Chúng ta không có quyền tận hưởng hạnh phúc mà không tạo ra nó, cũng giống như không thể tiêu pha mà không làm ra tiền bạc. (We have no more right to consume happiness without producing it than to consume wealth without producing it. )George Bernard Shaw
Lấy sự nghe biết nhiều, luyến mến nơi đạo, ắt khó mà hiểu đạo. Bền chí phụng sự theo đạo thì mới hiểu thấu đạo rất sâu rộng.Kinh Bốn mươi hai chương
Những khách hàng khó tính nhất là người dạy cho bạn nhiều điều nhất. (Your most unhappy customers are your greatest source of learning.)Bill Gates
Đừng chờ đợi những hoàn cảnh thật tốt đẹp để làm điều tốt đẹp; hãy nỗ lực ngay trong những tình huống thông thường. (Do not wait for extraordinary circumstances to do good action; try to use ordinary situations. )Jean Paul
Chỉ có cuộc sống vì người khác mới là đáng sống. (Only a life lived for others is a life worthwhile. )Albert Einstein
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Nếu bạn nghĩ mình làm được, bạn sẽ làm được. Nhưng nếu bạn nghĩ mình không làm được thì điều đó cũng sẽ trở thành sự thật. (If you think you can, you can. And if you think you can't, you're right.)Mary Kay Ash
Từ bi và độ lượng không phải là dấu hiệu của yếu đuối, mà thực sự là biểu hiện của sức mạnh.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Điều bất hạnh nhất đối với một con người không phải là khi không có trong tay tiền bạc, của cải, mà chính là khi cảm thấy mình không có ai để yêu thương.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG XIII: TÔI ĐƯỢC TẤN PHONG LẠT-MA »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG XIII: TÔI ĐƯỢC TẤN PHONG LẠT-MA

Donate

(Lượt xem: 4.583)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG XIII: TÔI ĐƯỢC TẤN PHONG LẠT-MA

Font chữ:

Chính trong thời kỳ này tôi được thụ huấn ráo riết về phương pháp xuất thần đi vào cảnh giới vô hình. Nhiều người không tin rằng sự xuất thần như thế có thể thực hiện được, nhưng thật ra thì tất cả mọi người đều có trải qua hiện tượng xuất thần đi vào cảnh giới vô hình trong giấc ngủ. Có điều khác là những người bình thường tuy có xuất thần trong giấc ngủ mà không hề hay biết, còn các hành giả có tu tập thì có thể chủ động xuất thần một cách tùy ý.

Những phương pháp tu tập này là hoàn toàn xa lạ ở phương Tây, vì thế mà người ta thường hiểu biết rất ít về ý nghĩa thật sự của những giấc mộng. Mặc dù vậy, hầu hết các nền văn minh cổ ở khắp nơi trên thế giới đều biết hiện tượng xuất thần. Ngay tại Anh quốc, người ta cũng truyền tụng về những bà phù thủy đã từng nổi tiếng với nhiều quyền năng kỳ bí, trong đó có khả năng xuất thần.

Tôi cũng được học một môn học bí truyền khác là môn thần giao cách cảm. Nhiều người trước đây hoàn toàn không tin vào khả năng này của con người, nhưng thật đáng mừng là ngày nay người ta đã bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận đúng hơn về khoa học này.

Chúng tôi cũng thực hành cả khoa thôi miên. Chính tôi đã thực hiện nhiều cuộc giải phẫu quan trọng cho những bệnh nhân được đưa vào trạng thái thôi miên, như trong trường hợp cắt bỏ một chân chẳng hạn. Bệnh nhân không cảm thấy gì đau đớn gì cả và khi thức tỉnh thì thể trạng của họ còn khả quan hơn so với việc sử dụng thuốc mê theo phương pháp cổ điển. Hình như bên Anh quốc hiện nay người ta đã bắt đầu áp dụng khoa thôi miên trong một vài trường hợp giải phẫu.

Tôi không có năng khiếu về âm nhạc, như đã nói trước đây. Tôi chỉ vừa mở miệng hát là đủ làm cho vị nhạc sư nổi trận lôi đình, quát tháo ầm ĩ. Nhưng cơn giận này còn chưa thấm vào đâu so với cơn náo loạn mà tôi gây ra một ngày nọ. Trong khi tập đánh chập chõa, một loại nhạc khí mà tôi cho là bất cứ ai cũng chơi được, nhưng không biết tôi vụng về thế nào lại vô tình tôi chộp ngay vào cái đầu trọc của một nhà sư ngồi gần bên!

Một cơn náo động và phản đối ầm ĩ đã diễn ra ngay sau đó. Và thế là người ta không ngần ngại mà thẳng thừng yêu cầu tôi hãy giới hạn những sinh hoạt của mình trong lãnh vực thần nhãn và y khoa mà thôi!

Chúng tôi cũng thực hành rất nhiều về pháp môn yoga, một khoa học rất quan trọng có thể chuyển hóa con người đến một mức độ phi thường. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng pháp môn Yoga có lẽ không dành cho người phương Tây, trừ phi người ta đã đưa vào đó rất nhiều sự thay đổi thích hợp với lối sinh hoạt và tính chất của người phương Tây.

Pháp môn này đã quen thuộc với người Tây Tạng từ nhiều thế kỷ. Họ đã quen tập luyện những tư thế Yoga từ thời thơ ấu. Vì thế, cả thân thể, tứ chi, gân xương, bắp thịt của họ đều đã được tập luyện thuần thục. Trái lại, người Tây phương khi thử bắt chước tập những tư thế đó sẽ gặp nhiều nguy hiểm, nhất là những người đã lớn tuổi.

Còn phép luyện hơi thở – hay khí công - cũng là một điều rất nguy hiểm. Tập thở theo một phương pháp nhất định, đó là bí quyết của nhiều hiện tượng lạ lùng. Nhưng, cần lặp lại một lần nữa rằng phép luyện khí công có thể có hại, nếu không nói là nguy hiểm đến tánh mạng, trừ phi hành giả được sự chỉ dẫn của một bậc danh sư có nhiều kinh nghiệm.

Nhiều du khách đến viếng Tây Tạng có viết truyện kể lại về những vị Lạt-ma có thuật phi hành, họ có thể kiểm soát trọng lượng của thân thể họ và chạy nhanh hết tốc lực trong nhiều giờ, với hai chân rất ít khi chấm đất.

