Người ta vẫn thường so sánh cách hoạt động và lưu trữ thông tin của máy
vi tính như là sự bắt chước theo cấu trúc và hoạt động của bộ não con
người. Tuy vậy, có những khác biệt nhất định mà chúng ta có thể dễ dàng
nhận ra. Một trong những khác biệt đó là khả năng ghi nhớ. Mỗi máy tính
đều có một dung lượng nhớ nhất định có thể đo lường, nhưng bộ não chúng
ta thì không. Chúng ta sống và hoạt động suốt cuộc đời mà chưa bao giờ
gặp phải một “thông báo thiếu bộ nhớ” kiểu như máy vi tính.
Điều gì đã giúp chúng ta làm được điều kỳ diệu này? Đó là vì ngoài khả
năng “ghi vào”, bộ não chúng ta còn có khả năng “tự xóa bỏ” những thông
tin không còn cần thiết nữa. Sự chọn lọc này rất thường khi là xảy ra
một cách hoàn toàn “tự động” mà không cần đến sự quan tâm có ý thức của
chúng ta. Tuy nhiên, trong một vài khía cạnh nhất định, chúng ta cần
phải chủ động bắt chước theo và định hướng cho nguyên tắc này để có thể
tạo ra một môi trường tình cảm tốt đẹp hơn.
Vấn đề sẽ dễ hiểu hơn nếu chúng ta thử quan sát chính mình để thấy được
những gì chúng ta đã quên và còn nhớ. Có những điều rất xa xôi nhưng
chúng ta vẫn còn nhớ rõ như mới hôm qua, nhưng ngược lại, có những
chuyện chỉ mới xảy ra vào tuần trước mà chúng ta dường như không thể
nhắc lại được là chúng đã xảy ra như thế nào. Cơ chế quên và nhớ của
chúng ta không đơn giản chỉ dựa vào yếu tố thời gian – mặc dù đó là một
trong các yếu tố – mà còn dựa vào một số những nguyên tắc phức tạp khác.
Một trong các nguyên tắc ấy là nguyên tắc ấn tượng. Sự việc tạo ra ấn
tượng càng mạnh thì càng được ghi nhớ lâu hơn. Và ấn tượng được đề cập ở
đây được hiểu là bao gồm cả những ấn tượng tốt và xấu. Vì thế, chúng ta
không lấy làm lạ khi thấy là không chỉ những người ta yêu thương được
nhớ đến, mà cả những người gây nhiều khó chịu, bực dọc cho ta nhất cũng
sẽ được nhớ đến rất lâu.
Vấn đề ở đây là chúng ta cần biết vận dụng nguyên tắc quên và nhớ. Ghi
nhớ những điều tốt đẹp mang lại cho chúng ta cảm giác tốt đẹp và do đó
tạo ra một môi trường tình cảm tích cực. Ngược lại, khi nhớ đến những gì
không tốt đẹp đã xảy ra trong quá khứ, chúng ta cũng sống lại những cảm
giác không tốt đẹp và do đó làm cho môi trường tình cảm trở nên xấu đi.
Như đã nói, việc ghi nhớ những ấn tượng xấu được diễn ra một cách tự
nhiên. Vì thế, để chủ động tạo ra một môi trường tình cảm tích cực hơn,
chúng ta cần biết cách quên chúng đi.
Quên chúng đi không có nghĩa là không còn nhớ đến. Dù rất muốn làm như
thế, chúng ta cũng sẽ không sao làm được, bởi vì điều đó nằm trong phần
hoạt động ngoài tầm kiểm soát chủ động của ý thức. Chẳng thế mà chúng ta
rất thường gặp những trường hợp “càng muốn quên đi lại càng nhớ đến”. Vì
thế, “quên chúng đi” ở đây nên được hiểu theo ý nghĩa là “phớt lờ” đi,
đừng quan tâm nhắc đến chúng. Đây là điều tốt nhất mà bạn có thể làm
được để tạo ra một môi trường tình cảm tích cực. Và cũng theo nguyên tắc
ấn tượng, khi bạn phớt lờ không lưu tâm đến một chuyện cũ không tốt đẹp,
không bao lâu nó sẽ được xóa bỏ khỏi “bộ nhớ” của bạn một cách hoàn toàn
tự nhiên.
Trong quan hệ vợ chồng, việc xây dựng gia đình và chăm sóc con cái luôn
đè nặng lên mỗi chúng ta nhiều áp lực. Buông bỏ đi bất cứ một chuyện
không tốt nào trong quá khứ cũng đều sẽ làm giảm nhẹ đi những gì mà
chúng ta phải cưu mang. Những chuyện tốt giúp chúng ta hướng đến điều
tốt hơn, trong khi những chuyện không tốt sẽ lôi kéo chúng ta chìm sâu
thêm vào những điều không tốt.
Bởi vì tất cả chúng ta đều là những con người, nên sai sót và lỗi lầm là
điều tất nhiên không sao tránh khỏi. Cuộc sống chung tạo ra những va
chạm hàng ngày về đủ mọi khía cạnh, và tất yếu sẽ có không ít những điều
mà chúng ta không hài lòng. Nếu bạn tích lũy và thử liệt kê ra những
điều ấy, bạn sẽ có một danh sách dài rất nhiều điều đáng nói. Nhưng vấn
đề cần nhấn mạnh ở đây là, không có điều nào trong số những điều ấy là
có lợi cho mối quan hệ hiện tại của các bạn. Những tác động xấu của
chúng đã là quá đủ vào lúc chúng xảy ra, đừng dại dột để cho chúng tiếp
tục làm hại đến những gì tốt đẹp của hôm nay.
Cần nói thêm rằng, quyết định buông bỏ những chuyện xấu không có nghĩa
là chúng ta “thỏa hiệp” với chúng. Không ai trong chúng ta muốn những
điều không hay lại xảy ra lần nữa. Nhưng trong thực tế thì việc bám lấy
những điều xấu đã qua không bao giờ là cách ngăn ngừa chúng trong tương
lai, mà thậm chí còn có tác dụng khêu gợi chúng tái diễn. Chỉ có sự cảm
thông và chân thành tha thứ cho nhau mới là động lực mạnh mẽ nhất để
giúp mỗi người tự hoàn thiện chính mình và do đó tạo điều kiện tích cực
để củng cố mối quan hệ hôn nhân ngày càng tốt đẹp hơn.