ta đoạn trừ cơn sốt dục lạc, và Ta an trú với nội tâm an tịnh không còn khao khát. Ta thấy những người khác chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, đang buông lung phóng dật trong dục lạc, và ta không ao ước được như họ, cũng như không còn ham thích dục lạc. Vì sao vậy? Bởi vì, này Māgandiya, có một niềm hỷ lạc xa lìa các dục lạc giác quan, xa lìa các pháp bất thiện, vượt qua cả những hỷ lạc siêu phàm. (7) Từ khi Ta an trú trong niềm hỷ lạc ấy, Ta không còn ao ước những gì thấp kém hơn và cũng không ham thích chúng.

11. Này Māgandiya, giả sử có một gia chủ hay con của gia chủ giàu sang, sung túc, nhiều tài sản, được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục, người ấy có thể thọ hường sắc do mắt nhận biết... với thanh do tai nhận biết... với hương do mũi nhận biết... với vị do lưỡi nhận biết... với các đối tượng xúc chạm do thân nhận biết là đáng mong cầu, đáng ao ước, dễ chịu, đáng yêu, liên hệ đến dục lạc giác quan và khêu gợi sự thèm khát. Người ấy sau khi đã hành động thiện lành với thân, khẩu, ý, vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy có thể tái sanh vào cảnh giới tốt đẹp, vào Thiên giới, cùng chung sống với chư Thiên ở cõi Trời Ba Mươi Ba. Ở đó, vị này được Thiên nữ vây quanh trong rừng Nandana, vị ấy được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục siêu phàm của Thiên giới. Giả sử vị này thấy một gia chủ hay con của gia chủ được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục của thế gian, này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Vị thiên trẻ tuổi ấy được các Thiên nữ vây quanh trong rừng Nandana, được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục siêu phàm của Thiên giới, vị thiên ấy có ao ước hay ham thích được thọ hưởng năm dục thế gian như người gia chủ hay con trai người gia chủ kia không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì các dục của cõi Thiên là tuyệt vời và diệu kỳ hơn các dục của thế gian.

12. – Cũng vậy, này Māgandiya, thuở xưa, khi Ta còn sống đời tại gia, Ta được cung cấp đầy đủ và sung mãn để hưởng thọ năm dục: với sắc do mắt nhận biết... với thanh do tai nhận biết... với hương do mũi nhận biết... với vị do lưỡi nhận biết... với các đối tượng xúc chạm do thân nhận biết, là đáng mong cầu, đáng ao ước, dễ chịu, đáng yêu, liên hệ đến dục lạc giác quan và khêu gợi sự thèm khát. Một thời gian sau, Ta đã hiểu được như thật nguồn gốc sinh khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự vượt thoát các dục lạc giác quan, Ta từ bỏ lòng khao khát các dục lạc, Ta đoạn trừ cơn sốt dục lạc, và Ta an trú với nội tâm an tịnh không còn khao khát. Ta thấy những người khác chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, đang buông lung phóng dật trong dục lạc, và Ta không ao ước được như họ, cũng như không còn ham thích dục lạc. Vì sao vậy? Bởi vì, này Māgandiya, có một niềm hỷ lạc xa lìa các dục lạc giác quan, xa lìa các pháp bất thiện, vượt qua cả những hỷ lạc siêu phàm. Từ khi Ta an trú trong niềm hỷ lạc ấy, Ta không còn ao ước những gì thấp kém hơn và cũng không ham thích chúng.

13. – Này Māgandiya, giả sử có một người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy. Rồi bạn bè, bà con thân quyến đưa một y sĩ đến chữa bệnh cho anh ta. Vị y sĩ chế thuốc cho anh ta, và nhờ thuốc ấy, anh ta được chữa lành khỏi bệnh cùi, và anh ta được khỏe mạnh an vui, độc lập, tự làm chủ mình, có thể đi bất cứ nơi nào anh ta muốn. Rồi anh ấy thấy một người cùi khác với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào, anh ấy có ao ước được như người cùi kia để có hố than hừng hay những vị thuốc mà người cùi kia được dùng ?

– Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy ? Bởi vì khi có bệnh thì cần phải dùng thuốc, và khi không có bệnh, thì không cần dùng thuốc.

14. – Cũng vậy, này Māgandiya, thuở xưa, khi Ta còn sống đời tại gia… (giống như đoạn 12)… Từ khi Ta an trú trong niềm hỷ lạc ấy, Ta không còn ao ước những gì thấp kém hơn và cũng không ham thích chúng.

15. – Này Māgandiya, giả sử có một người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy. Rồi bạn bè, bà con thân quyến đưa một y sĩ đến chữa bệnh cho anh ta. Vị y sĩ chế thuốc cho anh ta, và nhờ thuốc ấy, anh ta được chữa lành khỏi bệnh cùi, và anh ta được khỏe mạnh an vui, độc lập, tự làm chủ mình, có thể đi bất cứ nơi nào anh ta muốn. Rồi có hai người lực sĩ đến nắm hai cánh tay của anh này và kéo anh ta về phía hố than đang hừng cháy. Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Anh ấy có vùng vẫy thân hình qua phía này phía kia để tránh né không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Bởi vì chạm phải ngọn lửa ấy quả thật đau đớn, nóng và cháy bỏng.

– Này Māgandiya, ông nghĩ thế nào? Có phải chỉ bây giờ chạm phải ngọn lửa ấy quả thật đau đớn, nóng và cháy bỏng, hay trước kia chạm phải ngọn lửa ấy cũng đau đớn, nóng và cháy bỏng?

– Bạch Thế Tôn, bây giờ chạm phải ngọn lửa ấy quả thật đau đớn, nóng và cháy bỏng, và trước kia chạm phải ngọn lửa ấy cũng đau đớn, nóng và cháy bỏng. Vì khi người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, các căn của anh ta bị khuyết tật; vì thế, mặc dù chạm phải ngọn lửa quả thật rất đau đớn, nóng và cháy bỏng, anh ta có một nhận thức sai lầm rằng ngọn lửa ấy là dễ chịu.

