Kẻ ngốc nghếch truy tìm hạnh phúc ở xa xôi, người khôn ngoan gieo trồng hạnh phúc ngay dưới chân mình. (The foolish man seeks happiness in the distance, the wise grows it under his feet. )James Oppenheim
Bậc trí bảo vệ thân, bảo vệ luôn lời nói, bảo vệ cả tâm tư, ba nghiệp khéo bảo vệ.Kinh Pháp Cú (Kệ số 234)
Nỗ lực mang đến hạnh phúc cho người khác sẽ nâng cao chính bản thân ta. (An effort made for the happiness of others lifts above ourselves.)Lydia M. Child
Hãy nhã nhặn với mọi người khi bạn đi lên, vì bạn sẽ gặp lại họ khi đi xuống.Miranda
Cho dù không ai có thể quay lại quá khứ để khởi sự khác hơn, nhưng bất cứ ai cũng có thể bắt đầu từ hôm nay để tạo ra một kết cuộc hoàn toàn mới. (Though no one can go back and make a brand new start, anyone can start from now and make a brand new ending. )Carl Bard
Trực giác của tâm thức là món quà tặng thiêng liêng và bộ óc duy lý là tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội tôn vinh tên đầy tớ và quên đi món quà tặng. (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honor the servant and has forgotten the gift.)Albert Einstein
Người ta thuận theo sự mong ước tầm thường, cầu lấy danh tiếng. Khi được danh tiếng thì thân không còn nữa.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy đặt hết tâm ý vào ngay cả những việc làm nhỏ nhặt nhất của bạn. Đó là bí quyết để thành công. (Put your heart, mind, and soul into even your smallest acts. This is the secret of success.)Swami Sivananda
Khi bạn dấn thân hoàn thiện các nhu cầu của tha nhân, các nhu cầu của bạn cũng được hoàn thiện như một hệ quả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ta như thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc. Người bệnh chịu uống thuốc ấy hay không, chẳng phải lỗi thầy thuốc. Lại cũng như người khéo chỉ đường, chỉ cho mọi người con đường tốt. Nghe rồi mà chẳng đi theo, thật chẳng phải lỗi người chỉ đường.Kinh Lời dạy cuối cùng

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG XII : SỬ DỤNG THẦN NHÃN »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG XII : SỬ DỤNG THẦN NHÃN

Donate

(Lượt xem: 3.451)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG XII : SỬ DỤNG THẦN NHÃN

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Một buổi sáng, tôi đang lúc rảnh rang, Đại đức Minh Gia đến tìm tôi và nói:

– Chúng ta hãy đi chơi một vòng. Thầy có một việc để cho con làm.

Tôi rất vui mừng với ý nghĩ được đi dạo với sư phụ. Chúng tôi xuống chân đồi, và sau khi đi vòng quanh nhiều đường phố ở thủ đô Lhasa, chúng tôi đi ngang qua trụ sở của phái bộ ngoại giao. Sư phụ tôi vừa đi vừa nói:

– Một phái đoàn nước ngoài vừa mới đến, như thầy đã nói chuyện với con. Chúng ta hãy nhìn qua từng nhân viên phái đoàn ấy để xem họ là người như thế nào.

Ấn tượng đầu tiên của tôi rõ ràng là không tốt đẹp. Bên trong trụ sở của phái bộ, các nhân viên người nước ngoài lăng xăng qua lại trong các phòng, vẻ mặt dương dương tự đắc, hoặc đang lom khom mở các rương tráp và những thùng đồ đạc. Tôi nhận thấy họ có một số vũ khí khá nhiều, đủ để vũ trang cho một đạo binh nhỏ.

Vóc người nhỏ thó của tôi cho phép tôi mở cuộc “do thám” dễ dàng hơn một người lớn. Thật vậy, tôi đã lẻn bò lại gần một cửa sổ mở, xuyên qua đó tôi có thể rình xem cho đến khi một người trong bọn họ bất chợt ngẩng đầu lên. Khi người ấy nhìn thấy tôi, ông ta nổi giận thốt lên một câu nguyền rủa bằng tiếng nước ngoài, hẳn có tính cách xúc phạm đến cả tổ tiên của tôi. Rồi ông ta nhìn quanh tìm một vật gì đó để ném tôi, nhưng tôi đã kịp rút lui trước khi ông ta có thể ra tay.

Trên đường về, tôi nói với Đại đức Minh Gia:

– Sư phụ biết không, họ có những vầng hào quang màu đỏ! Và họ có một lối vung dao găm rất dễ sợ!

