Lửa nào bằng lửa tham! Chấp nào bằng sân hận! Lưới nào bằng lưới si! Sông nào bằng sông ái!Kinh Pháp cú (Kệ số 251)
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Hãy thận trọng với những hiểu biết sai lầm. Điều đó còn nguy hiểm hơn cả sự không biết. (Beware of false knowledge; it is more dangerous than ignorance.)George Bernard Shaw
Hãy lặng lẽ quan sát những tư tưởng và hành xử của bạn. Bạn sâu lắng hơn cái tâm thức đang suy nghĩ, bạn là sự tĩnh lặng sâu lắng hơn những ồn náo của tâm thức ấy. Bạn là tình thương và niềm vui còn chìm khuất dưới những nỗi đau. (Be the silent watcher of your thoughts and behavior. You are beneath the thinkers. You are the stillness beneath the mental noise. You are the love and joy beneath the pain.)Eckhart Tolle
Người cầu đạo ví như kẻ mặc áo bằng cỏ khô, khi lửa đến gần phải lo tránh. Người học đạo thấy sự tham dục phải lo tránh xa.Kinh Bốn mươi hai chương
Chúng ta nên hối tiếc về những sai lầm và học hỏi từ đó, nhưng đừng bao giờ mang theo chúng vào tương lai. (We should regret our mistakes and learn from them, but never carry them forward into the future with us. )Lucy Maud Montgomery
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Gặp quyển sách hay nên mua ngay, dù đọc được hay không, vì sớm muộn gì ta cũng sẽ cần đến nó.Winston Churchill
Dễ thay thấy lỗi người, lỗi mình thấy mới khó.Kinh Pháp cú (Kệ số 252)

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Đức Phật bên trong »» III. KINH NGHIỆM TU HỌC »»

Đức Phật bên trong
»» III. KINH NGHIỆM TU HỌC

Donate

(Lượt xem: 6.612)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Đức Phật bên trong - III. KINH NGHIỆM TU HỌC

Font chữ:


Diễn đọc: Giang Ngọc

Một câu hỏi

Một tờ báo Phật học Hoa kỳ có nêu câu hỏi này đến với một số vị giáo thọ cũng như những hành giả có kinh nghiệm tu học về đạo Phật: “Bạn có từng thay đổi suy nghĩ về vấn đề nào trong đạo Phật chăng, và tại sao? Dưới đây là một số câu trả lời.



Ông Jack Kornfield là một vị giáo thọ và cũng là sáng lập viên của trung tâm thiền tập Spirit Rock Meditation Center. Quyển sách mới nhất gần đây của ông là The Wise Heart: A Guide to the Universal Teachings of Buddhist Psychology. Đây là câu trả lời của ông.

Tôi đã từng đổi ý về hàng trăm sự việc, mà ví dụ cụ thể là sự cố gắng trong thiền tập. Trước đây tôi thường nghĩ là muốn đạt đến giải thoát chúng ta cần phải luyện tập như một chiến sĩ. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu rằng, chúng ta cần phải thực tập như người mẹ hiền đối với đứa con sơ sinh. Cũng cùng một năng lượng ấy nhưng hai phẩm chất hoàn toàn khác nhau. Ta cần một tình thương và sự có mặt hơn là sự cố gắng đánh gục kẻ thù trên chiến trận.

Một vấn đề khác là tôi từng nghĩ rằng chỉ cần ngồi thiền là đủ. Chỉ cần ngồi thiền thôi ta sẽ có thể thay đổi hết tất cả mọi việc trong cuộc đời mình một cách trọn vẹn và tốt đẹp. Có thể đối với một số ít người là như vậy, nhưng nói chung thì việc ấy rất khó xảy ra. Đối với đa số chúng ta, thiền tập chỉ là một phần của vòng tròn mạn-đà-la giác ngộ, mà trong đó còn bao gồm cả một ý thức về thân, về những mối tương quan của ta với người chung quanh, về chánh ngữ, cũng như một lối sống chân chánh.

Tôi cũng từng nghĩ rằng sự tu tập thiền quán sâu sắc và hiệu quả chỉ có thể xảy ra ở các thiền viện Á châu hơn là ở Hoa Kỳ. Muốn thực tập một cách chân chánh và tận gốc, ta phải đi sang Thái Lan, Miến Điện hoặc là Ấn Độ hay Tây Tạng. Đa số những người như chúng tôi, đã có dịp tu tập ở Á châu, đều đã từng nghĩ vậy, và có lẽ một số người vẫn còn nghĩ như thế. Bây giờ, khi trở lại Á châu, tôi nhận thấy ở những nơi ấy, Thái Lan, Miến Điện hoặc là Ấn Độ hay Tây Tạng, họ có một sự thực tập rất sâu sắc. Nhưng sự thực tập sâu sắc ấy cũng đang có mặt ngay ở đây. Tôi tự nghĩ: “Thì ra đó chỉ là một ảo tưởng mình đã có mà thôi!”

°

Ông John Tarrant là người hướng dẫn Pacific Zen Institute, chú trọng về thiền công án và nghệ thuật. Ông cũng là tác giả của những quyển sách về thiền công án.
Tôi nghĩ đó là một câu hỏi rất hay. Câu trả lời chính xác nhất mà tôi có thể có là tôi không có một ý nghĩ nào để thay đổi hết. Tôi đã thay đổi ý nghĩ của mình về vấn đề là chúng ta có một ý nghĩ.

°

Ông Surya Das là một vị Lạt-ma người Hoa Kỳ tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Ông cũng là tác giả của nhiều quyển sách về đạo Phật rất được ưa chuộng trên khắp thế giới.
Một điều mà tôi đã đổi ý là quan niệm cho rằng ngồi thiền tốt cho tất cả mọi người, hay đó là điều chính yếu trong Phật pháp. Theo kinh nghiệm của tôi thì thiền tập rất hữu ích, an lạc và vô cùng sâu sắc – nhưng tại sao chúng ta lại không tu tập theo một giáo pháp chân chánh? Tôi tin rằng một pháp môn “chỉ có ngồi thiền” không thể đầy đủ cho một cuộc sống tâm linh, với những liên kết mật thiết trong thế giới ngày nay. Theo tôi nghĩ, muốn có một cuộc sống tâm linh trọn vẹn, chúng ta nên chú ý đến vấn đề làm sao để khơi dậy được tâm Bồ-đề của mình. Thiền tập dễ bị sử dụng như là một sự trốn tránh, khi ta có thể lánh xa được những suy nghĩ, hoàn cảnh khó khăn và trách nhiệm của mình – ít nhất là cũng tạm thời.

Trong những năm qua tôi có một ghi nhận này, là nếu như một người nào đó quay vào bên trong nhiều quá, chỉ hướng theo một chiều duy nhất, họ có thể sẽ trở nên cố chấp và cứng nhắc, bớt đi sự dễ thương, lành mạnh và trong sáng của mình. Thiền tập nếu không có sự quân bình của tuệ giác và tâm từ, kèm theo với một cái nhìn rộng mở thì sẽ trở nên khô khan, cách biệt và xa lạ. Bây giờ tôi nghĩ, con đường tu tập giác ngộ của đạo Phật phải được thể hiện qua thiền tập trong mỗi hành động và sự sống, làm sao để mang năng lượng tỉnh thức vào mọi sinh hoạt, trong mỗi giây, mỗi phút.

°

Ông Patrick McMahon vừa có một sinh nhật sáu mươi tuổi và kỷ niệm 40 năm trên con đường thiền tập theo truyền thống Zen.
Mới đây, tôi có dịp gặp lại và ngồi gần một người bạn đạo sau một buổi lễ tưởng niệm những người đã mất, cho các vị thầy cũng như trò, kể từ khi thiền viện Tassajara Zen Mountain Center được thành lập từ năm 1967 đến nay.

Lần đầu tiên tôi gặp Jerome là gần 40 năm về trước tại thiền viện San Francisco City Center. Lúc đó tôi độ chừng hai mươi tuổi, và anh lớn hơn tôi một chút. Thời gian ấy, anh Jerome cũng chẳng giữ chức vụ gì quan trọng đặc biệt trong thiền viện. Tôi vẫn thường tìm gặp anh để tán gẩu. Đối với tôi, anh là một vị Bồ Tát rất chín chắn trên đường giác ngộ.

Từ ngày rời xa thiền viện, trong nhiều năm qua thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về anh, không biết anh ra sao, còn sống hay không.

Và bây giờ anh ngồi đây với tôi, vẫn còn đó – hay dường như là vậy. Tôi nhận ra anh ngồi nơi một góc cuối thiền đường, gương mặt cằn cỗi nhưng vẫn là anh, thân người cao lớn, dựa vào tường, dường như đang ngủ gục.

Sau buổi lễ tôi bước đến và tự giới thiệu với anh. Tôi nghĩ anh không nhận ra tôi, nhưng sau một hồi anh dường như nhớ lại và tỉnh hẳn lên. Tôi phải gắng nghe anh, giọng anh có vẻ như nói nhịu, miệng không còn một chiếc răng nào hết.

Thiền đường lúc ấy đã thưa người. Tôi đỡ anh đứng dậy và nhìn anh lom khom đi chậm đến bàn thờ thắp một nén hương. Còn bao lâu nữa tôi sẽ thắp một nén hương cho anh? Và rồi bao lâu nữa sẽ có người thắp cho tôi một nén hương?

Bốn mươi năm trước tôi không bao giờ tự hỏi hay là có những ý nghĩ đó, mặc dù đức Phật lúc nào cũng nhắc nhở về “thời gian qua mau”, mặc dù biết câu chuyện thái tử Sĩ Đạt Ta xuất gia tầm đạo sau khi tiếp xúc với người già, người bệnh và một xác chết.

Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi quan tâm đến thời ngồi thiền sắp tới của mình hơn, hoặc là khi nào đi tham dự khóa tu kế tiếp, hay là làm sao để được người khác chú ý. Trong những năm tháng tu tập khi còn trẻ ấy, sự giác ngộ đối với tôi có nghĩa là “không bệnh, không già, cũng không chết” của bài Tâm kinh Bát Nhã mà chúng tôi tụng mỗi ngày trong chánh điện.

Nhưng bây giờ, nhìn khói hương bay tỏa trong thiền đường, tôi đột nhiên ý thức được có một điều đang dần dà trở thành sự thật là: tất cả chúng ta, những huynh đệ tỷ muội của tôi, cũng chính là cái bệnh, cái già và rồi sẽ là cái chết. Rằng tất cả những gì đang trôi nhanh qua ta có thể nắm bắt được ngay trong giây phút này, nhưng lẽ dĩ nhiên cần có sự thay đổi cái nhìn đúng lúc ta mới có thể thấy.

°

Anne Cushman là người điều hành chương trình huấn luyện Mindfulness Yoga tại trung tâm Spirit Rock Meditation Center. Cô cũng là tác giả của quyển Giác ngộ cho những người khờ (Enlightenment for Idiots).
Một sự thay đổi lớn lao nhất trong sự tu tập của tôi là bây giờ tôi không còn tin rằng “tôi” đang tu tập nữa. Tôi từng nghĩ rằng “tôi” phải ngồi thiền. Và đó cũng chính là cùng một cái “tôi” bận rộn, siêng năng và tự cao mà hằng ngày đi chợ, viết lách và thích khoe khoang với người chung quanh. Và bây giờ thì cái “tôi” ấy muốn tinh tấn thực tập chánh niệm, với một sự cương quyết được giác ngộ, và rồi cứ tự trách móc mình vì liên tiếp bị thất bại mãi.

Khi xưa, thiền tập cũng chỉ là một việc cần phải làm trong bản danh sách của “tôi”, như là hoàn thiện một thế yoga, hay xếp quần áo ngay ngắn vào ngăn tủ vậy. Nhưng rồi cuối cùng tôi hiểu rằng, cái “tôi” giới hạn và nhỏ bé đó hoàn toàn không thích đáng cho tiến trình thiền tập. Bây giờ thì sự thực tập của tôi là tháo gở ra hơn là buộc thêm vào. Tu tập là làm sao để có thể nới lỏng và buông thả sự kìm kẹp của cái “tôi” ấy trong tâm, để ta có thể tiếp xúc được với một thực tại rộng mở lúc nào cũng có mặt, cho dù “tôi” đang làm bất cứ công việc gì.

°

Ông Michael Wenger là một giáo thọ ở trung tâm San Francisco Zen Center.
Câu hỏi này nhắc nhở tôi một điều, là tôi không cần quan tâm nhiều đến những quan niệm cũ hay những gì mình đã từng suy nghĩ. Vấn đề là bây giờ tôi có thể biểu hiện được con tim biết thương yêu của mình ra không, và khuyến khích được người khác cùng làm như thế chăng?

°

Ông Wes Nisker là một giáo thọ, một tác giả. Ông cũng là sáng lập viên và chủ biên tờ báo Phật giáo Inquiring Mind.
Khi xưa tôi nghĩ đạo Phật có thể giúp tôi thoát được khổ đau. Đó là trước khi tôi bắt đầu già đi và khôn ngoan hơn. Và không phải tuệ giác này đã làm tôi đổi ý về vấn đề chấm dứt khổ đau, mà thật ra là do cái già của chính mình. Vâng, tôi biết là không có ai già đi hết, cũng không có một cái tôi nào riêng rẽ cả, tất cả chỉ là những hiện tượng trống rỗng trôi lăn mà thôi. Nhưng khốn thật! Bây giờ thì tai tôi không nghe rõ như xưa, mắt tôi mờ và những khớp xương cũng cứng đơ, những bộ phận trong cơ thể tôi phải rất cố gắng khi làm công việc trước đây của chúng, và trí nhớ thì cứ lặp đi lặp lại như câu thần chú hai chữ “Quên rồi!

