Hạnh phúc là khi những gì bạn suy nghĩ, nói ra và thực hiện đều hòa hợp với nhau. (Happiness is when what you think, what you say, and what you do are in harmony.)Mahatma Gandhi
Người ta trói buộc với vợ con, nhà cửa còn hơn cả sự giam cầm nơi lao ngục. Lao ngục còn có hạn kỳ được thả ra, vợ con chẳng thể có lấy một chốc lát xa lìa.Kinh Bốn mươi hai chương
Đừng cư xử với người khác tương ứng với sự xấu xa của họ, mà hãy cư xử tương ứng với sự tốt đẹp của bạn. (Don't treat people as bad as they are, treat them as good as you are.)Khuyết danh
Người trí dù khoảnh khắc kề cận bậc hiền minh, cũng hiểu ngay lý pháp, như lưỡi nếm vị canh.Kinh Pháp Cú - Kệ số 65
Những người hay khuyên dạy, ngăn người khác làm ác, được người hiền kính yêu, bị kẻ ác không thích.Kinh Pháp cú (Kệ số 77)
Đôi khi ta e ngại về cái giá phải trả để hoàn thiện bản thân, nhưng không biết rằng cái giá của sự không hoàn thiện lại còn đắt hơn!Sưu tầm
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng
Thiên tài là khả năng hiện thực hóa những điều bạn nghĩ. (Genius is the ability to put into effect what is on your mind. )F. Scott Fitzgerald
Chiến thắng hàng ngàn quân địch cũng không bằng tự thắng được mình. Kinh Pháp cú
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Đức Phật bên trong »» II. KINH NGHIỆM THIỀN TẬP »»

Đức Phật bên trong
»» II. KINH NGHIỆM THIỀN TẬP

Donate

(Lượt xem: 7.372)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đức Phật bên trong - II. KINH NGHIỆM THIỀN TẬP

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

Có gì nhiệm mầu trong giây phút hiện tại?

“Giữ chánh niệm.” “Sống trong giây phút hiện tại.” “Chú ý đơn thuần.” Trên con đường tu học, chắc chúng ta đều có nghe về những lời khuyên này. Và nếu bạn có kinh nghiệm về thực tập thiền quán, những câu ấy là một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta từ sáng đến khuya, rằng ta có thể tìm thấy tất cả những gì là chân thật ngay trong giờ phút hiện tại này.

Nhưng rồi có một ngày, bạn ngồi thiền, cố gắng theo dõi hơi thở lên xuống nơi bụng, hay một tư tưởng, hoặc một cơn đau, và thấy tất cả sao dường như rất buồn thảm. Đột nhiên có một câu hỏi khởi lên trong tâm, “Giây phút hiện tại này có gì là nhiệm mầu đâu?”

Loanh quanh tự tìm cho mình một câu trả lời, bạn nghĩ có lẽ vì giây phút hiện tại này giúp ta thấy được những cái đẹp mà mình có thể vô tình bỏ qua (mặc dù trong giây phút này thì tôi chẳng thấy có gì là đẹp cả), hoặc là ta có thể được giác ngộ (mà tôi cũng chẳng hiểu đó là gì), hay chỉ đơn giản là ta được an lạc và hạnh phúc hơn. Bạn cũng không biết rõ là nếu ta biết sống trong giây phút hiện tại thì những việc ấy sẽ xảy ra bằng cách nào! Nhưng bạn vẫn nghĩ rằng, nếu ta có thể giữ cho tâm mình được có mặt trong giờ phút hiện tại thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng tốt đẹp hơn như thế nào? Thì sẽ là... tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Tội nghiệp! Mặc dù chúng ta rất thành thạo về sự thực tập chánh niệm, nhưng đôi khi ta cũng không rõ ràng lắm khi tìm lý do tại sao giây phút hiện tại này lại là nhiệm mầu. Nhưng chúng ta cũng không nên làm lơ hoặc bằng lòng với một câu trả lời mơ hồ. Tôi nghĩ, chúng ta cần nhìn cho sâu vào câu hỏi ấy, vì nếu như ta không hiểu rõ về giây phút hiện tại này, thì ta cũng sẽ dễ bỏ dở sự thực tập của mình, khi kinh nghiệm xảy ra khác với những gì mình mơ tưởng.

Mười bốn năm trước đây, trong khóa tu đầu tiên với sư Achan Sobin Namto, chính câu hỏi ấy đã khởi lên rất mạnh trong tôi. Lúc ấy tôi là một thiền sinh mới, trong tuần lễ đầu tiên của một khóa tu kéo dài ba tháng rưỡi. Sư Achan Sobin là một thiền sư người Thái, có hơn ba mươi năm kinh nghiệm hướng dẫn thiền tập.

“Cô thấy thế nào?” ông hỏi tôi. Ông vừa mới chấm dứt thời tụng kinh của mình. Trên bàn thờ ba ngọn nhang tỏa sáng trong một căn phòng lu tối. Mặc dù ông có nhiều tâm từ, nhưng những phiền não vẫn phủ trùm xuống tôi như một tấm áo choàng. “Con đang có nhiều nghi ngờ” tôi đáp.

Nhưng không phải tôi ngờ vực về khả năng của mình, hay là giáo pháp, hoặc là phương pháp thực tập. Nhưng chính là cái kinh nghiệm về một sự trống trải và lạnh lẽo khi tôi có mặt trong giây phút hiện tại. Cái giây phút hiện tại này có thực sự đáng để cho ta có mặt không?

Dường như Achan hiểu ý tôi: “Giây phút hiện tại này chẳng có gì hay ho cả, phải không?” Ông hỏi rồi phá lên cười to cho đến khi chảy cả nước mắt. Rõ ràng đây là một trò đùa mà ông cảm thấy rất vui nhộn, nhưng đối với tôi thì chẳng thấy có gì tức cười cả. Ông vui vì thấy tôi đang đi theo đúng đường. Tôi bắt đầu thấy điều mà tất cả mọi thiền sinh đều phải thấy: Sự thật nhiệm mầu thứ nhất là mỗi giây phút, mỗi sát-na của danh (mind) và sắc (matter) đều là bất toại nguyện (dukkha).

Dầu vậy, câu trả lời của Sư cũng khiến cho tôi giật mình. Vì tôi đã từng được đọc rằng, khi ta đặt hết tâm ý của mình vào giây phút hiện tại này, có phải là ta sẽ nhìn thấy được những vẻ đẹp mà mình có thể vì vô ý bỏ qua chăng? Có phải mùi vị trái mận sẽ ngon ngọt hơn chăng? Có phải ta sẽ thấy được những cành khô đong đưa tỏa sáng in hình trên một khung trời mùa đông không còn mờ xám như trước? Nhưng bây giờ thì ông đã xác nhận rằng, giây phút hiện tại này không phải thật như tôi vẫn hằng tưởng. Tôi thở dài. Thế thì trái mận sẽ không trở nên ngọt ngào hơn. Giây phút hiện tại, thật ra lại không nhiệm mầu chút nào hết!

Huyền thoại về giây phút hiện tại

Trong nhà thiền có truyền cho nhau một huyền thoại: Khi chánh niệm của ta càng sâu sắc bao nhiêu, ta sẽ càng có khả năng nhìn thấy cái đẹp trong những sự vật bình thường nhất bấy nhiêu. Với một tâm “chú ý đơn thuần”, thì ngay cả bọt xà phòng trong nước rửa bát - khi những bọt bong bóng lấp lánh trong nắng - cũng là một thực tại tỏa sáng nhiệm mầu. Đó chỉ là một huyền thoại.

Mà sự thật là ngược lại như thế. Thật ra, khi ta càng có chánh niệm bao nhiêu thì những đối tượng cảm giác của ta lại càng ít hấp dẫn đi bấy nhiêu. Cho đến một lúc ta sẽ không còn ham muốn chúng nữa.

Sự thật thì khi ta có một định lực mạnh, điều đó sẽ làm tăng lên những cảm nhận của ta về màu sắc, âm thanh, mùi vị... Nhưng nếu chỉ có định lực thôi thì ta không thể đạt đến tuệ giác hay giác ngộ. Nếu ta bảo rằng chánh niệm làm cho khung trời mùa đông trở nên đẹp tuyệt vời, hoặc công việc rửa chén trở thành một bài tập mầu nhiệm, theo tôi nghĩ thì đó lại là một thách thức đối với Sự thật nhiệm mầu thứ nhất.

Huyền thoại này có mặt là do một sự hiểu lầm về vai trò của chánh niệm. Chánh niệm được kèm theo một nhận thức sáng tỏ, khác với một cái thấy biết bình thường. Thay vì chỉ nhìn thấy rõ rệt hơn những đặc điểm thông thường của một đối tượng, chánh niệm còn vượt xa hơn, và thấy được những điểm rất cá biệt - những đặc tính chung của mọi vật, dù tốt hay xấu. Đó là ba đặc tính về vô thường, bất toại nguyệnvô ngã. Với chánh niệm, ta thấy được tất cả mọi hiện tượng tâm lý và vật lý khởi lên rồi đều sẽ qua đi. Có nghĩa là ta không thể sửa đổi cũng không thể nắm giữ chúng được. Những đặc tính ấy mang lại cho ta một sự bất toại nguyện. Vậy thì, khi ta càng có chánh niệm bao nhiêu thì yếu tố bất toại nguyện, dukkha, lại càng trở nên rõ rệt bấy nhiêu.

Nhưng khi tôi ngồi đó với Achan Sobin, nhìn những điểm sáng của ba nén nhang, tôi cảm thấy một cảm giác mơ hồ về một điều gì đó mà tôi vẫn chưa xác định được. Có ai đó đang đùa giỡn với cuộc đời này chăng? Điều trớ trêu là tôi tập thiền vì muốn giải thoát khỏi những khổ đau của mình, và bây giờ tôi lại nhận thấy nhiều khổ đau hơn. Mà vị thầy của tôi lại công nhận điều ấy là đúng. Như vậy thì ta thực tập chánh niệm để làm gì? Tại sao ta phải có mặt trong giây phút hiện tại này?

Nhưng câu trả lời chắc chắn không phải là ta nên từ bỏ sự thực tập chánh niệm. Đối với tôi, Achan là một người thong dong nhất, tự tại nhất mà tôi biết. Và tôi muốn mình cũng được như ông. Tôi theo học và thực tập những phương cách nào đã mang lại cho ông được sự an lạc đó.

Giây phút hiện tại làm bằng những gì?



Ta cần tháo mở cái nút thắt Gordian Knot. Và tại sao chúng ta lại không chịu khó kiên nhẫn tháo mở nó bằng cách gỡ ra từng sợi một? Một nhà khoa học trước nhất có thể sẽ phân tách chất liệu của nó, và trong trường hợp của chúng ta đó chính là giây phút hiện tại này.

Vì vậy, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi: Giây phút hiện tại này được làm thành bởi những yếu tố gì? Trong Phật giáo có một hệ thống tâm lý học gọi là Vi Diệu Pháp, Abhidhamma. Theo Vi Diệu Pháp thì những kinh nghiệm hằng ngày của ta có thể được chia cắt thành những đơn vị rất nhỏ gọi là sát-na tâm (mind-moment). Chúng là những đơn vị nhỏ nhất của tâm thức, là những vi lượng (quark) của thế giới tâm thức.

Mỗi sát-na tâm gồm có hai phần: tâm thức và một đối tượng. Có nghĩa nó không phải là một cái bàn, một đóa hoa... mà chỉ là một đối tượng của tâm thức. Tâm thức lúc nào cũng luôn có ý thức về một cái gì. Khi có một mảng trời xanh hiện vào vùng tâm thức, một tia chớp của nhãn thức nhận thấy được màu sắc ấy. Khi có một mùi hương nào thoáng qua theo làn gió, một tia chớp của tỷ thức nhận được mùi thơm ấy. Chỉ có tâm thức và đối tượng, và chỉ vậy thôi. Cuộc sống của ta chỉ là một chuỗi tâm thức, mà ta liên tục ý thức được sắc màu, mùi, vị, âm thanh và những cảm giác tiếp nối nhau không ngừng nghỉ. Ngoài tiến trình này, không còn gì khác nữa xảy ra.

Như vậy thì những đối tượng ấy, tự chúng là gì? Chúng có tất cả sáu loại: âm thanh, màu sắc, mùi, vị, xúc chạm và đối tượng của ý thức. Tâm thức của ta tiếp xúc với những đối tượng này qua những “cánh cửa” giác quan khác nhau. Ví dụ, ta tiếp xúc với màu sắc qua “cánh cửa” đôi mắt. Những đối tượng của ý thức thì được tiếp xúc trực tiếp qua “cánh cửa” ý thức. Chúng gồm cả tư tưởng, ý niệm, cảm xúc và tình cảm.

Tất cả những gì chúng ta nhận biết chỉ có thể nằm trong sáu loại đối tượng này mà thôi. Cho dù cuộc sống của ta có phiêu lưu, mạo hiểm hoặc táo bạo đến đâu, ta vẫn không thể có một kinh nghiệm gì khác hơn ngoài sáu loại đối tượng ấy. Và vì tâm và đối tượng tâm thức là những đơn vị cơ bản nhất của sự sống, nên không còn gì khác hơn có thể có mặt trong giây phút hiện tại này.

Hiểu được điều ấy rồi, ta có thể đặt câu hỏi kế tiếp là: Những thành phần ấy tự chúng có là thú vị và đáng ưa thích không? Chúng ta thường nghĩ rằng hình ảnh, mùi vị và âm thanh... có thể rất kỳ diệu. Và theo cảm nhận thông thường thì chúng thật sự là vậy. Ta thích thưởng thức một mùi vị trà thơm hoặc một cảnh hoàng hôn ửng đỏ buông xuống trên đồi núi. Nhưng niềm vui ấy có pha lẫn một chút gì ảo tưởng. Sở dĩ chúng ta cho rằng những cảm xúc của giác quan là vui thích vì ta chưa nhìn thấy được thực tánh của chúng.

