Điều quan trọng không phải là bạn nhìn vào những gì, mà là bạn thấy được những gì. (It's not what you look at that matters, it's what you see.)Henry David Thoreau
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)
Do ái sinh sầu ưu,do ái sinh sợ hãi; ai thoát khỏi tham ái, không sầu, đâu sợ hãi?Kinh Pháp Cú (Kệ số 212)
Kẻ hung dữ hại người cũng như ngửa mặt lên trời mà phun nước bọt. Nước bọt ấy chẳng lên đến trời, lại rơi xuống chính mình.Kinh Bốn mươi hai chương
Hãy sống như thế nào để thời gian trở thành một dòng suối mát cuộn tràn niềm vui và hạnh phúc đến với ta trong dòng chảy không ngừng của nó.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Con tôi, tài sản tôi; người ngu sinh ưu não. Tự ta ta không có, con đâu tài sản đâu?Kinh Pháp Cú (Kệ số 62)
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Người khôn ngoan chỉ nói khi có điều cần nói, kẻ ngu ngốc thì nói ra vì họ buộc phải nói. (Wise men speak because they have something to say; fools because they have to say something. )Plato
Lửa nào sánh lửa tham? Ác nào bằng sân hận? Khổ nào sánh khổ uẩn? Lạc nào bằng tịnh lạc?Kinh Pháp Cú (Kệ số 202)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Các bậc chân sư yogi Ấn Độ »» CHƯƠNG VIII: SƯ PHỤ ŚRỴ YUKTESWAR »»

Các bậc chân sư yogi Ấn Độ
»» CHƯƠNG VIII: SƯ PHỤ ŚRỴ YUKTESWAR

Donate

(Lượt xem: 7.221)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Các bậc chân sư yogi Ấn Độ - CHƯƠNG VIII: SƯ PHỤ ŚRỴ YUKTESWAR

Font chữ:

Chẳng bao lâu đã đến lúc tôi phải đối mặt với kỳ thi tốt nghiệp trung học, theo như mong muốn tối thiểu mà cha tôi kỳ vọng ở tôi trước khi cho phép tôi bước vào con đường xuất gia tu học.

Một buổi chiều, tôi đọc thấy trong tập sách ôn thi của một vị giáo sư danh tiếng lời nhận xét sau đây: “Đức tin có thể giúp chúng ta vượt qua mọi việc, trừ việc muốn thi đậu mà không chịu học bài.”

Tôi gấp sách lại và nghĩ: “Tác giả này đã không có đủ đức tin trong cuộc sống. Ông ta có thể là một học giả khoa cử nhưng sẽ không bao giờ có thể hưởng được lợi lạc từ đức tin.”

Mặc dù tôi có hứa với cha tôi sẽ hoàn tất việc học như người mong đợi, nhưng tôi đã không có đủ can đảm dành nhiều thì giờ cho việc học. Trong suốt những tháng cuối cùng của niên học, tôi lại thường bị cuốn hút vào những buổi trầm tư bên bờ sông Hằng thay vì là dành trọn thời gian cho việc ôn thi.

Có những buổi chiều, tôi lang thang đi qua khu đất trống dành cho việc hỏa táng các xác chết. Đôi khi tôi ở đó cho đến tận lúc đêm xuống. Khung cảnh bãi tha ma hoang vắng, rùng rợn này thật chẳng có chút hứng thú, hấp dẫn nào đối với những con người bình thường. Nhưng nó đặc biệt có sức lôi cuốn với những ai đang muốn thể nghiệm tính chất vô thường của cuộc sống.

Cuối cùng rồi ngày thi cũng sắp đến. Chỉ còn không đầy một tuần nữa, hoặc là tôi có thể vượt qua kỳ thi bất đắc dĩ này để làm vừa lòng cha tôi, hoặc là tôi sẽ thất bại ê chề và lại phải tiếp tục những ngày tháng nặng nề buồn chán nơi trường học.

Thời gian chờ đợi đối với tôi thật nặng nề. Tôi thực sự đã không chuẩn bị đủ kiến thức để tham gia kỳ thi. Nhưng tôi lại hoàn toàn không muốn thi hỏng, vì đối với tôi thì đây chính là cơ hội để vượt qua và giải thoát khỏi con đường khoa cử.

Tôi đang lang thang với tâm trạng bất ổn thì nghe có tiếng gọi trên đường phố:

– Mukunda! Anh đi đâu mà biệt tích suốt mấy ngày nay vậy?

Tôi quay lại. Đó là Nantu, một bạn học cùng lớp và được chúng tôi mệnh danh là “nhà học giả” vì sức học uyên bác của anh. Tôi cười thật tươi đáp lời anh:

– À! Cứu tinh của tôi đây rồi. Thú thật với anh là tôi đang đi tìm câu giải đáp cho kỳ thi sắp tới.

