Bạn có biết là những người thành đạt hơn bạn vẫn đang cố gắng nhiều hơn cả bạn?Sưu tầm
Đừng than khóc khi sự việc kết thúc, hãy mỉm cười vì sự việc đã xảy ra. (Don’t cry because it’s over, smile because it happened. )Dr. Seuss
Nếu bạn muốn những gì tốt đẹp nhất từ cuộc đời, hãy cống hiến cho đời những gì tốt đẹp nhất. (If you want the best the world has to offer, offer the world your best.)Neale Donald Walsch
Đừng bận tâm về những thất bại, hãy bận tâm đến những cơ hội bạn bỏ lỡ khi thậm chí còn chưa hề thử qua. (Don’t worry about failures, worry about the chances you miss when you don’t even try. )Jack Canfield
Nếu muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa, hãy đi cùng người khác. (If you want to go fast, go alone. If you want to go far, go together.)Ngạn ngữ Châu Phi
Bạn có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không. (You may delay, but time will not.)Benjamin Franklin
Khởi đầu của mọi thành tựu chính là khát vọng. (The starting point of all achievement is desire.)Napoleon Hill
Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc chi là khó. Ví như dòng nước nhỏ mà chảy mãi thì cũng làm mòn được hòn đá.Kinh Lời dạy cuối cùng
Muôn việc thiện chưa đủ, một việc ác đã quá thừa.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Hãy sống tốt bất cứ khi nào có thể, và điều đó ai cũng làm được cả.Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV

Trang chủ »» Danh mục »» TỦ SÁCH RỘNG MỞ TÂM HỒN »» Sức mạnh của hiện tại »» Chương 10: Ý nghĩa của sự chấp nhận mọi việc »»

Sức mạnh của hiện tại
»» Chương 10: Ý nghĩa của sự chấp nhận mọi việc

Donate

(Lượt xem: 16.546)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục  English || Đối chiếu song ngữ


       

Sức mạnh của hiện tại - Chương 10: Ý nghĩa của sự chấp nhận mọi việc

Font chữ:


Diễn đọc: Trường Tân
Chấp nhận tất cả những gì đang xảy ra (1)

Nhiều lần ông đã đề cập đến việc thực tập “chấp nhận vô điều kiện” những gì đang có mặt trong phút giây này. Nhưng tôi thực không đồng ý cách sống này vì nó có vẻ cam chịu, chấp nhận những việc đã xảy ra, và chúng ta chẳng cố gắng làm gì cả để thay đổi hoàn cảnh hiện tại. Theo tôi, chúng ta đạt được những tiến bộ, cả trong đời sống riêng tư và đời sống cộng đồng, là vì chúng ta đã không chấp nhận những giới hạn của hoàn cảnh hiện tại mà đã gắng sức vượt qua và tạo dựng nên một cái gì đó tốt đẹp hơn. Nếu chúng ta đã không làm như thế thì giờ đây chắc hẳn chúng ta vẫn còn sống ở trong hang. Làm cách nào mà ông có thể dung hòa được việc thực tập chấp nhận vô điều kiện với chuyện thay đổi và thực hiện mọi việc?

Đối với một số người, thái độ sống “chấp nhận vô điều kiện” những gì đang hiện hữu có hàm ý rất tiêu cực, có ý nghĩa cam chịu thất bại, trốn tránh, không muốn vươn lên để vượt qua được những thách thức của cuộc sống; là một cái gì đó thiếu sức sống... Nhưng ý nghĩa đích thực của sự chấp nhận vô điều kiện – mọi chuyện trong đời sống cá nhân – thực sự khác hẳn. Chấp nhận vô điều kiện mọi chuyện không phải là sự chịu đựng một cách thụ động với bất kỳ hoàn cảnh nào xảy đến cho bạn và bạn cứ phó mặc, chẳng làm gì cả... Chấp nhận hoàn toàn mọi thứ cũng không có nghĩa là thôi, không thiết lập kế hoạch hoặc không còn tích cực hành động nữa.

Chấp nhận vô điều kiện mọi việc là một triết lý rất đơn giản nhưng sâu xa, rằng ta nên nương theo hơn là đi ngược lại dòng chảy của đời sống(2). Và tiêu điểm duy nhất mà bạn có thể trải nghiệm dòng chảy ấy của đời sống là phút giây hiện tại(3), vì vậy chấp nhận hoàn toàn mọi việc là chấp nhận giây phút hiện tại, không điều kiện và không chút e dè. Điều đó cũng có nghĩa là bạn phải từ bỏ sự bất bình, hay chống đối từ bên trong bạn với những gì đang hiện hữu. Sự tranh đấu trong nội tâm sẽ xảy ra khi nào bạn còn khước từ những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại. Sự chống đối nội tại này bùng phát mạnh mẽ khi có chuyện “trục trặc”, nghĩa là khi có một khoảng cách giữa những yêu cầu khắt khe của lý trí(4) ở trong bạn với những gì đang thực sự xảy ra; đó thực là một khoảng cách đớn đau. Nếu bạn là một người từng trải, bạn biết rằng mọi việc trong đời sống thường hay bị “trục trặc”, thường rất dễ “có vấn đề”. Chính vào những lúc đó, ta cần phải thực tập chấp nhận vô điều kiện những gì đang xảy ra để giúp ta loại trừ những khổ đau và buồn phiền thường dấy lên ở trong ta. Chấp nhận được những gì đang có mặt trong phút giây hiện tại, ngay lập tức giúp bạn thoát ra khỏi thói quen đồng hóa mình với những suy tư, lo lắng ở trong mình và đưa bạn đến với tư thái ung dung tự tại(5) đối với cuộc đời. Khi nào bạn còn vin vào lý trí thì bạn sẽ còn sự chống đối ở trong lòng.

Chấp nhận vô điều kiện mọi việc là một hiện tượng thuần túy ở bên trong. Nhưng điều đó không có nghĩa là, ở bên ngoài, bạn sẽ không hành động gì cả để thay đổi tình trạng. Thật ra, khi thực tập chấp nhận vô điều kiện một cách đúng đắn, bạn không cần phải chấp nhận toàn thể tình huống đó, mà thực ra bạn chỉ cần chấp nhận một tiêu điểm rất nhỏ của tình huống: đó là phút giây hiện tại.

Ví dụ, khi bạn đang bị lún trong một vũng bùn, bạn không nói: “À, từ phút này trở đi, tôi cam chịu bị lún và tôi cứ ở lì mãi ở trong đó”. Mà chỉ là: “Tôi chấp nhận, là ngay trong phút giây này, tôi đang bị lún bùn”. Khi chấp nhận được tình trạng hiện thời, tôi sẽ có sự chú tâm và năng lực để làm những gì tôi cần làm sau đó để giúp tôi thoát ra khỏi vũng bùn. Ép buộc mình phải cam chịu một tình huống không phải là chấp nhận hoàn toàn mọi việc. Bạn không cần phải chấp nhận mọi tình huống trong đời sống mà bạn không thích. Cũng không cần phải tự dối mình và khẳng định rằng việc lún xuống bùn thì cũng chẳng sao. Không, bạn hoàn toàn nhận thức được rằng bạn muốn thoát ra khỏi vũng lầy đó. Rồi bạn thu hẹp sự chú tâm của mình vào giây phút hiện tại, không để lý trí bạn quy kết, nói xấu, hay dán nhãn hiệu cho tình trạng này dưới bất cứ hình thức nào. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không phán xét, chê bai những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại, vì thế trong bạn sẽ không có sự chống đối, và không có những cảm xúc tiêu cực. Bạn chấp nhận những gì đang có mặt trong phút giây này. Rồi bạn bắt tay vào hành động, và làm tất cả những gì bạn có thể làm để thoát ra khỏi vũng bùn. Đó là một thái độ rất tích cực. Nó hiệu quả hơn rất nhiều so với thái độ tiêu cực xuất phát từ sự giận dữ, tuyệt vọng hay bối rối. Bạn cần phải thực tập chấp nhận hoàn toàn mọi chuyện bằng cách ngăn mình, nhất định không quy kết, chê bai phút giây hiện tại cho đến khi bạn đạt được kết quả mong muốn.

Thái độ không chấp nhận hoàn cảnh sống, hoặc tình trạng tâm lý, tình trạng vật lý,… đang xảy ra cho bạn, nếu có, sẽ dựng nên quanh bạn một ốc đảo tâm lý. Chiếc áo giáp của bản ngã giả tạo ở trong bạn sẽ tạo ra cho bạn một cảm giác cách ly càng mãnh liệt hơn với mọi thứ chung quanh. Đối với bạn lúc ấy, thế giới chung quanh chỉ đầy những cảm giác đe dọa, bất an. Bạn không biết là mình đang bị thôi thúc bởi những phán xét có tính chất tàn hại đối với người khác, kèm theo trong bạn một nhu yếu tranh giành và chế ngự kẻ khác. Ngay cả thiên nhiên cũng trở thành kẻ thù của bạn. Lúc ấy, sự sợ hãi sẽ chi phối tất cả mọi cảm nhận và suy tư của bạn. Trạng thái nhận thức bình thường nhưng rất trái chiều này chỉ là dạng nhẹ hơn của căn bệnh gọi là bệnh tâm thần.

Không những trạng thái tâm lý mà tình trạng thể chất của bạn – thân thể – cũng trở nên cứng nhắc vì khó thay đổi do có sự phản kháng bên trong. Căng thẳng trong thân thể bạn sẽ gia tăng, toàn bộ cơ thể bạn sẽ bị co rúm lại. Dòng khí lực, nguồn năng lượng sống ở trong bạn bình thường được chuyển vận tự do khắp thân thể, rất thiết yếu cho cơ thể bạn làm việc một cách khỏe mạnh nay sẽ bị cản trở. Những trị liệu thân thể như nhân điện và những cách điều trị thân thể vật lý khác cũng có thể giúp bạn khôi phục dòng khí lực này nhưng chúng chỉ làm giảm tạm thời vì gốc rễ của nó – sự phản ứng có tính chất rập khuôn, đầy quán tính(6) – chưa được tiêu trừ, trừ phi bạn thực hành chấp nhận vô điều kiện trong đời sống hàng ngày.

Có một cái gì đó không hình tướng, thường hằng, bất biến,… ở trong bạn. Nó không bị tác động bởi những tình huống nhất thời tạo nên hoàn cảnh sống của bạn, mà chỉ qua sự thực tập chấp nhận hoàn toàn mọi việc thì bạn mới có thể tiếp xúc được. Cái đó chính là dòng sinh mệnh thiêng liêng của bạn, Bản Chất tự nhiên ở trong bạn. Cái Biết bàng bạc không hình tướng đó luôn tồn tại miên viễn trong cõi hiện tiền, vượt thoát khỏi thời gian. Chúa Jesus từng nói rằng phải ta phải tiếp xúc được với Cái Biết mầu nhiệm, sâu sắc ấy ở trong ta(7) – phải tiếp xúc cho được với nguồn sống bất biến, bất hoại ấy ở trong mỗi người; Ngài nói: “Đó là điều duy nhất mà con cần làm”.

Nếu bạn cảm thấy hoàn cảnh sống của mình không thoải mái hay không thể chịu đựng được nữa, thì trước tiên bạn phải thực tập chấp nhận vô điều kiện những gì đang xảy ra trong hoàn cảnh sống của mình thì bạn mới mong phá vỡ được những khuôn mẫu phản kháng có tính chất thiếu hiểu biết và rập khuôn lâu đời ở trong bạn đã vô tình giúp cho tình trạng ấy kéo dài.