Sư phụ tôi có vẻ trầm tư trên suốt con đường về. Sau bữa ăn chiều, người nói với tôi:

– Thầy đã suy nghĩ nhiều về phái đoàn nước ngoài ban nãy, và thầy sẽ đề nghị với đức Đạt-lai Lạt-ma hãy sử dụng năng khiếu thần nhãn của con. Trong trường hợp đó, con có thể quan sát họ xuyên qua một bức bình phong được chăng?

Tôi đáp:

– Nếu sư phụ nghĩ rằng con có thể, thì chắc là con sẽ làm được.

Tôi không gặp sư phụ tôi suốt cả ngày hôm sau. Qua ngày kế đó, người để tôi làm việc suốt buổi sáng và sau bữa ăn trưa mới nói với tôi:

– Lâm Bá, trưa nay chúng ta sẽ đi chơi một vòng. Đây là một cái khăn quàng hảo hạng. Không cần phải có thần thông mới biết rằng chúng ta sẽ đi đâu. Con có mười phút để chuẩn bị, rồi sau đó hãy đến gặp thầy. Thầy cần phải báo trước với vị Sư trưởng.

Một lần nữa, chúng tôi lại noi theo con đường cheo leo đi xuống chân núi. Một con đường tắt xuyên qua sườn núi phía tây nam đưa chúng tôi đến vườn Ngọc Uyển gần bên điện Potala rất mau chóng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma rất thích khu vườn này, tại đây Ngài thường đến thưởng ngoạn trong những giờ nhàn rỗi. Trong vườn Ngọc Uyển có một cái hồ sen nhân tạo rất đẹp, với hai cù lao, trên mỗi cù lao có dựng lên một nhà mát để nghỉ hè. Đức Đạt-lai Lạt-ma thường đến những cù lao trên hồ sen này, tại đây Ngài tham thiền nhiều giờ mỗi ngày.

Bên trong vườn Ngọc Uyển có dinh trại của toán Ngự lâm quân gồm độ năm trăm người, có phận sự bảo vệ an ninh cho đức Đạt-lai Lạt-ma. Đó là nơi tôi cùng sư phụ đến viếng Ngài lần đầu tiên trong ngày hôm đó.

Sau khi đi qua những khu vườn sầm uất, chúng tôi bước qua một cánh cửa rất đẹp đưa vào một khoảnh vườn bên trong. Những loài chim đủ màu sặc sỡ đang ăn dưới đất. Chúng không màng nhìn thầy trò tôi, nên chúng tôi cũng không muốn quấy rầy chúng. Mặt hồ phẳng lặng chiếu sáng như một tấm gương trong. Con đường lót đá đã được quét vôi trắng và chúng tôi noi theo để đi tới cái cù lao xa nhất. Tại đây, đức Đạt-lai Lạt-ma đang đắm chìm trong một cơn thiền định thâm sâu.

Khi chúng tôi bước đến gần, Ngài ngước mắt lên và mỉm cười với chúng tôi. Chúng tôi liền quì xuống, đặt cái khăn quàng dưới chân Ngài và Ngài mời chúng tôi ngồi xuống trước mặt. Kế đó Ngài gõ chuông để ra hiệu cho một vị Lạt-ma hầu cận dâng trà, một thủ tục thông thường trước khi bắt đầu mọi câu chuyện.

Trong khi chờ đợi, Ngài nói chuyện với tôi về những loại cầm thú nuôi trong vườn Ngọc Uyển và hứa sẽ cho tôi xem sau này. Vị quan hầu cận dâng trà xong, vừa lui ra thì đức Đạt-lai Lạt-ma nhìn tôi và nói:

– Đạo hữu Minh Gia có nói cho ta biết rằng con không ưa những hào quang của phái đoàn nước ngoài. Người nói rằng tất cả bọn họ đều có mang đầy đủ khí giới. Trong các cuộc thử thách bí mật hay công khai trước đây, năng khiếu thần nhãn của con đã tỏ ra chính xác và không hề lầm lẫn. Vậy con nghĩ sao về những người ấy?