Nhưng xin bạn đừng hiểu lầm tôi! Tôi cảm thấy vô cùng may mắn có được giáo pháp ngay cạnh bên khi sống qua giai đoạn này. Và tôi thường tập trở về nương tựa với giây phút hiện tại nhiệm mầu và trong sự ấm áp của tâm từ. Nhưng tôi vẫn đang sống trong một túi da thịt xương đang tiêu hoại, và có nhiều lúc, ít nhất là một lần mỗi ngày, tôi nguyền rủa cái hiện thân này, với những đau đớn và nhức nhối của nó, cũng như cái số phận trước mắt mà không ai tránh khỏi.

Không, giáo pháp này đã không giúp tôi chấm dứt được khổ đau. Nhưng tôi hứa là lần tới tôi sẽ cố gắng và tinh tấn nhiều hơn.

°

Bà Sylvia Boorstein là một trong những vị thầy sáng lập trung tâm Spirit Rock Meditation Center tại thành phố Marin County, California. Bà cũng là tác giả của nhiều quyền sách về thiền tập Vipassana.
Tôi không dám nhấn mạnh về việc mình đã có những sự đổi ý nào về đạo Phật hơn là sự thật này: chính đạo Phật đã làm thay đổi ý nghĩ của tôi.

Ngày đầu tiên cách đây hơn 30 năm, sau khi lần đầu tiên nghe một bài pháp thoại, tôi cảm thấy phấn khởi và rất nhiều hy vọng, tôi tin rằng mình sẽ phát triển được khả năng đối diện được với tất cả những khó khăn trong cuộc đời. Tôi cảm nhận được từ những vị thầy mình là dường như họ ít sợ hãi về cuộc sống này hơn tôi.

Tôi rất tin vào giáo pháp của đức Phật. Tôi đã có niềm tin trước khi tôi thật sự hiểu thế nào là thiền tập, và ngay cả trước khi tôi hiểu rõ sự vận hành của tâm mình hay biết được thế nào là an lạc. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho tôi rất hạnh phúc.

Và đến nay, sau nhiều năm tháng thực tập, tôi biết rằng tâm mình có thêm nhiều khả năng tiếp nhận hơn. Tôi chuyển hóa những khó khăn, bức xúc trong tâm dễ dàng hơn khi xưa. Tôi vẫn còn sợ hãi, nổi giận hay ganh tỵ... hay bất cứ một phản ứng tự nhiên nhất thời nào đó khi có việc xảy ra. Tánh tôi rất dễ phản ứng mà còn có khuynh hướng làm lớn chuyện nữa. Nhưng bây giờ thì tôi có ý thức và biết được việc gì đang xảy ra, và thường thì tôi dừng lại và phục hồi. Khả năng đối phó với những vấn đề khó khăn, trong tôi và chung quanh tôi, với một tình thương và tâm từ, bây giờ cũng được lớn mạnh hơn.

Tôi cũng biết có những giáo lý liên quan đến đạo Phật tiếp nhận được trên đường tu tập mà tôi không thật sự tin chắc, nhưng việc ấy không hề làm cho tôi phải lo nghĩ. Đó không là vấn đề. Tôi chỉ muốn làm sao để sự tu tập có hiệu quả. Tôi muốn chuyển hóa tâm sợ hãi thành một tâm tuệ giác và an lạc, và tôi tin việc ấy sẽ xảy ra. Đó mới là điều đã và đang rất quan trọng đối với tôi.

°

Ông Will Stewart là người đã hành thiền theo truyền thống Zen hơn 25 năm.
Tôi không hề thay đổi ý nghĩ của mình về đạo Phật, nhưng tôi có thay đổi ý nghĩ về mình là ai.

Hạnh phúc chuyển trao

Daniel Goleman là một nhà tâm lý học nổi tiếng và cũng là tác giả của nhiều quyển sách về tâm lý học và thiền quán. Quyển Emotional Intelligence của ông đã được tờ New York Times xếp vào danh sách những quyển sách bán chạy nhất trong vòng hơn một năm rưỡi.

Và quyển sách mới nhất của ông cũng được đưa vào danh sách này là quyển Social Intelligence (Trí tuệ xã hội). Trong quyển này, ông có trình bày về những kết quả và khám phá mới nhất trong khoa thần kinh học (neuroscience) và sinh học (biology).

Theo những khám phá khoa học mới đây nhất thì bản chất con người là hiểu và thương. Không cần một cố gắng nào hết, chúng ta vẫn có thể cảm thấu được những niềm vui và nỗi khổ của người khác. Khi trong ta có một sự tĩnh lặng thì những người tiếp cận với ta, dầu đang có khổ đau, cũng sẽ tiếp nhận được năng lượng an lạc ấy của ta. Ta có thể giúp làm vơi được khổ đau của người khác bằng sự có mặt hạnh phúc an tĩnh của chính mình, ta không cần làm gì hết. Và đó là một sự thật đã được khoa học chứng minh.

Những khám phá mới của ông Daniel Goleman về phần óc xã hội (social brain) cho ta thấy rằng, chúng ta bao giờ cũng có thể mang lại hạnh phúc cho những người ta tiếp xúc, chỉ bằng sự có mặt an tĩnh của mình.

Dưới đây là cuộc đối thoại giữa bà Sharon Salzberg, người đồng sáng lập Trung tâm thiền tập Insight Meditation Society tại Barre, Massachusetts, và ông Daniel Goleman về một môn khoa học mới là thần kinh học xã hội (social neuroscience) và mối tương quan của nó với những giáo lý và thực hành trong đạo Phật.

u



Sharon Salzberg: Trong quyển sách mới của ông, ông có nói về chủ thuyết của Freud, cho rằng khi một nhà điều trị phân tâm học biết lắng nghe những cảm xúc của chính mình thì điều đó cũng sẽ mở ra một cánh cửa giúp họ nhìn được vào thế giới cảm xúc của bệnh nhân. Đó có phải là một đầu mối cho chúng ta thấy rằng: Tất cả chúng ta cũng vậy, những kinh nghiệm nội tâm có thể là một phản ảnh rất chính xác cho thấy những gì người chung quanh ta đang kinh nghiệm?

Daniel Goleman: Đúng vậy! Thật ra, trong bộ óc chúng ta có những loại tế bào được gọi là “tế bào phản ảnh” hay là “tế bào thần kinh gương” (mirror neuron) Chúng giống như những tế bào thần kinh vô tuyến Wi-Fi, lúc nào cũng hòa điệu với các trạng thái tâm thức của người chung quanh trong mỗi giây mỗi phút, và chúng tái lập lại những tâm trạng ấy ngay trong bộ óc của chính ta – như là cảm xúc của người kia, cử động và ý muốn của họ.

Và điều ấy cũng có nghĩa là sự cảm thông không chỉ nhờ ta đọc được những dấu hiệu cảm xúc bên ngoài của một người nào đó, ví dụ như một cái nhíu mày, một giọng nói gắt gỏng chẳng hạn; mà còn nhờ vào những tế bào thần kinh phản ảnh này mà ta có thể cảm thông (empathy) được với người khác. Vì vậy, sự cảm thông trước hết có được là nhờ ta biết lắng nghe những cảm xúc của chính mình, nhờ đó ta có thể cảm nhận được rõ rệt những gì đang xảy ra với người khác.

Sharon Salzberg: Như vậy điều này cũng giống như một cái nhìn mới về giáo lý tương thuộc (interconnectedness) chăng?

Daniel Goleman: Đó cũng là lý do vì sao tôi rất say mê ngành mới của khoa thần kinh học xã hội (social neuroscience) này. Trong vài năm gần đây, các chuyên gia đã khám phá được phần óc xã hội (social brain) trong ta, những mạch thần kinh đã nối liền tất cả chúng ta lại với nhau qua mỗi sự tiếp xúc với người chung quanh. Và lẽ dĩ nhiên điều này cũng có cả hai mặt lợi và hại. Chẳng hạn, ta có thể phải tiếp nhận những cảm xúc tiêu cực, nguy hại, như khi ta chứng kiến những sự bạo động, cũng giống như khi ta phải hít thở khói thuốc của một người hút thuốc vậy. Và ngược lại, ta cũng có thể phóng tỏa sự an lạc, niềm vui của mình đến với những người mình tiếp xúc.

Tất cả chúng ta đều là một phần của một nền kinh tế cảm xúc vô hình, chúng ta lúc nào cũng trao đổi những cảm xúc, một sự cho-và-nhận luôn luôn xảy ra, cho dù ta có ý thức được điều đó hay không. Và câu hỏi quan trọng là, sau một cuộc tiếp xúc, những cảm xúc nào đã được trao chuyển – người ta cảm thấy hạnh phúc hơn hay phiền não hơn?

Sharon Salzberg: Nhưng làm sao ta có thể biết chắc rằng không phải ta đang nhìn thế giới chung quanh qua những phản ứng theo thói quen của mình? Qua sự mê mờ của chính mình?

Daniel Goleman: Nhờ ở những tế bào phản ảnh trong não bộ, khi ta lắng nghe những cảm xúc bên trong ta, điều đó sẽ đem lại một sự kết hợp giữa những phản ứng của chính mình với những gì ta tiếp nhận từ người khác. Vì vậy, vấn đề thử thách ở đây là làm sao ta có thể phân biệt giữa những gì là phản ứng của mình và những gì đến từ người khác.

Chẳng hạn như bạn đang dự một bữa tiệc và nói chuyện với một người nào đó, rồi bạn nhận thấy rằng cô ta không thật sự lắng nghe mà chỉ lo nhìn về hướng sau lưng bạn. Đó là một trường hợp rất thông thường và có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau, tùy theo cảm xúc và phản ứng theo thói quen của mỗi người. Nếu bạn là một người có nhiều mặc cảm tự ti thì ngay trong giây phút ấy bạn có thể cho rằng cô ta đang từ chối bạn, và sắp sửa bỏ đi. Mặc cảm ấy sẽ làm phát sinh ý nghĩ: “Cô ta không thích mình!” Nếu như bạn có một nỗi sợ bị đám đông từ bỏ, bạn có thể cảm thấy như mình là một người đứng ngoài và bị xa lánh. Và nếu bạn là một người tự cao, bạn có thể sẽ tự nhủ: “Người này chẳng đáng để cho mình phí thì giờ vô ích!” Tất cả những điều đó đều là những tưởng tượng trong óc ta. Chúng ngăn không cho ta cảm nhận được sự thật, chẳng hạn như người ấy có thể đang nhìn để tìm kiếm một ai đó mà họ muốn giới thiệu với ta.

Sharon Salzberg: Và ta cũng có thể chỉ cần đơn giản nhìn thấy điều đó cũng như là những ý nghĩ, giải thích của mình thôi, và không cần đánh giá điều đó có đúng hay không.

Daniel Goleman: Rất đúng như vậy. Đó cũng là một phản ứng, một thái độ có chánh niệm.

Sharon Salzberg: Theo như trạng thái mà ông diễn tả đó, khi chúng ta có những liên kết mật thiết và có ảnh hưởng lẫn nhau, vậy nếu ta lúc nào cũng cảm nhận trong mình những cảm xúc và ý muốn của người khác, sống trong một thế giới như thế, chắc lúc nào ta cũng bị tràn ngập bởi những dữ kiện mà mình phải tiếp nhận!

Daniel Goleman: Một tình trạng khó xử là phần óc xã hội sẽ luôn luôn khiến cho các cảm xúc có tính cách lây truyền. Nó có nghĩa là sự đồng cảm của ta cũng sẽ khiến cho ta trở nên dễ bị tổn thương trước những khổ đau chung quanh. Một ví dụ rất điển hình là trường hợp những người chuyên đi giúp đỡ những người khác, như là bác sĩ, y tá hay là các tác viên xã hội chẳng hạn. Điều này xảy ra khi người ta phải luôn đối diện với những khổ đau của con người, nhưng lại thiếu thốn một năng lượng tích cực bên trong, hoặc là không được sự giúp đỡ hay thiếu nơi nương tựa ở môi trường làm việc – và rồi họ hoàn toàn bị áp đảo.

Một đáp ứng lý tưởng nhất đối với những khổ đau là ta biết cảm thông (empathize), biết mở rộng ra trước những nỗi đau, nhưng vẫn giữ cho mình được an tĩnh và sáng tỏ. Và từ đó ta sẽ có được một giải đáp thích hợp bằng tình thương. Và ngay chính ở điểm này mà sự tu tập Phật pháp sẽ giúp ích cho ta rất nhiều.

Chúng ta biết rằng, những người có tu tập bao giờ cũng có một sự an tĩnh và sáng suốt, và cũng nhờ sự tĩnh lặng này mà những hành động đầy tình thương trở nên chính xác hơn. Vì vậy mà vấn đề ở đây là, sau một cuộc tiếp xúc, ai là người đã trao chuyển cảm xúc của mình sang người kia? Có phải là người đang bị khổ đau đã làm tràn ngập kẻ muốn giúp mình? Hay là người muốn giúp đã san sẻ sự tĩnh lặng và tình thương trong họ đến người kia, và ngay sau đó chính họ cũng cảm thấy hạnh phúc hơn?

