Tinh cần giữa phóng dật, tỉnh thức giữa quần mê. Người trí như ngựa phi, bỏ sau con ngựa hènKinh Pháp cú (Kệ số 29)
Tìm lỗi của người khác rất dễ, tự thấy lỗi của mình rất khó. Kinh Pháp cú
Chớ khinh thường việc ác nhỏ mà làm; đốm lửa nhỏ có thể thiêu cháy cả núi rừng làng mạc. Chớ chê bỏ việc thiện nhỏ mà không làm, như giọt nước nhỏ lâu ngày cũng làm đầy chum vại lớn.Lời Phật dạy
Kỳ tích sẽ xuất hiện khi chúng ta cố gắng trong mọi hoàn cảnh.Sưu tầm
Người vấp ngã mà không cố đứng lên thì chỉ có thể chờ đợi một kết quả duy nhất là bị giẫm đạp.Sưu tầm
Nghệ thuật sống chân chính là ý thức được giá trị quý báu của đời sống trong từng khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời.Tủ sách Rộng Mở Tâm Hồn
Cỏ làm hại ruộng vườn, si làm hại người đời. Bố thí người ly si, do vậy được quả lớn.Kinh Pháp Cú (Kệ số 358)
Hãy nhớ rằng hạnh phúc nhất không phải là những người có được nhiều hơn, mà chính là những người cho đi nhiều hơn. (Remember that the happiest people are not those getting more, but those giving more.)H. Jackson Brown, Jr.
Nếu chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, sẽ không ai còn cần đến vận may. (If we always helped one another, no one would need luck.)Sophocles
Người thành công là người có thể xây dựng một nền tảng vững chắc bằng chính những viên gạch người khác đã ném vào anh ta. (A successful man is one who can lay a firm foundation with the bricks others have thrown at him.)David Brinkley

Trang chủ »» Danh mục »» SÁCH TẠP BÚT - TRUYỆN KÝ »» Đông phương huyền bí »» CHƯƠNG 13: NHỮNG CHÂN LÝ DIỆU HUYỀN »»

Đông phương huyền bí
»» CHƯƠNG 13: NHỮNG CHÂN LÝ DIỆU HUYỀN

Donate

(Lượt xem: 7.150)
Xem trong Thư phòng    Xem định dạng khác    Xem Mục lục 

       


Đông phương huyền bí - CHƯƠNG 13: NHỮNG CHÂN LÝ DIỆU HUYỀN

Font chữ:

Một buổi chiều, tôi nhìn thấy một người khách lạ bước vào tịnh thất với dáng điệu trầm tĩnh và ngồi xuống sàn, gần bên giường của Đức Maharichi. Người ấy có một màu da đen sậm và một gương mặt rất sáng sủa. Anh ta vẫn im lặng không nói gì, nhưng Đức Maharichi liền tiếp đón anh ta bằng một nụ cười thân mật.

Cái phong độ cốt cách của người này tạo ra một ấn tượng sâu xa trong lòng tôi. Anh ta giống như một pho tượng Phật tạc trong tảng đá, gương mặt biểu lộ một sự bằng an, trầm lặng khác thường. Khi bốn mắt chúng tôi gặp nhau, anh ta nhìn thẳng vào tôi một hồi lâu làm cho tôi phải thấy ngượng và quay mặt đi chỗ khác.

Suốt buổi chiều hôm đó, anh ta không thốt ra một lời nào cả. Qua ngày hôm sau, tôi lại gặp anh ta trong một trường hợp thật bất ngờ. Tôi vừa rời khỏi tịnh thất trở về chòi để nấu nước pha trà, vì người giúp việc của tôi đã đi chợ vắng. Khi vừa mở khóa cánh cửa lớn, tôi sắp sửa bước vào thì có một vật cựa quậy dưới đất và ngừng lại cách chân tôi trong gang tấc. Những cử động im lặng của nó và một tiếng huýt nhỏ như tiếng sáo mà tôi nghe thoáng qua trong bóng tối trước khi tôi nhìn thấy rõ đó là vật gì, nhắc nhở cho tôi biết rằng có một con rắn ở trong chòi.

Trong một lúc, tôi cảm thấy trong lòng rối loạn vì sợ hãi và không biết phải làm thế nào. Thần kinh tôi bị căng thẳng đến cực độ. Tôi nhìn con rắn không chớp mắt, và nó cũng phùng mang giương mắt nhìn lại tôi.

Sau cùng, tôi định tĩnh tinh thần và hối hả rút lui. Tôi định đi tìm một cây gậy lớn để đập cho nó một gậy giập xương sống, thì bỗng đâu người khách lạ ngày hôm qua thình lình xuất hiện ở ngoài sân. Gương mặt trầm tĩnh và đôi mắt nhìn yên lặng của anh ta làm cho tôi bớt sợ hãi và lấy lại sự bình tĩnh. Anh ta đến gần chòi tranh, với cái nhìn thoáng qua anh ta đã thấu rõ tình hình và thản nhiên bước vào chòi. Tôi bèn la lớn để báo động nhưng anh ta không màng để ý đến tiếng kêu của tôi. Một lần nữa tôi lại băn khoăn sợ hãi, vì mặc dầu không có khí giới anh ta vẫn đưa hai tay về phía con rắn. Con rắn há miệng và le cái lưỡi dài như hình mũi chĩa thò ra thụt vào, nhưng có vẻ như không định mổ vào người kia.

Trong khi đó có hai người đang tắm dưới ao gần bên, nghe tiếng kêu của tôi bèn vội vã chạy tới. Trước khi họ đến gần chòi tranh thì người khách lạ đã khom lưng ngồi gần bên con rắn và lấy tay nhẹ vuốt trên lưng nó trong khi con rắn cúi đầu sát đất và nằm im lặng! Nó không còn phùng mang le lưỡi một cách dữ tợn như trước nữa, cho đến khi hai người kia bước đến và làm cho nó giựt mình. Khi ấy, nó bèn quẫy đuôi dường như sực tỉnh, và trước bốn cặp mắt của chúng tôi, nó nhanh nhẹn bò ra khỏi chòi tranh và trong khoảnh khắc đã biến mất dạng trong khu rừng rậm.

– Đó là một con rắn hổ mang!

Một trong hai người mới đến sau lên tiếng bình phẩm. Người này là một thương gia ở thành phố gần bên, thường đến thăm đạo viện để chiêm ngưỡng Đức Tôn Sư hoặc đàm đạo với tôi. Tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về việc người khách lạ đùa giỡn với con rắn một cách không chút sợ sệt. Anh thương gia bèn giải thích:

– À, đó là đạo sĩ Ramiah. Ông ta là một trong những đệ tử cao nhất của đức Maharichi. Ông ta là một người có bản lĩnh khá lắm.