Câu hỏi của ngài làm cho tôi bối rối. Tôi không thích nói cho ai nghe trừ phi với sư phụ tôi, những gì tôi nhìn thấy trong hào quang của người khác, và những màu sắc ấy có ý nghĩa gì đối với tôi. Thật vậy, tôi nghĩ rằng nếu một người không thể nhìn thấy và tự diễn đạt lấy ý nghĩa các hào quang ấy cho riêng mình, thì điều đó có nghĩa là người ấy không có cái định mệnh được biết những gì tôi biết. Nhưng làm sao tôi dám nói điều ấy với một vị nguyên thủ quốc gia? Nhất là một vị nguyên thủ không có năng khiếu thần nhãn? Tôi bèn đáp:

– Vạn bạch Thái Tuế, con rất vụng về trong việc nhìn xem hào quang của người khác, và bởi đó con không đủ tư cách để bày tỏ một ý kiến nào cả.

Tôi không đạt được kết quả gì với lời từ chối đó, vì đức Đạt-lai Lạt-ma lại nói tiếp:

– Con thuộc về thành phần những người bẩm sinh đã sẵn có những khả năng thiên phú. Những khả năng đó đã được phát triển nhờ sự tu luyện theo các pháp môn bí truyền. Con có bổn phận phải nói. Con đã được nuôi nấng dạy dỗ chỉ vì mục đích đó mà thôi. Ta nghe đây.

– Vạn bạch Thái Tuế, những nhân viên trong phái đoàn nước ngoài đó đều có những ý đồ rất xảo trá, quỉ quyệt. Những màu sắc trong hào quang của họ biểu lộ một ý định lường gạt và phản bội.

Tôi không nói gì thêm nữa, nhưng đức Đạt-lai Lạt-ma có vẻ hài lòng. Ngài nói:

– Tốt lắm, con đã lặp lại đúng như những lời con đã nói với đạo hữu Minh Gia. Ngày mai, con sẽ đứng núp phía sau tấm bình phong này và con sẽ quan sát phái đoàn nước ngoài khi họ đến đây. Chúng ta cần biết rõ ý đồ của họ. Con hãy núp ngay bây giờ thử xem có ai nhìn thấy không?

Tôi bèn tuân lệnh đứng núp sau bình phong, các nhà sư cũng giúp dời những con sư tử đá chắn thêm ở phía ngoài để cho tôi được hoàn toàn kín đáo. Người ta thử tập dượt qua một lần cuộc viếng thăm này, những vị Lạt-ma đóng vai trò của phái đoàn nước ngoài. Họ cố gắng tìm ra chỗ tôi ẩn núp. Tôi đọc được ý nghĩ của một người trong bọn: “Nếu mình tìm thấy nó, mình sẽ được thăng thưởng!”

Nhưng rốt cuộc ông ta cũng chẳng được gì, vì ông ta nhìn về một phía khác. Sau cùng, đức Đạt-lai Lạt-ma tỏ ý hài lòng và gọi tôi. Sau vài phút nói chuyện, Ngài dặn chúng tôi hãy trở lại vào ngày hôm sau vì phái đoàn nước ngoài có lẽ sẽ tìm cách buộc Ngài ký một hiệp ước gì đó. Chúng tôi từ biệt Ngài và trở về tu viện Chakpori.

Ngày hôm sau, vào khoảng mười một giờ, chúng tôi đã có mặt tại vườn Ngọc Uyển. Đức Đạt-lai Lạt-ma tiếp đón tôi với một nụ cười và nói rằng tôi cần phải ăn uống (Điều này lúc nào tôi cũng sẵn sàng!) trước khi vào núp phía sau tấm bình phong.

Theo lệnh Ngài, người ta dọn ra cho tôi một bữa ăn thịnh soạn, với những đồ thực phẩm nhập từ Ấn Độ mà tôi thậm chí chưa từng biết tên gọi là gì. Điều mà tôi biết là lần đầu tiên tôi được ăn một bữa ăn lạ miệng và hoàn toàn khác hẳn với các món ăn “truyền thống” là trà bơ, tsampa và củ cải!

Sau khi đã ăn uống no lòng, tôi cảm thấy hăng hái hơn để có thể đương đầu với cái viễn ảnh phải ngồi yên bất động trong một thời gian dài. Thật ra, sự ngồi yên bất động hoàn toàn là điều kiện tất yếu của môn thiền định, không có gì là khó khăn đối với các vị Lạt-ma. Từ thuở ấu thơ, nói đúng ra là từ năm tôi lên bảy, người ta đã tập cho tôi ngồi yên không cử động trong nhiều giờ. Để thực tập, người ta đặt một cái đèn thắp bằng bơ lên đầu tôi và tôi phải ngồi trong tư thế hoa sen cho đến khi chất bơ trong đèn đã cạn, tức là suốt mười hai giờ. Như vậy, ngồi yên không cử động suốt ba hay bốn tiếng đồng hồ không phải là một điều khó đối với tôi.

Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng ngồi trong tư thế hoa sen đối diện với tôi, trên một chiếc ngai cao hơn mặt đất độ hai thước. Ngài ngồi yên không cử động, và tôi cũng vậy.

Thình lình có những tiếng kêu và nhiều tiếng chào bằng tiếng nước ngoài từ xa vọng đến tai chúng tôi. Về sau tôi nghe nói rằng hôm ấy y phục của phái đoàn nước ngoài đó có nhiều chỗ độn lên rất khả nghi, và người ta đã phải lục soát trong mình họ để tước khí giới.

Sau đó, dưới sự hướng dẫn của quân Ngự lâm, họ được đưa vào nội cung và chúng tôi nhìn thấy họ đi theo con đường lót đá đến trước tư dinh đức Đạt-lai Lạt-ma.

Một vị Lạt-ma cao cấp cất tiếng ngân nga:

Om Mani padme hum!

Nhưng thay vì phải lặp lại câu chân ngôn ấy như nghi lễ bắt buộc của Tây Tạng, phái đoàn nước ngoài đã đáp lễ bằng một câu với ngôn ngữ của họ.

Từ chỗ ẩn núp, tôi nhìn thấy những hào quang của họ. Tôi quan sát những màu sắc xám lợt thỉnh thoảng lại phóng ra những tia màu đỏ bầm, biểu lộ những tư tưởng oán ghét, hận thù. Hào quang của họ có những lằn và vệt ngang màu rất xấu, không có những màu sắc trong sáng và tinh khiết của những tư tưởng thanh cao. Những hào quang màu sắc đục ngầu và xấu xí của họ biểu lộ tâm hồn đầy dục vọng vật chất và tội lỗi. Đó chính là những người được diễn tả rất đúng bởi câu ngạn ngữ “Khẩu Phật, tâm xà”.

Tôi nhìn đức Đạt-lai Lạt-ma, hào quang của Ngài biểu lộ sự buồn rầu, vì Ngài đang nhớ lại thời kỳ xa xưa khi Ngài phải lưu vong. Tác phong của Ngài làm cho tôi rất cảm mến; xứ Tây Tạng chưa hề có một vị quốc vương nào xứng đáng hơn Ngài. Ngài có một tính chất cương nghị, thậm chí có khi hơi nóng nảy, vì có những tia đỏ xẹt ngang qua hào quang của Ngài, nhưng lịch sử sẽ nhắc nhở rằng Ngài là vị Đạt-lai Lạt-ma cao cả nhất và đã từng quên mình trọn vẹn trong công việc phụng sự đất nước.

Tôi có một lòng kính yêu thật sự đối với Ngài và trong lòng tôi Ngài chiếm được một ưu thế ngay sau Đại đức Minh Gia, sư phụ tôi.

Cuộc hội kiến kéo dài mà không đem lại một kết quả hữu ích, vì những người ấy đến đây không phải với tấm lòng của những người bạn, mà là sự thù nghịch. Họ có những ý nghĩ đã định sẵn, cùng những phương pháp để thực hiện ý đồ của họ. Họ muốn chiếm thêm đất đai lãnh thổ, điều khiển nền chính trị của Tây Tạng, và trên hết là họ muốn lấy... vàng!

Vàng đã từng là mục tiêu tham vọng của con người tự muôn đời. Vàng có đến hàng trăm tấn ở Tây Tạng, nhưng ở xứ này nó được xem như một loại kim khí linh thiêng. Theo tín ngưỡng của dân bản xứ, đào mỏ tìm vàng là làm mất đi khí thiêng của xứ sở, xúc phạm đến thần linh, nên không ai có ý định làm việc ấy. Ở Tây Tạng có những sông rạch mà người ta có thể đãi cát lấy vàng do giòng nước cuốn trôi xuống từ trên núi. Trong vùng Chang Tang, tôi đã thấy vàng đọng lại như cát ở những bờ suối. Thứ vàng này đem nấu chảy ra sẽ dùng làm đồ trang trí các đền thờ, vì loại kim khí linh thiêng này tự nhiên là để dùng vào những mục đích linh thiêng. Những ngọn đèn thắp bằng bơ trong các điện thờ cũng làm toàn bằng vàng.

