Dầu mưa bằng tiền vàng, Các dục khó thỏa mãn. Dục đắng nhiều ngọt ít, Biết vậy là bậc trí.Kinh Pháp cú (Kệ số 186)
Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kinh Lời dạy cuối cùng
Nếu quyết tâm đạt đến thành công đủ mạnh, thất bại sẽ không bao giờ đánh gục được tôi. (Failure will never overtake me if my determination to succeed is strong enough.)Og Mandino
Đừng chọn sống an nhàn khi bạn vẫn còn đủ sức vượt qua khó nhọc.Sưu tầm
Thường tự xét lỗi mình, đừng nói lỗi người khác. Kinh Đại Bát Niết-bàn
Một số người mang lại niềm vui cho bất cứ nơi nào họ đến, một số người khác tạo ra niềm vui khi họ rời đi. (Some cause happiness wherever they go; others whenever they go.)Oscar Wilde
Khi ăn uống nên xem như dùng thuốc để trị bệnh, dù ngon dù dở cũng chỉ dùng đúng mức, đưa vào thân thể chỉ để khỏi đói khát mà thôi.Kinh Lời dạy cuối cùng
Nhiệm vụ của con người chúng ta là phải tự giải thoát chính mình bằng cách mở rộng tình thương đến với muôn loài cũng như toàn bộ thiên nhiên tươi đẹp. (Our task must be to free ourselves by widening our circle of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature and its beauty.)Albert Einstein
Không nên nhìn lỗi người, người làm hay không làm.Nên nhìn tự chính mình, có làm hay không làm.Kinh Pháp cú (Kệ số 50)
Thật không dễ dàng để tìm được hạnh phúc trong chính bản thân ta, nhưng truy tìm hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào khác lại là điều không thể. (It is not easy to find happiness in ourselves, and it is not possible to find it elsewhere.)Agnes Repplier

Trang chủ »» Danh mục »» THUYẾT GIẢNG GIÁO PHÁP »» Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng »» Đại sư thứ mười bảy: URGYEN TRINLEY DORJE (1985 - ) »»

Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng
»» Đại sư thứ mười bảy: URGYEN TRINLEY DORJE (1985 - )

Donate

(Lượt xem: 6.407)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Các vị đại sư tái sinh Tây Tạng - Đại sư thứ mười bảy: URGYEN TRINLEY DORJE (1985 - )

Font chữ:

Đức Karmapa đời thứ mười bảy sinh ngày 8 tháng 5 năm Mộc Sửu theo lịch Tây Tạng, nhằm ngày 26 tháng 6 năm 1985, tại Lhathok, thuộc miền đông Tây Tạng, trong một gia đình du mục. Cha ngài tên là Karma Dưndrub và mẹ là Gazi Loga. Gia đình ngài sinh sống nhờ vào việc nuôi dưỡng một đàn bò khoảng 80 con, liên tục di chuyển từ vùng này đến vùng khác trên đồng cỏ bao la, thay đổi tùy theo bốn mùa trong năm.

Gia đình ngài được kính trọng trong số khoảng 70 gia đình du mục cùng sống chung với nhau thành đoàn, với khoảng hơn 400 nhân khẩu. Những người dân du mục này dễ dàng được nhận ra với làn da rám nắng và đôi gò má lúc nào cũng ửng đỏ. Cuộc sống của họ gắn liền với những lều trại liên tục di chuyển trên thảo nguyên.

Mặc dù vậy, theo một tập quán đã có từ lâu đời, ông bà Dưndrub đã mang đứa con trai đầu tiên đến tu viện Kampagar của dòng Nyingma, một trong các tu viện của Khamtrul Rinpoche để chuẩn bị cho việc trở thành một tăng sĩ trong tương lai. Sau đó, họ lần lượt hạ sinh cả thảy 5 đứa con, nhưng tất cả đều là con gái. Hết lòng mong muốn có được một đứa con trai, họ tìm đến đại sư Karma Norzang để thỉnh cầu sự giúp đỡ. Vị đại sư này nổi tiếng là Milarepa tái sinh. Ngài ban cho họ những lời khuyên, và họ đã cố gắng hết sức mình thực hiện đúng những lời khuyên ấy.

Theo lời khuyên của đại sư Karma Norzang, ông bà Dưndrub thường xuyên cầu nguyện, lễ bái, và kèm theo đó là bố thí cho người nghèo khó, thí thức ăn cho loài vật như chim, cá... và họ cũng hành hương đến thánh địa Lhasa. Họ đã thực hiện những việc này với tất cả sự thành tâm cầu nguyện, nhưng có lẽ những hạt giống tốt lành ấy vẫn còn chưa đủ thời gian để nảy mầm, nên đứa con tiếp theo của họ vẫn là con gái.