Trạng thái chấp nhận hoàn toàn mọi chuyện thực ra rất dung hợp với việc bắt tay vào hành động để tạo thay đổi hay đạt được mục tiêu. Nhưng trong trạng thái chấp nhận hoàn toàn ấy, bạn sẽ cảm nhận được một nguồn năng lượng mới hoàn toàn khác, có chất lượng khác lan tỏa, thẩm thấu vào những công việc của bạn làm. Qua thực tập chấp nhận hoàn toàn mọi việc, bạn tiếp xúc được với một nguồn năng lượng của Sự Có Mặt Mầu Nhiệm ở trong bạn và bạn làm việc trong sự Có Mặt đầy ý thức đó của mình, những việc bạn làm sẽ trở thành một niềm hoan lạc của bạn, giúp bạn tiếp xúc sâu sắc hơn với phút giây hiện tại. Nhờ không còn phản kháng, chất lượng của ý thức sáng tỏ ở trong bạn và những gì bạn đang làm được gia tăng một cách không thể đo lường được. Hoa trái và niềm vui mà bạn có được trong khi làm việc trong sự Có Mặt đầy ý thức ấy sẽ bổ sung cho nhau và những việc bạn làm sẽ phản ánh chất lượng đó. Điều này có thể gọi là “làm” trong trạng thái ung dung tự tại, làm mà không có sự chống đối ở bên trong, làm dễ dàng như không đang làm. Đó không phải là kiểu làm việc (ta tạm gọi là “làm như điên”, hay “làm một cách máy móc”) của đa số chúng ta đã từng làm và đã từng chứng kiến hàng ngàn năm qua. Khi có thêm nhiều người thức tỉnh nữa, cách “làm” hay “hành động” một cách máy móc ấy có lẽ sẽ biến mất, vì lúc đó người ta sẽ tạo ra một từ mới để thay thế cho từ này.

Chất lượng của tâm thức bạn trong thời điểm này chính là yếu tố chính quyết định những kinh nghiệm và tương lai nào bạn sẽ gặp phải, vì vậy thực tập chấp nhận vô điều kiện mọi chuyện là điều quan trọng nhất bạn có thể làm để mang lại những thay đổi tích cực ở trong bạn. Ngoài ra, bất cứ hành động nào bạn sẽ làm cũng đều là thứ yếu. Không thể có những hành động tích cực nào có thể nảy sinh qua trạng thái tâm thức không chấp nhận cả.

Tôi hiểu rằng nếu tôi gặp phải hoàn cảnh không thoải mái mà tôi hoàn toàn chấp nhận giây phút đó thì sẽ không có cảm giác bất hạnh hoặc khổ đau, và tôi sẽ vượt qua được hoàn cảnh ấy. Vấn đề là nếu tôi không có sẵn một mức độ không hài lòng nào đó thì tôi không biết lấy năng lượng hay động cơ từ đâu để giúp tôi bắt tay vào hành động, và đem lại những đổi thay!

Trong trạng thái chấp nhận vô điều kiện mọi việc, bạn sẽ thấy được những gì cần phải làm, chỉ làm mỗi lúc một việc, và bạn dễ tập trung hết tinh thần vào để giải quyết những việc ấy. Ta hãy học từ thiên nhiên cách mà mọi thứ tự hoàn thiện và cách mà đời sống tự phơi bày ra, không mảy may u buồn, không mảy may thất vọng. Chúa Jesus đã từng nói: “Con hãy nhìn những bông hoa huệ kia, xem cách chúng lớn lên, không loay hoay mà cũng chẳng nhọc nhằn”.

Nếu tình thế chung của bạn không được dễ chịu, hãy tách ly phút giây này và chấp nhận vô điều kiện những gì đang hiện hữu trong giây phút ấy. Đó sẽ là ánh đèn pha xuyên thủng đám sương mù. Trạng thái sống với ý thức sáng tỏ đó sẽ giúp bạn không còn bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài. Bạn sẽ không còn hành xử từ khuynh hướng phản ứng và chống đối quanh những vấn đề của bạn.

Rồi bạn nhìn vào những đặc thù của tình huống đó, và tự hỏi mình “Ta có thể làm được gì để thay đổi tình trạng này? Ta cần cải thiện tình trạng hay thoát khỏi nó?”, xong bạn bắt tay vào hành động. Chỉ cần chú tâm vào một thứ mà bạn có thể làm ngay bây giờ, không phải là hằng trăm thứ mà bạn sẽ làm, hay có thể làm trong tương lai. Điều này không có nghĩa là bạn không cần lập kế hoạch. Có khi kế hoạch là chuyện duy nhất mà bạn có thể làm trong lúc này. Nhưng bạn nhớ không tưởng tượng hay hình dung điều này, điều nọ, đừng phóng tâm về tương lai mà đánh mất phút giây hiện tại. Có lúc những việc làm của bạn chưa thấy kết quả ngay. Tuy nhiên cho đến khi những việc bạn làm ấy đưa đến hoa trái, xin bạn nhớ không nên chống đối với những gì đang có mặt trong lúc này. Nếu bạn cảm thấy không làm được gì, và cũng không thoát ra khỏi được tình huống đó thì hãy dùng nó để giúp bạn đi sâu vào việc thực tập chấp nhận hoàn cảnh sống của bạn, giúp bạn thể nhập Hiện Tại, đi sâu vào Hiện Hữu. Khi bạn đi sâu vào cõi phi-thời-gian này của phút giây hiện tại, những đổi thay kỳ diệu thường xảy đến cho bạn một cách lạ kỳ mà bạn không cần phải làm gì cả. Lúc đó cuộc đời bỗng nhiên có ích và thân thiện với bạn hơn. Nếu có những chướng ngại bên trong bạn như cảm giác sợ hãi, tội lỗi, hay bất lực,… trước đây thường hay cản ngăn bạn bắt tay vào thực hiện một việc gì, thì bây giờ những chướng ngại đó sẽ tự tan biến trước ánh sáng của sự có mặt đầy ý thức ở trong bạn.

Đừng nhầm lẫn chấp nhận vô điều kiện mọi việc với thái độ “chẳng có gì có thể quấy nhiễu được ta” hoặc “ta chẳng màng thứ gì”. Vì khi nhìn kỹ vào, bạn sẽ thấy những thái độ này nhuốm màu tiêu cực, hay được dùng để che đậy những cảm giác tránh né, bất mãn,… vì thế thái độ đó không phải là thực sự chấp nhận hoàn toàn mà chỉ là sự chống đối đã được ngụy trang. Khi bạn thực tập chấp nhận vô điều kiện, hãy hướng sự chú tâm của mình vào bên trong, để ý xem có dấu vết nào của thái độ chống đối trong lòng mình không? Bạn phải rất tỉnh táo vì có thể trong một góc tối nào đó của tâm thức bạn, thái độ chống đối vẫn còn ẩn nấp dưới dạng một suy nghĩ nào đó hay một cảm xúc tiêu cực, không được bạn thừa nhận.

Từ sức mạnh trí óc sang sức mạnh tâm linh

Buông bỏ thái độ chống đối là việc nói thì rất dễ nhưng làm thì rất khó. Tôi vẫn chưa thấy được cách nào để buông bỏ sự chống đối này. Nếu ông nói là qua thực tập chấp nhận vô điều kiện hoàn cảnh sống, thì vấn đề là “bằng cách nào”?

Bạn bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng trong bạn đang có sự chống đối. Hãy có mặt ở đó khi nó xuất hiện. Quan sát cách mà trí óc bạn tạo ra nó, cách trí năng bạn dèm pha hoàn cảnh hiện tại mà bạn đang gặp phải, cách trí năng bạn phê phán chính bạn, hay cách nó nói xấu những người khác. Hãy quan sát quá trình tư tưởng đi kèm, hãy cảm nhận năng lượng của những cảm xúc ở trong bạn. Qua việc mục kích sự phản đối, bạn sẽ thấy rằng nó chẳng có mục đích gì. Bằng cách tập trung tất cả sự chú tâm của bạn vào phút giây hiện tại, sự phản đối ở trong bạn đang từ trạng thái vô minh nay trở thành có ý thức và đó chính là phút lâm chung của sự phản đối ấy ở trong bạn. Bạn không thể vừa có ý thức rất sáng suốt mà lại vừa khổ đau; hoặc vừa có nhận thức rất trong sáng, nhưng lại vừa cảm thấy rất tiêu cực. Tiêu cực, hay đau khổ dưới bất cứ hình thức nào cũng đều bao hàm sự phản đối, và phản đối thì luôn luôn là do sự thiếu hiểu biết.

Có chắc là tôi nhận thức rõ cảm giác đau khổ trong tôi không?

Bạn có muốn chọn để tiếp tục chịu khổ đau không? Nếu bạn đã không chọn thì làm sao nó xảy ra được? Mục đích của việc bạn tiếp tục chịu khổ đau như thế nhắm đến điều gì? Ai làm cho những khổ đau này trong bạn được tiếp diễn? Tuy bạn nói rằng, bạn nhận thức được những cảm giác khổ sở ở trong bạn, nhưng sự thật là bạn đã bị đồng hóa với những cảm xúc đó(8) và đã làm cho quá trình ấy được tiếp diễn qua lối suy nghĩ không tự chủ được. Tất cả những kinh nghiệm khổ sở như thế, bạn đã đều kinh nghiệm trong vô thức, trong trạng thái thiếu sáng suốt. Nếu bạn thực sự tỉnh thức, tức là hoàn toàn có mặt trong Phút Giây Hiện tại, thì tất cả những tiêu cực kia đều tan biến ngay tức thì. Tiêu cực không thể nào tồn tại khi bạn thực sự hiện diện. Tiêu cực chỉ có thể tồn tại khi bạn vắng mặt. Ngay cả khối khổ đau của bạn cũng không thể tồn tại lâu khi bạn thực sự có mặt. Bạn đã vô tình làm sống lại nỗi đau cũ trong bạn bằng cách hay để cho tâm trí mình hồi tưởng về quá khứ, hoặc thêu dệt chuyện tương lai. Đó là thức ăn nuôi sống khối khổ đau ấy. Qua nhận thức sâu sắc về phút giây hiện tại, quá khứ và tương lai trong tâm thức bạn sẽ bị tiêu trừ. Vấn đề là bạn có muốn chấm dứt những khổ đau ấy ở trong mình chưa? Bạn khổ đã đủ chưa? Cũng đừng nên hoảng sợ vì bạn không biết mình sẽ trở thành một người như thế nào, khi bạn quyết định buông bỏ hết, không còn ôm cứng lấy những khổ đau này.

Cho đến khi nào mà bạn thực sự chấp nhận vô điều kiện (những khó khăn, khổ sở bạn đang gặp phải trong quan hệ cá nhân, trong quan hệ với những người thân trong gia đình, với những người đồng nghiệp,…) thì con đường tâm linh của bạn mới không là những thứ phù phiếm mà bạn chỉ đọc qua cho vui thôi, hoặc thích bàn bạc, hoặc thích thú, hoặc để viết rất nhiều sách về nó, hoặc để nghĩ về, hay tin vào – hay không tin gì cả. Vì tất cả những thứ này sẽ chẳng tạo ra được thay đổi gì thực sự trong đời sống tâm linh của bạn cả. Phải đến khi nào bạn thực tập chấp nhận vô điều kiện những khó khăn mà bạn đang gặp phải trong lúc này, thì con đường tâm linh mới trở thành một thực thể sống động trong đời sống của bạn. Khi đó năng lượng mà bạn tỏa ra, cũng trở thành năng lượng điều hành đời sống của bạn, đây là một năng lượng có tần số rung rất cao, cao hơn loại năng lượng của lý trí mà hiện nay vẫn còn chế ngự thế giới này– loại năng lượng của trí năng đã tạo nên cơ cấu xã hội, chính trị và kinh tế của nền văn minh phương Tây, và hiện tại vẫn đang tiếp tục thẩm thấu vào hệ thống giáo dục và ngành truyền thông, tin tức. Chỉ qua việc thực tập chấp nhận vô điều kiện của bạn, năng lượng tâm linh ấy mới có thể thấm vào thế giới này. Năng lượng tâm linh là thứ năng lượng sẽ không tạo tác thêm đau khổ cho bạn, cho người khác và cho bất cứ vật thể sống nào khác. Năng lượng tâm linh sẽ không làm ô nhiễm trái đất như loại năng lượng lý trí, và nó sẽ không tuân theo định luật đối cực – có tốt, ắt có xấu,… Những người vẫn còn sống theo năng lượng của lý trí – là phần lớn cư dân trên địa cầu này – vẫn chưa ý thức được sự hiện hữu của năng lượng tâm linh. Năng lượng này thuộc về một trật tự khác, cao hơn của thực tại. Năng lượng tâm linh này sẽ tạo dựng nên một thế giới mới khi có đủ số người đạt đến trạng thái chấp nhận vô điều kiện, hoàn toàn thoát ra khỏi tiêu cực. Nếu trái đất này của chúng ta còn tồn tại được ngày hôm nay, là do năng lượng của những nhà hiền triết, những người hoàn toàn tỉnh thức đang sinh sống ở trên đó.