Ta hãy lấy ví dụ về mặt trời hoàng hôn: Việc gì xảy ra khi ta nhìn thấy nó? Thật ra thì ta không hề thấy nó! Khi mắt ta tiếp xúc với một sắc tướng, chúng ta chỉ thấy màu sắc, chứ không phải là một vật có không gian ba chiều. Thật ra, màu sắc ấy, cùng với tâm thức nhận biết nó, diệt mất đi ngay trong cùng một sát-na ấy, nhưng ta không hề ý thức được điều đó. Tại sao thế? Bởi vì ảo tưởng của ta làm mờ nhạt đi biên giới giữa hai sát-na ấy, và khiến ta có cảm tưởng như đó là một kinh nghiệm nối liền. Sau khi màu sắc được tiếp nhận, sát-na tâm thức kế tiếp gợi lại hình ảnh ấy từ ký ức và đặt tên cho đó là “hoàng hôn”. Cả tiến trình ấy chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc thời gian chớp nhoáng. Tuy vậy, khi ta vừa đặt tên cho nó thì hình ảnh ban đầu cũng đã qua mất rồi. “Hoàng hôn” là một ý niệm của tâm thức, chứ không phải do đôi mắt ta nhận biết. Và rồi chúng ta lại đi nhận sản phẩm được tạo dựng bởi tâm thức này như là một thực tại cố định. Nếu như không có chánh niệm, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thấy được sự chuyển biến rất nhanh lẹ này, cũng giống như khi ta cố gắng tách biệt hai khung ảnh trong một cuốn phim đang chiếu trên màn ảnh vậy.

Khám phá này mang lại cho ta một sự thất vọng, cũng như khi ta biết ra rằng chuỗi ngọc quý giá mà mình đang mang là một loại đồ giả. Đức Phật dạy: “Chư hành vô thường.” (Sabbe sankhara anicca.) Tất cả mọi hình tướng đều thay đổi, và vì vậy mà chúng sẽ mang đến cho ta sự thất vọng, ngay cả những gì mà ta thấy dường như rất tuyệt vời. Mà đức Phật cũng không hề chú thích hoặc nói nhỏ thêm rằng: “Xuỵt! Nhưng cũng có một vài hình tướng rất là nhiệm mầu.”


Giây phút hiện tại nhiệm mầu

Và bây giờ, nếu như tất cả những hình tướng đều sẽ mang lại sự bất toại nguyện thì những gì làm nên giây phút hiện tại này cũng sẽ như vậy. Nhưng rồi ta cũng có thể đặt thêm một câu hỏi tiếp là, nếu giây phút hiện tại này không nhiệm mầu, thì ta có mặt với nó để làm gì?

Ta nên nhớ rằng có sự khác biệt giữa hai cách diễn đạt “Giây phút hiện tại này thật nhiệm mầu” và “Thật nhiệm mầu khi ta có mặt trong giây phút hiện tại này”. Đây không phải là một lối chơi chữ. Câu thứ nhất, “Giây phút hiện tại này thật nhiệm mầu”, có ý nói rằng, những cảm giác thuần tuý xảy ra trong giây phút hiện tại tự chúng có chút tính chất kỳ diệu. Và, câu thứ nhì, “Thật nhiệm mầu khi ta có mặt trong giây phút hiện tại,” nói rằng, khi ta có mặt trong giây phút hiện tại, là ta có khả năng thoát ra khỏi những phiền não do sự nắm bắt vào những cảm giác ấy.

Thật ra, đức Phật có trình bày rất rõ về lý do chúng ta cần thực tập chánh niệm: để nhận diện và loại trừ đi nguyên nhân của khổ đau. Nguyên nhân ấy chính là sự tham ái. Khi nguyên nhân ấy vắng mặt thì khổ đau sẽ không thể sinh lên. Và khi ấy, trong kinh viết, ta sẽ kinh nghiệm được một loại hạnh phúc mà không có chút tì vết gì của sự lo âu. Nhưng không phải bởi vì hình sắc và âm thanh quanh ta đột nhiên trở nên trường cửu, kỳ diệu và là của ta. Mà thật ra là những cảm nhận ấy tạm thời chấm dứt và tâm thức ta tiếp xúc được với một đối tượng rất siêu phàm gọi là “niết-bàn”, một yếu tố không còn bị điều kiện chi phối. Và mặc dù đó là một đối tượng của tâm thức, nhưng niết-bàn, trạng thái an lạc cao tột nhất, không phải là một hành (formation). Nó là vô hànhbất biến.

Vì vậy, giây phút hiện tại nhiệm mầu là vì chỉ có trong chính giây phút này, ta mới có thể chứng nghiệm được niết-bàn – hoàn toàn giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.

Không có một nơi nào đức Phật lại chủ trương thực tập chánh niệm với mục đích để ta có thể vui hưởng làn nước xà phòng ấm, hoặc thấy được một bình trà bằng đồng sáng chói... Mà ngược lại, Ngài còn gọi đó là mê vọng (vipallasa) khi ta chấp những gì là không thường và cho đó là có giá trị và tốt đẹp.

Nhưng những cảm nhận ở cảm giác có thể là vui thích được không? Có chứ, nhưng sự vui thích ấy không phải là một nguồn hạnh phúc bất tận như chúng ta vẫn hằng tưởng. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường chấp vào những cảm giác tốt đẹp, cho rằng chúng vững chắc và tương đối lâu dài, trong khi thật ra chúng chỉ là những rung động không bền và tan rã ngay khi mới vừa hình thành. Cũng giống như loại kẹo bông gòn tan ra ngay trước khi ta kịp cắn răng vào, những thú vui ấy không bền vững đủ để duy trì cho ta một niềm hạnh phúc.

Nhưng vì sự mê hoặc che đậy lý vô thường nên chúng ta phản ứng lại bằng những sự nắm bắt và xua đuổi. Và chính hành động níu kéo đó làm tâm ta bất an. Bạn có để ý thấy rằng sự ước ao, mong đợi bao giờ cũng tạo nên trong ta một nỗi đau không? Và hơn nữa, sự khát khao ấy là hoàn toàn vô ích. Vì dù có cố nắm bắt bao nhiêu đi chăng nữa, ta cũng không thể kéo dài thêm niềm vui ấy, cho dù chỉ trong một sát-na. Và những cảm giác khó chịu cũng giống y như vậy, chúng cũng sẽ qua đi trong giây phút. Nhưng khi ta chống cự lại, nỗi đau sẽ tăng lên gấp đôi. Điều này cũng giống như khi ta cố gắng lấy một cây gai trong chân ra bằng cách dùng một cây gai thứ hai đâm vào da thịt mình. Nếu ta có thể buông bỏ được, tâm ta sẽ không phải chịu khổ đau.

Đức Phật khám phá ra rằng một tâm hạnh phúc nhất là tâm không bị dính mắc. Đây là một niềm hạnh phúc rất sâu sắc, khác hẳn với những gì chúng ta vẫn thường biết. Khi có người hỏi, làm sao ta có thể tìm thấy niềm hỷ lạc ở niết-bàn khi nơi ấy không còn có sắc tướng hay âm thanh đẹp đẽ gì nữa, ngài Xá-lợi-phất đáp: “Không có cảm xúc tự chính nó là hạnh phúc.” Ý ngài nói rằng, không có một thú vui nào có thể so sánh được với niềm hỷ lạc này.

Trong kinh ghi:

Những gì người đời cho là hạnh phúc, bậc giác ngộ cho là khổ đau... ”

(Dvayatanupassana Sutta.)

Và đây không phải là một quan điểm mới, mà nó chính là một thực tại tuyệt đối.

Mặc dù mới nghe thì có vẻ như rất mâu thuẫn, nhưng ta chỉ có thể tìm thấy một hạnh phúc chân thật, khi trước hết ta hiểu được rằng giây phút hiện tại của thân và tâm là bất toại nguyện. Bằng một tiến trình qua những tầng lớp của tuệ giác mà ta có thể dần dà buông bỏ được hết mọi dính mắc, nguyên nhân của những phiền não. Khi ta thấy rõ được sự vô thường của những cảm giác ở thân và tâm, điều đó sẽ phá tan hết những ảo mộng, và từ đó những dính mắc của ta sẽ hoàn toàn tắt ngấm. Và ngay lúc đó, một chân hạnh phúc sẽ tự nhiên hiển lộ.

Nhưng nếu ta cứ bận rộn đi tìm kiếm thêm những cái đẹp trong âm thanh và hình sắc thì làm sao ta có thể nhìn thấy rõ chân tướng của chúng được?

Hạnh phúc của Niết-bàn

Hãy tưởng tượng rằng ta và một số người bạn đang mắc kẹt trong một căn nhà bị bốc cháy. Những thanh gỗ cháy nối tiếp nhau rơi xuống từ trần nhà. Có phải tốt nhất là chúng ta cần ý thức được tình trạng hiểm nguy và cùng giúp nhau thoát ra, hay ta cứ đứng đấy mà tìm những cái hay đẹp của nó: “Xem kìa, cũng đâu đến nỗi nào đâu. Ngọn lửa hồng có màu tím hoa cà trông đẹp làm sao...”?

Cũng vậy, tôi nghĩ chúng ta cần có chánh niệm để nhìn rõ được dukkha trong giây phút hiện tại, bởi vì nó là chiếc cầu thang duy nhất dẫn ta thoát ra khỏi căn nhà lửa ấy. Căn nhà ấy chính là khandha, tức năm uẩn của ta là sắc, thọ, tưởng, hànhthức. Tôi biết có nhiều người không thích chấp nhận quan điểm này. Nhưng không lẽ tốt hơn hết là ta nhún vai làm lơ việc ấy, và cứ để mặc mình rơi trở lại xuống cầu thang hay sao? Không công nhận sự nguy hiểm là một điều rất nguy hại. Thấy được nó, ta sẽ tìm được một lối thoát.

Nhưng không phải chúng ta đối diện với khổ đau bằng một thái độ bi quan. Người Phật tử nhận diện khổ đau để chuyển hóa nó, chứ không phải để bị chìm đắm trong đó. May mắn thay, đức Phật có chỉ cho ta một con đường giải thoát, Bát chánh đạo, và cuối con đường ấy chắc chắn sẽ là Niết-bàn. Ai mà chẳng mừng vui khi biết rằng ta có thể có được một hạnh phúc thuần túy không tì vết? Nhưng chỉ vì tầm nhắm của chúng ta còn quá thấp đi mà thôi.

Thực tập chánh niệm sẽ dẫn ta đến hạnh phúc. Nhưng không phải vì nhờ ta nhìn thấy rõ được cái hay đẹp của những cảnh vật trong giây phút hiện tại này - như là hình sắc, âm thanh, mùi vị... Mặc dù huyền thoại thì vậy, nhưng sự chú ý đơn thuần không hề phơi bày cho ta thấy một thực chất sáng chói nào hết, vì thật ra không có một hiện tượng nào là có thực chất.

Khi bản chất của các hiện tượng tự chúng là bất toại nguyện, thì ta có thể nào hy vọng chế biến chúng thành hạnh phúc được chăng? Việc ấy cũng giống như ta đi dệt một tấm thảm trắng từ những sợi len màu đen vậy. Vì vậy, tôi nghĩ cách hay nhất là ta nên chấp nhận rằng thực tập chánh niệm sẽ không làm trái mận ngọt ngào hơn, hay bình trà màu đồng sáng tươi hơn. Nhưng khi ta có chánh niệm, ta sẽ bớt quan tâm đến vấn đề ngọt ngào hay sự sáng chói. Khi chúng ta có một hạnh phúc lớn lao hơn, những thú vui nho nhỏ sẽ không còn là quan trọng. Và đây không phải là một thái độ lạnh lùng và dửng dưng, mà là một sự giải thoát thật sự. Khi chúng ta không còn dính mắc nữa, ta sẽ không cần một âm thanh, hình sắc hoặc sự xúc chạm nào để mang lại cho mình hạnh phúc.

Ta có thể chưa hiểu được, nhưng khi ta nếm được mùi vị của sự tự tại này rồi, ta sẽ trân quý nó hơn bất cứ một niềm vui nào khác có thể nghĩ tưởng đến - cho dù đó là mùi hương của một loài hoa quý, những nốt nhạc trầm bổng của Chopin, hay ánh trăng huyền diệu... Chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm được những hạnh phúc này, và những thú vui khác. Nhưng ta sẽ không cố nắm giữ lại khi chúng ra đi, ta không có sự khổ đau của mất mát.

Và bây giờ là câu hỏi khó nhất: Chúng ta có thật sự muốn giải thoát ra khỏi vòng khổ đau này hay không? Nếu vậy thì ta hãy thực tập chánh niệm. Nhưng không phải là để nhìn thấy vẻ đẹp không thật của những bọt xà phòng, mà đúng theo ý của đức Phật, là thấy được sự dính mắc của mình, cho đến khi nào ta nếm được quả trái chân thật là Niết-bàn. Và như các bậc đi trước đã nhiều lần nói với ta: Khi đối tượng tâm thức của ta là Niết-bàn, giây phút hiện tại này sẽ đẹp tuyệt vời.

Cynthia Thatcher

Cài từng nút một

Khi cơ thể tôi mới bắt đầu bị khập khiểng vì chứng bệnh thấp khớp (rheumatoid arthritis), tâm tôi hoàn toàn bị chiếm ngự bởi những cơn đau, nỗi sợ hãi, và sự thất vọng không dứt. Không còn khả năng đi đứng bình thường, không có đủ sức để nhấc ống nghe điện thoại, tôi đắng cay nghĩ lại thời gian qua, mình đã phí biết bao nhiêu thì giờ để cố đi tìm một hạnh phúc lâu dài. Hơn 7 năm trời, với cả ngàn giờ ngồi thiền, và có lẽ ít nhất cũng là 30 lần nhập thất, tôi đã ngồi yên trên toạ cụ gắng tìm một sự giác ngộ, mà chỉ mong để rồi một ngày nào đó có thể đối diện với một hoàn cảnh như thế này thôi - nhưng tất cả đều là vô ích!

