Hãy nhớ rằng, có đôi khi im lặng là câu trả lời tốt nhất.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng tỷ như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải chịu cái họa đứt lưỡi.Kinh Bốn mươi hai chương
Mục đích của cuộc sống là sống có mục đích.Sưu tầm
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Chúng ta không làm gì được với quá khứ, và cũng không có khả năng nắm chắc tương lai, nhưng chúng ta có trọn quyền hành động trong hiện tại.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Trong sự tu tập nhẫn nhục, kẻ oán thù là người thầy tốt nhất của ta. (In the practice of tolerance, one's enemy is the best teacher.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Cỏ làm hại ruộng vườn, sân làm hại người đời. Bố thí người ly sân, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 357)
Sự kiên trì là bí quyết của mọi chiến thắng. (Perseverance, secret of all triumphs.)Victor Hugo
Như bông hoa tươi đẹp, có sắc nhưng không hương. Cũng vậy, lời khéo nói, không làm, không kết quả.Kinh Pháp cú (Kệ số 51)
Chúng ta có lỗi về những điều tốt mà ta đã không làm. (Every man is guilty of all the good he did not do.)Voltaire

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Tây Tạng huyền bí »» CHƯƠNG IX: TRẠI HOA HỒNG »»

Tây Tạng huyền bí
»» CHƯƠNG IX: TRẠI HOA HỒNG

Donate

(Lượt xem: 5.507)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Tây Tạng huyền bí - CHƯƠNG IX: TRẠI HOA HỒNG

Font chữ:


SÁCH AMAZON



Mua bản sách in

Qua hôm sau, thầy trò chúng tôi sửa soạn để trở về tu viện Chakpori. Chúng tôi không vội vàng lắm vì cảm thấy được nghỉ ngơi thoải mái tại điện Potala. Trước khi lên đường, tôi còn bước nhanh lên nóc điện để được ngắm nhìn phong cảnh một lần cuối cùng. Xuyên qua ống kính viễn vọng nhìn về nóc tu viện Chakpori, tôi thấy một chú tiểu đang nằm dài trên sân thượng để đọc sách, thỉnh thoảng lại ngừng đọc để tinh nghịch ném những viên sỏi nhỏ lên cái đầu trọc của các nhà sư đang đi qua lại ở sân dưới. Trong kính viễn vọng tôi còn nhìn thấy được nụ cười ranh mãnh của chú ta khi vội vàng ẩn nấp để tránh những cái ngước nhìn ngạc nhiên của nạn nhân.

Nhân dịp này, tôi cảm thấy băn khoăn lo sợ vì chắc hẳn là đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã nhìn thấy chính tôi đã nhiều lần đùa nghịch giống như vậy! Kể từ đó, tôi nghĩ là giới hạn những sự nghịch ngợm tinh quái của tôi chỉ ở những góc tu viện nào không thể nhìn thấy được từ trên nóc điện Potala.

Giờ lên đường đã điểm. Chúng tôi từ giã và cám ơn các vị Lạt-ma đã giúp cho thời gian lưu trú ngắn ngủi của chúng tôi tại đây được thoải mái dễ chịu. Chúng tôi cũng tỏ lòng ưu ái cảm tạ viên Huỳnh môn quan của đức Đạt-lai Lạt-ma, là người thủ kho lương thực, đã phân phát trà bánh và kẹo mứt ngon có tiếng nhập từ Ấn Độ cho chúng tôi dùng tự do tùy thích. Viên Huỳnh môn quan chắc hẳn là có thiện cảm với tôi, vì lúc từ giã, người còn đưa tặng cho tôi một món quà ngon mà tôi không ngần ngại cho vào miệng nhai liền khi đó.

Sau khi ăn uống no đủ lấy sức, chúng tôi bắt đầu đi xuống cầu thang lớn để trở về tu viện. Chúng tôi vừa xuống được nửa cầu thang thì nghe có tiếng gọi giật lại. Những nhà sư đi ngang qua đó ra dấu bảo chúng tôi hãy quay đầu nhìn lại phía sau. Một nhà sư hấp tấp chạy xuống cầu thang, vừa thở dốc vừa chuyển giao một thông điệp cho Đại đức Minh Gia. Sư phụ tôi nói:

– Lâm Bá, con hãy đợi ta ở đây, ta đi sẽ không lâu.