Sharon Salzberg: Tôi thấy có rất nhiều người cảm thấy bị tràn ngập trước những khổ đau của kẻ khác. Họ cảm thấy ghê chán, họ cảm thấy sợ hãi vì sự cảm thông (empathy) và tình thương (compassion) dường như rất khác biệt nhau.

Daniel Goleman: Đúng vậy! Sự cảm thấu và tâm từ là hai giai đoạn trên con đường đưa ta đến một tấm lòng vị tha. Sự cảm thông chỉ có nghĩa là “Tôi cảm nhận được nỗi khổ của bạn.” Tâm từ có nghĩa là “Tôi cảm nhận đủ để muốn giúp bạn bớt khổ đau.”

Sharon Salzberg: Nhưng chỉ vừa đủ thôi vì tôi không muốn bị tràn ngập bởi khổ đau của người khác!

Daniel Goleman: Và ta cũng không cảm nhận đến mức cảm thấy mình bất lực.

Sharon Salzberg: Ông có thể trình bày rõ hơn về con đường từ khổ đau đi đến tâm từ chăng? Trong quyển sách của ông, ông có nói về vai trò của chánh niệm trong sự vị tha (altruism) – đó là một thái độ vừa tập trung, vừa cởi mở.

Daniel Goleman: Theo lý thuyết thì lòng vị tha là một tiến trình gồm có ba giai đoạn: ta ghi nhận có một người nào đó đang cần sự giúp đỡ, ta cảm nhận được khó khăn của người ấy, và ta hành động để giúp đỡ họ. Một sự cảm thông tự nhiên sẽ dẫn đến hành động. Nhưng nếu ta không có ý thức, không có sự chú ý, thì ta sẽ không thể nào có sự cảm thông được, chứ đừng nói gì đến tâm từ. Vì vậy mà bước đầu tiên để phát triển một tâm từ là một sự chú ý, một ý thức về những khó khăn của người khác. Điều đó chỉ đơn giản bắt đầu bằng một ý thức chánh niệm.

Sharon Salzberg: Lời tuyên bố đó của ông có vẻ hơi mạnh bạo quá!

Daniel Goleman: Tôi thấy trong thời đại ngày nay những lời như vậy cần phải được tuyên bố và nên lặp đi lặp lại nhiều hơn nữa. Chúng ta bây giờ không còn mấy ai tiếp xúc được với thực tại quanh mình, ta bị cách trở bởi những dụng cụ như điện thoại cầm tay, Blackberries, e-mail... và không còn kinh nghiệm được những giây phút tiếp xúc giữa con người với nhau nữa. Chúng ta bỏ lỡ những cơ hội chăm sóc những gì đang xảy ra với người khác và giúp đỡ khi cần thiết.

Khi sự chú ý của ta bị thu hút vào các dụng cụ điện tử này, chúng ta có cảm tưởng như mình đang tiếp xúc được với những người ở nơi xa xôi nào đó, trong khi lại hoàn toàn dửng dưng đối với một người đang ở ngay bên cạnh mình! Mặc dù đó là một sự thật rất hiển nhiên của thời nay, nhưng tôi muốn nói ra để thấy rằng sự chú ý của ta lúc nào cũng bị phân tán.

Sharon Salzberg: Và khi ta bắt đầu chú ý, ghi nhận, thì sự cảm thông trong ta sẽ tự động phát khởi.

Daniel Goleman: Ngay trong giây phút ta chú ý thì ta sẽ tự nhiên có sự cảm thông. Chức vụ của phần óc xã hội là như vậy. Khi ta chuyển sự chú ý của mình sang người kia, ta sẽ tự động cảm nhận được trạng thái tâm thức của họ ngay. Và nếu như họ có một khó khăn nào đó trước mắt, ta sẽ hành động để giúp họ. Phần óc xã hội được thiết kế để có một tiến trình ba bước: trước hết là ta ghi nhận, kế đến là cảm thấu, và sau hết là ta đáp ứng.

Sharon Salzberg: Theo tôi thì dường như có một giai đoạn ở giữa sự cảm thông và hành động, như khi ta thấy ai đó đang gặp khổ đau, nhưng tự mình lại cảm thấy sợ hãi hoặc ghét bỏ. Có phải ông nói rằng chúng ta trước tiên lúc nào cũng có một phản ứng là tình thương, nhưng điều đó có thể bị lấn áp bởi sự sợ hãi hay ghét bỏ?

Daniel Goleman: Một triết gia Trung Hoa là Mạnh Tử có một ví dụ rất nổi tiếng, là tất cả chúng ta khi nhìn thấy một đứa bé đứng gần miệng giếng đều sẽ chạy đến cứu. Đó là một phản ứng tự nhiên và cấp thời của con người. Và nên nhớ rằng, trong tiến trình tiến hóa, những phản ứng này đã được ăn sâu vào óc ta, giúp ta được sinh tồn trong những nhóm nhỏ, giữa một thế giới đầy nguy hiểm. Chúng ta sẵn có bản năng tự nhiên là giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn.

Nhưng vấn đề lưỡng nan là cấu trúc của xã hội ngày nay đã ngăn trở, khiến chúng ta ít có cơ hội thật sự đối diện với những người đang rất cần được giúp đỡ một cách trực tiếp.

Sharon Salzberg: Nhưng dù ta có thấy người nào đó đang gặp khó khăn, có thể ta bị một sự kỳ thị nào đó xen vào hành động của mình chăng? Nếu như đứa bé của ngài Mạnh Tử là một đứa bé có màu da khác với mình, mà ta được dạy kỳ thị từ nhỏ, thì phản ứng thuộc bản năng đó có bị ảnh hưởng gì không, ví dụ như những ý nghĩ: “Tôi không ưa đứa bé đó” hoặc “Tôi sợ!”

Daniel Goleman: Hoặc là: “Ồ, tôi đang bận, có hẹn quan trọng, phải đi ngay bây giờ!” Theo tôi nghĩ, vấn đề chánh ở đây không phải là sự khác biệt giữa “ta” và “người khác”, mà là một sự vị kỷ thì đúng hơn. Nếu chúng ta thấy người kia như là một đối tượng vật thể hơn là một con người sống, thì ta sẽ không có một sự cảm thông nào hết, và ta cũng sẽ không phản ứng. Đó là con đường đi đến sự thù ghét. Nhưng nói đến sự giúp đỡ thì thường chính vì thái độ vị kỷ của mình khiến ta không thấy được những nhu cầu của người khác. Vì vậy, kẻ thù của tâm từ là sự bận tâm, luôn nghĩ về cái tôi, cái ngã của chính mình.

Sharon Salzberg: Nếu người ta đang tiếp xúc không có khổ đau nhưng lại đang công kích ta, bày tỏ một sự giận dữ hay thù ghét đối với ta thì sao?

Daniel Goleman: Khi chúng ta tiếp cận với những ai đang gặp khổ đau, trong ta sẽ tự nhiên có một mạng dây tâm từ được bật sáng lên. Và cũng vậy, khi ta đối diện với một sự giận dữ hay bạo động, trong ta sẽ có một mạng dây khác được bật lên. Bộ óc ta cũng được thiết đặt để phản ứng ngược lại bằng sự sợ hãi hoặc tức giận.

Các nhà tâm sinh lý học (psychophysiologists) nghiên cứu về những vấn đề trong hôn nhân, bất hòa giữa vợ chồng gọi trường hợp này là “vòng xoắn đi xuống” (downward spiral), khi thái độ công kích của người này lại kích hoạt một phản ứng giống y như vậy ở người kia. Đó là một vòng tròn trách móc mà cái này kích động cái kia, và mỗi lúc càng đi xuống sâu hơn.

Nhưng nếu ta có một sự an tĩnh và tâm từ rộng lớn – hay một thái độ nhẹ nhàng, khôi hài về mọi việc – ta có thể thoát ra khỏi được vòng xoắn đó.

Sharon Salzberg: Nhưng có phải ý ông muốn nói rằng những khó khăn này là do điều kiện bên ngoài chứ tự bản chất chúng ta không phải là như vậy?

Daniel Goleman: Đúng vậy! Chúng ta không phải như thế. Phần óc xã hội của ta lúc nào cũng thiên về sự cảm thông và tâm từ.

Ngày nay, chúng ta quen sống trong những môi trường rất giả tạo so với sự tiến hóa lâu dài của loài người. Và ta chấp nhận những hoàn cảnh này như là một điều rất bình thường. Hãy nhìn lại lịch sử loài người, ta sẽ thấy rằng thật ra đó là một sự lệch lạc rất lớn. Tôi nghĩ, trong thời đại ngày nay chúng ta cần nuôi dưỡng tâm từ nhiều hơn, để có thể khơi dậy bản chất trong sáng, biểu lộ tình thương một cách tự nhiên hơn dù đang ở giữa một cuộc sống tân tiến có khuynh hướng làm mờ nó đi.

Sharon Salzberg: Vì vậy chúng ta cần thực tập sống có ý thức hơn, biết chú ý hơn, thay vì nhắm mắt mà đi trong sương mù như vẫn thường làm.

Daniel Goleman: Không những chúng ta cần biết chú ý hơn mà còn phải quay về với chính mình nữa. Bằng cách thực tập và phát triển, ta sẽ biểu lộ tình thương dễ dàng hơn trong những lúc cần thiết.

Sharon Salzberg: Đúng vậy. Tôi thấy điều rất thú vị là một phần việc làm của chúng ta là biết cởi mở ra, biết chú ý hơn; Một phần là luôn thực tập đáp ứng bằng một tâm từ, nhờ vậy mà khi có những sự sợ hãi hoặc khó khăn nào khác khởi lên, chúng sẽ không thể lấn áp được. Và một phần của công việc là nuôi dưỡng tâm buông xả, dùng chữ trong nhà Phật, như ông vừa trình bày.

Daniel Goleman: Đúng vậy. Sự buông xả sẽ cho phép chúng ta ghi nhận được nỗi đau của người khác trong khi ta vẫn có đủ tĩnh lặng để làm những gì mình cần làm.

Sharon Salzberg: Và đây cũng là phương thức rất quan trọng mà chúng ta cần học hỏi và thực hành, đặc biệt là trong sự hướng dẫn và lãnh đạo người khác.

Daniel Goleman: Rất đúng như vậy. Những khám phá mới cho ta thấy cái bộ óc của người hướng dẫn, lãnh đạo cũng liên kết chặt chẽ với bộ óc của người làm việc dưới quyền họ. Vì vậy, bổn phận của người hướng dẫn là giúp cho người khác có được một tâm trạng thích hợp để thực hiện tốt công việc.

Trách nhiệm của các bậc thầy đối với học trò cũng vậy. Khi người ta vui vẻ, phấn khởi, và tỉnh táo, đầu óc làm việc rất hữu hiệu. Nếu một người chủ hay chê trách nhân công, hay một người thầy thường la mắng học trò của mình, đó là họ đang tự phá hoại công trình của chính họ. Nếu phải phê bình cấp dưới, ta nên chọn những lời tích cực, khuyến khích, hơn là những chê bai và trách móc.

Vì vậy những người có trách nhiệm hướng dẫn nên nhớ rằng, họ cũng có trách nhiệm một phần nào đến trạng thái bộ óc của người khác, và nếu ta biết chăm sóc, điều đó sẽ mang đến nhiều hiệu năng tốt đẹp.

Sharon Salzberg: Tôi còn nhớ một vị thầy của tôi là ngài Munindraji, trong những ngày đầu trên con đường tu tập, ngài có bảo tôi rằng: “Sự giác ngộ của đức Phật đã giải quyết xong vấn đề của Ngài, còn bây giờ cô hãy lo giải quyết vấn đề của cô đi!” Lời nói đó đã mang lại cho tôi một sự tự tin rất lớn, tôi có cảm tưởng rằng ngài Munindraji rất tin tưởng vào tôi. Tôi thường nghĩ rằng, những gì quý báu nhất mà ta có thể nhận được từ vị thầy của mình là niềm tin của họ vào ta.

Daniel Goleman: Tôi cũng nghĩ vậy. Những vị giáo thọ rất khôn khéo trong khoa trí tuệ xã hội (social intelligence), bao giờ họ cũng mừng vui trước tiềm năng tự giải thoát của học trò mình. Trong một cộng đồng, một tăng thân, chúng ta cũng có thể làm việc ấy cho nhau, hãy hoan hỷ trước những tài năng của nhau.

Sharon Salzberg: Tôi có nhớ đến một thí nghiệm nghiên cứu về ảnh hưởng của việc người khác nắm tay mình trong khi chụp cộng hưởng từ, MRI.

Daniel Goleman: Đó là một nghiên cứu rất quan trọng được thực hiện bởi James A. Coan trong phòng thí nghiệm của Richard Davidson tại trường Đại học Wisconsin. Một phụ nữ nằm trong máy chụp ảnh bộ não và đang hồi hộp chờ đợi một dòng điện vừa đủ mạnh chạy qua cơ thể. Cô ta tỉnh táo và hoàn toàn hiểu biết. Trong khi cô nằm đó, có người đến gần nắm tay cô. Nếu đó là một người xa lạ thì mức độ lo âu của cô được giảm xuống đôi chút. Nếu người đó là chồng cô thì mức độ lo âu của cô tụt xuống chỉ còn số không.

