Có hai cách để lan truyền ánh sáng. Bạn có thể tự mình là ngọn nến tỏa sáng, hoặc là tấm gương phản chiếu ánh sáng đó. (There are two ways of spreading light: to be the candle or the mirror that reflects it.)Edith Wharton
Người nhiều lòng tham giống như cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị lửa táp vào tay. Kinh Bốn mươi hai chương
Tôi tìm thấy hy vọng trong những ngày đen tối nhất và hướng về những gì tươi sáng nhất mà không phê phán hiện thực. (I find hope in the darkest of days, and focus in the brightest. I do not judge the universe.)Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV
Ngay cả khi ta không tin có thế giới nào khác, không có sự tưởng thưởng hay trừng phạt trong tương lai đối với những hành động tốt hoặc xấu, ta vẫn có thể sống hạnh phúc bằng cách không để mình rơi vào sự thù hận, ác ý và lo lắng. (Even if (one believes) there is no other world, no future reward for good actions or punishment for evil ones, still in this very life one can live happily, by keeping oneself free from hatred, ill will, and anxiety.)Lời Phật dạy (Kinh Kesamutti)
Học Phật trước hết phải học làm người. Làm người trước hết phải học làm người tốt. (學佛先要學做人,做人先要學做好人。)Hòa thượng Tinh Không
Thành công không được quyết định bởi sự thông minh tài giỏi, mà chính là ở khả năng vượt qua chướng ngại.Sưu tầm
Nhà lợp không kín ắt bị mưa dột. Tâm không thường tu tập ắt bị tham dục xâm chiếm.Kinh Pháp cú (Kệ số 13)
Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Thêm một chút kiên trì và một chút nỗ lực thì sự thất bại vô vọng cũng có thể trở thành thành công rực rỡ. (A little more persistence, a little more effort, and what seemed hopeless failure may turn to glorious success. )Elbert Hubbard
Mặc áo cà sa mà không rời bỏ cấu uế, không thành thật khắc kỷ, thà chẳng mặc còn hơn.Kinh Pháp cú (Kệ số 9)

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Các bậc chân sư yogi Ấn Độ »» CHƯƠNG VII: ĐỨC PHẬT MẪU QUÁN THẾ ÂM »»

Các bậc chân sư yogi Ấn Độ
»» CHƯƠNG VII: ĐỨC PHẬT MẪU QUÁN THẾ ÂM

Donate

(Lượt xem: 5.467)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       

Các bậc chân sư yogi Ấn Độ - CHƯƠNG VII: ĐỨC PHẬT MẪU QUÁN THẾ ÂM

Font chữ:

Tôi đến thăm ngài Mahsaya, đệ tử của đức Ramakrishna vào một buổi chiều. Khi gặp tôi, ngài tươi cười nói với vẻ hiền hòa:

– Con hãy chờ trong chốc lát. Bây giờ ta cần phải chiêm ngưỡng đức Phật mẫu Quán Thế Âm.

Lời nói đơn sơ của ngài bất chợt gợi lên trong tôi một lòng sùng kính vô biên như đã có từ bao đời trước. Danh hiệu đức Quán Thế Âm như có một mãnh lực vô hình khiến cho tôi bùng lên một thứ cảm xúc mạnh mẽ không sao tả được.

Ngài Mahsaya có một dáng vẻ rất từ hòa, với chòm râu bạc trắng mềm mại và đôi mắt sáng ngời như soi rọi được khắp cõi vô cùng. Nhìn tư thế an vui tự tại của ngài trong lúc chiêm ngưỡng đức Quán Thế Âm, tôi có cảm tưởng đó là hiện thân toàn hảo nhất của sự tinh khiết.

Vị tu sĩ này nổi tiếng về lòng sùng kính vô hạn đối với đức Quán Thế Âm. Người ta nói là ngài có thể giao tiếp, cảm ứng được với đức Phật mẫu này, và tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì về điều đó. Chính ngay khi bước chân đến gặp ngài, tôi đã cảm nhận được rất rõ ràng điều đó bằng trực giác của mình.