Nantu cũng bật cười vui vẻ trước lời thú nhận của tôi:

– Tất nhiên là bạn bè phải giúp nhau thôi. Tôi hiểu anh chẳng có hứng thú gì với sách vở, nên phải gặp khó khăn vào lúc này rồi. Tôi chỉ mong ngày sau lúc anh thành Phật sẽ nhớ cứu độ cho tôi trước đấy nhé!

Tôi cười xòa với câu nói đùa chân thật và tỏ ra đầy sự cảm thông của Nantu. Anh đề nghị tôi đến nhà anh để cùng nhau chuẩn bị cho chuyện thi cử.

Giải pháp của Nantu đề ra tuy không chắc chắn lắm nhưng quả thật khiến tôi rất yên lòng. Ít ra thì tôi cũng có được những lý do tương đối để nuôi hy vọng. “Nhà học giả” này hệ thống toàn bộ chương trình học và đề ra một số vấn đề mà anh tin là sẽ rơi vào kỳ thi năm nay. Anh giải đáp các vấn đề ấy cho tôi thật kỹ, và thậm chí đề nghị tôi học thuộc một số trong đó. Tôi rời khỏi nhà anh khá khuya khoắt, trong đầu nhét đầy những kiến thức vừa được anh giảng giải, cùng với niềm hy vọng là đức tin và sự may mắn sẽ giúp tôi vượt qua được khó khăn lần này.

Nhưng trong lúc vội vàng, Nantu đã quên khuấy đi môn tiếng Phạn cổ. Mà môn này lại là một trong những điểm rất yếu của tôi. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết rồi sự thiếu sót này sẽ được đền bù bằng cách nào đây!

Sáng sớm hôm sau, tôi đi bách bộ trên đường phố vắng vẻ để ôn lại những kiến thức vừa học đêm qua. Không khí trong lành của buổi sáng tinh mơ giúp tôi cảm thấy trong người sảng khoái và sáng suốt hơn bao giờ hết. Tôi lấy làm ngạc nhiên mà thấy mình có thể nhớ lại một cách rõ ràng từng điểm một trong những điều mà Nantu đã giảng giải.

Trong lúc vui chân, tôi không hiểu tại sao mình lại rẽ vào một con đường nhỏ băng qua một khoảng đất trống khá rộng. Thật ra tôi cũng chẳng hề có mục đích đi đến đâu, chỉ là muốn đầu óc được thư giãn đôi chút sau một đêm căng thẳng mà thôi.

Trong lúc tôi đang thong thả đếm từng bước chân trên con đường nhỏ, một cơn gió bỗng thổi ngang qua trước mặt tôi một tờ giấy. Tôi cúi xuống nhặt lên và thấy có vẻ như đó là một trang sách bị xé ra từ một cuốn sách viết bằng tiếng Phạn cổ. Tôi thử đọc xem thì thấy đó là một bài văn khá lưu loát và súc tích. Tôi vừa đi vừa xem và bỗng thấy thích bài văn cổ ấy nên gấp miếng giấy cho ngay vào túi.

Buổi chiều, tôi sắp xếp thời gian ghé thăm một học giả nổi tiếng về chữ Phạn cổ, đưa cho ông ta xem bài văn cổ ấy và đề nghị ông giúp tôi phân tích, nhận xét về nó. Ông ta nhìn tôi, cười hóm hỉnh và hỏi đùa:

– Đây không phải là đề thi tốt nghiệp trung học môn tiếng Phạn năm nay đấy chứ?

Nói thế, nhưng ông có vẻ rất thích bài văn này. Ông say sưa giúp tôi phân tích bài văn thật kỹ, và còn thông qua đó chỉ ra nhiều điểm quan trọng trong môn học này.

Điều mà tôi có nằm mơ cũng không nghĩ đến là tôi đã vượt qua kỳ thi tốt nghiệp một cách thật dễ dàng, cho dù chỉ với điểm số trên trung bình đôi chút. Khỏi nói thì có lẽ độc giả cũng hiểu được những gì đã xảy ra: Tôi “trúng tủ” môn tiếng Phạn với bài văn bắt gặp tình cờ kia, và cũng nhớ được các “bài giảng” của Nantu vừa đủ để lấp kín những khoảng trống trong bài thi!

Cha tôi vui mừng khôn xiết khi biết kết quả thi đậu của tôi. Còn bản thân tôi thì xem đây như là thời điểm cáo chung của những ngày dài học tập trong trường lớp, và là giấy phép để tôi bước chân vào đời sống xuất gia như cha tôi đã hứa. Hơn thế nữa, đây còn là sự củng cố thêm đức tin sâu vững của tôi, vì lập luận của vị giáo sư trong tập sách kia rằng “trừ việc muốn thi đậu mà không chịu học bài” đã không còn đứng vững nữa trong trường hợp của tôi, một cậu học trò theo đuổi những kinh nghiệm tâm linh nhiều hơn là học bài trong trường lớp. Nếu có dịp gặp được ông ta đâu đó, có lẽ tôi sẽ không ngần ngại mà nói rõ cho ông biết, việc tôi thi đậu chỉ hoàn toàn là nhờ vào đức tin mà thôi!