Vào lúc ông bà Dưndrub muốn tiếp tục thỉnh cầu sự ban phước để có được một đứa con trai thì đại sư Karma Norzang đã viên tịch. Vì thế, họ tìm đến để thỉnh cầu sự chỉ dạy của đại sư Amdo Palden, vị trụ trì ở tu viện Kalek, một tu viện dòng Karma Kagyu, vốn trước đây thuộc về đức vua Lhatok. Thoạt tiên, đại sư Amdo Palden không dám chắc rằng có thể giúp được gì cho trường hợp của hai người, nhưng sau nhiều lần thiền định quán chiếu ngài chấp nhận giúp hai người đạt được ý nguyện. Ngài nói rằng, họ có thể sinh được một người con trai, nhưng phải hứa chắc là sẽ giao đứa bé cho ngài chăm sóc và nuôi dưỡng. Ông bà Dưndrub vui mừng chấp nhận và hứa chắc với ngài là họ sẽ làm như vậy. Đại sư Amdo Palden liền tổ chức một buổi lễ ban phúc cho họ.

Không bao lâu sau đó, bà Gazi Loga mang thai. Trong thời gian mang thai, bà nằm mộng thấy 3 con hạc trắng bay đến dâng lên cho bà một bát sữa chua. Trên mặt váng sữa, bà nhìn thấy những dòng chữ sáng rực màu vàng, cho biết rằng bà sắp sinh ra một người con trai. Những con hạc trắng nói với bà rằng chúng được Guru Rinpoche sai đến để báo trước việc bà sẽ hạ sinh một bé trai, nhưng bà cần phải giữ kín điều này cho đến thời điểm thích hợp trong tương lai.

Một lần khác, bà mơ thấy có 8 biểu tượng tốt lành xoay quanh trong một vầng sáng cầu vồng bảy sắc tỏa ra từ vị trí trái tim của bà.

Một đêm trước khi ngài sinh ra, cha ngài nhìn thấy những vầng sáng cầu vồng trên mái lều họ đang ở. Ông vô cùng ngạc nhiên vì mặt trời đã khuất sau dãy núi từ lâu.

Đứa bé được sinh ra một cách dễ dàng, không đau đớn, ngay trước lúc những tia nắng đầu tiên chiếu sáng căn lều. Cùng lúc ấy, một con chim lớn đậu xuống nóc lều và cất tiếng hót lảnh lót.

Hai ngày sau đó, trong không trung bỗng vang lừng âm thanh êm dịu và trầm ấm như tiếng tù và bằng vỏ ốc. Tất cả những người dân du mục quanh đó đều nghe thấy. Đức Karmapa đời thứ mười sáu đã có mô tả về âm thanh này trong bức di thư của ngài khi nói rõ về sự tái sinh sắp tới. Thoạt tiên, những người bên ngoài đều nghĩ rằng âm thanh ấy xuất phát từ bên trong căn lều, và những người trong lều lại cho rằng nó vang lên từ bên ngoài. Nhiều người liên tưởng đến tiếng lễ nhạc thường được cất lên khi có sự xuất hiện của các vị Lạt-ma cao cấp, nhưng họ lại không nhìn thấy gì cả. Chỉ sau đó, mọi người mới biết là âm thanh kỳ diệu kia đã vọng xuống từ không trung. Âm thanh kỳ diệu này kéo dài qua buổi trưa và đến hơn 2 giờ sau đó. Rồi những cánh hoa tươi bỗng xuất hiện và rơi xuống từ giữa không trung. Và không lâu sau đó, mọi người đều nhìn thấy giữa không trung xuất hiện cùng lúc 3 mặt trời chói lọi, với một vầng sáng bảy màu bao quanh mặt trời ở giữa. Hiện tượng này không chỉ được nhìn thấy bởi những người trong vùng, mà tất cả những người dân ở miền đông Tây Tạng đều xác nhận là họ cũng nhìn thấy.

Khi ông Dưndrub và bà Loga tìm đến đại sư Amdo Palden để xin ngài ban một tên gọi cho đứa con trai mới ra đời, theo như tập quán của người dân Tây Tạng, ngài bảo họ rằng đây là một đứa bé rất đặc biệt nên một vị trụ trì tầm thường như ngài không nên đặt tên cho nó. Ngài nói rằng, phải là một bậc thầy vĩ đại như vị Tai Situpa mới có thể đặt tên cho đứa trẻ này, và vì thế họ nên chờ đợi cho đến lúc điều đó có thể được thực hiện.