Tôi không thể trò chuyện với người yogi này vì tôi nhận thấy ông ta giữ giới tịnh khẩu, ngoài ra còn có những giới hạnh đặc biệt khác nữa mà ông ta tự nguyện giữ theo. Hơn nữa, ông ta là người bản xứ, sử dụng thổ ngữ Telugu chứ không biết tiếng Anh. Tôi cũng nghe nói rằng ông ta là một người sống ẩn dật và rất kín đáo, thường không giao thiệp với ai. Ông ta sống trong một cái nhà nhỏ xây bằng gạch dưới bóng mát của một tảng đá khổng lồ bên cạnh bờ ao, và là đệ tử của Đức Maharichi đã mười năm nay.

Tuy nhiên, sau đó không lâu, sự cách biệt giữa chúng tôi đã được lấp bằng. Tôi gặp ông ta trên bờ ao khi ông ta cầm một cái bình nhỏ bằng đồng xuống ao để múc nước. Dáng điệu ung dung tự tại của ông ta làm tôi thích thú, lúc đó tôi sẵn có đem theo máy ảnh trong túi, tôi mới ra dấu hiệu đề nghị ông ta cho phép tôi chụp một bức ảnh. Ông ta không phản đối, và sau khi chụp ảnh ông ta còn theo tôi về chòi.

Tại đây chúng tôi thấy một người đệ tử già của Đức Maharichi, đã bảy mươi lăm tuổi, là một công chức sở Hỏa xa về hưu, đang ngồi đợi ngoài của chờ tôi về. Cũng do sự tình cờ, tôi được biết ông lão này biết tiếng Telugu khá giỏi cũng như tiếng Anh và ông sẵn lòng làm thông ngôn cho chúng tôi, tuy rằng chỉ bằng bút đàm.

Người đạo sĩ không thích nói nhiều và cũng không muốn bị ai phỏng vấn, nhưng tôi tìm cách gợi chuyện để được biết thêm vài điều về cuộc đời của ông ta.

Đạo sĩ Ramiah đã trên bốn mươi lăm tuổi, có sở hữu đất ruộng tại tỉnh Nellore, và mặc dầu không chính thức xuất gia, ông ta vẫn giao lại cho gia đình cai quản toàn bộ đồn điền tài sản để bản thân có thời giờ theo đuổi việc học đạo.

Ông ta có một nhóm đệ tử riêng ở tỉnh Nellore, nhưng mỗi năm một lần ông ta rời khỏi tỉnh này để đến viếng Đức Maharichi và ở lại đạo viện của Ngài chừng đôi ba tháng.

Thuở thiếu thời, ông ta đã từng đi châu du khắp miền Nam Ấn để tìm thầy học đạo. Ông ta đã học với nhiều vị danh sư và phát triển được một vài quyền năng đặc biệt. Đối với các phép luyện khí công và tham thiền, ông ta đều thực hành rất dễ dàng. Dường như ông ta đã vượt xa cả các vị thầy của mình, vì ông ta đã trải qua những trạng thái định mà các vị thầy của ông ta không thể giải thích được một cách thỏa đáng.

Sau đó ông ta tìm đến Đức Maharichi, Ngài liền giải thích cho ông ta nghe về những thành tựu mà ông ta đã đạt được trên đường tu tập và giúp đỡ ông ta tiếp tục tu tập tiến xa hơn nữa.

Đạo sĩ Ramiah cho tôi biết rằng lần này ông ta định ở lại đạo viện trong hai tháng nên có đem theo một người tiểu đồng. Ông ta cũng bày tỏ sự vui lòng khi thấy một người Âu như tôi chú trọng đến nền minh triết cổ truyền của Đông phương.

Tôi đưa cho ông ta xem một tờ tạp chí Anh ngữ có in hình ảnh, và ông ta bình phẩm một cách lạ lùng về một bức ảnh trong đó:

– Chừng nào các nhà bác học thông thái ở phương Tây không còn tìm cách làm cho các động cơ chạy nhanh hơn, và bắt đầu quay nhìn vào nội tâm của họ thì chủng tộc các ông mới có thể tìm thấy hạnh phúc chân thật và vững bền hơn. Ông có chắc rằng người Âu Tây các ông sẽ được hạnh phúc hơn chăng mỗi khi họ phát minh ra được một thứ máy móc mới lạ để giúp họ di chuyển hoặc làm việc nhanh chóng hơn?

Trước khi từ giã, tôi hỏi ông ta về chuyện con rắn hổ mang hôm trước. Ông ta mỉm cười và viết câu trả lời như sau:

– Có gì mà phải sợ? Tôi đến gần nó với tấm lòng lành, không nuôi tư tưởng ác, và một tâm từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Tôi nghĩ chắc hẳn còn có điều gì ẩn giấu sau những lời giải thích giản dị đó, nhưng tôi không hỏi gì thêm mà để cho ông ta trở về nhà.

Trong những tuần lễ sau cuộc gặp gỡ đầu tiên với đạo sĩ Ramiah, tôi đã có dịp biết thêm về ông ta nhiều hơn nữa. Chúng tôi thường gặp nhau hoặc ở chỗ đất trống chung quanh chòi, hoặc trên bờ ao, hoặc ở trước nhà ông ta. Tình bằng hữu đã nảy sinh giữa chúng tôi, nhưng đó là một mối tình câm, không lời, và một hôm nó được biểu lộ bằng cử chỉ, khi người đạo sĩ đặt một bàn tay lên đầu tôi để ban ân huệ và siết chặt hai bàn tay tôi trong tay ông ta.

Ngoài vài câu bút đàm mà người đệ tử già dịch lại cho tôi nghe, chúng tôi không ai nói với nhau một lời nào trong suốt thời gian kết bạn. Tuy nhiên, tôi cảm thấy giữa tôi và đạo sĩ Ramiah có một sợi dây liên lạc mật thiết không thể nào cắt đứtđược.

Thỉnh thoảng, tôi cùng đi bách bộ với ông ta trong khu rừng rậm. Có đôi lần chúng tôi cùng trèo lên sườn đồi giữa những tảng đá lớn dựng lên lởm chởm và đi một cách rất vất vả mệt nhọc trên đường núi gồ ghề. Mặc dầu vậy, ông ta vẫn giữ một thái độ ung dung tự tại mà tôi không khỏi lấy làm cảm phục.