Cuộc thí nghiệm ấy, và nhiều cuộc thử nghiệm khác nữa, cho thấy rằng chúng ta là những sinh vật đồng minh của nhau. Một người chỉ cần đơn giản nắm tay người khác, hay chỉ bằng sự có mặt an tĩnh cũng có thể tạo nên một ảnh hưởng rất sâu sắc và rộng lớn đến người kia trên cả hai lãnh vực cảm xúc lẫn sinh vật lý. Đối với những người đang bị bệnh thập tử nhất sinh chúng cũng có thể mang lại một sự thay đổi lớn trong bệnh lý. Nhưng ngoài những cái đó ra, tâm từ, tình thương tuy không thể trực tiếp trị được căn bệnh, nhưng có khả năng làm giảm bớt khổ đau do cơn bệnh ấy gây ra.

Chánh niệm và thiền quán là những gì có thể mang lại lợi ích cho riêng ta. Nhưng những khám phá mới về sự liên kết của phần óc xã hội cho thấy rằng, ta có thể mang sự an tĩnh của mình đến với người chung quanh. Và đây không phải là một lý thuyết xa vời, thật ra nó đã được chứng minh bởi khoa học, đó là một sự cảm xúc lan truyền. Nếu ta có một người thân đang gặp khổ đau, và nếu ta có được sự an tĩnh, buông xả và tâm từ, sự có mặt của ta chắc chắn sẽ giúp được người ấy rất nhiều. Đây không chỉ là một chuyện tốt nên làm, mà là một điều rất hữu hiệu cần phải làm.

Và cũng vì vậy mà chúng ta bao giờ cũng thích gần gũi hoặc muốn được diện kiến những bậc chân tu, những người có tâm từ, có sự buông xả, vì ta thật sự có thể tiếp nhận được trạng thái tâm thức an lạc của các vị ấy. Sau khi ta có dịp tiếp cận với các vị ấy, chỉ cần có mặt thôi, khi trở về ta vẫn mang theo được một phần sự an lạc của họ.

Sharon Salzberg: Chả trách gì mà tôi cứ theo đức Đạt-lai Lạt-ma bất cứ nơi nào ngài đến. Tôi nghĩ, những nghiên cứu và khám phá của ông rất lớn lao và mang lại đầy hy vọng – trong lúc có biết bao nhiêu người đang sống trong tuyệt vọng, họ sẽ có dịp nhìn lại và thấy rằng: Tất cả chúng ta đều có liên hệ với nhau, mọi việc có thể được tốt đẹp hơn.

Daniel Goleman: Vâng, những dữ kiện tôi thu thập được rất đáng phấn khởi. Và cô biết không, nó đang bắt đầu ngay bây giờ và ở đây.

Hạnh phúc chân thật là gì?

Ông Allen Wallace là một học giả và cũng là một nhà Phật học Hoa Kỳ nổi tiếng. Ông đang điều hành những chương trình dài hạn tại Santa Barbara Institute và Đại học UCLA, nghiên cứu về sự liên hệ giữa thiền tập và hạnh phúc. Dưới đây là bài phỏng vấn ông Allen Wallace về đề tài thế nào là chân hạnh phúc.
Hỏi: Thế nào là một hạnh phúc chân thật?

Alan Wallace: Tôi thích dùng chữ “sự hoàn thiện nhân tính” hơn, theo nghĩa gốc dịch từ tiếng Hy Lạp là eudaimonia. Chúng ta thường dịch là “hạnh phúc chân thật”, nhưng “sự hoàn thiện nhân tính” thì chính xác hơn.

Hỏi: Và hạnh phúc ấy sẽ mang lại cho ta những gì?

Alan Wallace: Một cuộc sống có ý nghĩa.

Hỏi: Cái gì làm cho cuộc sống có ý nghĩa?

Alan Wallace: Theo tôi thì đó phải là cho mỗi ngày chứ không phải cho toàn bộ một cuộc đời. Tôi thấy có bốn yếu tố cho một ngày hạnh phúc.

Thứ nhất là ngày hôm nay mình có sống trong giới hạnh hay không? Ở đây tôi chỉ nói về những giới luật căn bản trong đạo Phật thôi, ví dụ như đừng làm hại ai, đừng nói nặng lời với ai, cố gắng thực tập từ bi và chánh niệm.

Điều thứ hai là tôi cảm thấy hạnh phúc thay vì khổ đau. Tôi đã gặp những người có tu tập, lúc nào họ cũng biểu lộ một sự bình an trong từng bước đi, trong cách ứng xử với những khó khăn trong cuộc sống và khi tiếp xúc với người khác.

Điều thứ ba là đi tìm sự thật, muốn thấy và hiểu rõ được thực tại, chân tướng của chính mình và cuộc sống. Và ta có thể ngồi yên trong căn phòng nhỏ của mình mà vẫn có thể làm được tất cả những việc ấy. Nhưng có điều không có ai trong chúng ta là riêng rẽ và tồn tại độc lập cả. Vì vậy, muốn có một đời sống hạnh phúc, ta phải trả lời câu hỏi thứ tư: “Ta mang lại gì cho cuộc đời này?”

Nếu tôi có thể nhìn lại một ngày trong đời mình và thấy có đủ bốn yếu tố: giới hạnh, hạnh phúc, sự thật và biết nghĩ đến chung quanh, thì tôi có thể nói rằng “Tôi là một người có hạnh phúc.”

Vấn đề hạnh phúc không hề tùy thuộc vào số tiền gửi ngân hàng của ta, hoặc thái độ của người vợ hay chồng, vào công việc làm hay mức tiền lương. Ta có thể sống một đời tròn đầy ý nghĩa, dù ta chỉ còn lại mười phút để sống trên cuộc đời này.

Hỏi: Trong bốn yếu tố ấy không có yếu tố sức khoẻ, vậy sức khoẻ không là một yếu tố quan trọng sao?

Alan Wallace: Sự thật là không! Một người học trò của tôi mang một chứng bệnh nan y hiếm gặp, mỗi ngày đều phải vào bệnh viện để chữa trị và dùng thuốc. Và anh phải sống như vậy trọn phần đời còn lại. Ta có thể nói: “Thật là tội nghiệp và khổ cho anh! Hoàn cảnh đáng thương quá!

Nhưng ngày hôm kia tôi gặp anh, anh bảo tôi: “Alan này, tôi đang hạnh phúc!” Và tôi thấy anh thật sự hạnh phúc. Anh ta tìm được cho mình con đường đi giữa những giới hạn, và trong những điều kiện hiện có. Tâm ý anh trong sáng. Anh đọc sách, anh viết bài, anh tăng trưởng... Anh ngồi thiền mỗi ngày, và anh còn dạy thiền cho các bệnh nhân nan y khác trong bệnh viện nữa.

Anh ta sống một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa, và anh có thể thành thật nói rằng mình đang hạnh phúc.

Hỏi: Bí quyết của anh ta là gì?

Alan Wallace: Anh ta không đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài. Khi chúng ta trông cậy vào địa vị, tiền bạc, vào vợ hay chồng mình để có được hạnh phúc, thì ta sẽ không bao giờ có hạnh phúc! Vì chúng ta nương tựa vào những thứ không phải của mình. Hơn nữa, những người chung quanh cũng đang tranh giành với ta những thứ tiền bạc, địa vị... ấy, mà những thứ ấy đâu có dư dả đủ cho tất cả mọi người. Điều đáng buồn là vậy.

Hỏi: Còn điều đáng mừng?

Alan Wallace: Điều đáng mừng là hạnh phúc chân thật không bày bán ngoài phố chợ để ai có tiền là có thể mua về. Một trong những bí mật ít ai khám phá được là: Hạnh phúc mà ta đang đi tìm ở những chức vụ cao, trong một người chồng hay người vợ gương mẫu, đứa con ngoan, sức khoẻ đầy đủ, việc làm tốt, có an ninh, có diện mạo đẹp... thật ra lúc nào cũng đang có sẵn trong ta, chỉ cần ta tiếp xúc mà thôi. Thay vì đi tìm bên ngoài thì tại sao ta không thử quay vào tìm trong chính mình xem sao!

Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta sẽ không lập gia đình, không mua xe hay tìm một việc làm vừa ý... Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu bạn có hạnh phúc thì hạnh phúc ấy không hề tùy thuộc vào những yếu tố bên ngoài, vì chúng không nằm trong sự kiểm soát của bạn.

Hỏi: Mọi người ai cũng nói rằng tiền bạc, địa vị không mang lại hạnh phúc, nhưng có mấy ai thật sự sống theo quan điểm đó đâu?

Alan Wallace: Thật ra thì trong thâm tâm chúng ta chưa thật sự có niềm tin. Chúng ta vẫn đi tìm kiếm bên ngoài, đeo đuổi những gì mà ta nghĩ là sẽ mang lại hạnh phúc – danh vọng, chức vụ, tình yêu, một sự bảo đảm về tiền bạc và tình cảm. Chúng ta không có hy vọng và niềm tin vào một hạnh phúc chân thật nào đó. Ta tự nhủ: “Có lẽ hạnh phúc chân thật không thật có, chỉ nói nghe cho hay ho vậy thôi. Mình thì bằng lòng với một máy nghe nhạc bỏ túi hay một tivi màn hình lớn... như vậy là vui rồi. Không đòi hỏi hay cầu mong gì xa xôi hơn nữa...” Hoặc cũng có người nói rằng: “Thôi đừng nói chuyện hạnh phúc, chỉ gắng qua được ngày hôm nay là đủ khoẻ rồi!” Tôi nghĩ họ cũng đáng thương thật!

Hỏi: Như vậy đó có phải là một sự tuyệt vọng không?

Alan Wallace: Đó là một trạng thái mà tâm ta không còn không gian nữa, ta đánh mất đi một cái nhìn rộng lớn. Tôi nghĩ tới tâm từ (metta). Khi thực tập tâm từ, chúng ta bắt đầu bằng tình thương với chính mình. Nhưng điều ấy không có nghĩa là: “Công việc nào tốt nhất cho tôi đây? Lương bao nhiêu là xứng đáng với mình đây?” Nhưng chính là: “Làm cách nào để ta được hạnh phúc?” “Ta nên sống cách nào để ta có hạnh phúc, an lạc và có ý nghĩa?”

Và sau đó ta nới rộng cái nhìn đó ra: “Làm thế nào để những người đang sống trong khổ đau tìm được một hạnh phúc thật sự?”

Hỏi: Shantideva nói: “Những kẻ trốn tránh khổ đau lại cắm đầu lao vào khổ đau. Chính vì sự tham muốn hạnh phúc mà họ vô tình phá vỡ hạnh phúc đang có và xem chúng như kẻ thù.” Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta lại ít ai chọn con đường tu học, nếu như nó có thể mang lại cho ta một hạnh phúc chân thật?

Alan Wallace: Thật ra câu trả lời là vì chúng ta không hề biết điều gì có thể mang lại cho ta một hạnh phúc thật sự. Cần phải có một thời gian dài và những kinh nghiệm khổ đau trước khi ta thức tỉnh và ghi nhận được những gì đang xảy ra. Chúng ta bị trói chặt vào những hình tượng, ý niệm trong đầu: “Phải chi vợ hay chồng tôi là người như vậy, phải chi tôi có được công việc như vậy, có được một số tiền như vậy, sắc đẹp tôi như vậy, sức khoẻ tôi như vậy... tôi sẽ có hạnh phúc.” Nhưng đó chỉ là ảo tưởng thôi.

Chúng ta ai cũng biết, những người có đủ sức khoẻ, tiền bạc, địa vị, tình yêu... nhưng vẫn mang đầy khổ đau. Những người đó là thầy của chúng ta, vì họ dạy cho ta một bài học lớn. Họ dạy cho ta thấy rằng, mình có thể trúng một tấm vé số lớn của cuộc đời nhưng vẫn trật tấm vé số của hạnh phúc.

Hỏi: Khi nói về một “hạnh phúc chân thật”, có lẽ ông muốn ám chỉ rằng trong cuộc đời còn có những loại hạnh phúc khác nữa?

Alan Wallace: Phải rồi! Chúng ta thường lầm lẫn những gì đức Phật gọi là bát phong, tám ngọn gió xao động của cuộc đời, và cho đó là hạnh phúc. Tám ngọn gió ấy là muốn thịnh mà không suy, muốn vui mà tránh khổ, muốn được khen mà không bị chê, muốn danh vọng mà không bị khinh thường. Nhưng ta phải nhớ điều này, thật ra không có gì là sai quấy với những sự giàu có, vui mừng, được khen ngợi hay có danh tiếng. Ví dụ như nói về sự giàu có, giả sử ta có một chiếc áo mới, nếu ta bỏ chiếc áo mới ấy đi, ta có thành một người tốt đẹp hơn không? Lẽ dĩ nhiên là không! Thật ra không có gì là sai quấy với sự sở hữu, nhưng thật hết sức sai lầm nếu ta cho rằng điều đó có thể mang lại hạnh phúc cho ta.

Hạnh phúc chân thật là tiếp xúc với gốc rễ của hạnh phúc chứ không phải chỉ nắm bắt những yếu tố có thể hoặc không thể tạo thành hạnh phúc. Và sự khác biệt giữa tu tập với sự đuổi bắt tám ngọn gió xao động của cuộc đời là ở chỗ đó. Cũng có người tu tập vì mục đích muốn thoả mãn tám ngọn gió ấy, muốn tìm được một niềm vui thú trong thiền tập. Họ xem thiền tập như một tách cà phê, một cuộc chạy bộ thể dục, hay sự xoa bóp khoan khoái vậy. Thật ra những điều đó cũng không có gì là sai quấy hết, nhưng chúng rất giới hạn. Thiền tập có thể làm một việc mà sự xoa bóp... không thể làm được, nó có thể chữa lành những vết thương trong tâm ta.