Nhưng thật ra tôi đã nghĩ sai! Sự thực tập của ta không hề thất bại! Sau vài tháng đối diện với căn bệnh, tôi mới thật sự hiểu được điều ấy!

Trước hết, tuy phải gánh chịu những cơn đau và sự tàn phá của căn bệnh, nhưng thân tôi vẫn rất an ổn. Mặc dù bị cơn đau bào mòn và hoành hành, nhưng trong mỗi giây phút tôi vẫn có thể hoàn toàn buông thả hết cho cái thực tại về thể chất của mình. Và tôi khám phá ra rằng, thật ra thực tại này không phải chỉ có cái đau đó mà thôi. Bất cứ một nơi nào tôi nhìn cũng đều có những kinh nghiệm khác ngoài cái đau ấy, chúng đang có mặt và chờ được nhận diện: kia là tay đang cong vào, này là hơi thở ra, có ánh nắng ấm trên mặt, kia là sự thiêu đốt, đây là một sự siết chặt... Và những kinh nghiệm ấy đều rất tươi mới và vô cùng kỳ diệu.

Những năm tháng công phu thiền tập đã giúp tôi có khả năng cởi mở được với nhiều loại kinh nghiệm khác nhau mà không phải cái nào cũng đều là dễ chịu. Nếu trong giây phút này tôi ngồi đây và có ý thức về mười việc khác nhau - cảm giác đang ngồi trên ghế, có tiếng xe chạy ngoài đường, nghĩ tới quần áo chưa giặt, tiếng máy lạnh chạy êm êm, một cái đau nhói nơi đầu gối, hơi thở vào mát nơi mũi, hơi thở ra ấm áp – và vì trong đó có một cái đau, nên kinh nghiệm về cái đau ấy sẽ lấn áp hết tất cả những kinh nghiệm khác.

Nhưng nếu như tôi ý thức một trăm việc, mười điều vừa kể cộng thêm với những cảm giác sâu sắc và tinh tế hơn – như là cảm nhận về sự có mặt của những người khác cùng đang ngồi im lặng với nhau, bóng của chiếc đèn treo in trên vách, cảm giác của mái tóc chạm vào vành tai, sự xúc chạm của quần áo trên da người – thì cái đau ấy chỉ là một trong nhiều yếu tố khác trong tâm thức mà thôi. Và cái đau đó, tôi có khả năng đối diện được!

Với một tâm thức rộng mở ấy, tôi thấy sự sống này có một kết cấu rất giàu có và phong phú. Khi tôi đặt một tách trà xuống bàn với một ý thức rõ rệt, cái cảm nhận về sự tiếp chạm giữa tách trà với mặt bàn trở thành một kinh nghiệm kỳ diệu, một hạnh phúc rất trọn vẹn. Rửa chén bát bây giờ không phải chỉ là để cho có bát sạch, mà còn là một cảm nhận về làn nước nóng ấm áp vuốt ve, xoa dịu những ngón tay đau nhức của tôi. Trong khi sắp quần áo, tôi có thể ngửi được mùi thơm sạch của những chiếc áo mới, và đắm chìm trong những cử động gấp xếp đơn sơ, một việc làm tuy đơn giản nhưng rất nhiệm mầu trong đời sống phức tạp của tôi.

Đối với những người thường xuyên sống trong cơn đau như tôi, tiếp xúc được với tuệ giác này là một hạnh phúc lớn. Khi chúng ta không còn gì nữa để nương tựa, ta cần phải tìm hạnh phúc và sự an ổn trong những điều rất bình thường của cuộc sống hằng ngày. Mà thật ra, khi ta nhìn sâu sắc thì chúng không tầm thường như ta nghĩ, chúng là lý do mà ta vẫn còn muốn có mặt trên cuộc đời này! Ta thấy sự vô thường cũng rất là kỳ diệu: khi ta thật sự chú ý đến một người, một vật hay một hiện tượng nào đó, ta sẽ ghi nhận được tính chất đặc thù và cá biệt của nó. Không có gì là giống y như nhau. Khi ta biết buông bỏ đi những ý niệm của mình, những kinh nghiệm chung quanh ta sẽ không còn là chuyện tầm thường nữa, chúng toả chiếu với tính chất đặc biệt của chúng. Việc ấy không những chỉ biểu hiện trong chiếc lá mùa thu, đóa hoa mùa xuân mà còn trong những lon nước ngọt, trong tách trà, trong chiếc máy microwave... Tất cả đang chờ đợi sự ôm ấp của ta.

Giữa một thế giới sinh động đầy dẫy những khác biệt kỳ diệu, tôi cảm thấy mình có đầy sức sống.

Ba mươi năm sau khi bắt đầu bị vật vã bởi những cơn đau, tôi không bao giờ bước vào một căn phòng nào mà không chú ý đến những đồ vật nào có thể mang lại sự dễ chịu, nhẹ nhàng, và có thể giúp nâng đỡ tôi. Không phải chỉ là chiếc ghế dựa, cái gối, mà còn là ánh nắng ấm chiếu vào từ cửa sổ, chậu hoa làm bằng tay để trên bàn, tiếng máy lạnh chạy êm êm – tất cả những gì mang lại niềm vui cho sự sống của ta. Khi tôi ý thức và tiếp xúc với những đồ vật rất gần gũi – như là chiếc bàn chải đánh răng, những chén dĩa, cái muỗng, chiếc xe hơi – tôi cảm nhận được những sự nâng đỡ rất thiết thực chung quanh mình, và luôn cả cái phong cách dễ thương và đặc thù riêng của mỗi thứ. Và những ý thức này vẫn có mặt song song với sự cố gắng ngăn chặn và chống cự lại nỗi đau của tôi. Nhưng hai con đường ấy không hề cắt ngang hay đối chọi lẫn nhau, cả hai đều cùng có mặt với nhau rất linh động.

Như mỗi khi thay áo tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hai vai tôi, khuỷu tay và những ngón tay tôi rất vụng về và bị đau nhức vì những động tác kéo, giãn, thắt cột... cần thiết mỗi khi mặc áo. Những y phục với khoá dán hay băng nhám velcro có thể giải quyết được những vấn đề của tôi, nhưng với tôi thì chúng không thể nào chấp nhận được! Tôi chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là một người ăn mặc thực tế! Tôi là hạng người mà lúc nào cũng cảm thấy vui sướng trước những chiếc áo đẹp, với nghệ thuật viền áo không cân đối, đường may nổi có thêu hoa, những chiếc áo khoác có vải lót ấm bên trong, những chiếc khăn quàng cổ lụa bay trong gió... Thay vì vội vàng mỗi khi thay đồ và rồi đâm ra bực dọc vì phải vất vả mang vớ, xỏ giày, cài nút áo... tôi biến chúng thành những lễ nghi hằng ngày. Mỗi buổi sáng tôi sắp đặt sẵn những y phục mình sẽ mặc trên một chiếc ghế dài. Tôi ngồi dưới ánh nắng ấm của buổi sáng mai, và mang vào từ cái một, chú ý đến nhiệt độ thay đổi ấm áp trên từng phần của cơ thể khi mặc chúng vào người, thưởng thức những viền may, những nét đẹp, những đường thêu trên áo...

Bây giờ thì mỗi cử động của tôi là một lễ nghi. Nếu chúng ta không thể nhanh nhẹn và hiệu quả như xưa, nếu một việc làm đơn giản như là mặc vào một chiếc áo cũng đòi hỏi sự chú ý và tập trung trọn vẹn, thì ta cũng nên biết tìm thấy sự an lạc trong những hành động tầm thường ấy.

Ngày xưa, tôi không bao giờ biết rằng làm việc gì chỉ cho chính việc ấy thôi, mà đó cũng là tinh hoa của thiền tập. Tôi chỉ biết mải mê đeo đuổi theo một ý niệm xa xôi nào đó về sự giác ngộ. Nhưng bây giờ thì khác! Tôi có mặt và sống với những cảm xúc rất linh động trong giây phút hiện tại, thấy rõ rằng mỗi giây phút là một nguồn hạnh phúc và niềm an ủi rất sâu xa của chính tôi. Bây giờ, tôi chỉ thích có mặt ở nơi này mà thôi. Tôi không còn xem hoàn cảnh của mình, và những gì xảy ra cho tôi, là một điều gì đặc biệt hay bi đát nữa. Mỗi ngày là một cuộc sống mới! Mỗi ngày tôi mặc áo bằng cách thực tập cài từng chiếc nút một.
Darlene Cohen

Chánh niệm đưa đến giải thoát

Có một người bạn đến thăm tu viện Sravasti Abbey và đã làm tặng cho chúng tôi những tấm bảng dùng trong các khóa tu để nhắc nhở các thiền sinh. Ở bàn để nước uống cô viết: “Xin vui lòng lau chỗ nước đổ. Cám ơn sự chánh niệm của bạn.” Nơi cửa ra vào, tấm bảng ghi: “Xin vui lòng đóng cửa nhẹ nhàng. Cám ơn sự chánh niệm của bạn.”

Tôi bắt đầu thắc mắc, không biết cô ta nói chánh niệm ở đây là có ý nghĩa gì! Dường như chữ chánh niệm, mindfulness, bây giờ đã trở thành một từ thông dụng nghe rất bắt tai, như là chữ karma vậy, lắm người dùng nhưng ít ai thật sự hiểu được ý nghĩa của nó.

Rồi gần đây tôi có dịp đọc một bài viết nói về ăn một trái cam trong chánh niệm – chú ý đến vị ngọt của nó, cấu tạo của nó, và chính cái kinh nghiệm ăn. Trong một buổi pháp đàm, tôi nghe người ta dùng chữ chánh niệm để diễn tả lại một kinh nghiệm ngồi im quan sát đứa con của mình đang chơi và cảm nhận được giây phút hạnh phúc ấy. Một người khác dùng nó để diễn tả cái ý thức của mình có mặt trong giây phút hiện tại: “Tôi có chánh niệm về cơn giận của mình đang khởi lên. Tôi có chánh niệm về ý định của mình muốn nói lơi giận dữ. Và tôi hoàn toàn có mặt trong giờ phút hiện tại, hoàn toàn có chánh niệm khi tôi nói lên những lời ấy!” Và chúng ta cũng nghe nói về áp dụng chánh niệm giúp người ta đối phó với những cơn đau kinh niên.

Mặc dù những ví dụ mà tôi vừa trình bày, có vài trường hợp là sự áp dụng có căn cứ và lợi ích của chánh niệm, nhưng chúng có thật sự đưa ta đến giác ngộ chăng? Chúng có phải đồng nhất với loại chánh niệm mà đức Phật đã trình bày trong kinh điển không, khi chánh niệm là một yếu tố thiết yếu trên con đường giải thoát?

Chánh niệm, mindfulness, là một từ rất tiện lợi đối với người Tây phương ngày nay, nhưng chữ “buông bỏ”, renunciation, thì không! Chữ buông bỏ mang kèm với nó hình ảnh của một người ở trong hang sâu, tối tăm, ăn thực phẩm vô vị, sống một thân một mình, và không ti-vi, iPod, điện thoại di động, máy vi tính, tủ lạnh hay thẻ tín dụng... Trong nền văn hóa tiêu thụ của chúng ta, thì buông bỏ được xem như con đường đi đến khổ đau. Và cũng giống như chánh niệm, danh từ buông bỏ cũng dễ bị hiểu lầm ở Tây phương.

Đức Phật có định nghĩa rằng, buông bỏ là một ý muốn được tự do, thoát khỏi dukkha, một tình trạng bất toại nguyện và khổ đau của vòng luân hồi. Buông bỏ không có nghĩa là ta chối từ hạnh phúc, mà là từ bỏ khổ đau và những nguyên nhân của nó.

Vì cái thấy của ta bị che mờ bởi vô minh, cho nên ta ít khi nào ý thức được rõ rệt về khổ đau và nguyên nhân của nó. Và phương cách để đối trị vô minh là một cái nhìn sáng tỏ – không lẩn tránh, không chối bỏ, hoặc tự biện hộ – cho hoàn cảnh của mình, thấy được ngay sự thật của những gì đang xảy ra. Có chánh niệm. Điều này đòi hỏi một thái độ hết sức thành thật của ta, nó thử thách quan niệm của ta về chính mình.

Trong kinh Tưởng Điên Đảo, Vipallasa Sutta, thuộc Tăng Chi Bộ kinh (IV. 149), đức Phật có nói về bốn cái thấy sai lầm, những ngộ nhận căn bản về kinh nghiệm của ta. Chúng được đức Phật gọi là bốn cái thấy điên đảo, vì sự vật được nhìn trái ngược với chân tướng của chúng. Bốn cái thấy điên đảo đó là:

Trong vô thường thấy là thường. Nắm bắt những gì vô thường và cho đó là thường.

Trong khổ thấy là vui. Tin rằng những sự vật trong cuộc đời, mà tự tánh của chúng là bất toại nguyện hoặc khổ đau, sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.

Trong bất tịnh thấy là thanh tịnh. Thấy những gì không thanh tịnh là đẹp và hấp dẫn.

Trong vô ngã thấy là hữu ngã. Ôm giữ những sự vật mà tự tánh của chúng là vô ngã và không có thực chất.

Trong vô thường nghĩ là thường

Sáng nay khi thức dậy, bạn có nghĩ là mình đã già đi một ngày và cũng gần kề hơn với cái chết một ngày chăng? Mặc dù lý trí của ta biết rằng cơ thể của mình đang già yếu đi trong từng giây phút, nhưng cảm nghĩ sâu xa trong ta vẫn là thân này sẽ bền vững mãi và cái chết sẽ không bao giờ đến với mình – hay ít nhất là nó cũng còn xa xôi lắm.