Kế đó, người quay lưng đi trở lên cầu thang. Tôi liền dạo chơi thơ thẩn một mình quanh đó, nhìn xem phong cảnh, và ngắm nhìn ngôi nhà cũ của tôi từ đằng xa. Tôi đang miên man nghĩ đến những kỷ niệm xưa, thì khi vừa quay đầu lại tôi suýt phải té ngửa khi thấy cha tôi cưỡi ngựa chạy thẳng về phía tôi đang đứng. Đúng vào lúc tôi nhìn thấy cha tôi thì người cũng vừa thấy tôi. Cha tôi hơi nghiêng đầu tới trước để xem cho rõ khi người nhận ra tôi. Nhưng rồi cha tôi đi ngang qua trước mặt tôi mà không nhìn tôi nữa. Tôi cảm thấy lòng buồn vô hạn. Tôi nhìn theo cha tôi đi dần ra xa. Tôi gọi theo:

– Cha!

Nhưng người vẫn tiếp tục thong thả cưỡi ngựa đi luôn, dường như không nghe thấy tiếng tôi gọi. Tôi rơm rớm nước mắt và run lên vì xúc động. Nếu lúc ấy tôi đứng giữa đám đông người, thì hẳn tôi đã tự chuốc lấy một điều bẽn lẽn, hổ thẹn trước công chúng, và nhất là khi ở trên cầu thang của điện Potala! Với một ý chí làm chủ hệ thần kinh đa cảm của mình làm chính tôi cũng phải ngạc nhiên, tôi ngẩng mặt lên và nhìn về phía thành phố Lhasa.

Nửa giờ sau, Đại đức Minh Gia đã trở xuống với hai con ngựa và nói với tôi:

– Lâm Bá, hãy mau lên ngựa. Chúng ta phải đi mau đến tu viện Sera, vì một trong các vị sư già vừa bị tai nạn.

Nhận thấy ở mỗi bên yên ngựa đều có treo một bao da, tôi đoán rằng đó là những bao đựng đồ y cụ của sư phụ. Trên đường Lingkhor, chúng tôi sãi ngựa ngang qua trước nhà tôi; những người hành hương và hành khất đều tránh qua một bên đường.

Không bao lâu, chúng tôi đến tu viện Sera. Tại đây có một nhóm các nhà sư đã đứng đợi chúng tôi. Chúng tôi xuống ngựa, mỗi người cầm một bao y cụ trong tay. Khi ấy, một vị sư đưa chúng tôi vào một căn phòng. Tại đây có một vị lão tăng đang nằm thoi thóp.

Vị lão tăng có sắc mặt nhợt nhạt như chì, nguồn sinh lực của ông dường như đã sắp tàn. Đại đức Minh Gia gọi đem nước sôi. Khi nồi nước sôi đã sẵn sàng, người bèn bỏ vào đó vài nhúm dược thảo. Trong khi tôi khuấy nồi nước sôi cho ngấm thuốc, sư phụ tôi khám bệnh cho vị lão tăng và được biết vị này vừa bị té từ trên cao xuống đất. Một cái xương dẹp trên đầu bị trật khớp đè lên óc, làm ông ta bất tỉnh nhân sự.

Khi nồi nước thuốc đã nguội bớt, chúng tôi dùng một ít để rửa trán của người bệnh. Sư phụ cũng lấy nước thuốc ấy để rửa tay và ngâm những đồ y cụ giải phẫu vào nồi thuốc để khử trùng. Nhờ công dụng của chất thuốc ấy, vết thương của vị lão tăng không còn rỉ máu nhiều.

Kế đó, sư phụ lấy trong nồi thuốc ra hai cái gắp bằng bạc, đầu dẹp và có răng cưa. Người cẩn thận dùng hai cái gắp ấy lật miếng da đầu bị rách lên, đỡ lấy cái xương sọ bị trật khớp và đặt nó nằm ngay trở lại vị trí cũ. Xong, người nói:

– Cái xương sẽ tự nó hàn gắn vào khớp trở lại như thường và không còn đè lên óc nữa.