Hỏi: Con đường hạnh phúc này dường như đòi hỏi ta phải có một niềm tin và sự buông bỏ rất lớn. Điều ấy hơi đáng sợ một chút. Nếu như tôi buông bỏ hết những thứ bên ngoài ấy thì tôi sẽ trở thành gì đây?

Alan Wallace: Thật ra chúng ta không cần nhảy vào chỗ nước sâu làm gì. Điều đó cũng giống như là một ngày nào đó tự nhiên ta hứng khởi lên rồi tuyên bố: “Thế giới này như căn nhà lửa, đầy khổ đau. Tôi sẽ từ bỏ tất cả để đi tìm một niềm an lạc theo Phật pháp.” Rồi chừng vài ngày, vài tuần hay giỏi lắm là vài tháng sau, ta sẽ nói: “Ái chà, sự tu tập này cũng đâu có gì là hạnh phúc hay an lạc như họ nói đâu, mà không biết cái máy nghe nhạc bỏ túi, cái tivi hay cô tình nhân cũ của mình đâu rồi nhỉ, có ai biết đâu rồi không?”

Vì vậy vấn đề không phải là lập tức xả bỏ tất cả mọi thú vui của cuộc đời và chỉ thực tập giáo pháp sâu xa của Phật pháp. Cũng giống như dạy một đứa trẻ mới tập bơi vậy, ta đâu có thảy đứa bé vào chỗ nước sâu rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra! Trước tiên ta phải tập cho nó bơi ở nơi cạn cho quen dần. Cũng vậy, ta hãy bước đi chậm mà vững. Bắt đầu bằng việc ngồi thiền một chút vào mỗi sáng và mỗi tối, xem điều đó ảnh hưởng đến một ngày của ta như thế nào. Dần dần ta sẽ nếm được mùi vị của đạo pháp. Ta có thể sẽ cảm thấy rằng: “Cũng thú vị đó chứ! Ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Mà không chỉ có hạnh phúc thôi, ta còn có chút đạo hạnh nữa. Ta thấy được thực tại rõ ràng hơn. Và nếu muốn, bây giờ ta có khả năng giúp được người chung quanh và cuộc đời hữu hiệu hơn nhờ sự thực tập.”

Ta thật sự có hạnh phúc hơn, và ta cũng sẽ có niềm tin vào con đường mình đi hơn. Tám ngọn gió xao động của cuộc đời vẫn thổi, chúng vẫn tiếp tục đến rồi đi. Chúng vẫn có mặt, nhưng bây giờ ta có thể sử dụng chúng để hỗ trợ thêm cho sự thực tập của mình.

Hỏi: Như vậy ta có thể kết luận rằng con đường tu tập của đức Phật không phải chỉ để giác ngộ dưới cội bồ-đề, mà còn để mang lại hạnh phúc cho kẻ khác?

Alan Wallace: Tôi tin rằng đức Phật đã chứng nghiệm được một điều rất sâu sắc và phi thường dưới cội bồ-đề. Nhưng ngài cũng ý thức rằng, sự giác ngộ đó sẽ không có kết quả viên mãn nếu ngài không chia sẻ với kẻ khác. Giác ngộ không phải là cho riêng chính mình: “Bây giờ thì tôi ngon lành rồi. Xong việc, đến nơi, nghỉ được rồi!” Thế giới chúng ta được chuyển hóa nhờ sự có mặt của đức Phật trên cuộc đời này. Nhưng không phải là 49 ngày ngài ngồi dưới cội bồ-đề khiến cho cuộc đời này được chuyển hóa, mà chính là 45 năm sau đó, khi đức Phật đi gặp gỡ và tiếp xúc với đủ các hạng người bần cùng, vua chúa, chiến sĩ, kẻ ăn mày... Gặp ai ngài cũng chia sẻ sự giác ngộ.

Vì thế, trở lại với bốn yếu tố mà tôi đã nêu, khi ngồi dưới cội bồ-đề là đức Phật phát huy ba yếu tố đầu: đạo hạnh, hạnh phúc và sự thật. Và 45 năm sau đó ngài phát triển yếu tố thứ tư, mang hạnh phúc vào cuộc đời. Và theo tôi đức Phật chính là khuôn mẫu của một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy ý nghĩa.

Nhưng ở đây tôi cũng phải cảnh giác các bạn, đôi khi nếu muốn tiếp xúc với hạnh phúc chân thật, các bạn cũng phải chịu khó từ bỏ cái máy nghe nhạc bỏ túi hay cái tivi màn hình rộng của mình!

Tu tập thế nào cho có kết quả ?

Hỏi: Tôi là một Phật tử và cũng đã hành thiền hơn hai mươi năm. Nhưng tôi chưa bao giờ thật sự kinh nghiệm được một sự an lạc lâu dài. Tôi cũng đã học hỏi và thực hành theo nhiều lời dạy của các thiền sư, nhưng sao thấy mình vẫn bị sai xử bởi những cảm xúc và thói quen cũ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: “Mục đích để làm gì đây?” Tôi cần phải làm gì bây giờ?

u

Dưới đây là câu trả lời của các bậc thầy có nhiều kinh nghiệm trong sự hướng dẫn tu học.

Blanche Hartman: Câu hỏi của bạn là câu hỏi chung của đa số chúng ta. Khi ta bắt đầu bước chân vào con đường tu học, lẽ dĩ nhiên ai cũng muốn có được một số kết quả nào đó. Có thể mục đích của ta là vì muốn được cải thiện, hay muốn khám phá những gì mình thiếu sót. Thật ra khi ta tu tập, hành thiền, chắc chắn là sẽ có một sự chuyển hóa. Chỉ có điều là sự chuyển hóa ấy có thể khác với ý ta nghĩ, hoặc không đúng theo kỳ vọng của ta mà thôi.

Bạn cũng không nói rõ là bạn có đang theo sự hướng dẫn của một vị thầy hay một tăng thân nào không, sự thực tập của bạn có đều đặn hay là thất thường, bạn có tham dự những khóa tu nhiều ngày hay không. Những điều ấy rất quan trọng, chúng có ảnh hưởng lớn đến con đường tu tập của bạn.

Mặc dù trong giai đoạn ban đầu chúng ta cần phải có một mục đích trong sự tu tập, nhưng nếu ta làm gì cũng phải có một mục tiêu thì điều đó có thể trở thành một trở ngại lớn trên đường tu học. Thiền sư Suzuki Roshi có nói: “Tự mỗi chúng ta đều rất vẹn toàn,” “Ta có tất cả những gì mình đang cần,” và “Ta đang sống như vậy là đầy đủ rồi.” Và cũng phải mất một thời gian khá lâu tôi mới thật sự hiểu thấu được chân lý ấy. Thiền sư Suzuki có khuyên chúng ta “hãy luôn cố gắng hết sức mình trong mỗi giây mỗi phút,” nhưng cũng đừng bao giờ có một kỳ vọng nào hết. Nhưng thế nào là cố gắng tu tập mà lại không có một mục tiêu hay kỳ vọng nào?

Như bạn đã tu tập hành thiền hơn hai mươi năm rồi, thì có lẽ bạn cũng đã thấy được phần sâu kín bên trong đã giữ bạn tiếp tục ở mãi trên con đường tu tập. Đó là gì? Nếu ta nhìn thấy được phần sâu kín ấy cho thật rõ là ta sẽ thấy được chính con người thật của mình, tự tánh của mình, nó sâu xa và rộng lớn hơn tất cả mọi ham muốn, kỳ vọng hay mục tiêu nào khác của ta.

Đôi khi có những lúc, trong chúng ta ai cũng bị những cảm xúc và tập quán, thói quen của mình sai xử. Nếu trong lúc ngồi thiền thì ta có thể thừa nhận sự có mặt của chúng, ghi nhận được cảm giác của chúng có mặt trên một phần nào đó trong cơ thể của mình. Và nếu ta biết sử dụng năng lượng của hơi thở và tâm từ, thì ta sẽ tạo nên một khoảng không gian rộng lớn để chúng được chuyển hóa. Những tập quán và thói quen có gốc rễ rất sâu xa và không dễ gì thay đổi ngay. Có một thiền sư nói rằng, sự tu tập của ta nhiều khi cũng giống như người đi quét rác gom lại thành đống, và rồi ta tìm một viên ngọc quý trong ấy. Nếu người xưa như vậy thì ngày nay ta cũng thế, có lẽ trong những đống rác dơ của mình cũng có một viên ngọc quý.

u

Tulku Thondup Rinpoche: Phẩm chất (quality) của sự tu tập quan trọng hơn là số lượng (quantity) của sự tu tập. Bạn có thể chỉ cần ngồi thiền mỗi ngày chừng 20 hoặc 30 phút thôi, nhưng hãy ngồi cho thật trọn vẹn 100%, và có một sự an lạc. Và rồi, trong đời sống thường ngày, bạn hãy thực tập khơi dậy và tiếp xúc lại với cái năng lượng an lạc trong lúc ngồi thiền ấy. Lúc đầu, bạn hãy tập khơi dậy trong vòng vài giây thôi, mỗi ngày chừng năm lần, cho dù bất cứ bạn đang làm gì hay ở đâu. Hãy thọ hưởng niềm vui và sự an lạc ấy.

Và rồi, trong những tháng kế tiếp, bạn hãy từ từ tập tăng thời gian khơi dậy cái năng lượng an lạc ấy lên, cho đến mười lần, hai mươi lần, hoặc nhiều hơn nữa. Khi bạn thực tập như vậy, năng lượng an lạc được tạo ra trong lúc ngồi thiền sẽ trở thành nền tảng cuộc sống của bạn. Điều đó sẽ thiết lập một nền móng an lạc, giúp ta có thể trở về nương tựa những khi ta va chạm với khổ đau trong cuộc đời.

Sự tu tập, hành thiền, dù ta không thấy kết quả gì lớn lao, nhưng bao giờ cũng có một ảnh hưởng. Khi ta thực hành cho chân chánh và đúng pháp, mặc dù ta không nhận thấy một kết quả nào to tát hết, nhưng nó vẫn có một tác động rất sâu sắc trong ta. Những khi ta gặp khổ đau, năng lượng an lạc ấy sẽ được khơi dậy và bảo hộ ta. Và ngay cả trong giây phút cuối trước cái chết – khi tâm ta không còn bị vướng mắc vào thân và hoàn cảnh chung quanh nữa – những năng lượng an tĩnh in sâu trong tâm nhờ năm tháng thực tập sẽ tự động khởi lên và soi sáng cho ta.

Nhưng chúng ta cũng nên thực tế một chút. Giả sử mỗi ngày ta bỏ ra một giờ để tu tập, hành thiền. Điều đó cũng có nghĩa là ta dành đến hai mươi ba giờ còn lại để lo toan, suy tính cho những việc khác. Và ngay trong một giờ ngồi thiền ấy, ta thật sự có được một sự an tĩnh nào không, hay lại cứ lo nghĩ về đủ mọi chuyện viển vông hoặc những buồn lo khác. Và nếu ta không hết lòng thực tập thì ta đâu có thể phiền trách hay đổ thừa rằng sự tu tập không có hiệu quả.

Điều căn bản là ta phải thực tập hết lòng và biết đem quả trái an lạc ấy áp dụng vào đời sống hằng ngày. Làm được như vậy ta mới có thể biến mỗi giây mỗi phút của sự sống thành một bánh xe pháp luân chuyển mãi.
u

Giúp đỡ người khác tu học

Hỏi: Tôi có một người rất thân đang gặp nhiều khó khăn và khổ đau, chị ta không tìm được một lối sống nào cho có hạnh phúc. Tôi tin rằng nếu chị ta bớt dính mắc và bớt quan trọng hóa những ý nghĩ của mình hơn, đời chị sẽ bớt khổ đau. Đây là điều tôi học được trong thiền tập. Nhưng tôi nghĩ là chị ấy chưa sẵn sàng để tìm hiểu đạo Phật hay tập thiền trong lúc này. Tôi rất muốn giúp chị và hướng dẫn chị vào con đường tu học. Tôi phải làm cách nào đây? Tôi không muốn giảng đạo Phật cho chị hay bắt chị ấy làm những việc gì mà chị ta chưa sẵn sàng.

Narayan Lebenson Grady: Câu trả lời ngắn gọn là bạn không thể ép buộc người khác học Phật hay ngồi thiền được.

Câu trả lời dài dòng là hành trình bước vào con đường tu học thật huyền bí và khó nghĩ bàn hơn là bạn tưởng! Nhưng nhiều khi chúng ta lại vô tình xua đẩy người khác ra xa con đường tu học, chỉ vì ta quá muốn kéo họ vào, vì ta nghĩ là nó mang lại ích lợi cho người kia. Cho dầu ta có ý tốt đến đâu!