Trong đời tôi, nỗi đau khổ lớn nhất mà tôi đã từng nếm trải chính là khi tôi mất mẹ. Nhiều năm sau khi mẹ mất, tôi vẫn luôn cảm thấy một sự khát khao cháy bỏng được trông thấy lại hình dáng mẹ. Tôi đã cầu nguyện chỉ để được gặp lại người trong giấc mơ, và đôi khi lời cầu nguyện đó của tôi được đáp ứng. Tuy nhiên, từ khi tôi được tiến bộ phần nào trong việc tu tập tâm linh, thì lòng khao khát được gặp mẹ trở nên trầm lắng và sâu sắc hơn. Mặc dù tôi vẫn yêu mẹ như lúc nào, nhưng giờ đây tôi hiểu ra rằng mong ước của mình là vô lý và không mang lại ích lợi gì. Thay vì vậy, tôi cố gắng đạt đến những trình độ tâm linh cao hơn, và tin chắc là bằng cách đó tôi được đến gần mẹ tôi hơn.

Thời gian gần đây, tôi dần dần có một cảm giác mơ hồ về sự gần gũi giữa hình ảnh người mẹ đã khuất của tôi với đức Quán Thế Âm. Cảm giác ấy ngày càng rõ rệt, và tôi cảm thấy tấm lòng từ bi vô hạn mà đức Phật bà này dành cho mọi chúng sanh, trong đó có tôi, quả thật không thể phân biệt nổi với tình thương trời bể mà mẹ đã dành cho tôi. Tự trong thâm tâm, lý trí của tôi cho rằng lòng thương yêu và tôn kính mẹ đã khiến tôi thánh hóa địa vị của người lên như đức Quán Thế Âm. Nhưng trực giác của tôi lại hiểu khác. Sự gần gũi giữa hai hình tượng đến với tôi một cách hoàn toàn tự nhiên không do suy luận, và tôi âm thầm cầu nguyện, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm mỗi ngày với lòng chí thành và cả với sự thương yêu trìu mến như ngày xưa tôi đến với mẹ tôi.

Tôi không nghĩ rằng cảm nhận của mình là đúng hay sai, nhưng tôi biết chắc một điều là do những thôi thúc đó tôi đã tìm đến tôn sư Mahsaya ngay khi được nghe biết về ông.

Tôn sư Mahsaya là người sống khiêm tốn và giản dị nhưng có kiến thức rất uyên thâm. Ngài có rất nhiều đệ tử. Ngài cũng có mở một lớp học để giúp cho việc học tập của các em học sinh trung học. Trong khi dạy dỗ các học trò xuất gia cũng như thế tục, ngài không bao giờ dùng đến những lời lẽ nghiêm khắc, cũng không dùng đến bất cứ một hình thức trừng phạt nào. Những điều ngài dạy thường rất ít khi đọc thấy trong sách vở, vì ngài truyền dạy bằng chính sự thực chứng trong đời sống tâm linh của mình, và các vị đệ tử noi theo tấm gương đạo hạnh của ngài nhiều hơn là những lời thuyết giảng khô khan.

Ngài đặc biệt sùng kính đối với đức Phật mẫu Quán Thế Âm, và cũng dạy đệ tử ngài hãy lễ kính đức Phật mẫu thay vì lễ kính ngài.

Trong khi chờ đợi tôn sư tiếp chuyện với mình, tôi cũng quỳ xuống bên cạnh người và chí thành chiêm ngưỡng đức Quán Thế Âm. Một lúc lâu sau, tôn sư ra khỏi thiền định và lấy tay xoa đầu tôi như một dấu hiệu để báo cho tôi biết là ngài đã sẵn sàng nói chuyện cùng tôi. Tôi cúi chào theo đúng nghi thức đối với một bậc thầy, rồi ngồi xuống bên ngài và nói:

– Bạch thầy, con nghe nói thầy có thể giao tiếp, cảm ứng được với đức Phật mẫu Quán Thế Âm?

– Đúng vậy, ta vẫn thường làm như thế.

– Con có thể thỉnh cầu thầy ban cho con một ân huệ, để con có được sự cảm ứng với đức Phật mẫu chỉ một lần giống như thầy được chăng?