Thuật phi hành đó đòi hỏi một công phu tập luyện lâu dài, và người phi hành phải tự đặt mình trong một trạng thái bán thôi miên. Buổi chiều là giờ tốt nhất để tập luyện vì hành giả có thể nhắm hướng sao mà chạy. Mặt đất phải bằng phẳng, không chướng ngại để khỏi làm gián đoạn trạng thái tập trung. Hành giả thường phải chạy trong trạng thái như một người mộng du (somnambule).

Nhờ kiểm soát sự hô hấp bằng phương pháp luyện khí công nên các hành giả Tây Tạng có thể ngồi mình trần trên những vùng núi non đầy băng tuyết ở độ cao đến năm hay sáu ngàn thước so với mực nước biển, nhưng vẫn cảm thấy nóng đến nỗi làm băng tuyết tan rã và bản thân họ toát mồ hôi như tắm.

Bạn có bao giờ thử nhấc một vật nặng sau khi đã thở ra hết khí trời trong phổi? Bạn hãy thử xem rồi sẽ thấy rằng không thể làm được. Nhưng nếu bạn hít vào một hơi rất sâu và giữ lại hơi thở trong phổi, bạn sẽ có thể nhấc vật nặng ấy lên một cách dễ dàng hơn. Trong trường hợp bạn cảm thấy sợ sệt hay nóng giận, sau khi đã hít một hơi dài vào phổi, bạn hãy giữ lại hơi thở trong mười giây đồng hồ. Kế đó, bạn để cho không khí thoát ra từ từ. Nếu bạn lặp lại phép thở này ít nhất là ba lần, tim sẽ đập chậm hơn và bạn cảm thấy bình tĩnh lại.

Ai cũng có thể tập phép thở này một cách an toàn, vô hại. Chính nhờ biết cách kiểm soát hơi thở mà tôi đã có thể chịu đựng những sự tra tấn của người Nhật và những gian khổ trong các trại tù hồi Đệ nhị Thế chiến. Cho nên tôi có thể nói điều ấy hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm bản thân.

Rồi cũng đến thời điểm thích hợp để tôi tham dự cuộc thi chính thức đưa tôi lên chức vị Lạt-ma. Trước khi dự thi tôi phải đến nhận lãnh ân huệ của đức Đạt-lai Lạt-ma. Mỗi năm, đức Đạt-lai Lạt-ma ban ân huệ cho tất cả các nhà sư Tây Tạng. Dù vậy, Ngài vẫn ban ân huệ riêng cho từng người chứ không phải thực hiện chung cho tất cả như đức Giáo hoàng La Mã. Trong đa số trường hợp, Ngài ngồi trên ngai, tay cầm một cái cần dài như cần câu, có buộc tua vải ở một đầu, và để cái tua ấy chấm lên đầu của một nhà sư hay tín đồ hành hương.

Ngài cũng đặt một bàn tay lên trán của những người mà Ngài muốn ban cho danh dự hoặc đối với những vị chức sắc cao cấp. Ban ân huệ với cả hai bàn tay để lên trán một người nào đó là một đặc ân rất hiếm có, và ngài đã ban cho tôi cái ân huệ đó lần đầu tiên trong đời tôi. Trong khi ấy, Ngài nói nhỏ:

– Con ơi, con đã làm việc rất tốt. Con hãy gắng làm tốt hơn nữa trong kỳ thi này, để chứng minh rằng sự tin tưởng mà chúng ta đặt nơi con là chính xác.

Ba ngày trước ngày sinh nhật năm tôi mười sáu tuổi, tôi dự thi cùng với mười bốn thí sinh khác. Những gian phòng thi cá nhân có vẻ như nhỏ hẹp hơn trước, chắc là vì tôi đã lớn. Mỗi buổi sáng, ban giám khảo đưa cho chúng tôi đề thi để làm trong ngày. Các bài làm sẽ được thu nhận vào buổi chiều.

Chúng tôi chỉ được ăn món tsampa mỗi ngày một lần, còn trà pha bơ thì uống tự do tùy thích. Tôi phải ở lại tất cả mười ngày trong phòng thi.

Cuộc thi bắt đầu với những bài vở về môn y khoa thường thức, môn cơ thể học mà tôi đã nắm vững các chủ đề, và môn thần học.

Trong suốt năm ngày kéo dài vô tận, tôi không được một phút nghỉ ngơi. Qua ngày thứ sáu, một trong những thí sinh bị một cơn khủng hoảng thần kinh. Điều đó làm cho chúng tôi xúc động rất nhiều. Từ một phòng thi cá nhân ở cạnh phòng tôi bỗng phát ra những tiếng hét lớn và rú lên rợn người. Tôi nghe có tiếng chân người dồn dập, những giọng nói, và tiếng mở cửa. Có tiếng nói êm dịu, vỗ về, an ủi của một người; kế đó là những tiếng khóc thổn thức nối tiếp theo những tiếng kêu rú. Thế là, cuộc thi đã chấm dứt đối với thí sinh ấy.

Đối với tôi, phần thứ nhì của cuộc thi mới bắt đầu. Người ta đem đề thi ngày đó đến cho tôi trễ mất một giờ. Hôm ấy là bài làm về môn Siêu hình học Yoga. Tất cả có chín pháp môn Yoga. Và tôi phải được chấm điểm ưu trong tất cả các môn!

Người Tây phương thường chỉ biết một cách nông cạn về năm pháp môn Yoga: Pháp môn Hatha Yoga để tu luyện xác thân; Kundalini Yoga để luyện các năng khiếu thần thông như thần nhãn, thần nhĩ v..v... Lya Yoga để luyện tinh thần và trí nhớ; Rja Yoga để chuẩn bị cho con người đạt tới sự minh triết và Samadhi Yoga đưa đến trạng thái giác ngộ tối thượng, nhờ đó hành giả thấu triệt được ý nghĩa và bản chất thật sự của vạn hữu.

Chính sự thực hành môn Samadhi Yoga giúp cho hành giả có khả năng đạt tới chân lý tối thượng; và chính nhờ pháp môn này mà con người có thể thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đối với những hành giả chưa đạt đến sự giải thoát hoàn toàn, pháp môn này cũng giúp cho họ có khả năng tái sinh tùy ý ở thế gian với một mục đích nhất định, chẳng hạn như để giúp đỡ phụng sự nhân loại và tiếp tục tiến trình tu tập để đạt đến sự giác ngộ tối thượng.

