Rời bỏ uế trược, khéo nghiêm trì giới luật, sống khắc kỷ và chân thật, người như thế mới xứng đáng mặc áo cà-sa.Kinh Pháp cú (Kệ số 10)
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Cuộc sống là một sự liên kết nhiệm mầu mà chúng ta không bao giờ có thể tìm được hạnh phúc thật sự khi chưa nhận ra mối liên kết ấy.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Sự toàn thiện không thể đạt đến, nhưng nếu hướng theo sự toàn thiện, ta sẽ có được sự tuyệt vời. (Perfection is not attainable, but if we chase perfection we can catch excellence.)Vince Lombardi
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Ai bác bỏ đời sau, không ác nào không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 176)
Xưa, vị lai, và nay, đâu có sự kiện này: Người hoàn toàn bị chê,người trọn vẹn được khen.Kinh Pháp cú (Kệ số 228)
Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Ðêm dài cho kẻ thức, đường dài cho kẻ mệt, luân hồi dài, kẻ ngu, không biết chơn diệu pháp.Kinh Pháp cú (Kệ số 60)

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali »» II. Người mang lại ánh sáng »»

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali
»» II. Người mang lại ánh sáng

Donate

(Lượt xem: 5.329)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Hợp tuyển lời Phật dạy trong Kinh tạng Pali - II. Người mang lại ánh sáng

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

Bức tranh về thân phận con người xuất hiện từ các bộ kinh Nikāya, như đã được phác họa trong chương trước, là bối cảnh trong đó sự biểu hiện của Đức Phật trong cuộc đời mang đậm một ý nghĩa sâu sắc và cao cả. Bất cứ sự diễn giải nào chúng ta có thể nói về vai trò của Ngài sẽ không đầy đủ trừ khi chúng ta nhìn Đức Phật trong bối cảnh đa phương này, trải dài từ những hệ lụy có tính cách cá nhân riêng tư nhất trong hiện tại cho đến những thay đổi theo thời gian vũ trụ mênh mông vô tình. Dù không nắm giữ quan điểm của những nhà kết tập kinh tạng Nikāya, sự diễn giải của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng bởi những nhận định của chính chúng ta, cũng nhiều như nhận định của họ, có lẽ còn nhiều hơn nữa. Tùy thuộc vào thiên kiến và khuynh hướng của chúng ta, chúng ta có thể lựa chọn để xem Đức Phật như là một nhà cải cách đạo đức tự do của chủ nghĩa Bà-la-môn thoái hóa, như là một nhà nhân bản thế tục vĩ đại, như là một nhà thực nghiệm cấp tiến, như là một nhà tâm lý học hiện sinh, như là một người cổ xúy cho chủ thuyết bất khả tri toàn diện, hay là một người tiên phong của một kiểu mẫu trí thức thời thượng nào đó thích hợp với trí tưởng tượng của chúng ta. Đức Phật trong các văn bản kinh điển như vậy sẽ phản chiếu hình ảnh của chính chúng ta, nhiều hơn là hình ảnh của một bậc Giác ngộ.

Có lẽ trong lúc diễn giải một số lượng văn học tôn giáo cổ đại, chúng ta không bao giờ có thể tránh được việc để chính chúng ta và những giá trị chúng ta tin tưởng xen vào đề tài chúng ta diễn giải. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta không bao giờ đạt được tính trong sáng khách quan hoàn toàn, nhưng chúng ta có thể giới hạn tác động của thiên kiến cá nhân trên quá trình diễn giải bằng cách tôn trọng chữ nghĩa trong văn bản kinh. Khi chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với kinh tạng Nikāya, khi chúng ta nghiêm túc xem xét những ghi nhận của kinh văn về bối cảnh sự biểu hiện của Đức Phật trong thế gian này, chúng ta sẽ thấy rằng kinh đã gắn cho sứ mạng của Ngài một tầm cỡ vũ trụ. Trong một bối cảnh của một vũ trụ không có biên giới về thời gian, một vũ trụ trong đó chúng sanh bị bao trùm trong vô minh phải lang thang luân chuyển trong cảnh sinh, già, bệnh, chết, Đức Phật xuất hiện như một “người cầm đuốc soi đường cho nhân loại”, mang lại ánh sáng trí tuệ (ukkādhāro manussānaṃ). (1) Trong ngôn ngữ của Kinh Văn số II, 1, sự xuất hiện của Ngài trong thế gian là “sự biểu hiện của một pháp nhãn vĩ đại, của ánh sáng vi diệu, của đại quang minh”. Sau khi đã khám phá cho chính mình sự an bình tuyệt hảo của giải thoát, Ngài khơi dậy ánh sáng của tri kiến ấy cho chúng ta, trong đó hé lộ những chân lý mà chúng ta phải tự mình nhận thấy và con đường tu tập đạt đến đỉnh cao trong tri kiến giải thoát này.

Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật Gotama không chỉ là một cá nhân độc đáo đã có sự xuất hiện vô tiền khoáng hậu trên sân khấu lịch sử nhân loại và sau đó rút lui vĩnh viễn, mà đúng hơn, Ngài là sự viên mãn của một mẫu mực tiêu biểu thời cổ đại, là một thành viên cận đại nhất của một ‘vương triều’ vũ trụ với nhiều vị Phật được tạo thành bởi vô số bậc Toàn giác trong quá khứ, và được duy trì bền vững bởi nhiều bậc Toàn giác sẽ liên tục tiếp nối vô thời hạn trong tương lai. Phật giáo Nguyên thủy, ngay cả trong những văn bản kinh gốc xưa cổ của bộ kinh Nikāya, đã công nhận nhiều vị Phật, tất cả những vị theo đúng một số mẫu mực cố định về cách hành xử, mà những nét chính đã được mô tả trong các phần mở đầu của Kinh Đại Duyên (Mahāpadāna Sutta, Trường Bộ Kinh 14, không được trình bày trong hợp tuyển này). Danh xưng ‘Như Lai’ (Tathāgata), mà các bài kinh đã dùng như một bổ túc từ cho một vị Phật, đã chỉ đến sự viên mãn của một mẫu mực tiêu biểu thời cổ đại. Từ này có nghĩa là ‘người đã đến như vậy’ (tathā āgata), nghĩa là, người đã đến giữa chúng ta trong cùng một cách thế mà các vị Phật thời quá khứ đã đến; và ‘người đã đi như vậy’(tathā gata), nghĩa là, người đã đi đến chỗ bình an tối thượng là Niết-bàn, cùng một cách thế như các vị Phật thời quá khứ đã đi.

Mặc dù các bộ kinh Nikāya đã nói rõ rằng trong bất cứ một hệ thống thế giới đặc biệt nào, vào bất cứ thời gian đặc biệt nào, chỉ có một bậc Toàn giác xuất hiện, sự xuất hiện của các vị Phật trong bản chất thuộc về tiến trình của vũ trụ. Giống như một mẫu thiên thạch chói sáng trong nền đen tối của bầu trời đêm, thỉnh thoảng một vị Phật sẽ xuất hiện trong bối cảnh của không gian và thời gian vô tận, thắp sáng bầu trời tâm linh của thế giới, ban ánh sáng trí tuệ cho những người có khả năng thấy những sự thật mà Ngài đã soi sáng. Một hành giả sắp sửa thành Phật được gọi theo tiếng Pāli là một vị Bồ-tát (Bodhisatta), một từ thường được biết rõ hơn theo tiếng Sanskrit là Bodhisattva. Theo truyền thống Phật giáo phổ thông, một vị Bồ-tát là người chấp nhận có ý thức một quá trình phát triển tâm linh lâu dài được thúc đẩy bởi nguyện vọng thành Phật trong tương lai. (2) Được khơi nguồn cảm hứng và duy trì bền vững bởi lòng từ bi vô lượng đối với chúng sanh đang trầm luân trong nỗi khổ của sanh tử luân hồi, vị Bồ-tát phải trải qua nhiều kiếp của thời gian vũ trụ, hoàn thành một quá trình tu tập khó khăn cần thiết để hoàn thiện những yêu cầu cho sự giác ngộ tối thượng. Khi tất cả những yêu cầu đã được hoàn thành, vị ấy thành Phật để thiết lập Chánh pháp cho thế gian. Một vị Phật khám phá con đường giải thoát đã thất truyền từ lâu, con đường “cổ đại” mà các vị Phật thời quá khứ đã trải qua và đạt đến đỉnh cao là sự giải thoát tối thượng của Niết-bàn. Sau khi đã tìm ra con đường và đã đi đến tận cùng con đường đó, vị ấy sẽ giảng dạy lại trọn vẹn cho nhân loại để cho nhiều người khác có thể đi vào con đường đưa đến giải thoát cuối cùng.

Tuy nhiên, chức năng của một vị Phật không phải chỉ có chừng đó. Một vị Phật hiểu và giảng dạy không những chỉ là con đường đưa đến trạng thái siêu việt của sự giải thoát tối thượng, niềm hỷ lạc tuyệt hảo của Niết-bàn, mà còn là những con đường đưa đến nhiều kiểu hạnh phúc lành mạnh đời thường mà chúng sanh vẫn mong ước. Một vị Phật tuyên thuyết cả hai con đường, một con đường thăng hoa cuộc sống đời thường giúp cho chúng sanh gieo trồng thiện căn đưa đến hạnh phúc, bình yên và an toàn thuộc về các bình diện thế gian của đời sống; và một con đường vượt thoát thế gian để hướng dẫn chúng sanh đạt đến Niết-bàn. Như vậy, vị Phật có một vai trò rộng lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ chú trọng duy nhất vào những trạng thái siêu việt như người ta có thể hiểu qua lời giảng dạy của Ngài. Ngài không chỉ là người hướng dẫn cho các Sa-môn và thiền giả, không chỉ là người thầy của các kỹ thuật hành thiền và những tuệ giác về triết lý, mà là một người hướng dẫn Giáo pháp với tất cả chiều rộng và chiều sâu: Người đã tiết lộ, tuyên bố và thiết lập tất cả các nguyên tắc cơ bản cho sự hiểu biết chơn chánh và cách ứng xử thiện lành, cho dù thuộc về thế gian hay siêu xuất thế gian. Kinh Văn II, I, làm nổi bật chiều hướng vị tha trong một phạm vi rộng lớn của sự nghiệp Đức Phật khi kinh ca ngợi Đức Phật như là một vị xuất hiện trong đời “vì sự an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với thế gian, vì lợi lạc, an vui, hạnh phúc của chư Thiên và loài Người.”

Các bộ kinh Nikāya trình bày hai cách nhìn về Đức Phật như một con người, và để giữ công bằng cho các bản kinh, điều quan trọng là cần phải giữ hai cách nhìn ấy ở mức quân bình, không để cho một cách nhìn này hủy bỏ cách nhìn kia. Một quan điểm đúng đắn về Đức Phật chỉ có thể đạt được bằng cách hòa nhập hai cách nhìn ấy, cũng như một quan điểm đúng đắn về một đối tượng chỉ có thể đạt được khi những góc độ do đôi mắt chúng ta tiếp thu được nhập lại thành một hình ảnh duy nhất trong não bộ. Một cách nhìn thường được nhấn mạnh trong những cuộc trình bày hiện đại về Phật giáo, chứng minh Đức Phật như một con người, giống như bao nhiêu người khác, cũng phải vật lộn với những nhược điểm thông thường của con người để đạt đến giác ngộ. Sau khi đạt được giác ngộ vào tuổi ba mươi lăm, Ngài đã du hành khắp nơi trong bốn mươi lăm năm như một vị thầy trí tuệ và từ bi, chia sẻ sự giác ngộ của Ngài với người khác và bảo đảm rằng những lời dạy của Ngài sẽ vẫn còn tồn tại với thế gian sau khi Ngài nhập diệt. Đây là khía cạnh thuộc bản chất của Đức Phật đã xuất hiện nổi bật nhất trong các bộ kinh Nikāya. Vì điều này rất tương hợp với thái độ bất khả tri đương đại đối với những lý tưởng của đức tin tôn giáo, nó lập tức có một sức thu hút đối với những người được nuôi dưỡng bằng kiểu cách tư tưởng hiện đại đó.

Một phương diện khác của con người Đức Phật có vẻ lạ lùng đối với chúng ta, nhưng nó xuất hiện sờ sờ trong truyền thống Phật giáo và phục vụ như một nền tảng cho lòng sùng bái Phật giáo của quần chúng. Dù đây là cách nhìn thứ yếu trong các bộ kinh Nikāya, thỉnh thoảng cách nhìn này xuất hiện rõ ràng đến nỗi không thể nào bỏ qua được, mặc dù những nỗ lực của các Phật tử hiện đại muốn hạ thấp ý nghĩa của nó hoặc tìm lý lẽ để giải thích sự xâm nhập của quan điểm này. Với cách nhìn này, Đức Phật được xem như là người đã có những chuẩn bị để đắc quả Giác ngộ tối thượng trải qua vô lượng kiếp trong quá khứ và được chỉ định từ lúc sơ sinh để hoàn thành sứ mạng một bậc thầy của thế giới. Kinh Văn II, I là một ví dụ về cách Đức Phật được nhìn theo quan điểm này như thế nào. Bài kinh nói rằng, ở đây, Đức Phật tương lai hoàn toàn có ý thức khi từ cung trời Đâu-suất bước xuống trần gian để đầu thai vào mẫu hậu; sự nhập thai và đản sanh của Ngài được kèm theo nhiều điều kỳ diệu; chư Thiên tôn kính vị Thái tử sơ sinh; và ngay khi vừa sinh ra, Ngài bước đi bảy bước và tuyên bố số phận tương lai của mình. Rõ ràng là đối với những nhà kết tập một bài kinh như thế này, Đức Phật đã được định sẵn để đắc quả vị Phật, thậm chí trước khi Ngài nhập bào thai, và như vậy việc Ngài phấn đấu để đắc quả Giác ngộ là một cuộc chiến mà kết quả đã được định trước. Tuy nhiên, điều đáng buồn cười là chương cuối của bài kinh lại quay trở về với hình ảnh hiện thực của Đức Phật. Những gì mà chính Đức Phật xem là thật sự kỳ diệu không phải là những phép lạ đi kèm theo việc nhập thai và đản sanh của Ngài, nhưng là sự tỉnh thức và hiểu biết sáng suốt trong lúc có những cảm thọ, tư duy và tri giác.