Nhưng có điều là chất vàng quá mềm, nên sau một thời gian thì các đồ dùng đều méo mó và mất hình thể một cách dễ dàng.

Diện tích Tây Tạng lớn gấp hai lần nước Pháp. Nhiều vùng rộng lớn vẫn chưa được thám hiểm và tôi được biết rằng ở đó người ta tìm ra rất nhiều vàng, bạc. Người Tây Tạng không bao giờ để cho người Tây phương tìm đến các mỏ khoáng chất trong xứ họ, mặc dầu đã có rất nhiều sự vận động ráo riết về vấn đề này.

Trong sách này, khi tôi nói đến những cái kèn vàng, đĩa vàng, và “thi hài bọc vàng,” xin độc giả đừng quên rằng, ở Tây Tạng vàng không phải là một loại kim khí hiếm có, mà là loại kim khí linh thiêng!

Xứ Tây Tạng có thể là một kho tài nguyên phong phú vô tận mở rộng cửa cho toàn thế giới, nếu nhân loại chịu hợp nhất và đến với nhau trong hòa bình thay vì tự tiêu diệt nhau trong ảo vọng tranh giành thế lực.

Một buổi sáng, tôi đang ngồi chép một bản kinh bút tự để đưa cho thợ khắc chữ thì Đại đức Minh Gia đến tìm tôi và nói:

– Lâm Bá, con hãy gác lại việc ấy. Đức Đạt-lai Lạt-ma cho gọi chúng ta đến vườn Ngọc Uyển để quan sát hào quang của một người ngoại quốc đến từ phương Tây. Con hãy đi mau, vì Ngài muốn nói chuyện riêng với chúng ta trước khi tiếp khách. Không cần đem theo khăn quàng và không cần nghi lễ chi cả. Con chỉ cần sửa soạn đi gấp, thế thôi!

Tôi nhìn sư phụ một giây và đáp:

– Bạch sư phụ, để con vào thay áo, rồi con sẽ sẵn sàng.

Tôi không mất nhiều thời giờ để sửa soạn y phục chỉnh tề. Chúng tôi bước ra khỏi tu viện và trong giây lát chúng tôi đã có mặt tại vườn Ngọc Uyển. Những quân canh gác vừa xua tay định bảo chúng tôi đi chỗ khác, nhưng khi họ nhìn ra Đại đức Minh Gia, họ liền thay đổi thái độ ngay tức khắc và mau mắn dẫn đường đưa chúng tôi vào nội cung. Tại đây, đức Đạt-lai Lạt-ma đã ngồi sẵn chờ đợi chúng tôi. Không có khăn quàng để làm lễ ra mắt, tôi cảm thấy hơi vụng về lúng túng vì không biết dùng hai bàn tay để làm gì.

Đức Đạt-lai Lạt-ma mỉm cười nhìn chúng tôi và nói:

– Đạo hữu Minh Gia hãy an tọa, và cả con nữa, Lâm Bá. Quý vị đến nhanh lắm.

Chúng tôi ngồi xuống và đợi Ngài mở lời trước. Ngài ngồi tĩnh tọa và định tâm trong một lúc, dường như để sắp đặt những tư tưởng của Ngài. Kế đó, Ngài nói:

– Trước đây đã lâu, người Anh đã xâm chiếm xứ sở chúng ta. Khi đó ta phải đi qua Mông Cổ, giai đoạn đầu của một chuyến viễn du dài hạn. Vào năm Tuất (1910), đất nước chúng ta lại có binh biến. Cuộc chiến tranh này có thể xem là hậu quả trực tiếp sau cuộc tấn công của quân Anh. Lần này ta lại lên đường sang Ấn Độ và chính trong dịp đó ta đã gặp vị sứ thần Anh quốc mà hôm nay ta sẽ triệu kiến. Ta nói những điều đó là để riêng cho con biết, Lâm Bá, vì Minh Gia vốn đã tháp tùng ta trong những lần xuất ngoại đó. Người Anh đã hứa hẹn với ta nhiều điều mà rốt cuộc họ không giữ lời hứa. Hôm nay, ta muốn biết xem người sứ giả này có thành thật hay không. Lâm Bá, con sẽ không hiểu những lời nói của ông ta; như vậy, những lời ấy sẽ không ảnh hưởng gì đến con. Con hãy đứng núp phía sau tấm bình phong này, con sẽ có thể quan sát mọi điều mà không ai biết. Con hãy nhìn xem hào quang của ông ta và đưa ra những nhận xét của con như sư phụ con đã dạy. Bây giờ, đạo hữu Minh Gia hãy chỉ chỗ ẩn nấp cho Lâm Bá, vì cậu ấy đã quen thuộc với sự chỉ dẫn của đạo hữu hơn là của ta, và ta tin chắc rằng trong lòng cậu ta thì đạo hữu còn đáng kính hơn cả một vị Đạt-lai Lạt-ma như ta nữa kìa!