Trong năm ngày còn lại, tôi rất bận rộn với những bài thi cuối cùng. Nhưng dầu cho những cuộc thi kéo dài đến mười ngày, rồi cũng phải có lúc chấm dứt. Và buổi chiều ngày thứ mười, khi vị Lạt-ma phụ trách đến nhận bài làm, ông được chúng tôi tiếp đón với những nụ cười sung sướng, thoải mái. Lần đầu tiên, người ta dọn cho chúng tôi ăn rau cùng với tsampa là món ăn căn bản của chúng tôi trong suốt mười ngày qua.

Đêm ấy, tôi ngủ một giấc say sưa ngon lành. Tôi không nghi ngờ gì kết quả cuộc thi, nhưng chỉ e ngại về kết quả xếp hạng; vì tôi được kỳ vọng là phải có tên trong số những người đỗ đầu.

Thi viết xong, chúng tôi được nghỉ ngơi trọn một tuần lễ để lấy lại sức. Kế đó là trọn hai ngày thi về môn quyền thuật, võ nghệ. Ngoài ra các cuộc đấu võ, còn có môn “điểm huyệt” là môn bí truyền làm cho người ta trở nên bất động, không còn cảm giác.

Hai ngày kế đó dành cho phần sát hạch về những điểm yếu kém trong các bài thi viết. Mỗi thí sinh đều bị hạch hỏi, chất vấn trong suốt hai ngày liền.

Rồi sau một tuần lễ nghỉ ngơi và chờ đợi, cuối cùng kết quả cuộc thi cũng được công bố. Tôi vui mừng vô hạn, một sự vui mừng mà tôi không ngần ngại biểu lộ ra ngoài một cách ầm ĩ, khi được biết là tôi đỗ thủ khoa.

Kết quả này làm tôi sung sướng vì hai lý do. Trước hết, trong suy nghĩ của tôi lúc đó thì nó chứng minh rằng Đại đức Minh Gia là vị đạo sư tài giỏi hơn so với tất cả các vị khác, và kế đó là đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ hài lòng về cả hai thầy trò chúng tôi.

Vài ngày sau, tôi đang làm việc trong phòng của sư phụ tôi thì cánh cửa thình lình mở toang và một sứ giả mồ hôi nhễ nhại, bụi bặm đầy mình, hối hả bước vào vừa thè lưỡi thở dốc vừa nói:

– Bạch ngài Lạt-ma Y sĩ Lâm Bá, có thông điệp của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Ông ta lấy trong áo ra và đưa cho tôi một bức thư bọc trong một khăn quàng lụa theo nghi lễ thông thường. Kế đó, ông ta quay gót lui ra.

Tôi đặt bức thơ xuống bàn, nhưng chưa mở ra vội. Thư ấy gửi cho tôi, nhưng nó nói gì trong đó? Chỉ thị bảo tôi học thêm các môn học thuật khác nữa chăng? Hoặc làm việc nhiều hơn nữa chăng?

Sư phụ tôi mỉm cười về sự băn khoăn do dự của tôi; tôi bèn cầm đưa cho người cả bức thư và cái khăn quàng. Sư phụ mở phong bì và lấy ra hai mảnh giấy xếp. Người xem qua và nói:

– Hay lắm, con hãy an tâm. Chúng ta phải đến điện Potala ngay bây giờ, không trễ một phút. Ta cũng được mời.

Sư phụ gõ một tiếng cồng; một người phục vụ xuất hiện. Sư phụ bèn ra lệnh cho ông ta lập tức thắng yên hai con ngựa bạch.

Sau khi đã thay áo và chọn hai cái khăn quàng đẹp nhất, chúng tôi đến báo cho vị Sư trưởng biết rằng đức Đạt-lai Lạt-ma cho gọi chúng tôi đến điện Potala. Sư trưởng hỏi:

– Quý vị đi đến điện Potala ngay bây giờ sao? Lạ thật, mới ngày hôm qua đây, đức Đạt-lai Lạt-ma hãy còn ở vườn Ngọc Uyển. Nhưng nếu quý vị có thư mời thì... chắc hẳn đây là một việc rất hệ trọng.

Những nhà sư giữ ngựa đợi chúng tôi ngoài sân với hai con ngựa trắng. Chúng tôi lên yên và cho ngựa đi xuống dưới chân đồi. Trong chốc lát chúng tôi đã đến điện Potala.

Thật ra từ chỗ tu viện của chúng tôi đến điện không xa, lẽ ra tôi không cần phải nhọc sức ngồi vững trên yên ngựa với một quãng đường ngắn như thế! Nhưng điều tiện lợi duy nhất là chúng tôi có thể cưỡi ngựa đi lên cái cầu thang lớn đưa chúng tôi đến tận nơi, gần nóc điện Potala.

Khi chúng tôi vừa đặt chân xuống đất, những người phục vụ đã đợi ở đây từ trước, bèn bước đến đỡ lấy cương ngựa dắt đi, và chúng tôi được đưa thẳng vào tư thất của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Tôi bước vào một mình, quì xuống đặt cái khăn quàng dưới chân Ngài rồi cúi đầu đảnh lễ như thường lệ. Ngài nói:

– Con hãy ngồi đi, Lâm Bá. Ta rất hài lòng về con và Đại đức Minh Gia. Nhờ công khó dạy dỗ của sư phụ con mà con mới có được thành công trong kỳ thi vừa rồi. Chính ta đã đích thân xem các bài vở của con.

Nghe Ngài nói, tôi cảm thấy một cơn rùng mình chạy dọc theo tủy xương sống. Tính hài hước của tôi có đôi khi đặt sái chỗ; đó là một trong những điểm yếu kém của tôi, theo như người ta thường nói. Sự hài hước ấy đã biểu lộ trong kỳ thi vừa qua vì trong khi giải đáp các đề thi, tôi đã viết nhiều câu hơi có vẻ xúc phạm! Đức Đạt-lai Lạt-ma chắc hẳn đã đọc được tư tưởng của tôi vì Ngài bật cười và nói:

– Phải đó, tính hài hước của con đã biểu lộ không đúng lúc, nhưng...

Ngài ngừng lại trong một cơn im lặng kéo dài, trong khi đó tôi hồi hộp chờ đợi một sự chẳng lành.