Tôi không bỏ lỡ thời gian chuẩn bị ngay cho tương lai theo đúng như mong ước của mình. Cùng với một người bạn đồng chí hướng là Jitendra Mazumdar, tôi quyết định sẽ tìm đến tu viện Mahmandai ở Bénarès để bắt đầu cuộc sống thoát ly gia đình.

Tuy nhiên, điều tôi không hề nghĩ đến trước đó là tình cảm gia đình lại níu chân tôi mạnh mẽ đến thế. Từ khi mẹ tôi qua đời, tôi ngày càng thấy thương yêu hai em trai của mình là Sananda và Bishnu nhiều hơn. Và ngay cả đối với những vật vô tri giác như cũng trở nên quyến luyến đậm đà đối với tôi khi trong trí tôi thực sự nghĩ đến việc rời khỏi gia đình. Thế là tôi rơi vào một tâm trạng phân vân không dứt khoát, kéo dài qua nhiều ngày.

Sau cùng, tôi quyết định phải tự mình xác định hướng đi đúng đắn nhất bằng cách bước vào căn gác nhỏ quen thuộc của mình và tham thiền để tìm ra đáp án. Với sự quyết tâm cao độ, đêm đó tôi tham thiền đến tận khuya, và cuối cùng tôi nhận ra tất cả những tình cảm quyến luyến kia không thể nào vượt qua được lòng ham thích cuộc sống xuất gia mà tôi đã theo đuổi từ thuở bé. Tất cả những dự báo của mẹ tôi trong lời di chúc để lại, rồi những nhận xét của các bậc tôn sư mà tôi đã gặp... Và cuối cùng, yếu tố quyết định nhất là một điều kỳ diệu vốn đã xảy ra cho mẹ tôi nhiều năm về trước. Trong khi đang tham thiền, bỗng tôi nghe có một cảm giác lành lạnh trong lòng bàn tay, khiến tôi phải chú ý đến. Tôi mở mắt nhìn xuống. Lạ thay, chính là món linh phù bằng bạc mà tôi đã cất giữ rất cẩn thận trong một cái hộp có khóa, để trong ngăn tủ!

Khi tôi nhận ra món linh phù, trong trí tôi nhớ lại tất cả những gì mà mẹ tôi đã kể. Tôi biết là cuộc đời tôi gắn bó với món vật linh thiêng này, và sự xuất hiện kỳ lạ của nó hôm nay chắc hẳn là một thông điệp giúp tôi sớm đi đến quyết định cuối cùng. Ngay lúc ấy, tôi biết rằng sứ mệnh tương lai của tôi đã bắt đầu kể từ giây phút này.

Việc chuẩn bị được tiến hành rất nhanh chóng. Cha tôi giữ lời hứa đồng ý cho tôi ra đi nhưng với một sự lưu luyến mà tôi dễ dàng nhận ra trong mắt người. Khi tôi đến tu viện Mahmandai ở Bénarès, Jitandra đã có mặt ở đó rồi. Vị sư trưởng ở đây là Daynanda hãy còn khá trẻ. Ông đón tiếp tôi một cách nồng hậu. Với dáng người cao và hơi gầy với vẻ mặt trầm tĩnh, người đã tạo cho tôi một ấn tượng ban đầu khá tốt đẹp. Gương mặt khôi ngô của ông có những nét phảng phất gợi nhớ đến nét từ hòa trên khuôn mặt đức Phật mà tôi thường chiêm ngưỡng.

Chỗ ở mà tôi được bố trí trong tu viện có một căn gác nhỏ yên tĩnh, mỗi buổi sáng tôi có thể tham thiền ở đó trong vài giờ, hoặc vào những lúc thuận tiện khác trong ngày. Những bạn đồng tu khác trong tu viện có vẻ chưa quen mấy với việc thực hành môn thiền định, nên họ tỏ ra thiếu thông cảm với những giờ tọa thiền của tôi.

Tôi được giao một công việc ở văn phòng, và trong thời gian đầu mọi người đều hài lòng với những gì tôi làm được. Nhưng buổi chiều kia, một bạn đồng tu nói với tôi vẻ châm chọc khi thấy tôi đang sửa soạn lên gác:

– Huynh không nên nhập Niết-bàn quá sớm như thế!

