Lập mưu hiểm giết hại người,
Đời đời thọ thân cá voi.
Lúc đức Như Lai ở thành Xá-vệ, Đại A-la-hán Tôn giả Mục-kiền-liên thường
dùng sức thần thông hiện đến các cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, nhân
gian, thiên giới để quán sát sự an vui hay thống khổ của chúng sinh
trong những cõi đó, ví dụ như sự thống khổ vì lạnh tê người, hay nóng
đến cực độ, và nhiều cảnh tàn sát ở chốn địa ngục; ngạ quỉ chịu sự thống
khổ vì đói khát; súc sinh chịu sự thống khổ ăn nuốt và hành hạ lẫn nhau;
hoặc các nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết ở nhân gian; cho đến nỗi thống
khổ trước khi chết của chư thiên.
Quán sát như vậy xong, Tôn giả trở về nhân gian kể lại cho mọi người
nghe, làm cho ai nấy đều biết được những nỗi thống khổ của chúng sinh
trong các cảnh giới khác, nhờ đó liền sinh tâm chán lìa, muốn thoát ly
sinh tử luân hồi.
Ngày kia, Tôn giả Mục-kiền-liên đang ở trong thành Xá-vệ, bỗng nhiên đại
chúng không còn nhìn thấy thầy đâu nữa. Thì ra thầy đã bay đến một đại
dương trong cõi súc sinh. Biển lớn này chia làm ba tầng:
Tầng biển thứ nhất nước sâu 28.000 do-tuần, trong đó có loài cá voi lớn,
dài đến 700 do-tuần. Những con cá voi lớn này, mỗi khi đói liền há miệng
ra, ngay tức khắc nước biển và toàn bộ động vật trong vùng biển đó đều
bị nuốt vào bụng chúng. Khi chúng đã no liền phun nước biển trở ra. Loài
cá voi lớn này chuyên ăn những sinh vật nhỏ sống trong biển để duy trì
mạng sống; mà những sinh vật nhỏ bị nó ăn vào thì quay trở lại ăn nội
tạng của nó để sống.
Tầng biển thứ hai nước sâu 25.000 do-tuần, cá voi lớn trong đó dài đến
1.400 do-tuần. Khi nó đói liền há miệng ra, nuốt toàn bộ sinh vật sống
trong tầng biển thứ nhất.
Tầng biển thứ ba nước sâu 2.500 do-tuần, có cá voi lớn dài 2.100
do-tuần. Những con cá voi ở tầng biển này lại chuyên ăn những sinh vật ở
tầng biển thứ nhất và thứ hai để sống.
Trong tầng biển thứ ba có một con cá voi rất lớn, trên thân có rất nhiều
loài sinh vật biển đang ăn, cắn nó; thân thể bị xé ra thành từng mảnh
từng mảnh, có mảnh lớn, mảnh nhỏ; có mảnh lớn một do-tuần, hai do-tuần;
cũng có mảnh bằng một ngọn núi nhỏ... Những vết thương lớn nhỏ này làm
nó phải thường xuyên đau đớn tưởng chừng như không thể chịu nổi.
Để giảm bớt sự đau đớn, cá voi ấy liền bơi vào bờ. Nhưng vì nghiệp lực
nên lúc nào cũng có 500 con quỷ dạ-xoa dùng các loại binh khí, như rìu,
búa... chờ sẵn để chặt, cắt thịt trên lưng nó, làm cho máu chảy thành
sông... Không thể chịu nổi nữa, nó phải lặn trở lại vào biển, máu loang
đỏ cả một vùng biển lớn.
Sau khi bơi trở lại biển, các loài sinh vật lớn nhỏ trong biển lại tranh
nhau ăn thịt, cắn rỉa, khiến cho nó đau đớn không chịu nổi, đành phải
bơi trở lại vào bờ. Nhưng khi vào bờ lại bị bọn quỉ dạ-xoa cắt xẻo...
Cứ bơi ra bơi vào mãi như vậy mà không lúc nào được tạm ngớt sự đau đớn,
chịu hết thổng khổ này đến thống khổ khác. Nhiều khi nó không chịu đựng
được nữa phải gầm rống lên vì đau đớn.
Tôn giả Mục-kiền-liên sau khi nhìn thấy tình cảnh như vậy, liền dùng trí
tuệ Thanh văn của mình, nhập Tứ thiền định để quán sát nhân duyên đời
trước của con cá voi này: một đời, hai đời, ba đời...
Khi quán sát như vậy, Tôn giả Mục-kiền-liên dùng nhãn quan Thanh văn chỉ
thấy được những đời trước của con cá voi này đều là súc sinh. Tôn giả
biết sự quán xét như vậy của mình là chưa rốt ráo, và Tôn giả cũng biết
chỉ có tuệ nhãn của đức Như Lai mới có khả năng thấu triệt không ngăn
ngại. Tôn giả liền trở về thỉnh vấn Như Lai về nhân duyên đời trước của
con cá voi lớn kia. Sau khi nghĩ như thế, chỉ trong nháy mắt Tôn giả đã
về tới thành Xá-vệ.