Thái độ này là một ví dụ cho ta thấy mình đang ôm giữ thân này như nó là thường, là trường cửu. Và cũng thế, chúng ta xem những mối liên hệ của mình như là cố định và khi có một người thân nào qua đời, ta cảm thấy sửng sốt và bất ngờ. Chúng ta muốn người thân mình sẽ có mặt mãi cạnh bên ta và nắm chặt lấy niềm hy vọng ấy.

Và chúng ta có thể học cách để đối phó với sự vô thường của cuộc đời một cách rất nhẹ nhàng. Nhưng trước hết, ta cần phải thấy được sự sai lầm trong nhận thức của mình về những gì ta cho là thường, là bền vững, và có chánh niệm về tự tánh biến đổi trong mọi người và mọi vật.

Trong khổ nghĩ là vui

Bất cứ những gì mang lại cho ta niềm vui cũng sẽ mang lại cho ta những vấn đề: một người hôn phối lý tưởng bỏ ta, đứa con yêu dấu cãi lại ta, công việc mới thăng chức và cũng tăng thêm giờ làm việc và sự căng thẳng. Những khoái lạc của vòng xoay trong cuộc đời cứ mang đến cho ta hết thất vọng này đến thất vọng khác, nhưng ta vẫn cứ tìm đến nó, nghĩ rằng lần này nó sẽ mang lại cho ta một hạnh phúc dài lâu hơn. Chúng ta cũng như một người đánh bạc, tin rằng ván bài mới sẽ mang lại cho ta một vận may lớn. Ta như một tên nghiện chờ một điếu thuốc kế tiếp.

Với chánh niệm ta sẽ thấy rõ được sự điên đảo thứ hai này. Ta sẽ nhận thấy rằng đa số những gì xã hội đã dạy cho ta, và những gì ta truyền lại cho con cháu mình về vấn đề hạnh phúc là không thật. Một hạnh phúc chân thật và bền vững chỉ có thể hiện hữu bằng cách diệt trừ những nguyên nhân gây nên khổ đau – những tình cảm muộn phiền và những hành động (karma) do chúng thúc đẩy.

Trong bất tịnh nghĩ là thanh tịnh

Chúng ta đeo đuổi và dính mắc vào sự hấp dẫn của chính cơ thể mình và của kẻ khác. “Cơ thể đẹp” là một trong những điều mà tất cả chúng ta đều công nhận. Nhưng nếu cơ thể này hấp dẫn đến vậy thì tại sao chúng ta lại tốn hao biết bao nhiêu công sức để thay đổi nó? Chúng ta tìm đủ mọi cách để làm cho cơ thể của mình được nhìn khá hơn: nhuộm tóc, thêm hoặc bớt cân, mặc những quần áo nào mà làm nổi bật những phần trong cơ thể.

“Giữ cho được trẻ mãi” cũng là một trong những ngành kinh doanh thương mại lớn lao nhất. Nhưng nếu chúng ta cứ sống hài hòa với thực tại thì sao? Tất cả chúng ta đang già đi. Chúng ta có thể nào học sống hạnh phúc với da nhăn, với tóc bạc, với những bắp thịt mềm yếu đi được chăng? Tuổi già đâu cần phải đáng sợ đến thế, nhưng cái thấy sai lầm của ta biến nó thành như vậy.

Trong vô ngã nghĩ là hữu ngã

Quan niệm sai lầm và nguy hại nhất là chấp có một cái ta thật trong thân và tâm này. Chúng ta nghĩ và có cảm tưởng rằng trong ta có một cái “tôi” thật, và nó là một cái “tôi” quan trọng nhất trên vũ trụ này – hạnh phúc của tôi là thiết yếu nhất, và khổ đau của tôi cần phải được giải quyết trước nhất. Chúng ta tưởng tượng ra hình ảnh của một người nào đó và rồi cứ nhất quyết sống theo đúng cái ảo tưởng ấy. Và đa số những ý nghĩ của ta về mình là hoàn toàn sai trật. Tự tánh của chúng ta không phải là xấu xí, đẹp đẽ, tài giỏi, thua kém, lười biếng, ngu si, thông minh... hay bất cứ một đặc tính tốt lành hoặc thấp kém nào mà ta tự gán cho mình.

Và không những chúng ta nghĩ rằng, trong ta có một cái “tôi” có thật và bền vững làm chủ thân, tâm cũng như cuộc sống của mình, mà ta còn tin rằng những người và vật khác chung quanh ta cũng có một thực thể như thế. Ta tin tưởng rằng mọi vật hiện hữu đúng y theo hình tướng bên ngoài của chúng. Và cũng vì vậy mà ta tin rằng, những ai là kẻ thù của ta thì họ là những người có bản chất xấu xa và gian ác. Chúng ta đi giành giật và bảo vệ những gì thuộc về mình. Vì không thấy được cái tự tánh luôn biến đổi và không có thực thể của mọi hiện tượng mà biết bao nhiêu phiền não và khổ đau đã sanh lên. Và rồi từ đó ta bị những tình cảm như là sân hận, tham ái, lo âu, lười biếng... sai xử và làm chủ cuộc đời mình. Tất cả chỉ vì chúng ta đã nắm bắt những gì không thật và cho đó là thật.

Nhờ có chánh niệm, mindfulness, về bốn cái thấy sai lầm và điên đảo ấy – vô thường, bất toại nguyện, bất tịnh và vô ngã – mà chúng ta ý thức được khổ đau do chúng mang lại và nguyện từ bỏ chúng. Và đó chính là sự buông bỏ, renunciation. Chánh niệm phải đưa ta đến sự buông bỏ.

Chánh niệm ấy sẽ mang lại cho ta một sức mạnh và khả năng đi ngược lại những thói quen và tập quán tự kỷ của mình. Nhìn chung quanh, ta thấy mọi người ai cũng giống ta, ai cũng muốn xa lìa khổ đau và mong mỏi có hạnh phúc. Và từ đó lòng chân thành muốn giúp đỡ kẻ khác phát sinh. Ý thức được những hạnh phúc mang lại từ sự giúp đỡ kẻ khác, tình thương và tâm từ sẽ khởi lên trong ta. Ta thấy mình có một liên hệ rất mật thiết với tất cả mọi người, mọi loài, và ta nguyện được thanh tịnh và chuyển hóa mọi khổ đau của chính mình – được trở thành một vị Phật – để có thể giúp người khác trọn vẹn hơn. Và chính bằng cách đó mà chánh niệm đưa ta đến giải thoát.

Thubten Chodron

Còn có gì vui?

Nguyên nhân nào đã gây nên những khổ đau và phiền não cho chúng ta? Trong kinh điển, ta thường nghe nhắc đi nhắc lại là do tham ái: muốn và không muốn.

Thật ra, nếu bạn theo dõi các trạng thái của tham ái trong tâm, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều rất thú vị. Nhưng tại sao tham ái lại là một vấn đề? Tại sao nó lại đóng vai trò quan trọng đến như vậy, và cả thế giới này lại bị khống chế bởi nó?

Trước hết, chúng ta cần phải thấy được sự khác biệt giữa sự thọ hưởng niềm vui (enjoyment) và sự tham ái (desire). Nếu như bạn có một bữa ăn ngon thì bạn sẽ cảm thấy hài lòng. Sự thọ hưởng niềm vui ấy đâu cần phải dính dáng đến bất cứ sự tham ái nào đâu? Điều quan trọng là ta hãy để niềm vui chỉ là niềm vui và không để nó dẫn đến một sự thèm khát nào khác thì đâu có gì để khổ đau?

Nhưng làm sao ta có thể có mặt với một kinh nghiệm mà trong ta lại không phát sinh một sự mong cầu thêm hoặc bớt nào đó?

Thật ra đó cũng chính là lý do chúng ta cần thực tập chánh niệm. Năng lượng của chánh niệm có thể giúp ta thực hiện được điều ấy. Nó giúp ta ăn và thưởng thức hạnh phúc của một bữa ăn ngon nhưng rồi không hề luyến tiếc. Khi nó qua rồi thì ta cho nó qua. Nó không hề làm sinh khởi một sự thèm khát, tiếc nuối, ghét bỏ, mặc cảm, hay bất cứ một phản ứng nào khiến ta phải lao phóng về tương lai.

Nói thì dễ quá phải không bạn? Nhưng ta biết rằng, cố gắng thực hành được điều ấy thường xuyên không phải dễ, mà thật ra chỉ làm được vài lần thôi cũng đủ khó rồi!

Khoảng hơn 30 năm trước, tôi có một bữa ăn “ba sao” với hai người bạn ở thành phố Avallon tại Pháp. Vào một dịp nghỉ cuối tuần, chúng tôi lái xe đi từ thành phố Munich sang chơi. Theo sự phân hạng ở Pháp thì toàn nước Pháp chỉ có được 12 nhà hàng thuộc hạng “ba sao” mà thôi!

Buổi sáng hôm ấy chúng tôi phải sắp đặt trước với một trong những đầu bếp nổi danh nhất thế giới. Bữa ăn được sửa soạn trước một ngày, và chúng tôi dành trọn buổi chiều tối cho bữa ăn tuyệt vời ấy, được kết thúc bằng chai rượu nho armagnac 1907.

Đó là một bữa ăn ngon tuyệt vời nhất trong đời tôi. Giờ ngồi nghĩ lại, tôi dường như vẫn còn cảm thấy cái hương vị của nó. Ngày hôm ấy, tôi bị xô đẩy, lôi cuốn theo đủ mọi phản ứng trong tâm: từ thèm muốn đến mong đợi, đến hưởng thụ, sang thoả mãn; rồi khập khiểng trở về Munich với một túi tiền rỗng không; rồi hối hận, và rồi trở lại thèm muốn mỗi khi nghĩ tưởng đến nó. Trong truyền thống Dzogchen có nói: “Hãy để cái phát sinh ở lại trong sự phát sinh.” Mà đó là chuyện đã xảy ra hơn 30 năm về trước rồi!

Vì vậy nên sự tham ái tự nó chắc chắn là một vấn đề. Tại sao thế? Bởi vì ta không thể nào thoả mãn nó. Và cái gì khiến cho nó không thể thoả mãn? Cái gì làm điều kiện cho sự tham ái? Trong tâm lý học Phật giáo, danh từ Pali cho lòng tham ái là tanha, có nghĩa là “sự thèm khát” hay nói rộng hơn là một sự khao khát.

Nếu chúng ta nhìn trên vòng tròn 12 nhân duyên thì ta sẽ thấy rằng nguyên nhân của sự tham ái là vedana. Thường thì chúng ta dịch “vedana” là “thọ” (feeling), nhưng thọ ở đây không phải là một loại tình cảm. Thật ra thọ ở đây là một cảm xúc, có thể là dễ chịu, khó chịu hoặc trung hòa, trong mỗi kinh nghiệm hằng ngày của ta. Và đó cũng là một điểm cốt yếu trong đạo Phật – mỗi kinh nghiệm của ta đều có kèm theo một đặc tính cảm xúc. Tâm lý học Tây phương gọi đó là sắc điệu cảm xúc (feeling-tone).

Bạn hãy thử nghĩ về điều ấy cho sâu sắc đi! Đó thật là một tuệ giác rất phi thường. Lần tới, trong giờ ngồi thiền bạn hãy tự dặn mình, chỉ trong một phút thôi bạn sẽ có chánh niệm và ý thức rõ rệt về cái đặc tính cảm xúc của mỗi hơi thở, cảm thọ, cảm giác, âm thanh, hay tâm trạng nào khởi lên trong tâm mình. Bạn chỉ cần cố gắng ý thức được cái đặc tính dễ chịu, khó chịu hay trung hòa của giây phút tâm thức ấy, của chính kinh nghiệm ấy thôi. Nếu như bạn có thể có mặt với một cảm giác dễ chịu và để cho đó là một niềm vui, thì không có vấn đề gì hết.

Nhưng vấn đề là, nếu đó là một kinh nghiệm dễ chịu, thì thường thường nó lại thúc đẩy ta có một sự tham ái – mong muốn hơn. Nếu đó là một kinh nghiệm khó chịu, nó thường làm phát sinh một sự ghét bỏ, xô đẩy, tránh né, muốn cho qua đi... Và nếu như sắc điệu của cảm xúc ấy là trung hòa, một xả thọ, thì thường chúng ta không quan tâm, không chú ý đến hoặc là hoàn toàn không biết gì đến nó.

Trên con đường tu học, mục tiêu của chánh niệm không phải để loại bỏ những kinh nghiệm dễ chịu hoặc khó chịu, cũng không phải để thoát ra ngoài những sự vui thích và đau đớn. Đó là con đường của một lối tu khổ hạnh mà đức Phật gọi là “tà kiến”, một cái thấy sai lầm. Nhưng chúng ta lại thường có sự hiểu lầm như thế.

Chúng ta không bao giờ có thể loại trừ những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu đi kèm với những kinh nghiệm của mình. Đó là một trong những tuệ giác quan trọng trong đạo Phật. Chúng ta sinh ra là đã được “thiết đặt” như vậy! Bất cứ kinh nghiệm nào của ta cũng được kèm theo với một đặc tính dễ chịu, khó chịu hoặc trung hòa của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể vượt thoát ra. Ngay cả những bậc đã giác ngộ cũng kinh nghiệm những điều ấy trong mỗi giây phút của các ngài. Và vì vậy mà mục đích tu tập của chúng ta không phải là để gia tăng niềm vui đến tối đa và giảm bớt những nỗi đau đến tối thiểu.