16. – Cũng vậy, này Māgandiya, trong quá khứ, xúc chạm với các dục là đau đớn, nóng và cháy bỏng; trong tương lai xúc chạm với các dục là đau đớn, nóng và cháy bỏng; và bây giờ trong hiện tại, xúc chạm với các dục là đau đớn, nóng và cháy bỏng. Nhưng những người này chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, các căn của họ bị khuyết tật; vì thế mặc dù xúc chạm với các dục quả thật rất đau đớn, nóng và cháy bỏng, họ có một nhận thức sai lầm rằng các dục là dễ chịu. (9)

17. – Này Māgandiya, giả sử có một người cùi với những vết đau lở lói trên chân tay, bị sâu bọ đục khoét, dùng móng tay cào rách miệng các vết lở, hơ đốt thân mình trên hố than hừng cháy; anh ta càng cào rách các vết lỡ trên thân hình, các miệng vết lỡ ấy càng hôi hám, thối tha, và càng bị nhiễm trùng. Tuy vậy, anh ta vẫn cảm thấy một mức độ hài lòng thích thú khi cào rách miệng các vết lở. Cũng vậy, này Māgandiya, những người chưa thoát khỏi thèm khát dục lạc, đang bị xâu xé bởi lòng thèm khát dục lạc, đang cháy bỏng với cơn sốt dục lạc, đang buông lung phóng dật trong dục lạc, càng buông lung phóng dật trong các dục, lòng khao khát của họ lại càng gia tăng, và họ càng bị thiêu đốt bởi cơn sốt dục lạc, tuy vậy họ tìm thấy một mức độ thỏa mãn thích thú nào đó trong việc theo đuổi năm dục lạc giác quan.

(Trung BK II, Kinh số 75: Kinh Māgandiya, tr. 358-365)

5. ĐỜI SỐNG LÀ NGẮN NGỦI VÀ PHÙ DU

– Này các Tỷ-kheo, thuở xưa, có một đạo sư tên là Araka, người đã thoát ly khỏi sự thèm khát dục vọng. Đạo sư này có hằng trăm đệ tử, và sau đây là giáo lý vị này đã dạy cho đệ tử:

“Này các Bà-la-môn, đời sống con người thật ngắn ngủi, giới hạn và phù du; đầy cả khổ đau, đầy cả phiền não. Điều này con người phải khéo hiểu. Con người phải làm điều thiện và sống đời thanh tịnh, vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng giống như một giọt sương trên đầu ngọn cỏ, sẽ mau chóng tan biến khi mặt trời mọc và sẽ không kéo dài được lâu; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người cũng giống như giọt sương. Đời sống ấy ngắn ngủi, giới hạn và phù du; đầy cả khổ đau, đầy cả phiền não. Điều này con người phải khéo hiểu. Con người phải làm điều thiện và sống đời thanh tịnh, vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng như khi trời mưa nặng hạt, bong bóng hiện ra trên mặt nước sẽ nhanh chóng biến mất và sẽ không kéo dài được lâu; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người cũng giống như bong bóng nước. Đời sống ấy ngắn ngủi... vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng giống như một đường kẻ vạch trên mặt nước bằng cây gậy sẽ biến mất nhanh chóng và không tồn tại được lâu; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người cũng giống như một đường kẻ vạch trên mặt nước. Đời sống ấy ngắn ngủi... vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng giống như một dòng suối trên núi chảy xuống từ xa, dòng nước chảy nhanh, mang theo nhiều rác rến, sẽ không dừng nghỉ một chốc lát, một giây, một sát-na nhưng sẽ cuồn cuộn chảy tới; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người cũng giống như dòng suối trên núi chảy xuống. Đời sống ấy ngắn ngủi... vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng giống như một người lực sĩ dồn một cục nước miếng vào đầu lưỡi và nhổ ra dễ dàng; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người cũng giống như một cục nước miếng. Đời sống ấy ngắn ngủi... vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng giống như một miếng thịt được quăng vào chảo sắt đun nóng suốt ngày sẽ nhanh chóng cháy đen và không tồn tại được lâu; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người cũng giống như miếng thịt này. Đời sống ấy ngắn ngủi... vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.

Cũng giống như một con bò sắp bị giết đang được dắt đến lò mổ thịt, mỗi bước chân con bò cất lên là mỗi bước nó tiến gần đến lò mổ thịt; cũng vậy, này các Bà-la-môn, đời sống con người giống như con bò sắp bị giết; đời sống ấy thật ngắn ngủi, giới hạn và phù du, đầy cả khổ đau, đầy cả phiền não. Điều này con người phải khéo hiểu. Con người phải làm điều thiện và sống đời thanh tịnh, vì không có ai đã sinh ra mà thoát khỏi cái chết.”

Nhưng vào thời đó, này các Tỷ-kheo, tuổi thọ con người là 60.000 năm, và vào tuổi 500, các cô gái đã chuẩn bị kết hôn. Lúc bấy giờ, con người chỉ có sáu loại khổ não là: lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện và tiểu tiện. Mặc dù con người sống lâu như vậy và ít khổ não như vậy, đạo sư Araka vẫn dạy đệ tử của ông rằng: “Đời sống con người thật ngắn ngủi...”

Nhưng ngày nay, này các Tỷ-kheo, người chơn chánh sẽ nói như sau: “Đời sống con người thật ngắn ngủi... vì ngày nay ai sống thọ sẽ sống được trăm tuổi hoặc hơn một chút. Và khi sống được trăm tuổi, đó chỉ là ba trăm mùa: một trăm mùa đông, một trăm mùa hè, và một trăm mùa mưa. Khi sống ba trăm mùa, đó chỉ là một ngàn hai trăm tháng: bốn trăm tháng mùa đông, bốn trăm tháng mùa hè, và bốn trăm tháng mùa mưa. Khi sống được một ngàn hai trăm tháng, đó chỉ là hai ngàn bốn trăm nửa tháng: tám trăm nửa tháng mùa đông, tám trăm nửa tháng mùa hè, và tám trăm nửa tháng mùa mưa.

Và khi sống được hai ngàn bốn trăm nửa tháng, đó chỉ là 36.000 ngày: 12.000 ngày mùa đông, 12.000 ngày mùa hè, 12.000 ngày mùa mưa. Và khi sống 36.000 ngày, người ấy chỉ ăn 72.000 bữa ăn: 24.000 bữa ăn vào mùa đông, 24.000 bữa ăn vào mùa hè, và 24.000 bữa ăn vào mùa mưa. Đây bao gồm thời gian bú sữa mẹ và thời gian không ăn bữa nào. Đây là thời gian không ăn bữa nào: khi người ấy bị kích động giận dữ, bị đau khổ hay bệnh tật, vào ngày trai giới, hay lúc không có thực phẩm để ăn.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta đã tính tuổi thọ của một người sống lâu đến trăm tuổi: giới hạn của tuổi thọ ông ta, số mùa, năm, tháng và nửa tháng, đêm và ngày, các bữa ăn và những lúc không ăn gì cả.