Lúc đó, đức Như Lai đang thuyết giảng giáo pháp giải thoát cho rất nhiều
đệ tử. Tôn giả Mục-kiền-liên nhận thấy nếu ngay lúc này thỉnh vấn đức
Phật sẽ có thể làm lợi ích cho nhiều chúng sinh. Do đó, Tôn giả liền đến
trước Đức Phật, cung kính chắp tay thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Con thường xuyên vào trong năm đường luân hồi
để quán sát các nỗi thống khổ của chúng sinh, rồi trở về nhân gian kể
lại cho mọi người nghe, giúp họ sinh khởi tâm ghê sợ, chán lìa luân hồi,
đạt được lợi ích lớn. Lần này con đến bên bờ biển, thấy trong biển lớn
có một con cá voi dài 2.100 do-tuần, có nhiều sinh vật lớn nhỏ tranh
nhau ăn nuốt, cắn rỉa thân thể nó, đau đớn thống khổ không thể chịu nổi,
do đó phải bơi vào bờ, nhưng vừa đến bờ lại có 500 quỷ dạ-xoa chực sẵn
để cắt xẻo thân nó, máu chảy ra loang đỏ cả nước biển. Con thấy nó phải
chịu nhiều thống khổ không chút gián đoạn như vậy, liền dùng tuệ nhãn
Thanh văn quán sát nhân duyên đời trước của nó, nhưng chỉ nhìn thấy
trước đó một đời, hai đời, ba đời..., vì nhãn quan của hàng Thanh văn
không có khả năng quán sát được nhiều đời nhiều kiếp, chỉ thấy các đời
trước của nó toàn là làm thân cá voi lớn.
Kính bạch đức Thế Tôn! Rốt cuộc con cá voi này trước đây đã gây tạo
nghiệp ác gì mà phải chịu quả báo như vậy? Ngưỡng mong đức Phật từ bi
nói rõ nhân duyên đó, tất cả chúng con đều rất muốn nghe.
Đức Như Lai nhìn đại chúng một lượt, rồi đáp lời Mục-kiền-liên:
– Đây đều là do nghiệp lực từ rất nhiều đời trước của nó. Vào thời đức
Sơn Vương Như Lai còn trụ thế, có một vị cư sĩ phát tâm quay về nương
tựa Ba ngôi báu và thọ trì năm giới cấm trong giáo pháp của đức Sơn
Vương Như Lai. Một hôm, vị cư sĩ đó nói với vợ:
– Hiền thê! Nàng đã xinh đẹp lại hiền đức giỏi giang, chúng ta cũng đã
có được cuộc sống hết sức sung túc hạnh phúc. Nhưng bây giờ ta đã phát
tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu và thọ trì năm giới cấm trong giáo
pháp của đức Sơn Vương Như Lai, cho nên từ đây về sau chỉ có thể chăm
sóc cuộc sống ăn mặc của nàng mà thôi chứ không thể có cuộc sống ái ân
như trước, vì làm như vậy sẽ phạm vào giới cấm. Hay là ta cho phép nàng
tìm người đàn ông khác để cùng sinh sống nhé!
Người vợ không chút do dự, bình thản đáp:
– Thưa phu quân! Chàng đã phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu và thọ
trì năm nguyên tắc giới cấm, thiếp cũng không muốn chung sống với người
khác, do đó thiếp nguyện vẫn mãi mãi theo hầu hạ bên chàng.
Thế là, hai vợ chồng họ cùng nhau sống cuộc đời thanh tịnh.
Do nhan sắc của người vợ quá đẹp, cho nên có một vị đại thần là Đại Tị
Tử rắp tâm mơ tưởng, muốn chiếm hữu nàng.
Một hôm, đại thần Đại Tị Tử dẫn theo một người, mang rất nhiều vàng bạc
châu báu đến nhà vị cư sĩ, nói với chàng:
– Hôm nay có việc xin làm phiền anh! Số vàng bạc châu báu này xin nhờ
anh giữ hộ vì tôi sắp phải đi gặp vua nhận nhiệm vụ, nếu mang theo bên
mình e không tiện lắm, cho nên để lại đây, khi nào xong việc tôi sẽ trở
lại lấy!
Vị cư sĩ rất thật thà nhận lời. Đại thần Đại Tị Tử còn cố ý chỉ vào
người mình dẫn đến làm nhân chứng về việc đưa vàng bạc châu báu cho vị
cư sĩ.
Qua một thời gian sau, đại thần Đại Tị Tử một mình đến nói với cư sĩ:
– Mấy hôm trước tôi có gửi vàng bạc châu báu nhờ anh giữ hộ, bây giờ cho
tôi xin lại, thật cảm tạ ơn đức của anh.
Vị cư sĩ thật thà chất phác chẳng biết gì cả, bèn đem y nguyên số tiền
ông ta gửi đưa trả lại, không ngờ rằng bên trong lại có uẩn khúc.