Hôm sau, tôi tìm gặp sư trưởng Daynanda để kể lại sự việc và nói:

– Bạch sư trưởng, con không biết người ta muốn con phải làm những gì, nhưng nếu không thể thực hành công phu thiền định thì không có một điều gì khác có thể làm cho con cảm thấy bù đắp được.

Sư trưởng tỏ ra rất cảm thông với tôi. Người nói với các đệ tử đang đứng gần đó:

– Các con đừng ngăn cản Mukunda. Dần dần rồi cậu ta sẽ quen dần và hòa nhập được với đời sống mới.

Nhưng tôi lấy làm ngờ vực về sự vâng lời của các đệ tử người, vì sau lần ấy tôi không thấy họ có thái độ thay đổi gì tích cực.

Một hôm, sư trưởng nói với tôi:

– Mukunda, cha em vẫn gửi tiền đến đây cho em mỗi tháng. Ở đây em sẽ không cần dùng đến tiền, nên ta muốn em hãy gửi trả về nhà. Ngoài ra, ta muốn em biết thêm điều này: khi em đói, hãy giữ đừng biểu lộ cho người ngoài nhìn thấy.

Tôi hơi băn khoăn về câu nói sau cùng của sư trưởng. Tôi không biết là bộ dạng của tôi có làm cho người ta thấy rõ là tôi đói hay không, nhưng tôi biết rất rõ một điều rằng đó là sự thật. Ở đây chúng tôi chỉ ăn lần đầu trong ngày vào lúc giữa trưa, trong khi ở nhà tôi vẫn quen với bữa ăn thịnh soạn lúc chín giờ. Và ba tiếng đồng hồ chênh lệch không phải là một thời gian ngắn ngủi hoặc dễ chịu chút nào cho một cậu trai trẻ đang lớn như tôi.

Thay vì “quen dần đi” như lời sư trưởng nói, tôi càng ngày lại càng cảm thấy khó chịu hơn. Tôi luôn nhớ lại những ngày còn ở nhà, người đầu bếp chỉ cần dọn cơm trễ chừng 10 phút đã có thể bị tôi quở trách!

Trong một nỗ lực để chế ngự bản thân mình, tôi đã thử nhịn đói trong một ngày. Nhưng vô ích, vì sau đó tôi càng thấy nôn nao hơn nữa trong lúc chờ đợi bữa trưa ngày hôm sau!

Một hôm, trong lúc tôi đang chờ đợi giờ cơm trưa sắp đến thì Jitandra đến báo một tin chẳng lành:

– Xe lửa của sư trưởng Daynanda về trễ giờ, chúng ta sẽ đợi sư trưởng về để cùng ăn.

Trong hai tuần qua, sư trưởng có việc phải đi vắng. Để tỏ lòng kính trọng người, hôm nay tất cả chúng tôi phải đợi người về đến nơi để cùng ăn cơm. Điều oái ăm là nhà bếp đã nấu nướng sẵn sàng, và hương vị của các món ăn – khá đặc biệt trong ngày đón tiếp sư trưởng – không bay đi đâu mà dường như chỉ xông thẳng vào mũi tôi. Cái mùi thơm ngào ngạt đó mới ngửi thấy thì vô cùng dễ chịu, nhưng ngay sau đó lại có tác dụng làm cho cơn đói cồn cào lại càng hoành hành thô bạo hơn trong bao tử. Tôi buồn bực nằm co trong cơn chờ đợi, không thiết nghĩ đến bất cứ một việc làm nào. Thời gian bấy giờ đối với tôi như kéo dài vô tận.

Trời đã về chiều, và màn đêm dần buông xuống trước khi sư trưởng của chúng tôi về đến tu viện. Tôi đón tiếp sự trở về muộn màng của người với niềm vui sướng mà tôi nghĩ là người sẽ chẳng bao giờ hiểu được nguyên do!

Nhưng sự việc chưa chấm dứt ở đây. Jitendra chậm rãi thông báo cho tôi biết tin “thời sự” mới nhất bằng một giọng uể oải, có lẽ anh ta cũng đã đói cực kỳ:

– Sư trưởng còn đi tắm, và người phải tham thiền một lúc. Sau đó, chúng ta mới dùng cơm.

Tôi rủn cả người ra và nghĩ thầm: “Người chết đói đầu tiên trong năm nay ở Bénarès này chắc hẳn phải là tôi.”

Đúng chín giờ thì bữa cơm mới được bắt đầu. Buổi cơm tối hôm đó hẳn là một trong những giây phút tuyệt vời khó quên nhất trong đời tôi, sau một ngày chờ đợi dài đằng đẳng tưởng như hàng thế kỷ.

Tôi ăn ngấu nghiến như chưa từng được ăn. Nhưng tôi cũng còn đủ sự lưu tâm để nhận thấy là vị sư trưởng chỉ ăn uống qua loa như để không làm buồn lòng các đệ tử. Vì thế, sau bữa ăn tôi bước vào phòng người.