Bất cứ những gì bậc đạo sư có lòng từ bi, xuất phát từ lòng từ bi, nên làm vì lợi lạc của đệ tử, thì Ta đã làm cho các ông. Này các Tỷ-kheo, đây là những gốc cây, đây là các cốc trống trải. Này các Tỷ-kheo, hãy hành thiền, đừng xao lãng, nếu không các ông sẽ hối tiếc sau này. Đây là lời giáo huấn của Ta cho các ông.

(Tăng Chi BK III, Ch. VII, Đại Phẩm (X) (70) Araka, tr. 471-475)

6. TÓM LƯỢC BỐN GIÁO PHÁP

26. Tôn giả Raṭṭhapāla đi đến Vườn Migācira của vua Koravya và ngồi xuống một gốc cây để nghỉ ngơi qua ngày.

27. Rồi vua Koravya nói với người thợ săn:
– Này anh thợ săn, hãy dọn dẹp vườn Migācira để chúng ta có thể đến thăm viếng quang cảnh đẹp đẽ nơi đây.
Người thợ săn trả lời
– Thưa vâng, tâu Đại vương. Rồi trong khi người ấy dọn dẹp vườn Migācira, anh ta thấy Tôn giả Raṭṭhapāla đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ngơi qua ngày. Khi anh ta thấy Tôn giả, anh ta đi đến tâu với vua Koravya:
– Tâu Đại vương, vườn Migācira đã được dọn dẹp sạch sẽ. Có thiện nam tử Raṭṭhapāla đang ngồi ở đó, vị ấy là con trai của trưởng tộc ở thị trấn Thullakoṭṭhita này, mà Đại vương thường hay khen ngợi; vị ấy đang ngồi dưới một gốc cây để nghỉ ngơi qua ngày.

– Này anh thợ săn, hôm nay ngươi dọn dẹp vườn cảnh như vậy là đủ rồi. Bây giờ chúng ta hãy đến đảnh lễ Tôn giả Raṭṭhapāla.

28. Rồi nhà vua nói: “Hãy đem bố thí tất cả thức ăn đã soạn sẵn”, và Vua Koravya ra lệnh chuẩn bị một số cổ xe ngựa, vua leo lên một cổ xe, các cổ xe khác theo sau hộ tống; xe vua đi ra khỏi thị trấn Thullakoṭṭhita với oai phong của một bậc đế vương, đến thăm Tôn giả Raṭṭhapāla. Cổ xe vua đi hết con đường có thể chạy xe được, sau đó vua xuống xe đi bộ, cùng với đoàn tùy tùng cao cấp của vua, để đi đến chỗ Tôn giả Raṭṭhapāla. Nhà vua trao đổi lời chào hỏi với Tôn giả Raṭṭhapāla, sau khi nói xong những lời chào hỏi thân hữu, vua đứng qua một bên và thưa rằng:
– Đây là tấm thảm voi. Xin mời Tôn giả Raṭṭhapāla ngồi trên tấm thảm này.

– Thưa Đại vương, tôi không có nhu cầu ấy. Tôi ngồi trên tấm thảm của tôi là được rồi.

Vua Koravya ngồi xuống trên một chỗ đã soạn sẵn và thưa:

29. – Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có bốn sự mất mát. Vì đã trải qua những mất mát này mà nhiều người ở đây cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn? Đó là mất mát do tuổi già, mất mát do bệnh tật, mất mát tài sản, và mất mát thân quyến.

30. Và thế nào là mất mát do tuổi già? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có người đã lớn tuổi, đã già, mang gánh nặng của tháng năm, đã tiến tới tuổi trưởng lão, đã vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Người ấy suy nghĩ như sau: “Ta nay đã lớn tuổi, đã già, mang gánh nặng của tháng năm, đã tiến tới tuổi trưởng lão, đã vào giai đoạn cuối của cuộc đời. Ta sẽ không còn dễ dàng kiếm thêm tài sản hay gia tăng tài sản đã đạt được. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Bởi vì ông ta đã trải qua sự mất mát do tuổi già, nên ông ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Đây gọi là sự mất mát do tuổi già. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla hiện nay đang là một thanh niên tóc đen nhánh, được hưởng tất cả những ân phước của tuổi thanh xuân, đang ở trong thời kỳ niên thiếu. Tôn giả Raṭṭhapāla chưa trải qua sự mất mát nào do tuổi già. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

31. Và thế nào là mất mát do bệnh tật? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có người bị phiền não, đau khổ, và lâm bệnh nặng. Người ấy suy nghĩ như sau: “Ta nay đang phiền não, đau khổ, lâm bệnh nặng. Ta sẽ không còn dễ dàng kiếm thêm tài sản... sống không gia đình. Đây gọi là sự mất mát do bệnh tật. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla hiện nay không có bệnh tật hay phiền não; ngài có được sự tiêu hóa điều hòa, không quá nóng cũng không quá lạnh, chỉ đúng mức. Tôn giả Raṭṭhapāla đã không trải qua sự mất mát do bệnh tật. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

32. Và thế nào là mất mát tài sản? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có người giàu sang, sung mãn, nhiều tài sản. Dần dần, tài sản của ông ta bị tiêu tan. Người ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia ta giàu sang, sung mãn, nhiều tài sản. Dần dần, tài sản của ta bị tiêu tan. Ta sẽ không còn dễ dàng kiếm thêm tài sản... sống không gia đình.” Bởi vì ông ta đã trải qua sự mất mát tài sản... ông ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Đây gọi là sự mất mát tài sản. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla là con trai của vị trưởng tộc trong thị trấn Thullakoṭṭhita. Tôn giả Raṭṭhapāla chưa trải qua sự mất mát tài sản. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

33. Và thế nào là mất mát thân quyến? Ở đây, thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, có người có rất nhiều bạn bè thân hữu, bà con thân quyến. Những bà con thân quyến ấy dần dần suy vong. Người ấy suy nghĩ như sau: “Trước kia, ta có nhiều bạn bè thân hữu, bà con thân quyến. Những bà con thân quyến ấy dần dần suy vong. Ta sẽ không còn dễ dàng kiếm thêm tài sản... sống không gia đình.” Bởi vì ông ta đã trải qua sự mất mát bà con thân quyến... ông ấy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng Tôn giả Raṭṭhapāla có rất nhiều bạn bè thân hữu, bà con thân quyến trong thị trấn Thullakoṭṭhita này. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

34. Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, đó là bốn sự mất mát. Vì đã trải qua những mất mát này mà nhiều người ở đây cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tôn giả Raṭṭhapāla chưa hề trải qua những mất mát ấy. Vậy thì Tôn giả đã biết, thấy hay nghe những gì khiến ngài xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình?

