Chúng ta không tồn tại một cách độc lập, cá biệt, mà bao giờ cũng tồn
tại trong một môi trường nhất định. Tôi muốn nói đến tất cả những gì bao
quanh ta, các điều kiện vật chất lẫn tinh thần mà chúng ta thường xuyên
tiếp xúc. Những thứ ấy tác động tích cực hoặc tiêu cực đến chúng ta,
phần lớn là tùy thuộc vào phương thức mà ta nhận hiểu, chọn lọc và tiếp
xúc với chúng.
Để có được một tâm hồn yên tĩnh, người ta thường tìm đến một nơi yên
tĩnh. Điều đó cũng đúng thôi, và trong một số trường hợp cũng mang lại
hiệu quả. Tôi nói một số trường hợp, là vì có những trường hợp khác khi
mà việc tìm đến một nơi yên tĩnh cũng không giúp ích gì cho ta. Cơn sóng
gió không nằm ở bên ngoài mà nằm ngay trong chính nội tâm. Chúng ta cần
phải biết ngăn ngừa từ những nguyên nhân làm cho nó sinh khởi lên, hơn
là tìm cách trốn tránh không đối mặt.
Trong xã hội văn minh công nghiệp ngày nay, nhiều khi việc chọn một nơi
yên tĩnh để sống là vượt quá khả năng của nhiều người. Chúng ta cần công
việc làm. Chúng ta cần tiện nghi đời sống. Con cái chúng ta cần học
hành... Và chúng ta buộc phải sống ở bất cứ nơi nào mà ta có thể xoay xở
để kiếm ra được trong một thành phố dân cư đông đúc, chen chúc lẫn nhau.
Trong những trường hợp ấy, ta cần có những phương thức chọn lọc để bảo
vệ chính mình trong một môi trường có nhiều độc hại cả về vật chất lẫn
tinh thần.
Khi chúng ta tiếp xúc với môi trường sống, các giác quan của ta mở ra
như những cánh cửa sổ mở ra của một căn phòng. Căn phòng cần có cửa sổ,
để qua đó ta có thể đón được ánh sáng, những cơn gió mát, nắng ấm ban
mai, hoặc hương thơm hoa cỏ trong vườn... Nhưng có những lúc ngoài trời
giông gió, mưa bão, ta cần phải kịp thời đóng các cửa sổ lại. Nếu không,
mọi thứ trong phòng sẽ bị gió lùa vào thổi tung lên, hoặc nước mưa lạnh
sẽ tạt vào phòng...
Các giác quan của ta cũng vậy, cũng có những lúc cần được đóng lại, để
bảo vệ tâm hồn ta khỏi những cơn gió độc từ bên ngoài.
Tôi đã tiếp xúc với nhiều người và thấy là họ không biết đóng các cửa sổ
lại khi cần thiết. Đôi khi, vài ba người trò chuyện với nhau trong tiếng
nhạc ầm ĩ, và thay vì tắt máy đi, họ lại cố nói to hơn để có thể nghe rõ
nhau. Tôi không sao hiểu nổi họ thưởng thức được gì nơi âm nhạc trong
những trường hợp như thế.
Rất nhiều khi chúng ta thấy cô đơn, buồn bã, và thay vì tìm hiểu nguyên
nhân vấn đề, chúng ta lại tìm đến một nơi ồn ào náo nhiệt nào đó để
“giải buồn”. Những khi ấy, thường thì sau đó ta lại càng cảm thấy cô
đơn, buồn bã hơn.
Khi có một nhóm người gặp nhau và trò chuyện, họ nói bất cứ chuyện gì
thuận tiện. Những câu chuyện ồn ào không nhắm đến mục đích nào cụ thể,
hoặc phê phán, chỉ trích người này người nọ... Những câu chuyện vô bổ
không chỉ là hoang phí thời gian, chúng còn làm cho đầu óc chúng ta
không được ngơi nghỉ. Nhưng chúng ta rất ít khi quan tâm đến việc chọn
lọc những câu chuyện mà mình nói hoặc nghe, cho dù chúng có thể chiếm
những khoảng thời gian khá lớn trong ngày của ta.