– Bạch sư trưởng, ngài không thấy đói sao?

– Có chứ. Trong bốn ngày qua ta chẳng ăn uống gì. Và khi đi trên xe lửa ta không bao giờ ăn vì những rung động nặng nề ở đó làm cho tâm thức rất khó được an định. Ngày hôm nay lại còn khá nhiều công việc tổ chức làm ta bận trí, nên ta đã ăn uống quá sơ sài. Thôi được, ngày mai ta sẽ bù đắp lại vậy.

Tôi nhớ lại tâm trạng của mình trong suốt ngày hôm đó và lấy làm kinh ngạc pha lẫn sự hổ thẹn khi so sánh với những điều ngài nói. Nhưng tôi vẫn không sao hiểu được trọn vẹn vấn đề. Tôi đánh bạo hỏi ngài:

– Bạch sư trưởng, ngài có dạy không nên bày tỏ cho người khác biết cơn đói của mình. Nhưng nếu trong trường hợp đói mà không có ai mời ăn, chẳng phải sẽ chết đói hay sao?

– Này con, nếu có trường hợp đó, con hãy vui vẻ chịu chết.

Tôi giật nẩy cả mình như bị tạt vào một gáo nước lạnh. Câu trả lời của sư trưởng vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Ngài vẫn thong thả nói tiếp:

– Mukunda, con đừng tưởng việc để tâm tìm kiếm vật thực sẽ nuôi con sống mãi. Khi nghiệp lực không còn nữa, dù con có nằm trên một núi thức ăn, con cũng không sống được. Còn nếu nghiệp lực chưa dứt, việc ăn uống của con tự khắc sẽ được giải quyết không cần lo lắng. Con nên biết, con cũng như ta, chúng ta bỏ đời sống gia đình ra đi cầu đạo, hẳn phải vì một cái gì đó cao quý và quan trọng hơn chứ không phải là vấn đề vật thực.

Những lời ngắn gọn nhưng dứt khoát của vị sư trưởng làm tôi thấy như bừng tỉnh sau một cơn mê dài. Tôi vụt hiểu ra sự vô nghĩa, tạm bợ của xác thân vật chất này, và tinh thần tôi đã yếu đuối biết bao nhiêu mới bị nó hành hạ tưởng như không sao chịu đựng được. Và tôi lấy làm xấu hổ khi thấy rõ mình hoàn toàn chưa có đủ sự chuẩn bị để đối phó với những vấn đề lớn lao hơn, như sự sống chết của một đời người!

Tôi nhớ lại những lần hiếm hoi khi tôi vượt lên được sự ràng buộc của thể xác bằng một tinh thần cương nghị, dũng mãnh. Những khi ấy tôi thấy tôi mạnh mẽ và thanh thoát biết dường nào. Bài học hôm nay ở tu viện Mah¬mandai tại Bénarès này sẽ là một bài học tôi không thể nào quên cho đến tận cuối đời.

Từ Calcutta ra đi, tôi không mang theo bất cứ món của cải quý giá nào, ngoại trừ món linh phù bằng bạc của mẹ tôi để lại. Tôi luôn giữ nó thật cẩn thận bên người, hoặc khi không mang theo nó, tôi để vào trong một chiếc hộp nhỏ có khóa rồi đặt trong ngăn tủ ở phòng tôi. Những khi nội tâm bất an hoặc gặp phải chuyện gì khó khăn, trắc trở, tôi đều lấy nó ra và ngồi lặng yên ngắm nhìn trong một lát. Những khi ấy, tôi nghĩ đến mẹ tôi và thầy Lahiri Mahsaya, và tự nhiên một nguồn sức mạnh tinh thần vô biên như được truyền tiếp đến cho tôi, khiến tôi lại cảm thấy vững vàng và tự tin hơn để tiếp tục chí nguyện của mình.

Sáng hôm ấy, tôi mở khóa chiếc hộp đựng món linh phù để nhìn ngắm nó. Kỳ lạ thay, ổ khóa vẫn còn nguyên vẹn, nhưng món linh phù đã không cánh mà bay! Lời dự báo của vị tu sĩ lúc trao nó cho mẹ tôi giờ đây đã ứng nghiệm. Và nếu đúng như thế, có nghĩa là nó đã làm xong sứ mệnh hộ phù cho tôi. Điều này đồng nghĩa với việc một bước ngoặc quan trọng nào đó của đời tôi chắc chắn là đang âm thầm đến gần. Tôi đã nghĩ như vậy và băn khoăn chờ đợi.