Một lần cách đó không lâu, tôi lại có dịp thấy ông ta biểu lộ rõ ràng năng lực phi thường của ông ta. Tôi vừa nhận được thư từ quê nhà gửi sang với những tin chẳng lành. Tình hình tài chánh của tôi gặp cơn khủng hoảng bất ngờ, và bởi đó tôi sẽ không thể kéo dài chuyến du hành của tôi ở Ấn Độ nữa. Lẽ tự nhiên là tôi có thể ở lại đạo viện thêm ít lâu, vì các đệ tử của Đức Maharichi sẵn có cảm tình với tôi và sẵn lòng dung nạp. Nhưng bản tính tôi không thích như thế. Tôi chỉ còn một cách là trở về xứ sở.

Việc này xảy đến cho tôi như một thử thách về sự tu luyện tinh thần mà tôi đã theo đuổi bấy lâu nay, nhưng vì bản lĩnh của tôi thật ra cũng chưa có gì đáng kể nên tôi không vượt qua nổi cơn thử thách đó.

Tôi cảm thấy trong lòng nao núng và chán nản vô cùng. Tôi không thể cảm nhận được sự giao cảm tâm linh với Đức Maharichi như mọi khi, và đành rời khỏi tịnh thất một cách đột ngột sau khi đến viếng Ngài chỉ có một lát.

Suốt ngày hôm đó, tôi đi thẩn thơ vô định một cách tuyệt vọng và nguyền rủa sự yếu đuối của chính bản thân mình. Tôi trở về chòi, nằm buông xuôi trên giường, cả thể xác lẫn tinh thần đều mệt mỏi.

Tôi nằm dã dượi và thiếp đi được một lúc, nhưng tôi giựt mình ngồi chồm dậy khi nghe có tiếng gõ cửa. Tôi mời khách vào và ngạc nhiên khi thấy người khách ấy không phải ai khác mà chính là đạo sĩ Ramiah.

Tôi ngồi dậy và khi ông ta ngồi xếp bằng dưới nền gạch, tôi cũng ngồi như thế trước mặt ông ta. Có lẽ ông ta đã nhận biết được cơn xáo trộn và khủng hoảng tinh thần vừa qua trên nét mặt tôi, nên ông ta chăm chú nhìn tôi với một câu hỏi trong ánh mắt.

Mặc dầu chúng tôi ngôn ngữ bất đồng, nhưng có một cảm giác lạ lùng khiến tôi cứ nói chuyện với ông ta bằng tiếng Anh, hy vọng rằng ông ta sẽ hiểu được tư tưởng của tôi cho dù ông ta không hiểu được những lời tôi nói.

Với vài câu vắn tắt, tôi thuật lại những tin chẳng lành vừa xảy ra từ bên nhà, và phụ họa thêm bằng những cử chỉ, sắc mặt thất vọng và chán nản. Ramiah ngồi lẳng lặng nghe. Khi tôi đã nói xong, ông ta gật đầu đáp lại một cách trịnh trọng, ra dấu cho tôi biết rằng ông ta đã hiểu rõ được câu chuyện.

Một lát sau, ông ta đứng dậy và lấy tay ra hiệu mời tôi đi theo. Chúng tôi đi xuyên qua khu rừng rậm, nhưng chỉ độ một lát là đến một khoảng đất trống. Ánh nắng mặt trời xế trưa rọi thẳng vào người chúng tôi. Tôi tiếp tục đi theo ông ta độ nửa tiếng đồng hồ, đến một gốc cây đa lớn, chúng tôi ngừng lại và ngồi nghỉ dưới bóng mát.

Sau khi ngồi nghỉ được một lúc, chúng tôi lại đi bộ thêm nửa giờ xuyên qua rừng rậm, và sau cùng chúng tôi đi xuống một cái ao lớn theo một con đường tắt mà Ramiah có vẻ rất quen thuộc.

Chúng tôi ngồi trên bờ ao, dưới ao có rất nhiều hoa sen. Người yogi chọn bóng mát của một thứ cây lùn thấp và ngồi dưới gốc cây, tôi cũng ngồi bên cạnh ông ta. Ngọn cây với cành lá sum sê tỏa ra trên đầu chúng tôi như một cây dù lớn. Cảnh vật nơi đây hoàn toàn vắng lặng không có một bóng người, chỉ toàn là rừng rậm bao bọc chung quanh.

Ramiah ngồi xếp bằng, hai chân tréo, và ra hiệu bảo tôi ngồi xích lại gần. Kế đó, ông ta quay mặt về phía ao sen và trong giây phút đã nhanh chóng đi vào trạng thái nhập định.

Giờ phút trôi qua một cách chậm chạp nhưng Ramiah vẫn ngồi điềm nhiên bất động, gương mặt ông ta cũng yên tịnh như mặt nước hồ sen, thân hình ông ta ngay ngắn như một pho tượng đồng.

Nửa giờ trôi qua, ông ta vẫn ngồi yên như thế, gương mặt dường như biến đổi bởi một sự yên tịnh càng lúc càng thâm trầm hơn trước, đôi mắt nhìn thẳng vào hư không hay nhìn những ngọn đồi xa xa ở tận chân trời tôi cũng không biết được.

Sau một thời gian không lâu, tôi dần dần chịu ảnh hưởng của bầu không khí im lặng chung quanh và sự điềm tĩnh lạ lùng của người bạn này. Một sự bằng an tuyệt vời đã xâm chiếm tâm hồn tôi một cách từ từ, thấm thía, dịu dàng và chắc chắn. Một sự ung dung tự tại và thản nhiên trước nghịch cảnh mà tôi chưa hề bao giờ đạt tới từ trước, nay đến với tôi một cách dễ dàng. Người đạo sĩ đã giúp đỡ tôi bằng một phương pháp bí mật và huyền diệu, tôi không còn nghi ngờ gì về điều đó nữa. Ông ta đã dùng sự giao cảm giữa hai tâm thức để ảnh hưởng đến tôi một cách mầu nhiệm như thế. Sự bằng an tuyệt vời tỏa ra từ ông ta trong trạng thái thiền định thâm sâu đã có sự ảnh hưởng rõ rệt đến tâm thức đang xao động của tôi.

Sức nóng mặt trời đã giảm bớt khi đến lúc xế chiều, bãi cát nóng gắt cũng đã nguội dần. Một vài tia nắng màu vàng sậm từ hướng tây chiếu thẳng vào gương mặt của người đạo sĩ, làm cho thân hình ông ta dường như tỏa hào quang sáng chói. Một niềm an lạc vô biên tràn ngập cõi lòng tôi, những sự thay đổi của cuộc đời, những nỗi thăng trầm của số kiếp nay không còn là điều quá ư quan trọng đối với tôi nữa, khi tôi bắt đầu sống với nội tâm thiêng liêng của chính tôi.

Trong lúc đó, tôi nhận thấy một cách rõ ràng rằng con người có thể thản nhiên và an vui trước nghịch cảnh nếu người ấy nhận thức được chân ngã của mình, rằng thật là một điều khờ dại khi cứ mãi bám víu lấy những sự vật phù du giả tạo giữa cuộc đời trần gian, mãi ôm ấp vun bồi cho một cái bản ngã hoàn toàn hư dối, không thật.