Đôi khi chúng ta mở ti-vi lên và chẳng xem gì cả, nhưng chúng ta không
chịu tắt đi. Chúng ta sợ trong nhà sẽ vắng vẻ, buồn bã nếu không có một
âm thanh nào đó. Các chương trình ti-vi được phát sóng cho hàng triệu
người xem, không phải riêng mình ta. Khi thấy thích hợp, chúng ta xem.
Khi không thích hợp, hãy tắt máy đi. Không phải tất cả phim ảnh được
trình chiếu đều thích hợp với chúng ta hoặc gia đình ta, chúng ta hoàn
toàn có quyền chọn lọc và cần phải biết chọn lọc.
Nếu chúng ta nhớ lại rằng thời gian là vốn quý như thế nào, chúng ta sẽ
không phí những giây phút vô vị trước màn ảnh ti-vi khi thật sự không có
hứng thú để xem những gì trên đó.
Chúng ta có những khả năng lựa chọn khác giúp ích nhiều hơn cho tâm hồn.
Đọc một vài chương sách về chủ đề mình cần học hỏi, nghe một khúc nhạc
mình thật sự yêu thích... hoặc đơn giản hơn chỉ cần ngồi yên và tập thở.
Cuộc sống thường ngày của chúng ta sôi động quá, đầy những âm thanh náo
nhiệt ồn ào và những hoạt động diễn ra xôn xao, căng thẳng. Quay cuồng
trong một môi trường như thế quá lâu, ta dễ cảm thấy sợ sệt, trống vắng
khi ngồi yên để tập thở.
Thật ra, chỉ cần ngồi yên và chú tâm vào hơi thở, ta có thể dừng lắng
lại những sôi động trong tâm tưởng, và nhận thức rõ được sự tồn tại đầy
ý nghĩa của mình trong hiện tại.
Khi chúng ta tỉnh táo nhận thức được sự tồn tại của mình trong từng giây
phút hiện tại, ta dễ dàng nhận ra được những gì có lợi và những gì độc
hại trong môi trường chung quanh. Ta tiếp xúc một cách chọn lọc với
những gì tươi mát, sinh động và tránh xa những gì độc hại, vô bổ. Nói
cách khác, ta biết cách đóng các cửa sổ giác quan của mình lại vào những
khi cần thiết.
Trong chừng mực giới hạn của môi trường mình đang sống, ta cũng có thể
chọn lọc những gì tốt nhất. Một ngày chủ nhật dành cho cả gia đình sẽ có
ý nghĩa hơn khi ta đưa các con đến một công viên thoáng mát hay về một
vùng quê có không khí trong lành. Ta đã có quá đủ những náo nhiệt của
một đời sống công nghiệp hiện đại, ta cần bổ sung một chút gì đó yên
lắng hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn. Và trẻ con càng đặc biệt cần đến
điều đó hơn cả chính bản thân ta.
Trong sinh hoạt gia đình chúng ta cũng cần có những giây phút dừng nghỉ
trong ngày. Điều này là quan trọng, vì nó sẽ giúp cho mọi thành viên
trong gia đình trở nên gần gũi nhau hơn và có những cơ hội thuận tiện để
chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau. Không nên tập cho trẻ con có thói quen
nghe nhạc ầm ĩ suốt ngày. Chỉ mở nhạc lúc nào có thể dành thời gian để
thưởng thức âm nhạc thật sự. Cả gia đình cần ý thức được sự cần thiết
của những giây phút yên tĩnh và biết tôn trọng sự yên tĩnh của nhau.
Thỉnh thoảng có những dịp chúng ta mời khách đến nhà để chiêu đãi. Điều
đó là cần thiết trong giao tiếp xã hội. Nhưng có rất nhiều khi chúng ta
làm việc này vì thói quen hơn là sự cần thiết. Chúng ta nên biết rằng,
nếu vượt quá giới hạn của sự cần thiết thì những dịp như thế sẽ làm tổn
hại đến sinh hoạt gia đình. Và thường thì ta rất khó lòng kiểm soát được
những phiền toái nào đó có thể xảy ra trong và sau một bữa tiệc.