Tôn sư Mahsaya yên lặng một lúc lâu. Rồi ngài nói:

– Đó không phải là điều ta có thể làm được. Không ai đã giúp ta làm được điều đó, và ta cũng không có khả năng giúp cho ai được như vậy cả.

Tôi hiểu ý ngài muốn nói gì. Nhưng vẫn khẩn khoản:

– Bạch thầy, nhưng bằng vào sự chứng nghiệm của bản thân thầy, thầy có thể ban cho con niềm tin và một sự dắt dẫn.

Tôn sư yên lặng. Tôi phủ phục quỳ dưới chân ngài với sự thành khẩn mà tôi chưa từng biểu hiện từ trước đến nay. Khoảng nửa giờ đồng hồ trôi qua, tôn sư phá tan sự yên lặng và nói:

– Con đã lầm rồi. Ta không thể ban cho con niềm tin được. Nhưng ta thấy rằng điều đó đã tự có nơi con. Nhân danh đức Phật mẫu, ta chấp nhận lời thỉnh cầu của con. Con sẽ được toại nguyện.

Tôi sung sướng không sao tả xiết. Lòng tôi ngập tràn một niềm hạnh phúc vô biên. Tôi tạ ơn tôn sư và từ biệt ngài để ra về.

Cuộc đời có những sự tình cờ không sao giải thích được. Căn nhà mà tôi đến để gặp ngài Mahsaya hôm nay, chính là căn nhà số 50 đường Amherst, tức là căn nhà cũ của gia đình tôi, nơi tôi đã sống những ngày thơ ấu khổ đau khi mẹ tôi qua đời. Từng bậc thang lầu cho đến những bức tường vô tri giác, đối với tôi như đều ghi khắc những kỷ niệm không sao quên được... Tình yêu thương với mẹ và lòng sùng kính vô biên đối với đức Quán Thế Âm, với tôi đều tăng lên gấp bội khi tôi được sống lại trong căn nhà này. Tôi luyến tiếc dạo quanh mấy vòng rồi mới bước ra khỏi cửa để trở về nhà.

Đêm hôm đó là một đêm mà và sau tôi không sao quên được. Tôi ngồi thiền như thường lệ cho đến khoảng 10 giờ đêm. Đột nhiên, căn gác nhỏ của tôi bỗng sáng rực lên một thứ ánh kỳ diệu khác thường, vừa rực rỡ vừa êm dịu, khiến tôi cảm thấy hoàn toàn thư thái. Ánh sáng ấy bao phủ quanh tôi trong một khoảng thời gian mà tôi không thể biết là bao lâu, vì lòng tôi cảm thấy kinh ngạc và sung sướng đến độ không còn quan tâm đến thời gian trôi qua nữa. Thế rồi giữa vùng hào quang chói rạng đó, tôi nhìn thấy đức Quán Thế Âm hiện ra với hình dáng tuyệt đẹp mà không một pho tượng nào tôi đã từng xem qua có thể lột tả đúng được. Khuôn mặt ngài hiền dịu và bao dung, với một nụ cười làm xóa tan đi hết thảy những âu lo, phiền muộn. Ngài nói với tôi bằng một giọng ngân nga trong trẻo mà tôi chưa từng nghe thấy trên thế gian này bao giờ:

– Mukunda, Mẹ bao giờ cũng yêu thương con với một tình yêu thương không bao giờ khô cạn.

Bất chợt, tôi cảm thấy một niềm hân hoan không sao tả hết. Khi ấy, tôi tự hỏi mình: Đức Quán Thế Âm hay mẹ tôi đang nói? Và trong vùng hào quang linh diệu, đầu óc tôi bỗng dưng sáng suốt đến lạ thường, tôi thấy lóe lên trong đầu câu trả lời mà từ xưa nay tôi chưa hề nghĩ đến: “Tại sao mình phải để tâm phân biệt như thế? Mẹ là Quán Âm, Quán Âm là Mẹ, cả hai đều là biểu tượng của tình yêu thương không bờ bến. Chẳng phải ngài vừa xác nhận điều đó qua lời nói đó hay sao?” Và tôi thấy lòng thanh thản hơn bao giờ hết khi những gút mắt nội tâm cuối cùng đã được tháo tung bằng một cách vô cùng đơn giản. Vầng sáng quanh tôi đang từ từ tan biến sau khi linh ảnh của đức Quán Thế Âm không còn nữa. Tôi ngồi lặng rất lâu sau đó trong tư thế tọa thiền, không muốn đánh mất đi niềm phúc lạc vô biên vừa đạt được.