Mối quan hệ giữa tôi với các bạn đồng tu trong tu viện Mahmandai ngày càng xấu đi. Việc tôi dành nhiều thời gian cho việc tham thiền có vẻ như không thích hợp với đường hướng tu tập chung của toàn tu viện. Sự căng thẳng với các huynh đệ đã đến mức làm cho sư trưởng cũng phải phật lòng.

Thất vọng nặng nề vì cảm thấy mình không đạt được những điều mong muốn như khi bước chân ra đi, tôi mơ hồ cảm thấy tu viện này có lẽ không phải là nơi thích hợp cho việc tu tập của tôi. Tôi dồn nỗ lực vào việc tham thiền và cầu nguyện sao cho sự hộ trì của chư hộ pháp sẽ giúp tôi sớm tìm được bậc minh sư đích thực của mình.

Một hôm, trong lúc đang tham thiền nhập định ở trạng thái hoàn toàn tập trung, tôi bỗng nghe có tiếng nói văng vẳng quanh mình:

– Vị đạo sư của con sẽ xuất hiện trong ngày hôm nay.

Tiếng nói ấy làm tôi cảm thấy hân hoan vui mừng khôn tả. Và chỉ trong phút chốc tôi vụt nhớ ra ngay. Chính là âm hưởng giọng nói của đức Phật mẫu Quán Thế Âm mà tôi có lần đã được nghe khi còn ở Calcutta.

Tâm trạng thư thái, vui mừng của tôi vẫn còn đang kéo dài chưa dứt, thì bỗng nhiên tôi nghe có tiếng gọi giật giọng từ bên dưới:

– Mukunda, hãy dẹp ngay chuyện tọa thiền của anh đi. Chúng tôi cần anh đi chợ mua đồ.

Nếu vào một lúc khác, có lẽ tôi đã bực tức lên và cự nự đôi câu trước những lời thô thiển đó. Nhưng hôm nay tôi thấy lòng rất vui và hoàn toàn không muốn đánh mất niềm vui ấy. Tôi thư thả đứng lên, leo xuống gác và nhận nhiệm vụ đi mua đồ cùng với một người nữa là Habu.

Chúng tôi phải mua đồ ở một khu chợ khá xa, nằm ở khu Bengali của thành Bénarès. Nhưng những món đồ cần mua không nhiều lắm, nên chỉ khoảng gần trưa là chúng tôi đã mua xong và trên đường trở về. Chúng tôi chen qua những đám người đông đảo đủ mọi tầng lớp của phố thị, và cuối cùng cũng ra đến khu đường trống.

Ngay khi đi qua một ngã tư, tôi nhìn theo con đường nhỏ cắt ngang qua lối chúng tôi đang đi và nhìn thấy một tu sĩ ở cách đó không xa. Vừa nhìn thấy ông ta, tôi bỗng giật nẩy cả người. Ông mặc áo cà sa màu vàng sậm, khuôn mặt và dáng dấp của ông quen thuộc vơi tôi đến mức lạ kỳ: chính là khuôn mặt rất thường xuất hiện trong những giấc mơ của tôi thời niên thiếu.

Tuy vậy, tôi vẫn còn chưa thấy chắc chắn lắm, nên sau một lúc dừng lại để ngắm nhìn ông, tôi lại rảo bước đi theo Habu lúc ấy đã mang đồ đi khá xa và đang đứng lại để chờ tôi với dáng ngạc nhiên.

Nhưng tôi bỗng nghe hai chân mình nặng như chì, tưởng chừng không sao nhấc lên được. Một sức mạnh kỳ bí thôi thúc tôi quay lại và hướng về người tu sĩ. Ngay khi ấy đôi chân tôi trở lại bình thường. Không tin nổi vào cảm giác của chính mình, tôi liền thử quay lại đi theo Habu nhưng vô ích, đôi chân tôi quả nhiên lại không sao nhấc lên được nữa. Thế là tôi tuân theo một mệnh lệnh tự trong tâm thức mình và quay lại đi về hướng vị tu sĩ.

Tự nãy giờ, vị tu sĩ vẫn đứng yên nơi một góc đường với dáng vẻ thản nhiên, hiền hậu. Có vẻ như ông đang kiên nhẫn chờ tôi đến. Khi tôi đến gần, tôi thấy ánh mắt người nhìn tôi và tôi quả quyết ngay là mình đã nghĩ đúng. Tôi đến ngay trước mặt người và không ngần ngại quỳ ngay xuống trên đường phố:

– Kính lạy sư phụ.

Tôi nói ra lời ấy như tuân theo một nhân duyên từ tiền kiếp mà chính tôi cũng không sao hiểu nổi. Vị tu sĩ nở nụ cười thật từ hòa, đưa tay sờ đầu tôi theo như cách mà các bậc tôn sư vẫn làm để tỏ lòng thương yêu với môn đệ.

– Con đã đến, cuối cùng thì con đã đến. Ta chờ đợi con cũng đã khá lâu rồi.