Núp phía sau bình phong, tôi không ngừng quan sát chung quanh, nhìn các loài chim và các nhánh cây đong đưa theo chiều gió. Thỉnh thoảng, tôi lén nhai vài miếng tsampa mà tôi đã đem theo.

Thình lình có tiếng động mạnh của cánh cửa vườn trong, những vị Lạt-ma mặc áo vàng trong nhóm các quan hầu cận của đức Đạt-lai Lạt-ma bước vào cùng với một người da trắng ăn mặc một cách thật kỳ dị.

Tôi phải khó khăn lắm mới giữ được sự yên tĩnh, vì tôi cảm thấy thật hết sức buồn cười. Người ấy có vóc dáng cao lớn và hơi gầy. Ông ta có mái tóc trắng, cặp lông mày thưa, đôi mắt rất sâu, và một đôi môi khép chặt, có vẻ đanh thép. Nhưng còn bộ y phục của ông ta mới thật đáng nói! Nó được may bằng một loại vải màu xanh đậm, phía trước ngực có một hàng nút bằng đồng sáng loáng. Bộ y phục này chắc hẳn phải là công trình của một người thợ may rất tồi, vì cái cổ áo quá lớn đến nỗi phải lật ra bên ngoài, ngoài ra lại còn có vài miếng vải vuông chắp vào hai bên. Tôi tự hỏi, phải chăng người Tây phương cũng thích mặc áo vá nhiều miếng như áo cà sa của các nhà sư phương Đông theo gương đức Phật ngày xưa?

Xin nói thêm rằng, hồi đó tôi chưa biết gì về cái cổ áo lật và kiểu áo có túi của người phương Tây! Ở Tây Tạng, những người nho nhã không phải là dân lao động đều mặc áo rộng, tay rất dài che lấp cả hai bàn tay. Trái lại, tay áo của người sứ giả này rất ngắn, chỉ vừa đến cườm tay thôi. Tôi thầm nghĩ:

– Tuy vậy, chắc người này không phải một bác thợ cày, vì hai bàn tay của ông ta có vẻ rất mềm mại. Có lẽ là ông ta không biết cách ăn mặc, thế thôi...

Cái áo của ông ta chỉ dài đến nửa thân mình. Tôi thầm nghĩ chắc là ông ta nghèo lắm. Quần của ông ta mặc quá chật và rõ ràng là quá dài, vì gấu quần lại vén ngược lên. Tôi tự nghĩ:

– Trong bộ y phục này, chắc hẳn ông ta phải cảm thấy lúng túng trước mặt đức Đạt-lai Lạt-ma.

Tôi lại tự hỏi, không biết có người nào cũng vừa tầm thước với ông, có thể cho ông ta mượn tạm một bộ y phục thích hợp hơn.

Khi đó, tôi mới nhìn xuống hai bàn chân ông ấy. Thật là một điều rất lạ lùng vì hai bàn chân ông ta bị nhét vào trong những vật rất dị kỳ, màu đen và bóng loáng, dường như bao phủ bằng một lớp nước đá! Những vật này thật là khác hẳn với những đôi ủng bằng nỉ của người Tây Tạng chúng tôi thường dùng. Tôi chưa bao giờ thấy những vật dị kỳ như thế!

Tôi ghi nhận các màu sắc trên hào quang của ông ta, cùng với sự kết luận của tôi. Vị sứ thần đôi khi nói chuyện bằng tiếng Tây Tạng, với một giọng khá chuẩn đối với một người ngoại quốc, nhưng rồi lại thốt ra một tràng những âm thanh lạ lùng mà tôi chưa nghe bao giờ. Về sau tôi mới biết rằng đó là tiếng Anh.

Khi ông ta thò tay vào cái túi vá ở bên hông và lấy ra một mảnh vải trắng nhỏ, tôi lấy làm ngạc nhiên. Dưới đôi mắt kinh ngạc của tôi, ông ta đưa mảnh vải trắng ấy lên trước mũi và miệng và phát ra một tiếng động giống như tiếng kèn. Tôi thầm nghĩ:

– Chắc hẳn đó là một cách chào đức Đạt-lai Lạt-ma!