Việc nói chuyện điện thoại cũng là một trong những điều kiện tiếp xúc
với môi trường mà đôi khi chúng ta không quan tâm đến. Chúng ta có thói
quen hối hả lao đến nhấc ống nghe như thể sợ rằng sẽ không kịp đón nhận
một tin quan trọng nào đó. Làm như vậy, chúng ta tự tạo ra cho mình một
sự căng thẳng không cần thiết. Và nếu ta đang dùng cơm hoặc trò chuyện
với mọi người khác trong gia đình, sự căng thẳng ấy sẽ lan sang tất cả
những thành viên khác.
Nếu nghĩ lại một chút, ta sẽ thấy rõ sự vô lý của mình. Nếu người gọi
đến có chuyện gì cần trao đổi với ta, họ sẽ đủ kiên nhẫn để chờ đợi năm
ba hồi chuông, không có gì là quá đáng. Hãy bình thản khi nghe chuông
điện thoại, chậm rãi nhấc ống nghe. Với tâm trạng đó, chắc chắn ta sẽ
sáng suốt hơn khi trao đổi một chuyện gì đó qua điện thoại.
Và nếu đủ điều kiện, ta nên lắp một máy điện thoại có chức năng tự trả
lời. Trong trường hợp đó, ta có thể chọn nghe hoặc không nghe vào từng
thời điểm. Không gì bực dọc hơn cho những người khác trong gia đình khi
đang bữa cơm ta phải bỏ đi nghe điện thoại, và nếu cuộc điện đàm kéo dài
chừng năm mười phút, sự bực dọc sẽ càng tăng thêm. Chúng ta có thể chọn
giải pháp không nhận điện thoại vào lúc đó. Nếu là việc quan trọng, sau
giờ ăn ta sẽ gọi lại cho người kia. Nếu chỉ là một chuyện tán gẫu bình
thường, ta có thể bỏ qua. Chỉ một thay đổi nhỏ này, cuộc sống trong gia
đình ta sẽ yên tĩnh hơn và mọi người được gần gũi nhau hơn.
Chúng ta cũng nên hạn chế việc gọi cho người khác khi không có gì quan
trọng. Bên kia đầu dây, ta thường không thể biết được người ấy đang làm
gì và có thuận tiện để tiếp chuyện cùng ta hay không. Ngoài ra, những
cuộc nói chuyện như thế thường chỉ xảy ra khi ta không biết làm gì khác.
Điều này càng làm cho môi trường sống của ta thêm căng thẳng, vì ta đã
đánh mất đi chút thời gian có thể dành để sống yên tĩnh hơn. Ta có thể
dành thời gian ấy cho những hoạt động hữu ích, hoặc thậm chí không làm
gì cả mà chỉ ngồi yên và chú tâm vào hơi thở. Hiểu được điều này, trước
khi nhấc máy gọi cho ai, bạn nên nghĩ lại xem có thật sự cần thiết hay
không rồi hãy gọi. Tôi tin là bạn sẽ thấy hóa đơn thanh toán tiền điện
thoại trong tháng tới giảm đi đáng kể.
Môi trường chung quanh tác động trực tiếp đến tâm hồn ta qua những
phương thức mà ta tiếp xúc và giao tiếp. Chúng ta không thể chọn lựa nơi
ở tùy theo ý thích, vì điều đó thường khi đòi hỏi một khả năng tài chánh
rất cao. Nhưng chúng ta có thể thay đổi cách sinh hoạt trong môi trường,
cách nhận thức về sự việc chung quanh, và cũng có thể tiếp nhận hoặc từ
chối một số những yếu tố từ môi trường. Ý thức được điều này, chúng ta
có thể tự mình sáng suốt quyết định nên làm gì và làm như thế nào. Cuộc
sống này là của chúng ta và thời gian đang trôi qua nhanh chóng. Nếu
biết làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, chúng ta sẽ có được nhiều hơn
những niềm vui và hạnh phúc.