Nhưng dù sao cũng cần có một tên gọi tạm thời cho đứa bé, nên cha mẹ ngài liền sử dụng tên gọi mà người chị của ngài bảo rằng đã nhận được từ một người bên bờ sông ngay sau khi ngài vừa được sinh ra. Tên gọi ấy là Apo Gaga, trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “đứa em trai mang lại niềm vui”.

Từ khi còn rất nhỏ, Apo Gaga đã tỏ ra vô cùng đặc biệt, với những năng lực và dự cảm phi thường. Chẳng hạn, ngài có thể nói chính xác cho mọi người biết chỗ để tìm kiếm những con cừu hay gia súc bị lạc mất. Điều tất nhiên là khi tin đồn này loan ra, tu viện Kampagar nơi cha mẹ ngài đang sống liền đề nghị cha mẹ ngài cho ngài đến tu viện để được nuôi dưỡng và đào tạo theo phương thức đặc biệt nhằm có thể trở thành một vị Lạt-ma mang lại hạnh phúc và lợi ích cho nhiều người. Nhưng vào lúc đó, đại sư Amdo Palden nhắc lại lời hứa trước đây của cha mẹ ngài, và nhận đưa ngài về tu viện Kalek để ông tự tay chăm sóc và nuôi dạy.

Tu viện Kalek nằm cách xa nơi gia đình ngài đang ở nên có phần bất tiện, nhưng cha mẹ ngài vẫn nhớ lời đã hứa và đồng ý gửi ngài cho đại sư Amdo Palden. Dù vậy, để yên lòng hơn họ liền tìm đến một vị tiên tri rất giỏi trong vùng và hỏi về tương lai đứa bé. Vị này nhìn thấy một vỏ ốc lớn màu trắng với vòng xoáy theo chiều kim đồng hồ, và dự báo rằng Apo Gaga sẽ là người mang đến lợi ích lớn lao cho rất nhiều người, nhưng tương lai của đứa bé chưa thể biết rõ trước lúc 8 tuổi. Cách tính tuổi của người dân Tây Tạng cũng tương tự như cách tính theo âm lịch của người Việt Nam, nên năm dự báo của vị tiên tri này là năm 1992.

Em bé Apo Gaga trải qua khoảng 4 năm được dạy dỗ đặc biệt ở tu viện Kalek, với sự dẫn dắt của một vị Lạt-ma tái sinh chưa được biết đến. Ngài có một cái ngai nhỏ trang trọng ở bên cạnh điện thờ chính để ngồi và một người hầu lúc nào cũng ở bên cạnh để giúp ngài trong mọi việc. Ngài không được phép tham gia các trò chơi đùa thông thường như những đứa trẻ khác, và tất cả bọn chúng lúc nào cũng bày tỏ sự kính trọng đối với ngài.

Thỉnh thoảng ngài có đến thăm gia đình ở nơi làng du mục đang sống. Những lúc này, cha ngài kể lại rằng ngài thường chơi đùa bằng cách xây lên những tu viện tí hon với đất và đá, hoặc tự làm một cái ngai nhỏ rồi ngồi lên đó và đọc những lời cầu nguyện. Họ cũng kể rằng ngài thường cưỡi trên lưng những con thú chạy lên đồi, và thường khóc khi thấy chúng bị đánh đập hay giết hại. Ngài luôn biểu lộ lòng từ bi, thương yêu tất cả. Ngài tỏ ra đặc biệt quan tâm đến cây cối, thường xuyên trồng và chăm sóc những cây xanh. Ngài cũng bày tỏ sự không hài lòng khi nhìn thấy có ai chặt phá cây cối. Những dòng suối nhỏ thường xuất hiện ở những nơi ngài trồng xuống nhiều cụm cây xanh.

Vào năm 1992, ngài bỗng nhiên thúc giục cha mẹ phải dời đến đồng cỏ mùa hè sớm hơn một tháng so với dự tính, nhưng không giải thích lý do. Mặc dù không hiểu vì sao, nhưng cha mẹ ngài vẫn nghe lời và dời trại sớm hơn. Chính điều này đã giúp họ đến đúng vị trí dự báo trong di thư của đức Karmapa đời thứ mười sáu, và đúng vào lúc phái đoàn tìm kiếm ngài cũng vừa đến đó.