Hãy tin vào sự chân thành của bạn. Khi bạn thành thật muốn làm vơi đi những khổ đau của người bạn mình, họ sẽ cảm nhận được tình thương và sự quan tâm của bạn. Và khi bạn cho rằng, chị ta sẽ ít gặp vấn đề nếu bớt quan trọng hóa những ý nghĩ của mình, cho dù việc ấy cũng dễ hiểu, nhưng bạn thấy không, đó cũng chỉ là một ý nghĩ của bạn mà thôi. Tôi không nói là nó sai, nhưng khi bạn dính mắc vào ý tưởng này, bạn sẽ không thể giúp ích gì nhiều nữa. Điều bạn có thể giúp cho chị ta là nhận diện được sự thật rằng chị ta chưa sẵn sàng bước vào con đường tu học. Tôn trọng điều ấy là một biểu hiện của tâm từ. Và nếu bạn nghĩ rằng chị ta có những khó khăn trong vấn đề tâm lý, bạn cũng có thể nhờ những sự giúp đỡ chuyên môn khác.

Nhưng đôi khi cách hay nhất để ta biểu lộ tâm từ là đừng cho một lời khuyên nào cả. Ta chỉ cần thật sự có mặt với người kia trong tĩnh lặng và cho phép người kia thật sự có mặt với chính mình. Tôi nhận thấy điều khó nhất trong cuộc đời này là ngồi yên nhìn người mình thương chịu khổ đau trong khi ta biết rằng có một lối thoát. Lẽ dĩ nhiên là tôi không khuyên bạn ngồi yên và đừng làm gì hết. Bạn vẫn tiếp tục sự thực tập của mình đó chứ! Và khi ta có được sự sáng suốt và tĩnh lặng, ta sẽ có thể giúp được người bạn kia bằng cách ban cho họ một không gian, môi trường an tĩnh và rộng lớn hơn.

Tình thương và sự chăm sóc của bạn phải là kết quả sự thực tập của chính mình. Sự tu tập của bạn giúp ích cho bạn như thế nào thì chúng cũng sẽ mang lại lợi ích cho người kia như thế ấy. Tôi chắc chắn là vậy! Nếu bạn lúc nào cũng hạnh phúc và an vui, thì rồi một ngày nào đó người kia sẽ thắc mắc và muốn biết nguyên do. Và lúc đó bạn có thể chia sẻ những gì bạn muốn! Thực tập qua sự sống của chính mình bao giờ cũng có hiệu lực hơn là lời nói suông.

Điều ấy có nghĩa là, thay vì nghĩ rằng sự tu học sẽ giúp cho đời sống của bạn mình được hạnh phúc hơn, ta hãy tự mình thực hành điều ấy. Khi nói đến vấn đề tình cảm cá nhân, sự buông bỏ bao giờ cũng là một sự thực tập đòi hỏi nhiều cố gắng.

Chỉ có một pháp

Joseph Goldstein là một trong những vị thầy sáng lập trung tâm Insight Meditation Society và The Forest Refuge tại Barre, Massachusetts. Ông cũng là tác giả của quyển Ba mươi ngày thiền quán và Kinh nghiệm thiền quán. Quyển sách gần đây nhất của ông có tựa là “Chỉ có một pháp” (One Dharma).

Dưới đây là lời chia sẻ của ông về những kinh nghiệm mà ông đã có qua sự tiếp xúc và thực tập theo nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau.

u
Hỏi: Lý do gì khiến ông viết quyển sách gần đây “Chỉ có một Pháp” (One Dharma) ?

Joseph Goldstein: Lý do thúc đẩy là vì tôi có một kinh nghiệm tu học với nhiều vị thầy thuộc các trường phái Phật giáo khác nhau, cũng như những dòng phái khác biệt trong các truyền thống như là Nguyên thuỷ (Theravada), thiền Zen và Tây Tạng. Tôi nhận thấy rằng những giáo pháp và những điều các vị thầy giảng dạy rất khác nhau và đôi khi lại trái ngược nhau, về những vấn đề như là tự tánh của tâm, tự tánh của ý thức và giải thoát... Vì vậy mà nhiều khi tôi không biết phải hành xử thế nào, khi những vị thầy mà tôi kính trọng nhất lại nói trái ngược nhau về những vấn đề mà tôi cho là chủ yếu nhất.

Phản ứng đầu tiên của tôi là tự hỏi: “Ai đúng đây?” Nhưng câu hỏi ấy cũng có nghĩa là, nếu có người này đúng thì người kia sai! Và tôi cũng đã tự dằn vặt mình về vấn đề này trong một thời gian khá lâu. Cuối cùng tôi ý thức rằng, mình sẽ không bao giờ có thể tìm được câu trả lời cho một chân lý tuyệt đối bằng sự phân tách hay lý luận. Tôi buông bỏ và không còn cố gắng tìm hiểu nó trên bình diện tri thức nữa. Một câu thần chú xuất hiện trong đầu, và tôi vẫn còn sử dụng cho đến ngày hôm nay trong sự thực tập cũng như khi đi giảng dạy: Ai biết được? Tự tánh giác ngộ của đức Phật là gì? Ai biết được! Ngày nào ta chưa thành Phật thì ta sẽ không bao giờ biết được. Và khi tôi chấp nhận được điều ấy, thay vì cảm thấy bối rối, tôi lại có cảm giác là mình đã buông bỏ được bao nhiêu là dính mắc. Tôi cảm thấy mình đã thật sự có thể cởi mở để tiếp nhận tất cả những giáo pháp khác nhau.

Và từ đó tôi bắt đầu hiểu rằng, tất cả những giáo pháp nên được xem như là những phương tiện thiện xảo hơn là những lời dạy về một chân lý tuyệt đối. Nếu chúng ta xem chúng như những chân lý tuyệt đối thì những lời dạy trái ngược nhau chắc chắn sẽ đưa đến một sự xung đột. Chúng ta cũng thấy rõ rằng những quan điểm phân biệt tông phái này đã làm nền tảng cho biết bao nhiêu sự xung đột trên thế giới ngày nay. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta thấy được chúng chỉ là những phương tiện giải thoát thiện xảo, thì ta có thể thu nhận những gì là có giá trị từ những lời dạy, mặc dù chúng có thể khác biệt nhau. Tiêu chuẩn duy nhất của chúng ta là lời dạy ấy có mang lại an lạc và giúp khai phóng tâm mình hay không!

Và điều này cũng khơi dậy một câu hỏi nữa: Khai phóng tâm mình hay giải thoát có nghĩa là gì? Theo kinh nghiệm thực tập của tôi qua nhiều truyền thống thì tôi thấy chỉ có nghĩa là: phát triển một tâm thức không bị dính mắc vào bất cứ việc gì.

Tôi nhớ đến một lời dạy của đức Phật: “Không nắm bắt hay dính mắc vào bất cứ điều gì và cho đó là tôi hay của tôi. Ai nghe lời dạy này là đã nghe toàn thể giáo pháp, ai thực hành theo lời dạy này là đã thực hành toàn thể giáo pháp, ai chứng đắc lời dạy này là đã chứng đắc tất cả.”

Cuối cùng thì lời dạy của đức Phật thật hết sức giản dị!

Hỏi: Có phải mỗi pháp môn hay truyền thống có tác dụng mạnh mẽ riêng đối với khuynh hướng của một số người nào đó chăng? Ví dụ như theo truyền thống Zen thì chúng ta đã giác ngộ rồi, và khi ta ngồi thiền là ta chỉ biểu hiện sự giác ngộ ấy mà thôi, trong khi một trường phái khác lại cho rằng chúng ta chưa giác ngộ và cần ngồi thiền để đạt đến trạng thái ấy.

Joseph Goldstein: Tôi thấy có hai đường lối tu tập. Một đường lối được gọi là “đáp từ trên xuống”, như là quan niệm chúng ta đã giác ngộ rồi và chỉ thực tập để biểu hiện điều ấy mà thôi. Và đường lối thứ hai gọi là “xây từ dưới lên”, theo cách này thì ta bắt đầu bằng cách ghi nhận những khổ đau của mình, và tinh tấn thực tập để chuyển hóa chúng.

Mỗi phương cách đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Nếu một người có quá nhiều khổ đau thì không nên khuyên họ cứ sống với bản tính thanh tịnh của mình. Tôi nghĩ như vậy sẽ không ích lợi gì lắm. Họ cần phải thực tập phát huy chánh niệm để thấy được những gì đang khởi lên trong mỗi giây phút và chuyển hóa những khó khăn.

Mặt khác, điều nguy hiểm của phương cách xây-từ-bên-dưới-lên này là người ta có thể ôm ấp khổ đau của mình chặt quá, và sự đối trị khổ đau ấy có thể khiến người ta lại củng cố thêm cái tôi, cái bản ngã. Đối với những người này, khi đúng lúc thì chỉ cần được nghe một giáo lý về tự tánh thanh tịnh của tâm thôi cũng có thể giúp họ thấy được sự trống rỗng của cái tôi.

Một giáo pháp thích hợp, hay là một phương tiện thiện xảo, thật ra hoàn toàn tùy thuộc vào nhu cầu riêng của mỗi cá nhân.

Hỏi: Quyển sách “Chỉ có một pháp” của ông cũng có tựa đề nhỏ là “Sự xuất hiện của Phật giáo Tây phương”, và ông nói rằng chúng ta rất may mắn đã được tiếp nhận rất nhiều truyền thống Phật pháp, Buddhadharma, khác nhau trên miền đất này. Nhưng có thể đó cũng là một điều nguy hiểm chăng, khi chúng ta có nhiều sự chọn lựa quá, có nhiều phương tiện thiện xảo quá?

Joseph Goldstein: Có nhiều phương pháp sẽ giúp ta có thể tìm được một đường lối riêng thích hợp với tánh tình cũng như thiên hướng của mình. Nhưng điều quan trọng là chúng ta nên chọn phương pháp nào hợp với mình, và thực tập theo cho đến khi ta có được một mức độ sâu sắc nào đó. Và đến một lúc nào đó, ta có thể học hỏi và thực tập thêm những truyền thống khác cũng rất tốt, nhưng nếu ta vội vàng quá thì điều đó chỉ tạo thêm những lộn xộn và rối rắm mà thôi.

Có những người tu học theo lối tài tử, cái gì cũng thực hành hết, một chút này rồi một chút kia, và rốt cuộc họ chẳng lãnh hội được một điều gì sâu sắc cả. Còn như khi ta đã có một căn bản thực tập vững chắc theo một truyền thống nào đó rồi, thì ta sẽ có thể tiếp thu và hòa nhập được những đường lối khác vào trong cùng một nền tảng ấy.

Hỏi: Làm sao một người biết được khi nào thì đến lúc họ có thể thử tìm học một phương pháp hay một giáo pháp mới?

Joseph Goldstein: Trước hết, chúng ta có thể tự biết được là nhờ kinh nghiệm của chính mình. Khi chúng ta vẫn còn mơ hồ và có nhiều nghi vấn trong sự tu học thì đó không phải là lúc nên pha lẫn thêm những phương pháp khác. Và một cách nữa là qua sự hướng dẫn của một vị thầy. Có nhiều học trò của tôi hỏi rằng họ có nên thực tập thêm một phương pháp khác không, và lời khuyên của tôi bao giờ cũng tùy theo sự thực tập sâu sắc của họ, cũng như điều đó có thích ứng với hoàn cảnh của họ ngay thời điểm đó hay không.

Mặc dù Phật giáo Tây phương còn ở giai đoạn mới đầu nhưng chúng ta cũng đã thấy các thiền sinh đang thực tập theo nhiều truyền thống khác nhau. Người ta thường nói thầy của mình là một vị Sayadaw của truyền thống Miến điện, Ajanh của Thái lan, Zen hoặc Tây Tạng, hay một vị giáo thọ thuộc một dòng phái nào đó. Và nếu như sự đa dạng ấy được cắm rễ trên một nền tảng thực tập vững chắc và sâu sắc của mỗi cá nhân thì điều ấy có thể mang lại rất nhiều lợi lạc.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, đối với một số người thì việc kiên trì theo một phương pháp, một truyền thống duy nhất suốt đời là điều hoàn toàn đúng. Không có phương pháp nào là cao hay thấp hơn một phương pháp khác. Tất cả chỉ là vấn đề phương tiện thiện xảo. Bất cứ phương pháp nào phát huy được sự vô chấp (non-clinging) đều là một con đường giải thoát. Theo tôi thì Phật giáo Tây phương sẽ có một đặc tánh cụ thể và thực dụng, điều đó đã từng là cá tính của nền văn hóa này.

Hỏi: Ông có thể nói rằng con đường thực tập của chính ông cũng là một ví dụ cho “Chỉ có một pháp” chăng?

Joseph Goldstein: Khi có ai hỏi tôi rằng phương pháp thực tập của tôi là gì – vipassana hay là dzogchen, tôi đáp: “Pháp môn của tôi là không nắm bắt.” Phương pháp thực tập thật ra chỉ đơn giản có vậy: không nắm bắt. Có những lúc tôi ý thức rằng mình đang bị dính mắc, và rồi không bị dính mắc, và cứ như vậy... Mặc dù phương pháp tôi sử dụng để thực hiện được điều ấy thì có thể thay đổi luôn: có khi tôi cảm thấy mình cần phải giữ tâm ở yên trên hơi thở; có những lúc khác tôi lại thấy thích hợp với việc an trú tâm mình trong một ý thức trống không và rộng mở hơn; đôi khi tôi lại cảm thấy muốn khai mở và tiếp xúc với những năng lượng trong thân qua phương pháp quán toàn thân (body scan). Những phương pháp ấy được hướng dẫn bằng trực giác, hoàn toàn không gián đoạn, tất cả như là một với nhau.