Tôi ngẩng lên nhìn người một lát trước khi người ra hiệu cho tôi đứng dậy. Người có đôi mắt đen sáng ngời và biểu lộ rõ sự điềm tĩnh, khuôn mặt rắn rỏi với những nét cương nghị nhưng đôn hậu, và một mái tóc uốn quăn thành từng lọn dài xuống tận hai vai, hòa hợp với chòm râu ngắn hơi vuốt nhọn xuống dưới cằm.

Như đã biết nhau tự thuở nào, sư phụ nắm tay đưa tôi đi về một am thất ở khu Mahal của Bénarès. Dáng đi nhanh nhẹn với tấm lưng cao và thẳng đứng của người như không có chút dấu ấn nào của tuổi tác. Nhìn người bước đi, tôi có thể cảm nhận được những nét hài hòa giữa sức mạnh và sự dịu dàng.

Khi chúng tôi đến một am thất nằm gần bờ sông Hằng, sư phụ nói với tôi bằng một giọng rất êm ái:

– Ta sẽ dành cho con tất cả tình thương và những gì thuộc về ta.

Tôi đáp lời người một cách cung kính:

– Bạch sư phụ, con chỉ mong muốn được đi theo người để đạt đến chân lý giác ngộ. Tất cả những điều khác con không màng đến.

Tuy chúng tôi không trao đổi gì nhiều với nhau, nhưng bóng chiều cũng đã nhanh chóng đổ xuống. Niềm vui của lần gặp gỡ kỳ diệu này đã khiến tôi cảm thấy thời gian như đang trôi qua quá nhanh. Sư phụ đưa tôi vào nhà. Chúng tôi cùng vào một căn phòng nhỏ và ăn xoài với bánh ngọt. Người hỏi tôi một số việc, nhưng có vẻ như chỉ để trấn an tôi mà thôi, vì tôi nhận thấy là người đã biết rõ những việc ấy trước khi tôi kịp nói ra. Người nói với tôi:

– Con đừng buồn về việc món linh phù đã không còn với con nữa. Nó đã hoàn tất sứ mạng cần thiết của nó và sẽ không ích gì nếu con còn giữ nó với con.

– Bạch thầy, sự gặp gỡ hôm nay với thầy là niềm vui sướng vô biên khiến cho con thấy không có gì phải quan tâm đến chuyện mất mát ấy nữa cả.

Và tôi cũng nói ra một điều mà tôi nghĩ có lẽ sư phụ đã biết rõ:

– Bạch thầy, con cảm thấy không khí ở tu viện hiện nay con đang ở quá ngột ngạt. Có lẽ con rất cần phải thay đổi chỗ ở.

Sư phụ nhìn tôi và mỉm cười, có vẻ như ngài đang chờ đợi tôi nói ra câu này:

– Có một nơi mà không khí sẽ không ngột ngạt đối với con chút nào. Đó là gia đình con ở Calcutta. Hãy trở về với gia đình. Tình thương của con bao trùm hết thảy chúng sanh, vậy tại sao con lại loại trừ chính những người mà lẽ ra con phải thương yêu hơn hết?

Tôi không thấy có gì không hợp lý trong lời nói của sư phụ. Tuy nhiên, ý tưởng về một kẻ ra đi thất bại quay trở về làm tôi không sao chịu đựng nổi. Những bức thư từ nhà gửi đến vẫn khẩn thiết van nài tôi quay trở về, nhưng tôi đã dửng dưng không hề nghĩ đến chuyện thay đổi ý định. Anh Ananta cuối cùng đã bực tức và tuyên bố: “Hãy để cho con chim non ấy tung bay khắp những vùng trời cao rộng mà nó còn khao khát. Rồi sẽ đến lúc nó phải mỏi mệt và quay về với tổ ấm gia đình.”

Trong đầu óc non nớt bốc đồng của tôi lúc ấy, tôi không cho đó là lời chân thật xuất phát từ tình cảm, mà cảm thấy như một lời khiêu khích, thách thức đầy gay cấn. Vì thế, tôi đã nhủ lòng sẽ không bao giờ quay trở lại gia đình. Phải mất nhiều năm sau tôi mới ý thức được đầy đủ những sai lầm trong suy nghĩ của mình khi ấy.

– Bạch thầy, con không thể nào trở lại Calcutta. Con có thể theo thầy đi đến bất cứ nơi đâu, nhưng xin thầy đừng buộc con quay về với gia đình. Xin thầy cho con biết đạo hiệu của thầy và nơi ở mà con có thể tìm đến.

– Ta tên là Śrỵ Yukteswar Giri. Tu viện chính của ta ở Serampore, đường Rai Ghat. Ta chỉ đến đây trong vài ngày để thăm mẹ.