Apo Gaga đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để ra đi. Ngài sắp xếp gọn gàng một số đồ vật, hành lý ngay trước khi nhóm đi trước của phái đoàn tìm kiếm ngài đến nơi. Ngài thức dậy sớm hơn vào hôm đó và xếp gọn một số quần áo rồi đặt lên lưng con dê của mình, một con dê đặc biệt không có sừng, và nói với mẹ rằng những tu sĩ của ngài đang đến, và ngài đã sẵn sàng để lên đường đi với họ về tu viện của mình. Ngài nói, nếu có thể được thì ngài sẽ mang theo một vài vật kỷ niệm của tu viện Kalek. Người anh của ngài là Yeshe Rabsal đang ở tại Kalek khi nhóm đi trước của phái đoàn tìm kiếm ngài vừa đến. Họ gọi Yeshe Rabsal từ trên đồi xuống để nói cho biết rằng những tu sĩ được phái từ Tsurphu đến hiện đã đến Katok và đang trên đường đến Barkor để tìm kiếm hóa thân tái sinh của một vị Lạt-ma đặc biệt. Khi nghe được tin tức này, đức Karmapa trẻ tuổi đã cười lớn và nhảy múa reo mừng.

Cha mẹ ngài đã dựng lên một căn lều đặc biệt để tiếp đón phái đoàn. Sau những nghi thức chào hỏi thông thường, các vị tu sĩ liền hỏi mẹ ngài những chi tiết về ngài và về những giấc mơ của bà hoặc của bất cứ thành viên nào khác trong gia đình. Cha mẹ ngài kể lại tất cả những chi tiết về sự ra đời của ngài, về những dấu hiệu đặc biệt, về giấc mơ có những con hạc trắng, những giấc mơ của cha ngài và anh ngài, về con chim đến hót trên nóc lều, về âm thanh kỳ diệu vọng xuống từ không trung, về 3 mặt trời hiện ra... Thật ra, nhóm đi trước của đoàn tìm kiếm đã được nghe hầu hết những chi tiết này từ những người dân du mục khi họ dò hỏi trên đường tìm đến đây. Lạt-ma Domo thay mặt cho tu viện Tsurphu trao cho cha ngài một bản sao bức di thư của đức Karmapa đời thứ mười sáu và ông Dondrup ngay lập tức nhận hiểu được một cách chính xác về đứa con trai phi thường của mình.

Sau một vài trao đổi ngắn, những vị tu sĩ cùng nhau tháp tùng đức Karmapa trẻ tuổi đến tu viện Kalek để chờ hai vị Akong Tulku Rinpoche và Sherab Tarchin sẽ đến ngay trong vài ngày sau đó.

Không bao lâu, hai vị này đã đến. Và tin tức về sự phát hiện này liền được gửi về cho Tai Situpa và Goshir Gyaltsab đang ở Ấn Độ. Hai vị ngay lập tức thông báo việc này lên đức Đạt-lai Lạt-ma. Tại tu viện Kalek, khi những chi tiết về hóa thân tái sinh của đức Karmapa một lần nữa được khẳng định, hai vị Akong Rinpoche và Sherab Tarchin liền dâng lên cậu bé Apo Gaga, nay đã trở thành đức Gyalwa Karmapa đời thứ mười bảy, bộ lễ phục đặc biệt và những thánh vật thiêng liêng mà họ thay mặt hai vị Tai Situpa và Goshir Gyaltsab mang đến từ Ấn Độ.

Một số phẩm vật và quà tặng đặc biệt được mang đến dâng lên cho cha mẹ đức Karmapa để bày tỏ lòng biết ơn của tất cả mọi người về việc họ đã sinh thành và nuôi dưỡng ngài.

Mọi người cùng lưu lại Kalek một thời gian ngắn để trong khi chuẩn bị cho chuyến đi về Tsurphu. Hai vị Akong Rinpoche và Sherab Tarchin thay mặt cho Tai Situpa và Goshir Gyaltsab, và một phái đoàn khác cũng được cử đến từ Tsurphu. Sau đó, tất cả cùng tháp tùng đức Karmapa trên đường đến Tsurphu, nơi mà đức Karmapa đời thứ mười sáu đã rời đi trước đó 33 năm.

Trước khi đoàn người rời khỏi tu viện Kalek, giữa bầu trời đầy sương mù của hôm ấy bỗng nhiên xuất hiện 3 mặt trời chói lọi và hàng trăm người quanh đó đều có thể nhìn thấy rõ. Mặt trời ở giữa lớn hơn và có một quầng sáng bảy màu vây quanh, trong khi hai mặt trời bên cạnh nhỏ hơn và có những cụm mây bao quanh.

Ngày 15 tháng 6 năm 1992, đức Karmapa đến Tsurphu trong một khung cảnh vô cùng cảm động khi hàng ngàn người dân Tây Tạng vừa nghe tin đã nhanh chóng quy tụ về để đón mừng ngài.