Tôi cũng nhận thấy rằng khi một người nhận biết và nghe theo tiếng nói của nội tâm, người ấy sẽ có thể trải qua những cơn phong ba chìm nổi của cuộc đời thế gian mà lòng không nao núng hay sợ sệt. Tôi cảm thấy rằng, ở một nơi nào đó sâu thẳm trong nội tâm luôn tồn tại những giá trị căn bản chân thật và bất di bất dịch của cuộc đời, và khi người ta nhận thức được những giá trị ấy rồi thì tất cả những sự lo âu phiền não của cuộc đời sẽ tự nó tan biến mãi mãi không còn nữa.

Nhờ sự chuyển biến tinh thần vừa diễn ra trong tâm hồn mà tôi đã trút hết được gánh nặng của sự thất vọng ưu phiền. Tôi không còn biết tới thời gian trôi qua trong khi tôi có được cái kinh nghiệm tốt đẹp tuyệt vời nói trên, và tôi cũng không biết làm sao có thể giải thích một cách mỹ mãn sự huyền diệu của nội tâm khi nó được hoàn toàn vắng lặng và không tùy thuộc ở thời gian hay không gian.

Bóng hoàng hôn đã buông xuống khu rừng rậm. Lúc ấy tôi không còn ý thức được cảnh vật chung quanh nữa, nhưng từ sâu thẳm trong tiềm thức, tôi nhớ lại rằng màn đêm sụp xuống rất mau chóng ở vùng nhiệt đới, và lúc đó tôi đang ngồi giữa rừng sâu hoang vắng cô liêu. Tuy nhiên, tôi lại không cảm thấy sợ sệt chút nào khi ngồi bên cạnh người đạo sĩ, nhất là khi người ấy lại đưa tôi đến thám hiểm vào nội tâm huyền bí để được thấm nhuần trong bầu không khí an lạc tuyệt vời...

Sau cùng, khi người đạo sĩ sờ nhẹ vào cánh tay tôi để ra hiệu cho tôi đứng dậy thì chung quanh trời đã tối đen. Chúng tôi nắm tay nhau đi trong đêm tối xuyên qua khu rừng hoang để trở về nhà, không có đèn đuốc soi đường, nhưng người đạo sĩ dường như được dìu dắt bởi một thứ giác quan lạ lùng. Vào một lúc khác, khu rừng này có lẽ đã làm cho tôi phải sợ sệt, vì ban đêm là lúc mà các loài thú dữ rời khỏi sào huyệt của chúng để đi kiếm mồi, và chúng tôi thừa biết là có vô số độc trùng ác thú đang lởn vởn chung quanh trong rừng này.

Tôi nhớ lại con chó Jackie ở đạo viện vẫn thường đi chơi với tôi trong vườn hoặc chia sớt bữa ăn với tôi ở chòi tranh, một hôm đã trở về nhà với cuống họng bị xé toang, máu me đầm đìa vì vết cắn của một con beo gấm, và một con chó khác cũng bị cọp tha mất, không trở về. Biết đâu đêm nay tôi cũng sẽ thoáng nhìn thấy trong bóng tối cặp mắt xanh biếc và sáng ngời của một con beo gấm, hay vô ý dạp nhằm một con rắn hổ mang nằm khoanh tròn dưới đất, hoặc giẫm chân lên một con bồ cạp lửa mà nọc độc có thể làm chết người dễ dàng?

Nhưng ngay tức khắc tôi cảm thấy hổ thẹn vì những ý nghĩ đó bên cạnh người đạo sĩ không hề sợ sệt, và tôi liền nép mình trong hào quang an tịnh che chở của ông ta mà lúc này tôi cảm nhận rõ là đang bao bọc quanh tôi.

Đêm càng khuya, khu rừng càng vang rền những âm thanh rùng rợn. Tiếng sủa của một con chó rừng văng vẳng từ đàng xa. Những loài thú hoang dã khác cũng rú lên để đáp lại, và khi chúng tôi về đến gần cái ao bên cạnh nhà thì tiếng ễnh ương, rắn mối, trùng dế, dơi chuột... đang hòa thành một khúc nhạc lạ lùng, bí hiểm.

Sáng hôm sau, khi thức giấc tôi cảm thấy tâm hồn hoàn toàn nhẹ nhàng thư thái, sẵn sàng chào đón một vũ trụ tràn đầy ánh sáng, nhộn nhịp tưng bừng...

Còn biết bao nhiêu chuyện mà tôi có thể viết về đời sống ở đạo viện và về những cuộc đàm thoại của tôi với Đức Maharichi. Tôi càng thấy rõ rằng Ngài là người nối nghiệp của một quá khứ huy hoàng xa xăm, khi mà người ta xem sự khám phá chân lý thiêng liêng cũng có giá trị không kém gì sự tìm ra một mỏ vàng. Từ nay, tôi biết chắc rằng tôi đã gặp ở nơi thâm sơn cùng cốc này một trong những bậc siêu nhân cuối cùng còn sót lại của xứ Ấn Độ.

Gương mặt trầm lặng của vị hiền giả này làm cho tôi cảm thấy gần gũi hơn với những bậc thánh nhân hiền triết của xứ Ấn Độ thời xưa. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy rằng cái phần thâm sâu huyền diệu nhất của Ngài vẫn chưa được biểu lộ rõ ràng. Có khi Ngài vẫn sống cách biệt một cách lạ lùng, và những khi khác Ngài lại ban rải ân huệ thiêng liêng của Ngài cho tôi với một hảo ý tuyệt vời, và điều đó nối liền tôi với Ngài bằng những sợi dây nhân duyên bền chặt và trường cửu.

Tôi đã quen dần với cái phong thái bí ẩn của Ngài và chấp nhận hiểu về Ngài theo những gì tôi nhìn thấy. Tuy Ngài sống cách biệt với thế giới bên ngoài và không chịu tiếp xúc với người thế gian, nhưng người nào có đầy đủ nhân duyên sẽ được dắt dẫn đến sự giao cảm tâm linh với Ngài. Tôi càng yêu quí Ngài hơn nữa khi tôi thấy Ngài rất giản dị và khiêm tốn giữa một bầu không khí cao cả và thiêng liêng thật sự mà người ta cảm thấy rõ rệt ở chung quanh Ngài.

Ngài không hề tuyên bố về những năng lực thần bí hay một sứ mạng thiêng liêng nào đó, cho dù điều đó chắc chắn sẽ được những người Ấn Độ dễ dàng tin theo, vì họ là một dân tộc sẵn có sự tin tưởng nơi thần quyền, và sẵn sàng thánh hóa Ngài ngay trong khi Ngài đang còn sống, nếu Ngài không phải là một người hoàn toàn chân thật và cực lực phản đối những tư tưởng đó.