Ba bài kinh trong phần 3 là những bài tường thuật về tiểu sử phù hợp với quan điểm tự nhiên này. Ba bài kinh cho ta một hình ảnh của Đức Phật nổi bật với tính cách hiện thực, đơn giản trong phẩm chất tự nhiên, sắc nét trong khả năng chuyển tải những tuệ giác tâm lý rất sâu sắc với kỹ thuật mô tả tối thiểu. Trong Kinh Văn II, 3, (1), chúng ta đọc về việc xuất gia của Ngài, việc rèn luyện dưới sự hướng dẫn của hai vị thiền sư danh tiếng, sự thất vọng của Ngài về những gì họ giảng dạy, sự phấn đấu đơn độc của Ngài, và sự chiến thắng của Ngài khi đạt được giác ngộ về con đường Bất Tử. Kinh Văn II, 3, (2) bổ sung cho sự thiếu sót của bài tường thuật trên bằng một bài mô tả chi tiết về việc Bồ-tát tu tập pháp môn tự hành hạ thân xác, mà lạ thay là đã không được đề cập đến trong bài kinh trước. Bài kinh này cũng cho chúng ta một mô tả kinh điển về kinh nghiệm giác ngộ của Ngài liên hệ đến việc đạt đến bốn tầng thiền, những trạng thái nhập định thâm sâu, tiếp theo sau là đắc Tam minh (vijjā): Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh. Trong lúc bài kinh này có thể cho ta có cảm tưởng rằng Lậu tận minh bùng vỡ trong tâm thức Đức Phật như một trực giác tự nhiên bất ngờ. Kinh Văn II, 3, (3) điều chỉnh lại cảm tưởng này bằng một bài tường thuật lại về Bồ-tát trong đêm trước khi đạt giác ngộ, Ngài đã suy nghĩ sâu xa về nỗi khổ đau của tuổi già và cái chết. Rồi từ đó, Ngài dùng phương pháp dò tìm đến tận những nhân duyên của nỗi khổ đau này bằng một tiến trình có liên quan đến sự chú tâm thận trọng, từng bước (như lý tác ý) (yoniso manasikāra) dẫn đến “bước đột phá của trí tuệ” (paññāya abhisamaya). Tiến trình nghiên cứu này đạt đến đỉnh cao là việc khám phá ra lý Duyên khởi, mà từ đó trở thành nền tảng triết lý của lời Ngài giảng dạy.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là, như được trình bày ở đây và một vài nơi khác trong các bộ kinh Nikāya, lý Duyên khởi không có nghĩa là một lời ca ngợi vui vẻ về mối tương quan tương duyên giữa các sự vật, nhưng là một sự phát biểu chính xác về kiểu mẫu nhân duyên lệ thuộc vào nhau, qua đó khổ đau khởi sinh hay chấm dứt. Trong cùng bài kinh này, Đức Phật tuyên bố rằng Ngài chỉ khám phá ra con đường giải thoát khi Ngài tìm ra con đường để chấm dứt lý Duyên khởi. Như vậy, chính là sự nhận thức được con đường chấm dứt lý Duyên khởi đã đưa đến sự giác ngộ của Đức Phật, chứ không chỉ là sự khám phá ra phương diện nguồn gốc các nhân duyên. Ví dụ về một thành phố cổ, được giới thiệu vào phần sau của bài kinh, đã minh họa điểm này, rằng sự giác ngộ của Đức Phật không phải là một sự kiện độc đáo nhưng là sự khám phá lại ‘con đường cổ sơ’ mà các Đức Phật thời quá khứ đã đi qua.

Kinh Văn II, 4 tóm tắt lời tường thuật của Kinh Văn II, 3, (1) mà tôi đã chia ra bằng cách nối kết hai văn bản khác về cuộc tìm cầu con đường giải thoát của Bồ-tát. Giờ đây chúng ta lại cùng trở về với Đức Phật ngay sau khi Ngài đắc quả Giác ngộ, khi Ngài suy tư về vấn đề quan trọng là có nên chia sẻ sự giác ngộ của Ngài với thế gian không. Ngay tại điểm này, đang lúc bài kinh diễn tiến có vẻ rất tự nhiên và mang tính thuyết phục, thì có một vị trời tên là Phạm Thiên Sahampati từ cõi Thiên bước xuống để cầu xin Đức Phật hãy ra đi và giảng dạy Giáo pháp, vì lợi lạc của những chúng sanh ‘vẫn còn chút bụi trong đôi mắt’. Cảnh tượng này có nên được diễn giải theo nghĩa đen hay là như một sự phê chuẩn tượng trưng của một kịch bản nội tâm đang diễn ra trong tâm của Đức Phật? Thật khó để có thể cho một câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi này, có lẽ cảnh tượng này có thể được hiểu như đang xảy ra ở cả hai cấp độ. Trong bất cứ sự kiện nào, sự xuất hiện của trời Phạm Thiên ở thời điểm này đánh dấu sự chuyển đổi từ một hiện thực đã tạo ảnh hưởng trong phần trước của bài kinh đến một kiểu mẫu tượng trưng mang tính huyền thoại. Sự chuyển tiếp một lần nữa nhấn mạnh đến ý nghĩa vũ trụ của sự thành đạo của Đức Phật và sứ mạng tương lai của Ngài như một vị thầy.

Lời thỉnh cầu của vị trời Phạm Thiên cuối cùng đã thành công và Đức Phật đồng ý giảng dạy. Ngài chọn năm vị du sĩ khổ hạnh như những người đầu tiên tiếp nhận Giáo pháp của Ngài; năm người này đã từng theo Ngài trong những năm Ngài còn hành trì pháp tu khổ hạnh ép xác. Bài tường thuật đạt đến đỉnh cao bằng một lời xác nhận ngắn rằng Đức Phật đã giảng dạy các vị này theo một phương cách nào đó, khiến cho tất cả năm vị, chính họ đều chứng đắc Niết-bàn bất tử. Tuy nhiên, bài này không nói rõ về lời giảng dạy đặc biệt nào mà Đức Phật đã truyền đạt cho năm vị này lúc Ngài gặp họ lần đầu tiên sau khi đắc quả Giác ngộ. Bài giảng đó là chính là Bài Thuyết Pháp Đầu Tiên, được biết như là “Kinh Chuyển Pháp Luân”.

Kinh này được đưa vào đây như là Kinh Văn II, 5. Trong phần mở đầu của kinh, Đức Phật tuyên bố với năm vị du sĩ khổ hạnh rằng Ngài đã khám phá ra ‘trung đạo’, mà Ngài nhận diện đó là Bát Thánh đạo. Trong ánh sáng của bài tường thuật về tiểu sử trước đây, chúng ta có thể hiểu tại sao Đức Phật bắt đầu bài giảng dạy như thế này. Trước tiên, năm vị du sĩ khổ hạnh từ chối không công nhận lời tuyên bố của Đức Phật là Ngài đã đắc quả Giác ngộ và đã xa lánh Ngài, cho rằng Ngài đã phản bội lý tưởng khổ hạnh cao cả và quay trở về với cuộc sống xa hoa. Như vậy, trước tiên, Ngài phải bảo đảm với họ rằng Ngài đã không hề quay trở lại với cuộc sống phóng dật, mà đã khám phá ra một phương pháp mới cho việc tìm cầu con đường giác ngộ vượt thời gian. Ngài nói với họ, phương pháp mới này vẫn trung thành với việc từ bỏ các dục lạc thuộc ngũ căn, tuy nhiên cũng tránh xa việc hành hạ thể xác vì điều đó vô nghĩa và không mang lại kết quả. Rồi Ngài giải thích cho họ con đường đích thực đưa đến giải thoát là Bát Thánh đạo, con đường này tránh khỏi hai cực đoan và nhờ vậy phát sinh ánh sáng trí tuệ và đạt đến đỉnh cao là đoạn diệt được tất cả mọi ràng buộc hệ lụy, đó là Niết-bàn.

Sau khi Ngài đã giải tỏa mọi hiểu lầm, Ngài bèn tuyên bố những chân lý mà Ngài đã đạt được trong đêm Ngài đắc quả giác ngộ. Đó là Tứ diệu đế (Bốn chân lý cao thượng). Ngài không những tuyên bố rõ ràng và định nghĩa ngắn gọn mỗi chân lý, mà Ngài còn mô tả mỗi chân lý từ ba góc độ khác nhau. Những điều này tạo thành ‘ba lần chuyển pháp luân’ được đề cập trong phần sau của bài kinh. Đối với mỗi chân lý, lần chuyển pháp luân thứ nhất là trí tuệ thắp sáng bản chất đặc thù của chân lý cao thượng đó. Lần chuyển thứ hai là sự hiểu biết rằng mỗi chân lý cao thượng đặt ra một nhiệm vụ đặc thù cần được hoàn thành. Như vậy, chân lý thứ nhất, chân lý về Khổ, là cần phải được hiểu trọn vẹn; chân lý thứ hai, chân lý về nguồn gốc của Khổ hay là ái dục, cần phải được từ bỏ; chân lý thứ ba, chân lý về sự chấm dứt Khổ, cần phải được thực hiện; và chân lý thứ tư, chân lý về con đường diệt Khổ, cần phải được tu tập và phát triển. Lần chuyển pháp luân thứ ba là sự hiểu biết rằng bốn chức năng liên quan đến Tứ diệu đế đã được hoàn thành: chân lý về Khổ đã được hoàn toàn thấu hiểu, ái dục đã được đoạn trừ, việc chấm dứt khổ đã được thực hiện, và con đường diệt Khổ đã được tu tập phát triển trọn vẹn. Ngài nói rằng, chỉ đến khi Ngài hiểu Tứ diệu đế trong cả ba lần chuyển pháp luân và mười hai dạng thức, lúc ấy Ngài mới có thể tuyên bố là Ngài đã đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Kinh Dhammacakkaappavattana một lần nữa minh họa sự pha trộn hai kiểu mẫu mà tôi đã đề cập trước đây. Bài kinh diễn tiến hầu như hoàn toàn theo kiểu hiện thực - tự nhiên cho đến khi chúng ta đến gần đoạn kết. Khi Đức Phật chấm dứt bài thuyết pháp, ý nghĩa vũ trụ của sự kiện này được thắp sáng bằng một đoạn văn mô tả chư Thiên trong mỗi cung Trời liên tiếp nhau đã hoan nghênh bài pháp và hô lớn tin mừng cho những vị Thiên khác ở các cung trời kế tiếp. Cùng lúc đó, toàn bộ hệ thống địa cầu chấn động và rung chuyển, và một luồng ánh sáng lớn vượt qua ánh sáng của chư Thiên xuất hiện trên thế gian. Rồi, trong đoạn cuối, từ cảnh tượng huy hoàng này chúng ta trở về với cảnh giới tẻ nhạt của cõi người, để nhìn thấy Đức Phật chúc mừng ngắn gọn vị du sĩ Koṇḍañña (Kiều-trần-như) đã đạt được “Pháp nhãn trong sáng thanh tịnh”. Trong một sát-na, Pháp đăng (Ngọn đèn truyền Pháp) đã chuyển từ bậc Đạo Sư sang đệ tử, để bắt đầu cuộc hành trình xuyên khắp Ấn Độ và thế giới.

I. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG

1. MỘT NGƯỜI

– Này các Tỷ-kheo, có một người xuất hiện trong cõi đời vì lợi lạc của đa số chúng sanh, vì hạnh phúc của đa số chúng sanh, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì những điều tốt đẹp, lợi lạc, hạnh phúc của chư Thiên và loài Người. Người đó là ai? Người đó là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Đây chính là người ấy.

Này các Tỷ-kheo, có một người xuất hiện trong cõi đời, là người độc nhất, không có người đi trước, không có người đồng hành, không thể so sánh với bất cứ ai, không ngang hàng với bất cứ ai, không có người tương xứng, không có người đối thủ, là bậc tối thượng trong tất cả nhân loại. Người đó là ai? Người đó chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Đây chính là người ấy.

Này các Tỷ-kheo, sự biểu hiện của người này là sự biểu hiện của pháp nhãn vi diệu, của ánh sáng vi diệu, của đại quang minh; đó là sự biểu hiện của sáu pháp vô thượng, sự chứng đắc bốn vô ngại giải, sự thông đạt nhiều giới khác nhau, nhiều giới sai biệt; đó là sự chứng ngộ nhờ kết quả của minh và giải thoát; sự chứng đắc các quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Lai và A-la-hán. (3) Người ấy là ai? Người ấy chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Đây chính là người ấy.

(Tăng Chi BK 1, Ch. XIII: Phẩm Một Người, 1-7: Như Lai; I tr. 46-49)

2. SỰ KIỆN NHẬP THAI VÀ ĐẢN SANH CỦA ĐỨC PHẬT

1. Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang trú tại thành Xá-vệ (Sāvatthī), khu rừng Kỳ-đà (Jeta), thuộc vườn Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika).

2. Lúc bấy giờ, một số Tỷ-kheo đang ngồi trong hội trường, nơi họ gặp nhau sau khi đi khất thực về; sau khi ăn xong, cuộc thảo luận này khởi lên giữa chúng Tăng: “Thật hy hữu thay chư hiền, thật siêu việt thay đại thần thông và uy lực của Như Lai (Tathāgata)! Vì Ngài có thể biết được chư Phật thời quá khứ, những vị đã nhập Niết-bàn, đã cắt đứt các chướng đạo, bẻ gãy vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi, đã vượt thoát khỏi mọi khổ đau; Ngài biết rằng chư Thế Tôn ấy đản sanh như vậy, danh tánh như vậy, bộ tộc như vậy, giới hạnh như vậy, định lực như vậy, tuệ giác như vậy, trú xứ thiền như vậy, giải thoát như vậy.”

Khi được nghe như vậy, Tôn giả Ānanda nói với các Tỷ-kheo:
– Chư hiền, các bậc Như Lai thật hy hữu và đầy đủ các đức hạnh siêu việt! (4)

Tuy nhiên, cuộc thảo luận của chúng Tỷ-kheo bị gián đoạn, vì vào buổi chiều sau khi xuất thiền, Thế Tôn đã đứng dậy đi đến hội trường, và ngồi xuống trên một chỗ đã được soạn sẵn. Rồi Ngài nói với các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, các ông đang ngồi đây để bàn chuyện gì vậy? Và cuộc thảo luận gì giữa các ông đã bị gián đoạn?

– Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con đang ngồi trong hội trường nơi chúng con đã gặp nhau sau khi đi khất thực về; sau khi ăn xong thì cuộc thảo luận này khởi lên giữa chúng con: “Thật hy hữu thay chư hiền, thật siêu việt thay đại thần thông và uy lực của Như Lai! Vì Ngài có thể biết được chư Phật thời quá khứ, những vị đã nhập Niết-bàn, đã cắt đứt các chướng đạo, bẻ gãy vòng sinh tử, chấm dứt luân hồi, đã vượt thoát khỏi mọi khổ đau; Ngài biết rằng chư Thế Tôn ấy đản sanh như vậy, danh tánh như vậy, bộ tộc như vậy, giới hạnh như vậy, định lực như vậy, tuệ giác như vậy, trú xứ thiền như vậy, giải thoát như vậy.” Khi được nghe như vậy, Tôn giả Ānanda nói với chúng con: “Chư hiền, các bậc Như Lai thật hy hữu và đầy đủ các đức hạnh siêu việt!” Bạch Thế Tôn, đấy là cuộc thảo luận giữa chúng con đã bị gián đoạn khi Thế Tôn đi đến.

Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda:
– Đã vậy thì, này Ānanda, hãy giải thích đầy đủ hơn về những đức hạnh hy hữu siêu việt của Như Lai.

3. – Bạch Thế Tôn, con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Này Ānanda, chánh niệm và tỉnh giác, Bồ-tát xuất hiện trên cung trời Đâu-suất,” (5) rằng chánh niệm và tỉnh giác Bồ-tát xuất hiện trên cung trời Đâu-suất, đây là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

4. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Chánh niệm và tỉnh giác, Bồ-tát an trú trên cung trời Đâu-suất.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

5. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Bồ-tát an trú trên cung trời Đâu-suất trong suốt thọ mạng của Ngài.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

6. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Chánh niệm và tỉnh giác, Bồ-tát sau khi mạng chung trên cung trời Đâu-suất đã nhập vào mẫu thai.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

7. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát mạng chung trên cung trời Đâu-suất và nhập vào mẫu thai, một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên hiện ra khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, Ma Vương, và Phạm Thiên, và cả thế giới này của các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và ngay cả trong thế giới tối tăm với những khoảng trống, u ám và hoàn toàn đen tối, nơi mà mặt trăng và mặt trời, cho dù đầy uy lực, cũng không thể chiếu sáng; trong những cảnh giới ấy, đã xuất hiện một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên. (6) Và các chúng sanh tái sanh ở đó nhờ hào quang ấy mà thấy được nhau và nói: “Quả thật cũng có những chúng sanh khác tái sanh ở đây. Và cả hệ thống mười ngàn thế giới này rung chuyển, lay động, chuyển động, và một lần nữa xuất hiện một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên hiện ra khắp thế giới.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

8. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát đã nhập mẫu thai, bốn vị Thiên trẻ tuổi đã đến canh gác bốn phía để cho không một ai, người hay không phải loài người, có thể làm tổn hại Bồ-tát hay mẹ của Bồ-tát.” (7) Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

9. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát đã nhập mẫu thai, mẹ Bồ-tát tự nhiên giữ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không uống các loại rượu men, rượu nấu, chất gây say, vốn là nguồn gốc của sai phạm.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

14. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Những phụ nữ khác sanh con sau khi đã mang thai chín tháng mười ngày, nhưng mẹ của Bồ-tát thì không phải như vậy. Mẹ Bồ-tát mang thai Bồ-tát đúng mười tháng rồi mới sanh.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

15. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Những phụ nữ khác thường ngồi hay nằm khi sanh con, nhưng mẹ của Bồ-tát thì không phải như vậy. Mẹ của Bồ-tát đã đứng khi sanh Bồ-tát.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

16. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, trước tiên là chư Thiên đã đón nhận Ngài, sau mới đến loài Người.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

17. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, Ngài không chạm đất. Bốn vị Thiên nâng đỡ Ngài, đặt Ngài trước mẫu hậu và thưa: ‘Hoàng hậu hãy vui mừng, Hoàng hậu đã sanh được một bậc vĩ nhân.’” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

18. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, Ngài sanh ra thanh tịnh, trong sạch; không bị nước, chất lỏng, máu, hay bất cứ chất dơ bẩn nào làm ô nhiễm. Giả sử có một viên ngọc đặt trên một tấm vải mịn, thì viên ngọc không làm vấy bẩn miếng vải, và miếng vải cũng không làm viên ngọc vấy bẩn. Vì sao? Vì cả hai đều trong sạch. Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra cũng như vậy, Ngài sanh ra thanh tịnh không bị ô nhiễm.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

19. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, hai dòng nước từ trên trời rót xuống, một dòng nước lạnh, một dòng nước nóng, để tắm cho Ngài và mẹ Ngài.” Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

20. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Ngay khi Bồ-tát ra đời, Ngài đứng vững hai chân trên mặt đất; Ngài đi bảy bước hướng về phương Bắc, với một lọng trắng che cho Ngài. Ngài nhìn khắp mọi phương và cất tiếng nói như một vị chúa đầu đàn: ‘Ta là bậc tối cao trên đời; Ta là bậc tối ưu trên đời; Ta là bậc tối tôn trên đời. Đây là đời sống cuối cùng của Ta, Ta sẽ không còn tái sanh nữa.’” (8) Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

21. Con đã nghe và đã ghi nhớ lời từ kim khẩu của Thế Tôn như vầy: “Khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên hiện ra khắp thế giới, gồm thế giới của chư Thiên, Ma Vương, và Phạm Thiên, và cả thế giới này của các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Và ngay cả trong thế giới tối tăm với những khoảng trống, u ám, và hoàn toàn đen tối, nơi mà mặt trăng và mặt trời cho dù đầy uy lực, cũng không thể chiếu sáng; trong những cảnh giới ấy đã xuất hiện một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên. Và các chúng sanh tái sanh ở đó nhờ hào quang ấy mà thấy được nhau và nói: ‘Quả thật cũng có những chúng sanh khác tái sanh ở đây’. Và cả hệ thống mười ngàn thế giới này rung chuyển, lay động, chuyển động, và ở đó một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên, hiện ra khắp thế giới, rằng khi Bồ-tát ra đời từ bụng mẹ, một hào quang vô lượng diệu kỳ vượt xa thần lực của chư Thiên hiện ra khắp thế giới... Đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

22. – Này Ānanda, vì vậy, hãy ghi nhớ việc này như là một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn. Ở đây, này Ānanda, đối với Thế Tôn, khi các cảm thọ sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ; khi các tưởng sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ; khi các niệm sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ. (9) Này Ānanda, hãy ghi nhớ điều này như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

23. – Bạch Thế Tôn, vì rằng đối với Thế Tôn, khi các cảm thọ sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ; khi các tưởng sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ; khi các niệm sinh khởi, hiện hữu hay biến hoại, Thế Tôn đều biết rõ, đây cũng là điều con ghi nhớ như một đức hạnh hy hữu, siêu việt của Thế Tôn.

Tôn giả Ānanda nói như vậy. Bậc Đạo sư chấp nhận. Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ānanda nói.

(TBK III, Kinh số 123: Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, tr. 317-328)

3. CUỘC TÌM CẦU GIẢI THOÁT

(1) Tìm cầu an tịnh tối thượng

5. – Này các Tỷ-kheo, có hai loại tìm cầu: Thánh cầu và Phi thánh cầu.
Và thế nào là Phi thánh cầu? Ở đây, có người tự mình bị tác động của sanh, lại đi tìm cầu những gì cũng bị tác động của sanh; tự mình bị tác động của già, lại đi tìm cầu những gì cũng bị tác động của già; tự mình bị tác động của bệnh, lại đi tìm những gì cũng bị tác động của bệnh; tự mình bị tác động của chết, lại đi tìm những gì cũng bị tác động của chết; tự mình bị tác động của sầu bi, lại đi tìm những gì cũng bị tác động của sầu bi; tự mình là đối tượng của phiền não, lại đi tìm những gì cũng bị tác động của phiền não.

6 – 11. Và những gì có thể nói là phải chịu tác động của sanh, già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não? Vợ con, nô tỳ nam nữ, dê cừu, gà heo, voi, trâu bò, ngựa đực, ngựa cái, vàng bạc… những sở hữu đó phải chịu tác động của sanh, già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não; và người nào nắm giữ những thứ ấy, tham đắm chúng, hoàn toàn mê say chúng, là đang tự mình phải chịu tác động của sanh... sầu bi và phiền não, lại đi tìm cầu những gì cũng phải chịu tác động của sanh... sầu bi và phiền não.

12. Và thế nào là Thánh cầu? Ở đây có người tự mình phải chịu tác động của sanh, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của sanh, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không sanh, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn; tự mình phải chịu tác động của già, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của già, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không già, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn; tự mình phải chịu tác động của bệnh, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của bệnh, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không bệnh, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn; tự mình phải chịu tác động của chết, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của chết, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không chết, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn; tự mình phải chịu tác động của sầu bi, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của sầu bi, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không sầu bi, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn; tự mình phải chịu tác động của phiền não, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của phiền não, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không phiền não, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn. Như vậy gọi là Thánh cầu.

13. Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi còn là một Bồ-tát chưa chứng Chánh Đẳng Giác, trong lúc chính mình bị tác động của sanh, Ta lại tìm cầu những gì cũng chịu tác động của sanh; trong lúc chính mình bị tác động của già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não, Ta lại tìm cầu những gì cũng chịu tác động của già, bệnh, chết, sầu bi, và phiền não. Rồi Ta suy nghĩ như sau: “Tại sao, chính mình phải chịu tác động của sanh, Ta lại tìm cầu những gì cũng phải chịu tác động của sanh? Tại sao, chính mình phải chịu tác động của già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não, Ta lại tìm cầu những gì cũng phải chịu tác động của già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não? Thiết tưởng rằng, chính mình phải chịu tác động của sanh, sau khi hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của sanh, Ta phải tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không sanh, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn. Thiết tưởng rằng, chính mình phải chịu tác động của già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não; sau khi hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não, Ta phải tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không già, không bệnh, không chết, không sầu bi, thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn.”

14. Rồi sau đó, khi Ta còn là một thanh niên tóc đen nhánh, tràn đầy sinh lực của tuổi xuân, trong giai đoạn vàng son của đời người, dù cha mẹ Ta không bằng lòng và khóc lóc với mặt đầy lệ, Ta đã cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, từ bỏ đời sống gia đình để sống không gia đình.

15. Này các Tỷ-kheo, sau khi đã xuất gia như vậy để đi tìm cái tối thiện, tìm cầu an tịnh tối thượng, Ta đi đến chỗ Āḷāra Kālāma ở và thưa với Āḷāra Kālāma: “Hiền giả Kālāma, tôi muốn sống đời phạm hạnh trong Pháp và Luật này”. Āḷāra Kālāma trả lời: “Tôn giả có thể ở lại đây. Pháp này là pháp khiến người trí chẳng bao lâu có thể thâm nhập và an trú, tự mình chứng đắc quả thượng trí của vị thầy chỉ dạy.” Chẳng bao lâu, Ta nhanh chóng thông suốt Pháp ấy. Đối với vấn đề khua môi tụng đọc và tập dượt những lời thầy dạy, Ta có thể nói với tri kiến và lòng tự tin, và ta tuyên bố: ‘Ta đã biết và thấy’ và những người khác cũng làm như vậy.

Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ vì lòng tin mà Āḷāra Kālāma tuyên bố: ‘Sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, Ta thâm nhập và an trú trong pháp này.’ Chắc chắn Āḷāra Kālāma an trú sau khi biết và thấy Pháp này.” Rồi Ta đi đến Āḷāra Kālāma và hỏi: “Hiền giả Kālāma, sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, ngài đã thâm nhập và an trú trong Pháp này đến mức độ nào?” Để trả lời, Āḷāra Kālāma tuyên bố về Vô Sở Hữu Xứ. (11)

Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ có Āḷāra Kālāma có tín, tấn, niệm, định và tuệ; Ta cũng có tín, tấn, niệm, định và tuệ. Vậy Ta thử cố gắng chứng đạt được Pháp mà Āḷāra Kālāma tuyên bố đã thâm nhập và an trú sau khi đã tự mình chứng đạt với thượng trí.”

Chẳng bao lâu Ta nhanh chóng thâm nhập và an trú trong Pháp ấy sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí. Rồi Ta đi đến Āḷāra Kālāma và hỏi: “Hiền giả Kālāma, có phải ngài tuyên bố rằng ngài đã thâm nhập và an trú trong Pháp này đến mức độ như vậy sau khi đã tự mình chứng đạt với thượng trí?”
– Vâng, hiền giả, đúng là đến mức độ như vậy.
– Này hiền giả, cũng ở mức độ như vậy, tôi đã thâm nhập và an trú trong Pháp này sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí.
– Này hiền giả, đó là một thắng lợi cho chúng ta, là một đại thắng lợi cho chúng ta khi có một vị đồng phạm hạnh như Tôn giả. Pháp mà tôi tuyên bố là đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, cũng chính là Pháp mà hiền giả đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí. Và Pháp mà hiền giả tuyên bố là đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, cũng chính là Pháp mà tôi đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí. Như vậy, hiền giả đã biết Pháp mà tôi biết, và tôi đã biết Pháp mà hiền giả biết. Tôi như thế nào, hiền giả như thế ấy; hiền giả như thế nào, tôi như thế ấy. Hiền giả, hãy đến đây, chúng ta hãy cùng nhau lãnh đạo hội chúng này.

Như vậy, Āḷāra Kālāma, vị đạo sư của Ta, lại đặt Ta, là đệ tử của vị ấy, ngang hàng với vị đạo sư và ban cho Ta vinh dự tối cao. Nhưng rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không đưa đến ly tham, nhàm chán, đoạn diệt; không đưa đến an tịnh, không đưa đến thượng trí, không đưa đến giác ngộ, không đưa đến Niết-bàn, chỉ đưa đến tái sanh ở cõi Trời Vô Sở Hữu Xứ.” (12) Không hài lòng với Pháp này, thất vọng với Pháp này, Ta đã bỏ đi.

16. – Này các Tỷ-kheo, Ta vẫn đi tìm cái chí thiện, tìm cầu an tịnh tối thượng, Ta đi đến chỗ Uddaka Rāmaputta và nói với vị này: “Hiền giả, Tôi muốn sống đời phạm hạnh trong Pháp và Luật này.” Uddaka Rāmaputta trả lời: “Tôn giả có thể ở lại đây. Pháp này là pháp khiến người trí chẳng bao lâu có thể thâm nhập và an trú, tự mình chứng đắc quả thượng trí của vị thầy chỉ dạy.” Chẳng bao lâu, Ta nhanh chóng thông suốt Pháp ấy. Đối với vấn đề khua môi tụng đọc và tập dượt những lời thầy dạy, Ta có thể nói với tri kiến và lòng tự tin, và Ta tuyên bố: ‘Ta đã biết và thấy’ và những người khác cũng làm như vậy.

Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ vì lòng tin mà Rāma tuyên bố: ‘Sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, Ta thâm nhập và an trú trong Pháp này.’ Chắc chắn Rāma an trú sau khi biết và thấy Pháp này.” Rồi Ta đi đến Uddaka Rāmaputta và hỏi: “Thưa Hiền giả, cho đến mức độ nào, Rāma tuyên bố rằng sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, ngài đã thâm nhập và an trú trong Pháp này?” Để trả lời, Uddaka Rāmaputta tuyên bố về Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ. (13)

Rồi Ta suy nghĩ: “Không phải chỉ Rāma có tín, tấn, niệm, định và tuệ; Ta cũng có tín, tấn, niệm, định và tuệ. Vậy ta thử cố gắng chứng đạt được Pháp mà Rāma tuyên bố đã thâm nhập và an trú sau khi đã tự mình chứng đạt với thượng trí.”