Sau khi xuống xe, đức Karmapa đi về tu viện trên một con ngựa trắng được tô điểm xinh đẹp và nghiêm trang, với các vị tăng sĩ vây quanh mang những biểu ngữ lớn với lời chào mừng ngài, cùng với đầy đủ dàn lễ nhạc truyền thống. Đám đông đón rước ngài tháp tùng theo sau, nhiều người trong số đó cưỡi ngựa, tạo thành một quang cảnh vừa trang nghiêm vừa nhộn nhịp.

Đức Karmapa tiến vào tu viện Tsurphu dưới một cây lọng vàng, nghi lễ chỉ dành cho những bậc đại sư, và được chào đón bởi một đám đông đang chờ sẵn. Rời khỏi lưng ngựa, ngài được mời đến ngồi trên một vị trí dành sẵn trước điện thờ chính. Các vũ công với trang phục “sư tử tuyết” thực hiện điệu múa sư tử cổ truyền chào đón ngài, và dâng “sữa sư tử” lên ngài. Một nhóm vũ công đeo mặt nạ tượng trưng cho các vị hộ pháp của dòng Karma Kagyu tiến đến chào ngài từng người một theo đúng nghi lễ như đối với các bậc thánh xưa kia, bày tỏ lòng mong muốn cho cuộc sống của ngài sẽ được dài lâu và khỏe mạnh.

Những buổi lễ chào mừng ngài tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày sau đó và người dân Tây Tạng thuộc đủ mọi thành phần vẫn tiếp tục kéo đến để bày tỏ sự vui mừng. Mỗi ngày, đức Karmapa đều thực hiện nghi lễ ban phước lành cho tất cả mọi người.

Ngày 27 tháng 6 năm 1992, Chính phủ Trung Quốc chính thức công nhận ngài là hóa thân tái sinh đời thứ 17 của đức Karmapa. Ngài trở thành vị Lạt-ma tái sinh đầu tiên được chính phủ Trung Quốc công nhận kể từ năm 1959. Điều này gợi nhớ lại một sự thật là từ 8 thế kỷ qua, nhiều hóa thân tái sinh của đức Karmapa đã từng là đạo sư của các vị hoàng đế Trung Hoa.

Hai vị Tai Situpa và Goshir Gyaltsab đã được phép trở về Tây Tạng để tổ chức lễ đăng quang chính thức của đức Karmapa đời thứ mười bảy. Nhà cầm quyền cũng cho phép tổ chức một buổi lễ xuống tóc và đặt pháp danh cho ngài tại ngôi đền Jo-kang nổi tiếng ở Lhasa. Nơi đây có một pho tượng Phật Thích-ca do công chúa Văn Thành mang đến từ Trung Hoa khi bà trở thành hoàng hậu Tây Tạng vào thế kỷ 7. Tương truyền pho tượng này trước đó đã được mang từ Ấn Độ đến Trung Hoa, và nó đã được tạo ra ở Ấn Độ bởi một nghệ sĩ tên là Visvakarman ngay trong thời đức Phật còn tại thế. Pho tượng miêu tả đức Phật vào năm ngài được 12 tuổi, và đã được chính đức Phật ban phước lành sau khi hoàn tất. Người ta tin rằng bất cứ ai được nhìn thấy pho tượng này đều sẽ được nhiều may mắn.

Nhiều phái đoàn đại diện của các nhóm Phật giáo dòng Karma Kagyu từ các quốc gia trên thế giới đã chuẩn bị đến Tây Tạng để được tham gia buổi lễ đăng quang của bậc thầy trước đây đã khai sáng cho họ, và họ đã nôn nóng chờ đợi sự tái sinh của ngài từ lâu.

Theo đúng như dự báo trước đây của đại sư Chojur Lingpa, vị Tai Situpa Pema Dưnyư sẽ trở thành thầy dạy chính của đức Karmapa đời thứ mười bảy. Dự báo này đã được đại sư Chojur Lingpa đưa ra từ trước đây gần một thế kỷ, khi ngài nhìn thấy những linh ảnh về các hóa thân của Karmapa cho đến tận đời thứ hai mươi mốt.

Vị Tai Situpa là người mà đức Karmapa đời thứ mười sáu đã giao lại bức di thư. Trong di thư cũng có nói đến việc ông sẽ là thầy dạy của vị Karmapa tái sinh.