Theo nhà phân tâm học Freud thì đây cũng chính là động lực căn bản của cuộc sống. Ông gọi đó là “chức vụ bản năng của tính dục” (pleasure-principle functioning). Thật ra điều ông khám phá cũng khá chính xác, cũng rất gần gũi với lời Phật dạy. Freud cũng nghĩ rằng, chúng ta không thể nào làm gì khác hơn được, vì những gì vui thích sẽ dẫn đến sự ham muốn, và chúng tạo nên một sự thúc đẩy trong tâm thức, và rồi sai xử ta. Và những cảm giác khó chịu hoặc đau đớn cũng vậy, chúng cũng không tránh khỏi đưa ta đến một sự ghét bỏ và cuối cùng là tạo nên một sự sân hận và bạo động trong tâm. Như vậy thì làm sao ta có thể để cho niềm vui chỉ là một niềm vui mà không bị dính mắc, và nỗi đau là chỉ là một nỗi đau mà ta không hề ghét bỏ nó?

Khi mới bắt đầu bước chân vào con đường tu học, tôi thấy kết quả của sự thực tập rất nhàm chán và khô khan. Có một lần tôi nói với bà Dipa Ma: “Khi ta từ bỏ hết những sự ham muốn và ghét bỏ đi rồi thì sẽ có được cái gì đây? Có cái gì khác ngon hơn không, hay hơn không, tuyệt vời hơn không? Cuộc sống này sẽ buồn tẻ và chán chết được nếu ta không còn thấy một cái gì là thú vị để hưởng thụ nữa!”

Tôi ngạc nhiên khi bà Dipa Ma phá lên cười to. “Không phải vậy,” bà nói, “cậu không hiểu. Sự sống bây giờ đối với tôi có đầy những nhiệm mầu và niềm vui hơn trước, so với lúc mà tôi còn mang theo đủ mọi thứ hành lý lỉnh kỉnh với mình. Bây giờ thì mỗi giây phút, mỗi kinh nghiệm đều có hương vị và đặc tính riêng của nó. Rồi nó qua và mất đi, và giây phút kinh nghiệm kế tiếp lại có cái hương vị riêng của nó.”

Và niềm tin của tôi không phải là vào những gì bà nói, mà vì sự bật cười rất hồn nhiên của bà khi nghe câu hỏi ấy của tôi.

Jack Engler

Nghệ thuật so sánh

Những khi bạn tự so sánh mình với người khác, thì thường thường bạn có khuynh hướng cảm thấy là mình hay hơn hay dở hơn? Nếu như trong sự so sánh bạn ưa chuộng mình hơn, bạn có cảm thấy hãnh diện không? Và nếu ngược lại thì bạn có cảm thấy khổ đau không? Nhưng thật ra thì cả hai lối phản ứng ấy đều ngăn chặn không cho ta thấy được chân tướng của sự vật. Và nếu như bạn là người có cảm nhận hay so sánh, thì câu hỏi thật sự là: “Ai là người so sánh?” Bạn cũng đừng nên chối bỏ khuynh hướng này, hoặc tự trách mình là xấu, nhưng bạn hãy nhìn cho kỹ đi vì thật ra ta cũng quý mến nó lắm.

Thiền sư Đạo Nguyên, thế kỷ thứ 13, người sáng lập dòng thiền Tào Động ở Nhật Bản, có lần được một người học trò hỏi rằng: “Thầy sẽ làm gì nếu bị kẹt vào một cuộc tranh luận? Thầy có cố gắng để thắng cuộc tranh cãi ấy không, hay Thầy sẽ nhượng bộ dù biết rằng mình đúng?”

Thiền sư Đạo Nguyên đáp: “Ta không cần phải theo hai cách ấy. Chỉ cần ta không quan tâm và thiết tha đến nó nữa, thì tự nhiên sự tranh cãi sẽ mất đi năng lượng.”

Và chúng ta cũng có thể áp dụng lời khuyên ấy cho khuynh hướng ganh đua, hơn thua của mình trên con đường thực tập: buông bỏ ý niệm rằng mình là người thắng, là người “thực hành đúng nhất”.

Ta hãy thực tập với những gì đang xảy ra với chính ta ngay trong giây phút này, với tư tưởng của mình, cảm xúc của mình, với những bất an và với cả những suy nghĩ vẩn vơ của mình. Nó có nghĩa là ta hãy thực tập bằng con người thật của chính mình, ngay nơi đây, ngay giây phút này. Đó mới thật sự là một công phu chân thật.

Và năm điều sau đây có thể giúp chúng ta thực hiện được việc ấy:

Giây phút hoàn hảo nhất để thực tập là ngay bây giờ – chứ không phải là ngày mai hay tuần tới, cũng không phải là khi nào ta ít bận rộn hơn, nhưng phải là ngay lúc này. Trong giây phút này ta đâu có thiếu thốn điều kiện nào đâu? Pháp môn lúc nào cũng rộng mở. Tất cả những “nhưng mà”, “tại vì” trên cuộc đời này chỉ là những sự bào chữa giữ cho ta không gặp gỡ và tiếp xúc được với giờ phút hiện tại.

Nơi chốn hoàn hảo nhất để thực tập là chính ngay nơi ta đang có mặt – chứ không phải là trong một thiền viện nào ở Thái Lan hay Nhật Bản, cũng không phải ở một trung tâm tu học, hay trên tọa cụ của mình. Lúc nào ta cũng muốn so sánh với điều kiện nơi khác, nhưng thay vì đòi hỏi, bạn hãy thực tập ngay ở đây, nơi bạn đang đứng, đang đi, hay đang ngồi. Hãy bắt đầu thực tập.

Lời dạy hoàn hảo nhất là những gì đang có mặt ngay trước ta – Thiền sư Richard Baker Roshi có lần kể lại một giấc mơ. Trong mơ ông thấy mình đang suy nghĩ cố tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề nào đó, và ngay lúc ấy điện thoại reo vang. Ông phớt lờ đi, không trả lời, và tiếp tục cố gắng tập trung tìm cho ra câu trả lời. Đến tiếng chuông reo thứ ba mươi thì ông nhấc điện thoại lên, bên kia đầu dây có người nói cho ông biết câu trả lời mà ông đang mải mê tìm kiếm. Cái có mặt ngay trước mắt mà ông cho rằng không cần thiết lại chính là điều mà ông đang tìm kiếm.

Vị thầy hoàn hảo nhất là người đang có mặt với ta – Vì đó là một mối tương quan có thật, chứ không phải một sự so sánh, hơn thua. Chúng ta vẫn có thể học được rất nhiều từ những vị thầy hay những người bạn vẫn còn có những lầm lỗi.

Người học trò hoàn hảo nhất chính là ta – Ta có đủ tất cả trong ta những điều kiện và yếu tố cần thiết cho sự thực tập. Bạn là một người hoàn toàn có đầy đủ khả năng, và khi bạn ý thức được điều này, bạn sẽ tìm thấy được những hỗ trợ cần thiết cho sự thực tập của mình. Và đây là điều quan trọng nhất trong năm điều.

Tuy vậy, đôi khi biết so sánh với người khác cũng có thể thật sự mang lại cho ta ích lợi. Trên con đường tu tập, sẽ đến một lúc mà bạn đã sửa đổi hết những điều dễ cần được sửa đổi trong bạn, nhưng những vấn đề chánh cơ bản thì ta vẫn chưa thể chuyển hóa được. Khi bạn có cảm tưởng như mình đã đi vào một ngõ cụt, không tiến thêm được nữa, và nhìn lại sự tu tập của mình thấy dường như không còn tiến bộ, lúc ấy bạn có thể khơi lại niềm tin bằng cách quan sát những người bạn cùng đi trên con đường tu học với mình. Bạn sẽ nhận thấy được rằng, thật ra chúng ta vẫn đang tiến triển, một cách chậm rãi và kín đáo.

Và bạn cũng nên nhớ rằng: “Ai là người so sánh?” Khi ta càng nhìn thấy được những người khác trong ta bao nhiêu, thì ta lại càng có thể dùng những gì có mặt và xảy ra chung quanh để tự hiểu rõ mình hơn. Và khi ta càng chuyển hóa được mình bao nhiêu thì ta lại càng có thể trở thành một nhân tố chuyển hóa cho người chung quanh. Tất cả chúng ta đều có những liên hệ rất mật thiết với nhau, và ta rộng lớn hơn mình nghĩ.

Giác ngộ là một sự cố gắng

nhưng không hề bợn chút ham muốn

Mặt nước trong xanh đến tận đáy hồ

một con cá bơi lội thong dong như cá

Bầu trời trong xanh mênh mông vô cùng tận

một con chim bay lại tự tại như chim

(Thiền sư Đạo Nguyên)

Michael Wenger

Kinh nghiệm một thiền sinh

Có nhiều lúc tôi cảm thấy mình là một thiền sinh rất tệ. Có những ngày tôi ngồi thiền nhưng chẳng có chút gì là chánh niệm. Tôi tự hỏi, không biết mình có cố gắng đủ hay không? Tôi có lười biếng quá không? May mắn thay, vì được dạy rằng mình cần phải biết rộng lượng và tha thứ cho những thất bại của mình trên con đường tu học nên tôi cũng không cảm thấy buồn nản lắm. Nhưng cũng có thể vì vậy mà tôi thiếu sự tinh tấn chăng?

Sự thật là nhiều năm trước đây, tôi nhận thấy thật ra mình cũng không thể nào kiểm soát được những gì xảy ra trong lúc ngồi thiền – tôi chỉ có thể có mặt ngồi nơi tọa cụ mà thôi. Trong thời gian đầu, tôi vất vả cố gắng để thực hành theo lời hướng dẫn – theo dõi hơi thở, khi nào tâm ta lo ra, buông bỏ tư tưởng ấy và trở lại với hơi thở của mình – nhưng chẳng có gì đặc biệt xảy ra cả. Thật ra, tôi cảm thấy rất bất an trong những lúc ngồi thiền. Sau đó, tôi cảm thấy khá hơn một chút, nhưng cái kinh nghiệm ấy tự nó vẫn là khó chịu.

Nhưng cuối cùng rồi tôi cũng vượt qua và bắt đầu có được những kinh nghiệm tĩnh lặng và sáng tỏ. Và trong suốt nhiều năm, và các khóa tu kế tiếp, tôi cố gắng giữ một sự quân bình trong sự thực tập của mình, “dụng công nhưng không dụng lực”. Khi nào tôi thể hiện được điều này thì mọi việc dường như đều rất trôi chảy, tôi cảm thấy mình có một sự tỉnh thức tự nhiên và buông bỏ nhẹ nhàng. Và ngược lại, những khi thất bại, tôi cảm thấy mình lạc lõng, bối rối và tràn ngập bởi những tư tưởng và cảm giác rằng mình hoàn toàn mất sự tự chủ. Và rồi từ đó tôi lại tự hỏi không biết phương cách thực tập của tôi có thích hợp không.

Gần đây, tôi có đọc được bài kinh mở đầu trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-Nikaya). Trong bài kinh ấy có người hỏi đức Phật bằng cách nào để ngài vượt qua được dòng nước lũ, ý nói về sự giác ngộ của ngài. Câu trả lời của đức Phật thật vô cùng đơn sơ:

– “Này hiền giả, không đứng lại, không vội vã, ta vượt khỏi dòng nước lũ.”

– “Thưa ngài, làm sao không đứng lại, không vội vã, Ngài vượt khỏi dòng nước lũ?” Người ấy hỏi.

– “Này hiền giả, khi ta đứng lại thì ta bị chìm xuống. Khi ta vội vã, thì ta bị cuốn trôi; do vậy, này hiền giả, không đứng lại, không vội vã, ta vượt khỏi dòng nước lũ.”
Tôi nghĩ câu trả lời của đức Phật diễn tả được điều mà tôi đang cố gắng để đạt đến trong sự thực tập của chính mình. Tôi cứ tiếp tục có mặt nơi toạ cụ của mình, dù cho chuyện gì xảy ra, nhưng không cố sức quá.

Trong thời gian qua, tôi cũng có thực tập theo chương trình gọi là Twelve-Step programs. Họ có một câu châm ngôn là “chỉ từng ngày một”. Tôi nghĩ câu ấy có nghĩa là, ta đừng cố gắng phải giải quyết hết mọi vấn đề trong cùng một lúc – hay là đạt giác ngộ – chỉ cần ta chăm sóc cho những gì cần thiết trong ngày hôm nay. Hôm nay ta chỉ cần ngồi trên toạ cụ của mình theo thời gian hạn định. Đừng tự trách móc hay phê phán về buổi ngồi thiền ấy là thành công hay thất bại. Đó không phải là chuyện của mình. Chuyện của mình là có mặt và ngồi ở đó. Nếu bạn bỏ sự thực tập vì nó không đạt “tiêu chuẩn” mong muốn, như đức Phật dạy, bạn sẽ bị chìm xuống.

Đức Dalai Lama cũng có khuyên chúng ta không nên lúc nào cũng cứ xem xét và phê phán sự thực tập của mình. Ngài dạy, chúng ta chỉ nên nhìn lại sau một thời gian dài, như là năm hay mười năm, chừng ấy ta mới thật sự thấy được sự tiến triển của mình. Tôi nghĩ có lẽ ý ngài cũng khuyên chúng ta đừng nên dừng lại.

Nhưng dù vậy, trên con đường thực tập, có những lúc tôi nhìn quanh và thấy hoang vu, không có gì thay đổi hay khác biệt. Tôi có tự dối gạt mình hay không? Tôi có thật sự cố gắng đủ chưa? Có lúc, tôi thực tập với một vị thầy dạy cho tôi những phương pháp thực hành gắt gao hơn, nhưng rồi tôi vẫn trở về với đường lối nhu hòa của mình. Đó có phải là phản ảnh một tính khí yếu đuối chăng? Có lẽ tôi cần phải cố gắng nhiều hơn để tăng trưởng định lực và chánh niệm. Vấn đề là mỗi khi tôi cố gắng gò bó mình, cuối cùng tôi lại cảm thấy còn tệ hại hơn trước. Chắc có lẽ tôi chỉ có thể là vậy thôi. Đứa con gái của tôi khi lên sáu, mỗi lần bị la rầy nó hay nói: “Con đâu phải là chủ đầu óc của mình.” Nghe thấm thía làm sao!