35. – Thưa Đại vương, có bốn tóm lược của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy. Tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, nên tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Thế nào là bốn?

36. (1) Đời sống trong thế gian là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt: đây là tóm lược thứ nhất của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy. Tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, nên tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

(2) Đời sống trong thế gian này không có nơi an trú, không có ai bảo vệ: đây là tóm lược thứ hai của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy...

(3) Đời sống trong thế gian này không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả: đây là tóm lược thứ ba của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy...

(4) Đời sống trong thế gian này là không trọn vẹn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái: đây là tóm lược thứ tư của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy...

37. Thưa Đại vương, đó là bốn tóm lược của Giáo pháp mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã giảng dạy. Tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, nên tôi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

38. – Tôn giả Raṭṭhapāla nói rằng: “Đời sống trong thế gian này là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt.” Ý nghĩa của câu này cần phải được hiểu như thế nào?

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Khi ngài 20 tuổi hay 25 tuổi, ngài có phải là một người cưỡi voi thiện nghệ, một người đánh xe thiện nghệ, một người bắn cung thiện nghệ, một tay kiếm thiện nghệ, bắp thịt tay chân mạnh mẽ, vững vàng, có khả năng chiến đấu?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, dĩ nhiên tôi là người như vậy. Đôi lúc, tôi tự hỏi phải chăng lúc đó tôi có sức mạnh của siêu nhân. Tôi không thấy có ai có thể ngang bằng tôi về sức mạnh.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Có phải bây giờ bắp tay bắp chân ngài cũng mạnh mẽ, vững vàng, có khả năng chiến đấu như trước kia?

– Thưa không, Tôn giả Raṭṭhapāla. Nay tôi đã lớn tuổi, đã già, mang gánh nặng của tháng năm, đã tiến tới tuổi trưởng lão, đã vào giai đoạn cuối của cuộc đời, tôi đã 80 tuổi rồi. Đôi lúc tôi muốn đặt chân ở chỗ này nhưng chân tôi lại bước đi chỗ khác.

– Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: “Đời sống trong thế gian là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt;” và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này: “Đời sống trong thế gian là không ổn định, sẽ đi đến hủy diệt.” Quả đúng như vậy!

39. Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, trong triều đình của tôi hiện có đội quân voi và đội quân ngựa, đội quân xa, và bộ binh; những đội quân này sẽ bảo vệ chúng tôi và dập tắt mọi đe dọa đối với chúng tôi. Giờ đây, Tôn giả Raṭṭhapāla nói rằng: “Đời sống trong thế gian này không có nơi an trú, không có ai bảo vệ.” Ý nghĩa của câu này cần phải được hiểu như thế nào?

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Đại vương có bị bệnh kinh niên nào không?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi bị bệnh phong kinh niên. Đôi lúc, bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc của tôi đứng quanh tôi và nghĩ rằng: “Giờ đây vua Koravya sắp mệnh chung, giờ đây vua Koravya sắp mệnh chung.”

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Ngài có thể ra lệnh cho bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc rằng: “Hãy đến đây, hỡi bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc. Tất cả thân nhân hãy chia sẻ cảm giác đau đớn này để cho tôi giảm bớt cơn đau?” Hay là ngài phải chịu đựng cơn đau một mình?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi không thể ra lệnh cho bạn bè thân hữu, bà con quyến thuộc như vậy được. Tôi phải chịu đựng cơn đau một mình.

– Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: “Đời sống trong thế gian không có nơi an trú, không có ai bảo vệ;” và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này: “Đời sống trong thế gian không có nơi an trú, không có ai bảo vệ.” Quả đúng như vậy!

40. Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, trong triều đình của tôi hiện có rất nhiều đồng tiền vàng và vàng nén chứa trong các kho trên lầu thượng và dưới hầm. Giờ đây, Tôn giả Raṭṭhapāla nói rằng: “Đời sống trong thế gian này không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả.” Ý nghĩa của câu này cần phải được hiểu như thế nào?

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Giờ đây ngài được cung cấp đầy đủ và sung mãn để thọ hưởng năm dục lạc giác quan, nhưng ngài có chắc chắn rằng trong đời sống kế tiếp ngài cũng sẽ được cung cấp đầy đủ và sung mãn để thọ hưởng năm dục như vậy không? Hay là những kẻ khác sẽ thừa hưởng tài sản này trong lúc ngài vẫn phải tiếp tục đi theo nghiệp của mình?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi không thể biết chắc những gì sẽ xảy ra trong đời sống kế tiếp. Trái lại, những kẻ khác sẽ thừa hưởng tài sản này trong lúc tôi vẫn phải tiếp tục đi theo nghiệp của mình.

– Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: “Đời sống trong thế gian không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả;” và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này: “Đời sống trong thế gian không là sở hữu của ai, con người khi ra đi phải để lại tất cả.” Quả đúng như vậy!

41. Tôn giả Raṭṭhapāla nói rằng: “Đời sống trong thế gian này là không trọn vẹn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái.” Ý nghĩa của câu này cần phải được hiểu như thế nào?

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Có phải ngài đang cai trị đất nước Kuru phồn thịnh?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, đúng như vậy.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Giả sử có một người đáng tín nhiệm, có uy tín, đến từ phương đông và tâu với ngài rằng: “Tâu Đại vương, ngài có biết rằng tôi vừa đến từ phương đông, ở đó tôi đã thấy một đất nước thật hùng mạnh, giàu có, đông dân, đường phố đông đúc người. Có rất nhiều đội quân voi, đội quân ngựa, đội quân xa, và bộ binh; có rất nhiều ngà voi, nhiều tiền vàng và vàng nén đã đúc và chưa đúc, rất nhiều phụ nữ để làm vợ. Với vũ lực của ngài hiện nay, ngài có thể chinh phục đất nước ấy. Tâu Đại Vương, ngài hãy đi chinh phục.” Đại vương sẽ hành động như thế nào?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi sẽ đi chinh phục và cai trị đất nước ấy.