– ... nhưng tất cả những câu giải đáp của con đều làm cho ta rất thích thú.

Tôi tiếp chuyện suốt hai giờ đồng hồ với đức Đạt-lai Lạt-ma. Kế đó Ngài cho gọi sư phụ tôi vào để dặn dò về cách sắp xếp việc học của tôi trong thời gian tới. Tôi phải chịu một cuộc thử thách về sự chết giả, viếng nhiều tu viện khác và thực tập môn cơ thể học với bọn âm công mổ xẻ xác người chết. Những người này thuộc về một giai cấp hạ tiện, và công việc của họ có phần đặc biệt đến nỗi đức Đạt-lai Lạt-ma đặc cách cho phép tôi làm việc chung với họ mà vẫn giữ nguyên chức vị Lạt-ma của tôi. Ngài ra lệnh cho những âm công:

– Hãy dành cho vị Lạt-ma Lâm Bá mọi sự giúp đỡ và trợ lực cần thiết; tiết lộ cho vị Lạt-ma những bí mật trong các cơ thể để cho người có thể biết được những nguyên nhân vật chất của những trường hợp tử vong; và dành cho người bất cứ tử thi nào mà người cần dùng đến để học hỏi, khám nghiệm.

Trước khi nói đến cách chôn cất tử thi ở xứ Tây Tạng, thiết tưởng cũng cần nói qua vài chi tiết phụ thuộc về quan niệm của người Tây Tạng đối với sự chết.

Thái độ của người Tây Tạng về sự chết hoàn toàn khác hẳn với người Tây phương. Họ quan niệm rằng thể xác con người chỉ là một “lớp vỏ” cái vỏ vật chất bên ngoài bao bọc một thần thức bên trong. Vì thế, đối với họ thì một tử thi còn kém giá trị hơn một miếng giẻ rách. Trong trường hợp chết tự nhiên, nghĩa là không phải do tai nạn bất đắc kỳ tử, thì diễn biến sự chết theo quan niệm của người Tây Tạng là: Thể xác mệt mỏi, già cỗi, trở nên bất tiện cho thần thức đến mức không còn dùng được. Đó là lúc cần phải loại bỏ lớp vỏ bên ngoài và rời khỏi thể xác vật chất. Đó tức là sự chết, nhưng cũng là sự sinh ra trong một cuộc đời mới.

Người Tây Tạng tin rằng phải sau một thời gian ba ngày thể xác mới thật sự chết hẳn, nghĩa là mọi hoạt động của cơ thể mới hoàn toàn chấm dứt, và thần thức mới hoàn toàn rời khỏi lớp vỏ xác thịt vật chất. Lạt-ma giáo (Lamaisme) của xứ Tây Tạng cho rằng con người có ba thể căn bản: Xác thể cấu tạo bằng xương thịt, nhờ đó thần thức có thể dựa vào để hình thành một kiếp sống; dục thể được cấu tạo bằng những thèm khát, ham muốn, tình cảm, nói chung là những dục vọng của con người; và linh thể, tức là thể tâm linh, hay thần thức. Họ tin rằng người chết phải trải qua ba giai đoạn: Xác thể sẽ phải tiêu diệt; dục thể cũng sẽ tan rã và linh thể hay thần thức đi theo con đường đưa đến cảnh giới tâm linh.

Một hôm, vị Lạt-ma phụ trách nghi lễ cầu siêu cho người chết mời tôi đến và nói:

– Nay đã đến lúc sư huynh cần học hỏi những phương pháp thực tế về sự giải thoát của linh hồn. Xin mời sư huynh đi theo tôi.

Sau khi đã đi qua những hành lang dài và đi xuống những cầu thang trơn trợt, chúng tôi đến chỗ cư xá của các vị y sĩ. Tại đây, trong một phòng bệnh, một vị sư già đang nằm hấp hối. Một cơn bệnh đã làm cho ông ta yếu sức nhiều, sinh lực của ông ta đã gần cạn và tôi nhận thấy màu sắc trên hào quang ông ta đã phai mờ. Dầu sao, ông ta cũng phải gượng sống cho đến khi không còn chút sinh lực nào. Vị Lạt-ma đi cùng với tôi nhẹ nhàng nắm lấy hai bàn tay ông ta và nói:

– Sư ông đã gần được giải thoát khỏi những dày vò của thể xác. Sư ông hãy chú ý nghe những lời tôi nói đây, để có thể được nhẹ bước siêu thăng. Chân sư ông đã lạnh. Cuộc đời sư ông đã tiến gần đến chỗ kết thúc. Cầu cho linh hồn sư ông được bình an, vì sư ông không có gì phải sợ sệt. Sinh lực đã rút ra khỏi hai chân sư ông, và đôi mắt sư ông đã mờ. Thân hình sư ông đã lạnh, sự sống đã rút lui dần và sắp tắt hẳn. Sư ông hỡi, cầu cho linh hồn sư ông được bình an, vì sự giải thoát ra khỏi cuộc đời thế tục để bước qua cõi tinh thần vốn không có gì đáng sợ. Những bóng tối của cõi u minh vô tận đã lởn vởn trước mắt sư ông và hơi thở của sư ông đã tắt nghẽn trong cuống họng. Nay đã đến lúc mà thần thức sư ông sẽ được tự do trong cảnh giới tâm linh. Cầu cho sư ông được bình an. Thời điểm giải thoát của sư ông đã đến...

Vị Lạt-ma vừa nói luôn miệng, vừa lấy bàn tay vuốt nhẹ sau gáy của người hấp hối, từ hai vai lên đến đỉnh đầu, theo một phương pháp đã được chứng nghiệm là có thể giúp đưa linh hồn ra khỏi xác một cách êm ái nhẹ nhàng, không đau đớn.

Tất cả những cạm bẫy trên đường đi qua cảnh giới tâm linh được nói cho người chết biết trước, cùng với phương cách để tránh những cạm bẫy đó. Lộ trình đã được vạch sẵn một cách chính xác, do các vị Lạt-ma đã từng thực hành pháp tu luyện xuất thần ngay khi đang sống. Các vị ấy có thể dùng thần giao cách cảm để tiếp tục giao tiếp và hướng dẫn thần thức người chết.