Ông ta “chào” xong, liền cẩn thận đút mảnh vải trắng vào chỗ cũ. Kế đó, ông ta đưa tay vào bên trong áo và lấy ra nhiều tờ giấy thuộc một loại mà tôi chưa thấy bao giờ. Loại giấy ở Tây Tạng hơi dày, nhám và có màu vàng, còn loại giấy này trắng, mỏng và láng. Tôi tự hỏi:

– Làm sao người ta có thể viết trên một tờ giấy như vậy? Không có gì trên đó để giữ lại cây viết chì, vì giấy trơn quá!

Khi đó, người khách lấy ra một cây viết và viết lên trên giấy những hàng chữ nguệch ngoạc không thể tưởng tượng. Tôi cho rằng ông ta không biết viết, có lẽ ông ta chỉ làm bộ viết cho có dáng vậy thôi! Ông ta chắc hẳn là có tật nên bắt buộc phải ngồi trên một tấm gỗ đặt trên bốn chân, và để hai chân thòng xuống đất. Xương sống ông ta chắc bị tật nên ông ta phải dựa lưng vào hai mảnh gỗ đóng chặt vào phía sau chỗ ngồi.

Tôi cảm thấy động lòng thương hại ông ta vì không những quần áo ông ta chật hẹp và ngắn cũn cỡn trông thật buồn cười, ông ta lại còn không biết viết và thỉnh thoảng cố làm ra vẻ lịch sự bằng cách thổi một tiếng bằng một thứ kèn vải, rồi lại còn không thể ngồi vững vàng như mọi người, mà phải dựa lưng cho đỡ mỏi và để hai chân thòng xuống đong đưa trong khoảng không!

Ông ta cử động luôn luôn, ngồi tréo chân chữ ngũ rồi lại bỏ chân xuống. Thình lình, tôi lấy làm vô cùng kinh ngạc mà thấy ông ta đưa chân trái lên, bàn chân chĩa thẳng về phía đức Đạt-lai Lạt-ma, một cử chỉ vô cùng hỗn láo và vô lễ đối với người Tây Tạng. Nhưng có lẽ ông ta chợt nghĩ ra điều đó, vì ông ta lại đổi ngay qua tư thế khác.

Đức Đạt-lai Lạt-ma dành cho ông ta một sự tiếp đãi trọng hậu bằng cách cũng ngồi trên một cái ghế gỗ, và cũng để hai chân thòng xuống như ông ta.

Vị sứ giả này có một cái tên rất lạ: Charles A. Bell, có nghĩa là “cái chuông”. Những màu sắc trên hào quang của ông ta biểu lộ một tình trạng sức khỏe suy kém vì có lẽ khí hậu của xứ này không hợp với thể chất của ông ta.

Ông ta dường như thật tình muốn giúp đỡ, phụng sự, nhưng theo những màu sắc trên hào quang cho thấy thì ông ta hiển nhiên là không muốn làm một việc mạo hiểm có thể liên lụy đến bản thân mình, nếu làm mất lòng chính phủ Anh. Ông ta muốn áp dụng một chính sách nào đó, nhưng vì chính phủ Anh không nghe theo, nên ông ta chỉ còn cách là hy vọng rằng tương lai sẽ chứng minh cho thiện chí của mình.

Chúng tôi đã có những tài liệu chính xác về vị sứ thần Charles A. Bell. Chúng tôi đã thu thập được những dữ kiện cần thiết như ngày tháng năm sinh cùng những điểm quan trọng trong đời ông ta. Nói tóm lại là tất cả những gì có thể giúp cho chúng tôi tiên đoán được tương lai của ông ta.

Các nhà chiêm tinh đã phát hiện rằng trong một tiền kiếp, ông ta đã sống ở Tây Tạng và mong ước được đầu thai qua bên Tây phương, với hy vọng là sẽ góp phần vào công việc tạo nên nhịp cầu thông cảm giữa Đông phương và Tây phương.

Gần đây, có người cho tôi hay rằng chính ông ta nói đến vấn đề ấy trong một tác phẩm của mình. Chúng tôi tin chắc rằng nếu ông ta có thể ảnh hưởng đến chính phủ Anh như ý ông ta muốn, thì sau này Tây Tạng đã không phải chịu một cơn binh biến khốc liệt.