Người lại rửa vết thương với chất nước thuốc, và đặt lại chỗ cũ mảng da đầu đã lật lên lúc nãy. Xong rồi người mới may kín vết thương với những sợi chỉ bằng lông bờm ngựa trụng nước sôi, đắp thuốc lên và băng lại cẩn thận.

Sau khi bộ óc được giải tỏa khỏi miếng xương sọ đè lên, vị lão tăng có dấu hiệu bắt đầu lấy lại sức và cảm thấy khỏe dần. Chúng tôi đặt thêm vài chiếc gối dưới lưng để cho ông ta có thể ngồi nhổm dậy một cách thoải mái. Tôi rửa sạch các đồ y cụ, rồi lau bằng một miếng giẻ đã khử trùng và xếp lại cẩn thận trong hai cái bao da.

Khi tôi rửa tay, vị lão tăng mở mắt và nở một nụ cười yếu ớt khi ông ta nhận ra Đại đức Minh Gia đang ngồi bên cạnh giường. Ông nói:

– Tôi biết chỉ có ông là người duy nhất có thể cứu được tôi, vì thế tôi đã gửi một thông điệp bằng tư tưởng đến điện Potala. Sứ mạng của tôi ở thế gian chưa hoàn tất, nên tôi chưa sẵn sàng rời bỏ thể xác.

Sư phụ tôi chăm chú nhìn ông lão và đáp:

– Sư ông sẽ chóng khỏi. Chỉ cần chịu đựng vài ngày khó nhọc nữa, một hay hai cơn nhức đầu, rồi sau đó sư ông sẽ bình phục sức khỏe và làm việc lại như thường. Tuy nhiên, trong khi ngủ phải có một người trực kế bên để giữ cho sư ông đừng nằm dài. Nội trong ba hay bốn ngày nữa là sư ông sẽ thoát nạn.

Tôi bước lại gần cửa sổ. Thật là một điều lý thú được nhìn xem cách sinh hoạt của các nhà sư trong một tu viện khác. Sư phụ bước đến gần tôi và nói:

– Bây giờ ta sẽ đưa con đi viếng thăm một cộng đồng các nhà sư sinh hoạt khác hẳn với tu viện của chúng ta.

Sau khi đã giao người bệnh cho một vị Lạt-ma săn sóc, chúng tôi bước ra ngoài hành lang. Tu viện này không được gìn giữ sạch sẽ như tu viện Chakpori. Kỷ luật cũng không được nghiêm nhặt lắm, các nhà sư đi lại tự do tùy ý.

So với tu viện của chúng tôi, thì các thánh điện của họ không được săn sóc lau chùi tươm tất; mùi nhang khói ở đây cũng nồng nặc hơn. Từng nhóm trẻ con chơi ở ngoài sân. Nếu ở Chakpori thì vào giờ này chúng phải đang làm việc ráo riết.

Tu viện này hoàn toàn thiếu trật tự, sự sạch sẽ và kỷ luật mà tôi vẫn thường coi như là những điều luật căn bản. Sư phụ tôi hỏi:

– Lâm Bá, con có muốn ở lại tu viện này và sống một cuộc đời dễ dãi tự do như họ chăng?

Tôi đáp:

– Bạch sư phụ, chắc chắn là không. Con nghĩ rằng họ chỉ là một tập đoàn người man rợ.

Sư phụ bật cười:

– Thế là ở đây có tất cả bảy ngàn người man rợ, và như vậy là hơi nhiều! Chỉ cần một thiểu số người bê bối là đủ làm cho cả một tập đoàn phải mang tiếng, con biết không?

Một sự thật hiển nhiên mà mọi người đều biết rõ, là tu viện của chúng tôi có một kỷ luật gắt gao nhất, còn ở hầu hết những tu viện khác thì kỷ luật rất là lỏng lẻo. Ở những nơi đó, nếu một nhà sư muốn giải đãi, lười biếng, thì ông ta được tự do lười biếng mà không ai nói gì.

Tu viện Sera còn được biết với cái tên riêng là Trại Hoa hồng, nằm cách điện Potala năm cây số và là một thành phần của nhóm cộng đồng tu viện gọi là Tam đỉnh viện. Trong cộng đồng này thì tu viện Drebung với con số trên mười nghìn nhà sư là tu viện lớn nhất. Kế đó là tu viện Sera với chừng bảy ngàn năm trăm nhà sư, và sau hết là tu viện Ganden với gần sáu nghìn nhà sư.