Tôi thầm nghĩ những việc xảy ra ở đời quả là không sao lường trước. Serampore cách Calcutta chỉ không đến mười hai dặm đường. Vậy mà tôi đã phải chờ đợi đến tận bây giờ, và phải tại thánh địa Bénarès này mới có cuộc gặp gỡ quan trọng này. Bất chợt, tôi liên tưởng đến biết bao bậc hiền thánh của xứ Ấn Độ từ xưa kia, và ngay cả chính đức Phật cũng đều đã từng đặt chân lên thánh địa này.

Sư phụ Śrỵ Yukteswar nghiêm nét mặt và nhìn tôi, nói với vẻ thật nghiêm khắc:

– Con sẽ đến chỗ ta trong bốn tuần nữa, hãy nhớ lấy.

Rồi người chậm rãi nói tiếp:

– Vì ta đã bày tỏ lòng thương yêu vô hạn dành cho con, nên đổi lại con đã cãi lời ta. Nếu trong lần gặp gỡ sắp tới mà con vẫn không làm ta hài lòng, ta không đảm bảo là sẽ thu nhận con. Ta rất nghiêm khắc trong việc nhận đệ tử, và tất cả đều phải tuyệt đối tuân theo những chỉ dẫn của ta.

Người nhấn mạnh hai chữ “tuyệt đối”. Tôi thấy hơi lo ngại, nhưng vẫn kéo dài sự yên lặng. Sư phụ Śrỵ Yukteswar hiểu được suy nghĩ của tôi thật dễ dàng. Người nói:

– Lòng tự ái của con đã ngăn không cho con trở về với gia đình, phải không? Con sợ sẽ bị mọi người chế giễu rằng đã học đạo không thành?

Tôi không xác nhận sự thật ấy, chỉ đáp lại với sự bướng bỉnh của một con ngựa non:

– Con sẽ không trở về nhà.

– Con phải trở về trong ba mươi ngày nữa.

Người gằn giọng vào chữ “phải”, như một mệnh lệnh không chấp nhận sự chối từ. Nhưng tính hiếu thắng của tôi không dễ bị đập tan như vậy. Tôi kính cẩn đáp lời ngài:

– Bạch sư phụ, không khi nào con trở về đâu.

Sau đó, tôi quỳ xuống từ biệt mà không nói thêm điều gì khác nữa. Khi bước ra khỏi am thất của thầy, tôi vẫn còn băn khoăn chưa sao hiểu nổi ý muốn của thầy khi nhất quyết buộc tôi phải trở về nhà. Và tôi lấy làm buồn bã khi không thể tuân theo lời dạy của thầy.

Mãi về sau này, tôi vẫn nhiều lần nhớ lại và vô cùng ân hận vì chuyện ấy. Và mỗi lần như thế, tôi càng thêm kính phục sự hiểu biết sâu xa và tế nhị của thầy. Không những người dạy cho tôi về đạo hạnh mà còn là cách suy nghĩ hoàn thiện tình cảm con người nữa.

Từ hôm sau đó, mối quan hệ giữa tôi với các bạn đồng tu trở nên căng thẳng đến mức không sao chịu nổi. Gần như ngày nào tôi cũng có ít nhất một hai lần đụng chạm với họ. Và ba tuần sau, khi sư trưởng Daynanda có việc phải đi Bombay, thì mọi chuyện bùng nổ không cứu vãn được nữa. Họ đưa ra lời chỉ trích cực kỳ xúc phạm đối với tôi:

– Mukunda chỉ là một kẻ ăn bám. Anh ta chẳng làm được gì mà cũng không hề đóng góp tiền ăn cho tu viện.

Trong lúc bốc đồng, tôi thấy giận chính mình vì đã nghe lời sư trưởng gửi trả tiền về nhà. Sau đó, tôi quyết định là không thể nào kéo dài cuộc sống căng thẳng này lâu hơn được nữa. Tôi tìm đến chỗ Jitendra và nói:

– Jitandra, tôi sẽ rời khỏi đây. Anh vui lòng chuyển lời từ biệt và cáo lỗi của tôi đến với sư trưởng khi người trở về.

Jitandra giẫy nẩy lên khi nghe tôi nói:

– Tôi cũng sẽ đi. Đây không phải là nơi chúng ta có thể thực hành công phu thiền định như mong muốn.

Tôi liền nói với Jitandra:

– Tôi vừa gặp một vị minh sư. Tu viện của người ở tại Serampore. Chúng ta sẽ cùng đi đến đó.

Và như vậy, con “chim non” lại tiếp tục vỗ cánh bay sang hướng đông, về gần Calcutta.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Đừng đánh mất tình yêu


Đừng bận tâm chuyện vặt


Vô niệm (Pháp bảo Đàn kinh)


Truyện tích Vu Lan Phật Giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.147.103.33 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...