Vị Lạt-ma nói tiếp:

– Sư ông không còn nhìn thấy gì nữa, và hơi thở của sư ông đã ngưng hẳn. Toàn thân sư ông đã lạnh và những tiếng động ồn ào của thế gian không còn vọng vào tai sư ông được nữa. Sư ông hãy bình an, vì cái chết nay đã đến với sư ông. Sư ông hãy noi theo con đường mà chúng tôi đã vạch sẵn, và sư ông sẽ tìm thấy sự yên tĩnh phúc lạc ở cảnh giới bên kia.

Vị Lạt-ma vẫn tiếp tục vuốt nhẹ cái gáy và hai vai người chết. Vầng hào quang của ông lão trở nên mờ dần, và sau cùng thì biến mất dạng. Khi đó, theo một nghi lễ cổ truyền tự muôn đời, vị Lạt-ma thốt ra một tiếng kêu ngắn và to để cho linh hồn còn đang bám víu lấy thể xác có thể được giải thoát hoàn toàn. Ở phía trên cái xác thân bất động, nguồn sinh lực tập trung lại thành một khối giống như một đám mây khói vần vũ với muôn nghìn vòng xoáy, trước khi tượng hình giống như cái thể xác mà nó vừa rời bỏ. Vào lúc cuối cùng, đám mây sinh lực trở nên mỏng manh và từ từ biến mất, như một đám mây lướt nhẹ trên không gian, hay một đám khói hương tản mác trong đền thờ.

Vị Lạt-ma vẫn tiếp tục những chỉ dẫn cho thần thức người chết bằng thần giao cách cảm và dìu dắt thần thức trong giai đoạn đầu tiên của cuộc phiêu lưu sang cảnh giới vô hình.

– Sư ông đã chết rồi. Ở đây không còn gì cho sư ông nữa cả. Những sợi dây trói buộc của xác thịt đã bị cắt đứt. Sư ông hiện đang ở trong cảnh giới tâm linh. Sư ông hãy tiếp tục đi theo con đường của mình, còn chúng tôi sẽ ở lại trần gian. Sư ông hãy noi theo con đường đã vạch. Hãy từ giã cõi thế gian mộng ảo này và bước vào cảnh giới tinh thần. Sư ông đã chết. Hãy tiếp tục tiến bước trên con đường đã vạch sẵn.

Khói hương trầm bốc lên thành những vòng tròn; mùi hương thơm ngát đem lại sự yên tĩnh cho bầu không khí rối loạn. Từ đằng xa vọng lại tiếng trống nghe văng vẳng. Từ trên nóc tu viện rất cao, tiếng kèn trầm hùng phát ra một âm thanh vang dội khắp bốn phương. Theo các hành lang, tất cả những tiếng động ồn ào của cuộc sống hằng ngày vang dội đến tai chúng tôi, chen lẫn với tiếng giày ủng của các nhà sư và tiếng kêu của những con bò yak.

Gian phòng nhỏ của chúng tôi lúc ấy như đắm chìm trong im lặng. Một cái im lặng của nhà mồ. Trong cái bối cảnh im lặng đó, những chỉ dẫn bằng thần giao cách cảm của vị Lạt-ma là những tiếng thổn thức phớt qua cái yên tịnh của gian phòng, cũng như ngọn gió nhẹ thoáng qua mặt hồ yên lặng.

Sự chết! Lại có thêm một ông lão vừa tiếp bước trong cái chu kỳ bất tận của vòng luân hồi sinh tử! Có lẽ sau khi đã trải qua những bài học kinh nghiệm của một kiếp người, ông đã tiến được phần nào trên con đường tâm linh, nhưng vẫn còn phải tiếp tục với những công phu tu tập trường kỳ bất tận cho đến khi đạt tới quả vị Phật.

Chúng tôi đặt tử thi ngồi theo tư thế hoa sen và cho gọi những âm công cùng với các vị Lạt-ma khác để tiếp tục sự hướng dẫn bằng thần giao cách cảm cho thần thức người chết. Công việc này kéo dài suốt ba ngày ba đêm. Trong thời gian đó, những vị Lạt-ma thay phiên nhau túc trực bên cạnh xác chết.

Sáng ngày thứ tư, một âm công đến để lấy xác. Những âm công là một giai cấp sống trong khu biệt lập ở ngã tư các đường Ling-khorDechhen Dzong. Khi ông ta đến nơi, các vị Lạt-ma ngưng việc dẫn dắt thần thức người chết và ông ta nhận lãnh tử thi.

Ông ta bọc tử thi trong một cái bao vải trắng, nhẹ nhàng đưa cái bọc lên vai rồi bước ra. Một con bò yak đã đợi sẵn ở ngoài. Không chút do dự, ông ta buộc cái bọc lên lưng con bò yak rồi cho nó đi đến khu nghĩa địa.

Tại đây, những âm công khác đang chờ sẵn. Gọi là “nghĩa địa” nhưng thật ra chỉ là một khoảnh đất trống ở giữa những núi đồi bao bọc chung quanh, trên đó có sẵn một phiến đá rộng và bằng phẳng, khá lớn để có thể đặt nằm trên đó bất cứ xác chết nào, dù to lớn đến đâu. Có những cây cọc được cắm trong bốn cái lỗ đào ở bốn góc. Một phiến đá khác có đục những lỗ sâu đến phân nửa bề dày của nó.

Khi tử thi được đặt lên phiến đá đầu tiên, người ta tháo bỏ cái bọc vải, buộc hai bàn chân và hai bàn tay vào bốn cây cọc. Sau đó, viên âm công trưởng mới mổ tử thi ra bằng một con dao lớn. Ông ta xẻ những đường dài trên tử thi để có thể lột da ra từng miếng. Kế đó, ông ta chặt đứt tay chân và cắt thành từng mảnh. Sau cùng, cái đầu được chặt lìa khỏi xác và chẻ đôi ra.

Khi vừa nhìn thấy người âm công khiêng tử thi đến nơi, những con kên kên bèn hạ cánh bay thấp xuống và đậu trên những tảng đá lớn, chờ đợi một cách kiên nhẫn như những khán giả của một sân khấu lộ thiên. Loài kên kên này cũng có trật tự và kỷ luật rất nghiêm nhặt. Nếu một con nào “phạm thượng” dám đến gần tử thi trước con “chúa bầy” thì lập tức sẽ bị trừng trị đích đáng.