Lại qua một thời gian nữa, đại thần Đại Tị Tử dẫn người làm chứng hôm
trước đến nhà cư sĩ, nói với anh:
– Hôm nay, tôi dẫn người làm chứng đến xin lại số vàng bạc châu báu gửi
anh hôm trước, xin anh vui lòng trả lại cho.
Vị cư sĩ kinh ngạc hỏi:
– Cái gì? Chẳng phải tôi đã trả lại cho quan lớn rồi sao?
Đại thần Đại Tị Tử giả bộ tức giận chửi mắng:
– Không ngờ ông là người như vậy hay sao? Hôm đó, rõ ràng hai người
chúng tôi có đưa cho ông một số vàng bạc châu báu, hôm nay đến lấy,
chẳng những ông không trả lại, mà còn nói dối là đã trả lại rồi. Nếu đã
trả rồi, sao tôi còn đến đây nữa, thật là vô lý!
Hai người họ tranh luận mãi vẫn không ngã ngũ, cuối cùng đưa nhau lên
vua, thỉnh cầu quốc vương xét xử. Song, Đại Tị Tử là quan đại thần, lại
có nhân chứng rõ ràng, nên vị cư sĩ thật thà cuối cùng thua kiện.
Đại thần Đại Tị Tử lợi dụng cơ hội đó dùng dây trói và đánh vị cư sĩ một
cách dã man, cho đến chết, sau đó cắt thịt của cư sĩ ra thành từng miếng
từng miếng, cuối cùng lấy búa chặt đầu và xương ra từng phần riêng biệt.
Tuy thống khổ khôn cùng, nhưng nhờ có được năng lượng tu tập nên chàng
vẫn luôn nhớ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng, nhờ đó được sinh về cảnh giới
lành.
Sau đó, đại thần Đại Tị Tử đến nói với vợ cư sĩ:
– Tất cả những gì ta làm đều là vì muốn chiếm được nàng. Chồng nàng đã
chết, vậy hãy đồng ý lấy ta nhé! Ta hứa nhất định sẽ đối xử tốt với
nàng, chúng ta có thể vui vẻ sung sướng cả đời.
Lúc đó, người vợ cư sĩ cố nén nỗi căm phẫn, nói với hắn:
– Đợi thiếp hỏa táng thi thể của chồng xong, rồi chúng ta sẽ cùng chung
sống.
Đương nhiên đại thần Đại Tị Tử vui vẻ đồng ý, lại giả bộ làm ra vẻ nhân
từ giúp nàng đưa thi thể cư sĩ vào rừng Thi-đà hỏa táng. Chờ lúc lửa
cháy dữ dội nhất, thấy hắn không để ý, nàng lao mình vào lửa đỏ chết
theo chồng để thủ tiết.
Khi đó, đại thần Đại Tị Tử không những chẳng có được người phụ nữ mình
thầm thương trộm nhớ và tốn nhiều công sức, ngược lại tạo ra ác nghiệp
cực lớn, hối hận không kịp.
– Này các tỳ-kheo! Đại thần Đại Tị Tử thuở ấy chính là con cá voi lớn
đang thọ báo ngày nay. Trước tiên nó đã phải chịu khổ báo cực lớn trong
vô lượng kiếp ở địa ngục, sau đó mới chuyển sinh làm cá voi lớn, đến
ngày nay vẫn còn phải thọ khổ liên tục như vậy.
Tôn giả Mục-kiền-liên liền thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Con cá voi lớn đó đến lúc nào mới có thể thoát
được ác báo này?
– Sau này, vào thời đức Đạo sư thiên nhân, Như Lai, Chính Đẳng Chính
Giác, Thiện Ý Thế Tôn thị hiện ra đời nó mới được chuyển sinh làm người,
được xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp của đức Thiện Ý Như
Lai, chứng đắc quả A-la-hán.
Rất nhiều vị đệ tử có mặt khi ấy được nghe đức Như Lai nói rõ nhân quả
như vậy, tất cả đều sinh tâm xa lìa, chán ghét, sợ hãi đối với cuộc luân
hồi. Đức Thế Tôn quán sát biết trong đại chúng này có nhiều vị có thể
trở thành những bậc tài ba lỗi lạc trong việc hoằng pháp lợi sinh sau
này, bèn thuyết dạy những giáo pháp giải thoát thích hợp với họ. Nhờ đó,
có nhiều vị đạt được Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế đệ nhất pháp của Gia hạnh
đạo;
[25] có những vị đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất
hoàn, A-la-hán; có người được vương vị Kim luân; có người được giai vị
Phạm thiên và Đế-thích thiên; có những vị chứng được quả vị Duyên giác;
có vị gieo trồng nhân Vô thượng Bồ-đề; tất cả những người còn lại đều
phát khởi niềm tin thanh tịnh, chân thật vào Ba ngôi báu và phát tâm
quay về nương tựa Ba ngôi báu.