Chúa Jesus đã đề cập đến dạng năng lượng mới này khi ngài đưa ra phát biểu có tính tiên tri trong Bài Thuyết Giáo Trên Núi (The Sermon on the Mount): “May mắn thay những người đang tỉnh thức, họ sẽ là chủ nhân của trái đất này”. Sự hiện hữu im lặng nhưng mạnh mẽ ấy sẽ làm tiêu tan những khuôn mẫu u mê của lý trí. Những vô minh này có thể vẫn còn hoạt động trong một thời gian nữa, nhưng nó sẽ không còn đủ sức mạnh để điều khiển đời sống của bạn. Sự chống đối những điều kiện sống khó khăn của bạn ở bên ngoài dần dần cũng sẽ có xu hướng tự hóa giải, chuyển đổi khi bạn thực tập chấp nhận vô điều kiện hoàn cảnh sống của bạn. Đó là một thực tập có năng lực cải biến toàn diện hoàn cảnh sống và chuyển hóa con người của bạn. Nếu hoàn cảnh sống của bạn tuy chưa thay đổi liền, nhưng khi bạn chấp nhận Hiện Tại, điều đó sẽ giúp bạn vượt thắng hoàn cảnh. Dù chuyện này xảy ra cách nào đi nữa thì bạn cũng sẽ được tự do.

Chấp nhận hoàn toàn trong quan hệ cá nhân

Còn những người muốn lợi dụng, thao túng hay kiểm soát tôi thì sao? Tôi có phải thực tập chấp nhận vô điều kiện với họ không?

Những người như thế là những người đã bị tách ly ra khỏi trạng thái an nhiên tự tại, do đó họ hành động trong mê muội, mong rút được chút năng lượng và sức mạnh của bạn. Chỉ có những người mê lầm mới muốn lợi dụng hay thao túng người khác và cũng chỉ những người mê lầm mới bị thao túng và lợi dụng. Nếu bạn cưỡng lại hay chống đối hành vi mê lầm này của người khác, thì bạn cũng trở nên u mê. Chấp nhận vô điều kiện trong quan hệ cá nhân không có nghĩa là cho phép mình bị người khác lợi dụng. Cùng một lúc, bạn có thể dứt khoát nói “không” với một người hay thoát khỏi một tình huống bất như ý, và đồng thời bạn hoàn toàn ở trong trạng thái bất phản kháng ở trong lòng. Khi bạn nói “không”, xin hãy nói từ một chỗ rất sáng suốt ở trong bạn, mà không phải nói từ chỗ phán xét, hay phản ứng. Xin nói từ một nhận thức rất rõ ràng về những gì tốt hay không tốt cho bạn vào lúc đó. Hãy nói “không” một cách không phản ứng, hãy nói “không” với một chất lượng cao, nói “không” từ chỗ đã vượt thoát mọi tiêu cực và do đó bạn sẽ không tạo thêm đau khổ.

Tôi gặp phải một tình huống không được thoải mái trong công việc. Tôi đã cố để chấp nhận tình trạng ấy, nhưng tôi không thể làm được. Trong tôi xuất hiện rất nhiều chống đối.

Nếu bạn không thể chấp nhận hoàn cảnh đó, thì bạn hãy trầm tĩnh để ra tìm phương cách giúp bạn quyết định nhanh chóng. Bạn cần mềm mỏng nói ra những gì bạn cần nói, hay làm một cái gì đó để thay đổi tình trạng. Hoặc bạn có thể tìm một cách thông minh để thoát ra khỏi tình trạng đó. Bạn hãy chịu trách nhiệm hoàn toàn về cuộc đời của mình(9). Đừng làm bẩn đi Bản Thể đẹp đẽ và rạng rỡ ở trong bạn hay làm bẩn thế giới này bằng những gì tiêu cực. Đừng tạo nên chỗ trú ẩn cho khổ đau ở trong bạn, dưới bất cứ hình thức nào.

Nếu bạn không thể hành động, ví dụ như bạn đang ở trong tù, bạn vẫn còn hai lựa chọn: Chống đối hay chấp nhận hoàn cảnh tù đày của mình. Hãy lựa chọn: sự mất tự do ở bên ngoài, hay sự tự do ở trong lòng. Hãy chọn lựa giữa khổ đau vì còn muốn chống đối, hay niềm yên bình ở nội tâm vì đã biết chấp nhận hoàn cảnh tù đày của mình.

Có phải không chống đối cũng phải được thực tập qua hành vi bên ngoài trong đời sống của chúng ta, như bất phản kháng với bạo động, hay nó chỉ liên quan đến nội tâm?

Bạn chỉ cần quan tâm đến bên trong. Đó là phần chủ chốt vì nó sẽ thay đổi những hành vi bên ngoài của bạn. Thái độ chấp nhận vô điều kiện trong quan hệ cá nhân cũng thay đổi sâu sắc những mối quan hệ khác của bạn. Nếu bạn không thể chấp nhận những gì đang xảy ra trong quan hệ với người khác tức là bạn không thể chấp nhận cách hành xử của họ. Bạn sẽ có khuynh hướng phán xét, phê bình, quy kết, bài bác hay cố gắng thay đổi họ. Hơn nữa, nếu bạn cứ muốn biến Hiện Tại thành một phương tiện để cho bạn đạt được một mục tiêu trong tương lai, thì bất kỳ người nào mà bạn gặp gỡ cũng đều trở thành một phương tiện để cho bạn đạt được một cái gì đó. Đối với bạn lúc ấy, quan hệ giữa người với người sẽ trở thành thứ yếu, hay không quan trọng; cái chính chỉ là bạn có thu được mối lợi gì qua quan hệ đó không – có thể đó là một lợi ích về vật chất, hoặc có ưu thế quyền lực hơn, hoặc có sự khoái cảm nào đó về thể xác, hay một sự vỗ về cho bản ngã của mình...

Tôi sẽ minh chứng thái độ chấp nhận vô điều kiện trong quan hệ cá nhân tác động như thế nào trong những quan hệ khác của bạn. Khi bạn lâm vào một cuộc tranh cãi hay một tình huống chống đối với người hùn vốn hay với một người thân, bạn hãy quan sát khuynh hướng mình bị biến thành bảo thủ như thế nào khi bản thân bạn bị công kích, hay bạn có thể cảm nhận tính hung hãn của mình khi bạn công kích người khác. Hãy quan sát cách bạn bảo vệ quan điểm và ý kiến của mình như thế nào. Hãy cảm nhận năng lượng vũ bão về tinh thần và cảm xúc của bạn ẩn giấu đằng sau nhu cầu khẳng định rằng mình là luôn luôn đúng và người kia là luôn luôn sai. Đó chính là sức mạnh của lý trí đầy bản ngã ở trong bạn. Bạn chỉ có thể nhận thức được năng lượng ấy của bản ngã bằng cách thừa nhận sự có mặt của nó, cảm nhận năng lượng ấy càng rõ và đầy đủ chừng nào càng tốt chừng ấy. Sẽ có một ngày nào đó, khi đang giữa chừng của một cuộc tranh cãi, bạn chợt nhận ra rằng “Ồ, tôi có quyền chọn lựa mà!” và bạn có thể lập tức chọn để buông bỏ những phản ứng đầy tính bản ngã ở trong mình – cho dù chỉ để xem điều gì sẽ xảy ra. Đó là khi bạn đã thực tập chấp nhận vô điều kiện trong quan hệ cá nhân. Tôi không muốn nói rằng bạn sẽ buông bỏ thái độ phản ứng bằng cách nói “À, thì ông đúng!” trong khi vẻ mặt của bạn còn dương dương tự đắc ngụ ý rằng “Tôi đã vượt qua những trò trẻ con này rồi!”. Không. Điều đó chỉ là cách che đậy sự chống đối ở trong bạn ở một mức độ khác, vì lý trí đầy bản ngã trong bạn vẫn còn chế ngự bạn, khi bạn cho rằng mình vẫn luôn hay hơn người khác. Ở đây tôi muốn nói đến sự buông bỏ toàn bộ trường năng lượng cảm xúc và tinh thần, những cái nằm bên trong bạn đang đấu tranh cho những thứ mà bạn cho là quyền hành.

Bản ngã của chúng ta rất tinh quái, vì vậy bạn phải rất tỉnh táo, phải rất có mặt và hoàn toàn thành thật với chính mình để xem là bạn đã thực sự từ bỏ thói quen tự đồng hóa mình với những ý kiến, hay quan điểm của mình chưa. Từ đó bạn sẽ giúp cho mình thoát ra khỏi sự kiềm chế của trí năng. Nếu bạn chợt cảm thấy rất nhẹ nhõm, sáng tỏ và có một niềm an bình sâu sắc, đó đúng là dấu hiệu cho thấy bạn đã có sự chấp nhận toàn diện. Rồi bạn hãy quan sát những gì đang xảy đến với quan điểm và ý kiến của người khác khi bạn không còn tạo thêm sức mạnh cho chúng bằng sự chống đối. Sự thấu hiểu thật sự giữa người với người chỉ bắt đầu khi chúng ta không còn bảo vệ hay đồng nhất mình với những quan điểm và ý kiến riêng của mình nữa.

Thái độ bất phản kháng sẽ giúp được gì ta khi đang gặp phải tình trạng bị bạo hành, hay xâm phạm, v.v.?

Bất phản kháng không có nghĩa là không làm gì cả, mà chỉ là những việc của ta đang “làm” bây giờ được làm từ chỗ bất phản kháng. Võ thuật phương Đông có triết lý sâu xa: Đừng kháng cự lại sức mạnh của đối phương, chỉ cần nương vào đó mà vượt qua(10).

Đã nói như thế thì thái độ “vô hành” khi bạn đã đạt đến trạng thái có mặt đích thực là phương thuốc biến cải và chữa lành rất kỳ diệu hoàn cảnh và con người. Lão giáo có khái niệm “Vô vi” tức là “an nhiên, vô sự, làm mà như chẳng có chuyện gì phải làm cả”(11). Thời xưa ở Trung Hoa, hạnh “vô vi” được xem là một trong những thành tựu hay đức hạnh cao nhất. Nó khác hẳn về căn bản với chuyện “không làm gì cả” trong trạng thái ý thức thông thường của chúng ta, xuất phát từ cảm giác sợ hãi, bất lực, biếng nhác hay không quyết đoán. “Vô vi” thực sự bao hàm một nội tâm bất phản kháng với mức tỉnh thức cao độ.