Chẳng bao lâu, Ta nhanh chóng thâm nhập và an trú trong Pháp ấy, sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí. Rồi Ta đi đến Uddaka Rāmaputta và hỏi: “Thưa hiền giả, có phải đến mức độ này, Rāma tuyên bố rằng ngài đã thâm nhập và an trú trong Pháp này sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí?”
– Vâng, hiền giả, đúng là đến mức độ như vậy.
– Này hiền giả, cũng bằng cách này, tôi đã thâm nhập và an trú trong Pháp này sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí.
– Này hiền giả, đó là một thắng lợi cho chúng ta, là một đại thắng lợi cho chúng ta khi có một vị đồng phạm hạnh như Tôn giả. Pháp mà tôi tuyên bố là đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, cũng chính là Pháp mà hiền giả đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí. Và Pháp mà hiền giả tuyên bố là đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí, cũng chính là Pháp mà tôi đã thâm nhập và an trú sau khi tự mình chứng đạt với thượng trí. Như vậy, hiền giả đã biết Pháp mà tôi biết, và tôi đã biết Pháp mà hiền giả biết. Tôi như thế nào, hiền giả như thế ấy; hiền giả như thế nào, tôi như thế ấy. Hiền giả, hãy đến đây, chúng ta hãy cùng nhau lãnh đạo hội chúng này.

Như vậy, Uddaka Rāmaputta, vị đồng phạm hạnh của Ta, lại đặt Ta vào vị trí của vị đạo sư và ban cho Ta vinh dự tối cao. Nhưng rồi Ta suy nghĩ: “Pháp này không đưa đến ly tham, nhàm chán, đoạn diệt, không đưa đến an tịnh, không đưa đến thượng trí, không đưa đến giác ngộ, không đưa đến Niết-bàn, chỉ đưa đến tái sanh ở cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ.” Không hài lòng với Pháp này, thất vọng với Pháp này, Ta đã bỏ đi.

17. Này các Tỷ-kheo, Ta vẫn đi tìm cái chí thiện, tìm cầu an tịnh tối thượng, Ta lần lượt du hành qua nước Magadha (Ma-kiệt-đà), cuối cùng Ta đi đến Uruvelā gần Senānīnigama. Ở đó, Ta tìm thấy một địa điểm thích hợp, một khu rừng tươi mát, với dòng sông nước chảy trong vắt, với bờ sông bằng phẳng và thoải mái và một ngôi làng kế cận để khất thực. Ta suy nghĩ: “Đây là một địa điểm thích hợp, đây là một khu rừng tươi mát, với dòng sông nước chảy trong vắt, với bờ sông bằng phẳng thoải mái và một ngôi làng kế cận để khất thực. Đây là chỗ vừa đủ phục vụ cho một thiện nam tử có ý định nỗ lực tinh tấn.” Và Ta ngồi xuống chỗ ấy và nghĩ: “Chỗ này vừa đủ phục vụ cho nỗ lực tinh tấn của Ta.”

18. Rồi này các Tỷ-kheo, Ta tự mình phải chịu tác động của sanh, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của sanh, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không sanh, đó là Niết-bàn; Ta đã đạt được sự an ổn tối thượng của cái không sanh, đó là Niết-bàn. Ta tự mình phải chịu tác động của già, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của già, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không già, đó là Niết-bàn; Ta đã đạt được sự an ổn tối thượng của cái không già, đó là Niết-bàn. Ta tự mình phải chịu tác động của bệnh, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của bệnh, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không bệnh, đó là Niết-bàn; Ta đã đạt được sự an ổn tối thượng của cái không bệnh, đó là Niết-bàn. Ta tự mình phải chịu tác động của chết, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của chết, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không chết, đó là Niết-bàn; Ta đã đạt được sự an ổn tối thượng của cái không chết, đó là Niết-bàn. Ta tự mình phải chịu tác động của sầu bi, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của sầu bi, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không sầu bi, đó là Niết-bàn; Ta đã đạt được sự an ổn tối thượng của cái không sầu bi, đó là Niết-bàn. Ta tự mình phải chịu tác động của phiền não, hiểu rõ sự nguy hiểm của những gì phải chịu tác động của phiền não, nên tìm cầu sự an ổn tối thượng của cái không phiền não, đó là Niết-bàn; Ta đã được sự an ổn tối thượng của cái không phiền não, đó là Niết-bàn. Tri kiến và pháp nhãn này đã khởi lên trong Ta: “Sự giải thoát của Ta không thể bị lay chuyển. Đây là đời sống cuối cùng của Ta. Nay sẽ không còn sự tái sanh nào nữa.”

(Trung BK I, Kinh 26: Kinh Thánh Cầu, tr. 364-374)

(2) Chứng đắc tam minh

11. Saccaka hỏi Thế Tôn: (15) “Phải chăng không bao giờ Tôn giả Gotama khởi lên một lạc thọ hoan hỷ đến nỗi nó có thể xâm chiếm tâm Tôn giả và an trú trong đó? Phải chăng không bao giờ Tôn giả Gotama khởi lên một khổ thọ đau đớn đến nỗi nó xâm chiếm tâm Tôn giả và an trú trong đó?”

12. – Này Aggivessana, tại sao không có điều đó với Ta? Ở đây, này Aggivessana, trước khi Ta giác ngộ, trong lúc Ta vẫn còn là một Bồ-tát chưa chứng Chánh Đẳng Giác, Ta suy nghĩ như sau: “Đời sống gia đình chật chội gò bó và đầy bụi bặm, đời sống xuất gia thật rộng mở thênh thang. Khi còn sống trong gia đình, thật không dễ gì sống cuộc đời thánh thiện, hoàn toàn thanh tịnh, không nhiễm ô, giống như một vỏ sò được đánh bóng. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.”

13-16. Rồi sau đó, trong lúc còn là một thanh niên trẻ tuổi, tóc đen nhánh, tràn đầy sinh lực của tuổi xuân, trong giai đoạn vàng son của đời người...{giống như trong Bài kinh II, 3, (1), Cuộc Tìm Cầu Giải Thoát, từ đoạn 14-17}...Và ngồi xuống đó, suy nghĩ như sau: “Chỗ này vừa đủ phục vụ cho nỗ lực tinh tấn của Ta.”

17. Rồi ba ví dụ khởi lên trong Ta thật tự nhiên, từ trước đến nay chưa từng nghe. Giả sử có một khúc cây đầy nhựa ẩm ướt đang nằm trên mặt nước, và một người đi đến với một vật làm mồi lửa, nghĩ rằng: “Ta sẽ nhen một ngọn lửa, ta sẽ tạo ra hơi nóng.” Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào, người ấy có thể nhen một ngọn lửa và tạo ra hơi nóng bằng cách lấy vật mồi lửa chà xát vào khúc cây đầy nhựa ẩm ướt đang nằm trên mặt nước?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Bởi vì đó là một khúc cây đầy nhựa ẩm ướt đang nằm trên mặt nước. Cuối cùng, người ấy chỉ hứng chịu sự mệt nhọc và thất vọng mà thôi.

– Cũng vậy, này Aggivessana, đối với những Sa-môn và Bà- la-môn vẫn sống không từ bỏ các dục lạc về thân, và những thèm muốn, tham ái, mê đắm, khao khát và cuồng nhiệt đối với dục lạc giác quan vẫn chưa hoàn toàn bị buông bỏ và đoạn trừ trong nội tâm, thậm chí nếu các Sa-môn và Bà-la-môn đó cảm nhận những khổ thọ, đau đớn, nhức nhối do nỗ lực, các vị ấy không thế đạt được tri kiến, pháp nhãn và giác ngộ tối thượng; và thậm chí nếu các Sa-môn và Bà-la-môn đó không cảm nhận những khổ thọ, đau đớn, nhức nhối do nỗ lực, các vị ấy vẫn không thể đạt được tri kiến, pháp nhãn và giác ngộ tối thượng. Đó là ví dụ thứ nhất đã khởi lên trong Ta thật tự nhiên, chưa bao giờ nghe thấy trước đây.

18. Lại nữa, này Aggivessana, một ví dụ thứ hai khởi lên trong Ta thật tự nhiên, chưa bao giờ nghe thấy trước đây. Giả sử có một khúc cây đầy nhựa ẩm ướt đang nằm trên đất khô ráo cách xa mặt nước, và một người đi đến với một vật làm mồi lửa, nghĩ rằng: “Ta sẽ nhen một ngọn lửa, ta sẽ tạo ra hơi nóng.” Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào, người ấy có thể nhen một ngọn lửa và tạo ra hơi nóng bằng cách lấy vật làm mồi lửa chà xát vào khúc cây đầy nhựa ẩm ướt đang nằm trên đất khô ráo cách xa mặt nước?

– Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Bởi vì đó là một khúc cây đầy nhựa ẩm ướt, mặc dù nó đang nằm trên đất khô ráo cách xa mặt nước. Cuối cùng, người ấy chỉ hứng chịu sự mệt nhọc và thất vọng mà thôi.

– Cũng vậy, này Aggivessana, đối với những Sa-môn và Bà- la-môn sống với thân đã xa lánh các dục lạc giác quan, nhưng những thèm muốn, tham ái, mê đắm, khao khát và cuồng nhiệt đối với dục lạc giác quan vẫn chưa hoàn toàn bị buông bỏ và đoạn trừ trong nội tâm, thậm chí nếu các Sa-môn và Bà-la-môn đó chỉ cảm nhận những khổ thọ, đau đớn, nhức nhối do nỗ lực, các vị ấy không thế đạt được tri kiến, pháp nhãn và giác ngộ tối thượng; và ngay cả nếu các Sa-môn và Bà-la-môn đó không cảm nhận những khổ thọ, đau đớn, nhức nhối do nỗ lực, các vị ấy vẫn không thể đạt được tri kiến, pháp nhãn và giác ngộ tối thượng. Đó là ví dụ thứ hai đã khởi lên trong Ta thật tự nhiên, chưa bao giờ nghe thấy trước đây.

19. Lại nữa, này Aggivessana, một ví dụ thứ ba khởi lên trong Ta thật tự nhiên, chưa bao giờ nghe thấy trước đây. Giả sử có một khúc cây khô không nhựa, đang nằm trên đất khô ráo cách xa mặt nước, và một người đi đến với một vật làm mồi lửa, nghĩ rằng: “Ta sẽ nhen một ngọn lửa, ta sẽ tạo ra hơi nóng.” Này Aggivessana, ông nghĩ thế nào, người ấy có thể nhen một ngọn lửa và tạo ra hơi nóng bằng cách lấy vật làm mồi lửa chà xát vào khúc cây khô không nhựa đang nằm trên đất khô ráo cách xa mặt nước?

– Thưa Tôn giả Gotama, có thể được. Vì sao vậy? Bởi vì đó là một khúc cây khô không nhựa, và nó đang nằm trên đất khô ráo cách xa mặt nước.

– Cũng vậy, này Aggivessana, đối với những Sa-môn và Bà- la-môn sống với thân đã xa lánh các dục lạc giác quan, và những thèm muốn, tham ái, mê đắm, khao khát và cuồng nhiệt đối với dục lạc giác quan đã hoàn toàn bị buông bỏ và đoạn trừ trong nội tâm, thậm chí nếu các Sa-môn và Bà-la-môn đó chỉ cảm nhận những khổ thọ, đau đớn, nhức nhối do nỗ lực, các vị ấy có thể đạt được tri kiến, pháp nhãn và giác ngộ tối thượng; và ngay cả nếu các Sa-môn và Bà-la-môn đó không cảm nhận những khổ thọ, đau đớn, nhức nhối do nỗ lực, các vị ấy vẫn có thể đạt được tri kiến, pháp nhãn và giác ngộ tối thượng. (16) Đó là ví dụ thứ ba đã khởi lên trong Ta thật tự nhiên, chưa bao giờ nghe thấy trước đây.

20. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử dùng hàm răng nghiến chặt, lưỡi dán lên nóc họng, lấy tâm đánh bại, chế ngự, nhiếp phục tâm.” Rồi với hàm răng nghiến chặt, lưỡi dán lên nóc họng, ta lấy tâm đánh bại, chế ngự, nhiếp phục tâm. Trong lúc Ta làm như vậy, mồ hôi chảy ra từ nách Ta, giống như một lực sĩ nắm đầu hay vai một kẻ yếu hơn và đánh bại, chế ngự và nhiếp phục người ấy; cũng vậy, với hàm răng nghiến chặt, lưỡi dán lên nóc họng, Ta lấy tâm đánh bại, chế ngự, nhiếp phục tâm, và mồ hôi chảy ra từ nách Ta. Mặc dù Ta khởi lên năng lượng tinh tấn không mệt mỏi và thiết lập chánh niệm vững chãi, thân của Ta vẫn bị kích động và căng thẳng bởi vì Ta đã kiệt sức do nỗ lực đến mức đau đớn. Nhưng cảm thọ đau đớn ấy, dù khởi lên trong Ta, đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta. (17)

21. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử thực hành thiền nín thở.” Rồi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng và mũi. Trong khi Ta làm như vậy thì có một tiếng gió động mạnh thoát ra từ hai lỗ tai của Ta, giống như tiếng động mạnh phát ra từ ống thổi bệ của người thợ rèn; cũng vậy, trong khi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng và mũi thì có một tiếng gió động mạnh thoát ra từ hai lỗ tai của Ta. Mặc dù Ta đã khởi lên năng lượng tinh tấn không mệt mỏi và thiết lập chánh niệm vững chãi, thân của Ta vẫn bị kích động và căng thẳng bởi vì Ta đã kiệt sức do nỗ lực đến mức đau đớn. Nhưng cảm thọ đau đớn ấy, dù khởi lên trong Ta, đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

22. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử thực hành thiền nín thở nhiều hơn nữa.” Rồi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai. Trong lúc Ta làm như vậy, có những cơn gió dữ dội thổi mạnh như cắt xuyên qua đầu Ta, giống như có một người lực sĩ dùng mũi nhọn của lưỡi kiếm dí vào đầu Ta; cũng vậy, khi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai, có những cơn gió dữ dội thổi mạnh như cắt xuyên qua đầu Ta. Mặc dù Ta đã khởi lên năng lượng tinh tấn không mệt mỏi và thiết lập chánh niệm vững chãi, thân của Ta vẫn bị kích động và căng thẳng bởi vì Ta đã kiệt sức do nỗ lực đến mức đau đớn. Nhưng cảm thọ đau đớn ấy, dù khởi lên trong Ta, đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

23. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử thực hành thiền nín thở nhiều hơn nữa.” Rồi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai. Trong lúc Ta làm như vậy, đầu Ta đau nhức dữ dội, giống như có một người lực sĩ buộc chặt một dây nịt bằng da cứng quanh đầu ta như một băng cột đầu; cũng vậy, khi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai, đầu Ta đau nhức dữ dội. Mặc dù Ta khởi lên năng lượng tinh tấn không mệt mỏi và thiết lập chánh niệm vững chãi, thân của Ta vẫn bị kích động và căng thẳng bởi vì Ta đã kiệt sức do nỗ lực đến mức đau đớn. Nhưng cảm thọ đau đớn ấy, dù khởi lên trong Ta, đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

24. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử thực hành thiền nín thở nhiều hơn nữa.” Rồi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai. Trong lúc Ta làm như vậy, có những cơn gió dữ dội cắt ngang bụng Ta, giống như một người đồ tể thiện nghệ hay thợ của ông Ta dùng cây dao mổ sắc bén cắt ngang bụng con bò; cũng vậy, trong lúc Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai, có những cơn gió dữ dội cắt ngang bụng Ta. Mặc dù Ta đã khởi lên năng lượng tinh tấn không mệt mỏi và thiết lập chánh niệm vững chãi, thân của Ta vẫn bị kích động và căng thẳng bởi vì Ta đã kiệt sức do nỗ lực đến mức đau đớn. Nhưng cảm thọ đau đớn ấy, dù khởi lên trong Ta, đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

25. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử thực hành thiền nín thở nhiều hơn nữa.” Rồi Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai. Trong lúc Ta làm như vậy, có một sức nóng dữ dội như thiêu đốt thân Ta, giống như có hai người lực sĩ khóa chặt hai cánh tay của một người yếu hơn và nướng người ấy trên một hố than nóng rực; cũng vậy, trong lúc Ta nín hơi thở vô và hơi thở ra qua đường miệng, mũi và tai, có một sức nóng dữ dội như thiêu đốt thân Ta. Mặc dù Ta đã khởi lên năng lượng tinh tấn không mệt mỏi và thiết lập chánh niệm vững chãi, thân của Ta vẫn bị kích động và căng thẳng bởi vì Ta đã kiệt sức do nỗ lực đến mức đau đớn. Nhưng cảm thọ đau đớn ấy, dù khởi lên trong Ta, đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

26. Lúc ấy, khi chư Thiên thấy Ta, một vài vị nói: “Sa-môn Gotama chết rồi.” Một vài vị khác nói: “Sa-môn Gotama chưa chết, Sa-môn Gotama đang hấp hối.” Một số chư Thiên khác nói: “Sa-môn Gotama không phải đã chết cũng không phải đang hấp hối, Ngài là một bậc A-la-hán, đó là cách sống của một vị A-la-hán.”

27. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử tuyệt thực hoàn toàn.” Rồi chư Thiên đến bên Ta và nói: “Này hiền giả, đừng thực hành tuyệt thực hoàn toàn. Nếu hiền giả làm như vậy, chúng tôi sẽ bơm thức ăn của cõi Thiên qua lỗ chân lông trên da của hiền giả và nhờ vậy hiền giả vẫn sống.” Ta suy nghĩ: “Nếu Ta tuyên bố hoàn toàn tuyệt thực trong lúc các vị Thiên ấy bơm thức ăn của cõi Thiên vào lỗ chân lông trên da của Ta và nhờ vậy Ta vẫn sống, như thế là Ta sẽ nói dối.” Vì vậy, Ta bác bỏ ý định của chư Thiên và nói: “Không cần phải làm như vậy.”

28. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta hãy thử ăn thật ít, mỗi lần chỉ bằng một nắm tay, dù là súp đậu xanh, đậu đỏ hay súp rau, hay súp đậu nhỏ.” Rồi Ta ăn thật ít, mỗi lần chỉ bằng một nắm tay, dù là súp đậu xanh, đậu đỏ hay súp rau, hay súp đậu nhỏ. Khi Ta làm như vậy, thân thể Ta trở nên hết sức gầy yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở nên giống như những cọng dây leo hay cọng tre. Vì Ta ăn quá ít, bàn tọa của Ta giống như móng của con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống của Ta nhô ra giống như một xâu chuỗi hạt. Vì Ta ăn quá ít, xương sườn của Ta lòi ra giống như bộ sườn èo uột của một căn trại không mái lợp. Vì Ta ăn quá ít, ánh sáng trong mắt Ta như chìm sâu vào trong hốc mắt, giống như ánh nước chìm lắng dưới đáy giếng sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta nhăn nheo, khô héo như một trái mướp đắng héo úa trong nắng và gió. Vì Ta ăn quá ít, da bụng Ta dính liền với xương sống; vì thế, nếu Ta sờ da bụng thì Ta chạm phải xương sống và nếu Ta sờ vào xương sống thì Ta chạm phải da bụng. Vì Ta ăn quá ít, nếu Ta đi đại tiện hay tiểu tiện, Ta ngã quỵ úp mặt xuống đất. Vì Ta ăn quá ít, nếu Ta cố gắng làm dịu thân Ta bằng cách xoa bóp tay chân thì lông tóc mục nát rơi rụng khỏi thân thể Ta.

29. Lúc bấy giờ, khi nhiều người thấy Ta, có người nói: “Sa- môn Gotama da đen.” Người khác nói: “Sa-môn Gotama không phải da đen, da của Ngài màu nâu.” Người khác nói: “Sa-môn Gotama không phải da đen hay nâu, da của Ngài màu vàng.” Màu da của Ta vốn tươi sáng nay đã bị biến hoại vì Ta ăn quá ít.

30. Rồi Ta suy nghĩ: “Trong quá khứ, dù các Sa-môn, Bà-la- môn do nỗ lực quá mức, đã trải qua những cảm thọ đau đớn, nhức nhối khốc liệt như thế nào đi nữa, thì sự đau đớn của Ta như thế này là tột đỉnh, không thể nào có gì đau đớn hơn. Trong tương lai, dù các Sa-môn, Bà-la-môn do nỗ lực quá mức, đã trải qua những cảm thọ đau đớn, nhức nhối khốc liệt như thế nào đi nữa, thì sự đau đớn của Ta như thế này là tột đỉnh, không thể nào có gì đau đớn hơn. Và trong hiện tại, dù các Sa-môn, Bà-la-môn do nỗ lực quá mức, đã trải qua những cảm thọ đau đớn, nhức nhối khốc liệt như thế nào đi nữa, thì sự đau đớn của Ta như thế này là tột đỉnh, không thể nào có gì đau đớn hơn. Nhưng với việc thực hành khổ hạnh khốc liệt như thế này, Ta vẫn không chứng đạt được tri kiến và pháp nhãn thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Có thể có một con đường khác đưa đến giác ngộ không?”

31. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta nhớ lại khi thân phụ Ta thuộc bộ tộc Thích-ca (Sakya) đang bận việc đồng áng, trong lúc Ta ngồi dưới bóng mát của cây hồng đào, Ta xả ly các dục thuộc giác quan, xả ly các pháp bất thiện, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ. (18) Có thể đây là con đường đưa đến giác ngộ chăng?” Rồi tiếp theo hồi ức đó Ta khởi lên nhận thức này: “Đây chính là con đường giác ngộ.”

32. Rồi Ta suy nghĩ: “Tại sao Ta lại sợ hãi niềm hỷ lạc này khi nó không liên hệ gì đến các dục thuộc giác quan và các pháp bất thiện?” Rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ niềm hỷ lạc này khi nó không liên hệ gì đến các dục thuộc giác quan hay các pháp bất thiện.”

33. Rồi Ta suy nghĩ: “Không dễ gì đạt được niềm hỷ lạc ấy với một thân thể cực kỳ kiệt quệ như thế này. Ta hãy ăn vài thức ăn căn bản, một ít cơm hay cháo.” Và rồi Ta ăn vài thức ăn căn bản, một ít cơm và cháo. Lúc ấy, năm vị Tỷ-kheo đang phục vụ Ta nghĩ rằng: “Nếu Sa-môn Gotama chứng đắc pháp cao thượng, Ngài sẽ báo cho chúng ta biết.” Nhưng khi Ta ăn cơm và cháo, năm vị Tỷ- kheo chán ghét Ta, bỏ đi và nói rằng: “Giờ đây Sa-môn Gotama đã sống đầy đủ vật chất, đã không còn tinh tấn khổ hạnh, đã trở lại lối sống sung túc.”

34. Bấy giờ, sau khi Ta đã ăn thức ăn căn bản và phục hồi sức khỏe, Ta xả ly các dục thuộc giác quan và các bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm và tứ. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta. (19)

35. Rồi Ta chấm dứt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

36. Rồi Ta ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, cảm nhận lạc thọ trong thân, Ta chứng và trú Tam thiền mà các bậc Thánh tuyên bố là “xả niệm lạc trú”. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

37. Rồi Ta xả lạc xả khổ, với hỷ và ưu đã đoạn diệt trước đây, Ta chứng và trú Tứ thiền, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

38. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không uế nhiễm, toàn hảo, nhu hòa, dễ sử dụng, vững chãi, đạt đến mức an nhiên, Ta hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến vô số đời sống quá khứ của Ta, nghĩa là một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều kiếp thế giới hủy hoại, nhiều kiếp thế giới hình thành, nhiều kiếp thế giới hủy hoại và hình thành. Ta nhớ rằng: “Tại nơi đó, Ta có tên như vậy, thuộc bộ tộc như vậy, có hình hài như vậy, được nuôi dưỡng như vậy, có những lạc thọ và khổ thọ như vậy, tuổi thọ như vậy; và sau khi qua đời từ chỗ đó, Ta đã tái sanh vào chỗ khác và ở đó Ta có tên như vậy, thuộc bộ tộc như vậy, có hình hài như vậy, được nuôi dưỡng như vậy, có những lạc thọ và khổ thọ như vậy, tuổi thọ như vậy; và sau khi qua đời từ chỗ đó, Ta đã tái sanh vào chỗ khác.” Như vậy, Ta nhớ lại vô số đời quá khứ của Ta cùng với những đặc điểm và các phương diện khác của đời sống.

39. Đây là minh thứ nhất Ta đã chứng được trong canh một của đêm ấy. Vô minh đã bị diệt trừ và minh sanh khởi, bóng tối đã bị diệt trừ và ánh sáng sanh khởi, như đã xảy ra đối với người sống tinh tấn, nhiệt tâm và cương quyết. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

40. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không uế nhiễm, toàn hảo, nhu hòa, dễ sử dụng, vững chãi, đạt đến mức an nhiên, Ta hướng tâm đến Thiên nhãn minh, là tri kiến về sự sanh tử của chúng sanh. Với thiên nhãn thuần tịnh và siêu phàm, Ta thấy rõ chúng sanh chết và tái sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người may mắn, kẻ bất hạnh, và Ta hiểu tất cả điều ấy là do nghiệp của họ như thế này: “Những chúng sanh đã tạo nhiều hành động ác về thân, khẩu và ý, đã phỉ báng các bậc Thánh, nắm giữ tà kiến, và tạo ác nghiệp theo tà kiến, với thân xác tan rã sau khi chết, họ sẽ phải tái sanh vào cõi khốn khổ, xấu ác, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh đã tạo nhiều hành động thiện về thân, khẩu và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, có chánh kiến và tạo các nghiệp theo chánh kiến, với thân xác tan rã sau khi chết, những người này sẽ tái sanh vào cõi an lành, vào Thiên giới.” Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh và siêu phàm, Ta thấy rõ chúng sanh chết và tái sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người may mắn, kẻ bất hạnh, và Ta hiểu tất cả điều ấy là do nghiệp của họ.

41. Đây là minh thứ hai Ta chứng được vào canh giữa của đêm ấy. Vô minh đã bị diệt trừ và minh sanh khởi, bóng tối đã bị diệt trừ và ánh sáng sanh khởi, như đã xảy ra đối với người sống tinh tấn, nhiệt tâm và cương quyết. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

42. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không uế nhiễm, toàn hảo, nhu hòa, dễ sử dụng, vững chãi, đạt đến mức an nhiên, Ta hướng tâm đến Lậu tận minh, đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Ta hiểu rõ như thật: “Đây là khổ. Đây là nguyên nhân của khổ. Đây là sự diệt khổ. Đây là con đường đưa đến diệt khổ.” Ta biết rõ như thật: “Đây là những lậu hoặc. Đây là nguồn gốc của những lậu hoặc. Đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc. Đây là con đường đưa đến đoạn trừ các lậu hoặc.”

43. Khi Ta biết và thấy rõ như vậy, tâm Ta giải thoát khỏi những lậu hoặc thuộc dục vọng giác quan, thoát khỏi lậu hoặc về hiện hữu, thoát khỏi những lậu hoặc về vô minh. Khi tâm Ta đã được giải thoát, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã được giải thoát.” Ta biết rõ: “Sanh đã tận, đời sống phạm hạnh đã hoàn thành, những việc cần làm đã làm xong, sẽ không còn trở lại bất cứ một đời sống nào khác nữa.”

44. Đây là minh thứ ba Ta đã chứng được trong canh cuối của đêm ấy. Vô minh đã bị diệt trừ và minh sanh khởi, bóng tối đã bị diệt trừ và ánh sáng sanh khởi, như đã xảy ra đối với người sống tinh tấn, nhiệt tâm và cương quyết. Nhưng lạc thọ ấy khởi lên trong Ta đã không xâm chiếm và tồn tại trong tâm Ta.

(Trung BK I, Kinh 36: Đại kinh Saccaka, tr. 521-543)

(3) Thành phố cổ

– Này các Tỷ-kheo, trước khi chưa chứng được Chánh Đẳng Giác, khi Ta đang còn là một vị Bồ-tát chưa hoàn toàn giác ngộ, Ta đã khởi lên tư tưởng này: “Thế giới này đang rơi vào vòng khổ não, ở chỗ chúng sanh bị sanh ra, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và rồi lại bị tái sanh. Tuy nhiên, từ nỗi khổ đau do già chết, chúng sanh không biết cách vượt thoát khổ đau này. Khi nào họ sẽ tìm thấy cách vượt thoát khỏi nỗi khổ đau do già chết?”

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại khởi lên ý nghĩ: “Khi cái gì có mặt thì già chết có mặt? Do duyên gì khiến già chết sinh khởi?” Rồi này các Tỷ-kheo, qua chú tâm suy nghĩ cẩn trọng, trí tuệ Ta đã có một bước đột phá như sau: “Khi nào có sanh thì già chết có mặt, sanh là nhân duyên của già chết.”