Tất cả ba tu viện này đều đồ sộ nguy nga như những thành phố thật sự, với những đường sá, trường học, đền thờ và tất cả những cơ quan, dinh thự quản trị hành chính cần thiết. Những nhà sư bảo vệ xuất thân từ tỉnh Kham đi tuần phòng thường xuyên trên các đường phố.

Tu viện Chakpori tuy nhỏ nhưng có thế lực rất lớn. Với tư cách là một Y viện, nó cũng là Trung tâm Y khoa của quốc gia, và có một số đại diện quan trọng trong Hội đồng Chính phủ. Ở tu viện Chakpori, người ta dạy chúng tôi võ thuật Tây Tạng. Không phải tất cả các tu viện đều có dạy môn võ thuật này. Trong tu viện của chúng tôi, môn võ thuật ấy được sử dụng để tập luyện cho các thiếu sinh biết tự vệ, làm chủ những phản ứng tự nhiên của mình, làm tê liệt giác quan của một người vì mục đích giải phẫu y khoa, và để có thể di chuyển một cách an toàn trong những vùng nguy hiểm nhất.

Thật vậy, với tư cách là những vị Lạt-ma y sĩ, chúng tôi luôn luôn phải di chuyển đến tận những vùng hiểm trở, xa xôi, đầy những sự bất trắc, hiểm nghèo. Võ sư Tzu, như đã nói trước đây, là một chuyên viên về môn võ thuật tự vệ, có lẽ là vị võ sư giỏi nhất của xứ Tây Tạng. Ông đã dạy tôi tất cả những gì ông biết, với một tinh thần trách nhiệm và chỉ để lấy làm hài lòng vì đã làm tròn bổn phận của một võ sư.

Phần nhiều những người Tây Tạng đã trưởng thành đều biết một vài thế võ sơ đẳng để hộ thân. Nhưng về phần tôi, tôi đã tập luyện những thế võ đó từ khi mới lên bốn tuổi. Chúng tôi nghĩ rằng môn võ thuật này chỉ dùng để tự vệ và tự làm chủ lấy mình, chứ không nên dùng để biểu diễn trên võ đài như những tay đấu võ chuyên nghiệp.

Ở Tây Tạng, người ta thường nói rằng một người giỏi võ và có sức mạnh có thể rất ôn hòa hiền lành, còn những sự phô trương khoác lác là đặc tính của kẻ yếu. Với môn điểm huyệt, người ta có thể làm tê liệt giác quan của một người, có tác dụng như việc dùng thuốc mê để làm cho người ta không còn biết đau đớn khi cần phải giải phẫu, nắn lại khớp xương bị trật, hay nhổ răng chẳng hạn. Người ta có thể làm cho một người trở nên bất tỉnh mà không hay biết rằng mình đã bị điểm huyệt, và vài giờ hay vài phút sau đó, người ấy sẽ thức tỉnh và vẫn sáng suốt mà không bị một ảnh hưởng xấu nào. Có điều lạ là một người bị điểm huyệt lúc đang nói chuyện sẽ bị bất tỉnh và ngủ mê đi, nhưng đến khi tỉnh dậy sẽ tiếp tục câu nói bị gián đoạn.

Vì môn điểm huyệt này vô cùng lợi hại như vậy, nên võ thuật tự vệ và điểm huyệt bí truyền của Tây Tạng chỉ được truyền thụ cho những môn đồ đã trải qua sự thử thách vô cùng gắt gao. Hơn nữa, để đạt sự cẩn mật và an toàn tuyệt đối, họ còn phải chịu một vài phép dẫn dụ bằng thôi miên để về sau không thể lạm dụng quyền năng này.

Một tu viện Lạt-ma giáo ở Tây Tạng không chỉ là nơi trú ngụ của những người cùng chí hướng tu hành, mà còn là một kiểu thành phố tự trị với những cơ quan quản trị và cả những nơi giải trí, tiêu khiển. Ở đó có cả những hí viện để trình diễn những màn kịch nghệ tôn giáo và văn hóa truyền thống. Những nhà sư nhạc công luôn sẵn sàng biểu diễn tài nghệ để giúp vui và để chứng tỏ rằng không một cộng đồng tu viện nào khác có những nhạc công tài giỏi như họ. Các nhà sư có tiền riêng để mua sắm thức ăn, quần áo, đồ xa xỉ phẩm và sách vở trong các cửa tiệm. Những vị nào muốn tiết kiệm có thể gửi tiền vào những tòa ngân khố, hoạt động giống như các ngân hàng.

