Trong cuộc sống quá bận rộn, đôi khi chúng ta làm rất nhiều việc hoàn
toàn chỉ là theo quán tính mà không để tâm suy nghĩ, phân tích gì cả.
Thậm chí có những bữa ăn cũng trôi qua thật vội vàng đến nỗi ta không
cảm nhận được hết mùi vị của thức ăn.
Khi tôi còn nhỏ, tôi đã rất lấy làm buồn cười khi đọc truyện Tây du ký
đến đoạn Trư Bát Giới ăn nhân sâm cùng với Tôn Ngộ Không. Anh chàng háu
ăn này đã ăn nhanh đến nỗi vừa ăn xong mà không biết được mùi vị của quả
nhân sâm như thế nào!
Ngày nay chúng ta có rất nhiều khi rơi vào trường hợp tương tự. Mặc dù
chúng ta không tham ăn, nhưng chúng ta có quá nhiều việc để bận tâm suy
nghĩ, có quá nhiều việc đang đợi chúng ta làm, và vì thế chúng ta luôn
ăn vội ăn vàng cho qua bữa, không hề để tâm nhận biết nhiều về thức ăn.
Nhưng không chỉ là chuyện bữa ăn. Mỗi ngày chúng ta để cho rất nhiều
chuyện khác nữa trôi qua trong sự lơ đễnh, vì đầu óc ta luôn có những
chuyện khác để âu lo, suy tưởng.
Với cách sống như thế, chúng ta sống mà thật sự chưa hề cảm nhận được
cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy và tiếp xúc với sự vật nhưng không thể
hiểu được bản chất sâu xa hoặc cảm nhận được giá trị thực có của chúng.
Đôi khi tôi nhớ đến những củ khoai lùi thời thơ ấu, và lấy làm lạ là giờ
đây nhiều lúc tôi không thưởng thức được những món ăn rất ngon lành theo
cách như tôi đã từng ăn khoai lùi thuở nhỏ. Tôi còn nhớ mình đã phân
biệt được mùi thơm của lớp vỏ khoai cháy sém bên ngoài như thế nào, mùi
tro nóng bám vào vỏ khoai ra sao, ruột khoai thơm nóng như thế nào...
Thậm chí tôi còn phân biệt được sự khác nhau giữa phần trên và phần dưới
của cùng một củ khoai...
Thỉnh thoảng chúng ta nên có những bữa ăn theo cách của một em bé ăn
khoai lùi... nghĩa là không để cho bất cứ một việc gì chi phối vào bữa
ăn của ta.
Khi nhìn vào một món ăn, ta nên nhìn rõ xuất xứ của nó. Từ hạt gạo trắng
thơm, cọng rau tươi xanh hay miếng đậu phụ... ta biết được chúng do đâu
mà có. Ta nhìn thấy được người nông dân cần khổ lao động để làm ra hạt
gạo, cọng rau... Ta nhìn thấy ánh nắng, cơn mưa đã giúp cây lớn lên từ
đất... Ta cũng biết được rất nhiều người không có đầy đủ những món ăn
như ta đang có. Mỗi ngày đều có những người chết vì đói trên thế giới
này. Nhiều nơi, trẻ em không có đủ thức ăn và phải bị suy dinh dưỡng.
Từ những suy nghĩ quán sát như vậy, ta ý thức được đầy đủ giá trị của
một bữa ăn. Vì thế, ta không thể nuốt vội nuốt vàng những thứ ấy một
cách vô tâm cho qua bữa. Hơn thế nữa, ta biết rằng chỉ khi ta ăn với sự
tỉnh thức thì thức ăn và ta mới cùng hiện hữu. Bằng không, xem như ta đã
bỏ phí thời gian bữa ăn mà không thật sự sống một chút nào.
Ta nên ăn một cách chậm rãi. Cho dù ta vội vã đến đâu cũng vẫn còn rất
nhiều việc khác chưa làm xong. Rút ngắn thời gian một bữa ăn không phải
là cách giải quyết vấn đề. Ta chỉ thường làm thế là theo với thói quen
từ lâu nay. Dù bận rộn đến đâu, việc dành thời gian thỏa đáng cho một
bữa ăn không hề là điều phí phạm. Hơn nữa, mọi sự bận rộn của ta đều
nhắm đến phục vụ đời sống. Vậy nếu ta từ bỏ những giây phút thật sự đang
sống trong hiện tại thì tất cả những việc khác liệu còn có ý nghĩa gì?
Khi chúng ta ăn một bữa ăn trong sự tỉnh thức, đó không còn chỉ đơn
thuần là một bữa ăn. Đó là biểu hiện cụ thể của đời sống, là phương cách
ta tiếp xúc và cảm nhận sự vật. Vì thế, nó không những mang lại cho ta
năng lượng vật chất, mà còn giúp ta hồi phục những giá trị tinh thần đã
mất.
Nếu bạn thường xuyên thực tập điều này cùng với gia đình, đó là một cách
giáo dục tốt nhất để hình thành nhân cách đạo đức cho con cái bạn. Bởi
vì, trẻ con thường không học theo những gì ta nói, mà chúng học theo
những gì chúng ta làm.
Ngoài bữa ăn ra, chúng ta cũng có thể thực tập tinh thần tỉnh thức trong
mọi việc chúng ta làm thường ngày. Chúng ta nên tập nhìn sự vật với
chiều sâu của nó. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng thông cảm được với
những khó khăn và nỗi khổ của người khác. Chúng ta cũng kiên nhẫn hơn
khi gặp phải những chậm trễ, bế tắc trong công việc. Ta giải quyết mỗi
vấn đề bằng vào sự phán đoán sáng suốt và tỉnh táo, không phải bằng sự
vội vã, nôn nóng.
Chúng ta không phải là thực thể duy nhất tồn tại trong cuộc sống này.
Ngược lại, ta gắn bó và đồng thời tồn tại, chịu sự chi phối của tất cả
những sự vật khác. Không chỉ là những món ăn thức uống hàng ngày mới ảnh
hưởng đến ta. Mưa, nắng, sương gió... hay bất cứ những gì chúng ta nhìn
thấy hoặc cảm nhận được quanh ta đều có liên hệ chặt chẽ đến cuộc sống
của ta. Một người hút thuốc nhả khói vào khoảng không, điều đó cũng có
ảnh hưởng nhất định đến môi trường sống của chúng ta. Nói chung, mọi sự
kiện trong đời sống đều có quan hệ chặt chẽ với nhau, và chỉ khi nhìn
sâu vào bản chất sự vật ta mới có thể hiểu được điều đó.
Nhìn sâu vào sự vật không chỉ giúp ta hiểu được bản chất sự vật mà còn
giúp ta hiểu được chính mình. Ta cảm nhận được đầy đủ và sâu sắc hơn giá
trị của cuộc sống từ nhiều góc độ. Ta cảm thông nhiều hơn với đồng loại
và sẵn lòng hơn trong việc chia sẻ những gì mình có. Chính nhờ đó ta có
được niềm vui và hạnh phúc, vì nhận thức được rằng cuộc sống của ta thật
sự có ý nghĩa biết bao!