Khi tôi thử cố gắng cô đọng lại tinh hoa Phật pháp từ sự thực tập của chính mình, thì tôi thấy đó là chánh niệm, qua hình thức này hoặc hình thức khác, và sự biểu hiện của nó ra với cuộc sống chung quanh là tâm từ, và cốt tuỷ của nó là tuệ giác. Ba đặc tánh ấy – chánh niệm, tâm từ và tuệ giác – dường như là những yếu tố thiết yếu cho bất kỳ một sự thực tập nào.

Ba yếu tố ấy làm thành một biển Pháp, và tất cả những truyền thống khác giống như những dòng sông cùng đổ ra biển lớn. Những truyền thống khác nhau có thể nhấn mạnh yếu tố này hoặc yếu tố nọ, nhưng tất cả đều quyện chung với nhau thành một pháp duy nhất. Con đường giải thoát chỉ có một!

Ý nghĩa của sự tu học

Kết quả của công phu thực tập phải là một sự chuyển hóa nội tâm, giúp ta trở thành một con người tốt đẹp hơn. Sau những tháng năm thực tập, chúng ta phải trở nên bớt giận hờn hơn, bớt tự cao hơn, bớt ganh tỵ hơn... Sự thực tập phải giúp chúng ta có được một tâm an tĩnh và rộng lớn hơn.

Ví dụ, mục đích của việc ăn kiêng là để ta giảm cân, chứ đâu phải để ta thu thập kiến thức và trở thành một chuyên gia về tất cả những phương pháp ăn kiêng! Ta có thể nghe nói về những phương pháp ăn kiêng khác nhau, hoặc đọc thật nhiều sách hướng dẫn về ăn kiêng, nhưng ta sẽ không giảm được cân nào trừ khi ta biết mang chúng ra áp dụng vào nếp sống hằng ngày. Cũng tương tự như thế, nếu ta không thực hành theo những giáo pháp mình đã học, những cố chấp và cảm xúc tiêu cực của ta sẽ không bao giờ bớt đi, và những lời hướng dẫn, pháp môn, đều hoàn toàn vô ích, cho dù ta có tiếp nhận và hiểu sâu sắc bao nhiêu.

Đạo sư Dilgo Khyentse Rinpoche luôn nhấn mạnh vào sự quan trọng của việc thể nhập giáo lý vào tâm, và mang sự thực hành hợp nhất với đời sống hằng ngày. Mục đích của chúng ta là hòa nhập sự thực tập với giáo pháp, và mang phẩm chất thiền tập ấy vào trong mọi hành động của mình. Dharma, giáo pháp, phải được trở thành bản tánh tự nhiên thứ hai của ta. Chúng ta vẫn chưa thể hiện được điều ấy trong đời sống hằng ngày của mình, nếu như sau thời gian dài thực tập, ta vẫn nóng nảy bực dọc như xưa, và đôi khi còn tệ hơn nữa. Một dấu hiệu khác cho thấy sự thiếu sót này là ta không có được một cảm giác an lạc và tự tại. Một hành giả thực tập chân chánh thì ít nhất phải trở thành một con người tốt lành.

Ta có thể tưởng rằng mình đã làm chủ được phần nào tâm mình, hoặc có sự tiến bộ trên con đường thực tập, nhưng vừa khi đối diện với những khó khăn trong cuộc đời, những độc tố trong tâm lại nổi lên mạnh mẽ và lấn áp ta như xưa. Nếu như việc này có xảy ra, bạn hãy thử nhìn lại xem mình có tiến bộ hay thay đổi gì không? Ta có tự tại hơn xưa chút nào chăng? Ta có một niềm vui hay hạnh phúc nào trong tâm không?

Sau những năm tháng tu học, ta phải cảm nhận được một niềm an lạc nào đó, và bớt bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh. Sự tự do trong tâm sẽ mang lại cho ta những hạnh phúc rất sâu sắc, và niềm an lạc sẽ sinh ra khi những cảm xúc tiêu cực tan biến. Nếu không thì ta hoàn toàn vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của tu học.

Shechen Rabjam Rinpoche

Trái dâu thứ ba

Có nhiều học trò của tôi sau một thời gian tu học rồi lập gia đình, có sự nghiệp, và thường đến gặp tôi để xin được ban phước. Tôi cầu chúc cho họ được mọi điều tốt lành, và cũng kể cho họ nghe về hình ảnh của ba trái dâu.

Lúc khởi đầu ta có một trái dâu, và lẽ dĩ nhiên trái dâu này tự nó nằm rất vững vàng. Rồi ta có trái dâu thứ hai, ta cố gắng đem đặt nó lên trên trái dâu thứ nhất. Tuy hơi khó khăn một chút, vì ta không sử dụng một vật gì khác để gắn chúng lại với nhau, nhưng việc ấy cũng có thể được. Và rồi ta có một trái dâu thứ ba, ta cũng cố gắng đem đặt nó lên trên trái dâu thứ nhì. Việc ấy không phải là dễ nếu không muốn nói là không thể được. Trong lúc cố gắng đặt trái dâu thứ ba ấy lên, nhiều khi ta lại vô tình làm rơi cả trái dâu thứ hai xuống nữa.

Nhưng đối với những người tin vào một cuộc đời bất diệt, họ lại nghĩ rằng sẽ có lúc trái dâu thứ ba ấy nằm yên trên trái dâu thứ hai! Và rồi một ngày nào đó, sau khi đã cố gắng hàng triệu lần, kinh nghiệm bao nhiêu đớn đau, họ sẽ tỉnh dậy và nhìn lại thấy mình đã năm, sáu mươi tuổi, và trái dâu thứ ba ấy vẫn không thể nằm trên trái dâu thứ hai được. Tôi gọi đó là một sự tuyệt vọng. Và điều rất đáng buồn là khi ta nhìn lại cuộc đời mình và thấy không có được bao nhiêu chuyện để mừng vui.

Trong cuộc đời, đa số chúng ta thường cố gắng thu thập sao cho được thật nhiều, từ những mối liên hệ với người thân trong gia đình, bạn bè, cho đến sự thực tập, những ảnh hưởng, tiền bạc, vật chất... Đáng lẽ chúng ta phải ý thức rằng chỉ cần đạt được 10% những gì mình muốn thôi, cũng đáng để cho ta vui sướng rồi. Nhưng đa số chúng ta chỉ hài lòng khi nào đặt được trái dâu thứ ba nằm trên trái dâu thứ hai mà thôi! Điều đáng tiếc là trong xã hội ngày nay có biết bao nhiêu sách vở, phim ảnh nói về sự thành công của trái dâu thứ ba ấy, khiến chúng ta tin rằng rồi một ngày nào đó nó cũng sẽ xảy đến cho mình.

Và trên con đường tu tập cũng vậy, tôi thường nói với các học trò rằng sự giác ngộ phải là mục tiêu của mình. Nhưng mặc dù giác ngộ là nền tảng của sự tu tập, là một thiền sinh ta phải biết đừng mong cầu hay tìm kiếm một kết quả nào hết. Việc ấy lẽ dĩ nhiên không phải dễ. Nhưng khi ta mong cầu kết quả, dầu là trong sự thực tập hay bất cứ một công việc nào khác, là ta đang bị vướng mắc, điều đó sẽ trở thành một chướng ngại cho ta. Như tâm kinh Bát-nhã có nhắc nhở: “Không có trí, cũng không có đắc, vì không có gì là sở đắc.”

Điều ấy cũng có nghĩa là giác ngộ không phải là kết quả của sự tu tập. Khi ta có ý niệm rằng giác ngộ là “kết quả” của sự tu tập, điều đó sẽ trở thành một chướng ngại. Đó là một bài học lớn. Thật ra giác ngộ chính là sự cởi bỏ hết mọi thành đạt, mọi nút buộc trong ta. Ví dụ như trong kinh có nói đến Thập địa, dasabhumi, mười địa vị tu chứng của một vị Bồ Tát. Khi ta đạt đến địa vị thứ hai, điều đó không có nghĩa gì khác hơn là ta đã tháo gở được nút buộc của địa vị thứ nhất. Khi nào ta buông bỏ được địa vị thứ hai thì ta sẽ bước lên địa vị thứ ba. Và khi nào ta tháo mở được nút buộc của địa vị thứ mười, thì có lẽ đó được gọi là “giác ngộ.”

Giác ngộ không phải là một kết quả, mà nó chính là tự tánh chân thật của ta. Và vì vậy mà có gì để ta gọi là đạt được đâu, vì nó bao giờ cũng vẫn là của ta?

Nếu chúng ta làm việc gì cũng muốn hướng đến kết quả (result-oriented) thì thái độ ấy lại chính là một trở ngại lớn. Mà thật ra không những chỉ là một trở ngại, nó còn là một thỏi nam châm thu hút thêm nhiều chướng ngại khác nữa.

Trên con đường tu học, sự mong cầu sẽ làm lên men và tạo nên những sự mê mờ rất vi tế, cũng giống như một thứ rượu nho giữ cất lâu ngày, khiến ta không còn nhận thấy được những hạnh phúc đang có mặt trên con đường mình đang đi.

Dzongsar Khyentse Rinpoche

Ta giúp gì được ai?

Là một người thầy, mỗi khi nhìn học trò và thấy họ bị vướng mắc trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm giúp họ thoát ra và tiến bước trên con đường tu học. Nhưng rồi tôi khám phá rằng, cũng giống như một người mẹ không cánh tay đứng nhìn đứa con mình bị chết đuối, tôi chỉ có thể cảm thấy thương xót mà thôi. Thật ra, tôi không có quyền lực gì để cứu vớt được ai hết.

Khi còn là một tu sĩ trẻ và đầy lý tưởng, tôi nghĩ rằng mình có thể mọc ngàn tay để giúp đời, mặc dù trong giáo pháp có một hình ảnh về một người mẹ không cánh tay. Nhưng tôi nghĩ: “Ví dụ ấy sẽ không thể nào áp dụng cho tôi được! Tôi có thể trở thành một siêu nhân. Tôi có thể mọc ngàn tay để cứu vớt mọi người.”

Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu được chân lý sâu xa của tỷ dụ ấy. Mỗi người có một cuộc sống riêng. Cuộc sống của ta là cuộc sống của riêng chính ta. Không ai có thể giải thoát ta ra khỏi hoàn cảnh của mình được hết. Hãy tin tôi đi! Tôi đã từng gắng hết sức mình để giúp người khác thoát ra những vướng mắc và khổ đau của họ, và đôi khi chỉ làm cho vấn đề rắc rối thêm mà thôi.

Những khi có một ai đang gặp khó khăn, nếu họ chọn mang một đôi giày tây bóng láng và bước đi trên một con dốc đóng băng trơn trợt, thì chuyện ta có thể làm là cầu nguyện cho họ. Mang giày đế bằng da đi trên băng đá thì chuyện trượt ngã là điều không tránh được. Họ có thể đứng lên rồi lại trượt ngã, tuột sâu hơn xuống con dốc của khổ đau. Tôi thấy có những trường hợp là như vậy, và không có một cách nào khác hơn được. Người ấy đã nhất định tự chọn cho mình một hoàn cảnh ấy, họ bằng lòng và vui được như thế. Điều mà ta có thể làm là có tình thương đối với họ. Nếu như ta trách móc và chỉ cho họ thấy những quyết định của họ sẽ dẫn đến khổ đau, tôi nghĩ cũng giống như ta xát muối vào vết thương thôi. Điều đó chỉ tạo thêm cho họ những sự căng thẳng. Họ có thể tự bảo rằng: “Tôi đâu có vấn đề gì đâu, tôi rất hạnh phúc với sự chọn lựa của tôi. Tại sao tôi phải nghe những lời phê phán, chỉ trích của kẻ khác, trong khi tôi thấy mình đang có hạnh phúc?” Thật ra thì tôi nghĩ chúng ta có thể tránh những sự căng thẳng không cần thiết ấy. Nếu tôi có thể làm được gì để giúp người ấy, thì đó là chăm sóc họ bằng cách phóng tâm từ và sự cầu nguyện của mình.

Là một người thầy, tôi hy vọng những học trò của mình sẽ thấy và hiểu được điều này. Một người học trò nên theo dõi và quan sát sự thực tập của thầy mình. Ta học những điều ấy từ thầy mình và rồi mang chúng áp dụng vào cuộc sống của chính ta. Trong giáo pháp của Phật thì mỗi người phải tự mình thực tập và tự mình giải thoát, không một ai có thể làm được việc ấy cho ta, dầu họ có quyền năng đến đâu.

Ngoài vấn đề truyền dạy ra, tôi không có một tiếp xúc cá nhân nào với các học trò của tôi. Tôi dành thì giờ của mình để ngồi trên toạ cụ thực tập, và cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là những ai có liên hệ trực tiếp với tôi. Và khi tôi làm những việc khác cũng chỉ là để thể hiện một nguyện ước đó thôi. Tôi hy vọng rằng phương pháp của tôi sẽ giúp được sâu sắc cho các học trò của mình hơn, thay vì là đi chơi với họ đến các quán ăn, tham gia vào các cuộc vui, hoặc là hướng dẫn họ qua những tiến trình tâm lý vô cùng tận. Nếu như ta cứ đi theo một tiến trình mà không có một nơi chấm dứt, thì điều đó sẽ mang lại ích lợi gì? Điều mà chúng ta có thể làm là ngồi xuống thực tập trên tọa cụ của mình, và nó sẽ giúp ta chấm dứt hết tất cả.