Tất cả những cộng đồng sinh hoạt trên thế giới đều không khỏi có những kẻ bất lương phạm pháp. Trong tu viện Lạt-ma giáo, những kẻ bất lương này bị các nhà sư bảo vệ bắt giữ và đưa ra một tòa án riêng để xét xử một cách công bình. Nếu xét ra có phạm pháp, họ sẽ phải đền tội trong khám đường của tu viện.

Trong tu viện có những trường học để cho mỗi đứa trẻ có thể nhận được một nền giáo dục thích nghi với tính chất và mức độ thông minh của chúng. Người ta giúp đỡ những học trò ưu tú để xây dựng cho chúng một tương lai tốt đẹp, nhưng ở phần nhiều các tu viện, trừ tu viện Chakpori, những học trò lười biếng được tự do chơi bời, ngủ nghỉ hoặc dùng thời gian để ngồi mơ mộng.

Thật vậy, vì tin rằng người ta không thể ảnh hưởng đến cuộc đời kẻ khác, nên tốt hơn là cứ để cho họ vớt vát lại thời gian đã mất trong một... kiếp sau!

Ở tu viện Chakpori thì không như thế. Người nào không tiến bộ sẽ bị mời đi nơi khác, đến những chỗ có kỷ luật dễ dàng lỏng lẻo hơn. Trong tu viện chúng tôi thường có những khách viếng thăm, những người lái buôn hoặc các nhà sư. Họ được lưu trú trong khách sạn của tu viện và tất nhiên là phải trả tiền.

Không phải tất cả các nhà sư đều sống độc thân. Những người nào cho rằng tình trạng độc thân không thuận tiện cho đời sống tinh thần của họ, được tự do gia nhập vào Hồng phái (Dugpa), vì những người trong phái này được phép lập gia đình, nhưng cũng chỉ là một số rất ít.

Trong giới tu hành, cấp lãnh đạo được tuyển chọn trong số những tu sĩ đã lập nguyện sống độc thân, thuộc về Hoàng phái (Gelugpa). Trong những tu viện “cộng đồng nam nữ,” các nhà sư và ni cô cùng tu tập và gồm thành một tập đoàn có tổ chức, với một bầu không khí thường là hòa dịu hơn những tu viện chỉ dành riêng cho nam giới.

Sau khi đi quan sát mọi nơi ở Trại Hoa hồng, chúng tôi trở lại thăm vị sư già. Trong hai tiếng đồng hồ, bệnh tình của ông ta đã thuyên giảm rõ rệt, và ông ta đã đủ sức để chú ý đến cảnh vật chung quanh. Ông ta có thể lắng tai chăm chú nghe tiếng nói của Đại đức Minh Gia mà ông tỏ vẻ rất quý mến. Sư phụ nói với ông:

– Bây giờ chúng tôi phải đi, nhưng tôi sẽ để lại cho sư ông một ít dược thảo. Tôi sẽ chỉ dẫn rõ ràng cho vị sư có bổn phận săn sóc sư ông.

Sư phụ đưa cho ông ba cái bọc nhỏ mà người lấy ra từ trong bao da. Ba bọc thuốc nhỏ này sẽ giúp vị lão tăng hoàn toàn bình phục, thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Ra đến sân ngoài, chúng tôi thấy một nhà sư nắm dây cương hai con ngựa chờ sẵn. Chúng tôi lên ngựa và đi chậm bước. Trại Hoa hồng chỉ cách đường Ling-khor có sáu cây số. Tôi không có ý định đi ngang qua nhà cũ của tôi. Sư phụ có lẽ đọc được tư tưởng của tôi, vì người nói:

– Chúng ta sẽ đi qua đường để ra khu chợ. Chúng ta không có gì phải gấp rút.