Hai vị Tai Situpa và Goshir Gyaltsab đến Tây Tạng vào ngày 12 tháng 7 năm 1992. Họ đến ngay Tsurphu sau một đêm nghỉ lại thủ đô Lhasa và viếng thăm tu viện của Pawo Rinpoche, thực hiện lễ ban phước cho hàng trăm tín đồ nhiệt thành.

Tu viện Tsurphu được đức Karmapa Dsum Khyenpa thành lập từ năm 1190 và từ đó đến nay luôn là trụ sở chính cả tất cả các vị Karmapa. Vào thời điểm tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa thì Tsurphu có đến 900 tăng sĩ và bao gồm trong nó 4 tu viện với rất nhiều công trình xây dựng. Một trong bốn tu viện này là nơi ở của các vị Goshir Gyaltsab qua nhiều lần tái sinh từ xưa đến nay. Các vị Goshir Gyaltsab luôn là người thay mặt đức Karmapa để dẫn dắt tông phái trong thời gian chuyển tiếp giữa hai lần tái sinh. Trong tiếng Tây Tạng, “gyaltsab” có nghĩa là “người nhiếp chính, người thay quyền”.

Vị đứng đầu tu viện Tsurphu lúc đó là Drupon Dechen Rinpoche, chính là bậc thầy ở Rumtek trước đây. Ông đã cùng với đức Karmapa đời thứ mười sáu rời Tây Tạng vào năm 1959, mang theo một số những xá-lợi và thánh vật từ Tsurphu đến Sikkim. Những xá-lợi và thánh vật này hiện đang được tôn trí tại Rumtek. Chính đức Karmapa đời thứ mười sáu đã khuyên ông trở về Tsurphu để đôn đốc việc xây dựng lại tu viện này. Trong thực tế, Drupon Dechen Rinpoche đã phải nỗ lực kiến tạo lại tất cả từ những đống đổ nát trong những năm gần đây, nhờ vào sự ủng hộ nhiệt thành của rất nhiều người.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa đức Karmapa đời thứ mười bảy và hai vị Rinpoche là một buổi tiếp xúc mang tính nghi thức truyền thống. Sau các nghi thức chào mừng bên ngoài điện thờ, hai vị được đưa đến để lễ bái đức Karmapa lần đầu tiên và dâng phẩm vật cúng dường lên ngài. Những ngày sau đó, sự tiếp xúc mới dần trở nên thân mật, cởi mở và vui vẻ vì không còn mang nặng hình thức lễ nghi. Những mối quan hệ thành tín, tôn kính và yêu thương lẫn nhau được phát triển một cách tự nhiên và mãnh liệt. Theo niềm tin của người Tây Tạng, ba vị là hóa thân của đức Bồ Tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), Bồ Tát Di-lặc (Maitreya) và Bồ Tát Kim Cang Thủ (Vajrapṇi) và đã từng gặp gỡ, giúp đỡ nhau trong công cuộc độ sinh từ nhiều thế kỷ qua.

Cũng giống như Akong Rinpoche trong hơn một tháng qua, hai vị Tai Situpa và Gyaltsab bắt đầu khám phá ra những mối quan hệ chuyển tiếp nổi bật trong tính cách của vị Karmapa đời thứ mười bảy với đức Karmapa trước đây. Ngài cũng biểu lộ sự tự tin, không sợ sệt, luôn vui tính và chân thành thương yêu với một tâm lượng từ bi vô hạn, không khác gì so với đức Karmapa trước đây.

Lễ xuống tóc của đức Karmapa được tổ chức tại ngôi đền thiêng Jo-kang ở Lhasa, vào sáng sớm ngày 2 tháng 8 năm 1992. Hai vị Tai Situpa và Goshir Gyaltsab tiến hành các nghi lễ trước thánh tượng đức Phật Thích-ca, tượng trưng cho sự hiện hữu của đức Phật trong buổi lễ. Đây là lần thứ hai trong lịch sử một vị Karmapa nhận lễ xuống tóc tại ngôi đền này. Nhiều phẩm vật cúng dường được gửi đến dâng lên ngài, và có cả quà tặng từ đức Đạt-lai Lạt-ma: một lời cầu chúc trường thọ và khỏe mạnh, một tấm khăn choàng đã được ngài ban phúc, và một tràng hạt của chính ngài. Các đại diện của nhà cầm quyền tại Lhasa cũng có mặt trong buổi lễ.

Sau buổi lễ xuống tóc, đức Karmapa chính thức nhận một tên gọi mới đã được dự báo bởi đại sư Chogyur Dechen Lingpa là Pal Khyabdak Rangjung Urgyen Trinley Dorje.