Nhưng tôi vẫn cảm nhận một điều rằng sự có mặt trên thế gian của những người như Đức Maharichi dường như không phải là do sự ngẫu nhiên tình cờ. Ngài như một vị sứ giả thiêng liêng tiếp tục công trình của những bậc hiền giả đã từng xuất hiện trải qua dòng lịch sử nhân loại để gìn giữ, duy trì sự sinh hoạt tâm linh trên mặt dịa cầu. Người ta phải chấp nhận sự kiện là những bậc hiền giả chỉ xuất hiện để chỉ ra cho chúng ta thấy được chân lý, chứ không phải để thảo luận đôi co gì với chúng ta.

Dầu sao, những giáo lý của Ngài có một tính cách hấp dẫn đối với tôi vì nó rất thực tế và đúng tinh thần khoa học. Ngài không sử dụng đến một sức mạnh thần thông siêu phàm nào và cũng không đòi hỏi một đức tin mù quáng. Danh từ Thượng đế cũng không hề xuất hiện trên đôi môi của Ngài. Ngài chỉ đưa ra một phương pháp giúp mỗi người tự phân tách bản ngã, và phương pháp đó có thể thực hành đối với bất cứ ai, cho dù người đó có những tín ngưỡng như thế nào. Nhưng phương pháp đó khi được thực hiện một cách đúng đắn và miên mật chắc chắn sẽ đưa con người đến sự nhận thức được chân ngã hay chân như, Phật tánh của chính mình.

Càng ngày tôi càng nhận thức được rằng có một phần sức mạnh tinh thần của Đức Maharichi thường xuyên được chuyển sang cho tôi, cho dù chúng tôi không trao đổi với nhau một lời nào.

Tuy nhiên, ngày dự định lên đường sắp tới làm trở ngại những cố gắng của tôi. Tôi cố nán lại ít lâu, nhưng sức khoẻ của tôi lại giảm sút và làm cho tôi phải quyết định từ giã đạo viện càng sớm càng tốt.

Thật vậy, khi nghe theo tiếng nói của nội tâm và từ Bombay trở về đây, tôi đã có đủ ý chí gạt bỏ sự kháng cự của một thể xác đau yếu và một tinh thần mệt mỏi để lưu ngụ tại vùng nóng bức này. Nhưng sức người có hạn, mà cái thể xác vật chất này của tôi cũng có sự giới hạn chịu đựng của nó, cho nên không bao lâu thì cơn bịnh cũ của tôi đã bộc phát trở lại và sức khoẻ của tôi nhanh chóng suy sụp đến một mức độ đáng báo động. Sự thật là tôi chưa từng bao giờ cảm thấy suy yếu đến thế.

Vài giờ trước khi bước vào một buổi thiền định bên cạnh Đức Maharichi thì tôi bắt đầu run lên một cách dữ dội, khắp cả thân mình toát mồ hôi như tắm, triệu chứng của một cơn sốt nóng sắp đến.

Sau khi viếng thăm một nơi thánh điện thâm nghiêm ở ngôi đền lớn, tôi hối hả trở về và bước vào tịnh thất khi giờ công phu buổi chiều đã trôi qua hết nửa phần. Tôi lẳng lặng ngồi xuống sàn gạch và tréo chân theo thế ngồi thiền như thường lệ. Trong vài giây đồng hồ, tôi định tĩnh tinh thần và tập trung tư tưởng vào một điểm nhất định. Đến lúc tôi nhắm mắt thì tâm thức của tôi đã chú ý hoàn toàn vào nội tâm và tập trung ở đó. Hình dáng Đức Maharichi ngồi nhập định hiện rõ ràng trong tâm trí tôi. Noi theo lời chỉ dẫn thường xuyên của Ngài, tôi cố gắng vượt qua hình bóng ấy để an trụ vào phần vô sắc tướng, tức là bản chất thực sự của thực tại.

Tôi ngạc nhiên khi thấy những cố gắng của tôi có kết quả rất mau chóng, và hình bóng ngài đã biến mất trong tâm trí tôi, tôi không còn cảm thấy gì khác hơn là một sự an tĩnh trống không trong tâm thức.

Những suy luận của lý trí trong những lần tham thiền ban sơ của tôi trước kia đã dứt hẳn. Tôi đã từng dò hỏi, cân nhắc và phân tích những ý thức của tôi về thể chất, về tình cảm và lý trí, nhưng khi nhận thức rõ đó không phải là chân ngã, tôi đã buông bỏ hết tất cả những điều đó.

Kế đó, tôi tập trung tâm thức vào việc quán xét chính nó, để tìm xem nguồn gốc của nó ở đâu. Đây là lúc tôi bước vào giai đoạn quyết liệt. Trong khi tôi giữ cho tâm thần yên tịnh, lý trí phân biệt đã tự rút lui, cảnh vật chung quanh bắt đầu lu mờ và đắm chìm vào một sự vắng lặng hư không. Trong trạng thái đó, hành giả thường phải luôn duy trì sự tập trung tư tưởng, không để cho tâm thức bị xao động vì bất cứ lý do gì.

Cuộc đời thế gian với bao nhiêu sự cám dỗ, thử thách, vẫn luôn rình rập chung quanh người tu tập. Giữ gìn cho thân tâm vắng lặng, không bị xao động bởi ngoại cảnh thật là một điều khó lắm thay!

Đêm nay, tôi đạt tới trạng thái đó một cách rất mau chóng, sau khi đã loại trừ một loạt những tư tưởng vẩn vơ vẫn thường đột nhập vào tâm trí trước khi tâm thần được bình tĩnh yên lặng. Một sức mạnh mới mẽ và dồi dào bắt đầu tác động mãnh liệt trong tâm thức tôi và thúc đẩy tôi tiến sâu hơn vào nội tâm. Nỗ lực đầu tiên đã mang lại kết quả thật nhanh chóng khác thường, hầu như có phần quá dễ dàng, và sự căng thẳng của giai đoạn này được nối tiếp theo sau bằng một cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng và thoải mái.