Hôm sau, tôi tìm đến tôn sư Mahsaya để tạ ơn ngài. Nhưng ngài tránh không cho tôi lễ lạy và nói:

– Phật tánh trong con vẫn thường tồn. Nếu con biết tìm lại được tánh Phật ấy thì không cần phải lễ lạy ta.

Và ngài nói tiếp khi thấy tôi có vẻ còn hoang mang chưa hiểu:

– Ta không phải là thầy của con. Vị ấy sẽ xuất hiện trong tương lai vào một thời điểm thích hợp và dẫn dắt con trên đường học đạo.

Lời tiên tri của ngài về sau tất nhiên sẽ trở thành sự thật. Nhưng trước khi điều ấy xảy ra, tôi vẫn còn học hỏi được rất nhiều qua những lần tiếp xúc với ngài.

Tôi thường đến thăm ngài vào những buổi chiều khi thuận tiện. Một hôm, tôi mang đến một vòng hoa tươi và nói:

– Bạch thầy, đây là vòng hoa do tự tay con chọn lựa và kết thành. Con muốn dâng lên thầy để tỏ lòng tôn kính.

Nhưng tôn sư khéo léo từ chối và nói:

– Con hãy dành những sự tôn kính này để dâng lên Phật mẫu. Như vậy, cả ta và con đều đến dưới chân người và sẽ càng gần gũi nhau hơn.

Hôm ấy, tôn sư đề nghị tôi cùng đến viếng đền Dakshineswar và tôi nhận lời.

Hôm sau, chúng tôi xuống tàu vào buổi sáng để đi khoảng 4 dặm trên sông Hằng. Đền thờ đức Quán Thế Âm được xây dựng rất lớn với kiến trúc có tám mái tròn nhô lên cao vút. Tượng đức Quán Thế Âm được đặt trên một tòa sen khổng lồ đúc bằng bạc với một ngàn cánh hoa, chạm trổ công phu và được đánh bóng sáng rực. Tôn sư Mahsaya chiêm ngưỡng và lễ bái tượng đức Quán Thế Âm với tấm lòng sùng kính vô biên. Và khi ngài xưng tụng danh hiệu đức Quán Thế Âm, sự sùng kính của ngài như lan tỏa khắp chung quanh và chính tôi cũng thấy dâng lên một niềm tin tưởng vô biên không tả được. Trong chuyến hành hương này, tôn sư cũng giảng cho tôi nghe về hạnh nguyện của đức Quán Thế Âm và vì sao người ta hoàn toàn có thể đạt được sự cảm ứng với ngài:

– Điều rất lạ lùng là mọi người ai cũng muốn thấy được sự linh ứng, nhưng tự thân họ lại có quá ít niềm tin và luôn sống trong sự nghi ngờ.

Tôi hoàn toàn có thể hiểu được nhận xét thực tiễn này của tôn sư.

Một thời gian sau khi tiếp xúc với tôn sư Mahsaya, tôi mới biết ngài còn có nhiều khả năng kỳ diệu khác mà ngài thể hiện rất tự nhiên như việc hít thở khí trời.

Một hôm, ngài Mahsaya đưa tôi đến lớp học. Trên đường, chúng tôi gặp một người quen cũ và anh này làm tôi phải nản lòng với chuyến đi chơi, vì anh ta bám lấy chúng tôi bằng một câu chuyện dài nhằng nhịt không sao dứt được. Ngài kề tai tôi nói nhỏ:

– Ta biết con không mấy thích câu chuyện vô vị này. Nhưng con đừng lo, khi chúng ta đi đến ngôi nhà ngói đỏ đằng kia, anh ta sẽ bỗng dưng nhớ ra một chuyện cần kíp, và vội vã đi khuất mắt chúng ta ngay thôi.