Tôi là một giáo thọ, tôi đi hướng dẫn các khóa tu, vì vậy cho nên tôi thuộc vào hạng “Bác sĩ, hãy lo chữa bệnh cho mình đi!” Thật ra thì tôi cũng hiểu về những ý nghĩ ngờ vực này của tôi lắm chứ. Nhưng vấn đề tôi muốn nêu ra là “thế nào là Chánh Tinh Tấn”?

Thật ra đó không phải là một vấn đề của riêng tôi. Trong những khóa tu, tôi thường khuyên người khác nên từ tốn với chính mình, có niềm tin vào sự thực tập, nhìn mọi việc xảy ra trong một không gian rộng lớn, và nhớ rằng cái gì cũng rồi sẽ qua. Hãy có niềm tin vào đạo pháp, cho dù ta không có niềm tin nơi mình. Đó là lời khuyên mà tôi có thể dùng được!

Là một giáo thọ, tôi không tránh khỏi ghi nhận những hình ảnh của các vị giáo thọ khác, và thấy rằng gương mặt họ lúc nào cũng tươi sáng và nở nụ cười. Hình như họ có một thông điệp là: “Nếu bạn thiền tập như tôi, bạn sẽ có hạnh phúc!” Và những lời hướng dẫn thiền tập cũng vậy, có vẻ như rất hoàn hảo, không có chút gì là bất toàn hết. Đôi khi tôi tự hỏi, ta có nên ghi thêm những câu này trong các khoá tu không: “Những kinh nghiệm thật sự của bạn trong khóa tu này sẽ tùy thuộc vào nghiệp quả trước đó (karma) của bạn. Các vị thầy và trung tâm này không thể bảo đảm về sự giác ngộ của bạn (hoặc là bạn có vui thích hay không).”

Cuộc đời của tôi có biết bao những thăng trầm – buồn vui, căng thẳng, hân hoan, mệt mỏi... Và tất cả những trạng thái ấy đều được phản ảnh trong buổi ngồi thiền hằng ngày của tôi. Đôi khi tôi muốn sự thiền tập của mình hoàn toàn cách biệt hẳn, như là một trạng thái nhiệm mầu nào đó mà tôi có thể bước vào và lánh xa hết tất cả.

Nhưng thật ra thiền tập không phải là một sự trốn tránh thực tại, mà ngược lại, nó là một nhận thức về thực tại sâu sắc hơn. Và nếu ta nhìn cho sâu và cho thật rõ, bên dưới cái thực tại bất an ấy là một thực tại tĩnh lặng, tuệ giác và hạnh phúc. Đó mới chính là chân thực tại.

Và nếu tôi không dừng lại và cũng không vội vã, sự tĩnh lặng và tuệ giác này sẽ tự nhiên hiển lộ – theo thời điểm của nó, chứ không phải của tôi.

Kevin Griffin

Đức Phật bên trong

Khi tôi viết về đề tài sống với cái đau, tôi không cần phải dùng đến trí tưởng tượng. Từ năm 1976, tôi bị khổ sở với một chứng bệnh nhức đầu kinh niên và nó tăng dần thêm theo năm tháng. Tình trạng này cũng giống như có ai đó khiêng một tảng đá hoa cương thật to chặn ngay trên con đường tu tập của tôi. Cơn đau ấy thường xóa trắng hết những chương trình trong ngày của tôi, và nhiều khi còn kéo dài hơn nữa. Nó đã lấy mất đi ít nhất cũng là vài năm về năng suất trong những sinh hoạt của tôi. Cơn đau đầu ghê gớm này đôi khi khiến tôi khó có thể nào làm tròn công việc của mình, là một học giả cũng như một dịch giả kinh điển Phật giáo.

Tôi đã thử tìm mọi phương thuốc chữa. Tôi không những chỉ chữa trị theo y học Tây phương, mà còn đi hốt thuốc với các bác sĩ Đông y tại những làng hẻo lánh xa xôi ở xứ Sri Lanka. Tôi đã từng bị đâm vô số lần bởi những mũi kim châm cứu. Cơ thể tôi đã được bẻ nắn bởi những nhà chuyên môn xoa bóp người Trung Hoa tại Singapore. Tôi cũng đã uống những liều thuốc bản xứ của người Tây Tạng tại Dharamsala và đi tìm sự giúp đỡ nơi các thầy trị tà và chuyên chữa luân xa tại Bali. Nhưng tất cả chỉ giúp giảm bớt một phần nào thôi! Hiện giờ tôi vẫn đang uống một số thuốc để kiểm soát cơn đau của mình. Căn bệnh ấy vẫn không thể nào bị diệt tận gốc rễ.

Tôi biết rất rõ rằng, cơn đau dài lâu của cơ thể có khả năng ăn lần vào tận tâm can, len lỏi vào mọi ngỏ ngách của tâm hồn ta. Nó có thể phủ bóng đen lên con tim và lôi ta xuống tận vực thẳm của chán nản và tuyệt vọng. Tôi không dám tuyên bố rằng mình đã chiến thắng và khuất phục được cái đau, nhưng trong mối liên hệ dài lâu với nó tôi cũng đã khám phá một số những nguyên tắc có thể giúp ta chịu đựng được cơn đau này. Và tôi xin được chia sẻ đến các bạn.

Điều trước nhất, ta nên thấy được sự khác biệt giữa một cái đau nơi thân với phản ứng của tâm đối với cái đau ấy. Mặc dù thân và tâm có mối liên hệ rất mật thiết với nhau, nhưng tâm ta không nhất thiết phải chịu cùng chung một số phận với thân. Khi thân có một cơn đau, tâm ta có thể lùi ra xa một chút. Thay vì bị lôi kéo vào, tâm ta có thể bước lui lại và quan sát nó.

Thật ra, với một sự thực tập, tâm ta có thể quay ngược cơn đau lại và biến nó thành một phương tiện để giúp ta tăng trưởng.

Đức Phật có so sánh cái đau ở thân cũng giống với người bị bắn một mũi tên. Và chúng ta thường cộng thêm vào cái đau ở thân ấy bằng nỗi đau của tâm (sự khó chịu, thù hận, than van, trách móc...). Điều ấy cũng giống như ta bị bắn thêm một mũi tên thứ hai. Một người có tuệ giác sẽ dừng lại ở mũi tên thứ nhất. Nếu ta biết đơn giản gọi đúng tên thật của cái đau, ta sẽ giữ cho nó không lan rộng ra ngoài phạm vi vật lý và không để nó làm thương tổn sâu xa đến tâm hồn.

Ta có thể xem cái đau như một vị thầy – một vị thầy rất khắt khe nhưng cũng rất hùng hồn. Tôi thường có cảm giác cơn đau đầu của mình là một vị Phật nội tại (built-in buddha) lúc nào cũng nhắc nhở tôi về sự thật mầu nhiệm thứ nhất: khổ đế. Có được một vị thầy như vậy thì tôi đâu cần gì phải nghe bài Pháp đức Phật dạy ở Lộc Uyển gần thành Ba-la-nại. Mỗi khi muốn nghe âm thanh vang dội của lời Phật tuyên bố rằng: “Bất cứ những gì có thể cảm nhận được đều nằm trong vòng khổ đau”, tôi chỉ cần chú ý đến những cảm xúc đang có mặt trong đầu mình thôi!

Là một người đi theo con đường của Pháp (dharma), tôi hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào luật nghiệp quả (karma). Vì vậy, tôi cũng chấp nhận tình trạng đau đớn này có thể là do một nghiệp quả bất thiện nào đó tôi đã gây nên trong quá khứ.

Nhưng không phải tôi khuyên bạn rằng, nếu như ta có một cơn bệnh nào thì cứ việc chấp nhận ngay là do nghiệp quả. Vì mặc dù đó có thể là quả trái không tránh được của nghiệp xưa, nhưng nó cũng có thể là kết quả của những nguyên nhân trong hiện tại, và nếu ý thức được điều ấy, ta có thể chữa trị rất hiệu quả khi tìm ra phương cách thích hợp. Nhưng khi ta đã thử nhiều cách khác nhau rồi, mà tình trạng vẫn cứ bướng bỉnh và ngoan cố thì ta có thể tin chắc đó là do nghiệp quả.

Thú thật với bạn là tôi không bao giờ mất công suy nghĩ hay thắc mắc tìm hiểu xem cái nghiệp ấy là gì, và tôi cũng khuyên bạn đừng bao giờ để cho nó làm mình phải mất ngủ hoặc lo nghĩ mất thì giờ vô ích. Chúng rất dễ dẫn ta đến những suy tưởng viển vông và rồi là những thực tập mê tín dị đoan. Điều quan trọng là khi ta có niềm tin vào luật nghiệp quả, ta sẽ hiểu rằng cây chìa khóa của tương lai và hạnh phúc đang nằm ngay trong tay ta. Nó nhắc nhở ta đừng làm những gì gây thêm khổ đau cho người khác, và cố gắng làm những điều mang lại lơi ích, hạnh phúc cho người chung quanh.

Một cái đau kinh niên có thể là một sự nhắc nhở, khuyến khích ta phát triển thêm những đức tánh tốt lành. Được như vậy, ta có thể xem đó như là một điều may mắn thay vì một gánh nặng. Nhưng lẽ dĩ nhiên ta vẫn tiếp tục làm những gì cần thiết để tìm một phương thuốc chữa. Sự cố gắng để đối trị với cơn đau kinh niên đã giúp tôi phát triển một thái độ kiên nhẫn, can đảm, nghị lực, an tĩnh và tâm từ. Có những lúc, khi tôi hoàn toàn trở nên bất lực vì cơn đau, tôi chỉ muốn buông bỏ hết mọi trách nhiệm, bổn phận của mình và chịu khuất phục trước số phận. Nhưng rồi tôi khám phá ra rằng, khi tôi gác qua một bên những lo nghĩ về cái đau, chỉ đơn giản kiên nhẫn có mặt với nó, cuối cùng nó sẽ giảm cường độ xuống và trở nên dễ chịu hơn. Và từ đó tôi có thể có những quyết định hợp lý hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Kinh nghiệm về cơn đau kinh niên này giúp tôi ý thức được rất rõ rằng chúng ta sẽ không thể tách rời cái đau ra khỏi tình trạng của con người. Đó là một điều mà những người sống ở Hoa Kỳ, quen với sự dễ chịu, đầy đủ và sung túc, rất dễ quên đi. Cái đau kinh niên đã giúp tôi cảm thông được với hàng tỷ người khác hiện vẫn đang sống trong đói khát, thiếu ăn mỗi ngày, với hàng triệu phụ nữ phải đi bộ hàng cây số để gánh nước về cho gia đình, với những quốc gia còn chậm tiến, người ta còn phải ngủ trên những chiếc giường thô sơ, các bệnh viện thiếu vệ sinh căn bản, bệnh nhân nằm nhìn lên những bức tường lạnh câm...

Ngay giữa những lúc cơn đau bùng lên dữ dội – khi tôi không còn đọc sách, viết lách và nói năng được nữa – tôi vẫn không để cho nó làm bối rối tâm hồn mình, tôi vẫn giữ theo lời nguyện thực tập, nhất là nguyện rằng sẽ tiếp tục đi trên con đường này cho đến trọn đời.

Khi cơn đau từ đầu lan rộng xuống hai vai, tôi dùng thiền tập để quán sát sâu sắc những cảm thọ ấy. Điều đó giúp tôi thấy được chúng chỉ là những sự kiện hoàn toàn vô ngã. Chúng là những tiến trình xảy ra trên các bình diện thô sơ và vi tế do các năng lực của điều kiện, và mỗi cảm xúc đều có một cơ cấu, màu sắc, mùi vị riêng rất đặc thù của chính nó.

Tôi khám phá phương cách hay nhất để xoa dịu ảnh hưởng của cơn đau là áp dụng một công thức được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài pháp của đức Phật: “Bất cứ là cảm thọ nào trong quá khứ, hiện tại hay tương lai tất cả đều không phải là của tôi, không phải là tôi, và không phải là cái ngã của tôi.

Sự thực tập ấy không đòi hỏi ta phải có một định lực mãnh liệt hoặc một tuệ giác sâu xa nào, nó cũng vẫn sẽ mang lại cho ta rất nhiều lợi ích. Thực tập công thức quán chiếu ấy sẽ giúp ta tạo nên một khoảng cách giữa ta và kinh nghiệm đau đớn của mình.

Sự quán chiếu ấy sẽ không cho phép cái đau có quyền hạn tạo nên một cái tôi trong tâm ta nữa, và nhờ vậy ta trở nên an tĩnh và có nhiều can đảm hơn.

Mặc dù phương cách này đòi hỏi thời gian và công phu thực tập, nhưng khi ba điều quán niệm ấy – không phải là của tôi, không phải là tôi và không phải là cái ngã của tôi – trở nên vững mạnh, cái đau sẽ mất đi quyền lực của nó, cánh cửa chấm dứt khổ đau sẽ hé mở, và cánh cửa ấy sẽ dẫn ta đến một sự tự do vô cùng rộng lớn.

Bhikkhu Bodhi

Tìm lại chỗ ngồi của mình

Tôi chánh thức có được kinh nghiệm đầu tiên với đạo Phật vào vài năm truớc đây, tại tu viện Zen Mountain Monastery, một kiến trúc bằng đá rất uy nghi được xây bên sườn núi Mt. Tremper trong vùng Catskills ở miền đông New York.

Tôi đến tham dự khoá “Giới thiệu về thiền – Zen” vào một cuối tuần. Trong lòng tôi khá hồi hộp và hoàn toàn không có một khái niệm nào về việc gì sẽ xảy ra trong khóa tu học.