Trong giai đoạn kế tiếp, tôi cảm nhận được sự tách rời ra khỏi hoạt động của lý trí và quán sát nó một cách khách quan. Một tia sáng trực giác dần dần tỏa chiếu cho tôi thấy rõ rằng mọi suy diễn và khái niệm của lý trí đều chỉ hoàn toàn dựa trên nền tảng của một cái tôi hư dối, không thật và không bền vững. Tôi quán xét những tư tưởng của chính tôi với một sự siêu thoát lạ thường. Cái trí biện luận, suy diễn từ trước đến nay vẫn được xem như một khả năng quí báu mà người ta lấy làm tự hào, nay đã bộc lộ rõ sự yếu kém và sai lầm của nó. Nhưng rồi tôi cũng nhận thấy rằng cái trí suy diễn sai lệch đó thật ra cũng không nằm ngoài bản thể của tự tánh, nên ngay khi tôi vừa nhận biết được sự hư dối của nó thì nó không còn có khả năng dắt dẫn tôi đi vào những con đường sai lệch nữa.

Thật là một điều lạ lùng mà trước đây tôi không hề biết đến. Tôi không hề nghĩ rằng người ta có thể quan sát sự hoạt động của những tư tưởng trong tâm trí mình, như thể là của một người nào khác. Nhưng quả thật là trong trạng thái thiền định hiện thời, tôi đang quan sát được từng ý niệm, từng tư tưởng của chính tôi phát khởi lên như thế nào và chấm dứt, tan biến ra sao.

Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy còn có một sự trói buộc, hạn chế bởi những tư tưởng rất tinh tế, mà khi thoáng nhìn qua không thể hoàn toàn nhận biết được. Nhưng càng ngày những tư tưởng vi tế ấy càng xuất hiện nhiều hơn và thực sự tạo thành một áp lực khó lòng dứt bỏ, giải thoát được. Tôi nhớ lại rằng đức Maharichi không bao giờ bảo tôi nên chặn đứng một cách quyết liệt những hoạt động của lý trí. Ngài luôn dặn dò rằng:

– “Con chỉ cần truy ngược dòng mọi tư tưởng cho đến lúc thấy được tận nguồn gốc sinh khởi của nó, và khi con nhận thức được bản chất thực sự của mọi tư tưởng thì tự chúng sẽ chấm dứt, tan biến như những bọt nước mà thôi.”

Tôi liền buông bỏ mọi cố gắng kháng cự với sự sinh khởi của các niệm tưởng và tự đưa mình vào một trạng thái tỉnh giác nhưng hoàn toàn không phản kháng. Tôi có cảm tưởng rằng trạng thái tỉnh giác này rất giống như một con rắn đang lặng lẽ rình mồi.

Tôi duy trì trạng thái thiền định đó cho đến khi tôi nhận thức được rằng lời dạy của đức Maharichi quả thật không sai. Những đợt sóng niệm tưởng bắt đầu giảm bớt dần dần và ngày càng trở nên yếu ớt, trong khi sự tỉnh giác trong tâm thức tôi ngày càng sáng suốt hơn. Tôi bắt đầu kinh nghiệm được một trạng thái an lạc lạ lùng khoan khoái nhất từ trước đến giờ.

Thời gian dường như ngừng trôi khi tâm thức tôi tràn ngập trạng thái an lạc và sáng suốt đó. Những cảm xúc của giác quan thông thường dường như đã hoàn toàn mất hẳn, tôi không còn nghe, thấy, nhận biết hay nhớ nghĩ đến điều gì nữa. Và trạng thái an lạc này dường như có thể kéo dài bất tận mà không chịu bất cứ một sự giới hạn nào.

Trong trạng thái an lạc đó, tôi cảm thấy được một điều mới lạ là sự tự do tuyệt đối hoàn toàn. Một khái niệm tự do mà trước đây dù có ai mô tả cho tôi hẳn tôi cũng không sao hiểu được. Đó là sự thoát hẳn ra khỏi mọi chi phối và dẫn dắt của tư tưởng, thật chẳng khác nào thoát ra khỏi chốn ngục tù đen tối để thở hít bầu không khí tự do phóng khoáng bên ngoài! Và còn hơn thế nữa, đây là một sự tự do không còn giới hạn, cho dù giới hạn đó là không gian mênh mông hay thời gian vô tận.

Trong trạng thái an lạc đó, những đắng cay của dĩ vãng, những ưu tư phiền muộn của tương lai, thảy đều tiêu tan không còn chỗ đứng. Tôi đã đạt được một sự tự do thiêng liêng và một niềm hạnh phúc an lạc không thể tả. Tôi cảm nhận được mình đang mở rộng hai tay ôm lấy toàn thể vũ trụ và muôn loại chúng sinh với một tình thương bao la thâm trầm, vì tôi đã hiểu được một cách sâu sắc rằng: “Khoan dung không chỉ là tha thứ, mà còn là thương yêu tất cả!”

Con người không bao giờ có thể tìm thấy chân giá trị của cuộc đời khi chưa biết được giá trị của sự thương yêu. Do sự si mê đó, người ta điên đảo chạy theo những lý thuyết tà vạy, tìm kiếm hạnh phúc của chính mình bằng cách đánh cắp hạnh phúc của kẻ khác. Thật là hoang tưởng! Nhưng sự hoang tưởng đó đã ngự trị trong nhân loại từ Đông sang Tây hàng bao nhiêu thế kỷ rồi! Tất cả những cuộc chiến tranh khốc liệt đã từng xảy ra trên mặt đất này đều nói lên điều đó. Chúng chẳng có ý nghĩa gì khác hơn là sự tranh giành hạnh phúc, vì người ta luôn tưởng rằng hạnh phúc là một cái gì đó có thể cướp lấy từ kẻ khác. Nhưng sự thật đã cho thấy điều ngược lại. Kẻ thắng và người thua trong một cuộc chiến đều phải nhận lãnh những mất mát khổ đau thay vì là sự an vui hạnh phúc như người ta mong đợi.

Ngược lại, khi người ta biết mở lòng thương yêu kẻ khác thì chính bản thân họ sẽ có thể tìm thấy lẽ sống chân thật trong sự an vui hạnh phúc thật sự, mà người được thương yêu cũng nhận được những niềm vui an ổn. Quả là một nhận thức có vẻ như đi ngược lại với những gì mà nhân loại đang theo đuổi, nhưng đó lại là một nhận thức hoàn toàn sáng suốt và chính xác. Con người chỉ có thể tìm được ý nghĩa đó khi chịu quay lại quán xét nội tâm của chính mình.

Con người từ xa xưa đã luôn khắc khoải đi tìm ý nghĩa đích thật của cuộc đời, nhưng không hề biết rằng cái ý nghĩa sâu xa và chân thật nhất của đời chỉ có thể được tìm thấy ngay trong nội tâm của mỗi người. Khi một người sống buông thả theo dục vọng thì sự sáng suốt trong nội tâm sẽ là một điều hoàn toàn xa lạ đối với anh ta. Và một khi biết quay về với sự tĩnh lặng trong nội tâm, kiềm chế mọi dục vọng, thì trí tuệ sáng suốt chắc chắn sẽ tự nhiên được hiển lộ. Nguyên lý đơn giản này lại chính là những gì mà tất cả các bậc thánh nhân hiền triết đông tây kim cổ đều nhận biết.