– Thưa Đại vương, ngài nghĩ thế nào? Giả sử có một người đáng tín nhiệm, có uy tín, đến từ phương tây... từ phương bắc... từ phương nam... từ bên kia bờ biển, và tâu với ngài rằng: “Tâu Đại vương, ngài có biết rằng tôi vừa đến từ bên kia bờ biển, ở đó tôi đã thấy một đất nước thật hùng mạnh, giàu có, đông dân, đường phố đông đúc người. Có rất nhiều đội quân voi, đội quân ngựa, đội quân xa, và bộ binh; có rất nhiều ngà voi, nhiều tiền vàng và vàng nén đã đúc và chưa đúc, rất nhiều phụ nữ để làm vợ. Với vũ lực của ngài hiện nay, ngài có thể chinh phục đất nước ấy. Tâu Đại Vương, ngài hãy đi chinh phục.” Đại vương sẽ hành động như thế nào?

– Thưa Tôn giả Raṭṭhapāla, tôi sẽ đi chinh phục và cai trị đất nước ấy.

– Thưa Đại vương, chính vì điểm này mà Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã dạy: “Đời sống trong thế gian này là bất toàn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái;” và khi tôi đã biết, đã thấy và đã nghe giáo pháp ấy, tôi quyết định xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

– Thật tuyệt vời thay, thật vi diệu thay, Tôn giả Raṭṭhapāla! Thế Tôn, bậc Tri giả, Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã khéo diễn đạt ý nghĩa của lời dạy này: “Đời sống trong thế gian này là bất toàn, luôn khao khát, là nô lệ của khát ái.” Quả đúng như vậy!

(Trung BK II, Kinh 82: Kinh Raṭṭhapāla, tr. 515-528)

7. SỰ NGUY HIỂM CỦA KIẾN CHẤP

(1) Các loại tà kiến

– Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy có một pháp nào khác, mà do pháp ấy, các niệm bất thiện trong tâm chưa sanh khởi được sanh khởi và các niệm bất thiện đã sanh khởi sẽ tăng trưởng và phát triển rộng, như trường hợp tà kiến. (10) Với người có tà kiến, các niệm bất thiện trong tâm chưa sanh được sanh khởi, và các niệm bất thiện đã sanh sẽ tăng trưởng và phát triển rộng.

Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy có một pháp nào khác, mà do pháp ấy, những niệm thiện trong tâm chưa sanh không được sanh khởi, và những niệm thiện trong tâm đã sanh sẽ bị tiêu trừ, như trường hợp tà kiến. Với người có tà kiến, các niệm thiện trong tâm chưa sanh không được sanh khởi và các niệm thiện trong tâm đã sanh sẽ bị tiêu trừ.

Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy có một pháp nào khác, mà do pháp ấy, chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, sẽ bị tái sanh vào cõi khốn khổ, vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục, như trường hợp người có tà kiến. Những chúng sanh có tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, sẽ bị tái sanh vào cõi khốn khổ, vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, đối với người có tà kiến, bất cứ hành động nào về thân, khẩu, ý mà người này thực hành theo tà kiến ấy; và bất cứ ý muốn, nguyện vọng, mong ước và các tâm hành có ý thức nào ông ta thực hiện theo tà kiến ấy, thì sẽ đưa đến những gì không toại ý, không ưa thích, không dễ chịu, sẽ đưa đến thiệt hại và đau khổ. Vì sao? Bởi vì tà kiến là ác pháp. Cũng giống như hạt giống cây nim, cây dưa đắng, cây mướp đắng được gieo vào đất ướt, chúng sẽ biến đổi bất cứ chất bổ dưỡng nào chúng hút được từ đất và nước và sẽ trổ ra những quả đắng, cay, với mùi vị khó chịu; cũng vậy đối với người có tà kiến. Vì sao? Bởi vì tà kiến là ác pháp.

(Tăng Chi BK I, Ch. XVII, Phẩm Chủng Tử, tr. 66-69)

(2) Những người mù và con voi

Một thời, Thế Tôn đang cư ngụ tại thành Xá-vệ (Sāvatthī) ở rừng Kỳ-đà (Jeta) thuộc vườn Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika). Lúc bấy giờ, một số các Sa-môn, Bà-la-môn, và các du sĩ ngoại đạo cũng đang cư ngụ trong thành Xá-vệ. Họ có những quan điểm, đức tin và ý kiến khác nhau, và họ tuyên truyền những quan điểm khác nhau. Rồi họ gây gỗ, tranh cãi, tranh chấp và làm tổn thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như mũi tên, họ nói rằng: “Pháp là như thế này, Pháp không phải như thế kia! Pháp không phải như thế này, Pháp là như thế kia!”

Rồi một số Tỷ-kheo đi vào thành Xá-vệ để khất thực. Khi trở về, sau khi thọ thực xong, các vị Tỷ-kheo đến bên Thế Tôn, đảnh lễ Ngài, ngồi xuống một bên, và bạch Thế Tôn về những gì họ đã thấy. Thế Tôn dạy rằng:

– Này các Tỷ-kheo, những du sĩ ngoại đạo là những người mù không có mắt. Họ không biết những gì lợi ích và những gì gây tổn hại. Họ không biết Pháp là gì và những gì không phải là Pháp, vì thế họ gây gỗ và tranh cãi nhau.

Này các Tỷ-kheo, xưa kia, có một vị vua ở thành Xá-vệ bảo một người dân đi gom tất cả những người mù bẩm sinh trong thành phố này về một chỗ. Sau khi người ấy làm xong việc này, nhà vua bảo người ấy đem một con voi đến với đám người mù. Với một vài người mù, ông này cho họ sờ cái đầu voi; với một vài người khác, ông ta cho sờ cái tai voi; với vài người khác nữa, ông ta cho sờ cái ngà voi, vòi voi, thân voi, chân voi, phần lưng voi, cái đuôi, hay chùm lông cuối đuôi voi. Và ông ta nói với mỗi nhóm người mù rằng: “Đây là con voi” mỗi lần ông cho họ sờ một phần thân thể con voi.

Khi ông ấy trình lại với nhà vua những gì ông đã làm, nhà vua đi đến đám người mù và bảo họ: “Này các người mù, hãy nói cho trẫm biết con voi giống cái gì?”