Ngày 27 tháng 9 năm 1992, hơn 20.000 Phật tử từ khắp nơi đã tụ họp về Tsurphu để tham dự lễ đăng quang của đức Karmapa. Ngoài đại diện của các trung tâm tu học thuộc truyền thống Karma Kagyu trên toàn thế giới, còn có đại diện của tất cả các dòng phái Phật giáo khác tại Tây Tạng và đại diện của các tôn giáo khác. Tuy nhiên, chiếm đa số trong những người tham dự là các Phật tử Tây Tạng, nhiều người đã phải vượt hàng nghìn cây số để về đây. Nhiều vị tulku đã quy tụ về từ khắp các vùng thuộc Tây Tạng, Ấn Độ và quanh vùng Hy-mã-lạp. Đối với người dân Tây Tạng, việc được hiện diện tại buổi lễ này và có cơ hội nhìn thấy đức Karmapa có một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Từ trước năm 1959, điều này vốn đã là một truyền thống lâu đời, và sự khao khát mong chờ của họ càng được nhân lên gấp bội vào thời điểm năm 1992, khi nhìn thấy hé ra một tia hy vọng mới cho tương lai Phật pháp của đất nước. Vì thế, trong dịp này vùng thung lũng Tolung bao quanh Tsurphu trở thành một bãi cắm trại khổng lồ nhộn nhịp đầy màu sắc.

Sau lễ đăng quang của đức Karmapa, vào ngày 29 tháng 9 năm 1992, đức Karmapa Urgyen Trinley Dorje chủ trì một buổi lễ ban phúc cho hàng chục ngàn người. Buổi lễ kéo dài trong nhiều giờ, tuy có sự trợ giúp của hai vị Tai Situpa và Gyaltsab nhưng vị Karmapa chỉ mới 7 tuổi đã bộc lộ năng lực siêu việt với giọng nói vang rền và tự tin trước một cử tọa hàng chục ngàn người. Mặc dù mọi hoạt động Phật sự của một đức Karmapa, hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đều được xem là quan trọng đối với người Tây Tạng, nhưng buổi lễ ban phúc này được xem như một khởi đầu tốt lành và hứa hẹn nhiều hoạt động tốt đẹp mà ngài chắc chắn sẽ làm vì mọi người trong cương vị của một đức Karmapa. Nhiều điềm lành xuất hiện như để làm tăng thêm lòng tin và sự vui mừng của những người dự lễ. Bầu trời quang đãng với chỉ một vài cụm mây trôi lãng đãng, nhưng lại có tuyết rơi nhẹ như những bông hoa trắng đẹp rơi xuống từ không trung, và từng bầy chim đông đảo bỗng tụ về một cách khác thường trong ngày hôm ấy, bay lượn thành những vòng tròn cao vút trên bầu trời xanh. Nhưng ấn tượng nhất đối với tất cả mọi người là một mống cầu vồng bảy màu vĩ đại bắc ngang qua cả bầu trời, hiện ra cao vút ở trên cả những bầy chim đang bay,

Sau khi chính thức nhận cương vị là một đức Karmapa, Urgyen Trinley Dorje bắt đầu giai đoạn học tập nghiêm túc với các vị thầy chính là Tai Situpa và Gyaltsabpa, cùng với sự giúp đỡ của Drupon Dechen Rinpoche, người đứng đầu tu viện Tsurphu. Ngài bắt đầu bộc lộ rõ khả năng của một vị Karmapa tái sinh trong việc học tập kinh điển. Ngài chỉ cần nghe qua một chủ đề hoặc đọc qua một bản kinh văn nào đó là có thể ngay lập tức nắm hiểu được. Đôi khi ngài còn tỏ ra thông thạo cả những vấn đề mà các vị thầy chưa hề đề cập đến.

Ngài bộc lộ sự thông minh, nhạy bén và một trí nhớ phi thường. Mặc dù vậy, các vị thầy dạy vẫn yêu cầu ngài phải học qua tất cả các môn học, các phần giáo pháp truyền thống, giống như tất cả các vị Karmapa trước đây đã làm. Điều này nêu lên một tấm gương chuyên cần cho tất cả mọi người noi theo. Mặc dù vậy, đối với một người Phật tử bình thường, cho dù có nỗ lực hết sức và được sự chỉ dạy tận tâm của những bậc thầy vĩ đại thì cũng không thể nào hoàn tất được hết thảy những gì mà vị Karmapa đã học, đơn giản chỉ vì đó là một khối lượng kiến thức quá nhiều!