Con người luôn hướng về những bậc hiền triết từ thời xưa để tìm học những tư tưởng cao siêu và những triết lý uyên áo, nhưng thật ra thì những sự tìm kiếm đó chẳng bao giờ mang lại cho chúng ta một tri thức giác ngộ thật sự. Chỉ khi nào ta nhận biết được bản tính chân thật của chính mình thì tâm thức ta mới được tắm tràn trong ánh sáng trí tuệ. Tất cả những gì là tốt đẹp cao cả về tư tưởng và tình cảm đều sẽ tự chúng hiển hiện trong tâm thức chúng ta một cách dễ dàng mà không cần phải tìm kiếm.

Sự giác ngộ tự tánh cũng sẽ đồng thời làm thức tỉnh một tình thương bao la rộng lớn đến nỗi có thể chuyển hóa được cả một đời người, và cũng chuyển hóa cả những người chung quanh. Không gì có thể làm thay đổi được chân lý cổ xưa này, mặc dầu có thể nó đã được biết đến qua nhiều thế hệ kể từ khi con người bắt đầu xuất hiện trên quả này; nhưng cũng không gì khó đạt được hơn chân lý giản dị này, bởi những dục vọng tiềm tàng trong mỗi con người luôn xô đẩy chúng ta đi về hướng ngược lại.

Mặc dù không còn một chút ý niệm nào về thời gian trôi qua, nhưng cuối cùng rồi tôi cũng ra khỏi trạng thái thiền định thâm sâu kỳ diệu đó. Tôi nhận thấy rằng tôi vẫn còn ngồi trong tịnh thất của Đức Maharichi, nhưng gian phòng giờ đây đã vắng lặng như tờ, làm tôi có cảm giác như không còn sự hiện diện của bất cứ ai khác. Đôi mắt tôi chợt nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường và nhận ra rằng giờ này có lẽ tất cả mọi người đều đã đến phòng ăn để dùng cơm chiều.

Kế đó, tôi cảm thấy hình như vẫn còn có ai đó đang ngồi bên cạnh tôi. Đó là vị đệ tử già bảy mươi lăm tuổi vẫn còn ngồi cạnh tôi trên sàn gạch và chăm chú nhìn tôi một cách rất có thiện cảm. Ông ta cho tôi biết:

– Sư huynh đã nhập định được gần hai tiếng đồng hồ.

Tôi đưa mắt nhìn, gương mặt của ông ta đầy những vết nhăn, dấu tích sự tàn phá của thời gian. Ông ta vừa nói với tôi vừa nở một nụ cười rất tươi, dường như cũng nhận biết và muốn chia sớt niềm hạnh phúc vừa rồi của tôi. Tôi định mở lời để đáp lại, nhưng lấy làm ngạc nhiên mà thấy rằng tôi không thể phát ra tiếng nói được nữa! Phải mất gần mười lăm phút sau đó tôi mới thu hồi lại được giọng nói của mình. Trong khi đó, ông lão lại nói tiếp:

– Đức Maharichi đã theo dõi sư huynh một cách chặt chẽ trong suốt thời gian đó.Khi đức Tôn Sư trở lại tịnh thất, những người đi theo Ngài cũng vào ngồi lại một lúc trước khi sửa soạn đi ngủ. Ngài bước lên giường gỗ ngồi xếp bằng như thường lệ. Ngài ngồi trong tư thế nghỉ, khuỷu tay mặt chống lên đùi, bàn tay mặt đỡ lấy cằm, hai ngón tay đặt bên gò má. Bốn mắt chúng tôi gặp nhau, và ngài tiếp tục nhìn tôi một cách chăm chú.

Khi người tiểu đồng hạ thấp cái bấc đèn theo như lệ thường mỗi đêm, tôi lại ngạc nhiên khi nhận ra một tia sáng lạ thường trong cặp mắt yên lặng của đức Tôn Sư. Đôi mắt Ngài chiếu sáng ngời như hai ngôi sao giữa đêm tối. Tôi chưa từng gặp một người nào có cặp mắt lạ lùng như nhà hiền triết này. Nếu cặp mắt con người có thể biểu lộ một năng lực siêu nhiên thì hẳn đó chính là trường hợp của Đức Maharichi.

Khói trầm bay lên nghi ngút tỏa mùi thơm khắp phòng trong khi tôi vẫn nhìn vào đôi mắt không chớp của Ngài. Bốn mươi phút lặng lẽ trôi qua trong tình trạng đó, tôi với Ngài đều im lặng nhìn nhau mà không ai thốt ra một lời nào. Giữa lúc này, lời nói nào có ích gì. Bây giờ, chúng tôi hiểu nhau hơn trong im lặng, vì trong cái im lặng thâm trầm đó tâm hồn chúng tôi hòa hợp lẫn nhau một cách tuyệt diệu và chính trong sự giao cảm âm thầm này mà tôi nhận được một thông điệp không lời nhưng rất rõ ràng.

Sau khi tôi đã nhận thức được quan điểm của Đức Maharichi về cuộc đời, từ nay đời sống nội tâm của tôi đã bắt đầu có thể hòa hợp với sống tinh thần của Ngài.

Trong hai ngày kế đó, tôi phải chiến đấu với cơn sốt sắp đến và cố gắng giữ vững tinh thần. Vị đệ tử già bước đến chòi của tôi vào một buổi trưa và nói:

– Thời gian chung sống của sư huynh với chúng tôi nay đã chấm dứt. Nhưng chắc có ngày sư huynh sẽ trở lại với chúng tôi chứ?

– Lẽ tất nhiên tôi sẽ trở lại.

Tôi đáp một cách tự tin. Khi anh ta ra về, tôi đứng trước cửa nhìn lên ngọn đồi thiêng, Arunachala, nói theo tiếng Ấn Độ. Nó đã trở thành cái bối cảnh linh thiêng của cuộc đời tôi. Bất cứ lúc nào, khi tôi đang làm gì, dầu là đang ăn uống, nói chuyện, đi bách bộ, hay ngồi thiền, tôi chỉ ngước mắt lên là nhìn thấy cái dáng hùng vĩ của nó nhô lên trước mặt, hoặc ở chỗ lộ thiên, hoặc xuyên qua khung cửa sổ. Người ta không thể quan niệm được rằng một nơi đạo viện thâm nghiêm như chốn này mà không có một ngọn đồi như thế, và tôi cũng đã chịu ảnh hưởng bởi cái sức hấp dẫn lạ lùng của nó.