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ: “Khi cái gì có mặt thì sanh có mặt... hữu... thủ... ái... thọ... xúc... sáu căn (lục nhập)... danh sắc... Do duyên gì danh sắc có mặt?” Rồi này các Tỷ-kheo, qua chú tâm suy nghĩ cẩn trọng, trí tuệ Ta đã có một bước đột phá như sau: “Khi thức có mặt thì danh sắc có mặt; thức là nhân duyên của danh sắc.”

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại khởi lên ý nghĩ này: “Khi cái gì có mặt thì thức có mặt?” Rồi này các Tỷ-kheo, qua chú tâm suy nghĩ cẩn trọng, trí tuệ Ta đã có một bước đột phá như sau: “Khi danh sắc có mặt thì thức có mặt, danh sắc là nhân duyên của thức.”(20)

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Thức này quay trở lại, nó không đi vượt quá danh sắc. Chính ở giai đoạn này mà một con người có thể sinh ra, già và chết và rồi lại tái sanh, nghĩa là: Khi có thức do danh sắc làm nhân duyên, và danh sắc do thức làm nhân duyên. (21) Do danh sắc làm nhân duyên sinh ra sáu căn; do sáu căn làm nhân duyên sinh xúc... Đó là nguồn gốc của toàn bộ khổ uẩn này.”

“Tập khởi, tập khởi.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước đây, Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thấu suốt và quang minh.

Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại khởi lên ý nghĩ này: “Khi cái gì không có mặt thì già chết không có mặt? Cái gì chấm dứt thì già chết chấm dứt?” Rồi này các Tỷ-kheo, qua chú tâm suy nghĩ cẩn trọng, trí tuệ Ta đã có một bước đột phá như sau: “Khi sanh không có mặt thì già chết không có mặt; sanh chấm dứt thì già chết chấm dứt.”

Rồi Ta lại suy nghĩ như sau: “Khi cái gì không có mặt thì sanh không có mặt... hữu… thủ… ái… thọ… xúc… sáu căn... danh sắc… Do cái gì diệt thì danh sắc diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, qua chú tâm suy nghĩ cẩn trọng, trí tuệ Ta đã có một bước đột phá như sau: “Khi thức không có mặt thì danh sắc không có mặt; do thức diệt thì danh sắc diệt.”



Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Ta đã khám phá ra con đường giác ngộ này, nghĩa là: Do danh sắc diệt thì thức diệt; do thức diệt thì danh sắc diệt; do danh sắc diệt thì sáu căn diệt; do sáu căn diệt thì xúc diệt... Đó là sự đoạn diệt toàn bộ khổ uẩn này.” (22)

“Đoạn diệt, đoạn diệt.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp chưa từng được nghe trước đây, Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thấu suốt và quang minh.

Này các Tỷ-kheo, giả sử một người du hành qua một khu rừng, tìm thấy một con đường xưa cổ, một con đường xưa cổ do những người trong thời xa xưa đã đi qua. Người ấy đi theo con đường đó và thấy một thành phố cổ, một thủ đô xưa cổ do những con người thời xa xưa cư ngụ, với công viên, khu rừng, hồ nước và thành lũy, một địa điểm thật đẹp. Rồi người ấy thông báo cho nhà vua hay quan đại thần: “Thưa ngài, xin tâu cho ngài biết rằng trong lúc tôi du hành qua một khu rừng, tôi đã tìm thấy một con đường xưa cổ, một con đường xưa cổ do những người trong thời xa xưa đã đi qua. Tôi đã đi theo con đường ấy và thấy một thành phố cổ, một thủ đô xưa cổ do những con người thời xa xưa cư ngụ, với công viên, khu rừng, hồ nước và thành lũy, một địa điểm thật đẹp. Xin ngài hãy tân trang cổ thành ấy!” Rồi nhà vua hay quan đại thần tân trang cổ thành ấy, và sau một thời gian, thành phố này trở nên phồn thịnh, thành công, dân cư đông đúc, tràn ngập người, phát triển và mở mang.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta đã tìm thấy con dường xưa cổ, con đường xưa mà các bậc Giác ngộ thời quá khứ đã đi qua. Và con đường cổ, con đường xưa ấy là gì? Đó chính là Bát Thánh đạo, nghĩa là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh định và Chánh huệ. Ta đã theo con đường ấy, và bằng cách đó, Ta đã trực tiếp hiểu biết được già chết, nguồn gốc của già chết, sự đoạn diệt già chết, và con đường đưa đến đoạn diệt già chết. Ta đã trực tiếp hiểu biết được sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu căn, danh sắc, thức, hành; nguồn gốc của chúng, sự đoạn diệt, và con đường đưa đến đoạn diệt chúng. (23) Sau khi đã trực tiếp hiểu biết được chúng, Ta đã giảng giải con đường này cho các Tỷ-kheo, nam cư sĩ, nữ cư sĩ. Này các Tỷ-kheo, đời sống thánh thiện này đã thành công và phong phú, thịnh vượng, trở nên phổ biến, lan rộng, đã được khéo tuyên thuyết trong thế giới chư Thiên và loài Người.

(Tương Ưng Bộ Kinh II, Ch. I, Phẩm Phật Đà, tr. 24-26)

4. QUYẾT ĐỊNH THUYẾT PHÁP

19. Rồi Ta suy nghĩ như sau: “Pháp này do Ta chứng đắc thật thâm sâu, khó thấy, khó hiểu, an tịnh và siêu phàm, không thể đạt được bằng lý luận suông, tế nhị, chỉ người trí mới trải nghiệm được. Nhưng chúng sanh đời này ham thích ái dục, vui thú trong ái dục, khoái lạc hưởng thụ ái dục. (24) Thật khó cho chúng sanh đời này thấy được chân lý này, đó là tính nhân duyên đặc thù, lý Duyên khởi; và thật khó thấy được chân lý này, đó là sự tịnh chỉ tất cả các hành, từ bỏ mọi sanh y, diệt trừ ái dục, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn! (25) Nếu Ta thuyết giảng Giáo pháp này, người khác sẽ không hiểu Ta, như vậy thật phiền phức cho Ta.” Rồi những câu kệ này trước đây chưa từng nghe đã tự nhiên khởi lên trong Ta:

Thôi đủ rồi việc giảng dạy Giáo pháp
Mà chính Ta cũng thấy khó đạt,
Những người sống với tham sân
Làm sao thấu hiểu được?

Những kẻ đắm mình trong tham ái vô minh
Sẽ không bao giờ hiểu được,
Pháp này đi ngược dòng đời,
Tế nhị, thâm sâu, khó thấy.

Suy nghĩ như vậy, tâm Ta hướng đến vô vi bất động chứ không nghĩ đến việc giảng dạy Giáo pháp. (26)

20. Này các Tỷ-kheo, lúc đó Phạm Thiên Sahampati với tâm mình thấu hiểu được tâm tư của Ta, liền nghĩ rằng: “Thế giới này sẽ bơ vơ lạc lõng, thế giới này sẽ tiêu diệt, vì tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hướng đến vô vi bất động hơn là nghĩ đến việc giảng dạy Giáo pháp.” Rồi, nhanh như một lực sĩ duỗi cánh tay đang co, hay co lại cánh tay đang duỗi, Phạm Thiên Sahampati biến mất từ thế giới Phạm Thiên và hiện ra trước mặt Ta. Vị Phạm Thiên đắp thượng y lên một bên vai, chắp tay đảnh lễ Ta và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp! Bạch Thiện Thệ, hãy thuyết pháp! Có những chúng sanh chỉ còn vướng chút ít bụi trần sẽ bị thiệt hại nếu không được nghe Giáo pháp. Sẽ có những chúng sanh có thể hiểu được Giáo pháp.” Vị Phạm Thiên Sahampati nói như vậy, và rồi nói thêm bài kệ như sau:

Tại Magadha cho đến bây giờ vẫn có
Các pháp bất tịnh do những kẻ tâm còn cấu uế tạo ra.
Xin hãy mở cánh cửa Bất tử!
Hãy cho họ nghe Pháp
Của bậc Thanh tịnh đã chứng đắc.

Như người đứng trên đỉnh núi
Có thể thấy hết mọi người chung quanh,
Bởi vậy, hỡi bậc Đại trí,
bậc Thánh thấy cùng khắp,
Xin hãy bước lên lâu đài Chánh pháp,

Hãy để bậc Thoát ly sầu muộn
Nhìn xuống đám chúng sanh này,
Đang ngập chìm trong khổ não,
Bị sanh già chi phối.
Xin hãy đứng lên, bậc anh hùng chiến thắng,
Vị lãnh đạo đám lữ hành,
Bậc rũ sạch nợ nần,
hãy đi khắp thế giới,

Xin Thế Tôn hãy giảng dạy Giáo pháp,
Sẽ có những người nghe thấu hiểu.

21. Rồi Ta lắng nghe lời thỉnh cầu của vị Phạm Thiên, và vì lòng từ bi đối với chúng sanh, Ta nhìn quanh thế giới với Phật nhãn, Ta thấy có chúng sanh còn nhiễm chút ít bụi trần và có chúng sanh nhiễm rất nhiều bụi trần, có hạng người căn tánh lanh lợi, có hạng căn tánh ám độn, có hạng thiện lành, có hạng xấu ác, có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy, và một số người suy nghĩ về sự sợ hãi và nguy hiểm ở thế giới khác. Cũng giống như trong một hồ sen xanh, đỏ hay trắng, một vài hoa sen sanh ra và lớn lên dưới nước, phát triển dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước; một số hoa sen khác sanh ra và lớn lên dưới nước, vươn lên tới mặt nước; và một số hoa sen khác sanh ra và lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước và đứng thẳng trong sạch, không bị thấm nước. Cũng vậy, khi Ta nhìn quanh thế giới với Phật nhãn, Ta thấy có chúng sanh còn nhiễm chút ít bụi trần và có chúng sanh nhiễm rất nhiều bụi trần, có hạng người căn tánh lanh lợi, có hạng căn tánh ám độn, có hạng thiện lành, có hạng xấu ác, có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy, và một số người suy nghĩ về sự sợ hãi và nguy hiểm ở thế giới khác. Rồi Ta nói bài kệ này để trả lời Phạm Thiên Sahampati:

Nay cửa Bất tử rộng mở cho mọi người,
Để những ai muốn nghe bây giờ hãy chứng tỏ lòng tin.
Hỡi Phạm Thiên, nghĩ rằng điều ấy sẽ phiền toái,
Nên Ta đã không muốn giảng Giáo pháp vi diệu và siêuphàm.

Rồi Phạm Thiên Sahampati suy nghĩ: “Thế Tôn đã chấp nhận lời thỉnh cầu của ta rằng Ngài sẽ giảng dạy Giáo pháp.” Và sau khi đảnh lễ Ta, thân phía tay phải hướng về Ta, Phạm Thiên biến mất ngay.

22. Ta suy nghĩ: “Ta sẽ giảng Giáo pháp cho ai trước tiên? Ai sẽ hiểu Giáo pháp này thật nhanh?” Rồi ý nghĩ này khởi lên trong Ta: “Ālāra Kālāma là bậc có trí tuệ, thông minh, sáng suốt, đã từ lâu chỉ còn chút ít bụi trần. Giả sử Ta thuyết pháp cho Ālāra Kālāma đầu tiên, ông ta sẽ hiểu ngay.” Rồi chư Thiên đến bên Ta và nói: “Bạch Thế Tôn, Ālāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày rồi.” Và tri kiến này khởi lên trong Ta: “Ālāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày rồi.” Ta nghĩ: “Đây là một thiệt hại lớn cho Ālāra Kālāma. Nếu được nghe Pháp này, ông ấy sẽ hiểu rất nhanh.”

23. Rồi Ta suy nghĩ: “Ta sẽ giảng Giáo pháp cho ai trước tiên? Ai sẽ hiểu Giáo pháp này thật nhanh?” Rồi ý nghĩ này khởi lên trong Ta: “Uddaka Rāmaputta là bậc có trí tuệ, thông minh, sáng suốt, đã từ lâu chỉ còn chút ít bụi trần. Giả sử ta thuyết pháp cho Uddaka Rāmaputta đầu tiên, ông ta sẽ hiểu ngay.” Rồi chư Thiên đến bên Ta và nói: “Bạch Thế Tôn, Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung đêm hôm qua.” Và tri kiến này khởi lên trong Ta: “Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung đêm hôm qua.” Ta nghĩ: “Đây là một thiệt hại lớn cho Uddaka Rāmaputta. Nếu được nghe Pháp này, ông ấy sẽ hiểu rất nhanh.”

24. Ta suy nghĩ: “Ta sẽ giảng Giáo pháp cho ai trước tiên? Ai sẽ hiểu Giáo pháp này thật nhanh?” Rồi ý nghĩ này khởi lên trong Ta: “Nhóm năm Tỷ-kheo đã phục vụ Ta khi Ta đang nỗ lực tu tập, nhóm này rất hữu ích. (27) Vậy Ta hãy thuyết pháp cho nhóm này đầu tiên.” Rồi Ta nghĩ: “Bây giờ nhóm năm Tỷ-kheo này đang ở đâu?” Và với thiên nhãn thanh tịnh siêu phàm, Ta thấy họ đang ở Ba-la-nại (Bārāṇasī) gần Lộc Uyển thuộc Isipatana.

25. Này các Tỷ-kheo, sau khi đã ở tại Uruvelā trong một thời gian như đã định, Ta lên đường đi đến Ba-la-nại. Khi ta đang đi giữa Gayā và Bodhi, một người ngoại đạo là Ājīvaka Upaka thấy Ta trên đường và nói: “Này hiền giả, các căn của hiền giả thật quang minh, màu da của hiền giả thật thanh tịnh và tươi sáng. Vì mục đích gì hiền giả đã xuất gia? Ai là bậc đạo sư của hiền giả? Hiền giả thọ trì Pháp của ai?” Ta trả lời Ājīvaka Upaka bằng bài kệ như sau:

Ta là bậc đã vượt lên tất cả, là bậc biết tất cả,
Không ô nhiễm giữa các pháp, đã xả ly tất cả,
Đoạn tận mọi khát ái,
Ta tự giác ngộ tất cả các pháp này,
Ta còn phải chỉ ai là bậc thầy?

Ta không có Đạo sư, và bậc như Ta
Không thể tìm thấy trong khắp thế giới này,
Giữa tất cả Trời và Người,
Không có ai ngang hàng với Ta.

Vì Ta là bậc A-la-hán trong thế giới này,
Ta là bậc Đạo sư vô thượng,
Một mình Ta là bậc Chánh Đẳng Giác,
Đã dập tắt mọi ngọn lửa.

Bây giờ Ta đi đến thành Kāsi,
Để chuyển bánh xe Pháp,
Trong thế giới mù lòa,
Ta sẽ gióng lên tiếng trống Bất tử.