Trong khi bọn kên kên tìm chỗ đậu thì người âm công trưởng đã mổ phanh xác chết. Ông ta thọc hai bàn tay vào trong lồng ngực tử thi, móc lấy quả tim và đưa ra cho con kên kên chúa, con này liền nhảy xuống đất một cách nặng nề và đủng đỉnh tiến đến gần để nhận lãnh lấy phần ưu tiên của nó. Kế đó con thứ nhì xuất hiện để nhận lấy lá gan rồi lui vào một góc tảng đá để ăn riêng một mình. Hai trái thận và ruột cũng được chia ra cho những con kên kên vào bậc “đàn anh”. Những miếng thịt được cắt ra từng mảnh và phân phát cho cả đàn. Thỉnh thoảng, có một con đã ăn xong phần ăn của mình, lại đủng đỉnh bước tới để kiếm thêm một miếng óc hoặc một con mắt, trong khi một con khác vừa đáp xuống vừa vỗ cánh để kiếm thêm một miếng thịt nữa.

Trong khoảnh khắc, tất cả các bộ phận và da thịt đều trôi vào bụng kên kên, chỉ còn lại có những xương xẩu rải rác trên phiến đá. Người âm công, sau khi đã chặt những khúc xương thành từng mảnh nhỏ, liền đem nhét các mảnh vụn ấy vào những cái lỗ khoét sâu trên phiến đá thứ nhì, và dùng búa lớn để nghiền nát thành một thứ bột nhuyễn mà loài kên kên rất thích ăn!

Những âm công này đều là những tay thiện nghệ trong việc chặt xác người. Họ rất hài lòng với nghề nghiệp của họ. Để thỏa mãn óc tò mò, họ thường xem xét tất cả các bộ phận trong tử thi để xác định nguyên nhân sự chết. Những người có nhiều năm kinh nghiệm có thể thực hiện việc khám nghiệm rất mau chóng. Lẽ dĩ nhiên, không có gì bắt buộc họ phải chú trọng đến vấn đề này, nhưng truyền thống của nghề nghiệp luôn thúc giục họ phải tìm ra chính xác nguyên nhân đã làm cho thần thức một người phải rời khỏi thể xác.

Nếu một người chết vì thuốc độc hoặc vì bị ám sát hay do tai nạn, thì sự kiện ấy sẽ được phát hiện nhanh chóng. Sự khôn ngoan khéo léo của họ đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi tôi học hỏi với họ. Không bao lâu, tôi đã trở nên rất thành thạo về nghệ thuật mổ xẻ tử thi.

Người âm công trưởng đứng gần bên tôi và chỉ dẫn cho tôi những điểm lý thú:

– Thưa Đại đức Lạt-ma, người này chết vì bệnh tim. Đại đức hãy nhìn xem, chúng ta sẽ cắt cái mạch máu này... Đây rồi... đại đức có thấy chăng cục máu đông này ngăn chặn sự lưu thông trong huyết quản?

Hoặc trong một trường hợp khác:

– Có một cái gì bất thường ở người đàn bà này, thưa Đại đức Lạt-ma. Chắc hẳn là một hạch tuyến đã hoạt động sai lệch. Chúng ta hãy thử lấy ra xem thì biết.

Kế đó, sau một lúc cắt ra một khối thịt khá lớn, ông ta nói:

– Đây là cái hạch tuyến, ta hãy cắt ra xem. À, phần trung tâm của nó rất cứng.

Và sự việc cứ tiếp diễn như thế. Những âm công này lấy làm hãnh diện mà chỉ cho tôi xem tất cả những điều gì mà họ có thể chỉ được, vì họ biết rằng tôi học hỏi với họ theo lệnh dạy của đức Đạt-lai Lạt-ma.

Nếu trong khi tôi vắng mặt, có một tử thi đặc biệt vừa được đem đến, thì họ để dành riêng cho tôi. Như vậy, tôi có thể khám nghiệm hàng trăm xác chết, điều này đã giúp cho tôi trở nên một nhà phẫu thuật ưu tú về sau này!

Sự huấn luyện này còn vô cùng hữu hiệu hơn là sự học của những sinh viên y khoa, họ phải chia các tử thi với nhau trong những phòng mổ xẻ của các bệnh viện. Tôi tin chắc rằng về môn cơ thể học, tôi đã học hỏi với các âm công nhiều hơn là trong trường y khoa có trang bị đầy đủ y cụ tối tân mà tôi đã theo học trong những năm về sau.

Ở Tây Tạng, người ta không thể chôn xác người chết. Đất núi cằn cỗi và lớp đất phủ ở trên quá mỏng làm cho việc đào huyệt rất khó khăn. Việc hỏa táng không thể thực hiện được vì những lý do kinh tế, cây gỗ rất hiếm và muốn thiêu một xác chết, người ta phải mua củi từ bên Ấn Độ rồi chuyên chở sang Tây Tạng trên lưng những con bò yak xuyên qua các đường núi gập ghềnh xa xôi. Vì đó, giá thành sẽ trở nên đắt kinh khủng. Người ta cũng không thể vứt xác chết xuống sông, vì xác chết sẽ làm nhiễm độc nước sông, gây hại cho người sống. Chỉ còn lại cách duy nhất là phương pháp đã diễn tả ở trên, tức là cống hiến xác chết cho loài diều hâu và kên kên ăn thịt.

Việc điểu táng này chỉ khác biệt với sự chôn cất bên Tây phương về hai điểm. Trước hết, người Tây phương chôn xác người chết bằng cách để cho loài sâu bọ đóng cái vai trò của loài kên kên ở Tây Tạng. Thứ hai là khi người Tây phương chôn xác, họ cũng chôn luôn cả mọi khả năng truy ra nguyên nhân của sự chết, thành thử không ai có thể biết chắc rằng cái nguyên nhân ghi trên tờ giấy khai tử có đúng sự thật hay không? Trái lại, những âm công Tây Tạng luôn xác định được nguyên nhân thật sự của sự chết, vì điều này không bao giờ lọt ra khỏi tầm mắt của họ!

Cách chôn cất này là tục lệ thông thường đối với mọi người dân Tây Tạng, trừ trường hợp của những vị Lạt-ma Trưởng, là những đấng hóa thân. Thi hài các vị này được ướp bằng hương liệu và đặt trong những cái hòm thủy tinh để trưng bày trong các đền thờ, hoặc ướp hương liệu xong rồi đem phết vàng. Cách làm thứ hai này rất lý thú và tôi đã tham dự nhiều lần như vậy. Một số người Mỹ đã đọc những bản thảo của tôi về vấn đề này và không tin rằng điều ấy có thể thực hiện được. Họ nói:

– Chính người Mỹ chúng tôi cũng không làm được việc ấy, mặc dầu chúng tôi có những kỹ thuật tân tiến hơn.