Những người được sờ cái đầu voi tâu rằng: “Tâu Đại vương, con voi giống như một cái vại nước.” Những người được sờ cái tai voi thì tâu rằng: “Tâu đại vương, con voi giống như cái rá sàng lúa gạo.” Những người được sờ cái ngà voi thì tâu: “Tâu đại vương, con voi giống như cái lưỡi cày.” Những người được sờ vòi voi thì tâu: “Tâu đại vương, con voi giống như cây cày.” Những người được sờ lưng voi thì tâu: “Tâu đại vương, con voi giống như một kho chứa đồ.” Và cứ như thế, mỗi nhóm mô tả con voi theo phần thân thể voi mà họ đã được sờ.

Rồi họ nói: “Con voi là như thế này, con voi không phải như thế kia! Con voi không phải như thế này, con voi như thế kia!” Rồi họ dùng nắm tay để đánh nhau. Và nhà vua thấy vui thích. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, vì vậy họ gây gỗ, tranh cãi, tranh chấp và làm tổn thương nhau bằng những lời nói bén nhọn như mũi tên.

(Kinh Udāna 6:4, tr. 67-69)

(3) Chấp thủ hai loại tà kiến

– Này các Tỷ-kheo, một số chư Thiên và loài người chấp thủ hai loại tà kiến, nên đã có phản ứng kềm hãm tiến bộ hoặc đi quá trớn; chỉ có những người có mắt mới nhìn thấy.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là kềm hãm tiến bộ? Một số chư Thiên và loài người vui thích hiện hữu, thích thú được hiện hữu, hoan hỷ trong hiện hữu. Khi Giáo pháp dạy cho họ để chấm dứt hiện hữu, tâm của họ không tiếp thu được, không có sự tin tưởng, không an trú được hoặc không quyết định dứt khoát được. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là kềm hãm tiến bộ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đi quá trớn? Ở đây, một số chư Thiên và loài người bị phiền não, xấu hổ, và ghê sợ chính sự hiện hữu này và họ hoan hỷ muốn không hiện hữu, nói rằng: “Này chư hiền, bao giờ cái ngã này bị đoạn trừ và tiêu diệt sau khi thân hoại mạng chung và không còn hiện hữu sau khi chết, thì đó là an tịnh, là tối thắng, chỉ như vậy thôi!” Này các Tỷ-kheo, như thế là đi quá trớn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chỉ những người có mắt mới nhìn thấy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo thấy các pháp hiện hữu như chúng đang hiện hữu. Sau khi thấy như vậy, vị này tu tập để xả ly, ly tham, tiến đến chấm dứt hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, như vậy là chỉ những người có mắt mới nhìn thấy.

(Kinh Udāna 49; 43-44)

8. TỪ THIÊN GIỚI ĐẾN ĐỊA NGỤC

– Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt trong đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người an trú với tâm từ tràn ngập khắp một phương; cũng vậy với phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư; cũng vậy trên, dưới, băng ngang, khắp mọi nơi, khắp mọi vật cũng như chính mình, người ấy an trú với tâm từ tràn ngập khắp thế giới, quảng đại, hân hoan, vô hạn, không thù nghịch, không sân hận. Vị ấy vui hưởng niềm an lạc ấy, ưa thích nó, và cảm thấy cực kỳ thích thú. Nếu vị ấy vững chãi với niềm an lạc ấy, quyết tâm giữ vững nó, thường xuyên an trú trong niềm an lạc ấy, và không đánh mất nó khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ được tái sanh cùng sống chung với chư Thiên của cõi Trời Phạm Thiên. Thọ mạng của chư Thiên trong cõi Phạm Thiên là một kiếp. Tại đấy, kẻ phàm phu sẽ ở lại cho hết một kiếp, và khi kẻ ấy đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, kẻ ấy sẽ đi xuống cõi địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Như Lai sẽ vẫn ở lại đó cho đến hết kiếp, và sau khi đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, vị ấy sẽ chứng đắc Niết-bàn trong chính hiện hữu ấy. Đây là sự khác nhau, điểm khác biệt, nét đặc thù giữa bậc Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, về vấn đề tái sanh ở nơi chốn nào.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người an trú với tâm bi tràn ngập khắp một phương; cũng vậy với phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư; cũng vậy, trên, dưới, băng ngang, khắp mọi nơi, khắp mọi vật cũng như chính mình, người ấy an trú với tâm bi tràn ngập khắp thế giới, quảng đại, hân hoan, vô hạn, không thù nghịch, không sân hận. Vị ấy vui hưởng niềm an lạc ấy, ưa thích nó, và cảm thấy cực kỳ thích thú. Nếu vị ấy vững chãi với niềm an lạc ấy, quyết tâm giữ vững nó, thường xuyên an trú trong niềm an lạc ấy, và không đánh mất nó khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ được tái sanh cùng sống chung với chư Thiên của cõi Quang Âm Thiên. Thọ mạng của chư Thiên trong cõi Quang Âm Thiên là hai kiếp. Tại đấy, kẻ phàm phu sẽ ở lại cho hết kiếp, và khi kẻ ấy đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, kẻ ấy sẽ đi xuống cõi địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Như Lai sẽ vẫn ở lại đó cho đến hết kiếp, và sau khi đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, vị ấy sẽ chứng đắc Niết-bàn trong chính hiện hữu ấy. Đây là sự khác nhau, điểm khác biệt, nét đặc thù giữa bậc Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, về vấn đề tái sanh ở nơi chốn nào.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người an trú với tâm hỷ tràn ngập khắp một phương; cũng vậy với phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư; cũng vậy, trên, dưới, băng ngang, khắp mọi nơi, khắp mọi vật cũng như chính mình, người ấy an trú với tâm hỷ tràn ngập khắp thế giới, quảng đại, hân hoan, vô hạn, không thù nghịch, không sân hận. Vị ấy vui hưởng niềm an lạc ấy, ưa thích nó, và cảm thấy cực kỳ thích thú. Nếu vị ấy vững chãi với niềm an lạc ấy, quyết tâm giữ vững nó, thường xuyên an trú trong niềm an lạc ấy, và không đánh mất nó khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ được tái sanh cùng sống chung với chư Thiên của cõi Biến Tịnh Thiên. Thọ mạng của chư Thiên trong cõi Biến Tịnh Thiên là bốn kiếp. Tại đấy, kẻ phàm phu sẽ ở lại cho hết kiếp, và khi kẻ ấy đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, kẻ ấy sẽ đi xuống cõi địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Như Lai sẽ vẫn ở lại đó cho đến hết kiếp, và sau khi đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, vị ấy sẽ chứng đắc Niết-bàn trong chính hiện hữu ấy. Đây là sự khác nhau, điểm khác biệt, nét đặc thù giữa bậc Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, về vấn đề tái sanh ở nơi chốn nào.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người an trú với tâm xả tràn ngập khắp một phương; cũng vậy với phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ tư; cũng vậy, trên, dưới, băng ngang, khắp mọi nơi, khắp mọi vật cũng như chính mình, người ấy an trú với tâm xả tràn ngập khắp thế giới, quảng đại, hân hoan, vô hạn, không thù nghịch, không sân hận. Vị ấy vui hưởng niềm an lạc ấy, ưa thích nó, và cảm thấy cực kỳ thích thú. Nếu vị ấy vững chãi với niềm an lạc ấy, quyết tâm giữ vững nó, thường xuyên an trú trong niềm an lạc ấy, và không đánh mất nó khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ được tái sanh cùng sống chung với chư Thiên của cõi Quảng Quả Thiên. Thọ mạng của chư Thiên trong Quảng Quả Thiên là năm trăm kiếp. Tại đấy, kẻ phàm phu sẽ ở lại cho hết kiếp, và khi kẻ ấy đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, kẻ ấy sẽ đi xuống cõi địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Nhưng đệ tử của Như Lai sẽ vẫn ở lại đó cho đến hết kiếp, và sau khi đã sống trọn tuổi thọ của chư Thiên, vị ấy sẽ chứng đắc Niết-bàn trong chính hiện hữu ấy. Đây là sự khác nhau, điểm khác biệt, nét đặc thù giữa bậc Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp, về vấn đề tái sanh ở nơi chốn nào.