Mặt khác, nếu cần phải bắt tay hành động, bạn sẽ không còn phản ứng theo loại lý trí bị bó buộc mà bạn sẽ đối phó với tình huống bằng sự hiện hữu đầy ý thức của mình. Trong trạng thái đó, tâm thức bạn không bị kiềm kẹp bởi khái niệm, kể cả khái niệm bất bạo động. Cho nên bạn không thể biết trước được bạn sẽ hành động như thế nào.

Bản ngã bạn tin rằng sức mạnh của bạn nằm ở sự phản kháng, trong khi sự thực phản kháng cách ly bạn khỏi trạng thái ung dung tự tại, nơi duy nhất bạn có năng lực thật sự. Phản kháng chỉ là sự yếu kém và sợ hãi được biểu dương như là sức mạnh. Cái mà bản ngã bạn cho là yếu kém chính là sự Có Mặt của bạn trong trạng thái tinh khiết, trong sáng và đầy sức mạnh. Những gì bản ngã cho là sức mạnh chính là sự yếu kém. Vì vậy bản ngã trong bạn chỉ có thể tồn tại trong một mô thức chống đối liên tục và luôn giả vờ giúp bạn che đi những “khuyết điểm” của bạn; nhưng những tính chất tinh khiết và trong sáng ấy mới thực sự chính là sức mạnh của bạn.

Cho đến khi bạn thực sự chấp nhận hoàn toàn những điều bất như ý, việc bạn cư xử giả dối một cách vô ý thức chiếm phần lớn trong quan hệ giao tiếp giữa bạn với người khác. Khi có sự chấp nhận hoàn toàn trong quan hệ, bạn không còn cần bảo vệ bản ngã và thôi đóng những vai trò thân thiện nhưng giả dối ấy nữa. Bạn sẽ trở thành một người rất chân thật và đơn giản. Nhưng hãy coi chừng, vì lúc đó bản ngã ở trong bạn sẽ đe dọa bạn: “Nguy hiểm đấy, mày sẽ bị tổn thương ngay. Mày sẽ yếu đuối lắm đấy”. Điều mà bản ngã trong bạn không hề biết là chỉ khi bạn buông bỏ tất cả những chống đối và trở nên một con người “rất dễ bị tổn thương”, bạn mới thực sự khám phá được cái chân thực không-thể-bị-thương-tổn và chân chính ở trong bạn.

Chuyển hóa bệnh tật thành giác ngộ

Khi một người đang đau và hoàn toàn chấp nhận bệnh trạng cũng như chấp nhận hoàn toàn nỗi đau, như thế có phải là họ đã buông bỏ luôn ước muốn được lành bệnh? Quyết tâm kháng cự với bệnh tật sẽ không còn nữa, đúng không?

Chấp nhận vô điều kiện tình trạng sức khỏe của mình là sự chấp nhận nội tại với những gì đang xảy ra, liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, một cách vô điều kiện. Nhưng chúng ta đang nói về đời sống – giây phút này – chứ không phải là những điều kiện hay hoàn cảnh của đời bạn. Điều này chúng ta đã đề cập đến trước đây.

Bệnh tật là một phần trong đời sống của bạn. Vì vậy nó có quá khứ và tương lai. Quá khứ và tương lai tạo thành một chuỗi không gián đoạn; trừ phi, qua sự hiện hữu đầy ý thức của bạn, năng lực cứu rỗi của phút giây hiện tại được hiển bày. Bên dưới những điều kiện làm nên tình huống trong đời sống của bạn - điều chỉ có thể tồn tại trong thời gian - còn có một cái gì đó thâm sâu và chân chính hơn: Sự Sống của chính bạn, Bản Thể hùng hồn của chính bạn trong phút giây hiện tại bất tận.

Vì không có vấn nạn gì ngay trong Phút Giây này, nên sẽ không có bệnh tật – cái mà người khác tin tưởng và gán cho hoàn cảnh của bạn, làm cho hoàn cảnh đó hiện diện, tạo sức mạnh cho nó và giúp nó trở thành một thực tiễn có vẻ chắc chắn trên cơ sở của một sự mất quân bình tạm thời; cho nó không những tính hiện thực, tính chắc chắn mà còn là tính liên tục qua thời gian mà trước đó nó chưa từng có. Bằng cách chú tâm vào giây phút này và không dán nhãn hiệu tốt xấu gì cho nó, sự đau đớn của thể xác, cảm giác đuối sức, sự khó chịu hay sự bất lực nào trong người bạn sẽ giảm thiểu xuống nhiều lần. Đó chính là cái mà bạn cần thực tập chấp nhận – ngay lúc này. Bạn không cần phải chấp nhận ý tưởng “bệnh tật”. Hãy để cho nỗi đau đưa bạn đến với Phút Giây Hiện tại, đưa bạn đến với trạng thái có mặt với ý thức mạnh mẽ những gì đang xảy ra. Hãy dùng nó để đưa bạn đến giác ngộ.

Chấp nhận vô điều kiện bệnh trạng của mình không trực tiếp chuyển hóa những gì đang xảy ra. Nhưng thực tập chấp nhận vô điều kiện này chuyển hóa chính bạn. Khi bạn đã được chuyển hóa, toàn bộ thế giới cũng chuyển hóa theo, vì thế giới quả thực chỉ là một sự phản ánh của chính bạn. Chúng ta đã đề cập đến điều này trước đây.

Nếu bạn soi gương và bạn không thích những gì mình đang nhìn thấy, có họa điên bạn mới tấn công hình ảnh mình nhìn thấy ở trong gương. Nhưng đó lại là điều bạn thường làm khi bạn ở trong trạng thái không chấp nhận. Dĩ nhiên nếu bạn tấn công hình ảnh trong gương, thì hình ảnh ấy sẽ tấn công lại bạn. Nếu bạn chấp nhận nó, dù nó có là gì đi nữa, nếu bạn thân thiện với nó, lúc đó nó không thể không thân thiện lại với bạn. Đây là cách bạn thay đổi thế giới.

Bệnh tật không phải là vấn đề của bạn, chính bạn mới là vấn đề, chừng nào mà lý trí đầy bản ngã của bạn còn khống chế bạn. Khi bạn ốm đau hay tàn tật, đừng nghĩ rằng bạn đã thất bại hoặc cảm thấy tội lỗi. Đừng trách cuộc đời này không công bằng với bạn và cũng đừng tự trách chính mình. Tất cả những điều đó chỉ là sự chống đối, không ít thì nhiều. Nếu bạn đang lâm một cơn bệnh nặng, hãy dùng nó để đưa mình đến giác ngộ.

Bất cứ những gì “tồi tệ” nhất xảy ra với bạn, hãy dùng nó để đưa mình đến giác ngộ. Hãy loại trừ thời gian tâm lý ra khỏi căn bệnh của bạn. Đừng cho nó bất cứ quá khứ hay tương lai nào cả. Hãy để cho cơn bệnh đưa bạn vào trạng thái nhận thức mạnh mẽ về giây phút hiện tại – và thử xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Hãy trở thành một nhà giả kim lão luyện(12), có thể chuyển hóa kim loại thành vàng ròng, biến khổ đau thành tỉnh thức, biến tai họa thành giác ngộ.

Bạn có đang ốm nặng và cảm thấy tức giận về những gì tôi nói không? Nếu có thì đó là dấu hiệu rõ ràng rằng bệnh tật đã trở thành một phần nhân cách của bạn, và bạn đang bảo vệ cho nhân cách, cho con người bệnh tật ấy của mình; do đó bạn cũng đang giúp cho bệnh tật ấy được tiếp diễn. Điều kiện (sinh lý và vật lý trên cơ thể bạn) mà chúng ta gọi là “bệnh” chẳng có liên quan gì đến bản chất bạn thực sự là ai.

Chấp nhận ngay cả khi tai họa, hay điều không may xảy xa

Đối với đa số người thì chỉ khi có một tình huống nguy kịch quá mức giới hạn của họ, điều kiện không may đó mới có tiềm năng phá vỡ chiếc vỏ cứng của bản ngã họ, buộc họ phải chấp nhận hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải; và hoàn cảnh này trở thành một may mắn đưa họ vào trạng thái tỉnh thức. Một tình huống nguy kịch xuất hiện khi toàn bộ thế giới trong bạn sụp đổ và bạn cảm thấy mọi thứ đều trở nên vô nghĩa như khi bạn gặp một tai họa hay biến động long trời lở đất, một mất mát quá lớn lao. Ví dụ như khi phải đối diện với cái chết, về thể xác hay tinh thần. Bản ngã trí năng, cái tạo dựng ra thế giới này, trong bạn bị sụp đổ. Từ đống tro tàn của thế giới cũ ấy, một thế giới mới được phát sinh.

Đương nhiên không có bảo đảm rằng một tình huống nguy kịch như thế sẽ làm được việc mở cánh cửa tâm linh này cho bạn; nhưng tiềm năng ấy luôn nằm sẵn ở đó. Ở một số người, sức kháng cự với hiện hữu thậm chí còn gia tăng mạnh mẽ hơn trong những tình huống khó khăn đó; đó là khi họ tự đưa mình vào địa ngục. Một số khác chỉ chấp nhận hoàn cảnh một phần nào đấy thôi, nhưng chừng ấy cũng đủ cho họ một mức độ thanh tịnh và sâu sắc mà họ chưa hề cảm nhận trước đây. Đó là lúc một phần của chiếc vỏ bản ngã của họ bị vỡ ra, tạo cơ hội cho một chút ánh sáng và yên bình chiếu rọi vào.

Những tình huống thử thách như thế đã tạo ra nhiều điều rất kỳ diệu. Có nhiều kẻ sát nhân bỗng dưng chứng được trạng thái Vô Ngã và tiếp xúc được với một niềm hoan lạc và an bình sâu sắc trong những giờ phút cuối cùng trước giờ hành quyết. Sức chống đối của họ với những tình huống khó khăn mà họ đang gặp quá mạnh đến độ tạo ra những đau khổ vượt sức chịu đựng của họ. Không còn nơi nào để ẩn núp; họ cũng không thể làm gì để thoát ra khỏi tình trạng ấy, dù chỉ là một hoài tưởng về tương lai để nhắm đến, vì thế họ bị buộc phải chấp nhận hoàn toàn mọi hoàn cảnh cái mà trước đó họ không thể chấp nhận được. Họ bị bắt buộc phải chấp nhận mọi hoàn cảnh của họ một cách hoàn toàn. Thế là họ có được năng lực đi vào trạng thái ân phúc, và do đó họ đã được cứu rỗi: hoàn toàn thoát ly khỏi sự khống chế của quá khứ. Dĩ nhiên là những tình huống thử thách như thế đã không tạo ra những phép lạ này, nhưng chính là do hành động hoàn toàn chấp nhận hoàn cảnh sống của họ.

Do vậy bất cứ khi nào bạn gặp phải tai ương, hay gặp phải điều gì rất “xấu” như bệnh hoạn, khuyết tật, mất mát nhà cửa, tài sản hay mất một vị thế xã hội nào đó, hoặc có sự đổ vỡ trong quan hệ cá nhân, hoặc phải đối diện nỗi khổ đau của người mà bạn yêu dấu, hoặc bạn sắp phải đối diện với cái chết... hãy luôn nhớ rằng: Cuộc đời luôn luôn còn có mặt trái của một đồng tiền, của tai ương này, hãy luôn nhớ rằng: bạn chỉ cần bước một bước nhỏ nữa thôi là bạn sẽ đạt được điều mà bạn không bao giờ có thể tưởng tượng được: Một chuyển biến từ sắt thành vàng; từ khổ đau thành an lạc. Bước đó gọi bước chấp nhận hoàn cảnh.