Sự thật người Tây Tạng chúng tôi không hề biết đến kỹ thuật sản xuất đại qui mô, mà chúng tôi chỉ là những người thợ khéo. Chúng tôi không có khả năng chế tạo những đồng hồ đeo tay với giá một đô-la mỗi chiếc. Nhưng chúng tôi có thể sử dụng vàng để ướp xác chết.

Một buổi chiều, vị Sư trưởng cho gọi tôi và nói:

– Một vị hóa thân sắp sửa bỏ xác. Người đang ở tại tu viện Sera. Ta muốn con hãy đến xem cách họ ướp xác như thế nào.

Như vậy, một lần nữa tôi lại phải chịu đựng một cuộc hành trình khó nhọc trên lưng ngựa để đến tận Sera. Khi tôi đến tu viện, người ta đưa tôi đến tận phòng của vị sư trưởng đã già. Những màu sắc trên hào quang của ông ta đã sắp tắt.

Một giờ sau, ông ta từ giã thế giới vật chất để bước qua cảnh giới tinh thần. Là một vị sư trưởng và một nhà khoa học, ông ta không cần đến sự giúp đỡ khi đi vào cảnh giới tâm linh, cũng không cần phải chờ đợi ba ngày như thường lệ. Thi hài ông ta chỉ cần đặt ngồi theo tư thế kiết-già trong một đêm, trong khi các vị Lạt-ma chia nhau túc trực bên cạnh.

Qua hôm sau, vào lúc tảng sáng, một cuộc diễu hành long trọng đi qua thánh thất của tu viện, vào tận chính điện và đi xuống những đường hầm bí mật xuyên qua một cánh cửa ít khi dùng đến.

Trước mặt tôi, hai vị Lạt-ma khiêng tử thi đặt trên một cái cáng. Tử thi vẫn để ngồi theo tư thế hoa sen. Sau lưng tôi, các nhà sư hát thánh ca với một giọng trầm hùng; xen lẫn với âm thanh trong vắt của một cái chuông bạc. Chúng tôi đeo những mảnh vải yểm tâm vàng bên ngoài những áo tràng màu đỏ. Thân hình chúng tôi tạo thành những cái bóng đen lung lay và nhảy múa trên tường. Những bóng đen này được phóng đại quá cỡ và méo xệch đi bởi những ánh đèn bơ và ánh đuốc lập lòe.

Chuyến đi xuống đường hầm kéo dài rất lâu. Sau cùng, cách chừng hai chục thước bề sâu dưới mặt đất, chúng tôi đến trước một cánh cửa bằng đá khóa chặt. Sau khi mở khóa, chúng tôi bước vào một gian phòng lạnh như băng. Các nhà sư đặt tử thi xuống đất một cách vô cùng cẩn thận và rút lui, chỉ còn lại tôi và ba vị Lạt-ma.

Hàng trăm ngọn đèn bơ được thắp lên, tỏa ra một ánh sáng vàng đục và xấu. Tử thi được cởi quần áo ra và tắm rửa sạch sẽ. Từ những lỗ trống tự nhiên trên thân thể người chết, người ta moi ra hết những bộ phận nội tạng rồi cho tất cả vào trong những cái vại và đóng chặt.

Kế đó, bên trong thân mình được rửa sạch kỹ lưỡng, để cho thật khô ráo và cho đầy vào trong đó một thứ nhựa đặc biệt. Thứ nhựa này sẽ đông đặc lại, nhờ đó tử thi mới giữ được vẻ tự nhiên như khi còn sống. Đợi khi chất nhựa đã trở nên khô và cứng lại, người ta mới nhồi phía trong với đồ tơ lụa, và luôn lưu ý giữ cho không mất đi dáng vẻ tự nhiên. Sau khi dùng tơ lụa nhồi vào thật cứng, người ta lại đổ thêm chất nhựa một lần nữa.

Kế đó, mặt ngoài xác chết được phết một lớp nhựa cùng loại và để cho thật khô. Rồi trước khi dán lên tử thi những băng lụa rất nhuyễn, người ta phết lên mặt ngoài đã cứng một lớp nước thuốc đặc biệt để sau này có thể gỡ các băng lụa ra một cách dễ dàng.

Khi tử thi đã nhồi đủ cứng, người ta đổ thêm chất nhựa, nhưng lần này là một loại khác, và tử thi đã sẵn sàng bước qua giai đoạn thứ hai của công việc ướp xác.

Trong một ngày và một đêm, tử thi được để yên tại chỗ để cho hoàn toàn khô ráo. Khi người ta trở lại gian phòng thì nó đã trở nên cứng rắn. Khi đó, tử thi mới được chở đi một cách trịnh trọng xuống phòng ướp xác.

Phòng ướp xác này rất nhỏ, nằm phía dưới phòng thứ nhất. Thật ra thì đây là một cái hỏa lò được xây cất theo một cách riêng để cho những ngọn lửa và nhiệt độ có thể luân chuyển chung quanh các vách tường, nhờ đó luôn giữ cho gian phòng ở dưới một nhiệt độ cao và đều khắp.

Mặt nền của phòng ướp xác được đắp lên một thứ bột đặc biệt, làm thành một lớp rất dày. Tử thi được đặt ngồi ở giữa. Phía dưới, các nhà sư chuẩn bị việc đốt lửa. Người ta nhồi vào lò một tạp chất gồm có muối (một thứ muối đặc biệt chế tạo tại một tỉnh ở Tây Tạng), các loại dược thảo và khoáng chất. Khi gian phòng đã được nhồi đầy thứ tạp chất nói trên từ mặt đất lên đến trần, chúng tôi bước ra ngoài hành lang, cửa được đóng chặt lại và niêm phong bằng con dấu triện của tu viện.

Các nhà sư được lệnh đốt lửa. Trong giây lát, người ta nghe tiếng củi lửa cháy tí tách và khi ngọn lửa đã lên cao, có tiếng bơ sôi sục. Quả thật, các nồi hơi lớn được đun bằng phân bò yak và bơ phế thải. Suốt một tuần lễ, lửa cháy dữ dội trong lò và những luồng hơi nóng tràn vào trong những khe vách tường rỗng ruột của phòng ướp xác.