Tuy nhiên, cuộc binh biến này đã được tiên tri từ trước, và những lời tiên tri bao giờ cũng được thực hiện. Chính phủ Anh có vẻ rất ngờ vực vì họ sợ rằng Tây Tạng sẽ liên minh với nước Nga, và nếu vậy sẽ không có lợi cho họ chút nào. Vì thế, Anh quốc từ chối không chịu ký hiệp ước với Tây Tạng và đồng thời cũng không muốn cho nước này thiết lập bang giao thân hữu với những nước khác. Sau đó, Sikkim, Bhutan và nhiều nước khác đều lần lượt ký hiệp ước với Anh quốc, nhưng Tây Tạng thì không. Bởi đó, người Anh bắt đầu vất vả lo soạn thảo một kế hoạch để xâm chiếm lãnh thổ xứ Tây Tạng.

Sứ giả Charles A. Bell có mặt tại chỗ vẫn biết chắc rằng chính phủ Tây Tạng không hề muốn liên kết với bất cứ một quốc gia nào. Họ chỉ muốn sống tự do, độc lập, và tránh mọi tiếp xúc với người ngoại quốc, vì những người này trong quá khứ chỉ toàn mang đến cho họ những tai họa, sự tàn phá và đau khổ.

Đức Đạt-lai Lạt-ma tỏ vẻ rất hài lòng khi tôi trình bày những nhận xét của tôi, sau khi sứ giả Bell đã lui gót. Nhưng dường như Ngài đang nghĩ đến việc bắt tôi phải làm việc nhiều hơn. Ngài nói:

– À, phải đấy, chúng ta cần phát triển khả năng của con nhiều hơn nữa. Khả năng đó sẽ giúp ích cho con rất nhiều khi con sống ở các xứ phương xa. Chúng ta sẽ để cho con thụ huấn bằng một phương pháp thôi miên ráo riết hơn, để cho con được thâu thập một số kiến thức tối đa.

Ngài gõ chuông gọi quan hầu cận và nói:

– Ta muốn gặp Đại đức Minh Gia. Hãy mời người vào ngay lập tức.

Vài phút sau, sư phụ tôi đã khoan thai bước đến. Tôi tự hỏi không biết ai là người có thể hối thúc sư phụ tôi đi nhanh hơn? Nhưng vì đức Đạt-lai Lạt-ma xem sư phụ tôi như một bạn hữu, nên Ngài không muốn hối thúc người.

Sư phụ ngồi gần bên tôi, trước mặt đức Đạt-lai Lạt-ma. Một người hầu cận mau mắn dâng trà và vài món thực phẩm của Ấn Độ.

Khi chúng tôi đã an tọa đức Đạt-lai Lạt-ma cất tiếng nói:

– Này đạo huynh Minh Gia, đạo huynh đã không lầm, vì Lâm Bá rất giỏi. Cậu ta có thể tiến bộ hơn nữa, và nhất định là phải như vậy. Vậy đạo huynh hãy lấy mọi quyết định cần thiết để cho cậu ta được một sự thụ huấn nhanh chóng và toàn hảo đến mức tối đa. Đạo huynh hãy sử dụng tất cả mọi phương tiện có sẵn, vì như chúng ta thường được cho biết trước, những ngày đen tối và tai họa dồn dập sẽ đến với xứ sở chúng ta, nên chúng ta cần có một người tài giỏi có thể biên soạn và gìn giữ những bộ kinh sách huyền vi cổ truyền.

Như thế, hằng ngày tôi càng bận rộn hơn với nhiều công việc. Từ đó, tôi thường được triệu kiến bất ngờ vào điện để “nhận xét” hào quang các vị thượng khách của đức Đạt-lai Lạt-ma. Tôi đã trở nên một nhân vật quen thuộc của điện Potala và vườn Ngọc Uyển.

Ở điện Potala, tôi có thể sử dụng những ống kính viễn vọng mà tôi rất thích. Một trong những ống kính này là loại kính lớn để xem thiên văn, dựng trên một cái giá có ba chân, làm tôi thích thú nhất.Tôi đã từng trải qua nhiều giờ quan sát mặt trăng và các bầu tinh tú cho đến khuya.

Cùng với Đại đức Minh Gia, tôi thường đến Lhasa để nhìn xem các nhân vật của thủ đô. Với năng khiếu thần nhãn cùng kinh nghiệm rộng rãi về người và vật, sư phụ có thể xác nhận những nhận xét của tôi.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.119.107.208 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (29 lượt xem) - ... ...