Tôi không muốn nói rằng bạn sẽ cảm thấy sung sướng gì trong tình huống ấy. Bạn sẽ không sung sướng đâu. Nhưng nỗi sợ hãi và niềm đau ở trong bạn lúc ấy sẽ biến thành một cảm nhận an bình và thanh tịnh xuất phát từ một cõi rất sâu – cõi Vô Tướng. Đó chính là “sự an bình của Thượng Đế, vượt lên tất cả mọi hiểu biết” thông thường của chúng ta. So với điều đó thì cảm giác sung sướng của bạn là một điều còn khá nông cạn. Từ nỗi an bình chói lọi này, bạn nhận ra, không phải trên bình diện lý trí mà từ sâu trong Hiện Hữu của mình rằng, bạn là bất diệt, bạn không bao giờ chết cả. Đây không phải là tín điều mà là một điều tuyệt đối hiển nhiên mà không cần bằng chứng gì từ bên ngoài.

CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH AN LẠC

Tôi có đọc về một nhà triết học Hy lạp cổ theo phái khắc kỷ, khi hay tin con chết vì tai nạn, đã trả lời: “Tôi biết, nó không thể sống đời với tôi mãi được”. Như vậy có phải là chấp nhận hoàn cảnh không? Nếu đúng như thế thì tôi hoàn toàn không muốn dính dáng gì đến lối sống này. Trong nhiều trường hợp, chấp nhận hoàn cảnh dường như có gì rất trái với tự nhiên và thiếu nhân tính.

Cắt bỏ cảm xúc của mình như vậy không phải là chấp nhận hoàn cảnh. Nhưng vấn đề là chúng ta không biết trong thâm tâm ông ấy nghĩ gì khi nói ra điều ấy. Trong vài trường hợp đặc biệt, rất khó cho bạn để có thể chấp nhận phút giây hiện tại nhưng bạn luôn luôn có cơ hội thứ hai qua việc chấp nhận hoàn cảnh.

Cơ hội thứ nhất là chấp nhận vô điều kiện mỗi phút giây đối với những gì đang xảy ra trong phút giây đó. Bạn nhận thức rõ rằng bạn không thể thay đổi những gì đang có mặt –vì nó đã là như vậy – trái lại, bạn sẽ đồng tình, xuôi thuận với những gì đang có mặt hay chấp nhận những gì đang không như lòng bạn mong muốn. Rồi bạn làm bất cứ điều gì bạn có thể làm khi tình huống đó đòi hỏi. Nếu bạn an trú được trong tình trạng chấp nhận hiện hữu này, bạn sẽ không tạo thêm tiêu cực, khổ đau và bất hạnh. Bạn sẽ sống trong trạng thái bất phản kháng, trạng thái ân sủng và nhẹ nhàng, không có tranh chấp.

Bất kỳ lúc nào bạn không làm được vậy, bất kỳ lúc nào bạn bỏ lỡ cơ hội đó – hoặc vì bạn không tạo ra được sự hiện diện đầy ý thức để có thể chế ngự những mô thức phản kháng đầy tính chất thiếu hiểu biết, những năng lượng mạnh mẽ của thói quen lâu đời ở trong bạn hay vì hoàn cảnh sống của bạn đã trở nên quá cực đoan, khắc nghiệt đến mức bạn không thể nào chấp nhận được tình trạng ấy – lúc đó, bạn sẽ cảm được có một nỗi đớn đau, khổ sở nào đó. Và bạn sẽ nghĩ rằng hoàn cảnh ấy đã tạo ra khổ đau cho bạn. Nhưng kỳ thực chính sự phản kháng của bạn là nguyên nhân đã tạo ra khổ đau ấy.

Đó chính là cơ hội thứ hai để cho bạn chấp nhận hoàn cảnh. Nếu bạn không thể chấp nhận được những gì đang xảy ra ở bên ngoài, thì hãy chấp nhận những gì đang có mặt ở bên trong. Nếu bạn không thể chấp nhận những điều kiện sống ở bên ngoài, thì hãy chấp nhận những điều kiện tâm lý có mặt ở bên trong bạn. Tức là: Nếu đang cảm thấy đau khổ trong lòng thì hãy thôi cưỡng lại nỗi đau ấy. Hãy để cho nỗi đau có mặt ở đó. Hãy chấp nhận nỗi mất mát, thất vọng, sợ sệt, cô đơn,… hay bất cứ cảm giác khổ đau nào đang có mặt ở trong bạn. Hãy chứng kiến nỗi đau ấy trong yên lặng mà không nên nghĩ ngợi, hay nói xấu gì nó cả. Hãy ôm ấp niềm đau đó. Bạn sẽ thấy ngay điều kỳ diệu của việc thực tập chấp nhận vô điều kiện những cảm xúc đang có ở trong mình, thực tập ấy sẽ chuyển hóa nỗi khổ đau của bạn trở thành sự an bình sâu sắc. Đây là cây thập tự giá của bạn. Hãy để điều đó giúp bạn từ cõi chết sống lại và thăng hoa.

Tôi không thể hiểu được làm sao người ta có thể chấp nhận vô điều kiện nỗi khổ đau của mình. Như tự ông đã chỉ ra, chúng ta khổ đau là vì không biết chấp nhận hoàn cảnh. Làm thế nào để chấp nhận cái không-thể-chấp-nhận của mình?

Chúng ta hãy tạm gác qua việc thực tập chấp nhận vô điều kiện trong giây lát. Khi nỗi đau của bạn quá lớn thì chuyện nói đến thực tập chấp nhận vô điều kiện có vẻ không có kết quả gì mà nhiều khi còn trở nên vô nghĩa. Khi nỗi đau trong bạn quá lớn thì bạn sẽ có khuynh hướng là làm sao để thoát ra khỏi nỗi đau đó hơn là chấp nhận nó một cách vô điều kiện. Bạn sẽ không bao giờ muốn cảm nhận những gì bạn đang cảm nhận. Đó là một chuyện rất tự nhiên. Nhưng thực ra bạn không có lối thoát; không có cách nào bạn tránh né được niềm đau của mình. Có người đã dùng những cách chạy trốn giả tạm như: vùi đầu vào công việc, rượu chè, nghiện ngập be bét, hay trở nên giận dữ, hoặc không công nhận nỗi khổ của mình, đổ lỗi cho kẻ khác, hoặc ức chế niềm đau của mình... Tất cả những cách chạy trốn ấy đều không thể giúp bạn thoát ra khỏi niềm đau. Nỗi đau trong bạn sẽ không hề giảm cường độ khi bạn cố quên nó. Ngược lại, khi bạn khước từ niềm đau của bạn thì mọi thứ bạn làm, bạn nghĩ, và cả những mối quan hệ cá nhân của bạn… tất cả đều bị niềm đau ấy làm ô nhiễm. Có thể nói là khi bạn chối bỏ nỗi khổ của mình, bạn sẽ truyền niềm đau ấy đi dưới dạng một cơn sóng năng lượng, và người khác sẽ cảm nhận, dù họ không ý thức, luồng sóng tình cảm ấy. Nếu họ cũng mê mờ như bạn, họ có thể bị thôi thúc phải công kích hay gây tổn thương cho bạn theo một cách nào đó, hay có thể bạn sẽ làm tổn thương họ qua sự phóng chiếu, bộc phát nỗi đau của mình một cách thiếu hiểu biết. Lúc đó bạn sẽ hấp dẫn và thể hiện(13) trong đời sống của bạn những gì tương ứng với trạng thái nội tâm bất ổn của bạn.

Khi không thể trốn tránh được khổ đau, bạn hãy tìm một lối mòn đi xuyên qua những khổ đau của mình. Đừng quay mặt với nỗi đau. Hãy đối diện nó. Hãy cảm nhận niềm đau một cách đầy đủ và toàn vẹn. Hãy cảm nhận thôi mà đừng suy nghĩ gì cả. Nếu cần thiết thì hãy bày tỏ niềm đau của mình(14) nhưng đừng nên vẽ vời gì về nó cả. Hãy hướng tất cả sự chú tâm của bạn vào việc cảm nhận nỗi khổ thôi, mà đừng để ý đến cái người liên hệ, sự việc hay tình huống đã gây ra nỗi khổ trong bạn. Đừng để trí năng bạn dùng nỗi đau này để thêu dệt nên một căn cước, một hình ảnh, một nạn nhân(15) cho chính bạn. Khi nào bạn còn cảm thấy tự tội nghiệp, thương hại mình và thích đi kể lể với người khác về chuyện này thì bạn chỉ làm cho mình vướng sâu hơn vào khổ đau. Vì chúng ta không thể thoát ly khỏi những cảm xúc của mình, điều duy nhất có thể tạo ra sự chuyển hóa là phải đi vào trong những cảm xúc đó, còn không, sẽ không có sự thay đổi thực sự. Do đó bạn hãy chú tâm sâu sắc đến những gì bạn đang cảm nhận, tránh không thêu dệt gì cả. Khi bạn đi sâu vào những cảm xúc của mình, bạn hãy thật tỉnh táo. Thoạt đầu, nó giống như bạn đang đi vào một nơi rất tối tăm và kinh khiếp. Nhiều khi trong bạn sẽ nổi lên một cảm giác thôi thúc chỉ chực muốn trốn tránh, thoát thân,… thì bạn hãy quan sát và nhận biết là mình đang có một ý tưởng muốn trốn chạy những cảm xúc này nhưng bạn đừng làm gì cả theo sự thôi thúc đó. Hãy tiếp tục chú tâm vào nỗi đau ở trong mình. Hãy cảm nhận những cảm xúc buồn khổ, sợ hãi, và cô đơn, hay bất cứ cảm xúc gì đang hiện diện. Hãy rất tỉnh táo, và có mặt với nỗi đau, hãy có mặt với toàn bộ sự Hiện Hữu của con người bạn, với mỗi tế bào ở trong cơ thể bạn. Khi bạn làm được như thế, bạn sẽ mang một luồng ánh sáng vào chốn tối tăm này. Đây là ngọn lửa của ý thức sẽ soi sáng và xoa dịu những niềm đau ở trong bạn(16).

Ở vào giai đoạn này, bạn không cần quan tâm tới thực tập chấp nhận hoàn toàn nỗi khổ ở trong bạn nữa, vì điều đó đã xảy ra rồi. Bằng cách nào vậy? Bằng sự để hết tâm ý một cách hoàn toàn của bạn vào nỗi khổ trong lòng mình như bạn đã làm. Đó chính là chấp nhận vô điều kiện; đó là chấp nhận hoàn toàn. Bằng sự chú tâm toàn diện ấy, bạn đã dùng năng lượng của phút giây hiện tại - tức là năng lượng của sự Hiện Diện đầy ý thức, năng lượng của sự Có Mặt toàn vẹn của chính bạn. Không có một chút dấu vết của sự kháng cự nào có thể sót lại ở trong trạng thái hiện diện tích cực đó của bạn. Sự Có Mặt đầy ý thức của bạn loại trừ quá khứ và tương lai. Khi trong bạn không còn sự hiện diện của Quá Khứ và Tương Lai thì không có nỗi đau, sự tiêu cực nào có thể tồn tại được.

Chấp nhận nỗi khổ ở trong bạn là cuộc hành trình đi vào cõi chết. Bạn đối diện với niềm đau sâu kín, bạn cho phép cơn đau được cảm nhận và đặt hết tất cả sự chú tâm của bạn vào nỗi đau,… tất cả những hành động ấy là vì bạn muốn cho phép mình đi vào cõi chết một cách có ý thức. Khi bạn chết như thế này, bạn thấy rằng thực ra bạn không chết và bạn không có gì phải sợ hãi cả. Cái thực sự chết đi chỉ là bản ngã của bạn thôi. Hãy tưởng tượng một tia sáng quên mất nó là một phần không thể tách rời của mặt trời rực rỡ kia, và nó tự mình tạo nên ảo giác sai lầm khi tin rằng tia sáng đó phải đấu tranh để tồn tại, và tạo ra rồi bám víu vào một căn cước, cá tính giả tạo nào khác mà không phải là mặt trời(17). Lẽ nào cái chết của sự lừa dối này(18) không mang đến cho bạn một sự giải thoát phi thường?