Tôi nghe ông nói và lấy làm ngạc nhiên pha lẫn chút hoài nghi. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến chỗ ngôi nhà ngói đỏ. Anh chàng huyênh hoang ngay khi ấy bỗng dưng đứng sựng lại như chợt nhớ ra điều gì. Nhìn bộ dạng hốt hoảng của anh ta thật tức cười. Và anh ta hối hả đi ngay thậm chí quên chào từ biệt hoặc cho chúng tôi biết lý do của sự chia tay đột ngột ấy.

Tôi chuyển từ tâm trạng ngạc nhiên sang kinh ngạc dị thường, pha lẫn với niềm vui thoải mái vì không còn bị quấy rối bởi một gã lắm chuyện không đâu. Khi ấy, tôi hiểu là tôn sư Mahsaya chẳng những có khả năng đọc thấu lòng người, mà ngài còn nhìn thấy trước được những chuyện sắp đến nữa. Và câu chuyện xảy ra tiếp theo đây chứng minh cho ý nghĩ ấy của tôi về ngài.

Tôn sư vỗ vai tôi thân mật và hỏi:

– Con thích xem chiếu bóng không?

Vào thời đó ở Ấn Độ, việc được đi xem một buổi chiếu bóng là khá hấp dẫn, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhưng tôi không giống như những thanh niên bình thường khác, nên không thấy lôi cuốn mấy với những thú vui loại này. Tuy nhiên, tôi không muốn làm phật lòng tôn sư. Vả lại, dù đi đâu mà được ở bên người thì tôi cũng đều thấy vui. Vì thế, tôi vui vẻ gật đầu tán thành. Chúng tôi ghé lại gần bờ một hồ nước trước sân trường đại học Calcutta để ngồi nghỉ chân chốc lát trên một chiếc ghế đá. Tôn sư nói:

– Thầy ta ngày trước thường khuyên ta ngồi thiền gần những nơi có mặt ao hồ phẳng lặng, yên tĩnh. Khung cảnh như thế này thường dễ làm cho chúng ta đạt đến một tâm thức an bình, tĩnh lặng.

Lát sau, chúng tôi đi vào giảng đường của trường đại học. Người ta đang có một buổi chiếu bóng thuyết trình về một đề tài khoa học. Chúng tôi tìm một chỗ thích hợp và ngồi xem.

Tôi không mấy hứng thú với vấn đề đang trình bày, và cảm thấy hết sức nhạt nhẽo, vô vị với những hình ảnh được trình chiếu. Chỉ một lúc, tôn sư Mahsaya quay sang tôi nói nhỏ:

– Này con, tuy rằng ta biết con không thích buổi chiếu bóng này, nhưng chúng ta cũng không nên ngang nhiên bỏ đi ra, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến những người khác. Con hãy chuẩn bị, điện sắp bị mất trong giây lát, chúng ta hãy nhân đó mà đi ra ngay. Khi chúng ta ra đến hành lang, hệ thống điện sẽ hoạt động trở lại.

Ngay khi đó, đột nhiên tất cả chìm vào bóng tối. Có những tiếng la hốt hoảng trên khán đài vì bất ngờ. Chúng tôi nhanh chóng dắt tay nhau đi ra hành lang. Quả nhiên, khi chúng tôi đã đều bước trên hành lang phía bên ngoài, đèn điện liền vụt sáng trở lại khắp nơi.

Khi chúng tôi ra đến ngoài đường phố, ngài Mahsaya nói với tôi:

– Ta biết con không thích buổi chiếu bóng vừa rồi của người thế tục. Bây giờ ta sẽ cho con xem một buổi chiếu bóng khác, hy vọng sẽ làm con thích.

Nói xong, ngài đến gần và đưa tay áp nhẹ lên ngực tôi, gần vị trí của trái tim.