Nhưng tôi biết là có một cái gì đó mình đang cần và muốn, mà lại thiếu vắng trong đời tôi. Tôi đến tham dự có lẽ là do sự thúc đẩy của bản năng hơn là của lý trí. Tôi nghĩ, giáo lý đạo Phật là con đường tốt nhất có thể giúp tôi tìm lại được những gì mình cảm thấy thiếu thốn trong cuộc đời.

Vào ngày thứ ba của khoá tu, cuối cùng thì tôi cũng có cơ hội để tham vấn riêng (dokusan) với vị thiền sư trú trì và cũng là người sáng lập thiền viện, John Daido Loori Roshi. Trong lòng tôi đầy ắp những thắc mắc và câu hỏi. Hai ngày qua tôi đã dồn nhét đủ thứ vào đầu – căn bản thiền tập, cách lễ lạy, triết lý đạo Phật, chấp tác, Thiền và nghệ thuật...

Nhưng tôi chỉ được phép hỏi một câu thôi, và tôi cảm thấy sự cấp bách phải hỏi sao cho đúng. Sau những cái lạy lúng túng và ngượng ngịu, tôi ngồi trên chiếc bồ đoàn đối diện với thiền sư Daido. Ông có đôi vai rộng lớn, đầu cạo trơn và đắp chiếc y màu vàng cam. Ông nhìn về hướng tôi, mỉm một nụ cười ấm áp, mơ màng, một nụ cười như có chút gì thích thú. Trong khóa tu này, có lẽ ông đã gặp biết bao nhiêu là những thiền sinh mới và vụng về như tôi.

“Anh có câu hỏi gì không?” Ông hỏi.

Tôi lập tức nói ra câu hỏi mà tôi đã tập dượt sẵn trong đầu: “Làm cách nào để tôi có thể theo đuổi những gì mà Thiền có thể mang lại cho mình nhưng không nắm bắt chúng?”

Chưa nói xong mà dường như tôi đã cảm thấy sự ngu ngốc của câu hỏi ấy rồi!

“Chỉ cần ngồi thôi.” Ông mỉm cười trong đôi mắt và gật đầu.

Câu trả lời có vẻ đơn giản quá nên tôi lặp lại câu hỏi ấy, dùng những danh từ khác nhưng cũng cùng một ý đó. “Làm sao tôi có thể tinh tấn học Phật mà không để bị dính mắc vào đó?”

“Chỉ cần ngồi thôi.” Ông lặp lại.

Và thành thật mà nói, hơn nhiều năm qua tôi đã nghe theo lời khuyên ấy của John Daido Loori hơn là những điều khác. Và tôi cũng như một đứa bé, ít khi nào có thể ngồi yên được.

Ngồi thiền rất khó. Nó đòi hỏi một khuôn khổ mà hiếm có ai thấy là dễ dàng. Và đối với đa số những người bạn Phật tử của tôi thì câu trả lời rất yếu đuối, bao giờ cũng là: “Tôi ngồi thiền... hầu như mỗi ngày”

Tôi thì còn tệ hơn thế, nơi tôi ở không có một tăng thân, cũng không có một chúng tu học nào gần đó, vì vậy nên tôi không bị áp lực của bạn bè, mà cũng không có được sự hỗ trợ nào. Và khi tôi bỏ bê ngồi thiền cũng không ai hay biết. Ai mà lại chẳng có những lý do để tự bào chữa phải không bạn? Và tôi thì có nhiều lắm!

Nhưng vào cuối tháng qua, tôi đã tìm lại được chỗ ngồi của mình.

Tôi có dịp đi tham dự một khóa hội thảo dành cho các nhà văn tổ chức tại đại học Goucher College. Tôi ở sáu ngày trong một phòng khách sạn rất ngăn nắp. Làm mới lại con đường tu học của mình tại một khách sạn tấp nập đông người là một điều hơi khác thường, nhưng đạo Phật có dạy rằng, lúc nào cũng nên biết cởi mở trước mọi sự bất ngờ!

Tôi gặp một người bạn Phật tử, cô ta cũng đi tham dự khóa hội thảo, và hỏi tôi về việc ngồi thiền. Cô đề nghị chúng tôi cùng ngồi thiền với nhau.

“Mấy giờ thì tiện cho anh?” Cô hỏi.

“Bảy giờ rưỡi sáng,” Tôi trả lời ngay. Và tôi cũng tự ngạc nhiên trước sự sốt sắng và không chút do dự của mình. Có lẽ hạt giống tốt lành trong tôi đang lên tiếng.

Mỗi sáng sớm, trước buổi hội thảo, chúng tôi dùng những tấm đệm ghế làm tọa cụ và cùng ngồi thiền với nhau trong ba mươi phút. Chung quanh tôi có đủ mọi việc để phân tâm – trách nhiệm của mình trong buổi hội thảo, tiếng dọn phòng ồn ào ngoài dãy hành lang, tiếng còi hú, tiếng kèn xe... nhưng chúng tôi vẫn ngồi được.

Và tôi khám phá một điều là vừa khi ta ngồi xuống trên tọa cụ thì vấn đề ngồi thiền không còn gì là khó khăn nữa. Việc ngồi thiền rất dễ chịu và tự nhiên, cũng giống như một người bạn cũ rất thân quen vậy. Cái khó là làm sao ta tìm cho mình một cơ hội để ngồi. Vấn đề của tôi là làm sao để bắt mình phải ngồi xuống. Khi đã ngồi xuống rồi thì mọi việc đều rất dễ dàng và tự nhiên.

Tôi biết rằng sáu ngày này là một món quà quý báu, một cơ hội giúp tôi tiếp xúc lại với chính mình, một cơ hội để ngồi với người bạn, và khám phá lại cái năng lực của công phu ngồi thiền mỗi ngày. Trong lúc ngồi thiền tôi tự trao cho mình một công án, một công án tuy rất đơn giản nhưng tôi biết nó rất quan trọng với riêng tôi: “Tại sao mình ngồi thiền? Nó có ý nghĩa gì?”

Câu trả lời đến với tôi trong ngày cuối. Những giây phút ngồi thiền là những giây phút tôi cảm thấy an ổn và mãn nguyện với mình nhất. Đó là những giây phút tôi cảm thấy hạnh phúc và chấp nhận chính mình, cho dù tôi vẫn có những lỗi lầm và thiếu sót. Cũng giống như tất cả những người khác, bao giờ tôi cũng đeo đuổi và mong muốn mình được trở nên tốt đẹp hơn, nhưng trong giây phút ấy, tôi chỉ ngồi thôi, không còn đeo đuổi một cái gì nữa cả. Tôi thấy mình đã có đầy đủ cả rồi.

Thật ra tôi đã học được điều này trên núi Mt. Tremper nhiều năm về trước, nhưng rồi lại quên mất. Có những bài học, dường như chúng ta cứ phải tiếp tục học đi học lại mãi. Đôi khi điều đơn giản nhất lại chính là điều khó nhất.

Dinty W. Moore

Chia sẻ kinh nghiệm thiền tập

Tổ Bồ-đề Đạt-ma cắt mí mắt của ngài. Vị thầy của Jack Kornfield dạy ông đến ngồi thiền cạnh bên một bờ giếng. Trong truyền thống đạo Phật có rất nhiều mẩu chuyện về các hành giả tự tìm cho mình một phương cách giữ cho sự tu tập của mình luôn được tiến bộ.

Thật ra, bất cứ hành giả nào đã từng ngồi thiền cũng đều có những bí quyết riêng của mình. Với ý nghĩ đó, tạp chí Phật học Tricycle có yêu cầu một số các vị giáo thọ và những hành giả có kinh nghiệm hành thiền nhiều năm chia sẻ những bí quyết thiền tập của họ với độc giả.

1. Chỉ cần ngồi trong tư thế thiền

“Hãy gắng tự cam kết là mình sẽ ngồi xuống trong tư thế thiền, ít nhất là 1 lần mỗi ngày. Bạn không cần phải quyết định là mình sẽ ngồi bao lâu, chỉ cần ngồi xuống tọa cụ là đủ. Đối với đa số, điều khó khăn nhất là làm sao ta làm được điều ấy. Khi bạn đã ngồi xuống rồi, bạn nghĩ: ‘Đã ngồi đây rồi thì mình cũng nên ngồi thêm vài phút,’ và thường khi là ta lại ngồi trọn giờ thiền của mình.”

Joseph Goldstein,

Sáng lập viên Insight Meditation Society

2. Dùng chuông báo hiệu

“Trong khi ngồi thiền, bạn nên dùng một chuông báo hiệu (timer) thay vì là đồng hồ. Nếu bạn cứ phải mở mắt ra xem mình đã ngồi được bao lâu, tâm bạn sẽ không thể nào an tĩnh được. Khi sử dụng chuông báo hiệu, bạn sẽ không bị dính mắc vào ý niệm thời gian, khám phá được một sự buông thư rất sâu sắc và cảm nhận được thời gian bất tận.”

Naryan Liebenson Grady,

Giáo thọ của Cambridge Insight Meditation.

3. Biết sắp xếp những gì ưu tiên

“Nếu thiền tập là một vấn đề ưu tiên thì ta phải gắng sống theo đúng như vậy, mang sự thiền tập lên hàng đầu. Tôi có một quy luật là mỗi sáng không bao giờ mở máy vi tính trước khi ngồi thiền xong. Rất đơn giản, nhưng cũng rất hiệu quả. Có lẽ lời khuyên đanh thép nhất mà tôi học được là từ thiền sư Suzuki Roshi: ‘Hãy sắp đặt cuộc sống sao cho việc ngồi thiền được tốt đẹp.’”

David Schneider

Giáo thọ của Tu viện Shambhala<

4. Kiên nhẫn

“Khi bạn gieo hạt giống ngoài vườn, bạn không thể ngày nào cũng đào xới chúng lên để xem chúng ra mầm chưa. Bạn chỉ lo tưới nước, nhổ cỏ cho sạch. Bạn biết rằng, những hạt giống ấy sẽ mọc và trưởng thành theo thời gian. Cũng vậy, bạn chỉ cần thực tập đều đặn mỗi ngày và nuôi dưỡng một tình thương. Không có gì vội vã hết. Ta hài lòng với việc nuôi dưỡng những hạt giống tốt lành trong giây phút này. Quả trái sẽ sanh ra khi nào chúng sẵn sàng.”

Bhikshuni Thubten Chodron,

Tỳ-kheo ni Phật giáo Tây Tạng

5. Thử những tư thế khác nhau

“Mặc dù khi nói về thiền tập chúng ta thường nghĩ ngay đến ‘ngồi thiền’, nhưng nếu như bạn có khó khăn trong tư thế ngồi, bạn có thể thiền bằng cách nằm xuống. Có những đêm mất ngủ, tôi nằm theo dõi hơi thở và thực tập từ bi quán. Một năm kia, tôi có khó khăn và không thể ngồi được, tôi hành thiền bằng cách nằm trên mặt đất phía sau sân nhà, cảm nhận được những tầng lớp đất bên dưới, và lắng nghe những âm thanh của một khu vườn nhỏ giữa thành phố.”

Barbara Gates,

Chủ bút báo Phật học Inquiring Mind

6. Phát nguyện

“Đừng bao giờ để cho mình có một sự chọn lựa nào cả. Đừng tự hỏi rằng: ‘Tôi có muốn thức dậy ngồi thiền hay không?’ vì chắc chắn là ta sẽ có hàng triệu lý do để trốn tránh. Bạn hãy vặn đồng hồ báo thức, rồi thức dậy và ngồi thiền. Bạn cũng nên phát một lời nguyện trước đức Phật rằng bạn sẽ hành thiền đều đặn mỗi ngày trong vòng 1 tháng, và rồi thử xem sao.”

Ani Tenzin Palmo,

Tỳ-kheo ni Phật giáo Tây Tạng.

7. Thắp một nén hương

“Xem thử một nén hương ta đốt khoảng bao lâu thì tàn hết. Và rồi bạn có thể dựa trên đó để đo và xác định thời gian ngồi thiền của mình.”

Helen Tworkov,

Sáng lập báo Phật học Tricycle

8. Nới rộng sự thực tập

“Đừng đặt những giới hạn cho môi trường thực tập của mình. Tập sống cho thong dong, đọc và học hỏi bằng tuệ giác, nhìn thấy cái hay đẹp của kẻ khác, không gây khổ đau cho người chung quanh. Cuộc sống có biết bao nhiêu cơ hội cho ta thực tập. Và ngồi thiền tự nó cũng là vì ích lợi cho kẻ khác, nó giúp ta có một tinh thần cởi mở và vị tha hơn, ta không còn là một kẻ khó chịu nữa.”

Andy Cooper,

Chủ bút báo Phật học Tricycle

9. Ngồi với người khác

“Hãy ngồi thiền chung với người khác. Nhiều khi ta đến vì người khác lại dễ hơn là vì chính mình.”

James Shaheen,

Chủ biên và xuất bản báo Phật học Tricycle

10. Chọn một quyết định đúng

“Tất cả những thiền sinh tu tập nhiều năm mà tôi biết đều chia sẻ rằng, vấn đề họ đã phải đối diện là sự kháng cự không muốn ngồi thiền. Dường như mỗi khi chúng ta cương quyết lao mình về một hướng nào thì điều đó sẽ tạo nên một khuynh hướng ngược lại. Nhưng theo thời gian, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này bằng những quyết định của mình cho mỗi hoàn cảnh trước mắt: ta nên đi ngủ hay ngồi thiền? Ta có nên sắp đặt ngày hẹn nào trùng với ngày tu học của mình chăng? Ta có nên bỏ buổi họp mặt tăng thân tối nay vì có người quen viếng thăm, hoặc cho họ biết trước là ta sẽ bận? Mỗi khi ta quyết định tiếp tục đi theo con đường thực tập của mình trước mọi thứ cám dỗ và các lý do ‘chính đáng’, điều đó sẽ giúp cho sự quyết tâm ngày càng trở nên sâu sắc hơn.”