Bạn có muốn một cái chết dễ dàng - một cái chết không có những đớn đau, thống khổ? Vậy thì bạn hãy để quá khứ ở trong bạn chết đi mỗi phút, mỗi giây, và hãy để cho ánh sáng của Sự Có Mặt của bạn xua tan đi cái tôi, bản ngã nặng nề, luôn bị trói buộc bởi Quá Khứ và Tương Lai mà bạn cứ hay lầm tưởng đấy chính là “bạn”.

Giác ngộ qua khổ đau cùng cực

Có nhiều người nói rằng qua khổ đau sâu sắc, họ đã tìm được Thượng Đế. Và tôi nghĩ, “Con Đường Thập Tự Giá” mà người Cơ đốc thường nói chính là đề cập đến vấn đề này?

Vâng. Ở đây chúng ta cũng chỉ quan tâm đến cùng một vấn đề. Chính xác mà nói, những người đó đã không tìm thấy Thượng Đế bằng khổ đau, vì khổ đau bao hàm sự chống đối. Họ chỉ tìm thấy Thượng Đế khi đã chấp nhận khổ đau và những gì đang hiện hữu một cách hoàn toàn. Do khổ đau đến cùng cực, họ bị buộc phải chấp nhận tất cả mọi chuyện một cách vô điều kiện. Hẳn họ đã nhận thức được, ở một cấp độ nào đó, rằng khổ đau của họ phần lớn là do chính họ đã tạo ra.

Ông so sánh như thế nào giữa việc chấp nhận vô điều kiện với việc tìm ra Thượng Đế?

Vì sự chống đối cũng chính là lý trí nên khi bạn từ bỏ sự chống đối thì đó cũng là lúc trí năng buộc phải cáo chung sự thống trị như là một chủ nhân ông của bạn, là một người giả danh là “bạn”, là Thượng Đế giả hiệu. Tất cả những phán xét và tiêu cực sẽ bị tiêu tan. Vương quốc của Hiện Hữu ở trong bạn đã từng bị che mờ bởi lý trí nay rộng mở. Bất chợt bấy giờ ở trong bạn có một sự tĩnh lặng lớn lao, một cảm giác yên bình sâu sắc vô cùng. Và trong trạng thái yên bình đó có niềm vui. Trong niềm vui đó có Lòng Bao Dung. Và trong chỗ sâu lắng nhất đó, có một cái gì đó rất thiêng liêng, không thể đo lường được: Cái-không-thể-đặt-tên.

Tôi không cho đó là tìm ra Thượng Đế vì làm sao bạn có thể tìm ra cái không hề bị mất, cái là sự sống của chính bạn? Danh từ Thượng Đế đã bị giới hạn rất nhiều, không chỉ vì nó đã bị lạm dụng và hiểu sai qua nhiều thế kỷ, mà còn vì danh từ đó ám chỉ rằng đó là một thực thể khác, không phải là bạn. Thượng Đế chính là tự thân của Hiện Hữu, mà không phải là một thực thể riêng biệt. Không thể có quan hệ chủ thể – khách thể ở đây, không có đối cực nhị nguyên, không có ta và Thượng Đế. Do đó nhận thức rằng bạn đã là một với Thượng Đế là một điều rất tự nhiên.

Điều đáng kinh ngạc và không thể hiểu được ở đây không phải là bạn nhận thức được Thượng Đế, mà là bạn không nhận thức được Thượng Đế. Con đường Thập giá tôi vừa đề cập ở trên là một con đường cũ để đạt đến giác ngộ, và đó đã từng là con đường duy nhất, mãi cho đến thời gian gần đây. Nhưng xin đừng bài bác hay coi nhẹ con đường đó. Vì nó vẫn còn hiệu quả đối với một số người.

Con đường Thập giá là con đường biến mọi chuyện xảy ra cho bạn thành một điều hoàn toàn xoay chiều ngược lại. Có nghĩa là khi bạn gặp phải một tình huống tai hại, tồi tệ nhất trong cuộc đời của bạn, là cây thập tự giá, thì điều đó sẽ hóa thành một điều tốt lành nhất trong đời bạn, vì tình huống đó buộc bạn phải đầu hàng, chấp nhận tình huống ấy một cách vô điều kiện, nó buộc bạn phải đi vào cõi “chết”, buộc bạn trở thành như Rỗng Lặng, trở thành Thượng Đế vì Thượng Đế cũng chính là Tánh Không.

Trong thời đại này, với tình trạng hầu hết con người vẫn còn rất mê lầm, thì con đường Thập tự giá vẫn còn là con đường duy nhất đối với họ. Họ sẽ tỉnh thức khi gặp thêm rất nhiều khổ đau và điều có thể thấy trước được là sau những thăng trầm rất lớn lao đó thì mới có sự giác ngộ như là một hiện tượng tập thể. Quá trình này phản ảnh tác động của những quy luật vũ trụ nào đó chi phối sự phát triển của tâm thức nhân loại và vì thế có thể thấy trước được bởi một số nhà tiên tri. Điều này được nêu lên trong cuốn Sáng Thế Ký hay sách Khải Huyền, hay những kinh điển của nhiều tôn giáo khác. Nhưng điều này thường bị che phủ một cách mơ hồ và thỉnh thoảng còn được hình tượng hóa một cách rất khó hiểu. Nhưng nỗi khổ đau của chúng ta không phải do Thượng Đế, hay người nào khác gây ra, mà chính là do con người chúng ta tự gây ra cho chính mình. Và có thể địa cầu của chúng ta, với tư cách là một thực thể sống động và thông minh, nó sẽ thực hiện những biện pháp quyết liệt để tự bảo vệ khỏi bị xâm hại, và tàn phá bởi sự điên loạn của con người.

Tuy nhiên ngày nay, càng ngày càng có nhiều người tâm thức đã tiến hóa đến một mức độ cao, họ có thể đạt đến sự tỉnh thức lớn mà không cần phải tạo thêm khổ đau cho chính họ. Có thể bạn là một trong số những người đó.

Giác ngộ qua khổ đau – Con Đường Thập Tự Giá – có nghĩa là bạn bị buộc phải lên Thiên Đàng trong cách vừa đi vừa vùng vẫy, gào thét. Cuối cùng bạn cũng buộc phải chấp nhận hoàn toàn vì bạn không thể chịu đựng thêm được khổ đau, nhưng nỗi đau vẫn còn tiếp tục kéo dài rất lâu trước khi bạn đạt đến giác ngộ. Sự Giác ngộ được lựa chọn một cách tỉnh táo có nghĩa là bạn từ khước mọi ràng buộc với quá khứ và tương lai, mà chỉ xem phút giây hiện tại là mục tiêu chính của cuộc đời bạn. Bạn chọn để an trú trong phút giây hiện tại hơn là chạy đuổi theo tương lai. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ xuôi thuận theo những gì đang xảy ra trong đời bạn. Và bạn không cần kinh nghiệm thêm phút giây đau đớn nào nữa. Thế thì bạn cho rằng bạn cần thêm bao nhiêu thời gian nữa để có thể nói rằng: “Tôi khổ đủ rồi, tôi sẽ không tạo thêm khổ đau cho chính mình nữa”? Bạn cần kinh nghiệm thêm bao nhiêu đau đớn nữa trước khi bạn có thể chọn lựa cho mình một con đường sáng suốt?

Nếu bạn nghĩ là bạn cần thêm thời gian, bạn sẽ có thêm thời gian – và cũng có thêm khổ đau nữa. Thời gian và khổ đau là hai thứ không thể tách rời nhau.

Khả năng chọn lựa

Còn đối với những người dường như muốn khổ đau thì sao? Tôi biết một phụ nữ, cô ấy thường bị bạn trai bạo hành và những mối quan hệ trước đây của cô cũng tương tự như thế. Tại sao cô ấy hay quan hệ với những người đàn ông như thế? Sao cô không chịu thoát ra khỏi tình trạng đó? Tại sao con người lại chọn khổ đau?

Tôi biết “chọn lựa” là một từ của thời đại mới, nó không hoàn toàn chính xác trong hoàn cảnh này. Khi nói rằng ai đó “chọn” một quan hệ trái chiều hay bất cứ tình huống tiêu cực nào khác trong đời họ là ta có thể gây hiểu lầm. Vì chọn lựa có nghĩa là nhận thức, là cấp độ rất cao của nhận thức. Không có nhận thức thì không có chọn lựa. Chọn lựa bắt đầu khi bạn tách ly mình ra khỏi sự kiềm tỏa của lý trí và những mô thức bó buộc của nó. Chọn lựa chỉ bắt đầu khi bạn biết sống một cách an nhiên tự tại. Trước khi bạn có thể đạt đến trạng thái đó, bạn vẫn còn mê lầm. Có nghĩa là bạn vẫn còn buộc phải suy tưởng, cảm nhận, hành động theo một khuôn cách nào đó phù hợp với điều kiện của lý trí. Chúa Jesus từng nói: “Xin Cha hãy tha thứ cho họ, vì họ không biết họ đang làm gì”. Điều này không liên quan đến sự thông minh theo nghĩa thường tình của nó. Tôi gặp nhiều người rất thông minh và có giáo dục nhưng hoàn toàn rất mê mờ, tức là hoàn toàn đồng nhất họ với những suy nghĩ hay lo lắng của họ. Thực ra, nếu sự phát triển về mặt trí năng và kiến thức không cân xứng với một mức độ tỉnh thức và phát triển tâm linh tương ứng thì sự phát triển phiến diện đó có tiềm năng trở thành một tai họa và bất hạnh rất lớn.

Người phụ nữ bạn của anh bị người bạn trai chị ấy bạo hành và đó không phải lần duy nhất, vì sao? Đây không phải là một chọn lựa của chị ấy. Tâm thức(19) của chị ấy, bị điều kiện hóa bởi quá khứ, đã luôn tìm cách tái tạo lại những hoàn cảnh quen thuộc, những tình huống chị đã từng trải qua. Ngay cả khi điều đó có thể gây nên cho chị nhiều đớn đau, thì ít ra thì đối với chị, đó cũng là một điều rất quen thuộc. Trí năng của ta luôn bám víu vào những cái nó đã biết. Nó luôn muốn kiểm soát tình thế nên cảm thấy rất nguy hiểm trước những cái nó chưa biết vì đó là điều nó không kiểm soát được.

Đó là lý do tại sao lý trí không thích và hay khước từ phút giây hiện tại. Vì nhận thức về giây phút hiện tại sẽ tạo ra một khe hở, không những trong dòng suy tư, mà còn cả trong chuỗi quá khứ – tương lai. Không một cái gì thực sự mới mẻ và sáng tạo có thể đi vào thế giới này mà không đi qua khe hở đó, phút giây hiện tại – một lỗ hổng rất khoáng đạt cho sự biểu hiện của những khả năng bất tận.

Có thể người phụ nữ bạn của anh bị đồng nhất mình với lý trí nên cô đang lặp lại một vết xe cũ, một khuôn mẫu cư xử(20) sai lầm mà cô đã học được trong quá khứ: đó là trong mối quan hệ với một người đàn ông, sự luyến ái và bạo hành là hai lối cư xử được cô ấy thừa nhận một cách vô ý thức. Hay cô ấy có thể đang cố tái tạo lại một mô hình cũ trong tâm thức mà cô đã học được từ thời bé và trong đó, cô luôn cảm thấy rằng mình không xứng đáng được yêu thương(21) và luôn cảm thấy mình rất đáng bị trừng phạt(22).