Đột nhiên, tôi không còn nghe thấy bất cứ một âm thanh nào nữa cả. Đường phố nhộn nhịp, xe cộ qua lại, tất cả diễn ra trước mắt tôi hệt như trong một bộ phim câm. Hơn thế nữa, tầm mắt tôi tự dưng như mở rộng một cách kỳ diệu. Tôi nhìn gần, nhìn xa, nhìn thấy cả phía sau lưng mình, nghĩa là khắp mọi nơi. Bất cứ tôi chú ý đến điểm nào, nơi ấy liền hiện rõ trước mắt tôi như trong gang tấc. Tầm mắt tôi không bị che khuất, cũng không còn bị trở ngại vì khoảng cách gần xa. Tôi thử nảy ra ý muốn nhìn ra xa, liền thấy rõ cả những khu phụ cận của thành phố cũng rõ ràng như đang ở ngay trước mắt mình.

Cảm giác kỳ diệu này làm cho tôi cảm thấy say sưa, ngây ngất trong một niềm vui sướng lạ lùng. Tôi cảm thấy toàn thân mình nhẹ nhàng, thư thái như không còn bị trói buộc bởi xác thịt phàm tục này. Tôi có cảm tưởng mình dễ dàng bay vút lên tận các vì tinh tú mà không có một trở ngại nào. Trạng thái khó tả này kéo dài với tôi trong một lúc, cho đến khi tôn sư Mahsaya đưa tay vỗ nhẹ vào ngực tôi lần nữa...

Tất cả trở lại bình thường. Tôi lại nghe thấy tiếng người cười nói xôn xao đi lại... Và trong một lúc, tôi có cảm giác thân xác mình nặng nề gấp trăm ngàn lần trước đây, đến nỗi tôi không muốn nhấc chân lên để đi theo thầy nữa. Tôi biết cảm giác ấy là vì tôi vừa bước ra khỏi trạng thái xuất thần kỳ diệu kia một cách quá đột ngột. Tôi thầm cảm ơn tôn sư đã cho tôi được nếm trải một kinh nghiệm tâm linh mà tôi biết sẽ còn rất lâu tôi mới có thể tự mình đạt đến.

– Ta hy vọng là con thích buổi chiếu bóng vừa rồi.

Tôn sư nói với một nụ cười rộng mở trên môi người. Tôi xúc động đến phát khóc lên được. Tôi đã muốn quỳ xuống lạy tạ ơn người ngay trên đường phố, nhưng người đã kịp giữ tôi lại bằng một thái độ dứt khoát:

– Con không nên làm vậy. Ta chỉ làm thế vì con xứng đáng được nhìn thấy trước một vài kinh nghiệm tâm linh như thế. Về sau con sẽ tự mình chứng nghiệm những điều còn cao siêu kỳ diệu hơn thế nữa.

Những lời dạy của ngài tôi còn ghi khắc mãi trong suốt cuộc hành trình tu tập của mình. Và phép mầu kỳ diệu ngài đã ban cho tôi lần ấy đã có giá trị động viên rất lớn đối với tôi, giúp tôi vượt qua rất nhiều những khó khăn, trở ngại về sau. Hơn tất cả, ngài đã giúp tôi củng cố một niềm tin không gì lay chuyển nổi đối với lòng từ bi vô lượng vô biên của đức Quán Thế Âm, một chỗ dựa vững chắc giúp tôi có thể an nhiên tự tại ngay trong cả những hoàn cảnh đầy bất trắc.

Nhiều năm về sau, tôi được chứng kiến nhiều phép mầu kỳ diệu của các bậc tôn sư, và tôi hiểu ra một điều là đức tin sâu vững của con người có giá trị vượt xa những năng lực tri thức. Những gì người ta phải cố gắng nhiều thế kỷ để đạt đến bằng tri thức, bằng khoa học, thì về phương diện tâm linh đôi khi có thể đạt đến chỉ trong một thời gian rất ngắn. Hơn thế nữa, tôi còn biết được rằng hạnh phúc chân thật và sự tồn tại của nhân loại không phải nhờ vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật tối tân của một nền văn minh vật chất, mà là nhờ vào những thành tựu về mặt tâm linh mà các bậc thánh nhân đã đạt được và truyền lại.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 12 chương »       » Xem chương tiếp theo »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.145.58.90 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (228 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Saudi Arabia (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...