Trong giai đoạn học tập đầu tiên, ngài được sự trợ giúp của hai vị thầy uyên bác và nhiều kinh nghiệm là Omdze Thubten Zangpo và Lama Lodro Sherab. Sau đó, Lama Lodro Sherab phải trở lại với tu viện Rumtek vì ở đó đang cần đến ông. Dưới sự hướng dẫn của Omdze Thubten Zangpo, ngài học tập những kỹ năng hành lễ và nghi thức truyền thống. Sau đó, ngài đã vượt qua được kỳ thi Umdze. “Umdze” có nghĩa là “thông thạo về các lễ nghi”, và bao gồm rất nhiều phần nghi thức truyền thống khác nhau. Một học giả cư sĩ tên là Lodro cũng giúp đỡ ngài trong việc học. Đức Karmapa đã khiến cho tất cả mọi người đều phải kinh ngạc khi ngài học thuộc lòng một phần nghi thức tán tụng dài hơn 100 trang chỉ với thời gian chưa đến một tháng, và mỗi ngày chỉ dành chưa đến một giờ cho việc học nghi thức này!

Khoảng năm 1995, đức Karmapa bắt đầu có những linh ảnh trong thiền định giúp ngài phát hiện được sự tái sinh của nhiều vị đại sư, trong đó có cả những vị thầy nổi tiếng như Pawo Rinpoche, Jamgon Kongtrul Rinpoche và Dabzang Rinpoche.

Từ năm 1992 đến năm 1999, sự hiện diện của đức Karmapa đã mang lại niềm tin và sức mạnh cho đông đảo Phật tử Tây Tạng. Ngài chủ trì và thúc đẩy tiếp tục công việc xây dựng lại tu viện Tsurphu. Mặc dù trước đó, một số công trình hư hỏng của tu viện đã được ngài Drupon Dechen Rinpoche khôi phục, nhưng phải đến giai đoạn này thì việc trùng tu mới thực sự hoàn tất, với nhiều kiến trúc phức tạp nguyên sơ được khôi phục đầy đủ và nhiều công trình xây dựng mới được thêm vào để đáp ứng với sự phát triển của tu viện.

Ngày 28 tháng 12 năm 1999, đức Karmapa quyết định rời khỏi Tây Tạng vì tương lai phát triển của Phật pháp. Chỉ mấy ngày trước khi bước sang thiên niên kỷ mới, ngài cùng với một số ít các vị tùy tùng bí mật rời khỏi Tsurphu và tìm đường sang Ấn Độ. Ngày 5 tháng 1 năm 2000, ngài đến Dharamsala, Ấn Độ và lần đầu tiên yết kiến đức Đạt-lai Lạt-ma.

Đức Karmapa lưu trú tại Ấn Độ và sống gần Dharamsala. Ngài đã thực hiện một số chuyến đi tham bái các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, và hằng năm đều chủ trì những buổi lễ truyền thống của dòng Karma Kagyu tại Bồ-đề Đạo tràng (Bodhgaya), nơi đức Phật thành đạo, và Lộc Uyển (Sarnath), nơi đức Phật lần đầu tiên chuyển pháp luân. Ngài cũng viếng thăm Ladakh (nơi định cư của người Tây Tạng ở miền nam Ấn Độ) và nhiều nơi khác trong vùng Hy-mã-lạp.

Cuối năm 2001, ngài chủ trì một buổi lễ quan trọng của dòng Karma Kagyu, với sự tham gia của đông đảo tăng sĩ thuộc dòng phái này từ khắp nơi trên thế giới, cùng quy tụ về ngôi đền Mahabodhi ở Bồ-đề Đạo tràng (Bodhgaya), ngay bên dưới cây bồ-đề mà trước đây đức Thế Tôn đã thành đạo. Đây là một nghi lễ được tổ chức hằng năm của dòng Karma Kagyu.

Năm 2002, ngài nhận lời mời của Hội Phật giáo Đại Bồ-đề (Maha Bodhi Society) của Ấn Độ, đến viếng thăm Kolkata ở miền đông Ấn Độ, như một vị thượng khách danh dự.

Cùng với đức Đạt-lai Lạt-ma, ngài cũng tham gia một số hoạt động Phật sự tại Sarnath ở miền bắc Ấn Độ, nơi đức Phật trước đây đã thuyết giảng giáo pháp lần đầu tiên.

Hiện nay ngài đang có dự tính sẽ rời Dharamsala để đến tu viện Rumtek ở Sikkim, trụ sở chính của các vị Karmapa ở bên ngoài Tây Tạng do đức Karmapa đời thứ mười sáu lập ra.



    « Xem chương trước «      « Sách này có 18 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Tích Lan - Đạo Tình Muôn Thuở


Tư tưởng xã hội trong Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy


Hoa nhẫn nhục

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.188.63.71 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...