Khi ra đến khu chợ búa với những phố phường đông đảo, với các cửa hàng của người Hoa buôn bán tấp nập, tôi thầm nghĩ:

– A! Lần cuối cùng khi tôi đi đến đây, tôi là một người tự do, khi ấy tôi chưa phải học để trở thành tu sĩ. Tôi ước mong thời gian qua chỉ là một giấc mộng mà tôi có thể quên hết khi tôi thức tỉnh!

Sau khi đã đi qua đường cái, chúng tôi rẽ về phía tay mặt để đến cầu Ngọc Bích. Sư phụ quay sang tôi và nói:

– Như vậy, phải chăng con vẫn không muốn trở thành tu sĩ? Đó thật là một cuộc đời đáng sống, con biết không? Đến cuối tuần này, một số nhà sư sẽ xuất hành như mọi năm để đi hái thuốc trên núi. Thầy không để con đi với họ năm nay. Con sẽ ở lại đây, và chúng ta sẽ làm việc chung với nhau, để con có thể thi đậu kỳ thi tuyển các nhà sư ưu tú (Trappa) vào năm mười hai tuổi. Thầy đã dự định đem con theo trong một chuyến xuất hành về sau này lên những vùng thượng du, tại đó có mọc những loại dược thảo rất hiếm.

Chúng tôi vừa ra khỏi làng Sho và sắp đến gần Pargo Kaling, ở cửa tây thành Lhasa, thì một kẻ hành khất đứng nép vào tường và rên rỉ:

– Thưa Bác sĩ Lạt-ma, xin ngài làm phước đừng chữa khỏi bệnh cho tôi. Vì nếu tôi lành mạnh, tôi sẽ không còn phương tiện để kiếm ăn!

Sư phụ có vẻ buồn khi chúng tôi bước qua cửa thành và nói:

– Ở đâu cũng thấy những kẻ ăn mày. Họ làm cho đất nước chúng ta mang tiếng xấu với ngoại quốc. Ở Ấn Độ và Trung Hoa, khi thầy đến đó cùng với đức Đạt-lai Lạt-ma, người ta kể chuyện về những người ăn mày của xứ Tây Tạng, nhưng họ không ngờ rằng vài người trong số đó lại rất giàu. Dầu sao, có lẽ sau khi chứng thực lời tiên tri về năm Kim Dần (tức cuộc biến loạn năm 1950), những kẻ ăn mày sẽ bị buộc phải làm việc. Chừng đó, hai thầy trò ta sẽ không ai còn ở lại quê nhà để chứng kiến việc ấy. Con sẽ sống ở ngoại quốc, còn thầy thì đã không còn nữa.

Tôi thấy lòng buồn vô hạn với ý nghĩ rằng có một ngày sư phụ kính yêu sẽ từ biệt tôi và không còn sống trên mặt đất này nữa. Hồi đó, tôi chưa nhận biết rằng cõi đời này chỉ là hư ảo, như một chuỗi dài những thử thách, như một trường học lớn để rèn luyện tâm tánh.

Trên đường về, tôi liên tưởng đến những người đi hái thuốc. Mỗi năm, một nhóm các nhà sư của tu viện Chakpori lên núi hái thuốc về phơi khô và dự trữ trong những bao da không thấm nước. Miền núi non xứ Tây Tạng là nơi mà thiên nhiên sẵn dành cho con người một kho dược thảo phong phú bất tận. Tôi thầm nghĩ rằng mình có thể vắng mặt trong chuyến xuất hành năm nay, và hãy chuẩn bị tinh thần để đi lên miền thượng du huyền bí khi sư phụ xét thấy cần thiết.

Các nhà chiêm tinh đã tiên đoán tôi sẽ thi đậu một cách dễ dàng, nhưng tôi biết rằng tôi phải học rất nhiều. Thật vậy, sự thành công chỉ được hứa hẹn với điều kiện tất yếu là tôi phải tự mình gặt hái bằng sự nỗ lực. Về phương diện tinh thần hay trí não, ít nhất tôi cũng đã phát triển bằng một thiếu niên mười tám tuổi, vì tôi vẫn luôn chung đụng tiếp xúc với những người lớn tuổi hơn tôi và tôi phải tự lực xoay xở giải quyết mọi chuyện trong mọi trường hợp.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 15 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Sen búp dâng đời


Bức Thành Biên Giới


Tư tưởng Tịnh Độ Tông


Các tông phái đạo Phật

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.233.52 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...