Darlene Cohen,

Giáo thọ Thiền đường Russian River Zendo

11. Kinh nghiệm những hơi thở

“Vị thầy của tôi, Than Geof, luôn nhắc nhở tôi rằng, mỗi khi tâm ta chống cự không muốn ngồi thiền, ta hãy tự hỏi: ‘Bây giờ thì hơi thở như thế nào sẽ mang lại cho mình một sự dễ chịu và vui thích?’ Ý nghĩ đó sẽ thúc đẩy ta ngồi xuống và thử nghiệm những hơi thở của mình, và thường thì hơi thở sẽ trở nên khinh an và hỷ lạc đủ để mang lại cho ta một sự an định.”

Mary Talbot,

Biên tập viên báo Phật học Tricycle

12. Ta ngồi thiền vì cần phải ngồi thiền

“Tôi thường nói với các thiền sinh cũng giống như thi hào Rilke khuyên các nhà thơ: ‘Đừng làm thơ trừ khi nào cần thôi!’ Theo kinh nghiệm của riêng tôi thì bất cứ một nguyên do gì khác hơn sự cần thiết để ngồi thiền đều là một sự dối lừa, hạ thấp giá trị của việc ngồi thiền. Ta cần phải ngồi thiền để chuyển hóa khổ đau của mình, và đó là lý do duy nhất.”

Eliot Fintushel,

Giáo sư viết cho báo Phật học Tricycle

13. Điều chỉnh bằng cách đọc những gì ta thích

“Tôi không có ý nói là đọc những gì bạn đang nghiên cứu, ta không muốn tâm mình phải suy tưởng thêm. Nơi bạn ngồi thiền, hãy để một vài quyển sách có tính cách nhẹ nhàng, khơi dậy trong ta sự tĩnh lặng hoặc an lạc. Không nhất thiết phải là sách Phật giáo. Gần đây, cạnh chỗ tôi ngồi có quyển Thoughts in Solitude của linh mục Thomas Merton, quyển Avadhuta Gita, những tập thơ về đạo... ”

Karen Ready,

Biên tập viên báo Phật học Tricycle

14. Kiểm lại trước khi bắt đầu

“Sau khi bạn đã ngồi xuống, điều đầu tiên là chú ý đến cơ thể và buông thư những nơi còn bị căng thẳng. Tiếp đó, bạn nên nhìn lại tâm mình trước khi bắt đầu. Mặc dầu có thể bạn vừa bước ra khỏi giường, nhưng tâm trạng bạn thế nào? Bực mình, cau có, hay lo âu, hấp tấp trước một ngày mới? Bạn vẫn còn đang mơ màng hay giật mình, hoang mang vì tiếng đánh thức của đồng hồ? Hãy ghi nhận những gì đang có mặt trong tâm trước khi bắt đầu theo dõi hơi thở.”

Andrew Merz,

Phó chủ biên báo Phật học Tricycle

15. Có niềm tin

“Hãy nương tựa vào những năng lượng to lớn hơn là cái ngã của mình. Thiền sư Đạo nguyên nói: ‘Hãy bỏ hết thân tâm vào ngôi nhà của Như Lai, để tất cả đều là của Như Lai.’ Nếu chúng ta chỉ biết nương tựa vào nguồn lực của chính mình trên con đường thiền tập, thì chẳng bao lâu ta sẽ bị cạn kiệt. Điều quan trọng ta cần nhớ là chính đức Phật bao giờ cũng đang trợ giúp ta qua muôn ngàn cách khác nhau. Có những điều rất dễ thấy, như là giáo pháp của ngài được trao truyền qua các thầy tổ, và cũng có những điều ta không thấy rõ. Có những sự giúp đỡ chỉ hiển lộ khi nào ta thật sự có niềm tin và biết nương tựa vào Phật. Niềm tin vào Phật tánh là một năng lượng rất to lớn vượt ra ngoài cái ngã nhỏ bé, có thể giúp ta rất nhiều khi chung quanh không còn gì khác. Đức Phật trên bàn thờ của bạn không phải chỉ là một hình tượng trưng bày suông.”

Clark Strand

Tác giả một số sách Thiền học

16. Đừng thúc đẩy

“Trong nhà thiền có câu ‘Khi ta ngồi như Phật là ta giết Phật.’ Câu ấy có lẽ để dạy ta đừng chấp vào những hình tướng hoặc ý niệm có sẵn. Nhưng đối với tôi thì nó nhắc nhở rằng mình đừng nên cố gắng quá sức, thúc đẩy quá sức, đừng gắng trở thành Phật trong khi ngồi thiền.”

Philip Ryan,

Thiết kế viên cho trang nhà Tricycle

17. Chấm dứt một cách cẩn trọng

“Khi bạn xả thiền, bạn hãy cẩn trọng chú ý đến cách mình mở mắt ra như thế nào. Hãy giữ cho trọng tâm vẫn đặt ở bên trong thay vì là tuôn ra bên ngoài. Và khi bạn đứng dậy bước ra khỏi toạ cụ cũng vậy, giữ cho trọng tâm vẫn nằm bên trong ta, càng lâu càng tốt. Vị thầy tôi, ngài Ajaan Fuang có dạy: ‘Khi ta mới ngồi xuống thiền, phải mất một thời gian tâm mới trở nên an tĩnh và lắng đọng, nhưng vừa khi xả thiền xong, ta đứng lên và liệng bỏ nó ngay. Như vậy có khác nào khi leo thang ta bước từng bước một, chậm rãi lên đến lầu hai, và rồi phóng qua cửa sổ để nhảy xuống.”

Thanissaro Bhikkhu,

Tu viện trưởng Metta Forest Monastery

Chỉ có sự thực tập

John Daido Loori là viện trưởng của thiền viện Zen Mountain Monastery, tại vùng núi Catskill ở New York. Ông đã được truyền tâm pháp từ cả hai trường phái Lâm Tế và Tào Động. Thầy ông là thiền sư Taizan Maezumi.

Dưới đây là bài phỏng vấn ông về kinh nghiệm tu học áp dụng vào đời sống hằng ngày.

u

Hỏi: Tôi sống một mình nên có thể dễ mang thiền tập vào đời sống hằng ngày. Nhưng tôi sợ rằng sự thực tập có làm cho tôi trở nên lập dị hay cứng nhắc quá không?

John Daido Loori: Tinh tấn thực tập không có nghĩa là ta sẽ trở nên cứng nhắc hoặc khắt khe. Khi ta cố gắng tự khép mình vào khuôn phép không có nghĩa là ta sẽ chấp chặt vào nó. Hai việc ấy hoàn toàn khác nhau. Nếu bạn không còn cảm thấy vui tươi và cởi mở nữa, tôi khuyên bạn hãy nhìn kỹ lại sự thực tập của mình, xem ta đang làm những gì. Ta muốn có tự do hay là muốn được thêm quyền hành? Thật ra con đường tu học chỉ mang ta đến sự giải thoát và thong dong mà thôi. Và sự thực tập phải mang lại kết quả ấy. Thay vì buộc chặt lại, ta phải tháo mở ra. Tôi có những người học trò lúc nào cũng rất khó tính, nhưng sau một năm ở tu viện họ trở nên cởi mở và dễ thương hơn. Và nếu như việc ấy không xảy ra với bạn, tôi khuyên bạn nên tự nhìn lại xem mình đang thực tập những gì và tu học như thế nào!

Hỏi: Trong nhà có cần thiết sắp đặt một nơi ngồi thiền riêng biệt và thanh tịnh không?

John Daido Loori: Trong nhà chúng ta nên có một nơi riêng biệt, thanh tịnh để ngồi thiền. Nhưng nơi ấy không cần phải cầu kỳ hay phức tạp quá. Chỉ cần một nơi mà mỗi khi bước đến bạn cảm thấy an tĩnh, tươi mát trong tâm, một nơi nhắc nhở ta trở về với sự thực tập của mình là được. Đó có thể là một góc phòng, với một toạ cụ và chiếc bàn thờ nhỏ, đơn giản. Mỗi khi ta bước vào khoảng không gian ấy, ta nên mặc áo lễ. Nếu không có áo lễ, ta nên chọn một loại y phục thoải mái, và y phục ấy chỉ dành riêng cho việc ngồi thiền.

Đôi khi, khoảng không gian ấy có thể là bất cứ nơi nào mà bạn ngồi xuống. Trong khi bạn ngồi thiền, khoảng không gian ấy sẽ tự nó có mặt và nới rộng ra quanh mình. Tôi đã ngồi thiền rất nhiều năm, nhưng có một lần trong khi đang ở phòng làm việc, tôi muốn ngồi xuống thiền. Tôi chợt có ý muốn thắp một nén hương trên chiếc gạt tàn thuốc nhỏ, và bỗng dưng có một cảm giác sâu sắc rằng đây là việc mà tôi sẽ làm suốt đời mình. Đối với tôi đó là một giây phút rất nhiệm mầu. Và từ hôm đó, tôi bắt đầu giữ lại hết những tro tàn của các nén nhang sau mỗi thời ngồi thiền. Sau một thời gian, tôi có đủ tro để làm thành một bát nhang để cắm hương vào đó. Trong mỗi khoá tu, hay mỗi lần đi tu học, tôi cũng thường góp nhặt những tro tàn ấy. Và bây giờ thì trong thiền viện của tôi, trên mỗi bàn thờ đều có một phần của những tro tàn ấy, chúng cũng là những hạt tro của buổi đầu tiên ấy, cách đây hơn ba mươi năm.

Cảm nhận ấy rất là mầu nhiệm. Nếu ta biết trân quý sự thực tập, nó sẽ nâng đỡ sự tu học của ta, và sẽ lan rộng đến những người chung quanh. Những thiền sinh mới bước vào thiền viện sẽ cảm nhận được rằng đây là nơi chúng tôi đã thực tập công phu nhiều năm tháng, và thật sự có một sự chuyển hóa. Sự quyết tâm và ý nghĩa ấy là một thông điệp rõ rệt gửi đến cho tất cả mọi người bước vào nơi này.

Hỏi: Tại sao khi ta thực tập ở nhà bao giờ cũng khó khăn hơn là khi ta sống trong một trung tâm tu học hay ở thiền viện?

John Daido Loori: Bạn nên nhớ điều này: Thật ra những gì bạn làm ở nhà, tự chúng không có gì khác biệt với khi bạn sống trong các trung tâm tu học! Cũng giống nhau thôi. Mỗi sáng chúng ta cũng đều thức dậy, rửa mặt và ngồi thiền. Rồi chúng ta cũng ăn sáng, dọn dẹp, thu xếp một chút, và bước ra cửa đi làm. Chiều về, chúng ta ăn tối, đọc sách, và ngồi thiền trước khi đi ngủ. Như vậy thì tại sao cũng làm cùng những việc như vậy nhưng khi ở nhà ta lại thấy khó khăn hơn khi ở Trung tâm? Thật ra, ở nhà hay ở Trung tâm thì nguyên tắc cũng đâu có gì khác biệt nhau đâu! Chỉ có một điểm khác biệt là khi ở Trung tâm ta có sự nâng đỡ của một chúng tu học – sangha. Nhưng tôi nghĩ, điều quan trọng là ta cần hiểu rõ thế nào là sự thực tập. Người ta thường nói: “Làm việc gì cũng là một sự thực tập!” Nói thì bao giờ cũng dễ. Nhưng ta thực tập như thế nào? Ta đang cố gắng đến đâu trên con đường tu học? Và thật sự thì ta muốn cố gắng đến đâu? Đó mới là điều quan trọng.

Hỏi: Nền văn hóa Tây phương rất nặng về phần tri thức, chúng ta được giáo dục để phát biểu, diễn đạt những hiểu biết bằng lời nói. Chúng ta sử dụng ngôn ngữ để trốn tránh thực nghiệm. Chúng ta có thói quen, lúc nào cũng “biết” ngay lập tức, đặt tên cho những gì mình kinh nghiệm, để khỏi phải thực sự tự mình trải nghiệm chúng.

John Daido Loori: Bạn nói rất đúng. Đó là một trong những vấn đề các vị giáo thọ ngày nay ở Tây phương gặp phải mà các vị Tổ ngày xưa không có. Phân nửa trong số các học trò của tôi là những người có bằng cấp tiến sĩ trong một ngành nào đó. Họ là những trí thức học rộng, hiểu nhiều, và có lẽ họ biết về giáo lý đạo Phật còn rành rẽ hơn tôi nữa. Những gì họ đọc được từ sách vở thì quá cao siêu! Và họ có khuynh hướng thu nhận tất cả vào như một hệ thống tri thức, và tôi cố gắng giúp họ làm sao để thể hiện và chứng nghiệm một cách cụ thể những gì họ nói.

Tôi có một nhận xét là đôi khi những người trí thức lại khó có một khả năng cảm xúc và bén nhạy. Tôi có một người học trò vô cùng thông minh. Anh ta cũng rất thành thật. Anh học về ngành triết học. Mới đây tôi khám phá ra rằng, khi anh ta làm thị giả cho tôi, anh không thể tập được những hành động oai nghi, cho dù là đơn giản hay nhỏ nhặt đến đâu, ví dụ như việc đặt một tách trà xuống chẳng hạn. Anh ta lúng túng vô cùng. Khi tôi theo anh bước ra ngoài, nhìn dáng anh đi, tôi có cảm tưởng rằng thân anh đang ở nơi này mà tâm anh đang ở một nơi khác.

Hỏi: Mối liên hệ giữa thân và tâm là như thế nào?

John Daido Loori: Chúng chỉ là một mà thôi. Thân và tâm là một, cả hai chỉ là một thực tại duy nhất.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 5 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.12.146.100 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...