- Này hiền giả, theo như lời tuyên bố của hiền giả, thì hiền giả phải là bậc chiến thắng của thế giới này. (28)

Những bậc chiến thắng là những vị giống Ta,
Những vị đã diệt trừ mọi lậu hoặc,
Ta đã nhiếp phục mọi ác pháp,
Vì thế, Upaka,
Ta là bậc chiến thắng.

Khi ta nói những lời này xong, Ājīvaka Upaka nói: “Này hiền giả, cầu mong mọi việc sẽ như vậy.” Rồi Upaka lắc đầu và ra đi bằng con đường khác.

26. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta tiếp tục đi từng chặng đường, cuối cùng ta đi đến Ba-la-nại, vườn Lộc Uyển ở Isipatana, và Ta đi đến chỗ năm Tỷ-kheo. Nhóm năm Tỷ-kheo thấy Ta từ đằng xa đi đến, họ bàn bạc và thỏa thuận với nhau rằng: “Này các hiền giả, nay Sa-môn Gotama đang đi đến, vị này đã sống sung túc, đã từ bỏ nỗ lực khổ hạnh và trở lại lối sống sung túc. Chúng ta không nên đảnh lễ vị này, đứng dậy chào hay nhận y bát. Nhưng chúng ta có thể sắp đặt một chỗ ngồi. Nếu vị này muốn, thì có thể ngồi xuống.” Tuy nhiên, khi Ta đến gần, năm vị Tỷ-kheo này thấy rằng họ không thể giữ đúng những điều đã thỏa thuận với nhau. Một vị đến đón Ta và cầm y bát, một vị khác sắp đặt chỗ ngồi, một vị khác nữa đem nước rửa chân đến, tuy nhiên họ gọi Ta bằng tên và danh xưng là ‘hiền giả’. (29)

27. Khi nghe như vậy, Ta nói với họ: “Này các Tỷ-kheo, đừng gọi Như Lai bằng tên hay hiền giả. Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe, Ta đã chứng đắc Pháp Bất tử. Ta sẽ hướng dẫn, Ta sẽ thuyết giảng Giáo pháp cho các ngươi. Hãy thực hành đúng theo lời Ta hướng dẫn, bằng cách tự tri, tự chứng ngay bây giờ và ở đây, rồi chẳng bao lâu các ngươi sẽ đi vào và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh như những thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.”

Khi nghe Ta nói như vậy, nhóm năm Tỷ-kheo trả lời như sau: “Hiền giả Gotama, với nếp sống, với đường lối tu tập, và với việc hành trì khổ hạnh mà hiền giả đã thực hiện, hiền giả đã không chứng đạt được Pháp siêu việt thế gian nào về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc Thánh. Nay thì hiền giả đã trở lại sống đầy đủ vật chất, đã từ bỏ nỗ lực tinh cần khổ hạnh, làm sao hiền giả có thể chứng đạt được pháp siêu việt thế gian về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc Thánh?” Khi nghe họ nói như vậy, Ta nói với họ rằng: “Như Lai không sống sung túc, và cũng không từ bỏ nỗ lực tinh cần và trở lại sống sung túc. Như Lai là bậc A-la- hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe, Ta đã chứng đắc Pháp Bất tử ... từ bỏ gia đình, sống không gia đình.”

Lần thứ hai, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta: “Này hiền giả Gotama... làm sao hiền giả có thể chứng đạt được pháp siêu việt thế gian về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc Thánh?” Lần thứ hai, Ta nói với họ: “Như Lai không sống sung túc... từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” Lần thứ ba, nhóm năm Tỷ-kheo nói với Ta: “Này hiền giả Gotama... làm sao hiền giả có thể chứng đạt được pháp siêu việt thế gian về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc Thánh?”

28. Khi nhóm năm Tỷ-kheo nói như vậy, Ta hỏi họ:
– Này các Tỷ-kheo, trước đây các ngươi đã từng nghe Ta nói như vậy chưa?
– Bạch Ngài, chưa bao giờ. (30)
– Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lắng nghe, Ta đã chứng đắc Pháp Bất tử. Ta sẽ hướng dẫn, Ta sẽ thuyết giảng Giáo pháp cho các ngươi. Hãy thực hành đúng theo lời Ta hướng dẫn, bằng cách tự tri, tự chứng ngay bây giờ và ở đây, rồi chẳng bao các ngươi sẽ đi vào và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh như những thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

29. Ta đã có thể thuyết phục được nhóm năm Tỷ-kheo. (31) Rồi đôi lúc Ta giảng dạy hai Tỷ-kheo trong lúc ba vị kia đi khất thực, và cả sáu người chúng ta sống bằng những gì ba vị Tỷ-kheo kia đi khất thực mang về. Đôi lúc Ta giảng dạy ba Tỷ-kheo trong lúc hai vị kia đi khất thực, và cả sáu người chúng ta sống bằng những gì hai vị Tỷ-kheo ấy đi khất thực mang về.

30. Rồi nhóm năm Tỷ-kheo, sau khi được Ta hướng dẫn và giảng dạy, từ chỗ chính họ phải chịu bị sanh, hiểu được sự nguy hiểm của những gì bị sanh, tìm cầu sự an ổn vô thượng, thoát khỏi mọi khổ ách của cái không sanh, là Niết-bàn; từ chỗ tự mình phải chịu già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não, tìm cầu cái không già, không bệnh, không chết, không sầu bi, không phiền não, an ổn vô thượng thoát khỏi mọi khổ ách, là Niết-bàn; họ chứng được trạng thái không già, không bệnh, không chết, không sầu bi, không phiền não, an ổn vô thượng thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết-bàn. Họ khởi lên tri kiến và pháp nhãn này: “Sự giải thoát của chúng ta là không gì lay chuyển được, đây là đời sống cuối cùng của chúng ta, nay chúng ta không còn tái sanh nữa.”

(Trung BK I, Kinh số 26: Kinh Thánh Cầu, tr. 374-387)

5. BÀI THUYẾT PHÁP ĐẦU TIÊN

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn đang cư trú ở Ba-la- nại (Bārāṇasī) trong vườn Lộc Uyển thuộc Isipatana. Tại đây, Thế Tôn bảo với nhóm năm Tỷ-kheo như sau:

– Này các Tỷ-kheo, một người xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không nên theo đuổi thực hành hai cực đoan này. Thế nào là hai? Một là tìm kiếm dục lạc trong các dục thuộc giác quan, đó là lối sống thấp kém, đê tiện, là con đường của kẻ phàm phu, không cao thượng, vô ích. Hai là dấn thân theo đuổi lối tu tự ép xác khổ hạnh, như vậy rất đau đớn, không cao thượng, vô ích. Bằng cách không đi theo hai cực đoan này, Như Lai đã chứng ngộ Trung đạo, là con đường đem lại pháp nhãn, tri kiến, dẫn đến an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Trung đạo đã được Như Lai chứng ngộ? Đó chính là Bát Thánh đạo, nghĩa là: Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là Trung đạo đã được Như Lai nhận thức; con đường này đưa đến pháp nhãn, tri kiến, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Này các Tỷ-kheo, đây là chân lý về Khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ; phải sống với những gì mình ghét là khổ; phải xa cách những gì mình thương là khổ; không đạt được những gì mình mong ước là khổ; nói ngắn gọn, bám chặt vào năm uẩn là khổ.

Này các Tỷ-kheo, đây là chân lý về nguồn gốc của Khổ: chính là ái dục đưa đến tái sanh, đi cùng với vui sướng và thèm khát, tìm kiếm sự vui sướng chỗ này chỗ kia; đó là sự khao khát các dục lạc giác quan, khao khát được tồn tại, khao khát được không tồn tại.

Này các Tỷ-kheo, đây là chân lý về việc chấm dứt khổ: chính là sự tàn lụi và đoạn diệt hết sạch mọi tàn dư của lòng khao khát, từ bỏ, vất bỏ nó, giải thoát khỏi nó, là không còn bám víu chấp thủ vào nó.

Này các Tỷ-kheo, đây là chân lý về con đường đưa đến chấm dứt Khổ: đó chính là Bát Thánh đạo, nghĩa là: Chánh tri kiến... Chánh định.”

“Đây là chân lý về khổ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh. (32)

“Chân lý về khổ cần phải được hiểu đầy đủ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh. (33)

“Chân lý về khổ đã được hiểu đầy đủ”. Như vậy, này các Tỷ- kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh. (34)

“Đây là chân lý về nguồn gốc của khổ”. Như vậy, này các Tỷ- kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Chân lý về nguồn gốc của khổ này cần phải được đoạn trừ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Chân lý về nguồn gốc của khổ này đã được đoạn trừ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Đây là chân lý về sự chấm dứt khổ”. Như vậy, này các Tỷ- kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Chân lý về sự chấm dứt khổ cần phải được chứng đắc”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Đây là chân lý về sự chấm dứt khổ đã được chứng đắc”.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Đây là chân lý về con đường đưa đến diệt khổ”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Đây là chân lý về con đường đưa đến diệt khổ cần phải tu tập”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

“Đây là chân lý về con đường đưa đến diệt khổ đã được tu tập”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp trước đây chưa từng được nghe, trong Ta đã khởi lên pháp nhãn, tri kiến, tuệ giác, thâm diệu, quang minh.

Này các Tỷ-kheo, bao lâu mà Ta chưa đạt được tri kiến và pháp nhãn hoàn toàn thanh tịnh, đúng như thật về Tứ diệu đế, như trong ba giai đoạn và mười hai hành tướng, (35) thì Ta không tuyên bố là đã chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Giác trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới; trong quần chúng này với các Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Nhưng khi nào tri kiến và pháp nhãn của Ta về Tứ diệu đế đã hoàn toàn thanh tịnh, đúng như thật, với ba giai đoạn và mười hai hành tướng, thì Ta tuyên bố là đã chứng đắc Vô thượng Chánh Đẳng Giác trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm Thiên giới; trong quần chúng này với các Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người. Tri kiến và pháp nhãn này đã khởi lên trong Ta: “Tâm giải thoát của Ta là không thể nào lay chuyển. Đây là đời sống cuối cùng của Ta. Giờ đây sẽ không còn tái sanh nữa.”

Thế Tôn đã thuyết giảng như vậy. Nhóm năm Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi bài pháp này được thuyết giảng, Tôn giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña) phát khởi pháp nhãn thanh tịnh vô nhiễm về Pháp như sau: “Bất cứ pháp nào có sinh khởi cũng phải chịu đoạn diệt.” (36)

Và khi bánh xe Pháp đã được Thế Tôn chuyển động, chư thần cư ngụ trên cõi đất này lớn tiếng nói: “Tại thành Ba-la-nại, trong Vườn Lộc Uyển thuộc Isipatana, vô thượng Pháp luân này đã được Thế Tôn chuyển động, và không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Vương hay bất cứ ai trong thế giới có thể làm bánh xe Pháp này ngừng quay.” Sau khi nghe chư thần ngụ trên cõi đất lên tiếng, chư Thiên ở cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương cất tiếng nói: “Tại thành Ba-la-nại, trong Vườn Lộc Uyển thuộc Isipatana, vô thượng Pháp luân này đã được Thế Tôn chuyển động, và không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Vương hay bất cứ ai trong thế giới có thể làm bánh xe Pháp này ngừng quay.” Sau khi nghe tiếng nói của chư Thiên ở cõi Trời Tứ Đại Thiên Vương, chư Thiên ở cõi Trời Ba Mươi Ba... chư Thiên ở cõi Trời Dạ-ma... chư Thiên ở cõi Trời Đâu-suất... chư Hóa Lạc Thiên... chư Tha Hóa Tự Tại Thiên... chư Thiên ở cõi Phạm Thiên... (37) đều cất tiếng nói: “Tại thành Ba-la-nại, trong Vườn Lộc Uyển thuộc Isipatana, vô thượng Pháp luân này đã được Thế Tôn chuyển động, và không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma Vương hay bất cứ ai trong thế giới có thể làm bánh xe Pháp này ngừng quay.”

Như vậy, vào lúc đó, trong giây phút đó, tiếng nói ấy lan rộng đến tận Phạm Thiên giới, và hệ thống mười ngàn thế giới lay động, chuyển động, rung động, và một hào quang vô lượng, vượt quá uy lực siêu phàm của chư Thiên đã xuất hiện trong cõi đời.

Rồi Thế Tôn thốt lên lời nói đầy hứng khởi: “Quả thật Kiều- trần-như đã hiểu! Quả thật Kiều-trần-như đã hiểu!” Bằng cách này, Tôn giả Kiều-trần-như đạt danh hiệu “Añña Koṇḍañña”–“Liễu Pháp Kiều-trần-như.”

(Tương Ưng Bộ Kinh V, Ch. XII, Ph. Chuyển Pháp Luân, tr. 610-616)

________________________________

Chú thích:

1. Kinh Tập (Suttanipāta) trang 335.

2. Mặc dù lý tưởng Bồ-tát thường được hiểu là đặc điểm của Phật giáo Đại thừa, tất cả các trường phái thuộc thời kỳ Phật giáo Bộ phái trong giai đoạn trước khi xuất hiện truyền thống Đại thừa, đều có chung niềm tin rằng Đức Phật đã theo đuổi hạnh nguyện Bồ-tát qua nhiều kiếp, thành tựu viên mãn những yêu cầu của quả vị Phật. Sự đóng góp của truyền thống Đại thừa là cổ xúy cho hạnh nguyện Bồ-tát như là một mẫu mực bắt buộc cho tất cả đệ tử Phật noi theo.

3. Sáu pháp vô thượng (cha anuttuariya) được giải thích trong Tăng Chi Bộ Kinh 6:130 như là: thấy vô thượng (vd., cái thấy của Đức Phật hoặc các vị đệ tử của Ngài); nghe vô thượng (vd., nghe Pháp của Đức Phật hoặc các vị đệ tử của Ngài); đạt vô thượng (vd., đạt được niềm tin vào Đức Phật hoặc các vị đệ tử của Ngài); tu tập vô thượng (vd., tu tập giới cao thượng, tâm cao thượng, tuệ cao thượng như Đức Phật hoặc các vị đệ tử của Ngài đã dạy); cúng dường vô thượng (vd., cúng dường Đức Phật hoặc các vị đệ tử của Ngài); tưởng niệm vô thượng (vd., tưởng niệm Đức Phật hoặc các vị đệ tử của Ngài). Bốn ‘vô ngại giải’ (catasso patisambhidā) là vô ngại giải về ý nghĩa, giáo pháp, ngôn ngữ và biện luận. Quả Dự Lưu, v.v.. được giải thích trong chương 10.