Cuối ngày thứ bảy, người ta ngưng đốt thêm lửa và ngọn lửa tàn lụi dần dần. Nhiệt độ xuống thấp làm cho các vách tường đá phát ra tiếng kêu như rên rỉ. Khi hành lang đã nguội lại để có thể đi qua, người ta còn phải đợi thêm ba ngày nữa trước khi nhiệt độ trong phòng trở lại bình thường.

Mười một ngày sau khi niêm phong, gian phòng lại được mở khóa và cửa phòng lại mở. Các nhà sư thay phiên nhau cạo sạch chất bột đã khô cứng. Họ cạo bằng tay chứ không dùng khí cụ để khỏi làm trầy xước xác ướp.

Sau hai ngày liên tục làm việc, họ đã gỡ xong những tảng muối và tạp chất khô giòn. Sau cùng, gian phòng đã trống trơn, chỉ còn lại cái tử thi ngồi ở chính giữa theo tư thế hoa sen.

Người ta cẩn thận nâng cái xác và đưa trở lên gian phòng thứ nhất. Tại đây nó được quan sát dễ dàng hơn dưới ánh sáng các ngọn đèn bơ. Những băng lụa được gỡ ra từng băng một, cho đến khi cái xác hoàn toàn trơ trọi. Việc ướp xác đã thành công hoàn toàn. Tử thi vẫn giữ nguyên vẹn hình dáng như trước, chỉ có màu sắc là trở nên sậm hơn nhiều. Hình dáng tử thi hoàn toàn tự nhiên như người sống, dường như có thể tỉnh dậy bất cứ lúc nào.

Lại một lần nữa, tử thi được phết thêm một lớp nhựa, và các nhà sư chuyên nghề kim hoàn mới bắt đầu làm việc.

Thật là một kỹ thuật tinh xảo vô cùng! Tôi chưa từng thấy ai khéo léo như những nhà sư chuyên nghề kim hoàn này. Họ có thể đắp một lớp vàng lên một cái xác chết! Họ làm việc thận trọng và chậm rãi, phết lên tử thi từng lớp vàng tinh lọc nhất và mịn màng tế nhuyễn nhất. Cho dù là ở đâu, số vàng này cũng đáng giá cả một gia tài! Nhưng đối với người Tây Tạng chúng tôi, nó chỉ có tầm mức quan trọng của một loại kim khí linh thiêng, một thứ kim khí mà tính chất bất hư hoại tượng trưng cho phần tâm linh của con người.

Những nhà sư chuyên nghề kim hoàn làm việc với một nghệ thuật rất tinh vi, và lưu ý kỹ từng chi tiết nhỏ nhặt. Khi hoàn thành công việc, họ tạo thành một pho tượng mạ vàng với dáng vẻ tự nhiên như người sống, không thiếu sót dù chỉ là một nếp nhăn. Điều này lại càng cho thấy rõ tài nghệ tinh xảo của họ.

Thân hình nặng trĩu bởi số vàng đắp lên đó được chở đến phòng các đấng hóa thân và đặt ngồi trên một chiếc ngai bằng vàng, giống như những xác ướp đã được đặt tại đây từ trước. Trong số đó, có vài xác ướp đã có từ lúc bắt đầu lịch sử thần thoại.

Những xác ướp này ngồi sắp hàng ví như những vị thẩm phán nghiêm minh, quan sát xuyên qua những mí mắt hé mở những tội lỗi sa đọa của thời đại hiện nay.

Chúng tôi chỉ nói chuyện thì thầm và đi nhón gót chân một cách rón rén, không dám quấy rầy những người chết đang ngồi đó. Tôi cảm thấy sức hấp dẫn mãnh liệt của một trong các pho tượng vàng. Nó gây cho tôi một sự ám ảnh lạ lùng. Tôi có cảm giác pho tượng ấy vừa nhìn tôi vừa mỉm cười, dường như nó biết rõ tất cả.

Bỗng nhiên có người sờ nhẹ vào tay tôi làm tôi giật mình gần muốn té xỉu vì sợ hãi. Tôi quay đầu nhìn lại, thì ra đó là... sư phụ tôi. Người nói:

– Đây là cái xác ướp của con hồi kiếp trước. Chúng ta vẫn biết rằng con sẽ tự nhìn ra cái xác của mình!

Sư phụ dắt tôi đến trước một vị hóa thân ngồi bên cạnh cái xác ướp của tôi và nói:

– Còn đây, chính là... ta.

Chúng tôi đều xúc động như nhau, và từ từ nhẹ bước lui ra khỏi phòng. Cánh cửa lại được khóa chặt và niêm phong cẩn thận.

Sau đó, tôi thường có dịp trở lại phòng các vị hóa thân để nghiên cứu những xác ướp mạ vàng. Đôi khi tôi đến ngồi thiền định suy tư một mình bên cạnh các vị hóa thân. Mỗi vị đều có một tiểu sử được ghi chép cẩn thận, và tôi cũng đã xem qua các tiểu sử một cách vô cùng thích thú. Chính tại gian phòng này mà tôi được sem tiểu sử tiền kiếp của sư phụ tôi, Lạt-ma Đại đức Minh Gia, do đó tôi được biết những công trình, những đức hạnh và tài năng của người trong kiếp trước, những danh vọng và chức vị mà người đã có, và người đã qua đời trong trường hợp nào. Cũng tại đây, tôi đã đọc được tiểu sử tiền kiếp của tôi. Tôi đã nghiên cứu một cách vô cùng say mê thích thú.

Có tất cả 98 xác ướp mạ vàng ngồi trong gian phòng này, một gian phòng bí mật đào trong núi đá sâu tận dưới lòng đất, và cánh cửa vào cũng được ẩn giấu rất kỹ và rất bí mật. Tôi đang đứng trước cả một pho lịch sử của xứ Tây Tạng. Ít nhất tôi tin như vậy, vì hồi đó tôi chưa biết rằng những thời kỳ sơ khai nhất của lịch sử Tây Tạng về sau này mới được tiết lộ cho tôi biết.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Vầng sáng từ phương Đông


Hạnh phúc là điều có thật


Chuyện Phật đời xưa


Phóng sinh - Chuyện nhỏ khó làm

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.144.41.200 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...