Này các Tỷ-kheo, đấy là bốn hạng người có mặt trong đời.

(Tăng Chi BK II, Ch. XIII, Phẩm: Sợ Hãi (V) (125), tr. 58-61)

9. HIỂM HỌA CỦA CÕI LUÂN HỒI

(1) Suối nước mắt

– Này các Tỷ-kheo, không thể tìm ra khởi thủy của cõi luân hồi này. Không thể biết được điểm khởi đầu của chúng sanh lang thang trong cõi luân hồi do bị vô minh che lấp và tham ái trói buộc. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào, suối nước mắt chúng sanh đã nhỏ ra trong lúc lang thang trong cõi luân hồi này, khóc than vì phải gắn bó với những gì họ chán ghét và xa cách những gì họ yêu thích – suối nước mắt hay nước trong bốn đại dương, cái gì nhiều hơn?

– Bạch Thế Tôn, theo như chúng con hiểu Giáo pháp Thế Tôn đã dạy, thì suối nước mắt chúng sanh đã nhỏ ra trong lúc lang thang trong cõi luân hồi này, khóc than vì phải gắn bó với những gì họ chán ghét và xa cách những gì họ yêu thích - suối nước mắt này mà thôi cũng nhiều hơn nước trong bốn đại dương.

– Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Các ông đã hiểu Giáo pháp Ta giảng dạy, như vậy thật lành thay! Suối nước mắt chúng sanh đã nhỏ ra trong lúc lang thang trong cõi luân hồi này, khóc than vì phải gắn bó những gì họ chán ghét và xa cách những gì họ yêu thích - suối nước mắt này mà thôi cũng nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Này các Tỷ-kheo, trong một thời gian dài, chúng sanh đã từng trải nghiệm cái chết của người mẹ; khi chúng sanh trải nghiệm việc này, họ đã khóc than vì phải gắn bó với những gì họ chán ghét và xa cách những gì họ yêu thích - suối nước mắt mà chúng sanh đã nhỏ xuống còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương.

Này các Tỷ-kheo, trong một thời gian dài, chúng sanh dã từng trải nghiệm cái chết của người cha... cái chết của một người anh em... cái chết của một người chị em… cái chết của người con trai... cái chết của người con gái… cái chết của họ hàng thân quyến... sự mất mát tài sản... sự mất mát do bệnh tật; khi chúng sanh trải nghiệm việc này, họ đã khóc than vì phải gắn bó với những gì họ chán ghét và xa cách những gì họ yêu thích - suối nước mắt mà chúng sanh đã nhỏ xuống còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Vì sao vậy? Bởi vì, này các Tỷ-kheo, không thể tìm ra khởi thủy của cõi luân hồi này... Như vậy cũng đủ để cảm nhận được sự ghê sợ đối với tất cả các hành, cũng đủ để nhàm chán chúng, cũng đủ để giải thoát khỏi chúng.”

(Tương Ưng BK 15:3; II 179-80)

(2) Suối máu

Một thời, Thế Tôn ngụ tại Vương Xá (Rājagaha) trong rừng Trúc Lâm, có ba mươi Tỷ-kheo từ Pāvā đi đến Thế Tôn - tất cả đều cư ngụ trong rừng, tất cả là khất sĩ, mặc y phấn tảo, chỉ có ba y, tuy nhiên tất cả vẫn còn kiết sử. (11) Sau khi đã đến, họ đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Lúc ấy, Thế Tôn nghĩ như sau: “Tất cả 30 Tỷ-kheo này đến từ Pāvā đều cư ngụ trong rừng, tất cả là khất sĩ, mặc y phấn tảo, chỉ có ba y, tuy nhiên tất cả vẫn còn kiết sử. Ta nên giảng cho họ Giáo pháp theo một phương cách giúp tâm của họ được giải thoát mọi lậu hoặc do không còn chấp thủ, ngay trong lúc ngồi đây.” (12)

Rồi Thế Tôn nói với các vị tăng ấy như sau:
– Này các Tỷ-kheo.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
Các vị Tỷ-kheo ấy trả lời. Thế Tôn giảng như sau:

– Này các Tỷ-kheo, không thể tìm ra khởi thủy của cõi luân hồi này. Không thể biết được điểm khởi đầu của chúng sanh lang thang trong cõi luân hồi do bị vô minh che lấp và tham ái trói buộc. Này các Tỷ-kheo, các ông nghĩ thế nào, suối máu mà chúng sanh đã đổ xuống khi bị chặt đầu trong lúc lang thang trong cõi luân hồi này - suối máu hay nước trong bốn đại dương, cái gì nhiều hơn?

– Bạch Thế Tôn, theo như chúng con hiểu Giáo pháp Thế Tôn đã dạy, thì suối máu mà chúng sanh đã đổ xuống khi họ bị chặt đầu trong lúc lang thang trong cõi luân hồi - suối máu này mà thôi cũng nhiều hơn nước trong bốn đại dương.

Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Các ông đã hiểu Giáo pháp Ta giảng dạy như vậy thật lành thay! Suối máu mà chúng sanh đã đổ xuống trong lúc lang thang trong cõi luân hồi này - chỉ suối máu này mà thôi cũng nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Này các Tỷ-kheo, trong một thời gian dài, chúng sanh đã từng là những con bò; và khi phải mang thân bò chúng sanh đã bị chặt đầu - suối máu mà chúng sanh đã đổ xuống còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Trong một thời gian dài, chúng sanh đã từng là những con trâu, cừu, dê, nai, gà, heo... Trong một thời gian dài, chúng sanh đã từng là những kẻ trộm, những kẻ cướp đường, những kẻ ngoại tình, và khi chúng sanh bị bắt và bị chặt đầu, suối máu mà chúng sanh đã đổ xuống còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Vì sao vậy? Bởi vì, này các Tỷ-kheo, không thể tìm ra khởi thủy của cõi luân hối này. Không thể biết được điểm khởi đầu của chúng sanh lang thang trong cõi luân hồi do bị vô minh che lấp và tham ái trói buộc. Trong một thời gian dài như vậy, này các Tỷ-kheo, chúng sanh đã trải nghiệm khổ đau, phiền não và thảm họa, và xác chết đã chồng chất làm cho nghĩa địa phồng lên cao. Như vậy cũng đủ để cảm thấy ghê sợ đối với tất cả các hành, cũng đủ để nhàm chán chúng, cũng đủ để giải thoát khỏi chúng.

Đây là những gì Thế Tôn dạy. Các Tỷ-kheo hân hoan tín thọ lời dạy của Thế Tôn. Và trong khi Thế Tôn đang thuyết giảng, tâm của ba mươi vị Tỷ-kheo từ Pāvā được giải thoát khỏi các lậu hoặc do không còn chấp thủ.

(Tương Ưng BK - 15:3; II 187-89)

___________________________

Chú thích:

1. Luận giải Trung Bộ Kinh: “Hiểu biết trọn vẹn” (parinñña) ở đây có nghĩa là vượt qua được (samatikkama) hay từ bỏ (pahāna). Các du sĩ ngoại đạo đồng hóa hiểu biết trọn vẹn về các dục lạc giác quan với Sơ thiền, hiểu biết trọn vẹn về sắc với cõi vô sắc [các cảnh giới vô sắc tương ứng với những chứng đắc các tầng thiền vô sắc], và hiểu biết trọn vẹn về cảm thọ với cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng [một cảnh giới trong đó mọi tưởng tạm thời ngưng hoạt động]. Trong lúc đó, Đức Phật mô tả sự hiểu biết trọn vẹn về các dục lạc giác quan như là con đường đưa đến chứng quả Bất Lai, và hiểu biết trọn vẹn về sắc và thọ như là con đường đưa đến chứng quả A-la-hán.

2. Cần ghi nhận rằng trong lúc những nguy hiểm trước đây về các dục lạc giác quan được gọi là “đại khổ uẩn trong đời hiện tại”, khổ đau này được gọi là “một đại khổ uẩn trong đời sau.”

3. Vohārasamucchheda. Vohāra có thể mang nghĩa là các thương vụ, một chức danh, lời nói và dự định. Luận giải Trung Bộ Kinh nói rằng tất cả bốn nghĩa ấy đều có liên hệ với nhau, vì ông ấy nghĩ rằng ông ta đã từ bỏ các thương vụ, chức danh, lời nói và dự định của một gia chủ.

4. Luận giải Trung Bộ Kinh giải thích “xả đa dạng, dựa trên sự đa dạng” như là liên quan đến năm dục, “xả hợp nhất dựa trên sự hợp nhất” như là dựa vào Tứ thiền.

5. Māgandiya là một người theo triết thuyết của chủ nghĩa khoái lạc, cho rằng người ta phải cho phép ngũ căn hưởng thụ khoái lạc từ những đối tượng của chúng. Ông ta chỉ trích Đức Phật đã chủ xướng việc hộ trì và chế ngự các căn. Đức Phật sắp sửa chứng minh sự sai lầm trong việc hưởng thọ dục lạc giác quan.

6. Luận giải Trung Bộ Kinh chú thích từ nipurisa, “không phải nam giới”, có nghĩa là tất cả những người ấy đều là nữ giới. Không chỉ là những nhạc công, mà tất cả các chức vụ trong cung điện, kể cả người gác cổng, đều do phụ nữ nắm giữ. Phụ vương của ngài đã cung cấp ba tòa lâu đài cho ngài và một đoàn phụ nữ bao quanh ngài với hy vọng giữ chân ngài với cuộc sống thế tục và làm xao lãng những ý tưởng của ngài về việc xuất gia.

7. Luận giải Trung Bộ Kinh: Điều này nói về việc chứng quả A-la-hán dựa trên Tứ thiền.

8. “Rừng Hoan Lạc” trong cõi Trời Ba Mươi Ba.

9. Thành ngữ viparitasaññā đề cập gián tiếp đến “tri giác sai lầm” về việc xem là vui đối với những gì thật sự là khổ. Tăng Chi BK 4:49 nói đến bốn tri giác sai lầm: xem những gì bất tịnh là tịnh, những gì vô thường là thường, những gì là khổ là vui, những gì là vô ngã là ngã. Những dục lạc giác quan là khổ bởi vì chúng làm khởi sinh những phiền não khổ đau và bởi vì chúng mang lại những quả khổ trong tương lai.

10. Ở đây, những gì có ý muốn nói về tà kiến (micchā diṭṭhi) là những quan điểm phủ nhận các nền tảng của đạo đức, nhất là những quan điểm phủ nhận nguyên lý nhân quả đạo đức hay hiệu quả của nỗ lực ý chí.

11. Sống trong rừng và theo đúng các điều kiện của Sa-môn khổ hạnh như đã được Đức Phật cho phép. Tương Ưng BK nói rằng một số trong các vị đó là bậc Dự Lưu, một số là bậc Nhất Lai, một số là bậc Bất Lai. Không có vị nào là vô văn phàm phu, cũng không có vị nào là bậc A-la-hán.

12. Điểm này có nghĩa là chứng quả A-la-hán.


    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Kinh Đại Bát Niết bàn Tập 1


Chắp tay lạy người


Về mái chùa xưa

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.136.18.192 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...