Dzigar Kongtrul Rinpoche

Đi tìm một trái ớt ngọt

Một trong những câu chuyện mà tôi thích nhất là chuyện ông Nasrudin, một tu sĩ môn phái thần bí Sufi của Islam.

Một hôm, người ta thấy ông Nasrudin ra ngồi giữa chợ, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, và trước mặt ông là một giỏ ớt thật to. Mỗi lúc ông lại đều đặn đưa tay vào giỏ lựa một trái ớt bỏ vào miệng nhai, rồi ông lại khóc kêu lên thật to, không kềm chế được.

Những người bạn đi ngang qua thấy vậy ghé lại hỏi: “Nasrudin, ông làm gì thế, ông có điên không vậy?” Nước mắt nước mũi vẫn tuôn chảy, ông nói giọng thều thào: “Tôi cứ muốn ăn những trái ớt này, vì hy vọng rồi sẽ tìm được một trái ớt ngọt.”

Tôi nghĩ câu chuyện của ông Nasrudin có hai mặt. Nasrudin là một người rất dại khờ mà cũng là một người rất có tuệ giác. Việc ông làm có hai ý nghĩa: một ý nghĩa rất rõ ràng ai cũng thấy, và một ẩn ý khác sâu sắc, tinh tế hơn.

Ý nghĩa thứ nhất của câu chuyện thì chúng ta ai cũng hiểu. Nó cũng chính là cái thông điệp căn bản của đạo Phật: lòng ham muốn sẽ không bao giờ chịu học hỏi, nó sẽ không bao giờ khôn ra! Kể cả những khi mà nó không thu đạt được một ích lợi nào cả, ngoại trừ sự khổ đau, lòng ham muốn vẫn cứ lì lợm đeo đuổi mục đích riêng của nó. Thái độ chạy đuổi không biết mệt mỏi theo những thú vui ấy khiến người ta có thể làm những việc rất lạ lùng và điên rồ.

Câu chuyện của ông Nasrudin là một ví dụ rất điển hình cho cuộc đời của chúng ta: giả vờ như câm như điếc trước mọi tuyệt vọng, ta nhất định đi tìm một trái ớt ngọt. Trong khi những người bạn đi ngang qua nhìn ông với một con mắt kinh dị, tại sao ông không dừng lại có phải tốt hơn không? Qua câu chuyện này, ông Nasrudin muốn dạy chúng ta một bài học. Chính lòng ham muốn là sợi dây trói buộc ta vào bánh xe của khổ đau. Và mặc dù chúng ta thấy rõ rằng chúng mang lại cho mình khổ đau, nhưng ta vẫn không tài nào thuyết phục mình buông bỏ để thoát ra được. Cũng giống như nhà phân tâm học Freud thường nói, giữa sự ham muốn và sự thoả mãn có một khoảng cách không bao giờ có thể nối liền được.

Nhưng thái độ lì lợm của ông Nasrudin là một ví dụ cho ta thấy rằng buông bỏ sự ham muốn trong cuộc đời là một việc dường như bất khả thi. Theo tôi thì Nasrudin là một thiền sư nhiều tuệ giác chứ không phải một người ngu khờ như ta nghĩ. Dầu muốn hay không, ông ta nói rằng, lòng ham muốn sẽ không bao giờ để cho chúng ta yên. Nó mang lại cho ta hy vọng và không bao giờ bằng lòng với câu trả lời “không” của mình!

Nếu nghiệm cho kỹ thì câu chuyện của ông Nasrudin chỉ cho ta thấy cả hai khía cạnh của vấn đề: sự bất toại nguyện của lòng ham muốn và lối thoát ra khỏi nó. Lòng ham muốn của ông không hề bị lay chuyển, mặc dầu nó đã mang lại cho ông những thống khổ. Trong lời than van của ông, trong sự chấp nhận khổ đau cũng như hy vọng về một trái ớt ngọt, có ẩn chứa một tuệ giác về sự ham muốn. Nasrudin không hề hối tiếc về sự ham muốn của mình, ông vẫn tiếp tục mà không chút do dự, mặc dù trước những khổ não rõ rệt. Và ông cũng không hề chống cự hoặc trốn tránh nó. Khổ đau và hy vọng, cả hai đều có mặt. Mặc dù thấy rất rõ sự điên rồ của mình, Nasrudin vẫn cứ tiếp tục. Dường như ông nhận thấy rằng, mặc dù than khóc và chảy tuôn nước mắt, nhưng trong sự tìm kiếm ấy có mang lại cho mình một thú vui nào đó.

Tôi thích câu chuyện của ông Nasrudin vì nó nói lên một sự thật phủ phàng và cũng rất là quyến rũ của sự ham muốn. Là một nhà tâm lý trị liệu và cũng là một bác sĩ phân tâm học, hằng ngày tôi phải đối diện với những bệnh nhân mà câu chuyện của họ cũng tương tự như ông Nasrudin vậy. Họ cứ tiếp tục có những hành động và thái độ mà bất cứ ai có chút suy nghĩ đều biết là nên dừng lại ngay. Những thất vọng và bức xúc của họ tuôn trào ra trong phòng bệnh của tôi như nước mắt của ông Nasrudin. Lắm lúc tôi cũng muốn nói to lên như những người bạn của Nasrudin: “Vậy sao không dừng lại đi?” Tôi muốn nói với họ: “Tại sao không buông bỏ đi mà cứ đeo đuổi nó làm gì cho khổ?”

Là một bác sĩ không phải chỉ chịu ảnh hưởng của môn phân tâm học Tây phương, mà còn hiểu được tuệ giác của đạo Phật, tôi có thể dễ dàng nhìn thấy được việc ấy. Đức Phật dạy, con dường duy nhất để chấm dứt khổ đau là buông bỏ sự ham muốn của mình. Buông bỏ là con đường của hạnh phúc. “Tại sao ta lại đi tìm kiếm hạnh phúc nếu chính sự tìm kiếm ấy lại là cái nguyên nhân của khổ đau.” Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với bệnh nhân của mình, tôi nhận thấy rằng, mặc dù sự ham muốn mang lại cho ta nhiều khổ đau, nhưng ta không nên và cũng không thể nào dễ dàng buông bỏ nó.

Khi ta chối bỏ một phần nào của mình, nó sẽ vẫn còn dai dẳng có mặt như một cái bóng của ta. Cũng vậy, ta sẽ không thể nào tiêu diệt được lòng ham muốn bằng cách giả vờ rằng nó không hề có mặt. Vấn đề là ta phải đối diện, chấp nhận và chuyển hóa nó. Vì cũng như người Pháp có câu: “Chassez le naturel, il revient au galop.” Xua đuổi sự tự nhiên đi, nó sẽ phi nước đại trở lại với ta.

Mark Epstein

Việc khó khăn của một giáo sư

Tôi đã dạy những lớp về đạo Phật trong đại học gần ba mươi lăm năm nay, nhưng đôi khi tôi vẫn tự hỏi rằng, không biết mình có thật sự trao truyền được những tinh hoa của giáo pháp tâm từ này đến với các sinh viên không. Nói một cách khác, tôi thấy mình thường hay thắc mắc, một lớp trong trường đại học dạy về đạo Phật, nó có mang tính cách gì là “Phật tử” chăng?

Tôi thường tự hỏi, những học giả tu tập theo đạo Phật như chúng tôi trong một học viện, đang cố gắng đóng góp những yếu tố hay năng khiếu đặc biệt gì trong vấn đề học Phật cho các sinh viên, qua những lớp học này? Có phải chúng tôi chỉ mong mỏi họ hiểu hết được những danh từ chyên môn Phật học, biết được một vài giáo lý quan trọng của dharma, hay là bằng một cách nào đó, thật sự tiếp xúc được sâu sắc với cốt tủy của đạo Phật?

Trong kinh, đức Phật dạy các đệ tử rằng: “Ehi passika”, có nghĩa là “Hãy đến và tự thấy!” Và Ngài cũng có trình bày rất rõ về đường lối học Phật là phải như thế nào.

“Này các ông, các ông đừng tin một điều gì vì nghe phỏng; đừng tin một điều gì vì nó là tập quán lưu truyền; đừng tin một điều gì vì được nhiều người nhắc đi nhắc lại; đừng tin một điều gì vì đó là bút tích của thánh nhân; đừng tin một điều gì vì đó là thói quen đã có từ lâu; đừng tin một điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng do một thần linh nào đó khai thị cho ta; đừng tin một điều gì vì đó là do các thầy có uy tín dạy.”

Mặc dù đầy thách đố, nhưng chắc chắn đó không phải là những nguyên tắc đang được áp dụng trong chương trình ở các lớp đại học. Và ngược lại, các vị giáo sư, cũng như sinh viên, lại dựa trên một “kiến thức xác định sẵn có” để làm nền tảng giảng dạy và học hỏi.

Nhưng không phải ý tôi nói rằng, vấn đề nghiên cứu tri thức trong sự học Phật là không tốt. Thật ra việc ấy cũng cần thiết lắm chứ! Trong đạo Phật khả năng suy luận tư duy (critical reasoning) cũng được đặt lên rất cao. Mỗi khi ta đọc kinh, ta thấy đức Phật thường nhắc đi nhắc lại về sự quan trọng của một tư duy chân chánh và sự phát triển tuệ giác. Nhưng dĩ nhiên, những suy luận vòng vo cũng có giới hạn của chúng, và Niết-bàn là vượt ra ngoài mọi ý niệm. Tư duy và suy luận suông sẽ không bao giờ mang ta đến Niết-bàn, cho dù ta có tôi luyện sâu sắc đến đâu, nó cũng sẽ không thể giúp ta thoát ra khỏi vòng sanh tử này.

Những giáo sư Phật học không phải là những bậc thiện tri thức, như các vị lamas hay geshes, có khả năng hướng dẫn và giải thoát cho học trò của mình. Nhưng có lẽ mục đích chánh của các vị giáo sư không phải là để trao truyền cho các sinh viên một kinh nghiệm nào hết, mặc dù đó là một điều thiết yếu và cũng là tuệ giác trong việc học Phật. Chúng tôi đâu thể nào ngồi trên tọa cụ thế cho những sinh viên của mình. Và nếu như họ không thực tập ngồi thiền, thì họ, và cả chúng tôi nữa, thật sự đang làm gì đây?

Thỉnh thoảng tôi cũng tạo những dịp cho các sinh viên cùng ngồi thiền với tôi. Lẽ dĩ nhiên là những cơ hội này hoàn toàn nằm ngoài lớp học và các sinh viên muốn tham dự hay không là tùy ý họ, không bị bắt buộc. Những trường đại học chúng ta ngày nay thôi không còn là những viện thần học như xưa nữa, trong thời đại khoa học và hiện đại này, mỗi khi ta đề cập đến vấn đề kinh nghiệm tâm linh, điều đó thường bị nhìn dưới một ánh mắt rất ngờ vực.

Tuy vậy, thay vì chỉ hướng dẫn cho các sinh viên bàn thảo và tranh luận về ý niệm của Phật tánh, tôi ước gì, bằng một cách nào đó có thể giúp họ khám phá ra Phật tánh của chính mình. Nếu tôi có quyền quyết định, tôi sẽ bắt buộc các sinh viên phải tham dự một khóa tu thiền quán mười ngày, song song với việc tham gia lớp Phật học, để có thể như ông Phillip Moffitt chia sẻ: “Học hỏi bằng chính tự thân của mình”. Chúng ta đã học quá đầy đủ và suy luận quá nhiều rồi!

Ngày xưa, bài kinh đức Phật dạy đầu tiên về thiền tập là bài kinh Satipatthana Sutra, tức kinh Bốn lãnh vực quán niệm, và đó cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Tôi thường nghĩ rằng phương pháp vipassana, thiền quán, (và dĩ nhiên cùng với kết quả của nó là metta, tâm từ) là những pháp môn rất lý tưởng cho người Tây phương, vì nó không bị ảnh hưởng nặng nề về vấn đề văn hoá. Đây là những pháp môn thực tập đơn giản, trực tiếp và tức thì – đó cũng chính là hiện thân của trái tim đạo Phật.

Nhưng nói cho cùng thì mặc dù chúng ta có thể trình bày rất chi tiết và rõ ràng về nó, nhưng ta không thể nào đơn giản trao truyền cái thấy của đạo Phật được. Một cái thấy không những khiến đạo Phật khác với các truyền thống khác, mà còn có thể mang ta đến an lạc và giải thoát. Nếu như đức Phật có khả năng làm cho ta giác ngộ thì tất cả chúng ta đã được giác ngộ hết rồi. Nhưng ngay chính đức Phật cũng không thể làm được việc ấy. (Thật ra thì tất cả chúng ta đều đã giác ngộ rồi đó, chỉ có điều là mình chưa ý thức được đó thôi). Trước khi ra đi, Ngài khuyên mỗi chúng ta nên tinh tấn thực hiện việc giải thoát cho chính mình. Trong môi trường của một lớp đại học thì chúng tôi chỉ có thể khuyên các sinh viên của mình nên đi tìm một trung tâm thiền tập.

“Hãy tinh tấn!” Tôi vẫn nói với các sinh viên của mình vào mỗi cuối khóa học. “Hãy tinh tấn, và tử tế với nhau.”

Jan Willis

    « Xem chương trước «      « Sách này có 5 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 13.59.62.63 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...