Cũng có thể là phần lớn cuộc đời cô luôn đắm chìm trong một khối khổ đau dày đặc của quá khứ, nên cô luôn cần tạo thêm khổ đau(23) để làm thức ăn nuôi dưỡng khối khổ đau ấy được sống mãi. Người bạn trai của cô cũng có một khối khổ đau của anh ta, có một lối sống và cư xử rất mê mờ của mình. Nhưng sự mê lầm và khổ đau của cả hai lại rất tương ứng và bổ sung cho nhau. Dĩ nhiên hoàn cảnh khốn đốn của cô ấy chính là do cô ấy đã tạo ra, nhưng cái gì trong đời cô là nguyên nhân đã tạo ra hoàn cảnh khốn đốn đó? Tôi thấy nguyên nhân chính là vì một khuôn mẫu cư xử tình cảm rất bó buộc và thiếu hiểu biết, một thói quen hành xử rất tiêu cực và đầy chịu đựng của cô ta trong quá khứ. Nếu ta là một người như thế thì ta đã đủ khổ thân rồi. Tại sao ta, vì không ý thức, lại tạo ra thêm “một nhân diện, một cái tôi chịu đau khổ” giả tạo nữa để làm gì? Nếu bạn bảo rằng cô ta đã chọn lựa hoàn cảnh đó thì bạn càng khuyến khích cho cô ấy củng cố thểm sự đồng nhất bản thân cô ta với lý trí của cô.

Nhưng cô ấy đâu phải chỉ là một khuôn mẫu hành xử gò bó, mô thức của trí năng cô? Đó có phải là cô ấy không? Cô ta đâu thể tìm ra con người đích thực của cô từ những gì đã xảy ra trong quá khứ? Hãy chỉ cho cô bạn của anh học cách trở thành một chứng nhân im lặng, quan sát hiện hữu và quan sát dòng suy tư và cảm xúc liên miên ở trong cô. Hãy giúp cho cô biết về sự có mặt của khối khổ đau lớn ở trong cô và cách cô có thể thoát ly nó. Hãy chỉ cho cô nghệ thuật nhận thức, quan sát nội tâm mình trong tĩnh lặng. Hãy minh họa cho cô ý nghĩa của sự Hiện Hữu. Sau khi cô có thể tiếp xúc với năng lực của phút giây hiện tại, cô ta có thể đoạn tuyệt với quá khứ, cô sẽ có khả năng chọn lựa cho mình.

Không ai muốn chọn cho mình sự băng hoại, xung đột, và đớn đau. Không ai lại đi chọn sự cuồng điên. Chúng xảy ra vì bạn không có đủ sự hiện diện rất ung dung nhưng đầy ý thức ở trong bạn để hóa giải quá khứ. Chúng xảy ra vì bạn không đủ ánh sáng của ý thức để xua đi bóng đêm của mê mờ. Thông thường bạn không hoàn toàn có mặt. Thông thường bạn chưa tỉnh thức hoàn toàn. Hiện thời, bạn hay để cho lý trí định đoạt và điều khiển cuộc đời của bạn.

Tương tự như thế, nếu bạn là một trong số đông người vẫn còn vấn đề với bố mẹ, nếu bạn vẫn còn nuôi trong lòng nỗi oán hận về những gì cha, mẹ của bạn đã làm hay không làm cho bạn, tức là bạn vẫn còn tin rằng cha mẹ mình đã có sự chọn lựa, rằng lẽ ra họ có thể hành động khác đi... Thường thì mỗi người chúng ta luôn có quyền chọn lựa, nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Khi nào lý trí của bạn với những mô thức bó buộc, và ước định nghiêm khắc của nó còn điều khiển bạn, khi nào bạn vẫn còn bị sai sử bởi trí năng của bạn, thì bạn làm gì có sự chọn lựa? Không bao giờ. Bạn đã không có mặt, không hiện diện ở đó nữa kia mà! Tình trạng đồng nhất mình với lý trí là một tình trạng băng hoại rất nghiêm trọng. Đó là một biểu hiện của sự điên rồ. Hầu hết mọi người đều chịu chứng bệnh điên rồ này ở nhiều mức độ khác nhau. Khi bạn nhận chân được điều này, bạn sẽ không còn cảm thấy oán hận cha, mẹ mình nữa. Làm sao mà chúng ta có thể bất mãn, oán hận một người đang mắc bệnh? Phản ứng thích hợp nhất chỉ có thể là lòng xót thương.

Như thế có nghĩa là không ai chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình? Tôi không đồng ý.

Nếu bạn đang bị lý trí điều khiển, mặc dầu bạn không có sự chọn lựa ở đây, nhưng bạn vẫn phải gánh chịu hậu quả của sự mê mờ của mình, và bạn sẽ tạo thêm khổ đau cho mình nữa. Bạn sẽ gánh chịu sợ hãi, xung khắc, rắc rối và đớn đau. Nhưng nhờ gánh chịu khổ đau như thế thì cuối cùng nỗi khổ ấy mới đưa bạn ra khỏi mê lầm.

Những gì ông nói về sự chọn lựa cũng áp dụng cho lòng tha thứ, đúng không? Chúng ta cần phải khá tỉnh thức và chấp nhận hoàn cảnh sống của chúng ta một cách vô điều kiện trước khi chúng ta có thể khoan dung.

“Tha thứ” là từ được dùng hai ngàn năm nay nhưng hầu hết chúng ta đều có một cái nhìn rất hạn chế về ý nghĩa của từ này. Bạn không thực sự khoan dung với chính mình hay với người khác khi mà bạn vẫn còn mong tìm một căn cước, một cái tôi từ quá khứ. Chỉ qua sự tiếp cận năng lực của phút giây hiện tại, cũng chính là năng lực của chính bạn, bạn mới có thực sự có lòng khoan dung. Điều này làm cho Quá Khứ trở nên không đáng kể và bạn nhận thức sâu sắc rằng những gì bạn đã làm hay người khác đã làm trong quá khứ, những thứ đó không thể động đến cái bản chất sáng ngời của bản thể bạn. Lúc đó toàn bộ khái niệm về lòng khoan dung sẽ trở nên không còn cần thiết nữa.

Làm sao tôi có thể đạt đến nhận thức đó?

Khi bạn có sự chấp nhận hoàn cảnh sống của bạn một cách vô điều kiện và vì vậy bạn sẽ có mặt một cách hoàn toàn. Quá khứ sẽ không còn uy lực đối với bạn. Bạn sẽ không cần nó nữa. Hiện Hữu trở thành chính yếu. Phút giây hiện tại là chính yếu.

Làm sao tôi biết là mình đã chấp nhận một cách hoàn toàn?

Đó là khi bạn không còn hỏi câu hỏi đó nữa.

Chú thích Chương 10:


1) Chấp nhận những gì đang xảy ra: Thường khi có chuyện gì xảy ra, chúng ta thường có khuynh hướng không chấp nhận rằng chuyện ấy đã hoặc đang xảy ra, như thể chúng ta có năng lực không cho chuyện ấy xảy ra. Không ít thì nhiều, chúng ta có sự chống đối ở trong lòng. Chúng ta bất mãn và khổ sở với sự chống đối đó như thể sự việc ấy chưa xảy ra. Thực ra thì những gì mà ta đang chống đối đã xảy ra rồi.

2) Nương theo hơn là đi ngược lại dòng chảy của đời sống: Trong võ thuật, như nhu đạo, người võ sĩ không chống lại sức mạnh của đối thủ mình. Ngược lại, người ấy không dùng sức mạnh của mình, mà chỉ nương theo sức mạnh của đối phương và dùng sức mạnh có sẵn ấy để đánh ngã đối thủ.

3) Phút giây hiện tại là phút giây duy nhất có thực trong đời sống. Vì đời sống chỉ có một phút giây liên tục xảy ra: phút giây hiện tại. Cái mà ta gọi là Quá Khứ chính là những phút giây hiện tại đã qua. Và Tương Lai cũng chỉ là những phút giây hiện tại sắp tới. Cho nên, nếu ta đánh mất phút giây hiện tại là chúng ta đánh mất tất cả.

4) Lý trí: là danh từ nói chung về tất cả những suy tính thiệt hơn, lợi hại cho bản thân mình ở trong đầu ta của tự ngã (ấn tượng sai lầm, cái tôi biệt lập ở trong mình) hay những cảm giác lo lắng, sợ hãi, bất an thường trực ở trong lòng mình. Chúng ta xét đoán sự việc từ chỗ suy tính, phân biệt hoặc lo sợ,… sai lầm này cho nên chúng ta ít khi có được một cái nhìn đúng đắn về những gì đang xảy ra.

5) Ung dung tự tại hay an nhiên tự tại: là tư thái sống an nhàn, thanh thoát trong sự có mặt trầm tĩnh, sáng suốt và toàn vẹn với những gì đang xảy ra chung quanh mình.

6) Phản ứng có tính chất rập khuôn, đầy quán tính: Trong mỗi người chúng ta có một thói quen phản ứng được tự động hóa, mà ta không thể làm khác đi được khi sự phản ứng đó bị kích thích. Ví dụ khi có ai đó làm một chuyện gì phật ý ta, tự nhiên ta trở nên nóng giận không thể kềm lại được. Lúc đó thói quen hành xử một cách tự động khi phản ứng đã bị kích thích sẽ được thi hành. Chúng ta trở nên cư xử rất lỗ mãng trong cách nói năng, ứng xử. Hãy tưởng tượng bạn phản ứng rập khuôn như một chiếc máy bán nước ngọt, chỉ cần bỏ vào 50 xu thì sẽ bấm ngay được một lon nước. Trong trường hợp này, chỉ cần chọc cho bạn giận là trăm lần như một, bạn sẽ phản ứng với sự giận dữ cao độ, bạn sẽ lỗ mãng trong lời ăn, tiếng nói y hệt như những lần đã xảy ra trước đó. Bạn không còn tự chủ nữa khi đã bị bấm vào điểm yếu này.

7) Cái Biết mầu nhiệm: Ở trong mỗi người chúng ta, có một khả năng Biết, khả năng ý thức sâu sắc về mọi sự mọi vật mà chúng ta tiếp xúc. Nhận thức, hay cái Biết ấy, được biểu hiện qua ý thức và năm giác quan: tai (nghe), mắt (thấy), mũi (ngửi), lưỡi (mùi vị) và thân thể (xúc chạm). Những khi Tâm ta ở trong tư thái ung dung tự tại, không bị những cảm xúc mạnh hay Tự Ngã điều khiển, thì cái Biết ấy hết sức là chân thật, trong sáng. Chừng nào chưa nhận ra được cái Tôi chân thật, không hình tướng, bất hoại này thì chúng ta sẽ còn trôi nổi, chìm đắm chạy theo những hình tướng bên ngoài.

8) Đồng hóa với những cảm xúc đó: là khi đồng nhất mình, hay cho rằng mình chỉ là những suy tư, cảm xúc, phản ứng, ham muốn, hoặc chối bỏ... xảy ra ở trong mình: Nghĩa là khi có một suy tư hay ý tưởng phát sinh ở trong đầu, như “Ồ tôi sẽ bị mất việc”,… bạn trở thành một, hay đồng nhất với ý tưởng đó và trở nên hoảng hốt, lo sợ. Hoặc giả dụ, khi có một cảm giác giận dữ phát sinh ở trong lòng (vì một người đối diện lỡ nói một điều gì phật ý mình,…) bạn lập tức cho rằng mình là cảm giác giận dữ ấy, nghĩa là bạn trở thành sự giận dữ ấy, mà không hề biết; do đó bạn đánh mất chính mình, không còn tự chủ và bị sai xử bởi cơn giận đang có mặt ở trong mình.

9) Chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời của mình: nghĩa là chấp nhận hoàn cảnh sống của mình, chấp nhận những gì mình đang có hay đang không có. Vì tất cả những thứ đó là kết quả của những gì mình đã nói, làm và suy nghĩ trong quá khứ, dù mình có ý thức hay không ý thức. Chịu hoàn toàn trách nhiệm về cuộc đời mình cũng có nghĩa là chịu trách nhiệm cho những cảm xúc khó chịu hay dễ chịu xảy ra ở trong mình mà không đổ thừa cho người khác. Vì tất cả những cảm xúc xảy ra ở trong mình đa số là những thứ đã có sẵn, và chỉ biểu hiện ra khi có cơ hội qua tiếp xúc, chung đụng với người khác. Những biến cố này sẽ giúp ta thấy được những góc cạnh khác ở trong ta mà ta chưa thấy trước đây.

10) Đừng kháng cự lại sức mạnh của đối phương, chỉ cần nương vào đó mà vượt qua: Đây là nguyên lý của nhu đạo, một loại võ thuật của Nhật Bản, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh.

11) Vô Vi: tức là thái độ sống an nhiên, thảnh thơi. Có chuyện gì ta cần thì làm, nhưng làm việc trong tư thái nhẹ nhàng, thanh thoát, không vội vã, không âu lo.

12) Nhà giả kim: thời Trung Cổ, có những người luyện kim có khả năng chuyển sắt thành vàng. Ở đây tác giả muốn so sánh với khả năng chuyển hóa tật bệnh thành an lạc, khổ đau thành giác ngộ.

13) Hấp dẫn và thể hiện: Theo nguyên tắc Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nghĩa là những gì giống nhau sẽ hấp dẫn với nhau. Nếu bạn là người có nhiều khổ đau, bạn sẽ hấp dẫn những người có nhiều khổ đau đến với bạn và thể hiện những khổ đau ấy qua quan hệ của hai người. Nếu bạn là người nhẹ nhàng, vui vẻ, bạn sẽ thu hút những người nhẹ nhàng, vui vẻ và sẽ thể hiện sự nhẹ nhàng vui vẻ ấy trong quan hệ giữa hai người.

14) Bày tỏ niềm đau của mình: Khi mình khổ, mình có thể nói “Anh cảm thấy khổ quá khi em nói (hay em làm) như thế này,…” hoặc “Em rất đau đớn khi nghe anh nói (hay anh làm) như vậy,…” mà không cần phải vẽ vời, hay đổ lỗi gì cả. Những lầm lỡ khi ta bắt đầu một câu nói trực tiếp, có vẻ kết luận về nhân cách hay thói quen tiêu cực của người kia như: “Em lúc nào cũng cho mình là đúng” hay “Anh luôn luôn ăn hiếp em!” là chúng ta làm cho người kia cảm thấy bị công kích, làm cho họ cảm thấy cần phải tự tạo ra những chướng ngại không cần thiết trong mối quan hệ giữa hai người.

15) Khi ta khổ, ta có khuynh hướng đồng hóa mình với vấn đề của mình như là một tấm căn cước: “Tôi là một người bị ung thư” hoặc trở thành một nạn nhân: “Tôi là một người bị phụ tình, bị bạc đãi”. Ta có thể nói sự thật mà không cần có một căn cước hoặc phải làm một nạn nhân: “Tôi đang có vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe, đó là một chứng ung thư” hoặc “Nhà tôi không còn sống chung với tôi nữa, bà/ông ấy đã đi ở với một người khác”

16) Đây là ngọn lửa của ý thức sẽ soi sáng và xoa dịu những niềm đau ở trong bạn: Khi ta mang ý thức, sự chú tâm của ta để soi chiếu vào một vấn đề hay một cảm xúc khó chịu gì ở trong lòng thì tự nhiên trong ta sẽ có sự dễ chịu, và sự chuyển hóa lập tức xảy ra. Đó là khả năng trị liệu của sự có mặt, ý thức sáng tỏ ở trong ta. Khi ta lắng nghe một người đang có một nỗi khổ cần được thố lộ, chỉ cần ta lắng nghe với sự chú tâm và có mặt là người đó sẽ vơi nhẹ bớt ngay khổ đau.

17) Thầy Nhất Hạnh dùng hình ảnh sóng và nước để diễn minh cùng một chân lý: Cuộc đời ta được biểu hiện như một đợt sóng, một cá thể riêng biệt trong thế giới hiện tượng có sinh, có diệt này. Nên khi cuộc đời ta đến chỗ cuối cùng, ta không sợ chết vì biết rằng bản chất chân thực của ta là nước, không bao giờ sinh nên không bao giờ bị hoại diệt. Hãy tưởng tượng ta đi vào sinh, tử như một trò chơi, như những đợt sóng khi biểu hiện, khi không biểu hiện.

18) Sự giả dối này: Đó là ấn tượng ở trong mỗi người rằng mình là một cá thể biệt lập, có một bản ngã riêng, không dính gì đến mọi sự, mọi vật chung quanh mình. Đó là sự giả dối, là một sai lầm từ nguyên thủy. Nói theo Thánh Kinh, đó là tội lỗi nguyên thủy trong mỗi chúng ta, tức là sự sai lầm khi bắt đầu cho rằng mình và Thượng Đế là hai thực thể riêng biệt, có sự phân ly. Khi thức ngộ hoàn toàn, ta sẽ hiểu ra được điều giả dối, sai lầm này. Do đó khi Eckhart Tolle nói “cái chết của sự giả dối này”, tức là sự cáo chung của sai lầm nguyên thủy này sẽ là một giải thoát lớn cho chúng ta.

19) Tâm thức: Cách ta suy nghĩ, cảm nhận, phán đoán mọi sự mọi việc trong đời ta.

20) Khuôn mẫu cư xử: Cách chúng ta cư xử, suy nghĩ theo một thói quen, một khuôn mẫu nhất định, bó buộc, không thể làm khác đi được. Một trong những khuôn mẫu cư xử từ quá khứ là từ những cách cư xử của cha, mẹ hoặc những người thân trong gia đình cư xử với nhau,… Ví dụ, nếu một người con gái lớn lên trong một gia đình mà bố mình thường hành hung, đánh đập mẹ mình thì trong sự thiếu hiểu biết, người con gái đó có khuynh hướng tìm đến những người thanh niên hay bạn trai có khuynh hướng bạo hành và sai lầm xem chuyện mình bị hành hung là một cử chỉ biểu lộ yêu thương và cách cư xử theo khuôn mẫu là chịu trận, không biết phản ứng, hay cầu cứu… Mặc khác, nếu một thanh niên mà thuở bé hay bị mẹ hay chị mình la mắng, uy hiếp bắt phải phục tùng theo ý mình thì khi trưởng thành, người thanh niên ấy có khuynh hướng chọn những bạn gái, vợ, hay cấp trên,… là những phụ nữ có uy quyền, hay lấn lướt chồng,… như mẹ, hoặc chị mình đã làm trong quá khứ để chàng có dịp phục tùng mẹ, hay chị,… tìm lại quá khứ quen thuộc của mình qua cách cư xử thụ động với bạn gái, với vợ hay với cấp trên (là một phụ nữ) của mình. Đây chính là một hành động của sự thiếu hiểu biết, muốn tái tạo lại những gì quen thuộc, đã xảy ra,… trong quá khứ. Mặt khác, nếu chúng ta lớn lên trong một gia đình nghèo mà khi cần bất cứ thứ gì như áo quần, giầy dép,… ta cũng phải đấu tranh thì khi lớn lên, chúng ta có khuynh hướng giành giựt, đấu tranh với người hôn phối của mình hoặc người đồng sự ở công sở, những khi có chuyện gì xung đột, hay cảm thấy quyền lợi của mình bị sứt mẻ.

21) Cảm thấy không xứng đáng được yêu thương: Khi có một biến cố trong thời thơ ấu, khuynh hướng của con người nói chung là muốn tìm hiểu tại sao chuyện không may ấy xảy ra cho mình, nên chúng ta cố tìm cách giải thích biến cố đó theo đầu óc non nớt, vụng dại của mình hoặc cố gắng điền vào những chỗ mà chúng ta không biết. Cho nên, chúng ta thường đi đến những kết luận sai lầm về chính mình và về biến cố đó, những kết luận thiếu sót ấy tạo thành những niềm tin sai lạc nhưng in đậm nét trong tâm thức ấu thơ của mình. Và chúng ta quên bẵng đi những ký ức bất hạnh này, và từ đó trở về sau, chúng ta luôn tìm cách chứng minh từ chuyện này qua chuyện khác rằng “tôi là một kẻ không ai thương!”, … và xem kết luận, suy đoán sai lầm đó như là sự thật và hành xử một cách thiếu hiểu biết theo những niềm tin sai lạc đó. “Tôi là một kẻ không ra gì!” hoặc “Tôi là một kẻ không xứng đáng để được yêu thương” là hai niềm tin sai lạc phổ thông nhất.

22) Cảm thấy mình rất đáng bị trừng phạt: Thuở ấu thơ, có khi chúng ta vụng dại làm những điều lầm lỗi và cảm thấy rất hối hận, cảm thấy mình rất đáng bị trừng phạt. Trong một quan hệ nam nữ, có khi ta bị đối xử một cách quá đáng so với những lỗi lầm mà ta phạm phải, nhưng chúng ta vẫn cảm thấy bị phạt chưa đủ. Vì chúng ta mang tâm thức ấu thơ này đi vào đời sống của một người trưởng thành nên trong lòng ta luôn có ấn tượng rằng mình rất đáng bị trừng phạt. Hội chứng tội tỗi này dễ làm chúng ta tìm đến những quan hệ có tính chất bạo hành mà mục đích thực là để giúp chúng ta nhìn ra được những kết luận sai lầm này trong quá khứ và rũ bỏ những thương tích ấy, sống một đời sống mới có hạnh phúc. Nhưng thông thường chúng ta không nhận ra rằng mình có hội chứng tội lỗi này, hoặc chúng ta không đủ can đảm để chấm dứt những quan hệ bạo hành, bệnh hoạn mà chúng ta đang có. Không có một quan hệ vợ chồng hay nam nữ nào quá quan trọng hay xứng đáng để chúng ta phải bị đánh đập, ngược đãi hoặc bị đối xử một cách hung bạo.

23) Cần tạo thêm khổ đau mới để làm thức ăn nuôi dưỡng khối khổ đau cũ ở trong ta được sống mãi: Hãy để ý xem, khi ta có một niềm đau ở trong ta mà ta không ý thức về khổ đau ấy, ta sẽ bị niềm đau ấy sai sử để nói và làm những điều gây thêm đổ vỡ, đau thương. Vì khối khổ đau cũ ở trong ta như một sinh vật, nó cần được nuôi dưỡng bằng thức ăn: đó là những đau đớn, khổ sở mới, được tạo ra ở trong ta. Bạo hành là một biểu hiện của hiện tượng này, trong đó người gây ra bạo hành có sẵn rất nhiều khổ đau bị đè nén, chỉ chực chờ bùng nổ, và họ có khuynh hướng muốn chứng tỏ cho người bị họ ngược đãi rằng: “Muốn nếm mùi khổ đau hả? Đây, khổ là như thế này này!”. Dĩ nhiên là họ ít khi nói ra được điều này thành lời Do đó, bạo hành là sự biểu hiện, phóng chiếu những khổ đau của chính mình lên trên kẻ khác vì tự thân người bạo hành không thể chịu trách nhiệm cho khối khổ đau quá lớn ở trong họ. Có khi họ không ý thức được họ đang chất chứa rất nhiều khổ đau ở trong lòng. Những người gây bạo hành thường là những người đã từng là nạn nhân của bạo hành.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 11 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

MUA THỈNH KINH SÁCH PHẬT HỌC

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




Phật giáo và Con người


Rộng mở tâm hồn và phát triển trí tuệ


Ba điểm tinh yếu trên đường tu tập


Truyện cổ Phật giáo

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 18.117.184.236 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (161 lượt xem) - Hoa Kỳ (12 lượt xem) - ... ...