Chiều đến, tôi chào từ giã tất cả mọi người trong đạo viện, trừ ra Đức Maharichi. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng bởi vì tôi đã thành công trong sự chiến đấu để đạt tới một kết quả chắc chắn về đường tâm linh, và cũng bởi vì tôi đã thắng trận mà không phải hy sinh cái thái độ hợp lý của tôi cho một đức tin mù quáng.

Tuy nhiên, khi Đức Maharichi cùng tôi bước ra đến sân đạo viện lần cuối cùng, tôi cảm thấy sự sung sướng của tôi thình lình biến mất và nhường chỗ cho một nỗi buồn man mác. Tôn Sư đã chinh phục được tôi một cách lạ lùng và tôi cảm thấy buồn vô hạn khi phải từ giã Ngài ra đi.

Ngài đã nối liền hai linh hồn chúng tôi bằng những sợi dây nhân duyên vô cùng bền chặt, tuy rằng Ngài không có ý muốn nào khác hơn là giúp tôi tự giải thoát. Ngài đã giúp tôi nhận thức được chân như, Phật tánh và tự mình biến những danh từ đó thành một kinh nghiệm sống động, độc đáo và vô cùng huyền diệu.

Tôi cố kéo dài giờ phút từ biệt, và không thể nào biểu lộ hết những nỗi xúc cảm thâm trầm trong lòng tôi.

Nền trời xanh thẫm chiếu muôn ngàn ánh sao lóng lánh, vầng trăng non mới mọc giống như cái lưỡi liềm bằng bạc treo lủng lẳng trên không trung. Hàng nghìn con đom đóm lập lòe làm cho khu vườn trở thành một tấm thảm chói sáng rực được thêu bằng kim cương, và những chiếc lá dừa đẩy đưa một cách dịu dàng trước ngọn gió chiều hiu hắt.

Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của tôi vào cảnh giới tâm linh đã mang đến cho tôi những kết quả tuyệt diệu không ngờ, nhưng giờ phút chia tay với nơi này cũng đã đến. Tuy vậy, biết đâu rồi thế cuộc xoay vần lại chẳng có ngày nào đó tôi sẽ trở lại chốn này?

Tôi chắp hai tay đưa lên trán theo phong tục bản xứ và thốt vài lời từ biệt. Ngồi trên chiếc giường gỗ, Tôn Sư không nói một lời. Dưới ánh đèn dầu leo lét, tôi còn thoáng thấy gương mặt trầm lặng của Ngài với màu da đồng bạch và cặp mắt sáng ngời. Một cái chắp tay vái chào cuối cùng, một cái vẫy tay nhẹ của Ngài đáp lại, và thế là hết.

Tôi trèo lên cỗ xe bò đợi sẵn ngoài sân, người phu xe vung roi quất mạnh. Cỗ xe từ từ lăn bánh, hai con bò dễ dạy lầm lũi tiến bước trong đêm khuya thơm ngát mùi hương của vùng nhiệt đới.

    « Xem chương trước «      « Sách này có 14 chương »
» Tải file Word về máy » - In chương sách này

_______________

TỪ ĐIỂN HỮU ÍCH CHO NGƯỜI HỌC TIẾNG ANH

DO NXB LIÊN PHẬT HỘI PHÁT HÀNH




BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
1200 trang - 54.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
1200 trang - 45.99 USD



BẢN BÌA CỨNG (HARDCOVER)
728 trang - 29.99 USD



BẢN BÌA THƯỜNG (PAPERBACK)
728 trang - 22.99 USD

Mua sách qua Amazon sẽ được gửi đến tận nhà - trên toàn nước Mỹ, Canada, Âu châu và Úc châu.

XEM TRANG GIỚI THIỆU.



Donate


Quý vị đang truy cập từ IP 3.143.214.226 và chưa ghi danh hoặc đăng nhập trên máy tính này. Nếu là thành viên, quý vị chỉ cần đăng nhập một lần duy nhất trên thiết bị truy cập, bằng email và mật khẩu đã chọn.
Chúng tôi khuyến khích việc ghi danh thành viên ,để thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên, đồng thời quý vị cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ban Quản Trị trong quá trình sử dụng website này.
Việc ghi danh là hoàn toàn miễn phí và tự nguyện.

Ghi danh hoặc đăng nhập

Thành viên đang online:
Rộng Mở Tâm Hồn Viên Hiếu Thành Rộng Mở Tâm Hồn Huệ Lộc 1959 Rộng Mở Tâm Hồn Bữu Phước Rộng Mở Tâm Hồn Chúc Huy Rộng Mở Tâm Hồn Minh Pháp Tự Rộng Mở Tâm Hồn minh hung thich Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Âm Phúc Thành Rộng Mở Tâm Hồn Phan Huy Triều Rộng Mở Tâm Hồn Phạm Thiên Rộng Mở Tâm Hồn Trương Quang Quý Rộng Mở Tâm Hồn Johny Rộng Mở Tâm Hồn Dinhvinh1964 Rộng Mở Tâm Hồn Pascal Bui Rộng Mở Tâm Hồn Vạn Phúc Rộng Mở Tâm Hồn Giác Quý Rộng Mở Tâm Hồn Trần Thị Huyền Rộng Mở Tâm Hồn Chanhniem Forever Rộng Mở Tâm Hồn NGUYỄN TRỌNG TÀI Rộng Mở Tâm Hồn KỲ Rộng Mở Tâm Hồn Dương Ngọc Cường Rộng Mở Tâm Hồn Mr. Device Rộng Mở Tâm Hồn Tri Huynh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Nguyên Mạnh Rộng Mở Tâm Hồn Thích Quảng Ba Rộng Mở Tâm Hồn T TH Rộng Mở Tâm Hồn Tam Thien Tam Rộng Mở Tâm Hồn Nguyễn Sĩ Long Rộng Mở Tâm Hồn caokiem Rộng Mở Tâm Hồn hoangquycong Rộng Mở Tâm Hồn Lãn Tử Rộng Mở Tâm Hồn Ton That Nguyen Rộng Mở Tâm Hồn ngtieudao Rộng Mở Tâm Hồn Lê Quốc Việt Rộng Mở Tâm Hồn Du Miên Rộng Mở Tâm Hồn Quang-Tu Vu Rộng Mở Tâm Hồn phamthanh210 Rộng Mở Tâm Hồn An Khang 63 Rộng Mở Tâm Hồn zeus7777 Rộng Mở Tâm Hồn Trương Ngọc Trân Rộng Mở Tâm Hồn Diệu Tiến ... ...

Việt Nam (249 lượt xem) - Hoa Kỳ (16 lượt xem) - Senegal (13 lượt xem) - Saudi Arabia (3 lượt xem) - Đức quốc (3 lượt xem) - Nga (2 lượt xem) - Hungary (1 lượt xem) - ... ...