4. Là thị giả của Đức Phật, ngài Ānanda nổi tiếng về tinh thần phục vụ tận tụy đối với bậc đạo sư. Trong phần chính của bài kinh, ngài Ānanda nói đến niềm tin truyền thống về những điều kỳ diệu gắn liền với sự kiện nhập mẫu thai và đản sanh của Đức Phật, ngài Ānanda có vẻ như là đại diện cho tiếng nói của người đệ tử trung thành.

5. Điểm này nói đến việc tái sanh của Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất, trước khi ngài đản sanh vào thế giới loài người như là Tôn giả Gotama, là vị sẽ thành Phật sau này.

6. Theo luận giải Trung Bộ Kinh: Giữa mỗi ba hệ thống thế giới có một khoảng cách đo được 8.000 do-tuần; cũng giống như khoảng cách giữa ba toa bánh xe hay các bình bát chạm vào nhau. Những chúng sanh sống ở đó đã tái sanh ở đó bởi vì họ đã phạm những trọng tội đại ác đối với cha mẹ hay các Sa-môn và Bà-la-môn, hoặc một vài thói quen độc ác như giết hại súc vật, v.v..

7. Luận giải Trung Bộ Kinh: Bốn vị Thiên là Tứ Đại Thiên Vương (nghĩa là những vị Thiên cai trị cõi Trời Tứ Thiên Vương)

8. Luận giải Trung Bộ Kinh: giải thích mỗi chi tiết của sự kiện này như là điềm báo trước việc chứng đắc của Đức Phật. Như vậy, việc ngài đứng với đôi chân (pāda) vững vàng trên mặt đất là điềm báo trước ngài chứng đắc Tứ như Ý túc (bốn nền tảng của quyền lực tâm linh) (iddipāda), việc ngài quay mặt về phương bắc là báo trước việc ngài sẽ đi trên và vượt qua số đông; bảy bước của ngài là báo trước ngài sẽ thành tựu Thất giác chi (bảy chi phần của giác ngộ); chiếc dù trắng là báo trước ngài sẽ thành tựu cánh dù giải thoát; việc ngài nhìn khắp bốn phương là báo trước ngài sẽ thành tựu tri kiến bao quát không có gì ngăn ngại; việc ngài thốt lên những từ “người chăn dắt đàn nai” (một thuộc từ để chỉ một nhân vật xuất chúng) là báo trước ngài sẽ khởi động chuyển bánh xe Pháp không thể đảo ngược được; câu nói của ngài “đây là đời sống cuối cùng của ta” là báo trước ngài sẽ nhập Vô dư y Niết-bàn (xem Kinh Văn IX, 5, (5).

9. Câu này hình như là cách Đức Phật kêu gọi sự chú ý đến những phẩm chất mà Ngài xem như là những điều kỳ diệu.

10. Trong bản kinh chưa được rút ngắn, vàng và bạc bị loại ra khỏi những pháp đưa đến bệnh, chết và khổ, nhưng chúng chịu ảnh hưởng của phiền não cấu uế theo Bản luận giải Trung Bộ Kinh, bởi vì chúng có thể bị trộn lẫn với những kim loại hỗn tạp.

11. Akiñcaññāyatana (Vô Sở Hữu Xứ). Đây là tầng thiền vô sắc định thứ ba; sau khi chứng đắc tứ thiền, và là tầng thiền thứ bảy trong tám tầng thiền (samāpati) theo bảng liệt kê các cấp bậc định. Những chứng đắc này, tuy thật tuyệt diệu về mặt tâm linh, vẫn còn trong vòng Tam giới và vẫn chưa đạt được tuệ giác tối thượng, nghĩa là không trực tiếp đưa đến Niết-bàn.

12. Nghĩa là, điều này đưa đến tái sanh vào cõi Trời gọi là Vô Sở Hữu Xứ, là tương đương với chứng đắc tầng thiền thứ bảy. Ở đây thọ mạng được nói là 60.000 kiếp, nhưng khi thọ mạng ấy đã chấm dứt, hành giả phải chết và tái sanh vào cõi thấp hơn. Vì vậy, những hành giả đã chứng được cõi định này vẫn còn phải chịu luân hồi sinh tử.

13. N’eva saññānāsaññāyatana. (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ) Đây là cõi định thứ tư và là cõi cao nhất của tứ vô sắc định. Nên nhớ rằng Udakka Rāmaputta là con của Rāma (putta), chứ không phải là Rāma. Bài kinh cho ta cảm tưởng là trong lúc Rāma đã chứng đắc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, Udakka đã không đắc được như thế. Việc chứng đắc tầng định này đưa đến tái sanh vào cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ, là cõi tái sanh cao nhất trong vòng luân hồi. Thọ mạng ở cõi này được cho là 84.000 kiếp, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng của nhân duyên và vô thường, rốt ráo vẫn là chưa toại nguyện.

14. Kinh Văn II, 3 (2) tiếp tục từ điểm này với một bài tường thuật mở rộng về những kiểu tu tập khổ hạnh cực đoan của Bồ-tát, tiếp theo sau là khám phá của ngài về con đường trung đạo.

15. Saccaka là một người tranh luận mà vào một dịp trước đó đã bị Đức Phật đánh bại trong một cuộc tranh luận. Aggivessana là tên mà Đức Phật đã dùng để gọi ông ta ngay bên dưới, có lẽ chỉ là tên bộ lạc của ông ta. Bài kinh này bắt đầu bằng một cuộc thảo luận về những lạc thọ và khổ thọ, đã gợi ý cho Saccaka đặt những câu hỏi này với Đức Phật.

16. Đáng ngạc nhiên là trong những đoạn tiếp theo đã chứng tỏ Bồ-tát vẫn dấn thân vào lối tu khổ hạnh tự ép xác sau khi ngài đã đi đến kết luận - trong đoạn này - rằng lối tu tập như vậy là vô ích không đưa đến chứng đắc giác ngộ. Sự khác biệt bất thường này gây nên nghi ngờ rằng thứ tự của bài tường thuật kinh này đã bị xáo trộn. Vị trí thích hợp của ví dụ về những bó củi, có lẽ phải nằm vào phần cuối của giai đoạn Bồ-tát thử nghiệm lối tu khổ hạnh cực đoan, khi ngài đã đạt được một luận điểm vững chắc để bác bỏ lối tu khổ hạnh tự ép xác như là một cách đưa đến giác ngộ.

17. Câu này cũng được lặp lại vào phần cuối của những đoạn sau, trả lời câu hỏi thứ hai của hai câu hỏi mà Saccaka đã nêu lên trong tiểu mục 11.

18. Luận giải Trung Bộ Kinh giải thích rằng khi Bồ-tát còn là một thiếu niên, phụ vương của ngài đem ngài đi dự lễ hội khai trương mùa gặt lúa của bộ tộc Thích-ca. Người cận vệ của thái tử đã để ngài tại một gốc cây hồng đào và đi xem lễ hội gieo mạ. Khi còn một mình, Bồ-tát liền ngồi xuống hành thiền theo pháp quán niệm hơi thở và đạt được Sơ thiền. Mặc dù mặt trời đã di chuyển theo hướng khác, bóng mát của cây hồng đào vẫn giữ nguyên che nắng cho Bồ-tát. Khi người cận vệ trở về và thấy thái tử ngồi theo tư thế hành thiền, người ấy liền báo cáo với nhà vua, nhà vua liền đi đến và cúi đầu đảnh lễ con trai mình.

19. Câu này trả lời câu hỏi thứ nhất của hai câu hỏi do Saccaka nêu lên trong tiểu mục 11. Đoạn này chứng tỏ một sự thay đổi trong việc đánh giá của Bồ-tát về lạc thọ. Khi lạc thọ khởi lên do xả ly, nó không phải là điều đáng sợ hãi và cấm đoán trong lúc tu hành khổ hạnh nhưng trở thành sự hỗ trợ cho các giai đoạn cao hơn trong lộ trình đi đến giác ngộ.

20. Trong công thức thông thường của lý Duyên khởi, thức được cho là sinh khởi do duyên hành. Sự khác biệt ở đây hé lộ cho thấy việc tương giao giữa thức và danh sắc là “vòng xoáy ẩn tàng” dưới tất cả mọi hiện hữu trong vòng tái sanh.

21. Theo Tương Ưng luận giải: “Đến mức độ này, một chúng sanh có thể sinh, già và chết: Với thức là duyên của danh sắc, và với danh sắc là duyên của thức, đến mức độ này một chúng sanh có thể sinh và phải chịu tái sanh. Có gì ngoài sự kiện này có thể sinh và phải chịu tái sanh? Phải chăng chỉ có sự kiện này là có thể đưa đến sinh và phải chịu tái sanh?”

22. Cần ghi nhận rằng Đức Phật khám phá ra con đường đưa đến giác ngộ bằng chứng đắc việc đoạn diệt thức, danh sắc và các nhân duyên khác của lý Duyên khởi. Sự đoạn diệt được nhận biết với trải nghiệm Niết-bàn, một trạng thái bất tử.

23. Đến điểm này, bài kinh giới thiệu ‘hành’. Nhân duyên chính của hành là vô minh, như vậy bằng cách đề cập nguồn gốc của hành, cũng là hàm chứa vô minh. Bằng cách này, tất cả mười hai nhân duyên của công thức thông thường về lý Duyên khởi cũng được bao gồm trong đó, ít nhất là có ngụ ý.

24. Ālaya. Từ này có nghĩa vừa là những đối tượng chấp thủ vừa là thái độ chủ quan về chấp thủ.

25. Bằng cách đề cập hai chủ đề - lý Duyên khởi và Niết- bàn - trong suy tư của Đức Phật ngay sau khi giác ngộ, Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng đối với việc hiểu được nội dung của giác ngộ. Như vậy, giác ngộ liên quan đến sự hiểu biết, trước tiên, về lý Duyên khởi của khổ, và thứ hai, là Niết-bàn như là trạng thái giải thoát tối hậu vượt lên tất cả mọi pháp liên hệ trong lý Duyên khởi. Đức Phật trước tiên phải hiểu lý Duyên khởi, và chỉ khi nào Ngài hiểu được điều này Ngài mới có thể đạt đến chứng đắc Niết-bàn. Những ‘sanh y’ (upadhi) đã bị đoạn trừ có thể hiểu theo hai cách: hiểu theo đối tượng, như là năm uẩn, hoặc nói rộng hơn, là tất cả mọi đối tượng chiếm hữu; và theo chủ quan, như là khát ái làm động lực cho mọi hành vi chiếm hữu.

26. Luận giải Trung Bộ Kinh nêu câu hỏi là tại sao Bồ-tát đã phát nguyện thành Phật để giải thoát chúng sanh trước đó rất lâu, bây giờ tâm của Ngài lại có khuynh hướng không muốn hoằng pháp. Bài luận giải nói rằng, lý do là vì chỉ đến bấy giờ, sau khi giác ngộ, Ngài mới nhận ra tầm mức thâm sâu của Giáo pháp và thật khó cho những ai còn nhiều cấu uế sâu dày có thể hiểu được Giáo pháp này. Và cũng là vì Ngài muốn vị Phạm Thiên yêu cầu Ngài giảng pháp để cho những người sùng kính Phạm Thiên sẽ kính trọng Giáo pháp và mong muốn được nghe.

27. Năm tu sĩ này đã theo Bồ-tát trong thời gian ngài theo đuổi lối tu khổ hạnh ép xác, họ tin rằng ngài sẽ giác ngộ và sẽ giảng dạy Giáo pháp cho họ. Tuy nhiên, khi ngài từ bỏ lối tu ép xác và trở lại ăn uống bình thường, họ mất niềm tin vào ngài và bỏ đi, chỉ trích ngài đã quay trở lại với nếp sống xa hoa. Xem Kinh Văn II, 3 (2).

28. Anantajina (bậc chiến thắng thế giới): có lẽ đây là một thuộc từ được Ājivaka dùng để chỉ một cá nhân hoàn hảo về mặt tâm linh.

29. Āvuso (hiền giả) một từ quen thuộc được dùng giữa những người ngang hàng.

30. Sự thay đổi trong cách xưng hô từ ‘hiền giả’ (āvuso) đến ‘thầy’ (bhante) chứng tỏ rằng bây giờ họ đã chấp nhận lời tuyên bố của Đức Phật và chuẩn bị xem Ngài là bậc thầy.

31. Vào thời điểm này, Đức Phật giảng cho họ bài pháp đầu tiên, “Kinh Chuyển Pháp Luân” (Dhamma-cakkappavattana Sutta), xem Kinh Văn II, 5. Nhiều ngày sau, khi tất cả năm tu sĩ ấy đều đã chứng quả Dự Lưu, Ngài giảng dạy cho họ về “Tính chất của Vô ngã” (Anattakkhana Sutta), sau khi nghe bài giảng này, tất cả năm vị đều đắc quả A-la-hán; xem Kinh Văn IX, 4 (1) (c). Toàn bộ bài kinh là trong Luật tạng I, tr. 7-14. Xem cuốn “Cuộc Đời Đức Phật” (The Life of the Buddha) tr. 47, do Nānamoli biên soạn.

32. Phần đầu của bài giải thích về mỗi Diệu đế (chân lý cao thượng) cho thấy sự hiểu biết về chính chân lý đó (saccañāna).

33. Phần thứ hai của bài giải thích về mỗi Diệu đế cho thấy nhiệm vụ cần phải hoàn thành đối với chân lý đó (kiccañāna). Diệu đế thứ nhất cần phải được hiểu rõ (pariññeyya), Diệu đế thứ hai cần phải được đoạn trừ (pahātabba), Diệu đế thứ ba cần phải được thực hiện (sacchikata) và Diệu đế thứ tư cần phải được tu tập (bhāveta).

34. Phần thứ ba của bài giải thích về mỗi Diệu đế cho thấy sự hiểu biết về việc hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với chân lý ấy (katañāna). Diệu đế thứ nhất đã được hiểu rõ (pariññāta), Diệu đế thứ hai đã được đoạn trừ (pahina), Diệu đế thứ ba đã được thực hiện (sacchikata) và Diệu đế thứ tư đã được tu tập (bhāveta).

35. Ba giai đoạn là (tiparivatta): (i) hiểu biết về mỗi chân lý; (ii) hiểu biết về nhiệm vụ cần phải hoàn thành đối với chân lý đó; và (iii) hiểu biết rằng nhiệm vụ này đã được hoàn thành. Mười hai hành tướng (dvādasākāra) đã thành tựu bằng cách áp dụng ba giai đoạn vào bốn chân lý.

36. Công thức thông dụng này ngụ ý rằng vào dịp đó, Tôn giả Kiều-trần-như (Kondañña) đã đắc quả giác ngộ đầu tiên, là quả Dự Lưu.

37. Đó là chư Thiên của sáu cõi Trời dục giới và thế giới Phạm Thiên.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.219.207.115 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Nga (1 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...